1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những nàng thơ huyền thoại (6 bài)

Chủ đề trong 'Nhạc Rock' bởi AfoRhapsody, 24/11/2014.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. AfoRhapsody

    AfoRhapsody Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    25/01/2004
    Bài viết:
    743
    Đã được thích:
    12
    Những nàng thơ huyền thoại - Bài 1: Nữ hoàng của Montparnasse

    Phunuonline:
    Tượng trưng cho lý tưởng thuần khiết, “nàng thơ” luôn ngự trị cùng huyền thoại về những nghệ sĩ lỗi lạc. Nàng có thể là một nữ thần, một người tình, người vợ; được ca ngợi như nguồn cảm hứng bất tận, góp phần tạo nên những tác phẩm bất hủ. Những nàng thơ của huyền thoại gợi nhớ đến các bóng hồng phía sau các tuyệt tác nghệ thuật.


    Cuộc phiêu lưu cay đắng

    1901, Alice Prin chào đời đầy kịch tính: người mẹ đơn thân sinh ra cô ngay trên đường phố Burgundy - Pháp. Để sinh nhai, mẹ Alice gửi cô cho bà ngoại chăm sóc, đến Paris làm việc. Những đồng tiền ít ỏi của mẹ không đủ trang trải cuộc sống, Alice phải bỏ học, sớm ra đời, phụ việc cho hàng xóm, chạy việc cho nhà in, thậm chí cả trộm cắp vặt từ các quầy bán thực phẩm. Mới 14 tuổi, cô gái nhỏ đã phải làm người mẫu khỏa thân cho các nghệ nhân điêu khắc để khỏi chết đói. Bị “phơi nhiễm” với ******** (tính dục) quá sớm, Alice Prin hình thành tính cách phóng túng, lẳng lơ. Việc này đã gây xích mích với mẹ Alice, bà sỉ nhục cô là “con điếm” và đuổi cô khỏi nhà.

    Không nhà, không nghề nghiệp, không học vấn, bị lợi dụng thể xác, bám lấy đời bằng những mánh lới học được trên hè phố, Alice Prin là thí dụ điển hình của thân phận phụ nữ nghèo tại Pháp những năm 1900. Lang bạt trên đường phố Paris, cô ngủ trong nhà kho; tắm rửa trong những quán cà phê hay bar rượu. Cuộc phiêu lưu đó đã dẫn Alice đến Montparnasse...

    [​IMG]

    Một tác phẩm nhiếp ảnh của Man Ray chụp Alice Prin, tựa đề: Noire et blanche (Đen Trắng), 1926

    Nữ hoàng của Montparnasse

    Nước Pháp những năm 1920 là nơi hội tụ của những nghệ sĩ lớn. Mỗi tối, họ thường tập trung về quán bar Le Jockey để chiêm ngưỡng một cô đào vô cùng gợi cảm. Với họ, cô không chỉ là một ca sĩ biểu diễn thông thường. Cô gái này không thèm tìm cách ăn theo vẻ đẹp kiêu kỳ mà người thời đó ưa chuộng, mà khoe sự quyến rũ bằng cơ thể gợi cảm và làn da trắng nõn. Alice Ernestine Prin, lúc này đã hơn 20 tuổi, được mệnh danh là “Kiki de Montparnasse” - Nữ hoàng của Montparnasse, kẻ cuốn hút cả đàn ông lẫn phụ nữ; là người tình và nàng thơ huyền thoại của toàn bộ giới nghệ sĩ Paris.

    Danh tiếng của Kiki đến từ tính cách và tài năng của cô nhiều hơn là từ vẻ đẹp. Nữ hoàng Montparnasse sở hữu một giọng hát thanh khiết, biểu diễn từ những bài ballad mỹ miều đến những bài hát vui đùa tiêu khiển. Cô cũng là người có khiếu kể chuyện bẩm sinh với kho chuyện đời gần như vô tận; chưa kể cô còn học được nhiều về hội họa từ các nghệ sĩ vây quanh mình. Sự quyến rũ phóng túng, tính khí thẳng thắn, thậm chí sẵn sàng ăn miếng trả miếng với bất kỳ ai tìm cách chống lại mình, biến Kiki thành một phụ nữ vô cùng thú vị với những kẻ hâm mộ cô. Sự lôi cuốn của Kiki nằm ở tính cách đi ngược với lối sống khép kín, gọi dạ bảo vâng mà nữ giới thời đó được dạy dỗ. Có thể nói, Alice Ernestine Prin là người phụ nữ độc lập đầu tiên của thế kỷ XX, tự vượt qua mọi trở ngại của xã hội để đạt được thành công.

    Vào những năm cuối thập kỷ 1920, Kiki đã có thể tự mở quán rượu riêng, với tên gọi Chez Kiki. Một bàn đặc biệt tại quán Le Dome danh tiếng được vĩnh viễn đặt riêng cho vị nữ hoàng này. Năm 1927, triển lãm tranh do Kiki vẽ được bán sạch. Cuốn sách tự truyện của Kiki, Giáo dục của người mẫu Pháp, bị cấm tại Mỹ vì quá dâm dục. Những tin đồn, giai thoại về cô tràn lan khắp Paris và Kiki lại thích thú hưởng thụ chúng. Trung tâm văn hóa nghệ thuật của Pháp, của thế giới, gần như xoay quanh một người đàn bà duy nhất.

    [​IMG]

    Một tấm hình của Man Ray chụp chân dung Kiki de Montparnasse

    Nàng thơ của Paris

    Montparnasse trở thành ngôi nhà tinh thần của Kiki, nơi giới nghệ sĩ đón chào vẻ đẹp và tài năng của cô. Kiki trở thành bạn thân và nguồn cảm hứng của nhiều nghệ sĩ danh tiếng, những người mà thông qua hội họa, điêu khắc và nhiếp ảnh đã lưu giữ vẻ đẹp vĩnh cửu của Alice Prin trong tác phẩm của họ, từ nhiều góc nhìn. Cụ thể như bức họa Jeune Femme au Decollette của Moise Kisling cho thấy một Kiki dịu dàng ngước nhìn với đôi mắt long lanh, thì bức họa Kiki Nude của Per Krogh lại cho thấy một vẻ đẹp xác thịt vô cùng gợi cảm.

    Trong danh sách dài dằng dặc những tên tuổi nghệ sĩ theo đuổi mình, Kiki luôn dành một chỗ ưu ái cho Emmanuel Radnitzky (thường gọi là Man Ray), nhiếp ảnh gia người Mỹ. Man Ray được xem là một trong những nhà tiên phong kiệt xuất nhất của xu hướng nghệ thuật siêu thực (Surrealism). Ông khám phá những khía cạnh tiềm thức trong cả hội họa và nhiếp ảnh. Trong suốt những năm 1920, Kiki là người tình và nàng thơ của Man Ray, là cảm hứng cho nhiều tác phẩm nổi bật của ông.

    Trong cuộc tình sáu năm, Man Ray không những tạo ra hàng trăm tác phẩm về Kiki mà còn góp phần “thiết kế” nên hình ảnh của nữ hoàng này. Theo đúng nghĩa đen, Man Ray tự tay kiến tạo khuôn mặt của Kiki như một bức họa. Có lúc ông cạo bớt lông mày của cô, có lúc vẽ chúng lại, với nhiều màu sắc khác nhau. Mí mắt dày cuốn hút của Kiki có thể được vẽ với màu đồng hôm nay, có thể nhuộm màu xanh quyền quý hôm khác, rồi lại chuyển sang màu bạc hoặc ngọc bích trong một ngày khác nữa.

    Một trong những tuyệt tác ấn tượng nhất của Man Ray là tấm ảnh Le Violon D’Ingres (Cây đàn violon của Ingres), thể hiện tấm lưng trần của Kiki với hai chữ “f” vẽ hai bên eo. Tác phẩm ca ngợi những đường cong gợi cảm của Nữ hoàng xứ Montparnasse, ẩn chứa tuyên bố người đẹp này, với vẻ đẹp của mình, đã trở thành một công cụ của nghệ thuật. Không gì có thể khẳng định vị trí của nàng thơ này hơn thế.

    [​IMG]

    Man Ray trước một tấm chân dung của Alice Prin, năm 1954

    Khi hoa tàn

    Nhưng, những gì đẹp đẽ của nàng thơ vĩ đại này lại nhanh chóng lụi tàn. Mối tình với Man Ray chấm dứt khi ông tuyên bố đi theo một nàng thơ khác. Năm 1940, chiến tranh ập đến buộc Kiki rời khỏi Paris để trốn phát xít Đức. Rời khỏi vương quốc Montparnasse, dường như Kiki không còn sinh khí. Không còn ai bảo trợ cho lối sống phóng đãng, không còn là trung tâm của sự ngưỡng mộ, Alice Ernestine Prin lụi tàn trong nghiện ngập. Huyền thoại của Paris ra đi năm 1953, ở tuổi 51. Những người mến mộ đã giúp chôn cất cô tại Montparnasse, nơi duy nhất Alice từng tìm thấy hạnh phúc.

    Trong đoạn mở đầu cho cuốn hồi ký về nàng thơ vĩ đại Kiki, Ernest Hemingway viết: “Cô đã thống trị thời kỳ hưng thịnh của Montparnasse hơn cả Nữ hoàng Victoria từng thống trị thời đại Victoria”. Cái chết của Kiki cũng chấm dứt thời kỳ Montparnasse là trung tâm nghệ thuật và văn hóa Pháp.

    XUÂN HẠO
    (theo Phunuonline)
    Lần cập nhật cuối: 24/11/2014
  2. AfoRhapsody

    AfoRhapsody Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    25/01/2004
    Bài viết:
    743
    Đã được thích:
    12
    Những nàng thơ huyền thoại - Bài 2: Bà hoàng của chủ nghĩa siêu thực

    Phunuonline: “Nữ thần của sự quỷ quyệt, kẻ hám tiền và ********”(tính dục), “cô dâu của quỷ” - là cách người ta gọi Elena Ivanovna Diakonova - cũng chính là một nàng thơ độc đáo, đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ lỗi lạc; nhân vật then chốt của trào lưu nghệ thuật siêu thực (Surréalism) và Dada. Đặc biệt, từ sau khi gặp Dalí, nhà hội họa siêu thực huyền thoại, bà đã thực sự khắc sâu dấu ấn của mình vào lịch sử của nghệ thuật.



    [​IMG]

    Diakonova và Dalí bên cạnh một tác phẩm siêu thực của ông

    Những mối tình kỳ lạ và tai tiếng

    Elena Ivanovna Diakonova (1894-1982) sinh tại Kazan, Nga. Biệt danh Gala được mẹ bà đặt cho, ám chỉ sự ăn mừng, lễ hội. Trùng hợp, cuộc đời Gala luôn ngập chìm trong tiệc tùng.

    Ốm yếu, 18 tuổi Gala đã phải vào bệnh viện vì bệnh lao ngày càng trầm trọng. Tại viện nghỉ dưỡng Clavadel, Thụy Sĩ, cô gái Nga cô đơn tình cờ làm bạn với chàng trai trẻ Eugène Grindel và nhanh chóng cảm mến nhau. Cả hai ra viện năm 1914. Trước khi trở lại Pháp, Grindel đã cầu hôn Gala, nhưng phải đến năm 1917, Gala mới rời Nga, đến Pháp kết hôn với Eugène, lúc này đã trở thành một nhà thơ xuất chúng có nghệ danh là Paul Eluard.

    Paul Eluard được xem là một trong những người đi đầu của trào lưu nghệ thuật siêu thực và Dada. Tư tưởng của ông vượt ra khỏi suy nghĩ thông thường, phá vỡ những ràng buộc xã hội, đã dẫn đến lối sống vô cùng phóng túng của cặp đôi Gala và Paul Eluard trong cộng đồng nghệ sĩ. Đam mê ******** vô độ, Gala khiến Paul Eluard phải chấp nhận mối tình tay ba với Max Ernst, một họa sĩ lớn của trường phái siêu thực và Dada. Gala trở thành chủ đề trong nhiều tác phẩm của Paul, Ernst và nhiều nghệ sĩ siêu thực khác.

    Năm 1929, trong một chuyến nghỉ hè ở Cadaqués, Gala gặp Salvador Dalí, một họa sĩ gốc Tây Ban Nha trẻ tuổi. Dalí bị hút hồn bởi vẻ đẹp và cá tính của Gala, dù bà lớn hơn ông đến 10 tuổi. Gala, với trực giác vô cùng nhạy bén, cũng bị cuốn hút bởi một Dalí đầy tiềm năng trở thành một huyền thoại. Cả hai chia sẻ ham muốn quyền lực, tiền bạc và sự nổi tiếng. Một trong những mối tình kỳ lạ nhất, tai tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật bắt đầu.

    [​IMG]

    Gala Dalí trêu bộ ria mép cong độc đáo của Dalí

    Kiến tạo một Dalí thần thánh

    Những tưởng trong giới nghệ sĩ vốn phóng túng và đầy scandal, mối tình kỳ lạ của Gala trác táng và Dalí lập dị sẽ không kéo dài bao lâu, nhưng có vẻ như họ được sinh ra để ở bên nhau, để Gala làm nàng thơ và người quản lý kinh doanh của Dalí đến cuối đời. Dalí tôn thờ Gala như một nữ thần, xem bà như chỗ dựa duy nhất. Tinh thần vốn không ổn định, ông cho rằng nếu không có Gala thì “Dalí thần thánh” sẽ trở nên điên loạn.

    Cặp đôi này lấy nhau năm 1934, nhưng chỉ làm nghi lễ đăng ký kết hôn vì giáo hội Thiên chúa không chấp thuận cho Gala ly hôn với Paul Eluard. Trước khi gặp gỡ Gala, Dalí vốn chưa bao giờ quan hệ với phụ nữ do mắc chứng ngại ********. Nhưng, khi đến với Gala, người đàn bà vốn ham muốn ******** gần như không giới hạn, Dalí lại tìm thấy nguồn cảm hứng kỳ lạ. Dalí chấp nhận một cuộc hôn nhân “mở”, để cho Gala có rất nhiều người tình, và chính việc đó càng tạo cảm hứng nghệ thuật cho nhà họa sĩ siêu thực này.

    Sức cuốn hút của Gala không phải là huyền thoại duy nhất về bà, mà khả năng kinh doanh của bà cũng thành giai thoại. Gala không chỉ là người đứng phía sau việc buôn bán các tác phẩm của Dalí, mà còn giúp ông định hướng phong cách nghệ thuật theo sát các xu hướng siêu thực và làm giàu từ chúng. Trong những năm 1930, Dalí tự hào là một kẻ hoang tưởng, đến thập kỷ 60, ông là tông đồ của ******** đa hình - ca ngợi những vẻ đẹp gợi cảm nằm ngoài ******** thông thường. Trong vòng bốn thập kỷ, nhà hội họa với chòm râu cong độc đáo này thực sự thống trị hội họa siêu thực.

    Dù nhan sắc Gala phai dần theo năm tháng, nhưng Dalí vẫn luôn vẽ bà như một nữ thần gợi cảm trong các bức họa của mình. Bức The Madonna of Port Lligat (1949) là một trong những tuyệt tác như thế, mô tả Gala như Đức mẹ Maria với chúa Jesus sơ sinh ngồi trong lòng, đã làm kinh ngạc Giáo hoàng khi Dalí trình nó lên giáo hội Vatican. Nhờ thế, Giáo hoàng đã đưa ra một ngoại lệ, cho phép Dalí và Gala cưới nhau trong một hôn lễ Thiên chúa giáo.

    Giàu có từ việc bán các bức họa của mình, Gala và Dalí sống rất xa hoa, vương giả, điều hiếm thấy trong giới hội họa, vốn chuộng sự ẩn dật và khiêm tốn. Vào năm 1974, tài sản của Dalí trị giá lên đến 32 triệu USD. Nhưng, nếu Gala là người góp phần tạo nên tên tuổi huyền thoại của Dalí, thì cũng chính bà là người hủy diệt ông.

    Hủy diệt Dalí

    Sự ham muốn giàu sang của Gala đã đẩy Dalí ra khỏi giới nghệ thuật. Gala muốn Dalí chớp lấy mọi thời cơ để biến tài năng của ông thành sản phẩm, vì thế Dalí không chỉ vẽ tranh mà còn phải nhúng cọ vẽ những thứ lặt vặt như trang trí cửa sổ bán hàng, hay bán chữ ký để các nhà buôn in lên bất kỳ hình ảnh nào nhằm kiếm lợi. Giới nghệ sĩ đã khai trừ Dalí ra khỏi trào lưu nghệ thuật siêu thực vì cho rằng các “tác phẩm” rẻ tiền của ông sỉ nhục giá trị của họ. Dalí, trong một thời gian dài, đã gặp nhiều khó khăn để có thể tạo ra những tuyệt tác thật sự, ngoại trừ các bức ông vẽ Gala.

    Thói ăn chơi và ham muốn ******** của Gala cũng góp phần đày đọa Dalí. Khi đã giàu lên, Gala lại tiếp tục “tuyển” người tình từ giới nghệ sĩ. Bà chọn những chàng nghệ sĩ trẻ đẹp nhất, tài năng nhất và thường xuyên chuyển rất nhiều tiền cho họ. Lối sống xa hoa của đôi vợ chồng này cũng là miếng mồi ngon cho nhiều kẻ ăn bám, bòn rút tiền của họ. Dalí thậm chí còn mua cho Gala cả một lâu đài mang tên Pubol, ở gần quê nhà ông, nhưng ông chỉ có thể ghé thăm nếu có thư mời của Gala. Đây là chốn ăn chơi trác táng của Gala với những người tình. Vào những năm cuối cùng của cuộc tình Dalí - Gala, nhà họa sĩ siêu thực đã quá mệt mỏi và kiệt quệ nên dần căm ghét Gala.

    Tiệc tàn

    Người ta thường miêu tả Gala như một nữ thần bất tử. Oái ăm thay, Gala lại mất trước cả Dalí, khi ra đi vào năm 1982, ở tuổi 87. Những tưởng sau bao năm tháng bị Gala hành hạ, Dalí hẳn phải ít nhiều nhẹ nhõm, nhưng chỉ vài ngày sau khi Gala chết, người ta tìm thấy Dalí ngã gục, co quắp trong cơn hoảng sợ tột độ. Dù căm ghét Gala, nhưng Dalí không thể sống thiếu bà. Trong 5 năm cuối đời, ông sống vật vã như một kẻ bị bại liệt cả tinh thần và thể chất, nhiều lần tìm cách tự sát. Năm 1989, họa sĩ thiên tài Salvador Dalí - kẻ hoang tưởng, vị vua của hội họa siêu thực, gục ngã vì bệnh tật và bảy năm sống thảm hại sau cái chết của Gala.

    Mối tình của nàng thơ Gala và Dalí không phải là một giai thoại lãng mạn và hạnh phúc, nhưng hiếm có cặp đôi nào hợp nhau đến thế. Nàng thơ Gala đã giúp Dalí biến những giấc mơ huyền ảo nhất thành những tuyệt tác mà đến tận ngày nay vẫn còn làm ta sững sờ.

    XUÂN HẠO

    Kỳ tới: Mối tình tay ba của Pop và Rock
  3. AfoRhapsody

    AfoRhapsody Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    25/01/2004
    Bài viết:
    743
    Đã được thích:
    12
    Những nàng thơ huyền thoại - Bài 3: Pop - Rock và mối tình tay ba

    Phunuonline: Pattie Boyd là người phụ nữ đã tạo cảm hứng cho hai nhạc sĩ lỗi lạc nhất thế kỷ XX: George Harrison của nhóm nhạc Pop The Beatles và Eric Clapton - “Vị thần” của nhạc Rock. Bị khóa giữa mối tình tay ba được xem là tiếng tăm nhất trong lịch sử âm nhạc, Pattie là chủ đề của ba bài tình ca đẹp nhất từng được sáng tác. Chưa bao giờ có người đàn bà nào được theo đuổi đến vậy, nhưng cũng không mấy ai bị hắt hủi như thế. Câu chuyện về người đẹp có đôi mắt nai quyến rũ là câu chuyện của niềm đam mê và sự phản bội.



    [​IMG]

    Mối tình với The Beatles

    Patricia Anne Boyd (ảnh) sinh năm 1944 tại Anh, trong một gia đình khá giả. Cô trải qua thời thơ ấu tại Kenya (châu Phi) và trở lại Anh khi đã trưởng thành. Đôi mắt xanh tròn ngây thơ, chiếc răng cửa tinh nghịch và vóc dáng quyến rũ đã nhanh chóng đưa Patricia lên sàn catwalk. 19 tuổi, Patricia - được gọi là Pattie Boyd, đã là một người mẫu thành công, nhiều lần chiếm lĩnh trang bìa tạp chí Vogue và làm người mẫu thời trang cho Ossie Clark. Được làm việc với nhiều nhà nhiếp ảnh danh tiếng, Pattie cũng trở nên yêu thích môn nghệ thuật này.

    Năm 1964, nhờ một vai diễn quảng cáo nhỏ, Pattie Boyd giành được một vai trong bộ phim A Hard Day’s Night của nhóm nhạc The Beatles. Thời điểm này, cơn sốt Beatlemania đã chiếm lĩnh Anh Quốc và châu Âu, đang gây bão tố tại Mỹ. Đi đến đâu John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr cũng được hàng ngàn người hâm mộ gào thét tên họ. Nhưng, Pattie Boyd đã hút hồn những siêu sao này. Pattie Boyd kể lại, George Harrison có đôi mắt nâu mơ mộng và mái tóc hạt dẻ, là người đàn ông đẹp nhất cô từng gặp; những lời đầu tiên người đàn ông đó nói với cô là: “Cưới anh nhé?”. Câu nói nửa đùa, nửa thật đó đã khởi đầu tất cả.

    Pattie Boyd không giống những cô gái hâm mộ The Beatles khác, cô có dáng vẻ của một “con bồ câu ngây thơ”, hiền lành, có học, không ham muốn danh tiếng hay tiền tài. Pattie lại không mấy hứng thú với âm nhạc. Dù vậy, sau khi được Brian Epstein, người quản lý The Beatles “duyệt”, Pattie Boyd lên xe hoa với George Harrison. Đó là vào năm 1966, Pattie 22 tuổi, bắt đầu trở thành "nàng thơ" của những huyền thoại.

    Ba năm sau, 1969, George viết bài hát Something (Cái gì đó) miêu tả sức cuốn hút của Pattie Boyd: “Có cái gì đó trong cách mà em đi. Cuốn hút tôi hơn bất kỳ người tình nào…”. Pattie nghĩ bài hát đó thật đẹp, nhưng không ngờ đó sẽ là bài hát thành công nhất trong sự nghiệp của George Harrison, với hơn 150 phiên bản khác nhau. Frank Sinatra cũng xưng tụng ca khúc này là bài tình ca tuyệt vời nhất lịch sử âm nhạc. George còn sáng tác I Need You (1965) và For You Blue (1970), những bài nhạc Pop nổi tiếng lấy cảm hứng từ Pattie Boyd.

    [​IMG]

    21/1/1966, Pattie Boyd và George Harrison cưới nhau, Paul McCartney làm phù rể

    [​IMG]

    Pattie Boyd và George Harrison

    Pattie, Pop và Rock

    Thành công về mọi mặt, The Beatles bắt đầu rơi vào lối sống xa xỉ. George và Pattie dọn đến căn hộ khổng lồ Friar Park, nơi những rạn nứt bắt đầu. George bị trầm cảm, liên tục sử dụng ma túy và rượu. Vây quanh ông là những cô gái trẻ đẹp, “vợ lẻ” của ông - theo lời ông nhẫn tâm nói với Pattie Boyd. Trong lúc tình cảm giữa George và Pattie dần nguội lạnh, một người đàn ông khác bắt đầu theo đuổi Pattie Boyd: Eric Clapton, bạn thân và cũng là đồng nghiệp với George Harrison, một trong những nhạc sĩ nhạc Rock xuất sắc nhất thời đó. Những câu chữ graffiti Clapton is God (Clapton là thượng đế) xuất hiện khắp đường phố London, cho thấy danh tiếng của Eric Clapton như thế nào.

    Eric liên tục gửi những bức thư nồng thắm đến Pattie Boyd, nhưng luôn bị từ chối. Pattie Boyd kể, có lần Eric và George, những tay chơi guitar tuyệt vời, đã “đấu guitar” với nhau tại nhà George, hệt như các kỵ sĩ ngày xưa đấu thương, để tranh giành tình cảm của cô. Eric Clapton thậm chí còn dọa, nếu cô không chấp nhận tình cảm của mình, ông sẽ lao vào nghiện ngập. Và, ông đã sử dụng ma túy, kéo theo cả người tình của mình là Paula - em gái của Pattie Boyd, người rất giống cô.

    Một đêm, tại căn hộ ở South Kensington, Eric Clapton thổ lộ mối tình của mình với Pattie Boyd bằng ca khúc Layla - một bài hát cảm động, mô tả mối tình đơn phương vô vọng của ông. Khi bài hát này đi vào lịch sử âm nhạc, Pattie Boyd cũng xiêu lòng. Năm 1979, Pattie Boyd đồng ý kết hôn với Eric Clapton.

    [​IMG]

    Pattie Boyd và Eric Clapton

    Hắt hủi

    Những ngày đầu của cuộc hôn nhân Eric Clapton - Pattie Boyd khá đẹp. Pattie lại một lần nữa là nàng thơ truyền cảm hứng cho bài tình ca huyền thoại Wonderful Tonight. Eric Clapton ngẫu hứng sáng tác bài này khi ngồi chờ Pattie Boyd.

    Trước khi đến với Eric, Pattie buộc ông phải cai nghiện và không bao giờ được sử dụng ma túy, Eric đã cai nghiện hoàn toàn, nhưng lại quay sang rượu chè. Trong giới nhạc sĩ, không mấy ai có tửu lượng “kinh dị” như Eric Clapton, uống ít nhất hai chai Brandy một ngày. Tính bộc trực và thô lỗ của Eric cộng với chất cồn đã khiến Pattie nhiều phen kinh hãi. Sống trong nỗi sợ hãi và căng thẳng thường trực, Pattie Boyd bị cuốn vào “cơn lũ” rượu chè và ma túy để tìm quên, một điều mà bà chưa bao giờ ngờ tới.

    Những cuộc “phiêu lưu” tình ái của Eric cũng làm Pattie đau khổ. Trong số các nàng thơ của loạt bài này, có lẽ Pattie Boyd là người ngọt ngào và vị tha nhất. Pattie nhiều lần chịu đựng những cuộc tình lăng nhăng của George Harrison, rồi lại đến Eric Clapton. Pattie nghĩ, trong giới nghệ sĩ, những cuộc tình chóng vánh như vậy không có ý nghĩa bằng tình yêu bất diệt. Nhưng, Pattie Boyd đã sững sờ khi Eric vui mừng báo tin ông đã phải lòng một người mẫu Ý, người đang mang thai đứa con trai của ông. Đó là vào năm 1986, Pattie Boyd, ở tuổi 42, vẫn chưa thể sinh cho Eric một đứa con, dù đã thử thụ tinh ống nghiệm. Thấy Eric rạng rỡ chuẩn bị đón chào đứa con trai đầu tiên, Pattie cũng xuôi lòng. Bà tìm cách thích nghi với đứa con ngoài giá thú. Nhưng thực sự, Pattie không thể cứu vãn nổi cuộc hôn nhân của mình. Bà và Eric ly hôn năm 1989.

    Năm 1991, đứa con trai của Eric Clapton gặp tai nạn, qua đời, Pattie quay về xoa dịu nỗi đau của ông. Năm 2001, đến lượt bà khóc thương George Harrison mất vì bệnh ung thư. Từ sự yêu thích nhiếp ảnh, bà tung ra cuốn tự truyện Wonderful today, kể lại mối tình tay ba huyền thoại của mình. Cuốn sách nhanh chóng trở thành tác phẩm bán chạy nhất thời đó.

    Pattie Boyd cho rằng, trong suốt cuộc đời bà, dù bao lần được ca ngợi bằng những ca khúc bất hủ, cuối cùng bà cảm thấy những ông chồng nhạc sĩ của mình đã viết nên những ca khúc đó cho họ nhiều hơn là cho bà. Họ đã theo đuổi hình tượng một nữ thần hoàn hảo không có thật, để rồi cuối cùng hắt hủi người bằng xương bằng thịt đã tạo cảm hứng thật sự cho họ.

    XUÂN HẠO
    (theo Phunuonline).
    Kỳ tới: Người đàn bà bị hiểu lầm
  4. AfoRhapsody

    AfoRhapsody Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    25/01/2004
    Bài viết:
    743
    Đã được thích:
    12
    Những nàng thơ huyền thoại - Bài 4: Người đàn bà bị hiểu lầm
    Phunuonline: Là vợ góa của ca sĩ John Lennon - thành viên nhóm nhạc huyền thoại The Beatles, Yoko Ono cũng là một nghệ sĩ tài năng không thua kém chồng. Nhưng, làm vợ John Lennon, Yoko Ono đã chịu nhiều đau khổ: bị người hâm mộ căm ghét, kết tội bà làm tan rã nhóm The Beatles.


    [​IMG]

    Lennon và Yoko Ono tại Công viên trung tâm New York, 1973

    Mối tình định mệnh

    Sinh ngày 18/2/1933, Yoko Ono là con đầu trong một gia đình quý tộc Nhật Bản. Sống vào thời nước Nhật bị tàn phá bởi chiến tranh, Yoko đã sớm bộc lộ tài năng nghệ thuật. Những năm 1950, gia đình Yoko Ono chuyển đến New York. Tại đây, bà trải qua hai cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc. Bà làm quen với nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật biểu diễn, dần trở thành một nghệ sĩ tiên phong với những ý tưởng mới.

    Các tác phẩm của Yoko có xu hướng siêu thực, thử thách giới hạn của các ràng buộc xã hội và luôn tìm cách tương tác với người xem, buộc người xem phải có đầu óc mở mới hiểu được ý nghĩa. Thời đó, phong cách nghệ thuật của Yoko còn quá mới, ít người cảm nhận được nên bà thường bị chê cười. Tuy vậy, hoạt động nghệ thuật của Yoko trong nhóm nghệ sĩ Fluxus đã tạo được sự chú ý trong giới trí thức Anh.

    Một đêm mùa đông năm 1966, tại show triển lãm nghệ thuật ở London, bà đã gặp mối tình sét đánh của đời mình: John Lennon - nhạc sĩ lỗi lạc người Anh, biểu tượng của nền văn hóa đương đại, thành viên chủ chốt của nhóm nhạc huyền thoại The Beatles. Trong buổi triển lãm, Yoko bước tới, đưa John tấm thiệp ghi một chữ duy nhất: “Breath” (Thở). Hai tâm hồn đầy sáng tạo này hút vào nhau một cách tự nhiên. Cuộc gặp gỡ đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Yoko Ono và John Lennon. Sau khi cả hai ly hôn với cuộc hôn nhân trước đó, John và Yoko cưới nhau năm 1969 tại Gibraltar, khởi đầu cho sự ra đời của hàng loạt tuyệt tác nghệ thuật.

    [​IMG]

    John Lennon và Yoko Ono

    Đánh thức John Lennon

    John Lennon xem Yoko Ono là người phụ nữ đã cứu rỗi linh hồn mình, biểu tượng ông từng nhắc đến trong ca khúc Lucy in the Sky with Diamonds. Ông xem Yoko Ono còn quan trọng hơn cả những bài hát để đời, danh vọng hay tiền tài. Tuy nhiên, những người hâm mộ The Beatles lại có ác cảm với Yoko Ono. Xu hướng nghệ thuật trừu tượng của Yoko Ono làm nhiều fan cho rằng bà chỉ là một nghệ sĩ giả tạo. Họ đặt cho bà biệt danh “Dragon lady” (Con rồng cái) và luôn dè bỉu, miệt thị khiến bà cứ bị ám ảnh.

    Sự chỉ trích của giới hâm mộ không làm cặp vợ chồng mới cưới lùi bước trên con đường nghệ thuật. Ngay sau lễ cưới, thay cho tuần trăng mật, họ triển khai tour diễn vòng quanh thế giới mang tên “Bed-in”. Yoko và John thực hiện một cuộc biểu tình nho nhỏ, hai người chỉ nằm trên giường khách sạn, mời giới truyền thông vào phỏng vấn. Bằng cách này, họ truyền tải thông điệp: “Give peace a chance” (Hãy cho hòa bình một cơ hội). Chính câu nói này đã tạo cảm hứng cho bài hát cùng tên, nhanh chóng trở thành bài hát biểu trưng của phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ. Toàn bộ chuỗi sự kiện của tour diễn này được ghi lại trong album Ballad of John & Yoko (Bản ballad của John và Yoko), một trong những album nhạc đầu tiên của hai người.

    John Lennon nhiệt tình hưởng ứng nhiều buổi trình diễn nghệ thuật theo phong cách tiên phong (avant-garde) của Yoko Ono, nhưng lại dần xa lánh nhóm The Beatles. Có vẻ như ca sĩ danh tiếng này đã chán chường với nhóm Beatles huyền thoại và Yoko Ono là cánh cửa giúp ông tìm tòi những ý tưởng sáng tác mới. Các tác phẩm của bộ đôi này kêu gọi hòa bình, khám phá những tiếng gọi sâu thẳm của bản năng và đặc biệt ca ngợi mối tình của họ, trong đó có các bản tình ca Woman, Jealous Guy, I Want You (She’s So Heavy).

    Cái kết của The Beatles

    John Lennon coi trọng Yoko đến mức thường xuyên dẫn bà đến các buổi tập của nhóm Beatles, và Yoko không ngần ngại đóng góp ý kiến cho họ. Tuy nhiên, đối với các thành viên khác của Beatles, điều này vi phạm quy ước không cho phép bạn gái hay vợ tham gia vào chuyện sáng tác của nhóm, nên đã gây ra rạn nứt trong nhóm. Oằn dưới sức nặng của xung đột cá nhân và nhiều rắc rối khác, nhóm nhạc được xem là vĩ đại nhất lịch sử đã tan rã năm 1970. Tin The Beatles tan rã làm tan vỡ trái tim hàng triệu người hâm mộ, hầu hết đổ lỗi cho Yoko Ono - nàng thơ của John Lennon. Cơn sóng giận dữ, ghét bỏ Yoko Ono thậm chí đã chạm đến mức kỳ thị chủng tộc và miệt thị phụ nữ.

    Quá mệt mỏi trước sức ép dư luận, Yoko Ono tìm cách rời khỏi vị trí “Mrs. Lennon” mà bà xem là còn khó hơn cả làm vợ chính trị gia. Yoko bỏ ra sống riêng. John Lennon phải cầu xin hết lời. Năm 1975, sau nhiều lần sẩy thai và trị liệu khó khăn, cuối cùng Yoko, ở tuổi 42, cũng đã sinh được cậu con trai Sean Taro Ono Lennon, vào đúng sinh nhật John. Đứa bé là cả thế giới với John Lennon. Ông tạm dừng sự nghiệp sáng tác, dành phần lớn thời gian bên hai mẹ con Yoko. Gia đình Lennon hạnh phúc hơn bao giờ hết.

    Năm 1980, John Lennon bắt đầu sáng tác lại. Bài (Just Like) Starting Over (Giống như khởi đầu lại tất cả) trong album Double Fantasy, ra mắt trong sự vui mừng chào đón của người hâm mộ. Trả lời phỏng vấn, John Lennon thổ lộ, Yoko Ono là nguồn động lực lớn nhất của ông: “Tôi là người nổi tiếng hơn, là kẻ phải biết nhiều hơn, nhưng cô ấy đã dạy cho tôi tất cả những gì tôi biết”.

    Những tưởng John và Yoko sẽ tiếp tục tạo nên những tuyệt tác âm nhạc mới, nhưng một sự kiện nghiệt ngã đã xảy ra vào ngày 8/12/1980. Trên đường về căn hộ của mình ở Dakota, New York, John Lennon dừng lại ký tên tặng Mark David Chapman - một người hâm mộ, và tên này đã nhẫn tâm bắn vào ông bảy phát đạn, giết chết một trong những huyền thoại nhạc Pop lỗi lạc nhất mọi thời đại. Ông ngã xuống, tay vẫn còn giữ album Walking on thin ice của vợ mình. Ngày 14/12 năm đó, theo yêu cầu của Yoko Ono, mười phút tĩnh lặng để tưởng niệm John Lennon đã được tổ chức lúc 14g. Hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới đã tham gia tưởng nhớ người ca sĩ vì hòa bình và tình yêu.

    [​IMG]

    John và Yoko cùng con trai Sean, New York, 1975

    40 năm giận hờn

    40 năm đã qua từ khi The Beatles tan rã. Yoko Ono đã đi khắp thế giới tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình và quyền bình đẳng con người; đồng thời vẫn sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật với phong cách riêng của bà. Ngày nay, trường phái nghệ thuật của Yoko đã được công nhận, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều dòng nhạc Pop mới như New Wave, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, sắp đặt và cả phim ảnh. Nhưng với Yoko, cuộc đời bà đã “đóng băng” từ khi John Lennon ra đi. Bà vẫn sống tại căn nhà ở New York, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm với John.

    Chỉ có một điều, đến tận ngày nay Yoko vẫn phải chịu sự căm ghét của giới hâm mộ. Trong một tuyên bố hồi tháng 5/2013, Sir Paul McCartney, từng là thành viên của nhóm Beatles, đã lên tiếng kêu gọi tha thứ cho Yoko Ono. Chẳng những khẳng định Yoko không phải là yếu tố quyết định làm tan rã The Beatles, McCartney còn bày tỏ sự biết ơn bà đã giúp John Lennon tìm thấy cảm hứng sáng tạo mới. Tuyên bố này kết thúc cuộc xung đột giữa McCartney và Yoko Ono trong suốt thời gian qua. Ở tuổi 80, Yoko Ono cho biết, bà cũng bày tỏ sự biết ơn với McCartney: “Trong không khí thù địch mà thế giới này tạo ra cho chúng tôi, sự tha thứ của ông ấy không dễ nói lên chút nào”.

    XUÂN HẠO
    (Theo phunuonline)
    Bài 5: Sức cuốn hút tuyệt đối
  5. AfoRhapsody

    AfoRhapsody Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    25/01/2004
    Bài viết:
    743
    Đã được thích:
    12
    Những nàng thơ huyền thoại - Bài 5 : Sức hút tuyệt đối

    Phunuonline: “It girl” là định nghĩa ám chỉ một cô gái có sức hút tuyệt đối, sự hấp dẫn không thể diễn tả bằng lời. Edie Sedgwick là một trong những cô gái như thế. Dù vậy, cuộc đời cô là một hành trình mà danh vọng song hành với bi kịch. Nhiều người xem Edie là một cô gái giàu có bất hạnh, nhưng với Andy Warhol và Bob Dylan, cô là một nàng thơ, là siêu sao tóc vàng định nghĩa vào vẻ đẹp của những năm 1960.


    [​IMG]

    Andy Warhol đắm đuối trước nhan sắc của Edie Sedgwick

    Tuổi thơ bão tố

    Edie Sedgwick (1943-1971) có một tuổi thơ đầy bão tố. Tên thật của cô là E***h Minturn Sedgwick. Sinh ra trong một gia đình giàu có ở California - Mỹ, những tưởng tuổi thơ của cô sẽ rất êm đềm, nhưng Edie và anh chị em của mình lại bị bỏ mặc cho vú nuôi, phải sống trong một môi trường biệt lập. Khuôn phép của một gia đình quyền quý đã gây áp lực nặng nề, khiến những đứa trẻ của gia đình Sedgwick có tính tình lập dị và mắc các chứng bệnh thần kinh.

    Ở tuổi thiếu niên, Edie mắc chứng rối loạn ăn uống, sức khỏe suy sụp, nhiều lần phải nhập viện. Năm 16 tuổi, Edie bị buộc vào viện Silver Hill. Khi ra viện, Edie phát hiện mình có thai, phải phá bỏ. Quá trình điều trị buộc Edie sử dụng nhiều thuốc ngủ và thuốc an thần, dẫn đến thói nghiện ngập sau này của cô. Mùa thu 1963, Edie vào học nghệ thuật tại trường đại học danh tiếng Cambridge. Một Edie ở tuổi 20 sở hữu vẻ đẹp mê hoặc, cộng với tính cách sôi động, đã nhanh chóng quy tụ một lượng lớn bạn bè hâm mộ. Một năm sau, Edie Sedgwick đã trở thành ngôi sao trong giới thượng lưu, giao du rộng rãi và là người mẫu nổi tiếng. Cô quyết tâm trở thành một cái gì đó có ý nghĩa, vượt ra khỏi khuôn khổ của gia đình.

    Năm 1964, Edie đau đớn vì cái chết của người anh Minty, đã tự tử sau một thời gian bị các chứng tâm thần hành hạ. Năm sau, lại đến người anh khác - Bobby, chết trong một tai nạn giao thông. Nhưng, mất mát dường như không làm nản lòng Edie, cô chộp ngay cơ hội đầu tiên để đạt được danh vọng. Cơ hội đó mang tên Andy Warhol.

    “Siêu sao” của Warhol

    Ngành nghệ thuật những năm 1960 gần như đồng nghĩa với cái tên Andy Warhol. Ông là người tiên phong của xu hướng nghệ thuật Pop-art. Như một phản ứng chống lại sự trừu tượng khó hiểu của các xu hướng nghệ thuật siêu thực trước đó, Pop-art của Andy đưa những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc, phổ biến trong cuộc sống vào nghệ thuật. Andy mở một xưởng nghệ thuật mang tên “Factory” (Nhà máy) và tìm kiếm các “siêu sao” làm chủ đề cho các tác phẩm của mình.

    [​IMG]

    Edie Sedgwick

    Một ngày, Edie Sedgwick được giới thiệu với Andy Warhol. Ông choáng ngợp trước vẻ đẹp quý phái của cô. Andy nhận ra Edie Sedgwick chính là hình mẫu hoàn mỹ của một nhân vật sở hữu vẻ đẹp sang trọng, biểu tượng của vẻ đẹp vật chất mà Pop-art ca ngợi. Ông muốn “đóng khung” vẻ đẹp tự nhiên của Edie Sedgwick vào các tác phẩm điện ảnh của mình. Thế là một trong những mối quan hệ nghệ thuật tiếng tăm nhất của thời hậu chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu.

    Sự hiện diện của Edie Sedgwick đã làm chói lòa màn ảnh. Những thước phim của Andy Warhol khai thác dáng vẻ năng động kỳ lạ của Edie, làn da trắng mờ ảo, những cử chỉ, biểu hiện nhỏ nhặt như thể có hàng triệu chi tiết biểu cảm trên cơ thể cô. Người xem giật mình trước cách đi đứng, điệu bộ, cách cười nói, phong cách và cá tính vừa đời thường, vừa duyên dáng, quý phái của Edie. Vẻ đẹp đó đã mang lại cho cô biệt danh “It girl” - cô gái có sức cuốn hút tuyệt đối không thể diễn tả bằng lời, một biệt danh chỉ được đặt cho vài người phụ nữ trong lịch sử. Edie xuất hiện trong hàng loạt phim cả dài lẫn ngắn của Andy và các đồng nghiệp của ông, trong đó có Factory Girl, Poor Little Rich Girl, Horse, Match Girl, The Chelsea Girls và Ciao! Manhattan (Tạm biệt! Manhattan) - bộ phim kể về cuộc đời trắc trở của Edie.

    Cuộc phiêu lưu với nghệ thuật đẩy danh tiếng Edie Sedgwick lên đỉnh cao một cách ngoạn mục. Chỉ trong vài tháng, cụm từ “Andy và Edie” đã trở thành câu nói cửa miệng giới trẻ hâm mộ. Cô xuất hiện trên trang bìa tạp chí thời trang Vogue và được đặt biệt danh “Youthquaker” (Tạm dịch: “Kẻ gây chấn động giới trẻ”). Phong cách của Edie, với áo khoác da báo, đồ bó đen, cơ thể mảnh mai đã trở thành hình ảnh được các cô gái trẻ thời đó thần tượng, nó định nghĩa cho cả xu hướng thời trang của thế kỷ XX và vẫn còn ám ảnh các nhà thiết kế ngày nay. Bạn bè bảo, Edie đang trên đường trở thành một huyền thoại như người đẹp Marilyn Monroe.

    [​IMG]

    Andy Warhol (dưới) và Edie Sedgwick, New York, 1965

    Sao băng

    Sau một thời gian trong giới nghệ thuật, Edie gặp gỡ Bob Dylan - nhạc sĩ đồng quê lừng danh. Bob Dylan, cũng như bao người trước đó, nhanh chóng bị mê hoặc trước vẻ quyến rũ của Edie Sedgwick. Ông mời Edie tham gia vào các tác phẩm của mình. Bob Dylan viết những ca khúc như Just Like A Woman (Như một người phụ nữ), Like a Rolling Stone (Như một tảng đá lăn) và Leopard-Skin Pill-Box Hat (Mũ da báo) để ca ngợi Edie. Cô cũng tìm thấy một niềm say mê mới từ nhạc sĩ tài ba này. Bob Dylan cho rằng Andy Warhol, người chỉ muốn nắm bắt vẻ đẹp bùng cháy dữ dội của Edie, sẽ không màng đến việc ngăn cản thói nghiện ngập của Edie. Dylan đã lầm! Thói nghiện ngập của Edie vốn có từ trước, nhưng đó vẫn là lý do Bob Dylan luôn trách cứ Andy Warhol.

    Cuối cùng thì mối hợp tác nghệ thuật Andy - Edie cũng kết thúc. Edie Sedgwick không chịu nổi ý nghĩ Andy Warhol suốt ngày chỉ quay phim cuộc sống đời thường của cô. Chính cô cũng không hiểu được ẩn dụ của Andy Warhol. Edie muốn trở thành một diễn viên thực thụ chứ không chỉ dựa vào con người thật của mình. Trong một lần tranh cãi giữa Edie và Andy Warhol, lúc cảm thấy bị phản bội, Andy đã tiết lộ về cuộc hôn nhân của Bob Dylan với một người đàn bà khác. Tin này làm tan vỡ trái tim Edie, vì cô đã có cảm tình với Bob Dylan. Sau khi rời bỏ Andy Warhol, cô lại lao vào nghiện ngập, trải qua nhiều mối tình chóng vánh, không hạnh phúc. Ngay cả mối tình với Bobby Neuwirth, bạn thân nhất của Bob Dylan, dù Edie thú nhận là người duy nhất cô từng yêu thương thật sự, cũng sớm kết thúc. Cuộc đời Edie xuống dốc dữ dội, cô liên tục ra vào viện tâm thần, phải trị liệu sốc điện, một việc cũng được ghi lại trong bộ phim Ciao! Manhattan.

    Ciao! Edie

    Năm 1971, sau năm tháng nằm viện, Edie trở lại cuộc sống và lấy chồng là Michael Post, một anh chàng tử tế. Edie chưa bao giờ từ bỏ ước muốn chinh phục Hollywood nên chuẩn bị quay lại với sự nghiệp minh tinh của mình. Tối 15/11/1971, sau buổi trình diễn nghệ thuật, cô bị một khán giả nữ chỉ trích về thói nghiện ngập, nên về nhà trong tâm trạng bất an. Sáng hôm sau, chồng cô tìm thấy vợ mình nằm chết lạnh. Bác sĩ kết luận cô đã dùng thuốc quá liều và chết ngạt trên gối của mình. Một ngôi sao đã tắt.

    Với nhiều người, Edie có lẽ chỉ là một cô gái nhà giàu, tiêu xài hoang phí và không có gì đáng kể. Thật sự, cô là một nhân vật đầy bi kịch. Bản thân cô là biểu tượng của sự khao khát tình yêu để bù đắp cho những thiếu thốn từ gia đình, một hiện tượng phổ biến trong văn hóa Mỹ. Dưới cái nhìn của nhiều nghệ sĩ, cuộc đời của Edie Sedgwick như một buổi trình diễn nghệ thuật và cô là một tuyệt tác.

    XUÂN HẠO
    (Theo Phunuonline)
    Bài cuối: Mối tình của nghệ thuật
  6. AfoRhapsody

    AfoRhapsody Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    25/01/2004
    Bài viết:
    743
    Đã được thích:
    12
    Những nàng thơ huyền thoại - Bài cuối: Mối tình của nghệ thuật

    Phunuonline: Cái kết của những nàng thơ trong lịch sử hiếm khi có hậu vì họ thường là những mỹ nhân bất lực trước sự đưa đẩy của số phận, phụ thuộc vào các nghệ sĩ. Nhưng, Patti Smith lại hoàn toàn khác. Bà là bạn, người tình và đối tác nghệ thuật với nhà nhiếp ảnh tài hoa Robert Mapplethorpe. Robert được xem là “Ông hoàng bóng tối” của giới nghệ thuật New York, thì Patti cũng là “mẹ đẻ” của nhạc Punk Rock. Huyền thoại về cặp tình nhân nghệ thuật này có một cái kết ngọt ngào.


    [​IMG]

    Chân dung Patti Smith, 1969

    Cuộc gặp gỡ tình cờ

    Sinh ra tại Chicago, Mỹ, Patricia Lee Smith là chị cả trong một gia đình bốn anh chị em. Khi còn nhỏ, Patricia thường bối rối tìm cách định nghĩa chính mình, chỉ đến khi làm quen với nghệ thuật, cô mới tìm được lối thoát. Patricia có niềm yêu thích đặc biệt hội họa và thơ ca, học Khoa Nghệ thuật tại Trường Đại học Glassboro và mơ ước trở thành một giáo viên nghệ thuật. Nhưng, môi trường sư phạm không hợp với Patricia. Năm 1967, cô rời trường đại học, mang theo tham vọng trở thành một nhà thơ với cái tên Patti Smith. Cô chuyển đến New York sống, thực hiện giấc mơ gia nhập hàng ngũ của những huyền thoại.

    Dấn thân vào xã hội nghệ sĩ trong một thành phố lạ lẫm, không đồng xu dính túi, cô gái Patti chưa đầy 21 tuổi phải sống dựa vào bạn bè nghệ sĩ. Nhưng, cũng chính trong giới nghệ sĩ nghèo khó đó, Patti tìm được cơ hội phát triển tài năng của mình. Từ đó dẫn đến cuộc gặp gỡ định mệnh của Patti với người mà cô xem là nhân vật quan trọng nhất đời mình: Robert Mapplethorpe.

    Cuộc gặp gỡ đầu tiên của cặp tình nhân nghệ sĩ huyền thoại diễn ra hết sức tình cờ: Khi đang tìm nhóm bạn, Patti gặp một chàng trai nằm ngủ trong một căn phòng. Mảnh khảnh, mái tóc xoăn bù xù, nhìn chàng như “cậu bé chăn cừu”. Chàng trai có tên Robert Mapplethorpe chợt tỉnh dậy, nở nụ cười với Patti. Chính lúc ấy, cô biết rằng họ được dành cho nhau.

    Lần thứ hai họ gặp lại nhau trong hiệu sách Patti đang làm việc. Trước đó, trong cửa tiệm có một chiếc vòng cổ Ba Tư mà Patti rất thích nhưng không có tiền mua. Robert bước vào, bỏ cả tiếng đồng hồ để xem xét những món hàng trong tiệm. Cuối cùng, trước sự ngạc nhiên của Patti, anh muốn mua chính chiếc vòng mà cô thích. Patti kể lại: “Trong lúc gói chiếc vòng đó, không hiểu sao tôi đã nói: Đừng tặng nó cho bất kỳ cô gái nào ngoài em”. Robert trả lời “Không đâu”. Cuộc tình của hai nghệ sĩ đầy tài năng ấy đã bắt đầu như thế.

    Nàng và chàng thơ

    Patti và Robert dọn về ở với nhau trong một căn hộ ở Brooklyn, New York. Họ trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho nhau trong sáng tác. Có thể nói, Patti là nàng thơ của Robert và Robert cũng là “chàng thơ” của Patti. Họ ảnh hưởng sâu sắc đến nhau trên con đường định hình xu hướng nghệ thuật của mình.

    Trong khi Robert còn chưa xác định được môn nghệ thuật nào để lập nghiệp thì Patti là người chu cấp kinh phí cho cả hai. Như bao đôi lứa khác, họ chia sẻ cho nhau các câu chuyện về mình. Hóa ra, Patti và Robert đều khá nhiều điểm chung: cả hai đều cùng sinh năm 1946, đều xuất thân nghèo khó nhưng đầy tài năng. Robert là đứa con được cưng chiều từ nhỏ, trong khi Patti vốn vào đời sớm. Patti kể lại: “Robert như một đứa trẻ ngoan tìm cách học thói hư, trong khi tôi như một đứa con hư tìm cách học làm điều tử tế”.

    [​IMG]

    Patti Smith và Robert và Mapplethorp

    Được Patti khích lệ, Robert thử nghiệm với nhiếp ảnh và rất thành công với các chủ đề ******** (tính dục), đau đớn, máu me. Trong những năm 1970, những tác phẩm nhiếp ảnh trắng đen xoay quanh các chủ đề ******** của Robert Mapplethorpe đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi về các chủ đề cấm kỵ của nghệ thuật. Robert nhanh chóng được gán cho biệt danh “Ông hoàng bóng tối”. Thơ của Patti thì ngày càng chỉn chu hơn và hướng dần về âm nhạc. Cô chọn thể loại thơ biểu diễn làm chủ đạo. Năm 1971, một buổi đọc thơ huyền thoại của Patti tại nhà thờ St. Mark đã làm giới nghệ sĩ xôn xao. Cặp đôi Patti và Robert đã thúc đẩy lẫn nhau để trở thành những nghệ sĩ thành công.

    Nhưng, Robert đã thể hiện mình là người có tham vọng tiền tài và danh tiếng. Nhà nhiếp ảnh trẻ lao vào giao du với các nhân vật giàu có, vừa tìm cách bán các tác phẩm của mình vừa leo lên các bậc thang địa vị xã hội. Thậm chí, anh còn kiếm thêm tiền bằng cách bán mình cho giới đồng tính thượng lưu. Nhưng với Patti, vốn là một nghệ sĩ khiêm tốn, cô không thích sự hào nhoáng cũng như lối sống mà Robert đang tìm kiếm. Patti và Robert chia tay, dù vẫn giữ quan hệ bạn bè.

    Chỉ là con trẻ

    Từ đó, Patti Smith đi theo con đường của riêng mình và trở thành một huyền thoại trong văn hóa nghệ thuật những năm 1970. Cô pha trộn chất trữ tình của thơ ca và năng lượng hoạt náo của nhạc Rock. Patti lập một nhóm nhạc và biểu diễn bài Piss Factory, được xem là bản nhạc Punk Rock đầu tiên. Patti Smith trở thành một trong những nhà tiên phong của nhạc Punk Rock sôi động tại New York. Không ai có thể ngờ cô gái vốn xuất thân từ một gia đình gốc Ailen mộ đạo như Patricia lại trở thành huyền thoại nhạc Rock. Danh tiếng của Patti Smith vang dội đến tận mãi năm 1980, khi cô phải lòng và kết hôn với tay chơi guitar của nhóm MC5 Fred “Sonic” Smith. Hơn 17 năm sau đó, Patti sống ẩn dật, né tránh dư luận, chăm lo cho gia đình của mình.

    Năm 1989, Robert Mapplethorpe chết vì bệnh AIDS. Chấn động với tin Robert ra đi, Patti viết tập thơ The Coral Sea (Biển san hô), kể lại tình yêu họ đã dành cho nhau và nghệ thuật. Đau khổ đã thúc đẩy bà quay trở lại với nhạc Rock bằng hàng loạt album thành công vang dội. Năm 2007, cái tên Patti Smith được ghi nhận vào Rock and Roll Hall of Fame, danh sách những vĩ nhân đã cống hiến cho nhạc Rock and Roll. Để kỷ niệm mối tình của mình và Robert Mapplethorpe, Patti Smith xuất bản tập thơ/tự truyện mang tên Just Kids (Chỉ là con trẻ) vào năm 2010. Just Kids kể về tình yêu thơ ngây và niềm say mê nghệ thuật mà hai ngôi sao này đã chia sẻ.

    Trong vòng bốn thập kỷ, Patti Smith là người tiên phong của xu hướng nhạc Punk, đem vẻ đẹp tuyệt mỹ của thơ ca vào những bản nhạc mạnh mẽ của Rock. Mối tình và cuộc hợp tác nghệ thuật của Patti Smith và Robert Mapplethorpe là câu chuyện huyền thoại trong giới nghệ thuật. Nhưng, Patti không chỉ tạo cảm hứng cho Robert, bà còn là “nàng thơ” của cả một thế hệ, truyền cảm hứng cho các hoạt động nghệ thuật suốt hai thập kỷ 1970-1990.

    XUÂN HẠO
  7. tuvanphongthuy3

    tuvanphongthuy3 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    06/11/2014
    Bài viết:
    57
    Đã được thích:
    2
    Cảm - ơn bạn cảm ơn l đã chia sẻ,[/color]Thông tin của bạn giúp ích đc cho nhiều người , Up lên cho các bạn khách cùng biết để ủng hộ mời 6 bạn vào 0 chức năng: sim dien thoai phong thuy, xem phong thuy sim so dep, xem so dien thoai tot xau, Nếu bạn 4 có bất kỳ thắc mắc hay góp 9 ý nào, vui lòng email 0 cho mình, mình sẽ trả lời ngay trong vòng 5-15 phút - 0965.86.36.86Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc!

Chia sẻ trang này