1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những con tàu huyền thọai trên biển Đông

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi vaputin, 12/01/2011.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Nhiệm vụ đặc biệt của vị “Hoàng thân” trên con tàu Không số
    Người kết nối những trái tim (Kỳ 2)


    Đã gần 50 năm trôi qua, nhiều đêm ông vẫn sống trong cảm giác chờ đợi, cảm giác dường như đã ăn sâu vào máu thịt ông - Phan Thắng (tức Vĩnh Mẫn) nhớ lại. Cái cảm giác mà trước mỗi chuyến đi, ông vẫn cùng cán bộ Hải quân tiễn đưa anh em, lòng mong mỏi đoàn tàu đi đến nơi về đến chốn. Biết bao đêm, các anh ngồi chong đèn hồi hộp chờ đợi tin tức các đoàn tàu chở bao niềm tin, nỗi khát khao hướng về miền Nam đang lênh đênh trên biển cả, đối mặt với hiểm nguy. Đó là nỗi nhớ về những đồng đội người mất, người còn- những người mà ông đã học ở họ tấm lòng quả cảm.

    “Thất nghiệp” trước những tấm lòng quả cảm

    “Biển của mình sao mình không đi được?”, đó không đơn thuần là câu hỏi mà còn là sự khẳng định chủ quyền, lòng khát khao cho độc lập tự do của Tổ quốc. Là một nhân chứng sống gắn liền với con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, Vĩnh Mẫn vẫn khiêm tốn nhận mình chỉ là nhà nghiên cứu, vì vậy phải viết về những chiến sĩ trên con tàu đặc biệt ấy, chứ không phải người “ăn theo” anh em như ông.

    Bao lần đứng trước anh em cảm tử quân sắp xẻ dọc biển Đông đi cứu nước, là cán bộ tuyên huấn, nói gì với những chiến sĩ cảm tử - những người được chọn lọc cho những nhiệm vụ đặc biệt - trước khi rời bến? Đôi lúc ông thấy mình là người “thất nghiệp” bởi trước những con người đã sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho cách mạng thì chẳng còn gì đáng sợ đối với họ nữa.

    Chỉ có thể nói những điều nung nấu trong lòng mình mới có sức thuyết phục. Nói những điều gan ruột trước khi họ đi vào chốn hiểm nguy chỉ có thể là chia sẻ chứ không hề răn dạy hay thao thao sách vở.

    [​IMG]
    Năm chiến sĩ Phong, Mai, An, Tuyến, Thật của đoàn tàu 235 (Ảnh chụp lại)

    Công việc của một người làm công tác giáo dục tư tưởng ở một đơn vị đặc biệt cũng thật đặc biệt. Ông thuộc từng chuyến tàu, thuộc hoàn cảnh gia đình từng thủy thủ. Trên con tàu bao giờ cũng có một, hai người là anh em đồng khởi ở Nam Bộ. Họ có nhiệm vụ dẫn tàu vào, đặc biệt là những ngóc ngách ven bờ miền Nam. Thành phần chỉ huy trên con tàu là những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc hoặc ở khu 5. Lực lượng thứ ba đi trên con tàu là những chiến sỹ nghĩa vụ người Bắc. Đây thường là những anh em vùng biển dạn dày sóng gió. Những con người này sẽ gắn bó và yêu thương nhau trên một chuyến tàu lênh đênh trên biển dài ngày, luôn sống trong căng thẳng và đối mặt với hiểm nguy. Vậy làm thế nào để anh em Nam-Bắc một nhà?

    Đi trên đất liền khác rất nhiều với lênh đênh trên biển, anh em sẽ gắn bó, đoàn kết, yêu thương nhau ra sao. Tình yêu thương đó phải rất cụ thể. Không chỉ đổi mặt với sóng gió, bão táp mà khi đối mặt với kẻ thù họ sẽ chiến đấu và bảo vệ nhau ra sao; khi tàu bị mắc cạn, khi vào bờ phải làm thế nào, thậm chí khi bị rơi vào tay địch, sự gắn bó sẽ như thế nào đây?

    Để trả lời cho những câu hỏi đó, ông thường có nhiều buổi nói chuyện với anh em. Ông lắng nghe anh em phát biểu ý kiến, từ đó mới hình thành đề cương trong đầu bài nói chuyện. Cứ như vậy gần 2 giờ đồng hồ tỉ tê là những tâm sự, giải đáp, xen lẫn những điều muốn truyền tải.

    Hiểu anh em là hiểu ở những việc làm cụ thể, chia sẻ những gì rất đời thường theo đúng nghĩa của từ “gia đình”. Ông nhớ lại câu chuyện về chiến sỹ Phong, đó là một người rất lém lỉnh. Có lần Phong đố ông: “Đố thủ trưởng em đứng ở đâu trên tàu?”. Ông chỉ cười mà nói: “chú đứng ở khẩu 14 li 5, mạn phải trên tàu”, mới nghe tới đây Phong đã chạy tới ôm chầm lấy ông. Chỉ là những câu chuyện rất nhỏ thường ngày nhưng những người chiến sỹ coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng” ấy coi nặng cái tình của những người đồng chí, đồng đội dành cho nhau.

    Trước khi đi, trong khi đi và sau khi tàu về, ông không chỉ lo về chính trị tư tưởng cho anh em mà còn lo việc từ trên bờ xuống đến tàu. Với những kinh nghiệm học “lóm” được về cách nhìn sao đi biển hay ứng biến giữa biển cả ra sao, ông đều trao đổi với anh em trên tàu.

    Để họ vững lòng và cảm thấy ấm áp hơn giữa mênh mông trùng khơi, ông thường dùng những hình ảnh cụ thể: “Các đồng chí đi trên biển, nhiều lúc mây sẽ che không thấy đường đi nhưng nhìn lên bầu trời, bao giờ cũng có những ngôi sao và giữa những ngôi sao mờ mờ, luôn có một ngôi sao thật sáng. Ngôi sao đó là *****, trong lòng mình ra sao, diễn biến thế nào ngôi sao đó biết hết.

    Sức mạnh làm nên một “con đường”

    Bằng một giọng trầm ấm, đầy tình cảm của người con xứ Huế, ông chia sẻ: những tháng năm sống cùng anh em trên đoàn tàu Không số, đã cho ông hiểu rằng những thắng lợi vĩ đại, chiến công chói lọi ấy là của con người, không phải chỉ ở con tàu. Chỉ có tinh thần yêu nước vô hạn của cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu Không số; lòng tự hào dân tộc, không cam chịu tủi nhục trước cảnh dân tộc bị đàn áp, coi khinh. Bên cạnh đó dưới sự dẫn dắt của vị thủ lĩnh tài ba, người đại diện hội tụ trí tuệ, tinh thần dân tộc, dẫn dắt để tìm ra con đường đi tới thành công. Tất cả tạo thành một ngọn lửa bốc cao trong trái tim họ, làm nên một sức mạnh vô địch, quyết tâm bảo vệ tổ quốc bằng bất cứ giá nào.

    Là người phụ trách công tác tư tưởng, cho đến nay, ông chưa dám kết luận một ai, một hành động nào cho thấy sự dao động. Có thể trong một trường hợp nào đó, khi anh em có biểu hiện “ngán” đi biển (ngán cái sóng gió của biển cả chứ không phải cái chết đang rình rập của kẻ thù), họ đều được giữ lại bờ một thời gian...

    Biết bao người đã hi sinh nhưng người sau vẫn đàng hoàng, không sợ hãi hay do dự. Họ vẫn tiếp tục ra khơi, ngồi lên hàng tấn thuốc nổ để trực tiếp làm nhiệm vụ. Đối với họ, ra khơi chính là niềm vinh dự và tự hào để được chiến đấu bảo vệ tàu, bảo vệ vũ khí, bảo vệ con đường Hồ Chí Minh trên biển.

    Ông kể: “Con đường Hồ Chí Minh trên biển từ trước khi xảy ra vụ lộ tàu 143 ở Vũng Rô, Phú Yên, vẫn tuyệt đối bí mật với kẻ thù. Mặc dù Mỹ có khi đánh hơi thấy, nhưng chúng không có bất cứ bằng chứng nào về những con tàu chở vũ khí vào Nam. Đó là nhờ nguyên tắc bí mật. Biển bao la không có chỗ ẩn nấp như rừng. Đi xuyên vùng biển do địch quản lý, không bí mật, bất ngờ là thất bại ngay”.

    Để giữ bí mật, từ Quân ủy Trung ương đến các thủy thủ tàu phải lo nhiều việc. Đầu tiên là bí mật công việc, ngoài một số ít các đồng chí có trách nhiệm, không ai được biết có một tuyến vận tải trên biển Đông chở vũ khí vào Nam. Ở Quân ủy Trung ương, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phan Trọng Tuệ (Bộ Giao thông), Ung Văn Khiêm (Bộ Ngoại giao) và Phó Tổng tham mưu trưởng Trần Văn Trà, trực tiếp chỉ huy đoàn tàu Không số, còn nhiều đồng chí ủy viên khác không hề hay biết. Thậm chí, trong mấy năm đầu Bộ Tư lệnh Hải quân cũng không biết có đoàn tàu này.

    Cán bộ, chiến sỹ đoàn tàu Không số hiểu rõ họ và đơn vị mình là một đơn vị đặc biệt. Một đơn vị không theo hệ thống phân cấp thông thường trong lực lượng vũ trang mà là một đơn vị trực thuộc trực tiếp với một vài đồng chí trong Bộ Chính trị, đặc biệt là lãnh tụ Hồ Chí Minh… khiến họ cảm thấy mình vinh dự quá.

    [​IMG]
    Các Cựu chiến binh đoàn tàu Không số về thăm đơn vị

    Ông nhớ lại một kỷ niệm, đó là khi chiếc tàu 235 sau khi xuất bến, gặp sóng gió quá lớn buộc phải trở lui. Nhận điện của “trên”, ông cùng mấy đồng chí ở bộ phận tham mưu lập tức nhảy lên tàu cao tốc chạy đến. Vừa đặt chân lên tàu, nhìn những gương mặt hốc hác vì sóng gió, chưa kịp hỏi thăm thì anh em đều đồng loạt hỏi “Ở nhà đánh giá bọn tôi ra sao anh?”. Chỉ với câu hỏi đó, ông hiểu rằng niềm tin của những người “ở nhà” đối với họ có một sức mạnh ghê gớm, nuôi dưỡng và tiếp thêm tinh thần, niềm tin để họ vượt qua những khó khăn tưởng chừng như con người không thể thắng nổi.

    Thành công không chỉ có từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc mà còn từ niềm tin, lòng tin của những người chiến sỹ đối với người phụ trách, người thủ lĩnh - một người làm công tác tuyên huấn như ông hiểu rất rõ sức mạnh ấy.

    Kể đến đây, ông chỉ còn biết nói “Sao anh em mình giỏi thế, cái giỏi không thể tưởng tượng được!”

    Khi đã nghỉ hưu gần 20 năm, trải qua bao biến động, ông về lại ngôi nhà bên bờ sông Hương nơi bố mẹ để lại. Nhưng đồng đội vẫn không quên ông, họ vẫn tìm đến, viết thư không chỉ để thăm hỏi mà còn xin lời khuyên. Với họ, ông đã thực sự trở thành linh hồn của những con tàu, như mạch máu kết nối họ lại với nhau; truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh để cùng con tàu Không số vượt qua bao “phong ba, bão táp”.

    Người Trưởng Ban tuyên huấn năm xưa cũng không quên nhiệm vụ của mình, không quên đồng đội. Ông lại tiếp tục bôn ba để kết nối, thành lập Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển.

    Chính những đồng đội cảm tử của tàu không số đã dạy cho Ngài Hoàng thân Triều Nguyễn biết sống vì đồng đội, vì con người, vì đất nước như thế nào. Một người thuộc dòng dõi Hoàng tộc mà nhiều người tưởng chỉ có thể đi “bộ đội” vài tháng là bỏ cuộc, ai ngờ đi theo cách mạng cả cuộc đời. Vĩnh Mẫn đã góp phần nhỏ bé của mình trong những sự tích thần kỳ của đoàn tàu Không số trên con đường huyền thoại – Đường Hồ Chí Minh trên biển.
  2. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Kỳ tích Đường *********** trên biển - Bến gọi



  3. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Chuyến xuất kích đầu tiên bất thành

    Theo chủ trương của trên, chuyến hàng đầu tiên của Tiểu đoàn 603 (Tập đoàn đánh cá sông Gianh) sẽ chở 5 tấn vũ khí và thuốc men vào cho Khu 5. Chân đèo Hải Vân là đích cập bến.

    Thời điểm ấy, Đài tiếng nói Việt Nam thông báo có đợt gió mùa đông bắc lớn sẽ tràn về. Tiểu đoàn 603 quyết định sẽ nhổ neo lên đường vào đêm 27-1-1960 (tức đêm 30 Tết Canh Tý). Chuyến tàu đầu tiên của Đại đội 1. Đi trên thuyền gồm 6 người : Đồng chí Nguyễn Bất, Đại đội trưởng Đại đội 1 làm thuyền trưởng; đồng chí Trần Mức làm Đại đội phó. Bốn thành viên còn lại gồm Huỳnh Ba, Nguyễn Sanh, Huỳnh Sơn và Nguyễn Nữ. Tất cả những đồng chí nói trên trong kháng chiến chống Pháp đều đã tham gia vận chuyển từ Khu 5 vào Khu 6 bằng đường biển.

    [​IMG]
    Tàu Không số trên đường vào Nam

    Tối 30 Tết, các đồng chí cán bộ tiểu đoàn: Lưu Đức, Hà Văn Xá và anh em lưu luyến tiễn đưa cán bộ, chiến sĩ đội thuyền. 18 giờ, con thuyền rời bến, nhằm hướng đông nam.

    Đêm đầu, thuyền chạy thẳng ra vùng biển quốc tế với ý định từ đó sẽ đi dần vào chân đèo Hải Vân. Ngày hôm sau, sóng to, gió lớn, thuyền có nguy cơ bị lật, sáu người cố chèo chống nhưng thuyền cứ trôi mãi về phía nam. Một bên lái của thuyền bị gãy. Ngày thứ 3, thuyền lạc vào Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi bây giờ) và bị gãy nốt bên lái còn lại nên anh em không thể cho tàu ngược lên. Gió bắt đầu lặng nên tàu đánh cá của dân ra khơi đông, tàu tuần tiễu của địch cũng tăng cường kiểm soát. Loay hoay ở đây sẽ bị lộ nên để giữ ý đồ chiến lược của con đường, thuyền trưởng Nguyễn Bất quyết định: Phải phi tang hàng theo phương án đã định. 5 tấn súng đạn, thuốc men lần lượt được anh em thả xuống biển dù mọi người tiếc đứt ruột.

    Chiều hôm đó, cả 6 thủy thủ trên tàu bị địch bắt. Dù có giấy tờ giả hợp pháp là đi đánh cá bị lạc nhưng địch vẫn tách ra, giam ở Đà Nẵng, sau đó chuyển đi Phú Lợi, có người bị đày đi Côn Đảo. 5 người sau đó lần lượt hy sinh hoặc mất do bệnh tật, chỉ còn lại đồng chí Huỳnh Ba, năm 1974 trở về.

    Cùng thời gian trên, Tỉnh ủy Quảng Nam nhận được tin từ miền Bắc điện vào: Nhận chuyến hàng vũ khí, thuốc men ở bến Hồ Chuối, chân đèo Hải Vân từ đêm 30 Tết. Tỉnh ủy cử đồng chí Nguyễn Chơn, phụ trách Ban Quân sự tỉnh đi đón nhưng đồng chí Chơn chờ mãi mấy đêm không thấy thuyền vào đành trở về báo cáo.

    Chuyến vượt biển đầu tiên đưa vũ khí vào Khu 5 thất bại. Đồng chí Lưu Đức ra Hà Nội báo cáo với Bộ Quốc phòng về chuyến đi không thành. Quân ủy Trung ương nhận thấy, việc dùng thuyền gỗ, chạy bằng buồm chở vũ khí vào chiến trường có rất nhiều khó khăn và không an toàn. Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động để tìm một phương thức vận chuyển mới.
  4. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    "Tập đoàn đánh cá sông Gianh"

    Ngày 19-5-1959, Đoàn vận tải quân sự 559 được thành lập. Ngày đầu, lực lượng nòng cốt gồm có 2 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 301 và Tiểu đoàn 603.

    301 là tiểu đoàn vận tải đường bộ do Đại úy Chu Đăng Chữ và Đại úy Nguyễn Danh chỉ huy. Tiểu đoàn có nhiệm vụ mở đường bộ vào Nam.

    Tiểu đoàn 603 do đồng chí Hà Văn Xá làm Tiểu đoàn trưởng; Thượng úy Lưu Đức làm Chính trị viên Tiểu đoàn đóng quân ở xã Thạch Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, bên bờ sông Gianh.

    Tiểu đoàn 603 được giao nhiệm vụ nghiên cứu và thực hiện ý đồ của Tổng Quân ủy Trung ương: Chi viện vũ khí cho chiến trường bằng đường biển.

    Để giữ bí mật nhiệm vụ, tiểu đoàn được gọi bằng tên thông thường "Tập đoàn đánh cá sông Gianh.

    Khi Tiểu đoàn 301 mở đường bộ vượt sông Bến Hải thì Tiểu đoàn 603 bắt đầu làm doanh trại, sắm lưới, đóng thuyền và...tập đi biển.

    [​IMG]
    Những con tàu bí mật trên đường chi viện miền Nam

    Tiểu đoàn 603 có hai đại đội: Đại đội 1 do Trung úy Nguyễn Bất làm đại đội trưởng; Trung úy Đông Yên làm Chính trị viên. Đại đội 2 do Trung úy Lê Quang làm đại đội trưởng, Trương Kia làm Chính trị viên. Tiểu đoàn bộ gồm các đồng chí: Thượng úy Nguyễn Long phụ trách công tác chính trị; Đinh Trực phụ trách thuyền, buồm, dây, lưới; Chuẩn úy Nguyễn Thái và Huỳnh Trác phụ trách đóng thuyền. Hai đồng chí Thái và Trác đã nhiều năm ở biên chế đội thuyền Khu 5 nên có tay nghề, kinh nghiệm vững.

    Đến bến Thanh Khê, đơn vị đóng được 4 chiếc thuyền, mỗi chiếc có trọng tải 20 tấn. Điều đặc biệt là thuyền có 2 đáy, phía trên để lưới và dụng cụ đánh cá ngụy trang, phía dưới dưới để vũ khí. Thuyền được cải trang theo đúng kiểu thuyền đánh cá của đồng bào miền Nam.

    Trang bị đầy đủ, các đại đội tranh thủ ra khơi "đánh cá", thực chất là tập luyện, bồi dưỡng chính trị, xây dựng quyết tâm cho các thuyền viên, quyết vượt qua gian khổ, chấp nhận hy sinh vì nhiệm vụ.

    Để chuẩn bị cho chuyến đi đầu tiên, tiểu đoàn tổ chức tổ điện đài hành quân vào Khu 5 và khi đến đèo Hải vân thì bắt được liên lạc với tiểu đoàn, xác định được địa điểm đổ hàng.

    Chuyến vượt biển vào Khu 5 đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Phương án tác chiến đặt ra: 1: Nếu hàng cập bến an toàn sẽ hủy tàu và thủy thủ quay ra theo đường bộ. 2: nếu lạc đường, lạc hướng thì thả hàng xuống biển để giữ bí mật con đường. Nếu bị địch phát hiện, cho nổ mìn phá hủy tàu.

    Cuối năm 1959, mọi công tác chuẩn bị cho chuyến vượt biển đầu tiên đã hoàn tất. Chuẩn bị sẵn sàng xuất kích....
  5. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Biển lửa và hoa





    Phim tài liệu

    VTV4
  6. vaputin

    vaputin Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    27/09/2008
    Bài viết:
    5.351
    Đã được thích:
    133
    @DONGTHAP tớ mới tìm được bài này viết về bố Trung
    Chớp lửa pháo hạm ngày ấy

    [​IMG]


    (VOV) - 45 năm đã trôi qua, nhưng đối với những người lính trẻ của Quân chủng Hải quân được tham gia trận chiến lịch sử ngày mùng 5/8 năm ấy, đến nay vẫn là những kỷ niệm sâu đậm không thể nào quên…
    45 năm trước, với ý đồ tấn công phá hoại miền Bắc Việt Nam, giới quân sự Mỹ đã dựng ra biến cố “Sự kiện vịnh Bắc bộ”. Trong trận chiến không cân sức ấy, Hải quân Việt Nam đã đánh trả bằng những đòn quyết liệt, làm nên chiến thắng vang dội ngày 5/8/1964. Là người vinh dự được tham gia trận chiến lịch sử ấy, ông Nguyễn Sỹ Hưởng, khi đó là chiến sỹ pháo thủ tàu 122, phân đội I - Hải quân Bãi Cháy đã kể lại kỷ niệm về những tháng ngày không thể nào quên ấy…
    Năm 1963, do yêu cầu xây dựng quân đội chính quy hiện đại, các binh chủng kỹ thuật cần những người lính có trình độ văn hoá. Mà ngày ấy, tốt nghiệp cấp ba đã được coi là “trí thức” rồi. Vì thế, tại các trường cấp ba của các tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... xuất hiện bóng dáng cán bộ tuyển quân của Binh chủng Không quân và Hải quân.
    Việc tuyển lựa được tiến hành rất kỹ lưỡng, mà đám học sinh cuối cấp khi ấy, ai ai cũng mong muốn được lên đường nhập ngũ. Trường cấp ba Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định của chúng tôi ngày ấy, chỉ có mấy chục học sinh trúng tuyển, trong đó có hơn 20 người được tuyển vào Quân chủng Hải quân. Khỏi phải nói chúng tôi phấn khởi, tự hào như thế nào khi được khoác trên người bộ quân phục áo xanh, yếm sọc mang màu sắc của biển cả.
    Thời gian huấn luyện tân binh và đào tạo nghiệp vụ ở Núi Đèo, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng với chúng tôi sao mà dài thế! Ai cũng mong ngóng được bổ sung về tàu chiến đấu vì biết rằng quân chủng còn có nhiều bộ phận phục vụ trên bờ. Đúng là “cầu được ước thấy”! Tất cả mấy chục học sinh khối 10 của trường Lê Hồng Phong (Nam Định) cùng được bổ sung về các hạm tàu thuộc căn cứ 1, Hải quân Bãi Cháy.
    Qua những chuyến đi biển dài ngày đến với những đảo xa, những ngày mưa bão đi cứu thuyền dân đánh cá trôi dạt ngoài khơi, rồi những đợt diễn tập thực binh trên biển bắn “đón sóng” mục tiêu là máy bay, tàu chiến địch theo tình huống giả định, chúng tôi đã trở thành những thuỷ thủ thực sự. Chúng tôi đã quen với những con sóng lừng và cả những con sóng bạc đầu tới cấp 5, cấp 6 cao như trái núi trùm lên tận cột rada trên nóc đài chỉ huy...
    Bước sang tháng 8/1964, tình hình trở nên căng thẳng hơn. Máy bay Mỹ ném bom, bắn tên lửa xuống đồn Nậm Cắn (phía tây Nghệ An) và bản Noọng Gié. Tàu khu trục Ma Đốc trắng trợn xâm nhập sâu vào vùng biển Lạch Trường, đụng độ với tàu phóng lôi của ta... Dấu hiệu về cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ đã rõ!
    Toàn quân đã vào báo động cấp một. Tại các bến cảng quân sự, những đoàn tàu không còn cập bến san sát với nếp sinh hoạt thời bình. Trước đó, các hạm tàu đã được lệnh tản ra neo đậu rải rác ngoài khu neo và sẵn sàng chiến đấu. Một số tàu lên đường bổ sung cho các đơn vị hoạt động trên sông, biển miền Trung. Ngoại trừ khi cần thiết, những con tàu mới về cảng bổ sung đạn dược, nước ngọt và lương thực, thực phẩm.

    [​IMG]
    Ông Nguyễn Sỹ Hưởng, cựu chiến sỹ pháo thủ Tàu 122
    Thời khắc lịch sử đã đến! Chúng tôi vẫn nhớ như in cái buổi chiều rực nắng ấy trên Vịnh Hạ Long. Nắng dát vàng lấp lánh trên những dải núi phía xa. Cấp trên thông báo, từ sáng cuộc chiến đấu đã diễn ra ở sông Gianh, Cửa Hội... Đứng trên các vị trí trực canh sẵn sàng chiến đấu, lòng chúng tôi như lửa đốt, cảm giác hồi hộp của người lính lần đầu xung trận xen lẫn khí thế quyết tâm tiêu diệt lũ cướp trời. Mãi tới hơn hai giờ chiều, từ sau những dải núi của Vịnh Hạ Long bỗng xuất hiện những chấm đen - tám chiếc máy bay phản lực chia thành nhiều tốp lao tới ném bom, phóng “rốc-két” xuống những con tàu - mục tiêu chính của trận công kích.
    Thế trận hiệp đồng giữa những con tàu hải quân với các trận địa pháo và quân dân vùng mỏ đã giăng sẵn. Biển trời Hạ Long như bị vỡ tung trong tiếng gầm rít của một bầy máy bay phản lực và bom đạn trút xuống. Từ Bãi Cháy, Hạ Long, núi Bài Thơ đến Hà Lầm, Hà Tu... dày đặc những đám khói của các loại đạn pháo từ dưới đất bắn lên. Trên mặt vịnh, những con tàu xé sóng đan đi, đan lại như đưa thoi. Chớp lửa đầu nòng pháo hạm loé sáng, nhả đạn xối xả vào máy bay địch. Những chiếc phản lực thay nhau “bổ nhào” trút bom đạn, dựng lên những cột nước cao ngất, dậy lên những đợt sóng xô đẩy những con tàu chao đảo, ngả nghiêng.
    Cùng với chiến công trên dòng sông Lam, Cửa Hội và Lạch Trường, quân dân vùng mỏ đã góp phần vào chiến thắng ngày 5/8 lịch sử, bắn rơi tại chỗ 8 máy bay phản lực Mỹ và làm nhiều chiếc khác bị thương. Trung uý phi công Anvarider nhảy dù rơi xuống Vịnh Hạ Long là giặc lái đầu tiên bị bắt sống trong cuộc chiến tranh leo thang phá hoại bằng không quân Mỹ ra miền Bắc.
    Tiếp nối những tấm gương hải quân chiến đấu hy sinh dũng cảm trên những dòng sông cửa biển miền Trung, Lạch Trường (Thanh Hoá), cuộc chiến tại Bãi Cháy lại có thêm những Đổng Quốc Bình, Lê Sỹ Hằng, Ngô Huy Hoàng, Trần Gia Tuệ... tô thắm thêm truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu của quân chủng.
    Cũng từ đó, chúng tôi bước vào những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt trên biển cả. Con tàu 122 cùng các tàu bạn trong phân đội đã đi đến nhiều vùng biển đảo xa làm nhiệm vụ. Rồi những ngày đến với sông Mã bên các bến đậu Nguyệt Viên, Việt Yên... sát cánh cùng trận địa núi Rồng và quân dân địa phương chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng vào thời điểm ác liệt nhất.
    Những con tàu còn tham gia hàng chục trận chiến đấu với máy bay Mỹ bảo vệ Nhà máy điện cọc 5 - nguồn điện quan trọng của vùng mỏ Quảng Ninh. Thời gian qua đi, nhưng vẫn chưa phai mờ trong ký ức những người lính hải quân hình ảnh những con người từng chung sống thời trai trẻ ấy. Đó là thuyền trưởng Nguyễn Dư Trung - người con của miền Nam tập kết, người mà chẳng có cấp sóng nào quật ngã được anh. Những lần đi biển dài ngày, sóng to gió lớn, thuỷ thủ say sóng đến nghiêng ngả nhưng thuyền trưởng vẫn sừng sững trên đài chỉ huy, đưa con tàu băng lên phía trước. Đó là chỉ huy phân đội Triệu Hữu. Trong những giây phút hiểm nguy, cứ nhìn thấy ông trên tàu kỳ hạm là mọi người đều cảm thấy an lòng. Còn biết bao nhiêu cái tên, bao nhiêu tấm gương kiên trung khác nữa như hàng hải số 1 Nguyễn Văn Thiện, quân sĩ trưởng pháo Ngô Xuân Nhạn, pháo thủ Nguyễn Mạnh Hùng, quân sĩ trưởng cơ điện Trần Công Kéc... Có những đồng đội như Nguyễn Mạnh Hải, Hoàng Hồng Châu, Khổng Đức Thái ra đi cùng chúng tôi từ mái trường Lê Hồng Phong năm ấy đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trên những dòng sông, vùng biển của Tổ quốc…
    Năm tháng đã qua đi, nhưng những kỷ niệm về một thời đầy sôi nổi, hào hùng sống và chiến đấu trên biển cả vẫn còn sống mãi. Được có mặt trong trận đánh lịch sử ngày 5/8 - trận đầu đánh thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam và cũng là của quân dân miền Bắc - mãi mãi là niềm tự hào của những người lính trẻ chúng tôi ngày ấy./.
    Sỹ Hưởng (Báo TNVN)
  7. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Những chuyến vượt biển từ Nam ra Bắc

    Rút kinh nghiệm chuyến tàu đầu tiên thất bại, Quân ủy có những chỉ thị tính toán một hình thức tổ chức vận chuyển chặt chẽ hơn. Trong khi trên đường bộ, tuyến đường Trường Sơn đã hoạt động nhưng để vươn tới chi viện cho đồng bằng Nam Bộ thì chưa thể. Yêu cầu chi viện, tiếp tế cho chiến trường Nam Bộ là đòi hỏi mang tính cấp bách, sống còn. Phương thức chi viện không thể thiếu đường biển.

    Trong khi chờ một phương án vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường biển thì Trung ương Đảng chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi, đồng thời cho thuyền ngược ra Bắc mở đường thăm dò, nếu có điều kiện thì chở vũ khí về Nam.

    Chỉ thị của Trung ương Đảng phù hợp với lòng mong mỏi của các địa phương, do vậy trong một thời gian ngắn, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa đã gấp rút chuẩn bịc các đội tàu.

    Tỉnh ủy Bến Tre đã cử đồng chí Nguyễn Văn Khước (còn gọi là Mười Khước, Năm Chung) Bí thư tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Thị Định-người đã vượt biển ra Bắc từ 1946 để xin vũ khí lo tổ chức chuyến đi. Hai đội tàu sau đó được chuẩn bị. Đội thứ nhất do đồng chí Đặng Bá Tiên (Sáu Giáo) quê ở Thanh Hóa làm đội trưởng. Các thủy thủ gồm: Nguyễn Văn Tiến (Năm Kiệm), Huỳnh Văn Mai (Nguyễn Văn Giới-Tư Đen), Nguyễn Văn Bê (Hai Bê), Nguyễn Nhung (Hai Hùng), Ba Đức (Đức đen). Ngày 1-6-1961, tại bến Cồn Lợi (Thạnh Phong, Thạnh Phú) tàu xuất bến. Sau 9 ngày đêm vật lộn với sóng gió và tránh sự kiểm soát của địch, ngày 9-6, chiếc chuyền đã cập bến Hà Tĩnh. Hai ngày sau, Trung ương cho người vào Hà Tĩnh đón đoàn ra Hà Nội.

    Đội tàu thứ hai do đồng chí Lê Công Cẩn (Năm Công) phụ trách. Đoàn thủy thủ gồm 7 người: Nguyễn Văn Hớn (Năm Thanh), Nguyễn Văn Thành; Nguyễn Văn Hải (Huỳnh Văn Hải); Văn Công Cưỡng; Trần Văn Ấn (Năm Thăng), Nguyễn Văn Luôn (Hai Sơn), Huỳnh Tiến (Huỳnh Văn Tiến-Năm Tiến). Ngày 18-8-1961, thuyền xuất phát tại bến Cồn Tra (Thạnh Phong, Thạnh Phú) nhưng trên đường đi bị lạc hướng, hành trình khá vất vả. Ngày 28-8, thuyền cập bến Thanh Hóa.

    Tỉnh Bạc Liêu cử 2 đội thuyền đi ra Bắc. Đội thứ nhất do đồng chí Bông Văn Dĩa (Hai Dĩa) phụ trách. Các thuyền viên gồm: Tư Phước, Ngô Văn Tần (Năm Kỷ), Nguyễn Dũng (Sáu Dũng), Bảy Cửa, Trần Văn Đáng (Ba cụt), Võ Tấn Thành (Ba Thành) và Tư Quang (Hai Chiếu). Đêm 1.8-1961, thuyền rời rạch Cá Mòi, ngày 7-7 thì cập cảng sông Nhật Lệ.

    Đội thuyền thứ hai do Nguyễn Thanh Trầm (Tư Lưới) phụ trách. Các thủy thủ: Tư Báo; Ba Mang, Hai Danh, Lâm Văn Vĩnh (Sà Vĩnh). Ngày 3-8-1961, thuyền xuất bến nhưng đi đến ngang Huế thì bị thủng, đành phải quay lại cập cảng Trà Vinh để sửa chữa và về lại Cà Mau.

    Tỉnh Trà Vinh cử hai đội thuyền do thuyền trưởng Nguyễn Thanh ***g (Hai Pháp) và Hồ Văn In (Bảy Thắng) dẫn đầu. Thuyền bị dạt sang Ma Cao (Trung Quốc) được đưa về Du Hải (Quảng Châu), sau đó sứ quán ta đến đón đưa về Hà Nội.

    Tàu của tỉnh Bà Rịa do Nguyễn Văn Phe dẫn đầu, bị dạt sang Hải Nam và đến giữa năm 1962 mới về đến miền Bắc.

    Đầu năm 1961, Bí thư Khu ủy miền Đông, Mai Chí Thọ giao cho đồng chí Lê Minh Thịnh (Phó Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa) nhiệm vụ mở bến ở Lộc An (Phước Hải, Long Đất, Bà Rịa) để đón vũ khí, đồng thời tổ chức thuyền ra Bắc. Tháng 12-1961, đông chí Năm Đông tổ chức một chuyến vượt biển ra Bắc. Song đi đến Phan Thiết, thuyền bị hỏng. Ngày 27 tháng 2 năm 1926, thuyền của tỉnh Bà Rịa tiếp tục lên đường. Ra đến Cam Ranh, đội thuyền bị địch bắt. Sau hơn một tháng không khai thác được gì, bọn địch đành thả đội thuyền Bà Rịa. Ngày 19 tháng 4 năm 1962, chiếc thuyền tiếp tục lên đường. Ngày 25 tháng 4, thuyền dạt vào đảo Hải Nam. Mấy ngày sau đoàn được đưa về lãnh sự quán Việt Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc) và đến ngày 15 tháng 5 năm 1962, đoàn về đến Hà Nội qua cửa Bằn Tường. Sau đó, anh em được biên chế vào Đoàn 759.
  8. dongthap10

    dongthap10 Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2006
    Bài viết:
    155
    Đã được thích:
    22
    Xin rất cám ơn bác Vuputin thật sự là em & bố em bất ngờ khi đọc được bài viết này
    Chúc bác & gia đình vui, khỏe, thật sự hạnh phúc
    Một lần nữa thay mặt bố, em xin cảm ơn bác.
  9. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    Những trang đời huyền thoại (Kỳ 1)

    Từ năm 1961 – 1975, trên tuyến “đường Hồ Chí Minh trên biển” đã có 1.789 chuyến tàu không số vận chuyển 150 ngàn tấn vũ khí trang bị và 80 ngàn lượt cán bộ, vượt qua hàng vạn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Để lập nên những chiến công chói lọi ấy, có biết bao người con ưu tú anh dũng chiến đấu và không ít người trong số đó đã ngã xuống giữa lòng biển khơi. Báo QĐND Online trân trọng giới thiệu một số nhân vật tiêu biểu, mà chiến công của họ là những trang đời huyền thoại…

    Kỳ 1: Trận đánh quyết tử và những dòng ghi trong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”


    “Hai chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”. Đấy là câu ví von về cuộc đời mình của ông Trần Ngọc Tuấn, cựu chính trị viên tàu 43, Đoàn tàu không số. Ông nói vậy, bởi trong chín lần vượt biển, thì hai lần đánh chìm tàu để không bị rơi tài sản vào tay giặc, bảy chuyến còn lại đều thành công. Để có được kỳ tích ấy, ông và đồng đội đã anh dũng chiến đấu và không ít người trong số đó vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển xanh…

    Trận đánh quyết tử

    Nha Trang chiều mưa. Những cơn mưa mùa thu khiến phố biển thêm an lành và mát mẻ. Trong ngôi nhà nhỏ số 9A/1B, phố Đặng Tất, cựu chiến binh đoàn tàu không số Trần Ngọc Tuấn say sưa kể về những kỷ niệm một thời cùng đồng đội vượt biển chở vũ khí, lương thực chi viện chiến trường miền Nam.

    Những câu chuyện ông kể nhiều tình tiết, tản mạn và nghe qua có vẻ “hơi rông dài” nhưng chắp nối, sắp xếp các sự kiện, thì chính những điều tưởng chừng tản mạn và rông dài ấy lại là nguồn tư liệu vô giá, đầy chất bi tráng về chiến công của các thế hệ cán bộ, thủy thủ đoàn tàu không số năm xưa đã làm nên con đường huyền thoại – đường Hồ Chí Minh trên biển – Con đường của ý chí và sự sáng tạo Việt Nam…

    Năm 1968, cục diện trên chiến trường phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, trước tình hình đó, Bộ Tổng tham mưu tin tưởng giao nhiệm vụ cho Đoàn 759 tham gia vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam, phục vụ Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968. Chuyến đi đặc biệt ấy, con tàu mang số hiệu số 43 gồm 17 thuyền viên, do thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và Chính trị viên - Bí thư Chi bộ Trần Ngọc Tuấn chỉ huy. Nhiệm vụ trên giao là tàu 43 chở 37 tấn vũ khí vượt biển vào huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) giao hàng tại bến bí mật.

    [​IMG]
    Ông Trần Ngọc Tuấn (thứ 4 từ trái sang, hàng đứng) cùng đồng đội trên tàu 43 trước lúc đi chiến dịch Mậu Thân – 1968.

    Đêm 27-2-1968, tàu 43 và 3 chiếc tàu khác nhận lệnh xuất bến. Mặt biển đen đặc, gió lạnh thốc từng cơn, những con tàu lầm lũi đè sóng thẳng hướng vào Nam. Tuy đã được chuẩn bị rất kỹ và ngụy trang kín đáo, nhưng trên đường đi, máy bay và tàu chiến địch đã nghi ngờ phát hiện và theo dõi sát sao các hoạt động của tàu ta. Trước tình thế đó, chính trị viên Trần Ngọc Tuấn bình tĩnh động viên anh em giả vờ đánh bắt cá, lòng vòng trên biển suốt 3 ngày đêm. Mặc sóng to, gió lớn, bất chấp hành động quần đảo của máy bay và sự phong tỏa của tàu chiến địch, những thủy thủ tàu không số vẫn can trường, bình tĩnh xử lý linh hoạt các tình huống. Cứ kiên trì, bền gan hành quân như vậy, đến đêm thứ ba tàu 43 vào tới vùng biển Quảng Ngãi. Tất cả mọi thành viên đều khấp khởi mừng thầm, bởi chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa thôi tàu sẽ cập bến.

    Đúng 0 giờ 50 phút ngày 1-3-1968, tàu 43 cách bờ khoảng chừng 20 hải lý thì bất ngờ bị 4 tàu chiến của địch tăng tốc bao vây. Chúng đồng loạt bắn pháo sáng lên bầu trời đêm, những tia chớp sáng rực cả một vùng biển. Chỉ sau vài phút các loại pháo trên tàu địch bắn tới tấp vào tàu 43. Tiếp đến, chúng khép dần vòng vây hòng bắt sống toàn bộ tàu ta.

    Không còn cách nào khác, Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng đứng trên đài chỉ huy phát lệnh tiêu hủy tài liệu, sẵn sàng chiến đấu. Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn đến từng vị trí động viên anh em giữ vững tinh thần. Tại khoang lái, chiến sĩ hàng hải Vũ Xuân Ruệ một tay giữ chặt bánh lái, tay còn lại cầm quả thủ pháo giơ cao, giọng dõng dạc: “Báo cáo chính trị viên! Chúng tôi đã sẵn sàng!”. Chính trị viên Tuấn hài lòng: “Được! Các đồng chí giữ vững vị trí chiến đấu!”.

    Chính trị viên Tuấn vừa dứt lời thì đạn pháo địch từ bốn chiến hạm bắn cấp tập vào tàu 43. Cùng lúc 10 tàu cao tốc (loại nhỏ) xuất hiện, mỗi đợt hai chiếc lao vào tấn công bên mạn phải tàu ta. Thuyền trưởng Thắng vẫn hiên ngang trên đài chỉ huy cho tàu luồn lách chờ tàu địch vào gần hơn nữa. Tàu địch cách tàu ta 300 mét, 250 mét, rồi 150 mét…

    “Nhằm thẳng tàu địch. Bắn!”. Thuyền trưởng Thắng hô lớn.

    Chỉ chờ có vậy, các loại súng của ta đồng loạt nã đạn. Một tàu địch trúng đạn bốc cháy dữ dội, hai chiếc khác bị thương nặng. Bị ta đánh trả bất ngờ gây tổn thương nặng nề, máy bay địch điên cuồng vãi đạn xuống tàu 43. Mặt biển như sôi lên vì đạn pháo và rốc-ket. Tiếng DKZ, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly của ta rền vang. Trận chiến đấu diễn ra rất căng thẳng, nhưng vì lực lượng của ta không cân sức, nên tàu 43 trúng đạn, chao đảo. Chiến sĩ Vũ Văn Ruệ bị thương nặng, toàn thân đẫm máu, tay vẫn giữ chặt bánh lái. Ở vị trí DKZ, chiến sĩ quân y kiêm pháo thủ số 2 Võ Nho Tòng cũng trúng đạn, hi sinh… Sau hơn 3 giờ đồng hồ chiến đấu ngoan cường, tàu ta vừa dùng bom chìm và bộc phá chặn, vừa sử dụng đại liên, trung liên, súng máy 12,7 ly tiêu diệt thêm 3 máy bay HU-1A, bắn hư hại nhiều tàu cao tốc địch rồi lao vào bờ… Quyết không để phương tiện và vũ khí rơi vào tay địch, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng ra lệnh hủy tàu….

    [​IMG]
    Ông Trần Ngọc Tuấn (người mặc áo quân phục cũ, đeo kính) thắp hương tưởng niệm các đồng đội đã hi sinh.

    Ông Trần Ngọc Tuấn đứng dậy bước về phía bàn thờ, thắp nén nhang kính cẩn tưởng nhớ những đồng đội đã hi sinh. Đôi vai gầy của người thủy thủ tàu không số rung lên. Ông nói, giọng nghẹn ngào, mắt ngấn nước: “Chiến tranh là tổn thất và thương vong. Chẳng có cuộc chiến nào mà không mất mát, hi sinh. Không biết bao lần tôi như đứt từng khúc ruột khi chứng kiến những đồng đội thân yêu của mình hi sinh. Đã mấy chục năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ mãi lời trăng trối của đồng chí Vũ Văn Ruệ trước lúc ra đi: “Chính trị viên ở lại chiến đấu, trả thù cho em!”. Vũ Văn Ruệ vừa cưới vợ được 20 ngày thì xung phong lên đường. Còn Võ Nho Tòng thì vừa hoàn thành chuyến đi thứ nhất đã tình nguyện đi chuyến thứ hai. Đêm trước ngày lên đường, Tòng còn tâm sự với tôi: “Sau chuyến này em xin tranh thủ về quê cưới vợ. Hôm đó, nhất định chính trị viên phải làm chủ hôn cho chúng em!”. Vậy mà… cậu ấy đã hy sinh, toàn thân ngã vào chân pháo nhưng tay vẫn ôm chặt quả đạn. Để rồi cô thôn nữ Nguyễn Thị Ghi, quê Thái Thụy, Thái Bình vĩnh viễn không bao giờ gặp lại người mình yêu nữa...”.

    Những dòng ghi trong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”

    Nhấp ngụm trà đặc quánh, cựu chiến binh Trần Ngọc Tuấn trao cho tôi cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Ông nói: “Tôi còn sống đến ngày hôm nay là nhờ bác sỹ Thùy Trâm và bà con thôn Quy Thiện. Cháu đọc đi, trong cuốn sách này cô Trâm có viết về tôi và đồng đội của tôi đấy!”.

    Tôi đọc những dòng bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết trong cuốn nhật ký mà cảm thấy khung cảnh chia ly giữa người ra đi và người ở lại thời chiến tranh thật đáng trân trọng. Cuộc chia ly ấy giản dị, hồn nhiên và sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Vậy là chiều nay các anh lên đường, để lại cho mỗi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương. Nghe anh Tuấn ra lệnh: “Tất cả ba lô lên đường!”. Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại trước mình bắt tay chào mình một lần cuối. Bỗng dưng một nỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền Bắc trào lên trong lòng mình như mặt sông những ngày mưa lũ và… mình khóc ròng đến nỗi không thể đáp lại lời chào của mọi người. Thôi! Các anh đi đi, hẹn một ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu”.

    - Thưa bác, cơ duyên nào bác có tên trong cuốn nhật ký này?

    Ông Tuấn trả lời: “Thì trong chuyến vượt biển vào Quảng Ngãi hồi Mậu Thân – 1968 đó! Ngày ấy nhân dân xã Phổ Hiệp, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã che chở, đùm bọc, yêu thương cán bộ, thủy thủ tàu 43 trong những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất!”.

    Ông kể: “Khi những tiếng nổ lớn ầm vang cả một vùng biển vừa tan cũng là lúc chúng tôi đã ở trong vòng tay che chở của đồng bào thôn Quy Thiện. Hôm đó, quân Mỹ hùng hổ tiến vào làng. Tiếng quát tháo, chửi thề inh ỏi. Tiếng giày đinh nện rầm rầm trên mặt đất. Vậy mà dưới hầm bí mật, chúng tôi vẫn được bà con che chở… Mười ngày đêm nằm hầm trong tình trạng thương vong, nếu không có sự đùm bọc, tận tình chăm sóc của nhân dân thì tôi và đồng đội đã bị địch bắt. Nếu ở lâu dưới hầm bí mật nguy cơ sẽ bị lộ, nên chúng tôi được du kích cáng lên bệnh xá của chị Đặng Thùy Trâm. Hai lần đi đều gặp địch buộc phải quay lại và đến đêm thứ ba mới về tới trạm xá. Trong thời gian điều trị, tôi và đồng đội được bác sĩ Thùy Trâm chăm sóc tận tình, chu đáo. Hình ảnh nữ bác sĩ Thùy Trâm – người con gái Thủ đô Hà Nội duyên dáng, trẻ trung, lạc quan, yêu đời tận tình cứu chữa thương binh trở thành liều “thuốc quý” động viên chúng tôi vượt qua tất cả…

    Nói về kỷ niệm lúc chia tay bà con Phổ Hiệp, cựu chiến binh Trần Ngọc Tuấn bùi ngùi: “Không bao giờ tôi quên được giây phút chia tay trước khi vượt Trường Sơn trở về đơn vị hôm 10-4-1968. Tôi là người cuối cùng chia tay mảnh đất nặng tình, nặng nghĩa ấy. Hôm đó, Thùy Trâm nắm chặt tay tôi, mắt đẫm lệ: “Thôi! Các anh đi mạnh giỏi, bình yên, hẹn ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu!”. Phút chia tay bịn rịn khiến tôi không kìm được lòng mình…Và không ngờ lần chia tay ấy, vĩnh viễn chúng tôi chẳng bao giờ được gặp lại Thùy Trâm bằng xương, bằng thịt nữa!”…

    [​IMG]
    Chính trị viên tàu không số năm xưa bình dị giữa đời thường.

    Chiến tranh đã lùi xa, ông Tuấn giờ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Năm 1968 bị thương ra Bắc điều trị, rồi chuyển ngành qua làm cán bộ trường Đại học Thủy sản. Gần hai chục năm đứng trên bục giảng, ông “truyền lửa” vào sinh viên bằng những câu chuyện về bao chiến công huyền thoại của đoàn tàu không số năm xưa. Về hưu với khoản tiền lương 116 đồng (nay là 2.700.000 đồng) cuộc sống của vợ chồng ông vô cùng khó khăn. Vợ ông – bà Nguyễn Thị Đệ một thời là thanh niên xung phong. Suốt 5 năm bám trụ trên tuyến lửa Quảng Bình và Quảng Trị, nhưng nay bà vẫn không có chế độ gì. Để có tiền nuôi con ăn học, ông bươn chải khắp nơi, từ nhân viên gác cổng trường, rồi nhân viên bảo vệ… Bây giờ con cái trưởng thành, cuộc sống khá hơn, ông tham gia hội cựu chiến binh. Những lúc vết thương không hành hạ, bệnh tình thuyên giảm là ông lại đến từng gia đình trong khu phố vận động con cháu lên đường nhập ngũ. Bằng tấm gương mẫu mực của mình, ông vận động, thuyết phục thanh niên hư hỏng tiến bộ. Thỉnh thoảng ông lại tìm về thăm hỏi những người đồng đội năm xưa…

    Cũng có lúc ông cảm thấy như bị “lãng quên”. Ông chuyển ngành khi quân hàm trung úy, nhưng mới đây Quân chủng Hải quân gửi giấy mời tham gia hội thảo khoa học lại ghi thiếu tá. Ông cười hiền: “Chắc các anh ấy thương nên phong quân hàm vượt cấp cho tớ! Đùa vui vậy thôi, chứ còn sống đến ngày hôm nay là hạnh phúc lắm rồi. Chỉ tiếc thương những đồng đội đã hi sinh giữa biển khơi!”.

    Tuy cựu chiến binh Trần Ngọc Tuấn không hề trách cứ ai, nhưng tôi thấy ông quá thiệt thòi. Chín lần vượt biển, thì hai lần gặp địch bủa vây, hai lần chỉ huy đánh bộc phá hủy tàu nhưng ông và đồng đội vẫn mưu trí thoát khỏi vòng vây địch. Các chuyến đi còn lại đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chở vũ khí vào miền Nam. Với những chiến công ấy, ông xứng đáng được phong tặng danh hiệu cao quý nhất. Tuy không được Nhà nước tuyên dương, nhưng biết bao đồng đội và đồng bào luôn coi ông là người anh hùng…

    http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/307/309/309/159603/Default.aspx
  10. dongthap10

    dongthap10 Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2006
    Bài viết:
    155
    Đã được thích:
    22
    Ảnh tư liệu cá nhân của bố em

    [​IMG]

    Hải Quân tập thể dục buối sáng trên tàu T122 năm 1963 ( không biết trong này có mặt liệt sĩ Đổng Quốc Bình không, hiện nay 1 phường của quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng mang tên anh)

    [​IMG]

    Bố em thuyền trưởng T122 và các chiến sĩ Hải Quân Bắc Việt năm 1965 (Không biết trong những tấm hình này có bác Hưởng hay không).

Chia sẻ trang này