1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những Bản Tường Trình Từ Xứ Nghệ

Chủ đề trong 'Nghệ Tĩnh' bởi vovanthanh, 15/06/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. vovanthanh

    vovanthanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/11/2003
    Bài viết:
    68
    Đã được thích:
    0
    Những Bản Tường Trình Từ Xứ Nghệ

    Tôi đi... buôn ngựa!

    Thời gian gần đây món phở Hà Nội lại trở thành ?otai tiếng? khi các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện bấy lâu mọi người thay vì được ăn phở bò lại chỉ toàn xơi phải món... phở ngựa. Đơn giản vì thịt ngựa rẻ và sau khi chế biến thì... ăn như thịt bò. Một ông chủ lò mổ ở Hà Tây cho biết nguồn cung cấp ngựa chủ yếu đến từ huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Thế là tôi lặn lội lên miền rừng núi này để theo dấu những đường dây buôn ngựa.

    Cuộc phiêu lưu của những con ngựa Lào

    Ngay dọc quốc lộ 7 lên Kỳ Sơn tôi đã gặp chuyến xe mang biển số 37H-9936 đang chở ngựa về xuôi. Phía sau khoang tải là bầy ngựa đen kịt chen chúc chừng 40 con. Có lẽ do chật chội quá nên các chú ngựa cắn vào tai nhau thay cho cú đá hậu sở trường. Một thanh niên đứng trên khoang dùng roi để can thiệp chuyện bầy nhựa cắn xé nhau, tôi hỏi anh ta:

    - Chở ngựa đi đâu vậy?

    - Hà Tây!

    Ở Kỳ Sơn hiện có ba ?ocai đầu dài? buôn ngựa trú ngụ tại thị trấn Mường Xén. Những ?ocai đầu dài? này thâu tóm ngựa ở Kỳ Sơn để đưa về Hà Tây, hoặc họ đưa tiền, đặt hàng một số người dân địa phương thu mua ngựa từ Lào. Huyện Kỳ Sơn có 192km đường biên giáp với nước bạn Lào.

    Nhiều gia đình người Mông ở Kỳ Sơn có thói quen nuôi ngựa, tuy nhiên do địa hình núi dốc nên họ không nuôi được nhiều, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con dùng trong việc đi lại và thồ hàng. Trong khi đó, đồng bào Mông của họ ở bên kia biên giới lại phổ biến phong trào nuôi ngựa. Có những gia đình chăn nuôi đến cả trăm con. Đây chính là nguồn cung cấp ngựa cho các quán... phở bò tại Hà Nội.

    Nếu tính ra thì quãng đường phiêu lưu của một con ngựa từ bãi cỏ ở tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) vào đến bát phở Hà Nội dài gần 1.000km, và phải qua tay nhiều người. Đường dây buôn bán này được tổ chức khá chặt chẽ: ngựa từ các trại nuôi bên Lào do người Lào chở bằng xe tải đến gần biên giới, ở đây sẽ có các tay dắt ngựa thuê người Mông (Kỳ Sơn) đến xem hàng. Thỏa thuận xong giá cả, tiền sẽ được trao ngay tại đường biên dưới chân núi Đỉnh Nham (chỉ cách cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn vài trăm mét).

    Sau đó các tay dắt ngựa thuê dẫn ngựa qua đường mòn ra quốc lộ 7 về một điểm tập trung cũng của người địa phương ở gần thị trấn Mường Xén. Các ?ocai đầu dài? chỉ việc cho xe tải lên các điểm tập trung chở ngựa về giao cho những lò mổ ở Hà Tây. Con ngựa Lào thường xuyên thông thương qua lại biên giới với VN nhưng gần như không có sự kiểm soát nào của các cơ quan chức năng.

    Hằng ngày anh xe ôm Lỳ Xây Xo chở tôi trên chiếc xe Minsk qua lại đoạn quốc lộ 7 từ thị trấn Mường Xén lên cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn để tìm mua... ngựa kéo. Bên cạnh việc bán buôn ngựa thịt, dân địa phương cũng có bán cả ngựa kéo. Xo giảng cho tôi hiểu rằng mua ngựa kéo thì phải chọn mua ngựa hay, mà ?ongựa hay là ngựa không có xoáy ở ức và trán; nên chọn con có móng chân chụm, đừng chọn móng xòe...?.

    Qua tìm hiểu, tôi phát hiện bốn điểm tập trung ngựa từ biên giới về do người Mông (Kỳ Sơn) làm chủ. Đó là Vừ Trắng, Vừ Bung, Ông Bó và Giơ Lầu. Những người làm nghề dắt ngựa thuê cho bốn ông chủ này phần lớn là dân bản làng sát biên giới nên việc qua lại đường biên đối với họ dễ như... sang nhà hàng xóm.


    Chở ngựa về xuôi
    Một ngày trời (4-12-2003) ?omai phục? trên ngọn núi Đỉnh Nham, đến khoảng 16g chúng tôi bắt gặp ba người đàn ông đang lùa đàn ngựa chừng 20 con từ bên Lào theo đường mòn về VN. Đàn ngựa dường như vừa trải qua một quãng đường khá xa nên trông chúng bẩn thỉu và mệt mỏi. Một người chạy bộ đi trước để dẹp đường, đàn ngựa chạy giữa, hai người đi xe Minsk áp tải phía sau. Cứ thế người và ngựa ùa ra quốc lộ 7, đi đến đâu huyên náo đến đó. Sau điếu thuốc làm quen tôi bắt chuyện với một người áp tải:

    - Ngựa này của ai?

    - Vừ Trắng!

    - Làm thuê cho Vừ Trắng có khá không?

    - Mỗi chuyến hắn trả cho ba người 1 triệu đồng, mà phải vào sâu bên Lào để tìm mua ngựa mới được. Tháng cũng được 4-5 chuyến đó.

    - Anh tên gì, nhà ở đâu?

    - Ta tên là Lầu Bá Chơ, ở xã Mường Lống. Mường Lống bây giờ xóa cây thuốc phiện rồi, đi làm thuê thế này mới có tiền mà.

    Trong vai một người đi mua ngựa kéo, tôi tìm đến nhà Vừ Trắng tận mắt chứng kiến đàn ngựa chen chúc phía sau nhà. Ông ta cho biết phải gom đủ 40 con trở lên mới có xe vào chở ngựa. Quan sát bầy ngựa một lúc thấy có con bị lở loét, có con lại cụt đuôi nên tôi vận dụng ?obài giảng? của Lỳ Xây Xo để than phiền rằng không có ngựa hay, và hẹn Vừ Trắng lần sau sẽ đến.

    ?oMột con ngựa đau... cả nhà ăn mà không biết!?

    Lý giải về tình trạng ngựa được buôn bán qua biên giới một cách tự nhiên dựa vào thiên nhiên rừng núi Kỳ Sơn, thiếu tá Châu Văn Thao - đồn phó đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn - nói: ?oVề nguyên tắc, mọi việc thông thương qua biên giới đều phải làm thủ tục tại đồn biên phòng. Hơn nữa, theo tôi được biết, Bộ Thương mại đã có chỉ thị cấm nhập động vật qua biên giới. Thế nhưng việc kiểm soát buôn bán trâu, bò, ngựa nói chung qua đường biên gặp rất nhiều khó khăn. Người dân ở biên giới mua bán ngựa theo kiểu trao tay nên dọc theo đường biên khi con ngựa đã sang đến đất VN thì không thể phân biệt đâu là ngựa Lào đâu là ngựa Việt, nên dù bắt được quả tang chúng tôi cũng không thể thu giữ như đối với tội phạm ma túy?.

    Điều đáng buồn nhất chúng tôi bắt gặp trong chuyến thâm nhập đường dây buôn ngựa chính là ở trạm kiểm dịch và phúc kiểm động vật qua cửa khẩu Nậm Cắn. Trạm này không đóng ở cửa khẩu để kịp thời làm tròn chức năng kiểm dịch, mà dời về đóng ở gần thị trấn Mường Xén với lý do được ông Nguyễn Văn Lý - trạm trưởng - giải thích là: ?oCửa khẩu chưa xây dựng xong nên tạm thời chúng tôi phải đóng ở đây?.

    Cái tạm thời đó đã kéo dài nhiều năm nay kể từ khi trạm được thành lập vào năm 1997. Bởi vì đóng cách xa cửa khẩu nên trạm chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ phúc kiểm, đại khái như phát hiện xe chở động vật đi qua trạm thì dừng xe lại kiểm tra và... cho qua (ông Lý khẳng định chưa bao giờ trạm phải lập biên bản tiêu hủy bất cứ một con vật nào).

    Cũng cần nói thêm rằng việc kiểm dịch của trạm hiện nay chủ yếu bằng mắt thường mà không có bất cứ thiết bị chuyên môn nào đáng kể. Với tình trạng trên, theo thống kê hằng năm có tới gần 1.000 con trâu, 1.000 con bò, 1.000 con ngựa được nhập từ Lào về theo quốc lộ 7 cung cấp cho các lò mổ trong Nam ngoài Bắc, e rằng mỗi buổi sáng người Hà Nội cầm trên tay bát phở bò thơm ngon mà không thể nào biết chắc về sức khỏe của các chú ngựa Lào vừa vượt qua gần 1.000km để... đến với họ.

    Do lợi nhuận gần 1/3 so với thịt bò, một số lò mổ ở thị trấn Mường Xén vẫn thường đánh tráo thịt bò thành thịt ngựa để tung ra thị trường. Lỳ Xây Xo cảnh báo tôi rằng: ?oMày đi mua thịt bò phải cẩn thận đó, nếu thấy miếng thịt có thớ to, màu trắng, mùi tanh... thì đích thị là thịt ngựa rồi?.

    VÕ VĂN THÀNH


    --------------------------------------------------------------------------------
    Copyright (C) 2004 Tuoi Tre Online
  2. vovanthanh

    vovanthanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/11/2003
    Bài viết:
    68
    Đã được thích:
    0

    --------------------------------------------------------------------------------

    Cắm Muộn, đất vàng ''''''''hai không''''''''

    07:34 05/05/2004 (GMT+7)
    (VietNamNet) - Những năm cuối cùng của thế kỷ trước, Cắm Muộn (huyện Quế Phong, Nghệ An) chìm trong cơn sốt vàng. Con sông Nậm Quàng chảy qua Cắm Muộn vốn hiền hoà đỏ ngầu màu đất đá thải ra từ bãi vàng. Cơn sốt chìm xuống, dân đào vàng rút đi để lại những hầm hố tan hoang, làng bản tơi bời. Đất vàng Cắm Muộn đã vắt mình sang thế kỷ khác mà vẫn mang danh ''''''''đất vàng hai không''''''''...


    Truyền thuyết đất ''''''''vàng vui''''''''
    Tôi cuốc bộ theo trưởng bản Cắm (xã Cắm Muộn) Lô Văn Le xuống một khe nước gần chân núi. Le đãi vàng trong một chảo gỗ trong ánh chiều gần tàn. Trong chảo là li ti những vảy vàng. Le bảo chỗ này bán được khoảng 5.000-10.000 đồng. Anh đổ chỗ vàng vừa đãi được xuống khe nước và phủi tay giải thích: "Xã đã có quy định cấm đãi vàng ở khe nước gần bản từ lâu rồi...".
    Tôi lại tìm đến nhà một vị già làng ở bản Cắm để hỏi thăm sự tích về địa danh Cắm Muộn. Già làng không nghe, không nói được tiếng phổ thông. Người dẫn đường trở thành một phiên dịch bất đắc dĩ. Già làng ngồi xếp bằng, vừa kể chuyện vừa liên tục rít thuốc. Câu chuyện cứ thế đi vào huyền bí, đung đưa theo khói thuốc...
    ... "Ngày xưa, người Khơ Mú giàu lắm, họ ở trên núi. Còn người Thái nghèo hơn ở dưới thung lũng. Một hôm có đoàn người Thái lên thăm người Khơ Mú, người Khơ Mú giết gà lột da để thiết đãi. Đến khi người Khơ Mú xuống thăm người Thái thì người Thái lấy da rắn tiếp khách. Người Khơ Mú vì ăn phải da rắn nên vi phạm luật tục của tổ tiên dẫn đến mùa màng thất bát đành phải bỏ đi. Trong đoàn người Khơ Mú dắt díu nhau vào rừng, có một bà già bị ghẻ lở khắp người. Đi đến đâu bà cũng xin nghỉ lại nhưng đều bị xua đuổi. Chỉ riêng đến bản Cắm có một gia đình người Thái tốt bụng mời bà vào nhà cho ăn uống. Đêm đến bà cụ xin gia chủ một cái thùng để nằm vào đó. Sáng mai tỉnh dậy chủ nhà không thấy bà cụ đâu, chỉ thấy cái thùng đã chứa đầy vàng. Chủ nhà chạy ra cửa thì thấy bà cụ vừa đi vừa gãi, vàng cứ thế từ trên người bà rơi xuống... Từ đó vùng đất này có tên là Cắm Muộn. Cắm là vàng, Muộn là vui...".
    Già làng quẳng tóp thuốc lập loè đỏ trên môi vào bếp lửa bập bùng rồi chuyển sang âm điệu bi ai, huyền hoặc: "... Tổ tiên ta ngày ấy sống trên đất vàng. Tiếng cười vui không bao giờ tắt trên bản làng. Nhưng cũng chính vàng đã đem tai hoạ đến cho mọi người. Bọn giặc ngửi thấy mùi vàng đã kéo đến đánh chiếm và bắt dân làng làm nô lệ đãi vàng. Bọn giặc có một ông thầy địa lý biết cách tìm ra mạch vàng. Điều kỳ lạ, đến tận bây giờ cứ theo các mạch vàng đó đào tiếp sẽ tìm thấy vàng. Nếu đào chỗ khác sẽ không bao giờ có...!".
    Dừng lời kể, già làng lôi trong ngực áo ra một cục vàng bằng hạt ngô. Đôi bàn tay nhăn nheo trao cho tôi xem cục vàng. Già bảo đây là vật gia truyền của dòng họ mình. Thật lạ kỳ, tuy cục vàng được giữ ấm trong ngực một người ngồi ngay cạnh bếp lửa nhưng vẫn toát ra sự giá lạnh. Hơi lạnh như xông lên từ trong lòng đất. Tôi giật mình vội trao lại cho già làng, ông cười bí ẩn: "Cha ông ta đã tìm được nó trong ruột một con hổ đực...".
    Cắm Muộn, đất vàng ''''''''hai không''''''''
    "Cắm Muộn" có nghĩa là "vàng vui" nhưng đất này rất ít khi vui. Những năm cuối của thế kỷ trước, Cắm Muộn từng chìm trong cơn sốt vàng. Dân tứ xứ đổ về dựng lều trại khai thác vàng bừa bãi. Con sông Nậm Quàng hiền hoà chảy qua Cắm Muộn trở nên đục ngầu vì đất đá thải ra từ bãi vàng. Khi cơn sốt chìm xuống nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương, dân đào vàng rút đi để lại bao hầm hố tan hoang khắp nơi trên bản làng... Đất và người Cắm Muộn thêm nỗi buồn đau vì vàng. Chỉ có những ngọn núi đá dựng đứng bên sông Nậm Quàng từ xã xưa đến nay là vẫn trầm mặc như một tiếng thở dài xót xa cho đất vàng.


    Sông Nậm Quàng đang bị ô nhiễm nặng vì nạn khai thác quặng lậu ở đầu nguồn.

    Ở trên đất vàng nhưng ngay cả thời điểm dân tứ xứ ồ ạt đến tìm vàng thì người Cắm Muộn vẫn không có ai lấy đãi vàng làm nghề chính. Từ bao đời nay họ duy trì sự sống trông cậy vào nương rẫy. Nhà nào ở bản Cắm cũng có chảo gỗ để đãi vàng nhưng đãi vàng chỉ như nghề "tay trái" lúc nông nhàn của người dân đất vàng. Phần lớn sức lao động của họ là dành cho những ruộng lúa nước. Dường như người bản Cắm không đặt niềm tin vào sự may rủi nằm ngay dưới chân mình. Thầy giáo Lô Văn Bình, Hiệu phó trường PTCS Cắm Muộn là một dân gốc bản Cắm biết nhiều chuyện. Thầy Bình nói: "Kinh nghiệm cho thấy đi đãi vàng nuôi bản thân thì đủ nhưng nuôi gia đình thì bấp bênh lắm, khi được khi không mà...".
    Nhưng những ruộng lúa không phải năm nào cũng cho mùa màng trĩu hạt. Nào hạn hán. Nào thiên tai vây quanh. Cả xã chỉ có trên dưới 200ha lúa nước cùng với 40ha gần như phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới tiêu. Ông Lô Văn Nhàn, Chủ tịch xã Cắm Muộn bức xúc về vấn đề nước tưới và nước sinh hoạt cho bà con hơn là chuyện Cắm Muộn có vàng hay không. 40 ha lúa nước thiếu... nước nằm ở bản Moòng. Để tưới tiêu cho diện tích này thì phương pháp tối ưu là dẫn nước từ khe Quỳ. Cán bộ xã tính sơ sơ tổng kinh phí hết gần 500 triệu đồng. Tổng số dự toán không lớn nhưng năng lực của công trình rất lớn. Lãnh đạo Cắm Muộn than thở: "Có khả năng khắc phục, nhưng không được đầu tư...!".
    Cán bộ xã bảo đã nhiều năm nay xã Cắm Muộn kiến nghị với cấp trên về vấn đề vừa thiếu diện tích sản xuất lại vừa thiếu nước canh tác dẫn đến tình trạng tranh chấp nước trong nội bộ nhân dân. Ông Bí thư Đảng uỷ xã trăn trở: "Từ thời ông Nguyễn Văn Hành còn là Bí thư Huyện uỷ Quế Phong đã trực tiếp vào kiểm tra thực tế tình trạng ruộng phơi khô nứt nẻ tại Cắm Muộn. Tuy nhiên, đến nay ông Hành đã chuyển qua giữ chức Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An được vài năm mà tình hình vẫn... rứa!".
    Câu chuyện ở đất vàng Cắm Muộn được tiếp tục về nước sinh hoạt của dân bản. Khác với vấn đề nước canh tác, Cắm Muộn đã từng được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình bể chứa và đường ống dẫn nước. Tuy nhiên, đến nay tất cả các công trình đều hư hỏng, không thể sử dụng. Hai vị Bí thư và Chủ tịch xã tỏ vẻ xót xa cho biết công trình trên ước tính hết gần một tỷ đồng. Mặc dù không có văn bản chính thức nhưng các vị lãnh đạo Cắm Muộn khẳng định: "Đây là công trình của Nhà nước và nhân dân cùng làm. Của Nhà nước hết gần 600 triệu bao gồm xi măng, sắt thép, đường ống và của dân hết gần 300 triệu đồng với những đóng góp cát sỏi, vận chuyển nguyên vật liệu vào chân công trình...". Thế mà thời gian sử dụng công trình này không được bao nhiêu!
    Quanh chuyện bể chứa và ống dẫn nước ở Cắm Muộn bà con còn thấy cả một đoàn cán bộ huyện vào kiểm tra chất lượng công trình khi nó đã... hư hỏng. Đoàn kiểm tra gói những mảnh vụn vỡ ra từ công trình mang về kiểm tra. Cho đến nay, chính quyền và bà con Cắm Muộn vẫn chưa nhận được kết luận chính thức về vụ việc trên. Và rồi tại một cuộc họp cấp huyện, đại diện xã Cắm Muộn đã chất vấn về công trình nước sinh hoạt này. Vấn đề được đặt ra là... đầu tư lại để khỏi lãng phí những đường ống dẫn nước vẫn nằm nguyên dưới lòng đất Cắm Muộn. Ông Trưởng Phòng công nghiệp và xây dựng cơ bản huyện thẳng thắn nói công trình không được đầu tư nữa!


    Những cánh đồng Cắm Muộn đang chờ nước

    Đặc biệt, là vùng đất vàng nhưng hiện tại người ta đang gọi Cắm Muộn là xã... ''''''''hai không''''''''. Không có điện lưới. Không có các công trình nước tưới tiêu cũng như nước sinh hoạt. Ngoài ra, đường giao thông từ trung tâm thị trấn Quế Phong vào đến Cắm Muộn không thể đi được vào mùa mưa. Đây được xem là một trong những con đường... tồi tệ nhất tỉnh Nghệ An vào thời điểm này. Rồi chuyện con sông Nậm Quàng chảy qua Cắm Muộn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng trong khi nó là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của bà con. Trước đây con sông Nậm Quàng đục ngầu 5 năm liền không chỉ vì khai thác vàng mà còn bởi một xí nghiệp khai thác thiếc ở đầu nguồn luôn xả nước thải thẳng ra sông. Hiện nay xí nghiệp này đã có bể lọc nhưng ít nhất một tháng một lần con sông vẫn đục do nước thải từ khai thác thiếc.
    "Vàng" mắt chờ nước
    Làm gì để khắc phục vấn đề ''''''''hai không'''''''' của Cắm Muộn? Chủ tịch xã Lô Văn Nhàn tâm sự: ''''''''Tôi đã từng nuôi tham vọng đắp một cái đập nước ở bản Cắm. Vừa là trữ nước tưới ruộng, vừa làm thuỷ điện. Nhưng nếu đắp đập thì ngập hết bản Cắm và ruộng lúa nên chưa dám quyết định. Thực ra, có một đoàn địa chất vào khảo sát vàng ở Cắm Muộn. Lúc về họ nói rằng tôi nên vay tiền đắp đập ở đó, khi đào đập xuống khoảng 5m là không mất tiền nữa. Cứ xuống 3m là có vàng vụn. Từ 5-7m là có cỡ phân trở lên. Cứ cho khai thác cũng đủ tiền đắp đập... ". Trong tâm sự của ông Nhàn, tôi lờ mờ hiểu được sự bất lực của một chủ tịch xã vùng sâu sát biên giới, nơi mà trình độ dân trí nói chung còn ở mức rất hạn chế.
    Nhiều người dân Cắm Muộn nói, ở trên đất vàng nhưng họ vẫn chưa thực sự vui! Họ đang phải... "vàng mắt" chờ đợi niềm vui đến với mình. Niềm vui không phải đến từ vàng! Bởi người Cắm Muộn không coi trọng việc đãi vàng bằng việc nương rẫy, lúa nước.
    Võ Văn Thành


    Được vovanthanh sửa chữa / chuyển vào 16:34 ngày 15/06/2004
  3. vovanthanh

    vovanthanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/11/2003
    Bài viết:
    68
    Đã được thích:
    0
    http://www.vnn.vn/phongsu/2004/05/134685/

    Nhân chứng cuối cùng của huyền thoại núi Đại Huệ
    09:26 14/05/2004 (GMT+7)
    (VietNamNet) - Tháng 5, trời Nam Đàn xanh vời vợi. Đường lên khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên núi Động Tranh (người dân địa phương gọi là rú Trác) thuộc dãy núi Đại Huệ, tấp nập khách hành hương.
    Tương truyền Đại Huệ là mảnh đất địa linh nhân kiệt, vì thế người con trai chí hiếu Nguyễn Sinh Khiêm đã chọn núi này làm nơi cho người mẹ hiền an giấc ngàn thu. Xưa kia, núi có tên gọi là Đại Tuệ. Sau khi đại thắng quân xâm lược nhà Thanh tết Kỷ Dậu (1789) trở về, vua Quang Trung đổi tên núi thành Đại Huệ để ghi nhớ công ơn thần linh đã phù hộ cho đoàn quân áo vải.
    Truyền thuyết về đất long mạch

    Một góc khu mộ bà Hoàng Thị Loan.

    Sau khi bà Loan mất một thời gian, bà Nguyễn Thị Thanh, chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã vượt gần 400 km trên đôi chân trần để đưa hài cốt mẹ từ kinh đô Huế trở về quê nhà. Bà Loan được an táng trong khu vườn nhà ông phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại làng Kim Liên. Ít lâu sau, ra khỏi nhà tù đế quốc Pháp, anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Sinh Khiêm cũng đáp tàu hoả từ Huế về quê. Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong dòng họ Nguyễn Sinh, thời gian này ông cả Khiêm đã lặn lội khắp các dãy núi trong hai huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên, tìm nơi cát địa để táng hài cốt mẹ.
    Thuyết phong thuỷ dân gian vùng Nam Đàn vẫn truyền rằng, đất đai Ao Hồ có long mạch rất phát. Tất cả 36 dòng họ trong vùng vì muốn con cháuphát đạt đều đưa hài cốt tổ tiên lên táng ở thung lũng Ao Hồ. Trước khi quyết định vị trí huyệt mộ cho mẹ mình, ông cả Khiêm đã bàn bạc cẩn thận với những người già quanh vùng. Họ đều khuyên ông nên táng trong thung lũng Ao Hồ vì nơi đây có tới 36 ngôi mộ của 36 dòng họ cát táng.
    Câu chuyện về việc Nguyễn Sinh Khiêm tìm đất để táng hài cốt của mẹ mang đầy chất huyền thoại. Cách phân tích của các cụ già ở đây về địa thế của mảnh đất này cũng mang màu huyền bí. Huyệt cát ở đó cao gần 100m so với mặt nước biển, sau lưng có núi Động Tranh làm huyền vũ (rùa đen) như ngai tựa vững vàng, bên trái có động Khe Cùng làm thanh long (rồng xanh), bên phải có động Ao Hồ làm bạch hổ (cọp trắng), trước mặt có động Dù làm chu tước (chim sẻ đỏ) án sơn. Xa xa có ngọn núi cao nhất của dãy núi Trà làm triều sơn chầu về, phía trước có dòng sông nhỏ từ Nộn Hồ chảy qua khu mộ về xuôi, gặp sông Lam ở ngã ba Hạc, làm tiểu mạch. Ngoài ra còn có dòng sông Lam chảy lững lờ, có xóm làng hai bên bờ sầm uất, trù phú làm đại mạch và cánh đồng lùm Cựu ở phía ngoài núi Dù rất rộng rãi thoáng đãng làm đại minh đường.
    Đầu tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942), ông Khiêm biện lễ trầu rượu đến xin phép lý trưởng làng Hữu Biệt, dẫn hai người cháu là Nguyễn Sinh Vinh (nay đã trên 80 tuổi) và Nguyễn Luận (mất cách đây vài năm), lên sườn núi Động Tranh thấp đào chín cái huyệt nằm rải rác. Đêm về khuya, một mình ông Khiêm lặng lẽ khấn vái xin phép thổ thần xứ Ao Hồ rồi đặt hài cốt bà Hoàng Thị Loan xuống một trong chín cái huyệt, lấp đất lại. Sáng hôm sau, hai người cháu chỉ việc lấp đất đá lại cho bằng như cũ.
    Câu chuyện thật đã được đắp thêm nhiều chi tiết và trở thành huyền thoại bởi lòng tôn kính ngưỡng mộ của người dân đối với mẫu thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
    Nhân chứng cuối cùng
    Về làng Sen, tôi tìm gặp cụ Nguyễn Sinh Vinh ở nhà thờ họ Nguyễn Sinh. Đã trên tuổi xưa nay hiếm lâu rồi nhưng cụ Vinh vẫn còn rất khoẻ mạnh, minh mẫn. Cụ bắt tay chúng tôi bằng bàn tay chắc nịch, bàn tay năm xưa giúp ông cả Khiêm táng bà Loan vào huyệt mộ cát địa. Cuộc đời cụ Vinh gắn liền với những thăng trầm của làng Sen - cụ đã từng giữ chức phó bí thư nông hội, trưởng ban thuế nông nghiệp của xã Kim Liên. Đến nay, cụ vẫn sống trong ngôi nhà mái ngói giản dị cùng với người con trai của mình.
    Theo lời kể của cụ Vinh, để tìm đất an táng cho bà Hoàng Thị Loan, ông cả Khiêm và hai người cháu đã phải lặn lội ròng rã 3 tháng trời, không kể ngày đêm, mưa nắng. Ban đầu, ông cả Khiêm đem cả hài cốt bà nội là Hà Thị Hy và mẹ lên táng gần nhau ở chân núi Động Tranh thấp. Về sau, ông để mộ bà Hy dưới chân núi và đem mẹ lên táng ở vị trí bây giờ để du khách đến viếng mộ bà Loan cũng sẽ viếng được mộ bà nội Bác Hồ. Trước đây, ít người biết đến mộ bà Hy, thời gian gần đây ngôi mộ này mới được tu sửa lại khang trang hơn. Sau này khi thân phụ của mình mất, ông Vinh cũng đem hài cốt lên táng bên cạnh mộ bà Hy.
    Có một điều ngẫu nhiên là sau khi hài cốt bà Hoàng Thị Loan được cát táng trên núi Động Tranh vào tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942) thì tháng 8/1942, ông già Thu ở căn cứ cách mạng tỉnh Cao Bằng lần đầu tiên lấy tên Hồ Chí Minh để sang Trung Quốc bắt liên lạc với các lực lượng cách mạng Việt Nam và Đồng Minh.
    Cụ Vinh kể lại: ?oSau khi được gặp Bác Hồ ngày 3/11/1946 tại thủ đô Hà Nội, ông Khiêm trở về quê báo tin cho bà con dòng họ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là em Nguyễn Sinh Cung của mình. Mấy ngày sau, ông Khiêm dẫn bà con hai họ Nguyễn Sinh và Hoàng Xuân lên đỉnh núi Động Tranh, chỉ cụ thể vị trí ngôi mộ mà ông đã táng hồi tháng 3/1942 và nói: "Đây chính là mộ mẹ tôi!?.
    Kể rồi, ông Vinh đột nhiên trở nên ngậm ngùi vì thoáng chốc đã hàng chục năm trôi qua, bè bạn cùng trang lứa nay chỉ còn lại một mình mình...
    Ngày hội bên núi...

    Ông Vinh bên ngôi mộ cha mình trên núi Đại Huệ.

    Năm 1984, hưởng ứng chủ trương của cấp trên, nhân dân quanh khu vực mộ bà Hoàng Thị Loan đã nhất loạt dời 36 ngôi mộ của tổ tiên mình để lấy đất xây dựng khu mộ bà Loan như bây giờ.
    Toàn bộ diện tích khu mộ bà Hoàng Thị Loan rộng 10ha. Đường lên xuống cho khách thăm viếng được xây dựng men theo sườn núi hai bên mộ, từ xa trông như 2 dải lụa, mỗi bên dài khoảng 500m - sườn đồi bên trái là đường lên mộ có 269 bậc, bên phải là đường xuống với 242 bậc. Mỗi tháng có khoảng trên 300 đoàn đến thăm viếng, có đăng ký tại Ban quản lý khu mộ.
    Gắn bó với khu mộ nhiều năm nay, chị Lê Thị Vân và anh Nguyễn Ngọc Trung đã chứng kiến hàng triệu lượt người về đây thành kính thắp nén hương thơm tỏ lòng chân thành ngưỡng mộ và biết ơn bà Hoàng Thị Loan, người sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
    Trải dài hai bên khu mộ là rừng thông rộng 90ha, bởi vậy chị Vân và anh Trung gần như đã trở thành người ?oquét lá rừng? hàng ngày. Công việc ở đây dường như không có ngày nghỉ, bởi trong những dịp nghỉ, lễ thì khu mộ càng đông khách. Có những ngày đông khách, anh Trung phải chạy lên xuống khu mộ đến 36 lần để làm tròn công việc, còn những hôm trời đông giá rét thì anh chỉ cần phong phanh một chiếc áo cũng đủ ấm vì... chạy nhiều. Nhưng chị Vân cho biết, vất vả như vậy cũng không thấm vào đâu so với việc... thiếu nước sinh hoạt, bởi vì ở đây chưa lắp đường ống dẫn nước, còn khoan giếng thì... không tới. Ban quản lý khu mộ phải chắt chiu từng giọt nước mua từ thành phố Vinh về, cách đấy 16-17 km. "Vất vả như thế nhưng tôi thấy rất vui vì không khí ở đây lúc nào cũng như ngày hội. Nhất là trong dịp sinh nhật Bác".
    Chị Vân, anh Trung và ông Vinh đã trở nên thân quen, bởi họ đã nhiều lần gặp nhau tại khu mộ. Nơi mà họ gặp nhau, cũng là nơi hội tụ của khí thiêng sông núi...
    Võ Văn Thành


  4. vovanthanh

    vovanthanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/11/2003
    Bài viết:
    68
    Đã được thích:
    0

    Cuộc sống dưới đáy xã hội của những người làm nghề cửu vạn ga Vinh :
    http://www.vnn.vn/psks/phongsu/2004/06/162756/
  5. generous_true

    generous_true Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/03/2004
    Bài viết:
    761
    Đã được thích:
    0
    anh có rảnh không ,làm thay em một chuyến tiền trạm về Kim Liên ,em xin hậu tạ anh vô cùng , hè về em xin bám càng anh một chuyến , còn bây giờ anh rảnh thì giúp em ,hì
    đầu tháng 7 thì em về Vinh rồi , cái này quan trọng lắm đấy , nếu không em phải lặn lội về đó .rồi lặn lội ra ,sau đó lại lộn về , hix
  6. vovanthanh

    vovanthanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/11/2003
    Bài viết:
    68
    Đã được thích:
    0


    Xóm cửu vạn ga Vinh
    10:08 20/06/2004 (GMT+7)
    (VietNamNet) - Trước, nơi này là bãi lầy, rắn độc, ếch nhái chen nhau sinh sống. Rồi ga Vinh dần phát triển, không còn được ở trong ga, những người bốc vác, gánh thuê chẳng ngần ngại thuê ở luôn tại bãi lầy để tiện việc mưu sinh. Từ đó hình thành nên xóm cửu vạn ga Vinh.
    Những mảnh đời tha hương
    Hai dãy nhà thấp le te nằm liền kề nhau ở cuối lối mòn nằm trong khối 19, phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh.
    Từ trong dãy nhà đầu tiên, bầy chó dữ gầy giơ xương xồ ra đón khách. Tôi cuống quýt nấp sau cậu bé dẫn đường. Cậu ta một tay xua đàn chó, một tay chìa ra.Tôi đặt vào bàn tay nhem nhuốc của cậu tờ 2000 đồng. Sau này tôi mới biết số tiền cậu kiếm được trong ít phút dẫn đường cho tôi quá nhẹ nhàng so với những gánh hàng ở sân ga. Thảo nào lúc thoả thuận, khuôn mặt cậu đầy vẻ... " trúng mánh".
    Người bắt chuyện với tôi đầu tiên ở xóm của những người làm nghề bốc vác thuê trên sân ga (hay còn gọi là xóm cửu vạn) là ông già Sót, 74 tuổi... ?oNhững năm 80 của thế kỷ trước, đội quân làm nghề cửu vạn ở ga Vinh bao gồm dân tứ xứ, họ dựng lều cạnh đường tàu, ăn ngủ vật vạ ngay trong ga. Khi đó bãi lầy bên cạnh còn là vùng đất không người, rắn độc, ếch nhái chen nhau sinh sống. Rồi ga Vinh dần phát triển, không còn được ở trong ga, họ chẳng ngần ngại thuê ở luôn tại bãi lầy để tiện việc mưu sinh. Từ đó hình thành nên xóm cửu vạn ga Vinh?. Cứ như ở miền núi, ông Sót đã được gọi là ?ogià làng?, nhưng ở xóm cửu vạn mọi người vẫn gọi ông đơn giản bằng cái tên cúng cơm.
    Ai đó mới đến xuống xóm trọ này, nghe giọng nói của mọi người, chắc hẳn sẽ ngỡ mình đang ở trên đất Thanh Hoá. Xóm có 20 nóc nhà, đa số già trẻ gái trai đều từ Thanh phiêu bạt vào Vinh, rồi không hẹn mà gặp họ tụ họp ở đây, những người đồng hương, đồng cảnh ngộ.
    Có vẻ như mọi sự ở cái xóm này đều đơn giản. Việc khó khăn nhất của những con người nơi đây là kiếm cơm ăn hàng ngày cũng chẳng mấy phức tạp, thanh niên có sức khoẻ thì ăn no rồi ra ga gồng gánh. Còn người già với trẻ em hoặc dắt díu nhau đi ăn xin hoặc nhặt đồng nát, hoặc lang thang đánh giày, hát xẩm... Nói chung là họ thường tiêu hộ thiên hạ những đồng tiền lẻ.
    Hiện nay ông Sót đang thất nghiệp vì thằng bé cùng ?ođôi? với ông mới kiếm được một ?okép? mới thê thảm. Tạm thời, ông ở nhà đấm lưng cho vợ, húp cháo chờ thời! Nghe đâu ở quê (Thanh Hoá), hai ông bà vẫn có nhà cửa, ruộng vườn nhưng vì không ?ohợp? với con cháu nên mới phải vào Nghệ sống nốt những ngày còn lại, được cái bà Sót buôn bán lặt vặt cũng có đồng ra đồng vào, thôi thì ?ocon chăm cha không bằng bà chăm ông?.
    Ngay trước ?onhà dưỡng lão? của đôi vợ chồng già, là nhà của xóm trưởng Bùi Thị Nga. Chị Nga "trúng cử" ghế xóm trưởng đã được 2 năm liền. Đây là chức danh duy nhất trong xóm, ngoài ra không còn có một tổ chức, đoàn thể nào khác, có chăng chỉ là những ?ohội?, hội đàn ông với mâm rượu chiều tà, hội đàn bà ca cẩm với nhau liên miên bên giếng nước...
    Phiêu bạt vào Vinh khi đang độ tuổi xuân thì, đến nay chị Nga đã bước sang tuổi... hồi xuân. Khác với vẻ ngoài đầy chất cửu vạn, lối trò chuyện của chi Nga nhỏ nhẹ đến bất ngờ. ?oTôi phải rứt ruột bỏ quê ra đi cũng vì thương mẹ. Ngày ấy khi mẹ tôi đi bước nữa thì tôi vừa tròn đôi mươi, không thể sống chung với bố dượng nên một đêm mưa gió tôi gói gém quần áo trốn lên tàu. Đến ga Vinh bước xuống, lúc đó cũng không biết đây sẽ là quê hương thứ hai. Bầm dập qua đủ thứ nghề để tồn tại, cuối cùng chọn cái nghề lương thiện và hợp với sức vóc của mình nhất là bốc vác. Chồng tôi hồi ấy cũng làm bốc vác ở ga, anh ấy là dân bản xứ. Làm dâu xứ Nghệ hơn 20 năm, gia tài lớn nhất chính là ông xã và 4 đứa con. Mà con tôi học giỏi nhất xóm đấy nhé...?
    Chuyện "lớn", chuyện "nhỏ" của xóm nghèo
    Thực ra để học giỏi nhất xóm cửu vạn vừa khó vừa dễ. Khó vì trong cuộc sống ?ochạy ăn từng bữa toát mồ hôi? vẫn học hành đàng hoàng là cả một sự cố gắng vượt bậc, dễ vì đa số trẻ trong xóm đều thất học, nói như ông Sót thì ?ođến cả giấy đi vệ sinh cũng không có, lấy đâu sách vở cho bọn trẻ đến trường?.

    Ở cái xóm cửu vạn này, đôi khi chuyện nhỏ lại thành lớn, mà chuyện lớn lại thành nhỏ.

    Ví như chuyện có cái ăn thì yên tâm ?ođầu vào? rồi, nhưng ?ođầu ra? ở đây cũng là một vấn đề lớn. Cả xóm chung nhau 2 cái chòi dựng trên những mặt ao tù bao quanh xóm làm "cầu tõm", việc chờ đợi nhau giải quyết "nỗi buồn" là chuyện thường ngày. Chị Nga hóm hỉnh: ?oĐôi khi đàn ông, đàn bà gặp nhau ở cái chỗ ấy cũng thấy vui?. Một lần vào mùa mưa, có thằng bé trong xóm đi chòi chẳng may ngã ùm xuống ao, từ đó nhà nào cũng nuôi chó để đảm trách việc "dọn vệ sinh" cho lũ trẻ.

    Trẻ em trong "độ tuổi đánh giày" của xóm khá đông, phải trên con số 20. Đúng hôm tôi đến, cả xóm đang chia buồn với nhà chị Thắng ở ngay đầu xóm. Chuyện là có một nhóm chừng 5,6 em trong xóm rủ nhau vào Nam làm thuê, chẳng biết các em trốn tàu thế nào lại leo lên nóc ngồi, khi tàu đi qua cầu, các em bị thanh chắn ngang gạt rớt xuống đường. Em Tuấn, con chị Thắng chết ngay tại chỗ, còn các em khác chỉ bị thương. Chị Thắng nói trong nước mắt: ?oMấy năm nay tôi chưa hề mua cho con một manh áo mới, chẳng phải nuôi con lấy một bữa cơm. Sáu tuổi nó đã biết ra đường đánh giày kiếm sống, bố nó thì mù loà, lần này bảo ở nhà 2 bố con dắt nhau đi ăn xin, nó cứ nằng nặc đòi đi miền Nam mới nên cơ sự?. Gọi là đến chia buồn nhưng mọi người đều ngồi cả ngoài sân. Cái phòng trọ bé tí xíu của chị Thắng nóng như cái lò. Mọi người ngồi một hồi rồi tản mát, đám tang con trẻ đau thương là thế cũng phải gói gọn trong buổi tối....

    Ở xóm cửu vạn này "lò" nào cũng như "lò" nào. Hai dãy nhà gạch xây nham nhở được ngăn thành từng phòng cho các gia đình thuê, có những phòng 15m2 mà có tới 3 thế hệ cùng chung sống. Sự chật chội tạo cho người dân xóm cửu vạn thói quen chỉ về nhà khi cần chỗ ngủ. Trong những cái "lò" ấy, mọi người vẫn sống, vẫn yêu nhau, rồi cho ra đời các thế hệ kế tiếp.

    Những con người ở đây, dù từ Thanh Hoá hay Nghệ An... luôn có cuộc sống bình yên một cách mong manh. Mong manh vì ngày mai họ không biết cuộc sống sẽ như thế nào. Ở xóm cửu vạn này ai dám chắc chuyến tàu ngày mai có hay không hàng cho họ gồng gánh? Ngày mai họ còn được thuê nhà với giá rẻ bèo như hôm nay (30 ngàn đồng/tháng), hay là họ sẽ bị xua đuổi để người ta lấy đất xây dựng một khu chung cư đắt tiền? Chỉ biết chắc một điều rằng ngày mai họ vẫn nghèo. Tôi đánh bạo hỏi chị Nga những dự định về "ngày mai"? Chị không trả lời, ánh mắt nhìn xa xôi lên đường tàu chạy mất hút về phía chân trời.
    "Lắc" theo nhịp tàu
    Nhịp sống của xóm cửu vạn dựa trên ?onhịp tàu? ra vào ga Vinh. Thông thường mỗi ngày họ làm việc 3 ca, buổi sáng sớm, buổi chiều và nửa đêm. Lũ trẻ trong xóm dường như cũng chẳng thèm khóc khi nửa đêm quờ tay không thấy hơi ấm của mẹ. Vừa mới sinh ra chúng đã quen với tiếng tàu chạy sầm sập suốt ngày bên tai. Giải thích về số trẻ em đông đảo trong xóm, chị Nga nửa đùa nửa thật: ?o Tại nhà ở cạnh đường tàu nên khó ngủ ...? .
    ?oNghe tàu chạy nhiều nên quen tai, nhiều khi chỉ cần lắng nghe tiếng tàu vào ga cũng biết chuyến tàu đó... nặng hay nhẹ, có việc để làm hay không?. Chị Nga cười, buồn buồn.
    Một ngày, một đêm theo chân chị Nga làm cửu vạn ở ga Vinh, tôi thấm thía sức lực của người đàn bà này. Những gánh hàng vài chục cân liên tục được chị gánh băng băng đoạn đường gần 1km từ sân ga ra đến cổng ga. Điều đáng nể là vừa gánh nặng chị vừa vui vẻ trò chuyện với tôi cứ như đang đi dạo mát. Chị cho hay đội quân cửu vạn chủ yếu sống nhờ tàu chợ, những chuyến tàu mà các bà, các cô ?oNgười đi thì ít hàng đi thì nhiều?. Còn hành khách các loại tàu nhanh và tàu du lịch thường chỉ đem theo hành lý gọn nhẹ.
    Người ta thường nói ?ogần ga xa nhà văn hoá? với nghĩa sống ở ga thì dễ sa vào vào tệ nạn tiêu cực. Thế nhưng các nhà ?ochức trách? ở đây, ông Vượng (đội trưởng đội bảo vệ ga Vinh), ông Đoàn (khối trưởng khối 19, Đông Vĩnh) đều tỏ ra bằng lòng với sự có mặt của đội quân cửu vạn trên địa bàn do họ quản lý. Với thân phận dân ngụ cư nên người xóm cửu vạn đều răm rắp tuân theo mọi quy chế của phường, xã, thậm chí khi phát động những ngày lao động công ích, cả xóm cùng tham gia đào mương thoát nước còn hăng hái hơn cả người dân bản địa.
    Tôi hỏi chị Nga: ?oLàm thế nào chị thuyết phục được mọi người trong xóm đi làm công ích, trong khi cuộc sống của họ dường như bị cô lập với bên ngoài??.
    - Có gì đâu chú, nói không nghe thì tôi túm tay họ lôi đi thôi - Chị cười.
    Tiếng còi tàu hú lên từ phương nam, từ trong xóm những bóng người vội vã chạy ra, đâu đó vang lên tiếng khóc của trẻ em... Một ngày mới của xóm cửu vạn bắt đầu.
    Võ Văn Thành


  7. angeloflife

    angeloflife Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/07/2002
    Bài viết:
    1.262
    Đã được thích:
    0
    Hôm qua bận ko lên mạng được. Đây có lẽ là lời chúc hơi muộn màng, nhưng mà cũng chúc anh Thành một ngày nhà báo vui vẻ và có nhiều sự mới mẻ trong nghề báo của anh.
  8. vovanthanh

    vovanthanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/11/2003
    Bài viết:
    68
    Đã được thích:
    0

Chia sẻ trang này