1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nhịp điệu trong ngôn ngữ tạo hình - Văn Ngọc

Chủ đề trong 'Kiến Trúc' bởi MTH, 03/12/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. MTH

    MTH Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/05/2002
    Bài viết:
    917
    Đã được thích:
    0
    Nhịp điệu trong ngôn ngữ tạo hình - Văn Ngọc

    Nhịp điệu, hay tiết điệu (rythme), một trong những từ mà ngày nay người ta thường nói đến trong ngôn ngữ nghệ thuật, là một khái niệm khá phức tạp, khó định nghĩa, bởi bản thân nó là một hiện tượng vừa đa dạng, lại vừa khó nắm bắt, mà ngôn ngữ nói và viết lại chỉ mới có một hai từ chưa đủ chính xác để chỉ định nó !

    Theo quan niệm nghệ thuật hiện đại ở phương Tây, nhịp điệu là sự biểu hiện của sự vật trong thế giới tự nhiên, hoặc trong nghệ thuật, dưới những nét đặc thù, tinh tuý nhất của nó. Ðây là nội dung chính của khái niệm nhịp điệu.

    Trong truyền thống hội hoạ phương Ðông, cũng có một khái niệm tương tự, đó là khái niệm lý, một trong bốn nguyên tắc cơ bản của hội hoạ cổ điển Trung Quốc (khí, lý, ý, thần) được đề ra bởi Hsieh Ho, một lý thuyết gia về hội hoạ ở thế kỷ thứ 6 (đời nhà Tuỳ).
    Nhịp điệu tồn tại dưới mọi hình dạng trong thế giới tự nhiên : mỗi loài cây cỏ, mỗi loài động vật, thực vật, từ con chim, con cá, đến hòn đá, đám mây, dòng suối, mỗi vật đều có một hình dạng riêng, một cấu trúc riêng, một nhịp điệu riêng.

    Song nhịp điệu chỉ toát ra một cách rõ ràng nhất từ những tổng thể tập hợp nhiều vật thể đứng gần bên nhau, có cùng một hình dạng, cùng một cấu trúc, hoặc lặp lại cùng một động tác, cùng một nhịp chuyển động.

    Một chiếc lá tre đơn độc, chỉ có thể cung cấp cho ta hình dạng của một chiếc lá, nó chưa tạo nên nhịp điệu. Chỉ khi nào ta có cả một cành tre, với cấu trúc đặc biệt của các nhánh, các chẽ của nó, ta mới bắt đầu nhận dạng được cái cấu trúc và cái nhịp điệu của tre.

    Nhịp điệu của một cây lê khác với nhịp điệu của một cây táo, do sự khác nhau về cấu trúc. Tuy nhiên, cái nhịp điệu này đôi khi cũng khó nắm bắt, nhất là vào mùa cây đầy lá chi chít, che khuất đi những đường nét của thân cành là cái cấu trúc thể hiện nhịp điệu của từng giống cây.

    (Còn tiếp)




    MTH@
  2. MTH

    MTH Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/05/2002
    Bài viết:
    917
    Đã được thích:
    0
    Cũng vì không thể nào vẽ hết được các cành lá của một cái cây, cho nên xưa nay các hoạ sĩ, từ Ðông sang Tây, đều tránh không vẽ tất cả mọi chi tiết, mà chỉ vẽ, một là cái hình dạng bên ngoài của cây, hai là cái cấu trúc đặc thù tiêu biểu cho cây. Hoạ sĩ Mạnh Quỳnh ngày xưa khi vẽ tre, chỉ vẽ thân tre và một mảng mờ mờ ở trên ngọn bằng những nét thoắng để chỉ những cành tre, song người ta cũng nhận ra ngay nhịp điệu của những khóm tre trước gió. Dẫu sao, đó cũng chỉ là những bức hoạt hoạ, nhằm mục đích minh hoạ cho sách báo. Các hoạ sĩ cổ điển Trung Hoa, ngược lại, khi vẽ tre, thường vẽ rất tỉ mỉ từng cành, từng lá, cho ta thấy rõ cái nhịp điệu đặc thù của từng bụi tre.
    Khái niệm nhịp điệu, đặc biệt trong nghệ thuật tạo hình hiện đại ở phương Tây, còn có một nội dung khác nữa.
    Nhịp điệu ở đây được coi như một yếu tố thẩm mỹ, tạo nên sự sinh động trong tác phẩm nghệ thuật. Nhịp điệu " lập thể " bắt đầu xuất hiện trong các tác phẩm của Cézanne (từ khoảng 1880 trở đi), rồi trường phái lập thể, chủ yếu là Braque và Picasso đã đào sâu khai thác thêm (từ 1907 trở đi).
    MTH@
  3. Egoist

    Egoist Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    1.345
    Đã được thích:
    1
    lập thể của cezané! từ cố tật dựng hình quá kém...
    nhưng mà cái bài này ở đây có hợp không nhỉ!

    Trán người già lận giấu đem đen
    Đôi mắt trẻ sóng xô từng vầng sáng
  4. MTH

    MTH Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/05/2002
    Bài viết:
    917
    Đã được thích:
    0
    Loạt tranh vẽ phong cảnh ở địa điểm Château Noir của Cézanne, đặc biệt là các bức Vue de Château Noir (1894-96) và nhất là Dans le parc du Château Noir (1900) đều giàu một sự rung cảm về nhịp điệu. Cũng như tất cả các bức hoạ ông vẽ ngọn núi Sainte-Victoire (từ 1898 đến 1906) ! Cézanne, cũng như những người đi sau ông thuộc xu hướng lập thể, khi lấy thiên nhiên làm đối tượng vẽ, thực ra chỉ là để phân tích, nắm bắt những nhịp điệu của thiên nhiên và diễn dịch chúng bằng nhịp điệu của những hình thể hình học đơn giản. Cứ xem những tác phẩm lúc khởi đầu của trường phái lập thể như : Maisons à l?TEstaque (1908), La Roche Guyon (1909), của Braque ; L?TUsine à Horta de Ebro (1909), Portrait de Wilhelm Uhde(1910) của Picasso, thì ta cũng đủ thấy điều đó.
    Từ Cézanne, đến Braque, Picasso, rồi đến Robert Delaunay, thì cái sự phân tích đó đã tiến một bước khá xa, để cuối cùng toàn bộ bức tranh chỉ còn là nhịp điệu tạo nên bởi các hình thể hình học : Delaunay, Fenêtres sur la ville No 2 (1912), No 4 (1913).
    Từ đó chuyển sang hội hoạ trừu tượng thật không còn bao xa nữa !
    Trên thực tế, từ lúc này trở đi, một loạt trường phái trừu tượng đã đua nhau tìm tòi theo những hướng khác nhau, nhưng trọng tâm vẫn là vấn đề nhịp điệu : từ Mondrian, với nhịp điệu của những đường cong (1909 -1912), rồi cuối cùng là những đường thẳng góc (từ 1914 trở đi), đến Malevitch, với những hình thể hình học đơn giản (1915) ; rồi từ Magnelli, Boccioni, Severini và nhóm Vị lai (Futuristes), với tham vọng thể hiện sự chuyển động, đến Kandinsky, v.v.
    Nói đến sự tìm tòi về nhịp điệu của các trường phái hội hoạ hồi đầu thế kỷ 20, chúng ta không thể nào quên rằng, cũng vào thời kỳ đó, còn có nhiều trường phái hội hoạ khác cũng rất quan tâm đến khái niệm này. Ðặc biệt là trường phái biểu hiện, với Munch, Kirchner, Nolde, Soutine, Rouault, v.v.Ðến những năm 40 - 50, quan niệm về nhịp điệu lại được đẩy xa thêm một bước nữa qua những tìm tòi mới của Henri Michaux, nhà thơ hiện đại Pháp, kiêm hoạ sĩ. Nhiều trường phái hội hoạ trừu tượng chú trọng đến nhịp điệu thuần tuý hình thành dần dần ở cả hai bên bờ Ðại Tây Dương. Ở Mỹ, nổi bật nhất có Mark Tobey, Willem de Kooning, Jackson Pollock, Jasper Johns, v.v. ; ở Âu châu, có Hans Hartung, Karel Appel, Pierre Soulages, v.v.
    Trong kiến trúc, khái niệm nhịp điệu cũng đã đóng một vai trò quan trọng.
    Tuy nhiên, điều đáng làm cho ta phải ngạc nhiên là trong một thời gian dài hàng mười mấy thế kỷ, khái niệm này đã không được biết đến !
    Trong kiến trúc cổ điển Hy Lạp (thế kỷ 5 tr. C.N.), người ta mới chỉ biết đến khái niệm tỷ lệ (proportions), và cho rằng tỷ lệ là tiêu chuẩn quan trọng nhất của sự cân đối, hài hoà, tức là của cái đẹp cổ điển.
    Người Hy Lạp cổ tin vào những tỷ lệ lý tưởng, mà qua kinh nghiệm thiết kế và xây dựng những ngôi đền, họ đã có được. Ðó là những tỷ lệ được qui định một cách chính xác bằng những kích thước cụ thể : đơn vị cơ bản là đường kính của cột chống trong mỗi công trình, được lấy làm thước đo cho tất cả các bộ phận kiến trúc khác (giống như chiếc tatami trong truyền thống kiến trúc Nhật Bản, hay cây thước tầm trong truyền thống xây dựng của người Việt xưa).
    Tỷ lệ cho phép tạo ra sự cân xứng, hài hoà giữa các bộ phận của một vật thể, hoặc giữa một vật thể này với một vật thể khác. Song, nó cũng có thể tạo nên một sự tương phản giữa các bộ phận của một vật thể, cũng như giữa các vật thể đứng bên cạnh nhau. Do đó, tỷ lệ và nhịp điệu không mâu thuẫn với nhau. Tỷ lệ, ở một mức độ nào đó cũng có thể tạo nên được sự sinh động, thậm chí tạo nên nhịp điệu.
    Ðiều làm cho hậu thế phải ngạc nhiên, là người Hy Lạp cổ tuy không chú trọng đến khái niệm nhịp điệu, nhưng đã biết cảm thụ, nắm bắt được cái đẹp sinh động của nhịp điệu.
    Trong kiến trúc cổ điển Hy Lạp, ở Acropole (Athènes), chẳng hạn, những hàng cột bao quanh các ngôi đền Parthénon và Athéna Nikè, hoặc ở ngay cổng vào Acropole (Propylées), hẳn đã hấp dẫn nhãn quan và đã chinh phục được con mắt thẩm mỹ của những người đương thời. Những hàng cột đá, mà thân cột được chạm trổ thành những rãnh song song theo chiều cao (cannelures), có khả năng bắt ánh sáng một cách sinh động : chúng biến đổi sắc độ và hình dạng theo từng giờ của một ngày. Chính chúng là tiền thân của những hàng cột sẽ được tôn vinh trong suốt hàng chục thế kỷ trong nền kiến trúc cổ điển Âu châu sau này.
    Tuy nhiên, vào thời kỳ cổ đại Hy Lạp, cũng như sau này, trong truyền thống kiến trúc cổ điển La Mã (từ thế kỷ 2 tr. C.N. trở đi), người ta mới chỉ biết cảm thụ cái đẹp của những hàng cột ở các agora Hy Lạp và ở các forum La Mã, song chưa bao giờ phân tích hiện tượng, để tìm hiểu vì sao lại có được cái đẹp ấy.
    Phải chờ đến hơn mười bảy thế kỷ sau, khi nghệ thuật kiến trúc gothique tự khẳng định cho mình một phong cách riêng, với nhịp điệu thẳng đứng trang nghiêm của các bộ phận kiến trúc, từ các cột chống cao vút bên trong nhà thờ, đến các mô típ điêu khắc trên mặt tiền, rồi đến gác chuông, v.v., cũng như với nhịp điệu uyển chuyển, mềm mại của các vòm cuốn, người ta mới dần dần có một ý thức rõ rệt về tầm quan trọng của khái niệm này.
    Ở thời Phục Hưng Ý, nhiều thành phố, làng mạc, đặc biệt là những thành phố làng mạc xây trên triền đồi ở Ý, được xây dựng dựa theo địa hình, địa thế tự nhiên, cũng như dựa trên một sự thống nhất về phong cách kiến trúc và vật liệu xây dựng của từng địa phương. Do đó, mà các thành phố, làng mạc này, thường hài hoà với cảnh quan : nhịp điệu của chúng ít khi đối nghịch với nhịp điệu của thiên nhiên xung quanh.
    Trong kiến trúc, còn nhiều thí dụ khác nói lên tầm quan trọng của nhịp điệu, như một yếu tố thẩm mỹ quyết định : từ những thành phố, làng mạc ở Bắc Phi, Trung cận đông, v.v. mà kiến trúc chủ yếu là những hình khối vuông góc, mái bằng, điểm xuyết đây đó bằng những mái vòm, hoặc những tháp minaret, và thường được xây dựng trải ra theo một nhịp điệu ngang, hài hoà với phong cảnh của những vùng sa mạc, cho đến thành phố NewYork (Manhattan) với những ngôi nhà chọc trời đứng sát bên nhau, tạo nên một nhịp điệu thẳng đứng mạnh mẽ.
    Mãi đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khái niệm nhịp điệu mới bước đầu được nhìn nhận trong giới kiến trúc như một yếu tố cơ bản của cái đẹp thẩm mỹ, mặc dầu trong các trường kiến trúc và mỹ thuật, người ta vẫn bó buộc học sinh phải sao chép tỷ lệ của những thức cột dorique, ionique, v.v. và về hình hoạ, vẫn phải sao chép các pho tượng Hy Lạp cổ, hoặc vẽ người khoả thân trong những dáng đứng cứng nhắc, khô khan !
    Cũng may, là cái thời kỳ đó rốt cục rồi cũng đã qua, và Giải thưởng La Mã cũng không còn tồn tại nữa, mặc dầu cũng mới chỉ từ những năm 60 !
    Bước vào những thập niên 70-80, nhịp điệu trong các trào lưu kiến trúc hậu hiện đại sẽ được săn tìm trong sự đối lập giữa các hình khối, đường nét, chất liệu, thậm chí cả màu sắc. Một tổng thể kiến trúc sinh động thường là một tổng thể trong đó những hình khối, đường nét giàu nhịp điệu tương phản với nhau, từ nhịp điệu của những đường thẳng góc, đến nhịp điệu của những đường chéo, đường cong, v.v.
    Giờ đây, khái niệm nhịp điệu đã trở nên quen thuộc trong lãnh vực kiến trúc, cũng như trong mọi ngành nghệ thuật tạo hình khác.
    Nhịp điệu muôn màu muôn vẻ, biểu hiện sự sống của mọi vật, đáp ứng một nhu cầu bản năng của con người, cuối cùng đã trở thành một yếu tố của cái đẹp, một tiêu chuẩn thẩm mỹ, thậm chí một đối tượng của nghệ thuật, một trong những nguồn cảm hứng phong phú nhất đối với những người làm nghệ thuật
    Văn Ngọc
    MTH@
  5. nicolover

    nicolover Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/05/2002
    Bài viết:
    3
    Đã được thích:
    0
    Bài này bác nào viết công phu nhỉ. Hay.

Chia sẻ trang này