1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nhờ các bác lãnh đạo cái ( từ trang 5 mới có cái để đọc nhưng đọc được từ trang 1 mới gọi là giỏi ).

Chủ đề trong 'Quán trọ Zimbabwe' bởi Don_Quixote_new, 26/12/2001.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Khoai_lang_new

    Khoai_lang_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    17/02/2002
    Bài viết:
    349
    Đã được thích:
    0

    Sáng mát trong như sáng năm xưa
    Gió thổi mùa thu hương cốm mới
    Tôi nhớ những ngày thu đã xa...

    Tản mạn mùa thu
    (Trích "Thương nhớ mười hai"-Vũ Bằng)
    Duy chỉ còn có mùa thu tồn tại, nhưng đến cái buồn se sắt, đẹp não nùng của Bắc Việt thân yêu cũng lại biệt mù tăm tích, không biết đến bao giờ mới lại được nghe thấy hơi may về với hoa vàng, không biết đến bao giờ mới lại được thấy lá ngô đồng rụng xuống giếng thu, nửa đêm thả một lá thuyền con đi mua rượu sen Tây Hồ về uống, mà cũng không biết đến bao giờ mới lại được cùng người vợ tấm mẳn ăn mấy con ốc nhồi thịt thăn, miến, mộc nhĩ hấp với lá gừng trông trăng, trong khi thỉnh thoảng ở đằng xa vọng lại những tiếng hát chèo, tiếng rước sư tử, tiếng trống quân thùng thình...
    Mùa thu Bắc Việt xa xưa ơi, ta buồn da diết khi nghĩ đến kiếp chúng sinh hệ lụy trong biển trầm luân, nhưng ta không thể không cảm ơn Trời Phật đã cho người Bắc đau khổ triền miên một mùa thu xanh mơ mộng diễm tình đến thế. Mộng từ ngọn gió, cánh hoa mộng đi, mộng từ tiếng nhạn về én đi mộng lại, mộng từ bông sen tàn tạ trong đầm mà mộng lên, mộng từ sắc ố quan hà mà mộng xuống.
    Quái lạ là cái mùa kì diệu : tự nhiên trời chỉ đổi màu, gió chỉ thay nhiều làm rung một cái lá ngô đồng, thế là bao nhiêu cảnh vật đều nhuộm một màu tê tái, làm cho lòng người đa cảm tự nhiên thấy se sắt, tư lường. Thế là trời đất cỏ cây tự nhiên hiện ra dưới một lăng kính mới : trăng sáng đẹp là thế cũng hóa ra buồn, trời bát ngát yêu thương như thế mà cũng hóa ra tê tái, sông nước đẹp mênh mông như thế mà cũng hóa ra đìu hiu lạnh.
    Ngay đến cái thân mình, bình thường chẳng làm sao, vậy mà không hiểu cơn cớ nào thấy gió thu về xao xác ngoài hiên mình cũng tự nhiên thấy thương cho thân thế và bâng khuâng buồn nhớ. Nhớ cái gì, buồn cái gì, không rõ rệt..
    Trong một năm, không có mùa nào trăng lại sáng và đẹp như trăng thu. Từ thượng tuần tháng tám, nhìn lên cao, thi sĩ thấy cả một bầu trời phẳng lì xanh ngắt, không có một đám mây làm vẩn đục làn ánh sáng mơ hồ của trăng tỏa ra khắp nội cỏ đồi cây. Nhưng từ rằm trở đi thì ánh trăng mới thực lung linh kì ảo. Vợ chồng dắt nhau đi vào trong ánh trăng lúc ấy cảm thấy mình đi trên trần mà dường như có cánh ở dưới chân, không bước mà có cái gì đẩy chân đi nhè nhẹ vào trong cõi mê ly thần thoại. Lắng tai nghe thật kĩ, đâu đây có cái gì rung động như cánh của những con **** mới ra ràng.
    Mà ở đâu đây có cái hương thơm gì dìu dịu thế ? À, đấy là hương lúa ba giăng, mà tiếng rung động nhè nhẹ kia chính là tiếng ân tình nhỏ bé của những bông thóc thơm thơm ngả vào lòng nhau để tìm sự ấm áp trước ngọn gió vàng hiu hắt.
    Mùa hồng lúc này đã rộ, bưởi cũng đã nhiều, nhưng thơm ngọt ngào mùi đất nước quê hương, đó có cái gì sánh được với cốm Vòng ăn với chuối trứng cuốc ngon lừ...
    Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
    Những phố dài xao xác heo may
    Người ra đi đầu không ngoảnh lại
    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy...

  2. Khoai_lang_new

    Khoai_lang_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    17/02/2002
    Bài viết:
    349
    Đã được thích:
    0

    Chú dê nhỏ trên núi cao
    (Trích "Con dê của ông Xơganh" - Alphonse Daudet)​
    [​IMG]
    Dê trắng vừa lên tới núi thì cả một niềm hân hoan tràn ngập khắp đó đây. Chưa bao giờ những cây tùng, cây bách cổ thụ lại được thấy một con dê đẹp đến thế ! Nó được tiếp đón như một nàng công chúa. Cây dẻ cúi rạp xuống đưa đầu nhành lá vuốt ve nó, hoa kim tước vàng óng nở rộ và cố tỏa hương thật ngát dọc lối nó đi qua. Cả núi rừng tưng bừng đón nó.
    Dê ta hoan hỉ biết chừng nào ! Chẳng còn cái thừng, cái cọc nữa...chẳng còn ai cản được dê đi lại tung tăng, gặm cỏ tùy thích Mà cỏ ở đây sao mà nhiều đến thế, cứ là ngập lút sừng. Và cỏ mới tuyệt chứ ! Nào ngọt này, non sớt này, có răng cưa này, đủ mùi vị của muôn loài cây cỏ...Thật khác xa với cái thứ cỏ trong vườn nhà . Lại còn cả hoa nữa ! Những bông hoa cát cánh đại đóa xanh lơ, những đóa ***g đèn có đài hoa dài đỏ thắm, bạt ngàn rừng hoa dại căng mật thơm nồng ngây ngất !
    Dê ta ngà ngà say tỉnh, vẫy vùng trên cỏ, bốn vó chổng lên trời, lăn tròn theo bờ dốc, vùi mình vào đám lá rụng lẫn lộn với hạt dẻ. Rồi đùng một cái, dê ta chồm phắt dậy. Hấp ! Nó đã chạy biến cắm đầu cắm cổ vượt qua các bụi gai, khu rừng rậm xanh rì, lúc trên mõm núi, lúc dưới khe sâu, lên cao rồi xuống thấp, ẩn hiện khắp nơi nơi... Người ta tưởng chừng có tới mười con dê của ông Xơganh lúc này ở trên núi
    Đúng là cái con dê trắng này chẳng biết sợ gì hết .
    Thoắt một cái nó đã nhảy qua những thác lớn, bọt nước và bụi ẩm tóe lên mình nó. Mình mẩy ướt sũng, nó cứ thế lăn kềnh ra phiến đá phẳng và hong khô dưới ánh mặt trời...Rồi nó dạo bước, men theo một trái đồi, miệng ngậm một bông hoa kim tước thơm ngào ngạt, dê ta bỗng nhận ra ngay dưới chân mình, tận phía cánh đồng tít tắp bên kia ngôi nhà có vườn sau của ông Xơganh. Cảnh ấy khiến nó cười ra nước mắt. Nó nói : "Bé tí tẹo tèo teo thế kia kìa, thế mà sao mình đã sống ở đó được nhỉ ?"
  3. Khoai_lang_new

    Khoai_lang_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    17/02/2002
    Bài viết:
    349
    Đã được thích:
    0
    Tùy bút
    (Trích "Cửa sổ lớp học" - Trần Quốc Toàn)​
    [​IMG]
    Lang Mỗ trong truyện "Chàng mọt sách" của Bồ Tùng Linh. Lang Mỗ đọc đến động lòng sách, khiến từ quyển thứ tám của bộ Hán Thư bước ra một mỹ nhân, nàng Như Ngọc , thưa : "...em ở trong sách đã biết chàng từ lâu rồi. Đối với những bậc cổ thánh tiên hiền, chàng vững tin không nghi, khiến em rất cảm động. Em tự nhủ, nếu mình không ra cho chàng gặp mặt thì từ sau chẳng còn ai tin cổ thánh tiên hiền nữa".
    *****​
    Dấu chân mình
    Hồi nhỏ đọc Tây Du Ký, lớn lên lại được học Tây Du theo lối giải mã, bóc hết lớp vỏ hoang đường, ăn vào tới cốt lõi hiện thực. Dù vậy vẫn chưa thật tin vào chuyện người ta có thể đi thiên sơn vạn thủy, vượt qua tám mươi mốt khổ nạn chỉ để gánh về mấy quyển sách, ban đầu vô tự, không chữ, rồi hữu tự nhưng lại vô hậu vì đã mất hết những trang cuối cùng. Chưa thật tin bởi lẽ, truyền đạo chẳng phải là việc chính của nhà Phật đó sao ! Tại sao Phật tổ muôn nghìn phép màu không thần thông biến hóa ban phát kinh sách.
    Bữa rồi, đi du lịch dã ngoại trên Lâm Đồng, đang leo núi bỗng gặp một ngôi chùa chon von, liền rẽ vào xin nước uống. Gáo dừa nước mưa đã đưa lên miệng vậy mà chưa uống ngay để còn trố mắt nhìn một sư ông mắt xanh da trắng, mũi cao. Bạch thầy, thầy cho hay mình người Thụy Sĩ, 27 tuổi, thấy hai bằng cử nhân chưa đủ, sang Việt Nam học thêm.
    Vậy là ở thời tin học, thời sách điện tử, chỉ cần gãi gãi tay trên bàn phím là sách ấy hiển hiện, vẫn có người tự thân thỉnh kinh, nói chi thời tây du bút lông mực tàu ! Tự thân phải chăng là bài giáo học pháp, Phật muốn gửi tới chúng sinh ?
    Lại nhớ sư Venerable, người Hà Lan, đã đi qua 45 nước để tới khất thực, hành đạo ở Việt Nam. Đi ngần ấy ngày đàng, học không biết bao nhiêu sàng khôn, vậy mà bài học kinh nghiệm mà sư trao đổi với một thầy giáo nhà mình ở phố cổ Hội An chỉ là : " Nếu có cái gì tôi để lại trên đời thì đó chỉ là những dấu chân mà thôi". Vẫn chỉ là những dấu chân tự mình tìm đến với học vấn.
    Hãy tự mình thắp đèn lên !
    *****​
    Cầu Duyên
    Tôi rất tin vào chuyện cầu duyên nơi cửa Phật bởi lẽ sân chùa đã là nơi mai mối cho bao nhiêu chuyện tình.
    Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh trong truyện Mái Tây chẳng đã lần đầu gặp nhau trong chùa Phổ Cứu đó sao. Không có chùa Phổ Cứu đã chắc gì có câu thơ tình khiến bao thế hệ ngậm ngùi : Xin đem tình lúc trước, thương lấy kẻ về sau. Lan và Ngọc trong Hồn **** mơ tiên cũng tìm đến với nhau nơi sân chùa Long Giáng để rồi khách đa tình được đọc bức tình thư bắt đầu bằng câu khẩu truyền tiếng Phạn : A di đà Phật...hạnh phúc của chúng ta chỉ ở ái tình...đó là Niết Bàn của chúng ta.
    Tôi rất tin vào chuyện cầu duyên, nhưng cầu thì người được người không, cho nên trong chuyện tình (lại chuyện tình) Lan và Điệp, Lan chôn chuyện tình của mình, chôn cánh **** và cành hoa lan nơi vườn chùa Phương Thành.
    Tôi tin vào chuyện cầu duyên bởi một lẽ rất duy vật là cảnh chùa bao giờ cũng đẹp, cũng trong sạch, con người ta tìm đến nơi đẹp, nơi sạch mà yêu nhau. Ở chùa Trúc Lâm Đà Lạt, ngay tại tam quan, những lứa đôi được gặp ngay một đôi câu đối :
    Thiền thất chín năm, đợi gặp thân quang truyền tâm ấn
    Trúc Lâm mười kỷ, đã đem thập thiện hóa nhân gian

    Thập thiện hóa nhân gian có đến mười điều thiện, là những điều gì, chưa được học, nhưng yêu nhau thì đã rõ là một điều thiện của bá tánh trong cõi ta bà.
    Được Khoai lang sửa chữa / chuyển vào 15:24 ngày 27/10/2002
  4. Daisy

    Daisy Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    106
    Đã được thích:
    0
    Chim sẻ
    Chim sẻ ! Dưới những đám mây tròn trĩnh thả lác đác từng hạt mưa nhỏ, sao mà chúng rộn ràng trong khóm bìm bìm đến thế; chúng chiêm chiếp rúc rỉa nhộn thế ! Con thì sà xuống một cành cây, rồi lại bay đi, để lại cành cây lẩy bẩy, con thì uống một tí da trời trong vũng nước nhỏ, bên bờ giếng, con khác tung tăng trên chiếc mái cộc nho nhỏ phủ đầy hoa...
    Đi xa, chúng không cần tiền bạc, hành lý. Chúng đổi chỗ ở tùy thích. Tiên đoán một ngọn suối nào ư, linh cảm một vòm cây nào ư, chúng chỉ cần giang đôi cánh để đi tới hạnh phúc. Đối với chúng không có ngày thứ hai hay thứ bảy.Tắm khắp nơi, lúc nào cũng được.Một thứ hạnh phúc không rõ dạng. Sung sướng, không Thiên đàng, không Địa ngục vốn làm cho con người khổ sở vì ham mê hay kinh hoàng.Chúng yêu thứ tình không tên, lấy vũ trụ làm đối tượng yêu dấu.
    Và khi mọi người đi lễ ngày chủ nhật, cửa đóng then cài rồi, thì chúng nó, bầy chim sẻ, nêu cao một cái gương tình yêu vui vẻ, phi nghi thức, nhất loạt sà xuống huyên náo khu vườn của những ngôi nhà im ỉm kia; nơi đây một người thơ, bạn với chúng, cùng con lừa nhỏ-ngươi cùng phe với ta chứ, Larô ? -ngắm nhìn chúng nó bằng con mắt anh em.
    Trích "Con lừa và tôi"- Juan Ramon Jimenez
    (Nhà thơ Tây Ban Nha đã đạt giải Nobel Văn chương 1956)
    Bản dịch của Bửu Ý

    Được Daisy sửa chữa / chuyển vào 17:49 ngày 27/10/2002
  5. Daisy

    Daisy Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    106
    Đã được thích:
    0

    Đóa hoa bên đường
    Này Larô, đóa hoa đẹp và thanh ghê, đóa hoa bên đường kia ! Lớp lớp đi qua, thế mà hoa mảnh mai thê kia vẫn tươi nở đấy, không suy suyển, màu tím nhạt và nhỏ nhắn, bên bờ dậu chơ vơ.
    Ngày ngày hễ đi đường tắt cách chân dốc một đoạn là người có thể trông thấy nó trong lùm xanh.Làn nước trong từ đám mây hè ứ lại trong hoa làm thành một chiếc cốc nhỏ xíu.
    Đóa hoa này sẽ sống ngắn hạn Larô ạ, vẫn biết kỷ niệm về nó có thể bất diệt. Đời sống của nó sẽ giống như một ngày trong xuân thì của ngươi, như một mùa xuân của đời ta...Giá ta có quyền cho, thì ta sẽ lấy cái gì đem cho mùa thu, hả Larỏ, để mùa thu tha mạng cho đóa hoa trời, và để cho hoa, mỗi mỗi lúc, là biểu tượng đơn sơ và bất diệt của đời sống ?
    Trích "Con lừa và tôi"- Juan Ramon Jimenez
    (Nhà thơ Tây Ban Nha đã đạt giải Nobel Văn chương 1956)
    Bản dịch của Bửu Ý
  6. Daisy

    Daisy Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    106
    Đã được thích:
    0
    Tiếng dế
    Larô với tôi, nhờ những chuyến đi đêm, không lạ gì tiếng dế.
    Tiếng dế cất lên lần đầu, vào hoàng hôn thì ngập ngừng, trầm và chát. Rồi dế đổi giọng, tự nó sửa sai và không dưng dần dần rít lại, như thể nó tìm được hòa điệu của không gian và thời gian. Bỗng, khi sao đã sáng trên trời, thì tiếng kêu nhuốm một vẻ dịu dàng mê ly.
    Những ngọn gió mát tím nhạt thoang thoảng hoa đêm nở và mùi hương tinh khiết từ những cánh đồng xanh, của trời, của đất hòa lẫn, lan tràn qua đồng bằng. Và bấy giờ tiếng kêu của dế bừng dậy, rền cả làng mạc, nghe như âm thanh của bóng tối. Dế không còn ngập ngừng, không ngưng lại nữa.
    Giờ khắc trôi qua êm ả. Không có chiến tranh trên trái đất, và người nông dân ngủ yên không lo sợ, khám phá ra bầu trời trong đỉnh mộng. Giữa khóm hoa leo trên tường, dường như tình yêu đang đi tới, nhìn thẳng vào mắt. Những cánh đồng trồng đậu gửi gắm tới làng những thông điệp hiền hòa làm bằng hương thơm. Lúa gợn màu lục dưới ánh trăng, rì rào trong gió khuya...Tiếng dế lừng lắm thế, cũng đã phải lạc giọng..
    Nhưng đến rạng sáng, tiếng dế trổi lên lại, đúng lúc chúng tôi trở về qua các lối mòn sương trắng. Trăng rũ, màu hung và ngái ngủ. Và toàn ca khúc của dế chỉ còn là say trăng với say sao, với van vỉ lãng mạn, huyền bí và chan hòa...Trong khi đó, những áng mây lớn trắng bạc, viền một màu tím xanh buồn, đang khoan thai nâng ngày dậy lên từ mặt biển...
    Trích "Con lừa và tôi"- Juan Ramon Jimenez
    (Nhà thơ Tây Ban Nha đã đạt giải Nobel Văn chương 1956)
    Bản dịch của Bửu Ý

  7. Daisy

    Daisy Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    106
    Đã được thích:
    0

    Ta đã sống hay chỉ lướt qua cuộc sống...
    (Trần Mỹ Hằng)​
    [​IMG]
    Những câu chuyện nhỏ nối tiếp nhau, miên man và bất tận. Mỗi ngày là một câu chuyện. Mỗi cánh ****, mỗi đóa hoa...là một câu chuyện. Những câu chuyện không bắt đầu, không kết thúc, không cần lý do, được chia sẻ hào hứng giữa chủ nhân-thi sĩ- và chú lừa nhỏ tên Platero.
    Có lẽ vì Juan Ramon Jimenez là thi sĩ, nên ngay cả khi viết văn xuôi thì mỗi trang trong tác phẩm Con lừa và tôi của ông cũng đều thấm đẫm chất thơ. Mơ màng và dịu ngọt, toàn bộ cuốn sách mỏng là những câu chuyện riêng tư, những dòng tâm tình đầy thương yêu giữa một con người và chú lừa nhỏ. Họ chia sẻ với nhau những giờ khắc êm ả lang thang trên cánh đồng, niềm hạnh phúc nho nhỏ khi lặng ngắm buổi hoàng hôn. Họ chia sẻ với nhau tình yêu làng quê và tình yêu thiên nhiên tha thiết.
    Chú lừa Platero là bạn thân của thi sĩ, đồng thời cũng là lăng kính tin cậy để thi sĩ chiêm ngưỡng thế giới này-thế giới với những trăng và sao, những buổi chiều đỏ thăm, những cánh đồng xanh nối tiếp bầu trời xanh. Platero trẻ thơ, dịu dàng, thân ái. Còn thi sĩ, anh cũng nhìn ngắm, khám phá và yêu quí thế giới này theo cách như vậy. Người và vật bên nhau nhưng không phải chỉ có hai người với nhau. Họ có cả làng mạc, thiên nhiên bao la luôn sánh bước cùng. Ngay cả cho đến cuối truyện, khi ta tưởng như bi kịch đã ập đến cùng với cái chết của chú lừa Platero, thi trong vòng tay che chở của thiên nhiên, nỗi đau dường như cũng được xoa dịu.
    Truyện Con lừa và tôi của Jimenez thường được so sánh với cuốn Hoàng tử bé của S.Exupery có lẽ không phải chỉ bởi không khí thơ mộng và mượt mà của nó. Con lừa và tôi gợi nhớ nhiều hơn đến Hoàng tử bé chính là ở cách nhìn và cách ứng xử với thế giới, với tự nhiên.
    Anh có bao giờ cảm nhận và lắng nghe được thế giới quanh anh trong đúng trạng thái nguyên hợp và phong phú của nó ? Hoặc giản đơn hơn, anh có bao giờ nhìn thấy vẻ đẹp trong viên sỏi dưới chân, có nghe thấy nỗi đau trong tiếng hót của con chim nhỏ đang sống kiếp giam cầm ?
    Hãy quay về với thiên nhiên, và hãy đủ trẻ thơ để yêu thiên nhiên bằng tình yêu nguyên vẹn nhất ! Và sẽ có lúc ta ngạc nhiên tự hỏi mình rằng bấy lâu nay ta đã sống hay chỉ lướt qua cuộc sống ?

    [​IMG]
  8. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0

    On Another's Sorrow
    (?)
    Can I see another's woe,
    And not be in sorrow too?
    Can I see another's grief,
    And not seek for kind relief?
    Can I see a falling tear,
    And not feel my sorrow's share?
    Can a father see his child
    Weep, nor be with sorrow filled?
    Can a mother sit and hear
    An infant groan, an infant fear?
    No, no! never can it be!
    Never, never can it be!
    And can He who smiles on all
    Hear the wren with sorrows small,
    Hear the small bird's grief and care,
    Hear the woes that infants bear
    And not sit beside the next,
    Pouring pity in their breast,
    And not sit the cradle near,
    Weeping tear on infant's tear?
    And not sit both night and day,
    Wiping all our tears away?
    Oh no! never can it be!
    Never, never can it be!
    [​IMG]
  9. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0

    Từ đâu ?​
    [​IMG]
    Giấc ngủ chập chờn trên hàng mi em bé. Ai biết giấc ngủ từ đâu đến ? Ừ, nghe nói giấc ngủ đến từ làng tiên nữ, trong bóng cây rừng có đom đóm lập lòe dìu dịu, có hai nụ hoa thần kỳ níu cành e lệ.
    Ấy giấc ngủ từ nơi đó đến hôn lên hàng mi em bé.
    Nụ cười khẽ rung đôi môi em bé ngủ. Ai biết nụ cười từ đâu đến ? Ừ, nghe nói có ánh trăng non vàng viền quanh đám mây thu tàn; đó là nơi nụ cườI hé nở đầu tiên, trong giấc mơ buổi sáng đẫm sương.
    Ấy nụ cười khẽ rung đôi môi em bé ngủ.
    Màu mát dịu phơi phới trên tay chân em bé. Ai biết màu tươi mát từ lâu ẩn ở đâu ? Ừ, thuở mẹ đang là xuân xanh, màu tươi mát thấm đầy lòng mẹ tình yêu sâu kín, dịu dàng, lặng lẽ.
    Ấy màu mát dịu trên tay chân em bé.

    Rabindranath Tagore.
  10. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0
    Thuyền giấy ​
    [​IMG]
    Ngày lại ngày, tôi thả thuyền giấy của tôi từng chiếc xuống dòng khe chảy xiết.
    Tôi viết to, đậm tên tôi và tên làng tôi trên mạn thuyền.
    Tôi hy vọng có người ở nơi nào xa lạ bắt được thuyền và biết tôi là ai.
    Trên thuyền, tôi chở những nụ hoa Siuli hái ở vườn nhà và mong rằng những nụ hoa thường nở vào buổi bình minh ấy sẽ yên ổn cập bờ lúc đang đêm.
    Tôi thả thuyền giấy rồi nhìn lên trời thấy những áng mây nhỏ đang căng buồm trắng.
    [​IMG]
    Không biết bạn chơi nào của tôi ở trên trời cũng thả thuyền trong gió để đua với thuyền tôi .
    Đêm về, tôi áp mặt vào cánh tay và mơ thấy thuyền giấy của tôi trôi miên man dưới ánh sao khuya.
    Những nàng tiên thường về trong giấc ngủ, ngồi trong thuyền tôi, mang theo nhiều lẵng mộng đầy.

    Rabindranath Tagore.
    [​IMG]
    Được Oshin sửa chữa / chuyển vào 20:50 ngày 29/10/2002

Chia sẻ trang này