1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những con tàu huyền thọai trên biển Đông

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi vaputin, 12/01/2011.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. To_lai__nd

    To_lai__nd Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    23/10/2010
    Bài viết:
    1.207
    Đã được thích:
    0
    Chán cái bộ lọc của ttvn quá, vừa đọc vừa đoán :(
  2. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Những trang đời huyền thoại (Kỳ 7)

    Kỳ 7: Thủy thủ tàu không số lên rừng... làm trang trại

    Ông nguyên là Thuyền phó tàu không số, thời còn tại ngũ có 8 chuyến vượt biển chở vũ khí vào chiến trường miền Nam. Ngày ấy, ông nổi tiếng bởi tính gan dạ, liều lĩnh và mưu trí. Vì thế, trong 8 lần vượt biển, nhiều lần gặp hiểm nguy, nhưng ông và đồng đội đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trở về với đời thường, ông lại là cựu chiến binh tàu không số “liều lĩnh” lên rừng làm... trang trại. Ông là Hồ Thăng Nhuận ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

    Những tháng năm vượt biển


    Tìm về tổ ấm của vợ chồng ông, tôi thấy mọi thứ trưng bày trong nhà đều gắn với những kỷ niệm một thời chiến tranh. Cái bình tông, tấm khăn rằn, mảnh hải đồ, chiếc la bàn đi biển, chiếc lược bằng đuy-ra..., tất cả đều được sắp đặt ngay ngắn trong tủ kính.

    Ở tuổi 83 nhưng người cựu binh già vẫn khỏe mạnh, tinh tường. Sau khi rót nước mời khách, ông vào chuyện thật tự nhiên và cởi mở: “Tôi quê ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Năm 14 tuổi tôi đã là đội viên du kích, sau đó vào chiến khu K20. Vốn thạo nghề sông nước, nên tháng 6-1955 tôi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ điều khiển ghe chở số cán bộ miền Nam ra vùng biển Mũi Sy (Cửa Tùng, Quảng Trị) để hành quân ra Bắc. Ngày ấy, luồng lạch chật hẹp, địch thường xuyên rình rập, để thực hiện những chuyến đi trót lọt, chúng tôi phải khôn khéo ngụy trang thuyền ghe cẩn thận, khi thì đóng giả thuyền câu mực, lúc lại giả vờ thả lưới ven bờ. Gặp địch phải bình tĩnh, đôi khi còn phải chủ động lân la giả bộ làm quen, đánh lừa chúng. Cứ như vậy, tôi đã thực hiện 5 chuyến chở cán bộ ra vùng Mũi Sy trót lọt. Nhưng hình thức chở cán bộ bằng ghe cuối cùng cũng bị lộ. Ngày 9-7-1955 tôi bị địch bắt tại cửa biển Sơn Trà. Chúng đưa tôi về khu nhà binh ở cảng Tiên Sa đánh đập rất dã man, nhưng vẫn không khai thác được gì. Đêm ấy, lợi dụng lúc bọn lính say sưa bù khú, tôi dỡ ngói trốn thoát. Mấy ngày sau thì cơ sở bí mật cho tôi ra Bắc. Sau hai năm học lớp đào tạo chuyên ngành hàng hải, tôi được biên chế về Đoàn 759 (Quân chủng Hải quân)...”.

    - Thưa ông, nghe nói thủy thủ tàu không số lần đầu tiên vượt biển nhiều cảm xúc lắm?

    - Có lẽ không bao giờ tôi nguôi quên những giây phút ấy. Bồi hồi, lo lắng và tự hào! – Cựu binh Hồ Thăng Nhuận trả lời.

    [​IMG]
    Cựu binh Hồ Thăng Nhuận đang kể về những chuyến vượt biển.

    Chuyến vượt biển đầu tiên của tôi là ngày 14-4-1963. Chuyến đi ấy do ông Vũ Tấn Ích làm thuyền trưởng, trên tàu sắt (Đội 6) gồm 12 thành viên, tôi là thủy thủ trưởng. Tàu có nhiệm vụ chở 57 tấn vũ khí vào bến Bạc Liêu. Hồi đó, anh em chúng tôi là người từ các địa phương từ các nông trường về nên phần lớn chưa quen sông nước, ít kinh nghiệm đi biển. Nhờ linh hoạt xử lý các tình huống, sau một tuần chúng tôi đã vào đến mũi Hòn Khoai. Nhưng khi vào tới cửa Gành Hào thì tàu bị mắc cạn. Tình huống bất ngờ xảy ra khiến cán bộ, thủy thủ trên tàu rất lo lắng. Tôi vội vàng nhảy xuống biển và chạm ngay phải lớp bùn nhão nhoét. Tôi đề xuất với thuyền trưởng phương án khắc phục. Sau gần một giờ đồng hồ anh em moi lớp bùn non khỏi chân vịt. Lúc này bộ đội và nhân dân tại bến chèo thuyền ba lá tiếp nhận vũ khí. Con tàu sau khi bốc hết hàng từ từ nổi lên... thế là chúng tôi “cứu” được tàu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau chuyến đi thắng lợi trở về, tàu chúng tôi được đồng chí Phạm Hùng thưởng cho một cây thuốc Ru-bi...

    Câu chuyện giữa tôi và ông Hồ Thăng Nhuận bị gián đoạn, bởi sự xuất hiện của bà Diễn - vợ ông (cô xã đội phó ngày xưa mà ông hướng dẫn phá bom từ trường) về ngoài ngõ. Giọng bà đon đả: “Ông ơi! Chú Soạn, Bí thư đảng ủy phường chuyển giấy mời ông ra bàn về kỷ niệm ngày truyền thống ‘đường Hồ Chí Minh trên biển’ nè!”.

    Bà quay sang tôi: “Chú biết không, ngày xưa thì ông ấy cứ đi biền biệt! Bây giờ ở tuổi “gần đất, xa trời”, vậy mà ông ấy vẫn còn hăng hái tham gia công tác mặt trận! Rõ khổ!

    Bà tâm sự: “Chúng tôi làm lễ cưới chừng vài tháng thì xa nhau biền biệt. Ông ấy lặng lẽ ra đi cùng với con tàu chở vũ khí vào Nam, còn tôi mỏi mòn đợi chờ trong nỗi nhớ thương đến khắc khoải, cháy lòng. Sau khi tôi sinh con đầu lòng vào năm 1968, thì cũng là lúc biệt tăm ông ấy. Cả trăm bức điện đánh đi chẳng ai trả lời. Ở quê, tôi đã nấu cơm cúng, lập bàn thờ, nuốt đắng cay vào lòng mà tự nhủ với lòng mình là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, nuôi dạy con nên người!”.

    Ông Nhuận âu yếm nhìn người bạn đời: “Hồi đó, trên những chuyến tàu vượt biển, chúng tôi chỉ nhìn trong phạm vi sống chết cùng nhiệm vụ, không nghĩ một chút chi về gia đình. Hàng đã xuống tàu, mọi thủy thủ đều phải lo làm sao để cùng nhau đưa hàng đến địa điểm tập kết an toàn và tuyệt đối bí mật, phải xóa mọi dấu vết để bảo đảm giữ vững tuyến đường cho từng chuyến đi sau. Thực tình trong lòng lúc nào cũng nhớ vợ con”. Nghe ông nói vậy, bà nở nụ cười mãn nguyện...

    Lên rừng làm trang trại

    Chuyện cựu binh tàu không số lên rừng làm trang trại ở tuổi 60 cũng có nhiều cái để viết, để nói. Hồi ông đề xuất ý định lên núi làm trang trại thì các con phản đối kịch liệt vì không muốn ba mình vất vả. Chỉ có bà là hiểu tính ông. Bà biết ông làm trang trại cốt là để tạo công ăn, việc làm cùng các đồng đội vui thú tuổi già, chứ không phải ham hố làm giàu.

    Năm 1982, ông lên UBND phường xin phép, rồi lẳng lặng xách rựa vào khu vực Cầu Trắng phát cây khoanh vùng làm trang trại. Tất nhiên ông không đơn độc bởi còn có sự ủng hộ của 13 cộng sự là cựu chiến binh như ông. Tuổi cao, chí càng cao, các cụ cũng cơm đùm, cơm gói, hăng say lao động. Với “chức danh” tổ trưởng sản xuất, ông chỉ đạo mọi người trồng các loại cây theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài” xen kẽ giữa mít, xoài, ổi là chuối, dứa và các loại rau màu khác. Nhưng buổi đầu bị “phá sản” vì đất đai bạc màu, thiếu nước tưới tiêu. Không nản chí ông và các đồng chí cựu chiến binh đóng góp những đồng lương hưu của mình để mua máy bơm, lắp đặt ống dẫn nước. Những nhát cuốc của “các cụ” vẫn bập chan chát vào sỏi đá. Và “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, công sức của cựu binh Hồ Thăng Nhuận và các cộng sự đã được đền đáp. Sau ba năm tần tảo “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, trang trại của tổ hưu trí Thọ Quang đã cho quả ngọt. Vụ thu hoạch cây trái đầu tiên, ông không bán mà biếu các cụ phụ lão, tặng các hộ nghèo, đối tượng chính sách và hàng xóm láng giềng.

    [​IMG]
    Vợ chồng người cựu chiến binh già mặn nồng như thời xuân trẻ.

    Khi đã có thêm kinh nghiệm và chút ít vốn liếng, ông huy động cả lực lượng con cháu giúp sức cải tạo đất đai, xây dựng chuồng trại, ao hồ. Bạn bè, đồng đội đến thăm, ông dẫn lên trang trại nhâm nhi những sản phẩm “của nhà làm ra” và cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời chiến tranh đầy gian khổ, mất mát, hi sinh, nhưng vô cùng oanh liệt. Tiếng lành đồn xa, nghe tin các cựu chiến binh phường Thọ Quang làm kinh tế giỏi, nhiều người đã đến thăm và tấm tắc khen mô hình độc đáo “nuôi gà trên đá, nuôi cá trên núi” của các cụ.

    Năm 1992, tuy đã bước sang tuổi 70 nhưng ông lại có thêm một quyết định khiến con cháu và bà con khối phố ngạc nhiên là nhận thêm 20 ha đất rừng trên núi Sơn Trà. Nhiều người khuyên ông nên nghỉ ngơi, tịnh dưỡng tuổi già, nhưng ông đâu có chịu. Ông tiếp tục vận động thêm cựu chiến binh cùng tham gia. Đến ngày ông ký nhận khoán với UBND phường thì lực lượng đã lên tới 20 hộ gia đình. Vậy là các cụ lại động viên nhau “lên núi” như thuở nào họ đã từng trong những năm tháng chiến tranh.

    Bây giờ mọi người mới hiểu lý do vì đâu mà ông Hồ Thăng Nhuận cùng các cựu chiến binh đã trăn trở và dồn tâm huyết của tuổi già trong hơn chục năm qua. Toàn bộ 20 ha đất hoang hóa năm xưa đã phủ kín cây trồng, xanh màu hi vọng. Theo đó, cuộc sống của các cựu chiến binh từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ giải quyết công ăn, việc làm cho cựu chiến binh, ông còn quan tâm giúp đỡ các hộ nghèo, làm từ thiện, đóng góp xây dựng công đức... Với những đóng góp của mình, năm 2003, cựu binh Hồ Thăng Nhuận được thành phố Đà Nẵng bầu chọn ra Thủ đô Hà Nội dự Hội nghị điển hình tiên tiến “Cựu chiến binh xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” toàn quốc.

    Nay ở tuổi 83, ông Nhuận đã giao đất, giao rừng cho thành phố, nhưng đâu đã chịu nghỉ ngơi. Ông vẫn làm tổ trưởng Đảng, trưởng ban Mặt trận, chi hội trưởng chi hội người cao tuổi...

    Nói về người bạn đời, bà Diễn “trách yêu”: “Già rồi mà vẫn “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Nghe vậy, ông Nhuận cười rung mái đầu bạc: “Bà không nhớ à, người ta vẫn thường nói “gừng càng già, càng cay đó sao! Mình là cựu chiến binh, là Bộ đội ***** nên phải làm gương cho con cháu noi theo chứ!...”.

    http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/307/309/309/160286/Default.aspx
  3. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Chân dung các thuyền trưởng tàu không số (Kỳ 7)

    Kỳ 7: Thuyền trưởng Lưu Đình Lừng và niềm tự hào về Tàu 42

    Theo lời hẹn trước, chúng tôi đến thăm gia đình Thuyền trưởng tàu Không số Lưu Đình Lừng vào một ngày chủ nhật đẹp trời. Trong ánh nắng ấm áp buổi sớm đầu thu, ông đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ, chân thành như bản tính hiếu khách của người dân miền biển Đồ Sơn. Ở tuổi xưa nay hiếm, tóc đã bạc, da đã nhăn nhưng bước đi hoạt bát, và ánh mắt tinh tường thì vẫn vẹn nguyên.

    Ngôi nhà khang trang nằm sâu trong hẻm 171, phường Ngọc Hải, thị xã Đồ Sơn, tổ ấm của gia đình ông với bốn thế hệ cùng chung sống hạnh phúc. Trong căn phòng khách rộng rãi và thoáng mát, rất nhiều bức ảnh chụp những con tàu không số - khi ông và đồng đội làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam được phóng to, treo trang trọng trên tường. Trà xanh được rót ra mời khách. Ông cười và chỉ tay vào bức ảnh được phóng to nhất:

    - Hình ảnh con tàu 42 đấy. Đây là con tàu anh hùng. Tôi đã có 10 chuyến đi trên con tàu này, và chỉ ở tàu này mà thôi - Giọng ông từ tốn vang lên rành rọt, sang sảng của người miền biển.

    Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh con tàu 42. Những ký ức sâu thẳm, tha thiết trong cuộc đời binh nghiệp của ông bừng thức, ào ào dữ dội như sóng biển khơi, nhấp nhô, ẩn hiện hình ảnh con tàu và những người thủy thủ, mưu trí, dũng cảm, vượt qua giông bão, vượt qua tuyến phòng thủ dày đặc của địch, mang cả tình thương của miền Bắc, đưa từng khẩu súng, viên đạn... tới miền Nam ruột thịt, góp sức tiêu diệt quân thù.

    - Năm 1964, tôi nhập ngũ vào Đoàn tàu Không số, là thủy thủ của Tàu 42. Đời tôi thật may mắn khi được đi trên con tàu này, được làm việc với một người chỉ huy thông minh, trí tuệ, dũng cảm như thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng.

    [​IMG]
    Tàu 42 trên đường chở vũ khí vào Nam. Ảnh tư liệu.

    Một thoáng buồn hiển hiện trên khuôn mặt hiền hậu, sạm nắng gió của ông khi nói về người thuyền trưởng năm xưa giờ không còn nữa. Sự xúc động như được đè nén trong ánh mắt đang nhìn xa xăm kia. Ngưng một lát, ông tiếp tục:

    - Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng đi hàng hải thiên văn giỏi lắm. Anh em đã học tập được nhiều điều từ người thuyền trưởng ấy. Những lúc khó khăn, nguy hiểm mới thấy cái tài của người thuyền trưởng này. Ông điều động tàu tránh địch rất giỏi, biết lợi dụng sơ hở của địch vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ trên biển của chúng. Trên mỗi chặng, địch xây dựng các trạm ra-đa quan sát chặt chẽ. Có lần, thuyền trưởng Cứng đã đưa tàu đi qua giao điểm vùng quét ra-đa của hai trạm. Bọn địch đều phát hiện được nhưng trạm nọ tưởng trạm kia báo cáo về sở chỉ huy, ỷ vào nhau, thế là tàu chạy thoát. Thật là tài, chi tiết này không phải ai cũng biết.

    Một trong những chuyến đi mà tôi nhớ mãi đó là chuyến đi năm 1965, sau khi xảy ra sự kiện Vũng Rô.

    Sự kiện Vũng Rô, ai cũng biết, con đường vận chuyển đã bị lộ. 8 tháng nằm im chờ đợi, tìm phương thức vận chuyển mới, ngày 15-10-1965, tại bến K15-Đồ Sơn (Hải Phòng), Tàu 42 được cải dạng thành tàu đánh cá nước ngoài, nhổ neo ra khơi. Tàu có 16 thủy thủ do thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng và Chính trị viên Trần Ngọc Ẩn chỉ huy, đi theo phương pháp hàng hải thiên văn, tức là đi theo các vì sao. Nhiệm vụ được giao là nghiên cứu tuyến đường vận chuyển mới, làm tiền đề cho những chuyến sau nhưng phải bảo đảm bí mật, bất ngờ. Chuyến đi này ngoài 60 tấn vũ khí tàu còn chở thêm 4 quả thủy lôi KB, mỗi quả nặng tới một tấn. Dưới tàu còn găm hàng tấn thuốc nổ, nếu bị địch phát hiện thì tất cả anh em sẽ điểm hỏa và cảm tử cùng tàu để giữ bí mật cho con đường.

    Mọi đồ dùng cá nhân phải xóa hết dấu vết, tuýp đánh răng Ngọc Lan, vỏ bao thuốc lá... phải cạo hết nhãn mác. Mấy khẩu súng đằng trước, đằng sau đều được ****** trang. Mọi người đều mang mặc trang phục dân đánh cá nước ngoài. Trông con tàu của chúng tôi chẳng khác gì một tàu câu cá song. Vậy mà anh em vẫn không khỏi lo lắng bởi đây là chuyến mở đường sau một thời gian dài ngừng vận chuyển, địch lại phong tỏa chặt chẽ con đường. Chúng xây dựng hàng loạt trạm ra-đa ngày đêm quan sát chặt chẽ vùng biển. Ngoài khơi, Hải quân Mỹ thực hiện việc ngăn chặn. Hải quân ****** thực hiện tuần tiễu ven bờ. Để dễ bề quản lý và phân định trách nhiệm, Mỹ-****** chia vùng biển Việt Nam làm 9 khu vực chiến sự. Ở mỗi khu vực, hải quân Mỹ-****** giành quyền kiểm soát mọi tàu, thuyền qua lại, kể cả tàu buôn nước ngoài. Tình hình bến bãi, luồng lạch thay đổi ra sao, khó mà lường hết được!

    [​IMG]
    Ông Lưu Đình Lừng thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng). Ảnh: Trịnh Dũng.

    Từ bến K15, tàu chúng tôi vượt qua Long Châu đi về phía đảo Hải Nam. Đêm đó sóng rất lớn, gió cấp 6, cấp 7, những con sóng lớn chồm lên như muốn nhấn chìm chúng tôi xuống biển. Suốt một ngày đêm vật lộn với sóng gió, ai cũng mệt nhoài vì say sóng, đêm sau tàu đến eo biển Hải Nam. Gần tới khu vực quần đảo Trường Sa bị máy bay Mỹ phát hiện, chúng vòng đi vòng lại hai lần, theo dõi hoạt động của tàu. Thuyền trưởng cho tàu giảm tốc độ, chạy vào hướng đảo Trường Sa để câu cá. Mọi người tất bật kéo lưới, gỡ cá như dân đánh cá thực thụ. Khi máy bay đi khỏi chúng tôi liền thay biển số, chuyển hướng vào Cà Mau. Gần tới khu vực Hòn Khoai, chúng tôi phát hiện thấy vệt sáng đèn di chuyển phía trước. Tất cả vào vị trí chiến đấu. Các vị trí quan sát đều báo cáo trước mũi tàu, sau lái tàu, bên trái, bên phải đều có ánh đèn và cứ 400-500m lại có một chiếc tàu đỗ. Vậy là Tàu 42 đã lọt vào giữa vòng vây của địch. Một cuộc hội ý chớp nhoáng trong cấp ủy và quyết định: Tàu giảm tốc độ, chạy theo hướng Đông, chạy vòng theo hướng bao vây của tàu địch, khi tới gần bờ, thuyền trưởng hạ lệnh tắt đèn hành trình, quặt tay lái tăng tốc chuyển hướng vào bờ...

    Những lúc thế này anh em mới thấy hết tài thao lược, mưu trí đặc biệt của thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng. Khi Tàu 42 lọt vào trong cửa Bồ Đề, nhìn xa xa thấy vài tàu địch đậu ở đó... Người trong bến cho xuồng ra đón, sau khi phát tín hiệu nhận nhau, tàu chúng tôi được đưa vào bến Rạch Kiến Vàng an toàn. Ngoài súng đạn, cũng là lần đầu tiên chúng tôi đưa được thủy lôi sừng chạm vào cho bộ đội đặc công thủy, góp phần làm nên những trận đánh rung chuyển các căn cứ Hải quân Mỹ-******. Chuyến này đi, chúng tôi đã đi hơn 1.200 hải lý, cả đi lẫn về 20 ngày.

    Chuyến đi mở đường thắng lợi của Tàu 42 trong tình hình địch phong tỏa ác liệt có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Ta đã nắm được quy luật hoạt động ngoài khơi và gần bờ của địch để tìm cách ứng phó linh hoạt. Tiếp đó, ta đã tổ chức hai chuyến tiếp theo đều thắng lợi.

    Sau chuyến đi này, ban chỉ huy tàu vinh dự được báo cáo kết quả chuyến đi với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; được ******* và ************ tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và được ********* tặng mấy tút thuốc lá có ghi dòng chữ “********* tặng”.

    Với bề dày thành tích, qua 7 năm liên tục, Tàu 42 luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, giữ vững quyết tâm, anh dũng, mưu trí, linh hoạt, khắc phục vượt khó khăn trong mọi tình huống, gặp địch đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm. Ngày 8-10-1972, Tàu 42 vinh dự được *******, Nhà nước ta tặng danh hiệu cao quý: “Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân”.

    Và năm 2005, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng, người đã trực tiếp chỉ huy 15 chuyến đi thành công, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tàu anh hùng, thuyền trưởng anh hùng. Còn vinh dự nào hơn!

    Còn ông Lưu Đình Lừng, trong suốt 10 năm gắn bó với con tàu 42, ông đã đi 10 chuyến vận chuyển trên con đường biển mang tên ********* (5 chuyến thành công, 5 chuyến bị địch phát hiện phải quay về), từ một thủy thủ đã trở thành một thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm. Nhưng theo ông, những ngày được làm việc bên người thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng, được sống trong một tập thể đoàn kết, anh dũng, đó là những tháng ngày quý báu để ông học hỏi, trưởng thành và vững bước trên con đường đời sau này.

    http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/307/309/309/160389/Default.aspx
    -----------------------------Tự động gộp Reply ---------------------------
    Chân dung các thuyền trưởng đoàn tàu không số (Tiếp theo và hết)

    Kỳ 8: Nguyễn Chánh Tâm, người anh hùng sống mãi

    Trong chuyến chở vũ khí chi viện cho quân và dân ta tham gia Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu thân 1968, bốn con tàu mang số hiệu 43, 56, 235, 165 của Lữ đoàn 125 đêm 29-2, rạng ngày 1-3 đều gặp địch. Chỉ còn tàu 56 trở về. Cũng như tàu 43 và 235, tàu 165 của Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm đã chiến đấu anh dũng và đi vào huyền thoại. 18 cán bộ, thủ thủy đã ra đi, không để lại một dấu vết...

    Quyết tử giữa biển khơi

    Đêm 25-2, từ căn cứ A2, tàu 165 được lệnh xuất phát, chở hàng vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Cán bộ, thủy thủ gồm: Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm; Chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương; Thuyền phó Hoàng Văn Thuyết và Nguyễn Văn Thông; Chính trị viên phó Nguyễn Văn Danh; Thợ máy Nguyễn Văn Thị, Trần Văn Dựng, Nguyễn Duy Tạo; Báo vụ: Lý Khánh Hồng và Vương Văn Diêng; Thủy thủ trưởng: Nguyễn Kính; Hàng hải: Nguyễn Văn Em và Mai Đức Long; Y tá Nguyễn Đình Văn; Thủy thủ: Trần Văn Quồi, Phạm Văn Phương, Trần Văn Bé; Cơ yếu: Vũ Hữu Nghị.

    [​IMG]
    Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm.

    Theo tuyến đường của những chuyến đi trước, tàu 165 đi qua Hoàng Sa, Trường Sa, hòa vào dòng tàu buôn nước ngoài ngược xuôi trên biển quốc tế, hướng về phía Nam. Thông tin giữa tàu và Sở chỉ huy và bến vẫn giữ liên lạc tốt. Ngay tại hải phận quốc tế tàu đã bị địch theo dõi. Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm bình tĩnh, mưu trí cùng anh em vượt qua vòng phong tỏa của địch. Đêm 29-2, tàu đến vùng biển Cà Mau, chuẩn bị chuyển hướng. Mọi phương án đón tàu ở bến được chuẩn bị chu đáo, kể cả trong “trường hợp xấu nhất”, bến sẵn sàng “chia lửa” với tàu.

    Nhưng dự định đó đã không thành hiện thực. Trời biển Cà Mau đêm đó đã chứng kiến trận đấu quyết tử của những người lính “Tàu không số” với gần chục tàu chiến và máy bay địch. Con tàu 165 nhỏ nhoi đã hóa thân vào biển không để lại một dấu vết gì ngoài hai bức điện cuối cùng gửi về sở chỉ huy trong đêm 29-2 rạng ngày 1-3-1968. Bức điện thứ nhất đề lúc 18 giờ ngày 29-2: "Chuyển vào. Gặp máy bay trinh sát đi qua tàu-Lương (tức Chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương). Bức điện thứ hai, ngày 1-3: "Chúng tôi gặp 8 tàu địch bao vây, quyết cảm tử!". Đó là hai lời nhắn nhủ cuối cùng trước lúc tàu 165, Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và 17 thủy thủ đi vào huyền thoại.

    Các anh đã chiến đấu, đã hy sinh như thế nào, đến nay cũng chưa ai biết rõ. Nhớ lần chúng tôi tới thăm cựu chiến binh Khưu Ngọc Bảy tại Thành phố Cần Thơ, ông Bảy đã bùi ngùi kể cho tôi nghe về sự kiện bi hùng này: Đêm đó, tất cả chúng tôi đã sẵn sàng, chuẩn bị đón tàu. Bỗng thấy máy bay địch lượn nhiều. Hình như chúng báo động. Trên bờ, ngóng ra biển ai cũng nơm nớp lo âu... Rồi chừng hơn một giờ sáng, phía ngoài khơi nhiều ánh lửa và đường đạn vạch lên trời... Chừng 20 phút sau, loáng lên những tia chớp và một ngọn lửa hình nấm vọt lên kèm theo tiếng nổ lớn trùm xuống biển...

    Chúng tôi vẫn tin anh em còn sống và tìm đón nhiều ngày dọc ven biển. Nhưng chỉ còn hai báng súng K44, vài mảnh chiếc đài màu nâu đỏ, một đoạn cột ăng ten tàu và một mảnh áo phao... Tất cả chỉ còn vậy. Tàu 165, Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và 17 thủy thủ đoàn đã vĩnh viễn ra đi. Các anh mãi mãi nằm lại vùng biển Tây Nam của Tổ quốc-vùng biển Cà Mau... không bao giờ trở lại.

    Anh còn sống mãi

    Với thành tích 8 chuyến đi chở hơn 600 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ, năm 2005, Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Hơn 40 năm đã trôi qua, những ký ức về anh-người thuyền trưởng anh hùng, dũng cảm, người bạn thủy chung vẫn khắc ghi mãi trong lòng bạn bè và những người thân của anh.

    Bà Đỗ Thị An, tuổi ngoài 90, hiện ở Ngõ Cấm, thành phố Hải Phòng khi nhắc đến tên người con rể với con cháu hiện nay vẫn rưng rưng xúc động: "Bố các cháu là người nhân hậu, sống có nghĩa, có tình, cứ mỗi lần công tác về là có quà cho mọi người, tranh thủ giúp gia đình, vợ con mọi việc lớn nhỏ... Nhớ mãi chuyến đi lần cuối của bố các cháu. Tối đó mấy bố con cứ quấn quýt mãi bên nhau. Sáng ra, Tâm dậy sớm, chắp tay: "Chào mẹ, con đi công tác, chưa biết bao giờ mới về...". Ba bà cháu tiễn bố ra ngõ, bịn rịn. "Mẹ về đi!". Tâm động viên tôi. Hai cháu Tuấn, Tú cứ ôm chặt lấy bố, mãi không rời... Ba Tâm xoa đầu hai con, nựng: "Các con ở nhà ngoan ngoãn, nghe lời bà và mẹ, vài bữa nữa ba về... Tôi cũng không thể ngờ rằng đó là lần chia tay cuối cùng!”.

    Với Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đắc Thắng, hiện ở Thành phố Cần Thơ thì Chánh Tâm là “người bạn thân thiết, thủy chung, ngay từ ngày đầu vào bộ đội”.

    [​IMG]
    Các cựu chiến binh Đoàn tàu Không số tưởng niệm đồng đội đã hy sinh tại Vàm Lũng, Cà Mau.

    Đôi bạn Đắc Thắng-Chánh Tâm đều sinh năm 1935 tại Cần Thơ. 19 tuổi hai ông cùng nhập ngũ vào bộ đội và tập kết ra Bắc, sau đó được đi học lớp thuyền trưởng Hải quân. Tốt nghiệp, Đắc Thắng được điều về Đoàn 759 (tiền thân Đoàn 125 ngày nay), còn Chánh Tâm về Đoàn tàu tuần tiễu ở căn cứ 2. Sau chiến thắng trận đầu 5-8-1964, Nguyễn Chánh Tâm được điều về Đoàn tàu Không số làm thuyền trưởng tàu 165. Đôi bạn ngày xưa lại được chung một nhiệm vụ vẻ vang và tình bạn của họ ngày càng thắm thiết. “Tâm là một người bạn nhiệt tình, sống hết mình với bạn bè. Anh ấy còn là “nhịp cầu” tình yêu của tôi và Sáu Thùy, người vợ yêu quý của tôi sau này”. Ông Thắng bồi hồi nhớ lại.

    Về câu chuyện tình của Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và nữ y tá Huỳnh Biên Thùy đến nay không kể hết bao nhiêu bài báo đã viết về họ. Đó là mối tình xuyên Biển Đông. Mối tình rất "nổi tiếng" của Đoàn tàu Không số. Chuyện là, trong một chuyến chở hàng vào Cà Mau, Thuyền trưởng Đắc Thắng đã “phải lòng” cô “nuôi quân” kiêm y tá Huỳnh Biên Thùy có giọng ca cải lương ngọt ngào. Tình yêu của họ chỉ chờ ngày sum họp sau khi anh ra Bắc báo cáo tổ chức, sau đó sẽ trở lại bến làm đám cưới. Thế rồi nhiệm vụ vận chuyển bí mật, những chuyến đi mở bến mới ở miền Trung... Thuyền trưởng Đắc Thắng không còn cơ hội trở lại bến xưa để “kết tóc se duyên” với người nữ y tá. Lúc này, Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm với những chuyến đi vào Cà Mau đã trở thành sợi dây liên lạc tình cảm giữa hai người. Sáu Thùy vẫn thường xuyên nhận được “quà của người yêu” gửi vào. Khi thì cuốn sách “Ruồi Trâu”, “Thép đã tôi thế đấy”, khi là chiếc nón bài thơ xinh xắn. Sáu Thùy cũng nhờ Chánh Tâm chuyển tới người yêu những món quà đầy ý nghĩa như món tóc thề hay những chiếc khăn thêu... Tình yêu của họ vì thế vẫn được kết nối, tình cảm ngày càng thêm gắn bó. Mãi sau này, khi thành vợ chồng, cô Thùy mới biết những món quà cô vẫn đều đặn nhận được trong những ngày xa cách đó đều là của Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm mua tặng. “Anh ấy tốt lắm, mỗi chuyến trở về Bắc tàu anh ấy còn tặng lại chúng tôi rất nhiều lương khô để “dùng khi giặc càn” - cô Sáu Thùy kể lại. “Ngày nghe tin tàu nổ trên biển, ngỡ là anh Thắng, tôi đã khóc ròng ròng, rồi lập bàn thờ để tang anh. Sau này mới biết đó là anh Chánh Tâm. Tôi đã khóc rất nhiều thương tiếc anh...”.

    Hơn 40 năm đã trôi qua, đất nước đã thanh bình và biển xanh đã xóa đi tất cả. "Sóng xóa đi dấu vết, biển vẫn con đường mòn...". Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và đồng đội tàu 165 đã ra đi... không để lại một dấu vết. Nhưng dấu ấn về một con đường vận tải trên biển, con đường của những huyền thoại và những chiến công thầm lặng của những người lính biển anh hùng vẫn sống mãi với dân tộc Việt Nam.

    http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/307/309/309/160481/Default.aspx
  4. sanleo

    sanleo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/04/2010
    Bài viết:
    67
    Đã được thích:
    0
    @Bác dongthap10: trên báo qdnd có nói đến trận đánh Cửa Việt năm 1969 của đoàn 126 http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/124/124/124/157422/Default.aspx

    Còn ở mục nhắn tìm đồng đội, có người muốn tìm đồng đội của bố từng công tác ở đoàn 126 để biết thêm thông tin về trường hợp hy sinh và nơi an táng của bố http://www.nhantimdongdoi.org/?mod=chitiet&subcate=6&id=2806 Không rõ gia đình đó đã tìm được chưa, nhưng chưa biết chừng bố bác cũng ở đoàn 126 có thể biết chút thông tin gì để giúp họ
  5. dongthap10

    dongthap10 Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2006
    Bài viết:
    155
    Đã được thích:
    22
    vâng cảm ơn bác Sanleo, em sẽ hỏi thăm trường hợp của bác liệt sĩ này với bố em, em nghĩ chắc bố em biết vì bác liệt sĩ cũng là dân tập kết Nam bộ giống bố em ở F330 - F338 và là D trưởng E126.
  6. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Kỳ 8: Vị thuyền trưởng 9 lần “vượt biển”

    [​IMG]
    Chân dung Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích

    Ở Đà Nẵng ai cũng biết cựu chiến binh Vũ Tấn Ích, bởi ông là vị thuyền trưởng 9 lần “vượt biển”. Chiến công của ông và đồng đội lênh đênh trên những con tàu không số chở vũ khí từ miền Bắc “tiếp máu” cho chiến truờng miền nam đã góp phần làm nên con đường huyền thoại – đường Hồ Chí Minh trên biển...

    Cơn mưa chiều vừa dứt, thành phố Đà Nẵng đã tấp nập người, xe buổi tan tầm. Trong ngôi nhà nhỏ trên phố Nguyễn Tri Phương, ông Vũ Tấn Ích đang đùa vui cùng đứa cháu nội vừa đầy tháng tuổi tên là Vũ Phan Bảo Hiên. Niềm vui người cựu binh già hiện rõ trên ánh mắt.

    - “Thưa bác! Cháu là...

    - Cháu vào nhà đi! Bác nhận ra rồi! Vào đây bác cháu mình ta cùng hàn huyên nào!

    Ông Ích biết tôi từ hồi tôi còn là lính thủy. Mấy lần gặp mặt cựu chiến binh Đoàn tàu không số tổ chức bên Vùng 3 Hải quân, tôi đều làm “phó nháy” nên ông khá ấn tượng và nhớ tên. Vì lẽ đó mà khi tôi đặt vấn đề là ông “duyệt” ngay. Dẫu rằng đã có nhiều nhà báo tới, nhưng ông đều tế nhị từ chối.

    Bên ấm trà tỏa hương nhè nhẹ, câu chuyện ông kể giúp tôi hiểu thêm về bao chiến công huyền thoại và sự mất mát, hi sinh của cán bộ, thủy thủ trên những con tàu không số năm xưa mà ông là một trong những nhân vật tiêu biểu...

    “Tôi sinh năm 1930 tại xã Bình Thới, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Tròn 18 tuổi tôi nhập ngũ, trở thành chiến sỹ Trung đoàn 108 hoạt động trên chiến trường Khu 5. Sau khi tập kết ra Bắc, tôi sang Trung Quốc học lớp đào tạo thuyền trưởng, rồi tốt nghiệp với quân hàm trung úy, giữ chức thuyền trưởng thuyền 5 (Phân đội 1, Đoàn 130 Hải quân).

    Sống cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”, trong tôi luôn canh cánh nỗi niềm mong ngày trở về chiến đấu giải phóng quê hương. Và khát khao ấy thành hiện thực khi đầu năm 1963 tôi được Bộ tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ chỉ huy con tàu sắt thứ 2 của Đoàn 759 vận chuyển vũ khí vào miền Nam bằng đường biển. Chuyến đi ấy, tôi làm thuyền trưởng kiêm chính trị viên và bí thư chi bộ Đội 6. Đêm 12-4-1964, tại Quảng Ninh, 12 cán bộ chiến sĩ tàu chúng tôi đa phần là con em vùng Liên Khu 5 và Nam Bộ vinh dự được Trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Trung tá Đoàn Hồng Phước, Đoàn trưởng Đoàn 759 gặp mặt thân mật và tiễn đưa tận bến. Đêm ấy, Trung tướng Trần Văn Trà nắm chặt tay tôi căn dặn: “Đồng chí là người chỉ huy độc lập, cao nhất, quyết định xử trí mọi tình huống. Vì thế phải tỉnh táo nắm chắc phương châm chiến đấu: Bám bờ là thế trận, bám bờ là chiến thắng. Tôi chờ tin thắng lợi!”.

    Sau giây phút chia tay quyến luyến, chúng tôi bơi thuyền cao su ra tiếp nhận con tàu trọng tải 100 tấn (chở gần 60 tấn vũ khí) đang neo tại Hòn Kẽm, vịnh Bãi Cháy. Để chuyến đi đảm bảo yếu tố bí mật, tất cả quân tư trang, đồ dùng cá nhân có dấu hiệu liên quan đến miền Bắc đều để lại. Chúng tôi ngụy trang tàu giống hệt như tàu ngư dân đánh bắt xa bờ. Trong khoang cũng chất đầy lưới, ngư cụ và thực phẩm dự trữ như: mực, cá khô, mắm, muối... Tuy tàu có trọng tải tương đối lớn nhưng phương tiện hàng hải khá thô sơ, ngoài hải đồ, chỉ có một ống nhòm, một la bàn, máy vô tuyến điện sóng ngắn liên lạc với trung tâm bằng tín hiệu moóc và chiếc đèn pin dùng bắt tín hiệu với đất liền.

    Lần đầu tiên tôi chỉ huy tàu vượt biển vào Nam, nên chưa thông thạo luồng, lạch. Đã vậy lại ra khơi gặp sóng to, gió lớn, tàu chiến địch rình rập suốt ngày đêm, vì thế chúng tôi phải tìm phương án tối ưu nhất để đấu trí với kẻ thù. Sau gần 10 ngày ngày lênh đênh trên biển, tàu ta vào bến Bến Tre đúng theo kế hoạch. Cứ tưởng mọi việc sẽ “thuận buồm, xuôi gió”, nhưng sự cố đã xảy ra. Suốt hai đêm liền tàu không thể nào liên lạc được với bến. Trên biển, tàu địch tăng cường mật độ tuần tiễu. Trước tình hình đó, tôi chỉ huy tàu chạy ra hải phận quốc tế, đêm đến mới xuôi về hướng Nam. Sang ngày hôm sau gặp một thuyền đánh cá của ngư dân, qua trao đổi, chúng tôi biết chắc tàu mình đã đi vào vùng có quân giải phóng. Tôi ra lệnh cho tàu thẳng hướng vào bờ. Sau khi cho anh em ngụy trang tàu cẩn thận, tôi lội vào bờ và gặp ngay đồng chí Bông Văn Dĩa (phụ trách bến) mới biết tàu đã vào bến Bạc Liêu. Nói sao hết niềm vui sướng, chúng tôi ôm nhau mà nước mắt lăn dài. Suốt hai ngày đêm lực lượng tại bến khẩn trương chuyển vũ khí từ tàu xuống xuồng ba lá về vị trí cất giấu bí mật. Trả hàng xong, chúng tôi lưu luyến tạm biệt các đồng chí, đồng bào trở ra miền Bắc. Chuyến đi ấy, tôi và tập thể tàu được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai”.

    [​IMG]
    Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích cùng đồng đội vinh dự chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Đang kể, ông Ích đi vào nhà trong cầm cuốn album lấy một tấm ảnh tập thể trao cho tôi và nói: “Chúng tôi chụp tấm hình này từ thời còn ở Đồ Sơn-Hải Phòng. Ngày ấy sum vầy là thế, vậy mà giờ đây chẳng còn bao. Người thì đã hi sinh, người thì đã về với tiên tổ do tuổi cao, vết thương tái phát!”.

    Tôi hiểu ý ông muốn nói đến sự hi sinh của những người đồng đội. Đã có lần ông kể cho tôi nghe về vết thương lòng không dễ nguôi ngoai ấy... Chuyến đi ngày 6-7-1967, sau 11 ngày trên biển, con tàu do ông làm thuyền trưởng gặp máy bay và tàu chiến địch bao vây. Trước tình thế đó, ông và đồng đội vừa đánh trả vừa cơ động vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi). Trận đánh diễn ra ác liệt, nhưng ta chỉ cầm cự được một thời gian vì lực lượng không cân sức, cuối cùng Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp ở lại hủy tàu, Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích và số thủy thủ còn lại lên bờ thoát khỏi vòng vây địch. Hôm đó, đồng chí Trạch và đồng chí Nghiệp ở lại hủy tàu, nhưng do bộc phá không nổ, hai đồng chí đã chiến đấu với địch và anh dũng hy sinh, còn con tàu thì bị rơi vào tay địch. Là người thẳng thắn, trung thực, sau sự kiện ấy ông luôn day dứt trong lòng và nhận trách nhiệm về mình. Nhưng đồng đội và cấp trên đều không nghĩ vậy vì đó là tình huống bất khả kháng diễn ra ngoài ý muốn. Với lại, chỉ trong thời gian 4 năm (từ 1963-1967), mà thuyền trưởng Vũ Tấn Ích có tới 9 lần chỉ huy những con tàu không số “vượt biển” đã là một chiến công.

    Năm 1970, ông Ích chuyển tới đơn vị đặc công nước rồi về lại tiểu đoàn tàu của Quân chủng Hải quân. Năm 1975 ông vào chiến trường Liên khu 5, tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng và công tác tại Quân khu 5, tới năm 1982 thì nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Tuy về hưu nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động an sinh, xã hội ở địa phương. Căn nhà ông là nơi các cựu chiến binh Đoàn tàu không số thường xuyên lui tới ôn lại kỷ niệm một thời “vượt biển” và cùng nhau quyên góp giúp đỡ những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn.

    [​IMG]
    Ông Ích trân trọng đọc những lá thư của người vợ quá cố

    Trong ký ức của vị thuyền trưởng 9 lần “vượt biển” ấy vẫn vẹn nguyên một thời trai trẻ gắn bó cùng những con tàu không số trên tuyến đường huyền thoại – đường Hồ Chí Minh trên biển.

    Theo ông, tất cả những chuyến đi ấy, cán bộ, thủy thủ đều đối mặt với bao khó khăn, thử thách. Tất cả những người ra đi đều xác định có thể không trở về, nhưng họ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh để vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Còn một đau khác nữa mà họ phải âm thầm gánh chịu, đó là vì để tuyệt đối giữ bí mật, trước khi rời bến không ai được tiếp xúc với bạn bè, người thân. Có đồng chí tập kết ra Bắc, xa gia đình gần chục năm trời, cùng con tàu về lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn mà không được bước lên bờ. Có đồng chí bất ngờ thấy vợ trong đoàn dân công ra chuyển vũ khí, đã vội vàng bước xuống khoang tàu, đau đáu ngắm vợ qua cửa sổ… Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích cũng vậy, trong thời gian lênh đênh trên con tàu không số, vợ đã gửi cho ông 36 lá thư, nhưng mãi sau này tổ chức mới trao lại.

    Bà Cao Xuân Lan đã mất cách đây 14 năm nhưng ông Ích vẫn lưu giữ những kỷ vật của người vợ thân yêu để lại. 36 lá thư chan chứa tình yêu thương của bà được ông đóng thành tập và trân trọng, nâng niu như một báu vật vô giá.

    Cựu chiến binh Vũ Tấn Ích là vậy đó. Từ thời xông pha trận mạc cho đến lúc về già, bao giờ ông cũng quan tâm tới người khác. Sự quan tâm ấy bắt nguồn từ tấm lòng trung thực, thẳng thắn, chân thành mà nhân ái, bao dung. Thế nên, khi tôi hỏi nguyện vọng của ông bây giờ là gì? Ông khẽ thở dài, rồi nói: “Tôi cứ trăn trở mãi về hoàn cảnh của một đồng đội, đó là anh Huỳnh Ba. Anh Ba nguyên là thủy thủ Đoàn đánh cá sông Gianh (tiền thân của Đoàn 125 ngày nay) bị địch bắt năm 1961 trong lần chở vũ khí vào Đà Nẵng. Năm 1973 được trao trả, anh tiếp tục hoạt động cách mạng. Những trận đòn roi tra tấn dã man của địch khiến anh thường xuyên ốm đau, bệnh tật, kinh tế gia đình khánh kiệt. May nhờ đồng đội quyên góp xây cho ngôi nhà nhỏ để tá túc, chứ không thì nguy. Vậy mà hầu như anh chẳng có chế độ gì. Hiện giờ anh ấy đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Mong sao Quân chủng Hải quân và cơ quan chức năng quan tâm kẻo thiệt thòi cho anh quá!”.

    Bài và ảnh: Phan Tiến Dũng

    http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/307/309/309/160510/Default.aspx
  7. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Mắc cạn giữa Biển Đông

    Vào một ngày đầu tháng 5-1964, để lập thành tích chào mừng sinh nhật Bác Hồ, chỉ huy Đoàn tàu không số (Lữ đoàn 125) phát động đợt thi đua đặc biệt mà nội dung chủ yếu là đột phá mở đường, đem hàng vào chiến trường bằng phương tiện mới: Tàu vận tải vỏ sắt do Xưởng Đóng tàu Bạch Đằng (Xưởng đóng tàu 3-Hải Phòng) thiết kế và thi công. Tàu có sức chở lớn, tốc độ nhanh, trang bị máy móc hàng hải tương đối hiện đại, hơn hẳn những con tàu gỗ trước đó. Đơn vị tàu không số mang mật danh 41 của chúng tôi được cấp trên tín nhiệm sử dụng loại tàu mới này để đưa hàng vào Cà Mau-bến tận cùng cực Nam của Tổ quốc.

    Trước vinh dự lớn lao này, mọi cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều hồ hởi, phấn khởi, thi đua đưa hàng xuống thật nhanh, chuẩn bị hậu cần thật tốt. Đặc biệt, về tư tưởng, ai nấy đều xác định sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ.

    Chuyến đi đó của chúng tôi lúc ấy chưa xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5-8-1964). Tuy nhiên, khi đó ở vùng Vịnh Bắc Bộ của nước ta đã dày đặc tàu chiến, máy bay thuộc Hạm đội 7 của đế quốc Mỹ; cùng với nó là tàu chiến của ngụy quân phong tỏa suốt ngày đêm. Mọi con đường của tàu, thuyền bị địch kiểm soát, ngăn chặn gắt gao. Nhiều chuyến tàu, chuyến tiếp tế ra các đảo nằm trong Vịnh Bắc Bộ đã bị tàu địch bắn chìm, thủy thủ hy sinh nên con đường tiếp tế vào chiến trường miền Nam của những con tàu không số gặp không ít khó khăn. Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ Tàu 41 đã khôn khéo chuyển hướng hành trình xa bờ, lợi dụng vùng biển giáp ranh giữa ta và nước bạn, luồn lách qua các hòn đảo, làm hạn chế khả năng trinh sát kỹ thuật bằng sóng ra-đa từ các tàu chiến Mỹ. Cứ như thế, Tàu 41 thoát khỏi tầm kiểm soát của địch, ung dung tiến ra Biển Đông, thẳng hướng miền Nam.

    [​IMG]
    Tàu 41 (ảnh thu từ tài liệu của địch).

    Thời tiết tháng 5 nên trên biển hay có giông lớn. Đêm đó, Tàu 41 đã không may bị một cơn giông đột ngột kéo đến, sóng gió quá to đã hất con tàu và hơn 60 tấn vũ khí vào một bãi cạn san hô thuộc quần đảo Hoàng Sa. Giữa biển cả mênh mông, đêm tối, sóng lại lớn, các thủy thủ nhìn nhau mắt cay sè, nỗi lo âu tràn ngập... Nhưng với kinh nghiệm dày dạn và bản lĩnh vững vàng, Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Nguyễn Hoàng Chiến đã giúp anh em nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Mọi người cùng nhau lặn xuống biển, đào san hô thành cái rãnh sâu để đưa tàu thoát khỏi bãi cạn. Kế hoạch này được triển khai gấp rút trong đêm. Từ những người già đến các thủy thủ tuổi đôi mươi lần đầu tham gia Đoàn tàu không số như tôi đều thi nhau bẩy đá, đào rãnh, làm tời, mắc cáp kết hợp với hệ thống kéo neo đã có sẵn để lôi con tàu nặng hơn 100 tấn ra khỏi bãi cạn ngay trong đêm. Sở dĩ chúng tôi phải làm ngay trong đêm vì nếu để đến sáng hôm sau thì chẳng biết điều gì sẽ xảy ra. Bởi nơi con tàu mắc cạn gần ngay một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa do hải quân ngụy trấn giữ.

    Thời gian “chiến đấu” cùng bóng đêm đã xuất hiện những tấm gương quên mình. Tôi cứ nhớ mãi tấm gương của hai thủy thủ già là bác Trần Nhợ, quê ở Bình Định và bác Nguyễn Văn Lộc, quê ở Núi Thành (Quảng Nam). Lúc đó, hai bác đều đã ở tuổi 50 (sau đó, hai bác đều hy sinh trong một chuyến tàu đưa hàng vào Nam). Còn trong các thủy thủ trẻ, có Nguyễn Công Ở, quê Quảng Bình, đã lập công xuất sắc, sau chuyến này được Bác Hồ tặng chiếc đồng hồ mạ vàng mà trang Tiếp lửa truyền thống, Báo Quân đội nhân dân đã phản ánh qua bài “Cảm tử cứu tàu không số” ngày 3-6-2011... Đó là những đảng viên đã nhận về mình mọi việc nguy hiểm. Nhờ có những con người như vậy, chúng tôi đã đưa tàu vượt ra khỏi bãi cạn, tiếp tục cuộc hành trình vào bến Cà Mau theo đúng kế hoạch. Chúng tôi đã được chỉ huy Lữ đoàn 125 công nhận: “Lập được chiến công xuất sắc dâng mừng sinh nhật Bác Hồ kính yêu và làm tiền đề cho một giai đoạn vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam bằng tàu mới hiện đại”.

    Sau chuyến đi vượt qua sự cố mắc cạn đó, chúng tôi liên tiếp thành công trong các chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Nam, góp phần giúp quân dân Khu 5 và Tây Nguyên liên tiếp giành thắng lợi trong các trận đánh lớn, giải phóng nhiều vùng dân cư, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

    Bây giờ, mỗi lần nhớ lại chuyến đi bị mắc cạn ở Biển Đông năm nào, lòng tôi không khỏi xúc động. Cứ nghĩ đến những hiểm nguy rình rập đã qua, lại thấy thành công của Đoàn tàu không số thật vĩ đại. Tôi càng bồi hồi hơn khi nhớ về những người đồng đội đã hòa thân mình vào biển cả mênh mông để góp phần đem lại chiến thắng rực rỡ cho đất nước, cho dân tộc.

    Trần Tiền Vệ, Nguyên thủy thủ Đoàn tàu không số
  8. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Chiếc ra - đa đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Đoàn “Tàu không số”

    Những năm chiến tranh ác liệt, "Tàu không số" của Đoàn vận tải 125 Hải quân ra khơi không có trang bị vật chất bảo đảm cho các tàu hoạt động an toàn trên biển như bây giờ. Do điều kiện phải bảo đảm bí mật trên biển, mỗi lần ra khơi, “Tàu không số” có trang bị hết sức đơn giản, ngoài vũ khí chiến đấu, tàu chỉ có một máy chính, máy 1-6, la bàn từ, hải đồ và 1 chiếc radio để nghe thời tiết.

    Để tránh sự kiểm soát của địch, tàu ta thường đi rất xa bờ. Việc xác định vị trí tàu, chọn thời điểm chuyển hướng vào bến, làm sao vận chuyển hết số hàng trước khi trời sáng và việc quan sát phát hiện mục tiêu tàu địch, ra - đa kiểm soát khu vực của địch để đưa tàu lọt vào bến là việc làm hết sức khó khăn.

    Thế mà cán bộ, chiến sĩ Đoàn “Tàu không số” vẫn khắc phục khó khăn, sáng tạo, nhiều khi là đấu trí với địch với nhiều trang thiết bị hiện đại để vận chuyển hàng tới bến an toàn. Không có máy định vị vệ tinh, cán bộ, chiến sĩ thường tính toán bằng thiên văn hàng hải, ngày nhìn mặt trời, đêm ngắm trăng sao để xác định tọa độ trên biển. Còn việc xác định có tàu hay ra-đa địch hoạt động trên đường vào hoặc trong khu vực bến hay không lại phải nhờ vào loại “ra-đa đặc biệt", đó là chiếc đài "xi-ông- Mao" của Trung Quốc trang bị trên tàu.

    Nhờ chiếc đài đó mà có rất nhiều cách báo tin cho tàu cập bến. Có thể là một bài hát đã qui ước từ trước báo tin cho anh em tình hình bến yên hoặc bến "động". Cũng có khi là một bản nhạc. Cả việc trên đường hành trình mở sóng radio bắt sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để nghe dự báo thời tiết cũng giúp anh em xác định được tàu địch. Nếu như hôm đó trời yên biển lặng, không có chớp mà nghe thấy tiếng "xoẹt!" mạnh chứng tỏ có ra đa địch đang hoạt động gần. Nếu nghe 2 tiếng "xoẹt xoẹt!" liên tục có thể có nhiều tàu địch hoặc trạm ra đa đang theo dõi tàu ta, tới nước đó chỉ có mà vòng ra khơi xa, chờ thời cơ khác. Nếu không nghe thấy tiếng "xoẹt", thuyền trưởng lệnh khẩn trương cho tàu vào bến.

    Nhờ có chiếc ra đi ô đặc biệt đó mà hàng trăm chuyến tàu chi viện miền Nam đã vào bến an toàn, góp phần làm nên đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển.
  9. sanleo

    sanleo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/04/2010
    Bài viết:
    67
    Đã được thích:
    0
    Bãi cạn đó có thể là Bãi Sơn Dương (Antelope Reef) không các bác? Khu vực HS mà do hải quân Sài Gòn giữ thì có chỗ này tương đối là "đẹp" để bị mắc cạn và thoát ra http://wikimapia.org/#lat=16.4571588&lon=111.5950012&z=13&l=0&m=b
  10. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Chuyến đi trinh sát mở đường thắng lợi

    Khi tuyến đường đặc biệt hình thành trên biển Đông, công tác vận chuyển, chi viện cho chiến trường trong giai đoạn 1962-1965 diễn ra khá tấp nập.

    Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, thời kỳ này, trên tuyến đường bộ, Đoàn 559 đã đưa được vũ khí, người chi viện cho Khu 5, nhưng chiến trường Nam Bộ còn bỏ ngỏ, chờ con đường biển.

    Nhận rõ trách nhiệm của mình, Đoàn 759 vừa ổn định tổ chức, vừa chuẩn bị cho những chuyến đi sắp tới. Tháng 2-1962, đồng chí Đoàn Hồng Phước và đồng chí Bông Văn Dĩa vào Quảng Bình kiểm tra và sửa chữa chiếc tàu của tỉnh Bạc Liêu rồi trở về Hà Nội báo cáo với Đoàn. Sau khi xin ý kiến Quân ủy Trung ương, Đoàn 759 quyết định để tàu "Bạc Liêu" đi chuyến trinh sát. Chuyến đi mở đường gồm 6 người do đồng chí Bông Văn Dĩa phụ trách, kiêm Bí thư chi bộ; Hai Tranh là Phó Bí thư chi bộ; Ngô Văn Tân (Năm Kỹ), Tư Phước, Sáu Dũng, Bảy Cửa.

    [​IMG]
    Tàu Không số trên biển Đông

    Đầu tháng 4-1962, Trung tướng Trần Văn Trà, người hoạt động ở Nam Bộ, biết nhiều bến bãi các địa phương cùng Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh-Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương đến gặp, trực tiếp giao nhiệm vụ cho đội thuyền. Nhiệm vụ của đội khi trở vào Nam Bộ là báo cáo với khu ủy chủ trương của TƯ về việc đưa vũ khí vào Nam Bộ. Muốn vậy, cần có các bến bãi để nhận hàng. Việc tổ chức xây dựng bến bãi theo 3 phương án:

    1. Lấy các đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Nam Du; Hòn Ông, Hòn Bà (2 đảo ở phía Tây Nam) làm căn cứ lâu dài để xây dựng các hầm cất giấu hàng. Chuẩn bị các đội tàu thuyền để chuyển tiếp, chở hàng vào đất liền.

    2.Lấy khu vực Hòn Chuối và cửa sông Bãi Hấp để làm chỗ sang hàng hoặc thả hàng xuống biển. Bí mật giả làm người dân đánh cá vớt hàng đưa vào bờ.

    3. Lấy các cửa sông khu vực Cà Mau làm nơi chuyển hàng vào. (Đây là phương án dự phòng cho 2 phương án trên).

    Đồng chí Bông Văn Dĩa phải học thuộc lòng chỉ thị, nhiệm vụ, mật danh liên lạc của chuyến đi.

    Mọi giấy tờ hợp pháp như giấy thông hành, căn cước, giấy làm ăn của ghe thuyền cùng lương thực, thực phẩm, dầu mỡ được Đoàn 759, Ban Thống nhất Trung ương và Tổng cục Hậu cần lo chu đáo, đầy đủ.

    Ngày 5-4-1962, Đoàn 759 đưa anh em vào Quảng Bình. Sau khi kiểm tra một lần nữa công tác chuẩn bị, đêm 10-4-1962, chiếc tàu rời cửa Nhật Lệ đi về hướng Nam. Bốn ngày sau, theo tính toán thì tàu đến vùng biển Nha Trang, cách bờ 150 hải lý.

    8 giờ sáng hôm đó, hai tàu Mỹ từ Philippin chạy về, gặp tàu "Bạc Liêu" , chúng cho tàu chạy vòng quanh, quần đảo tới tận 14 giờ. Nhờ bình tĩnh xử lý trong vai các dân chài ra khơi đánh cá bị gió đẩy xa bờ nên bọn Mỹ không nghi ngờ.Tuy vậy, để đối phó, anh em trên tàu đã phải thủ tiêu hết hải đồ, la bàn nên từ đó, họ cứ nhằm hướng Nam đi theo kinh nghiệm. 7 giờ sáng hôm sau (15-4), anh em "bắt" được Cù Lao Bảy xã (Cù Lao Thu) nên xác định hướng đi bằng mắt tương đối chính xác. Ngày 18-4, tàu về tới cửa Bồ Đề (thuộc Tân An, Ngọc Hiển, Cà Mau). Tàu vào cửa Rạch Ráng, đến 10 giờ đêm thì cập vào Vàm Lũng. Chuyến đi trinh sát đã thành công.

    Nhận được tin tàu "Bạc Liêu" trở về, Khu ủy đón, nghe anh em báo cáo tình hình và chỉ thị của Trung ương về việc mở bến tiếp nhận hàng hóa bằng đường biển. Đồng chí Bông Văn Dĩa đi ra các đảo nắm tình hình theo ý kiến chỉ đạo của Trung ương, xác định phương án và trở ra báo cáo Trung ương.

    Ngày 26-7-1962, tàu trở ra với 3 thuyền viên cũ và 3 thuyền viên mới. Ngày 1-8-1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết mở đường vận tải chiến lược trên biển. Bắt đầu từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển để làm nên con đường huyền thoại trên biển đông với những kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Chia sẻ trang này