1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những bài viết của cựu sinh viên ĐH CT(mời các bạn tham gia cuộc thi viết về tuổi học trò ở đây T.1)

Chủ đề trong 'Cần Thơ' bởi YeuAoTrang, 13/04/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. cowboyhat

    cowboyhat Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    16/04/2002
    Bài viết:
    406
    Đã được thích:
    0
    Giờ thì chẳng ai dư hơi mỗi ngày làm 1 con diều thả, xong về xé bỏ như trước đâu nhỉ ? Lúc trước trúc nhiều lắm, giấy thì vô tư, làm con diều bự hơn cái mình của mình nữa, người ta thả 1 cuộn thì mình chơi 2 cuộn rưỡi, bay cao nhỏ xíu.
    Trứng vịt không nở ra được con gà :D
  2. YeuAoTrang

    YeuAoTrang Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    12/01/2002
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Bâng Khuâng


    (Thương tặng lớp 12A2, và trường PTTH Phụng Hiệp)
    Mười hai mùa hoa thắm
    Đượm sắc hương cuộc đời
    Ta đã từng thương lắm
    Mười hai mùa phượng ơi!
    Bâng khuâng năm tháng ngọc
    Ta lạc giữa sân trường
    Nắng chiều rưng rưng khóc
    Nhớ một thời tơ vương!
    Ta tìm trong sách vở
    Một nụ biếc cho đời
    Tháng ngày không xóa được
    Kỷ niệm nào chơi vơi!
    Con ve sầu năm cũ
    Tặng ta tiếng dương cầm
    Mười hai mùa phượng thắm
    Tặng ta lời tri âm!
    Liêu Hà
    (Cần Thơ)
  3. YeuAoTrang

    YeuAoTrang Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    12/01/2002
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Mùa Hạ Với Mẹ


    Mùa hạ về cho cây lúa trổ bông
    Hết một vụ đông mẹ quay vào vụ hạ
    Mẹ vất vả đêm ngày lo tần tảo
    Gánh nặng thêm đầy: con học ở xa...
    Mùa hạ với con là nắng vàng hoa tím
    Chùm phượng đỏ hồng bạn bè trao
    Còn với mẹ là nắng hè gay gắt
    Lưng đẫm mồ hôi và mắt mẹ thâm quầng
    Đêm trải lòng với những câu thơ
    Con viết mùa hạ sang với phượng hồng tươi thắm
    Có một lúc nào con quên không nhớ?
    Mẹ sớm hôm đang tần tảo trên đồng...
    Bình Nguyên
    (ĐH Cần Thơ)
  4. hoacomay

    hoacomay Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    513
    Đã được thích:
    0
    Những bài viết post trên này hay thật đấy, rất riêng, có vài bài em đọc trong báo Áo trắng ngày xưa. Sinh viên ĐBSCL viết rất mộc mạc các bác nhỉ, hồi này lớp sinh viên ở ĐCHT ko như xưa nữa, kiểu cách cũng khác nhiều rồi. Trong ĐHCT có cây bông còng, em nhớ có 1 chị sinh viên ví hoa còng rất hay mà quên mất cách ví ấy rồi ... Lần đó em mới phát hiện là "Hoa còng ko có cánh " . Hôm nào lục lại chồng sách cũ kiếm lại vậy. À bây giờ kiếm cây hoa còng cũng khó nhỉ, thay đổi hết cả rồi, tiếc ! Em sợ lạc đề , bác nào xoá bài em cũng ko sao ạ
  5. YeuAoTrang

    YeuAoTrang Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    12/01/2002
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Em Có Về
    em có về qua nơi ấy hay không
    cổng trường xưa một thời cắp sách
    hoa phượng rực tươi sáng màu đỏ gạch
    áo trắng học trò nhiều như sương giăng
    em có về có đứng chôn chân
    để nhớ lại một thời đi học
    có hương vành vành thơm trên mái tóc
    những chiều về nghiêng nón lá me bay
    có những lần ai chẳng dám trao ai
    lá thư mỏng giữ hoài như sợ mất
    để một hôm ai tình cờ bắt gặp
    rồi lặng thầm đôi mắt ngó xa xôi.
    em có về xin giữ hộ dùm tôi
    nỗi thương nhớ còn vấn vương đâu đó
    chút nhớ lẫn trong màu hoa phượng đỏ
    còn chút hương theo dáng nhỏ thuở nào.
    Tấn Phong
    (Cần Thơ)
  6. YeuAoTrang

    YeuAoTrang Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    12/01/2002
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Đình Bình Thủy
    Tôi không rành lắm về đình Bình Thủy nhưng tôi cố gắng viết về đình Bình Thủy từ những hiểu biết có hạn, những kỷ niệm, những lần viếng thăm,...
    Đình Bình Thủy nằm ở đầu vàm và bên bờ tây của dòng sông Bình Thủy. Trước mặt đình phía bên kia bờ sông là chù Nam Nhã. Đình gần cầu Bình Thủy (mà một thời là cây cầu lớn nhất và rộng nhất nằm trong Cần Thơ).
    Đình Bình Thủy thờ một vị quan thời Nguyễn tên là Đinh Công Chánh. Vị quan này đã giúp dân khai hoang một vùng đất trù phú, linh hiển, và hiền hoà. Sau khi mất, người dân tôn ông làm thành hoàng và có một ngôi đình ra đời. Về sau, vua Nguyễn làm sắc phong thần. Sắc phong thần (gọi là sắc thần) hiện còn nguyên vẹn trong đình.
    Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình Bình Thủy vẫn thu hút số lượng lớn người đến thăm viếng và cúng tế vào 2 dịp trong năm: rằm tháng 4 và rằm tháng 12.
    Tôi nhớ hồi còn nhỏ, sắc thần được một người giữ cách xa đình khoảng 1 km trên đường Bùi Hữu Nghĩa. Nhà giữ sắc thần có con đường xi măng nhỏ đi vào và có cổng ngoài đường có 4 chữ: Sắc Thần Phụng Sở.
    Mỗi lần đình tổ chức cúng viếng thì có một đoàn xa giá gồm các xe (có người đẩy), lân, voi, sư tử, lính, đoàn âm nhạc,.... từ đình vào sắc thần phụng sở để rước sắc ra ngoài đình cho bà cong cúng viếng. Thường sắc rước từ sáng sớm, khoảng 4 giờ sáng.
    Lễ rước sắc được tổ chức rất là lớn và quan trọng. Đoàn rước sắc gồm 3 xe: 1 lớn và 2 nhỏ. Xe lớn để sắc, 2 xe nhỏ chở các "quan chức". Các lính tráng có gươm giáo đi hai hàng. Có cả cặp voi giả (mỗi con 2 người ở trong đi). Lân và sư tử thì luôn luôn múa trong tiếng trống rập rồn. Ngoài ra còn có rồng do cả chục người điều khiển. Ban âm nhạc hơn 10 người kèn - trống - đờn đầy đủ với những giai điệu dành riêng cho lễ lượt của đình.
    Vì đoàn rước luôn đi ngang nhà tôi trọ lúc còn nhỏ cho nên hễ nghe tiếng trống dập dồn thì tôi hay thức dậy ra ngoài đường đứng xem. Người đi theo đoàn rước luôn luôn đông và vào khoảng 300 người là ít. Hai bên đường dọc theo hành trình rước sắc, người ta bày cúng và thắp hương vì sắc thần thế nào cũng được rước trở lại.
    Khi tôi lớn lên thì tôi theo luôn đoàn rước. Đi theo đoàn rước là một thú của đám con nít. Khó mà chứng kiến được lễ trong sắc thần phụng sở vì người ta bu xem rất đông. Chỉ có khói nhan luôn luồn lách qua những lớp người rồi bốc lên cao. Tôi mê mẩn 3 chiếc xe vì cả ba đều được làm công phu với những chạm trổ kiểu xưa với những rồng phụng và phướng nhiều màu sắc. Hai con voi thì tui hay rờ vì nó bằng vải xám và nó gợi trí tò mò. Lân mã thì tôi sợ nhất vì nó múa nhanh và chạy lon ton với cái đầu nhỏng cao. Tôi sợ nó đạp tôi thì tôi què cẳng thì sao.
    Trước khuya lúc rước sắc thần, ban hội tì của đình hội họp liền nhiều ngày. Những bà gia tình nguyện luôn thức khuya nấu ăn và nước cho họ. Cờ, phướng, dây băng,... được giăng trước đó. Một số công chuyện trong đình đều rục rịch được làm. Có nhiều người ở xa cũng vội về tá túc ở đình để làm công chuyện.
    Các đoàn hát cải lương và hát bội cũng đã tề tựu. Đoàn hát do đình bao giàn thì thường diễn trong nhà kế bên đình. Các đoàn hát (cải lương, xiếc,...) khác thì tự tìm các bãi đất trống làm ăn. Các nhà gần đó đều chuẩn bị sân gởi xe, quán nước, quán ăn,.... để hòng kiếm tiền dịp cúng đình. Bọn côn đồ, bọn cờ bạc,... cũng quy tụ về xung quanh đình để khi cúng đình họ có dịp ra tay dụ dỗ.
    Cúng đình thì cúng suốt 3 ngày liền, đêm đến (13, 14, 15) thì luôn đông nghịt người. Khoảng 4 giờ chiều, người từ trong vườn (các xã như Giai Xuân, Long Hòa, Long Tuyền,...) ra dần dần, cao điểm là khoảng 6 giờ tối. Khúc đường từ chợ đến đình (khoảng 400 mét) luôn đông nghẹt người. Ngoài đường cái (đường từ Cần Thơ đến Long Xuyên) cũng luôn đông người từ trường Bình Thủy I đến cầu Bình Thủy. Người đông lấp cả đường do đó các xe muốn đi ngang dòng người thì phải luôn luôn chậm và cẩn thận. Xung quanh đình và sân đình thì khỏi nói, người người san sát và chen chân nhau. Cái đích của người đi hội đình là phải vào trong đình thắp nén nhan và lạy trước sắc thần. Bất kể tôn giáo nào, hễ tin vào thần thì họ đều quỳ lạy trước sắc thần một cách thành khẩn.
    Tôi rất lạ là dòng người đi bộ rất nhiều, nhiều hơn dòng người đi ghe tàu và xe lôi. Nam thanh nữ tú trong vườn luôn loè loẹt phấn son và áo quần đủ màu sắc từ trong xa đổ về bằng chính đôi chân của họ. Cả năm họ chỉ có dịp này đi chơi với nhau, hẹn hò nhau, và giải trí (xem cải lương, xiếc, cờ bạc, kẹo kéo,...). Đặc biệt họ luôn ăn uống rất nhiều lần (hủ tiếu, bún riêu, bún bò, mì, bánh mì, bánh bao, xôi, chè, hột vịt lộn,....). Có lẽ do tô bún nhỏ chút xíu làm sao mà no lòng họ được, và sau chuyến đi bộ dài (cả 5-15 km) thì họ cần ăn, và ăn cho chuyến về. Về sau, tôi lớn lên, tôi biết là lúc đó giao thông trong vườn rất khó khăn cho nên họ chỉ có thể đi bằng đôi chân. Khi ra đến bến xe lôi thì xe lôi không đủ số lượng để chuyên chở họ cho nên họ chỉ còn cách là đi bộ. Còn tàu ghe cũng vậy, lúc đó ít ai có ghe tam bản và ghe lớn có máy để chở, nhiều khi họ có họ cũng không bỏ công ra để chạy.
    Trong đình thì có rất nhiều bàn thờ và lư hương cho người ta cúng vái. Có cả thần cọp (với con cọp thật được lột da nhồi bông) được thờ ở cuối đình. Nhan thì miễn phí vì người ta mua nhan cho đình rất nhiều. Trong đình luôn có ban nhạc cổ. Họ luôn kéo đàn, đánh trống, đánh phèn, thổi kèn,... trên sạp ngựa dành riêng cho họ. Tiếng nhạc cổ, ngôi đình cổ, phong cách thờ cúng xưa,... khiến người ta nghĩ đến sự linh hiển của vị thần. Ngoài ra khói nhan nghi ngút, những dòng người thành tâm đượm nhiều màu sắc tín ngưỡng dân gian cũng làm cho nhiều người tin theo và sẽ tin thật.
    Hồi nhỏ tôi luôn luôn thích xem tranh lịch sử về các trận đánh lớn của các vị anh hùng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, vua Quang Trung,... Tranh làm bằng vải và thêu rất đẹp. Hơn nữa đựợc ***g kiến và có điện chiếu khiến cho bức tranh nổi bật và có hồn. 10 đứa con nít hết 6 đứa đều phải dừng lại một tí dán mắt vào các bức tranh. Có cha mẹ giải thích cho con về giai đoạn lịch sử của nội dung bức tranh, có người ngắm nhìn nhưng chưa chắc họ biết gì vì họ có dịp đọc kỹ lịch sử như mấy vị trí thức và uyên bác đâu. Nói cho cùng, những bức tranh lịch sử đó rất đẹp và không ai không bị thu hút trước cái đẹp!
    Ngoài ra còn có các chân dung của các vị anh hùng như Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám,... Xưa hơn có Nguyễn Trãi, các vị vua,... Tất cả là những sắp đặt có chủ ý để bà con Nam Bộ (vốn rất xa Hà Nội và Huế) có dịp biết được lịch sử và nguồn gốc của họ.
    Lúc tối, chen chân vào đình đã khó, bước chân ra khỏi đình càng khó hơn vì dòng người đổ vào đình ngày một đông hơn. Khoảng 9 giờ tối trở đi thì dòng người mới bắt đầu giảm và người ở xa lục đục trở về bằng nhiều phương tiện và bằng chính đôi chân của họ.
    Hội đình thì không thể thiếu giải trí. Hồi nhỏ thì tôi nhớ là năm nào cũng có mô tô bay. Mô tô bay là xiếc. Có một ống tròn lớn cao khoảng 5 mét và đường kính khoảng 6 mét. Chiếc mô tô chạy trong ống theo phương nằm ngang. Vui nhất là người ta cầm tiền đưa cho người lái môt tô lấy. Họ lấy rất khéo và cũng rất nguy hiểm cho họ và cho khản giả. Mô tô bay là trò xiếc hiện đại và luôn hấp dẫn mọi người. Kế đến là cải lương. Cải lương luôn luôn có 2 xuất. Xuất chiều và xuất tối. Bà con trong vườn rất thích xem cải lương do đó cải lương luôn luôn trúng.
    Trò cờ bạc thì có khoảng 50 chiếc xe đạp. Trên chiếc xe đạp có bàn quay số. Người chơi chọn số và đặt, rồi họ quay. Trúng thì lấy 10 lần số tiền đặt. Trò này sau này bị dẹp hoàn toàn. Trò cờ bạc khác được hợp pháp và hiện đại hơn và lớn hơn cũng quay số. Trúng thì là trúng hàng chứ không trúng tiền. Có người trúng mì gói, có người trúng xe đạp. Nói chung là chủ luôn thắng. Chơi tròn này có xướng ngôn viên luôn la hét đại loại như: "Thuyền về, thuyền về, con số gì đây ... rà rà rà rà ... 8, 9, 10, 11, 12, 1, 2, 3 .... Ba! Con số ba đã trúng. Con số ba may mắn ..... Bà con đừng đặt tay lên bàn,...." Nói chung là rôm rả và hiện đại.
    Các trò chơi khác như chọi lon, liện banh, liên vòng, bắn súng hơi,.... đều có. Đội quân kẹo kéo quay số hay bắn súng hơi luôn có cả hàng trăm chiếc xe. Ngoài ra phải kể đến bong bóng. Thời tôi còn nhỏ không có bong bóng bay cho nên bong bóng được cột vào cọng que nào đó (nan tre chẳng hạn). Bong bóng cũng là món bán rất lời. Bong bóng vẽ luôn luôn thu hút con nít vì người ta vừa bơm vừa vẽ theo yêu cầu của người mua.
    Sau này, tôi ở cạnh bờ sông, giao thông ngày một phát triển. Hễ tới dịp hội đình tôi khoái ngồi bên bờ sông nhìn những ghe máy lớn chở người đi hội đình. Trên ghe đủ màu sắc của áo quần và nhiều người trẻ. Họ có vẻ vui lắm và luôn tung hô khi gặp người trên bờ nhìn họ. Tôi cũng đáp lại và tung hô theo và vẩy tay. Nhiều thanh niên khác cũng như tôi là ngồi bờ sông nhìn những ghe chở người đi qua. Vui thật là vui. Những ai bạo miệng và ham vui thì đưa lời ong **** và hẹn hò để ghẹo. Nói là nói nhưng làm sao biết mặt và nhớ mặt.
    Có một thời gian, chính quyền hạn chế hội đình vì lý do mê tín dị đoan. Hai năm đó thật là buồn, ai ai cũng tiếc rẻ. Biết làm sao được. Ngay cả việc rước sắc cũng phải âm thầm và lén lút. Rồi mọi việc cũng đâu vào đó. Người ta đồn rằng thần báo mộng cho người ra lệnh hạn chế hội đình. Người đó không tin bị bịnh chữa không khỏi. Sau đó lệnh được dỡ bỏ thì bịnh khỏi ngay. Hội đình được tổ chức trở lại như xưa để cho hàng trăm ngàn lượt người đi hội đình cho việc tín ngưỡng và vui chơi giải trí.
    Năm tháng qua đi.
    Những bức tranh đẹp dần dần mục nát và thay vào đó những tấm tranh nguệc ngoạc không ra gì. Hai con voi rách nát không ai làm lại đế thay thế. Con rồng cũng vậy. Con lân mã và lân sư tử cũng không còn. Chỉ còn con lân thường vì con này luôn có (vì Tết nào sao không có lân). Ngheo đồn nhiều người ăn cắp rất nhiều trong đình và đình đã không như xưa nữa. Những ăn cắp thì người ta chỉ kháo nhau chứ không dám tố cáo.
    Sau này ông giữ sắc thần qua đời. Gia đình không ai muốn tiếp tục giữ sắc nữa cho nên sắc lưu ngoài đình luôn. Sắc thần phụng sở là một nơi Bình Thủy ai cũng biết rồi cũng phải bị lãng quên. Cái xóm đó có tên là "xóm sắc thần phụng sở" rồi không biết giờ này người ta gọi xóm gì nữa.
    Cảnh và lễ rước sắc không còn thì người ta đưa sắc đi dạo. Có năm người ta đưa sắc trên bộ (từ đình dọc theo đường Bùi Hữu Nghĩa đến cầu Rạch Chanh và quay về), có năm ở dưới sông Bình Thủy. Sắc đưa đến đâu là người ta cúng vái đến đó.
    Cái còn không bao giờ thay đổi là sự tin tưởng vào thần của người dân, sự tham gia lễ đình của hàng trăm lượt người mà phần lớn là nhân dịp để nam thanh nữ tú vui chơi giải trí sau một vụ mùa vất vả đồng thời cũng ôn lại những công lao mà người xưa đã để lại cho họ và họ đang thừa hưởng.
    Hội đình Bình Thủy là một trong 3 hội đình lớn nhất miền Tây.
    Hội đình vẫn đông và sẽ phải vẫn đông.
    HL
    -----------------------------------------------------
    www.suutap.com/NuSinh
    www.suutap.com/AoTrang
  7. YeuAoTrang

    YeuAoTrang Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    12/01/2002
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Mẹ Lên Thăm
    Hôm qua mẹ lên thăm
    chở theo một quày dừa
    có cả keo mắm nữa
    con vét nồi cơm trưa
    Hôm qua mẹ lên thăm
    dọn dẹp chỗ con nằm
    chùi trắng son, chảo, đĩa
    sinh viên... mẹ cảm thông
    Hôm qua mẹ lên thăm
    đúng ngày con thi cử
    mọi việc mẹ đều làm
    đêm chổ lạ khó ngủ
    Ký túc xá vui hơn
    khi mẹ kể chuyện đồng
    ruộng nhà mình bị lũ
    nước với nước mênh mông
    Chiều mẹ về mưa nhẹ
    bọn con tiễn ra xe
    riêng con môi mằn mặn
    màu mắt mẹ đỏ hoe.
    Hoài Trung
    (Cần Thơ)
    ------------------------------------------
    www.suutap.com/NuSinh
  8. YeuAoTrang

    YeuAoTrang Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    12/01/2002
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Chuyện Ngày Sinh Nhật!
    Tôi nằm trong căn phòng trọ bé tẻo teo gào lên ầm ĩ bài "Phong cách" học, Huy thò đầu vào gọi:
    - Hạ ơi! Đi công chuyện với tui chút đi!
    Tôi ngồi nhỏm dậy:
    - Có bị sao không dzậy ông? Mai thi "Phong cách" rồi!
    - Đâu có bị gì đâu! Thì Hạ đi với tui đi!
    - Đi đâu? Đừng có nói ông rủ đi chơi à nha!
    Huy gãi đầu:
    - Không phai đi chơi đâu mà!
    Huy ý tư đi ra cổng chờ tôi thay đồ. Chọn đồ nào bây giờ? Lại bộ này nữa rồi! Tôi bước ra, Huy nhìn tôi tươi cười:
    - Vẫn "nhất y" của Hạ đó hả?
    Huy thường chọ tôi: "Có mỗi bộ đồ bận hoài". Không hiểu sao tôi tích nó. Quần jean và áo sơ mi xanh. Người ta nói những người thích màu xanh da trời có một tâm hồn bình lặng. Điều đó đúng với ai không biết chứ với tôi thì sai hoàn toàn. Tất cả đồ đạc trong phòng tôi từ ca uống nước đến ri-đô toàn xanh da trời cả mà chủ nhân của chúng thì ... tâm hồn chẳn bình thản chút nào. Ở bên ngoài, Huy huýt sáo một điệu nhạc vui. Tôi đập vai Huy:
    - Tui chúa ghét những ai huýt sáo.
    Huy cười xin lỗi:
    - Ừ thì bỏ!
    Huy va tôi đạp xe xuống bách hoá tổng hợp. Đường phố đông kinh khủng. Tôi nhìn Huy như dò hỏi: "Sao lại chạy xuống đây, Huy?" Huy đưa ngón tay lên miệng: "Bí mật". Đến lúc gởi xe xong, Huy nhìn tôi:
    - Hạ! Mấy bữa tới sinh nhật nhỏ bạn tui. Tui không biết con gái mấy người thích cái gì nên tui nhờ Hạ đi theo cố vấn gìum! Được không?
    Tôi vờ giận:
    - Sao ông không nói trước?
    - Tui là dân kỹ thuật mà! Có biết rào đón gì đâu! Rủi nói thiệt bà không đi thì sao?
    Tôi vẫn cố tình trêu Huy:
    - Quan trọng quá há! Sao không đợi tui thi xong rồi hẵng đi?
    - Sợ lúc đó bà lo thi môn khác! Thôi mà .... - Huy năn nỉ.
    Tôi giấu nụ cười mĩm đi theo Huy vào bách hoá. Huy cứ luôn miệng hỏi tôi con gái thích gì làm tui phát bực:
    - Ông nói ít ít chứ! Ôn phải nói cho tui biết, nhỏ đó mập ôm cao thấp, da trắng hay da đen, tính trầm hay tính quậy? Tui mới biết nó thích gì chứ! Hỏi hoài sao tui nghĩ ra được.
    Huy ngắc ngứ:
    - Ừ ... thì .... nó cao cao cở bà dzậy! Nước da ngăm ngăm, cũng hơi lanh lanh ma không lanh bằng bà đâu!
    Giọng Huy chợt trầm xuống:
    - Hạ nè! Mà nó thường gặp chuyện không vui lắm!
    Nghe giọng nói chợt trầm xuống của Huy, tôi chợt nghĩ về minh. Mình cũng có bao nhiều điều lo nghĩ! Có ai thèm quan tâm đến mình không? Bất chợt, nhìn Huy, tôi ao ước: "Giá mà, có ai đó nhờ đi mua qua cho tôi nhỉ Hôm nay là sinh nhật mình vậy mà ..." Huy đập ay lên vai tôi:
    - Ê! Hạ! Làm gì thẩn thờ dzậy?
    Tôi liếng thoắng:
    - Xạo! Tui thẩn thờ hồi nào? Có ông à!
    Dừng lại trước gian hàng đồ chơi, tôi bước vào. Huy tròn xoe đôi mắt nhìn tôi:
    - Hạ, sao vô đây?
    - Thì vô chứ sao? Không phải ông nhờ tui chọn quà sinh nhật à?
    Nhưng mà .... bạn gái tui lớn rồi chứ có phải con nít đâu!
    Tôi gắt lên:
    - Vô không?
    Huy líu ríu bước vô:
    - Bà chằn dữ dzậy? Không sợ ế chồng hả?
    Nhìn Huy líu ríu bước theo, tôi thấy tội nghiệp hắn lạ. Mà sao mình không biết bạn gái nó vậy ta? Chơi chung với Huy từ năm thứ nhất, thân thiết đến năm thứ hai, đến giờ cuối năm thứ ba mà tôi vẫn chưa biết bạn gái nó là ai.
    Huy sinh ra trong một gia đình khá vất vả. Nó chịu khó lắm mới bám trụ lại được ở đại học này. Huy quý tôi vì tính thẳng thắn bộc trực. Có lần Huy nói với tôi:
    - Hạ nè! Bà đừng bao giờ thay đổi tính tình nữa nha!
    Tôi cười khì và lúc đó nghĩ Huy bị điên chắc? Từ nhỏ tôi đã thẳng thắn rồi! Và cả bướng bĩnh nữa. Ban đầu, Huy không chịu nổi cách xưng hô "ông-tui" của tôi - Từ "không chịu nổi" là từ của Huy đó! Tôi bướng, xưng mãi đến giờ thành quen.
    Bạn bè đùa: "Hai đứa mày thành một cặp cũng xứng!" Tôi cong cớn: "Cặp gì?" Thân thiết lắm nhưng trong mắt tôi, Huy bao giờ cũng trẻ con hơn.
    Mọi năm, sinh nhật tôi, tôi không tổ chức, Huy cũng chẳng biết. Cứ mỗi lần sinh nhật là tôi lại trùm mền một mình .....
    (còn tiếp)
    Trần Thị Hồng Hạnh
    (SP Văn, ĐHCT)
    -----------------------------
    Mời các bạn tham gia: www.suutap.com/NuSinh
  9. YeuAoTrang

    YeuAoTrang Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    12/01/2002
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Mưa Mặn
    Nó ngồi bó gối trong quán tàu hũ đá. Chốc chốc lại ngước cặp mắt ươn ướt ngó ra bầu trời xám xịt sũng nước bên ngòai. Không biết sao mấy hôm nay trời hào phóng thế, cứ xối hết thác nước này đến thác nước khác xuống thành phố. Mà thành phố có bị cúp nước đâu kia chứ? Nó khuấy mạnh cốc tàu hũ, cảm thấy người gây gây như vừa ốm dậy. Ừ, thì nó cũng sắp ốm rồi đây. Nó vừa bị mất một chỗ dạy kèm rất "sộp". Nghĩ đến công cán đã bỏ ra một tháng trời, nó thấy tiêng tiếc, đôi lúc muốn trở lại nơi ấy để đòi người ta "sòng phẳng" với mình , nhưng nhớ đến cánh cổng sắt nặng trịch, thân hình hộ pháp và ánh mắt thèm thuồng soi mói như muốn phanh phui nó ra của lão gia chủ khiến nó rùng mình. Tim nó bỗng dưng nhói lên từng hồi khi nhớ đến hai cánh tay đầy lông lá, nùng nục mỡ, chắc như hai gọng kìm của lão gia chủ. Hôm ấy, nếu nó không chạy ra kịp thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nó thấy số phận sao mà cay nghiệt với nó thế?
    Từ hồi vào đại học đến giờ nó gặp tòan những chuyện không đâu. "Phải trở lại nơi ấy đòi lão gia chủ phải trả cho mình một tháng lương vừa rồi mới thôi". Nó xô ghế đứng dậy, phóng xe đi trong cơn mưa vỡ òa. Bong bóng phập phồng trên mặt đường như trêu ngươi nó. Không hiểu sao nó lại đạp xe thẳng về ký túc xá chứ không rẽ về hướng gia chủ. Thì ra nó sợ. Cái sợ cố hữu lại uà về, bủa vây lấy nó. Mắt nó ươn ướt. Hình như nó khóc. Ô, không phải đâu! ước mưa đấy thôi. Không hiểu sao trời hoang phí nước thế nhỉ? Ký túc xá sắp ngập lụt rồi đó.
    "Không biết đứa nào xúc của tao hết ba lít gạo". Vừa thấy cái thân hình ướt như chuột lột của nó lấp ló ngòai cửa phòng, nhỏ Oanh đã chanh chua. Câu nói khứa vào lòng tự ái của nó. Ừ, Oanh làm như nó là thủ phạm không bằng! Nó lẳng lặng đi đến cái giường ọp ẹp, lấy bộ quần áo đang treo trên móc rồi đi về phía nhà tắm. Cái giọng the thé của nhỏ Oanh còn đuổi theo nó:
    "Cái con quỷ sứ này! Làm ướt nhà hết trơn rồi!"
    Bây giờ trời đã hửng nắng rồi. Còn cái đầu nó vẫn nóng hầm hập như bị lửa đốt. Tòan thân nó lạnh run lên. Tô cháo gà thơm phức của anh mang đến vẫn còn nằm nguyên trên bàn. Anh ép mãi nó mới cố nuốt vài muỗng. Rõ khỗ! Khi mạnh có thèm rõ dãi cũng không dám mơ đến, lúc ốm lại ? Miệng nó đắng nghét, môi khô rộp. Anh buồn bã nhìn nó lắc đầu, thương hại.
    Số phận đã gắn chặt anh với nó từ thuở còn học phổ thông. Lớn lên từ miền quê sông nước Hậu Giang, nó và anh đã quen với những kênh rạch chằng chịt. Mùa nước nổi, ngày hai buổi đến trường trên chiếc tam bản cũ kỹ của ba nó. Có những chiều tan trường về, chiếc ghe ngợp đi trong sắc tím của hoa lục bình và sắc vàng óng ả của hoa điên điển, còn dưới khoang ghe thì tòan cá bống trứng ? Muà nắng, nó ngồi vắt vẻo sau chiếc xe đạp cà tàng của anh để đến lớp. Hai bên đường làng, cây xanh rợp bóng. Lúc tan trường về, nếu cái dạ dày chưa kêu réo thì đến con ngõ rẽ vào làng thế nào nó cũng bắt anh leo lên hái cho nó mấy bông ngọc lan trăng trắng cho bằng được. Hương ngọc lan thoang thoảng trên tóc nó, trong áo nó. Hương hoa len ca vào trong giấc mơ của nó.
    Thế rồi năm tháng trôi mau. Thoáng đó mà thời hoa **** ngày xưa đã mất. Nó cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối nhưng cũng không lâu. Nó hân hoan đón nhận niềm vui mới: trúng tuyển vào đại học sư phạm. Anh vào đại học chế biến. Cho đến bây giờ nó vẫn còn nhớ như in cái ngày nó lên thành phố nhập học. Hôm ấy bà con hàng xóm đến rất đông. Người dúi cho nó một mớ cá khô. Người nhét vào giỏ chục trứng gà. Người biếu cả giỏ cam mật vàng ươm đặc sản của quê hương nó. Ai cũng dặn nó cố gắng học cho thật giỏi để mai mốt tốt nghiệp xong về cái trường xã mình mà dạy. Nó cảm thấy xót xa khi nhớ đến câu nói ngậm ngùi của bà Tám: "Ôi! Tụi nhỏ xóm mình vô đại học cũng bộn, ai cũng trông cho tụi nó học xong rồi về đây phục vụ cho bà con mình. Nhưng tụi nó ra trường rồi ở miết trên Cần Thơ, có thấy đứa nào bén mảng về nữa đâu!". Bác Tư chép miệng tiếp lời: "Trách chi ba đứa nhỏ thím ơi! Tụi nó học kinh tế, điện tử điện tiếc gì đó thì về quê mình mần sao được". Ông Tám đốp chát lại: "Chứ còn thằng Sơn con của con Năm ở xóm trên đó, học bác sĩ mà cũng đi tuốt luốt luôn. Ba nó đau rề rề phải chở lên tới Cần Thơ chữa trị".
    Nó đi, việc nhà dồn lại. Mỗi lần nó về thăm nhà thấy đôi vai của mẹ nó ngày một gầy hơn. Nhiều lúc nó bật khóc khi cầm trong tay xấp tiền còm cõi của ba mẹ nó gửi cho, có nhiều tấm hai trăm còn in nhữgn vết bùn khô queo. Cũng như bao nhiêu sinh viên nghèo đi học xa nhà khác, ngòai giờ học, nó lao vào cuộc mưu sinh. Anh sốt sắng tìm cho nó một chỗ dạy kèm. Học trò của nó là một chú nhóc học lớp sáu và một con búp bê học lớp hai. Suốt hai năm nó làm gia sư cho hai đứa ấy. Tụi nhỏ học tiến bộ rõ rệt, phụ huynh mến nó lắm. Chiều nào cũng giữ nó lại ăn cơm cho bằng được. Số tiền lương ít ỏi cộng với tiền học bổng, nó xoay sơ cũng tạm đủ.
    Ðến kỳ thi chuyển giai đoạn, một số đứa lớp nó phải "ra trường sớm". Nó may mắn được tuyển thẳng nhưng vẫn phải đóng học phí. Nó dự định sẽ để dành tiền lương của mình để đóng tiền học. Ðùng một cái, hai đứa nhóc chuyển về huyện. Nó hụt hẫng không biết bám víu vào đâu. Ngay lúc đó thì anh lại xuất hiện đúng lúc như một vị cứu tinh, trao cho nó một địa chỉ dạy kèm mới. Nó cảm ơn anh bằng đôi mắt ngân ngấn nước . Hai đứa học trò mới nhỏ tuổi hơn mà cũng bướng bỉnh hơn so với hai đứa nhóc trước. Gia chủ giàu có hơn và cũng uy quyền hơn. Buổi đầu chạm mặt phụ huynh, nhìn đôi mắt sáng quắc, cái mặt bự phấn và đôi môi đỏ choét của "phu nhân", nó đã thấy ơn ớn. Nó định "rút lui có trật tự" nhưng nghĩ đến số tiền lương, nó miễn cưỡng gật đầu. Tuần lễ đầu, tụi nhóc bướng dữ, chỉ thích nghe kể truyện chứ không thích học. Nó phải vận dụng hết các thủ pháp sư phạm của mình ra. Cuối cùng tụi nhóc cũng ngoan ngoãn như hai chú mèo con. Sau hai tuần, con em về khoe: "Tháng này con được lên hạng sáu rồi, được cô biểu dương trước lớp". Thằng anh cũng không chịu kém: "Còn con, làm toán tòan điểm chín với mười". Phụ huynh hài lòng lắm, tia mắt nhìn nó có vẻ dịu bớt đi. Nó mừng rơn nghĩ đến số tiền lương cuối tháng này nó sẽ lãnh và ứng thêm để đóng học phí. Phụ huynh giàu có thế kia mà, chắc chẳng hẹp hòi với nó đâu. Thế mà, tiền lương chưa lấy được, ông chủ đã giở trò ? Ba trăm ngàn chứ phải ba triệu, nó cũng không còn hồn vía mà quay lại căn nhà ấy nữa.
    Anh đút cho nó thêm muỗng cháo nữa. Nó lắc đầu chỉ ly nước. Một thứ nước chua chua ngọt ngọt len vào cái miệng khô queo, đắng nghét của nó. Anh nhìn nó, lắc đầu buồn bã, không nói lời nào. Nó biết bất kỳ lời nói nào của anh thốt ra lúc này cũng sẽ làm nó bật khóc. Chao ôi! Nó muốn ngồi dậy lắm nhưng tòan thân đau rã rời. Chỉ còn một tuần lễ nữa là thi học kỳ rồi. Bài vở thì tràng giang đại hải mà nó phải nằm lỳ ở đây. Có lẽ giờ này tụi bạn nó xếp hàng ở thư viện chờ mở cổng. Nó chợt thấy nôn nao. Ước gì bây giờ nó được ở thư viện nhỉ. Nhưng mà ? nó còn mong thi cử gì nữa! Học phí chưa đóng thì làm gì có số báo danh mà thi. Chẳng lẽ điện về để hỏi mẹ ư? Thoáng qua óc nó là đôi vai gầy guộc, còm cõi của mẹ. Lòng nó chợt chùng xuống, chùng xuống ?đến nghẹn thở. Cái ý nghĩ ấy vừa loé lên đã bị nó dập tắt ngay. Nó đã đi được nửa chặng đường rồi, chẳng lẽ bây giờ lại bỏ cuộc? Ước mơ được làm cô giáo, cái ước mơ bé nhỏ, giản dị, bình thường như thửa ruộng, bờ tre quê nó, chẳng lẽ đành phải xếp lại trước chuyện cơm áo đời thường sao? Nước mắt nó chợt ứa ra, lăn dài trên má. Anh an ủi, vỗ về khiến nó càng thêm tủi thân.
    Nó bước vào phòng tài vụ. Cô thủ quỹ đang bận sắp xếp giấy tờ gì đó. Nó đứng khép nép vờ xem bảng thông báo. Bất giác cô ta hỏi: "Gì đó?" Cái giọng chan chát của cô làm nó run bắn lên. Nó ấp úng "Dạ, em ?đóng học phí". Cô trợn mắt, cái môi đỏ chót trề ra: "Giờ này mới đóng học phí? Sao không để ở nhà ăn gì ăn luôn đi!". Nó nghe sống mũi cay cay, trân mắt nhìn cô, không nói được gì hết. Trời! Nó đang diện kiến ai thế này? Những người "trí thức" lại nói với nhau như thế sao? Hay là tại nó nghèo nên được đối đãi "mát mẻ" như vậy?
    "Thôi, lại đây! Tên gì?". Nó mở cặp lấy ra xấp tiền. Cô ta đếm tiền, quăng ra tấm mười ngàn bị rách một miếng: "Ðổi lại!". Nó lại mở cặp tìm mãi mới được một tấm mười ngàn khác. Số tiền này hồi sáng anh đem đến cho nó. Anh bảo là tiền dạy kèm của anh để dành. Nó không tin. Lương dạy kèm không đủ để anh trang trải, có dư đâu mà để dành. Anh thuyết phục mãi nó mới chịu nhận. Nó định khi thi xong nó sẽ tìm việc làm thêm để trả lại anh.
    Nhận biên lai xong, nó phóng xe đến thẳng thư viện tỉnh. Sinh viên đông nghẹt. Mượn sách xong nó xuống cầu thang. Ngồi bệt ở chân cầu thang cùng những đứa khác. Nó mãi miết ghi ghi chép chép. Tiếng giày dép đủ loại lên xuống, khua lọc cọc. Mặc kệ! Ghi xong, nó nhìn đồng hồ: 9 giờ. Nó hoảng hốt chạy lên trả sách. Chắc giờ này nhỏ Thanh đang chửi nó tắt bếp. Tám giờ là nó phải trực phòng rồi. Bên ngòai trời mưa tầm tã. Nó khoác vội chiếc áo mưa lên người, cắm cúi đạp xe. Ðến ngã tư, dưới ánh đèn đường nhoang nhoáng, bất giác tia mắt nó chạm phải một người. Trời ơi! Anh! Ðúng là anh rồi. Làm sao nó có thể lầm cho được manh áo mưa bạc màu và cái dáng gầy gầy quen thuộc của anh. Nhưng sao nhìn thấy nó, anh lại quay đi như thế? Sau xe anh là một người, cũng sùm sụp áo mưa. Bất giác nó nghe tim mình đập mạnh. Ðèn xanh. Nó vẫn đứng ngẩn ngơ. Giữa mớ âm thanh hỗn độn của người, của xe và của mưa, nó vẫn nhận ra giọng nói của người ngồi sau anh: "Chú quẹo phảịChừng năm trăm mét nữa thì tới". Lập tức xe anh quẹo ngoặt về phía tay phải. Nó còn kịp nhận thấy một bên mặt của người ấy. Ðó là một bà lão. Không hiểu sao nó thở phào một cái.
    Nhưng ngay sau đó thì một nỗi buồn len lỏi vào tim nó. Trời ơi! Chẳng lẽ vì nó mà anh phải vất vả như vậy sao? Anh đã đi qua lâu lắm rồi mà nó vẫn đứng chết trân giữa ngã tư, dưới cơn mưa tầm tã. Bất giác môi nó chạm phải những giọt nước mưa, mặn đắng!
    Dương Hải Hà
    (Cần Thơ)
    ----------------------------------------------------
    Mời các bạn tham gia: www.suutap.com/NuSinh
    Được YeuAoTrang sửa chữa / chuyển vào 09:11 ngày 11/08/2003
  10. YeuAoTrang

    YeuAoTrang Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    12/01/2002
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Đêm Ký Túc Xá
    Đêm che giấu bao điều bí ẩn trong đó. Không có điện, trời cuối tháng âm u se lạnh và không trăng. Ký túc xá chìm trong bóng tối đen đặc như ly café buổi sáng. Ngọn nến mà tụi trong phòng thắp lên leo lét trước gió và in trên vách những chiếc bóng chập chờn, mờ ảo, nhảy nhót. Tiếng gió va đập vào cửa và tiếng cây lá khua vang cố làm cho màn đêm thêm bí ẩn hơn.
    Nhỏ Ngân bày trò:
    - Coi bói đi tụi bây!
    - Coi gì, tối thui à!
    - Tối coi mới hấp dẫn hơn chứ!
    - Ừ tối coi càng hay hơn.
    - Thôi, ghê lắm! tao sợ m ... a ... lắm!
    Mặc dù có vài ba tiếng phải đối, nhưng khi nhỏ cầm bộ bài và ngồi xuống chiếu giữa phòng thì đứa nào cũng xúm lại.
    - Coi cho tao với, bao giờ tao có tiền?
    - Ê! Coi tao có về nhà được không?
    - Mày lúc nào cũng vậy! - Nhỏ Hãnh cao giọng với Chi và hạ giọng - Coi xem bao giờ tao có người ... ma!
    Phượng đang ngồi trên giường nhảy phắt xuống:
    - Người yêu là cái quá gì! Ê! Lài, coi thử xem tao thi đậu hết không? Lần này tao đăng ký 40 tín chỉ đó.
    Coi bói mà mày nói thử làm sao "linh" được hả quỷ?
    Ngân đập chiếu:
    - Im lặng! Trật tự! Tui bay la um như cái chợ biết coi cho ai trước đây? - Rồi nó hạ giọng - Coi tao trước đi, xem chừng nào tao xuống và sang bờ khác!
    Đêm như loãng ra với tiếng ríu tít của bọn chúng.
    Hết màn coi bói, chúng xoay quá hat khi con nhỏ Hãnh bắt giọng:
    - Nào anh em ta cùng nhau xông pha! Lên đàng ...
    Tiếng hát và tiếng vỗ tay, gõ giường làm nhịp lan ra. Chúng nó hát liên khúc và hát bất kỳ bào nào chúng nhớ.
    - A! Có điện! Có điện rồi tụi bây ơi!
    Tiếng reo vui cùng với ánh điện sáng choang trên tường. Căn phòng lại sáng tỏ.
    Nhỏ Ngân cầm quyển sác lên giường, tiếp tục cuốn Cách Mạng Xanh và các tư tưởng của Adam Smith. Hãnh thì ôm gọn quyển Interaction và lép nhép đọc. Mỗi đứa lại một việc. Ký túc xa im vắng. Đêm lùi về dần ra đứng lấp ló ngoài cửa chịu cái rét của gió. Ngọn đèn neon vẫn tỏa sáng dù lác đác vài con thiêu thân đang lao vào. Ký túc xá lại là ký túc xa như chưa từng có những trò tụi nó vừa bày ra....
    Bình Nguyên
    (ĐH CT)

Chia sẻ trang này