1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những con tàu huyền thọai trên biển Đông

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi vaputin, 12/01/2011.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vaputin

    vaputin Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    27/09/2008
    Bài viết:
    5.351
    Đã được thích:
    133
    TÀU KHÔNG SỐ: CÁI NHÌN TỪ HAI PHÍA

    Cuộc chiến đấu giữa tàu không số và USS Endurance (MSO-435)

    [​IMG]
  2. vaputin

    vaputin Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    27/09/2008
    Bài viết:
    5.351
    Đã được thích:
    133
    Đi tìm con tàu bị địch bắt

    Kỳ 1: Cuộc rượt đuổi ở cửa sông Sa Kỳ

    QĐND - Thứ Tư, 28/09/2011, 16:17 (GMT+7)


    QĐND - Theo nhà sử học kinh tế Đặng Phong, trong lịch sử đoàn tàu không số huyền thoại của chúng ta, có 30 lần chạm trán địch, 11 lần phải phá hủy tàu, 93% hàng tới đích, dường như chỉ có hai lần tàu ta bị địch bắt trong tình huống không còn cách nào có thể hủy tàu. Con tàu thứ nhất bị địch bắt tại sự kiện Vũng Rô, báo chí đã nói nhiều. Còn con tàu thứ hai, tàu 198 bị địch bắt ở bến Ba Làng An (Quảng Ngãi) năm 1967, diễn biến như thế nào thì đến nay vẫn ẩn chứa nhiều bí mật. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã lần theo hồ sơ con tàu bị địch bắt và khám phá nhiều bí ẩn thú vị...

    Tìm thấy hồ sơ con tàu bị địch bắt
    Duyên cớ để chúng tôi có dịp tiếp cận hồ sơ về con tàu 198 thật tình cờ. Giữa tháng 9-2011, chúng tôi tìm đến Nhà máy đóng tàu Tam Bạc (Hải Phòng), tiền thân là Xưởng Đóng tàu 3, nơi đóng những con tàu sắt không số đầu tiên năm xưa. Chị Nguyễn Mai Hương, cán bộ văn phòng nhà máy, con gái nguyên Giám đốc nhà máy Nguyễn Cao Bút (ông Bút là một trong những người tham gia thiết kế tàu không số) cho biết một thông tin lạ: Cách đây hai năm, ông Đỗ Thái Bình, một kỹ sư tàu biển kỳ cựu, người từng công tác ở Bộ Giao thông vận tải những năm chống Mỹ và khá am hiểu tàu không số, đã tình cờ tìm được hồ sơ về cuộc săn đuổi con tàu không số vào tháng 7-1967, được đăng trên một tạp chí quân sự của Mỹ. Con tàu này, theo kiểm chứng của ông Đỗ Thái Bình, chính là tàu không số thứ 4 do Xưởng đóng tàu 3 sản xuất. Chị Hương còn đưa ra thêm một thông tin “gây sốc” hơn: Con tàu này hiện vẫn đang hoạt động trong vai trò một tàu vận tải, ở một đơn vị nào đó thuộc Quân chủng Hải quân.
    [​IMG]
    Hải quân Sài Gòn thu gom, triển lãm số lượng vũ khí lớn được cho là lấy từ tàu “Chồn Alpha”.

    Nếu việc này có thực thì đây quả là câu chuyện kỳ lạ, nói lên sức sống mãnh liệt của tàu không số. Tuy nhiên, tiếc rằng, ông Đỗ Thái Bình hiện ở nước ngoài, không thể liên hệ để hiểu cặn kẽ. May mắn còn lại, chúng tôi được nguyên bản tiếng Anh bài báo phía Mỹ viết với tiêu đề: “Chiến thắng trên sông Sa Kỳ”. Từ một nguồn khác, chúng tôi còn có trong tay tài liệu của phía hải quân Hoa Kỳ cũng về cuộc săn đuổi trên.

    Người Mỹ kể lại cuộc săn đuổi
    Từ hai tài liệu, có thể khái lược nội dung cuộc săn đuổi như sau:
    Ngày 11-7-1967, trong khi bay tuần tra dọc biển Quảng Ngãi, máy bay tuần tra trong lực lượng tham gia Market Time (một trong những chiến dịch của Mỹ để ngăn chặn hoạt động của đoàn tàu không số - PV) phát hiện một tàu cá vỏ sắt đang chạy dọc theo bờ biển mà không có cảng nào ở gần đó. Chỉ huy chiến dịch Market Time, Charles Stephan ngay lập tức hạ lệnh cho tàu USS Wilhoite theo sát mục tiêu. Lúc này tàu cá nhanh chóng chuyển sang hướng Nam – Đông Nam. Tàu cá được phía Mỹ tạm đặt tên là “Skunk Alpha” (Chồn Alpha).

    [​IMG]
    “Chồn Alpha” khi bị máy bay Mỹ phát hiện, chụp hình ngoài khơi (ảnh tư liệu của Hải quân Mỹ).


    Đeo bám tiếp diễn, tới sáng tàu Wihoite đi quanh tàu cá, chụp ảnh rồi quay về phía bờ biển nhưng vẫn đặt ra-đa theo dõi sát sao tàu cá. Con tàu tiếp tục đi theo một hành trình khá “loằng ngoằng”, phức tạp.

    Tới ngày 13-7-1967, vào khoảng 13 giờ chiều, “chồn Alpha” thả neo cách phía đông quần đảo Hoàng Sa 50 hải lý và cách Chu Lai khoảng 200 hải lý về phía Đông Đông Bắc. 16 giờ chiều hôm ấy, Chồn Alpha tiếp tục di chuyển và tới 23 giờ, nó đột ngột chuyển sang hướng Tây Nam. Khi cách mũi Sa Kỳ 225 hải lý, tàu cá đột ngột chuyển hướng chạy thẳng về phía bờ biển.

    Ngay lập tức, một kế hoạch chặn bắt đã được Mỹ lập ra ở sở chỉ huy tại Đà Nẵng. Phía Mỹ cho rằng, tàu cá sẽ đổ bộ vào đất liền ở khu vực Sa Kỳ, phía Nam Chu Lai.

    Tới hồi 13 giờ 9 phút ngày 14-7, chỉ huy chiến dịch Market Time của Mỹ quyết định cử 5 tàu gồm USS Wilhoite, USS Gallup PG 85, USS Walker DD 517, PCF-79 và USCGC Point Orient tham gia cuộc rượt đuổi và vây bắt tàu cá. Trong đó, chỉ huy tàu Wilhoite, Charles Stephen, chỉ huy trực tiếp tại hiện trường.

    Càng tới gần bờ, các tàu lớn của Mỹ mất dần tín hiện ra-đa từ tàu cá. Tuy nhiên, tàu PCF-79 (tàu nhỏ) vẫn có tín hiệu và xin phép tấn công.

    Tới một giờ sáng ngày 15-7, tàu cá rơi vào điểm phục kích cách bờ 5 hải lý. Ngay lập tức, tàu Point Orient bắn pháo sáng rực cả một vùng biển và một lính hải quân Sài Gòn nói oang oang qua loa kêu gọi những người trên tàu cá đầu hàng nhưng tàu cá phớt lờ cảnh báo. Tàu PCF-79 và Point Orient buộc phải bắn cảnh cáo sát mạn tàu cá. Tuy nhiên, tàu cá vẫn tiếp tục tiến thẳng về phía bờ và thỉnh thoảng bắn về sau bằng súng ở phía đuôi tàu.

    Tới 1 giờ 20 phút, khi tàu cá còn cách bờ 3 hải lý và các đơn vị của Mỹ bắt đầu bắn về phía tàu cá. Khoảng năm phút sau đó, tàu cá bắn trả về phía tàu PCF 79 bằng súng máy, sau này xác định là súng 12,7mm.

    Cuộc rượt đuổi tiếp tục và đột ngột, PCF-79 phát hiện rõ vị trí của tàu cá và bắn súng cối 81 về phía tàu nhưng bị trượt mục tiêu. Sau đó, vì quá sát mục tiêu, PCF-79 bắn đạn phốt-pho trắng về phía tàu cá và trúng luôn vị trí cạnh khoang điều hành. Chồn Alpha bốc cháy trong màu trắng với các đốm lửa bốc lên tung tóe. Chỉ vài phút sau đó, nó bị mắc cạn ở cửa Sa Kỳ.

    Tới thời điểm này, các đơn vị pháo của Hàn Quốc đóng gần đó đã tiếp cận khu vực. Cùng với đó, tàu chiến và máy bay phản lực Mỹ bắn phá để bảo đảm an toàn cho khu vực, giúp lính thủy đánh bộ Hàn Quốc đổ bộ bằng trực thăng an toàn.

    Lính thủy quân lục chiến Hàn Quốc đến hiện trường lúc 7 giờ 15 ngày 15-7 và thiết lập vành đai. Các đơn vị hải quân Sài Gòn cũng cử một số tàu đến hiện trường.

    [​IMG]
    Hành trình rất “loằng ngoằng” của Chồn Alpha được Hải quân Mỹ vẽ lại.


    Tới trưa, Mỹ cử chuyên gia thuốc nổ Eddie Knaup lên tàu cá để vô hiệu hóa hệ thống thuốc nổ trên tàu. 4 giờ 10 phút chiều, tàu cá được kéo về Chu Lai và tới nơi lúc 8 giờ tối. Trên đường kéo về Chu Lai, gió biển khiến khoang dưới tàu bén lửa bốc cháy và Mỹ phải cử người dập lửa.


    Một thủy thủ đoàn của tàu cá bị chết ngay trong khoang điều hành. Số phận của những người còn lại không được xác định.

    Với kết quả này, ngay chiều hôm đó, Phó đô đốc Kenneth Veth, chỉ huy Hải quân Mỹ tại Việt Nam, đã gửi điện chúc mừng tới các đơn vị tham gia cuộc vây bắt này.

    Chồn Alpha được thiết kế rất hợp với nhiệm vụ của nó. Các khoang được lót sợi thủy tinh giữa vỏ sắt và lớp bọc ngoài. Nó cũng được trang bị hệ thống bơm công suất cao và động cơ được bọc để giảm tiếng ồn. Cũng có khoảng 2000 bảng thuốc nổ TNT được đặt một cách chiến lược trên tàu để có thể tự huỷ tàu một khi không hoàn thành nhiệm vụ. Trong trận đánh Chồn Alpha, đạn cối đã tình cờ làm bung nút kích nổ nếu không, theo phía Mỹ, chắc chắn phía Mỹ sẽ thiệt hại lớn một khi Chồn Alpha phát nổ.

    ********* Nguyễn Cao Kỳ và Phó tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã trao huân chương quân công cho thủy thủ tàu PCF-79 và các thành viên khác tham gia vụ vây bắt. Một buổi lễ hoành tráng để trao huân chương cũng được tổ chức ở Đà Nẵng, ngay cạnh “Tòa nhà Voi Trắng”, tổng hành dinh của Chỉ huy hải quân.

    Tàu Chồn Alpha mang theo hơn 90 tấn vũ khí và trang bị, bao gồm: gần 400.000 viên đạn cháy 7,62mm, hơn 300.000 viên 7,62mm dạng viên, 5.753 viên 12,7mm, gần 1000 viên đạn cối 82mm; súng trường, B-40, lựu đạn sát thương, lựu đạn có sức ép mạnh, thuốc nổ C-4, thuốc nổ TNT, ngòi nổ điện, dây nổ và kíp nổ, súng phòng không 12,7mm, súng máy cỡ nòng 50, gần 1000 khẩu AK-44, hơn 150 khẩu AK-56, 25 súng B-40, 9 khẩu súng máy K-53.


    Theo phía Mỹ thừa nhận, việc bắt tàu không số trên đánh dấu lần thứ 8 kể từ tháng 2-1965 (sau sự kiện Vũng Rô - PV) khi Mỹ chạm trán tàu cá của Bắc Việt. Trong 7 lần trước, ba lần tàu bị phá hủy, một bị hư hại, một bị bắt và hai lần tàu đổi hướng trốn thoát.


    Tuy nhiên, chính trong tài liệu của phía Mỹ cho thấy, họ dường như chưa hề phát hiện được nơi khởi phát của những con tàu không số, hoàn toàn không biết rằng nó là tàu Việt Nam đóng. Tài liệu có đoạn viết: “Tàu cá vũ trang thường dài 100 feet, vỏ sắt, do Trung Quốc sản xuất. Những tàu trên không có cờ hiệu quốc gia để xác định và thường đi “ngây thơ” ngoài phía Biển Đông, chờ đêm xuống bất ngờ tăng tốc hướng về bờ biển miền Nam Việt
    Nam, nơi quân giải phóng chờ sẵn”.

    Vậy “tàu cá” Chồn Alpha trong cuộc rượt đuổi trên có đúng là tàu không số của ta không? Số phận của nó ra sao sau khi bị bắt? Chúng tôi sẽ giải mã câu chuyện thú vị này ở phần tiếp theo của bài này.

    (Còn nữa)
    Ngọc Hưng – Nguyên Minh

    http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/91/161917/print/Default.aspx
  3. vaputin

    vaputin Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    27/09/2008
    Bài viết:
    5.351
    Đã được thích:
    133
    Đi tìm con tàu bị địch bắt
    Kỳ 2: Sự thật, nỗi đau và niềm tin

    QĐND - Thứ Năm, 06/10/2011, 11:31 (GMT+7)

    QĐND - “Chồn Alpha” chính là tàu không số của ta, ký hiệu 198. Người thuyền trưởng đến nay vẫn còn sống và từng phải chịu nhiều nỗi đau day dứt khi không hoàn thành nhiệm vụ, để tàu rơi vào tay địch. Ông đã khóc khi được nghe chúng tôi đọc một đoạn trong tài liệu phía Mỹ viết, giúp sáng tỏ nhiều thông tin về cuộc truy đuổi con tàu. Cuộc tìm kiếm của phóng viên Báo Quân đội nhân dân còn sáng tỏ một sự thực khác về cái gọi là “triển lãm” tàu chiến thu được của quân đội Sài Gòn.

    “Chồn Alpha” trong sử sách
    Con tàu trong cuộc rượt đuổi là tàu không số nào? Không khó khăn lắm, chúng tôi đã tìm thấy những dòng viết về nó trong cuốn Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2005) do NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2005, có đoạn: “Trong những tháng đầu năm 1967, mặc dù đế quốc Mỹ ngăn chặn gắt gao, Đoàn 125 vẫn tiếp tục tìm mọi cách vận chuyển cho chiến trường. Năm 1967, Đoàn 125 tổ chức 5 chuyến vào Khu 5, bị địch ngăn chặn, 3 chuyến phải quay về, chỉ có 2 chuyến do tàu 43 và tàu 198 đảm nhiệm vào tới nơi an toàn...”.

    “Tàu 198 do thuyền trưởng Vũ Tấn Ích và Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch chỉ huy xuất phát ngày 6 tháng 7 năm 1967. Đêm ngày 14 tháng 7, tàu vào cách bến Ba Làng An (Quảng Ngãi) 6 hải lý thì gặp máy bay và tàu chiến địch bao vây bắn phá. Cán bộ, thủy thủ tàu 198 nổ súng đánh trả địch và cơ động vào bến Ba Làng An. Ở đây, tàu 198 vẫn bị địch tiến công. Trong trận này, chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp đã anh dũng hy sinh”.

    [​IMG] [​IMG]
    Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích - năm 1967 (ảnh do nhân vật cung cấp) Ông Vũ Tấn Ích hiện nay. Ảnh: Phan Tiến Dũng

    Như vậy, trước khi lâm nạn, tàu 198 từng thực hiện một chuyến hàng thành công. Cuốn Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân (NXB QĐND-2001) viết về sự kiện này có đoạn: “Tàu 198 đánh trả và cơ động vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi). Song do không tổ chức hủy tàu được nên bị địch lấy nguyên tàu. Anh em lên bờ, đi bộ ra miền Bắc. Trong trận này, chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp hy sinh. Đây là nỗi đau nhức nhối của Đoàn 125 trên con đường vận chuyển vũ khí vào Nam. Sau này, Đ ảng ủy đoàn và cán bộ tàu 198 đã kiểm điểm sâu sắc sự việc này”.

    Nỗi đau 45 năm
    Như vậy, câu chuyện diễn biến cuộc rượt đuổi, bắt sống “Chồn Alpha” trùng khớp với diễn biến về tàu 198 đã được ghi trong sử sách. Việc tàu 198 bị bắt đã trở thành nỗi ám ảnh trong lòng những người lính Lữ đoàn 125, cho dù hơn 40 năm đã trôi qua. Trên internet hiện có hẳn một diễn đàn mang tên “Đường HCM trên biển”, tập hợp nhiều cựu chiến binh tàu không số và con cháu họ cũng như những người quan tâm, bàn luận sôi nổi suốt nhiều năm qua. Mới đây, khi truy cập vào diễn đàn, chúng tôi đã ghi lại được khá nhiều ý kiến về việc này. Ông Trần Hậu Vệ, một cựu chiến binh tàu không số viết: “Sau chuyến tàu đó như tôi biết, đồng chí Ích bị kỷ luật khiển trách nội bộ bởi lúc đó có thể nói là rất hiếm cán bộ thuyền được chọn lựa về đoàn tàu không số. Lỗi lầm hết sức lớn bởi từ vụ của đồng chí Ích trở đi, đoàn tàu không số phải chịu nhiều tổn thất, mất mát lớn, mà tiêu biểu là những chuyến đi của các tàu trong Tết Mậu Thân 1968. Ba con tàu ra đi trong dịp đó, chỉ có tàu 56 của chúng tôi thoát hiểm được”.

    “Thật lòng, không sợ mất lòng mà nói thì bác Ích rất có công, nhưng cũng có “tội”. Con tàu không đánh bộc phá dứt điểm ở bến Ba Làng nên địch đã lấy toàn bộ vũ khí tàu 198 về Sài Gòn khoe mẽ với dân chúng... Nhưng cái gì đã qua thì nó đã xa, nhắc lại chỉ thêm đau lòng đồng đội" -Trần Hậu Vệ.

    Theo thông tin từ phía quân đội Sài Gòn khi đó, sau “chiến thắng trên sông Sa Kỳ”, “Chồn Alpha” – tức tàu không số 198 đã bị họ kéo về Sài Gòn triển lãm, trưng bày toàn bộ số vũ khí thu được để khuếch trương thành công của chiến dịch Market Time. Gần đây, ông Đỗ Thái Bình, một cựu kỹ sư tàu biển đang sống ở nước ngoài đã thu thập được nhiều hình ảnh về cuộc trưng bày và đưa lên blog cá nhân. Theo đó, cuộc “triển lãm” đã diễn ra rất “hoành tráng”. Con tàu được kéo về Sài Gòn, trưng bày tại bến Bạch Đằng cận kề một cầu cảng với tấp nập người đến xem. Nhìn nó có vẻ thật nhỏ bé và “tội nghiệp” với dáng vẻ cũ kỹ, han gỉ, mốc thếch bên cạnh một dàn chiến hạm đồ sộ mà đối phương cố tình cho đỗ ngay phía trước như để tạo ra một sự tương phản, gây cảm xúc mạnh mẽ cho người xem triển lãm. Cùng với đó là hình ảnh hàng nghìn khẩu súng được thu lượm, xếp hàng dài đặt trên bờ.

    Tình dân, tình đồng đội
    Sự thật có đúng như vậy không?
    Ông Lương Hữu Lâm, Ban Liên lạc Cựu chiến binh đoàn tàu không số toàn quốc, sau khi nghiên cứu đã khẳng định với chúng tôi: Hoàn toàn không có chuyện tàu 198 – "Chồn Alpha" được kéo về Sài Gòn triển lãm. Đó chỉ là trò lừa bịp của quân đội Sài Gòn trước dân chúng và binh lính. Trên thực tế, sau khi địch lấy vũ khí mang đi, con tàu neo ở Đà Nẵng bị bỏ chỏng chơ, đã nhanh chóng bị đặc công ta tiếp cận, dùng thuốc nổ hủy bỏ, phi tang. Con tàu mà địch triển lãm ở bến Bạch Đằng, có thể chỉ là một con tàu “ma” giả mạo.
    [​IMG]
    Cuộc triển lãm với tàu 198 bị cho là giả mạo được thực hiện ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn tháng 9-1967. Ảnh tư liệu

    Còn thuyền trưởng Vũ Tấn Ích cùng những người thoát hiểm sau khi con tàu bị địch bắt, gần 45 năm đã trôi qua, nay họ ở đâu?
    Sau khi tìm hiểu thông tin tại Lữ đoàn 125, chúng tôi đã liên lạc được với ông Vũ Tấn Ích. Người thuyền trưởng của “Chồn Alpha” năm nào, nay đã bước sang tuổi 81 nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Hiện ông đang sống trong một ngôi nhà nhỏ tại phố Nguyễn Tri Phương, thành phố Đà Nẵng. Khi tôi đặt vấn đề hỏi về tàu 198, có lẽ đã chạm đến một nỗi đau lặn sâu trong vùng ký ức, ông lặng đi hồi lâu rồi cất tiếng:
    - Chuyện xảy ra lâu lắm rồi! Nhắc lại làm gì?
    Sau hồi lâu tâm tình, khơi gợi và kể lại những gì chúng tôi mới dịch được từ bài viết về “Chồn Alpha” của Mỹ, ông mới mở lòng, trò chuyện cùng tôi. 45 năm trôi qua rồi, đây là lần đầu tiên ông được nghe tường thuật chi tiết về trận rượt đuổi con tàu do mình làm thuyền trưởng từ phía đối phương. Ông cũng ngạc nhiên vô cùng khi đối phương đặt tên cho con tàu thật ngộ nghĩnh “Chồn Alpha”. Nghe tôi thuật lại, ông thừa nhận những gì đối phương miêu tả tương đối chân thực và sát với diễn biến của cuộc rượt đuổi. Ông nói:
    - Đó là một chuyến đi đầy cam go, khi biết địch vây ép, tôi bình tĩnh yêu cầu anh em không manh động. Vào tới gần Lý Sơn, thấy ánh đèn tàu, tôi quyết định cho bật đèn hành trình để đi, đồng thời ngầm báo với địch: mình là tàu cá, làm ăn “chân phương”. Đến khi chúng không ép nữa, bỏ đi rồi chúng tôi mới táo bạo lao vào bờ thì... Chi tiết họ viết rằng tìm thấy một xác thủy thủ trên tàu là đúng. Đó là thi thể anh Trạch, chính trị viên. Khi tàu đã mắc cạn và chiến đấu với địch hàng giờ, bị địch bao vây, chúng tôi đã quyết định rút khỏi tàu và cử Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp ở lại hủy tàu. Tuy nhiên, không hiểu sao hai anh đã không thể kích nổ được bộc phá theo kế hoạch. Anh Nghiệp sau khi rời tàu, bơi được vào bờ nhưng bị thương nặng đến hôm sau thì hy sinh. Còn anh Trạch, có lẽ đã hy sinh vì trúng đạn khi còn ở ngay trên tàu.
    - Nghe nói sau vụ bị đối phương thu tàu ấy, bác và toàn bộ thành viên tàu 198 đã phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc? – Tôi hỏi.
    - Lúc đó chi bộ họp kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thất bại cay đắng. Chúng tôi đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Riêng tôi là thuyền trưởng, nói gì thì nói, nguyên nhân gì thì nguyên nhân nhưng không hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm trước hết thuộc về người chỉ huy. Tôi đã nhận trách nhiệm thuộc về mình. Cấp trên chỉ đạo phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, tuy nhiên cũng không thi hành hình thức kỷ luật gì cụ thể. Không có hình thức kỷ luật nào, nhưng thất bại ấy luôn là nỗi đau đè nặng suốt cuộc đời tôi như một ám ảnh. Đau vì thất bại, mất tàu là một chuyện, nỗi đau lớn hơn chính là sự hy sinh của đồng đội, mình trở về, còn anh em mãi mãi nằm lại” – ông tâm sự.

    Dù là một con cá kình trong đội tàu không số, từng thực hiện 9 chuyến đi biển, trong đó có 6 chuyến thành công nhưng cuộc đời binh nghiệp của ông đúng là “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, đến lần thứ chín thì xảy ra sự cố với tàu 198. Không bị kỷ luật nhưng ở một khía cạnh nào đó, ông Ích đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Ông không được làm thuyền trưởng, không được đi biển nữa mà được điều về bộ phận tác chiến của Lữ đoàn. Năm 1970, ông được điều chuyển về đơn vị đặc công nước rồi lại về làm Tiểu đoàn trưởng đơn vị tàu rà phá ngư lôi. Năm 1975, ông vào chiến trường Liên khu 5, tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng và công tác tại Quân khu 5, tới năm 1982 thì nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Tuổi xế chiều, người vợ lại ra đi quá sớm, ông phải vật lộn với cuộc sống, lo cho con, cho cháu.

    Chiến tranh thật khắc nghiệt, để lại bao thân phận đắng cay. Nhưng điều còn mãi là tình người. Cách đây hai năm, chị Loan, vợ anh Nghiệp ở Tứ Kỳ, Hải Dương – người vẫn ở vậy thờ chồng mấy chục năm qua cùng em trai anh đã tìm gặp ông rồi cùng ông trở lại Quảng Ngãi tìm hài cốt anh Nghiệp. Thật cảm động, bác Nguyễn Tương, nguyên Chủ tịch xã từ năm 1967 đã mang thi hài anh về chôn trên rẫy cạnh nhà mình. Lúc chiến tranh vội vàng, gấp gáp, bác cũng không kịp hỏi tên, chỉ biết người lính hy sinh là thuyền phó nên nhà bác có tám anh em, bác gọi anh Nghiệp là... “chú Chín”, thờ phụng, cúng giỗ như ruột rà. Rồi bác cùng anh em lại lo đưa anh về nghĩa trang liệt sĩ xã, đề mộ vô danh...

    Trước cuộc gặp gỡ ấy, bác Tương bất ngờ nằm mơ thấy anh Nghiệp về, đòi bác làm cơm để chia tay. Lúc đưa chị Loan ra nghĩa trang, dù không nói trước anh nằm mộ nào, tự dưng chị đi thẳng tới ngôi mộ vô danh số sáu, đúng mộ anh nằm, ôm lấy mộ kêu tên anh, khóc thảm thiết.. .Có lẽ, đạn bom, thời gian, nỗi đau cách trở dường như không ngăn được sợi dây tình cảm thiêng liêng, kỳ diệu...
    Nguyên Minh
  4. vaputin

    vaputin Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    27/09/2008
    Bài viết:
    5.351
    Đã được thích:
    133
    TÀU KHÔNG SỐ: CÁI NHÌN TỪ HAI PHÍA

    Bài báo trên tác giả vì không ngâm cứu kỹ nên đưa ra những kết luận không chính xác

    [​IMG]

    Triển lãm này là có thật và chiếc tàu trong ảnh là tàu không số thật 100%. Có điều nó không phải là chiếc tàu bị bắt ở Sa kỳ mà là chiếc tàu bị bắt ở vàm Ba Động ngày 20 tháng 6 năm 1966, chiếc tàu có bí số 187


    Con tàu 198 sau khi bị bắt được đưa về cầu tàu căn cứ Chu Lai. Vừa về đến đây thì tàu 198 bị phá nước từ các vết thương nặng nề nên chìm ngay cầu cảng. Hôm sau chiếc này được trục vớt h ết hàng xong được sửa chữa và neo đậu tại đó. Không biết đặc công có vào phá được tàu hay không. Nếu không thì năm 1975 cả hai tàu được chiếm lại và lại hoạt động với một phiên hiệu mới.

    Có một điều lạ nữa là tác giả khẳng định đến ngày nay tàu 198 vẫn còn hoạt động? Theo Va mỗ được biết trong số các tàu không số Việt Nam đóng năm xưa chỉ còn lại chiếc HQ-671 hai lần anh hùng. Chiếc 198 có thể nào là chiếc HQ-671 ngày nay?
  5. vaputin

    vaputin Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    27/09/2008
    Bài viết:
    5.351
    Đã được thích:
    133
    TÀU KHÔNG SỐ: CÁI NHÌN TỪ HAI PHÍA
    TRƯỜNG HỢP TÀU 198

    [​IMG]
    CBCS tàu HQ-671 tình nguyện cứu hộ đồng đội trong trận 14/3/1988


    "Ông cũng ngạc nhiên vô cùng khi đối phương đặt tên cho con tàu thật ngộ ng?hĩnh “Chồn Alpha”."
    Hì, phóng viên lại tỏ ra non nớt. "chồn alpha" mà phóng viên dịch từ "skunk alpha" là đúng nghĩa nhưng không có gì "ngộ nghĩnh" ở đây.
    "skunk" là từ lóng quy định của hải quân Mỹ chỉ "một vật thể có thể là tàu, thuyền hay máy bay cần phải theo dõi hiển thị đầu tiên trong ngày trên màn hình ra đa của tàu chiến. "Skunk Alpha" là vật thể A hay đối tượng A hay là "tàu A". Không có nghĩa là chồn cáo gì cả.
    Không nhẽ đang theo dõi tàu VC qua màn hình ra đa lại oang oang trên làn sóng điện đàm "Vi xi ship", thì còn gì là bí mật.
    Những trao đổi trên làn sóng điện của các tàu Mỹ trong những giây phút cuối cùng của cuộc vây bắt tàu 198
    http://pcf45.com/trawler/skunkalpha/skunkalpha.html
    Trong đó
    USS Wilhoite (DER-397) được gọi với bí danh "Impair
    [​IMG]

    USS Gallup (PG-85) được gọi là"Same Drink Xray"

    [​IMG]

    USCGC Point Orient được gọi là"Same Drink Sierra"


    [​IMG]


    PCF-79 được gọi là "Same Drink Delta November"

    [​IMG]




  6. sanleo

    sanleo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/04/2010
    Bài viết:
    67
    Đã được thích:
    0
    Bác mò được nhiều hàng độc nhở
  7. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Tàu không số trên bến Vũng Rô (Kỳ 4)

    Phải tranh thủ ăn uống chút gì để lấy sức đêm nay vào bến! - Đồng chí Lộc, thuyền phó phụ trách công tác hậu cần của tàu - người thường được anh em gọi là "Thần giữ của", lúc này cũng xuôi lòng bởi những lời tán tụng của anh em.

    Có một điều thú vị phải qua nhiều lần khảo nghiệm mới nhận biết được: Đó là khi đang say sóng mà gặp tình hình căng thẳng như gặp địch, tàu gặp tai nạn hoặc tàu đi lâu ngày nhìn thấy đất liền... thì cơn say sóng biến đâu mất, nhường lại cho sự tỉnh táo bình thường. Các đồng chí say sóng nhất giờ đây cũng ăn được chút ít.

    Tàu tiếp tục hành trình. Đúng 12 giờ ngày 28-11-1964, tàu chuyển hướng vào bến. Không khí chuẩn bị trên tàu rất khẩn trương và bận rộn.

    Đúng 14 giờ thì phát hiện lờ mờ rặng núi phía đất liền. Tình hình vẫn yên tĩnh. Thỉnh thoảng có một hai lần chiếc máy bay bay qua hướng đi của tàu. Trời đã tối dần. Lúc này tàu ta đã nằm trong bán kính chiếu sáng của đèn Mũi Nậy rồi mà vẫn chưa nhìn thấy ánh chớp. Bao nhiêu giả thuyết được đặt ra: "Có thể vị trí tàu ta sai lệch! Có thể đèn Mũi Nậy không có hoặc bị hỏng máy phát điện...".

    Tàu ta vẫn tiếp tục đi theo hướng đã định. Đúng 22 giờ, tàu cách bờ núi 1 hải lý. Chúng tôi dùng đèn pin phát tín hiệu nhận nhau, 5 phút rồi 10 phút trôi qua vẫn không thấy tín hiệu trả lời.

    [​IMG]
    Các chiến sĩ tàu không số vận chuyển, sắp xếp hàng hóa chuẩn bị chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu.

    Bình tĩnh, cảnh giác và thận trọng. Tôi cho tàu giảm tốc độ và tránh xa các mõm núi đá. Lưới ngụy trang trên các ụ súng máy được tháo gỡ ra để sẵn sàng chiến đấu. Phía mạn trái tàu một hòn đảo hiện ra rõ dần. Hòn Nưa! Đúng là Hòn Nưa rồi! Cửa bến Vũng Rô đã ở trước mặt. Tôi cho tàu chạy từ từ vào giữa Vịnh và thả trôi. Bốn bề yên tĩnh. Phía Đèo Cả thỉnh thoảng có một vài ánh đèn le lói rồi vụt tắt. Chiếc xuồng ba lá được thả xuống, đồng chí thuyền phó cùng hai chiến sĩ mang theo vũ khí chèo vào phía bờ tìm bắt liên lạc với bến. Tàu thả trôi chờ đợi. Thời gian nhích dần chậm chạp.

    Mười phút, hai mươi phút rồi ba mươi phút trôi qua. Bỗng từ trong bờ có ánh đèn pin chớp lên rồi vụt tắt. Anh Quang dùng đèn pin phát tín hiệu nhận nhau và được phía trong bờ đáp lại đúng như quy định. Toàn tàu thật sự yên lòng mình đã vào đúng bến Vũng Rô.

    Một chiếc ghe máy kéo theo xuồng ba lá cặp mạn. Các anh lên tàu. Phút gặp gỡ đầu tiên vô cùng vui mừng, xúc động. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, nghẹn ngào không nói nên lời.

    Đồng chí Chính trị viên Chiếu ngẫu hứng đọc mấy câu thơ:

    ... Ôi rất gần mà bấy lâu xa cách

    Chỉ mấy ngày đường - vạch giới tuyến chia đôi

    Mà hôm nay tôi đã đến đây rồi

    Bằng con đường Hồ Chí Minh trên biển...

    Anh Sáu Suyền và các anh ở bến Vũng Rô xúc động bắt tay tất cả anh em trên tàu. Không ngờ anh Sáu (ngoài kia tôi được chỉ thị vào gặp anh Sáu Râu) Bí thư Tỉnh ủy lại chính là anh Trần Suyền - ông Tú đầu tiên và duy nhất ở quê tôi lúc tôi còn nhỏ và cách nhà tôi không quá 30 phút đi bằng xe đạp.

    Sau những phút vui mừng, bồi hồi xúc động, tôi trình bày với các anh ở bến: "Theo lệnh cấp trên, tàu tôi chỉ được ở lại đến 3 giờ sáng là phải rời khỏi bến". Tàu chở 80 tấn vũ khí và một số trang bị khác, làm sao huy động người đến bốc dỡ để tàu ra. Cầm chặt tay tôi, anh Sáu nghẹn ngào nói: "Chúng tôi tổ chức đón tàu các đồng chí từ mấy đêm nay, đêm nào cũng mong được gặp, đêm nay gặp rồi sao cứ bàng hoàng, xúc động, vừa mừng vừa lo, mừng vì ước mong đã trở thành sự thật, còn lo vì con tàu lớn quá, khối lượng hàng lại nhiều làm sao bốc dỡ trong mấy tiếng đồng hồ cho xong!".

    Thấu hiểu nỗi bâng khuâng, suy nghĩ của các anh ở bến, tình cảm quê hương trong lòng chúng tôi thôi thúc phải tìm mọi cách để giải quyết. Chi ủy họp cùng cán bộ thuyền, có đồng chí Quang tham dự. Vấn đề đặt ra là: "Nếu cho tàu ra khỏi lãnh hải chờ tối mai vào hoặc ở lại bến, ngụy trang thật kín, tối mai bốc hết hàng rồi tàu ra!". Ý kiến trao đổi khá sôi nổi. Ý kiến của tôi là ta cho tàu ở lại bến. Điều quan trọng là làm sao ngụy trang thật tốt để che mắt được kẻ địch. Chi ủy viên, máy trưởng nói: "Như vậy có trái lệnh của cấp trên là tàu phải rời khỏi bến trước 3 giờ sáng không?". Bây giờ chỉ có một điều duy nhất làm cơ sở cho việc quyết định cho tàu ở lại hay ra là căn cứ chỉ lệnh giao nhiệm vụ cuối cùng của cấp trên: "Cho phép chi ủy-chi bộ và cán bộ tàu tùy tình hình cụ thể mà quyết định và chịu trách nhiệm trước cấp trên".

    Cuộc họp kết thúc. Tôi gặp anh Sáu báo cáo là tàu sẽ ở lại bến để tối mai bốc hết hàng rồi ra và đề nghị các anh tìm chỗ giấu và ngụy trang tàu. Tôi cho chuyển ngay bức điện cuối cùng: "Tàu ở lại bến bốc hàng xong, tối mai ra!". Kết thúc liên lạc với Sở chỉ huy.

    Đúng 4 giờ sáng hoàn thành xong việc cất giấu và ngụy trang tàu kín đáo. Cùng với bến, chúng tôi cho lực lượng chốt chặn các vị trí cần thiết. Lệnh chiến đấu được ban hành phong tỏa chặt các hướng ra vào Vũng Rô và nghiêm cấm việc đốt lửa nấu ăn trong khu vực tàu đậu. Tất cả đều ăn lương khô và uống nước suối. Việc khó khăn nhất là làm sao giải thích để ghe của ngư dân không vào suối lấy nước, rất dễ bị lộ. Anh Sáu bảo tôi yên tâm, việc đó đã giao cho bảo vệ bến và xã đội trưởng xã Hòa Hiệp rồi.

    Mặt trời đi qua chậm chạp trên đỉnh đầu. Không gian yên tĩnh. Thỉnh thoảng có một vài chiếc máy bay bay qua vùng trời Vũng Rô theo hướng Nam-Bắc; tiếng xình xịch của đoàn tàu hỏa; tiếng rú ga, sang số của những đoàn xe quân sự nặng nề leo dốc Đèo Cả nghe chói tai. Trên tàu lúc này còn lại tôi, thuyền phó và máy trưởng-tổ rời tàu cuối cùng nếu phải chiến đấu, điểm hỏa phá hủy tàu.

    Khoảng 14 giờ, anh Sáu và đồng chí cần vụ xuống tàu. Anh cho biết tình hình vẫn êm, mọi công tác chuẩn bị cho đêm nay bốc dỡ hàng đã tạm ổn. Lực lượng dân quân du kích và nhân dân các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân đã được huy động, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Chúng tôi uống nước và nói chuyện thân mật. Qua anh, tôi biết được tình hình tỉnh nhà sau bao năm xa cách. Tôi rất mừng trước khí thế cách mạng hừng hực của quê hương Phú Yên.

    Tia nắng cuối cùng trong ngày đã tắt, hoàng hôn trùm xuống khá nhanh, thời điểm chuyển giao quyền làm chủ bến Vũng Rô cho chúng tôi - lực lượng cách mạng đã tới. Tôi cho anh em nhanh chóng tháo dỡ mạng ngụy trang và cơ động tàu về bãi chính để bốc hàng. Trên bờ, hàng trăm dân công đã chờ sẵn. Chiếc cầu tàu làm tạm bằng cây rừng được khẩn trương lắp ghép. Anh chị em dân công phấn khởi tràn xuống tàu. Không khí lao động khẩn trương, tấp nập. Ai lên tàu cũng muốn đi xem tất cả các nơi của "tàu mình", rồi mới chịu đi làm việc. Một nhóm chị em đứng gần hầm hàng chờ đến lượt mình vác, xầm xì bàn tán: "Làm sao nẫu biết nẫu dô!". Một chị to tiếng: "Tao giả chạt mặt mày, chớ tại sao nãy giờ mày đi đâu không làm!".

    Chao ơi, mười mấy năm trời, hôm nay tôi mới được nghe lại tiếng "nẫu", "giả chạt" ở quê hương. Nó thân thương và vô cùng gần gũi, nó đã đưa tôi về với cội nguồn âm sắc quê hương, của một Phú Yên trù phú, có cánh đồng Tuy Hòa thẳng cánh cò bay, bên dòng sông Đà Rằng nước lững lờ trôi chảy.

    Trên tàu, dưới bến người chạy đi, chạy lại tấp nập, rộn ràng, khẩn trương bốc dỡ, chuyển hàng. Tôi bưng ca nước mời anh chiến sĩ đang ngồi nghỉ sau khi bốc hàng dưới hầm tàu lên, quần áo ướt đẫm mồ hôi. Anh nói: "Đã mấy ngày nay đơn vị không còn gạo, anh em phải ăn trái sung!". Tôi nói: "Quê mình mà cũng thiếu gạo à?" Anh giải thích: "Gạo thì thiếu cha gì, nhưng gạo từ các xã Hòa Tân, Hòa Xuân... chuyển về đây phải qua đường số 1A thì khó khăn lắm. Bọn lính Nam Triều Tiên nó phục kích dai dẳng hai bên Đèo Cả, khó mà đi lọt qua được!". Hớp một ngụm nước, anh nói tiếp: "Nhưng không sao, kỳ này có súng đạn của các anh đưa vô, bọn tôi sẽ mở rộng địa bàn, giành dân, mà đã có dân là có gạo!". Tôi rơm rớm nước mắt, một mối cảm thông sâu sắc dâng trào. Những con người đã mấy ngày chỉ ăn trái sung mà khi tàu đến đã lao động bốc dỡ hàng với một nhiệt tình và tốc độ chưa từng thấy. Tôi đã đưa tàu vô miền Nam nhiều bến, với lượng hàng này ở những bến ấy phải bốc dỡ đến mấy ngày. Nhưng ở đây... sức mạnh nào đã khiến cho các anh chị em lập nên chiến công kỳ diệu ấy!

    Hai giờ sáng, hàng đã bốc xong. Theo đề nghị của chúng tôi, các anh đã cho chuyển cát xuống để đằm tàu tạo nên sự ổn định khi tàu ra khơi gặp gió mùa Đông Bắc.

    Tàu chuẩn bị rời bến. Phút chia tay không ai muốn nhưng rồi cũng đến. Anh Sáu cầm tay tôi lắc lắc nói: "Chúc các anh lên đường trở về miền Bắc an toàn, hẹn ngày gặp lại!". Những vòng tay ôm choàng lấy nhau, những dòng nước mắt thấm qua vai áo. Những chiếc khăn tay giơ lên vẫy chào con tàu đang từ từ rời bến Vũng Rô. Tôi dùng tay làm loa nói vọng vào bờ: "Tàu nẫu ra rồi, tàu nẫu lại dô!".

    Con tàu từ từ rời bến Vũng Rô.
  8. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Tàu không số trên bến Vũng Rô (Kỳ 5)

    III. Chuyến hàng đặc biệt

    Câu chuyện về người chiến sĩ bảo vệ bến Vũng Rô: "Mấy hôm nay đơn vị hết gạo phải ăn trái sung" cứ day dứt trong lòng và theo tôi suốt con đường tàu trở ra miền Bắc.

    Sau mấy ngày được phép nghỉ ngơi và chuẩn bị, hôm nay chúng tôi báo cáo kết quả chuyến đi mở đường vào bến Vũng Rô của tàu 41. Thành phần tham dự cũng đông đủ như cuộc họp giao nhiệm vụ lúc ban đầu. Thay mặt cán bộ, chiến sĩ tàu 41, tôi báo cáo tình hình chuyến đi, hoạt động của địch trên từng đoạn đường, việc tổ chức đón nhận hàng tại bến Vũng Rô... Cả gian phòng im lặng khi nghe tôi báo cáo: "Các anh ở bến mấy tuần nay phải ăn trái sung làm nhiệm vụ chờ đón tàu ta vào!".

    Sau khi đánh giá kết quả chuyến đi, đồng chí Tư lệnh Quân chủng nói: "Từ nay trong hoạt động vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam, chúng ta có thêm một bến mới, đó là bến Vũng Rô, tỉnh Phú Yên. Qua chuyến đi của tàu 41, tuy điều kiện đón tiếp, tổ chức bốc dỡ hàng có nhiều khó khăn, nhưng bến vẫn bảo đảm được; theo dõi vẫn chưa thấy địch có phản ứng gì, vẫn còn là nơi sơ hở. Thường vụ Đảng ủy và Tư lệnh Quân chủng có trao đổi và quyết định chuyến đi thứ hai của tàu 41. Chuyến đi này ngoài số hàng là vũ khí trang bị, theo đề nghị của cán bộ, chiến sĩ tàu, ta nên chuyển một số gạo chi viện trực tiếp cho lực lượng tại bến".

    Gạo! "Có gạo, có vũ khí sẽ mở rộng địa bàn giành dân và khi đã có dân rồi sẽ có gạo". Mối quan hệ nhân quả mà người chiến sĩ bảo vệ bến Vũng Rô nói với tôi trong đêm bốc hàng, tuy không lý luận cao siêu, nhưng đầy tính thuyết phục. Tuy thế nhưng việc chuyển một số gạo vào miền Nam-tuy rất ít nhưng trong tình hình nhu cầu vũ khí chi viện chiến trường cấp thiết cũng làm nảy sinh nhiều ý kiến. Nào là: "Trong lúc ta tận dụng từng khoảng trống nhỏ của tàu để xếp vũ khí, thì đem xếp 2-3 tấn gạo vào chiếm hết chỗ!". Nào là: "Chở gạo vào miền Nam là chở củi về rừng!"...

    Gạo! Chỉ có chúng tôi mới hiểu hết sự cấp thiết của gạo lúc này đối với các đồng chí ở bến. Vì vậy, nên khi đã có quyết định của đồng chí Tư lệnh rồi, ngoài việc lo xuống hàng là vũ khí, trang bị, tàu cử một số đồng chí lo tiếp nhận, vận chuyển gạo xuống tàu. Đồng chí Lộc thuyền phó hậu cần được giao trọng trách đó.

    [​IMG]
    Di tích “Bến tàu không số” tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Đây là điểm xuất phát của hàng chục con tàu không số chuyển vũ khí trang bị vào tập kết ở Vũng Rô. Ảnh tư liệu.

    Buổi chiều chuẩn bị cuối cùng. Sau khi đóng cố định các nắp hầm hàng, đồng chí Lộc đưa tôi xem phiếu xuất ba tấn gạo tám thơm dành riêng cho bến. Gạo được để vào nơi khô ráo nhất trong khoang hàng đề phòng gió mùa Đông Bắc tạt nước lên ẩm ướt. Thế là chuyến đi thứ hai này ngoài vũ khí trang bị, tàu tôi còn có thêm ba tấn gạo tám thơm. Số lượng tuy ít, nhưng nó là món hàng đặc biệt của nhân dân miền Bắc đã vất vả một nắng hai sương làm ra dưới làn bom đạn ác liệt của máy bay giặc Mỹ, gửi đến những chiến sĩ đang ngày đêm đối mặt với quân thù ở miền Nam tiền tuyến-bến Vũng Rô quê hương tôi.

    Chuyến đi thuận lợi. Sau bốn ngày đêm vật lộn với sóng to, gió lớn, lách tránh một vài lần tàu tuần tiễu của địch, tàu chúng tôi lại đúng bến Vũng Rô. Chỉ còn cách độ một cây số, tàu nhận được ngay tín hiệu của bến, dẫn dắt vào nơi trú đậu ngụy trang an toàn, chu đáo.

    Vui mừng gặp lại nhau. Những cái bắt tay, những nụ cười rạng rỡ. Đứng bên cạnh anh Sáu, anh Trần Ngọc Quang (người theo tàu tôi chuyến trước) ghé lại nói nhỏ với tôi: "Chúc mừng tàu nẫu lại dô!". Và cả ba cùng cười rạng rỡ.

    Mọi công việc lại tấp nập khẩn trương. Nào, cho tàu đi giấu và ngụy trang trước khi trời sáng. Nào tổ chức lực lượng chốt chặn các hướng trọng điểm. Bận rộn nhất vẫn là việc bốc dỡ hàng chuyến này phức tạp hơn vì đoạn đường xa và vận chuyển tới nơi cất giấu ngay trong đêm.

    Tôi báo cáo với anh Sáu Suyền, chuyến đi này ngoài hàng là vũ khí trang bị, còn có ba tấn gạo tám thơm dành riêng cho lực lượng bảo vệ bến Vũng Rô. Nỗi xúc động dâng trào trên đôi mắt người Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy bến. Vốn biết anh là người rất nghiêm khắc-ngay cả bản thân-trong việc sử dụng lương thực những năm tháng gian khổ của cuộc chiến tranh. Qua người cần vụ kể: "Có lần trên đường đi công tác, "thầy trò" bắt được một con rùa, vì đã mấy ngày ăn muối, "trò" đề nghị giết rùa xào với măng rừng, nhưng "thầy" không cho và bảo "trò" đem thả vào một hốc đá cho rùa lớn lên, sinh sản ra nhiều con rùa khác, để dành khi gặp khó khăn hơn...". Tuy biết vậy, nhưng tôi vẫn mạnh dạn đề nghị anh: "Tranh thủ phát gạo cho anh em ăn lấy sức tối mai bốc dỡ hàng". Dừng một lát như đắn đo, suy nghĩ, sau cùng anh chấp nhận đề nghị của tôi. Thế là nắp hầm hàng được mở ra, từng bao gạo cấp cho các đơn vị được tiến hành ngay trong đêm.

    Cầm bao gạo trong tay, anh chiến sĩ bảo vệ bến rưng rưng nước mắt. Hạt gạo trắng trong như tấm lòng miền Bắc. Hạt gạo nghĩa tình lắng sâu ngưng đọng. Ai đã trải qua những ngày ăn trái sung, rau rừng càng thấy quý hạt gạo, bát cơm. Có gạo rồi, nhưng vẫn phải ăn dè xẻn. Không cần phải ai ra lệnh mà tất cả mọi người đều chung một ý nghĩ: "Vì công việc dài lâu của bến!".

    Núi rừng quanh bến Vũng Rô qua một ngày yên tĩnh. Mọi hoạt động của địch vẫn bình thường. Mong đợi của chúng tôi rồi cũng đến. Khi màn đêm vừa buông xuống, núi rừng ở bến Vũng Rô như sôi động hẳn lên. Cũng chiếc cầu tàu bằng cây rừng làm tạm, hàng trăm dân công, dân quân du kích tấp nập chuyển hàng.

    Gần 4 giờ sáng, mọi công việc đã hoàn tất. Giờ phút chia tay biết bao lưu luyến. Những ánh mắt, những nụ cười và bao dòng lệ đang chảy.

    Tàu từ từ rời bến.

    Tạm biệt Vũng Rô. Tôi nhớ mãi câu chuyện người chiến sĩ bảo vệ bến: "Có gạo, có vũ khí, chúng tôi sẽ mở rộng địa bàn giành dân. Mà đã có dân là có gạo!". Trong lòng tôi tràn đầy niềm vui sướng. Trước mắt tôi, hình ảnh của một miền quê Phú Yên đang vang dậy tiếng reo hò xông lên diệt lũ ác ôn, phá thế kìm kẹp, mở rộng vùng giải phóng, có phần của những hạt gạo, những khẩu súng trong chuyến hàng "đặc biệt" hôm nay.

    IV. Tết ở bến Vũng Rô

    Cuối năm 1964, sau khi đã đưa hai chuyến tàu chở vũ khí vào bến Vũng Rô thắng lợi, tôi được Tư lệnh Quân chủng Hải quân gọi lên giao nhiệm vụ mới: "Đảng ủy và Tư lệnh Quân chủng quyết định tàu của các đồng chí phải khắc phục mọi khó khăn trở ngại, đúng Giao thừa phải có mặt tại bến Vũng Rô (Phú Yên).

    Rời Sở chỉ huy Quân chủng, lòng tôi dâng trào một niềm cảm xúc đặc biệt xen giữa niềm vui và nỗi lo. Vui vì được tiếp tục làm nhiệm vụ đưa tàu chở vũ khí về quê hương, được gặp lại đồng chí, đồng bào trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Còn lo hôm nay đã là 20 tháng Chạp âm lịch, làm sao khẩn trương chuẩn bị thật tốt mọi mặt để đưa tàu đến bến Vũng Rô đúng đêm Giao thừa như mệnh lệnh của đồng chí Tư lệnh Quân chủng.

    Thành phố Hải Phòng sắp vào Tết. Đào Nhật Tân (Hà Nội) đã bày bán đỏ rực ở các dãy phố. Những bóng đèn, chùm đèn màu treo giăng hàng hai bên thành cầu sông Cấm, trên các ngọn cây trong công viên, nhấp nháy tỏa sáng lung linh như hòa cùng niềm vui của tôi trên đường về đơn vị.

    Đêm giá lạnh, chung quanh rất yên tĩnh. Để tránh các chiến sĩ đang ngủ say khỏi thức giấc, tôi nhẹ nhàng bước tới giường định thay quần áo đi nằm. Không ngờ các chiến sĩ tung màn xúm lại quanh tôi. Thì ra, họ còn thức chờ tôi đi nhận nhiệm vụ trở về...

    Sau khi họp cấp ủy và chi bộ để quán triệt nhiệm vụ mới, ra nghị quyết lãnh đạo chuyến đi, cuộc họp đơn vị được tiến hành khẩn trương, đầy khí thế quyết tâm. Vấn đề nổi lên là làm sao đưa tàu vào bến Vũng Rô đúng lúc Giao thừa. Phải chủ động tạo sự bất ngờ làm cho kẻ địch không kịp đối phó. Ý kiến thảo luận thật sôi nổi; những khó khăn, vướng mắc đã được anh em đóng góp nhiều biện pháp khắc phục. Tôi kết luận cuộc họp và thông qua quyết tâm gửi lên cấp trên.

    Thông thường, cuộc họp đến đây là kết thúc, nhưng thật bất ngờ cho tôi, từ hàng ghế thứ hai, một cánh tay giơ lên xin phát biểu ý kiến. Đó là đồng chí Trần Văn Nhợ, người lính mà anh em trong tàu thường gọi với cái tên thân mật "bố già". Đồng chí nói: "Tàu ta đã đi nhiều chuyến, đưa hàng vào nhiều bến, nhưng được đi vào dịp Tết thì thật là hiếm có. Vì vậy, tôi đề nghị tàu ta chuẩn bị cái gì để khi vào bến, ta cùng anh em ở bến ăn Tết!". Tiếng hoan hô đồng tình vang dậy. Thế là ngoài việc cho tàu nhận vũ khí, theo dõi đài để nghe thời tiết, nắm tình hình địch, chuẩn bị hậu cần... một bộ phận anh em đi mua gạo nếp về gói bánh chưng, bánh tét, lo quà Tết.

    Mọi công tác chuẩn bị cho chuyến đi đã hoàn thành sớm hơn dự định một ngày. Sau khi nghe cáo báo, tôi trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị cụ thể của các ngành. Khi đến khoang hàng số hai, ngoài số lượng hàng vũ khí, trang bị kỹ thuật chở cho bến, tôi gặp một hòm gỗ đạy kín, bên ngoài có hàng chữ đậm nét: "Quà đón Xuân vui Tết", bên cạnh một cành đào sum sê hoa lá. Tôi hỏi đồng chí Hồng Lỳ: "Cái hòm này có danh mục ghi trong phiếu chuyển hàng cho bến không?". Đồng chí Nhạn, máy trưởng-người được toàn thuyền cử ra đảm nhiệm công việc chuẩn bị quà Tết vừa cười, vừa nói: "Báo cáo Thuyền trưởng! Cái thùng này do tàu ta xuất phiếu thôi ạ!". Tất cả cùng cười vang. Đồng chí mở nắp thùng và đọc to bản liệt kê bao gồm: "30 chiếc bánh chưng, bánh tét, 10 gói kẹo, bánh quy, 5 gói chè, 20 gói thuốc lá, 40 chai bia và một cành đào. Tất cả đều không có nhãn hiệu như con tàu không số của ta...".

    Chiếc thùng gỗ đựng quà Tết chiếm một diện tích rất nhỏ trong khoang hàng của tàu, nhưng nó chứa đựng bao nhiêu tình cảm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ tàu 41 đa phần là anh em quê ở Phú Yên. Bằng số tiền dành dụm, họ đã gửi gắm tình cảm của mình qua từng món quà Tết quê hương trong chuyến đi đầy ý nghĩa này.
  9. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Tàu không số trên bến Vũng Rô (Kỳ 6)

    Vào một đêm tối cuối năm 1964, những trận gió mùa Đông Bắc tràn về, mang cái rét của phương Bắc về theo, cuộc tiễn đưa Tàu 41 lên đường làm nhiệm vụ được tiến hành tại một bên cảng của thành phố biển. Dưới trời mưa phùn, gió bấc, các đồng chí Tư lệnh Quân chủng, Đoàn trưởng và Chính ủy đoàn ôm hôn thắm thiết cán bộ, chiến sĩ tàu: "Chúc Tàu 41 hành trình thuận buồm xuôi gió - Bộ tư lệnh chờ đón tin thắng lợi báo về!". Tình cảm hậu phương lớn làm ấm lòng các chiến sĩ trên đường về tiền tuyến lớn.

    Tàu 41 hành trình vào mùa thời tiết không thuận lợi. Sau ba ngày vượt sóng to gió lớn, lách tránh các tuyến tàu tuần tiễu của địch, chiều 30 tháng Chạp, tàu chuyển hướng vào bờ. Đây là tuyến đi căng thẳng nhất suốt lộ trình.

    Toàn tàu dồn hết sức lực, tinh thần, ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm sẵn sàng đối phó với địch bất cứ lúc nào. Thành bại của chuyến đi quyết định ở hướng đi này. Bữa cơm "Tất niên" được đồng chí Thuyền phó sắp xếp cho toàn tàu ăn trước 12 giờ để kịp làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Cũng thịt mỡ, dưa hành, nhưng thiếu câu đối đỏ. Không nêu, không pháo, có bánh chưng xanh, nhưng để dành khi cập bến. Toàn tàu đang ăn cơm, bỗng từ đài quan sát, chiến sĩ trực canh báo cáo: "Mạn phải 300, cự ly 3 hải lý, phát hiện có 2 tàu địch đang di chuyển về phía Nam!". Lệnh chuẩn bị chiến đấu được phát ra. Toàn tàu về vị trí chiến đấu. Lớp ngụy trang trên những khẩu súng được kiểm tra, sửa lại, để vừa che mắt địch, vừa có thể nhanh chóng tung ra khi có tình huống chiến đấu. Qua ống nhòm có bội số cao, tôi nhìn rõ hai tàu tuần tiễu của địch. Phải tránh! Tôi cho tàu thay đổi hướng đi song song để tránh tàu địch, tạo khoảng cách xa để thời gian tiếp xúc rất ít. Nhìn đồng hồ đã 16 giờ rồi, chỉ còn 8 tiếng đồng hồ nữa thôi tàu phải có ở Vũng Rô.

    Sau khi xác định vị trí trên bản đồ, đồng chí Thuyền phó báo cáo: "Tàu ta cách Đá Bia hơn 60 hải lý nữa, khả năng vào bến trễ giờ!". Nhớ câu chuyện cổ tích mà tôi được đọc cách đây rất lâu, chuyện cô bé thông minh, học hành rất giỏi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn được cô Tiên hiện lên giúp đỡ. Cô cho em ba điều ước để em lựa chọn: Một là học hành giỏi; hai là cha mẹ sống lâu bất tận và điều thứ ba là em sẽ trở thành vợ của Hoàng tử con vua suốt đời sung sướng. Nhưng cô bé chỉ nhận điều ước thứ nhất và thứ hai. Như cô bé, lúc này tôi chỉ muốn có hai điều ước: Một là trời mau tối để con tàu không phải phơi mình trên biển nhiều giờ dễ bị địch phát hiện; hai là tốc độ tàu nhanh hơn chút nữa để vào bến không trễ giờ. Nhưng việc lặn mọc, tối sớm của mặt trời hoàn toàn do chu kỳ quay của Trái Đất và Mặt trời, còn tốc độ máy tàu thì do nhà sản xuất đã ấn định sẵn, làm sao thay đổi được. Tôi cho mời đồng chí máy trưởng lên đài chỉ huy và quyết định sử dụng tốc độ dự bị. Ước mãi rồi cũng đến lúc hoàng hôn bao trùm khắp mặt biển. Ông bà ta nói: "Tối như đêm 30", thật quả không sai.

    Đúng 23 giờ 50 phút, tàu chúng tôi thả trôi giữa Vũng Rô. Tôi cho thả xuồng và sử dụng người vào bến tìm bộ phận đón. Đang loay hoay thả xuồng thì cũng vừa lúc thuyền của các đồng chí ở bến cặp mạn tàu. Cán bộ, chiến sĩ của tàu ôm hôn cán bộ, chiến sĩ của bến. Niềm vui ngập tràn vô tận. Tôi ôm chặt anh Sáu (Bí thư Tỉnh ủy) mà hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, nghẹn ngào không nói nên lời. Bỗng từ phía bờ, hàng loạt súng pháo đủ các cỡ nổ vang đan chéo bầu trời. Những chiếc đèn dù xanh đỏ từ đồn Pơ Tý phụt lên treo lơ lửng một khoảng trời Vũng Rô.

    Lộ rồi sao? Địch đã phát hiện được tàu ta chăng?

    Từ dưới phòng báo vụ, chiếc đài bán dẫn vang lên lời Bác Hồ chúc Tết.

    Giao thừa! Phút Giao thừa Xuân 1965 đã tới. Phú Yên ơi! Chúng con đã về đây! Về giữa mùa xuân tràn đầy sức sống!

    Giá như ở một hoàn cảnh khác, thời điểm khác thì cuộc vui còn có thể kéo dài. Không ai muốn rời nhau, nhưng làm sao khác được khi mà công việc trước mắt còn quá bộn bề. Tàu phải đưa vào sát mép núi và ngụy trang kín đáo trước khi trời sáng.

    Mọi công tác được tiến hành khẩn trương. Sau khi đã bố trí các tổ bám chốt các đồn địch và Mũi Điện để kịp thời đối phó, cuộc liên hoan mừng Tết Ất Tỵ, mừng ngày tàu và bến gặp nhau được tiến hành trên nắp khoang hầm hàng số hai dưới vòm lá ngụy trang kín đáo. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh tét, kẹo, bia và thuốc lá được bày ra. Cành đào Nhật Tân của Hà Nội bên nhành mai vàng của núi Đá Bia (Phú Yên) khoe sắc, càng tăng thêm hương vị của mùa xuân-mùa xuân ở chiến trường.

    Trong niềm vui chứa chan tình cảm tôi thay mặt cán bộ, chiến sĩ Tàu 41 chúc Tết các đồng chí cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, chiến sĩ và dân công ở bến Vũng Rô. Chúng tôi cùng nâng cốc chúc mừng thắng lợi, chúc sức khỏe anh Sáu (Bí thư Tỉnh ủy) và các đồng chí đang có mặt tại bến; chúc quân và dân tỉnh nhà năm mới giành được những thắng lợi to lớn hơn như lời chúc Tết của Bác Hồ. Tiếng pháo tay thay pháo Tết nổ vang. Anh Sáu (Bí thư Tỉnh ủy) giục, cô gái ngồi bên cạnh mặt ửng hồng đứng lên thay mặt đồng bào địa phương chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Tàu 41. Cô gái nói: "Đảng, Bác Hồ, đồng bào miền Bắc lo cho miền Nam từng khẩu súng, viên đạn, bát cơm, viên thuốc. Các anh thủy thủ đã vượt qua sóng to, gió lớn, đối mặt với quân thù để vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam. Quê hương Phú Yên quyết xứng đáng với tình nghĩa cao cả đó!".

    Nghẹn ngào, xúc động, lắng đọng nghĩa tình!

    Tối mồng Một Tết, tàu cùng bến bốc dỡ hàng. Chiếc cầu tàu làm tạm bằng cây rừng như mọi lần trước, nay không đủ sức cho số đông người đi lại, nên hầu hết anh chị em dân công và du kích các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân, Hòa Thịnh, Hòa Tân… phải dầm mình dưới nước mới kịp chuyển hàng. Công việc tấp nập, khẩn trương. Phía Đèo Cả, thỉnh thoảng có một vài ánh đèn pha le lói của những chiếc xe lao dốc cùng với những tiếng nổ lạc lõng từ các bốt đồn địch bắn cầm canh trấn an cho giấc ngủ đầu năm của những kẻ xâm lược. Mặc! Không khí lao động, sẵn sàng chiến đấu ở bến Vũng Rô vẫn tấp nập, khẩn trương. Hàng bốc dưới tàu lên là vũ khí, thuốc men. Hàng trên bờ đưa xuống tàu là cát của Vũng Rô để rằn tàu, giữ được sự ổn định khi tàu ra khơi gặp phải sóng to, gió lớn.

    Ba giờ sáng ngày mồng Hai Tết Ất Tỵ, Tàu 41 rời bến Vũng Rô. Anh Sáu (Bí thư Tỉnh ủy) ôm chặt tôi, cái hôn tiễn đưa lưu luyến và xúc động. Tay siết chặt tay. Người ra đi và người ở lại đều bùi ngùi. Những hàng nước mắt tuôn trào, những lời chúc lên đường thuận buồm xuôi gió, ở lại mạnh khỏe, chiến đấu hăng say, hứa hẹn sẽ có ngày gặp lại…

    Tôi ấn mạnh tay chuông, con tàu lướt sóng ra khơi. Phía sau con tàu là bến Vũng Rô kiên cường-dải đất Phú Yên quê hương chúng tôi, đó là mùa xuân Ất Tỵ! Thời gian dù đã lùi xa bao nhiêu năm đi nữa, nhưng những kỷ niệm về một cái Tết ở Vũng Rô không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của tôi.

    Truyện ký của TÔ PHƯƠNG
  10. dongthap10

    dongthap10 Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2006
    Bài viết:
    155
    Đã được thích:
    22
    Bác Võ Hán chung 1 biên đội thuyền trưởng các tàu với bố em trong chiến dịch HCM giải phóng TS & các đảo trong cuốn sách "Một số trận đánh của Hải Quân"

Chia sẻ trang này