1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nhóm tác chiến tầu sân bay - Trụ cột của hải quân Mỹ

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi hoibihay, 03/05/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. hoibihay

    hoibihay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/04/2003
    Bài viết:
    430
    Đã được thích:
    0
    Nhóm tác chiến tầu sân bay - Trụ cột của hải quân Mỹ

    Trong cơ cấu hải quân Hoa Kỳ, nhóm tác chiến tàu sân bay (CVBG-Aircraft Carrier Battle Groups) được coi là lực lượng cơ động chủ chốt, đảm nhiệm việc thể hiện sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trên khắp thế giới. Thực tế quan hệ quốc tế trong mấy thập kỷ qua cho thấy, cứ khi nào xuất hiện các cuộc khủng hoảng khu vực và quốc tế trong những khu vực được coi là địa bàn chiến lược của Hoa Kỳ, thì một điều có thể nhận thấy đầu tiên là các CVBG của nước này đã hiện diện hoặc đang được điều động tới hiện trường. Đâu là học thuyết về việc triển khai các CVBG Hoa Kỳ và bản chất sức mạnh của chúng là gì?

    Học thuyết hải quân về các CVBG Hoa Kỳ
    Theo các nhà nghiên cứu chiến lược hải quân Hoa Kỹ, hơn 70% tiềm lực về vật chất và con người của thế giới được tập trung ở các khu vực duyên hải có chiều rộng từ bờ biển vào sâu trong đất liền 500km. Vì vậy, ngoại trừ một cuộc chiến hạt nhân tổng lực khiến tất cả các bên tham chiến đều chết, thì để giành chiến thắng trong mọi cuộc xung đột và khủng hoảng, một lực lượng hải quân hùng mạnh mà nòng cốt là các nhóm tác chiến tàu sân bay CVBG hiện đại sẽ là yếu tố quyết định buộc đối phương sớm khuất phục. Nếu xét đến khía cạnh lịch sử của vấn đề thì đây thực chất là một cách tiếp nối chính sách ngoại giao pháo hạm rất phổ biến trong các quan hệ quốc tế trong thời kỳ Tư bản chủ nghĩa, khi mà mọi mối quan hệ giữa các quốc gia đều được cân đo dưới hỏa lực của các tàu chiến. Và thực tế đã chứng minh nhận định của các nhà hoạch định chính sách hải quân Mỹ là có cơ sở. Trừ cuộc chiến tranh Việt Nam, những thắng lợi mà Mỹ đạt được qua hàng chục cuộc xung đột và đối đầu quân sự lớn nhỏ trên khắp thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới II tới nay đều có sự góp phần rất đắc lực của của CVBG.

    Trong học thuyết hải quân Mỹ hiện đại, sự tồn tại của các CVBG gắn liền với học thuyết triển khai trước một lực lượng đáng kể sức mạnh quân sự Mỹ ở các khu vực chiến lược khác nhau trên thế giới. Thực chất, đây được coi là một lực lượng phản ứng nhanh của hải quân, sẵn sàng can thiệp vào bất kỳ khu vực khủng hoảng nào đe dọa các lợi ích trước mắt và lâu dài của Mỹ. Nhờ tính cộng đồng, khả năng thường trực chiến đấu cao và khả năng tự bảo vệ tốt, các nhóm CVBG được xem là thứ vũ khí lý tưởng cho một cuộc chiến tranh thông thường diễn ra ở cách xa nước Mỹ hàng vạn km.

    Trong lịch sử phát triển hải quân Mỹ, thuật ngữ Nhóm tác chiến tàu sân bay CVBG xuất hiện chính thức vào ngày 29-6-1944, cùng với các thuật ngữ CVG/CVLG-Nhóm tác chiến tàu sân bay hạng nhẹ, CVEG/CV-Nhóm tàu sân bay hộ tống. Đây là sự điều chỉnh học thuyết hải quân nhằm đối phó hữu hiệu hơn với hải quân Nhật Bản khi Mỹ chuyển dần sang thế tấn công trên khắp các chiến trường Thái Bình Dương trong giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh thế giới II. Điểm khác biệt duy nhất giữa CVBG và các nhóm tàu sân bay khác là ngoài một tàu sân bay làm trụ cột và một số tàu chiến hộ tống, các CVBG còn được biên chế nhiều tài chiến và tàu ngầm có khả năng tấn công độc lập khác. Như vậy trong thời kỳ này, ngoài việc sử dụng sức mạnh của các máy bay hải quân, các CVBG còn có thể tận dụng pháo hạm trên các tàu chiến bổ trợ để phối hợp hỏa lực tấn công các mục tiêu trên biển và trên bờ của đối phương một cách hiệu quả hơn. Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, hải quân Mỹ chỉ giữ lại duy nhất hình thức CVBG và cố gắng phát triển số lượng lên tới 15 nhóm để cạnh tranh với hải quân Xô-viết trên tất cả các vùng biển chiến lược, đặc biệt là các khu vực Tây-Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Ngoài việc thường trực chiến đấu tại các vùng biển gần Triều Tiên, Đài Loan và Vịnh Bắc Bộ Việt Nam, các nhóm CVBG còn lại được giao nhiệm vụ sẵn sàng cô lập các căn cứ tàu ngầm tấn công hạt nhân của Liên Xô khi có chiến tranh. Trong suốt thập kỷ 1960 và 1970, hải quân Mỹ đã đầu tư hàng trăm tỷ đô-la để phát triển chương trình nguyên tử hóa các CVBG để tăng khả năng cơ động và thời gian trực chiến độc lập trên các đại dương. Tuy suốt thập kỷ 1970, hải quân Mỹ đã đầu tư hàng trăm tỷ đô-la để phát triển chương trình nguyên tử hóa các CVBG để tăng khả năng cổ động và thời gian trực chiến độc lập trên các đại dương. Tuy nhiên tới cuối thập kỷ 1970, chương trình tốn kém này đã bị chính quyền tổng thống Mỹ Jimmy Carter thay thế bằng chương trình nguyên tử hóa hạn chế, theo đó các CVBG sẽ chỉ được nguyên tử hóa tàu sân bay và các tàu ngầm chiến đấu, còn các tàu chiến hộ tống và tác chiến độc lập, cũng như đội tàu tiếp liệu, hậu cần chỉ được cải tiến trang bị, vũ khí, khí tài mà thôi. Từ thời tổng thống Ronald Reagan tới thời tổng thống Bill Clintn, bên cạnh mục tiêu duy trì việc triển khai trước của sức mạnh quân sự Mỹ trên các đại dương, học thuyết hải quân về CVBG còn được điều chỉnh cho phù hợp với mô hình thế giới một siêu cường sau khi Liên Xô và khối quân sự Vác-sa-va sụp đổ vào đầu thập niên 1990. Với sự điều chỉnh này, số lượng khu vực tác chiến chiến lược của CVBG được giảm xuống còn 3 (Tây Thái Bình Dương, Tây-Nam á và Địa Trung Hải), và các CVBG còn trở thành nòng cốt cho các chiến dịch viễn chinh theo mô hình hải quân lính thủy đánh bộ: Nhóm tác chiến tàu sân bay (CVBG) nhóm tàu đổ bộ thường trực (ARG-Amphibious Ready Group). Chính nhờ các nhóm CVBG và CVBGđ này mà Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc can thiệp, tấn công vũ trang vào hàng loạt quốc gia như Li-bi năm 1986, Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, Chiến tranh Ban-căng năm 1995, tấn công Afghanistan năm 2001 và cuộc chiến chống I-rac sắp tới.

    Theo tính toán của các chuyên gia quân sự thế giới, loại trừ Liên bang Nga là nước duy nhất có đủ tiềm lực về không-hải quân, thì sức mạnh chiến đấu của các nhóm CVBG Mỹ đủ sức áp đảo toàn bộ các lực lượng hải quân và không quân các nước ven biển khi phát sinh khủng hoảng.

    Biên chế và hoạt động của các CVBG.

    Để thực hiện nhiệm vụ triển khai trước, các CVBG Mỹ thường có biên chế như sau: Một tàu sân bay loại thông thường hoặc nguyên tử làm trung tâm chỉ huy và điều phối hoạt động toàn nhóm; 02 hoặc 03 tuần dương hạm; 03 tàu khu trục; từ 03 tới 05 tàu khu trục loại nhỏ (Frigat); từ 01 tới 02 tàu ngầm nguyên tử chiến đấu và một đội các tàu tiếp liệu, tàu chuyên chở đạn dược và tàu hậu cần khoảng từ 05 tới 08 chiếc. Tùy tình hình tác chiến cụ thể mà số lượng các loại tàu trong biên chế CVBG này có thể được điều chỉnh cho phù hợp.

    Là tiêu điểm của toàn bộ các hoạt động tác chiến của CVBG, tàu sân bay Mỹ được coi như một căn cứ quân sự liên hợp nổi khổng lồ trên biển, nơi có tới hơn 5500 sĩ quan, thủy thủ, phi công và thợ máy làm việc. Với lượng lượng nước hơn 8 vạn tấn, mỗi tàu sân bay Mỹ có thể mang theo gần 90 máy bay chiến đấu các loại, như máy bay tiêm kích hải quân F-14 Tomcat, máy bay tiêm kích đa năng F/A-18C/D Hornet, máy bay tiêm kích chống ngầm S-3B Viking, máy bay trực thăng chống ngầm SH-60 Seahawk, máy bay trinh sát và điều phối không lưu E-2C Hawkeye, máy bay tác chiến điện tử chiến thuật hải quân EA-6B Prowler. Đội tàu sân bay Mỹ hiện có tất cả 12 chiếc, trong đó có 9 chiếc chạy bằng năng lượng nguyên tử (Loại Nimitz và loại Enterprise) và 3 chiếc thông thường (loại John và loại F.Kennedy Kitty Hawk), tạo thành 11 CVBG thường trực và 1 CVBG huấn luyện chiến đấu. Khi hành quân và tập kết, các phi đội tiêm kích F-14 trên tàu sân bay đảm nhiệm chức năng phòng thủ và đánh chặn tầm xa máy bay chiến đấu của đối phương trong vòng bán kính 600km quanh CVBG. Khi triển khai đội hình tấn công, các máy bay tiêm kích đa năng F/A-18 sẽ phụ trách việc tấn công các mục tiêu duyên hải và trên biển của đối phương, dưới sự hộ tống của máy bay tiêm kích đánh chặn hải quân F-14, sự dẫn đường của máy bay E-2C và sự trợ giúp của máy bay tác chiến điện tử chiến thuật EA-6B. Trong khi đó, hoạt động phòng thủ chống phản kích từ tàu ngầm, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu của đối phương được giao cho các máy bay S-3B, SH-60, hệ thống tên lửa đối không tầm trung Sea Sparrow và tổ hợp pháo phòng không tự hành 20 ly Phalanx.

    Đội tàu tuần dương trong CVBG được giao hai nhiệm vụ tùy theo tình trạng hoạt động của nhóm. Khi CVBG hành quân, các tuần dương hạm phụ trách việc dẫn đầu và khóa đuôi đội hình. Khi CVBG triển khai tác chiến, các tàu tuần dương vừa đảm nhiệm chức năng phòng không, chống ngầm tầm ngắn và trung cho nhóm quanh khu vực triển khai, vừa có thể dẫn các phân đội tàu khu trục của CVBG đi phong tỏa đường biển, pháo kích bờ biển hoặc cứu hộ phi công bị bắn rơi. Ngoài hệ thống phòng không tiên tiến bậc nhất hiện nay như Aegis, các tàu tuần dương trong nhóm CVBG còn được trang bị các tên lửa hành trình Tô-ma-hốc cải tiến để tấn công các mục tiêu trên biển và trong đất liền cách xa hàng trăm km. Các tàu tuần dương được sử dụng trong biên chế CVBG gồm các loại chạy bằng năng lượng nguyên tử trong chương trình nguyên tử hóa trước đây như CGN-25 Bainbridge, CGN-35 Truxtun, CGN-36 California, CGN-38Virginia, và các loại thông thường hiện nay như CG-26 Belknap, CG-47 Ticoderoga.

    Đội tàu khu trục và khu trục hạng nhẹ trong đội hình CVBG đảm nhiệm các chức năng phòng không tầm thấp, chống ngầm, cứu hộ, hộ tống các tàu vận tải, tiếp liệu, hoặc tham gia các nhóm tác chiến độc lập do các tuần dương hạm dẫn đầu. Trong quá trình hoạt động, các CVBG đã sử dụng các loại tàu khu trục và khu trục hạng nhẹ sau: DD-963 Spruance, DDG-993 Kidd, DDG-37 Farragut, DDG-51 Aleirgh Burke, FF-1037 Bronstein, FF-1052 Knox, FF-1098 Glover, v.v..

    Nhóm chiến đấu cuối cùng trong đội hình CVBG là các tàu ngầm nguyên tử chiến đấu. Đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và tiêu diệt các tàu ngầm chiến đấu đối phương khi chúng bám theo dấu vết hoạt động của CVBG. Ngoài ra, các tàu ngầm này còn được giao thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác như thả biệt kích, thả thủy lôi phong tỏa căn cứ hải quân đối phương, hoặc tấn công các tàu chiến, đất liền đối phương bằng ngư lôi và tên lửa hành trình. Hiện các nhóm CVBG đang được trang bị các tàu ngầm nguyên tử chiến đấu thuộc những loại sau: SSN-688 Los Angeles, SSN-774 Virgina, SSN-21 Seawolf.

    Mỗi chu kỳ hoạt động của các CVBG kéo dài 18 tháng, bao gồm 6 tháng tiến triển khai và hành quân tới khu vực tập kết, 6 tháng triển khai tại khu vực chiến lược và 6 tháng quay trở về căn cứ. Trong chu kỳ này, việc huấn luyện chiến đấu thường được tiến hành trong 10 tháng, diễn ra từ nửa cuối giai đoạn thứ 3 của chu kỳ trước tới nửa đầu giai đoạn thứ nhất của chu kỳ sau. Sau mỗi chu kỳ hoạt động, các phi đội không quân trên tàu sân bay được đưa về tập kết, kiểm tra và huấn luyện bay tại các sân bay chiến đấu của hải quân khác nhau. Tương tự, các phân đội tàu chiến hộ tống và các tàu hậu cần cũng được đưa về căn cứ hải quân để bồi dưỡng và tham gia huấn luyện. Khi tới đầu chu kỳ hoạt động mới, các bộ phận cấu thành CVBG được tập hợp lại để tiến hành diễn tập theo các cấp khác nhau như: Cấp phân đội, cấp tàu chiến đấu và phi đội không quân, cấp CVBG hợp thành. Hải quân Mỹ luôn bố trí 3 nhóm CVBG tại những khu vực tác chiến chiến lược của các Hạm đội 5, 6 và 7. Trong khi đó, các nhóm CVBG khác thì trong trạng thái hành quân về căn cứ, hành quân tới vị trí triển khai, hoặc đang tham gia huấn luyện.

    Chi phí cho việc vận hành một nhóm CVBG mỗi năm vào khoảng từ 5 tới 6 tỷ đô-la (Theo giá trị đô-la Mỹ năm 2001), trong đó riêng tàu sân bay đã chiếm từ 500 tới 620 triệu đô-la. Đối với các tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử của Mỹ, chi phí đóng mới vào khoảng 6,5 tỷ đô-la và chi phí tháo dỡ khi hết hạn sử dụng vào khoảng 2 tỷ đô-la.

    Tương lai của các CVBG trong cơ cấu hải quân Mỹ
    Mặc dù có rất nhiều ý kiến phản đối việc duy trì các nhóm tác chiến tàu sân bay vì lý do vận hành tốn kém và chúng dễ bị tiêu diệt bởi các loại tên lửa hành trình cao tốc kiểu "1 quả-1 tàu" P-700 Granit (SS-N-19 Shipwreck) của Nga, hải quân Mỹ dưới thời tổng thống George W.Bush vẫn quyết tâm phát triển mô hình này theo hướng mở rộng số lượng các CVBG lên 15 chiếc, trong đó có 12 chiếc chạy bằng năng lượng nguyên tử. Trong năm 2002, tổng thống Bush đã quyết định tiếp tục hoàn thiện chiếc tàu sân bay thứ 9 của loại Nimitz mang tên CVN-76 Ronald Reagan vốn đã từng bị bỏ dở vì thiếu kinh phí trước đây, đồng thời, lập kế hoạch đóng mới tàu sân bay nguyên tử CVN-77 George Bush. Các tàu sân bay mới này sẽ được trang bị loại máy bay tiêm kích đa năng cải tiến F/A-18 E/F Super Hornet, loại máy bay tiêm kích thế hệ mới F-35 JSF và loại máy bay ném bom tàng hình không người lái UCAV-45. Ngoài ra, nhóm thành viên của CVBG cũng sẽ được bổ sung loại tàu khu trục thế hệ mới DD-21 Zumwalt, tàu ngầm nguyên tử chiến đấu lại SSN-FAS và các khí tài chiến đấu tiên tiến khác như tên lửa hành trình siêu tốc HyStrike... Dĩ nhiên là những khoảng đầu tư khổng lồ này được lấy từ ngân sách bổ sung quốc phòng sau Sự kiện 11-9-2001, và mục đích chi phí là để giúp hải quân Hoa Kỳ đối phó hữu hiệu với các quốc gia mà Mỹ coi là thuộc liên minh ma quỷ và tài trợ cho hoạt động khủng bố quốc tế!?! Và cuối cùng, để minh chứng cho vai trò của các nhóm tác chiến tàu sân bay CVBG trong chính sách đối ngoại bá quyền của Mỹ, hãy cùng xem những gì cựu tổng thống Bill Clinton phát biểu nhân chuyến thăm tàu sân bay CVN-71 Theodore Roosevelt diễn ra vào ngày 12-3-1993 như sau: "Khi cụm từ Có khủng hoảng ở đâu đó (trên thế giới) phát ra tại thủ đô Washingon điều đầu tiên mà hết thảy mọi người đều hỏi là chiếc tàu sân bay gần nhất của chúng ta hiện cách đó bao xa".



    Bạn trưởng thành thực sự vào ngày đầu tiên bạn cười chính mình.
  2. acdc

    acdc Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/08/2002
    Bài viết:
    163
    Đã được thích:
    0
    Vote cho bác 5*. Em đọc thấy cái tên lửa hành trình siêu tốc HyStrike nó bay ở tốc độ March 4, Nga có loại nào tương đương như thế ko các bác nhỉ.
  3. hoibihay

    hoibihay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/04/2003
    Bài viết:
    430
    Đã được thích:
    0
    Nga cũng có 2 loại tên lửa hành trình co tính năng tương đương như vậy đó là Oryol và Igla.ngoài ra 1 số nước khác cũng có và đang phát triển kiểu tên lửa thế này như loại ASMP của Pháp,HFK của Đức và SSTO của Nhật Bản.Tất cả các loại tên lửa hành trình này đều được trang bị động cơ phản lực nhiên liệu hy-đrô các-bon hoặc hy-đrô lỏng, giúp tên lửa đạt tốc độ bay liên tục gấp từ 4-8 lần tốc độ âm thanh, cự ly tác chiến lên tới gần 2000km mà vẫn tiết kiệm được nhiên liệu. Khả năng hành trình siêu tốc này không những làm tăng uy lực sát thương của tên lửa, mà còn giúp tên lửa tiêu diệt được các mục tiêu ở khoảng cách 200 km tới 1600km trong khoảng thời gian rất ngắn. Ngoài ra, khi được trang bị đầu nổ đâm xuyên, tốc độ cao sẽ giúp tên lửa dễ dàng xâm nhập và tiêu diệt các kết cấu kiên cố của đối phương như hầm ngầm chỉ huy, hầm chứa tên lửa hạt nhân, vũ khí sinh-hoá...

    Bạn trưởng thành thực sự vào ngày đầu tiên bạn cười chính mình.

Chia sẻ trang này