1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những làn điệu dân ca và bài hát về xứ Nghệ

Chủ đề trong 'Nghệ Tĩnh' bởi nhoclocchoc, 06/07/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. bitter_beer

    bitter_beer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/07/2003
    Bài viết:
    892
    Đã được thích:
    0
    Posted by @gungland Apr, 2004
    Những Câu Hát Phường Vải
    Nguyễn Sĩ Đại
    Tôi sinh ra giữa bốn bề tre nguyên thủy cây tre già chặt đi làm nhà thì măng mới mọc lên. Tuổi thơ tôi bồng bềnh trên chiếc võng chõng, mắt mở xanh màu dâu vườn, dâu bãi; tai lắng còn nghe tiếng lách cách thoi đưa, tiếng xè xè của xe quay sợi. Nhưng không còn những đêm hát ví. Chỉ thấy mẹ tôi lúc nào cũng tất bật. Người bảo: Nuôi lợn ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng.
    Mẹ tôi xưa là người con gái đẹp của làng, có bằng Primaire Tây học. Nhưng ông nội tôi lọt mắt và hỏi làm dâu chỉ vì mê điệu hái dâu.
    Ông nội tôi làm lý trưởng. Nhưng bên trong, ông làm chính trị. Những cuộc họp kín thường diễn ra ở nhà tôi. Ông bị Pháp bắt. Ra tù, ông thôi làm chính trị, một mình, một ngựa bạch ngao du sơn thủy, đi hát ví, hát đúm tận Nam Đàn, Nghi Xuân, có khi kéo bạn hát về nhà cơm rượu hò hát mấy ngày liền. Thời ấy hát, sau này các cô tôi bảo, là:
    Hát cho đổ quán xiêu đình,
    cho long lanh nước, cho rung rinh trời,
    hát cho ngày rạng đông ra,
    mai về quan bỏ nhà pha cũng đành"...
    Cấy hát, gặt hát, ngược nguồn xuôi bè hát, phường nón, phường vải hát. Nhàn rỗi, không phường gì trăng thanh gió mát cũng hát. Mà nên một vùng dân ca xứ Nghệ đậm đà.
    Khi tôi lớn, ông bà đã mất. Làng xóm đi vào hợp tác, có cái rộn rịp của sản xuất mới và bình dân học vụ, khẩu hiệu viết trên nong trên mẹt treo đầy các ngõ. Nhưng những đêm hát ví thì đã đi vào quá vãng. Chỉ khi mẹ tôi đi vắng, không bị hối việc, có các cô về, cô cháu gợi chuyện, các cô mới hát cho nghe.
    Trong làng có một người phụ nữ dệt lụa rất đẹp tên là bà Hạnh. Bà Hạnh chỉ ngồi khung cửi không bao giờ ra ruộng cho nên nước da trắng và bà hay hát. Có dạo, không tròn bóng (buổi trưa) nào mà tôi không đến ngồi ở bậu cửa bà Hạnh để nghe bà kể chuyện và hát.
    Xin trời hãy nắng khoan mưa
    Cho dâu xanh bãi, cho vừa lòng tằm
    Khi mô cho đến tháng mười
    Đọi cơm khúc cá vừa cười vừa ăn
    Không hiểu sao, một đứa bé chưa sạch mũi như tôi hồi ấy lại mê:
    Đã thương thì thương cho chắc
    Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn
    Đừng như con thỏ nọ nó đứng đầu chuồng
    Khi vui giỡn bóng, Khi buồn bỏ đi...
    ???????
    Thương em răng được thì thương
    Đừng trao gánh nặng trữa (giữa) đường tội em
    Cầm vàng mà lội qua rào
    Vàng rơi không tiếc, tiếc bộ má đào của em
    Rồi bà kể: có anh đi hát phường vải, chẳng may đường trơn bị ngã. Các cô trong nhà cười ầm và hát vọng ra:
    Đến đây hò hát làm thân
    Cái đầu bái lậy trước sân làm gì?
    Chàng trai là người thông minh, cũng chẳng phải vừa:
    Đất đâu có đất lạ lùng
    Đứng thì chẳng chịu, nằm cùng thì cho
    Với cái anh bạo mồm như vậy, còn ai dại trêu ghẹo làm gì?
    Làng tôi là làng Đông Tây. Hình như xưa là người các nơi đổ về. Đông - Tây chí biện đổ hân hân. Cả một vùng Can Lộc kẹp giữa Trà Sơn và Hồng Lĩnh, hầu như làng nào cũng nổi tiếng. Phía đông làng tôi là Trường Lưu, quê hương Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ. Phía bắc là Song Lộc, quê của thám hoa Phan Kính. Phía tây bắc là Thường Nga, Thường Nga cửu thế cửu cung phi, chín đời hạ và phi để có một tên làng.
    Làng tôi chỉ nổi tiếng với một câu: "Lộ Đông Tây bất khả hành". Vào mùa mưa lụt, đường trôi xuống ao xuống ruộng, có chỗ bám được gốc tre, gốc duối; có chỗ phải đứng chôn chân trong bùn đến đầu gối. Không có người kéo, tự mình không rút khỏi. Chỗ lầy lội là chỗ điền địa tốt. Nghe nói xưa làng tôi chưa mở kho thóc, dân Đức Thọ chưa có gì để làm hàng xáo.
    ....................
    Tôi xa hẳn làng vào những năm chiến tranh ác liệt, ở tuổi thiếu niên. Và đến tuổi bốn lăm mới lại trở về. Bà Hạnh và nhiều người đã chết. Cả làng bây giờ không còn khung cửi và gốc dâu nào nữa. Mẹ tôi lụi hụi với tuổi bảy mươi, nửa hồn héo hắt ở phương nam, nơi anh tôi ngã xuống; nửa hồn nhớ cháu nhớ con ở tám phương, chín phương mà không dễ tìm thăm.
    Rõ ràng, trong mắt người đứng tuổi và nhiều lịch dịch như tôi, ngôi làng quê trở nên nhỏ bé. Dĩ nhiên, đi đêm không còn sợ ma. Gặp hiện tượng gì, lý trí cũng tìm cách giải thích.
    Thế mà ngày xưa, mỗi cánh đồng là một vùng đất mới lạ. Trong mỗi khóm tre, bụi chuối, đỉnh núi, trời sao đều có ma quỷ, thánh thần, sự linh thiêng. Ngôi làng là cả một bao la vũ trụ, bao la nhân thế. Người ta đã mất đi quan niệm ấy cùng với tuổi thơ. Nhưng bù lại, người lớn sẽ hiểu hơn cái thăm thẳm của hồn làng khi nghĩa địa là nơi vùi chôn những người mình đã từng chung sống. Cái mất, cái còn của làng và của mình cứ quấn quýt đan xen, hư thực mờ ảo. Nhiều khi cái trước mắt là xa, cái xa thì gần, bồn chồn, rạo rực. Một người Trung Quốc xưa có nói:
    Khi đi trẻ, lúc về già
    Giọng quê không đổi, tóc đà khác bao
    Trẻ con nhìn lạ không chào
    Cho nên cười hỏi: "Khách nào lại chơi"
    Tôi không khác người Trung Quốc đó. Ôi làng quê Việt Nam bao giờ cũng dành cho những đứa con đi xa một nỗi nhớ thương và tình cảm đặc biệt. Phải sống lại với làng, phải tròn trịa với quê hương, phải tìm lại những gì đã mất, đã chưa kịp kết khí trong hồn với tôi gần đây thành một điều thôi thúc. Tôi là con của làng, mà đâu biết phong hóa tập tục, từ chuyện cưới xin, ma chay, phải đọc Phan Kế Bính từ con số không mà lẽ ra phải ngược lại... Những câu mẹ tôi ru em xưa nghe buồn bã, ứ đầy tâm sự mà đâu tôi có hiểu được lòng Người, ngõ hầu làm Người vơi nhẹ, nào những:
    Chim xanh xanh ăn trái xoài xanh
    Ăn no tắm mát lên nhành nghỉ ngơi
    Cực lòng lan lắm huệ ơi
    Kiếm nơi mô im mát, huệ ngồi cho lan phân
    Vì sương cho núi bạc đầu
    Biển lay vì gió, hoa sầu vì mưa
    Lịch sử hiện đại đất nước, không biết bao thăng trầm, biến động, bao phen nhân thế khóc cười. Có tâm sự phải im nén cả đời không thể tỏ bày. Có nỗi đau thương phải trời xanh kia may thì mới hiểu. Đó là bên trong. Bên ngoài, mẹ tôi là một người sôi sục hoạt động xã hội, mới nghỉ gần đây. Đã có lúc Người được điều lên huyện, lên tỉnh. Nhưng chồng thoát ly, một nách bảy con, Người đã hy sinh vì chúng tôi hết thảy. Một nách bảy con vào những năm đói kém, ác liệt nhất của lịch sử, sự nuôi dạy của Người đối với chúng tôi không thể đủ đầy. Nhưng có sự bày dạy lặp đi lặp lại, đọng với chúng tôi qua thanh lọc thời gian, đó là quý nhất là con người. Làm người cái quý nhất là sự thật thà và trọng nghĩa khí. "Khôn ngoan kẻo lọ thật thà". Không chỉ hát ru, ngày thường, Người vẫn dạy chúng tôi bằng những câu lục bát: "Có vàng vàng chẳng hay phô - Có con con nói trầm trồ mẹ nghe", "Muốn cho tình nghĩa lâu dài - Đừng coi của trọng hơn người mà hư"...
    Tôi hỏi Người về hát phường vải. Người bảo: Đi mà hỏi o Thắng là người cô thứ năm, bẩm sinh thông minh, ông tôi chỉ cho đi học đến biết đọc, biết viết nhưng có trí nhớ lạ lùng. Vào những năm chiến tranh quê tôi rộ lên phong trào hò - hát đối đáp giữa làng này với làng khác, giữa làng với bộ đội cô luôn được mời làm "cố vấn" để đặt lời. Mẹ tôi gặp lần nào cũng đuổi về, nhưng rồi đêm nào cô cũng băng đồng túm tụm với bọn trẻ.
    O Thắng kể: Hát phường vải thường hát tự nhiên, ai thích gì hát nấy. Có khi mấy chị em hát với nhau. Lâu lâu mới có đám hát, nghe tiếng nhau mà có những anh nho (nho sinh), thầy ký (thư ký) đến hát thì lúc đó, hát có lớp lang như hát dặm, hát chào, hát mời, hát hỏi, hát đố, hát xe duyên, hát tiễn hẹn.
    Rồi cô hát, câu hát chào:
    Đến đây đông thật là đông
    Chào bên nam thì mất lòng bên nữ
    Chào quân tử thì sợ dạ thuyền quyên
    Em chào chung một tiếng kẻo chào riêng bạn cười...
    Câu hát xe duyên:
    Thiếp thương chàng đừng cho ai biết
    Chàng thương thiếp đừng để cho ai hay
    Rồi ra miệng thế lắt lay
    Cực chàng chín rượi (rưỡi) khổ thiếp đây mười phần
    "Hay rứa lạo (lão) nạ"! Hay! Tôi đáp. O bỗng bật cười rồi dụi dụi mắt. Những gì của O trong tiếng cười, trong giọt nước mắt vừa ứa? Tôi đã nghe nhiều Xuân Năm, Hồng Năm, Lệ Thanh hát những câu hát này. Nhưng không thấy được giọt nước mắt trên má răn reo của người cô luống tuổi. Ngoài kia, lúa mùa vừa chín. Những quả khế non lích rích dưới chân chim, thảng hoặc những lá vàng rụng từng chiếc xuống sân đất thật nhẹ. O lại hát:
    (Chơ)
    Anh đến giàn hoa thì hoa đạ (đã) nở
    Anh đến bến đò thì đò đạ sang sông
    Anh đến tìm em thì em đạ lấy chồng
    Em yêu anh như rứa, hỏi có mặn nồng lấy chi...
    (Chơ)
    Anh đến giàn hoa, hoa đến thì thì hoa phải nở
    Anh đến bến đò, đò đầy thì đò phải sang sông
    Đến duyên em, cha mẹ gả thì em phải lấy chồng
    Dừ trách nhau chi lắm nựa (nữa), để cực lòng nhau thêm...
    Ôi những chuyến đò! Đò đầy thì đò phải sang sông... Những chuyến đò chở ai về hạnh phúc và chở ai về oan trái? Rồi chuyến đò thời gian chở những đời người đi đâu mà mải miết? Giấc mộng kê vàng, thế sự du du... Nhưng thôi, vận vào mà chi cái nỗi buồn thiên cổ!
  2. bitter_beer

    bitter_beer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/07/2003
    Bài viết:
    892
    Đã được thích:
    0
    Posted by @gungland Apr, 2004
    (tiếp theo)
    Hôm nay, tôi muốn theo câu hát của cô tôi mà về Trường Lưu, làng hát phường vải nổi tiếng nhiều đời. Nơi đây Nguyễn Du đã về hát và nhiều câu Kiều từ những buổi hát này mà nên.
    Người xưa ví:
    Xôi nếp cái, gái Trường Lưu
    Văn nhân tài tử dập dìu
    Xăm xăm tìm nẻo Lam Kiều lầu sang.
    Lam Kiều là một địa danh ở quê tôi, có trường Lam Kiều nơi nuôi dưỡng tài năng của Giáo sư Nguyễn Đình Tứ. Đọc Nguyễn Du ta thấy có "Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ":
    Những ngỡ trăm năm trước hẹn hò đã chắc, để phũ phàng ba chốn bốn nơi; Nào ngờ tháng sau này tệ bạc làm sao, bỗng tống táng một tuần hai ả...
    "Hai ả" đó là o Uy, o Sạ, những nhân vật có thật. Nguyễn Du đã từng băng từ Tiên Điền (huyện Nghi Xuân) sang Tràng Lưu (Can Lộc) 40 cây số để đi hát và "dốc lòng gắn bó" duyên trăm năm. Chính sau này, khi Nguyễn Huy Quýnh "Thác lời gái phường vải Trường Lưu gửi trai phường nón Tiên Điền":
    Trảng mai hầu trở ra về
    Hồn tương tư hãy còn mê giấc nồng
    Cơi trầu chưa kịp tạ lòng
    Tỉnh ra khách đã non sông mấy vời
    Nguyễn Du cũng "Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi gái phường vải Trường Lưu" rằng:
    Tím gan cho cái sao mai
    Thảo nào vác búa chém trời cũng nên
    Về qua liếc mắt trông miền
    Lời oanh giọng ví chưa quên dằm ngồi
    Giữa thềm tàn thuốc còn tươi
    Bã trầu chưa quét nào người tình chung
    Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
    Đò cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu...
    Văn là văn viết chơi mà tình là tình thật, đậm đà xiết kể. Sự ra đi của những người con gái "sắc đành đòi một, tài đành họa hai" ấy chắc để lại trong lòng Nguyễn không ít trống vắng để khi về quê nhà, trước cửa biển chiều hôm thấp thoáng thuyền về, thức nhận những cuộc tình, những số phận khác nào cánh buồm lẻ bên trời, man mác hoa trôi! Những bia tiến sĩ còn đây, Truyện Kiều còn đây mà o Uy, o Sạ, o Cúc chàng Nguyễn xưa, một chàng Nguyễn xắn quần lội bùn sông Cài đi hát thì đã mất tăm trong vũ trụ, không biết có còn gì trong hồn cây, hơi gió quê hương?
    Từ Trường Lưu tôi lại về Kim Liên. Đây cũng là một cái nôi của ví phường vải Nghệ An. Câu lạc bộ Phường Vải mới thành lập lại. Tôi đã được nghe nghệ nhân Trần Văn Tư hát và kể cho nghe tài hát của bà Hoàng Thị An. Thế đấy. Không có người mẹ thì cả anh hùng và thi nhân đều không có. Không phải chỉ đẻ ra mà là nuôi dưỡng. Những phụ nữ như o Uy, o Sạ, o Tiu, o Nhẫn, bà An... lặng thầm, bền bỉ nuôi dưỡng hồn dân tộc. ở Kim Liên, các bước ví phường vải cũng như quê tôi nhưng tên gọi khác: hát dạo gọi là hát lơ lửng, hát xe duyên gọi là hát tình.
    Hát lơ lửng có khi người làng khác đến hát, có khi người ở trong nhà hát vọng ra rứu chân khách:
    Nhất vui là cảnh Kim Liên
    Cảnh đà có cảnh, người tiên có người...
    Ngày xưa hay hát với bà An có anh Tú San (không phải là Giải San Phan Bội Châu) và ông Hoe Ba là người hay chữ. Trong hát đối (hát đố) bà An cất tiếng:
    Sơn sơn xuất, anh hùng hào kiệt
    Gái nữ nhi ngồi trong bóng nguyệt
    Nguyệt nguyệt bằng quân tử trượng phu
    Chàng mà đối được, em xin làm du (dâu) nhà chàng
    Đây là câu hát đố chữ, đố không khó vì hai chữ Sơn là một chữ xuất, hai chữ nguyệt là một chữ bằng, nhưng khó là ở đối lại.
    Chuyện các văn nhân hát thua các thôn nữ quê mùa không hiếm. Khi Nguyễn Công Trứ bị hỏi:
    Hỏi chàng hà tính hà danh
    Hà châu, hà quận, niên canh kỷ hà?
    thì cũng không thể trong một câu mà trả lời cho sát, đành vu khoát:
    Trước Lam Thủy, sau Hồng Sơn
    Nhà ai hay hát, hay đờn là anh.
    Ngay cả Giải San Phan Bội Châu cũng nhiều phen lúng túng - Cho nên sĩ tử đất Nghệ Tĩnh trước khi đi thi phải mấy lần tập dượt văn sách với phường vải, để chị em kiểm tra:
    Đồn đây có gái hát tài
    Để ta đối địch một vài trống canh
    Dẫu thua dẫu được cũng đành
    Bõ công đèn sách học hành bấy lâu.
    Trong ví phường vải, hát hỏi (hát đố, hát đối và hát xe duyên hát tình, hát xe kết) là để lại nhiều áng văn chương hay nhất. Con gái Nghệ Tĩnh vốn yêu thơ ca, con nhà nông có, con nhà Khoa bảng có, khi hát đố sách, đố chữ, có khi hát đố về thực tế. Có khi là "Truyện Kiều anh thuộc đã lâu, đố anh đọc được một câu hết Kiều", có khi là câu đố đối hóc búa:
    Năm con ngựa cột cồn Ngũ Mã
    Chín con rồng nằm Cửu Long Giang
    Chàng mà đối được, có lạng vàng em trao...
    Có khi là câu đố về công việc nhà nông:
    Đến đây hỏi khách nhà nông
    Một trăm mẫu ruộng mấy công cày bừa?
    Có khi là một câu đố về lễ, đặt người con trai vào một tình huống cực kỳ nan giải:
    Đồn rằng anh học đã cao
    Hỏi chị dâu rớt giếng, anh nắm chỗ nào kéo lên.
    Có anh trả lời ngay, cứu được chị mà không thất lễ:
    Chị dâu mà rớt xuống giếng
    Anh tìm miếng để cứu chị lên
    Nắm đầu thì sợ tội trời
    Hai tay nâng đỡ, sợ lời thế gian
    Nhanh tay liền bắc cái thang
    Kéo chị dâu một thuở kẻo chết oan con người
    Có anh không biết làm gì cả, đành la làng:
    Nắm đầu thì khổ
    Nắm cổ thì không nên
    Nắm chân tay thì lỗi niềm huynh đệ
    Vậy thì anh cứ van làng là hơn!
    Tôi không phải là một nhà dân gian học, nhưng nhận thấy ví phường vải là một thể vừa định hình vừa không câu thúc bởi điều gì, thậm chí không cần đến một nhạc cụ nào nên sức sống của nó chắc hẳn sẽ rất lâu bền, dù canh cửi giờ đây không còn nữa. Những gì mà Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Lê Hàm, Vi Phong... sưu tầm được đã là một gia sản quý đóng góp cho kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam và nghiên cứu tính cách người Nghệ, một đề tài gần đây được các nhà khoa học xã hội quan tâm. Tôi nghĩ rằng, trước hết phải nghiên cứu tính cách người phụ nữ xứ Nghệ xốc vác, lam làm, thông chữ nghĩa, thông đạo lý - không những thông mà chính người phụ nữ mới nuôi đạo lý, giữ gìn nền nếp, gia phong, hương tục. Họ có quyền bình đẳng với nam giới và có tính cách cứng cỏi, mạnh mẽ. Để được giải phóng, họ dám phát biểu và đương đầu.
    Người ta hay chê kẻ đứng núi này trông núi nọ. Họ nói:
    Trèo lên Rú Bụt, trụt xuống Khe Giao
    Đứng núi này trông núi nọ, núi mô cao em trèo!
    Vì tình, họ chấp nhận:
    Tưởng là cha mẹ đập một vài ba roi
    Ai ngờ đập đến chín chục, một trăm roi
    Em bò lăn bò lóc, em khóc đứng khóc ngồi
    Anh ơi dù bầm lưng máu chảy vẫn trọn đời yêu anh.
    Trong kho tàng tục ngữ, ca dao vùng này có câu giận, câu thương, câu chán, câu hờn nhưng xét về tần số thì câu thương, câu nhớ, câu nghĩa, câu tình vẫn đậm đặc hơn cả. Khi sáng tác thì rất phong phú, đa dạng. Qua thời gian, tức là qua sự chọn lựa của con người, thì cái mà người Việt Nam muốn truyền cho nhau vẫn là tình nghĩa (hơn cả kinh nghiệm sản xuất). Tình nghĩa ấy ở vùng đất Khu Bốn nhọc nhằn này như được cô nén hơn, thống thiết hơn.
    Với chồng:
    Nghe tin anh đau đầu chưa khá
    Em băng ngàn bẻ lá về xông
    Mần răng cho trọn đạo vợ chồng
    Đổ mồ hôi em quạt, trộ gió ***g em che
    Với con:
    Mấy lâu buôn bán nuôi ai
    Mà áo em rách, mà vai em mòn?
    Mấy lâu buôn bán nuôi con
    áo rách mặc áo, vai mòn mặc vai...
    Với cha mẹ:
    Cá bống chặt trước (đầu), chặt đuôi
    Tôm he bóc vỏ mà nuôi mẹ già
    Mỗi đêm thắp một đèn trời
    Cầu cho cha mẹ ở đời với con
    Với đồng bào lối xóm:
    Xung quanh những họ cùng hàng
    Coi nhau như ngọc như vàng mới nên
    Người Nghệ chất phác, mộc mạc, điều ấy ai cũng biết. Nhưng không phải không tinh tế. Tinh tế và mặn mà, ám ảnh đến mức tâm trạng thành cổ điển trong văn học sử:
    Sáng trăng ngồi gốc cây mai
    Bóng mình lại tưởng bóng ai tìm mình
    Ra về nước mắt trông chừng
    Ngóng truông truông rậm, ngóng rừng rừng xa
    Người ta nói người Nghệ bảo thủ. Người phụ nữ không biết làm duyên, làm dáng. Cũng có thể:
    Khăn nâu áo vải là thường
    Cốt trau cho được luân thường là hơn
    Nhưng không phải là phản đối sự điểm trang, trau chuốt, mà như cách nói ngày nay là không được chú ý lắm. Âu cũng là cái phải bổ khuyết. Nhưng về cơ bản thì đúng. Họ từng nói "Điểm trang nhã nhặn là hay", nhưng phải là phù hợp với hoàn cảnh chớ đừng:
    Mẹ em hết gạo treo nồi
    Em còn trang điểm chạc lưng sồi làm chi
    ./.
  3. bitter_beer

    bitter_beer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/07/2003
    Bài viết:
    892
    Đã được thích:
    0
    Posted by @MM_MM on 18 Apr, 2004
    Hâm mộ bác gungland kinh khủng. Diễn đàn chỉ toàn những thành viên tuổi 2x với 1x thường không có kiên nhẫn để cảm nhận được cái hay của hát phường Vải. Thế nên cái giá trị văn hoá dần mất cũng thế. Khi người ta qua cái tuổi để bay nhảy, người ta trở về và tìm kiếm những điều người ta chưa cảm nhận hết từ thủa cha ông để lại. Rồi bề bộn áo cơm không đủ time cho người ta say mê với những gì thuộc về quá khứ.
    Tôi là người của tuổi 2x , không phải là không say mê với những giá trị văn hoá dân tộc. Nhưng để có được một vốn khá về tiếng hát quê hương là một điều thật khó. Thường cái gì mất ta mới tiếc. Một tâm hồn hướng nội và yêu quê hương nhu gungland có đủ sức khơi dậy lòng say mê với tiếng hát phường Vải cho quê hương ???
    Tiếng hát ru êm đềm thủa nhỏ mà tôi được nghe giờ chẳng còn đọng lại bao nhiêu đâu : À ơi, ru con con ngủ cho ngoan . Tiếng ru ấy đến những ngày tôi học lớp 11, một đêm ngủ cạnh mẹ, vẫn được mẹ đưa vào giấc ngủ bằng những tiếng à ơi. Những lúc đó, tôi mới hiểu được vì sao mà những tiếng nhẹ nhàng ấy có sức lay động đến tận thời kỳ computerize này.
    Tôi nhớ không hết được lời ru, chỉ biết trong lời ru ấy, những người thân yêu trong gia đình, những thứ vật nuôi, sào vườn, bếp củi, giếng khơi đều được cất giữ như là thứ báu vật không thể nào mất đi.
    Tôi còn nhớ vài lần, ngôi trường mà tôi đã từng học có tham gia cuộc thi hát dân ca. Điều mà buồn nhất đó là những cuộc thi chỉ gợi cho người ta cái ý định khôi phục những cái đã mất mà không biết cách làm thế nào ngoài việc hát những bài chỉ phổ biến thôi. Tiếc và cũng chỉ tiếc, nào biết làm thế nào hơn trong khi chính mình cũng không thể nào làm khác đi cái quy luật tất yếu ???
    Cảm ơn gungland rất nhiều, tình yêu quê hương của bạn làm sống dậy trong tôi nhiều điều mà giờ tôi mới biết là mình mất đi.
  4. bitter_beer

    bitter_beer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/07/2003
    Bài viết:
    892
    Đã được thích:
    0
    Posted by @TLV on 19 May, 2005
    Ấm tình quê Bác
    Nhạc và lời Văn An (1982)
    Một khoảng trời xanh trong
    có làn mây trắng như bông
    Trên đường về thăm quê Bác
    mà có biết bao xúc động trong lòng.
    Một nếp đơn sơ với thời tuổi trẻ đầy ước mơ.
    Đây mảnh vườn quê năm xưa,
    như còn dấu chân Bác đến bây giờ.
    Nghĩ về Bác lòng con trong sáng hơn.
    Đứng nơi đây mà rộng mở tâm hồn.
    Lời của Bác dẫn con đi với niềm mơ ước lớn.
    Niềm tin sắt son chắp cánh cho con
    vượt chông gai qua những chặng đường
    Nghĩ về? chông gai qua những chặng đường
  5. bitter_beer

    bitter_beer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/07/2003
    Bài viết:
    892
    Đã được thích:
    0
    Posted by @natna on 08 Aug, 2003
    Chuyện bên lề các bài hát...
    Chào tất cả các bà con!
    Hình ảnh quê hương và con người xứ Nghệ chúng ta đã đi sâu vào tâm trí và và lịch sử Việt Nam như biểu tượng của tinh thần đoàn kết yêu nước, kiên cường bất khuất, trung hậu đảm đang, biểu tượng của tình, của nghĩa.
    Hình ảnh đó cũng đã được thể hiện qua nhiều bài hát ở nhiều thể loại viết về quê hương và con người xứ Nghệ. Là người Việt Nam chắc hẳn ai cũng ngậm ngùi xúc động khi nghe "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", chắc hẳn ai cũng từng có lúc bồi hồi nhớ quê với "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh", và xao xuyến với "Người con gái sông La", với "Chào em cô gái Lam Hồng". Trên diễn đàn của chúng ta hiện cũng đã có những chủ đề về các bài hát liên quan đến đất và người Nghệ như Các bài hát, dân ca , ví dặm Nghệ Tĩnh..., Những làn điệu dân ca và bài hát về xứ Nghệ, song không phải ai cũng biết rõ về quá trình "thai nghén" và ra đời của các bài hát này. Vì vậy tôi mở topic này (*) ra với một mong muốn là bà con hãy chia sẻ với đồng hương, với bạn bè trên khắp các miền những thông tin mình có được về lịch sử ra đời của các bài dân ca, những bài hát viết về quê hương và con người Nghệ Tĩnh, để từ đó chúng ta có thể cảm nhận được các bài hát này một cách sâu sắc hơn và hay hơn.
    Rất mong tất cả bà con hưởng ứng nhiệt tình.
    Trước hết xin phép bà con cho tôi được mở đầu bằng một bài hát rất đằm thắm ngọt ngào viết về người con gái xứ Nghệ. Đó là bài "Người con gái sông La" của nhạc sỹ Doãn Nho.
    Bài hát "Người con gái sông La" được nhạc sỹ Doãn Nho sáng tác cuối năm 1970. Người con gái đã cho ông những cảm xúc để sáng tác bài này là nữ anh hùng La Thị Tám - người đếm bom ở ngã ba Đồng Lộc mà nhiều người đã quen với cái tên này.
    Chắc hẳn, nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh của La Thị Tám trong những bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo chụp tại ngã ba Đồng Lộc năm 1968: chắc lẳn, tươi giòn, khoé miệng tinh nghịch, còn đôi mắt thì khiến kẻ thù khiếp sợ. Nay trong cương vị mới trông giản dị và đằm thắm hơn. Cô gái "tuổi 18 tròn" năm xưa đã 54 tuổi.
    Chính người phụ nữ này trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1968-1972) đã có mặt ở "túi bom" Đồng Lộc đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng và nguy hiểm là quan sát, cắm tiêu, đảm bảo thông xe an toàn tại ngã ba huyết mạch này. Công việc của chị là đứng trên đồi cao, phía bên trái của ngã ba Đồng Lộc vào những lúc máy bay Mỹ trút bom xuống dữ dội nhất để đếm số lượng bom mà kẻ thù trút xuống. Chị phải nhìn thật tinh, chính xác xem bao nhiêu quả bom đã ném xuống, bao nhiêu quả đã nổ, những quả còn lại rơi ở vị trí nào, để khi máy bay đi khỏi thì chạy đến cắm cờ đỏ vào đó chờ bộ đội công binh đến rà phá. Mật độ bom đạn ở đây nhiều nhất trong cả nước, đất sỏi vữa ra thành bùn... Ở nơi đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh.
    Cùng thời gian đó, ngày 24/7/1968, mười cô gái trong tiểu đội nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc anh dũng hy sinh khi tất cả họ đang ở tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống, dệt nên huyền thoại đau thương, anh hùng về Đồng Lộc. Tháng 10 năm 1970, nhạc sĩ Doãn Nho cùng đơn vị hành quân qua Đồng Lộc. Xúc động trước hình ảnh La Thị Tám và câu chuyện về mười cô gái Đồng Lộc, nhạc sĩ Doãn Nho đã sáng tác bài hát "Người con gái Sông La" dựa trên lời thơ Phương Thuý. Giai điệu của bài hát mang âm hưởng của Đồng Lộc, ngọt ngào, da diết, thân thương nhưng cũng đầy bi tráng: "Em vừa 18 tròn đẹp như xuân sang. Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn, đạp lên cái chết dáng em hiên ngang. Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam..."
    Chị La Thị Tám nghe được bài hát này lần đầu tiên vào một buổi sáng cuối năm 1970 do nghệ sĩ Tường Vi thể hiện rất thành công. Lúc đó chị đã khóc vì xúc động.
    Đã có rất nhiều bài hay về sông La. Nhiều nhạc sĩ đã viết về sông La thành công và xúc động như "Gái sông La" của nhạc sĩ Lê Hàm, "Gửi sông La" của Lê Việt Hoà, "Một mình với sông La" của nhạc sĩ Tân Huyền... nhưng dường như người nghe luôn tìm thấy ở "Người con gái sông La" một mạch nguồn cảm xúc sâu lắng. Bởi lẽ, bài hát gắn với một huyền thoại với những con người có thật, sự mất mát hy sinh là có thật, một kỷ niệm bi hùng của thời chiến tranh mà nhạc sĩ Doãn Nho đã khái quát lại trong hình tượng anh hùng đếm bom La Thị Tám - một trong những chứng nhân của giai đoạn lịch sử hào hùng của cả dân tộc mà sông La và những người con gái sông La là hình ảnh đẹp đẽ và xúc động nhất.
    Trên đây là một vài thông tin về lịch sử ra đời của bài hát "Người con gái sông La", một bài hát để lại trong lòng người nghe nhiều tình cảm đẹp về con người xứ Nghệ.
    Dưới đây là lời bài hát:
    NGƯỜI CON GÁI SÔNG LA (Doãn Nho)
    À.....ơi.......!
    Trời mô xanh bằng trời Cam Lộc
    Nước mô xanh bằng dòng nước sông La
    Ai về Hà Tĩnh mà....quê ta.
    Nhớ chăng đôi mắt.....người con gái sông La....kiên cường
    Người con gái quê ta, đôi mắt trong tựa ngọc, đôi giọt nước sông La, thương như trời quê ta......em dõi theo từng ngày, đếm từng loạt bom rơi, cho bom nổ bên tai, em vẫn đứng giữa trời.
    Ơi.....em vừa 18, tròn, đẹp như Xuân sang, em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn, đạp trên cái chết, dáng em hiên ngang, hỡi người con Sô Viết, bom tù rơi nát, đất ngày từng ngày, mà em đứng đó, tóc xanh tung bay, em là trời biết of mùa Xuân Việt Nam.
    Ơi.....em vừa 18, tròn, đẹp như Xuân sang, em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn, đạp trên cái chết, dáng em hiên ngang, hỡi người con Sô Viết, bom tù rơi nát, đất ngày từng ngày, mà em đứng đó, tóc xanh tung bay, em là trời biết of mùa Xuân Việt Nam.
    Người con gái quê ta, đôi mắt trong tựa ngọc, đôi giọt nước sông La, thương như trời quê ta......em dõi theo từng ngày, đếm từng loạt bom rơi, cho bom nổ bên tai, em vẫn đứng giữa trời.
    Ơi.....em vừa 18, tròn, đẹp như Xuân sang, em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn, đạp trên cái chết, dáng em hiên ngang, hỡi người con Sô Viết, bom tù rơi nát, đất ngày từng ngày, mà em đứng đó, tóc xanh tung bay, em là trời biết of mùa Xuân Việt Nam.
    Ơi.....em vừa 18, tròn, đẹp như Xuân sang, em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn, đạp trên cái chết, dáng em hiên ngang, hỡi người con Xô Viết, bom tù rơi nát, đất ngày từng ngày, mà em đứng đó, tóc xanh tung bay, em là trời biết của mùa Xuân Việt Nam.

    (*) đã chuyển sang ttvn5
  6. bitter_beer

    bitter_beer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/07/2003
    Bài viết:
    892
    Đã được thích:
    0
    Posted by @atspv on 08 Jun, 2004
    Chuyện bên lề các bài hát... (tt)
    "Chơ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh..." Câu hát ấy vẫn được hát mãi bởi những người con Hà Tĩnh. Dù xa quê nhưng vẫn mãi nhớ về quê, cái xứ sở đất cằn sỏi đá mà "tình sâu nghĩa nặng"... Năm nay, bài hát đã tròn 30 tuổi, tác giả của bài hát ấy đã tròn 80...
    30 NĂM, MỘT KHÚC TÂM TÌNH?
    Lê Duy Phương - Báo Hà Tĩnh
    Ca sỹ Phương Thảo ?" người thể hiện thành công bài ?oMột khúc tâm tình của người Hà Tinh? là một cô gái xứ Nghệ, sinh năm 1981 sau bài ca ra đời 7 năm. Ngay từ nhỏ cô đã được nghe những bài dân ca mà như cô nói: ?oMột khúc tâm tình của người Hà Tĩnh em yêu thích từ nhỏ? Bài ca theo cô đến trường nghệ thuật quan đội và cô đã giành được giải ba tiếng hát truyền hình năm 2003 tổ chức tại Tuần Châu, Quảng Ninh. Đặc biệt cô đã giành được giải bình chọn giọng hát được nhiều người yêu thích nhất.
    Ngồi trò chuyện với Phuơng Thảo, tôi lại nhớ về quê hương Hà Tĩnh cách đây tròn 30 năm. Mùa hè năm 1974, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý vào sáng tác tại Hà Tĩnh. Năm đó, Hà Tĩnh mới ra khỏi cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ hơn một năm, mọi việc đang ngổn ngang vừa khôi phục vừa phát triển đang hết sức nặng nề. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể? mới về Thị xã, ăn ở làm việc gặp nhiều thiếu thốn. Biết được hoàn cảnh như vậy và để thuận lợi hơn cho công việc sáng tác, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã không ở nhà khách mà đến ở tại đoàn văn công với anh chị em trong những căn nhà cấp 4 chật chội và thiếu thốn. Đoàn văn công tỉnh lúc bấy giờ gọi là đoàn ca múa do nhạc sỹ Lê Hàm làm trưởng đoàn. Được nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đến ở và cùng sinh hoạt, làm việc anh chị em văn công vui mừng, thực sự xem nhạc sỹ như người thầy, người đồng nghiệp, người bạn của mình. Thỉnh thoảng vẫn được nhạc sỹ kể cho nghe những câu chuyện đời, chuyện sáng tác, chuyện bạn bè và có lúc nhạc sỹ còn hát cho nghe những ca khúc của ông viết từ ngày xưa như Dư âm, hay mới viết như Tấm áo mẹ vá năm xưa, Em đi làm tín dụng, Bài ca năm tấn? Ít nhiều những ngày ở với anh chị em văn công cũng đã truyền cảm đến nhạc sỹ không khí và tình yêu say mê sáng tác góp phần làm nên Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh.
    Lúc bấy giờ nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý ở cái tuổi 50, nhưng rất trẻ, đẹp trai, đặc biệt là cái miệng, đôi mắt, giọng nói vừa vui vừa có duyên. Ông sống giản dị, khiêm tốn nhưng đi và làm việc rất nghiêm túc. Tôi nhớ hồi đó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Đạt không những đích thân mời nhạc sỹ về mà hàng ngày hễ có điều kiện là ông qua chỗ nhạc sỹ để tâm sự về Hà Tĩnh với những ý tưởng xây dựng và phát triển, hay đưa nhạc sỹ đi thăm thú các miền quê để như ông nói: ?oLàm cho nghệ sỹ hiểu biết Hà Tĩnh bằng cách truyền cảm, niềm say mê, lòng hứng thú của chính mình sang với nghệ sỹ, tạo nên một cách tự giác và tự do nhất trong công việc sáng tác, như vậy mới khơi dậy thực sự tình yêu và sức sáng tạo của nghệ sỹ.? Khách quan mà nói, hai thập kỹ 60 và 70 của thế kỷ XX, Hà Tĩnh có nhiều bài hát hay một phần do sự quan tâm một cách nhiệt tình và cụ thể của chủ tịch UBND tỉnh ?" Trần Quang Đạt. Những khi ông bận, ông giao cho tôi đưa nhạc sỹ đi sáng tác, đến khi về ông còn hỏi cụ thể chuyện ăn ở và sức khỏe của nhạc sỹ.
    Sau một tháng đi và viết, bài ?oMột khúc tâm tình của người Hà Tĩnh? hoàn thành. Có lẽ tôi là người được nhạc sỹ hát cho nghe đầu tiên và cũng được nhạc sỹ cho tham gia chăm chút lời ca. Cơ quan tôi cũng là cơ quan đầu tiên được nhạc sỹ đến nói chuyện quá trình viết bài hát này và đích thân nhạc sỹ hát cho cơ quan tôi nghe. Ông Hoàng Duy Số thủ trưởng cơ quan lúc bấy giờ có nhận xét như một tiên đoán: ?oHay, sống lâu vì nó đậm đà chất dân ca?
    Bài ca tròn 30 năm tuổi, Hà Tĩnh cũng 30 năm phát triển. Từ một tĩnh rất nghèo, với một nền nông nghiệp không đủ ăn, nền công nghiệp chưa có gì, thương nghiệp buôn bán chưa có thị trường, lại còn bị: ?oGiặc điên cuồng trút hàng vạn bom rơi?. Còn ?ođắp hồ đầy để điện đưa nhanh giòng nước tưới? rồi ?olúa trên đồng lúa lại thêm bông? - lời ca đậm đà thắm thiết ấy lúc bấy giờ chỉ mới là ước mong, hy vọng để mà quyết tâm nổ lực cho ?ođất nào cằn vì còn mưa rơi còn gió cuốn? và sau ba mươi năm ?othì màu đất lại thêm tươi? chấm dứt cảnh thiếu đói khi sản xuất lương thực đã tăng lên gấp đôi từ 23 vạn tấn lên gần 50 vạn tấn. Nền công nghiêp, xây dựng đã chiếm tỷ trọng khá trong cơ cấu kinh tế. Đô thị và thị trường, khách sạn và du lịch phát triển mạnh. Nhờ vậy mà thu ngân sách tăng lên trên mười lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn từ trên 40% nay chỉ còn dưới 15 %. Giáo dục, y tế, văn hóa xã hội phát triển mạnh. Đặc biệt những con đường: ?ođường Đồng Lộc, đường Khe Giao, đường Hồng Lam, đèo Ngang, Linh Cảm?? được nâng cấp và mở rộng. Nhiều con đường nhựa mới dài hàng trăm km được xây dựng thêm chấm dứt cái cảnh ?oThương con đò cắm con sào đứng đợi?? mà sau Xuân Hải cảng Vũng Áng đã ra đời, tàu hàng vạn tấn thường xuyên vào ra.
    30 năm lời ca vang lên, không những khúc tâm tình sâu lắng mà ai cũng cảm thấy thương nhớ khôn nguôi để rồi ?ođi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh? mà lời ca còn nhắn nhủ gởi gắm đến mọi người sống ở quê hay sống ở xa tận đâu đều có trách nhiệm với quê hương như nhà báo nào đã từng nói: ?oHà Tĩnh là một tỉnh nghèo nhưng không thể nghèo mãi được? Cả đến những con người ở những miền quê khác khúc tâm tình cũng ít nhiều xao động mà thốt lên như của chính mình: ?oĐi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh?
    Bài ca tròn 30 năm, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý tròn 80 tuổi, có lẽ chúng ta ai cũng muốn gửi đến nhạc sỹ lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân ngày sinh nhật của ông và nếu hè này nhạc sỹ có dịp trở lại Hà Tĩnh sẽ không phải ở trong căn nhà cấp 4 chật chội và thiếu thốn mà sẽ được nghỉ ở khách sạn ba sao Thiên Ý, tắm mát biển Thiên Cầm, để mà ?ongắm chi mãi con tàu vào bờ?. Những mong ước nay đã thành sự thật.
  7. bitter_beer

    bitter_beer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/07/2003
    Bài viết:
    892
    Đã được thích:
    0
    Posted by @PaulLennon on 10 Jun, 2004
    Chuyện bên lề các bài hát... (tt)
    Tôi kết nhất baì Vinh,Thành Phố Bình Minh của nhạc sĩ Lê Hàm,có lẽ do ám ảnh từ thời ấu thơ,mỗi lần đi đến cơ quan bố tôi,tiếng đài phát thanh của phường thường phát bài này vào buổi chiều,mổi lúc ấy tôi thấy yêu Tp.Vinh lắm,bài này song ca nam nữ thì thật tuyệt,rất tình cảm,chan chứa tình yêu quê hương,tình yêu thương đôi lứa:
    "Anh đón em về thành Vinh quê anh
    Có gió biển khơi,dòng Lam êm đềm
    ...
    "
    Bài Tiếng hò trên đất Nghệ An cũng rất hay,một niềm tự hào rực cháy trong tôi mỗi khi nghe nó:
    "Nước Sông Lam biết khi mô cho cạn
    Cũng như tình thần cách mạng của dân ta
    ...
    "
  8. bitter_beer

    bitter_beer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/07/2003
    Bài viết:
    892
    Đã được thích:
    0
    Posted by @Zulu on 03 Apr, 2003
    Có ai thích dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh không???
    Trước mự nói mự thương
    Cau tui giành để trên buồng
    Trầu tui giành đề ngoài nương
    Tiền buộc chạc để trong rương
    Lợn ụt ịt trong chuồng
    Chọng đục sẵn để trong buồng
    Giừ mự nói mự không thương
    Cau chành hạt trên buồng
    Trầu rụng cuống ngoài nương
    Tiền đứt chạc trong rương
    Lợn bỏ cám trong chuồng
    Chọng thì để mối trong buồng
    Chứ bạc tình chi rứa mự
    Mần răng bạc tình rứa mự
  9. bitter_beer

    bitter_beer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/07/2003
    Bài viết:
    892
    Đã được thích:
    0
    Posted by [nick]vol2[/nick] on 24 Apr, 2003
    Trích từ bài của zulu viết lúc 11:25 ngày 23/04/2003:
    --------------------------------------------------------------------------------
    --------------------------------------------------------------------------------
    Chứ thương anh lắm anh ơi
    Nhớ anh lắm anh ơi
    Thương đáo để không thôi
    Nhớ ngao ngán trần đời
    Thương thuốc gói trầu cơi
    Nhớ thuốc mở trầu vơi
    Mới vắng mặt một hồi
    Chứ trán tui hắn đổ mồ hôi
    Trong ruột đã nóng sôi
    Chứ bưng cơm ăn nỏ được
    Bưng nước uống không trôi
    Cầm lấy đọi thì đọi rớt
    Cầm lấy đụa thì đụa rơi
    Ra trông đất ngó trời
    Chạy nhìn ngược ngó xuôi
    Cha thui mới hỏi:
    ?oTại mần răng rứa con ơi??
    Mẹ tui cũng hỏi:
    ?oMần răng rứa con ơi??
    Tui mới lẳng lặng tui trả lời
    Vì thương anh vô kể
    Chứ thiếp nhớ chàng vô kể.
  10. bitter_beer

    bitter_beer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/07/2003
    Bài viết:
    892
    Đã được thích:
    0
    Posted by @Zulu on 25 Apr, 2003
    Người ơi, chứ bấy lâu liễu bắc đào đông
    Tự nhiên thiên lý ngộ tương phùng là đây
    Bây giờ rồng lại gặp mây
    Nhờ tay tạo hóa đó đây vuông tròn

Chia sẻ trang này