1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nhớ lại và suy nghĩ (Zhukov)

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Amore, 11/09/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    Đến mùa xuân năm 1916, về căn bản, chúng tôi đã trở thành những kỵ binh được huấn luyện. Người ta báo cho chúng tôi biết sẽ tổ chức thành đại đội kỵ binh chuẩn bị ra trận, và trước khi đi, chúng tôi còn được huấn luyện dã chiến. Những người sinh năm 1897 mới được động viên sẽ thay chúng tôi, còn chúng tôi chuẩn bị chuyển đến một địa điểm khác - làng La-ghe-ri.
    Người ta chọn 30 người trong số những người học khá đưa đi đào tạo hạ sĩ quan. Tôi cũng nằm trong số đó. Tôi không muốn vào học lớp này, nhưng trung đội trưởng là người tôi rất kính trọng về trí thông minh, tính kỷ luật và tình yêu đối với binh lính đã khuyên tôi nên đi học.
    - Ra trận thì cậu còn chán cơ hội, - anh nói, - nhưng trước hết cậu phải học tập quân sự cho sâu đã, nó sẽ lợi cho cậu về sau. Tôi chắc cậu sẽ trở thành một hạ sĩ quan khá đấy.
    Suy nghĩ một lát, anh nói tiếp:
    - Tôi cũng chưa vội trở lại mặt trận. Một năm ở tiền tuyến tôi đã hiểu nó ra sao rồi. Tôi hiểu khá nhiều. Tiếc, tiếc quá... nhân dân ta đã hy sinh một cách dại dột và tôi tự hỏi: Hy sinh để làm gì?...
    Anh không nói gì nữa. Nhưng tôi cảm thấy rằng trong thâm tâm, anh đã nhìn thấy cái mâu thuẫn giữa nhiệm vụ của người lính và nhiệm vụ công dân không chịu nổi ách chuyên chế của Sa hoàng. Tôi cám ơn anh đã khuyên tôi và đồng ý vào lớp đào tạo hạ sĩ quan. Lớp này đóng ở thành phố I-di-um, tỉnh Khác-cốp. Số anh em chúng tôi đến học có tất cả khoảng 240 người tập hợp từ nhiều đơn vị khác nhau.
    Người ta bố trí tất cả chúng tôi vào những căn nhà riêng và lệnh chuẩn bị vào học tập ngay. Không may cho chúng tôi đã gặp phải một cấp chỉ huy rất tệ. Đại úy phụ trách chúng tôi có lẽ còn tệ hơn anh chàng Bô-rô-đáp-cô. Tôi không nhớ tên hắn, tôi chỉ nhớ rằng lính gọi hắn là lão ?oBốn rưỡi?, vì ngón tay trỏ bên phải của hắn bị cụt mất một nửa. Nhưng ngón tay cụt không trở ngại gì khi hắn ta nắm tay lại đấm ngã lính. Hắn không thích gì tôi hơn những người khác, nhưng không hiểu vì sao hắn lại tránh không đánh tôi. Trái lại hắn xét nét tôi từng li từng tí, đôi khi chỉ vì một sơ suất nhỏ tôi cũng bị phạt rồi.
    Không ai phải ?omang đầy đủ trang bị chiến đấu đứng nghiêm? hoặc phải vác bao cát từ chuồng ngựa đến lán, cũng không ai phải trực nhật vào ngày lễ nhiều như tôi. Tôi cho rằng đó đều là sự độc ác của một tên ngốc và xấu bụng. Tuy nhiên tôi lại mừng vì hắn không thể kiếm chuyện với tôi trong việc học tập được.
    Biết không làm gì được tôi, hắn thay đổi chiến thuật. Có thể là hắn muốn cản trở việc học tập của tôi vì tôi luôn luôn là người khá hơn cả.
    Một hôm, vào ngày chủ nhật, hắn gọi tôi vào phòng của hắn và nói:
    - Này tôi thấy anh là một thanh niên có bản lĩnh, hiểu biết và có khiếu về quân sự. Nhưng anh lại là người Mát-xcơ-va, là công nhân, anh học làm gì cho tốn mồ hôi, mệt xác? Anh làm thư ký nghiệp dư cho tôi đi. Anh sẽ thảo các nhật lệnh, làm thống kê báo cáo học tập và những việc khác tôi sẽ giao cho anh.
    - Tôi đến đây để học chứ không phải để làm những việc linh tinh, - tôi đáp - Tôi muốn học quân sự một cách đầy đủ và trở thành hạ sĩ quan.
    Hắn tức giận, dọa tôi:
    - Được rồi xem! Tôi sẽ làm cho anh không bao giờ trở thành hạ sĩ quan!
    Đến cuối tháng 6, khi lớp học của chúng tôi sắp hết thì bắt đầu phải thi. Theo thường lệ, những học sinh giỏi trong lớp, khi tốt nghiệp, sẽ được phong hạ sĩ, còn những người khác mang danh hiệu phó hạ sĩ, tức là chuẩn bị làm hạ sĩ quan. Bạn bè tôi ai cũng tưởng là tôi sẽ đỗ đầu, nhất định sẽ được phong hạ sĩ quan và sẽ được bổ sung làm tiểu đội trưởng, vì đây còn khuyết một.
    Nào ngờ trước khi tốt nghiệp hai tuần, người ta tuyên bố trước đơn vị là tôi bị khai trừ ra khỏi lớp học vì vô kỷ luật và không phục tùng cấp chỉ huy trực tiếp. Mọi người đều biết đó là ?oBốn rưỡi? trù tôi Nhưng không còn làm gì được nữa.
    Không ngờ lại có người giúp tôi. Nguyên ở trung đội tôi có một học viên tình nguyện là Scô-rin-nô, em của đại đội phó đại đội cũ của tôi.
    Scô-rin-nô học rất kém và không thích quân sự, nhưng lại là người tốt và giao thiệp rộng. ?oBốn rưỡi? cũng gờm anh ta. Scô-rin-nô liền đến ngay cấp chỉ huy nhà trường báo cáo về trường hợp bất công của tôi.
    Hiệu trưởng nhà trường cho gọi tôi đến. Tôi rất lo lắng vì từ trước đến nay chưa hề nói chuyện với các sĩ quan của tiểu đoàn, Tôi nghĩ bụng: ?oThôi thế là trượt rồi, chắc là phải sang tiểu đoàn kỷ luật thôi?.
    Chúng tôi rất ít tiếp xúc với hiệu trưởng. Nghe nói ông ta được làm sĩ quan vì lòng dũng cảm và được thưởng nhiều huân chương Thánh Gioóc và huy chương khác. Trước chiến tranh, hình như ông phục vụ trong trung đoàn U-lan làm chức thượng sĩ kỵ binh chuyên nghiệp. Chúng tôi chỉ trông thấy ông trong các buổi điểm tên buổi tối; người ta nói rằng sau khi bị thương nặng, ông đau ốm luôn.
    Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông ta có đôi mắt hiền từ, thậm chí có thể nói là cái nhìn của ông ấm áp và vẻ mặt của ông chân thật vô cùng.
    - Sao, phục vụ trong quân đội không chịu nổi à? - ông hỏi và chỉ ghế cho tôi ngồi. Tôi vẫn đứng không dám ngồi - Ngồi xuống chứ, đừng sợ!... Hình như cậu là người Mát-xcơ-va?
    - Thưa ngài, vâng ạ. - Tôi trả lời, cố gắng nói to và rành rọt từng tiếng.
    - Tôi cũng người Mát-xcơ-va đây. Trước khi nhập ngũ, tôi làm thợ mộc ở Ma-ri-nai-a Rô-sa. Nhưng mắc kẹt trong quân ngũ, nên bây giờ có lẽ phải hiến thân cho quân sự thôi - ông nói một cách êm dịu - Đây này, bản nhận xét về anh xấu lắm! Ghi là trong bốn tháng học tập anh đã bị phạt mười lần và, trước mặt đồng đội, anh gọi trung đội trưởng là ?obộ da gấu? và những tiếng không tốt khác. Có đúng không?
    - Thưa ngài, đúng ạ - Tôi đáp - Nhưng chỉ có một điều tôi có thể báo cáo với ngài được là: Ai ở địa vị tôi cũng phai làm như thế.
    Tôi thành thật kể lại cho ông nghe mọi việc đã xảy ra. Ông chăm chú nghe và cuối cùng nói:
    - Thôi, anh về trung đội và chuẩn bị thi đi.
    Tôi rất hài lòng vì mọi việc đã kết thúc một cách tốt đẹp. Nhưng khi tốt nghiệp tôi không được đậu đầu. Scô-ri-nô được phong hạ sĩ quan, còn tôi và những người khác được phong phó hạ sĩ quan.
    Bây giờ đánh giá lại các khoá huấn luyện quân sự của quân đội cũ, tôi có thể nói là nói chung người ta dạy rất kỹ, đặc biệt là huấn luyện về đội ngũ. Mỗi học sinh tốt nghiệp đều nắm vững động tác cưỡi ngựa, sử dụng vũ khí và phương pháp huấn luyện chiến sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều hạ sĩ quan quân đội cũ sau Cách mạng tháng Mười đã trở thành những chỉ huy quân sự giỏi của Hồng quân.
    Công tác giáo dục, về cơ bản là thô bạo. Những hạ sĩ quan tương lai đó không có thói quen đối xử nhân đạo với binh sĩ, không chú ý đến tâm tư tình cảm của binh sĩ. Người ta chỉ nhằm có một mục đích là làm thế nào để biến các binh sĩ thành những người phục tùng mệnh lệnh một cách máy móc. Kỷ luật xây dựng trên cơ sở tàn bạo. Tuy quy định không được dùng nhục hình, nhưng thực tế đã được dùng khá rộng rãi.
    Về quân đội Sa hoàng, người ta viết đã nhiều và thiết tưởng không cần phải nhắc thêm. Tôi chỉ kể lại một số trường hợp mà tôi thấy cần thiết.
    Đặc điểm rõ nhất của quân đội Sa hoàng là gì? Trước hết là sự xa cách và không nhất trí giữa quần chúng binh sĩ và hàng ngũ sĩ quan cao cấp.
    Trong chiến tranh, đặc biệt là năm 1916 và đầu năm 1917, vì tổn thất quá nhiều nên đội ngũ sĩ quan được bổ sung bằng nhiều đại biểu lao động trí óc, những công nhân, nông dân có học và cả những binh lính, hạ sĩ quan chiến đấu xuất sắc, vì vậy sự khác biệt đó (từ tiểu đoàn đến sư đoàn) mới phần nào giảm bớt. Nhưng nó vẫn còn tồn tại trong các binh đoàn. Sĩ quan và tướng lĩnh không hề gần gũi đông đảo binh sĩ, không hiểu binh sĩ sống và nghĩ như thế nào. Họ hoàn toàn xa lạ đối với binh sĩ. Tình trạng đó và sự dốt nát khá phổ biến về chiến thuật - chiến lược của bọn tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp đã dẫn đến chỗ là các chỉ huy - chỉ trừ một vài người cá biệt - không có uy tín đối với binh sĩ. Trái lại, trong hàng ngũ sĩ quan trung cấp, gần cuối chiến tranh, có nhiều người gần gũi với binh sĩ. Những người chỉ huy như vậy đã được binh sĩ tin yêu và sẵn sàng làm theo trong mọi việc.
    Chỗ dựa để quân đội cũ có thể đứng vững dược là hàng ngũ hạ sĩ quan. Họ là những người đào tạo, huấn luyện, gắn liền đông đảo binh sĩ lại với nhau. Hạ sĩ quan được lựa chọn kỹ lưỡng. Những người được lựa chọn phải qua những khoá học đặc biệt, mà ở đó họ được đào tạo thành những lính chiến mẫu mực. Thêm vào đó, như tôi đã nói ở phần trên, nếu phạm một sai sót nhỏ nào là họ lập tức bị phạt, đánh đập và nhục mạ. Do đó, những hạ sĩ quan tương lai, sau khi ra trường, có kỹ thuật chiến đấu giỏi, đồng thời có ?okinh nghiệm? bắt các cấp dưới phải tuân theo những đòi hỏi của quân đội Sa hoàng.
    Phải nói rằng, sĩ quan phụ trách các phân đội hoàn toàn tin cậy giao phó việc huấn luyện và giáo dục binh sĩ cho các hạ sĩ quan. Sự tin cậy đó nhất định đã làm cho hạ sĩ quan phải đề cao tinh thần chủ động, sáng tạo và có ý thức trách nhiệm tự giác. Trong khi chiến đấu, hạ sĩ quan đặc biệt là hạ sĩ quan đào tạo chính quy, phần lớn là những người chỉ huy giỏi.
    Qua nhiều năm thực tiễn tôi thấy rằng ở đâu mà các cán bộ cấp trên cứ bao biện, không tin vào các sĩ quan cấp dưới, thì ở đó không bao giờ có được những cán bộ cấp dưới xứng đáng, vì vậy không thể có những phân đội tốt được.
  2. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    Vào đầu tháng 8, trung đoàn ra lệnh gửi các học viên kỵ binh vừa mãn khoá vào binh đoàn bổ sung đi chiến đấu. Mỗi tốp 15 người được đưa thẳng ra mặt trận, nhập vào sư đoàn kỵ binh 10. Trong danh sách 15 người, tôi đứng vào hàng thứ hai và tôi không ngạc nhiên mấy về điều đó vì tôi thừa hiểu do bàn tay ai xếp đặt rồi.
    Khi người ta đọc danh sách trước đơn vị, ?oBốn rưỡi? mỉm cười, tỏ ra rằng: số phận mỗi người chúng tôi phụ thuộc vào hắn ta. Sau đó chúng tôi được ăn một bữa theo tiêu chuẩn ngày lễ, rồi lệnh chuẩn bị lên đường. Mang ba-lô lên vai, chúng tôi đi đến nơi tập trung và sau mấy giờ, đoàn chúng tôi đã lên đường đi về phía Khác-cốp.
    Đoàn chúng tôi đi rất lâu, có khi phải dừng lại hàng giờ ở ngã tư chờ cho sư đoàn bộ binh nào đó đi qua. Những người bị thương nặng đưa từ mặt trận về, đoàn tàu quân y cũng phải nhường đường cho các đoàn tàu ra mặt trận. Qua những người bị thương, chúng tôi biết nhiều chuyện, trước hết là chuyện quân đội ta trang bị rất tồi. Binh lính nói rất xấu về các sĩ quan cao cấp, họ đồn là ở bộ chỉ huy tối cao có người được bọn Đức mua chuộc làm phản. Binh lính ăn uống rất khổ. Những tin tức ấy từ mặt trận đưa về làm cho chúng tôi khó chịu. Chúng tôi im lặng, đi lại xung quanh đoàn tàu.
    Sáng hôm sau, người ta đổ chúng tôi xuống vùng Ca-mê-nét Pô-đôn-xcơ. Đồng thời đơn vị bổ sung cho trung đoàn 10 kỵ binh nhẹ Tu-giéc-man-lan và 100 ngựa của trung đoàn 10 long kỵ binh Nốp-gô-rốt cũng được đổ xuống đây.
    Vừa xuống tàu xong thì có báo động. Ai nấy vội vã chạy tìm lấy chỗ nấp. Một máy bay trinh sát của địch đảo trên đầu chúng tôi mấy vòng, ném mấy quả bom nhỏ rồi cút về phía tây. Một người lính chết và năm con ngựa bị thương.
    Đây là trận đầu của chúng tôi. Từ nơi xuống tàu chúng tôi đi theo trật tự hành quân tiến về phía sông Đờ-ne-xtơ-rơ. Lúc đó sư đoàn chúng tôi đang đóng tại đấy làm lực lượng dự bị của Phương diện quân Tây - nam.
    Khi đến đơn vị, chúng tôi được tin Ru-ma-ni đã tuyên chiến với Đức và sẽ chiến đấu bên cạnh người Nga chống lại người Đức. Có tin là sư đoàn chúng tôi sẽ ra tiền tuyến trong một ngày rất gần, nhưng chiến trường nào thì không ai biết.
    Đầu tháng 9, sư đoàn chúng tôi hành quân tới vùng rừng núi Bư-xtơ-rít-xki. Ở đây sư đoàn phải trực tiếp tham chiến nhưng phần nhiều phải chiến đấu như bộ binh vì điều kiện địa lý ở đây không dùng kỵ binh được.
    Chúng tôi luôn luôn nhận dược những tin tức đáng lo ngại. Quân ta bị thiệt hại nặng. Thực tế không còn tấn công nữa. Mặt trận đã ngừng tại chỗ . Phía quân đội Ru-ma-ni tình hình cũng không tốt đẹp hơn. Họ chưa được huấn luyện kỹ, thiếu vũ khí, nên ngay trong những trận chiến đấu đầu tiên với quân Đức và Áo, đã bị thiệt hại nặng.
    Trong binh lính, sự bất mãn ngày càng tăng, nhất là khi họ nhận được thư nhà báo tin về nạn đói và tình trạng rối loạn ở quê họ. Cảnh tượng đó, chúng tôi cũng nhìn thấy ngay trong các làng gần mặt trận ở U-crai-na, Bu-cô-vi-na và Môn-đa-vi. Nông dân ở đây cũng phải chịu những tai hoạ như vậy dưới ách Sa hoàng; cũng do sự liều lĩnh của Sa hoàng mà ba năm nay máu của nông dân và công nhân đã đổ? Binh lính đã hiểu rằng: họ sẽ trở thành những người tàn tật, sẽ chết không phải vì quyền lợi của họ, mà vì ?onhững kẻ quyền thế trên đời này?, vì quyền lợi của những kẻ đang bóc lột họ đến xương tủy[3].
    Tháng 10-1916, tôi gặp điều không may: trong khi cùng hai người bạn đi trinh sát ở đường vào Xai-rê-ghen, tại một đồn tiền tiêu của địch, chúng tôi đụng phải mìn. Hai người kia bị thương nặng, còn tôi bị sức ép hất tung xuống yên ngựa. Đến ngày hôm sau tôi mới tỉnh lại trong viện quân y. Vì bị chấn thương nặng, tôi được đưa về Khác-cốp và nằm điều trị ở đấy cho đến cuối tháng Chạp.
    Ra viện lâu rồi mà tôi vẫn chưa được bình phục, nhất là tai nghe không rõ. Hội đồng quân y gửi tôi tới đại đội bổ sung ở làng La-ghe-ri. Tới đây, tôi gặp lại các bạn cùng đại đội tân binh trước kia. Họ đến đóng ở đây từ mùa xuân. Lẽ tất nhiên, tôi rất mừng.
    Trước đây, từ đại đội vào lớp huấn luyện, tôi còn là một người lính trẻ, giờ đây trở lại, tôi đã là một hạ sĩ quan có kinh nghiệm chiến đấu và được gắn hai huân chương Thánh Gioóc trên ngực vì đã có công bắt được sĩ quan Đức làm tù binh và vì bị thương nặng.
    Khi chuyện trò với binh lính, tôi hiểu rằng họ không ham gì ?ongửi thuốc súng?, không muốn chiến tranh. Họ có những suy nghĩ khác, không nghĩ tới lời thề với Sa hoàng, mà họ nghĩ về ruộng đất về hòa bình, về người thân của họ. Cuối năm 1916, trong binh lính càng xôn xao về những tin công nhân Pê-téc-bua, Mát-xcơ-va và những thành phố khác đình công, biểu tình. Họ bàn tán về những người Bôn-sê-vich đang đấu tranh chống Sa hoàng để giành hòa bình, ruộng đất và tự do cho nhân dân lao động. Bây giờ, ngay chính binh lính cũng cương quyết đòi chấm dứt chiến tranh.
    Mặc dù tôi là hạ sĩ quan, nhưng binh lính vẫn tin tôi và thường nói với tôi những chuyện quan trọng. Tất nhiên lúc đó tôi ít hiểu về chính trị, nhưng tôi cũng biết chỉ có những người Bôn-sê-vich mới đem lại hòa bình, ruộng đất và tự do cho nhân dân Nga. Ngoài họ ra, không còn ai khác. Tôi đã cố hết sức gợi lên ý nghĩ đó trong binh lính và vì thế tôi đã được họ hoan nghênh.
    Và sự việc đã diễn ra như dưới đây.
    Sáng sớm ngày 27-2-1917, binh đoàn đang đóng ở làng La-ghe-ri, bỗng có báo động. Bộ đội tập hợp ngay gần chỗ ở của đại úy đại đội trưởng kỵ binh, Nam tước Phôn-đéc Gôn-xờ. Tất nhiên là không ai hay biết gì cả. Sĩ quan trung đội tôi là trung úy Ki-ép-xki.
    - Thưa ngài , người ta tập trung chúng ta đi đâu mà báo động thế vậy? - Tôi hỏi ông ta.
    Ông đáp lại tôi bằng câu hỏi:
    - Theo anh thì thế nào?
    Tôi nói là binh lính cần biết họ sẽ phải đi đâu, đặc biệt khi thấy người ta phát đạn thật cho chúng tôi.
    - Thế thì sao? Có thể cũng cần dùng đến đạn đấy!
    Câu chuyện chấm dứt vì đại úy Nam tước Phôn-đéc Gôn-xờ đi tới.
    Y là một đại úy phụ trách tác chiến. Y có gươm vàng, có huân chương Thánh Gioóc của quân đội và nhiều huân chương khác. Nhưng y lại là một người đáng ghét, nói năng thô bạo với binh lính nên họ không ưa mà chỉ sợ y thôi.
    Sau khi hô ?oNghiêm?, đại úy chào đại đội.
    Nam tước Phôn-đéc Gôn-xờ ra lệnh cho chúng tôi xếp thành hàng ba và cho ngựa đi nước kiệu. Đại đội đi theo đường dẫn tới thành phố Ba-lắc-lê-ya. Bộ tham mưu trung đoàn dự bị 5 đóng ở đây. Khi đến trại trung đoàn, chúng tôi thấy đoàn long kỵ binh Ki-ép và kỵ binh nhẹ In-ghéc-man-lan đã tập hợp chỉnh tề. Đại đội của tôi cũng triển khai thành hàng ngang. Những bộ phận khác cũng đã tới. Không ai biết việc gì đang xảy ra.
    Một lúc sau mới rõ sự tình như sau. Ở một góc bên cạnh, thấy xuất hiện những người biểu tình mang cờ đỏ không biết từ đâu đến. Viên chỉ huy đại đội chúng tôi thúc ngựa phi về phía ban tham mưu trung đoàn. Những viên chỉ huy các đại đội khác đi theo hắn ta. Trong lúc đó thì có một quân nhân và công nhân từ trong ban tham mưu đi ra.
    Một quân nhân dáng cao cao nói chuyện với binh lính, giọng sang sảng. Anh ta nói: giai cấp công nhân, binh lính, nông dân nước ta từ nay không công nhận Sa hoàng Ni-cô-lai II nữa, cũng không thừa nhận bọn tư bản và địa chủ nữa. Nhân dân Nga không muốn tiếp tục cuộc chiến tranh đế quốc đẫm máu này nữa. Họ cần hòa bình, ruộng đất và tự do. Anh ta kết thúc những lời nói ngắn gọn đó bằng các khẩu hiệu: ?oĐả đảo Sa hoàng! Đả đảo chiến tranh! Hòa bình giữa các dân tộc muôn năm! Xô-viết đại biểu Công Nông Binh muôn năm! Hoan hô!?.
    Không ai ra lệnh cho binh lính nữa. Tự lòng mình, anh em hiểu phải làm gì. Từ trong hàng ngũ vang tiếng hô đáp lại: ?oHoan hô! Hoan hô!...?. Binh lính hòa lẫn với đám biểu tình...
    Sau đó chúng tôi mới biết đại úy Nam tước Phôn-déc Gôn-xờ và nhiều sĩ quan khác đã bị ủy ban binh sĩ bắt. Ủy ban này đã ra hoạt động công khai và bắt giữ những ai có thể ngăn cản công tác cách mạng.
    Bộ đội được lệnh trở lại hàng ngũ và đợi lệnh của ủy ban binh sĩ. Đứng đầu ủy ban binh sĩ của trung đoàn là đảng viên Bôn-sê-vich Ya-cốp-lép (tôi tiếc rằng không nhớ tên và phụ danh của đồng chí ấy). Sáng hôm sau đồng chí phái tới đại đội tôi một sĩ quan. Sĩ quan đó ra lệnh tập hợp bộ đội để chọn đại biểu vào Xô-viết trung đoàn, đồng thời bầu ủy ban binh sĩ đại đội.
    Trung úy Ki-ép-xki, tôi và một người lính nữa ở trung đội 1 (tiếc rằng không nhớ tên họ người lính này) được bầu làm đại biểu Xô-viết trung đoàn.
    Vào đầu tháng 3, Hội nghị toàn Xô-viết đại biểu binh sĩ trung đoàn họp ở Ba-lắc-lê-ya. Đồng chí Ya-cốp-lép giải thích rất rõ về nhiệm vụ các Xô-viết, về sự cần thiết phải củng cố sự nhất trí giữa binh lính, công nhân và nông dân để tiếp tục cuộc đấu tranh cách mạng. Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh lời phát biểu của đồng chí.
    Sau đó một hạ sĩ phát biểu tiếp. Lúc đầu anh ta nói cũng hay, hầu như là ủng hộ cách mạng, nhưng gần cuối anh ta lại tán dương chính phủ lâm thời, tán dương việc động viên quân đội ra mặt trận. Những người lính tức giận phản đối nhao nhao. Đến khi bầu Xô-viết trung đoàn, người ta chi bầu những ai ủng hộ lập trường của người Bôn-sê-vich. Thế là Xô-viết trung đoàn chúng tôi đã trở thành Bôn-sê-vich.
  3. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    Đến tháng 5, đồng chí Ya-cốp-lép phải đi công tác nơi khác. Sau khi đồng chí ấy đi, Xô-viết làm việc kém hẳn đi, không bao lâu các đại biểu bị bọn xã hội cách mạng Men-sê-vich lái, Xô-viết trở lại ủng hộ chính phủ lâm thời. Cuối cùng, đến đầu mùa thu, một số đơn vị chuyển sang phía Pét-liu-ra.
    Trong đại đội tôi phần lớn là người Mát-xcơ-va và Ca-lu-ga. Ủy ban binh sĩ đại đội cho phép ai nấy trở về nhà. Chúng tôi cấp cho binh sĩ giấy giải ngũ và khuyên họ đem theo súng và đạn. Sau đó chúng tôi được biết đội cảnh giới Gai-đa-mác[4] ở Khác-cốp đã tịch thu vũ khí của phần lớn các binh sĩ này. Tôi phải trốn ở Ba-lắc-lê-ya ở làng La-ghe-ri mất mấy tuần vì bọn sĩ quan chạy sang phục vụ cho bọn dân tộc chủ nghĩa U-crai-na lùng bắt.
    Ngày 30-11-1917, tôi về được đến Mát-xcơ-va. Ở đây chính quyền đã nắm vững vàng trong tay Đảng Bôn-sê-vich và đại biểu công nông binh từ tháng Mười.
    Tháng Chạp năm 1917 và tháng Giêng năm 1918, tôi về làng với cha mẹ, và sau khi nghí ngơi, tôi quyết định tham gia đội Cận vệ đỏ. Nhưng đầu tháng Hai, tôi bị sốt phát ban nặng và tháng Tư tôi lại bị sốt trở lại. Mãi nửa năm sau, đến tháng 8-1918, tôi mới tình nguyện xin vào được trung đoàn kỵ binh 4 thuộc sư đoàn kỵ binh Mát-xcơ-va, từ đó mới thực hiện được nguyện vọng chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân của mình.
    Lúc đó Đảng Cộng sản và Chính phủ Xô-viết bắt đầu giải quyết những nhiệm vụ khó khăn và quan trọng là giải thể quân đội cũ và thành lập quân đội mới, quân đội của công nhân và nông dân. Đồng thời mở rộng việc dân chủ hóa quân đội. Chính quyền trong quân đội giao cho ủy ban binh sĩ và các Xô-viết, mọi người trong quân đội đều bình đẳng về quyền lợi, hàng ngũ chỉ huy từ trung đoàn trở xuống do hội nghị toàn thể binh sĩ bầu. Nhờ đó từ trong binh lính, thủy thủ và cả trong sĩ quan nữa đã xuất hiện nhiều cán bộ quân sự có tài đi theo chính quyền Xô-viết.
    Trong một bản báo cáo của ủy ban quân sự thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng toàn Nga, đã viết : ?oNếu lúc nào đó có thể nghiên cứu một cách khách quan về tình hình quân đội ta vào thời kỳ cách mạng, thì mọi người đều thấy rằng : chỉ có dân chủ hóa hoàn toàn quân đội, thừa nhận quyền hạn của các cơ quan quân đội do quần chúng rộng rãi binh lính bầu ra và chỉ có chính sách hòa bình mà Hội đồng các Ủy viên nhân dân đã thực hiện mới có thể giữ được quân đội trên các mặt trận cho đến giữa mùa đông năm 1918 và cứu nước nhà ra khỏi tình trạng quân đội tự tiện rút lui về hậu phương?.
    Đại hội Xô-viết toàn Liên bang lần thứ III họp tháng Giêng năm 1918 nhất trí quyết định thành lập lực lượng vũ trang của nước ta. Tại Đại hội này đã thông qua ?oTuyên ngôn về quyền của người lao động và nhân dân bị bóc lột? do V.I. Lê-nin thảo, trong đó có đoạn nói rõ : ?oNhằm bảo đảm toàn vẹn chính quyền của quần chúng lao động và loại trừ khả năng phục hồi chính quyền của giai cấp bóc lột nay ra sắc lệnh vũ trang cho nhân dân lao động, thành lập Hồng quân xã hội chủ nghĩa của công nông...?.
    Binh đoàn Hồng quân đầu tiên được thành lập cũng vào tháng Giêng năm 1918 ở Pê-tơ-rô-grát, lấy quân từ mấy trăm chiến sĩ Cận vệ đỏ[5] và binh lính các trung đoàn dự bị của thành Pê-tơ-rô-grát. Đó là quân đoàn 1 của Hồng quân công nông. Cùng lúc đó, một đội quân xã hội chủ nghĩa đầu tiên nữa cũng được phái từ Pê-tơ-rô-grát ra mặt trận phía tây, đội quân này gồm hàng ngàn chiến sĩ Cận vệ đỏ.
    Trong buổi long trọng tiễn đưa đội quân này , Lê-nin đã phát biểu ý kiến. Người nói: ?oQua các đồng chí, tôi chào mừng những người chiến sĩ tình nguyện anh hùng đầu tiên của quân đội xã hội chủ nghĩa, những người sẽ lập nên quân đội cách mạng hùng mạnh?.
    Thủ tục nhận các chiến sĩ tình nguyện vào Hồng quân tiến hành như sau: Mỗi người tình nguyện phải có giấy giới thiệu của ủy ban quân sự, Đảng và các tổ chức quần chúng ủng hộ chính quyền xô-viết khác. Nếu gia nhập thành nhóm thì phải có sự bảo lãnh tập thể. Các chiến sĩ Hồng quân công nông được Chính phủ trợ cấp hoàn toàn, ngoài ra ban đầu mỗi người được lĩnh đến 50 rúp một tháng, sau đó, từ giữa năm 1918, người không có gia đình được lĩnh 150 rúp, người có gia đình - 250 rúp. Mùa xuân năm 1918, Hồng quân đã có đến 20 vạn chiến sĩ, sau đó số tình nguyện gia nhập ngày càng giảm.
    Tất nhiên, việc tuyển mộ bộ đội dựa trên cơ sở tình nguyện có những nhược điểm của nó. Không có lực lượng dự bị chiến đấu, không có hệ thống đào tạo quân bổ sung, quân số không đủ đảm bảo mở những chiến dịch lớn, công tác huấn luyện kém, kỷ luật lỏng lẻo.
    Thấy vậy, Ban Chấp hành trung ương Đảng toàn Nga đã ra chỉ thị đặc biệt về việc huấn luyện quân sự cho toàn thể nhân dân lao động. Mỗi người lao động từ 18 đến 40 tuổi phải qua một kỳ huấn luyện quân sự 96 giờ, không thoát ly sản xuất, phải thi hành nghĩa vụ quân sự và gia nhập Hồng quân ngay khi có lệnh gọi của Chính phủ Xô-viết.
    Trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga chỉ thị cho các đảng viên phải tham gia học tập quân sự ngay. Việc bầu các cấp chỉ huy được bỏ, thay vào đó là chế độ bổ nhiệm cán bộ chỉ huy. Các cán bộ quân đội phải do các cơ quan quân sự quyết định và được chọn lọc ừ những người đã qua huấn luyện quân sự hoặc những người xuất sắc trong chiến đấu. Đại hội Xô-viết toàn Nga lần thứ V đã ra nghị quyết ?oVề xây dựng Hồng quân? trong đó đã thông qua các biện pháp của Đảng và Chính phủ về xây dựng quân đội thường trực. Nghị quyết đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung lãnh đạo luân đội và đề cao ý nghĩa của một nền kỷ luật sắt, có tính cách nạng trong quân đội.
    Đại hội củng cố về mặt pháp lý chế độ chính ủy. Chế độ này đã bắt đầu thi hành từ tháng Mười năm 1917, khi nhiều ủy viên của ủy ban quân sự cách mạng được phái tới nắm các đơn vị và cơ quan quân sự của quân đội cũ. Lúc này các chính ủy đã dựa vào các chi bộ Đảng để giáo dục binh lính, kiểm tra các hoạt động quân sự của các chuyên viên và đồng thời xây dựng trong quần chúng binh sĩ lòng tin tưởng vào các chuyên viên tốt và trung thành. Sau này ta còn có dịp nói đến các chính ủy, nhưng bây giờ tôi muốn nói ngay rằng đó là những người đảng viên cộng sản hoàn toàn tốt, trung thực và sẵn sàng hy sinh.
    Đại hội yêu cầu xây dựng quân đội trên cơ sở một nền khoa học quân sự, sử dụng kinh nghiệm các quân đội cũ và đồng thời mở rộng việc đào tạo các cán bộ chỉ huy xuất thân từ công nông. Nghị quyết của Đại hội Xô-viết lần thứ V và Ban Chấp hành trung ương toàn Nga đã được các tổ chức Đảng, công đoàn, các ủy ban dân nghèo và quần chúng công nông giác ngộ thực hiện. Do đó, khi tôi gia nhập Hồng quân thì trong quân đội đã có trên nửa triệu người. Trong những năm khó khăn đó, bằng nhiều nghị quyết và bằng công tác thực tiễn to lớn, Đảng đã đặt cơ sở cho các Lực lượng vũ trang Xô-viết , đã củng cố hạt nhân vô sản vững vàng về chính trị cho Hồng quân và Hải quân làm chỗ dựa cho việc xây dựng quân đội sau này.
    ---hết chương 2---
  4. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    Chương 3
    THAM GIA NỘI CHIẾN
    CHÍNH phủ Nga hoàng đưa nước nhà đến chỗ suy sụp hoàn toàn. Tình hình càng rắc rối thêm khi bọn ngoại quốc và bọn bạch vệ phiến loạn chiếm đóng một số vùng kinh tế quan trọng trong nước.
    Trong vòng vây lửa đạn của bọn can thiệp và bạch vệ, nước Cộng hòa Xô-viết trẻ tuổi đã tiến hành một cuộc chiến đấu rất quyết liệt. Những ai đã sống, làm việc và chiến đấu cho lý tưởng Cách mạng tháng Mười trong thời đó hẳn còn nhớ những giờ phút nặng nề mà nhân dân Xô-viết đã phải trải qua như thế nào.
    Mùa xuân năm 1918, quân đội Đồng minh chiếm miền Bắc và Viễn Đông. Tháng 5, một quân đoàn Tiệp Khắc, phục vụ cho khối các nước Anh - Pháp, đã mở rộng các hoạt động chống chính quyền Xô-viết ở U-ran, Xi-bê-ri và Pô-vôn-giê. Quân đội Đức chiếm phần lớn đất U-crai-na và vùng Pri-ban-tích.
    Nửa cuối năm 1918, quân đội đế quốc và bạch vệ ở Nga có đến gần 1 triệu tên lính và sĩ quan, huấn luyện và trang bị hiện đại.
    Phân tích cho nhân dân biết nguy cơ ấy, V.I. Lê-nin kêu gọi đảng và nhân dân lao động nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ đất nước. Tháng 9-1918, Ban Chấp hành trung ương Đảng toàn Nga ban hành nghị quyết biến nước Cộng hòa thành một trại quân đội thống nhất. Tháng 11, thành lập Hội đồng quốc phòng công nông do V.I. Lê-nin làm chủ tịch. Hội đồng quốc phòng thống nhất hoạt động của các cơ quan quân sự và cơ quan liên quan đến quốc phòng, của ủy ban cung cấp đặc biệt cho Hồng quân, nó giải quyết những vấn đề quan trọng nhất về tổ chức quân đội và bảo đảm những nhu cầu cần thiết cho quân đội, cụ thể là tìm mọi biện pháp phát hiện và thu thập vũ khí và đồ dùng quân sự do quân đội cũ bỏ lại, động viên sự nỗ lực của công nghiệp, nối liền hậu phương với tiền tuyến. Hội đồng quốc phòng và Hội đồng quân sự cách mạng toàn quốc áp dụng mọi biện pháp để thực hiện chương trình của Lê-nin về xây dựng một quân đội thường trực đông đảo.
    Đầu năm 1919, Hồng quân có 42 sư đoàn bộ binh trang bị bằng súng trường và súng máy ?oMắc-xim?, súng lục, thủ pháo. Kỵ binh có 4 vạn tay gươm; trong quân đội tác chiến có 1.700 khẩu pháo. Lực lượng thiết giáp được mở rộng, trong đó gồm đội xe hỏa bọc thép của quân đội Nga (nó chỉ có một đầu máy hơi nước bọc thép, 2 toa có mui và 2 - 3 toa trần bọc thép) và một đội ô-tô thiết giáp có 150 xe bọc thép. Không quân chiến đấu có gần 450 máy bay. Trong Hải quân tác chiến có 2 tàu bọc thép, 2 tàu tuần dương, 24 tàu khu trục, 6 tàu ngầm, 8 tàu đặt mìn, 11 tàu vận tải và các tàu khác.
    Ở Pê-tơ-rô-grát, bộ tham mưu phòng không được thành lập, tiểu đoàn cao xạ đầu tiên được hình thành, tổ chức hậu cần của quân đội được cải tiến, tổ chức quân y được điều chỉnh, mạng lưới các lớp đào tạo cán bộ chỉ huy được mở rộng.
    Tất nhiên, đấy mới chỉ là những lực lượng vũ trang nhỏ bé. Vậy thì làm sao mà Hồng quân đã chiến thắng được một kẻ địch thường được trang bị đầy đủ hơn nhiều? Chính là nhờ ở lòng yêu nước nồng nàn, chất lượng chính trị và tinh thần đặc biệt của một quân đội công nông chiến đấu để bảo vệ tự do và độc lập của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
    Mùa xuân năm 1919, bọn đế quốc tổ chức một cuộc hành quân hợp nhất chống chính quyền Xô-viết.
    Lúc bấy giờ ở phía đông nước ta quân đội của Côn-chắc chiếm trận tuyến Péc-mơ - Oóc-xcơ. Quân bạch vệ Cô- dắc đóng gần U-ran và chiếm Gu-ri-ép. Quân bạch vệ của Đê-ni-kin đã chuẩn bị sẵn sàng trên sông Tê-réc, chiếm Nô-vô-chéc-ca-xcơ, Rô-xtốp trên sông Đông, Yu-dốp-ca và nhiều vị trí khác ở vùng Đôn-bát. Quân đội Đồng minh và chính phủ phản cách mạng U-crai-na (cái gọi là chính phủ Đốc chính) sau khi chiếm U-crai-na, đóng trên tuyến Héc-xôn - Ni-cô-lai-ép - Gi-tô-mia - Cô-rô-xten. Bọn bạch vệ La-tứt ở vùng biên giới Sa-vli - Mi-ta-va, quân của Yu-đê-nít và bọn bạch vệ E-xtô-ni đóng trên tuyến Vôn-ma - Nác-va nhằm đánh vào Pê-tơ-rô-grát. Bọn Phần Lan trắng, bọn can thiệp và bọn bạch vệ chiếm vùng phía bắc nước ta, chuẩn bị đánh vào Pê-tơ-rô-grát, Vô-lốc-đe, cốt-la-xa. Bọn can thiệp còn làm chủ vùng Cra-xnô-vốt-xcơ, Ba-tum, Nô-vô-rô-xi-xcơ, Xê-vát-xtô-pôn, Ô-đét-xa.
    Nhằm mục đích tiêu diệt chính quyền Xô-viết, các chính phủ đế quốc thỏa thuận với nhau phân chia nước Nga. Chúng âm mưu chia cắt U-crai-na, Bê-lô-ru-xi, Pri-ban-tích, Cáp-ca-dơ, phần đất ở phía bắc và những khu vực quan trọng khác trong nước.
    Các nước Đồng minh đã công nhận Côn-chắc là ?ongười cầm quyền tối cao?. Mùa xuân năm 1919, riêng quân đội của hắn đã có 30 vạn tên được trang bị đầy đủ, bao gồm bọn phú nông và bọn Cô-dắc phản cách mạng ở vùng Da-bai-can, Xi-bê-ri và cả bọn Cô-dắc trắng ở vùng Ô-ren-bua và U-ran.
    Ngoài ra, ở hậu phương quân đội Côn-chắc, còn tập trung đến 15 vạn tên can thiệp Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, ý, một quân đoàn Tiệp Khắc phản loạn và những đơn vị quân đội các nước khác.
    Các chính phủ phương Tây cũng tăng cường cung cấp trang bị cho quân đội của Đê-ni-kin. Bản thân Đê-ni-kin dược các nước Đồng minh liệt vào hàng ?ongười cầm quyền thứ hai?. Hành động đó chứng tỏ vai trò của bản thân Đê-ni-kin và quân đội của hắn có một tầm quan trọng nhất định.
    Đến mùa xuân năm 1919, lực lượng Hồng quân phát triển rất mạnh. Quân số đã lên tới 180 vạn người, trong đó có gần 40 vạn được trang bị khá đóng ở ngay các mặt trận. Các đơn vị này đã được rèn luyện trong chiến đấu và có kinh nghiệm đấu tranh vũ trang. Các chiến sĩ Hồng quân hiểu rất rõ là họ chiến đấu chống bọn can thiệp và bạch vệ vì lý tương gì, và họ cũng biết kẻ thù của họ chiến đấu nhằm mục đích gì.
    Tất nhiên quân đội của Côn-chắc, Đê-ni-kin và những bọn bạch vệ khác được trang bị tốt hơn Hồng quân. Chúng có quân trang và vũ khí tốt, chúng dựa vào hậu phương có dự trữ phong phú về lương thực, chúng được Đồng minh cung cấp đầy đủ đạn dược, quân dụng và các phương tiện vật chất khác.
    Mặc dù tình hình đối nội của nước Cộng hòa xô-viết đã được củng cố, nhưng nói chung còn nhiều khó khăn gian khổ.
    Bốn năm chiến tranh đế quốc đã tàn phá nước nông nghiệp có một nền công nghiệp kém phát triển này. Vì thiếu nhân công và nguyên liệu, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã phải đóng cửa ngay dưới thời Sa hoàng. Phần lớn quặng sắt, than đá dầu lửa, bông, độ ¾ lúa mì nằm trong vùng do bọn đế quốc can thiệp và bọn bạch vệ chiếm đóng. Chỉ có sự nỗ lực thật dũng cảm của Đảng và nhân dân mới có thể tổ chức được việc cung cấp cho Hồng quân. Phải luôn luôn động viên những nguồn dự trữ vật chất - kỹ thuật nghèo nàn đưa đến địa phương nào lúc đó đóng vai trò quyết định số phận của đất nước. Kim loại, nhiên liệu, áo quần, bánh mì thiếu một cách nghiêm trọng.
  5. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    Tôi còn nhớ khi đổ trung đoàn chúng tôi xuống ga Éc-sốp, các chiến sĩ Hồng quân ăn đói từ Mát-xcơ-va đã đi thẳng vào chợ mua từng ổ bánh mì tròn và nhai ngấu nghiến ngay tại chỗ. Vì ăn như vậy nên nhiều người đã bị ốm. Ở Mát-xcơ-va họ chỉ được phát có 100 gam bánh mì xấu với canh thịt ngựa hoặc canh cá mương.
    Biết được nhân dân lao động Mát-xcơ-va, Pê-tơ-rô-grát và những thành phố khác bị đói, các chiến sĩ Hồng quân bị thiếu ăn, chúng tôi càng căm thù bọn phú nông, bọn Cô-dắc phản cách mạng, bọn can thiệp. Tình hình đó giúp cho việc giáo dục các chiến sĩ Hồng quân căm thù giặc, chuẩn bị sống mái với chúng.
    Cuộc hành quân hợp nhất của quân Đồng minh đầu tiên chống nước ta bắt đầu vào tháng 3-1919, mở đầu bằng cuộc tấn công của quân đội Côn-chắc vào Phương diện quân Đông. Ở đây chúng ta có trên 10 vạn bộ đội, lại rải ra trên một mặt trận rất rộng. Nhưng bộ đội của tập đoàn quân 2 và 3 đã chống cự rất kiên cường khiến tập đoàn quân Xi-bê-ri của Côn-chắc tiến quân rất khó khăn; chúng không hoàn thành nhiệm vụ đề ra, và trong vòng trên một tháng rưỡi, sau khi chiếm được Xa-ra-pun và Vốt-kin-xcơ chúng chỉ tiến được từ 80 đến 130 km.
    Tập đoàn quân phía tây của Côn-chắc bắt đầu tấn công tiếp theo sau tập đoàn quân Xi-bê-ri. Chiến đấu nổ ra đặc biệt ác liệt ở hướng U-pha. Tại đây các sư đoàn 26, 27 bộ binh của tập đoàn quân 5 Phương diện quân Đông chiến đấu rất anh dũng. Tuy vậy, đến ngày 14-3, quân Côn-chắc vẫn chiếm được U-pha. Trong cuộc chiến đấu ác liệt trên đường vào thành phố, tập đoàn quân 5 của ta bị thiệt hại nặng, đến gần 50% bị giết, bị thương và mất tích. Lúc đó Gi.K. Bli-um-béc chỉ huy tập đoàn quân 5, và đến đầu tháng Tư thì M.N. Tu-kha-chép-xki đến thay thế.
    Tình hình ở Phương diện quân Đông càng phức tạp vì có các cuộc nổi loạn của bọn phú nông do bọn xã hội cách mạng xúi bẩy. Bọn phiến loạn nổi lên ở Xa-ma-ra, Xư-dơ-ran, Xen-ghi-lép, Ta-vrô-pôn và Mê-lê-két. Ở Xa-ma-ra, trung đoàn 175 nổi loạn chiếm vũ khí và quân dụng. Bọn cầm đầu, sau khi nắm được trung đoàn, đã phối hợp hành động với bọn Côn-chắc. Các cuộc phiến loạn này bị dập tắt ngay, nhưng nó đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình, làm dao động nhiều binh lính của ta.
    Mặc dù bị thiệt hại nặng, tập đoàn quân 5 được sự chi viện của các đội vũ trang đường sắt và công nhân, vẫn tiếp tục kiềm chế quân địch. Trước ngày một tháng Tư, quân đoàn phía tây của Côn-chắc không thu được kết quả và bị thiệt hại nặng.
    Đầu tháng Tư, tập đoàn quân Ô-ren-bua bạch vệ Cô-dắc của Đu-tốp chiếm được Ác-tiu-bin-xcơ sau khi cắt đứt đường sắt Ô-ren-bua - Ta-sơ-ken, do đó Tuốc-ke-xtan bị cắt rời khỏi nước Nga Xô-viết. Khi bọn bạch vệ tiến gần đến Ô-ren-bua thì bọn phú nông bắt đầu nổi loạn ở các làng Cô-dắc dọc sông U-ran.
    Đến giữa tháng Tư, bọn bạch vệ đã ở cách Ca-dan và Xa-ma-ra 85 km, cách Xim-biếc-xcơ 100 km. Nếu quân đội ta tiếp tục rút lui nữa về bên kia sông Vôn-ga thì quân của Côn-chắc sẽ bắt liên lạc được với quân của Đê-ni-kin. Trong trường hợp đó có thể tạo nên một thế trận liên hoàn để đột kích vào Mát-xcơ-va. Tình hình càng phức tạp thêm vì quân đội bạch vệ và bọn can thiệp cùng một lúc tích cực hoạt động trên mọi hướng chiến lược khác.
    Trong giờ phút nguy nan đó , Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga đứng đầu là V.I. Lê-nin đã kêu gọi Đảng, nhân dân Xô-viết dốc toàn lực lượng đánh tan quân thù và trước hết là tiêu diệt quân đội của Côn-chắc.
    Đảng, giai cấp công nhân và những người tiến bộ nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi đó.
    Ngày 11-4, Ban Tổ chức trung ương Đảng thông qua ?oLuận cương của Trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga về tình hình mặt trận phía Đông? do Lê-nin viết. Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga họp ngày 13-4 và Hội nghị Bộ chính trị ngày 23 và 29 tháng Tư đã xét các vấn đề tổ chức chi viện cho Phương diện quân Đông. Đã thông qua nghị quyết mở cuộc động viên mới và gửi ra mặt trận những cán bộ dũng cảm và đã được tôi luyện của Đảng. Ngày 13-5, V.I. Lê-nin báo cáo tại Hội nghị Hội đồng Quốc phòng về vấn đề đạn dược. Trước đó theo đề nghị của Người, 81.000 công nhân các nhà máy quốc phòng quan trọng được chuyển sang chế độ quân nhân, công nhân, các xí nghiệp quốc phòng được miễn gọi nhập ngũ. Nhờ có cao trào cách mạng của quần chúng và công tác tổ chức to lớn của Đảng, việc sản xuất quốc phòng dần dần ồn định.
    Việc động viên sức người và sức của của cả nước đã tạo ra khả năng tăng cường về cơ bản cho các tập đoàn quân đã bị kiệt quệ. Ở mặt trận phía đông, chỉ riêng đảng viên trong quân đội ở mặt trận đã lên đến 15.000 người, mà phần lớn đều là chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu. Đó là lực lượng chính trị có tác dụng quyết định, nó đoàn kết và cổ vũ bộ đội xông lên chiến đấu với quân thù.
    Sau này, nghiên cứu những biện pháp và kế hoạch của Bộ Tổng tư lệnh Hồng quân và bộ tư lệnh Phương diện quân Đông, ta dễ thấy rằng, Bộ Tổng tư lệnh và bộ tư lệnh Phương diện quân Đông không biết rõ lực lượng của bọn bạch vệ, không phát hiện được âm mưu của chúng và không tổ chức được những cuộc đánh trá quyết liệt.
    Khi M.V. Phơ-run-dê đến đó và trực tiếp chỉ huy các cụm quân phía nam của phương diện quân thì tình hình Phương diện quân Đông mới được cải thiện. M.V. Phơ-run-dê đã xác định rất đúng rằng: trong tình hình khó khăn đó, phải giành lại thế chủ động chiến lược từ trong tay bọn bạch vệ càng nhanh càng tốt, phải làm cho quân địch mất tinh thần và củng cố lòng tin tất thắng của quân ta.
    Với cái nhìn sáng suốt vốn có của một nhà cầm quân lớn, M.V. Phơ-run-dê hiểu rằng, ngay trong thắng lợi, địch vẫn bộc lộ những chỗ yếu, nếu ta biết lợi dụng thì những chỗ yếu đó có thể làm tiền đề diệt vong của bọn Côn-chắc.
    Đồng chí chủ trương, trong khi kiềm chế quân đội của Côn-chắc ở phía trước mặt, phải dùng lực lượng của tập đoàn quân 1 và bộ phận tập đoàn quân 4 Tuốc-ke-xtan cấp tốc đánh mạnh vào cánh trái trải dài của chúng, rồi tiếp tục biến cuộc phản kích đó thành cuộc phản công mạnh mẽ của chúng ta trên toàn bộ mặt trận phía đông nhằm giải phóng U-ran và Xi-bê-ri.
    M.V. Phơ-run-dê thấy rằng điểm yếu của quân đội Côn-chắc là ở bên cánh trái và Côn-chắc cũng không thể nhanh chóng cơ động quân chủ lực của chúng đang bị hút vào các trận chiến đấu ở trung tâm mặt trận, trên các hướng Ca-dan, Xim-biếc-xcơ, Xa-ma-ra nhằm tiến ra sông Vôn-ga.
    Đề nghị của M.V. Phơ-run-dê được V.I. Lê-nin tán thành. Trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga và Hội đồng quân sự cách mạng đã thông qua kế hoạch này.
    Khi nói đến vận mạng của Tổ quốc, M.V. Phơ-run-dê không sợ bất cứ trách nhiệm nào, khó khăn nào. Trong một thời gian ngắn, đồng chí đã bố trí lại, bổ sung trang bị và chuẩn bị mọi mặt cho cụm quân phía nam. Lúc bấy giờ, trong điều kiện bị phá hoại nặng nề và đường sắt hầu như không hoạt động được, thì làm được như vậy không phải là dễ dàng.
    Kể cũng cần nhắc lại đoạn văn mà sau này M.V. Phơ-run-dê viết về tình hình Phương diện quân Đông như sau:
    ?oQuân đội của Côn-chắc đã di chuyển đến sát sông Vôn-ga, chúng ta vất vả lắm mới giữ được Ô-ren-bua bị bao vây từ ba mặt, tập đoàn quân bảo vệ ở đây luôn luôn có ý định rút lui. Ở phía nam, từ Xa-ma-ra, bọn Cô-dắc U-ran đã chọc thủng mặt trận và đang tiến lên phía bắc, uy hiếp Xa-ma-ra và đường sắt Xa-ma-ra - Ô-ren-bua. Chúng ta đã rút lui ở hầu khắp mọi nơi, nhưng không thể nói rằng ta là bên yếu hơn. Tuy vậy vì quyền chủ đồng nằm trong tay bọn bạch vệ, khi thì chúng đánh ở hướng này, khi chúng đánh ở hướng kia nên đã làm cho ta nhụt chí. Đó là điều bất lợi nhất đối với ta. Không những cần phải có ý chí vững vàng mà còn phải tin chắc rằng chỉ có chuyển sang tấn công mới làm cho tình thế biến đổi, phải thực sự bắt đầu tấn công. Phải nhớ rằng lúc bấy giờ không chỉ mình quân đội có xu hướng rút lui, mà còn có áp lực từ trên Bộ Tổng tư lệnh hồi đó do đồng chí Va-xê-tít nắm. Đồng chí chủ trương cho tiếp tục rút lui... Dù vậy chúng tôi vẫn chuyển sang tấn công và bắt đầu mở những chiến dịch lừng lẫy đưa đến việc đánh tan hoàn toàn bọn Côn-chắc?.
    Sau những thất bại của bọn bạch vệ ở Bu-gun-ma, Bê-lê-bây và của bọn Côn-chắc ở U-pha, số lính bạch vệ đào ngũ tăng lên dữ dội. Phong trào du kích cũng lên mạnh. Sau đây là một đoạn trong cuốn nhật ký của một tên cầm đầu bộ chiến tranh của Côn-chắc viết vào tháng 5-1919:
    ?oKhông nghi ngờ gì nữa, trên mặt trận của tập đoàn quân phía tây, chủ động đã lọt vào tay bọn Đỏ. Cuộc tấn công của chúng ta đã chấm dứt và tập đoàn quân đã chạy lùi về phía sau, không còn đủ sức bám giữ lấy một cái gì nữa cả... Khi rút lui, bọn lính bị động viên tại chỗ đã bỏ ngũ về làng, đem theo áo quần, trang bị và có khi cả vũ khí nữa... Bọn Đỏ có ưu thế to lớn ở chỗ chúng không ngại lấy lính cũ không cần phải tập luyện nữa để bổ sung, còn chúng ta sợ việc đó như sợ quỷ và đành phải gọi nhập ngũ toàn loại 18, 19 tuổi...?.
    Và y viết tiếp:
    ?oMặt trận vỡ và lùi về phía sau, cần phải suy nghí xem ta còn có thể giữ được U-ran nữa chăng...?[1].
    Trong khi cuộc phản công ở Phương diện quân Đông đang thắng lợi và quân đội Côn-chắc đang rút lui, thì tình hình ở gần U-ran-xcơ trở nên gay go. Ở đây bọn bạch vệ Cô-dắc bao vây thành phố, cắt rời thành phố khỏi cụm quân phía nam. Những người bị bao vây chống cự một cách kiên cường và không để cho địch chiếm U-ran-xcơ, nhưng tình hình quân khu này rất nghiêm trọng. V.I. Lê-nin rất chú ý theo dõi mọi biến cố ở Phương diện quân Đông. Ngày 16-6, Người gửi cho M.V. Phơ-run-dê bức điện:
    ?oYêu cầu chuyển lời chào nhiệt liệt của tôi đến các đồng chí đã 50 ngày anh dũng bảo vệ U-ran-xcơ bị bao vây. Mong các đồng chí giữ vững tinh thần, cố giữ thêm mấy tuần nữa. Sự nghiệp anh dũng bảo vệ U-ran-xcơ sẽ hoàn toàn thắng lợi?.
    M.V. Phơ-run-dê lập tức ra lệnh điều sư đoàn 25 của Cha-pa-ép vào vùng U-ran-xcơ đang bị bao vây. Và sư đoàn vinh quang này dưới sự chỉ huy tài tình của Cha-pa-ép đã đến chi viện cho những người U-ran-xcơ.
    Sư đoàn kỵ binh 1 của Mát-xcơ-va - lúc bấy giờ tôi ở trong sư đoàn này - thuộc quyền chỉ huy của M.V. Phơ-run-dê. Khi tiến đến vùng ga Si-pô-vô, chúng tôi được tin sư đoàn Cha-pa-ép đã đến U-ran-xcơ. Các chiến sĩ chúng tôi liền phấn khởi hẳn lên. Mọi người đều tin rằng bọn bạch vệ Cô-dắc sẽ bị đánh tan.
  6. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    Cuộc chiến đấu đầu tiên với địch của trung đoàn chúng tôi xảy ra trên đường vào ga Si-pô-vô. Địch chống lại quyết liệt, bỏ vị trí này, chúng lại chiếm vị trí khác. Quân sề của địch đông hơn chúng tôi. Tôi còn nhớ rõ cuộc đâm chém dữ dội ở gần ga.
    Một lực lượng khoảng 800 kỵ binh Cô-dắc tiến đánh chúng tôi. Khi chúng đến thật gần, một đại đội kỵ binh có súng đại bác nấp sẵn sau ụ đất liền xông ra đánh. Các chiến sĩ pháo binh, những thanh niên hiên ngang, nhảy lên, nổ súng đánh vào cạnh sườn bọn bạch vệ.
    Hàng ngũ bọn Cô-dắc hoàn toàn rối loạn. Các đồng chí pháo binh, bằng hỏa lực chính xác, tiếp tục làm cho địch bị thiệt hại nặng. Cuối cùng bọn bạch vệ không chống nổi, phải rút lui về phía sau. Trận đánh thắng lợi đã nâng cao tinh thần chiến sĩ kỵ binh chúng tôi.
    Những ngày đầu tháng 6 đã nổ ra nhiều trận chiến đấu ác liệt Các đơn vị của sư đoàn tôi chiến đấu rất anh dũng nhưng tiến về phía U-ran-xcơ rất thậm.
    Lúc đó chúng tôi được tin mừng: quân của Cha-pa-ép đã đánh tan bọn bạch vệ, chiếm thành phố và gặp các đơn vị bộ đội U-ran-xcơ anh hùng.
    Trong khi chiến đấu giành U-ran-xcơ, tôi may mắn được gặp Mi-kha-in Va-xi-li-ê-vích Phơ-run-dê. Lúc đó đồng chí trực tiếp chỉ huy toàn chiến dịch. M.V. Phơ-run-dê đi với V.V. Quy-bi-sép đến thăm sư đoàn 25 của Cha-pa-ép. Đồng chí dừng lại trên trận địa và nói chuyện với các chiến sĩ trung đoàn tôi. Đồng chí rất chú ý đến tinh thần, việc ăn uống và vũ khí của chúng tôi. Đồng chí hỏi gia đình ở nông thôn viết thư đến nói những gì? Các chiến sĩ muốn gì? Tính giản dị, sức lôi cuốn, dáng người đẹp đẽ của đồng chí đã chinh phục được trái tim các chiến sĩ chúng tôi.
    Mi-kha-in Va-xi-li-ê-vích hết sức nồng nhiệt và thân mật kể cho chúng tôi nghe về V.I. Lê-nin, về sự chăm sóc của Người đối với tình hình ở khu vực U-ran-xcơ.
    - Bây giờ công việc của chúng ta đã khá rồi - M.V. Phơ-run-dê nói - Bọn bạch vệ Cô-dắc ở U-ran-xcơ đã bị đánh tan và nhất định một ngày gần đây chúng ta sẽ đánh tan các bọn phản cách mạng khác. Ta sẽ đánh tan Côn-chắc, giải phóng U-ran, Xi-bê-ri và những nơi khác khỏi bàn tay bọn can thiệp và bạch vệ. Lúc đó chúng ta sẽ khôi phục Tổ quốc.
    Sau này chúng tôi thường nhắc tới cuộc gặp gỡ này...
    Đến tháng 3-1919, tôi ở trong nhóm cảm tình chuẩn bị vào Đảng Cộng sản (b) Nga. Hồi đó chưa quy định thời hạn dự bị gia nhập Đảng. Đến nay tôi vẫn nhớ đồng chí bí thư đảng ủy trung đoàn Tơ-rô-phi-mốp và chính ủy Vôn-cốp và rất biết ơn các đồng chí (Tôi tiếc rằng không nhớ tên các đồng chí này[2]). Các đồng chí đó đã giúp tôi hiểu sâu sắc điều lệ và cương lĩnh Đảng Cộng sản và giúp tôi phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản (b) Nga.
    Nhóm cảm tình trong đại đội có 5 người, nhưng, dù số lượng ít, các đồng chí Tơ-rô-phi-mốp và Vôn-cốp mỗi tuần vẫn đến gặp chúng tôi ít nhất hai lần để nói chuyện về tình hình trong nước và thế giới về các biện pháp đấu tranh của Đảng trên các mặt trận. Những cuộc nói chuyện như vậy kéo dài và rất thú vị, đặc biệt là khi nói chuyện về cuộc đấu tranh của những người Bôn-sê-vích dưới chế độ Sa hoàng và về cuộc chiến đấu nảy lửa trong những ngày tháng Mười ở Pê-tơ-rô-grát, Mát-xcơ-va và những thành phố công nghiệp khác trong nước.
    Mãi lúc đó mới thành lập bộ máy ?ocông tác Đảng và công tác chính trị? trong Hồng quân. Thực ra trong quân đội và hạm đội đã có trên 7.000 chính ủy hoạt động dựa vào các chi bộ Đảng gồm trên 50.000 đảng viên. Nhưng còn rất nhiều việc phải làm: xác định nhiệm vụ của các chính ủy, thống nhất hình thức tổ chức các cơ quan Đảng được giao trách nhiệm lãnh đạo công tác chính trị trong quân đội, tập trung về một mối những hoạt động đặc biệt cần thiết và có ích đó đối với quân đội. Vào cuối năm 1918, Trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga thông qua nghị quyết đặc biệt ?oVề công tác Đảng trong quân đội? trong đó Đảng kêu gọi đảng viên giáo dục quân đội về kỷ luật sắt, tinh thần hy sinh và lòng dũng cảm trong chiến đấu chống quân thù. Theo nghị quyết này, các tổ chức Đảng không còn làm chức năng kiểm soát mọi mặt đời sống của quân đội như trong thời kỳ đầu xây dựng các lực lượng vũ trang nữa.
    Đảng thực hiện chính sách của mình thông qua các chính ủy, các phòng chính trị thuộc các Hội đồng quân sự cách mạng của Hạm đội và Quân đội. Các phòng này vừa là bộ máy hành chính - quân sự thuộc quyền các cấp chỉ huy quân sự vừa là cơ quan do Đảng lãnh đạo và liên kết tất cả đảng viên cộng sản trong quân đội.
    Ngày 1-3-1919 tôi được gia nhập Đảng Cộng sản (b) Nga. Nhiều điều đến nay tôi đã quên đi, nhưng ngày tôi được kết nạp vào Đảng thì suốt đời tôi vẫn nhớ. Từ ấy mọi suy nghĩ, mong muốn, hoạt động của tôi đều nhằm hoàn thành nhiệm vụ người đảng viên, và khi kẻ thù xâm chiếm Tổ quốc, là người đảng viên, tôi đã ghi nhớ sâu sắc yêu cầu của Đảng là phải gương mẫu, phục vụ nhân dân hết lòng hết dạ.
    Sau đó không lâu, nhiều đơn vị của sư đoàn chúng tôi từ vùng ga Si-pô-vô được phái đi tiêu diệt bọn bạch vệ ở gần thành phố Ni-cô-lai-ép-xcơ. Và tháng Tám năm 1919, trung đoàn kỵ binh 4 của chúng tôi được chuyển đến ga Vla-di-mia-rốp-ca. Sư đoàn chưa được giao nhiệm vụ trực tiếp hoạt động quân sự và còn phải luyện tập chiến đấu.
    Ở đây tôi được làm quen với chính ủy sư đoàn cùng họ với tôi là Giu-cốp Ghê-oóc-ghi Va-xi-li-ê-vích. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong trường hợp sau đây. Một hôm, vào lúc sáng sớm, khi đi qua bãi quần ngựa, tôi thấy một người đang ?otập cưỡi? ngựa. Đến gần, thì ra chính ủy sư đoàn. Biết không thạo động tác lên xuống ngựa, tôi dừng lại xem chính ủy làm như thế nào.
    Không chú ý đến tôi, chính ủy mồ hôi tháo ra, đang thúc ngựa phi nước đại từ chân trái. Nhưng ông cố làm thế nào, ngựa cũng không tuân theo và cứ sải chân phải ra. Không kìm được nữa, tôi kêu to:
    - Thu ngắn dây cương bên trái lại!
    Chính ủy không nói gì, cho ngựa đi trở lại bước một, tiến đến phía tôi và nhảy xuống, bảo tôi:
    - Nào, cậu thử xem!
    Tôi không phải làm gì nhiều, đạp tới bàn đạp là đã ngồi lên yên. Đi vài vòng cho quen ngựa, rồi tôi thúc ngựa cho chạy nước đại từ chân trái. Tôi phi một vòng - tốt, một vòng nữa - cũng tốt.
    Tôi lại bắt ngựa phi từ chân phải - cũng tốt. Lại bắt đổi chân trái - cũng tốt, ngựa tuân theo.
    - Chân cần phải kìm ngựa chặt hơn nữa - Tôi nhấn mạnh.
    Chính ủy cười:
    - Cậu cưỡi ngựa mấy năm rồi?
    - Thưa bốn năm, nhưng sao ạ?
    - Cậu cười khá đấy?
    Chúng tôi bắt chuyện với nhau. Chính ủy hỏi tôi vào bộ đội ở đâu? Đã chiến đấu ở đâu? Đến sư đoàn từ bao giờ? Vào Đảng bao lâu rồi? Chính ủy kể rằng ông gia nhập kỵ binh 10 năm. Vào Đảng từ năm 1917, ông đã đưa phần lớn trung đoàn kỵ binh quân đội cũ vào Hồng quân. Mọi việc chứng tỏ ông là một người chỉ huy chân chính.
    Nhân đây tôi xin nói về một chức năng hàng đầu trong các chức năng của chính ủy mà cơ quan chính trị cụm quân phía nam, do M.V. Phơ-run-dê chỉ huy đã vạch ra. Chức năng đó được quy định như sau: Chính ủy quân đội là đại diện của chính phủ công nông, đem chính sách và tư tưởng của chính quyền Xô-viết vào thực hiện trong quân đội bảo vệ quyền lợi của quần chúng công nông chống mọi sự xâm phạm của những phần tử thù địch, phát triển ky luật cách mạng, giám sát việc thi hành đúng đắn các mệnh lệnh tác chiến.
    Công tác của chính ủy không chỉ có việc tuyên truyền cổ động, mà trước hết là bản thân chính ủy phải gương mẫu trong chiến đấu công tác và đạo đức. Chính ủy phải biết mọi mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên, tham gia nghiên cứu mệnh lệnh (người chỉ huy vẫn có ý kiến quyết định trong các vấn đề có tính chất khẩn cấp), nghiên cứu quân sự một cách kỹ lưỡng. Thường trước một trận đánh, chính ủy phải tập hợp cán bộ chính trị và đảng viên để giải thích nhiệm vụ do người chi huy vạch ra và đích thân các chính ủy phải xung phong đến những nơi nguy hiểm và quyết định nhất.
    Tên tuổi và hình ảnh người chính ủy trong thời nội chiến quả thật đã xứng đáng được lưu truyền mãi mãi.
    Sau này tôi còn gặp chính ủy Giu-cốp nhiều lần, chúng tôi đã nói về tình hình mặt trận và tình hình trong nước. Có một lần đồng chí đề nghị tôi chuyển sang làm công tác chính trị. Tôi cám ơn đồng chí và nói: tôi thích công tác quân sự hơn. Ông lại khuyên tôi nên đi dự lớp đào tạo sĩ quan Hồng quân. Tôi bằng lòng ngay, nhưng không thực hiện được.
    Làng Da-láp-nôi-ê ở cạnh chúng tôi bị bọn bạch vệ vượt sông Vôn-ga ở đâu khoảng giữa Choóc-nưi Ya-rơ và Xa-rít-xưn tiến sang đánh chiếm bất ngờ.
    Cuộc chiến đấu bắt đầu trước khi lớp học khai mạc.
    Sau khi Côn-chắc bị đánh tan và bọn tàn quân của chúng rút lui về Xi-bê-ri, các nước Đồng minh vẫn tiếp tục chống lại nước Cộng hòa Xô-viết. Bấy giờ tất cả hy vọng của chúng đặt vào Đê-ni-kin. Những đoàn tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực không ngừng chuyển từ phương Tây đến cho quân đội chúng.
    Chính phủ Pháp và Anh đã tập hợp bọn sĩ quan bạch vệ đào ngũ và bọn tù binh Nga ở trong các trại Đức lại thành mấy đội quân. Chính quyền Đức không chịu để các quân nhân Nga trở về Tổ quốc, mà ép họ gia nhập những đội quân tình nguyện để chống lại Hồng quân.
    Nhưng dự định đầy ảo tưởng ấy không đưa lại cho chúng kết quả nào đáng kể. Những lính ?otình nguyện? ấy hễ có cơ hội thuận lợi là chạy sang phía ta ngay. Chỉ có những kẻ căm thù chính quyền Xô-viết và coi cuộc chiến đấu chống chính quyền Xô-viết là nợ máu của chúng thì mới đánh lại ta mà thôi. Những tên chống Xô-viết vì thâm thù ấy không có là bao.
    Mùa hè năm 1919, quân của Đê-ni-kin trở thành một lực lượng lớn và nguy hiểm. Nhiều đơn vị gồm toàn sĩ quan. Lấy Đê-ni-kin làm chỗ dựa chủ yếu, Đồng minh vẫn nuôi ảo vọng dối với quân đội của Côn-chắc, vẫn cố gắng hồi sức chúng lại, và khi có điều kiện thuận lợi sẽ đưa chúng ra chiến đấu chống Hồng quân từ phía đông.
    Ở phía bắc, quân đội bạch vệ của Mi-le chuẩn bị cuộc hành quân mới. Bọn chúng cũng đã nhận được nhiều chuyến tàu tiếp tế quân sự của Đồng minh. Khi trở về, các chuyến tàu đó đã chở về nước chúng hàng tàu đầy da thú, cá, gỗ và những tài sản khác của miền Bắc nước ta.
    Ở phía tây-bắc, bọn bạch vệ Phần Lan và quân của Yu-đê-nít cũng chuẩn bị tấn công vào Pê-tơ-rô-grát. Bọn Đồng minh hy vọng lôi kéo các nước tư bản nhỏ tiếp giáp với Cộng hòa Xô-viết vào cuộc tấn công mới chống chính quyền Xô-viết.
    Qua các tổ chức chống cách mạng của bọn Men-sê-vích, bọn Xã hội cách mạng, bọn tư sản dân tộc và phú nông ở hậu phương, chúng tổ chức những cuộc nổi loạn, lật đổ, phá hoại ngầm. Chúng làm lật đổ những đoàn xe hỏa chở quân đội ra mặt trận hoặc chuyển lương thực, vũ khí và những hàng thiết yếu khác cho tiền tuyến và hậu phương.
    Chúng vu khống, lừa dối, cố làm cho nhân dân mất tin tưởng ở Đảng và Chính phủ, ở Bộ Tư lệnh Hồng quân. Tiếc thay, lúc đầu đôi khi chúng cũng thu được một số kết quả. Đặc biệt là những nơi nào kinh tế bị phá hoại hoàn toàn và luật pháp Xô-viết bị vi phạm thô bạo, thì có một số nhân dân không vững đã nghiêng ngả.
    Tôi muốn trình bày ở đây một bức thư của một người bạn thuở nhỏ của tôi là Pa-ven A-lếch-xăn-đrơ Giu-cốp. Tôi nhận được lá thư đó ở Xa-ri-xưn và tôi vẫn giữ mãi đến nay.
    ?oBạn Ghê-oóc-ghi thân mến! Sau khi cậu gia nhập Hồng quân, hầu như tất cả bè bạn và người quen của chúng ta, cũng được gọi nhập ngũ. Tớ lại không may. Đáng lẽ vào bộ đội tác chiến thì người ta lại phái tớ đến tỉnh Vô-rô-ne-giơ cùng với đội đi thu lương, thu lúa mì của bọn phú nông. Tất nhiên việc này cũng cần, nhưng tớ là lính, biết chiến đấu và tớ nghĩ: những người chưa qua trường quân sự có thể thay tớ công tác ở đây được. Nhưng không phải tớ muốn viết cho cậu về vấn đề này.
    Cậu có nhớ chúng ta đã tranh luận và bất đồng với nhau về bọn Xã hội cách mạng không? Hồi đó tớ cho chúng là bạn dân, chiến đấu chống Sa hoàng vì quyền lợi nhân dân, trong đó có quyền lợi của nông dân. Bây giờ thì tớ đồng ý với cậu. Chúng là đồ đê tiện! Chúng không phải là bạn dân mà là bạn của phú nông. Chúng là người tổ chức mọi hành động chống Xô-viết, chúng ăn cướp.
    Mới đây, bọn phú nông địa phương, do bọn Xã hội cách mạng bí mật lãnh đạo, đã tấn công vào đội vệ binh của đội thu lương lúc chúng tớ đang đi áp tải đoàn ngựa chở lúa mì. Chúng đã hành hạ họ rất dã man. Chúng đã giết mất người bạn tốt nhất của tớ là Cô-lia Ga-vri-lốp. Cậu ấy là người ở gần Ma-lô-ya-rô-xla-vét. Còn một cậu bạn khác của tớ là Xê-mi-ôn I-va-nhi-sin thì bị chủng đâm lòi mắt, chặt cánh tay phải và vứt ra đường. Tình trạng cậu ta rất nguy ngập, bị bệnh hoại thư, chắc là sẽ chết thôi. Tội nghiệp cậu thanh niên đẹp trai và nhảy múa rất giỏi ấy. Chúng tớ quyết phải trả mối thù này và ghi nợ đó đến suốt đời. Bạn của cậu. Pa-ven?.
    Sau bức thư này, một thời gian lâu lắm tôi không biết số phận của Pa-ven Giu-cốp ra sao. Mãi đến năm 1922 mới biết là cậu ấy bị bọn phú nông giết ở một nơi nào đó trong tỉnh Tam-bốp...
  7. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    V.I Lê-nin, Trung ương Đảng và Chính phủ đã tính đến nguy cơ nghiêm trọng mới gây ra ở phía nam này và đã ra nhiều nghị quyết quan trọng.
    Ngày 3 và 4 tháng Sáu năm 1919, Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga họp. Hội nghị đã chú ý nhiều đến công cuộc bảo vệ Tổ quốc và tình hình ở mặt trận phía nam, coi mặt trận phía nam là mặt trận chính của nước Cộng hòa. Tại hội nghị liên tịch Ban Chấp hành trung ương Đảng toàn Nga, Hội đồng trung ương các công đoàn Liên Xô và Xô-viế Mát-xcơ-va, V.I. Lê-nin đọc báo cáo về tình hình ở mặt trận và nhiệm vụ thanh toán cuộc tấn công của Đê-ni-kin. Lúc đó vấn đề thu nhận các chuyên gia quân sự cũ vào Hồng quân và vấn đề đối xử thận trọng hơn đối với họ lại được đặt ra.
    ?oHàng trăm và hàng trăm chuyên gia quân sự đã phản bội và sẽ phản bội chúng ta... - Một bức thư của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga viết - Nhưng hiện nay ta có hàng ngàn, hàng vạn chuyên gia quân sự đang công tác một cách đều đặn và lâu dài, thiếu họ thì không thể từ một tổ chức lộn xộn vô kỷ luật lớn mạnh lên thành một đội Hồng quân có thể và đã giành được những thắng lợi rực rỡ ở phía đông. Những người có kinh nghiệm trong Bộ chỉ huy quân sự của ta đã chỉ ra rất đúng rằng: ở đâu thực hiện nghiêm chỉnh chính sách của Đảng đối với chuyên gia quân sự và chủ trương trừ bỏ lề thói du kích, ở đâu có kỷ luật chặt chẽ, ở đâu công tác chính trị và công tác của chính ủy được thực hiện đầy đủ... thì ở đấy số chuyên gia quân sự có ý định làm phản ấy càng ít khả năng thi hành âm mưu của chúng, ở đấy không có hiện tượng vô kỷ luật, ở đấy tổ chức và tinh thần cũng cao hơn, ở đó càng có nhiều thắng lợi?.
    Khi nhớ lại lúc làm việc chung với các sĩ quan quân đội cũ, tôi thấy rằng phần lớn họ là những người thật thà, tốt bụng và trung thành với Tổ quốc. Trong chiến đấu với quân thù, khi cần, họ đã không chút do dự, sẵn sàng hy sinh tính mạng một cách dũng cảm, vẻ vang. Song họ có một thiếu sót là không gần gũi các chiến sĩ. Họ vẫn giữ nguyên một cái gì đặc biệt, không hòa mình được với quần chúng Hồng quân, chỉ có một số ít đã trở thành người chỉ huy, thủ trưởng và đồng thời là người bạn lớn tuổi của các chiến sĩ.
    Tôi còn nhớ, trong tổ chức Đảng, nhiều lần chúng tôi đã nói về mối quan hệ với các sĩ quan cũ, và chúng tôi đã tìm mọi cách để có đủ lòng tin cậy vào các chuyên gia quân sự. Tất nhiên là trong số các đảng viên cũng có những người hay la lối, họ cho rằng những người đó là ?obọn đối lập quân sự?, rằng những sĩ quan cũ chủ yếu là bạch vệ rằng họ không thể hòa hợp với chế độ xô-viết, còn kỷ luật và điều lệnh nội vụ chặt chẽ thì họ lại cho là trật tự của chế độ nông nô.
    Nhưng như mọi người đã biết, quan điểm ?obọn đối lập quân sự? đã bị Đại hội Đảng lần thứ VIII bác bỏ bằng đa số tuyệt đối.
    Các chuyên gia quân sự đã chú ý theo dõi công việc Đại hội Đảng lần thứ VIII và họ đã hiểu rằng Đảng đã tin tưởng họ, đánh giá đúng họ và chăm sóc đến họ. Họ càng gần gũi quần chúng Hồng quân và các tổ chức Đảng hơn. Đội ngũ cán bộ chỉ huy là sĩ quan quân đội Sa hoàng đã trở nên tích cực và nghiêm khắc hơn đối với kỷ luật và công tác phục vụ trong quân đội. Điều đó được thể hiện rõ ràng ở tinh thần sẵn sàng và khả năng chiến đấu chung của họ.
    Những mưu toan làm cho Đảng mất tin tưởng ở các sĩ quan cũ đã bị các chính ủy, cán bộ làm công tác Đảng và công tác chính trị, và thậm chí cả các chiến sĩ Hồng quân kiên quyết ngăn chặn.
    Đại hội VIII của Đảng Cộng sản (b) Nga (tháng 3-1919) đã chú ý nhiều đến Hồng quân. Thực chất chính sách quân sự của Đảng là hoàn thành càng nhanh càng tốt việc chuyển quân đội từ chế độ tình nguyện và bán du kích thành một quân đội chính quy thường trực tinh nhuệ có kỷ luật sắt, có một hệ thống trang bị, tổ chức và chỉ huy thống nhất. Những quan điểm nền tản ấy đã được trình bày trong báo cáo và các bài phát biểu của V.I. Lê-nin, trong Cương lĩnh mới của Đảng và nghị quyết về quân sự đã được Đại hội thông qua.
    Cuộc sống đã chứng minh sự đúng đán của các nghị quyết Đại hội VIII và những biện pháp sau này của Đảng về việc củng cố hàng ngũ Hồng quân. Những nghị quyết đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi vì kẻ thù đang cố gắng hết sức nhằm bóp chết nhà nước Xô-viết.
    Sau khi quân đội của Đê-ni-kin chiếm Xa-ri-xưn, Bô-ri-xô-glép-xcơ, Ba-la-sốp, Cra-xnô-grát và những vị trí quan trọng khác, Đồng minh thúc Đê-ni-kin tiến về Mát-xcơ-va. Được các điệp viên của chúng báo cho biết về việc chuẩn bị phản công của Hồng quân, Đê-ni-kin vội vàng mở trước những cuộc tấn công tập trung để phá vỡ việc chuẩn bị của ta và giành thế chủ động cho chúng.
    Tháng 8-1919, quân đoàn kỵ binh của Ma-môn-tốp chọc thủng mặt trận của tập đoàn quân 8 ở vùng Nô-vô-khô-péc-xcơ và tiến vào hậu phương của Phương diện quân Nam tới Tam-bốp là nơi có những căn cứ lớn của ta. Lúc bấy giờ Đê-ni-kin tung quân đoàn của Cu-tê-pốp vào chỗ tiếp giáp của các tập đoàn quân 13 và 14, chúng bắt đầu đẩy các đơn vị của chúng ta về phía Cuốc-xcơ và Vô-rô-giơ-be.
    Nhưng Đê-ni-kin không phá được cuộc phản công của ta.
    Tháng 9, các trận đánh ác liệt lại diễn ra ở Xa-ri-xưn.
    Khi chiến đấu với các đơn vị của tập đoàn quân Cáp-ca-dơ của địch ở vùng Bác-ti-a-rốp-ca, Da-pláp-nôi-ê, chúng tôi nghe rất rõ tiếng đại bác ở vùng Xa-ri-xưn và trên các đường từ phía Ca-mư-sin vào Xa-ri-xưn. Trong trận chiến đấu giành Xa-ri-xưn, tập đoàn quân Cáp-ca-dơ của địch bị thiệt hại nặng, nhưng cả quân ta cũng bị thương vong nhiều.
    Trong nửa đầu tháng 9, cuộc chiến đấu lại càng quyết liệt nhưng lần này vận động mạnh mẽ hơn và làm thay đổi hẳn tình hình.
    Trong tháng 10, gần Xa-ri-xưn, nơi binh đoàn kỵ binh 4 chúng tôi đóng, cuộc chiến đấu diễn ra có tính chất cục bộ và chúng tôi chỉ biết những nét chung về các biến cố lớn xảy ra ở hướng Mát-xcơ-va.
    Trong một trận đánh ở khoảng giữa Da-pláp-nôi-ê và Ác-tu-ba trong khi đánh giáp là cà với bọn bạch vệ Can-mứt-xki, tôi bị thương vì thủ pháo. Các mảnh đạn xuyên sâu vào chân và sườn trái của tôi, tôi được đưa về trạm quân y lưu động. Ở trạm xá ra tôi rất yếu và được nghỉ một tháng cho lại sức.
    Tôi về quê thăm cha mẹ . Nhân dân làng tôi đang ở trong tình trạng rất khó khăn, nhưng họ không hề phàn nàn. Bần nông được tổ chức vào ủy ban bần nông hoạt động rất tích cực góp phần vào việc thu lúa mì của bọn phú nông. Trung nông mặc dù tình hình mặt trận khó khăn, gian khổ, nhưng ngày họ càng ngả về phía chính quyền Xô-viết. Chỉ có một số ít phản ứng tiêu cực đối với các biện pháp của Đảng và Chính phủ. Số này chủ yếu là trung nông lớp trên, về mặt tài sản, họ đi gần với phú nông.
    Thời gian nghỉ phép trôi qua rất nhanh, tôi đến ủy ban quân sự địa phương và yêu cầu gửi tôi về đơn vị chiến đấu. Nhưng vì thể lực còn yếu nên tôi được đưa về một tiểu đoàn hậu bị ở Tơ-ve và sau đó được cứ đi học lớp cán bộ Hồng quân.
    Lớp kỵ binh Ria-dan đầu tiên mà tôi đến công tác vào tháng Giêng năm 1920 đóng ở Xta-rô-giư-lốp tỉnh Ria-dan trên một khoảnh đất cũ của địa chủ.
    Học sinh được tuyển lựa chủ yếu là kỵ binh có thành tích xuất sắc trong chiến đấu. Tôi được giao làm nhiệm vụ tiểu đội trưởng học viên ở đại đội 1. Việc này tôi đã quen thuộc từ khi ở trong quân đội cũ.
    Đại đội trưởng đại đội học viên là V.Đ.Khơ-lam-xép giao cho tôi nhiệm vụ dạy các học viên về giáo, kiếm, đâm lê, thể dục và đội ngũ. V.Đ. Khơ-lam-xép là một sĩ quan cũ trong quân đội Sa hoàng, luôn luôn là người lôi cuốn và làm gương cho học viên. Chủ nhiệm huấn luyện đội ngũ là G.X. Đê-xnít-xki cũng xứng đáng với chức vụ của ông. Cán bộ chỉ huy đơn vị phần lớn là những sĩ quan - chuyên gia quân sự cũ. Họ công tác rất nhiệt tình, nhưng có phần hình thức ?ocứng nhắc?. Các tổ chức Đảng và cơ quan chính trị của lớp học làm nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, còn giáo dục phổ thông thì do các nhà giáo quân sự hóa đảm nhiệm. Môn kinh tế chính trị học do các giáo viên mới được đào tạo ngắn ngày giảng, nhưng họ cũng thường ?obơi? trong vấn đề này, họ sai không kém gì chúng tôi.
    Phần lớn học viên không được học đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông. Vì họ được chọn từ trong công nhân, nông dân, những người trước cách mạng thường không biết chữ. Nhưng họ phải học bù lại, họ cố gắng học vì họ biết rằng thời gian học tập ngắn, lại phải học nhiều để trở thành người sĩ quan Hồng quân xứng đáng.
    Giữa tháng 6 chúng tôi được gấp rút đưa lên tàu. Không ai biết chúng tôi sẽ đi đâu. Chỉ thấy là chúng tôi đi về phía Mát-xcơ-va. Đến Mát-xcơ-va cả lớp tập trung ở trại Lê-pho-tốp-xki, ở đây đã có các học viên Tơ-ve và Mát-xcơ-va đóng sẵn rồi. Chúng tôi được phổ biến rằng các lớp sẽ được biên chế thành một lữ đoàn hỗn hợp và được gửi ra mặt trận để đánh Vran-ghen. Chúng tôi được phát mọi trang bị và vũ khí cần thiết. Trang phục cho người và ngựa hoàn toàn mới, trông bề ngoài rất đẹp.
    Ở Mát-xcơ-va tôi có rất nhiều bạn và người quen. Trước khi ra mặt trận tôi muốn gặp họ một chút, đặc biệt là những người mà tôi vẫn hằng nhớ nhung, quyến luyến, nhưng rất tiếc là tôi không được đi thăm người nào cả. Các chỉ huy đại đội thường bận việc phải đi vắng và giao đại đội cho tôi. Tôi đành viết thư cho những người quen mà thôi, không thể đến thăm họ được. Tôi không hiểu có phải vì vậy hay vì lý do khác, giữa tôi và Ma-ri-a có sự bất hòa. Và sau đó tôi được tin là cô ta đã đi lấy chồng, từ đó đến nay tôi không gặp lại cô ta nữa.
    Tháng 8, trung đoàn học viên hỗn hợp chúng tôi được phái đến Cra-xnô-đa để từ đó tấn công quân của Vran-ghen.
    Đến mùa hè năm 1920 thì rõ ràng là bọn tư sản, địa chủ Ba Lan, tuy còn tạm thời thắng lợi, nhưng chắc gì chúng đã có thể tiếp tục chiến tranh với nước Nga Xô-viết. Lúc đó số lượng Hồng quân đã vượt xa con số 3 triệu người. Vì vậy các chính phủ Đồng minh thỏa thuận với nhau mở thêm một cuộc hành quân thứ ba chống Xô-viết nữa, ngoài lực lượng vũ trang của bọn tư sản Ba Lan, chúng còn dựa thêm vào lực lượng của Nam tước Vran-ghen tổ chức ở Crưm.
    Chúng hứa sẽ giúp đỡ không hạn chế cho Vran-ghen. Còn bản thân Vran-ghen hứa rằng Sa hoàng sau này sẽ trả tất cả số chi phí của đồng minh.
    Tháng 5-1920, quân đội Vran-ghen đã có tới gần 13 vạn bộ binh và 4 ngàn rưỡi kỵ binh. Nhưng con số đó chưa đủ để triển khai hoạt động rộng rãi nhằm chống lại Nhà nước Xô-viết. Ở khu vực Crưm, Vran-ghen không tìm được nguồn bổ sung nào và quyết định tấn công vào bắc Ta-vri-a. Nhưng ở đây Vran-ghen không thu được kết quả: hắn không thể tấn công lên Đôn-bát và sông Đông được.
    ?oNguồn bổ sung duy nhất - Vran-ghen viết trong bản hồi ký của mình - chỉ có thể là đất Cô-dắc... Khi các tập đoàn quân của tướng Đê-ni-kin bị đánh tan, hàng ngàn lính Cô-dắc đã giải tán về nhà đem theo cả ngựa, vũ khí và trang bị. Dự trữ chiến đấu to lớn còn nằm ở bắc Cáp-ca-dơ và ở vùng sông Đông... Các vùng này có nhiều tài nguyên địa phương... Điều đó buộc chúng ta phải chuyển cuộc chiến đấu sang vùng Cô-dắc?.
    Vran-ghen tính rằng có thể phát động phong trào thổ phỉ bạch vệ ở Cu-ban và hắn hy vọng vào cái gọi là quân đội ?ophục hồi nước Nga? do tướng Phô-xti-cốp chỉ huy. Nhưng hắn đã đánh giá quá cao lực lượng này. Tưởng rằng điều mong muốn của chúng sẽ biến thành sự thật, nhưng Vran-ghen đã sai lầm vì hắn xem phong trào chống đối chính quyền Xô-viết ở Cu-ban của bọn phú nông là phong trào nhân dân.
    Lúc này phần lớn bọn Cô-dắc ở vùng Cu-ban nghĩ rằng bọn cầm đầu bạch vệ và ?ochính phủ tối cao? sẽ đem trợ cấp của Đồng minh đến cho chúng.
    Các cán bộ chỉ huy, chính ủy và các chiến sĩ Hồng quân của ta làm mọi cách để giải thích cho những người Cu-ban hiểu rõ mục đích chiến đấu thực sự của ta và sự cần thiết phải nhanh chóng tiêu diệt bọn chống lại Xô-viết.
    Đồng thời các gia đình Cô-dắe nghèo và gia đình Hồng quân được giúp đỡ nhiều về mọi mặt. Phần công tác dân vận này có tầm quan trọng đặc biệt, vì trước khi Hồng quân đến, bọn bạch vệ đã áp bức dân nghèo hết sức nặng nề, chúng đã cướp của họ đến miếng bánh mì cuối cùng và đã ngược đãi họ.
    Tôi còn nhớ, một buổi tối, chính ủy sư đoàn đến đại đội tôi và đề nghị chúng tôi làm việc giúp các gia đình bần nông và gia đình Hồng quân ít hôm để sửa lại nhà cửa, vườn tược và nông cụ cho họ.
    Tất cả chúng tôi đều nhiệt liệt tán thành.
    Chính ủy của chúng tôi nhận thấy phần khó khăn nhất là dọn giếng công cộng, mà trước đây bọn bạch vệ đã bỏ xuống đấy biết bao nhiêu thứ rác rưởi. Giếng khá sâu , khi ông ta lặn xuống đến đáy thì suýt bị ngạt. người ta kéo ông lên, ông chỉ còn thở thoi thóp nhưng nghỉ một chút, ông lại ra lệnh thả ông xuống. Được một lúc ông lại phải trở lên và cứ thế tiếp tục cho đến khi giếng được dọn sạch. Tối đến, cả làng đều trầm trồ về tinh thần dũng cảm của chính ủy.
    Sau khi công việc đã xong xuôi, những người Cô-dắc đã mời chúng tôi ăn một bữa cơm thân mật với họ. Trong bữa ăn đó, chúng tôi và nhân dân nói chuyện rất chân tình, họ cảm ơn chúng tôi đã giúp đỡ họ. Và không khỏi có chuyện buồn cười. Có một nhóm học viên được giao nhiệm vụ sửa nhà kho và bếp cho một người đàn bà góa Cô-dắc thì họ lại đi làm việc cho một nhà phú nông cùng họ. Chuyện đó làm mọi người phì cười, nhưng ?onhững kẻ mắc sai lầm? lại rất buồn.
  8. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    Tháng 8, trung đoàn học sinh hỗn hợp của chúng tôi được tung ra đánh lại cuộc đổ bộ của tướng U-la-gai trong quân đội Vran-ghen, sau đó chiến đấu chống bọn phiến loạn Phô-xti-cốp và Crư-gia-vlốp-xki. Bọn phiến loạn bị đánh tan một cách nhanh chóng. Tàn quân của chúng tôi được chính phủ Men-sê-vích Gru-di-a che chở cho chạy trốn.
    Chúng tôi không phải tham gia chiến dịch cuối cùng đánh tan Vran-ghen ở Crưm, vì học sinh giỏi được ra trường trước thời hạn và đưa đến bổ sung cho các đơn vị kỵ binh bị mất nhiều cán bộ chỉ huy trong các trận chiến đấu với Vran-ghen.
    Lễ bế mạc được tổ chức ở thành phố Ác-ma-via, nơi có cơ quan tham mưu dã chiến của tập đoàn quân 9. Những học sinh còn lại trong trung đoàn hỗn hợp được phái đi truy kích bọn phỉ chạy vào núi Cáp-ca-dơ. Sau đó ít lâu, chúng tôi được tin trung đoàn học sinh bị phục kích tại một nơi trong núi Cáp-ca-dơ và bị thiệt hại nặng. Nhiều cán bộ chỉ huy và chiến sĩ đã bị bọn phỉ hành hạ rất dã man. Đồng chí chính ủy mà tất thảy chúng tôi đều yêu mến cũng đã hy sinh. .
    Phần lớn số học sinh tốt nghiệp được phái tới lữ đoàn kỵ binh độc lập 14 đóng ở làng Nô-vô-giê-rê-li-ép-cai-a và tiếp tục chiến dịch tiêu diệt bọn tàn quân của U-la-gai và bọn thổ phỉ ở đấy. Tôi được sung vào trung đoàn kỵ binh 1 do người sĩ quan Cô-dắc sông Đông cũ là An-đrây-ép chỉ huy. Ông ta là một người dũng cảm và là một tay kiếm giỏi. Một số bạn cùng lớp với tôi cũng được đưa về trung đoàn này là Gô-rê-lốp, Mi-khai-lốp và U-khát ô-gô-rô-vích (tiếc rằng tôi không nhớ tên).
    Đến cơ quan tham mưu, xuất trình giấy tờ xong, chúng tôi được đồng chí trung đoàn trưởng tiếp. Nhìn vào những chiếc quần đỏ chúng tôi đang mặc, đồng chí nói một cách không hài lòng:
    - Các chiến sĩ của tôi không ưa những người chỉ huy mặc quần đỏ.
    Bây giờ làm thế nào? Chúng tôi chỉ có một loại quần. Các loại khác, học sinh chúng tôi không được phát. Không hiểu sao vẫn không tin chúng tôi, đồng chí nói tiếp:
    - Chiến sĩ của chúng tôi là những người đã từng trải, họ không thích những người chưa từng chiến đấu. .
    Sau đó, đồng chí bắt đầu chất vấn - tôi xin nói thẳng - không lịch sự lắm: người nào sinh đẻ ở đâu? Đảng viên hay ngoài Đảng? Đã chiến đấu chưa? Bao giờ, ở đâu? v..v... Khi biết được chúng tôi không những là người đã từng chiến đấu mà có người đã tham gia Thế chiến thứ nhất, đồng chí mới yên lòng hơn.
    Đến đại đội, chúng tôi gặp đại đội trưởng Vi-nép-xki. Thoạt nhìn, chúng tôi không thích anh lắm. Vi-nép-xki gây cho chúng tôi cảm tưởng anh là người không quan tâm đến công việc của đơn vị mình. Không rời khỏi cuốn sách đang đọc, không chú ý chúng tôi là người như thế nào, có khả năng gì. Anh cũng không nói gì về những người mà chúng tôi sẽ gặp và sắp tới có thể sẽ cùng với họ đi chiến đấu. Anh uể oải ra lệnh:
    - Đồng chí Giu-cốp đi tiếp nhận trung đội 2 của đồng chí A-ga-pốp còn đồng chí U-khát ô-gô-rô-vích đến chỉ huy trung đội 4.
    Tìm được trung đội 2, tôi đến gặp A-ga-pốp, quyền chỉ huy trung đội. Anh là một người đứng tuổi, trước đã là một kỵ binh thường của quân đội cũ đã tham gia Thế chiến thứ nhất. Mới buổi đầu quen nhau, tôi đã có cảm tình với con người giản dị và tốt bụng này.
    Rút bản danh sách trung đội từ trong túi ra đưa cho tôi, anh giới thiệu trung đội gồm có 30 người. A-ga-pốp nói:
    - Trong trung đội đều là các chiến sĩ cũ, trừ ba, bốn người. Đều là chiến sĩ xuất sắc cả, tất nhiên, họ cũng có phần ương bướng, cần phải biết lãnh đạo họ.
    Và anh kể cho tôi nghe tỉ mỉ về từng người:
    - Goóc-scốp, một chiến sĩ can đảm, hết sức tự do nhưng trong chiến đấu cũng nhất đấy. Đối với anh ta không nên to tiếng, khi anh ta cáu, cần phải khen anh ta nhiều hơn và chỉ cho anh ta những cái sai một cách thân tình tay đôi. Ca-xi-a-nốp - bắn súng máy, người Vô-rô-ne-giơ, một chiến sĩ tốt. Trong chiến đấu không cần giao nhiệm vụ cụ thể, anh ta nhận thức rất rõ mục tiêu nào cần phải tiêu diệt trước hết. Ca-da-kê-vích, Cô-va-lếp, Xa-prư-kin là ba người bạn không rời nhau, chiến đấu tốt, nhưng hay đi chơi. Có thể và cần phải quở trách trước đơn vị, dọa đưa lên chính ủy trung đoàn. Chính ủy trung đoàn rất nghiêm và không ưa những người nào không giữ danh dự chiến sĩ Hồng quân.
    Cứ như vậy A-ga-pốp kể cho tôi nghe hết từng chiến sĩ. Tôi rất cám ơn anh về những điều anh đã kể cho tôi nghe.
    Sau đó anh ra lệnh tập họp toàn đơn vị (cả ngựa) để giới thiệu tôi.
    Sau khi chào trung đội xong tôi nói:
    - Các đồng chí, tôi được cử đến chỉ huy các đồng chí. Tôi là chỉ dù giỏi hay dở, các đồng chí là chiến sĩ tốt hay tồi, sau này chúng ta sẽ biết nhau. Bây giờ tôi muốn xem ngựa và trang bị của các đồng chí như thế nào và tôi sẽ làm quen với từng người.
    Trong khi duyệt đơn vị, một số chiến sĩ chăm chú nhìn chiếc quần đỏ của tôi. Thấy thế, tôi nói:
    - Đồng chí An-đrây-ép, trung đoàn trưởng đã nói cho tôi biết các đồng chí không ưa quần đỏ. Các đồng chí biết không? Tôi không có quần nào khác. Chính quyền Xô-viết cho tôi sao, tôi mặc vậy. Màu đỏ là gì, như các đồng chí đã biết, nói chung đó là màu cách mạng, đó là biểu hiện của cuộc chiến đấu của nhân dân lao động giành tự do và độc lập...
    Hôm sau, cả trung đội tập họp trong trại, tôi đề nghị các chiến sĩ tự giới thiệu. Một lúc lâu, cuộc nói chuyện vẫn rời rạc. Chiến sĩ bắn súng máy Ca-xi-a-nốp nói:
    - Kể gì bây giờ? Ai ở đâu? Chúng tôi là người như thế nào? Trong danh sách của trung đội đã có hết.
    Khi đó tôi kể tất cả những điều mà tôi đã biết về các cuộc chiến đấu chống bọn bạch vệ và Vran-ghen ở bắc Ta-vri-a. Các chiến sĩ chăm chú lắng nghe. Đặc biệt họ quan tâm đến việc quân đội Đồng minh có đổ bộ lên nước ta không? Tôi trả lời: các chính phủ Đồng minh muốn đổ quân lên nhưng nhân dân và quân đội các nước Đồng minh lại không muốn chiến đấu chống chúng tôi.
    Mấy hôm sau trong chiến dịch quét bọn tàn quân phỉ ra khỏi vùng Pri-moóc-xki tôi dẫn đầu đơn vị đi chiến đấu. Cuộc chiến đấu kết thúc thắng lợi. Bọn phỉ bị tiêu diệt, một số bị bắt làm tù binh và quan trọng nhất là trung đội tôi không có ai bị thương vong cả.
    Sau trận chiến đấu, không ai nói gì về chiếc quần đỏ của tôi nữa. Không bao lâu tôi được cử lên chỉ huy đại đội 2 trung đoàn kỵ binh 1 .
    Cuối tháng Chạp năm 1920, cả lữ đoàn được phái đến tỉnh Vô-rô-ne-giơ để tiêu diệt bọn phú nông nổi loạn và bọn phỉ Cô-lét-nhi-cốp. Bọn phỉ này nhanh chóng bị đánh tan. Bọn tàn quân chạy sang tỉnh Tam-bốp và câu kết với bọn phỉ phú nông xã hội cách mạng An-tô-nốp.
    Tôi xin kể một ít về tên An-tô-nốp, đầu sỏ cuộc nổi loạn của bọn phú nông xã hội cách mạng này.
    An-tô-nốp đẻ trong một gia đình lai tạp ở thành phố Kiếc-xa-nộp, tỉnh Tam-bốp. Học ở trường chuyên nghiệp, nhưng vì tư cách xấu và hành động lưu manh nên bị đuổi. Hắn rời Kiếc-xa-nốp, nhập bọn với những tên tội phạm, làm nghề ăn cướp, nhiều lần giết người. Năm 1906, An-tô-nốp vào đảng xã hội cách mạng. Vì phạm tội nên bị đày đi xi-bê-ri. Hắn trở về Tam-bốp năm 1917 vào lúc Cách mạng tháng Hai. Sau đó hắn làm cảnh sát trưởng quận Kiếc-xa-nốp. An-tô-nốp sắp xếp tay chân của hắn vào khắp nơi. Bè lũ của hắn là mấy tên xã hội cách mạng nổi tiếng Ba-gie-nốp, Mác-nê-vích, Dô-ép và Lô-si-nin.
    Tháng 8-1920, An-tô-nốp đã tụ tập được một đội phỉ lớn. Sau khi chiếm được một khu đông dân cư, bọn An-tô-nốp liền xây dựng ngay những toán mới. Các toán phỉ của chúng dần dần tập hợp lại thành những trung đoàn quân số gần một ngàn người.
    Lực lượng tấn công chủ yếu của An-tô-nốp là những trung đoàn kỵ binh với quân số từ 1.500 đến 5.000 người.
    Cuối năm 1920, các đội phỉ của An-tô-nốp đã tập hợp lại thành một ?otập đoàn quân?. Bộ tham mưu tập đoàn quân bao gồm những tên xã hội cách mạng cũ như Bô-gu-xláp-xki, Gu-xa-rốp, Tốc-ma-cốp, còn An-tô-nốp là tham mưu trưởng. Không bao lâu chúng đã lập tập đoàn quân thứ hai. Mọi quyền hành quân sự vẫn nằm trong tay An-tô-nốp. Các đơn vị được trang bị bằng súng máy, súng trường, súng lục và kiếm.
    Ban chấp hành trung ương đảng xã hội cách mạng cầm đầu tổ chức lãnh đạo cuộc nổi loạn của bọn phú nông xã hội cách mạng. Nhiệm vụ chính của chúng là lật đổ chính quyền Xô-viết. Còn nhiệm vụ trước mắt của bọn An-tô-nốp là:
    - Phá hoại việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp lương thực và các nghĩa vụ khác do chính quyền Xô-viết đề ra;
    - Tiêu diệt các người đại diện của Đảng Cộng sản (b) Nga và chính quyền Xô-viết;
    - Tấn công vào những đơn vị nhỏ của Hồng quân để ướp vũ khí;
    - Phá hoại đường sắt, kho tàng và các căn cứ Hồng quân.
    Xuất phát từ những nhiệm vụ đó, bọn An-tô-nốp thi hành chiến thuật:
    1- Tránh chiến đấu với các đơn vị lớn của Hồng quân;
    2- Khi nào chắc thắng và nhất thiết có lực lượng trội hơn thì mới đánh;
    3- Khi cần thiết chia thành đơn vị nhỏ để thoát khỏi tình trạng bất lợi, khó khăn và rút lui về nhiều hướng rồi tập trung lại một chỗ đã định trước.
    Tháng Chạp năm 1920, Chính phủ Xô-viết thành lập Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tam-bốp để tiêu diệt bọn phỉ. Đến ngày 1-3-1921, lực lượng của Bộ chỉ huy tỉnh Tam-bốp có 32.500 bộ binh, 7.948 kỵ binh, 463 súng máy và 63 cỗ pháo. Đến 1-5, lực lượng ấy tăng thêm 5.000 bộ binh và 2.000 kỵ binh nữa. Nhưng do Bộ chỉ huy tỉnh Tam-bốp thiếu khả năng tổ chức và không cương quyết nên không tiêu diệt được bọn phỉ An-tô-nốp.
    An-tô-nốp đích thân liều lĩnh đột nhập nhiều lần vào các đồn trại của Hồng quân. Chẳng hạn như vào đầu tháng Tư năm 1921, một đội quân 5.000 người của An-tô-nốp đã phá tan một doanh trại và chiếm Ra-xca-dô-vô. Lần ấy, cả một tiểu đoàn của ta đã bị bắt làm tù binh.
    Sau đó không bao lâu, đồng chí M.N. Tu-kha-chép-xki, trước là trung úy quân đội Sa hoàng, vào Đảng Cộng sản (b) Nga năm 1918, được cử đến chỉ huy các đơn vị làm nhiệm vụ chống bọn An-tô-nốp.
    Chúng tôi được nghe người ta khen nhiều về Mi-kha-in Ni-cô-lai-ê-vích Tu-kha-chép-xki, đặc biệt là về trình độ nắm vững các vấn đề chiến lược, chiến dịch và các chiến sĩ đều vui mừng vì sẽ có một vị tướng tài như vậy chỉ huy mình.
    Tôi gặp M.N. Tu-kha-chép-xki lần đầu ở Gia-đép-ca ở Tam-bốp-sin, khi đồng chí đến thăm ban tham mưu lữ đoàn kỵ binh độc lập 14 của chúng tôi. Tôi cũng có mặt trong cuộc nói chuyện giữa đồng chí và lữ đoàn trưởng của chúng tôi. Qua những ý kiến nhận xét của M.N. Tu-kha-chép-xki, người ta cảm thấy đồng chí có những hiểu biết rộng và có những kinh nghiệm lãnh đạo các chiến dịch lớn của một vị tướng cầm quân có tài.
    Sau khi thảo luận về những hoạt động trước mắt của lữ đoàn, Mi-kha-in Ni-cô-lai-ê-vích nói chuyện với các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy. Đồng chí chú ý hỏi những ai đã chiến đấu ở đâu, tình hình các đơn vị và nhân dân thế nào, những việc làm có ích của chúng tôi đối với nhân dân địa phương ra sao.
    Trước khi đi, đồng chí nói :
    - Vla-đi-mia I-lích Lê-nin cho rằng, cần phải nhanh chóng tiêu diệt bọn phú nông nổi loạn và bọn phỉ vũ trang của chúng. Chúng ta được giao một nhiệm vụ rất quan trọng. Cần phải làm tất cả để hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng và tốt nhất.
    Tôi có biết đâu, chỉ sau đó mấy năm thôi, tôi đã được gặp Mi-kha-in Ni-cô-lai-ê-vích ở Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng trong buổi thảo luận về cơ sở lý luận của nghệ thuật sử dụng chiến thuật của Quân đội Xô-viết!
    Sau khi M.N. Tu-kha-chép-xki và V.A. An-tô-nốp Ốp-xen-cô được cử đến chỉ huy thì cuộc chiến đấu chống bọn phỉ được tiến hành theo một kế hoạch rất đúng. Phụ tá của Tu-kha-chép-xki là đồng chí I.P. U-bô-rê-vích. I.P. U-bô-rê-vích đồng thời phụ trách chỉ huy một đơn vị kỵ binh hỗn hợp và bản thân đồng chí cũng trực tiếp tham gia các trận đánh bọn An-tô-nốp. Trong chiến đấu, đồng chí đã tỏ ra rất dũng cảm.
    Những trận đánh tiêu diệt các đơn vị An-tô-nốp nổ ra đặc biệt mạnh mẽ vào cuối tháng 5-1921 trong vùng sông Vô-rô-na, ở các khu dân cư: Xê-mê-nốp-ca, Ni-côn-xcôi-ê, Pu-si-nô, Ni-côn-xcôi-ê Pê-rê-vô-dơ, Tơ-ríp-ki, Cli-út-ki, E-ca-tê-ri-nốp-ca, sông Khô-pe. Lữ đoàn kỵ binh của G.I. Cô-tốp-xki và lữ đoàn kỵ binh độc lập 14 chúng tôi hoạt động rất tốt ở vùng này. Nhưng lúc đó ta vẫn chưa hoàn toàn tiêu diệt được bọn phỉ.
    Bọn An-tô-nốp bị thất bại chủ yếu ở vùng Xéc-đốp-xcơ, Ba-cu-ra, E-lan là vùng do đồng chí I.P. U-bô-rê-vích chỉ huy chiến đấu. Tàn quân của toán phỉ bị đánh tan đã chạy tán loạn theo hướng chung tới Pen-da. Nhờ sự ủng hộ của nông dân rất căm ghét bọn phỉ, quân đội ta đã tiêu diệt gần hết bọn chúng ở tỉnh Xa-ra-tốp.
    Suốt mùa hè năm 1921, các đơn vị dưới sự chỉ huy của đồng chí I P. U-bô-rê-vích, được sự ủng hộ to lớn của nhân dân địa phương, đã tiêu diệt hoàn toàn cả cấc toán phỉ của Va-xca Ca-ra-xi-ê và Bô-gu-xláp-xki gần Nô-vô-khô-péc-xki.
    Quân ta đã phải chiến đấu với bọn An-tô-nốp nhiều trận gay go. Đặc biệt tôi còn nhớ một trận vào mùa xuân năm 1921 ở làng Via-dô-vai-a Pô-sta gần ga Giéc-đép-ca. Trung đoàn tôi cùng với lữ đoàn được báo động chiến đấu vào lúc sáng sớm. Theo báo cáo của trinh sát, có một toán độ 3.000 kỵ binh của An-tô-nốp tập trung ở cách làng 10 - 15 km. Trung đoàn kỵ binh 1 chúng tôi hành quân bên trái từ Vi-a-dô-vai-a Pô-sta tiến ra; bên phải, cách 4 - 5 km là trung đoàn 2 của lữ đoàn. Đại tôi của tôi có 4 súng máy và 1 cỗ pháo được lệnh đi đầu đơn vị.
    Đi chưa quá 5 km thì đại đội gặp khoảng 250 kỵ binh của An-tô-nốp. Mặc dù địch có số lượng lớn hơn, chúng tôi vẫn nã súng máy và pháo rồi xông lên chiến đấu. Bọn An-tô-nốp bị thiệt hại nặng, chịu không nổi đòn đánh dữ dội này, phải rút lui.
  9. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    Trong lúc đánh giáp lá cà, một tên của An-tô-nốp đã bắn chết ngựa của tôi. Ngựa ngã đè lên tôi. Nếu chính trị viên Nô-chép-ka không kịp đến cứu thì tôi đã bị chém chết. Bằng một đường kiếm rất mạnh, anh chém chết tên phỉ rồi nắm lấy dây cương ngựa của nó và giúp tôi leo lên ngựa.
    Sau đó chúng tôi thấy một đoàn ngựa của địch vòng đánh thọc vào sườn đại đội. Chúng tôi liền dồn hết hỏa lực về phía chúng và phái liên lạc đi báo tin đó với trung đoàn trưởng. Sau 20-30 phút, trung đoàn chúng tôi tiến đến và bắt đầu một cuộc chiến đấu nảy lửa.
    Trung đoàn 2 của lữ đoàn gặp địch quá đông buộc phải lùi lại. Thừa cơ hội đó bọn An-tô-nốp đánh vào sườn chúng tôi. Trung đoàn trưởng quyết định lui về Vi-a-dô-vai-a Pô-sta, dụ địch đến một địa thế bất lợi cho chúng. Đại đội tôi được lệnh bảo vệ cho đơn vị rút lui.
    Nhận thấy chúng tôi cơ động, bọn An-tô-nốp tập trung toàn lực tấn công vào đại đội tôi lúc đó đã trở thành hậu vệ của trung đoàn.
    Cuộc chiến đấu thật gay go đối với chúng tôi. Địch thấy chúng tôi quá ít nên tin rằng sẽ bóp chết được chúng tôi. Nhưng thực hiện điều đó không phải đơn giản. May thay, như đã nói ở trên, đại đội tôi có 4 súng máy với nhiều đạn dự trữ và một khẩu pháo 76 mm. Phát huy hỏa lực của súng máy và đại bác, đại đội đã bắn chết hầu hết những toán địch xông lên. Chúng tôi nhìn thấy trên chiến trường ngổn ngang xác giặc và dần dần từng bước, chúng tôi vừa đánh vừa rút lui về phía sau. Tôi đã nhìn thấy trung đội trưởng U-gát Ô-gô-rô-vích, bạn tôi, bị thương nặng từ trên ngựa ngã xuống. Đó là cán bộ chỉ huy có khả năng, một con người được giáo dục tốt. Cha anh, một đại tá quân đội cũ, ngay từ ngày đầu đã đi theo chính quyền Xô-viết, ông là một trong những giáo sư chính của lớp cán bộ ở Ri-a-dan của chúng tôi.
    Khi đang mê đi, anh thì thào :
    - Báo cho mẹ tôi biết... Đừng bỏ tôi cho bọn phỉ...
    Tất cả thương binh và tử sĩ chúng tôi đều để trên xe súng máy và bệ pháo để chở về không cho bọn phỉ hành hạ anh em.
    Cuộc phản công dự định của trung đoàn không thực hiện được vì lớp băng mùa xuân trên sông mà chúng tôi phải vượt qua sẽ không chịu đựng nổi, chúng tôi đành phải rút về tận Vi-a-dô-vai-a Pô-sta.
    Đến ngay giữa làng, để cứu khẩu súng máy còn lại, tôi xông vào đánh một toán phỉ. Một phát đạn súng trường làm con ngựa thứ hai trong ngày của tôi chết. Với khẩu súng lục trong tay, tôi phải chống đỡ với bọn địch cưỡi ngựa định bắt sống tôi. Một lần nữa chính trị viên Nô-chép-ca cùng các chiến sĩ Brức-xin, Góc-cốp và Cô-va-lép lại vội chạy lại cứu tôi.
    Trong trận này đại đội tôi có 10 người chết và 15 người bị thương. Sáng hôm sau 3 người trong số bị thương chết, trong đó có cả U-khát Ô-gô-rô-vích.
    Cuối mùa hè năm 1921 quân ta lùng diệt nốt các toán phỉ nhỏ chạy trốn rải rác trong vùng Tam-bốp-sin. Cần phải diệt sạch chúng cho thật nhanh. Đại đội tôi có nhiệm vụ tiêu diệt bọn phỉ của Dơ-vê-rép có đến 150 kỵ binh. Không bao lâu chúng tôi đã tìm thấy bọn chúng. Cuộc tấn công bắt đầu. Lực lượng bọn phỉ đã yếu đi phần nào. Đến cửa rừng thì chúng tôi đuổi kịp chúng và bắt đầu tấn công.
    Trong vòng một tiếng đồng hồ đã kết thúc trận đánh. Chỉ còn 5 tên phỉ do Dơ-vê-rép cầm đầu lợi dụng lúc trời sắp tối tháo chạy trốn trong rừng. Nhưng không có gì cứu nổi chúng nữa: trận diệt phỉ An-tô-nốp ở Tam-bốp-sin đã hoàn thành thắng lợi.
    Nhớ lại chuyện đó, có một trường hợp xảy ra mà tôi không thể không kể ra đây được.
    Khi đuổi theo bọn phỉ, bất ngờ chúng tôi gặp 2 xe bọc thép từ một làng bên cạnh xuất hiện. Chúng tôi biết rằng, bọn phỉ không có xe bọc thép, nên chúng tôi không bắn. Nhưng xe bọc thép lợi dụng địa thế, quạt súng máy vào chúng tôi. Tại sao vậy? Phái liên lạc tới Thì ra đó là xe bọc thép của ta và ngồi trong chiếc xe trước chính là I.P U-bô-rê-vích. Biết bọn phỉ rút về phía rừng, đồng chí định chộp bọn chúng ở trên đường. May mà phát hiện dược, nếu không thì có thể xảy ra chuyện không hay rồi.
    Thế là tôi được làm quen đồng chí I.P. U-bô-rê-vích. Sau này, vào những năm 1932 - 1937, tôi được gặp đồng chí luôn. Hồi đó đồng chí là tư lệnh quân khu Bê-lô-ru-xi, ở đấy tôi chỉ huy sư đoàn kỵ binh.
    Năm tháng trôi qua. Quên đi rồi, những khó khăn của thời nội chiến mà nhân dân ta đã phải chịu đựng. Nhưng không khi nào xóa mờ được trong tâm trí môi người chúng ta lòng tin tưởng sắt đá vào lý tưởng chân chính mà Đảng của Lê-nin đã vạch ra trong những ngày Cách mạng tháng Mười.
    Tướng Nốc-xờ người Anh đã viết cho chính phủ của chúng hồi đó rằng, có thể đánh tan hàng triệu quân đội của bọn Bôn-sê-vich, nhưng khi 150 triệu người Nga đã ghét bọn trắng, lại yêu bọn đỏ, thì giúp bọn trắng cũng vô ích.
    Vì hàng loạt nguyên nhân, hồi đó Hồng quân không thể sử dụng hết được kinh nghiệm của những cuộc chiến tranh đã qua trong đó có cả kinh nghiệm của Thế chiến thứ nhất.
    Để chiến đấu chống những kẻ thù của Nhà nước xô-viết trẻ tuổi, cần phải xây dựng cho mình một tổ chức vũ trang có đầy đủ tính chất giai cấp, trang bị cho nó những quan điểm mới về thực chất và phương pháp của cuộc đấu tranh.
    ?oBất kỳ cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi nó có khả năng tự vệ? - V.I. Lê-nin nói. Đảng, Ban Chấp hành trung ương, bản thân V.I. Lê-nin đã đóng vai trò quyết định trong tổ chức công cuộc bảo vệ Tổ quốc, thống nhất tất cả các lực lượng của hậu phương và tiền tuyến, động viên quần chúng công nhân, chiến sĩ Hồng quân, nông dân đứng lên chiến đấu chống bọn can thiệp và phản cách mạng trong những năm nội chiến. Đã thực hiện hàng trăm hàng ngàn biện pháp để đảm bảo đánh thắng giặc.
    Các nhà sử học đã ghi lại được rằng, từ ngày 1 tháng Chạp năm 1918 đến 27 tháng Hai năm 1920 đã có 101 cuộc họp của Hội đồng quốc phòng thảo luận 2.300 vấn đề về tổ chức phòng thủ đất nước, về bảo đảm kỹ thuật chiến đấu, vũ khí, đạn dược, lương thực cho Hồng quân và Hải quân. Tất cả các cuộc họp, chỉ trừ hai cuộc, đều do V.I. Lê-nin chủ tọa.
    Nghiên cứu các tài liệu của cuộc nội chiến, ta thấy rằng, các chỉ thị và nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, những lời dạy của V.I. Lê-nin là cơ sở để xây dựng mọi kế hoạch tác chiến cụ thể của Bộ Tổng tư lệnh Hồng quân, của Hội đồng quân sự cách mạng các phương diện quân. Mọi kế hoạch chiến lược của những chiến cục quan trọng nhất đều được thảo luận một cách toàn diện tại các cuộc Hội nghị toàn thể và các cuộc họp của Ban Chấp hành trung ương Đảng.
    Bản thân V.I. Lê-nin rất gắn bó với Bộ Tổng tư lệnh, với các phương diện quân và các tập đoàn quân. Người biết rõ nhiều tướng lĩnh và cán bộ chính trị. Người đã trao đổi rất nhiều thư từ quân sự với họ. Trong những năm nội chiến, theo thống kê chưa đầy đủ, Lê-nin đã ký gần 600 thư và điện về các vấn đề phòng thủ đất nước Xô-viết.
    Nhưng cũng trong thời gian đó, V.I. Lê-nin, Trung ương Đảng không làm thay Bộ Tổng tư lệnh và Hội đồng quân sự cách mạng trong công tác lãnh đạo cụ thể các phương diện quân, tập đoàn quân và các hoạt động tác chiến của quân đội.
    Khi V.I. Lê-nin nhận được tin rằng có một số cán bộ quân sự nghi ngờ sự đúng đắn của những kế hoạch chiến đấu chống Đê-ni-kin do Tổng tư lệnh X.X. Ca-mê-nép vạch ra, người đã nhân danh Bộ Chính trị trung ương Đảng viết thư cho Tờ-rốt-xki: ?oBộ chính trị hoàn toàn công nhận quyền hành thực tế của Bộ Tổng tư lệnh và đề nghị đồng chí giải thích đúng đắn cho tất cả các cán bộ có trách nhiệm?.
    Tổng tư lệnh X.X. Ca-mê-nép có đề nghị với V.I. Lê-nin chỉ dẫn cho Bộ Tổng tư lệnh trước khi soạn những dự thảo chỉ thị về hành quân tác chiến. V.I. Lê-nin có viết lên bản báo cáo của X.X. Ca-mê-nép gửi cho các ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng như sau: ?oTheo tôi, cần tôn trọng và cho phép đề nghị, khiếu nại: hoặc triệu tập Tổng tư lệnh đến báo cáo hoặc cho Tổng tư lệnh kết luận ngay về những dự thảo chỉ thị?.
    Hội đồng quân sự cách mạng các nước Cộng hòa, các Hội đồng quân sự các phương diện quân và các tập đoàn quân hoạt động hoàn toàn trên cơ sở các nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga. Việc cử các tư lệnh và chính ủy ở những nơi quan trọng, việc củng cố khả năng quốc phòng các nước Cộng hòa được thực hiện đúng theo chỉ thị của Ban Chấp hành trung ương. Trong nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga ?oVề chính sách lãnh đạo quân sự? thông qua cuối năm 1918, theo đề nghị của V.I Lê-nin, có nhấn mạnh rằng: Đảng chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi việc lãnh đạo quân sự, ảnh hường của Đảng phải được phát huy trên mọi mặt xây dựng và chiến đấu của các lực lượng vũ trang Xô-viết.
    Các Đảng viên cộng sản là lực lượng rường cột của Hồng quân. Trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga nhiều lần tiến hành các cuộc động viên đảng viên, đưa đảng viên đến những nơi quyết định trên các mặt trận. Ba vạn rưỡi đảng viên đã nhập ngũ vào tháng 8-1918; sau một năm, số đảng viên trong quân đội đã lên đến 12 vạn, tháng 8-1920 lên đến 30 vạn, nghĩa là gồm phần nửa số đảng viên Đảng Cộng sản (b) Nga lúc đó. Sức mạnh hơn hẳn về chính trị và tinh thần của Hồng quân mà mọi người đều thừa nhận, đã đóng vai quyết định trong cuộc nội chiến. Góp phần tạo ra sức mạnh đó là những hành động yêu nước của các chiến sĩ cộng sản, của các chính ủy, của cơ quan chính trị và của các chi bộ.
  10. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    Đánh giá vai trò của bộ máy công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội trong những năm ấy, M.V. Phơ-run-dê viết:
    ?oAi đã đưa được trật tự và kỷ luật vào hàng ngũ các trung đoàn Hồng quân trẻ tuổi của chúng ta được xây dựng dưới làn sấm sét của đạn đại bác? Ai, trong những giờ không thắng lợi và thua trận, đã giữ được tinh thần và lòng dũng cảm của chiến sĩ, đã đưa lại sức mạnh mới cho những người đang lao động? Ai đã ổn định hậu phương của quân đội, vun trồng lên chính quyền Xô-viết ở đấy và thiết lập trật tự Xô-viết, nhờ đó mà bảo đảm cho quân đội tiến nhanh và thắng lợi? Ai đã kiên trì và tích cực hoạt động để làm tan rã hàng ngũ địch, phá hoại hậu phương của chúng và, nhờ đó, chuẩn bị cho những thắng lợi tương lai?
    Đó là việc làm của các tổ chức công tác chính trị trong quân đội và phải nói là việc làm đó thật xuất sắc. Thành tích của họ trong quá khứ là bất tử?.
    Tôi có thể ký tên tán thành hàng ngàn lần những lời nhận xét ấy và xác nhận thêm một lần nữa rằng những nhận xét đó là hoàn toàn đúng.
    Trong những năm nội chiến, Đảng và nhân dân không những chiến thắng được quân thù mà, trong khi chiến đấu với chúng, còn đặt nền móng cho một quân đội thường trực đông đảo tuyển mộ trên cơ sở nghĩa vụ quân sự của nhân dân lao động. Đã xây dựng các bộ máy chỉ đạo quân sự ở trung ương và địa phương, đã soạn thảo những điều lệ và điều lệnh đầu tiên, đã đặt ra cách tổ chức thống nhất các đơn vị và binh đoàn. Cuối năm 1920 quân số của ta đã lên đến 5 triệu rưỡi người, mặc dù gần 80 vạn người đã chết, bị thương và mất tích ngoài mát trận, 140 vạn người bị chết vì ốm nặng, vì ăn đói, vì thiếu thuốc không được chạy chữa và thiếu những trang bị cần thiết.
    Từ những kinh nghiệm chiến đấu phong phú và lý thuyết tổng hợp trong thời kỳ nội chiến là cơ sở của việc xây dựng các lực lượng vũ trang Xô-viết trong nhiều năm, tôi muốn phát biểu một vài ý kiến như sau:
    Thứ nhất là về sự thống nhất giữa quân đội và nhân dân. Nội chiến, với một sức mạnh kỳ diệu đã thể hiện sự thống nhất giữa tiền tuyến và hậu phương, thể hiện ưu thế quân sự to lớn của cả một nước đã biến thành một trại binh thống nhất. Sự thống nhất đó có cơ sở khách quan là chế độ xã hội và nhà nước Xô-viết, khối liên minh công nông và có cơ sở chủ quan là nhân dân và quân đội cùng chung một mục đích. Nhờ đó đã tạo nên một lực lượng làm tăng sức mạnh của vũ khí lên nhiều lần. Nguồn gốc đó, V.I. Lê-nin đã nhìn thấy ở chỗ, lần đầu tiên trên thế giới đã xây dựng được một quân đội hiểu rõ mình chiến đấu cho cái gì, và ở chỗ lần đầu tiên trên thế giới công nhân và nông dân đã chịu đựng nổi những khó khăn không lường được vì có ý thức rõ ràng rằng họ bảo vệ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết, chính quyền của công nhân và nông dân.
    Thứ hai là vai trò lãnh đạo của Đảng riêng trong vấn đề quân sự và ảnh hường của Đảng đối với quân đội thông qua bộ máy công tác Đảng, công tác chính trị.
    Về mặt quân sự, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, ngoài những ý nghĩa khác ra, còn có ý nghĩa vô cùng to lớn ở chỗ đó là Đảng cầm quyền trong một nước mà công cụ sản xuất là tài sản chung của xã hội. Nhờ đó mà đảm bảo tập trung một cách chưa từng thấy mọi sức lực và tài sản của nền kinh tế quốc dân vào những hướng tác chiến quan trọng nhất; tạo nên một khả năng đặc biệt để cơ động nguồn dự trữ về người và của to lớn nhất, để tiến hành một chính sách quân sự thống nhất; có thể đề ra nghĩa vụ cho mọi người bất cứ ai cũng phải tuân theo các mệnh lệnh, chỉ thị quân sự.
    Còn về công tác Đảng, công tác chính trị, thì nhờ có công tác đó mà các lực lượng tự giác và trung thành với cách mạng trong quân đội và hải quân đang cùng hướng vào một mục đích chung được nhân lên gấp bội và đang trở thành nguồn gốc của chủ nghĩa anh hùng của quần chúng rộng rãi.
    ?oChỉ nhờ có Đảng làm người lính bảo vệ trung thành, - V.I. Lê-nin nói - nhờ Đảng có kỷ luật nghiêm minh nhất, có uy tín lớn lao để thống nhất được các cơ quan và cấp lãnh đạo vào một mối và hễ Ban Chấp hành trung ương Đảng đưa ra một khẩu hiệu nào là hàng trăm, hàng nghìn người và cuối cùng là hàng triệu người tức khắc một lòng một dạ tuân theo, và chỉ nhờ chúng ta đã có những sự hy sinh chưa từng có - chỉ nhờ tất cả những cái đó thôi mới có thể và đã xảy ra những chuyện kỳ diệu. Và cũng nhờ thế mà các đế quốc Đồng minh và cả bọn đế quốc toàn thế giới đã hai lần, ba lần, bốn lần tấn công chúng ta nhưng chúng ta vẫn có đủ khả năng giành được thắng lợi?.
    Thứ ba - tôi muốn nói thêm về một nguyên tắc xây dựng các lực lượng vũ trang của chúng ta là: tuyệt đối tập trung, một thủ trưởng và kỷ luật sắt, nguyên tắc mà bọn chống đối đã không ngừng công kích.
    Nếu thiếu chế độ một thủ trưởng trong quân đội, V.I. Lê-nin cho rằng ?o...không chóng thì chầy sẽ đưa đến thảm họa, hỗn loạn, kinh hoàng, loạn quyền, thất bại?. Trong nhiều tài liệu cơ bản do các Đại hội Đảng và Hội nghị toàn Ban Chấp hành trung ương thông qua cũng như trong thực tế công tác, những người bôn-sê-vích đã đấu tranh không ngừng chống lại âm mưu định đưa các hình thức du kích trong tổ chức (cái mà lúc đầu thường có thể có) ra để đối lập với các nguyên tắc xây dựng quân đội thường trực (cái này mới là cái chủ yếu) nghĩa là đối lập với nguyên tắc chỉ đạo tập trung và thống nhất trong các khâu của quân đội, đối lập với việc tuyệt đối phục tùng cấp trên và kỷ luật.
    Tất nhiên, chế độ một thủ trưởng phải được ứng dụng cho thật phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể, phải xét đến tính giai cấp của đội ngũ cán bộ, trình độ chính trị, quân sự và phải chú ý giáo dục quần chúng về từng hình thức chỉ huy. Dĩ nhiên vì lý do đó mà trong những năm đầu của chính quyền Xô-viết chưa thể thực hiện chế độ một thủ trưởng được.
    Nhưng dần dần nguyên tắc kiểu mẫu, cơ bản của Lê-nin về chế độ một thủ trưởng kết hợp chặt chẽ với việc đề cao vai trò của cơ quan chính trị và tổ chức Đảng đã trở thành nguyên tắc lãnh đạo chủ yếu trong quân đội xô-viết cùng với kỷ luật sắt dựa trên cơ sở giác ngộ chính trị và tinh thần tự giác sâu sắc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của các chiến sĩ, chế độ một thủ trưởng đã trở thành cái nòng cốt để thống nhất mọi ý chí, mọi hiểu biết và mọi chí hướng của quân đội.
    Mỗi một giai đoạn phát triển của nước ta đã đem lại những đặc điểm mới cho việc xây dựng lực lượng vũ trang Xô-viết, cho việc củng cố và rèn luyện quân đội để chống xâm lược. Những kinh nghiệm và nguyên tắc đấu tranh quân sự được thử thách trong khói lửa nội chiến với sự đóng góp trực tiếp của V.I. Lê-nin cùng những luận điểm mà tôi đã nói lẻ tẻ ở trên đã được tiếp tục phát triển đặc biệt trong những năm 30, 40 và đã trở thành một bộ phận cấu thành sức mạnh to lớn của quân đội, một quân đội đánh tan được chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại.
    ---- Hết chương 3---

Chia sẻ trang này