1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Như thế nào là "sành" xe?

Chủ đề trong 'Ô tô - Xe máy' bởi Kasanova, 15/04/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Kasanova

    Kasanova Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/08/2004
    Bài viết:
    1.623
    Đã được thích:
    1
    Như thế nào là "sành" xe?

    Bạn là người thích chơi xe? Bạn thường xuyên bàn luận sôi nổi ở những box kiểu như môtô-xemáy trên TTVNOL? Bạn sở hữu cùng lúc đến 2 - 3 chiếc, nào thì NSR - nào thì CBR - rồi cả Vespa nữa ... Nhưng có thực sự là người "sành" xe? Đọc đi rồi trả lời nhé:

    Hai người hàng xóm sành xe

    Họ không phải là những người "chơi xe" theo dạng sưu tập những chiếc xe cổ hoặc xe hiếm, xe mới có tính năng độc đáo. Họ không tự nhận mình là người sành nhưng đều tự tin là họ rành xe và xử sự đúng mức với chiếc xe của mình - những chiếc xe gắn máy có xuất xứ bình thường như bao chiếc xe máy khác...



    Năm 1988, ông Lê Văn Vượng, ngụ 161C/57 Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM mua chiếc Cúp cánh én đời 79 giá tương đương 9 chỉ vàng. Thời đó có chiếc xe như vậy là đã "sang". Xe của ông Vượng lúc nào trông cũng sạch. Nhiều người thấy ông chăm sóc xe thì nói ông là "nô lệ cho chiếc xe". Ông có nghe cũng chỉ cười. Đến những năm 1990- 1991, khi mọi người đua nhau sắm Dream, Astrea hoặc Yamaha, Suzuki 100 phân khối mà ông vẫn "trung thành" với chiếc cánh én 79 thì có người lại nói ông không "chịu chơi". Ông nghe thấy cũng chỉ cười.

    Chăm sóc xe tốt thì nó phục vụ mình tốt!
    Ông cười vì ông có quan điểm riêng rõ ràng về xe gắn máy mà không phải gặp ai ông cũng nói. Ông Vượng giải thích: "Với tôi, xe gắn máy không phải là đồ trang sức, cũng không hoàn toàn là của cải. Nó là phương tiện đi lại. Tôi đối xử với nó đúng nghĩa là một phương tiện. Nếu chăm sóc tốt thì nó sẽ phục vụ mình tốt. Mà muốn chăm sóc nó tốt thì phải hiểu nó".
    Là thầy giáo dạy vật lý, ông có thuận lợi trong việc tìm hiểu kỹ thuật của chiếc xe. Một chiếc xe gắn máy quan trọng nhất là hệ thống lái, hệ thống thắng (phanh), kế đến là hệ thống chuyển động gồm phần động lực và truyền động. Mỗi hệ thống cần cách chăm sóc riêng. Ông Vượng tìm hiểu về xe qua sách vở, tài liệu và đặc biệt là những thợ sửa xe.
    "Trò chuyện với thợ sửa xe có ích lắm", ông kể lại trường hợp chăm sóc những chiếc bạc đạn xe. Cặp bạc đạn ở bánh trước và bánh sau của xe gắn máy là bạc đạn hở. Khi chạy ở vùng thường bị ngập nước như ở thành phố thì phải dùng loại mỡ bò chống nước. Theo lời thợ, ông ra góc đường Dương Tử Giang - Nguyễn Chí Thanh mua một chai mỡ bò chống thấm nước loại sản xuất tại Anh giá 64.000 đồng từ mấy năm trước mà đến nay vẫn xài chưa hết. Trước mùa mưa, ông lại lấy mỡ bò ra bôi vào những chiếc bạc đạn. Vì vậy, có những người chạy xe than thở là bạc đạn mau hư, có khi chỉ vài tháng phải thay một cặp thì xe của ông cứ dùng đến lúc thấy bạc đạn mòn mới phải thay.
    Chiếc Cúp cánh én ông xài đến năm 1995 thì cô con gái lớn ra trường, ông đổi chiếc Max Kawasaki để hai cha con đi chung. Chiếc cánh én được bán cho một người chạy xe ôm. "Chỉ làm giấy tay thôi. Mấy năm sau, anh ta mới quay lại sang tên. Thực hiện đúng lịch bảo dưỡng, chăm sóc xe, anh ta nói xe vẫn tốt. Lúc bán chiếc xe đó tôi cũng tiếc lắm", ông Vượng phân trần. Bây giờ con gái, con dâu đi làm, ông mua thêm chiếc Dream. "Mấy chiếc xe nhà tôi bảo đảm đi nước ngập không chết máy vì tôi dùng bugi và nắp chụp đúng, ráp đúng quy trình", ông giải thích. Ông nói: "Xe đời sau 81 đánh lửa điện tử nên dễ canh. Với xe đời trước, đánh lửa bằng vít lửa nên khó canh. Tôi chế ra một dụng cụ để canh lửa chiếc cánh én". Sau khi bán chiếc cánh én, ông tặng lại bộ canh lửa cho ông hàng xóm. Đó cũng là một người mê và biết giữ xe, có chiếc 67 chạy từ năm 1969 đến giờ vẫn "ngon".

    36 năm vẫn chạy bền
    Đó là chiếc Honda 67 của ông Trần Văn Phiên, ngụ 161C/59 Lạc Long Quân, hàng xóm của ông Vượng. Ông Phiên kể: "Nó là chiếc Honda 67 đời chót, ba tôi mua năm 1969 với giá kể cả gắn baga là gần 40.000 đồng tiền thời điểm đó. Khi đó tôi mới 16 tuổi. Sau giải phóng ba tôi sang tên lại và tôi chạy đến giờ".
    Chỉ chiếc xe, ông Phiên khoe: "Trên xe vẫn còn nhiều đồ gin lắm. Bình xăng có hàn một lần. Niềng thì tôi nhớ có thay một cặp hồi năm 1988. Tay lái xưa là cao giờ là tay lái lùn. Công- tơ-mét vẫn tốt dù có lần phải tháo cả đồng hồ gin ra để chùi lại. Giờ thì chẳng biết chính xác là xe đã chạy bao nhiêu cây số nữa. Các phần khác như nhông, sên, vỏ thì cứ mòn lại thay. Phuộc cũng đã phục hồi. Máy cũng đã rã ra để xoáy nòng, mỗi lần như vậy đường kính của pít- tông xe tăng khoảng 0,25 mm. Biển số, hồi trước có lần Nhà nước yêu cầu đổi thì tôi cũng đổi". Ngoài các bộ phận phụ vừa kể, chiếc xe của ông Phiên vẫn còn nguyên. Sườn xe chưa một lần phải can thiệp. Từ mấy chục năm nay, ông Phiên vẫn làm nghề gia công thợ bạc và chiếc xe vẫn là phương tiện để ông đi làm và giao hàng. Vài ba tuần ông lại chạy xe về quê ở Củ Chi một lần.
    Bí quyết giữ xe của ông Phiên là chăm sóc đúng cách, bảo dưỡng đúng định kỳ. Chỉ thấy xe có dấu hiệu khác một chút là ông sửa ngay. Từ ngày có bộ canh lửa của ông bạn hàng xóm, ông Phiên đã áp dụng tốt. Mở bugi xe ra, lúc nào cũng thấy lửa được canh đúng qua màu gạch của phần sành trong bugi. Ông Phiên kể: "Xe này giờ vẫn chạy rất ngon. Dắt xe ra, đạp một cái là xe nổ. Phải công nhận loại xe này bền. Nhưng của bền cũng tại người. Đã có nhiều người kêu sao không đổi xe nhưng tôi thấy xe vẫn xài tốt nên không đổi. Bây giờ thì tôi thấy yêu chiếc xe này".
    Ngồi nghe chuyện chiếc xe 67 của ông Phiên, ông Vượng cũng vui lây và giải thích thay người hàng xóm: "Cái thú của tôi là có thể chỉ vào chiếc xe gắn máy của mình và khẳng định được: trông nó chỉ như vậy nhưng mà nó tốt... như vậy. Và tôi thoả mãn với mình vì công sức bỏ ra chăm sóc chiếc xe đã không uổng".
    Về quan điểm có người cho rằng "một đời ta, ba đời nó", chăm sóc chiếc xe là làm "nô lệ cho xe", ông Vượng khẳng khái: "Chăm sóc xe đúng định kỳ, đúng phương pháp không phải là làm nô lệ cho xe. Người phải hao tốn tiền bạc quá sức mình để chạy theo việc mua xe mà không căn cứ vào nhu cầu của mình, mua xe để cho giống người ta thì mới gọi là làm nô lệ cho chiếc xe", vừa nói ông vừa dắt chiếc Dream ra để đi đón cháu ngoại ở nhà trẻ.

    Hưng Long Theo SÀI GÒN TIẾP THỊ - Số 512
  2. khome

    khome Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/06/2004
    Bài viết:
    5.633
    Đã được thích:
    4
    Quan niệm về chơi xe như ở trên cũng hay. Nhưng cũng có người cho rằng như vậy thì làm sao xã hội phát triển được. Nếu họ giữ xe vì những hoài niệm trong quá khứ thì lại là chuyện khác...
    Trước tớ cũng quen 1 ông chủ thầu xây dựng và 1 ông ba Tầu buôn bán vàng. Ông chủ thầu thì quanh năm chỉ đi xe 67 và rất nghiêm túc trong công việc. Mãi sau này ông ta mới đổi lấy chiếc Cub 86, hỏi tại sao k0 đổi xe thì ông này trả lời là hay đi công trường, bỏ quăng quật sợ mất.
    Còn ông ba tầu bán vàng thì chuyên đi chiếc Dame 50 (honda 50 đời cỡ 67 hay gì đó), ông này tớ k0 dám hỏi nhưng cũng đoán được là ông ta "ngụy trang kiểu Úc". Vả lại người Tàu luôn thích giữ lại những cái gì đã theo họ từ lúc thưở hàn vi và giúp họ ăn nên làm ra.
    Còn với các bác chơi xe cổ, phải nói là tớ rất nể phục họ vì có người thuộc đến từng con ốc trên xe của mình. có người bịt mắt nghe tiếng máy mà biết được xe đời gì, đã làm máy hay chưa.
    Có người mê xe tới mức nhiều người sẽ bảo họ là Hâm, là gàn, nhưng tớ lại thấy họ rất đáng yêu...
  3. phambienngoc

    phambienngoc Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/07/2003
    Bài viết:
    1.946
    Đã được thích:
    2
    Bác hàng xóm nhà em(ở HP), nhà 3 lầu to đùng vẫn đi chiếc Bonus của VMEP. Mà cái xe này ở ngoài đó thì không ai còn đi nữa, kêu là của vứt đi. Ra ngoài đấy chơi cứ buổi sáng em lại thức dậy bởi tiếng đạp xe uỵch uỵch của bác hàng xóm này, lần nào cũng đạp phải đến gần 10 phút Thế mà không bỏ xe mới lạ. Ông già em thì cứ trêu bác hàng xóm "ông mang xe này lên bảo tàng trưng bày được đấy".
  4. Kottbus

    Kottbus Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/02/2005
    Bài viết:
    50
    Đã được thích:
    0
    Tui nghĩ hai bác trong bài là sành xe chứ không phải người chơi xe. Chơi xe thì khác, người thích tính năng hiện đại thì mua ngay những xe đời mới - người thích tốc độ thì mua những em đồng hồ chỉ 220km/h - người hoài cổ thì chơi xe đời xưa - thích bay nhảy thì chơi cào cào - thích sưu tập thì mua đủ loại .v.v... còn hai bác này thì chỉ trung thành với một chiếc xe, kỳ công chăm sóc bảo dưỡng để làm chân đi nên không liệt vào dân chơi được.

Chia sẻ trang này