1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những điều ít biết về Hàn Quốc

Chủ đề trong 'Hàn Quốc' bởi minksvietnam, 25/12/2010.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. minksvietnam

    minksvietnam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/12/2008
    Bài viết:
    36
    Đã được thích:
    0
    Chào tất cả các bạn box Hàn Quốc, tìm hiểu về một nền văn hoá mới luôn là vấn đề mà những người yêu thích du lịch quan tâm nhưng đôi khi có những điều không thể tìm hiểu hoặc không thể biết nếu thiếu sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân bản địa do đó mình lập topic này nhằm cung cấp cho các bạn yêu thích đất nước HQ, đang sinh sống, học tập hoặc làm việc ở HQ, cũng như các bạn muốn đến HQ du lịch những thông tin cần thiết, thú vị mà khó có thể tìm thấy trong các sách du lịch, internet hoặc trên TV.

    Mong có sự đóng góp thêm của tất cả các bạn am hiểu về đất nước này để topic thực sự trở nên hữu ích cho tất cả những ai muốn tìm hiểu.

    Trước khi sang HQ, mình làm việc trong ngành du lịch và khách sạn ở VN khoảng gần 10 năm do đó việc ghi chép, so sánh, phân tích và mong muốn tìm hiểu, khám khá những điều mới mẻ đã trở thành thói quen. Mình sẽ cố gắng đưa đến các bạn những thông tin chích xác và khách quan nhất từ góc độ du lịch và của người đang sống và làm việc tại đất nước này.

    Việc lựa trọn, biên tập thông tin trước khi đưa lên diễn đàn đều cần thời gian, thêm vào đó là khoảng thời gian rảnh rỗi cần thiết để ngồi typing cũng không có nhiều vậy nên chúng ta cùng nhau tìm hiểu từ từ các bạn nhé.

    Visa đi HQ thế nào?


    Thông tin đầu tiên mình muốn đề cập đến chính là vấn đề visa, mọi thông tin cần thiết để xin visa vào HQ đều được đăng công khai trên trang hanquocngaynay.com ; mục Đại Sứ Quán Hàn Quốc/phòng lãnh sự/hướng dẫn thủ tục cấp visa

    Về cơ bản vấn đề xin visa đi HQ đối với các đối tượng khác ngoài khách du lịch chỉ là vấn đề giấy tờ và thời gian; tuy nhiên đối với khách du lịch có thể coi là khó khăn như khi xin visa đi châu âu.

    Có một điều chúng ta nên hiểu theo hướng thực tế chứ không thể hiểu theo nghĩa ngoại giao là trong cơ cấu của tất cả các ĐSQ, quy định xin visa được viết chi tiết và có sự thay đổi đôi chút tuỳ theo một số nước, nhóm nước khác nhau và vấn đề không có trong các quy định đó là nếu bạn đến từ đất nước giàu hơn nước sở tại thì thủ tục của bạn cũng dễ dàng hơn so với người đến từ nước nghèo hơn.

    Vài lý do khác nữa khiến cho việc xin visa dl khó khăn hơn đó là con số người việt sinh sống bất hợp pháp bên này chỉ đứng sau dân tàu phù (chủ yếu là người lao động đã hết hạn hợp đồng nhưng không về nước, hoặc người lao động đơn phương phá vỡ hợp đồng lao động và đi khỏi nơi làm việc do bộ lao động HQ quy định, một số ít trường hợp là du học sinh, khách du lịch...); Số các vụ phạm pháp do người việt thực hiện khá nhiều so với dân các nước khác

    Câu kết cho phần này là: nhu cầu đi du lịch cũng chính là nhân quyền và là nhu cầu chính đáng vậy nên các bạn cứ thoải mái nộp hồ sơ, miễn là thực hiện được đầy đủ các quy định yêu cầu và nếu cần thì họ sẽ gọi phỏng vấn một lần nữa là các bạn sẽ có một cái visa để khám phá đất nước kimchi.

    Chúc tất cả các bạn thành công!
  2. minksvietnam

    minksvietnam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/12/2008
    Bài viết:
    36
    Đã được thích:
    0
    Kimchi- nét văn hoá ẩm thực của người Hàn

    Nhớ có lần đọc bài trên trang báo mạng khá nổi tiếng trong nước gọi "kimchi là hỗn hợp của cải thảo tàu, củ cải trắng, nước mắm và các loại gia vị..." trời ơi! viết thế thì khác gì người nước ngoài gọi phở của chúng ta là "hỗn hợp của nước dùng, bánh phở và thịt..." nghe có tự ái không chứ! chả hiểu biết gì!

    Thông tin chính thức lấy trên các trương trình TV, báo chí xứ này là có tới hơn 600 loại kimchi khác nhau các ban ạ!

    Do đặc thù và sản vật nông nghiệp của từng vùng mà họ có rất nhiều các loại kimchi khác nhau, làm từ đủ thứ rau, củ, quả, thậm trí là cả đồ hải sản cũng được chế biến thành kimchi; nếu các bạn tham quan các khu chợ truyền thống thì mỗi quầy kimchi bày bán không dưới 30 loại khác nhau.

    Có một loại kimchi rất giống dưa muối bên mình, làm từ lá, cẵng và thân của củ cải trắng mà người Hàn gọi là "물김지" dịch ra là kimchi nước

    Cách làm kimchi cũng đa dạng và biến hoá từ đơn giản cho tới phức tạp, thông thường mỗi bà nội trợ, mỗi nhà hàng có bí quyết riêng của họ để làm ra kimchi có hương vị đặc trưng và chất lượng mà theo họ là ngon nhất.

    Về truyền thống lịch sử và lý do tại sao người Hàn làm ra kimchi thì khá đơn giản là mùa đông ở xứ này lạnh khủng khiếp so với VN mình, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ luồng không khí lạnh thổi xuống từ vùng Siberia và cao nguyên Mông cổ do đó mùa đông là không có rau xanh vậy nên họ tìm cách giữ cho rau xanh có hương vị không thay đổi trong suốt mùa đông và thế là kimchi ra đời; ngày nay đối với nhiều người Hàn một bữa cơm sẽ không thể coi là trọn vẹn nếu thiếu món ăn truyền thống này.

    Kimchi được làm quanh năm để phục vụ cho vài bữa ăn hoặc cả tháng, vài tháng thậm trí cả năm trời nhưng hàng năm vào cuối mùa thu, đầu mùa đông, khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 dương lịch là thời điểm họ chuẩn bị kimchi cho mùa đông nên có thế gọi đây là mùa kimchi và loại phổ biến nhất là kimchi cải thảo.

    Nào, thử xem người HQ làm kimchi thế nào nhé!

    Đầu tiên là việc chọn mua các loại nguyên vật liệu để chuẩn bị làm, mình xin đi sâu ghi chép về kimchi cải thảo nhé vì đây là loại phổ biến nhất mà.

    Cải thảo được trồng trước đó khoảng 2 tháng, lúc này là thời điểm cuốn chắc nhất và lá lại chưa bị khô vì gió lạnh nên sẽ được đưa vào chế biến; chủ yếu họ sẽ chọn các cây cải thảo không quá to, đều nhau, cuốn chắc tuỳ theo nhu cầu mà làm nhiều hay ít. Sau khi đã lựa chọn và phân loại cây cải sẽ được trẻ dọc làm 2, cắt bỏ phần lõi nhưng không được để lá đứt rời khỏi thân sau đó đem rửa, và ngâm vào nước muối để giữ nguyên hương vị rau tươi (tỷ lệ nước muối thế nào cũng là bí quyết, làm sao để không bị mặn, không bị nhạt- mặn thì không ăn được, nhạt thì sẽ nhanh hỏng, không để lâu được); thời gian ngâm nước muối bao lâu lại là kinh nghiệm quan trọng nữa, ngâm lâu cũng sẽ bị mặn và không giữ được hương vị, ngâm chưa đủ thì bị nhạt, nhanh hỏng.

    Khi đạt yêu cầu mong muốn, cải sẽ được vớt ra, để vài tiếng cho ráo nước trước khi được đem đi trộn với các loại gia vị sốt và đưa vào tủ kimchi, theo truyền thống thì họ sẽ chôn kimchi xuống đất để giữ cho nhiệt độ ổn định khi chưa có tủ kimchi.

    Nấu sốt kimchi thì thực sự là bí quyết chỉ được truyền trong gia đình từ mẹ xuống cho con gái, mỗi gia đình, nhà hàng có bí quyết riêng của họ, cũng tương tự như bí quyết nấu nước dùng phở bên mình.
    Về cơ bản có thể nhận thấy sự hiện diện của các các loại gia vị sau trong sốt: rong biển, củ cải trắng, cá cơm khô, thịt bò, một chút nước mắm, muôi. tất cả được ninh nhừ, vớt bỏ phần bã, thêm vào bột gạo, bột ớt khuấy đều và tiếp tục đun đến khi sền sệt giống như tương ớt thì dừng lại, bắc khỏi bếp, để nguội và trộn với cải thảo đã qua sơ chế sau đó chia đều ra các hộp nhỏ khoảng 5kg để cất vào tủ kimchi.

    Một bước quan trọng nữa trước khi đưa vào tủ họ sẽ tính toán xem hộp nào ăn trước, hộp nào ăn sau, thời gian ăn hết mỗi hộp là khoảng bao lâu để thêm một chút muối vào bề mặt của kimchi trong hộp cho hợp lý nhằm giữ được hương vị lâu nhất mà không bị mặn, chua.

    Bạn nào muốn học làm kimchi thì thử xem thế nào nhé.

    Mình thì chả muốn thử làm nhưng ăn thì muốn thử he he, Kimchi cũng như phở bên nhà mình, ăn hoài không chán và có vẻ hơi addictive nữa thì phải.
  3. hoavietco

    hoavietco Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/01/2011
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    0
    đi du lịch Hàn Quốc mùa này có gì hay không nhỉ?
  4. minksvietnam

    minksvietnam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/12/2008
    Bài viết:
    36
    Đã được thích:
    0
    Gia phả và cách đặt tên cho con trai của người Hàn

    Trước tiên nói về cách ghi gia phả của người Hàn, tương tự như của người Việt mình nhưng do văn hoá của họ ảnh hưởng nặng nề bởi đạo khổng hơn nên truyền thống ghi chép này thực sự được thực hiện trong mỗi gia đình tốt hơn bên mình nhiều do đó việc tra cứu lịch sử gia đình ngược lại quá khứ cả mấy trăm năm cũng không phải là việc khó và người Hàn là số ít trong số các dân tộc trên thế giới có quyền tự hào về vấn đề này.

    Về cơ bản thì văn hoá HQ cũng chịu chung ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc như một số nước lân cận với TQ nhưng lịch sử cận đại của HQ không có nhiều trang bi tráng như bên mình tức là họ không chịu sự đô hộ của các nước phương tây,chỉ một thời gian ngắn bị người Nhật chiếm đóng; cũng không phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, thêm vào đó họ chỉ có duy nhất một tộc người Hàn, không phải mấy mươi dân tộc như bên mình nên truyền thống được gìn giữ tốt hơn, ít lai tạp hơn và cũng thống nhất giữa các vùng miền hơn.

    Đạo khổng có một mục, tiêu chuẩn của một người đàn ông là phải có gia đình và con trai để nối dõi, cái này là giống hệt bên mình"nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" thế nên các bác phải tìm cách cho dòng dõi nhà mình rõ ràng nhất, thanh bạch nhất và khi hữu sự, tụ tập nhau lại có thể truy ngược lại được danh phận của một người đàn ông một cách dễ nhất thế là họ có cách đặt tên rất khoa học.

    Đầu tiên là các bậc trưởng bối trong gia đình sẽ hội họp nhau lại, chọn ra khoảng 10, 15 hay thậm trí nhiều hơn nữa, tuỳ quy mô gia đình những chữ có ý nghĩa và đẹp, ví dụ như chữ "헤" nghĩa là mặt trời, "일" nghĩa là ngày, hoặc nhật theo hán văn giống như trong tên của chủ tịch vĩnh hằng bên Bắc Hàn "김정일" được dịch theo hán văn là Kim Nhật Thành sau đó họ sẽ sắp sếp chữ nào trước, chữ nào sau, tuỳ sở thích và ý nghĩa. Tiếp đó họ sẽ lấy chữ đó đặt làm tên và tên đệm cho con theo tuần tự như sau:
    Nếu thế hệ bố lấy chữ đầu tiên đặt làm tên thì thế hệ con sẽ lấy chữ thứ hai đặt làm tên đệm (tên của người Hàn bao giờ cũng gồm 2 chữ), chữ còn lại thì tuỳ thích. Tới thế hệ cháu sẽ lấy chữ thứ ba đặt làm tên, viết như thế này các bạn có vẽ sẽ khó hình dung, để tôi làm một cái ví dụ cụ thể sẽ dễ hiểu hơn nhiều;
    Ví dụ họ nhà tôi chọn 10 chữ để đặt tên bắt đầu là chữ "Nhật", rồi đến chữ "Hiếu", "Trung", "Phúc"....
    Và tên của bố tôi trùng với vòng xoay bắt đầu từ chữ đầu tiên là "Nhật" thì có thể đặt tên là Nhật Minh, Nhật Quý.... và đồng thời tất cả các chú, các bác cùng thế hệ với bố tôi cũng đều có cái tên bắt đầu là chữ "Nhật", đến thế hệ của tôi thì chữ "Hiếu" sẽ là tên chính và bắt buộc phải có, chữ còn lại thì tuỳ chọn, như thế có thể là Hoàng Hiếu, Thế Hiếu..... tất nhiên là tất cả anh em của tôi đều như thế; rồi đến thế hệ con tôi chữ "Trung" sẽ phải là tên đệm, thế là có thể là Trung Hà, Trung Thành.... cứ như thế lần lượt tới hết 10 chữ thì lại quay lại từ đầu.

    Như vậy các bạn thử hình dung sau 200 năm biến cố cuộc đời và những cuộc di dân của nhiều gia đình nhưng chỉ cần có mấy phút là biết người nào đó thuộc thế hệ ông mình, bố mình, mình hoặc con cháu mình khi nhìn vào cái tên của họ, rất thuận tiện, không cần cãi nhau để khẳng định vị trí cũng chẳng phải tốn thời gian để truy tìm gốc gác.
  5. minksvietnam

    minksvietnam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/12/2008
    Bài viết:
    36
    Đã được thích:
    0
    Tinh thần dân tộc của người Hàn

    Nói về tinh thần dân tộc và lòng tự tôn của người Hàn thì ít có dân tộc nào có thể sánh kịp tuy nhiên mặt trái của nó đôi khi khiến người ta phải khó chịu, thậm trí tôi đã từng cảm thấy nó hài hước, lố bịch vô cùng khi chứng kiến họ thể hiện tinh thần dân tộc theo hướng cực đoan.

    Nhân nghỉ tết mấy ngày, có chút thời gian viết hầu các bạn mấy câu chuyện vui đầu năm gọi là xông đất lấy may nhé.

    Mặt tích cực của tinh thần dân tộc đã giúp thúc đẩy kinh tế HQ vươn lên trở thành một trong những cường quốc trên thế giới chỉ trong vòng vài chục năm với các tập đoàn kinh tế hùng mạnh như Huyndai, Deawoo, Samsung, LG,... họ đang sản suất ra những sản phẩm mà cả thế giơí mong muốn, cạnh tranh ngang ngửa với tất cả các thương hiệu nổi tiếng thế giới trong mọi lĩnh vực của đời sống chỉ với khẩu hiệu vô cùng đơn giản mà ngày nay trong nước chúng ta đang hô hào "người HQ dùng đồ HQ"

    Tuy nhiên chính cái tinh thần dân tộc đó khi được tung hê thái quá và được áp dụng quá triệt để đã tạo nên những chuyện cười nửa miệng cho người nước ngoài, hoặc ngay cả những người HQ hiểu biết cũng chỉ biết lắc đầu quay đi khi nghe cái chất giọng cực đoan, bảo thủ của những người có tinh thần dân tộc thái quá này.
  6. minksvietnam

    minksvietnam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/12/2008
    Bài viết:
    36
    Đã được thích:
    0
    Câu chuyện thứ nhất: Số là bà xã tôi là giảng viên đại học nên trong khi giảng dạy đôi lúc có những câu chuỵên ngoài chủ đề để lớp học đỡ buồn tẻ và trong một lần lấy ý kiến cuả sinh viên về các món ăn ngon trên thế gới, trong lớp học có nhiều học sinh quốc tế đến từ nhiều đất nước khác nhau, mỗi người mỗi ý nhưng phần lớn đều cố gắng đưa đến thông điệp về món ngon của đất nước mình.
    Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu không có phần gọi vài sinh viên lên giới thiệu món ăn mà họ cho là ngon nhất và sau đó là ý kiến của các sinh viên khác khi nghe giới thiệu có thấy ngon không, có muốn ăn thử không?
    Có một bạn sv HQ từ đầu đến cuối chỉ nói mỗi câu"tôi là người HQ do đó tôi thích đồ ăn HQ và đồ ăn HQ là ngon nhất, tôi không muốn thử và cũng không cần thử đồ ăn của nước khác". Pó tay chấm com cho suy nghĩ của một người đại diện cho lớp trẻ, trí thức của đất nước này.

    Câu chuyện thứ hai: Công ty mà tôi đang làm việc chuyên sơn các khung, đuôi của xe ủi, xe nâng, máy xúc, vv nhưng các sản phẩm thô trước khi sơn thì được đúc tại Trung Quốc và cả ở HQ nữa. Tuy nhiên nếu so sánh chất lượng và tính mỹ thuật thì sản phẩm được làm tại HQ chỉ bằng 1/2 sản phẩm của TQ do đó công nhân ct tôi mất rất nhiều thời gian để sửa chữa lại các sản phẩm của HQ trước khi đem sơn sao cho sau khi sơn tất cả các sản phẩm phải giống nhau thế mà trong tổ làm việc của tôi có bác HQ, gọi là cũng có trình độ học thức mỗi khi đứng ngắm nghía các khối sắt thô đó cứ gật gù lẩm bẩm khen và nhấn mạnh là "cái này là của HQ, tốt, cái kia là của TQ, không tốt lắm". lúc đầu nghe thấy tôi hơi buồn cười nhưng sau nghe nhiều phát bực tôi hỏi lại "của HQ tốt sao phải tốn gấp mấy lần thời gian để sửa thì mới sơn được? bác thử hỏi tất cả công nhân ở đây xem cái nào tốt hơn? ai cũng có thể nhìn là đã biết, bác cứ nói thế làm gì?" bác ta không trả lời được nhưng mỗi khi không có tôi ở đó vẫn cứ lặp lại cái việc vô nghĩa như thế cứ như thể đó là điều tất yếu trên thế giới này, mà hài hước hơn nữa là vẻ mặt bác ta rất chi là nghiêm chỉnh, thành kính giống như các cụ bên nhà mình mỗi khi đứng khấn trước cái ban thờ tổ tiên.

    Câu chuyện thứ ba: Trong một lần được nghỉ phép, chúng tôi cho cô con gái đi công viên chơi, mọi thứ đều tuyệt vời các bạn ạ, công viên rất sạch sẽ, cây xanh nhiều, mọi người đều có ý thức nên không có các cảnh chướng tai ghai mắt như công viên bên mình.
    Khi trời về chiều, chúng tôi lững thững đi về phía cổng chính để ra ngoài thì bất ngờ có chú sóc nhỏ nhảy từ trên cây thông xuống đất kiếm ăn, con gái tôi mới được hơn 1 tuổi, lần đầu trông thấy con vật bé bé xinh xinh chạy loanh quanh ngay trước mắt thì vui quá reo ầm lên làm bọn trẻ con xung quanh chú ý và cũng kéo nhau tới xem, tất nhiên trong số đó có cả một số người lớn.
    Một bà chạc ngoài 50, ăn mặc lich sự cùng đi với 2 đứa cháu và 2 người lớn khác- tôi đoán chắc là 1 người là con ruột, người còn lại là con dâu hoặc con rể- nói oang oang "con này không phải là của HQ, không đẹp! đi thôi!" thực là miễn bình luận!!!!!
    Con vật bé nhỏ xinh xinh đó sống hoang dã trong công viên của HQ được mang đến từ Mỹ hay sao? mà tóm lại là các bạn hãy tự hình dung cái cảnh lố bịch đó nhé; may mắn là con bé nhà tôi còn nhỏ quá nên cũng chưa hiểu được những câu nói lố bịch như thế!

    Chúc các bạn năm mới vui vẻ, an khang và giàu có theo mọi phương diện!
  7. minksvietnam

    minksvietnam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/12/2008
    Bài viết:
    36
    Đã được thích:
    0
    Thủ tục hành chính của HQ- một lợi ích rõ nét của sự phát triển và văn minh.

    Trước hết thử xem thủ tục hành chính đối với người nước ngoài và khách du lịch ở đây thế nào các bạn nhé:

    Khi tôi mới tới đất nước này thì cũng như tất cả mọi người khi đi đến một đất nước mới nào đó lần đầu thôi, tức là mọi thứ đều mới mẻ và khi có việc phải đến các cơ quan nhà nước thì lo ngay ngáy, có lẽ do sống trong nước và làm việc với các cơ quan hành chính trong nước nhiều nên "thấy cành cong đã sợ" nhưng mà mọi chuyện thực đã chẳng như tôi nghĩ, mọi thứ nhanh vô cùng, tiện lợi vô cùng và chi phí thì lạ thay, rẻ hơn trong nước nếu so sánh cùng một công việc.

    Lần thứ nhất tôi tới phòng xuất nhập cảnh Deagu xin cái visa 1 năm theo dạng thăm thân tức là F21, ngoài các giấy tờ mà vợ tôi phải nộp (chỉ có 3 cái thôi, giấy kết hôn, lý lịch bản thân, hộ khẩu gia đình), tôi phải nộp cả hộ chiếu, lệ phí là 30nghìn won cho cái single entry tức là vào khoảng 27$usd và khoảng 10nghìn won nữa để họ sẽ chuyển hộ chiếu và một cái chứng minh thư cho người nước ngoài tới tận nhà sau đó khoảng 1 tuần, lý do tại sao sau 1 tuần mới có là vì họ sẽ cấp cho cái chứng minh thư.
    Thủ tục từ khi vào của, lấy số thứ tự, điền tờ khai (01 tờ) đến lúc trở ra mất khoảng 15 phút bao gồm cả hỏi tư vấn do lần đầu làm việc này. chi phí tổng số khoảng 35$usd cho 1 năm visa và nhận mọi thứ tại nhà.

    Lần thứ hai tôi tới là sau lần thứ nhất khoảng 1 năm để ra hạn visa, vẫn có cái ly lịch bản thân của vợ tôi, mấy cái khác không cần nữa, hộ chiếu của tôi và cái chứng minh thư, lấy số thứ tự nộp hồ sơ, nộp tiền, nhận lại hộ chiếu và chứng minh thư tất cả mất khoảng 7phút! tốc độ của công nghiệp thật!
    Chi phí cho 2 năm visa, multiple entry 30nghìn won!hết, rẻ không ngờ!

    So sánh với việc hồi con ở bên nhà, cứ mỗi 6 tháng lại phải xin visa cho vợ tôi 1 lần 50$ với đủ các thứ giấy tờ hàng bà nhằng bản chính, bản sao thấy buồn ghê!

    Vậy là tôi tự hỏi: người HQ quản lý thủ tục hành chính như nào mà có thể thực hiện mọi thứ nhanh vây? chả phải hỏi han linh tinh, cũng không bẻ què câu chữ, cũng chả phải chạy chỗ này chỗ kia xin dấu xin má?

    Câu trả lời hêt sức đơn giản là họ áp dụng hệ thống máy tính, một phần mềm quản lý, vài người nhân viên. hết!

    Nói như này có lẽ nhiều bạn chưa hình dung ra được nên để tôi giải thích cụ thể như sau:
    Mọi công dân đã đăng ký quốc tịch(họ không làm khai sinh như bên mình, chỉ có giấy chứng sinh của bệnh viện thôi) trong vòng 1 tháng từ sau khi sinh ra sẽ có một số ID (số cmtnd) và một bản lý lịch trên máy tính, từ đó về sau bất cứ thông tin liên quan gì tới người đó sẽ được cập nhật vào bản lý lịch này thông qua việc đăng ký thông tin của chính cá nhân đó hoặc người giám sát, bảo hộ, cha me và cả các cơ quan hành chính công cộng khác nữa.
    Khi cần có bản lý lịch này người công dân chỉ việc tới phòng hành chính địa phương, đưa cmt ra và yêu cầu được cấp bao nhiêu bản tuỳ thích, sau đó đóng dấu, trả tiền giấy photo và tem là xong. Tất cả các loại giấy tờ hành chính khác cũng quản lý tương tự như vậy; do đó khi đem nộp hồ sơ họ chả tốn thời gian nhiều trong khâu xét duyệt, cũng chả sợ bị bắt bẻ câu chữ,...và cũng chỉ tốn ít thời gian chờ đợi cho lần đầu tiên thôi vì sau đó mọi thứ sẽ được lưu vào hệ thống.

    Còn khi có việc phải chờ mấy ngày mới nhận được kết quả như làm hộ chiếu, xin visa lần đầu như của tôi ở trên,...., chả bao giờ phải tốn công đi lấy, mua tem gửi chuyển phát nhanh có bảo hành bán ngay tại nơi nộp hồ sơ (việc này là bắt buộc)nộp cùng, sau đó sẽ nhận tại nhà! giảm cơ man nào là chi phí không cần thiết cho xã hội!

    Nhân nói về thủ tục hành chính tôi muốn kể cho các bạn một chuyện, tin hay không là ở các bạn nhưng chuyện là có thật 100% vì nó xảy ra với tôi và tôi cũng "nghe" rất nhiều người VN nói về chuyện tương tự xảy ra với họ.
    Chuyện liên quan tới Đại Sứ Quán Việt Nam tại HQ, do đó không thể phát ngôn bừa bãi hoặc là bịa đặt được.

    Tôi cần ra hạn hộ chiếu!
    Nghe cực kỳ đơn giản, thế mà cái việc đó diễn ra y như tôi đi mua thuốc lắc ở trước cửa trụ sở công an bên nhà mình vậy.

    Tự cho là mình cũng khá am hiểu luật pháp, thủ tục hành chính và tác phong làm việc của đồng bào mình nên trước khi lên ĐSQ để ra hạn hộ chiếu tôi đã cẩn thận gọi đt tới ĐSQ để hỏi về thủ tục giấy tờ và chi phí:

    Lần thứ nhất gọi đt:
    "a-lô" giọng một người trẻ tuổi trả lời trên đt
    "vâng, chào anh. cho hỏi đây là ĐSQ VN đúng không ạ?" tôi nói
    "vâng, đúng rồi"
    "anh cho hỏi về thủ tục và giấy tờ để ra hạn hộ chiếu là như thế nào ạ?"
    "bây giờ không có gia hạn mà chỉ làm mới thôi, giấy tờ chuẩn bị bao gồm....."
    "vâng, cám ơn anh, cho hỏi nữa là lệ phí là bao nhiêu ạ?"
    "cái đó tuỳ, lấy nhanh hay lấy thường"
    "vâng, cụ thể lấy thường là bao nhiêu ạ?"
    "cứ lên đây sẽ biết."
    Tôi chột dạ, có gì đó không ổn rồi, "vâng, cám ơn anh, chào anh"- kết thúc!

    Mấy ngày sau tôi cứ suy nghĩ về câu trả lời cuối cùng, không ổn, tôi phải gọi lại, hỏi cụ thể mới được!

    Lần thứ 2 gọi đt:
    Có tiếng bắt máy nhưng không có "a-lô" tôi hỏi"alô, ĐSQ VN đúng không ạ?"
    "vâng"
    "chào anh, tôi muốn hỏi về việc làm mới hộ chiếu..." chưa đợi tôi nói hết câu người đó nói ngay" chuẩn bị......."và cúp máy- tôi nhận ra giọng nói của người trẻ tuổi lần trước!
    Bực quá! tôi gọi lai; có tiếng bắt máy và giọng người trẻ tuổi đó "alô"
    "tôi muốn biết cụ thể lệ phí làm thường là bao nhiêu?" tôi nói luôn
    "cái đó có niêm yết giá của bộ tài chính, cứ lên sẽ biết" cúp máy
    Bực hơn nữa, tôi làm một câu chửi thề" **** you"
    Không đầu hàng, tôi chờ khoảng 1 tiếng sau bình tĩnh lại tôi gọi lại lần nữa
    lần này là một người trung niên bắt máy, ăn nói có vẻ lich sự nhưng cũng không trả lời lệ phí là bao nhiêu mà cũng chỉ nói"có quy định của bộ tài chính"

    Quyết tìm hiểu bằng được, tôi vào internet, tìm ĐSQVN tại HQ phần lệ phi lãnh sự

    Có đây rồi: 70usd, nếu lấy trong ngày thêm 30% lệ phí nữa, ngày sau lấy thì thêm 20% lệ phí nữa, tạm ok
    nhưng này: có cả mục ra hạn hc là sao? trong cái hc của tôi, tôi cũng biết là có phần đó, như này là sao? có lẽ là giờ không áp dụng, tôi tự trả lời để khỏi phải suy nghĩ lung tung nữa!

    Sơ sơ cũng biết cần chuẩn bị bao nhiêu tiền để lên Seoul rồi, 1 tuần sau tôi lên Seoul, tìm mãi cũng thấy chỗ cần tìm nhờ sự giúp đỡ của một người bạn HQ tốt bụng đang sống ở đây.
  8. minksvietnam

    minksvietnam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/12/2008
    Bài viết:
    36
    Đã được thích:
    0
    Tiếp theo câu chuyện đi làm lại hộ chiếu của tôi.

    Khi tới ĐSQ, nhìn từ bên ngoài thì khá giống nhiều cơ quan nhà nước cũ bên mình, cũng mái ngói hơi đo đỏ, tường rêu và một cái cổng kiểu cũ như bên VN.

    Vào tới sân, tôi để ý thấy có 4 phòng làm việc, 1 phòng ghi là nơi nộp hs, 1 phòng ghi nơi nhận kết quả, 1 phòng ghi nơi tiếp công dân (tức là phòng chờ- theo cách gọi của nhân viên ở đây), tôi bước ngay vào phòng tiếp công dân, chả có ai là nhân viên của ĐSQ ngoài một nhóm khoảng gần chục người cả Hàn cả Việt, nam nữ lẫn lộn đang điền tờ khai và tán chuyện với nhau. Bước thẳng sang phòng nộp hs, nhìn quanh một hồi tôi biết đây cũng chính là nơi lấy tờ khai, và nhận ra người đàn ông trung tuổi qua giọng nói. Trong lúc chờ tới lượt mình tôi quan sát xung quanh và nhớ tới câu nói của vợ trước lúc ra khỏi nhà "anh cầm thêm tiền mặt đi, em biết cách làm việc của người VN và trước đây tới đó mấy lần rồi, giống như cửa hàng photocopy bên VN lắm"- tôi thấy hơi tự ái nhưng cũng cầm thêm ít tiền mặt theo cho yên tâm. Sau khi nhận tờ khai, không có hướng dẫn gì hết, người đàn ông trung niên bảo tôi sang phòng chờ điền và mang lại đây nộp. Quay lại phòng chờ để điền tờ khai tôi tranh thủ hỏi một câu bâng quơ "chả biết lệ phí bao nhiêu nhỉ? hỏi mãi chả nói"
    Tức thì một người thanh niên nói luôn, "lấy thường là 85000 won= khoảng 80$, lấy nhanh là 180.000won=khoảng 170$- trong ngày luôn", hơi giật mình tôi hỏi lại"chắc không?" người phụ nữ trẻ tuổi ngồi ngay cạnh đáp thay" bọn này ch.. chết lắm anh ạ, làm tiền kinh khủng, tý anh sang sẽ biết, tiền thì thật đấy", chết, ngồi ngay cạnh phòng làm việc của cán bộ mà dám nói như thế à, có lẽ là thật rồi!
    Thôi, tôi không nói gì nữa, quay vào điền tờ khai và tranh thủ nhìn lướt xung quanh, lời vợ tôi không sai một chữ nào cả!

    Điền tờ khai chưa xong thì nghe có tiếng cãi nhau rất to ở ngay cửa ra vào, vì cửa vào phòng chờ và phòng nhận kết quả nằm sát nhau nên tôi đoán nó xuất phát từ phòng trả kết quả khi người ta mở của đi ra, vừa đi vừa cãi nhau.
    "anh nói gì?"- tôi nhận ra ngay giọng của người trẻ tuổi đã mấy lần cúp máy rất mất lịch sự với tôi
    "chả nói gì, chỉ nói đúng, mấy man (cách gọi tắt bằng tiếng việt cho mấy chục nghìn won- tương đương mấy chục $)- đối với thằng này chả là *** gì!"
    "không biết thì đừng có nói" người nhân viên ĐSQ lại hét lên xong không có câu nói tiếp theo nào nữa!

    Thấy khiếp quá rồi! tôi lại quay lại điền tờ khai và tranh thủ hỏi mấy câu nữa thì được mấy người nhao nhao kể những chuyện "ăn bẩn" và tranh thủ chửi thề cốt để mấy người ở phòng bên cạnh phải nghe thấy! Đúng là khủng bố tinh thần tôi rồi!

    Xong tờ khai, tôi đứng lên đi nộp và lần này cố ý tìm xem cái biển tên của người nhân viên đáng kính kia đang ngụ ở đâu nhưng chịu!không có hoặc có nhưng họ đeo ở đâu mà tôi không thể thấy!xem xét khoảng 2 phút, người đó bảo HS của tôi xong rồi và đưa cho cái giấy hẹn 3 ngày sau quay lại lấy, vào đúng ngày chủ nhật, lạ thật!chuyện chưa nghe bao giờ- tôi biết ông chú lịch sự này đang làm choè với một người trí thức lịch sự trước mặt thôi chứ ông có cần quan tâm tới cài ngày hẹn là ngày nào đâu vì ông biết chắc sẽ chả có người VN nào chờ đến ngày hẹn để tiêu tốn thêm mấy trăm $ nữa khi quay lại đây.
    "Xin chú cho lấy ngay hôm nay" tôi nói
    "vậy anh ghi lên trên đầu đây, đề nghị lấy ngay", "xong rồi, sang phòng kia chờ, lúc nào có sẽ gọi"
    "dạ, xin chú cho biết cụ thể khoảng mấy giờ sẽ có vì cháu muốn ra ngoài chút xíu"
    "khoảng 12h sẽ có"
    "vâng, cám ơn chú"

    11h30, có đt gọi tôi tới ĐSQ để được cấp HC, nghe giọng nói tôi bắt ngay được người ta đang muốn giơ cái bánh ra trước mặt để thu hút sự chú ý của tôi trong khi tay kia sẽ móc túi tôi, nhưng mà không sao, tôi đã nghe, đã nhìn và đã chuẩn bị tinh thần! hơn thế tôi là một trí thức yêu nước của nước Đại Cồ Việt nên luôn sẵn sàng vui lòng để đồng bào mình bóp hầu, móc túi!

    Tất cả những điều trên cũng chưa bằng những gì xảy ra ở ngay cái phòng trả kết quả; khi tôi bước vào phòng nhìn thấy một chị đang trả kết quả, một bác lớn tuổi ở một bàn bên cạnh; tôi nói tên và lý do vào phòng, bác ta chỉ một người đàn ông trẻ tuổi, đi dép lê, mặc thường phục cũng vừa bước vào phòng, "cháu hỏi anh này nhé". Lạ thật, đây là ĐSQ của một nước đàng hoàng mà sao nhân viên không ai có tên nhỉ, tôi nhìn quanh một lượt nữa, chắc chắn rồi, không ai có biển tên, cũng không ai có bảng tên trước mặt! thua!
    Tôi nói lại tên và lý do vào phòng, anh ta bảo tôi "đứng chờ" vì trong phòng chả có cái ghế nào!tôi nhận ra anh ta ngay qua giọng nói!

    Lát sau đến lượt mình, chị nhân viên hất hàm hỏi tôi"sao phải điện thoại?"
    "dạ, vì em vừa ra ngoài"
    "sao ra ngoài?"
    "mịa mày, mày mà là nhân viên của tao thì với thái độ này tao phải cắt thưởng 3 tháng" tôi nghĩ nhưng đáp nhẹ nhàng" chú phòng bên bảo khoảng 12h mới có, em ra ngoài uống cốc nước, chưa về kịp"

    "em ra góc đây gặp anh Minh, cán bộ cao nhất ở đây, anh ấy muốn hỏi em mấy thứ" thay đổi thái độ chị ta nói, uhm, ít ra thì bây giờ tôi cũng sẽ làm việc với một người có tên- tôi nghĩ-nhưng mà sao vẫn thường phục, vẫn không bảng biển gì thế này.

    Trong khi người đàn ông được gọi là Minh hỏi tôi mấy thứ linh tinh về vợ con thì người phụ nữ trả hc cho tôi, vờ như mắc bẫy, tôi hỏi rất nhẹ nhàng" của em hết bao tiền ạ?"180.000won"- bằng 2 lần con số ghi trên thông báo của bộ tài chính được dán trên web của ĐSQ. không thay đổi thái độ, tôi móc ví trả tiền và xin hoá đơn tài chính.
    Nghe thấy từ hoá đơn, người phụ nữ không nói gì, chần chừ một lát laị bảo tôi hỏi anh Minh, tôi lặp lại câu hỏi với người đàn ông tên Minh, vì ngồi sau cửa kính nên phải đến lúc này khi tôi nói qua ô cửa bé xíu anh ta mới nghe thấy, lập tức thay đổi thái độ hoà nhã, anh ta nói liến thoắng" làm nhanh thì không có đâu em, làm thường thì có luôn"
    "sao lại không có ạ? sao nhanh thì không có mà thường thì có?"
    "vì một tháng chỉ xuất hoá đơn 3 lần thôi, 01, 15 và 30 hàng tháng"
    "nhưng mà em cần"
    "nếu em cần thì ngày 15 lên lấy đi"
    "gửi tới nhà cho em được không?"
    "không được đâu, phải trực tiếp lên lấy"
    Thoáng qua trong óc tôi lại có một câu chửi thề vì ngày tôi lên làm là ngày 7, ngày hẹn lấy thường là ngày 9, vậy là trong 1 câu trả lời ngắn thôi đã có bao nhiêu điều mâu thuẫn?

    Tôi làm trong nghề du lịch, khách sạn cả chục năm trời, tiếp xúc đủ thể loại tây, quản lý nhân viên đủ mọi trình độ không lẽ dừng chân ở đây. áp dụng chút kinh nghiệm làm việc tôi nhìn xoáy vào mặt người đó, "vậy anh viết cho em cái hoá đơn viết tay có dấu hoặc cho em cái giấy hẹn chắc chắn"
    "không được đâu, mà sao em cần?" vừa nói vừa nhìn đi chỗ khác anh ta trả lời tôi "cứ ngày 15 em lên lấy đi, thế nhé!"rồi anh ta quay ra ký vào chồng visa để sẵn trên bàn.

    Tôi đứng dậy, chào một câu thật to, đặt một nụ cười khẩy lên môi nhìn hết lượt những người vô danh và đẩy cửa bước ra ngoài!
  9. minksvietnam

    minksvietnam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/12/2008
    Bài viết:
    36
    Đã được thích:
    0
    Hệ thống giáo dục của HQ có phải là lựa chọn cho thành công tương lai?

    Ấn tượng đầu tiên của tôi về hệ thống giáo dục ở đây là một người tốt nghiệp đại học chuyên nghành tiếng Anh mà gần như không thể nói một câu chào hoàn chỉnh bằng tiếng Anh, rồi đến những em bé ra khỏi nhà vào lúc 6h30 hay 7h sáng để đến trường và trở về nhà vào khoảng lúc 11h đêm, không hiểu người học đã học cái gì và người dạy cũng đã dạy cái gì?!!!!!

    Tôi bắt đầu để ý tìm hiểu và không khó để có được cái nhìn tổng thể:

    Mặt tích cực của hệ thống giáo dục bên này là:
    Được đầu tư bài bản, đồng bộ, và có sự quan tâm của chính phủ cũng như toàn xã hội.

    Cơ sở hạ tầng rất tốt và luôn được cập nhật, nâng cao theo chuẩn quốc tế

    Học sinh bắt đầu đi học muộn hơn bên mình, cụ thể là tuổi vào lớp 1 là 8 tuổi, và cùng có hệ thống đào tạo phổ thông 12 năm, 4 năm ĐH cho các chuyên ngành thông thường, 2 năm Master, 2 năm nữa cho Dr. về cơ bản khi nhìn vào khung giáo dục như này thì thấy khá thoải mái nhưng các vấn đề của mặt trái nảy sinh thì thật sự hóc búa hơn nhiều.

    Mặt trái của hệ thống:
    Cũng giống như hầu hết các nước châu Á, các bậc phụ huynh luôn đề cao vấn đề giáo dục một cách quá mức và theo họ học bao nhiêu cũng vẫn là chưa đủ

    Chạy theo bằng cấp là một vấn đề nữa, dù chả để sử dụng trong công việc chuyên môn hàng ngày nhưng một anh công nhân vẫn nhất quyết phải có bằng được một tấm bằng ĐH, còn học hay không thì không cần quan tâm.

    Số lượng các trường ĐH ra đời quá nhiều từ nhu cầu bên trên đã dẫn tới cung vượt quá cầu và để tồn tại họ buộc phải có chính sách thu hút du học sinh nước ngoài tuy nhiên các trường ĐH lớn thì vẫn áp đảo về mức độ hấp dẫn đối với du học sinh thế nên hệ quả là các trường vừa và nhỏ buộc phải nới lỏng các quy định trong đó đáng kể nhất là việc không bắt buộc học tiếng HQ 1 năm trước khi vào học chính thức, rồi việc này cũng dẫn tới nhiều SV sau vài năm du học về mà chuyên ngành vẫn không thông, tiếng cũng không thạo!

    Những điều mắt thấy, tai nghe:
    Một khoa tiếng HQ cho người nước ngoài của bà xã tôi ở trường ĐH không có nhiều hơn 20 SV và đến hơn 1/2 là chưa qua nổi bài thi TOPIK trình độ 2 khi thi kiểm tra chất lượng sv đầu vào. Như vậy thì các chuyên nghành khác sẽ thế nào?

    Học sinh khi bắt đầu vào cấp 2 cho đến khi hết cấp 3 hầu hết đều đi học 2 buổi 1 ngày, học thêm vào buổi tối và cuối tuần, về nhà vào khoảng lúc nửa đêm để sáng hôm sau lại đi ra sớm!

    Tại công ty tôi đang làm việc có 3-4 bạn HQ có trình độ Master làm các công việc tay chân nhưng cũng phải mất tới khoảng 6 tháng mới quen việc trong khi đó các lao động nước ngoài đến đây chỉ mất khoảng 1 tuần cho tới 1 tháng là thành thục hoàn toàn!

    Con gái tôi khoảng 2 tuổi, bắt đầu đi lớp mẫu giáo được khoảng 3 tháng nhà trường đưa về chương trình giáo dục kín mít một ngày, ặc ặc!!! tuy vẫn phân chia thời gian ăn ngủ hợp lý nhưng ở tuổi này thì học cái gì chứ!!! sau khoảng 3-4 ngày con bé stress quá, nhất quyết không muốn đi lớp dù khi đi lớp cháu không khóc nhè bao giờ. tôi xem xét lại vấn đề và quyết định mỗi ngày con chỉ đi lớp 4-5tiếng thay vì 8tiếng, và cũng chỉ 4 ngày/tuần. Thời gian còn lại tôi cho đi công viên, vườn thú, vườn hoa, trekking(bên này núi nhiều nhưng thấp và đường khá dễ đi nên trekking thoải mái) ngoài ra cho theo người lớn đi làm, chơi với các con thú nuôi trong nhà. Kết quả thực sự khả quan hơn rất nhiều.

    Ngày còn ở bên nhà đôi khi có tiếp xúc với các bạn du học sinh về nước làm việc, nhiều bạn thực sự có năng lực chuyên môn rất tốt nhưng cũng nhiều bạn làm mình phải đặt những câu hỏi như phần đầu của bài viết này. Suy cho cùng thì chả có gì là tốt hoàn toàn và cũng chả có gì là xấu tuyệt đối; nếu biết tận dụng những điểm mạnh, hạn chế tối đa điểm yếu thì mọi sự đều có thể!

    Các bạn có ý định sang bên này du học nên cân nhắc kỹ sao cho sau khi du học về vừa có chuyên môn giỏi lại có thêm một ngoại ngữ nữa thì lo gì tương lai không sáng sủa!

Chia sẻ trang này