1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những bài viết của cựu sinh viên ĐH CT(mời các bạn tham gia cuộc thi viết về tuổi học trò ở đây T.1)

Chủ đề trong 'Cần Thơ' bởi YeuAoTrang, 13/04/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. soirrab

    soirrab Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/09/2002
    Bài viết:
    123
    Đã được thích:
    0
    Trường An Thôn Trang - Bùi Hữu Nghĩa
    Những năm tháng trôi qua với trường Bùi Hữu Nghĩa chắng có gì đặc biệt trong tôi. Tôi vốn là người nhút nhát và mang nhiều mặc cảm cho nên sự chia tay trường lớp khiến tôi mất mát thật sự tuổi học sinh. Tuổi học sinh tôi muốn có đầy đủ như bao nhiêu bạn bè khác. Những dịp họp mặt, họp nhóm, đi chơi, tán gẫu, hẹn họ, ăn uống,... tôi đều thiếu vì chỉ cái tật hay thu mình. Khi thật sự không còn là học sinh nữa tôi cảm thấy thiếu và thiếu.
    Nhìn lại trường những lần cuối. Một ngôi trường thân thương rất đơn sơ chẳng có gì đặc biệt để ai tự hào. Không biết ai còn lưu ảnh trong đầu những hình ảnh quá thường của ngôi trường. Bản thân tôi giờ này cũng khó hình dung ra ngôi trường được. Nếu ngôi trường có gì đặc biệt như giỏi, đẹp, truyền thống,... thì chắc có khối người viết văn thơ ca tụng và những ký ức về ngôi trường được duy trì. Đằng này, trường Bùi Hữu Nghĩa của tôi chắng có gì.
    Bạn bè chẳng có bao nhiêu. Chỉ được mấy đứa có chút thân từ cấp II như Thủy, Phy, và Phước. Nói thân là thân chứ chẳng nói chuyện nhiều bao nhiêu. Vài lần thật sự vui cùng nhóm bạn là vài lần tập khiêu vũ.
    Mùa thi lại đến. Tôi đậu tốt nghiệp cấp III hạng trung bình và không có gì khó khăn cho tôi. Kỳ thi đại học lại đến, tôi rớt. Phy thi đậu vào sư phạm Địa. Thủy cũng rớt. Phước thì không thi. Phước là thằng bạn duy nhất học cùng tôi từ năm lớp 1 đến lớp 12. Sức học của Phước ngày một xuống nhưng tôi thì đều đều. Năm cấp 1 thì nó luôn tranh hạng nhất với lớp trưởng. Đến khi cấp II thì xuống dần. Đến năm cấp III thì thi lại liền tù tì.
    Sau khi tôi rời khỏi trường thì trường dời sang địa điểm mới sát đó. Trường chuyên LTT thi dời đi chổ khác và trường Bùi Hữu Nghĩa dời sang trường chuyên LTT để có một khuôn viên rộng hơn 8 lần và số phòng ốc nhiều hơn 2 lần. Mặt tiền của trường là quốc lộ 91 chứ không còn là một con hẻm lớn như xưa.
    Trường có nhiều cây còng cao to và tỏa bóng mát.
    Tôi vẫn còn duyên nợ với trường cho nên thường hay chụp hình dạo trong trường. Sau đó vì miếng cơm, tôi lại bị một thầy một mắt chụp hình trong trường đẩy tôi ra khỏi sân trường và tôi trở nên người chụp hình dạo lén lút. Tôi chấp nhận sự lén lút đó vì tôi cảm thấy tôi tự đánh mất 3 năm học cấp III và tôi muốn nhìn lại.
    Sau khi xong cấp III, tôi có dịp khiêu vũ với Chi 2 lần như ước mơ. Chi mất hết tất cả nét hấp dẫn như hồi còn đi học. Tôi thấy chẳng có việc gì liên hệ đến Chi cho nên hiếm khi nói chuyện. Sau này Chi học trung học Kinh Tế - Kế Toán. Đến khi Chi gần tốt nghiệp tôi thăm chi 4 lần. Trước khi đi Mỹ tôi có thăm Chi 1 lần nhưng tôi không hề hé răng tôi sẽ đi xa. Lúc này sao mà Chi tàn tạ quá. Chi không được như Thủy là lúc nào cũng như lúc nào.
    Rồi cái Tết đầu tiên sau khi học xong. Thủy và 3 người bạn cùng lớp ghé nhà tôi và rủ tôi đi thăm vài bạn cũ. Lúc đó tôi đã đóng xong con thuyền như ước mơ cho nên mời họ cùng đi thuyền đến thăm. Bạn bè biết ý tôi thích ngầm ngầm Thủy từ khi cấp II đến giờ cho nên để Thủy ngồi đối mặt tôi ở nửa trước thuyền và họ ngồi phía sau.
    Trời Tết mát chi lạ, sông Bình Thủy trong xanh và lặng yên (Tết thì trong, mùa mưa thì đục). Tôi tiếc rằng hiếm ai thấy Thủy đẹp ngầm. Lần đầu tiên tôi có thời gian dài chiêm ngưỡng sắc đẹp của Thủy. Nếu Thủy trắng hơn, chịu khó trang điểm, và rủ bỏ nét bình dị thì biết bao chàng săn đón. Riêng tôi thì tôi luôn yêu cái vẻ ngăm ngăm đen của Thủy và những đường nét trên gương mặt không cần trang điểm.
    Thủy nói Thủy sẽ thi lại vào Đại Học và chắc chắn sẽ vào Đại Học.
    Chuyến đi thăm thì vui vẻ. Khi về đến gần nhà. Tôi để cho hai đứa con gái: Thủy và bạn khác lên bờ. Ba đứa con trai còn lại chơi trò đắm thuyền. Cả ba ướt như chuột lột và khó khăn lắm mới đưa thuyền đắm nổi lên mặt nước.
    Những năm sau đó, tôi và Thủy không liên lạc nhau nhiều. Đôi lúc thăm Thủy ở nhà Thủy thì tôi hay ngồi đồng không nói tiếng nào cả 2-3 giờ xem mẹ Thủy và Thủy gói bánh chưng bánh tét vào lúc gáp Tết vì Tết tôi sẽ bận rộn chụp hình dạo trong vườn cho nên không thể thăm.
    Thủy thì vào Đại Học nghành Chăn Nuôi. Tháng 11 năm 1993 thì Thủy phải lên xe hoa. Hai gia đình đã hứa hôn với nhau khi bố mẹ còn trẻ. Thủy thì phải theo gia đình. Thủy có nói với tôi là người mới biết nhau rồi làm đám cưới. Tôi không buồn mà cũng không vui. Sự tình cờ là lúc gần đám cưới tôi và Thủy hay gặp nhau và nói chuyện chút chút. Thủy sợ tôi buồn. Tôi thật thất vọng khi mà Thủy trang điểm. Vẻ đẹp ngầm vốn có biến đâu mất. Nếu không ai biết Thủy thì ai cũng phải trầm trồ khen cô dâu quá đẹp. Thủy thật là đẹp và rực rỡ khi trang điểm lên. Rất tiếc tôi chỉ là người bạn cấp II và cấp III duy nhất hôm đó (hình như là vậy), nếu không ai cũng phải nhớ lại những lần tôi quá khen Thủy về sắc đẹp và nay họ thấy tôi nói đúng.
    Sau khi đám cưới. Tôi và Thủy cũng thường hay gặp nhau. Thủy chạy chiếc mini Trung Quốc (hồi đó là sang) thay vì chiếc xe đạp bình dị như thường ngày. Cả tôi và Thủy muốn nói chuyện nhiều hơn nhưng cả hai không dám. Được ít lần cả tôi và Thủy đều tránh nhau nếu thấy từ đằng xa. Điều lạ là sau khi lấy chồng Thủy có trắng hơn nhưng vẫn không trang điểm. Mấy đứa bạn thân mới của tôi tự dưng chú ý đến Thủy nhưng họ muộn rồi. Tôi lại tiếc cái vẻ ngăm ngăm đen của Thủy đã mất. Mất thật rồi.
    Đến giờ, đôi lúc tôi hay tự hỏi: Tôi có yêu Thủy một cách nhẹ nhàng và thoang thoảng không?
    Trường Bùi Hữu Nghĩa là nơi cho các anh em và em bà con tôi học năm cấp III.
    Lần trở về thăm quê hương, tôi lại có dịp thăm trường Bùi Hữu Nghĩa. Tôi không dám chào thầy cô cũ vì tôi cảm thấy mặc cảm mình không ra trò trống gì. Tôi chỉ đứng đằng xa nhìn mấy em học sinh ra vào trong ngày thi Tú Tài.
    Xin ngừng ở đây với những kỷ niệm!
    HL
    Sói Ráp
  2. soirrab

    soirrab Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/09/2002
    Bài viết:
    123
    Đã được thích:
    0


    Lộ Vòng Cùng
    Lộ Vòng Cung là con lộ có thật.
    Lúc đầu chúng tôi nghe và có cảm tưởng như đó là con lộ nằm trong trí tưởng tượng của một số người vì con lộ đó có chiều dài khoảng 38 km đi xuyên suốt qua miệt vườn rất xa trung tâm thành phố.
    Thường thì miệt vườn không có lộ đâu. Nếu có chẳng qua đường đi men theo mấy con kinh. Mà đã nói đến lộ thì ít ra xe đạp phải đi được. Miệt vườn thì khó lòng đi xe đạp theo mấy con đường đất men theo mấy con kinh.
    Chúng tôi, là những người không được bình thường (chút chạm dây), bèn đi du khảo lộ Vòng Cung chơi.
    Vào cuối năm 1993, nhóm 3 người bắt đầu lên đường không một chút gì thông tin về lộ Vòng Cung. Chúng tôi đi đến đâu sẻ hỏi đến đấy.
    Xuôi từ khu II Đại Học Cần Thơ đến Cầu Cái Răng. Chưa qua cầu thì có con lộ đi vào Phong Điền. Qua chợ Phong Điền thì đi tiếp con đường đất mà chất vườn, cảnh vườn ngày càng hiện ra rõ và mọi nét văn minh thành thì hoàn toàn mất dấu. Cứ đi một đoạn thì chúng tôi hỏi lộ Vòng Cung. Cứ thế mà đi.
    Chúng tôi đi trên con đường đất cũng rộng rãi (bề ngan khoảng 2me't hoặc hơn) và qua nhiều cầu cống. Cầu thì đơn giản là hai khúc thân cây gòn gác ngang mương. Nếu qua rạch, thì cầu cao hơn và khó đi hơn vì giống cầu khỉ.
    Chúng tôi đã từng đi trong miệt vườn nhiều nên việc vác xe qua các cây cầu lêu nghêu không khó. Điều khó là chúng tôi có lượng thời gian đường về hay không vì khi về hoàn toàn không có điện và việc qua cầu vào những đêm 30 rất khó khăn.
    Như đã nói, lộ Vòng Cung là lộ có thật chứ không phải con lộ trong truyền thuyết. Dấu tích lộ rõ ràng và có dấu tích một vài cầu sắt (đã biến mất vì hoen gỉ). Chúng tôi đi và đi trên lộ Vòng Cung hướng về Ô Môn.
    Con lộ thì không khác gì con đường đất bình thường nhưng rõ ràng là con lộ vì có nhà mọc thưa hai bên theo một trật tự nào đó. Cho dù con lộ khi mới hình thành có 5-8 mét bề ngang thì nay không còn biết nó lớn hay nhỏ vì thời gian xoá nhoà đi tất cả.
    Chúng tôi đi và đi và luôn hỏi chúng tôi có phải đi trên lộ Vòng Cung không. Nơi chúng tôi đang đi là rất xa trung tâm thành phố và nằm lọt thỏm giữa ruộng vườn bao la và xanh ngắt. Nếu đi về bằng ghe thì phải mất 1 ngày đường và không có một chuyến đò khách nào hiện diện ở vùng này. Còn các cầu thì không thể chạy xe mà phải vác xe qua cầu, ít ra thì phải dắt xe qua cầu nếu cầu ngắn và thấp.
    Chúng tôi thấm mệt vì phải bỏ sức vác xe khi đi qua nhiều cầu và chúng tôi phải đành bỏ dở chuyến khảo sát cho hết đường Vòng Cung. Vả lại chúng tôi không mang thức ăn vì tưởng dọc đường thế nào cũng có hàng quán. Lâu lâu cũng có hàng quán mà quán thì quán kiểu miệt vườn làm sao có thứ để chúng tôi bỏ bụng cho no.
    Thế rồi chúng tôi hỏi đường về. Người ta chỉ đường về khác và đường đó sẽ phải đến xã Giai Xuân, rồi Long Tuyền,... rồi Bình Thuỷ của tôi. Đường về cũng lắm gian nan vì phải đi cong cong quẹo quẹo theo và men qua mấy con kinh. Cuối cùng đến chợ Giai Xuân thì tôi thở phào vì là khu vực của tôi biết. Từ Giai Xuân để trở về Bình Thuỷ phải đi khoảng 10 km nữa. 10 km này đở hơn vì không có cầu khỉ phải vác xe nhưng đường khó đi vì đá không và phải men theo lề đường có đất.
    Khi đến Bình Thuỷ thì ba chiếc xe đạp trông thảm thương. Chúng tôi chắc chắn sẽ bỏ tiền thay vài phụ tung và tune-up chúng.
    Vậy là thêm một chuyến không thành công.
    HL
    Sói Ráp
  3. soirrab

    soirrab Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/09/2002
    Bài viết:
    123
    Đã được thích:
    0
    Kênh Xán Xà No
    Đi lòng vòng trong Cần Thơ hoài thì mời bạn đi xa hơn để biết thêm sự trù phú của miệt vườn và cảm nhận được cái hồn "Đất Phương Nam" qua nhiều tác phẩm văn chương cũng như cải lương.
    Tôi đã hai lần đi dọc trên kênh Xà No. Rất may mắn để hiểu biết chút chút một vùng sông nước đầy thú vị.
    Lần đầu tiên là tôi nhận chụp hình đám cưới xa tận Giai Xuân. Đâu có ai từ thành thị đi vào vườn chụp đám cưới xa đến 8-10 km rồi phải thức đêm nữa. Tôi hỏi lịch trình đi rước có làm cho tôi thích không và tôi biết lịch trình đi là đi đến Quả Lựu gần Vị Thanh và phải đi dọc trên kênh Xà No. Tôi thích quá liền nhận lời.
    Đoàn rước dâu phải khởi hành 12 giờ đêm. Lúc đó trời đen như mực. Chiếc ghe bầu len lỏi trong các kênh nhỏ rồi mới đến kênh Xà No. Sự ngoằn ngèo trong đêm tối không làm cho tôi mường tượng được hướng đi của ghe bầu.
    Tiếng máy nổ làm thân ghe rung lên cho nên tôi không thể thiếp đi được. Chú rể và nhiều người khác có lẽ quen đi trên sông nước vào ban đêm cho nên họ ngủ thoải mái. Tôi thì ráng quan sát hai bên và cách đi ghe trong đêm tối. Nếu không hiểu nhau thì va chạm là chuyện bình thường. Người điều khiển máy và lái phải có đèn pin cho dù họ có đốt đèn bảo bên hông ghe để chiếc ghe ngược chiều tránh.
    Tôi hỏi người lái ghe đôi điều về kênh Xà No. Ông ta nói là nó được đào thời Pháp để khai thác vùng đồng bằng cực kỳ lớn nằm sâu phía nam sông Hậu. Nơi đây ít kênh và nó hoàn toàn hoang hoá và phèn nặng. Sau khi đào xong thì một vùng trồng lúa cực kỳ lớn mở ra. Pháp đã vơ vét biết bao là thóc lúa qua địa chủ và hội đồng.
    Con kênh không rộng lắm, chừng 40-50 chiều ngang. Tôi cảm giác nó thẳng tắp vì chiếc ghe đi chẳng có bẻ qua bẻ lại. Rồi tôi được kể cứ một cây số có một con kênh nhỏ hơn cắt ngang vuông góc với kênh Xà No. Con kênh đầu tiên là Một Ngàn và có chợ Một Ngàn. Sau đó kênh Hai Ngàn, kênh Ba Ngàn. Cứ cách vài con kênh là có một cái chợ lớn hoặc nhỏ ở phía bờ Đông. Khi đến chợ Mười Ngàn thì tôi thấy cái chợ đó to thật (to hơn chợ Bình Thuỷ nơi tôi ở và bằng khoảng 1/2 chợ Cái Răng) và người ta đang họp chợ sớm. Chỉ có chợ Mười Ngàn thì tôi thấy người vì nhờ nhiều ánh đèn dầu lờ mờ và vài chổ có ánh đèn neon nhỏ dùng bình.
    Với tôi những điều tôi nghe kể và thấy thật là thú vị. Tôi đã nghe thoang thoáng con kênh Xà No, bây giờ được thấy và kể. Tôi phấn chấn và quên ngủ. Tôi cố gắng chứng kiến những gì chứng kiến được trong màn đêm.
    Rồi thì ánh bình minh ló dạng. Ai cũng bắt đầu khoan khoái. Đi đã nhiều giờ rồi tôi chẳng thấy ai nói "bác tài" dừng lại cho đi "việc riêng". Tôi cảm thấy cần đi "việc riêng" nhưng không dám nói. Sao họ tài quá :-)
    Ánh sáng làm cho tôi thấy hai bên nhà cửa rất nhiều. Trong miệt vườn xa Cần Thơ mà nhà cửa nhiều y như ngoại thành Cần Thơ. Tôi ngạc nhiên hết sức vì dân cư cứ đều đều như vậy thì dọc con kênh này ít nhất là 1 triệu người ở.
    Ghe tàu giác sáng bắt đầu hoạt động nhiều. Những chiếc võ lãi từ hướng Cần Thơ chạy băng băng đến Vị Thanh hay nơi khác và ngược lại. Suốt 10 km tôi chứng kiến thấy sự tấp nập và sôi động làm tôi ước muốn ngày nào đó sinh sống vùng này và tôi có thể làm nghề mộc, chụp hình, gò hàn,... tuỳ theo mùa. Tôi thấy những đứa học trò đi học. Như một phản ứng tự nhiên, tôi ráng nhìn hai bên tìm ngôi trường nào đó.
    Đến gần Vị Thanh thì tôi thấy nhà máy xi măng phía bờ Đông. Tôi tự hỏi tại sao chợ và những gì quan trọng đều ở bờ Đông? Thì ra con đường từ Cần Thơ đến Vị Thanh nằm ở phía Đông của con kênh.
    Sói Ráp
  4. soirrab

    soirrab Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/09/2002
    Bài viết:
    123
    Đã được thích:
    0
    Kênh Xán Xà No
    [... tiếp theo ...]
    Tôi lúc đó (cho đến giờ này) vẫn chưa đọc được lịch sử của kênh xán Xà No. Ngay cả vài câu ca dao vẫn không có một chữ làm thuốc. Với tôi, thấy và nghe kể từ những người dân mà thôi.
    Khi đến Vị Thanh thì tôi thấy có hai cầu sắt cao thiệt là cao bắt ngang kênh để cho xe đò và xe cộ qua lại. Hai bên chợ búa sầm uất không thua gì Cái Răng. Nhìn kỹ hơn tôi thấy có phố phường đàng hoàng với vài con đường đang chéo nhau và có nhà lầu. Tôi nhớ mang máng Vị Thanh là tỉnh lỵ của tỉnh Chương Thiện lúc xưa và là vùng của VC. Ba tôi kể đường đi đến Vị Thanh thời đó chỉ là đường trực thăng vì đường bộ rất nguy hiểm, dể bị phục kích hoặc gài mìn.
    Đoàn rước dâu đi qua khỏi Vị Thanh một chút thì đến xã Quả Lựu. Sau đó rẻ trái. Đọc đường từng ụn đất cao của mấy chiếc xán móc từ rạch lên. Mấy người trên ghe nói tụi nạo vét kênh rạch ác lắm, không cho tiền tụi nó thì tụi nó móc đất làm cho một đống đất to tướng trước mặt nhà hay một khoảnh đất có trồng trọt.
    Đi vào rạch đó một chút thì rẻ phải và lên nhà cô dâu. Pháo nổ đì đùng đón đàn trai. Nhiều con nít ăn mặt lòe loẹt chạy và vui đùa tứ tung. Đoàn nhà trai vội tổ chức hàng lớp gần trước cổng Vu Quy. Tôi tức tốc phải tìm nơi để "tâm sự" hay "giải tỏa tấm lòng". Sau đó chạy xuống khu vực nấu ăn xin ly nước nóng. Tôi thường tự đem theo cà phê hòa tan có trộn đường và ít sữa bột (nếu có) để uống nếu trường hợp thức nguyên cả đêm. Trong vườn họ không biết uống cà phê cho nên mua cà phê dở nhất trộn nhiều bắp và còng khiến tôi không thể nào uống. Tôi đem theo cà phê hòa tan (instant coffee???) cho chắc ăn.
    Sau đó tôi trở lại đoàn nhà trai để dặn dò là đóng phim chậm và cứ tự nhiên. Tôi ghét nhất là bắt người ta dừng lại để chụp hình. Với tôi, mọi việc cứ tự nhiên và tôi chỉ dặn họ là những lúc mời trà, đeo nhẫn, vái,... chịu khó làm chậm để tôi chụp. Sau đó tôi vào nhà gái trước và dặn cô dâu khi đi ra vén màn chậm chậm và nhìn thẳng về phía cửa. Cô dâu muốn làm thử cách vén màng nhưng tôi nói khỏi. Sau đó tôi chờ mọi lễ nghi của một lễ rước dâu.
    Xong xuôi mọi lễ nghi thì ăn uống. Tôi bị ép uống rượu nhưng tôi tránh khéo. Tôi đã xi nhan trước nhà gái là sắp tôi ngồi ăn chung với mấy người lớn. Lần nào tôi cũng ngồi chung với mấy người lớn nên tránh cái nạn uống rượu. Vì tôi cũng làm nhiều đồ nghề chưng cất rượu cho nên tôi sợ những ai khác không chị làm bằng nhôm (đắt tiền) như tôi làm mà chỉ làm đồ tôn lợp nhà và hàn chì (cho rẽ) thì chất độc chì sẽ theo rượu vào cơ thể biết bao nhiêu là bịnh hậu.
    Trong bàn người lớn thì "hai phe" ngà ngà say tranh nhau nói thời chiến tranh. Tuy họ nói thời chiến tranh nhưng tôi hình dung được chất miệt vườn riêng biệt của khu vực kênh Xà No. Bà già ngồi kế tôi thủ thỉ là những người này đi lính lúc xưa và họ đã từng bắn và bắt nhau. Hồi xưa họ bắn nhau bằng đạn thật nhưng bây giờ họ bắn nhau bằng ... nước bọt. Bà còn nói thêm đó là chuyện thường tình của dân Vị Thanh. "Chiến tranh mà!" - Bà nói. Cuộc chiến tranh đã qua gần 20 năm rồi mà người ta không thể nào quên được ... khi có rượu vào. Cái mầm mống chia rẻ vẫn còn sờ sờ đó. Điều tôi chứng kiến được khiến tôi sợ vì gia đình tôi cũng có sự liên hệ nặng nề với cuộc chiến đó.
    Thanh niên nhà gái cử một nhóm người "hủ chìm" tiếp thanh niên đàn trai. Đàn trai khi đi cũng đã tuyển những thanh niên "hủ chìm" đi thi thố. Tửu lượng là cái để đám thanh niên đàn gái tiếp đàn trai trong miệt vườn và đang lan ra dần thành thị. Điều đó tôi phát ngán vì tôi chưa bao giờ ngồi chén tạc chén thù với những ai. Rượu cả thùng được rót từ từ vào những ly nhỏ rồi chuyền nhau. Hai nhóm đều tranh đua và có ít người phải gục và bỏ cuộc.
    Khoảng trưa thì đàn trai phải về.
    Cái màn khóc lóc quen thuộc của miệt vườn lại diễn ra. Vì nhà cô dâu thường xa nhà trai cả nửa ngày đường nên cái cảm giác "xa hẳn gia đình" hoặc "rời gia đình" có ở cô dâu. Và cái cảm giác "mất con", "mất em", "mất chị",.... có ở người thân. Lần nào tôi chứng kiến cảnh đó đều mủi lòng và nén lại những giọt lệ. Mỗi cô dâu, mỗi bà mẹ của cô dâu, và mỗi người thân quyến luyến trong cảnh chia tay mỗi khác. Tôi không có đủ chữ nghĩa để diễn ta những cảnh chia ly đầy nước mắt như thế. Anh cô dâu sụt sùi một chốc rồi lấy khí thế như một ông anh đi đến vỗ vai chú rể: "Mày thương nó giùm tao, nó là đứa em tao thương nhất". Chỉ một lát thôi anh cô dâu lại ngấn lệ. Mẹ cô dâu thì không đủ can đảm ra chia tay với con và khóc sau vườn. Khóc cho đã rồi khi máy trên ghe nổ thì chạy ra bờ kênh ôm con khóc thảm thiết: "Mày nhớ về thăm tao luôn." Cô dâu thì luôn khóc từ đầu đến cuối, cô cũng khóc với mẹ: "Má ơi má, má đừng khóc nữa. Má khóc là con khóc."
    Sau cái "phần khóc" phải có lúc chia tay thì đoàn nhà trai dông về. Tôi lúc này ngồi ở chiếc võ lãi sau cô dâu và chú rể. Tôi hỏi đồ trang điểm đâu rồi để cô dâu chấm lại ít phấn trên mặt. Tôi đưa cái khăn mùi xoa chưa dùng cho cổ và bảo chú rể hứng sóng nước bên hông chiếc võ lãi mà giặt khăn ướt đẫm nước mắt và cô dâu. Sau đó im lặng bao trùm. Ở vườn lúc đó chẳng có chú rể nào dám quàng vai cô dâu cho thêm sự gắn bó trước mặt mọi người (ngoài lúc chụp hình).
    Dọc đường tôi lại chiêm ngưỡng hai bên kênh Xà No. Nắng trưa chang chang làm tôi rả mồ hôi và có cảm giác khát. Tôi bắt đầu buồn ngủ vì tôi thức trắng đêm. Tôi nhìn lại chợ Mười Ngàn. Chợ vắng vẻ lắm chứ không như hồi khuya sớm. Chợ miệt vườn là vậy. Tôi không hình dung được thời chiến tranh người dân sống hai bên bờ như thế nào vì giữa hai làn đạn thì những viên đạn vô tình lắm, ngoài ra sự nghi ngờ và nghi kỵ thì nhiều người dân vô tội phải bị oan từ hai phía.
    Về đến nhà chú rể thì chụp ít tấm nữa rồi tôi đạp xe về. Khi về đến nhà thì tôi vội tắm và đi ngủ ngay. Đứa em tôi thì biết tôi không chụp hết 1 cuốn phim nên bỏ vào bao đen cắt đi và gói sẵn cho tôi để mai tôi đi sang hình.
    Thề là xong một dịp được đi phần lớn con kênh xán Xà No thẳng tắp.
    Sói Ráp
  5. soirrab

    soirrab Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/09/2002
    Bài viết:
    123
    Đã được thích:
    0
    Kênh xán Xà No
    [... tiếp theo ...]
    Rồi năm 1993, tình cờ đi thư viện tôi gặp một cô gái bé nhỏ. Điều này khiến tôi nhớ lại câu ca:
    Anh thấy em nhỏ xíu anh thương...
    Ôi những đêm... nhớ em buồn muốn khóc...
    Ngồi anh ca .... điệu lý qua cầu....
    Tôi không hiểu sao tôi bị thu hút một cách lạ kỳ. Như bị nam châm hút, tôi đến ngồi kế cạnh và cũng mở sách ra đọc. Cô bé học không được và luôn nhòm chừng tôi. Tôi thì cứ làm tĩnh ra đọc và đọc từ trang này qua trang khác một cách nhiệt tình. Bất chợt, tôi nhớ có nhiều hình phải cắt phim ra để đi giao cho kịp hẹn. Tôi quên khuấy tôi đang bị sét ái tình với cô bé và vội đem hình ra xem và sắp lại nhóm. Tôi tự nhiên và vô tình đưa vài tấm hình cảnh cho cô bé xem. Cô bé nhận ra là trường Đại Học Cần Thơ. Tôi ngạc nhiên cô bé là sinh viên năm đầu, vậy mà tôi cứ tưởng cô bé đang luyện thi đại học.
    Nhưng vì lý do cần kín đáu trong chuyện lựa hình (trong đó có mấy hình hơi "khiêu gợi" mà tôi chụp cho mấy cô trong phòng ký túc xá để gởi cho người yêu của mấy cổ) cho nên tôi phải chia tay cô bé. Một lát rồi cô bé đi về, tôi tình cờ biết và đến cửa sổ trông theo.
    Cô bé thì không đẹp nhưng dễ thương. Cô bé cột tóc đuôi gà và kiểu cột tóc này phù hợp với tính cách và vóc dáng làm tôi liên tưởng đến một đoạn của bài hát:
    Này cô bé có tóc đuôi gà ...
    Đạp xe trên phố, phố đông người qua
    Chờ anh với, sắp tới ngã tư rồi...
    Tôi đứng ở lầu hai thư viện (tại đại lộ Hòa Bình) trông theo dáng nho nhỏ của cô bé đang đạp chiếc xe mini vòng qua bồn phun nước và hòa lẫn dòng người qua bưu điện và thẳng tiến về hướng chợ Xuân Khánh.
    Từ đó tôi tìm em ở thư viện. Cả tôi và em đều "sôi nổi phút ban đầu" vì cả hai đều chưa có một mối tình nào cả. Tôi biết được em học sư phạm Toán khóa K1x. "Sư phạm Toán, dân Toán. Dân Toán thì logic dữ lắm.", tôi nhủ thầm và bắt đầu cảnh giác trong lời ăn tiếng nói.
    Trớ trêu thay, lúc này tôi cũng gần đi Mỹ mà chuyện này tôi giấu rất kỹ. Thế là tôi trở thành kẻ nói dốc bên em. Nói dốc cực kỳ ... dốc. Tôi biết rằng em sẽ phát hiện ra và mối quan hệ đang tốt đẹp có thể trở thành chuyện yêu đương sẽ bị phá bởi sự nói dốc của tôi. Tôi không đủ can đảm nói tôi sắp đi Mỹ.
    Sự dằn vặt, hy vọng, mặc cảm tội lỗi,... đều đang xen trong tâm trí tôi ngay tại cơ hội tôi có thể có một mối tình đầu tiên này. Tôi đành nhắm mắt buôn xuôi để tất cả đi đến kết quả: em phát hiện tôi nói dốc và chỉ toàn là dốc.
    Tôi hỏi nhà em ở đâu.
    Thì ra em ở rất gần kênh xán Xà No.
    Như một động lực thúc đẩy. Tôi sẽ thăm nhà em. Em kể rất mơ hồ là nhà em ở cuối con kênh Mười Sáu Ngàn gần Rạch Gòi và chỉ cần đến khu vực đó hỏi nhà em ai cũng biết. Chuyện thư từ thì ba em có mướn một hộp thư ở Vị Thanh vì trong vườn không có địa chỉ và người đưa thư không thể đạp xe hay đi xe vào khu vực em.
    Tôi thì hiểu miệt vườn cho nên không có một mảy may nào thắc mắc.
    Sau 6 tuần quen biết và chủ yếu gặp nhau ở thư viện thì em về nhà ít ngày. Nhân cơ hội đó tôi sẽ làm một sự bất ngờ là thăm em ngay ngày sau khi em về.
    Đây là chuyến thứ hai tôi đi dọc theo kênh xán Xà No. Chuyến này tôi đạp xe theo bờ Đông. Chuyến thứ nhất đi đò nhưng chuyến này đi trên cạn.
    Lúc này là lúc gần Tết.
    Từ Cần Thơ đến Cái Răng, tôi đạp xe theo quốc lộ 1 hướng về Phụng Hiệp. Đến ngã rẽ xuống Vị Thanh thì tôi rẻ theo. Đi một đoạn bao nhiêu cây số tôi quên rồi thì tôi hỏi đường và rẻ xuống chợ Một Ngàn. Đường đi xuống chợ Một Ngàn thì đá lởm chởm và nhỏ. Con kênh nhỏ bên hông đường có đoạn lở và xâm phạm vào con đường để cho cây dừa trơ rễ ra hoặc cây còng muốn ngã xuống kênh. Tôi thấy nhiều heo, gà, vịt thả rông chạy lông nhông. Mấy con heo mọi Việt Nam (giống heo đặc biệt thuần Việt Nam, nhỏ con, dễ nuôi) thì chẳng có ai cột nó hay bỏ nó vào chuồng vì nó khôn như chó. Nó luôn luôn quanh quẩn xung quanh nhà. Cái tội của nó là hay ủi đất kiếm côn trùng ăn. Nó ủi thì gây xáo trộn một số khu vực vườn. Gà thì chẳng kém vì nó hay bươi. Gà bươi vô tội và và nhiều khi bươi chỗ đang ươm cây mới tức chớ. Vị xiêm thì hiền nhất và cũng luôn quanh quẩn quanh nhà.
    Khi gần kênh Xà No thì có một ngôi trường xơ xác và nghèo nàn cấp II & III. Tôi bất giác ngừng xe lại và nhìn một lát. Vài bóng áo dài trong trường là tôi nhớ quảng đời đi học cấp III.
    Chợ Một Ngàn là chợ nằm sát kênh Một Ngàn mà tôi mới vừa đi dọc theo. Chợ một Ngàn cách cửa kênh Xà No, nơi bắt đầu con kênh mà đó được đào từ sông Cần Thơ, đúng 1000 mét.
    Chợ Một Ngàn như cái chợ làng nhưng khá hơn là họp hằng ngày. Chỉ vài cái sạp có mái che, gần đó có Ủy ban xã và đồn công an. Lúc tôi đi ngang có rác chợ, là dấu tích của chợ sáng sớm. Một vài cửa hàng và quầy hàng tạp hóa còn mở để phục vụ cho bà con xung quanh. Hàng quán ăn uống thì chỉ vài cái, dịch vụ như may thì cũng có vài hiệu, dịch vụ khác như sửa máy đuôi tôm và sạc bình điện chỉ có một. Như vậy chợ Một Ngàn không đến nổi tồi. Từ đó tôi thẳng tiến về Vị Thanh vì dọc theo kênh Xa No hai bên đều có đường dễ đi xe đạp. Bên bờ Đông thì đường rộng hơn thỉnh thoản có xe gắn máy.
    Nhà cửa bên bờ Đông nhiều hơn bờ Tây. Các cầu bắt qua mương, kênh đều là cầu ván hay cầu đúc. Tuy nhỏ như cũng dễ đi.
    Bên bờ Tây thì cầu khỉ bằng tre nhiều hơn vì đó không phải là trục giao thông chính như bên này. Mà dọc đường đi tôi thấy rất nhiều khiến tôi nhớ lại vài câu hát về miền quê miền Bắc mà tôi không thuộc lời:
    Làng tôi ... nghe đu đưa mấy nhịp cầu tre
    Làng bên .... băng qua sông ....
    ....
    Dân trong làng ra nghỉ trưa hè
    ....
    Hỏi rằng .. ai nâng niu mấy nhịp cầu tre
    ....
    Khen ai bắt nhịp cầu tre
    Cho chàng là chàng về bên ấy
    Thương em là em bên này ...

    Các chợ nhỏ như chợ Một Ngàn xuất hiện đầu các con kênh có chữ cuối là "Ngàn" (Hai Ngàn, Ba Ngàn, Bốn Ngàn, ....) không có đều vì hàng quán nhỏ xíu và hàng tạp quá bé tẹo có rai lai dọc đường đi.
    Tôi tự nhiên có ý tưởng di chụp hình dạo Tết dọc theo con kênh này. Rõ ràng dân cư đông đúc thì chắc chắc có ăn cho dù có nhiều thợ chụp hình. Tôi tự nhiên hơi ngông bèn đeo máy chụp hình xem có ai gọi mình hoặc hỏi thăm.
    Đi một đoạn vậy mà có người gọi. Tôi nói tôi ở Cần Thơ và muốn xem khu vực này làm ăn được hay không và hôm đó đi dạo thử. Thế là ai cũng làm advisors cho tôi và tôi nghe nhiều ý trái ngược nhau nghe mắc cười nhưng phải nhịn cười. Hỏi là hỏi vậy chứ không có ai chụp hình; nếu có chụp chắc tôi từ chối vì tôi phải thăm em trước.
    Tôi thấy khát thì dừng chân ở một quán nhỏ ven đường và ven kênh. Tôi nhớ lại lần đi chụp hình đám cưới ở Quả Lựu. Lần đó thật là mệt nhọc nhưng thú vị vì biết thêm một vùng sông nước nổi tiếng. Tôi bảo họ làm cho tôi một bình trà nóng ngon và một ly đậu nành bột nóng ít đường. Để chắc ăn, tôi trả thêm tiền cái bình trà để được trà tốt.
    Tôi hỏi thăm chị chủ quán và đề tài vẫn là chuyện chụp hình. Chị khoe cho tôi nhiều hình.
    Ở cái xứ miệt vườn con gái tiêu tiền kỳ cục lắm. Nhiều khi cầm trăm ngàn không biết sắm gì ngoài áo quần và trang sức thì bỏ vào hình. Lắm lúc tôi đi chụp hình mà rất ngại cho mấy cô chụp quá 5 tấm hình. Vì ngại giùm cho nên tôi lúc nào chụp hình cũng chỉ bằng 1/3 - 1/2 so với các thợ đi chụp hình dạo khác.
    Tôi mở lời là chị là người mở hàng cho tôi Tết này nếu tôi vào đây chụp dạo. Chị vui vẻ nhận lời vì nhiều khi làm người mở hàng là điều vinh dự hay vui vui của xứ miệt vườn này. Không ngờ tôi cũng đã bắt đầu ba xạo. Sau khi tôi trả tiền tất cả thì đi tiếp theo nhịp đập của con tim tôi.
    Sói Ráp
  6. soirrab

    soirrab Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/09/2002
    Bài viết:
    123
    Đã được thích:
    0
    Kênh xán Xà No
    [... tiếp theo ...]
    Ghe xuồng hai không đến nổi vắng vẻ trên kênh Xà No, lâu lâu vài chiếc vỏ lãi (còn gọi là tác ráng) chạy bạt mạng tung sóng và sóng đánh vào bờ kêu rào rào. Hồi còn nhỏ, tôi thường trông có ghe xuồng gắn máy chạy ngang để xem sóng nó đánh và bờ thoai thoải mà từ đó tưởng tượng một bãi biển xinh đẹp mà tôi chỉ có thấy trên hình hoặc tivi. Ghe xuồng tuy buổi trưa ít nhưng không bao giờ vắng thì chứng tỏ dân cư rất đông đúc sâu hai bên bờ kênh. Chắc đâu đây sẽ có những vườn cam, vườn nhãn, vườn sa bô chê,... mà tôi khó lòng thấy khhi đạp xe trên đường.
    Điều tôi thắc mắc sao nước cứ lình bình và ở mức cao mãi. Con sông Bình Thuỷ mà nhà tôi đối mặt và tôi tắm hằng ngày cho dù là dịp cận Tết nhưng vẫn ngày này lên xuống gần 2 lần (không đều nhau và không đúng giờ vì theo con trăng). Mức chênh lệch nước lớn và nước ròng khoảng 1-2 mét vào dịp Tết và lúc có trăng và không trăng khoảng 0.5-1 mét. Tôi không thấy mực nước chênh lệch bao nhiêu kể từ tôi thấy chợ Một Ngàn và bắt đầu dọc theo kênh. Tôi nhớ lúc đi chụp hình đám cưới là đi đến nước đang lên và đi về nước đang ròng và thấy mực nước chênh lệch rõ lắm. Sự thắc mắc đó nhanh chóng qua đi.
    Dọc theo kênh đa số các cầu bắt qua kênh mang tên Hai Ngàn, Ba Ngàn, Năm Ngàn,.... là cầu đúc. Vì các con kênh này là kênh phụ nhưng khá lớn (bề ngang khoảng 4-15 mét) do đó cũng là đường thuỷ chính cho các nhà sâu trong các con kên đó. Vì là trục đường thuỷ chính cho nên các cầu bắt rất cao để ghe xuồng có thể qua lọt. Vì rất cao cho nên rất dốc. Thường tôi không thể nào đạp xe lên cầu này nếu không lấy chớn từ xa. Nếu lấy chớn từ xa mà gần đến cầu gặp trở ngại (như con nít, bà già,...) thì chỉ có nước đâm đầu xuống kên, mà đâu đầu xuống kênh quanh cầu thì rất nguy hiểm vì có thể có nhiều cọc ngầm. Chính vì vậy tôi phải dắt bộ lên cầu và thường từ trên cầu thả dốc xuống. Tôi khoái thả dốc vì tốc độ cao và không cần đạp xe. Cho nên dọc đường tôi đi tôi có chút cảm hứng.
    Các con kênh nhỏ hơn thì cũng có cầu đàng hoàng và tuỳ từng vùng mà cầu đó là cầu ván hay là cầu đúc.
    Rồi tôi cũng băng qua chợ Mười Ngàn ở đầu kênh Mười Ngàn. Điều đó tôi đã đạp xe dọc theo kênh 9 cây số rồ. Tôi đã qua hơn 2 chục chiếc cầu lớn nhỏ và đã thấy biết bao nhà cửa và người ta. Chợ Mười Ngàn rõ ràng một ngôi chợ. Tuy chợ khuya đã tan từ lâu nhưng phần còn lại còn buôn bán. Thịt cá cũng còn bán, có mấy quầy bánh mì (ở chợ nhỏ hơn thì mấy quầy bánh mì dẹp sớm sau 8-9 giờ sáng) còn ít ổ. Các hàng tạp hoá và vải có vài chục tổng cộng. Tôi dừng xe lại và đi ngang quan sát kỹ. Do thói quen thì tôi soi xét thấy có tiệm chụp hình và quay video. Tôi chắc chắn rằng tiệm chụp hình đó không có máy rửa (hồi đó máy rửa ảnh màu chỉ có ở Cần Thơ và vài thị trấn lớn) và họ phải lên Cần Thơ rửa hình.
    Càng gần Vị Thanh thì mọi thứ càng khác hơn. Ví dụ đường thì rộng, nhà của xây cất nhiều và san sát hơn. Thay vì nhà cách nhau trung bình 15 mét thì cách nhau trung bình 5 mét. Lâu lâu nghe tiếng nổ xe gắng máy và tiếng ghe xuồng máy nhiều hơn.
    Đến kênh Mười Sáu Ngàn thì tôi dừng lại và cầu bắt qua kên Mười Sáu Ngàn là cầu sắt. Cầu sắt cũng đúng thôi vì nơi đây cách Vị Thanh khoảng 10-14 km nữa.
    Tôi rẽ trái và dắt bộ vì con đường đi nhỏ và là đường men theo kênh Mười Sáu Ngàn và ruộng. Đi một quảng thì tôi bị bế tắt vì đường ngập nước và các cây cầu khỉ khó đi đều bị ngập nước dưới chân hoặc không có cầu. Tôi nhìn sang bên bờ khác không khá gì hơn. Tôi quan sát nhà cửa thì thấy quá thưa.
    Vậy thì nhà em đâu? Và làm sao đi sâu vào? Tôi chờ và chờ xem thử có người qua không thì hoàn toàn không thấy. Tiến không được thì đành phải chờ người hỏi và tìm cách băng qua những cánh đồng và đường đi ngập trong nước. Có chiếc xuồng đi ngang thì tôi hỏi nhà ông XX (tên ba của em) thì họ nói "ở trỏng" rồi chèo tiếp. Điều này tôi nghĩ đến chuyện quá giang xuồng.
    Tôi trở lại cây cầu sắt đầu kênh Mười Sáu Ngàn. Tôi nghĩ ngợi cách nào đi vào nhà em. Tôi nghĩ ra một kế. Tôi bèn lên cầu dựng xe và ngồi trên lang cang buông thỏng chân xuống nhìn mây nước. Tôi cứ ngồi lì và lì để xem chiếc xuồng nào chú ý đến tôi không. Một chiếc, hai chiếc, rồi... 3 chiếc. Chiếc thứ tư là một cô gái trạc tuổi tôi (trong vườn thì chắc chắn nhìn già hơn tôi) dừng lại sau khi qua khỏi cầu khoảng 10 mét.
    - Anh ở đó chờ ai vậy? - Cô gái hỏi.
    - Tui chờ xuồng quá giang! - Tôi trả lời thẳng.
    - Anh tính quá giang đến đâu.
    - Tui muốn đến nhà ông XX. Tui mới đến đây lần đầu tiên. - Tôi trả lời thẳng.
    Cô gái quay xuồng lại. Tôi chỉ chiếc xe đạp. Cô gái bảo tôi gởi xe ngoài này. Tôi gởi ngay vì trong vườn gởi tự nhiên dù là lạ hay là quen và họ thật thà lắm. Tôi chẳng cần khoá xe mà hoàn toàn tinh tưởng.
    Cô gái chèo và chèo. Tôi thấy hai bên đường bị đứt khoảng bởi nước dâng cao. Lâu lâu có cầu khỉ mà các cầu khỉ đều bị hư hỏng. Tôi chợt rùng mình. Phải rùng mình thôi vì xuồng đi khá xa rồi thì ai chở cho tôi ra nếu tôi không tìm gặp em. Thôi thì nhắm mắt liều vì tôi chưa bao giờ fail khi tìm nhà con gái ở trong vườn.
    [... Tôi nhớ có bận một em nói ở Long Hồ - Vĩnh Long. Tôi đạp xe đi đến Long Hồ rồi hỏi thăm khắp chợ thì không gặp em. Rồi tôi đành đi về. Khi sắp lên cầu Long Hồ cao cao thì tôi bị trợt vỏ chuối và té xuống, rất may tôi bám được lề và từ tự hạ xống đường hẻm (cầu có dốc cao nhưng hai bên dốc có đường hẻm men theo). Chiếc xe thì rớt xuống hẻm nhưng không có gì hư hại. Mà may thay, tôi rớt xuống ngay trước mặt nhà người bạn của em. Người ta biết tui té và xanh mặt nên hỏi thăm. Ai ngờ nhà em ở Cái Nhum, cũng thuộc huyện Long Hồ. Từ đó đến Cái Nhum 23 km đường cực kỳ xấu. Lúc đó tôi liều tôi cũng đi nhưng không có em ở nhà (quê độ)....]
    Cuối cùng xuồng tấp gần nhà em. Tôi hỏi và đi đến trước mặt nhà. Tôi hỏi có em ở nhà không. Em xuất hiện cười quá chừng và vội trốn giấu gương mặt đang đỏ. Tôi bối rối vô cung vì đang đứng trước nhà chẳng có ai tiếp. Lát sau ba của em tiếp và mời tôi ngồi. Đợi một lát nữa em mới đi ra và cũng cười. Em nói: "Ai biểu anh vào đây?" Cái câu hỏi đó tự nhiên trở thành câu hỏi hóc búa. Tôi đành phải trả lời chung chung: "Anh vào thăm em cho biết nhà." Em tiếp tục cười và vẫn còn quá ngạc nhiên.
    Cả ba điều thấy khó nói vì tôi khi không đi vào không có lý do, em thì tự nhiên thấy tôi xuất hiện, ba của em thì nghĩ mới học có một mùa mà em đã dẫn trai về. Tôi cảm thấy hối hận vô cùng vì tôi đến không đúng lúc đúng thì. Khi không tôi lại đến và không suy nghĩ kỹ trước khi đi.
    Sói Ráp
  7. soirrab

    soirrab Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/09/2002
    Bài viết:
    123
    Đã được thích:
    0
    Kênh xán Xà No
    [... tiếp theo ...]
    Sau đó ba của em đi. Tôi và em nói chuyện hồi lâu thì em xuống bếp. Em xuống bếp rồi má em lên nói chuyện tiếp. Tôi rất ái ngại đủ điều. Sau đó là ăn cơm trưa. Chỉ có em và tôi ngồi bàn bên hông nhà mà em không chịu ăn. Tôi đói quá đành ăn tự nhiên.
    Tôi đem thắc mắc là tại sao cả nửa ngày rồi mực nước vẫn như vậy. Em nói không biết nhưng lúc gần Tết và qua Tết thì mực nước vùng này y như vậy suốt 3-4 tháng và ruộng đồng thì ngập hết.
    Lạ nhỉ, ở vùng tôi ở thì mùa này gọi là mùa cạn, còn mùa mưa thì mùa nước nổi. Tôi không hiểu nhưng tìm ra nguyên nhân có lẽ không khó khăn gì mấy.
    Ăn cơm xong em cho uống nước dừa. Hễ vừa mới xong nữa ly thì em châm vào cho đầy. Thấy đầy không chịu uống thì uống vơi, uống vơi rồi thì em châm thêm cho đầy. Cứ thế tôi uống hết 3 trái dừa hồi nào không hay.
    Đề tài nói chuyện chuyển sang miệt vườn và sông nước. Cuộc sống miệt này có nhiều lãng mạn như đặt lợp, đặt lờ, bắt cá, trồng lúa, gặt lúa, hò hát,... Em kể những lúc gặt lúa xong thì bọn trẻ chơ đá banh, bắt dế,... xem cải lương, xem chiếu phim,... Mùa lúa thường có mưa cho nên những lúc đi học phải bỏ học nữa chừng hối hả về gom lúa khi trời chuyển. Thế là em kể và kể. Để chứng minh và cho thấy ruộng lúa của nhà em, em nói để bơi xuồng cho tôi biết. Rất tiếc ba em đã lấy xuồng đi bắt cá sặc. Rồi đề tài câu chuyện qua cá sặc. Cá sặc khô, mắm cá sặc, lờ đặt bắt cá sặc,...
    Tôi vẫn nghĩ về mực nước ở vùng này tại sao không thay đổi bao nhiêu suốt mấy tháng.
    Cuối cùng tôi tự tìm ra câu trả lời. Lúc gần Tết là mùa khô. Mùa khô thì mực nước chênh lệch của nước lớn và nước ròng ít. Khi các sông Hậu nước lớn thì nước chảy vào sông Cần Thơ rồi chảy vào kênh xán Xà No và từ kênh này vào đồng ruộng. Khi nước ròng thì ngược lại nhưng do mực nước ròng không thấp hơn mực nước lớn không nhiều cho nên khi mực nước trong kênh Xà No vừa xuống một tí thì nước lại lên. Cứ thế kênh xán Xà No luôn ứ nước. Vì vùng em ở là vùng giữa kênh xán Xà No cho nên cần thời gian để nước chảy ra đầu Vàm vào dịp nước ròng. Nhưng từ chổ em đến đầu vàm Cần Thơ khoảng 16-18 km hoặc về phía bờ biển Kiên Giang khoảng 20-25 km. Đây là khoảng cách dài của một con kênh không lớn lắm cho nên nó không thể chứa hết lượng nước trong ruộng đổ ra khi nước ròng và bị ứ nước. Hơn nữa, mực nước ròng mùa này thường cao hơn mực nước ròng mùa mưa cho nên hiện tượng ứ nước phải xảy ra.
    Sau đó ba em về, tôi thấy chiều rồi cho nên không đi ra ruộng bắt cá sặc với em. Tôi thì không ngại về việc chèo chống vì tôi chèo và chống không thua gì ai. Điều tôi sợ nhất là đỉa. Em nói do nước ngập lâu cho nên đỉa nhiều lắm. Đỉa, rắn, muỗi,... rất nhiều trong mùa này. Đỉa còn lan ra tới tận kênh Xà No. Khi đi ra đồng bắt cá thì ai cũng phải mang theo vôi hoặc nước thuốc lào để khi đỉa bám thì rắc vôi hoặc nhỏ nước thuốc lào để đỉa không bám.
    Em dùng máy nổ chạy thuyền chở tôi về. Khi ra gần tới kênh Xà No thì em nói lúc này thường xảy ra tai nạn ghe tàu và chìm khá nhiều chiếc. Cũng dể hiểu thôi. Vì cư dân ở đây quen đi thuyền chèo và khi từ kênh này băng qua kênh kia không cần nhòm chừng ai ở các ngã tư ngã ba. Nếu có thấy sắp đụng nhau thì thắng lại rất dễ. Bây giờ tác ráng tốc độ cao chạy khá nhiều. Vận tốc của tác ráng có thể lên đến 50 km/h. Khi đến các ngã ba ngã tư thì đâu có ai giảm tốc như trong thành phố. Hễ tác ráng trong kênh này đâm ra, và kênh kia chạy tới thì tai nạn ắt có phải xảy ra. Do đó dân lái tác ráng phải nghe tiếng máy giỏi khi gần đến ngã ba hoặc ngả tư. Nếu gặp thuyền chèo thì thuyền chèo tránh dễ hơn thuyền máy. Nói chung do thói quen miền sông nước và miệt vườn cho nên chưa có ai quen với tốc độc giao thông cao và nhặt.
    Tôi buồn bả nhìn em. Tôi biết em sẽ biết tất cả sự nói dốc của tôi từ khi gặp em đến giờ. Không bao lâu nữa thì em sẽ biết. Em tấp xuồng cho tôi lên bờ. Tôi lấy xe đạp và cảm ơn rối rít. Từ đó tôi dông thẳng về nhà và không còn quan sát gì thêm. Ngày đó tôi đã đạp xe hơn 45 km.
    Hai tuần sau, tôi và em là hai người xa lạ.
    Tạm biệt kênh xán Xà No! Hẹn gặp lại với những cơ hội khác!
    [... hết ...]
    HAI LÚA
    Sói Ráp
  8. soirrab

    soirrab Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/09/2002
    Bài viết:
    123
    Đã được thích:
    0
    Làng hoa Long Hòa
    Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thì làng hoa Sa Đéc được biết tiếng vì cả một vùng trồng hoa kiểng cung cấp cho nhiều tỉnh. Khi Tết đến thì làng hoa Sa Đéc cung cấp 30% nhu cầu hoa kiểng cho cả vùng Sài Gòn và 50% nhu cầu hoa kiểng cho các tỉnh lân cận.
    Ở Cần Thơ cũng có một làng hoa như thế nhưng nhỏ hơn và ít ai biết đến.
    Làng hoa Long Hòa thuộc địa phận xã Long Hòa và hoàn toàn khuất bóng và biệt lập khỏi vùng đô thị bở các con rạch.
    Tôi nhớ hồi học cấp III thì ba tôi cùng một số thầy cô ưa đi cảnh lạ thăm 3 lần vào các dịp cận Tết.
    Thật ra chẳng ai biết chổ đó cả cho dù lúc cận Tết tôi thấy mỗi ngày hàng trăm lượt xuồng chở hoa kiểng đi ngang trước mặt nhà. Chúng tôi chỉ biết là "hoa trồng ở trong vườn đem ra bán". Đơn giản quá đi mà.
    Nhưng tình cờ có một người cũng khá văn nghệ trong làng hoa đó rủ có dịp thăm làng hoa.
    Chuyến thăm lần đầu tiên thì khá vui và đông vì đa số là thầy cô và học sinh. Vài người mang sổ ghi chép và 2 máy chụp hình (lúc đó hình đen trắng), Cả đoàn mang theo thức ăn vào gom tiền lại cho người dẫn đường nhờ nhà nào đó làm gà ăn.
    Đoàn đi thăm làm ngạc nhiên cả làng.
    Nói là "làng" thì không đúng nhưng đó là những hộ trồng hoa dọc theo con kênh dài cả 2 km. Đa số họ làm lúa nhưng còn nhiều vườn xung quanh nhà nên trồng kiểng và hoa cho dịp Tết. Kiểng thì trồng quanh năm nhưng hoa thì chỉ trồng cho dịp rằm (vạn thọ, huệ,...) và đặc biệt cho dịp Tết.
    Khi đến cật Tết thì trúc được chở dần đến làng và từ đó họ chẻ ra thành nan dài để đan thành sọt. Người trồng tự đang hay mua lại sọt rồi dùng lá dừa nước chấn quanh sọt phía trong cho kín rồi đổ đất và phân vào để ươm trồng hay chuyển cây hoa vào. Sau ít tuần hoặc ít ngày thì hoa sẵn sàng cho dịp Tết. Các mối lái hoa đi từng nhà chất hoa lên xuồng rồi đi bán cho các chợ trong Cần Thơ và xa hơn.
    Đoàn đi đến đâu đều được cho vào thăm và xem hoa. Nhưng đoàn chỉ thăm một số nhà quen với người dẫn đường mà thôi.
    Thật ra xem hoa trong làng hoa không thể bằng xem hoa ở chợ vì hoa ở đây chưa có nở hết và .... loãng giữa màu xanh lá cây của vườn tược. Nhưng đi du khảo như vậy biết được cái cộng đồng trồng hoa và sự việc trồng hoa khi đó mới thấy được những chậu hoa đẹp mà chúng ta mua để chưng mấy ngày Tết đã qua nhiều bàn tay của những người nông dân khéo tay và khéo trồng. Hơn nữa chuyến đi giữa một khu vực trong xanh, mướt mượt, và sạch sẽ cũng khiến cho tâm hồn của như gội bớt những gây căng thẳng của đời sống thành thị. Sự trao đổi thân tình của người trồng hoa và người xem hoa tăng thêm sự hiểu biết, trong sáng, tiếng cười, thông cảm,... để rồi mỗi người đều mang những hân hoan và điều mới lạ.
    Những cây kiểng được đặt riêng không bán chung chung đâu đó xuất hiện làm ai cũng phải khen vì những con gấu, con nai, ông Bụt,... được các bàn tay khéo léo đang các cành lá với nhau ra những hình thù nhất định trông rất mỹ thuật và độc đáo. Những cây mai kiểng cằn cỗi được thu nhỏ lại nằm trong chậu kiểng khiến ai cũng nghĩ già mà mạnh, mà thanh, mà thoát,... Những cây sứ Thái Lan nổi lên bộ rễ một cách khéo léo lột tả được sức sống mạnh mẽ và sự vươn dậy trên một sự căn bản nào đó và trên cùng là những ngọn lá và hoa để thêm sắc cho sức mạnh đó để âm và dương hay tính nam và tính nữ được cân bằng.
    Những sự độc đáo của cây kiểng đều có thể tìm thấy trong làng hoa này mà nó đuợc xong chỉ vào dịp này. Nếu tay nhà giàu nào đó lĩnh một hay vài chậu kiểng đi thì phải ít năm sau mới đuợc tạo lại gần như vậy vì bất cứ công trình nghệ thuật cây kiểng nào cũng phải cần nhiều năm với sự chăm chút hằng ngày của các nghệ nhân trồng kiểng
    Hoa thì cho màu sắc tươi vui và trẻ trung; cây kiểng thì làm thời gian lắng đọng và sự trường tồn. Bạn có tin như thế không? Xin hãy một lần ghe thăm một làng hoa nào đó như là làng hoa Long Hòa ở Cần Thơ.
    Đã hơn 10 năm qua, tôi chưa có dịp thăm lại làng hoa Long Hòa. Không biết nơi đó còn xanh rì với những mái ngói mái lá thấp thấp không? Hay là trào lưu đô thị hóa tràn về làng hoa đó? Lúc đó chỉ có tiếng chèo khua trên con rạch dọc theo làng và tiếng xì xào của các ngọn lá dừa khi gió thổi qua. Nay thì VCD, VHS và Dream làm ồn ào một làng hoa hết sức yên tĩnh chăng?
    Chẳng có cái gì của con người trên thế gian này trường tồn! Chỉ có những màu sắc và sự sống của hoa kiểng là trường tồn chăng?
    HL

    Sói Ráp
  9. soirrab

    soirrab Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/09/2002
    Bài viết:
    123
    Đã được thích:
    0
    Sông Bình Thuỷ (Long Tuyền)
    Dòng sông Bình Thuỷ đã mang một tên rất đẹp rồi vậy mà còn được đặt thêm tên đẹp khác là Long Tuyền. Nếu nhớ lại những con sông khác thì tôi thấy nó đẹp thật.
    Tại sao mang tên Bình Thuỷ và Long Tuyền? Tôi hoàn toàn không nhớ rõ một chi tiết nào.
    Hồi tôi học lớp 9 và lớp 10, có ông tên là Nguyễn Tài Năng (nay đã quá cố) thường hay làm thơ và viết lách cho vui (hiếm khi gởi đăng báo vì ông ta không thích) bỗng nhiên ông chuyển qua nghiên cứu lịch sử và nhân văn về dòng sông Bình Thuỷ để dành cho con cháu mai sau biết. Ông ta thường ghé nhà tôi vì ba tôi chịu nghe ông ta nói. Ông ta cần người nghe công trình nghiên cứu trong lúc ai khác cũng bảo ông ta khùng khùng.
    Tôi thì lúc đó phải đối phó với nhiều kỳ thi cho nên tôi không đọc những gì ông ta viết. Tôi nhớ mang máng là tên Bình Thuỷ do một vị quan triều Nguyễn (có tên tuổi, chức phẩm nhưng tôi quên) đi kinh lược ngang qua Cần Thơ trên sông Hậu thì bị sóng to gió lớn. Ông phải tấp vào dòng sông nhỏ hơn và thấy thật yên bình và đặt tên cho dòng sông là Bình Thuỷ.
    Long Tuyền (Suối Rồng) thì có lẽ do dòng sông uốn lượn đẹp và có điểm giống con Rồng. Đầu vàm (nối với sông Hậu) là miệng, Ngã Tư Lớn là hai chân trước, Ngã Tư Bé là hai chân sau, cồn Cái Khế là hạt châu,... Vậy thì đúng là Rồng rồi. Long Tuyền là tên thơ mộng của dòng sông Bình Thuỷ do người dân đặt ra.
    Cũng theo ông Nguyễn Tài Năng thì dọc theo sông có quá nhiều chứng tích của địa nhân linh kiệt. Đầu vàm thì hai bên bờ có hai di tích là đình Bình Thuỷ và chùa Nam Nhã. Sau đó dần vào trong là có nhiều nhà cổ như Vườn Lan, nhà xây thời Pháp, dinh thự, chùa chiền,... và xưa kia nơi đây cũng có một Tao Đàn (Tao Đàn Bà Đồ???) mà một thời các văn nhân và học sĩ lui tới nhiều làm thơ bình văn (thời ông Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa). Qua đó thì thấy đất dọc theo sông Bình Thuỷ là đất hiền cho nên dù thời nào ai cũng thích xây dựng lớn (so với hồi đó) cho chuyện riêng. Riêng về nhà địa chủ thì vết tích còn khoảng 10 nhà. Đó là vật chất, còn con người thì tôi không thể nhớ nhưng trong công trình của ông NTN thì có rất nhiều người dọc theo dòng sông này đã thành đạt và có danh tiếng.
    Trong ký ức của những người dân sống ở đây, qua nhiều thế hệ thì dải đất dọc theo sông Bình Thuỷ không hề ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh. Có những lần Pháp pháo binh để phá hoại nhưng đạn đều rớt xuống dòng sông. Có những huyền thoại thêu dệt rất dễ thương và nhẹ nhàng như tiên trên sông, ma trên thuyền, tướng duyệt quân,... rồi những câu chuyện có vẻ lêu trai chí dị khi những đêm trăng sáng các con đò xuôi dòng với những câu hò quyến rũ,... Hàng đống đã được ông NTN sưu tập.
    Công trình nghiên cứu đó giờ đây có được con cháu lưu giữ hay không? Thời gian tôi học cấp III có nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu, những cán bộ văn hoá,... thường hay liên lạc với ông khi có những vấn đề cần làm cho rõ tận tường nếu liên quan đến dòng sông. Có lẽ con cháu cho rằng ông "khùng khùng" rồi khi ông qua đời thì số tài liệu ông thu thập sẽ lãng đãng đi vào bếp lò. Cũng có khi con cháu muốn lưu giữ lại tất cả như là những kỷ vật của ông để ông được toại nguyện dù ở chín suối hay ở địa ngục.
    Trở lại với riêng bản thân tôi.
    Sáng mở mắt ra thấy dòng sông, chiều lại tắm rửa với dòng sông, lâu lâu vui chơi với dòng sông,... khiến tôi lúc nào cũng có thể nhớ đến dòng sông.
    Cho dù là biết bơi do ba tôi tập nhưng tôi không dám chinh phục chiều ngang dòng sông. Chỉ có 100-130 mét chiều ngang nhưng tôi không đủ can đảm bơi từ bên bờ này sang bên bờ kia vì chuyện chết hụt năm xưa ám ảnh tôi. Nhiều lúc nhìn những đứa cùng trang lứa bơi qua bơi lại mà trong lòng muốn nổi máu. Rồi một ngày kia. Tôi cũng chinh phục nhưng có sự trợ giúp của em tôi bằng cách bơi xuồng bên cạnh. Từ bờ bên kia nhìn lại ngôi nhà thật là nhỏ bé và cảm thấy có phần lạc lõng chứ không như tôi tưởng tượng. Lần chinh phục thứ hai tôi dùng bè chuối chứ không dám bơi tay không như lần trước. Lần này tôi qua bên bờ kia chủ yếu lấy đất sét để về nắn đồ chơi.
    Tôi biết chèo và bơi xuồng (chèo là đứng và bơi hai cây chèo, bơi là ngồi và cầm một cây dầm, cây chèo dài hơn cây dầm) do có nhiều người gởi xuồng và ghe nhà tôi để đi chợ (giống như gởi xe để vào chợ). Tôi tự tập và chèo bơi không thua gì ai. Tôi cố gắng tập chèo bơi để có những lúc có sóng thì chèo giữa dòng và ngược sóng để sóng đập vào mũi xuồng hoặc ghe tung bọt lên và làm cho xuồng hoặc ghe nhồi lên nhồi xuống để có cảm giác thú vị.
    Nói về sóng thì vui lắm. Thường thì mùa gió Nồm nổi lên thì những lúc lước lớn (nước từ vàm chảy vào trong ngọn) thì dòng nước ngược với gió và sinh ra sóng nhỏ cao khoảng 30-50 cm và chiều dài khoảng 2 mét. Sóng loại này hiếm khi xảy ra và nó cũng khá an toàn mặc dù cũng có đầu sóng bạc lên vì sủi bọt. Hễ có dịp sóng (chỉ xảy ra trong 3 tháng, trong tháng chỉ có khoảng 4-7 ngày có, trong ngày chỉ có khoảng 3 giờ) thì nhiều người xóm chợ ôm phao, chuối, mớp,... thả theo dòng chảy và giữa dòng để thưởng thức sóng. Họ cứ thả theo dòng khoảng 1-2 km rồi lên bờ lội bộ về. Thật là thú vị. Dù không có gần biển để vui với những cơn sóng to hơn ở các bãi biển thì những cơn sóng ít khi xảy ra trên dòng sông Bình Thuỷ thì được bọn con nít và trẻ ham vui thưởng thức ngay.
    Dù sao có được chiếc thuyền riêng bao giờ cũng thú vị hơn là chờ người ta gởi ghe xuồng để ké. Những lúc người ta gởi thì không đúng vào dịp sóng xảy ra (thường lúc trưa và chiều, trong lúc người ta gởi chỉ buổi sáng). Thế là năm học đầu năm lớp 12 tôi lên bản thiết kế một con thuyền và tôi phải tự đóng lấy vì do nhà tôi không có tiền mua một chiếc xuồng nhỏ. Giữa năm lớp 12 tôi đã làm xong bộ khung. Sau đó việc thi gián đoạn và mãi 8 tháng sau tôi lại tiếp tục làm con thuyền theo như ước mơ.
    Con thuyền tôi làm không ai khác dám làm là làm khung rồi lợp tôn sắt lên và sơn lại. Do không biết tính toán thì con thuyền tôi làm rất là nặng cho dù bản thiết kế là khi bỏ xuống nước con thuyền được ghép lại hai mảnh độc lập. Theo dự trù là khi có vấn đề khẩn cấp thì con thuyền có thể xé ra hai miếng, nếu chìm một miếng thì con miếng kia. Khi kéo lên bờ thì có thể tháo ra thành hai miếng. Khi chỉ có 1-2 người đi thì có thể dùng miếng đầu như một chiếc thuyền nhỏ hơn. Lý tưởng quá nhưng thực tế là một thất bại. Thất bại thứ nhất là khi đem hai miếng xuống thì công việc ráp thành chiếc thuyền dài nguyên chiếc rất khó. Thất bại thứ hai là do thành cao cho nên thuyền rất dễ chênh vênh. Thất bại thức ba thuyền thiết kế cho 10 người du ngoạm nhưng chỉ có 6 người có thể ngồi. Dù sao chiếc thuyền cũng được hoàn thành và được sơn và trang trí rất đẹp và mang tên KYBYRY. Cách chèo thì tôi chọn cách chèo không giống ai: kiểu phương Tây, ngồi chèo ngược.
    Tôi và nó ngao du trên sông Bình Thuỷ hầu như mỗi ngày suốt nhiều tháng. Do nó dễ bị lật chìm cho nên ba tôi hạ thấp thành xuống. Sự hạ thấp này không ngờ làm thuyền vững hơn. Tôi rút ra một bài học từ đó. Tôi hay dùng nữa phần trước để một mình để chinh phục những cơn sóng giữa dòng sông khi có sóng lên vào mùa gió Nồm. Tôi thật sự khoái chí tung hoành sông nước suốt 4 năm. Tôi sẵn sàng bơi xuồng đua với bất kỳ ai dù là... đàn bà ham vui. Có thuyền, tôi hay thăm bạn bè dọc theo bờ sông Bình Thuỷ. Tôi muốn khoe và cũng muốn cho thoả lòng sông nước.
    Rồi chiếc thuyền của tôi cũng đến tuổi. Khung gỗ bị mục và chính tôi phá nó ra thành nhiều mảnh vụn.
    Tôi thích nhất là dòng sông Bình Thuỷ vào dịp Tết. Nước thì trong, triều lên triều xuống (nước lớn nước ròng) không chảy xiết, mặt sông luôn bình lặng.
    Hồi tôi còn nhỏ khoảng lớp 5-8 thì mỗi khi cơn nước ròng khoảng 3-5 giờ sáng thì tôi nghe trai gái hò nhau. Hò loại này gọi là hò xuôi dòng đi chợ. Họ có thể tình cờ gặp nhau ở xa cách chợ Bình Thuỷ khoảng 4-7 km. Tình cờ hai tiếng hò gặp nhau và cứ thế họ hò đối đáp qua lại cho đến khi gần chợ. Do đêm đen cho nên chẳng ai thấy mặt ai, họ hò khá "cởi mở" Ví dụ đại khái là: "...Lúa hai bờ đen lay láy.... hò..... ơ...... giữa dòng là ghềnh thác thì làm sao anh thăm em..... hò.....ơ......"
    Nghe hò là một cái thú. Nhiều ông già hay thức sớm ra bờ sông ngồi vào đúng con nước (không phải ngày nào cũng có con nước vào đúng 3-5 giờ) để nghe hò cho dù những câu hò đi qua nhanh lắm.
    Ngoài ra còn có hò câu cá. Thường thì khi đêm khoảng 10-12 vào đúng con nước lặng (không phải tháng nào cũng có mà chỉ có một số tháng trong năm) thì một số thanh niên neo thuyền giữa dòng câu cá. Buồn quá thì hò lên bờ để xem có cô nào đối đáp không. Thường thì do thanh niên gần nhau cho nên không ai dám hò với những lời "cởi mở". Những câu hò đượm sắc tình tứ, thách đố nhẹ nhàng và có khi huyền bí.
    Khi tôi lên lớp 11 và về sau thì những câu hò hiếm khi xảy ra. Sau này người ta đi chợ hay bị tiếng xuồng máy phá yên tĩnh thì làm sao có sự kỳ bí và quyến rũ trong việc hò đối đáp với nhau.
    Có những cái đẹp không bao giờ trở lại với dòng sông. Cuộc sống mới và sự tăng trưởng dân số đã làm cho dòng sông thơ mộng thành dòng sông thành thị. Khi tôi về tôi rất mong nghe tiếng hò đêm khuya hoặc sáng sớm, nhưng đáp lại là những tiếng máy nổ đì đùng của một nhịp sống mới với nhiều hàng hoá lưu chuyển hơn.
    Đâu rồi một dòng sông thơ mộng và những người dân hiền lành và thưa thớt???
    HL
    Sói Ráp
  10. soirrab

    soirrab Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/09/2002
    Bài viết:
    123
    Đã được thích:
    0
    Thả diều
    Lên như diều gặp gió
    (Tục ngữ)
    Chơi diều là một cái thú của trẻ em và cả người lớn ham vui. Chơi diều làm cho trẻ em có dịp ngồi và đi với nhau để cùng làm diều và rủ nhau thả diều.
    Tôi nhớ hồi nhỏ đâu có ai bán diều đâu, chỉ tự làm rồi đi thả diều. Bây giờ diều Trung Quốc bán đầy chợ ở Việt Nam cho nên thú làm diều ngày một mất đi (tuy vẫn còn đó). Nhớ lại hồi xưa mong được có ngày chạy nhảy trên đồng ruộng và cùng những đứa trẻ thả diều và trông những cánh diều ẻo lả và thanh mảnh tận trên bầu trời xanh -> vàng -> đỏ -> xám của cả một buổi chiều. Ngoài bầu trời đẹp, khung cảnh đồng quê thật là thoáng đạt và bao la bát ngát.
    Hồi đó Cần Thơ nói chung và Bình Thủy nói riêng có nhiều khu vực để thả diều. Thường là những đồng ruộng sau mùa gặt và đất đã khô.
    Mỗi năm chỉ có một dịp thả diều mà thôi, lúc đó gió thổi đều đều, trời không mưa, vụ lúa đã xong, đồng thời cũng sắp nghĩ hè. Dịp đó chỉ kéo dài khoảng 1 tháng.
    Trong dịp này mấy hàng tạp hóa bán dây nhựa các loại đủ màu sắc. Dây nhựa được chọn nhiều nhất là loại dây gồm 3 hoặc nhiều cọng nhựa nhỏ hơn bện lại với nhau. Những ai chơi diều thường dùng lon sữa bò, ống tre, một khúc gỗ (hay củi) tròn nào đó đi mua dây. Giá dây không đến nổi đắt đỏ nên ai cũng có thể mua được dễ dàng.
    Chất liệu làm diều khá đơn giản: giấy và nan tre. Nan tre được vót tròn khéo bằng ruột viết Bíc hoặc to hơn (tùy theo diều to hay nhỏ). Giấy thì giấy tập học sinh hay là giấy báo. Có người thay vì dùng giấy thì dùng ni-lon. Ni-lon thì khó làm diều hơn là giấy vì phải biết cách kết dính nan với ni-lon.
    Cách làm diều đơn giản nhất qua các bước sau:
    - vuốt hai nan tre dài khoảng 40-50 cm.
    - cắt một miếng giấy hình vuông khoảng 20 x 20 cm hoặc hơn.
    - cắt hai dải giấy có đầu nhọn dài khoảng 30-30 cm làm cánh hay tai, đầu to chỉ khoảng 2-3 cm.
    - cắt dãi và làm 2 dải giấy dài khoảng 200-300 cm để làm đuôi. Bề ngang khoảng 2-3 cm.
    - đặt miếng giấy hình vuông lên bàn; dùng một nan tre làm xương sống đúng bằng cạnh xéo của hình vuông; dùng giấy nhỏ dán xương sống đó vào giấy.
    - hai bên xương sống có hai đầu vuông, gấp hai bên lại một ít và bôi hồ vào.
    - dùng nan tre còn lại làm hình cung; bẻ hình cung cho khéo và hai đầu cung đó dán vào hai phần đã gấp ở trên; giữ phần gấp đó cho đến khi khô.
    - dùng các miếng giấy nhỏ dán lại nan hình cung vào miếng giấy vuông.
    - cột cọng dây phía dưới bụng vào xương sống và nối vào sợi dây dài để neo chiếc diều khi bay.
    - dán hai dải hai tai vào 2 đầu của nan hình cung.
    - dán hai dải đuôi vào phía đuôi.

    Thế là xong chiếc diều có thể thả.
    Tôi hồi nhỏ thuộc loại vụng tay cho nên không thể nào dán được cái nan hình cung. Cái nan đó hay bị bật ra trong lúc dán cho nên dán đi dán lại còn đâu là con diều. Thường thì tôi nhờ mấy đứa khác dán giùm cái nan cung và tôi phải làm giùm cái đuôi để đổi chác công việc.
    Cũng do vụng tay cho nên tôi chưa làm con diều bay lên. Con diều tôi thả bay cao chừng 10 mét rồi đâm đầu xuống đất một cách tức tưởi và banh chành con diều. Tôi cố và cố nhưng không khi nào thành công. Mấy anh lớn tuổi và thanh niên thì luôn xuýt xoa: "Kiểu này lớn lên nó lấy vợ, vợ nó chê chưa đánh trận thì đầu đã gục xuống". Tôi chẳng hiểu câu nói đó ý gì nhưng những thất bại liên tiếp trong mùa và những mùa khác khiến tôi không bao giờ làm diều mà đi làm tà lọt cho các thanh niên khác.
    Lúc đó tôi hay theo các nhóm thả diều ở ruộng bên hông chợ (lúc đó chưa có nhà cửa nhiều) và ruộng gần trường Bình Thủy II. Hai khu vực này khoảng 5 giờ chiều có khoảng 100-400 con diều bay trong mùa diều. Trên ruộng có rất nhiều trẻ con và thanh niên. Lúc đó vui thì thôi vì ai cũng mong con diều của mình hoặc nhóm mình sẽ ***g lộng gió vút lên cao, cao đến nổi chỉ còn bằng đầu cây viết Bíc.
    Thả diều là một kỹ năng cần phải rèn luyện. Nó mang tính trò chơi và thể thao cho nên cần có sự nhạy cảm đặc biệt qua việc cầm sợi dây và cảm nhận độ căng và độ xoắn của sợi dây. Đầu tiên là nhấp cho con diều nó bọc gió để nó từ từ vút lên cao. Nhấp diều có nhiều cách. Cách thông thường là cầm diều chạy lấy đà rồi thả dây ra từ từ để cho diều bọc gió lên cao. Trong lúc thả dây phải cảm nhận sự căng của dây mà thả dây ra nhanh hay chậm. Nhờ lấy chạy đà để bọc gió cho nên con diều mau bay lên và cũng mau đâm đầu xuống đất nếu mất thăng bằng. Cách thứ hai là đặt con diều xuống đất rồi đi cách xa mũi nó khoảng 20-30 mét. Đợi gió nhẹ thổi đến rồi giật giây và nhấp nhấp lên xuống để cho nó bọc gió bay lên cao. Khi nó bay lên cao khoảng 40-50 mét rồi phải nhấp nhẹ để giữ thăng bằng và thả dây ra từ từ để nó bay lên cao nhất.
    Ra ngoài đồng thì nhìn đâu cũng thấy diều. Xa gần đều có diều. Diều phấp phới bởi những đuôi dài khắp chân trời và trên đầu. Thỉnh thoảng có những chiếc diều nơi khác thả cao lên và đúng ở trên đầu là nhìn đã nhất vì nó bay ra sao, lượn ra sao, ổn định ra sao,... đều thấy rõ hết.
    Ngoài việc cho diều bay lên cao, còn có những trò chơi nhẹ nhàn đến mạnh bạo xung quanh việc thả diều. Hay nhất là gắn sáo vào con diều để lợi dụng gió thổi nghe du dương vui tai. Thường diều có sáo thì thả thấp hơn để còn nghe tiếng sáo. Trò chơi khác là khi diều đã ổn định trên cao thì dùng những dãi giấy nhỏ bề ngang khoảng 2-4 cm và dài khoảng 10-15 cm. Dùng chúng làm thành hình vòng bao quanh sợi đây và sức gió hút các vòng tròn đó lên cao và cao gần con diều. Khi sợi dây mang nhiều vòng tròn đó thì nó nặng và chùng xuống nhiều hơn vào con diều thấp hơn và xa hơn. Cái vui là nhìn từng vòng tròn bị gió hút lên theo sợi dây khi nhanh khi chậm. Trò chơi mạo hiểm hơn là cho con diều lượn qua lượn lại trên bầu trời. Những ai có máu tinh nghịch đều thích làm như vậy. Có người khéo làm cho con diều lượn hình số tám nằm ngang (oo). Bạo lực hơn là đấu diều nhau. Hai con diều cố gắng đâm vào nhau cho đến khi rách. Nếu đâm không khéo thì hai sợi dây diều xoắn lại với nhau và cả hai con diều đâm đầu xuống đất.
    Mùa diều thì các sợi dây điện cao thế mang tòng teng các con diều bị rớt khá nhiều. Đi đâu cũng thấy diều trên bầu trời và xác diều. Có nhiều người thả diều bay lên cao rồi neo diều ở đó mấy ngày cho đến khi đứt dây diều (do căng và do nắng vì dây làm bằng nhựa).
    HL
    Sói Ráp
    Được soirrab sửa chữa / chuyển vào 09:08 ngày 14/04/2003

Chia sẻ trang này