1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nhật ký MỘT CÔ GÁI THIẾU NGOAN

Chủ đề trong 'Tâm sự' bởi Coltpard, 11/06/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hoa Binh, thu bay ngay 05 thang 08 nam 2006,
    Cuộc đời này cái gì cũng phải trả giá. Càng hi vọng nhiều thì nỗi thất vọng càng lắm. Ví như AY vui mừng biết mấy khi tới Hòa Bình, thì ông lại buồn làm sao khi thấy đất đai nhà cửa bị bỏ hoang tàn, tiều điều, xơ xác. Kế hoạch năm năm sau về Việt Nam xây nhà sống ở Hòa Bình trở thành một ước vọng xa xỉ chán chường. AY thốt lên một câu, ông cảm thấy mỏi mệt với Việt Nam, không thể tin tưởng một ai, ngay cả người như TD cũng chỉ là người làm ít nói nhiều, một cái gì đó, hay nhiều cái gì đó, về Việt Nam, đang mất dần đi, trong tuyệt vọng.
    Tôi hiểu tâm trạng thất vọng của AY, bởi vì tôi đã ngán ngẩm làm sao khi nhìn thấy cỏ dại mọc cao quá đầu gối bít kín lối xe vào. Nhà cửa bẩn thỉu bụi bặm. Mẹ tôi lúi húi lau dọn khi AY đi quanh còn tôi thì ngồi chống cắm nhìn ra bờ hồ, lòng hoang tàn kinh khủng. Tôi mệt nhoài với những toan tính thiệt hơn thường tình. Mọi thứ đều trở nên chẳng còn ý nghĩa. Thêm một lí do để cảm thấy sự tồn tại vô nghĩa của bản thân mìn, trước sự lãng quên của một mảnh đất đẹp.
    Tôi nhìn thấy một con chuồn chuồn, rồi một con bươm ****, chúng biết rõ là chúng muốn gì. Còn tôi thì không. Tôi không biết sẽ phải làm gì với mảnh đất này. Tôi cũng không biết sẽ phải làm gì với cuộc đời mình. Tôi cứ mải miết kiếm tìm, nhưng tôi không hiểu mình tìm gì. Tôi thấy thiếu, nhưng không biết mình thiếu gì. Không còn nhiệt huyết nữa, chẳng còn ước mơ và cũng không có hứng thú, để sống. Tất cả bị thói đời nhàn nhã ru ngủ hết cả rồi. Mà tôi lại bống dưng đâm sợ những cơn sóng gió, những sự bấp bênh. Tôi mệt nhoài dệt đời mình bằng những đường tơ tẻ nhạt, vô vị, không màu sắc, chẳng họa tiết, chẳng bắt mắt cũng chẳng dùng để làm gì, ngay cả để chùi chân. Vô nghĩa hơn cả sự vô nghĩa.
    Nhưng tất nhiên là tôi hiện hữu. Hiện hữu không có nghĩa là tồn tại. Nhưng cái gì hiện hữu cũng phải mang một mục đích nào đó chứ. Ví như AY nói rằng có tôi bên cạnh chí ít cũng làm cuộc sống của ông thêm ý nghĩa. Nhưng tôi cảm chấy sự vô nghĩa của mình với chính mình.
    Trời oi bức đến điên đầu. Nhưng trên bầu trời mây dầy đặc. Mẹ tôi bầy la liệt đồ ăn lên bàn. Tính mẹ hay lo xa, đi đâu cũng mang rất nhiều đồ ăn lặt vặt, mang từ bát đĩa đũa thìa cho đến muối tiêu, chai nước chấm. Mẹ tôi luôn sợ bị đói, trong túi lúc nào cũng có con dao và cái bật lửa, đi đâu xa khỏi Hà Nội chừng một chục cây số là cũng một túi nặng đầy nước uống thức ăn. Ai cũng có một nỗi ám ảnh lo sợ. Có người đi đâu cũng phải giắt thật nhiều tiền mặt, có người thì tay đùm tay bọc đồ ăn... Như tôi, thì lại sợ khát nước.
    Người ăn mặn hay háo nước.
    Bỗng nhiên có cơn giông. Mây đen kéo kín trời. Chúng tôi vội vã trở về. Đi qua những ngọn núi bị người ta khai thác trơ thịt, đỏ như thớ máu, tôi thấy chưa có nỗi buồn nào buồn hơn. Về đến cửa ngõ Hà Nội, xe đan như mắc cửi. Những người lái xe căng thẳng, cau có lao đi trên đường, lửa giận dữ bốc qua làn da bóng nhãy mướt mải. Nụ cười giờ đây sao mà hiếm. Một quang cảnh buồn rầu.
    Thật đáng sợ khi cứ bị ảm ảnh bởi cảm giác đang đi vào một thế giới bị các thiên thần lãng quên...
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 16:21 ngày 12/08/2006
  2. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hanoi, Chu nhat, ngay 07/08/06,
    Ở Hà Nội có một thứ mà bạn có thể kinh doanh, mà tôi nghĩ chắc là hái ra bộn tiền, đó là sự yên tĩnh. Không nói đến nhịp sống hối hả theo những tiếng rồ ga ngoài đường phố, mà cả trong những quán ăn, tiệm uống nước, khu văn hóa, nơi vui chơi. Chúng ta là một dân tộc huyên náo. Trong quán bia thì đã đành, ở những nơi phải nói là khá sang trọng, ta đều bắt gặp những nhóm người ăn to nói lớn, chuyện ở bàn bên cạnh bên này nghe thấy hết cả, chưa kể những tràng cười phá lên, gõ đũa gõ bát rất vô văn hóa, kêu đồ gọi món, đập giấy lau bôm bốp, hay kêu ời ời người phục vụ bàn... AY nói với tôi là không thể hiểu tại sao người Việt Nam có thể hiểu nhau, trong khi mọi người lên tiếng nói cùng một lúc. Không phải là khiếm nhã nếu như những phụ nữ Hà Nội xưa, tóc để búi mái vén cặp tăm, hay ném cái nhìn thiếu thiện cảm vào thói quen thiếu văn hóa công cộng của thói sống bây giờ. Chẳng nhớ gặp ở đâu, cụ già đầu tóc bạc phơ lắc đầu, còn đâu tác phong thanh lịch của người Hà Thành thủa nọ.
    Cùng với năm tháng, những nét đẹp đơn sơ, mộc mạc nhưng sâu sắc mất dần đi. Người ta dễ học thói xô bồ, thiển cận, vì nó dễ hiểu, dễ thực hiện. Ở Hồ Tây có người đàn bà ướp trà nức tiếng. Trà ướp hoa sen của cụ một lần nhấp môi là nhớ suốt đời. Tôi hay tin cụ đã mất, mang theo bí quyết ướp trà, vì không một ai học theo. Khách tao nhã trong lòng không khỏi nuối tiếc. Nhiều mai một nho nhỏ, những đã mất đi là vĩnh viễn không còn nữa, sẽ trở thành thiệt thòi to lớn. Đến lúc ta nhận ra sự mất mát, thì mọi chuyện đều đã muộn cả rồi.
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 16:22 ngày 12/08/2006
  3. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Ha Noi, thu hai, ngày 07 tháng 08 năm 2006,
    Có một câu chuyện nực cười xảy ra trong ngày, khiến tôi không sao dừng ngẫm nghĩ.
    Chuyện là buổi tối hôm qua, sau khi AY gửi đồ cho khách sạn để giặt, ông phát hiện thấy người ta làm mất hai cái quần lót. Đó có thể coi là một chuyện tế nhị khó nói, và tất nhiên là do bất cẩn mới xảy ra sự cố chứ chẳng ai lấy đồ lót của AY làm gì. Vấn đề là cách mà người ta xử lý tình huống khó xử ấy.
    Nếu là tôi, có lẽ tôi sẽ chẳng dám làm ầm ĩ mọi chuyện lên. Nhưng AY thì không.
    Đầu buổi tối, người tiếp tân nói với chúng tôi là khách sạn thành thật xin lỗi vì chuyện không hay xảy ra, điều đó là do sự bất cẩn của người dọn phòng, đã trả nhầm đồ sang phòng khác, khách của phòng đó lại đem vứt đi nên đồ của AY đã mất. Tôi dịch lại và AY cười. Ông bảo đó là vấn đề của khách sạn và ông sẽ phải mua lại đồ đó, vậy thì khách sạn định làm thế nào.
    Thấy AY có ý bắt đền, người tiếp tân lập tức đổi thái độ, tỏ vẻ không hài lòng và muốn định giá (hai cái quần lót). Khi AY nói ông mua chúng với giá 7 đô la thì người tiếp tân sầm mặt, anh ta cho rằng cho dù giá của chúng có là vậy thì chúng cũng đã qua sử dụng, không còn mới nữa, và rằng khó có thể kiểm chứng được giá trị của chúng.
    Thấy tình hình có vẻ căng thẳng vì chuyện không đâu hết sức nực cười, tôi hỏi ý muốn của AY. Quan điểm của AY là vấn đề không phải là chuyện giá trị của món đồ bị mất, mà là cách suy nghĩ về trách nhiệm và thái độ của khách sạn đối với những chuyện bất cẩn như vậy. Cuối cùng ông đưa ra một giải pháp mà theo ông là cả đôi bên cùng vui vẻ: miễn phí toàn bộ số đồ ông đã giặt trong thời gian ở Khách sạn. Người tiếp tân sầm mặt và lắc đầu nói không được. Kết thúc câu chuyện, chúng tôi nói cả hai bên sẽ cùng suy nghĩ về vấn đề này.
    Trở lên phòng, tôi hỏi AY vì sao ông gay gắt và có vẻ bực bội vì chuyện vớ vẩn ấy. Thay vì giải thích, AY nói ông không bực bội mà chỉ tỏ vẻ như vậy đối với người tiếp tân, và ông kể cho tôi nghe một câu chuyện.
    Cách đây mười năm, lần đầu tiên khi AY đến Việt Nam, ông ở Khách sạn Hòa Bình, khi đó ông phát hiện ra bị mất một cái cravat. Chuyện mất đồ này đã khiến ông khó chịu, nhưng khó chịu hơn là thái độ chối đây đẩy của người tiếp tân. Ông quyết làm cho ra chuyện. Cuối cùng, khi thái độ của AY quá gay gắt, người tiếp tân đã kéo ông ra ngoài và trả lại chính cái cravat đó cho ông. Do thích cravat của ông, cô ta đã thông đồng với người dọn phòng lấy nó, rồi đem tặng cho bạn trai của cô. AY nói rằng thói quen tùy tiện chấp nhận những tật xấu từ to tới rất nhỏ của người Việt Nam trong ngành dịch vụ cũng như trong mọi việc khác, là một thói quen có thể đem lại hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề không nằm ở chỗ giá trị của một cái cravat hay vài cái quần lót, mà điều quan trọng hơn là cách suy nghĩ, cách sống, cách làm việc, mà mỗi người Việt Nam, muốn hội nhập, phải trải qua những bài học đắt giá và chẳng dễ chịu gì. Khi có sự cố xảy ra, xin lỗi không bao giờ đủ, cũng như trong cuộc đời, chẳng có gì miễn phí cả.
    Sau đó, AY mới giải thích rằng nhẽ ra đứng trước những chuyện như vậy, những người làm dịch vụ như khách sạn cần phải có những phương án giải quyết trước khi nói chuyện với khách hàng, chứ không để vào thế bị động để phải hỏi khách hàng muốn xử lý thế nào. Ông đã đưa ra một phương án hết sức có lợi cho cả hai, vì ông biết phí giặt đồ của ông không thể quá 2 đô la, nhưng người tiếp tân đã không nhận thấy thiện chí vì giống như nhiều người Việt Nam khác làm trong ngành dịch vụ, coi trọng bản thân họ hơn là hiệu quả của công việc, nên đã gắn lòng tự trọng của bản thân vào mà không nhận thức rõ mặt lợi mặt hại.
    Buổi tối, AY nói với tôi hãy xem ông bắt đầu cuộc chơi nhỏ, ông đánh cuộc với tôi là khách sạn sẽ phải đồng ý với cách giải quyết của ông. Chúng tôi trở về và làm thủ tục thanh toán trả phòng. Tôi liếc vào hóa đơn và thấy đúng là AY phí giặt đồ của ông không tới 2 đô la. Mặc dù vậy, người tiếp tân, tỏ rõ là cảm thấy bất mãn, nói rằng chuyện này đúng là lỗi của người giặt đồ, nên cô ta phải đền chứ không phải là khách sạn, do vậy khách sạn không có trách nhiệm trừ phí giặt đồ. Vậy là khi có vấn đề, thì trách nhiệm luôn thuộc về người vắng mặt.
    Lúc này, AY nghiêm mặt và nói, để xảy ra sự cố tế nhị này không ai muốn, nhưng rõ ràng đó không thể là lỗi của ông, giá trị của đồ mất không quan trọng, quan trọng hơn cả là cách suy nghĩ và thái độ phục vụ của người làm dịch vụ, ông rất lấy làm vừa lòng với khách sạn trong suốt thời gian ở đó, trừ mỗi chuyện đáng tiếc nho nhỏ này, và bởi thế, khách sạn nên có một cách xử lý thỏa đáng để ông còn muốn quay trở lại trong lần sau.
    Nghe vậy người tiếp tân cười khẩy, tôi có thể đọc được ý nghĩ của anh ta, rằng anh ta chẳng thích thú gì một người khách keo kiệt như AY quay trở lại. Nhưng một khi thái độ của AY đã trở nên nghiêm túc, người tiếp tân sau một hồi nhăn nhó đắn đo, đành chấp nhận phương án của AY nhưng ông phải khi rõ vào biên lai.
    Tôi, vốn là người Việt Nam được giáo dục theo lối trọng sĩ diện, cảm thấy rất ái ngại vì chuyện nhỏ nhặt này, liền nói với người tiếp tân là tôi rất lấy làm tiếc, người Việt Nam chúng ta với nhau thì có thể thông cảm được, nhưng người nước ngoài họ rất thẳng thắn và coi trọng vấn đề trác nhiệm. Người tiếp tân dài miệng, đáp lời tôi: ?oTây thì cũng có đủ loại Tây!?. Rồi anh ta nói một câu chuyện hoàn toàn khác, rằng có một vài người khách nước ngoài tự động giặt đồ và phơi ở gác thượng, khách sạn rất khó quản lý chuyện đó, có thể chính họ lấy đồ của AY, nhưng để giải thích hợp lý thì không dễ, vì bây giờ chẳng ai biết rõ chuyện gì đã xảy ra.
    Tất cả những gì tôi cảm thấy là chán nản.
    Sau khi hoàn tất mọi thủ tục trả phòng, AY rút ra một tờ, giá trị gấp khá nhiều lần số tiền mà khách sạn phải chịu vì sự cố mất đồ, và từ tốn đặt lên bàn. Nhìn thẳng vào mắt người tiếp tân, lúc ấy đang lạc đi vì hoàn toàn bối rối, ông nói đó là vì ông cảm thấy hài lòng. Ông nói cần phải rõ ràng mọi chuyện, cần phải nhớ rằng tiền bạc không phải là vấn đề, mà người làm dịch vụ cần phải biết có những cái còn quan trọng hơn cả giá trị tiền bạc.
    Tôi không hiểu người tiếp tân trực đêm hôm nay, có suy nghĩ chút nào về chuyện này, giống như tôi, hay không...
    CC
  4. giocuon_thuyentroi

    giocuon_thuyentroi Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    08/06/2006
    Bài viết:
    579
    Đã được thích:
    0
    Còn tôi cảm thấy chị không sống thực với chính bản thân mình, chắc sẽ không bao giờ có được tình yêu đích thực!
  5. giocuon_thuyentroi

    giocuon_thuyentroi Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    08/06/2006
    Bài viết:
    579
    Đã được thích:
    0
    !!!!!!!!!!!!!!!!!
  6. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Con Son, thu ba, ngay 08 thang 08 nam 2006,
    Lần đầu tiên kể từ ngày AY sang, chúng tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng. Người tiếp tân đêm qua tỏ chào chúng tôi với thái độ dịu dàng e ngại. AY hình như đã quên câu chuyện hài hước về chiếc quần lót, nhưng tôi thì không, và có lẽ anh chàng tiếp tân cũng vậy. Chúng tôi gọi taxi, đợi TCS ở cổng chợ hàng da. Niềm vui nho nhỏ hé nở khi thấy anh đánh xe lại.
    Tới hôm nay tôi mới biết TCS kết hôn năm 27 tuổi, vợ anh hơn anh ba tuổi, và anh đã có hai em bé con. Tôi không nghĩ một người khá thành đạt như TCS lại hơn tôi chỉ có 5 tuổi. TCS ít nói, trầm tĩnh, nhưng hay cười. Anh, cũng giống như tôi, mà người Việt mình hay vậy thì phải, thay đổi kế hoạch như chong chóng, chẳng có dự tính gì. Anh xin lỗi vì sẽ chỉ đưa chúng tôi lên Côn Sơn thôi, chứ không đi Cát Bà và không đón chúng tôi được. Đến trưa lúc nói chuyện cùng CD, tôi mới hay anh quyết định mua vé vào miền Nam tầm sư học đạo.
    Hiếm có người như TCS và CD, thành công trong việc làm kinh tế nhanh chóng khiến họ nhận ra một điều, có vẻ lại rất đơn giản, rằng cho dù có giàu có tới mức nào, có công đức tới làm sao, thì lòng vẫn không thể yên bình được, một ngày kia, việc kiếm thật nhiều tiền bỗng trở nên vô vị kinh khủng...
    Giờ thì CD biết cô làm kinh tế để làm gì. Nếu giúp ích được bản thân mình và gia đình mà niềm hoan hỉ có thể coi là một, thì đem công ích ấy làm việc đạo, giúp người khốn khó hơn mình thì niềm hoan hỉ gấp mười lần. Mỗi lần nhìn thấy nụ cười của CD, thì tôi cảm thấy trong lòng thơ thới thanh thản kì lạ. CD, TCS, như nhiều người khác mà lại chẳng hề giống một ai. CD luôn nói việc mình làm chẳng thấm thía vào đâu, quá nhỏ bé như nắm cát bỏ vào biển. Nắm tay tôi, cô nói: ?oPhải học hỏi, phải đóng góp nữa, cả đời này cháu ạ. Đôi lúc cô thảng thốt, nhận ra cuộc sống này quá ngắn ngủi, chẳng có nhiều thời gian để làm việc có ích lợi, học hỏi và tu tập...?. Tôi thấy ngọn lửa dịu dàng trong mắt cô. Và tôi thấy nỗi hổ thẹn trong lòng tôi.
    Những đồng lúa xanh thăm thẳm biến mất sau những dãy nhà kiên cố, cao tầng, khô khan và loang lổ, những sắc màu xanh thẫm, vàng tươi, đỏ chói lói, lướt qua như cuộc đời. Tôi chưa làm được gì hết cả, ngoài rong chơi và lãng phí tuổi xanh trong những trò vô bổ.
    Trời mưa tầm tã. Được hôm đi chơi thì mưa sao mưa thế?
    CD đón chúng tôi ở sân chùa quê cô, gạch đỏ, mái cong, chùa Hưng Yên còn khang trang hơn cả chùa Hà Nội. Nhà sư trẻ mặc cà sa vàng, tay bưng đĩa hoa, giọng miền Nam nhỏ nhẹ, hỏi tôi và AY có còn cha mẹ. Tôi đảnh lễ bạch thầy. Thầy đưa tôi bông hồng đỏ lá xanh và cài lên áo của AY một bông như vậy, rồi Thầy mời vào trong gian Tam Bảo dự lễ Vu Lan. Trời vẫn mưa không dứt. CD đẩy chúng tôi lên ngồi phía trên nhất, gần với các vị thượng tọa đang bắt đầu khóa lễ tụng Kinh cầu siêu. AY rút máy chụp ảnh và quay phim. Tôi chìm vào tiếng kinh Phật, để thấy tâm mình xoay như con vật hoang đang nhiên bị nhốt lại.
    Bỗng nhiên, tôi thấy nhớ thương mẹ tôi vô vàn. Hai mươi sáu tuổi, chẳng làm được gì cho mẹ, ơn nghĩa sinh thành không biết đến bao giờ mới trả nổi, lại chẳng hiểu bản thân có được nên người? Mấy hôm trước, tôi viết email cho ba thông báo chuyện với AY, ba trả lời có một câu ngắn gọn chúc mừng bằng tiếng Pháp, chuyện đó khiến tôi vừa buồn vừa tủi. Có lẽ ba bối rối khi làm cha tôi, cũng như tôi bối rối khi làm con của ông vậy. Nhưng mẹ tôi thì khác. Nhịn nhục, lo toan, căn cơ, mất mát, mạnh mẽ, phẫn nộ, đấu tranh, khao khát sống và tràn đầy tình cảm, tất cả lặng im hằn lên gương mặt mẹ, hơi thở nặng nề khi ngủ. Đôi khi lòng tôi nhói đau khi nhận ra mẹ tuy trông còn trẻ, nhưng đã phảng phất những tiều tụy của tuổi già. Làm sao để nói với mẹ là tôi yêu mẹ? Thể hiện tình yêu với mẹ, là điều khó khăn nhất trên đời mà tôi chưa thể vượt qua. Chúng tôi là hai thỏi nam châm cùng cực, càng đến gần thì càng bị đẩy ra xa nhau.
    Luẩn quẩn với dòng suy ngẫm của mình, tôi chẳng còn biết làm gì hơn là hồi hướng mọi công đức của mình về cho mẹ cha mình và AY. Mong sao họ được mạnh khoẻ, thanh thản, vui vẻ. Phận làm con cũng chỉ có thể làm được chừng ấy thôi sao? Có gì đó nhoi nhói lên ở trong lòng.
    TCS có vẻ bồn chồn, anh cứ giục đi về, trong khi CD muốn nán chúng tôi lại. Xong lễ tụng kinh cầu siêu ở Tam Bảo, các thượng tọa đảnh lễ cầu vong ở phía ngoài. TCS nói đợi xong lễ rồi đi ngay. Nhưng chúng tôi cáo về thì các cụ nhất quyết đòi ?oông Tây? ở lại thọ trai. Có bà cụ sởi lởi, tóc vấn cài hoa hồng trắng lá tím, bảo kẻ đầu bạc chẳng nhẽ mời mãi không được kẻ đầu xanh dùng bữa cơm chay.
    Thọ trai xong, trời vẫn chẳng ngớt mưa. Chúng tôi vội vã đi vào ?otrong núi?. Trời mưa, đường lầy, trơn như bôi mỡ. Có khoảng đường đất giữa hai bờ ruộng, nước tràn bờ trông như sông, cẩn thận lắm mới đánh xe qua được. Chúng tôi đi chân đất, quần xắn, đội mưa dò đường. Lâu rồi không có cảm giác bàn chân chạm lớp bùn nâu mềm mại, man mát, nhớp nháp, thấy trong lòng thanh thản lạ lùng. Mùi đất, mùi mưa, mùi cỏ. Những con bọ đốm đen bám trên lá lúa. Mưa ngớt là đàn chim bay lượn ngoài đồng, lao xuống, chao nghiêng, vút lên cao. Cá chuối quẫy khỏi nước, choi choi nhảy trên bờ, rồi lại trườn xuống ruộng.
    TCS vui miệng kể chuyện mà các cụ kể cho anh, chẳng biết sự thật được bao nhiêu. Chuyện là có con cá chuối mẹ nuôi đàn con. Hôm đó không săn được mồi, cá con thì đói. Con cá mẹ liền quẫy lên bờ, nằm yên như đã chết, đợi đến khi bọn kiến bu đầy, thì choách một cái nhảy xuống nước. Thế là kiến chết nổi cả lên mặt nước. Đàn con vì thế mà có cái ăn.
    Vất vả mấy cũng qua được con đường khó khăn. Dưới cơn mưa AY giúp người ta lăn những bao tải mật mía nặng cả trăm kí, người lấm láp bùn, trông đáng yêu lạ lùng. Chúng tôi đẩy xe máy lên xe rồi quay trở ra Côn Sơn. Một lần nữa trên con đường bé xíu trợt bùn. Có đoạn trơn quá, tưởng đã lao xuống ruộng mà đổ nghiêng xe nếu TCS không vững tay.
    Tới Côn Sơn khoảng 3 giờ chiều. Trời đã ngớt mưa nhưng cảnh buồn thê thảm.
    CC
  7. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Con Son, thu tu ngay 09/08/06,
    6 giờ sáng, tôi tỉnh dậy và thấy ánh nắng chang chang rọi ngoài cửa sổ. Rặng núi phủ rừng cây xanh biêng biếng lấp ló bên ngoài. Lặng lẽ trườn ra khỏi màn để khỏi đánh thức người tình còn đang ngủ say, mở cửa bước ra ngoài.
    Gió ***g lộng. Phong linh làm bằng ống nứa phất phơ gõ lên những thanh âm đùng đục. Rặng tre tươi tắn rì rào. Thông xanh mơn mởn thân đen đúa thẳng thớm hiên ngang. Giàn hoa giấy nặng trĩu bông màu tím đỏ. Hồ nước cảnh hình móng ngựa xanh thăm thẳm. Nàng chó đen ghẻ hôi hơ hôi hắc, nằm cuộn tròn trên bậc thang, lười biếng mở mắt nhìn, không thèm động cựa. Mùi nước tiểu chó sộc lên. Sàng gỗ khô cong, bợt bạt, cũ nát, bụi bặm, bước chân phải miếng gỗ lát bị nứt, chao đảo tưởng thụt chân. Nhà sàn thiếu vắng hơi người, ngậm ngụa mùi hoang phế. Vườn cây cỏ dại mọc đầy, xanh rực rỡ trong ánh nắng sớm. Không còn tiếng giế tỉ tê, tiếng ếch nẫo nuột, chỉ có chim hót ríu rít mà tĩnh lặng vô cùng. Toàn cảnh giống như chân dung một vị cung tần thất sủng. Chuyến hành hương về Việt Nam lần này của AY, hỡi ôi, tràn đầy những vẻ đẹp tuyệt vọng.
    Tôi xuống vườn, chọn chỗ lối đi rải sỏi trắng mà tập Thái Cực Quyền. Lâu lắm rồi chỉ ngồi ị không hoạt động gì, cơ thể đã biến thành những mảnh cây khô gãy vụn kêu răng rắc. Hoảng hốt thấy mình quên. Tôi cứ nghĩ Thái Cực Quyền giống như đi xe đạp, đã biết rồi thì cả đời sẽ nhớ mãi, ấy thế mà tôi lại mụ mị. Cơ thể tôi đông đặc lại, mù quáng, tăm tối. Những dòng kinh khí trì trệ, yếu ớt, chạy loanh quanh. Tôi không nhận thấy mình phản ứng gì cả, ngoài nỗi chán chường đến ứa lệ. Chẳng lẽ mình bệ rạc đến nỗi bản thân còn chẳng nhận ra bản thân như vậy hay sao ?!
    Tôi đi loanh quanh trong vườn. Rồi bật máy tính, tắt tiếng, mở đĩa VCD của TD xem lại những đường Thái Cực. Thử tập lại, rồi thấy tắc tị nửa cuối bài quyền, tôi bỏ đấy mà lên ngồi trên lan can. Tê rần. Có con chim lảnh lót hót lên bài ca chói lói. Tôi thấy cơn đói trào lên. Khi cô đơn, người ta hay thấy đói.
    Cứ vậy rồi cũng đến buổi trưa...
    Tôi uống nước mơ muối. Mặn chát. Càng uống càng háo nước. Một ngụm mơ muối, một ngụm nước trắng, mới thấy nước có vị ngọt lạ thường. Dải núi vẫn xanh biếc trầm lặng. Khói bếp nhà ai bốc lên một dải mờ mờ. Nắng rót mật ngập đầy vườn. Buổi trưa cây cối tĩnh lặng, thinh không im lìm, thi thoảng có cơn gió thổi thơ thẩn. Ve kêu ri ri nghe như tiếng khóc, lúc rộ lên, lúc im bặt. Những thân thông thẳng băng chỉ ngón tay đen đúa lên bàu trời màu xanh nhạt nhòa như phủ lớp voan trắng bẩn thỉu. Lá thông xanh non, có túm khô lại màu vàng đỏ, trông xa như những đóa hoa lớn úa tàn. Xa quá không trông thấy quả, nhưng đôi lúc có nghe tiếng thở thầm thì:
    « Kiếp sau xin chớ làm người
    Làm cây thông đứng giữa trời mà reo »​
    Chiều muộn, AY nói đi đổ xăng xe. Đi một mạch từ 4 giờ đến 6 giờ vẫn chưa thấy về. Sốt ruột, tôi đi bộ ra tìm, đi hơn cây rưỡi số. Đường vắng tanh, thi thoảng có vài người phóng xe máy, nghe tiếng xe là lòng cứ thắt lại. Kẻ đánh bò trở về chuồng. Khói bếp. Ráng chiều. Đẹp im lìm.
    Tôi tự hỏi mình về những vẻ đẹp vô thường gây những niềm rúng động thầm lặng. Khi người ta có cái gì, thì bên cạnh niềm sung sướng là mỗi lo lắng cái quý giá kia sẽ bị mất đi. Mất mát là một định mệnh chẳng thể tránh khỏi, giống như cái chết là đồng hành của sự sống. Thế nhưng, người ta vẫn lo sợ.
    Mải miết đi trên con đường vắng cũng chẳng ích gì, tôi quành trở lại, trời đã nhá nhem tối. Đôi khi tôi cũng biết sợ khi đi một mình giữa một nơi hoang vu tĩnh mịch trong buổi chiều muộn. Ma thì không, nhưng sợ người nhiều hơn.
    Nhẹ lòng biết mấy khi thấy AY từ xa, vẫy tay gọi. Ông không cười. Tôi hiểu là có chuyện. AY nói ông làm mất chìa khóa xe và chìa khóa cổng. Mặt ông đỏ gay vì tức giận, cơn giận lây sang cả tôi. Lạ không, tôi thấy mình không chút giận dỗi. Lòng lặng như tờ.
    CC
  8. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Con Son, thu nam ngay 10/08/06,
    Cả buổi chiều hôm qua AY bực bội, dù có cách gì cũng không khiến ông suy nghĩ nhẹ nhàng được. Đêm xuống, chúng tôi ngồi dưới ánh trăng. Tròn vành vạnh. Tôi thích nhìn ngắm làn xa mình dưới ánh sáng lờ nhờ của mặt trăng, trông trong đục. AY nói ánh sáng của mặt trăng hại mắt nên không nên nhìn lâu. Chúng tôi ngồi im lặng. Gió hiu hiu thổi, suy nghĩ bay tứ tung.
    Buổi sáng, tôi dậy sớm. Tôi mở túi xách, lấy chùm chìa khóa, tìm mấy cái kìm, uốn vòng kim loại để đeo chìa khóa thẳng ra được một đoạn dài chừng gang tay. Tôi bắt đầu hì hục mở khóa.
    Người ta có thể mở khóa mà không cần chìa. Chỉ cần mất tập trung và thất vọng. Tôi hay khác người như vậy. Khi làm những việc gì trong trạng thái vô thức và hoàn toàn mất lòng tin vào những việc mình đang làm, chắc hẳn việc đó sẽ thành công, kể cả những việc như mở một cái khóa mà không dùng chìa. Ý thức của con người luôn nhiễu loạn, kể cả khi ta cho rằng mình đang tập trung cao độ thì đó cũng chỉ là trò tiểu xảo của tâm trí. Cũng chính ý thức hay tỉ tê nói xấu, bôi nhọ giá trị, hạ thấp khả năng của vô thức, kẻ câm lặng im lìm. Một thiệt thòi khôn kể khi ta luôn phải sống với một kẻ ton hót nịnh bợ tráo trở như ý thức của chính mình. Một định mệnh không thể chối bỏ.
    Cuối cùng thì AY cũng dậy và bắt đầu một ngày mới với những cơn tức giận bên trong trút lên cái xe máy. Tôi thấy một ngọn lửa nóng nảy tỏa ra từ ông. Trông ông rất đáng sợ và ông nói những lời cay nghiệt, cho dù với chính bản thân ông. Điều đó khiến tôi đau lòng. Người ta luôn mong người mình yêu thương luôn vui vẻ, thanh thản. Có phải thế chăng? Đôi lúc tôi tự hỏi mình đã làm gì với cuộc đời mình?! Rồi thì mọi chuyện sẽ đi tới đâu?!
    Sau khi ăn trưa. Tôi ngồi thiền và nghe giảng kinh Phật. Điều đó mới an ủi tâm can người ta làm sao. Tôi dịch lại cho AY nghe. Được một phần ba bài giảng thì AY ngủ thiếp đi rồi tỉnh dậy khi vừa kết thúc. Trông tâm thần có vẻ phấn chấn thanh thản.
    Chiều muộn, gió hiu hiu. Chúng tôi dắt tay nhau đi một vòng quanh hồ. Có nhiều người phóng xe máy vù vù trên đường hồ dành cho người đi bộ. AY lại nổi cáu. Cơn giận tiềm ẩn bên trong, nào phải xuất phát từ bên ngoài. Tôi cố hóa giải cũng không tác động vào được.
    Trời oi. Nắng chang chang. Mồ hôi ướt đẫm áo. Tóc mướt như vừa mới tắm. Nóng kinh! AY bảo không thể hiểu thiếu tôi ông sẽ ra sao. Tôi nói tất cả đều sẽ thay đổi, tình yêu, lòng thù hận, bản thân ông cũng như tôi, mọi chuyện không bao giờ đứng yên một chỗ. AY nói vài đêm trước ông mơ thấy người vợ cũ, một giấc mơ đẹp. Nghe vậy mà tôi chẳng cảm thấy điều gì. Mỗi người có một quá khứ, mỗi người có một khoảng riêng tư, nơi mà tất cả mọi người cần tôn trọng. Không ai có thể chạm được vào giấc mơ, nó đến từ miền vô thức. Không ai có thể sở hữu người khác, họ đến từ miền độc lập. Cũng có lúc tôi mong kết thúc của câu chuyện có hậu, là AY và vợ cũ sẽ quay lại với nhau. Còn tôi, có lẽ tôi sẽ gặp một người đàn ông khác và sống một cuộc sống êm đềm, nhưng đôi lúc tôi thích một câu chuyện buồn khiến người mình rớt nước mắt.
    Quá khứ là cái không thể thay đổi, nhưng có thể trang điểm lên được. Nhưng tương lai là điều có thể thêu dệt, vẽ vời, sáng tạo được. Trí tưởng tượng thì chẳng ai buộc được vào.
    Chúng, những nỗi niềm hoang tưởng, bay lên cao như bóng bay.
    CC
  9. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Con son, thu sau ngay 11 thang 8 nam 2006,
    Những dải núi xanh mờ nhạt. Nắng trải những dạt chói chang xuống nền đất còn âm ẩm. Giọt sương khẽ khàng rơi. Gió vi vu. Thông reo rì rào. Suối chảy. Chim hót. Rác ở mọi nơi. Mùi hương khói. Những bức tường mới, con đường mới bằng đá trắng phau. Ngôi chùa cổ, nền nhà cổ, mái ngói đỏ.
    Côn Sơn.
    Sự tĩnh lặng khiến mình nghĩ tới nỗi cô đơn. Tôi tự hỏi liệu rằng một chốn thanh tu là thích hợp trong lúc này? Đôi khi dường như chẳng có con đường nào khác cho bản thân mình, thì tôi lại thấy mãn nguyện. Sống là học cách chấp nhận, người ta dễ dàng chấp nhận khi không còn lựa chọn nào khác hơn.
    Trèo lên đỉnh núi cao trong cái nắng gay gắt. Da được nung đỏ. Mà hồng lên. Nóng vờn trên đỉnh đầu. Gió hiu hiu thổi. Không hề có ý niệm bao giờ sẽ quay trở lại nơi đây. Đến và đi, xuất hiện và tan vào hư không. Tất cả đều vô định.
    Uống nước mía không đá, ngọt gắt, khé cổ. Cơm rau đạm bạc. Nụ cười dân dã chân tình. Người thành phố ăn ít như mèo.
    Tối ngồi ôm gối, nước mắt ứa ra, chẳng vì nguyên nhân gì. Nỗi cô đơn đã tan vào trong từng thớ thịt, từng tế bào, chảy trong não, hòa vào máu, trở thành cơ thể, trở thành nhu cầu. Tất cả, chỉ có thế...
    CC
  10. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hanoi, chu nhat ngay 13 thang 8 nam 2006,
    Cho tới giờ thì không hiểu mình bận việc gì, chỉ biết là bận và rất bận, toàn những chuyện lặt vặt không tên, không thống kê, không viết ra được.
    Thời gian là thứ vuột qua khỏi bàn tay, đến lặng câm và ra đi chẳng để lại gì. Muốn đem một vòng hoa tiếc thương vung lên bầu trời để tưởng niệm những tháng ngày đã mất.
    Chưa tròn hai mươi sáu năm, nhưng cũng từng ấy thời gian đã đi qua, không sao lấy lại được nữa.
    Ăn tối với mẹ ở quán Nem. Nhấp cọng rau thơm, cuốn nem với xà lách, ròn tan, thơm, nóng hôi hổi. Không có gì ngon lành hơn. Khi ăn, không thể cảm thấy cô đơn.
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 19:54 ngày 18/08/2006

Chia sẻ trang này