1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những câu chuyện xúc động!

Chủ đề trong 'Quảng Trị' bởi minh_le, 24/07/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. hoasosac

    hoasosac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/09/2003
    Bài viết:
    3.002
    Đã được thích:
    0
    Câu chuyện về những chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

    Anh Lê Phước Vinh - tổ trưởng di tích Thành cổ Quảng Trị, tình nguyện dẫn đường đưa chúng tôi tới nhà anh Nguyễn Thanh Bình nguyên là tiểu đội trưởng trinh sát thuộc tiểu đoàn 8 tỉnh đội Quảng Trị đã tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Anh Bình nói với tôi rằng có lẽ anh là người may mắn hiếm hoi vì không bị thương tại chiến trường ác liệt này. Anh Bình kể: "Ngày 3/7, chúng tôi mới bắt đầu nổ súng ở ngã ba Long Hưng, phía Nam thành cổ, cách trung tâm thị xã Quảng Trị khoảng 2,5 km. Đây là trận đánh đầu tiên khi địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 72. Tại đây chúng tôi đã diệt được gần 100 tên lính dù và bắn cháy 5 chiếc xe. Về sau địch liên tục tấn công? Xe tăng bắn phá, máy bay địch dội bom, chiến sĩ ta hy sinh nhiều. Xác rơi xuống rồi lại tung lên".
    Anh Vinh kể lại rằng nhiều cựu chiến binh trở lại thăm di tích thành cổ đều bước nhẹ chân với lời giải thích: "Có thể mỗi tấc đất đều có hài cốt của đồng đội tôi". Nhiều cựu chiến binh đến đây, ngay từ ngoài cửa vào họ đã khóc nấc lên. Kỷ niệm cũ trở lại với họ.
    Anh Phan Thanh Nhật, thuyết minh viên tại Bảo tàng thành cổ, người được chứng kiến việc phát hiện ra hài cốt các chiến sĩ hy sinh trong hầm, ngay tại khu vực gần bức tường thành kể: "Năm 2000, Công ty Hương Giang được giao tôn tạo thành cổ. Khi đào hào tình cờ gặp một chiếc hầm bị bom đánh sập và bức thành cổ đè lên. Trong đó có 5 hài cốt bộ đội ta ở tư thế bị kẹt khác nhau. Có một chiến sĩ mang theo tài liệu gói cẩn thận? Tên anh là Lê Binh Chủng, chính trị viên phó tiểu đoàn quê ở Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An".
    Chị Nguyễn Thị Nhuỵ, chị dâu anh Chủng, người thay hai anh em Chủng ở nhà chăm sóc bố mẹ già để các anh đi chiến đấu kể với tôi bằng giọng nói run run như muốn khóc: "Chủng đi chiến đấu nhưng thường hay viết thư về nhà. Có lần chú ấy viết thư cho tôi nói: Chị ở nhà cố gắng chăm sóc bố mẹ, khi nào đất nước thống nhất em sẽ về cùng chị phụng dưỡng bố mẹ. Chú Chủng là một người con hiếu thảo, luôn quý trọng tình chị em".
    Năm 1974, nhận được tin anh Chủng hy sinh, bà Phạm Thị Tam thân sinh ra anh khóc và ngất lên ngất xuống nhiều lần. Hoà bình rồi, gia đình đã nhiều lần vào Quảng Trị mong tìm được hài cốt của anh, nhưng không tìm được. Rồi cụ mất đi mà vẫn mang theo nỗi trăn trở chưa tìm thấy hài cốt người con trai út của mình.
    Khi anh Chủng đang chiến đấu ở chiến trường thì chị Phan Thị Khơi, vợ anh ở nhà vừa công tác vừa nuôi cháu Lê Quảng An. Chị luôn viết thư động viên để anh yên tâm công tác. Bức thư chị viết cho anh Chủng khi anh đang ở chiến trường Quảng Trị có đoạn viết: "Thằng An nhà ta cũng ở diện đi sơ tán và đã chuẩn bị sẵn sàng để đi với bà ngoại. Còn em phải ở lại tình nguyện bám đất chứ không đi, quyết ra sức với các anh ở tiền tuyến?". Đây là một trong hai bức thư mà anh Chủng vẫn ôm bên mình khi anh hy sinh.
    Hài cốt liệt sĩ Lê Binh Chủng đã được đưa về an táng tại quê nhà: xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Anh nằm đó ngay cạnh người mẹ đã sinh thành ra anh để cụ được thanh thản vì đã "tìm thấy" người con yêu quý của mình. Nhiều liệt sĩ vô danh khác cũng đã được tìm thấy và được an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ.
    81 ngày đêm từ ngày 28/6/1972 đến ngày 19/9/1972, Mỹ nguỵ đã ném 328 tấn bom xuống 16 ha trong khu vực thành cổ. Nhiều chiến sĩ đã ngã xuống và yên giấc ngàn thu trên mảnh đất này nhưng nỗi đau còn đó với mỗi gia đình chưa tìm thấy hài cốt của người thân. Đồng đội các liệt sĩ còn sống đã bỏ thời gian công sức, tiền của đi tìm những người bạn của họ. Anh Nguyễn Thanh Bình, nhân chứng của cuộc chiến tại thành cổ nói rằng, hơn 32 năm đã trôi qua nhưng anh vẫn mơ thấy đồng đội. Chính nhờ những giấc mơ đó mà anh đã tìm thấy hài cốt của đồng đội. Đến nay anh đã tìm được 13 hài cốt và sẽ tiếp tục "đi tìm đồng đội".
    Những người được giao trách nhiệm trông coi di tích Thành cổ Quảng Trị cũng vào cuộc bằng cách riêng của họ. Anh Lê Phước Vinh nói với chúng tôi: "Chúng tôi ở đây khi khách tới thăm di tích và thăm bảo tàng, chúng tôi đều ghi lại địa chỉ và hỏi thông tin. Qua đó tạo chiếc cầu nối để giúp các gia đình tìm thân nhân".
    Chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc gần 30 năm nhưng nỗi đau vẫn còn với bao gia đình, bao đồng đội, những người còn sống. Công cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vẫn tiếp tục. Đó chính là đạo nghĩa "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
  2. hoasosac

    hoasosac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/09/2003
    Bài viết:
    3.002
    Đã được thích:
    0
    Về những đứa trẻ sinh ra trong lòng địa đạo Vĩnh Mốc

    Địa đạo Vifnh Mốc có độ sâu từ 8 đến 28 mét, không chỉ là nơi để tránh hàng vạn tấn bom đạn, là nơi quân và dân ta sẵn sàng chiến đấu chống trả kẻ thù mà còn là không gian sinh tồn. 17 đứa trẻ đã sinh ra, lớn lên ngay dưới lòng đất quê hương. Họ chính là những người con của đất thép Vĩnh Linh.
    Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể nào hiểu được sự hình thành địa đạo Vịnh Mốc một cách kỳ diệu bằng chính sức lực, trí tuệ của người dân Vĩnh Linh trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt.
    Huyền thoại trong lòng đất
    Năm 1965, với việc dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, giặc Mỹ bắt đầu mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không lực, trong đó Vĩnh Linh - một huyện của tỉnh Quảng Trị - địa đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt nhất. Bấy giờ, 7 vạn dân sinh sống trên mảnh đất chưa đầy 820km2, bình quân mỗi người phải đội trên đầu 7 tấn bom đạn!. Không có nơi nào trên đất Vĩnh Linh không bị bắn phá, huỷ diệt. Trên không, đủ các loại máy bay ***g lộn trút xuống hàng vạn tấn bom. Cách cầu Hiền Lương chỉ vài cây số về phía Nam là hàng rào điện tử Macnamara, ở đó hàng chục cụm pháo chĩa ra bờ Bắc sông Bến Hải liên tục nhả đạn. Còn ở biển Đông, tàu của Hạm đội 7 thay nhau bắn vào vùng đất liền Vĩnh Linh...
    Trước sự hủy diệt tàn khốc của bom đạn, nhân dân Vĩnh Linh đã dùng tay trần, cuốc, xẻng xẻ đất quê hương làm nơi che chắn cho mình. Đến năm 1966, toàn khu vực Vĩnh Linh đã có hàng vạn hầm trú ẩn và hơn 1.300km đường hầm. Giặc Mỹ càng điên cuồng trút xuống vô vàn thứ hủy diệt trên đất Vĩnh Linh thì ý chí tồn tại và chiến thắng của con người nơi đây càng bất khuất, kiên cường.
    "Một tấc không đi, một ly không dời. Mỗi làng, xã là một pháo đài chiến đấu". Cả Vĩnh Linh rầm rộ tiến sâu vào lòng đất. Cuối năm 1968, 70 làng của 15 xã, thị trấn ở Vĩnh Linh đã có địa đạo. Các địa đạo này không chỉ là nơi trú ẩn để chiến đấu mà còn là không gian sinh tồn. Tuy nhiên, càng về sau, hầm trú ẩn, giao thông hào vẫn không thể nào tránh được mưa bom bão đạn ngày một khốc liệt hơn của kẻ thù. Quân và dân Vĩnh Linh quyết tâm làm nên một hệ thống địa đạo quy mô và hiện đại hơn ở làng quê Vịnh Mốc. Làng quê này tọa lạc trên một khu đồi đất đỏ bazan, cách biển Cửa Tùng 6km về phía Bắc, thuận lợi cho việc tập kết lương thực, vũ khí để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ.
    Những người con Vĩnh Linh đất thép
    Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, trong lòng địa đạo Vịnh Mốc đã có 17 đứa trẻ được sinh ra, nuôi sống và trưởng thành. Họ là Thương, Thể, Phúc, Hường, Thành...
    Bà Lê Thị Khiêm, 72 tuổi, nhớ lại: "Thằng Thành sinh vào sáng 9/9/1967. Lúc đó, bà con lót một ít lá để nước trong đất khỏi thấm lên, kiếm chiếc áo sạch để lau rốn. Hai tuần sau, cả hai mẹ con được bộ đội đưa ra Hà Tĩnh sơ tán. Đến năm 1975, lúc thằng Thành tròn 8 tuổi thì trở về Vịnh Mốc".
    Trước hiên nhà, anh Thành đang vá lưới, chuẩn bị ra khơi. Tạm gác việc, anh kể với chúng tôi: "Lúc nhỏ, tôi và bọn trẻ thường chui vào địa đạo chơi trò ú tim nhưng không biết nhiều về nó. Đến bây giờ, người Việt Nam ở xa đến hỏi, người ngoại quốc cũng hỏi. Khách nước ngoài hỏi, tôi nói với họ rằng, người Vịnh Mốc rất gan dạ, thuở chiến tranh, chiếc mái chèo đánh giặc, còn bây giờ nhờ nó mà người dân nơi đây vượt nghìn dặm giữa biển khơi, bắt được bao nhiêu là tôm cá??.
    Trong số 17 đứa trẻ sinh ra trong lòng địa đạo ngày ấy, có không ít người đã kịp lớn, giúp sức cha anh đánh giặc. Sau ngày đất nước thống nhất, họ trở về rất đỗi hạnh phúc với bờ tre, ruộng lúa, nơi nắm đất thơm mùi quê hương. Phần lớn làm nghề biển tại xã Vĩnh Thạch và Vĩnh Quang (Vĩnh Linh), số khác trở thành cán bộ giỏi của xã, huyện. Ví như anh Lê Xuân An, hiện là cán bộ của Viện Kiểm sát Nhân dân thị xã Đông Hà.
    Điều đáng mừng hơn cả là con em của họ được ăn học rất đàng hoàng, có cháu sắp trở thành kỹ sư, bác sĩ... Năm 1996, một tờ báo ở Tp.HCM tài trợ kinh phí cho những người sinh ra trong lòng địa đạo Vịnh Mốc năm xưa tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, chia vui và ôn lại kỷ niệm sâu sắc của thời thơ ấu. Còn năm nay, kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng đất nước, ngoài việc tổ chức các hoạt động truyền thống, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện tốt nhất cho cuộc gặp mặt giữa họ, cựu chiến binh và các anh hùng trên đất thép Vĩnh Linh, nhằm ôn lại khí phách anh hùng cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay.
    Sau 30 năm cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam kết thúc, bất kể người Mỹ nào đến địa đạo Vịnh Mốc hôm nay dễ cảm thấy một điều trong hàng vạn điều huyền thoại về căn cứ địa trong lòng đất của nhân dân Vĩnh Linh: Những đứa trẻ sinh ra trong lòng địa đạo là minh chứng cụ thể, sống động nhất cho sự đấu tranh chống lại cái ác, bảo vệ tự do, trường tồn của dân tộc.

    Theo CAND

Chia sẻ trang này