1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nhặt nhạnh đó đây

Chủ đề trong 'PTTH Lam Sơn - Thanh Hoá' bởi khucmuathu, 11/05/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. khucmuathu

    khucmuathu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/03/2003
    Bài viết:
    94
    Đã được thích:
    0
    Nhặt nhạnh đó đây

    Phan Thị Vàng Anh

    Ai dám nhận là mình xấu xí?


    1.

    Bạn đã đi Ðà Lạt chưa? Ðã đến Sài Gòn chưa? Ðã về những làng Bắc bộ chưa?
    Nếu chưa, thì bạn nên đi. Bạn nên đi sớm.
    Ði trước khi những biệt thự bị bỏ hoang đến tàn lụi.
    Ði trước khi rêu trên tường chùa bị cạo và tượng bị sơn son thếp vàng.
    Ði trước khi thành phố lớn muốn tạo những dấu chân hiện đại khổng lồ, dẫm lên chính những khẩu hiệu bảo tồn vốn cổ mà mình đã hô hào trước đó.


    2.

    Cách đây mới ba năm thôi, thành phố Hồ Chí Minh của tôi linh đình tổ chức kỷ niệm Sài Gòn 300 năm. Những ảnh cũ được đem ra, món ăn khẩn hoang nấu lại, nhà nhà nghe tên ông Nguyễn Hữu Cảnh, người người nghe lại những địa danh xưa: Gò Cây Mai, đình Thông Tây Hội, kinh Tàu Hủ với bến Bình Ðông...
    Bến Bình Ðông, thì năm nay, khi Sài Gòn bước vào tuổi thứ 303, người ta sắp dẹp nó, để mà làm đại lộ Ðông Tây. Cụ Nguyễn Ðình Ðầu đã phải kêu lên trên báo Tuổi Trẻ: "Xin giữ lấy cảnh quan của Sài Gòn sông nước trên bến dưới thuyền". Bạn phải đi qua khu vực này, thấy được vẻ đẹp (bị bỏ phí của nó) bạn mới hiểu được tiếng kêu của cụ. Thật chẳng khác nào lời kêu cứu và khẩn nài; không biết ví thế này có quá không, nhưng như tiếng kêu của cụ bà Sài Gòn, sau lễ thượng thọ phải nài xin con cháu đừng ném đi cơi trầu cũ với di ảnh cụ ông... Bến Bình Ðông, với hai bên bờ là nhà cổ, xưởng xay lúa, là những thứ mà cái túi "vốn cổ" của chúng ta chẳng có nhiều, nhất đây lại là cái thứ hữu hình, bằng nước, bằng gạch, bằng kiểu nhà, cách sinh sống; chứ không phải những thứ lù mù truyền thống, phục hồi lại mỗi nơi một màu cờ phướn và một kiểu đuôi nheo.
    Thế nhưng, nếu đại lộ Ðông Tây đi qua, số phận cảnh trên bến dưới thuyền rất Nam Bộ xưa của bến Bình Ðông sẽ chẳng khác gì số phận rêu trăm tuổi của tháp Rùa. Giải tán một khu vực thật chẳng khó, cũng như việc dọn rêu thôi, nhưng cái nỗi ám ảnh rằng mình đã phá tan chỗ trú ngụ của hàng trăm năm lịch sử có đeo đuổi được những người ký quyết định không?
    Và những người đó là ai? Họ nghĩ gì trong đầu nhỉ? Họ quyết tâm giữ gìn bản sắc dân tộc cho đậm đà bằng cái cách gì đây? Bằng cho phép xây nhà hộp tràn lan và nói đơn giản là "thí điểm"? Bằng nhập xe máy Trung Quốc ồ ạt? Bằng cho phép đập biệt thự xưa để xây nhà kính? Bằng xóa sổ cái nhúm di tích vốn đã rất mỏng mảnh của nước ta với lý do để thuận tiện cho hiện đại hóa?
    Thử tưởng tượng hai mươi năm sau thôi, những khu nhà cổ (chưa bị đập) ngày hôm nay lên bưu ảnh. Và sẽ có những người chỉ cho con cái mình mà nói: "Chỗ này ngày xưa bố (mẹ) có đi qua, đẹp lắm." Và có những người sẽ không dám chỉ tay vào ảnh mà nói: "Cái khu này chính bố đã ký quyết định đập đi."


    3.

    Tôi lại đọc báo Tia Sáng, có bài của tác giả Vũ Khánh về tiếp thị một hình ảnh Việt Nam. Vậy đấy, cứ rành mạch liệt kê cái vốn ít ỏi của mình ra rồi khai thác triệt để thì khéo lại thành giàu có. Tác giả kể ra, chúng ta có áo dài, có nón, có phở, có nem. Nghe dễ chịu như nghe một người nói đơn giản: "Tôi là thợ may. Lương tôi đủ sống. Tôi thích mặc áo xanh." Một người như vậy cũng hấp dẫn lắm chứ! Cái mộc mạc của họ, cái nghề của họ, sở thích của họ không giống anh, không giống tôi. Việc gì cứ phải thổi phồng lên những gì mình không có, để rồi phá bỏ những cái (tuy ít mà) quý giá của mình?
    Nếu coi mỗi dân tộc gần như cá tính một con người: anh Pháp hào hoa làm thơ hay, anh Trung Quốc buôn bán giỏi và mưu lược, anh Lào hiền lành... thì nếu chỉ nhìn vào chuyện giữ gìn vốn cổ không thôi, tôi vẫn nghĩ, anh Việt Nam là người hay nói dối. Dối mình và dối người.
    Chúng ta nói dối nhiều quá. Dối ở chỗ có nhiều việc chúng ta nói một đằng và làm một nẻo. Chúng ta nói, tôi là người có văn hóa và thích chơi đồ cổ, nhưng có con chuột chạy qua là chúng ta (quyết) ném chuột đến vỡ cả bình quý. Chúng ta cung kính ào ạt cho một lễ hội 300 năm Sài Gòn, rồi sau đó thì sẵn sàng thực thi một dự án có phá bỏ những phần cổ kính của Sài Gòn 303 tuổi. Chúng ta không tiếc cả kho tính từ mỹ miều cho cái Chùa Một Cột, nhưng lại tiếc một cái cột bằng gỗ cho nó, khiến bao nhiêu khách phương xa phải chưng hửng. Chúng ta biết mình nghèo mà cứ huênh hoang là mình giàu.
    Mà trong khi đó, có đứa con nào dám trách mẹ nghèo! Ừ, nước của tôi là thế đấy, nhưng mà chúng tôi tự hào, để tôi cho anh thấy: Cha ông để lại có một chút của (cẩn thận mở gói ra), chúng tôi gìn giữ còn được thế này đây (thấy vẫn còn nguyên), và chúng tôi sẽ giữ cho con cháu (cẩn thận gói lại). Anh cười thì mặc anh!


    4.

    Ông Bá Dương, tác giả người Trung Quốc, có viết một đoạn thế này: "Ðã nhiều năm nay, tôi muốn viết một quyển sách dưới tên gọi: 'Người Trung Quốc Xấu Xí'. Tôi nhớ quyển sách 'Người Mỹ Xấu Xí' sau khi viết xong đã được Quốc vụ viện Mỹ dùng làm tài liệu tham khảo cho sách lược của mình. Người Nhật cũng có một quyển sách 'Người Nhật Xấu Xí". Tác giả là Ðại sứ Nhật tại Ác-hen-ti-na. Ngài đại sứ này (sau khi viết cuốn sách đó) liền bị cách chức. Ðấy có lẽ là cái khác nhau giữa Ðông phương và Tây phương..."
    Nhưng ở Trung Quốc, người ta đã in "Người Trung Quốc Xấu Xí" của ông Bá Dương.
    Và không phải vì thế mà người Trung Quốc bị nhìn là xấu hơn. Trái lại.

    (Tia Sáng 5. 2002)
  2. nguoinhatroi

    nguoinhatroi Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    28/05/2002
    Bài viết:
    108
    Đã được thích:
    0
    Tớ nghe nói tạp chí tia sáng của bộ khoa học công nghệ môi trường rất hay, tuy thế hình như không được đưa lên mạng thì phải, chỉ nói những số cũ thôi? Vào tiasang.net chỉ có giới thiệu qua qua thôi. Khucmuathu đưa lên cho tớ đọc với nào, đi đâu mấy hôm nay rồi :P
  3. khucmuathu

    khucmuathu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/03/2003
    Bài viết:
    94
    Đã được thích:
    0


    Thế hệ A còng
    (Mai Chi )
    Thế hệ thanh niên Việt Nam ngày nay là thế hệ đầu tiên sau 50 năm lại thực sự được sống tuổi trẻ của mình. Một thế hệ không phải tiêu huỷ những năm tháng son trẻ trong rừng, dưới hầm hay trên bệ pháo. Một thế hệ cũng không bị cạo đầu khi để tóc dài, không bị rạch quần ống rộng, hay bị kiểm điểm khi hôn nhau. Ít nhất là ở thành phố, lần đầu tiên họ không phải mặc lại áo của mẹ hay chị, họ có son trên môi, có đồ lót mềm trên người và đủ chất đạm trong dạ dầy. Giống như đầu thế kỷ trước, con cháu của tầng lớp trung lưu Việt Nam lại thu xếp vali. Mỗi năm, hàng nghìn thanh niên đặt chân tới Mỹ, Úc hay Âu châu, chuyên chở trong mình sự mong đợi của bố mẹ và bản thân vào một tương lai rạng rỡ qua những mảnh bằng của những trường đại học với những cái tên đầy cám dỗ. Hương vị của thế giới văn minh xa xôi hàng tuần toả về quê hương qua Hotmail, Webcam và Yahoo Messenger. Sinh viên và thanh niên thành thị Việt Nam ngày nay là ai, họ nghĩ gì, ước mơ gì? Họ thiết kế cuộc sống của mình như thế nào? Cảm giác gì đặc trưng và liên kết thế hệ của họ?
    Có lẽ sự thay đổi sâu sắc nhất là thay đổi trong quan hệ giữa lớp trẻ và thế hệ ông cha mình. "The only substitute for experience is being 20". Và quả thực, chưa bao giờ tuổi trẻ lại có thể thay thế kinh nghiệm một cách đương nhiên như thế. Bạn có cảm giác gì nếu như phần lớn những kinh nghiệm sống của ông bà với bạn đều không còn giá trị, bởi khác với cách đây nửa thế kỷ, họ không thể hiểu được công việc bạn làm, không nói được ngôn ngữ bạn nói, và không có một tí hình dung gì về những phương trời mà bạn đã đến. Bạn có cảm giác gì nếu như hai năm sau khi tốt nghiệp đại học lương của bạn gấp mười lần lương bố bạn hay thầy giáo cũ của bạn. Có lẽ điều quan trọng nhất của thanh niên trong 10, 15 năm tới sẽ là xác định lại chỗ đứng của mình trong chuỗi xích thế hệ, định nghĩa lại bản chất mình trong một xã hội Khổng giáo - công nghệ - tư bản - xã hội chủ nghĩa.
    Cách đây 80 năm, Phan Khôi phê phán tầng lớp thanh niên Việt Nam có học và du học thời đó chỉ mải mê cơm áo mà không nghĩ đến câu hỏi "Làm gì để có ích cho xã hội?". Lời phê bình này dường như tới nay không mảy may mất tính thời sự. Tiếng Anh, tin học, quản trị kinh doanh: ba con át chủ bài này sẽ đem bạn tới phòng làm việc gắn máy lạnh của một cao ốc trong down town Hà Nội hay Sài Gòn. Và một ngày bạn sẽ chỉ nhiều nhất là hai lần nghĩ tới hay tiếp xúc với "nhân dân", một lần khi bạn đóng tiền cứu trợ lũ lụt, và một lần khi bạn dừng lại mua mít dọc đường. Kể cả trong môi trường học tập của phương Tây, dường như các sinh viên Việt Nam cũng tìm mọi cách để ở lì trong ký túc xá, bếp và thư viện. Nếu bạn đang hay đã học ở nước ngoài tôi cá rằng bạn chưa từng có một đứa bạn Việt Nam nào chơi trong dàn nhạc giao hưởng sinh viên của trường, hay tham gia câu lạc bộ chụp ảnh, hay xuống đường biểu tình chống chiến tranh, hay viết bài cho Greenpeace.
    Trong khi những thanh niên 20 tuổi của giảng đường sẵn sàng sống một cuộc sống rành mạch và rõ ràng của những người 50 tuổi và đã từ lâu thay ảnh của John Lennon trên tường phòng ký túc xá bằng chân dung Bill Gates thì sự nổi loạn xẩy ra vào đêm, khi những lời huấn thị của những vị tóc bạc trên TV đã tắt từ lâu. "Văn hoá tốc độ" là vũ khí của những tay đua đêm, trong đầu đầy thuốc lắc, và đằng sau là bạn gái tóc nhuộm hung áo thun tụt trần tới thắt lưng. Họ là những đại diện đầu tiên của "con người hưởng thụ" ở Việt Nam, những người đầu tiên có sự tự chủ với đầu tóc, quần áo, thân thể và cuộc sống ******** của mình. Họ có một đống thời gian, không ít tiền và những hình dung không rõ ràng cho tương lai. Chính trị và các đề tài xã hội đối với họ cũng lạ lẫm như phía bên kia của mặt trăng, và thế giới vẫn yên ổn chừng nào ông bố vẫn tiếp tục khuân tiền về nhà. Trớ trêu thay, sự nổi loạn của họ không có mảy may có hy vọng. Bởi trên thực tế, "sống gấp" đã trở thành một cuộc chạy đua của hai thế hệ đang cùng say sưa trong giấc mơ tiêu thụ. Party on! Lần đầu tiên hai thế hệ cùng hội hè. Sau những năm dài đói khát, những bậc phụ huynh đang săn tìm lại tuổi trẻ của mình. Những ông bố kín lịch với tennis, bồ nhí và bàn nhậu. Những bà mẹ bận rộn với trang trại, Osin thứ hai và du lịch Bắc Kinh. Tầng trên hát Karaoke, tầng dưới nhảy Disco. Chưa khi nào nào mà thanh thiếu niên sinh hoạt một mình nhiều như ngày nay. Xe A còng, giầy Nike, điện thoại Nokia, chúng chỉ là những bấu víu chống lại sự cô đơn trong một thế giới đang mất dần đi sự ấm áp.

  4. khucmuathu

    khucmuathu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/03/2003
    Bài viết:
    94
    Đã được thích:
    0
    Phải chăng Thế hệ A còng là sự cộng hưởng của Thế hệ Thực dụng, Thế hệ Thờ ơ và Thế hệ Bạo lực? Những thanh niên hoặc ngã xuống mặt đường nhựa đêm để tìm cảm giác, hoặc ngã xuống ghế marketing manager của một công ty nước ngoài cho một cuộc sống đẹp như trong quảng cáo. Chúng ta có bao nhiêu hy vọng rằng giới trẻ hôm nay sẽ làm Việt Nam trở thành một chốn tốt đẹp hơn để sống? Chúng ta có bao nhiêu hy vọng rằng sẽ có thể nghe những giọng nói của chính giới trẻ trên diễn đàn này
  5. khucmuathu

    khucmuathu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/03/2003
    Bài viết:
    94
    Đã được thích:
    0
    Phải chăng Thế hệ A còng là sự cộng hưởng của Thế hệ Thực dụng, Thế hệ Thờ ơ và Thế hệ Bạo lực? Những thanh niên hoặc ngã xuống mặt đường nhựa đêm để tìm cảm giác, hoặc ngã xuống ghế marketing manager của một công ty nước ngoài cho một cuộc sống đẹp như trong quảng cáo. Chúng ta có bao nhiêu hy vọng rằng giới trẻ hôm nay sẽ làm Việt Nam trở thành một chốn tốt đẹp hơn để sống? Chúng ta có bao nhiêu hy vọng rằng sẽ có thể nghe những giọng nói của chính giới trẻ trên diễn đàn này?
    © 2003 talawas
  6. khucmuathu

    khucmuathu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/03/2003
    Bài viết:
    94
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Đức Thọ
    Thư của một người @
    Tôi tên là Nguyễn Đức Thọ, 20 tuổi, hiện đang là sinh viên du học tại trường đại học Texas tại Austin, Hoa Kỳ. Nếu căn cứ theo định nghĩa của tác giả Mai Chi trong bài viết "Thế hệ A còng", thì tôi là một @ chính hiệu.
    Cuối bài viết của mình, tác giả Mai Chi có đưa ra lời kết sau: "Chúng ta có bao nhiêu hy vọng rằng giới trẻ hôm nay sẽ làm Việt Nam trở thành một chốn tốt đẹp hơn để sống? Chúng ta có bao nhiêu hy vọng rằng sẽ có thể nghe những giọng nói của chính giới trẻ trên diễn đàn này?". Cho tôi xin được nhắc lại, tên tôi là Nguyễn Đức Thọ, chứ không phải là Nguyễn Văn A, hay Nguyễn Thị B. Xin hiểu cho rằng tôi viết bài này với tư cách của cá nhân tôi, một cá nhân @, chứ không hề đại diện cho thế hệ @. Giọng nói của một cá nhân thì có thể lắng nghe được, nhưng giọng nói của một thế hệ thì không dễ có thể đánh đồng và phân loại như tác giả Mai Chi đã làm.
    Mai Chi nói thế hệ @ là sự cộng hưởng của thế hệ thực dụng, thế hệ thờ ơ, và thế hệ bạo lực. Đọc đến đó tôi làm tôi mất ngủ. Tôi đã thử tưởng tưởng mình đang đóng vai một quan tòa, đang xét xử một tội nhân @:
    "Này tên @ Nguyễn Đức Thọ kia, ngươi có thực dụng không?" Có, tôi có. Tôi là một người thực dụng. Tôi đang học ngành CNTT và Kinh Tế, tôi mong ước sau này về Việt Nam sẽ có việc làm tốt, tôi cũng mong sau này lương của tôi cũng gấp 10, 15 lần lương của bố mẹ tôi hiện giờ. Vâng, tôi là người thực dụng.
    "Thế nhà ngươi có thờ ơ không?" Có, tôi có. Tôi thờ ơ với mọi người xung quanh, tôi không tham gia vào giàn nhạc giao hưởng của trường, tôi không xuống đường biểu tình chống chiến tranh Iraq, vâng, tôi thờ ơ với cả bữa ăn, giấc ngủ, vâng, tôi là người thờ ơ."
    "Thế nhà ngươi có thích hưởng thụ không?" Có, tôi có. Tôi thích đi chơi với bạn bè, tôi thích có nhiều tiền để mua sắm, tôi thích sống gấp, thời gian đối với tôi không bao giờ đủ. Vâng, tôi có tội."
    Nhưng nếu như tôi chỉ biết nói "tôi có tội" rồi rục đầu xuống nhận lỗi thì tôi chỉ là một tên @. Vâng, chỉ là một tên @. Không, tôi không phải là một @. Tôi là một thanh niên Việt Nam, trẻ, khỏe, lạc quan, mang nhiều niềm tin và trăn trở như bao nhiêu thanh niên Việt Nam khác. Và quan trọng hơn hết, tôi là một con người, tôi không phải là một cái xe, dù đó là cái xe cao quý như thế nào đi nữa.
    Tôi thích một cuộc sống tốt đẹp, nhưng đó không phải là một cái tội. Cuộc sống phải chăng đã rất khó khăn đó sao? Nhưng cuộc sống là những gì mà ta muốn nó trở thành. Quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền của mỗi cá nhân, miễn sao cá nhân đó không làm gì trái đạo đức xã hội và pháp luật. Xin đừng lấy những khó khăn, cực nhọc của thế hệ trước để chê bai thế hệ sau là luời biếng, là chỉ biết hưởng thụ. Tôi quan niệm cuộc sống là tốt đẹp, và tôi đang sống đúng với những gì mình quan niệm.
    Tôi không thực dụng, tôi là người sống có mục đích. Vâng, tôi biết chứ, Diderot có nói rằng "Anh chẳng làm được gì lớn lao nếu mục đích tầm thường." Mục đích của tôi có thể tầm thường, nhưng đó là một mục đích lương thiện. Ngoài ra, tiêu chuẩn nào để đánh giá một mục tiêu là vĩ đại hay tầm thường, cao cả hay thấp hèn, bao la hay ích kỉ? Điều quan trọng không phải là những gì tôi nghĩ, mà là những gì tôi làm. Nhưng đó chỉ là một phần của tôi. Một phần khác cũng đang ấp ủ trong lòng những dự án, những công trình mà lợi ích không phải chỉ dành riêng cho tôi. Là một du học sinh, tôi luôn có bên mình một cuốn sổ tay, ghi chép lại những điều hay ở nước ngoài mà tôi nghĩ sẽ có ích cho Việt Nam. Trong mỗi giờ học trên lớp tôi đều liên tưởng đến những gì mình sẽ áp dụng khi tôi trở về Việt Nam. Những điều bình thường thôi, như làm thế nào để mọi người tôn trọng đèn giao thông, làm thế nào để những công tác từ thiện có tính hiệu quả hơn...Tôi nghĩ chắc tác giả Mai Chi không thể nào thấy được cái phần đó của tôi, vì chỉ cần biết tôi đang học ngành tin học là chắc tác giả sẽ reo lên: "A, A còng!"
    Tôi không phải là người thờ ơ. Ngược lại, điều duy nhất mà tôi thờ ơ có lẽ là thờ ơ trong việc đi tìm một mẫu số chung cho thế hệ của mình. Cũng như bao nhiêu thanh niên Việt Nam khác, tôi đau nỗi đau nghèo đói và lạc hậu, tôi nhục nỗi nhục kém văn minh và dân chủ. Tôi có thể thờ ơ bên ngoài, nhưng trong lòng tôi là lửa đốt. Nhưng như vậy chưa đủ. Tôi, cũng như bao người trẻ khác, biết chỉ nói không là không đủ. Không thể đổ lỗi cho chiến tranh, cho thế hệ trước, cho cơ chế, cho bất lực, hay cho những thế lực bên ngoài mãi được. Tôi biết rằng đã đến lúc tôi phải góp một phần vào để tạo ra sự thay đổi. Phải làm một cái gì đấy. Vâng, một cái gì đấy!
    Trở lại với bài viết của Mai Chi, bài viết ấy làm tôi mất ngủ liên tiếp hai đêm. Phản ứng đầu tiên của tôi là tức giận, sau nữa là ngộ nhận, và cuối cùng là cảm nhận. Tôi tức giận tại sao tác giả có thể cẩu thả trong việc đánh giá một thế hệ như thế. Tất cả thanh niên Việt Nam, hay như sự hạn chế của tác giả, những thanh niên thành thị, những du học sinh, đều là những @ sao? Những điều tác giả viết là có thật, nhưng không tiêu biểu. Cho dù có thật thì chỉ hiện tượng là có thật, còn bản chất của hiện tượng là không thật. Tôi đồng ý rằng có một bộ phận thanh niên đang có lối sống buông thả, hưởng thụ như tác giả nói, nhưng đó chỉ là một thiểu số. Đáng buồn thay, cái thiểu số này, cũng như cái xấu, luôn luôn là cái tự biểu hiện ra ngoài rõ ràng nhất. Những sinh viên, học sinh ngày ngày chăm chỉ đến trường, họ khó lòng lên được trang nhất của báo, vì họ bình thường quá, không chướng tai gai mắt. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người có lối sống không lành mạnh mà tác giả nêu đó, xin đừng chỉ nhìn vào hiện tượng mà quên đi bản chất. Sao không ai tự hỏi rằng gia đình, nhà trường và xã hội có vai trò gì? Sao không ai nghĩ đến cú sốc của một xã hội thay đổi quá nhanh chóng, nhanh chóng đến độ những giá trị cũ mất hoặc phai nhạt đi trong khi những giá trị mới chưa kịp hình thành? Sao không ai nghĩ đến nhưng khó khăn của một người thanh niên phải đối mặt trong thời đại mới, khi mà họ đứng trước vô vàn những chọn lựa mới mẻ trong khi kinh nghiệm và sự tư vấn của gia đình hay nhà trường không đầy đủ? Nghĩ đến đó, chúng ta nên cảm thấy thương họ hơn là trách họ.
    Bài viết của Mai Chi có hiệu ứng gây hoang mang, đọc xong tôi cảm thấy tự nghi ngờ chính mình, nghi ngờ thế hệ của mình. Tác giả ngộ nhận, hay là tác giả đúng và tôi ngộ nhận, hay là cả hai đều ngộ nhận? Tôi có thể ngộ nhận, nhưng tôi không tin rằng tác giả đúng.
    Tôi đối chiếu bài viết của Mai Chi với hai bài đăng cùng của Phan Khôi và Nguyễn Ái Quốc. Sau đó tôi thử đem bài viết của Mai Chi cho một số người bạn xem. Có lẽ tôi lầm, nhưng tôi có cảm nhận là cả ba bài viết đều có một điểm chung. Cả ba bài viết đều có tính thách thức. Nguyễn Ái Quốc thách thức lòng yêu nước và nỗi nhục mất nước của người Việt, Phan Khôi thách thức vào sự học cao của những người tri thức, còn Mai Chi thách thức cái tính trẻ của người thanh niên. Có điều, nếu Nguyễn Ái Quốc khiến người đọc thấy nhục mà sắn tay vào hành động, Phan Khôi khiến thấy tức mà hành động, thì Mai Chi chỉ khiến người đọc thở dài ngao ngán.
    Tôi viết những dòng này hoàn toàn với tư cách cá nhân, tôi không đại diện một thế hệ nào cả. Hơn ai hết, tôi cho rằng một thế hệ quá đa dạng để có thể dễ dàng phân loại như vây. Nhưng tôi tin rằng có rất nhiều thanh niên khác cũng có ý nghĩ như tôi. Chúng tôi có thể khác nhau về nhiều mặt, nhưng chúng tôi đều có một điểm chung, chúng tôi không là những @.
    Austin, 25/02/2003
  7. khucmuathu

    khucmuathu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/03/2003
    Bài viết:
    94
    Đã được thích:
    0

    N.Xu
    Cơ hội cho @
    1. Cơ hội cho mọi người
    Cách đây vài năm, nếu ai đó không có dịp đi nước ngoài công tác (hoặc đi chơi) thì sẽ khó có cơ hội ngồi xem TV mà ấn remote mãi không hết các kênh truyền hình. Ở trong nước lúc đó người Hà Nội chỉ xem được mấy kênh VTV và một kênh HTV. Người Sài Gòn thì khá hơn một chút vì Đài truyền hình thành phố có tới hai kênh (HTV7 và HTV9). Nay thì tình hình đã khác, các hộ gia đình nào khá giả đã có thể xem truyền hình cáp vô tuyến (MMDS), gia đình nào ở mấy quận nội thành đã có thể xem truyền hình cáp giá rẻ (CATV). Thậm chí ở một số tỉnh nghèo ở miền bắc (Thái Bình, Nam Định) cũng đã có truyền hình cáp CATV giá rẻ (khoảng $2/tháng thuê bao).
    Ở Việt nam trước đây truyền hình là hàng hóa công cộng thuần túy (pure public good). Tức là người dân xem truyền hình không mất tiền và việc xem TV ở gia đình này không ảnh hưởng đến việc xem TV ở gia đình khác. Ngược lại, sự lựa chọn xem cái gì trên truyền hình của người dân lại bị giới hạn hết sức. Sự lựa chọn của họ chỉ giới hạn loanh quoanh trong mấy kênh VTV và đài địa phương. Các chương trình phát sóng dù dở hay hay đều được đón nhận. Nay thì tình hình đã khác, người dân đã có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tiếp cận thông tin.
    Hồi tôi còn là sinh viên thì việc tiếp cận thông tin về nhạc trẻ thế giới là hết sức khó khăn. Lúc đó chỉ có giới con nhà giàu hoặc các bạn có bố mẹ anh chị đi Tây nhiều mới có thông tin nhiều về nhạc trẻ quốc tế. Nay thì tình hình đã khác. Nếu bạn thích một ca sĩ hay nhóm nhạc nào đó ở trời Tây thì chỉ cần mất vài ngàn đồng để truy cập internet là bạn đã có thể có ảnh ca sĩ họăc lời bài hát mà bạn thích. Khoảng cách giữa một sinh viên nghèo mê nhạc quốc tế và một sinh viên con nhà giàu có cùng sở thích là không còn nữa. Nếu đẩy vấn đề xa hơn nữa thì với công cụ internet, tất cả mọi người sẽ có cơ hội tiếp cận thông tin ngang nhau. Khoảng cách địa lý và xã hội sẽ bị thu hẹp lại. Tức là xã hội sẽ trở nên công bằng hơn về cơ hội tiếp cận thông tin.
    2. Công bằng về mặt cơ hội
    Sau một thời gian khá dài sống ở Sài Gòn tôi mới phát hiện ra một điều đơn giản, và chính điều đó làm tôi thực sự yêu thích cái thành phố ồn ào này. Đó là: Sài Gòn công bằng về mặt cơ hội hơn Hà Nội. Tức là bất cứ ai tới Sài Gòn sinh sống sẽ có cơ hội tồn tại, phát triển và sống công bằng hơn ở bất kỳ địa phương nào khác. Ở Sài Gòn, bất kể bạn là ai, xuất thân thế nào, trình độ học vấn ra sao, chỉ cần bạn có nỗ lực phấn đấu để tiến lên (hoặc ít nhất là để tồn tại) thì chắc chắn bạn sẽ có cơ hội. Khi bạn đã có cơ hội kiếm sống rồi thì chắc chắn bạn cũng có cơ hội phát triển ngang với những người khác. Và khi bạn đã có cơ hội phát triển rồi thì bạn cũng có cơ hội giải trí thư giãn như những người khác (bất kể bạn giàu hay nghèo, thích xô bồ hay thanh lịch, bạn đều có thể kiếm chỗ vui chơi vừa ý). Một cuộc sống đã công bằng về mặt cơ hội cho tất cả mọi người thì điều tất yếu là mọi người phải nỗ lực cạnh tranh (bằng sức của mình, chứ không phải bằng mưu mô thủ đọan) để tồn tại và phát triển. Những người được lợi nhất từ cuộc sống cạnh tranh lành mạnh này chính là những người thuộc next-generation hay còn được gọi là thế hệ @ trên internet (xin lưu ý là rất nhiều người nhầm tưởng next-generation là thế hệ kế tiếp (tức là chưa có), thực ra nó chỉ đơn giản là thế hệ mới (đang có) mà thôi).
    3. Tội nghiệp thế hệ trước @
    "Vê? đă?ng trí tục va? tính ti?nh thi? ngươ?i Việt Nam có ca? các tính tốt va? các tính xấu. Đại khái thi? trí tuệ minh mâfn, học chóng hiê?u, khéo chân tay, nhiê?u ngươ?i sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lêf phép, mến điê?u đạo đức: lấy sự nhân, nghifa, lêf, trí, tín, la?m năm đạo thươ?ng cho sự ăn ơ?. Tuy vậy vâfn hay có tính tinh vặt, cufng có khi qui? quyệt, va? hay ba?i bác nhạo chế. Thươ?ng thi? nhút nhát, hay khiếp sợ va? muốn sự ho?a bi?nh, nhưng ma? đaf đi trận mạc thi? cufng có can đa?m, biết giưf ky? luật."
    "Việt Nam Sư? Lược" - Trâ?n Trọng Kim
    Nếu coi như phát biểu trên đây là đúng (mà quả thực tôi thấy nó đúng) thì có thể lấy nó làm assumption để giải thích cho sự yếu kém của nước Việt nói chung và sự yếu kém đặc biệt của thế hệ cha chú @ nói riêng.
  8. khucmuathu

    khucmuathu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/03/2003
    Bài viết:
    94
    Đã được thích:
    0
    Người Việt Nam hiếu học, học nhanh nhưng sao ít thấy xuất hiện những nhà bác học, công trình sư, triết gia, nhà văn? mà tầm trí tuệ của họ vượt ra ngòai bờ cõi của tổ quốc (thâm chí nếu cực đoan hơn nữa thì chưa có ai như vậy cả). Lý do thì có nhiều lắm, nhưng quan trọng nhất là con người hiếu học lại bị đặt vào môi trường vừa ít cơ hội vừa không công bằng về mặt cơ hội để học thực sự. Những gì mà tất cả chúng ta (những người được đào tạo hoàn toàn trong nước) được học hoàn toàn giống nhau về kiến thức và phương pháp. Hoàn toàn giống nhau về cách thức phát triển tư duy và nhận thức. Và cái quan trọng nhất là cơ hội bước vào đời rất ít và không công bằng. (Tôi còn chưa đề cập đến giá trị của mớ kiến thức chúng ta được học trong nhà trường. Nhiều kiến thức trong đó đã lạc hậu từ lâu lắm rồi, thậm chí còn sai toét mà vẫn được dậy).
    Không chỉ trong thời hiện đại mà từ xa xưa, đối với người Việt nam nói riêng và các nước ảnh hưởng Nho giáo nói chung, học là con đường duy nhất để tiến thân. Mà là tiến thân theo con đường rất mòn và duy nhất: làm quan. Con đường độc đạo và khắc nghiệt này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của hầu hết mọi người dân, mà người Việt nam có lẽ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đặc thù phát triển của đất nước thời kỳ hiện đại. Cơ hội tiến thân ít nên chắc chắn phải không công bằng. Không công bằng thì tất nhiên là không hiệu quả. Và trong cuộc đấu tranh để tồn tại trên con đường này người ta buộc phải có mưu mô thủ đọan, buộc phải triệt hạ nhau, buộc phải tham nhũng để có nguồn lực đi tiếp, buộc phải hối lộ để có thêm cơ hội về tay mình. Còn những thanh niên trước khi bước vào đời thì buộc phải học cái gì đó để có mảnh bằng trong tay vì không có bằng tức là mất đi rất nhiều cơ hội vào đời. Một xã hội mà mọi thành viên trong đó đều chỉ có cơ hội tiếp thu kiến thức và trưởng thành như vậy chắc chắn sẽ không có chỗ cho cơ hội sáng tạo trí tuệ và cạnh tranh vươn lên lành mạnh.
    Người Việt Nam còn có tính hiềm khích. Người thành thị thì khinh người nhà quê. Người nhà quê thì chê người thành thị gian trá. Người các địa phương khác nhau cũng ghét nhau. Nếu những người không ưa nhau này mà cùng sống trong một môi trường (chuyện này xảy ra thường xuyên) thì chắc chắn là có xung đột. Nếu họ cũng ở một môi trường cạnh tranh (ví dụ cùng tranh chức trưởng phòng hay giám đốc) thì xung đột chắc chắn sẽ trở thành cuộc chiến tiêu diệt. Cơ hội ít quá mà, lại không công bằng thì làm sao mà cạnh tranh lành mạnh được. Vô hình chung cả xã hội đánh mất chữ "thỏa hiệp" (giống chữ compromise trong tiếng Anh), thậm chí trong nhiều trường hợp "thỏa hiệp" còn bị coi là phản bội, là tiêu cực. Xã hội mà không có thỏa hiệp (vì các lợi ích chung của các nhóm/cộng đồng thành viên, vì các lợi ích của các cá nhân đối với nhau) thì không khác gì thế giới hoang dã, nơi mà các lòai tồn tại bằng cách tiêu giệt lẫn nhau. Mà như vậy thì cơ hội trỗi dậy của bạo lực và bản năng tiêu diệt kẻ thù trong mỗi cá nhân sẽ tăng lên. Cơ hội cho sự sáng tạo và vươn lên lành mạnh sẽ ít đi.
    Các thế hệ người Việt thực ra lại còn ít giao tiếp thông tin với nhau. Người bề trên thì chỉ muốn chỉ bảo người bề dưới. Họ tạo ra mọi cơ hội cho mình để lên lớp người khác và chối bỏ mọi cơ hội lắng nghe những người dưới mình. Những người khác tầng lớp xã hội cũng vậy. Trong một gia đình, bố mẹ con cái hiểu nhau đã khó, huống chi là cả một xã hội đều tìm cách triệt tiêu cơ hội giao tiếp giữa những lớp người khác nhau. Một xã hội như vậy thì làm gì có cơ hội cho định hướng/giúp đỡ/dìu dắt. Làm gì có chỗ cho các cơ hội cùng nhau sáng tạo, bù đắp chỗ yếu của nhau, cùng nhau vươn lên. Thay vào đấy chỉ có chỗ cho cơ hội lên mặt/trịch thượng/giáo điều. Cơ hội để giao tiếp thông tin ít thì kỹ năng giao tiếp cũng vì thế mà kém đi. Kỹ năng giao tiếp kém dẫn đến khó giao tiếp với thế giới bên ngòai. Cơ hội tấn công ra thế giới (ví dụ như xuất khẩu, thu hút du lịch, đầu tư) vì thế cũng hạn hẹp đi rất nhiều.
    Tóm lại là thế hệ cha chú của @ thiệt thòi đủ điều, mà thiệt thòi nhất là họ chẳng có mấy cơ hội tốt đẹp trong suốt cuộc đời của mình. Cay đắng hơn nữa, họ không biết là mình thiệt thòi như vậy. Và họ vẫn tiếp tục nhìn next-generation bằng con mắt khắc nghiệt.
    4. Thế hệ @ và tương lai của đất nước.
    Mấy năm gần đây tình hình đã khá lên rất nhiều. Mọi người dân ít nhiều đều có cơ hội tiếp cận thông tin. Thế hệ @ là những người có nhiều cơ hội tiếp cận nhất. Đối với Thế hệ @ ngày nay, các cơ hội học hành, hướng nghiệp, lựa chọn tương lai, thưởng thức văn hóa, và hưởng thụ cũng nhiều hơn thế hệ cha chú rất nhiều. Các tật xấu muôn thủa của người Việt vẫn còn đó, trong tiềm thức của mỗi thành viên thế hệ @ và trong cả những thế hệ sau này nữa. Nhưng khi mà cơ hội tiếp thu kiến thức và phát triển cá nhân ngày một nhiều lên thì cơ hội để cho những tính xấu kia trỗi dậy ngày càng ít đi. Nó giống như một quán ăn mà thực đơn nghèo nàn, chỉ có vài ba món thì số người chọn món dở sẽ cao. Nếu quán ăn mà thực đơn phong phú thì chắc là ít người chọn ăn món dở nhất. Thế hệ tiền @ đã hưởng lợi phần nào từ xu hướng phát triển này của xã hội. Nhiều người xuất thân bình dân nay đã vào được giới elite (tạm gọi là elite thì đúng hơn) đã có cơ hội làm những công việc rất khác so với thế hệ trước đây, cách hưởng thụ và cách sống của họ cũng rất khác. Đó là nhờ họ đã có cơ hội (dù chưa nhiều lắm) được đọc cái mà họ muốn đọc, được phát biểu cái mà họ nghĩ (mặc dù cũng vẫn còn hạn chế), được thử sức trong những lĩnh vực mới. Họ dần dần bớt cực đoan và học được cách thỏa hiệp. Bản năng tiêu diệt đối thủ trong mỗi con người đang yếu dần đi, thay vào đó là cách sống và làm việc trong môi trường cộng tác. Họ đã biết cách tiếp cận khôn ngoan đến thế giới của những người xung quanh, và xa hơn nữa là thế giới rộng lớn bên ngòai.
    Thế hệ @ sẽ còn tốt hơn nữa. Khi mà cuộc sống có đầy sự lựa chọn xung quanh thì con người buộc phải lựa chọn bằng trực giác. Lúc đó những lý thuyết giáo điều và phức tạp sẽ trở nên vô nghĩa. Ngược lại, suy nghĩ đơn giản và đúng đắn sẽ có tác dụng tích cực. Tính sáng tạo vốn ít có cơ hội bộc lộ trước đây thì nay sẽ đua nhau bùng nổ trên diện rộng. Nó không chỉ thể hiện trong học tập, lao động mà còn trong việc ăn chơi giải trí. Nhiều cơ hội ăn chơi hơn, tức là phải có nhiều cơ hội kiếm tiền để ăn chơi. Nhiều người ăn chơi sẽ sinh ra nhiều cơ hội sáng tạo cho giải trí. Cái vòng tuần hoàn nho nhỏ này bản thân nó đã tạo ra khối GDP cho đất nước rồi. Đấy là chưa kế đến vai trò xã hội, có nhiều cơ hội ăn chơi hơn thì tỷ lệ cơ hội ăn chơi không lành mạnh (ma túy chẳng hạn) sẽ ít đi.
    Thế hệ sau @ thì sao: có lẽ sẽ còn tuyệt vời hơn nữa.
    Tương lai của đất nước chắc chắn là nằm trong tay những @ và hậu @, chứ không phải nằm trong tay những thế hệ cũ kỹ và già nua (cái này là hiển nhiên, khỏi phải bàn cãi). Vấn đề là những bậc cha chú của @ phải nhận thức ra vấn đề, xóa bỏ những rào cản cũ kỹ và giáo điều trong đầu mình đi. Xóa đi để có cơ hội giao tiếp với lũ trẻ. Xóa đi để có thời gian tạo thêm nhiều cơ hội sống và vươn lên cho lũ trẻ ranh @ đấy. Cái lũ trẻ ranh sẽ làm chủ đất nước trong tương lai.
    Nhưng đây cũng chỉ là giả định với chữ Nếu mà thôi. Chẳng ai biết được tương lai. Nhưng phải có được "cơ hội và công bằng về mặt cơ hội" cho tất cả mọi thành viên của thế hệ @. Vì chỉ có thế thì đất nước mới lên được tầm cao.
    © 2003 talawas

  9. Iloveyou

    Iloveyou Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/09/2001
    Bài viết:
    35
    Đã được thích:
    0
    Hồi xưa tớ cũng được đọc bài Thế hệ @ của Mai Chi trên talawas. Cảm giác của tớ là Mai Chi dường như hơi lên gân trong chuyện này, hoặc có thể tác giả nhìn hơi phiến diện khi đem những đặc điểm của một số lượng nhỏ những thanh niên thế hệ mới để khái quát cho số đông.
    Nói thật là tớ cũng ngạc nhiên khi Nguyễn Đức Thọ nói là anh ta mất hai đêm ko ngủ vì bài viết này. Thực ra cái việc "ghi chép những điều hay dở" của NĐT có vẻ như hơi buồn cười, dù rằng xuất phát từ những ý định tốt đẹp.
    Chuyện này không thể nói hết trong một bài viết nhỏ ở đây. Chỉ muốn nói vài cảm nghĩ thôi khucmuathu ạ.
    KMT này, dạo này khoẻ không, đã yêu ai chưa để ILU biết mà mừng cho bạn? Gửi tin nhắn cho tớ nhé nếu không tiện trả lời ở đây.
  10. khucmuathu

    khucmuathu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/03/2003
    Bài viết:
    94
    Đã được thích:
    0
    Tớ vẫn khoẻ, nhưng dạo này hơi bận . Khi nào rảnh sẽ viết nhiều hơn.
    Còn chuyện TY hả. Cứ từ tốn. Nhưng mà vẫn vui. ILU vẫn có thể mừng cho tớ. Vì những điều gần giống như TY, mà lại chưa phải là TY. HÌ. Vậy đi. Gặp lại sau nhé.

Chia sẻ trang này