1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Như thế này có triệt được tham nhũng ?

Chủ đề trong 'Khoa học Pháp lý' bởi Nimarxnijesus, 26/04/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Nimarxnijesus

    Nimarxnijesus Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/12/2003
    Bài viết:
    270
    Đã được thích:
    0
    Như thế này có triệt được tham nhũng ?

    Với kết luận kiểu này, ai gần đến tuổi về hưu tha hồ tham nhũng .
    =====================

    http://www.thanhnien.com.vn/Phapluat/2006/4/26/146631.tno

    PHÁP LUẬT


    Vụ án tham nhũng tại công trình kho cảng Thị Vải: Một số cựu quan chức ngành dầu khí chỉ bị đề nghị xử lý hành chính


    Ngày 24/4, một nguồn tin cho biết, Cơ quan An ninh điều tra (CQ ANĐT), Bộ Công an đã hoàn thành bản kết luận điều tra (KLĐT) vụ án tham nhũng xảy ra tại công trình tuyến ống, kho cảng LPG Thị Vải, ra lệnh tống đạt KLĐT tới 37 bị can và đề nghị truy tố về các tội: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô và vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

    Cho đến nay, có thể nói CQ ANĐT đã khám phá thành công vụ án nghiêm trọng này và đã mang lại niềm tin cho mọi người, nhất là đối với hơn 2 vạn cán bộ, công nhân của ngành dầu khí đang hằng ngày lao động quên mình để phục vụ đất nước. Hiện dư luận cho rằng, 37 bị can chỉ là phần nổi của đường dây tham nhũng này, và cơ quan pháp luật cần phải làm rõ trách nhiệm của những quan chức ngành dầu khí thời điểm đó đã buông lỏng quản lý để xảy ra thất thoát lớn ở những công trình trọng điểm.

    Trước những sai phạm có hệ thống của Petro VN nhiều năm qua, sau một loạt các cuộc kiểm tra, thanh tra dự án "Công trình tuyến ống, kho, cảng LPG Thị Vải", khi tổng số tiền lãng phí, thất thoát, sai phạm về tài chính lên tới con số "kinh hoàng" là 194,543 tỉ đồng thì dư luận đã đặt những câu hỏi bức xúc về sự tồn tại của một đường dây tham nhũng lớn có tổ chức trong ngành dầu khí nhiều năm qua. Cơ quan chức năng khi xác định nguyên nhân, trách nhiệm về các sai phạm của công trình kho cảng Thị Vải (gói 2), đã nói rõ: Petro VN khi thực hiện dự án này đã không đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3800/DK là "Thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo chất lượng tiến độ, sự đồng bộ của công trình và không vượt tổng dự toán được duyệt". Nhưng thực tế, công trình đã thi công vượt dự kiến 24 tháng, chất lượng công trình không đảm bảo (thiết bị không đồng bộ, nền công trình sụt lún quá giới hạn cho phép), chi phí đầu tư so với tổng dự toán được Chính phủ phê duyệt vượt 14 triệu USD.

    Cơ quan chức năng trước đây đã từng kết luận, trong dự án "đường ống, kho, cảng Thị Vải, trách nhiệm trước hết thuộc về HĐQT và Chủ tịch HĐQT Petro VN (thời điểm ấy là ông Hồ Sĩ Thoảng) đã chưa làm hết trách nhiệm, chức năng chủ quản đầu tư; thẩm định phê duyệt thiết kế tổng thể, thiết kế cơ sở chưa kịp thời, chuẩn xác nên phải có sự điều chỉnh, sửa đổi bổ sung nhiều lần, làm cho việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Các ông nguyên Tổng giám đốc (TGĐ) Ngô Thường San, Phó TGĐ Nguyễn Hiệp và ban lãnh đạo Petro VN có liên quan đến chỉ đạo thực hiện dự án từ năm 1996 đến nay đã không làm tròn vai trò trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo và thực hiện dự án đầu tư. Họ đã xin Thủ tướng Chính phủ cho phép HĐQT Petro VN thực hiện chức năng chủ quản đầu tư nhưng đã buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều sai phạm từ khâu khảo sát, thiết kế, chỉ định thầu, tổng thầu, mua sắm, thi công xây lắp công trình không đúng cam kết với Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình tốt và tiết kiệm chi phí. Trách nhiệm chính thuộc về Ban giám đốc Dự án kho cảng LPG đã phê duyệt thiết kế chi tiết một số hạng mục sai đầu bài, tự ý thay đổi vật liệu san lấp làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, để nhiều vật tư thiết bị không đúng tiêu chuẩn, chất lượng vào thi công lắp đặt, gây lãng phí kéo dài, thiệt hại vốn đầu tư.

    Trong số 37 bị can có nhiều người nguyên là giám đốc các đơn vị của ngành dầu khí tại Bà Rịa-Vũng Tàu như các bị can: Nguyễn Trọng Nhưng, nguyên Giám đốc Công ty thiết kế và xây dựng dầu khí (PVECC); Đặng Hữu Quý, nguyên Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư xây dựng dầu khí; Bì Văn Tứ, nguyên Trưởng ban quản lý dự án nhà máy đạm Phú Mỹ; Đặng Đình Bính, nguyên Giám đốc Xí nghiệp sửa chữa công trình dầu khí (thuộc PVECC). Qua điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện công trình kho cảng Thị Vải có nhiều sai phạm nghiêm trọng từ các khâu quản lý, chỉ đạo, thiết kế, xây lắp, mua sắm vật tư đến thi công, dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, thiết bị không đồng bộ, nền công trình sụt lún quá giới hạn cho phép, gối đỡ đường ống công nghệ sụt lún.

    Một sai phạm khác là việc thiết kế san nền, móng nông gối đỡ ống công nghệ với việc phê duyệt thiết kế không đúng đầu bài do chính Petro VN đưa ra là một trong những nguyên nhân gây sụt lún nền móng công trình. Việc các nhà thầu phụ đưa vật liệu vào san lấp nền công trình không đúng với tiêu chuẩn thiết kế và việc chủ đầu tư cho phép từ lớp thứ 8 trở đi được đưa đất đỏ, đất phùn vào san nền đã làm nền công trình sụt lún vượt quá giới hạn cho phép. Việc nhập khẩu thiết bị vật tư không được trực tiếp đàm phán, ký hợp đồng nhập khẩu dẫn đến vật tư thiết bị nhập khẩu thừa nhiều chủng loại, sai quy cách, thiếu đồng bộ, mua van của Ấn Độ chất lượng không đảm bảo. Phải sửa chữa 500/2.800 van các loại hết 34.160 USD, mua phụ tùng thay thế hết 86.300 USD. Khi kết nối giao diện giữa các thiết bị của các hạng mục xảy ra trục trặc phải tăng thêm chi phí thuê chuyên gia mới hoạt động được. Lãng phí do kéo dài thời gian thi công vượt 24 tháng so với kế hoạch là 4.240.000 USD và 50.272 triệu VND, tăng chi phí ngân hàng 30.000 triệu VND, tăng chi phí cho Ban quản lý dự án 8.272 triệu đồng, chi phí xử lý sự cố lún nền gối đỡ ống công nghệ 12.000 triệu đồng thuê chuyên gia, tư vấn tăng 4.240.000 USD.

    Trước đây, cơ quan Thanh tra Nhà nước đã kết luận, sai phạm về tài chính phải xử lý thu về cho ngân sách Nhà nước là 134,37 tỉ đồng. Những sai phạm trên liên quan đến nhiều quan chức của Petro VN và các ông Nguyễn Trọng Nhưng, Đặng Hữu Quý, Bì Văn Tứ, Đặng Đình Bính. CQ ANĐT cũng xác định hành vi thiếu trách nhiệm của một số cá nhân nguyên là lãnh đạo Tổng công ty dầu khí - Petro VN như các ông: Hồ Sĩ Thoảng (nguyên Chủ tịch HĐQT), Ngô Thường San (nguyên Tổng giám đốc), Nguyễn Hiệp (Phó tổng giám đốc) đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt thiết kế gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản nhà nước. Nhưng xét thấy họ đều là những người cao tuổi đã nghỉ hưu nên CQ ANĐT chỉ đề nghị xử lý hành chính.
  2. Remediot

    Remediot Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    19/02/2003
    Bài viết:
    442
    Đã được thích:
    0
    Chuyện này chắc tại phép "lịch sự" . Phong bì là một từ ngày càng có giá trị và bỏ mọi thứ vào phong bì là một phép lịch sự ngày càng được phổ biến rộng rãi. Giờ đây, trẻ em được làm quen với hai chữ phong bì và phép lịch sự từ rất sớm, đầu tiên là thông qua cách mà ba mẹ chúng lịch sự với giáo viên và trường học của chúng. Dần dần, chúng thấu hiểu sự cần thiết của phép lịch sự và ngày càng trân trọng 2 chữ phong bì. Chúng hiểu rằng nhờ phong bì, người ta có thể có được mọi thứ; khi lịch sự và khéo léo , chuyện địa vị, chức tước , bằng cấp, điểm số và cả tình cảm ưu ái mí lại.. vân vân đều trở nên đơn giản.
    Theo nguyên tắc lịch sự, tại trường học, học sinh (và ba mẹ của chúng) phải lịch sự với giáo viên; tại bệnh viện bệnh nhân + người nhà phải lịch sự với y tá, bác sĩ; xe cộ đi trên đường phải lịch sự với mấy chú cầm còi; tại cửa quan cũng vậy, "nhân dân" nào đến đấy là phải lịch sự với "đầy tớ" của mình . Nguyên tắc này có giá trị với đa số.
    Cụm từ "triệt tham nhũng" của bác Minh nghe mạnh mẽ, triệt để và khó quá, em chả nghĩ tới được. Nhưng theo em khi mà đại đa số dân chúng còn nếp coi trọng sự lịch sự (từ trong suy nghĩ), thì các đầy tớ nhà ta vẫn được mùa; khi mà các "hành xử lịch sự" còn chưa hết phổ biến, thì những lý do tương tự như đoạn xét thấy trên chắc còn xuất hiện nhiều trên báo chí.
    Chẳng hạn sau này, nếu do nhỡ nhàng mà em làm quan và có trót tham một tí, hy vọng báo chí sẽ tìm cho em một lý do thật lịch sự, chẳng hạn như là: tuy chưa đến tuổi hưu, nhưng xét thấy đồng chí Reme là một người chơi thể thao rất cừ, đã có nhiều thành tích đặc biệt trong môn.. chạy vượt rào, nên cơ quan điều tra chỉ đề nghị xử lý hành chính.
    Ah, để đề phòng cho cái chuyện nhỡ nhàng trên, từ nay em sẽ sưu tầm phong bì và tập "chạy" - môn thể thao của thời đại .

  3. LVHa74

    LVHa74 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    09/11/2002
    Bài viết:
    479
    Đã được thích:
    0
    Theo tôi phải bàn từ khía cạnh pháp lý cái đã!. Có thể báo trí đã trích dẫn không chính xác, nhưng thử soi lại Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành xem, liệu cái căn cứ do Cơ quan điều tra nêu ra ở đây có hợp pháp và hợp lệ hay không?. Theo tôi, trong BLTTHS, không có một căn cứ nào để miễn trách nhiệm hình sự cho 1 công dân với lý do "đã về hưu và tuổi cao" cả!. Nếu có đó là căn cứ mà lâu nay các "đồng chí chưa bị lộ" thường bám vào: Hạ cánh an toàn!.
  4. MinhTrinh

    MinhTrinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2003
    Bài viết:
    3.428
    Đã được thích:
    0
    Hihi .
    Hỏi nhỏ Reme là : Mấy năm nay dược mấy phong bì ?
    Phong bì có tình hay tiền trong ấy .
    VN mình hay có tính giơ cao đánh sẽ, chín bỏ làm mười . mình cứ đòi triệt, mơ là triệt để rồi chỉ giảm cũng mừng . Chứ mấy năm nay, vấn đề tham nhũng vẫn là trắc trở của mội tầng lớp, hàng loạt biện pháp đưa ra nhưng tham nhũng vẫn thẳng tiến trên con đường giải phóng dân tộc chưa hề biết lùi .
  5. MinhTrinh

    MinhTrinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2003
    Bài viết:
    3.428
    Đã được thích:
    0
    Lại thêm 1 biện pháp chống tiêu cực, hối lộ , tham nhũng thời đại 2006 .
    Không biết là quy định này có vi phạm luật lao động ?
    Có quy định nào bắt khâu túi và xách tay của các lãnh đạo ?
    =================
    http://www.thanhnien.com.vn/Xahoi/2006/5/1/147178.tno

    CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

    Biện pháp áp dụng ở các trạm thu phí:
    Yêu cầu nhân viên... khâu túi để chống tiêu cực!
    23:44:10, 30/04/2006Xuân Toàn


    Sau khi báo chí nhiều lần lên tiếng về tiêu cực ở các trạm thu phí, mới đây Khu quản lý Đường bộ II (Cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải) đã "phát minh" một biện pháp chống tiêu cực có một không hai: yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên của các trạm thu phí phải khâu túi quần, túi áo của mình lại!
    Đầu tháng 4/2006, các nhân viên của Trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hết sức ngạc nhiên khi ông trạm trưởng đột ngột thông báo: Để ngăn chặn tiêu cực xảy ra, từ ngày 15/4/2006 toàn bộ cán bộ, nhân viên của trạm phải khâu túi quần, túi áo lại khi đi làm. Lúc đầu các nhân viên đều nghĩ ông trạm trưởng... đùa. Một số người gọi điện thoại đến các trạm thu phí khác của Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 234 (Cục Đường bộ) thì nhận được thông tin "sếp" bên đó cũng yêu cầu nhân viên phải khâu túi quần, túi áo khi đi làm ! Thắc mắc lên lãnh đạo Công ty 234 thì giám đốc cho biết: "Tất cả các trạm thu phí của công ty, nhân viên phải khâu túi quần, túi áo lại khi đi làm".
    Anh N.V.T, Trạm trưởng Trạm thu phí B cho biết: "Tôi có dịp đi một số nước trong khu vực, cũng tìm hiểu về công tác thu phí của họ nhưng không thấy nơi nào buộc các nhân viên phải khâu túi quần, túi áo khi đi làm". Chả biết quy định này có hiệu quả như thế nào trong việc ngăn chặn tiêu cực nhưng mới thực hiện được mấy ngày, nó đã khiến người ta phải cười ra nước mắt!
    Trước quy định của cấp trên, anh T.M.T không biết phải "báo cáo" với cô vợ mới cưới như thế nào, nhờ mẹ thì lại càng dở. Tính toán mãi, đến đêm hôm trước ngày quy định có hiệu lực, T. phải tự làm lấy. Nửa đêm chờ vợ ngủ, T. mới lọ mọ dậy tìm kim chỉ tự khâu túi quần, túi áo của mình. Chiếc túi quần mới khâu được một nửa, cô vợ thức giấc. T. giải thích thế nào vợ anh cũng không tin, cho rằng T. bị mộng du. "Nếu con tôi nhìn thấy tôi tự khâu túi quần, túi áo lại chắc chắn sẽ thắc mắc, thậm chí nghĩ bố mình ăn cắp, ăn trộm nên cơ quan mới bắt làm như thế. Đành phải đợi chúng ngủ rồi nhờ vợ khâu giúp. Nói mãi vợ tôi mới tin, tin rồi thì bà ấy lại ôm bụng cười" - Nhân viên một trạm thu phí

    Khi biết đó là quy định của cơ quan, vợ T. chép miệng: "Đúng là ngớ ngẩn!". Anh T.B.C lại gặp phải sự khó xử khác. Anh than thở: "Tôi có hai đứa con, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 10 tuổi. Nếu chúng nhìn thấy tôi tự khâu túi quần, túi áo lại, chắc chắn sẽ thắc mắc, thậm chí nghĩ bố mình ăn cắp, ăn trộm nên cơ quan mới bắt làm như thế. Đành phải đợi chúng ngủ rồi nhờ vợ khâu giúp. Nói mãi vợ tôi mới tin, tin rồi thì bà ấy lại ôm bụng cười". Ông N.B.M đã có thâm niên gần 20 năm làm việc ở các trạm thu phí bức xúc: "Tôi không biết tiêu cực xảy ra ở đâu chứ với tôi thì không bao giờ. Bắt tôi khâu túi quần, túi áo lại là một sự xúc phạm".
    Đại diện lãnh đạo Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 234 cho biết: "Quy định buộc các nhân viên phải khâu túi quần, túi áo không phải do công ty chúng tôi tự ý nghĩ ra. Đó là quy định của Khu quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ). Biết quy định như vậy là rất kỳ quặc nhưng Khu yêu cầu thì chúng tôi phải thực hiện. Mà không chỉ có công ty chúng tôi, các đơn vị khác cũng đều làm thế".
    Tiêu cực đã và đang xảy ra ở một số trạm thu phí, việc đẩy mạnh các biện pháp chống tiêu cực là một việc làm rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, quy định các nhân viên phải khâu túi quần, túi áo khi đi làm là việc làm không nên. Lãnh đạo Khu quản lý đường bộ II thừa biết, nhân viên thu phí ở các trạm bao giờ cũng ngồi trong chốt. Có "ăn tiền" của lái xe thì họ cũng không bao giờ đút vào túi quần hay túi áo ngay, bởi vì đó là đồng tiền góp vào quỹ đen của cả kíp trực. Họ sẽ cho vào ngăn bàn hay một chỗ nào đó để chia nhau khi hết ca trực.
    Quy định trên thực chất chỉ là cách trốn tránh trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nếu thực sự muốn ngăn chặn tiêu cực xảy ra ở các trạm thu phí, Khu quản lý đường bộ II có rất nhiều cách làm. Trước hết, lực lượng thanh tra của Khu hãy thực hiện kiên quyết, nghiêm chỉnh các quy định của mình. Chỉ riêng lực lượng này, Khu quản lý đường bộ II đã có tới 100 cán bộ. Thứ nữa, nếu lãnh đạo Khu chịu khó đi "vi hành" thì việc phát hiện ra các trường hợp "ăn tiền" của nhân viên thu phí không phải là quá khó. Bằng cách đi thực tế, phóng viên báo chí đã phát hiện ra nhiều vụ tiêu cực ở trạm thu phí, không có lý gì cơ quan quản lý lại không làm được !
    Xuân Toàn

Chia sẻ trang này