1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những câu chuyện về Stalin

Chủ đề trong 'Lịch sử Văn hoá' bởi MieuNhanPhuong, 07/11/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. MieuNhanPhuong

    MieuNhanPhuong Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    27/07/2002
    Bài viết:
    120
    Đã được thích:
    0
    Những câu chuyện về Stalin

    Chủ đề của bạn Lat_kt không vi phạm quy định của TTVNOL, không hiểu bác nào đã xoá đi ? Ở đây chúng ta có thể bàn về các vấn đề của quốc tế, miễn là nó không đi ngược lại các nguyên tắc của nhà nước VN. Việc bàn đến các vấn đề cá nhân của các nhân vật quốc tế, xin nhắc lại là chỉ các nhân vật quốc tế, dưới khía cạnh lịch sử, là không vi phạm nội quy. Việt Nam ta trong những năm 80 cũng từng có những "truyện" rất "ghê gớm" về Mao Trạch Đông. Riêng chuyện về Stalin mà bạn Lat_kt post lên, không đi ngược lại các nguyên tắc về CNXH của nhà nước ta, cũng không gây ảnh hưởng đến quan hệ Việt_Nga (ở Nga người ta đã bàn chuyện xét lại từ lâu). Vậy xin các bác thận trọng hơn khi xử lý vấn đề.

    Do đó tôi post lại nội dung bài viết đầu tiên của bạn Lat_kt vào đây. Bạn có thể post những phần tiếp theo, nhưng cần cẩn trọng, bạn có thể "tự kiểm duyệt" những đoạn quá nhạy cảm trước khi post lên.

    Yên ba giang thượng sử nhân sầu
  2. MieuNhanPhuong

    MieuNhanPhuong Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    27/07/2002
    Bài viết:
    120
    Đã được thích:
    0
    Bài của bạn Lat_kt
    Tôi muốn giới thiệu với các bạn " Báo Cáo Mật của Khrushốp về Stalin ", ở đây có thể có người đọc rồi, có ng chưa đọc, nên tôi sẽ xin đưa ra ở đây để rồi chúng ta cùng bàn luận về một trong những nhân vật nổi tiếng của lịch sử. Bản báo cáo này là do Khrushốp, TBT đảng cộng sản LX trình bày trước đại hội ĐCS XX tại một phiên họp kín.
    Sùng bái cá nhân
    và các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác
    Thưa các đồng chí,
    Trong bản báo cáo của Ban chấp hành trung ương đảng đọc trước Ðại hội thứ XX, trong lời phát biểu của nhiều đại biểu Ðại hội và trong các khóa họp trước kia của Ban chấp hành trung ương, chúng ta đã đề cập nhiều đến tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả tai hại của nó.
    Sau khi Stalin mất, Ban chấp hành trung ương đảng ta đã cố gắng giải thích từng bước, nhưng kiên trì, rằng việc đề cao vai trò một cá nhân, biến cá nhân đó thành kẻ siêu phàm với những đức tính như thần linh là điều xa lạ và không thể chấp nhận được đối với tinh thần học thuyết Mác-Lênin. Người ta giả thiết một người như thế thông hiểu mọi sự, suy nghĩ thay cho mọi người, có thể làm bất cứ việc gì và không hề sai lầm trong hành động.
    Trong nhiều năm dài, sự xác tín rằng có thể tồn tại một cá nhân như thế - và cá nhân ấy chính là Stalin - đã được bồi dưỡng trong chúng ta.
    Bản báo cáo này không có mục đích đánh giá kỹ lưỡng thân thế và sự nghiệp của Stalin. Công lao của Stalin đã được trình bày trong nhiều sách vở, báo chí và các công trình khác, ngay từ khi Stalin còn sống. Vai trò của Stalin trong việc chuẩn bị và hoàn thành cuộc Ðại cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười, trong nội chiến cũng như trong giai đoạn đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã được cả thế giới biết đến. Ðây là điều mọi người đều biết.
    Hôm nay, chúng ta cần đề cập đến một vấn đề có tầm quan trọng hết sức lớn lao đối với đảng, chẳng những trong hiện tại mà cả trong tương lai. Ấy là việc tại sao tệ sùng bái cá nhân Stalin đã bành trướng ngày càng mạnh, và trong một giai đoạn phát triển nhất định, đã dẫn đến một loạt những vi phạm trầm trọng các nguyên tắc, pháp luật và nền dân chủ của đảng.
    Vì đến nay, không phải ai cũng thấy rõ những hậu quả tiêu cực trong thực tiễn của tệ sùng bái cá nhân, những tai hại trầm trọng do việc vi phạm nguyên tắc lãnh đạo tập thể của đảng và sự tập trung quyền hành lớn lao, vô giới hạn trong tay một người độc nhất, nên Ban chấp hành trung ương đảng nhận thấy nhất thiết phải trình bày trước Ðại hội những tư liệu đã có trong tay về vấn đề này.
    Trước hết, xin phép nhắc các đồng chí là các nhà kinh điển của học thuyết Mác-Lênin đã từng nghiêm khắc tố cáo mọi biểu hiện của tệ sùng bái cá nhân. Trong bức thư gửi chính trị gia người Ðức Vinhem Blốtxơ (Wilhem Bloss), Mác viết:
    Trong thời kỳ hoạt động của Quốc tế, ác cảm với mọi thứ sùng bái cá nhân đã khiến tôi không bao giờ cho đăng tải vô số thư từ nhiều nước gửi đến ca tụng tôi, chúng chỉ khiến tôi bực mình. Tôi không bao giờ trả lời, trừ những quở trách đây, đó. Khi lần đầu tiên Ăngghen và tôi gia nhập "Hội những người cộng sản bí mật", chúng tôi đặt điều kiện phải xóa bỏ hết thảy trong Ðiều lệ những gì có thể thúc đẩy lòng tin mê muội vào uy quyền. (Sau này, Látsan đã hành động hoàn toàn ngược lại).
    Ít lâu sau, Ăngghen viết:
    Cả Mác, cả tôi đều luôn luôn chống lại mọi sự biểu dương công khai liên quan đến một số cá nhân, trừ trường hợp có mục đích cao hơn; và nhất là chúng tôi chống lại những lời biểu dương đối với cá nhân chúng tôi, ngay khi chúng tôi còn sống.
    Ai nấy đều biết đến tính khiêm tốn vô bờ bến, vốn là nét đặc trưng của Lênin, thiên tài cách mạng của chúng ta. Lênin bao giờ cũng nhấn mạnh vai trò của quần chúng với tư cách người làm ra lịch sử, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo và tổ chức của đảng như một cơ cấu sống động và mang tính xây dựng, cũng như nhấn mạnh vai trò của Ban chấp hành trung ương đảng.
    Chủ nghĩa Mác không phủ nhận vai trò của những lãnh tụ giai cấp công nhân trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng.
    Mặc dầu đánh giá cao vai trò những người lãnh đạo và tổ chức quần chúng, Lênin phê phán không khoan nhượng mọi biểu hiện sùng bái cá nhân, đồng chí đã đấu tranh kịch liệt chống mọi học thuyết phi mác-xít về vai trò "người anh hùng" và "quần chúng", bác bỏ mọi ý đồ đưa "người anh hùng" đối lập với quần chúng, với nhân dân.
    Lênin dạy rằng sức mạnh của đảng tiềm ẩn trong mối quan hệ không gì lay chuyển nổi với quần chúng, rằng đằng sau đảng là nhân dân: công nhân, nông dân và trí thức.
    Lênin nói:
    Chỉ có kẻ nào tin tưởng ở nhân dân, chỉ có kẻ nào đắm mình trong nguồn sáng tạo sinh động vĩnh cửu của nhân dân, kẻ ấy mới có thể chiến thắng và duy trì được chính quyền.
    Lênin tự hào nói về đảng cộng sản của những người bônsêvích, coi đảng là người lãnh đạo và dạy dỗ quần chúng; lúc nào đồng chí cũng yêu cầu mọi vấn đề quan trọng phải được mang ra bàn luận trước những công nhân giác ngộ và đảng của họ. Lênin nói:
    Chúng ta tin tưởng vào đảng, coi nó là bộ óc, là danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta.
    Lênin cương quyết chống lại mọi mưu mô coi thường hoặc làm giảm vai trò lãnh đạo của đảng trong cấu trúc nhà nước xô-viết. Thiết lập những nguyên tắc bônsêvích cho sự lãnh đạo của đảng và những chuẩn mực của sinh hoạt đảng, đồng chí nhấn mạnh: lãnh đạo tập thể là nguyên tắc căn bản của sự lãnh đạo của đảng. Ngay trong những năm trước cách mạng, Lênin vẫn gọi Ban chấp hành trung ương đảng là một tập thể lãnh đạo, là người bảo vệ và diễn giải những nguyên tắc của đảng. Lênin nói:
    Trong khoảng thời giai giữa hai kỳ Ðại hội, Ban chấp hành trung ương bảo vệ và diễn giải những nguyên tắc của đảng.
    Nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của Ban chấp hành trung ương, Vlađimia Ilích nhận định:
    Ban chấp hành trung ương của chúng ta đã trở thành một nhóm tập trung nghiêm ngặt và có uy tín lớn.
    Hồi sinh thời Lênin, Ban chấp hành trung ương đảng quả thực là hiện thân cho nguyên tắc lãnh đạo tập thể của đảng và đất nước. Là một chiến sĩ cách mạng mác-xít, dù luôn luôn cứng rắn trong những vấn đề mang tính nguyên tắc, song Lênin không bao giờ ép buộc các đồng sự phục tùng quan niệm của mình. Lênin luôn tìm cách thuyết phục các đồng chí của mình, kiên nhẫn giảng giải cho họ biết tại sao đồng chí lại có ý kiến này hay ý kiến khác.
    Lênin luôn chú trọng đến việc duy trì những quy tắc sinh hoạt đảng, áp dụng điều lệ tổ chức đảng trong thực tiễn, đồng chí chú ý triệu tập Ðại hội đảng và các hội nghị Ban chấp hành trung ương vào những thời điểm cần thiết.
    Bài viết gồm nhiều phần, nhưng để tuân thủ nội quy của diễn đàn, tôi sẽ chờ khi Mod xem xét trong trường họp được tiếp tục sẽ đăng tiếp.
    Yên ba giang thượng sử nhân sầu
  3. lat_kt

    lat_kt Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    501
    Đã được thích:
    0
    Cảm ơn bác Miêunhânphuong đã đăng bài của tôi lên. Dưới đây là các phần tiếp theo của báo cáo về Stalin.
    Lênin nói về Stalin
    Bên cạnh những công lao to lớn cống hiến cho thắng lợi của giai cấp công nhân, của quần chúng lao động, của đảng và sự áp dụng tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản khoa học trong thực tiễn, trí tuệ sáng suốt của Lênin còn thể hiện ở chỗ đồng chí đã để ý kịp thời nhiều đặc điểm tiêu cực của Stalin, là cái sau này đã mang lại những hậu quả rất tồi tệ.
    Lo ngại cho tương lai của đảng và nhà nước xô-viết, Vlađimia Ilích Lênin đã phân tích hoàn toàn đúng đắn về nhân cách của Stalin. Ðồng thời, đồng chí nhắc nhở cần loại bỏ Stalin khỏi chức vụ tổng bí thư. Theo nhận định của Lênin, Stalin là con người quá thô lỗ, đối xử không thỏa đáng với các đồng chí, có tính nết thất thường và lạm dụng quyền hành.
    Tháng 12-1922, Vlađimia Ilích viết trong bức thư gửi Ðại hội đảng,:
    Ðồng chí Stalin, từ khi trở thành tổng bí thư đảng, đã thâu tóm vào tay mình một quyền hành vô hạn mà tôi không dám chắc đồng chí ấy sẽ luôn biết sử dụng một cách có chừng mực.
    Bức thư đó - một tài liệu chính trị hết sức quan trọng, được biết đến trong lịch sử đảng dưới cái tên Di chúc chính trị của Lênin(1) - đã được phát cho các đại biểu của Ðại hội lần thứ XX này. Chắc chắn các đồng chí đã đọc nó nhiều lần và sẽ còn đọc đi đọc lại nhiều lần nữa. Ðề nghị các đồng chí hãy chú ý đến những lo âu của Vlađimia Ilích về tương lai của đảng, của nhân dân, của nhà nước và của sự lãnh đạo đảng sau này.
    Vlađimia Ilích nói:
    Stalin là người có tính thô lỗ thái quá và nhược điểm này - hoàn toàn có thể chịu đựng được giữa chúng ta với nhau và trong quan hệ giữa những người cộng sản - không thể chấp nhận được trong cương vị tổng bí thư đảng. Vì thế, tôi đề nghị các đồng chí hãy suy nghĩ về việc thuyên chuyển Stalin ra khỏi trọng trách ấy. Hãy đề cử vào vị trí của Stalin một đồng chí khác, có tính nết tốt hơn so với Stalin: kiên nhẫn hơn, trung thực hơn, lịch sự hơn và chu đáo hơn đối với các đồng chí, ít thất thường hơn v.v...
    Các đại biểu Ðại hội lần thứ XIII đã được biết tài liệu do Lênin để lại trên đây(2) và khi đó, họ đã thảo luận về vấn đề truất Stalin khỏi chức vụ tổng bí thư. Tuy nhiên, các đại biểu đã quyết định duy trì Stalin ở cương vị ấy, hy vọng Stalin sẽ chú trọng đến những nhận xét mang tính phê bình của Vlađimia Ilích và sẽ biết sửa đổi những tính xấu đã khiến Lênin lo ngại.
    Thưa các đồng chí,
    Ðại hội cần biết hai tài liệu mới, chứng tỏ bản tính của Stalin mà Lênin đã vạch rõ trong Di chúc chính trị của đồng chí. Ðó là bức thư của Krúpskaia gửi cho Kamênép(3) - lúc ấy đứng đầu Bộ Chính trị - và thư riêng của Lênin gửi Stalin.
    Bây giờ, tôi xin đọc cho các đồng chí nghe các tài liệu nói trên.
    Thư của Krúpskaia:
    Lép Bôrisôvích,
    Vì một lá thư ngắn(4) mà bác sĩ đã cho phép Vlađimia Ilích đọc cho tôi chép, ngày hôm qua Stalin đã nổi cơn thịnh nộ thô bạo nhất đối với tôi. Ðã khá lâu rồi tôi là thành viên của đảng. Nhưng trong suốt ba mươi năm ấy, tôi chưa hề nghe một đồng chí nào nói một câu thô lỗ với tôi. Tôi mang trong tim mình những lợi ích của đảng và của Ilích, ít nhất cũng như Stalin. Lúc này, tôi cần tự chủ cực độ. Ðiều gì cần phải làm, điều gì có thể hay không thể đưa ra bàn luận với Lênin, tôi là người hiểu rõ hơn mọi bác sĩ. Bởi tôi biết điều gì có thể hay không thể gây ra sự bực dọc cho Lênin. Chí ít, tôi cũng biết điều đó hơn Stalin.
    Tôi viết thư này cho đồng chí và đồng chí Grêgôri (Dinôviép)(5) - là những bạn hữu gần gũi nhất của Ilích - và tôi yêu cầu hai đồng chí bảo vệ tôi chống lại sự can thiệp thô bạo vào đời tư của tôi, chống lại những cuộc cãi cọ không đáng có và những lời hăm dọa hèn hạ. Tôi không nghi ngờ chút nào về việc Ủy ban Kiểm tra - mà Stalin đã mang nó ra để dọa tôi - sẽ đưa ra quyết định thống nhất để bảo vệ tôi. Nhưng tôi không đủ sức và cũng không đủ thì giờ cho những trò kiện cáo ngu xuẩn này. Tôi cũng là người và thần kinh của tôi đã căng thẳng đến tột độ.
    N. Krúpskaia
    Krúpskaia viết bức thư này ngày 23-12-1922. Hai tháng rưỡi sau, ngày 5-3-1923, Lênin viết cho Stalin bức thư sau, và sao lục hai bản gửi Dinôviép và Kamênép:
    Ðồng chí Stalin thân mến,
    Ðồng chí đã tự cho phép mình gọi dây nói cho vợ tôi và mắng mỏ vợ tôi một cách thô bỉ. Mặc dầu vợ tôi đã nói với đồng chí là sẽ bỏ qua những điều đồng chí nói, tuy nhiên, qua vợ tôi, hai đồng chí Dinôviép và Kamênép đã biết chuyện này. Tôi không thể dễ dàng quên được việc đó và chẳng cần nói, đồng chí cũng hiểu rằng những gì chống lại vợ tôi, tôi cũng coi như chống lại tôi. Vì thế, tôi yêu cầu đồng chí suy nghĩ kỹ xem đồng chí có sẵn sàng rút lại những lời đã nói và xin lỗi vợ tôi, hay là chúng ta đoạn tuyệt mọi quan hệ.
    Thân ái
    Lênin(6)
    (Cả phòng họp kinh ngạc)
    Thưa các đồng chí,
    Bây giờ, tôi xin miễn bình luận những tài liệu nói trên. Tự nó nói lên tất cả. Nếu từ lúc sinh thời Lênin, Stalin đã có thể cư xử như thế, nhất là cư xử như thế đối với Krúpskaia - người mà đảng ta ai cũng biết và kính trọng như người vợ chung thủy của Lênin, người chiến sĩ tích cực đấu tranh cho sự nghiệp từ ngày đảng thành lập -, có thể hình dung Stalin cư xử ra sao với những người khác. Ðặc tính tiêu cực ấy của Stalin ngày càng mạnh lên và tới độ không thể dung thứ nổi trong những năm cuối đời đồng chí ấy.
    Những biến cố sau này đã chứng tỏ những lo ngại của Lênin là có cơ sở. Trong giai đoạn đầu sau khi Lênin qua đời, Stalin còn chú trọng đến những lời khuyên bảo của Lênin, nhưng về sau, đồng chí ấy ngày càng không đếm xỉa tới những cảnh cáo của Lênin.
    Khi chúng ta phân tích hoạt động của Stalin trong việc lãnh đạo đảng và đất nước, khi chúng ta suy nghẫm về những việc Stalin đã vi phạm, bất giác chúng ta nhận thấy những lo ngại của Lênin là đúng đắn. Các nét tiêu cực của Stalin - chỉ mới chớm nở hồi sinh thời Lênin - vào những năm về sau đã trở thành sự lạm dụng nghiêm trọng quyền hành tập trung trong tay Stalin và gây tác hại khôn lường cho đảng ta.
    Chúng ta cần xem xét nghiêm chỉnh và phân tích kỹ lưỡng vấn đề này, hầu ngăn cản việc tái diễn những việc đã xảy ra như dưới thời Stalin, dưới bất kể hình thức nào. Stalin tuyệt đối không chấp nhận tính tập thể trong lãnh đạo và công việc, và đã dùng bạo lực không những đối với mọi thứ trái ý mình mà - do tính thất thường và độc đoán của đồng chí ấy - còn đối với tất cả những gì bị đồng chí ấy coi là không hợp với quan niệm của mình.
    Ðối với mọi người, Stalin không dùng phương pháp thuyết phục bằng lý luận và sự hợp tác kiên nhẫn. Stalin bắt buộc kẻ khác phải theo ý định của mình và đòi họ phải phục tùng mình một cách vô điều kiện. Ai dám cưỡng lại và tìm cách chứng tỏ rằng mình đúng, kẻ đó phải rời hàng ngũ lãnh đạo và sau đó sẽ bị tiêu diệt về tinh thần và thể xác. Ðiều này đã xảy ra sau Ðại hội thứ XVII của đảng, khi rất nhiều lãnh tụ xuất sắc của đảng và các đảng viên nòng cốt - biết bao chiến sĩ trung thực và ngay thẳng của sự nghiệp cộng sản - đã là nạn nhân của sự bạo ngược của Stalin.
    Chúng ta đều biết đảng đã phải đấu tranh quyết liệt chống bọn trốt-kít, bọn hữu khuynh và bọn quốc gia tư sản và bằng cuộc đấu tranh đó, đảng đã đánh bại về mặt tư tưởng mọi kẻ thù của chủ nghĩa Lênin. Cuộc tranh đấu tư tưởng này đã thành công, nhờ đó đảng được củng cố và vững vàng thêm. Trong cuộc tranh đấu ấy, Stalin đã có một vai trò tích cực.
    Ðảng đã tiến hành cuộc tranh đấu chính trị lớn lao chống lại những đảng viên tuyên truyền các tư tưởng phi lê-nin-nít, và theo đường lối chống lại đảng và phản lại chủ nghĩa xã hội trong nội bộ đảng. Thật là một cuộc tranh đấu bền bỉ và khó khăn, nhưng cần thiết, bởi lập trường chính trị của bọn Trốtsky(7) - Dinôviép cũng như bọn Bukharin(8), về cơ bản là con đường đi tới chỗ tái lập chủ nghĩa tư bản và đầu hàng tư bản quốc tế(9). Chúng ta thử tưởng tượng hồi 1928-1929, nếu chính sách của bọn hữu khuynh - chủ trương thuyết "chủ nghĩa xã hội tiến nhịp bước con rùa", hướng về bọn phú nông (cu-lắc)(10), v.v... - mà thắng thế thì kết quả sẽ ra sao? Ngày nay, chúng ta làm gì có được nền công nghiệp nặng đồ sộ, làm gì có được các hợp tác xã, chúng ta sẽ yếu thế và bị giải giáp giữa môi trường tư bản chủ nghĩa.
    Vì thế, đảng đã vận động một cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt, vì thế, đảng đã cố gắng giải thích cho mọi đảng viên và quần chúng ngoài đảng biết tầm nguy hại của những tàn dư phi lê-nin-nít của phe đối lập trốt-kít và bọn cơ hội hữu khuynh. Và công cuộc to lớn làm sáng tỏ đường lối của đảng đã đem lại thành quả tốt đẹp: cả bọn trốt-kít, cả lũ cơ hội hữu khuynh bị cô lập về chính trị; đại đa số đảng viên ủng hộ lập trường lê-nin-nít, và đảng đã thành công trong việc thúc đẩy và tổ chức quần chúng lao động thực hiện đường lối lê-nin-nít của đảng và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
    Nhưng chúng ta không được phép quên rằng ngay trong thời kỳ đảng mở cuộc đấu tranh tư tưởng mãnh liệt chống bọn Trốtsky, bọn Dinôviép, bọn Bukharin và bè phái, đảng không áp dụng biện pháp đàn áp đối với họ. Cuộc đấu tranh diễn ra trên địa hạt tư tưởng. Nhưng vài năm sau, khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng căn bản trong nước, khi các giai cấp bóc lột đã bị thủ tiêu về cơ bản, khi cơ cấu xã hội Liên Xô đã thay đổi tận gốc rễ, khi không còn cơ sở xã hội cho sự ra đời của những đảng, những phong trào chính trị *********, khi những kẻ thù tư tưởng của đảng đã bị đánh bại về chính trị từ nhiều năm về trước - khi ấy, những cuộc khủng bố lại khởi đầu chống họ.
  4. lat_kt

    lat_kt Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    501
    Đã được thích:
    0
    Chính trong giai đoạn này (1936-1937-1938), sự đàn áp hàng loạt đã nảy sinh với sự giúp đỡ của bộ máy nhà nước. Thoạt tiên, người ta dùng biện pháp ấy để chống kẻ thù của chủ nghĩa Lênin: bọn Trốtsky, bọn Dinôviép, bọn Bukharin, những kẻ đã bị đảng đánh bại về mặt chính trị từ lâu; sau là để đàn áp nhiều chiến sĩ cộng sản chân chính, những cán bộ đảng từng mang trên vai gánh nặng của cuộc nội chiến, của những năm đầu khó khăn nhất trong thời kỳ công nghiệp hóa, công hữu hóa. Ðây là những người đã tranh đấu tích cực chống bọn Trốtsky và bọn hữu khuynh để bảo vệ đường lối lê-nin-nít của đảng.
    --------------------------------------------------------------------------------
    (1) Sau khi đọc cho thư ký viết bức thư này, Lênin cho hủy bản chính và trao hai bản sao đã niêm phong (với dấu "Tối mật") cho Krúpskaia và Ban Bí thư, ông dặn chỉ được mở và đọc trong Ðại hội đảng sau khi ông qua đời. Vì thế, bức thư trên còn mang tên Thư gửi Ðại hội.
    (2) Thư gửi Ðại hội được đọc trong hội nghị ngày 22-5-1924 của Ban chấp hành Trung ương. Một quyết định được thông qua: không thảo luận bản Di chúc chính trị của Lênin trong Ðại hội lần thứ XIII và không công bố trước dân chúng. Bản Di chúc này được Mắc Istman (Max Eastman) - một đảng viên cộng sản Mỹ - đăng tải công khai lần đầu tiên trên tờ New York Times ngày 18-10-1926.
    (3) Lép B. Kamênép (1883-1936): đảng viên từ năm 1901, chủ tịch xô-viết Moskva, phó chủ tịch Hội đồng Dân ủy và ủy viên Bộ Chính trị thời kỳ 1919-1926. Bị bắt sau vụ ám sát Kirốp, bị tù đày và tử hình với lời buộc tội "hoạt động khủng bố".
    (4) Lá thư Lênin gửi Trốtsky ngày 21-12-1922, chúc mừng Trốtsky đã đấu tranh thắng lợi khiến Ban chấp hành Trung ương thông qua quyết định nhà nước phải nắm trong tay độc quyền ngoại thương: Dường như đồng chí chiếm được các cứ điểm mà không tốn một phát súng nào. Ðề nghị đồng chí đừng dừng lại, chúng ta hãy tiếp tục tấn công.
    (5) Grêgôri I. Dinôviép (1883-1936): vào đảng năm 1901, đảng viên bônsêvích năm 1903, là học trò và cộng sự gần gũi nhất của Lênin. Chủ tịch xô-viết Pêtrôgrát sau cách mạng tháng Mười, ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế cộng sản (Ðệ tam). Bị bắt và tử hình cùng Kamênép trong "vụ án Moskva" năm 1936.
    (6) Bức thư này đã được Lép Trốtsky đăng trong cuốn hồi ký Ðời tôi. Ðảng cộng sản Liên Xô vẫn giấu giếm trước dư luận. Ðây là lần đầu tiên đảng cộng sản Liên Xô công bố trước Ðại hội đảng.
    Ngày 7-3-1923, Stalin trả lời Lênin với giọng điệu khá ngang bướng; lá thư này mới được công bố cách đây ít lâu. Cũng trong ngày hôm đó, Lênin bị chảy máu não lần thứ hai, ông bị cấm khẩu và liệt toàn thân.
    (7) Lép D. (Brônstên) Trốtsky (1879-1940): vào đảng Xã hội Dân chủ Nga năm 1897, bị tù và đày ải nhiều lần dưới thời Nga hoàng, chủ tịch xô-viết Pêtrôgrát trong cách mạng 1905 và cách mạng tháng Mười 1917, đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tháng Mười. Sau năm 1917, giữa các trọng trách Dân ủy Ngoại vụ, Dân ủy Quốc phòng và Hải quân, chủ tịch Hội đồng Quân sự Cách mạng, ủy viên Bộ Chính trị; sáng lập và lãnh đạo Hồng quân trong cuộc nội chiến. Sau khi Lênin mất, Trốtsky là người đứng đầu các nhóm đối lập ở Liên Xô, bị Stalin khai trừ khỏi đảng năm 1926, đày đi Anma-Ata năm 1928 và trục xuất khỏi Liên Xô năm 1929. Trốtsky thành lập Ðệ tứ Quốc tế vào nửa cuối thập niên 30, bị Stalin phái người tới tận Mêhicô để ám sát ông vào năm 1940.
    (8) Nikôlai I. Bukharin (1888-1938): ủy viên thành ủy Mạc Tư Khoa từ năm 1908, thành viên Ban chấp hành Trung ương từ hè năm 1917, ủy viên Bộ Chính trị đến năm 1929, chủ tịch Quốc tế cộng sản (Ðệ tam) thời kỳ 1926-1929. Bị bắt năm 1937 và tử hình vì tội "gián điệp" trong vụ án Bukharin năm 1938.
    (9) Ðây là một sự vu khống theo kiểu xta-lin-nít. Các sử gia đứng đắn, tôn trọng sự thật đều biết sau khi cách mạng tháng Mười thành công, Lép Trốtsky là người đầu tiên trong đảng đề ra khẩu hiệu Công nghiệp hóa và Công hữu hóa. Thoạt đầu, Stalin và Bukharin chống lại chủ trương ấy. Sau này, khi đã loại bỏ Bukharin, Stalin đem những khẩu hiệu của Trốtsky ra áp dụng, nhưng vẫn tiếp tục vu khống Trốtsky.
    (10) Tầng lớp phú nông có ruộng đất ở Nga.
  5. lat_kt

    lat_kt Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    501
    Đã được thích:
    0
    "Kẻ thù của nhân dân"
    Stalin là người đề xướng quan niệm "kẻ thù của nhân dân". Thuật ngữ này tự nó loại trừ sự cần thiết phải chứng tỏ những sai lầm về tư tưởng của từng cá nhân hay đoàn thể. Nó tạo điều kiện cho việc vi phạm mọi chuẩn mực của pháp luật cách mạng, áp dụng những biện pháp khủng bố tàn bạo nhất với bất kỳ ai không đồng tình với Stalin trong bất kỳ một vấn đề nào, đối với những người mới chỉ bị nghi vấn là đang chuẩn bị hoạt động chống phá cũng như với những kẻ vô tăm tiếng.
    Tự bản thân, quan niệm "kẻ thù của nhân dân", trong thực tế, đã loại bỏ khả năng mở ra bất kỳ một cuộc đấu tranh tư tưởng nào, hoặc ngăn cản người khác không được phát biểu ý kiến về một vấn đề nhất định, ngay cả khi vấn đề ấy là thực tiễn, chứ không mang tính lý luận. Trái hẳn với mọi nguyên tắc pháp lý, người ta chỉ dựa vào lời "thú tội" của bị cáo để buộc tội, coi đó là bằng chứng chính yếu và duy nhất trong thực tế. Các cuộc thẩm tra sau này đã chứng tỏ: bằng nhục hình, người ta đã cưỡng bức các bị cáo phải tuôn ra những lời "thú tội".
    Ðiều này dẫn đến chỗ pháp lý cách mạng bị vi phạm trầm trọng, và nhiều người hoàn toàn vô tội - trong quá khứ từng bảo vệ đường lối của đảng - đã trở thành nạn nhân.
    Phải nhớ rằng ngay cả đối với những người trước kia đã chống lại đường lối của đảng, lắm lúc, dù chẳng có lý do gì chính đáng, họ cũng bị giết hại. Quan niệm "kẻ thù của nhân dân" được áp dụng nhiều nhất chính là để sát hại thể xác những người như thế.
    Một thực tế nữa là trong số những người bị thanh trừng như "kẻ thù của đảng và nhân dân", có nhiều người trước đây từng cộng tác với Lênin. Trong số đó, hồi sinh thời Lênin có vài người đã từng phạm những sai lầm, nhưng Lênin - thường thường hài lòng với công việc của họ - đã cố gắng giúp họ sửa chữa những sai lầm ấy và tìm mọi cách giữ họ lại trong hàng ngũ đảng; đồng chí bao giờ cũng cố gắng thuyết phục họ theo lẽ phải của đồng chí.
    Về điểm này, các đại biểu Ðại hội đảng cần được biết nội dung một bức thư - chưa bao giờ được công bố - mà đồng chí V.I. Lênin gửi đến Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương tháng 10-1920. Nhấn mạnh về nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra, Lênin nói rằng ủy ban này phải trở nên một "cơ quan thực thụ của lương tri đảng và lương tri vô sản":
    Nhân danh nhiệm vụ đặc biệt của mình, Ủy ban Kiểm tra cần quan tâm chu đáo đến từng cá nhân, thậm chí phải coi mình như một liều thuốc chữa bệnh đối với các đại diện phe đối lập, những người bị khủng hoảng tinh thần sau những thất bại của họ trong chính quyền xô-viết hay trong đảng. Cần phải cố gắng an ủi họ, giải thích cho họ hiểu vấn đề trên tình đồng chí, tìm cho họ (nên tránh lối ra lệnh) một công tác phù hợp với đặc tính tâm lý của họ, phải đưa những hướng dẫn và chỉ thị về vấn đề này cho Ban Tổ chức trung ương, v.v...
    Mỗi người chúng ta đều biết Lênin rất nghiêm khắc đối với những kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa Mác, với những ai đi sai đường lối đúng dắn của đảng. Nhưng đồng thời, cũng như tài liệu được trích dẫn nói trên chứng tỏ, trong quá trình lãnh đạo đảng, Lênin đòi hỏi đảng phải cư xử thật sâu sắc với những ai tỏ ra do dự hoặc chưa đồng tình với đường lối của đảng trong một giai đoạn tạm thời, nhưng sau này có thể trở về với đảng. Lênin khuyên nhủ chúng ta phải kiên nhẫn cải tạo những người này và đừng áp dụng những biện pháp cực đoan đối với họ.
    Sự sáng suốt của Lênin trong quan hệ với con người đã bộc lộ rất rõ trong hành động đối với các cán bộ đảng.
    Nhưng trong mối quan hệ với mọi người, Stalin lại cư xử hoàn toàn trái ngược. Những phương pháp của Lênin hoàn toàn xa lạ đối với Stalin. Kiên nhẫn đối với con người, chú trọng việc thường xuyên cải tạo họ, tìm cách thuyết phục họ về với mình, không cưỡng chế mà chỉ dùng tác động tư tưởng thông qua tập thể đảng - đây là những điều Stalin không hề biết đến.
    Stalin đã bác bỏ phương pháp thuyết phục và giáo dục lê-nin-nít, vứt bỏ phương pháp đấu tranh tư tưởng và chỉ sử dụng phương pháp bạo lực hành chính, đàn áp và khủng bố hàng loạt. Dựa vào các cơ quan hình sự, Stalin đã áp dụng những phương pháp ấy, ngày càng trên diện rộng và ngày càng dai dẳng, giữa chừng, đồng chí ấy thường xuyên chà đạp lên mọi chuẩn mực đạo lý và pháp lý xô-viết.
    Sự độc đoán của một cá nhân đã thúc đẩy và động viên hành vi độc đoán cho những kẻ khác. Những vụ bắt bớ đồng loạt hàng ngàn người, những vụ hành quyết không đem ra xét xử tại tòa án và không qua thẩm xét thông thường đã tạo nên trạng thái "bất an", tràn đầy nỗi lo âu, thậm chí khiếp đảm.
    Tất nhiên, điều này không củng cố sự đoàn kết giữa các cán bộ đảng và mọi tầng lớp quần chúng lao động. Trái lại, nó dẫn đến việc khai trừ khỏi đảng và thủ tiêu nhiều chiến sĩ trung thành với đảng, chỉ vì họ không làm vừa ý Stalin.
    Ðảng ta đã đấu tranh nhằm thực hiện những kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội của Lênin. Ðây là cuộc đấu tranh về ý thức hệ. Nếu trong cuộc đấu tranh này, những nguyên tắc lê-nin-nít được thực hiện và nếu sự tôn trọng nguyên tắc được hòa hợp đúng đắn với sự quan tâm, chăm sóc con người, nếu con người không bị gạt bỏ mà được đối xử phải lẽ, hiển nhiên là chúng ta đã không gặp phải sự vi phạm luật pháp cách mạng một cách thô bạo như thế, và hàng vạn người đã không trở thành nạn nhân của những phương pháp khủng bố. Lẽ ra, chỉ được dùng các biện pháp bất thường chống lại những kẻ quả thực có hành động phá hoại hệ thống xô-viết.
  6. lat_kt

    lat_kt Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    501
    Đã được thích:
    0
    Lênin và tổ chức đảng
    Chúng ta hãy nhớ lại vài sự kiện lịch sử.
    Trong những ngày trước cách mạng tháng Mười, hai ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng bônsêvích, Kamênép và Dinôviép đã chống lại kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của Lênin(1). Hơn thế nữa, ngày 18-10, họ lại đăng trên tờ Nôvaia Giưdin(2) của phái mensêvích một lời tuyên bố, trong đó họ đề cập đến việc đảng bônsêvích đang chuẩn bị cuộc khởi nghĩa vũ trang mà họ (Kamênép và Dinôviép) coi là một hành động phiêu lưu mạo hiểm. Như thế, Kamênép và Dinôviép đã tiết lộ cho kẻ thù biết nghị quyết của Ban chấp hành trung ương về cuộc khởi nghĩa, nhất là họ công bố cuộc khởi nghĩa sẽ xảy ra trong vòng vài ngày.
    Ðó là một hành động phản bội đối với đảng và đối với sự nghiệp cách mạng. Về vấn đề này, Lênin đã viết:
    Kamênép và Dinôviép đã tiết lộ nghị quyết của Ban chấp hành trung ương đảng về cuộc khởi nghĩa vũ trang cho Rốtdiankô và Kêrensky(3)...
    Và Lênin đã đề nghị Ban chấp hành trung ương khai trừ Kamênép và Dinôviép khỏi đảng(4).
    Nhưng sau khi cuộc đại cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười thành công, ai cũng biết Dinôviép và Kamênép đã giữ các chức vụ lãnh đạo. Lênin đã đưa họ vào những cương vị mà tại đó, họ đã chỉ đạo việc thực hiện những nghị quyết rất quan trọng của đảng. Họ cũng tham gia tích cực vào công tác lãnh đạo các tổ chức đảng và xô-viết.
    Chúng ta cũng biết Dinôviép và Kamênép còn phạm hàng loạt sai lầm khác - không kém phần nghiêm trọng - trong lúc sinh thời Lênin. Trong Di chúc chính trị của mình, Lênin đã nhắc nhở: "Biến cố tháng Mười của Dinôviép và Kamênép tất nhiên không tình cờ."
    Dù vậy, Lênin không đặt vấn đề bắt bớ họ và dĩ nhiên, càng không có chuyện xử tử họ.
    Hoặc, hãy xem thí dụ của phái trốt-kít. Ngày nay, sau một giai đoạn lịch sử tương đối dài, chúng ta có thể hoàn toàn bình tĩnh nói về cuộc đấu tranh chống phái trốt-kít và có thể phân tích vấn đề này với độ khách quan cần thiết.
    Trước tiên, những người đứng xung quanh Trốtsky, xét về thành phần xã hội, không thể liệt vào thành phần tư sản. Trong số họ, một số là trí thức và một số khác là những đảng viên có gốc rễ lao động. Chúng ta có thể nhắc đến tên nhiều người, thời xưa từng ủng hộ Trốtsky. Nhưng những người ấy - trước cách mạng và trong cuộc cách mạng tháng Mười - đã tham gia tích cực vào phong trào công nhân, sau đó, họ đã đấu tranh củng cố thắng lợi của cuộc cách mạng vĩ đại đó(5).
    Nhiều người trong số họ đã đoạn tuyệt phái trốt-kít và quay về lập trường lê-nin-nít. Thử hỏi có cần thiết phải tàn sát họ hay không? Chúng ta tin chắc nếu Lênin còn sống, không bao giờ những biện pháp cực đoan lại được mang ra áp dụng đối với họ.
    Ðây chỉ là một vài sự kiện lịch sử. Nhưng phải chăng có thể nói Lênin đã không dùng những biện pháp nghiêm khắc đối với kẻ thù của cách mạng, khi quả thực điều đó là cần thiết?
    Không, chúng ta không thể nói như thế. Vlađimia Ilích không chấp nhận bất cứ một thỏa hiệp nào đối với những kẻ thù của cách mạng và của giai cấp công nhân, và khi cần thiết, đồng chí không ngần ngại sử dụng những phương pháp cương quyết nhất. Chúng ta hãy nhớ lại Lênin đã chiến đấu như thế nào để chống lại các tổ chức của bọn xã hội cách mạng(6) khi lũ này nổi dậy chống chính quyền xô-viết, chống lại phong trào phản cách mạng năm 1918 của bọn phú nông (cu-lắc) v.v... Trong những trường hợp đó, Lênin không ngần ngại dùng những phương pháp cứng rắn nhất.
    Nhưng Lênin chỉ dùng các biện pháp này để chống lại kẻ thù giai cấp thực thụ. Ðồng chí không áp dụng nó với những cán bộ chỉ mắc sai lầm, có thể sửa chữa được bằng giáo dục tư tưởng, thậm chí sau đó còn có thể đặt họ và các cương vị lãnh đạo.
    Lênin chỉ sử dụng những biện pháp nghiêm khắc trong trường hợp cần thiết thực sự: khi giai cấp bóc lột còn tồn tại và chống đối cách mạng quyết liệt, khi cuộc đấu tranh cho sự sống còn được biểu lộ dưới những hình thức gay go nhất, kể cả hình thức nội chiến.
    Ngược lại, Stalin đã áp dụng những biện pháp đặc biệt và khủng bố hàng loạt khi cuộc cách mạng đã toàn thắng, khi nhà nước xô-viết đã được củng cố, khi giai cấp bóc lột đã hoàn toàn bị dẹp tan, khi nền móng vững chãi của những quan hệ xã hội chủ nghĩa đã cắm rẽ ở khắp các ngành của nền kinh tế quốc gia, khi đảng đã vững mạnh về phương diện chính trị và ngày càng được củng cố về mặt nhân sự cũng như về ý thức hệ.
    Hoàn toàn rõ ràng, trong nhiều trường hợp, Stalin đã bộc lộ rõ rệt cách cư xử không thể dung thứ, bản tính lỗ mãng và lạm dụng chức quyền. Ðáng lẽ phải chứng tỏ đường lối chính trị đúng đắn, đáng lẽ phải động viên quần chúng, đằng này Stalin lại chọn con đường đàn áp và thủ tiêu thể xác, không chỉ với kẻ thù thực sự mà còn đối với những người không mảy may chống lại đảng hay chính phủ Liên Xô. Không thể coi đó là hành động sáng suốt, đây chỉ là biểu hiện của bản tính thô lỗ mà trước đây Lênin đã tiên đoán và đã lo ngại.
    Sau này, nhất là sau khi bè lũ Bêrya bị vạch mặt, Ban chấp hành trung ương đã nghiên cứu nhiều vụ việc mà bọn này đã ngụy tạo ra(7). Kết quả cho thấy một bức tranh kinh hoàng của toàn bộ thể chế độc đoán, có liên quan mật thiết đến thái độ sai trái của Stalin.
    Thực tế đã chứng tỏ, Stalin - trong khi sử dụng quyền hành vô giới hạn của mình - đã nhân danh Ban chấp hành trung ương mà không hỏi ý kiến các ủy viên Trung ương, thậm chí, đồng chí ấy cũng không xin ý kiến các ủy viên Bộ Chính trị. Nhiều khi, Stalin chẳng hề báo cáo cho các ủy viên Trung ương biết những quyết định cá nhân trong các vấn đề hệ trọng của đảng và của chính phủ.
    Nghiên cứu vấn đề sùng bái cá nhân, trước hết chúng ta cần chỉ ra: thứ sùng bái cá nhân này đã gây những tai hại đến mức nào cho đảng chúng ta.
    Lênin luôn luôn nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của đảng trong việc lãnh đạo chính phủ xã hội chủ nghĩa của công nhân và nông dân; đồng chí coi đó là điều kiện hàng đầu cho sự thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhấn mạnh trọng trách của đảng bônsêvích - trên vai trò một chính đảng lãnh đạo nhà nước xô-viết -, đồng thời Lênin đòi hỏi chúng ta phải nghiêm chỉnh tôn trọng những chuẩn mực trong sinh hoạt đảng, đòi hỏi chúng ta thực hiện nguyên tắc tập thể trong việc lãnh đạo đảng và nhà nước.
  7. lat_kt

    lat_kt Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    501
    Đã được thích:
    0
    Lãnh đạo tập thể
    Sự lãnh đạo tập thể tất yếu xuất phát từ bản chất của đảng ta, xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Lênin viết:
    Ðiều này có nghĩa tất cả mọi vấn đề của đảng - trực tiếp hoặc thông qua những người đại diện - phải do mọi đảng viên thực hiện, không trừ một ai, trên cơ sở bình đẳng về các quyền lợi; lại nữa, tất cả những nhân viên hành chính, tất cả các cơ quan lãnh đạo, tất cả những cơ sở đảng đều được bầu cử, họ có trách nhiệm phúc trình những sinh hoạt của họ và có thể bị bãi bỏ bất kể lúc nào.
    Chúng ta biết rõ bản thân Lênin luôn nêu tấm gương tôn trọng triệt để những nguyên tắc nói trên. Lênin không tự mình quyết định trong bất kỳ một vấn đề quan trọng nào, đồng chí luôn hỏi ý kiến đa số các ủy viên Ban chấp hành trung ương hay Bộ Chính trị và nhận được sự chấp thuận của họ.
    Trong thời kỳ khó khăn nhất của đảng và của đất nước ta, Lênin không bao giờ quên triệu tập đều đặn những cuộc hội nghị, hội đàm của đảng và những hội nghị toàn thể của Ban chấp hành trung ương, nơi những vấn đề hệ trọng được đem ra thảo luận và những nghị quyết của toàn bộ Ban chấp hành trung ương được thông qua.
    Chẳng hạn, chúng ta hãy nhớ lại năm 1918, khi đất nước ta bị hiểm họa tư bản nước ngoài can thiệp. Trong tình hình ấy, Ðại hội lần thứ VII được triệu tập để thảo luận một vấn đề sống còn, không thể trì hoãn: vấn đề hòa bình. Năm 1919, khi nội chiến đang ở độ ác liệt, Ðại hội lần thứ VIII thông qua cương lĩnh mới của đảng, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng như mối quan hệ giữa đảng và quần chúng nông dân, tổ chức Hồng quân, sự lãnh đạo của đảng trong các xô-viết, việc cải tổ thành phần xã hội của đảng v.v...
    Năm 1920, đảng họp Ðại hội lần thứ IX để thiết lập nền tảng vai trò lãnh đạo của đảng trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Năm 1921, Ðại hội lần thứ X đã đưa ra quyết định về chính sách Tân kinh tế (N.E.P.)(1) và thông qua quyết nghị có tầm quan trọng lịch sử mang tựa đề Về sự thống nhất của đảng do Lênin khởi thảo.
    Hồi sinh thời Lênin, các đại hội của đảng đã được triệu tập thường xuyên, mỗi lần lại đưa ra một thay đổi cấp tiến trong quá trình phát triển của đảng và đất nước. Lênin nhận thấy sự cần thiết tuyệt đối của việc đảng phải thảo luận tỉ mỉ về tất cả mọi vấn đề quan trọng dính líu đến đường lối đối nội và chính sách ngoại giao cùng những vấn đề liên quan đến cơ cấu của đảng và chính phủ.
    Một điều rất đặc trưng là trong những bài nói chuyện, những thư từ và chỉ dẫn cuối cùng, Lênin hướng về đại hội đảng như cơ quan tối cao của đảng. Trong thời gian giữa hai đại hội, Ban chấp hành trung ương là cơ quan lãnh đạo có uy tín nhất, theo sát những nguyên tắc và thực hiện đường lối chính trị của đảng.
    Ðảng đã hoạt động như thế trong thời kỳ Lênin còn sống.
    Nhưng phải chăng sau khi Lênin mất, những nguyên tắc thiêng liêng của đảng vẫn được duy trì ?
    Trong những năm đầu sau khi Lênin mất, các cuộc đại hội và các khóa họp Ban chấp hành trung ương còn được triệu tập tương đối đều đặn, nhưng sau này, khi Stalin bắt đầu và ngày càng lạm dụng quyền hành, những nguyên tắc đó bị vi phạm trắng trợn.
    Ðiều này đặc biệt rõ rệt trong 15 năm cuối đời của Stalin. Có thể coi là một sự bình thường được không khi giữa Ðại hội XVIII và XIX là 13 năm, trong 13 năm ấy đảng và dân tộc ta đã trải qua biết bao biến cố quan trọng? Những sự kiện đó đòi hỏi đảng phải thông qua những quyết định về phòng thủ trong chiến tranh vệ quốc và xây dựng đất nước sau khi hòa bình lập lại.
    Vậy mà, ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc rồi, cũng phải chờ đến hơn bảy năm nữa mới có một đại hội đảng được triệu tập.
    Hầu như không có những khóa họp Ban chấp hành trung ương. Chỉ cần nhắc lại: trong những năm của cuộc chiến tranh vệ quốc, Ban chấp hành trung ương không họp một lần nào.
    Ðúng hơn, vào tháng 10-1941, người ta định triệu tập một hội nghị Ban chấp hành trung ương. Các ủy viên của Ban đã về Moskva từ mọi miền của đất nước. Trong hai ngày, họ chờ đợi hội nghị khai mạc, nhưng vô ích. Stalin không muốn gặp và cũng không muốn trao đổi ý kiến với họ. Thực tế này chứng tỏ trong những tháng đầu của chiến tranh, Stalin đã có tâm trạng nao núng. Nó cũng chứng tỏ Stalin coi thường và khinh miệt các thành viên Ban chấp hành trung ương đến mức nào.
    Trong thực tiễn, Stalin không đếm xỉa đến quy luật sinh hoạt của đảng và chà đạp những nguyên tắc lê-nin-nít trong sự lãnh đạo tập thể của đảng.
    Thái độ bất thường của Stalin đối với đảng và Ban chấp hành trung ương đã biểu lộ hoàn toàn rõ rệt sau Ðại hội lần thứ XVII của đảng vào năm 1934.
  8. lat_kt

    lat_kt Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    501
    Đã được thích:
    0
    Những vụ việc ngụy tạo
    Thu thập được nhiều số liệu chứng tỏ sự độc đoán trắng trợn đối với các cán bộ đảng, Ban chấp hành trung ương đã lập ra một ủy ban - hoạt động dưới sự kiểm soát của Ðoàn Chủ tịch Ban chấp hành trung ương đảng - nhằm nghiên cứu những nguyên nhân đã gây nên các vụ đàn áp hàng loạt đối với đa số thành viên chính thức và dự khuyết của Ban chấp hành trung ương do Ðại hội nghị lần thứ XVII bầu ra.
    Ủy ban này, trong quá trình tìm hiểu một số lớn tài liệu lưu trữ của Bộ Dân ủy Nội vụ (N.K.V.D.)(1) và các tư liệu khác, đã đi đến nhận định sau: trong nhiều trường hợp, các vụ án ngụy tạo được bày đặt để đàn áp các đảng viên cộng sản, những lời buộc tội giả trá được đặt ra, luật pháp xã hội chủ nghĩa bị xâm phạm trắng trợn, dẫn đến việc nhiều người vô tội bị sát hại. Rõ ràng là nhiều chiến sĩ của đảng, của xô-viết, của các ngành kinh tế - bị lên án là "kẻ thù" trong những năm 1937- 38(2) - thực ra họ chưa bao giờ là kẻ thù, là gián điệp, là kẻ phá hoại v.v... mà luôn luôn là những người cộng sản chân chính. Nhưng họ đã bị vu khống và thường thường, vì không chịu nổi những đòn tra tấn dã man, họ đã tự gán cho mình (theo lệnh của lũ nhân viên điều tra man trá) những tội tày đình và vô lý nhất.
    Ủy ban đã đệ trình lên chủ tịch đoàn Ban chấp hành trung ương một tư liệu đồ sộ và có cơ sở về các vụ đàn áp đại quy mô đối với các đại biểu Ðại hội lần thứ XVII và các thành viên Ban chấp hành trung ương do đại hội đó bầu ra. Ðoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương đã nghiên cứu cặn kẽ tư liệu trên.
    Cuộc điều tra đã cho thấy 98 người trong số 139 ủy viên chính thức và dự khuyết của Ban chấp hành trung ương do Ðại hội thứ XVII bầu ra, nghĩa là 70 %, đã bị bắt bớ và bị xử bắn (phần đông vào những năm 1937-38). (Cả phòng họp xôn xao công phẫn)
    Thử xem thành phần các đại biểu ở Ðại hội lần thứ XVII ra sao? Ta được biết 80% đại biểu có quyền biểu quyết ở Ðại hội thứ XVII đã gia nhập đảng trong những năm đảng còn ở trong vòng bí mật, trước cuộc cách mạng hoặc trong cuộc nội chiến, nghĩa là trước năm 1921. Về thành phần xã hội, đa số các đại biểu ở Ðại hội (60% số đại biểu có quyền bỏ phiếu) là công nhân.
    Chúng ta không thể tưởng tượng được một đại hội với thành phần như trên đã bầu ra một Ban chấp hành trung ương mà đa số thành viên là kẻ thù của đảng. Lý do độc nhất làm 70% ủy viên chính thức và dự khuyết của Ban chấp hành trung ương bị tố cáo là kẻ thù của đảng và nhân dân là ở chỗ các chiến sĩ cộng sản trung thực đã bị vu khống dựa trên những lời buộc tội bịa đặt, khiến pháp lý cách mạng bị vi phạm trầm trọng.
    Bên cạnh những ủy viên Ban chấp hành trung ương, đa số đại biểu Ðại hội lần thứ XVII của đảng cũng chịu số phận ấy. Trong số 1956 đại biểu đại biểu chính thức và dự thính, 1108 người (nghĩa là đại đa số đại biểu Ðại hội) bị bắt và bị kết án phản cách mạng. Ngay bản thân sự kiện này chứng tỏ tính phi lý, ngược đời, trái với lương tri của những lời buộc tội "phản cách mạng" gán cho đa số đại biểu Ðại hội lần thứ XVII. (Cả phòng nhôn nhao phẫn nộ)
    Chớ quên rằng Ðại hội lần thứ XVII được biết đến trong lịch sử như "đại hội của những người chiến thắng". Các đại biểu trong Ðại hội này đã từng tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Số đông đã chịu đựng gian khổ và đã đấu tranh cho lợi ích của đảng trong những năm tiền cách mạng, trong vòng bí mật và trên các mặt trận thời cuộc nội chiến. Họ đã anh dũng chống lại kẻ thù và thường xuyên trực diện với cái chết. Làm sao chúng ta có thể tin được những người như thế lại là những kẻ giả dối và gia nhập phe thù địch của chủ nghĩa xã hội, ở thời kỳ mà bè phái Dinôviép, Trốtsky và bọn hữu khuynh đã bị thủ tiêu về mặt chính trị và ở thời kỳ mà nhiều công trình xây dựng xã hội chủ nghĩa đã được thực hiện.
    Ðó là hậu quả của việc Stalin lạm dụng quyền hành, dùng khủng bố hàng loạt đối với các cán bộ đảng.
    Thử hỏi vì sao những cuộc đàn áp đại quy mô đối với cán bộ đảng tích cực lại càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn sau Ðại hội đảng lần thứ XVII?
    Bởi vì vào thời kỳ đó, Stalin đã tự đặt mình lên địa vị tối cao, trên đảng và nhà nước, và không đếm xỉa gì đến Ban chấp hành trung ương hay đảng nữa. Vào thời kỳ trước Ðại hội thứ XVII, Stalin phần nào còn tôn trọng dư luận của tập thể. Nhưng khi các bè phái Dinôviép, Trốtsky và Bukharin đã bị thủ tiêu hoàn toàn về mặt chính trị, khi cuộc đấu tranh đã mang lại những thắng lợi xã hội chủ nghĩa, đảng đã xây dựng được sự thống nhất, thì Stalin lại càng không đếm xỉa gì đến các thành viên Ban chấp hành trung ương đảng và ngay cả các ủy viên Bộ Chính trị. Khi đó, Stalin cho rằng từ nay tự mình có thể định đoạt được tất cả mọi việc và chỉ cần đến một số bù nhìn mà thôi. Trong sự đối xử với mọi người, Stalin chỉ coi họ có vai trò vâng lệnh và tán dương mình.
    Sau vụ ám sát Kirốp(3), những cuộc đàn áp hàng loạt và những hành động vi phạm một cách thô bạo luật pháp xã hội chủ nghĩa bắt đầu diễn ra. Tối mùng 1-12-1934, theo đề xuất của Stalin (không có sự đồng ý của Bộ Chính trị - Bộ Chính trị chỉ thông qua sau đó hai ngày), bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ênukítdê đã ký một chỉ thị như sau:
    1. Các cơ quan điều tra phải xúc tiến việc thực hiện thủ tục hình sự đối với những kẻ bị kết tội chuẩn bị hoặc tiến hành các hành động khủng bố.
    2. Các cơ quan tư pháp không được làm chậm trễ việc thi hành các án tử hình vì cớ muốn xét lại để ân xá đối với những bị can thuộc loại này. Ðoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Liên Xô không chấp nhận việc xét lại để ân xá như thế.
    3. Các cơ quan của Bộ Dân ủy Nội vụ phải thi hành tức khắc các bản án tử hình đối với lũ can phạm thuộc loại đã nói trên.
    Chỉ thị này, trong vô số trường hợp, là cơ sở của những hành động vi phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa.
    Trong nhiều vụ án ngụy tạo, các bị cáo bị buộc tội "chuẩn bị" những cuộc bạo động. Bản thân chỉ thị nói trên đã khiến trường hợp của họ không thể được thẩm tra lại, cho dù họ đã tuyên bố trước tòa án rằng những lời "thú tội" của họ là do họ bị tra tấn, và mặc dầu họ đã chứng tỏ một cách xác đáng rằng những lời buộc tội họ là bịa đặt.
    Phải nhấn mạnh rằng tới nay, nhiều điều khó hiểu và bí ẩn trong hoàn cảnh xảy ra vụ ám sát Kirốp và cần phải được điều tra thật kỹ càng. Có nhiều lý do để nói Nikôlaiép(4) - kẻ đã hạ sát Kirốp - đã được một kẻ trong số những người có nhiệm vụ bảo vệ cho Kirốp tiếp tay. Một tháng rưỡi trước ngày xảy ra vụ ám sát, Nikôlaiép bị bắt vì bị "tình nghi", nhưng rồi được thả ra, thậm chí cũng không bị thẩm tra gì cả. Ðáng nghi ngờ hơn nữa là chuyện một trinh sát viên Chêka(5) - thuộc đội bảo vệ Kirốp - "bị tai nạn" xe hơi chết giữa đường đi lấy khẩu cung ngày 1-12-1934, trong lúc những người cùng ngồi xe hơi với hắn không hề bị thương tổn gì(6). Sau vụ án Kirốp, những người đứng đầu N.K.V.D. vùng Lêningrát bị kết án rất nhẹ, nhưng đến năm 1937, họ đều bị tử hình. Có thể giả thiết bằng việc bị xử bắn họ, người ta muốn xóa hết các dấu vết của những kẻ thực thụ đã tổ chức vụ ám sát Kirốp.(7) (Phòng họp xôn xao)
    Từ cuối năm 1936, những cuộc đàn áp hàng loạt ngày càng gia tăng(8) ở quy mô khủng khiếp. Ngày 25-9-1936, Stalin và Giơđanốp gửi điện tín từ Sôchi cho Kaganôvích(9), Môlôtốp(10) và những ủy viên khác của Bộ Chính trị. Nội dung bức điện ấy như sau:
    Chúng tôi nhận thấy việc cất nhắc đồng chí Êgiốp vào cương vị Dân ủy Nội vụ là cần thiết và cấp bách. Yagôđa(11) đã tỏ ra hoàn toàn bất lực trong việc vạch mặt khối Trốtsky - Dinôviép. Cục Chính trị Thống nhất Quốc gia (O.G.P.U.)(12) đã để vấn đề này trậm trễ bốn năm. Tất cả mọi đảng viên và số đông các đại diện Bộ Nội vụ (N.K.V.D.) đều nhận thấy điều này.
    Phải nhấn mạnh rằng sự thật là Stalin chẳng bao giờ tiếp xúc với các đảng viên, như thế làm sao đồng chí ấy biết được ý kiến của họ.
    Nhận xét của Stalin - "O.G.P.U. đã trậm trễ bốn năm" trong việc thi hành đàn áp trên quy mô lớn, và "phải bù đắp" những thiếu sót - đã đẩy N.K.V.D. vào con đường bắt bớ và giết hại hàng loạt.
    Ðáng lưu ý là cách diễn đạt nói trên cũng đã được áp đặt trong hội nghị Ban chấp hành trung ương đảng vào tháng Hai, tháng Ba năm 1937. Dựa trên căn bản báo cáo tổng kết "những bài học rút ra từ các hoạt động phá hoại, xuyên tạc và do thám của bọn gián điệp Nhật - Ðức - trốt-kít" của Êgiốp, Ban chấp hành trung ương đã thông qua quyết định sau:
    Hội nghị Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản (bônsêvích) Liên Xô nhận thấy cuộc điều tra về trung tâm trốt-kít chống lại nhà nước xô-viết và những hoạt động của bè lũ tay chân ở các tỉnh chứng tỏ N.K.V.D. đã có sự trậm trễ, ít nhất là bốn năm, trong việc lột mặt nạ những kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân(13).
    Từ thời kỳ này, những cuộc đàn áp hàng loạt đã diễn ra dưới khẩu hiệu chống những người trốt-kít. Nhưng thử hỏi hồi đó phái trốt-kít có thực sự nguy hiểm đến thế đối với đảng và nhà nước xô-viết không? Chúng ta cần nhớ rằng vào năm 1927, trước Ðại hội lần thứ XV của đảng, phe đối lập Trốtsky - Dinôviép chỉ có 4.000 phiếu trong khi 724.000 phiếu thông qua cương lĩnh của đảng.
  9. lat_kt

    lat_kt Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    501
    Đã được thích:
    0
    Trong khoảng thời gian mười năm giữa Ðại hội lần thứ XV và khóa họp tháng Hai, tháng Ba của Ban chấp hành trung ương, chủ nghĩa trốt-kít đã hoàn toàn bó giáo quy hàng, nhiều người trốt-kít đã đoạn tuyệt những quan niệm trước kia của họ và đã lao động trong mọi lãnh vực xây dựng chủ nghĩa xã hội. Rõ ràng, trong khung cảnh chủ nghĩa xã hội thắng lợi, không có lý do gì buộc ta phải dùng đến khủng bố đại quy mô trong cả nước.
    Báo cáo của Stalin trong khóa họp của Ban chấp hành trung ương tháng Hai, tháng Ba năm 1937 về Những thiếu sót trong công tác đảng và những phương pháp thủ tiêu bọn trốt-kít và những bọn giả dối khác là một thử nghiệm đặt nền móng lý thuyết cho chính sách khủng bố hàng loạt. Viện cớ càng tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh giai cấp nhất thiết càng gia tăng, Stalin cố chứng tỏ đó là điều lịch sử và Lênin đã dạy.
    Thật ra, Lênin chỉ rằng việc sử dụng bạo lực cách mạng là do nhu cầu quyết định, khi các giai cấp bóc lột ra mặt chống đối; hơn nữa, điều này liên quan đến thời kỳ mà các giai cấp bóc lột còn tồn tại và còn mạnh. Nhưng một khi tình hình chính trị của đất nước đã tiến triển tốt, khi mà tháng Giêng năm 1920 Hồng quân đã chiếm được Rôstốp và đạt được thắng lợi quan trọng nhất - chiến thắng Ðênikin(14) -, Lênin ra lệnh cho Giécginsky(15) đình chỉ khủng bố hàng loạt và hủy bỏ án tử hình. Trong bản báo cáo tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương ngày 2-2-1920, Lênin đã giải thích biện pháp chính trị quan trọng ấy của nhà nước xô-viết như sau:
    Chúng ta đã buộc phải dùng tới biện pháp khủng bố để chống lại chủ nghĩa khủng bố của bọn đế quốc liên minh, khi các cường quốc - không ngần ngại bất kỳ một phương tiện gì - tấn công chúng ta. Chúng ta không thể cầm cự nổi trong hai ngày nếu chúng ta không đáp trả một cách quyết liệt những mưu đồ của bọn sĩ quan và lũ Bạch vệ, và đây là khủng bố, nhưng sự khủng bố ấy do những phương pháp khủng bố của bọn đế quốc liên minh bắt buộc chúng ta.
    Nhưng một khi chúng ta đạt được những chiến thắng quyết định, ngay trước khi kết thúc nội chiến, sau khi chúng ta vừa chiếm được thành phố Rôstốp, chúng ta đã hủy bỏ án tử hình và bằng hành động này, chúng ta chứng tỏ chúng ta thực hiện chương trình như lời đã hứa. Chúng ta nói việc áp dụng bạo lực là để dẹp tan các giai cấp bóc lột, dẹp tan bọn đại điền chủ và bọn tư bản. Khi công việc này xong xuôi, chúng ta dẹp bỏ hết thảy mọi biện pháp có tính chất đặc biệt. Chúng ta đã chứng tỏ điều này bằng hành động cụ thể.
    Stalin đã bỏ qua những lời chỉ giáo sáng suốt và rõ ràng ấy của Lênin. Stalin buộc đảng và Bộ Nội vụ (N.K.V.D.) dùng những biện pháp khủng bố hàng loạt, khi ở trong nước, giai cấp bóc lột không còn chút dấu vết gì và không có bất cứ một lý do chính đáng nào để áp dụng tràn lan những biện pháp bất thường.
    Sự thật, khủng bố không nhắm mục đích loại trừ những tàn tích của giai cấp bóc lột đã thất bại, nó chỉ chống lại những viên chức trung thực của đảng và nhà nước xô-viết. Ðối với họ, người ta đã ngụy tạo ra những lời buộc tội vu khống và phi lý như bảo họ là "giả dối", "gián điệp","phá hoại","chuẩn bị những cuộc mưu sát" giả định với những phương tiện bất hợp pháp v.v...
    Trong khóa họp Ban chấp hành trung ương tháng Hai, tháng Ba năm 1937, nhiều ủy viên Ban chấp hành trung ương đã thực sự tỏ ý ngờ vực tính chất đúng đắn của đường lối khủng bố, dưới cái chiêu bài "chống bọn giả dối". Ðồng chí Pôstưshép(16) đã phát biểu sự ngờ vực này một cách chí lý như sau:
    Tôi nghĩ rằng những năm đấu tranh khó khăn đã đi qua, những đảng viên xa rời đường lối của đảng và chạy theo kẻ thù đã bị chúng ta đánh gục; những phần tử lành mạnh đang tranh đấu cho đảng. Ðó là những năm xây dựng công nghiệp hóa và công cộng hóa. Tôi không bao giờ nghĩ rằng sau thời kỳ khó khăn đó, Kácpốp và những người như anh lại ngả theo kẻ thù (Kácpốp là thành viên Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản (bônsêvích) Ukraina, bạn của Pôstưshép). Và vừa đây, theo những bằng chứng, Kácpốp đã gia nhập bọn trốt-kít từ năm 1934.
    Về phần mình, tôi không tin một đảng viên trung thực như Kácpốp, đã từng đi trọn con đường dài của cuộc tranh đấu liên tục chống kẻ thù, phụng sự đảng và chủ nghĩa xã hội, năm 1934 lại có thể đứng về phía kẻ thù. Tôi không tin như thế... Tôi không tưởng tượng nổi, làm sao một người có thể theo đảng trong những năm khó khăn để rồi đến 1934 lại gia nhập bọn trốt-kít. Ðó là một điều kỳ lạ. (Cả phòng họp xôn xao)
    Áp dụng định đề của Stalin - cho rằng càng tiến gần đến chủ nghĩa xã hội, chúng ta càng có nhiều kẻ thù - và lợi dụng nghị quyết của khóa họp Ban chấp hành trung ương tháng Hai, tháng Ba, về cơ bản được thông qua dựa trên bản báo cáo của Êgiốp, những tên khiêu khích cùng với những tên háo danh bất lương trà trộn vào các cơ quan an ninh quốc gia, nhân danh đảng, chúng khủng bố các cán bộ đảng, cán bộ nhà nước xô-viết và thường dân trong nước. Chỉ cần biết số những người bị bắt bớ vì tội "phản cách mạng" đã tăng lên gấp mười từ năm 1936 tới năm 1937.
    Chúng ta được biết những cán bộ lãnh đạo đảng đã bị đối xử oan uổng và tàn nhẫn như thế nào. Ðiều lệ đảng - được Ðại hội đảng lần thứ XVII thông qua, dựa trên những nguyên tắc lê-nin-nít của Ðại hội lần thứ X - khẳng định: muốn áp dụng biện pháp kỷ luật tối đa đối với một ủy viên chính thức hoặc dự khuyết, hay một thành viên Ủy ban Kiểm tra của đảng - như khai trừ họ khỏi đảng -, phải triệu tập hội nghị toàn thể của Ban chấp hành trung ương, phải mời mọi ủy viên dự khuyết của Ban chấp hành trung ương và mọi thành viên của Ủy ban Kiểm tra đến họp; chỉ có diễn đàn tối cao này của các cán bộ đảng có trọng trách - trong trường hợp hai phần ba đa số phiếu - mới có quyền quyết định việc khai trừ một ủy viên Trung ương ra khỏi đảng. Ða số ủy viên chính thức và dự khuyết Ban chấp hành trung ương được bầu trong Ðại hội lần thứ XVII và bị bắt năm 1937-1938, đã bị khai trừ khỏi đảng một cách bất hợp pháp do sự vi phạm thô bạo Ðiều lệ đảng, bởi vấn đề trục xuất họ chưa bao giờ được đưa ra xem xét ở một khóa họp nào của Ban chấp hành trung ương.
    Giờ đây, sau khi khảo sát vài trường hợp của những người bị dán nhãn "gián điệp" và "phá hoại", ta có thể thấy rõ những trường hợp nọ đều là những vụ ngụy tạo. Trong số những người bị bắt giữ vì tội "hoạt động phản cách mạng", nhiều người phải "thú nhận" vì bị hành hạ tàn nhẫn và vô nhân đạo.
    Ngoài ra, như các thành viên Bộ Chính trị hồi đó cho biết, Stalin không cho họ xem đơn từ của nhiều đảng viên cốt cán, cụ thể là những đơn trong đó các bị cáo rút lại những "lời thú tội" của họ trước Tòa án Quân sự và đòi hỏi thẩm xét khách quan trường hợp của họ. Có nhiều đơn đề nghị như thế và và chắc chắn là Stalin đã biết đến chúng.
    Ban chấp hành trung ương nhận thấy cần thiết phải thông báo cho Ðại hội về nhiều vụ án ngụy tạo chống lại những ủy viên Ban chấp hành trung ương do Ðại hội lần thứ XVII bầu ra.
    Một thí dụ của sự khiêu khích đê hèn, sự man trá bỉ ổi và sự vi phạm tội lỗi luật pháp cách mạng là trường hợp của đồng chí Âykhê(17), chiến sĩ của đảng từ năm 1905, cựu ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, một cán bộ xuất sắc của đảng và chính phủ Liên Xô. (Trong phòng, mọi người ngạc nhiên)
    Ðồng chí Âykhê bị bắt ngày 29-4-1938 trên cơ sở những tài liệu vu khống, không có lệnh bắt của công tố viên Liên Xô (lệnh bắt này chỉ có 15 tháng sau khi Âykhê bị bắt).
    Phiên tòa xét xử đồng chí Âykhê đã diễn ra với sự vi phạm trắng trợn nhất pháp chế xô-viết, kèm theo những bịa đặt có chủ mưu.
    Bị tra tấn, Âykhê bắt buộc phải ký nhận một biên bản điều tra "thú tội" được chuẩn bị từ trước, trong đó Âykhê và vài cán bộ đảng có uy tín khác bị buộc tội "hoạt động chống lại chính thể xô-viết".
    Ngày 1-10-1939, Âykhê gửi cho Stalin lá đơn trong đó đồng chí ấy kiên quyết phủ nhận lời buộc tội và yêu cầu thẩm xét lại trường hợp của mình. Trong lá đơn, đồng chí Âykhê viết:
    Ðối với tôi, không gì đau đớn hơn là bị giam cầm trong ngục tù của nhà nước mà tôi đã luôn luôn đấu tranh để xây dựng nó.
    Lá đơn thứ hai của Âykhê gửi cho Stalin ngày 27-10-1939 cũng được lưu trữ, trong đó Âykhê đưa ra những bằng chứng và phủ nhận một cách rất xác đáng những lời buộc tội vu khống đồng chí. Âykhê chứng tỏ lời buộc tội mang tính khiêu khích này một phần là sản phẩm của bọn trốt-kít thực thụ vì bọn ấy đã bị đồng chí bắt giam trên cương vị Bí thư thứ nhất thành ủy vùng Tây Sibia và do đó, chúng âm mưu báo thù đồng chí; phần kia do kết quả việc man trá tài liệu điều tra.
  10. lat_kt

    lat_kt Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    501
    Đã được thích:
    0
    Phiên tòa xử đồng chí Âykhê diễn ra ngày 2-2-1940. Trước tòa, Âykhê không nhận một tội lỗi nào. Ðồng chí tuyên bố như sau:
    Trong tất cả cái gọi là "lời thú tội" của tôi, không một từ nào là sự thật, không một chữ nào tự tay tôi viết ra, ngoại trừ chữ ký của tôi ở dưới tờ biên bản mà người ta đã dùng nhục hình để cưỡng bức tôi. Tên công an điều tra, là tên đã hành hạ tôi từ ngày tôi bị bắt, đã buộc tôi phải "thú nhận". Sau những lần bị tra tấn, tôi đã ký nhận tất cả những điều thô thiển này... Ðiều quan trọng là tôi phải tuyên bố trước tòa án, trước đảng và trước Stalin: tôi vô tội. Tôi không bao giờ chủ trương một âm mưu nào cả. Tôi sẽ chết với lòng tin tưởng ở chính sách đúng đắn của đảng, cũng như tôi đã tin tưởng trong suốt cuộc đời tôi.
    Âykhê bị hành quyết ngày 4-2. (Phẫn nộ trong phòng)
    Hiện nay, chúng ta biết chính xác: vụ án Âykhê hoàn toàn bịa đặt, ngụy tạo. Ðồng chí đã được phục hồi sau khi mất.
    Ðồng chí Rútdutác, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, đảng viên từ năm 1905 và là người đã từng bị mười năm tù khổ sai dưới chế độ Nga hoàng, đứng trước toà án cũng cương quyết rút lại những lời thú tội bị ép buộc của mình. Biên bản khóa họp Tòa án Quân sự Tối cao đã ghi chép lời tuyên bố sau đây của Rútdutác:
    ... Ðề nghị duy nhất của y với tòa án: Tòa hãy thông báo cho Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản (bônsêvích) Liên Xô biết ở Bộ Nội vụ (N.K.V.D.), có một trung tâm chưa được thủ tiêu. Trung tâm này vẫn bịa đặt, chế tạo một cách tinh vi các vụ án, buộc những kẻ vô tội phải thú nhận những tội không bao giờ họ vi phạm; các bị cáo không hề có một phương tiện nào để chứng minh họ không tham gia những hành vi phạm pháp được nhắc đến trong lời thú nhận do bị tra tấn mà khai ra của nhiều người khác nhau.
    Những phương pháp điều tra đã đi tới chỗ cưỡng ép người ta phải dối trá và vu khống cho những người hoàn toàn vô tội; chưa kể chuyện vu khống những người đã bị buộc tội.
    Y yêu cầu Tòa cho phép y viết thư thông báo điều này cho Ban chấp hành trung ương đảng. Y cam đoan với Tòa rằng bản thân y không bao giờ có ý đồ thù địch đối với chính sách của đảng, vì y luôn đồng tình với đường lối của đảng trên mọi lĩnh vực của công cuộc xây dựng kinh tế và văn hóa.
    Không ai để ý đến lời tuyên bố nói trên của Rútdutác, mặc dầu thời kỳ đó Rútdutác là chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được thành lập theo ý Lênin để đấu tranh cho sự thống nhất của đảng. Người đứng đầu một cơ quan cao cấp, đầy uy tín của đảng đã bị triệt hạ như thế đấy; trở thành nạn nhân của sự độc đoán, Rútdutác còn không được mời đến dự hội nghị Bộ Chính trị bởi Stalin không muốn nói chuyện với đồng chí ấy. Bản án tử hình được đưa ra trong vòng 20 phút và Rútdutác bị xử bắn. (Cả phòng họp xôn xao phẫn nộ)
    Năm 1955, sau khi thẩm tra kỹ trường hợp này, chúng ta được biết những lời buộc tội đồng chí Rútdutác là gian dối và dựa trên những tài liệu có tính cách vu khống. Ðồng chí Rútdutác đã được phục hồi danh dự sau khi mất.
    Phương pháp khiêu khích do những cựu nhân viên Bộ Nội vụ (N.K.V.D.) sử dụng để bày đặt ra "những trung tâm chống lại nhà nước xô-viết" và những "khối" giả mạo đã được vạch rõ qua lời "thú tội" của đồng chí Rôdenblum, đảng viên từ năm 1906, bị N.K.V.D. bắt vào năm 1937 ở Lêningrát.
    Năm 1955, trong phiên tòa phúc thẩm trường hợp của đồng chí Kômarốp(18), Rôdenblum đã tiết lộ sự thật sau đây: khi bị bắt vào năm 1937, đồng chí đã phải chịu đựng những cuộc tra tấn khủng khiếp và buộc phải xác nhận những điều bịa đặt về đồng chí cũng như về một số người khác. Rôdenblum bị gọi vào văn phòng của Dakốpsky(19) và được tên này hứa sẽ trả tự do nếu trước tòa án, đồng chí chịu thú nhận những "hoạt động phá hoại, gián điệp và gây rối" do "trung tâm khủng bố ở Lêningrát" tổ chức. Cả vụ việc này do Bộ Nội vụ (N.K.V.D.) bày đặt ra năm 1937. (Cả phòng họp xôn xao)
    Bằng một cách trơ tráo không thể tưởng tượng nổi, Dakốpsky đã giảng giải "bộ máy" ghê tởm mà người ta dùng để dựng nên những "âm mưu chống Liên Xô".
    Ðồng chí Rôdenblum kể lại:
    Ðể tôi có thể hình dung được cơ chế đó, Dakốpsky đã đưa ra vài giả thuyết khả dĩ về cách tổ chức "trung tâm" này và các chi nhánh của nó.
    Sau khi mô tả chi tiết, Dakốpsky nói Bộ Nội vụ (N.K.V.D.) đang sửa soạn vụ án trung tâm này và y nói thêm: vụ án sẽ được xử công khai.
    Trước tòa án, người ta đưa tới bốn hay năm thành viên của trung tâm giả mạo này: Chuđốp, Ugarốp, Smôrôđin, Pôdécnơ, Shapôgiơnikôva (vợ Chuđốp)(20) và những người khác, cùng hai ba thành viên những chi nhánh của trung tâm...
    Hồ sơ vụ án trung tâm Lêningrát phải được biên soạn một cách kỹ càng và vì vậy, cần thiết lời khai của các nhân chứng. Nguồn gốc xã hội (trong quá khứ, cố nhiên) và chức vụ trong đảng của những chứng nhân đóng một vai trò không nhỏ.
    Bản thân anh - Dakốpsky nói - không cần phải đặt chuyện gì cả. N.K.V.D. sẽ sửa soạn sẵn cho anh một sơ đồ về mọi chi nhánh của trung tâm. Anh phải nghiên cứu kỹ càng và phải nhớ rõ mọi câu hỏi và trả lời mà tòa án sẽ đặt ra cho anh. Hồ sơ vụ này sẽ được xếp đặt trong vòng bốn, năm hoặc sáu tháng. Anh phải tận dụng mọi thời gian để chuẩn bị, đừng để liên lụy đến người điều tra và bản thân anh. Số phận sắp tới của anh phụ thuộc vào tiến trình và kết quả của phiên tòa. Nếu anh nhầm lẫn và khai báo sai, anh sẽ thiệt mạng. Nếu anh vượt qua thử thách, anh cứu được mạng mình, chúng tôi sẽ chu cấp cho anh đến cuối đời.
    Thế đấy, những việc ghê tởm như thế xảy ra vào hồi đó. (Cả phòng họp xôn xao)
    Ở tỉnh lỵ, việc giả mạo còn thô bạo hơn nữa. Phòng N.K.V.D. tỉnh Svéclốpsk đã "phát hiện" một nhóm người gọi là "bộ tham mưu của phong trào khởi nghĩa vùng Uran", tổ chức của khối trốt-kít, hữu khuynh, xã hội cách mạng và tăng lữ. Kabakốp(21) - bí thư đảng bộ tỉnh Svéclốpsk, ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Liên Xô, gia nhập đảng từ năm 1914 - bị coi là người lãnh đạo giả tưởng của tổ chức này. Những hồ sơ điều tra thời ấy cho ta thấy trong hầu hết các vùng biên ải, các huyện, các nước cộng hòa đều có những tổ chức và trung tâm gián điệp, khủng bố, biệt kích và phá hoại (giả tưởng) của bọn trốt-kít và bọn hữu khuynh. Thường thường, đứng đầu những tổ chức này, không biết vì lý do gì, đều là các bí thư thứ nhất đảng ủy các vùng, các địa hạt biên ải hoặc các nước cộng hòa. (Cả phòng họp xôn xao)
    Hàng ngàn chiến sĩ cộng sản trung thực và vô tội đã bị giết hại do những "vụ án" ngụy tạo khủng khiếp như thế, do người ta dùng đến những lời buộc tội mang tính vu khống và do việc áp dụng các biện pháp điều tra để cưỡng bức các bị can phải đưa ra những lời "thú nhận" buộc tội chính mình và những người khác. Bằng cách đó, người ta bày đặt các vụ án xử các lãnh tụ uy tín của đảng và nhà nước như Kốtsiô(22), Chuba(23), Pôstưshép, Kốtsarép(24) và nhiều người khác.
    Trong những năm đó, những cuộc đàn áp khủng bố trên quy mô lớn đã xảy ra, không dựa trên một bằng chứng cụ thể nào, gây ra tổn thất rất nặng nề trong hàng ngũ cán bộ đảng.
    Một cách đáng lên án, Bộ Nội vụ (N.K.V.D.) đã sửa soạn các danh sách về những người sau đó trở thành bị cáo dưới thẩm quyền của Tòa án Quân sự. Hơn nữa, những bản án cũng được định đoạt trước khi xử. Êgiốp thường xuyên đệ trình những danh sách này lên Stalin và nói chung, Stalin chuẩn y những hình phạt được đề nghị. Năm 1937-1938, có 383 danh sách - mang tên hàng ngàn thành viên của đảng, của các xô-viết, của Ðoàn Thanh niên cộng sản Lênin (Komsomol), của quân đội và các cơ quan kinh tế - như thế đã được gửi đến tay Stalin.
    Số lớn những vụ án nói trên hiện đang được thẩm xét lại, và đa số đã bị bác bỏ vì chúng được dựng nên trên cơ sở những điều bịa đặt và không có bất cứ một sở cứ nào. Chỉ cần nói rằng từ năm 1954 đến nay, Ủy ban Quân sự của Tòa án Tối cao đã phục hồi cho 7.679 người, trong đó nhiều người đã thiệt mạng.
    Việc bắt bớ hàng loạt những cán bộ của đảng, của xô-viết, của nền kinh tế và quân sự đã gây nên thiệt hại vô cùng to lớn cho đất nước ta và cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
    Những vụ khủng bố đại quy mô đã ảnh hưởng lớn đến tình hình đạo đức-chính trị của đảng, tạo ra bầu không khí hoang mang, góp phần làm tăng hoài nghi không tốt, reo rắc sự ngờ vực lẫn nhau giữa những người cộng sản. Ðiều này có lợi cho việc thăng tiến của lũ người vu khống và mưu lợi thuộc đủ mọi hạng.
    Nghị quyết của khóa họp Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Liên Xô tháng 1-1938 phần nào đã sửa đổi hiện trạng nội bộ của các cấp bộ đảng. Nhưng những vụ đàn áp hàng loạt vẫn tiếp diễn trong năm 1938.
    Chỉ nhờ sức mạnh đạo đức-chính trị to lớn, Ðảng ta mới vượt nổi những thử thách nặng nề của những năm 1937-1938 và đã huấn luyện được nhiều cán bộ mới. Tuy vậy, một điều chắc chắn: đà tiến của chúng ta đến chủ nghĩa xã hội và công cuộc phòng bị quốc gia còn thành công hơn nhiều, nếu đội ngũ cán bộ của ta không bị những tổn thương lớn bởi các cuộc thanh trừng hoàn toàn vô nghĩa thời kỳ 1937-1938.

Chia sẻ trang này