1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những LỜI NÓI ĐẦU của các bản HP tại VN

Chủ đề trong 'Khoa học Pháp lý' bởi MinhTrinh, 21/12/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. MinhTrinh

    MinhTrinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2003
    Bài viết:
    3.428
    Đã được thích:
    0
    Những LỜI NÓI ĐẦU của các bản HP tại VN

    Những LỜI NÓI ĐẦU của các bản HP tại VN .

    Mở ra để cùng phân tích .
    ===============

    HP 1946 chưa tìm ra .
    ===============

    HIẾN PHÁP NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ NĂM 1959
    (Đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua ngày 31-12-1959)



    Lời nói đầu


    Nước Việt Nam ta là một nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Dân tộc Việt Nam trải qua mấy nghìn năm lịch sử là một dân tộc lao động cần cù luôn luôn anh dũng đấu tranh xây dựng đất nước và giữ gìn độc lập của Tổ quốc.

    Trong hơn 80 năm nước ta bị thực dân Pháp đô hộ và 5 năm bị phát xít Nhật chiếm đóng, nhân dân Việt Nam đã không ngừng đoàn kết đấu tranh chống ách thống trị của bọn xâm lược nước ngoài để giải phóng đất nước.

    Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày nay là Đảng Lao động Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã tiến lên một giai đoạn mới. Cuộc đấu tranh bền bỉ đầy gian khổ và hy sinh dũng cảm của nhân dân ta chống ách thống trị của đế quốc và phong kiên đá giành được thắng lợi vĩ đại: Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập trước quốc dân và toàn thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam đã xây dựng một nước Việt Nam độc lập và dân chủ.

    Ngày 6 tháng 1 năm 1946, toàn dân Việt Nam từ Bắc chí Nam đã nhiệt liệt tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội. Quốc hội đã thông qua Hiến pháp đầu tiên ghi rõ những thắng lợi to lớn của nhân dân ta, nêu cao ý chí của toàn thể dân tộc kiên quyết giữ gìn nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc, bảo vệ tự do và quyền lợi dân chủ của nhân dân.

    Nhưng đế quốc Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức lại gây chiến tranh xâm lược hòng cướp nước ta và bắt nhân dân ta làm nô lệ một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, toàn thể nhân dân ta đoàn kết một lòng đứng lên đánh giặc cứu nước. Đồng thời nhân dân ta đã tiến hành giảm tô và cải cách ruộng đất nhằm đánh đổ giai cấp địa chủ, đem lại ruộng đất cho dân cày. Cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và vô cùng anh dũng của nhân dân Việt Nam, được các nước xã hội chủ nghĩa, các dân tộc bị áp bức và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới đồng tình và ủng hộ, đã thắng lợi vẻ vang. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân Việt Nam đã đánh bại đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ. Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 được ký kết, hoà bình được lập lại ở Đông Dương trên cơ sở công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta.

    Thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam cũng là thắng lợi chung của phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức, của mặt trận hoà bình thế giới và của phe xã hội chủ nghĩa.

    Từ khi hoà bình lập lại, ở miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhưng miền Nam còn bị đế quốc và phong kiến thống trị, nước nhà tạm thời còn bị chia làm hai miền.

    Cách mạng Việt Nam chuyển sang một hình thể mới. Nhân dân ta cần ra sức củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đấu tranh đề hoà bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

    Mấy năm qua, nhân dân ta ở miền Bắc đá thu được nhiều thành tích to lớn trong việc khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá. Hiện nay, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội đang tiến hành thắng lợi. Trong khi ấy, ở miền Nam, đế quốc Mỹ và bọn tay sai đàn áp dã man phong trào yêu nước của nhân dân ta. Chúng tăng cường binh bị, thực hiện âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa và căn cứ quân sự chuẩn bị chiến tranh của đế quốc Mỹ. Chúng ra sức phá hoại hiệp nghị Giơnevơ, phá hoại hoà bình, phá hoại sự nghiệp thống nhất của nước Việt Nam. Nhưng đồng bào miền Nam luôn luôn anh dũng đấu tranh, không chịu khuất phục. Nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, giương cao ngọn cờ hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, kiên quyết tiến lên giành lấy thắng lợi cuối cùng. Sự nghiệp hoà bình thống nhất Tổ quốc nhất định sẽ thành công.

    *

    * *

    Trong giai đoạn mới của cách mạng, Quốc hội ta cần sửa đổi bản Hiến pháp năm 1946 cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.

    Hiến pháp mới đã ghi rõ những thắng lợi cách mạng to lớn đã giành được trong thời gian qua và nêu rõ mục tiêu phấn đấu của nhân dân ta trong giai đoạn mới.

    Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo Hiến pháp mới quy định chế độ chính trị, kinh tế và xã hội của nước ta, quan hệ bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc trong nước, bảo đảm đưa miền Bắc nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, xây dựng miền Bắc vững mạnh làm cơ sở cho toàn quốc đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà.

    Hiến pháp mới quy định trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, nhằm phát huy sức sáng tạo to lớn của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng nước nhà, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc.

    Hiến pháp mới là một Hiến pháp thực sự dân chủ Hiến pháp mới là sức mạnh động viên nhân dân cả nước ta phân khởi tiến lên giành những thắng lợi mới. Nhân dân ta quyết phát huy hơn nữa tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, chí khí đầu tranh và nhiệt tình lao động. Nhân dân ta quyết tăng cường hơn nữa sự đoàn kết nhất trí với các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô vĩ đại, tăng cường đoàn kết với nhân dân các nước á Phi và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

    Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đoàn kết rộng rãi trong Mặt trận dân tộc thống nhất, nhất định sẽ giành được thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà. Nhân dân ta nhất định xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc bảo vệ hoà bình ở Đông Nam châu á và thế giới.

    ===============

    HIẾN PHÁP

    NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 1980



    LỜI NÓI ĐẦU



    Trải qua bốn nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm để dựng nước và giữ nước. Cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ vì độc lập, tự do đã hun đúc nên truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta.

    Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của ********************** do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đi con đường của Cách mạng tháng Mười Nga, nhân dân ta đã lần lượt chiến thắng bọn đế quốc Nhật, Pháp, Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nước ta từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, một thành viên của Cộng đồng xã hội chủ nghĩa thế giới.

    Năm 1945, sau khi quân đội Liên Xô đánh thắng chủ nghĩa phát xít, nhân dân ta đã làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, ra đời.

    Nhưng thực dân Pháp, được đế quốc Mỹ giúp sức, đã xâm lược nước ta một lần nữa. "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", nhân dân ta kháng chiến lâu dài chống quân xâm lược, thực hiện cải cách ruộng đất. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết trên cơ sở công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và của cuộc kháng chiến chống Pháp mở đầu thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.

    Thay chân thực dân Pháp, đế quốc Mỹ biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, đặt miền Nam Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia vào phòng tuyến phản cách mạng của Mỹ. Để thực hiện kế hoạch đó, đế quốc Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược cực kỳ man rợ đối với nước ta. Thấm nhuần chân lý "không có gì quý hơn độc lập, tự do", nhân dân ta chiến đấu anh dũng, quyết giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Chiến thắng dồn dập của nhân dân Việt Nam, cùng với chiến thắng của nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia, đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri năm 1973 về Việt Nam.

    Mùa xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trọn vẹn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau ba mươi năm chiến đấu gian khổ, miền Nam, thành đồng Tổ quốc, được hoàn toàn giải phóng.

    Trong khi toàn dân ta kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã đạt được những thành tựu to lớn: thiết lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ chế độ người bóc lột người, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, tiến hành cách mạng tư tưởng và văn hoá, vừa xây dựng vừa chiến đấu, làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ đối với miền Nam anh hùng.

    Thắng lợi của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung và thắng lợi của nhân dân Việt Nam nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ báo hiệu sự phá sản hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân mới, góp phần củng cố và mở rộng hệ thống thế giới của chủ nghĩa xã hội, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân và dân chủ, đẩy mạnh thế tiến công của ba dòng thác cách mạng của thời đại.

    Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta tiến hành tổng tuyển cử tự do trong cả nước, thực hiện thống nhất Tổ quốc. Tháng 7 năm 1976, nước ta lấy tên là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hoà bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Cam-pu-chia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn ********* Cam-pu-chia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

    Cách mạng Việt Nam liên tiếp giành được thắng lợi to lớn là do ********************** vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, vạch ra đường lối đúng đắn để lãnh đạo cách mạng nước ta; giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; củng cố liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo; đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân; không ngừng củng cố chính quyền cách mạng; kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, phối hợp sức mạnh của nhân dân ta với phong trào cách mạng của nhân dân thế giới; kết hợp đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao.

    Đó là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần hy sinh không bờ bến của đồng bào và chiến sĩ cả nước một lòng một dạ vì sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Đó là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác giúp nhau giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia; thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu, sự viện trợ to lớn và có hiệu quả của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác đối với cách mạng Việt Nam; thắng lợi của các lực lượng độc lập dân tộc, dân chủ và hoà bình trên thế giới đã tích cực ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

    Đồng bào ta trải qua biết bao hy sinh, gian khổ mới có ngày nay! Tiền đồ hết sức vẻ vang, nhưng nhiệm vụ rất nặng nề. Toàn dân ta quyết tăng cường đoàn kết, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hăng hái tiến lên theo đường lối mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của ********************** đã đề ra:

    "Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội".

    Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần có một bản Hiến pháp thể chế hoá đường lối của ********************** trong giai đoạn mới. Đó là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.

    Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp này tổng kết và xác định những thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, bảo đảm bước phát triển rực rỡ của xã hội Việt Nam trong thời gian tới.

    Là luật cơ bản của Nhà nước, Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Nó thể hiện mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và Nhà nước quản lý trong xã hội Việt Nam.

    Toàn thể nhân dân Việt Nam đoàn kết chặt chẽ dưới lá cờ bách chiến bách thắng của **********************, ra sức thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

    ================
  2. MinhTrinh

    MinhTrinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2003
    Bài viết:
    3.428
    Đã được thích:
    0
    HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    NĂM 1992
    --------------------------------------------------------------------------------
    LỜI NÓI ĐẦU

    Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.
    Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của ********************** do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Tiếp đó, suốt mấy chục năm, nhân dân các dân tộc nước ta đã liên tục chiến đấu, với sự giúp đỡ quý báu của bè bạn trên thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng, lập nên những chiến công oanh liệt, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân và đế quốc, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Ngày 2 tháng 7 năm 1976 Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã quyết định đổi tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ra sức xây dựng đất nước, kiên cường bảo vệ Tổ quốc đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế.
    Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980.
    Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của ********************** đề xướng đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Quốc hội quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới.
    Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.
    Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
  3. littlesmile

    littlesmile Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/01/2005
    Bài viết:
    214
    Đã được thích:
    0

    Hiến pháp 1946:
    http://www.na.gov.vn/vietnam/thongbao/hdnd/phan-04/ii/phan4ii-06.htm
  4. MinhTrinh

    MinhTrinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2003
    Bài viết:
    3.428
    Đã được thích:
    0
    HIẾN PHÁP
    NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ NĂM 1946
    (ĐƯỢC QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
    THÔNG QUA NGÀY 9-11-1946)
    LỜI NÓI ĐẦU
    Cuộc cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hoà.
    Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới.
    Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ.
    Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:
    - Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.
    - Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.
    - Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
    Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại.
  5. lvxc_2005

    lvxc_2005 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/12/2005
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    0
    HIẾN PHÁP NĂM 1946CHƯƠNG I
    CHÍNH THỂ
    Điều thứ 1
    Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà.
    Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.
    Điều thứ 2
    Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia.
    Điều thứ 3
    Cờ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh.
    Quốc ca là bài Tiến quân ca.
    Thủ đô đặt ở Hà Nội.
    CHƯƠNG II
    NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CÔNG DÂN
    MỤC A
    NGHĨA VỤ
    Điều thứ 4:
    Mỗi công dân Việt Nam phải:
    - Bảo vệ Tổ quốc;
    - Tôn trọng Hiến pháp;
    - Tuân theo pháp luật.
    Điều thứ 5
    Công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải đi lính.
    MỤC B
    QUYỀN LỢI
    Điều thứ 6
    Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá.
    Điều thứ 7
    Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc theo tài năng và đức hạnh của mình.
    Điều thứ 8
    Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung.
    Điều thứ 9
    Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện.
    Điều thứ 10
    Công dân Việt Nam có quyền:
    - Tự do ngôn luận;
    - Tự do xuất bản;
    - Tự do tổ chức và hội họp;
    - Tự do tín ngưỡng;
    - Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.
    Điều thứ 11
    Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam.
    Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam, không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật.
    Điều thứ 12
    Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm..
    Điều thứ 13
    Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm.
    Điều thứ 14
    Những người công dân già cả hoặc tàn tật, không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng.
    Điều thứ 15
    Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình.
    Học trò nghèo được Chính phủ giúp.
    Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước.
    Điều thứ 16
    Những người ngoại quốc tranh đấu cho dân chủ và tự do phải trốn tránh thì được ngụ trên đất Việt Nam.
    MỤC C
    BẦU CỬ, BÃI MIỄN VÀ PHÚC QUYẾT
    Điều thứ 17
    Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín.
    Điều thứ 18
    Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền.
    Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.
    Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử.
    Điều thứ 19
    Cách thức tuyển cử sẽ do luật định.
    Điều thứ 20
    Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra, theo Điều thứ 41 và 61.
    Điều thứ 21
    Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều thứ 32 và 70.
    CHƯƠNG III
    NGHỊ VIỆN NHÂN DÂN
    Điều thứ 22
    Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
    Điều thứ 23
    Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài.
    Điều thứ 24
    Nghị viện nhân dân do công dân Việt Nam bầu ra. Ba năm bầu một lần.
    Cứ 5 vạn dân thì có một nghị viện.
    Số nghị viện của những đô thị lớn và những địa phương có quốc dân thiểu số sẽ do luật định.
    Điều thứ 25
    Nghị viện không phải chỉ thay mặt cho địa phương mình mà còn thay mặt cho toàn thể nhân dân.
    Điều thứ 26
    Nghị viện nhân dân tự thẩm tra xem các nghị viên có được bầu hợp lệ hay không.
    Điều thứ 27
    Nghị viện nhân dân bầu một Nghị trưởng, hai Phó nghị trưởng, 12 uỷ viên chính thức, 3 uỷ viên dự khuyết để lập thành Ban thường vụ.
    Nghị trưởng và Phó nghị trưởng kiêm chức Trưởng và Phó trưởng Ban thường vụ.
    Điều thứ 28
    Nghị viện nhân dân mỗi năm họp hai lần do Ban thường vụ triệu tập vào tháng 5 và tháng 11 dương lịch.
    Ban thường vụ có thể triệu tập hội nghị bất thường nếu xét cần.
    Ban thường vụ có thể triệu tập Nghị viện nếu một phần ba tổng số nghị viên hoặc Chính phủ yêu cầu.
    Điều thứ 29
    Phải có quá nửa tổng số nghị viên tới họp, hội nghị mới được biểu quyết.
    Nghị viện quyết nghị theo quá nửa số nghị viên có mặt.
    Nhưng muốn tuyên chiến thì phải có hai phần ba số nghị viên có mặt bỏ phiếu thuận.
    Điều thứ 30
    Nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe.
    Các báo chí được phép thuật lại các cuộc thảo luận và quyết định của Nghị viện.
    Trong những trường hợp đặc biệt, Nghị viện có thể quyết nghị họp kín.
    Điều thứ 31
    Những luật đã được Nghị viện biểu quyết, ************* Việt Nam phải ban bố chậm nhất là 10 hôm sau khi nhận được thông tri. Nhưng trong hạn ấy, Chủ tịch có quyền yêu cầu Nghị viên thảo luận lại. Những luật đem ra thảo luận lại, nếu vẫn được Nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc Chủ tịch phải ban bố.
    Điều thứ 32
    Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý.
    Cách thức phúc quyết sẽ do luật định.
    Điều thứ 33
    Khi nào hai phần ba tổng số nghị viện đồng ý, Nghị viện có thể tự giải tán. Ban thường vụ thay mặt Nghị viện tuyên bố tự giải tán ấy.
    Điều thứ 34
    Khi Nghị viện nhân dân đã hết hạn hoặc chưa hết hạn mà tự giải tán, thì Ban thường vụ giữ chức quyền cho đến khi bầu lại Nghị viện nhân dân mới.
    Điều thứ 35
    Hai tháng trước khi Nghị viện nhân dân hết hạn, Ban thường vụ tuyên bố cuộc bầu cử lại. Cuộc bầu cử mới phải làm xong trong hai tháng trước ngày Nghị viện hết hạn.
    Khi Nghị viện nhân dân tự giải tán, Ban thường vụ tuyên bố ngay cuộc bầu cử lại. Cuộc bầu cử mới làm xong trong hai tháng sau ngày Nghị viện tự giải tán.
    Chậm nhất là một tháng sau cuộc bầu cử, Ban thường vụ phải họp Nghị viện nhân dân mới.
    Trong khi có chiến tranh mà nghị viện hết hạn thì Nghị viện hoặc Ban thường vụ có quyền gia hạn thêm một thời gian không nhất định. Nhưng chậm nhất là sáu tháng sau khi chiến tranh kết thúc thì phải bầu lại Nghị viện.
    Điều thứ 36
    Khi Nghị viện không họp, Ban thường vụ có quyền:
    a) Biểu quyết những dự án sắc luật của Chính phủ. Những sắc luật đó phải đem trình Nghị viện vào phiên họp gần nhất để Nghị viện ưng chuẩn hoặc phế bỏ.
    b) Triệu tập Nghị viện nhân dân;
    c) Kiểm soát và phê bình Chính phủ.
    Điều thứ 37
    Phải có quá nửa tổng số nhân viên bỏ phiếu thuận, những nghị quyết của Ban thường vụ mới có giá trị.
    Điều thứ 38
    Khi Nghị viện không họp được, Ban thường vụ cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến.
    Điều thứ 39
    Đầu mỗi khoá họp, sau khi Ban thường vụ báo cáo công việc, vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm Ban thường vụ có thể nêu ra, nếu có một phần tư tổng số nghị viên yêu cầu. Toàn Ban thường vụ cũ có thể được bầu lại.
    Điều thứ 40
    Nếu chưa được Nghị viện nhân dân đồng ý hay trong lúc Nghị viện không họp mà chưa được Ban thường vụ đồng ý thì Chính phủ không được bắt giam và xét xử những nghị viên.
    Nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện.
    Trong trường hợp phạm pháp quả tang, Chính phủ có thể bắt giam nghị viên ngay nhưng chậm nhất là 24 giờ phải thông tri cho Ban thường vụ. Ban thường vụ hoặc Nghị viện sẽ định đoạt.
    Khi một nghị viên mất quyền ứng cử thì đồng thời mất cả tư cách nghị viên.
    Điều thứ 41
    Nghị viện phải xét vấn đề bãi miễn một nghị viên khi nhận được đề nghị của một phần tư tổng số cử tri tỉnh hay thành phố đã bầu ra nghị viên đó. Nếu hai phần ba tổng số nghị viên ưng thuận đề nghị bãi miễn thì nghị viên đó phải từ chức.
    Điều thứ 42
    Phụ cấp của các nghị viên sẽ do luật định.
    CHƯƠNG IV
    CHÍNH PHỦ
    Điều thứ 43
    Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà.
    Điều thứ 44
    Chính phủ gồm có ************* Việt Nam dân chủ cộng hoà, Phó chủ tịch và Nội các.
    Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó Thủ tướng.
    Điều thứ 45
    ************* Việt Nam dân chủ cộng hoà chọn trong Nghị viện nhân dân và phải được hai phần ba tổng số nghị viên bỏ phiếu thuận.
    Nếu bỏ phiếu lần đầu mà không đủ số phiếu ấy, thì lần thứ nhì sẽ theo đa số tương đối.
    ************* Việt Nam được bầu ra trong thời hạn 5 năm và có thể được bầu lại.
    Trong vòng một tháng trước khi hết nhiệm kỳ của Chủ tịch, Ban thường vụ phải triệu tập Nghị viện để bầu Chủ tịch mới.
    Điều thứ 46
    Phó ************* Việt Nam dân chủ cộng hoà chọn trong nhân dân và bầu theo lệ thường.
    Nhiệm kỳ của Phó chủ tịch theo nhiệm kỳ của Nghị viện.
    Phó chủ tịch giúp đỡ Chủ tịch.
    Khi Chủ tịch từ trần hay từ chức thì Phó chủ tịch tạm quyền Chủ tịch. Chậm nhất là hai tháng phải bầu Chủ tịch mới.
    Điều thứ 47
    ************* Việt Nam chọn Thủ tướng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết. Nếu được Nghị viện tín nhiệm, Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách. Thứ trưởng có thể chọn ngoài Nghị viện và do Thủ tướng đề ra Hội đồng Chính phủ duyệt y.
    Nhân viên Ban thường vụ Nghị viện không được tham dự vào Chính phủ.
    Điều thứ 48
    Nếu khuyết Bộ trưởng nào thì Thủ tướng thoả thuận với Ban thường vụ để chỉ định ngay người tạm thay cho đến khi Nghị viện họp và chuẩn y.
    Điều thứ 49
    Quyền hạn của ************* Việt Nam dân chủ cộng hoà:
    a) Thay mặt cho nước;
    b) Giữ quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong lục quân, hải quân, không quân.
    c) Ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, nhân viên Nội các và nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan Chính phủ.
    d) Chủ toạ Hội đồng Chính phủ.
    đ) Ban bố các đạo luật đã được Nghị viện quyết nghị.
    e) Thưởng huy chương và các bằng cấp danh dự.
    g) Đặc xá.
    h) Ký hiệp ước với các nước.
    i) Phái đại biểu Việt Nam đến nước ngoài và tiếp nhận đại biểu ngoại giao của các nước.
    k) Tuyên chiến hay đình chiến theo như Điều 38 đã định.
    Điều thứ 50
    ************* Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc.
    Điều thứ 51
    Mỗi khi truy tố Chủ tịch, Phó chủ tịch hay một nhân viên Nội các về tội phản quốc, Nghị viện sẽ lập một Toà án đặc biệt để xét xử.
    Việc bắt bớ và truy tố trước Toà án một nhân viên Nội các và thường tội phải có sự ưng thuận của Hội đồng Chính phủ.
    Điều thứ 52
    Quyền hạn của Chính phủ:
    a) Thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện.
    b) Đề nghị những dự án luật ra trước Nghị viện.
    c) Đề nghị những dự án sắc luật ra trước Ban thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt.
    d) Bãi bỏ những mệnh lệnh và nghị quyết của cơ quan cấp dưới nếu cần.
    đ) Bổ nhiệm hoặc cách chức các nhân viên trong các cơ quan hành chính hoặc chuyên môn.
    e) Thi hành luật động viên và mọi phương sách cần thiết để giữ gìn đất nước.
    g) Lập dự án ngân sách hàng năm.
    Điều thứ 53
    Mỗi Sắc lệnh của Chính phủ phải có chứ ký của ************* Việt Nam và tuỳ theo quyền hạn các Bộ, phải có một hay nhiều vị Bộ trưởng tiếp ký. Các vị Bộ trưởng ấy phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện.
    Điều thứ 54
    Bộ trưởng nào không được Nghị viện tín nhiệm thì phải từ chức.
    Toàn thể Nội các không phải chịu liên đới trách nhiệm về hành vi một Bộ trưởng.
    Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các. Nhưng Nghị viện chỉ có thể biểu quyết về vấn đề tín nhiệm Thủ tướng, Ban thường vụ hoặc một phần tư tổng số Nghị viên nêu vấn đề ấy ra.
    Trong hạn 21 giờ sau khi Nghị viện biểu quyết không tín nhiệm Nội các thì ************* Việt Nam có quyền đưa vấn đề tín nhiệm ra Nghị viện thảo luận lại. Cuộc thảo luận lần thứ hai phải cách cuộc thảo luận lần thứ nhất là 48 giờ. Sau cuộc biểu quyết này, Nội các mất tín nhiệm phải từ chức.
    Điều thứ 55
    Các Bộ trưởng phải trả lời bằng thư từ hoặc bằng lời nói những điều chất vấn của Nghị viện hoặc của Ban thường vụ. Kỳ hạn trả lời chậm nhất là 10 ngày sau khi nhận được thư chất vấn.
    Điều thứ 56
    Khi Nghị viện hết hạn hoặc tự giải tán, Nội các giữ chức quyền cho đến khi họp Nghị viện mới.
    CHƯƠNG V
    HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN HÀNH CHÍNH
    Điều thứ 57
    Nước Việt Nam về phương diện hành chính gồm có ba bộ: Bắc, Trung, Nam. Mỗi bộ chia thành tỉnh, mỗi tỉnh chia thành huyện, mỗi huyện chia thành xã.
    Điều thứ 58
    ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có Hội đồng nhân dân do đầu phiếu phổ thông, trực tiếp bầu ra.
    Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra Uỷ ban hành chính.
    ở bộ và huyện, chỉ có Uỷ ban hành chính. Uỷ ban hành chính bộ do Hội đồng các tỉnh và thành phố bầu ra. Uỷ ban hành chính huyện do Hội đồng các xã bầu ra.
    Điều thứ 59
    Hội đồng nhân dân quyết định về những vấn đề thuộc địa phương mình. Những nghị quyết ấy không được trái với chỉ thị của các cấp trên.
    Uỷ ban hành chính có trách nhiệm:
    a) Thi hành các mệnh lệnh của cấp trên;
    b) Thi hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân địa phương mình sau khi được cấp trên chuẩn y;
    c) Chỉ huy công việc hành chính trong địa phương.
    Điều thứ 60
    Uỷ ban hành chính chịu trách nhiệm đối với cấp trên và đối với Hội đồng nhân dân địa phương mình.
    Điều thứ 61
    Nhân viên Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính có thể bị bãi miễn.
    Cách thức bãi miễn sẽ do luật định.
    Điều thứ 62
    Một đạo luật sẽ định rõ những chi tiết tổ chức các Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính.
    CHƯƠNG VI
    CƠ QUAN TƯ PHÁP
    Điều thứ 63
    Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà gồm có:
    a) Toà án tối cao.
    b) Các toà án phúc thẩm.
    c) Các toà án đệ nhị cấp và sơ cấp.
    Điều thứ 64
    Các viên thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm.
    Điều thứ 65
    Trong khi xử việc hình thì phải có phụ thẩm nhân dân để hoặc tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với thẩm phán nếu là việc đại hình.
    Điều thứ 66
    Quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước Toà án.
    Điều thứ 67
    Các phiên toà án đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt.
    Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư.
    Điều thứ 68
    Cấm không được tra tấn, đánh đập, ngược đãi những bị cáo và tội nhân.
    Điều thứ 69
    Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp.
    CHƯƠNG VII
    SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
    Điều thứ 70
    Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
    a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
    b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
    c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng thuận thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.
  6. lvxc_2005

    lvxc_2005 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/12/2005
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    0
    Trừ Hiến Pháp năm 46 ra, còn thì các hiến pháp khác đều mang tính chất của 1 bản tuyên ngôn (chính trị) hơn là 1 bản khế ước xã hội.
  7. KOJ

    KOJ Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2003
    Bài viết:
    269
    Đã được thích:
    0
    Tớ chỉ có một thắc mắc nho nhỏ là cái sự thay đổi của "trải qua hơn 4.000 năm lịch sử " và "mấy nghìn năm lịch sử", vậy thì lịch sử của nước ta đã trải qua bao nhiêu năm rồi, đến bây giờ đã xác định được chưa???
  8. mucdong

    mucdong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/01/2005
    Bài viết:
    174
    Đã được thích:
    0
    Cô cháu bảo hiến pháp 1992 sao nhiều cụm từ ''theo quy định của pháp luật'' thế, trong khi đó hiến pháp 1946 thì không có. Sao không thêm luôn cụm từ ''hiến pháp này đưọc soạn ra theo quy định của pháp luật Việt Nam'' vào lời nói đầu cho nó gọn!!!
  9. mucdong

    mucdong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/01/2005
    Bài viết:
    174
    Đã được thích:
    0
    Cô cháu bảo câu này sai tối nghĩa quá các cô chú ơi. Làm Cách mạng tháng Tám thì chỉ làm trong một năm 1945 thôi chứ sao lại làm ''Từ năm 1930''!!! Cũng chả phải làm Cách mạng tháng Tám cho đến tận hôm nay!!!
  10. nguyen_noi

    nguyen_noi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    196
    Đã được thích:
    0
    Tui chưa thấy 2 bản Hiến Pháp của miền Nam .
    Có ai có thì đăng lên đây để so sánh và thảo luận .
    Cám ơn .
    Trong VietNam Net cách đây không lâu có giới thiệu 1 LS ở SaiGòn (tốt nghiệp ở HN, học thêm ở SG, Pháp và Mỹ) .
    Anh ta bảo là miền Nam ngày trước đã có 1 nền tảng Pháp Luật rất vững chắc, vậy sao không dùng nó ?

Chia sẻ trang này