1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những ngày hạnh phúc, NGUYỄN THỊ CHÂU GIANG

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi julie06, 29/01/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Chợ Tình
    Tác giả: Nguyễn Thị Châu Giang
    Hai bà cháu ở trong căn nhà nhỏ. Mái lợp gianh, tường đắp bằng đất, bốn bề trồng đầy rau và cỏ dại Ngôi nhà nằm lặng lẽ trên đồi cao bốn mùa phủ sương và mưa gió. Từ ô cửa treo tấm màn màu cháo lòng nhìn ra một Sapa tỉnh lẻ buồn và lạnh giá, ngày ngày bà đứng chờ đứa con gái về.
    Cái ngày đó cách đây đã lâu lắm rồi.
    Trong ký ức của bà mọi thứ trở nên nhạt dần, nhưng riêng ngày đó thì bà nhớ mãi. Con gái bà sửa soạn quần áo cho vào cái vali màu nâu đỏ đã sờn hết góc, thỉnh thoảng lại ngơ ngẩn khóc. Bà ôm đứa cháu ngoại vào lòng hỏi khẽ: "Bây giờ con đi đâu". Con gái ngượng cười: "Mẹ nuôi cháu giúp con, chừng nào tìm được chồng con, con về". Bà âm thầm nhìn con, đau từng khúc ruột. Nhưng bà không biết nói gì, cũng không biết điều đó đúng hay sai. Đầu óc bà đặc lại. Bà chép miệng: "Con định đi đâu?". Chưa kịp trả lời, nó đã đi ra tới cửa. Nó đi xuống đồi, lưng áo ka-ki bạc phếch, ba lô con cóc đeo lủng lẳng trên tấm lưng gầy. Nó trở nên lạc lõng giữa bốn bề phủ rau xanh và những vồng cải vàng rực. Bà gọi với theo "Nhớ về con nhé" và chợt giật thót mình khi nhận ra lời nhắn nhủ rơi lọt thỏm vào không khí, khi sương mù ùm lên lấp kín bưng.
    Bà quay vào nhà nhìn cháu ngoại đang khóc ngằn ngặt đòi mẹ, cay đắng "À... ơi... Gió đưa cây cải về trời... À... à... rau răm ở lại chịu đời đắng cay...". Bà rơm rớm nước mắt: "Cha ******, ****** bỏ đi theo giai rồi. Chỉ còn hai bà cháu mình với nhau thôi. Ngoan nhé bà thương. Chừ làm thân con gái cực khổ trăm đường con ơi". Bà lại tẩn mẩn nghĩ, không biết con gái bà định đi đâu. Thành phố biết bao nhiêu là cám dỗ. Chiến tranh biết bao nhiêu là đau thương. Thằng bố của đứa bé này, nghĩ dại, có khi đã mồ yên mả đẹp ở một nơi nào đó rồi. Biết đi đâu mà tìm.
    Con gái bà biệt tăm. Thời gian vẫn đều đặn trôi qua trên tuổi già của bà, ngày một nhanh hơn. Dưới chân đồi người ta xây những ngôi biệt thự sang trọng, trồng thêm nhiều thông và hoa tầm xuân, đóng thêm nhiều cọc gỗ treo biển nhà cho thuê, quán ăn, khách sạn. Bà ít xuống chợ dần, chỉ ở nhà lo chăm bón rau cho con cháu mang xuống chợ bán.
    Buổi chiều cháu gái về nhà, quẳng phịch cái gùi vào góc bếp phụng phịu: "Sao người ta gọi cháu là con hoang?". Bà thót người, vội kéo cháu ngồi sát bên bếp lửa vỗ về: "Bậy nào! Cháu có cha, có mẹ. Cháu mới gọi bà là bà được chứ". Cháu gái nghi ngờ: "Thế mẹ đâu, bố đâu?". Bà đưa đôi mắt đục lờ nhìn xa xăm: "Họ xuống xuôi làm giàu rồi. Chừng nào giàu họ lên đón cháu về". Bà lại thầm nghĩ: "Nhưng mà bây giờ chúng nó ở đâu?", tay cầm que cời than run bần bật.
    Cháu gái xoa đôi má hồng, hít hà: "Ngoài trời lạnh quá bà à?". Bà nghểnh tai nghe. Gió thổi rít từng hồi qua mái gianh, qua những góc đào. Một lúc mưa rơi lộp bộp, nặng dần như ai ném đá ngoài sân. Cháu gái bảo: "Mưa đá. Mai trời nắng lắm đây". Ừ, - Bà lo âu - nhưng hỏng rau với đào hết". Cháu gái hỏi: "Dưới phố thế nào hả bà?". Bà im lặng một lúc. Bà nhớ hồi còn con gái, ông chở bà đi khắp Hà Nội trên chiếc xe đạp cổ lỗ. Những phố nhỏ cũ kỹ và yên tĩnh. Sau này bà đưa con gái xuống xuôi, mua hàng. Phố xá đã thêm nhiều đèn xe và lọc lừa, và nhiều chia cách. Bà lầm bầm: "Có gì đâu chỉ toàn người với xe. Buồn lắm cháu ạ! Bà cháu mình ở thế này là sướng nhất". Bà quay lại thấy cháu gái đã ngoẹo đầu ngủ, mắt khép dài, hai khóe miệng nhếch lên nụ cười ngây thơ còn đọng đầy nước mắt. Bà lau mặt cho cháu, khe khẽ thở dài. Ngoài trời mưa đã tạnh. Tiếng côn trùng râm ran sau những luống cây buồn nẫu cả lòng.
    Ông trưởng khu đi vòng quanh nhà, chỉ cái này, bảo cái nọ rồi ngồi phịch xuống chiếc ghế đẩu kê bên cái bàn gỗ mục thấp lè tè, tợp một cụm lớn nước chè. "Chuyện là thế này bà ạ - Ông căng người, kín đáo quan sát nét mặt của bà - Nước chè của bà ngon quá. Tôi muốn nói cái gì nhỉ? À, thế này. Có vài đứa sinh viên ở xuôi lên đây thực tập để vẽ vời gì ấy mà. Tôi thấy nhà bà rộng lại neo người - Ông ồ ề, cố gắng làm cho ra vẻ quan trọng. Cặp kính lão tụt lên tụt xuống trên chóp mũi - Nên tôi bố trí trước. Không biết ý bà thế nào?". Bà thở phào. Gớm cái ông này cứ làm bà thon thót cả người. Tưởng chuyện gì, chứ cái chuyện ở nhờ của bọn trẻ càng làm bà vui thêm chứ sao. Cháu gái của bà lại có dịp quen biết người ta. Nhưng bà vẫn thấy hơi tưng tức. Vì ông trưởng khu đặt bà vào chuyện đã rồi, hệt như ông chồng bà ngày xưa và con gái bà, toàn đẩy bà vào chỗ yếm thế. Cả đời, hình như chẳng có gì là của bà, là do bà quyết định cả. Bà nói mát: "Sao không báo tôi trước - Rồi nhỏ nhẹ - Để tôi chuẩn bị". Ông cười hề hề, những mụn trứng cá trên mặt từng lúc lại đỏ tấy lên vì lạnh.
    Khoảng hai ba giờ chiều, sương mù loãng ra đã ùn ùn đổ tới một lớp dày đặc khác. Cháu gái đi chợ về kéo theo hai đứa con trai và một đứa con gái rất xinh với lủng củng bao nhiêu túi xách. Ngôi nhà nhỏ bé căng nứt những tiếng ồn ào và gió lạnh từ ngoài tràn vào. Chúng nó vây lấy bà. Cậu bé đeo cặp kính cận xề xệ trên chóp mũi, bảo: "Bà cho chúng cháu ở nhờ nhá". Bà hiền lành: "Tôi chỉ sợ các cô cậu chê nhà xấu". Chúng nó cười. Đứa con gái bảo: "Con là Linh, kia là Hiền, còn anh đeo kính trắng là Danh". Linh nhìn ngó một lúc, rồi bảo: "Bà ngồi chỗ này, tư thế này đẹp quá, để chúng con vẽ chân dung bà". Chúng nó mở túi lấy giấy, lấy màu bày khắp ra nhà. Bà ngồi ngượng nghịu, tay đặt lên đùi run run. Cháu gái đi vòng quanh nhà, lâu lâu ghé con mắt qua xuýt xoa: "Bà đẹp quá, giống quá". Bà nhìn chúng nó thấy tủi thân cho cháu gái. Lớn bằng này mà chưa ra khỏi Sapa, ngờ nghệch đến tội nghiệp. Lớn bằng này mà chưa biết tí gì về cuộc sống cả.
    Cháu gái dắt mấy đứa nhỏ đi vẽ suốt ngày. Một mình bà lại ra vào thui thủi. Buổi sớm bà vẫn ra đứng ở cửa, nhìn xuống chân đồi đầy thông và cỏ dại, đợi con gái về. Bà nghĩ là mình đã không còn khóc được nữa.
    Được khoảng hai tuần, chúng nó than nhớ nhà. Linh cầm một xấp thư ra đọc. Cháu gái mon men lại gần: "Thư ai nhiều thế chị Linh?". Linh tự hào: "Đây là thư mẹ, đây là thư bố. Còn đây là thư bồ". Mặt cháu gái thẫn ra. Nó bảo: "Em chưa bao giờ nhận được thư ai cả". Danh cười, không biết đùa hay thật: "Thế thì lúc nào về, anh sẽ viết thư cho em. Muốn thế nào? Tuần một cái hay nhiều hơn?" Hiền tủm tỉm: "Đừng tin nó, thằng này xạo lắm". Cháu gái cười mơ màng. Tưởng tượng một ngày kia cũng được cầm một xấp thư như Linh bây giờ. Tối thứ bảy cuối, Danh đi chơi với cháu gái khuya mới về. Bà nằm ngủ lơ mơ trong buồng, nghe tiếng kẹt cửa đã tỉnh ngủ hẳn. Cháu gái chui vào chăn, áp khuôn mặt lạnh ngắt vào người bà. Bà khẽ giật mình: "*******, đi đâu về khuya thế con?" Cháu gái mơ màng: "Trời đẹp lắm bà ạ! Đêm nay rằm, có trăng. Chúng con xuống chợ tình xem người Dao kéo nhau, rồi đi dạo khắp nơi". Cháu gái thật thà: "Anh ấy hôn con và bảo yêu con. Liệu có tin được không bà?". Bà khẽ thở dài: "Coi chừng con ạ!". Bà định nói thêm mấy câu, đã nghe tiếng ngáy nhè nhẹ của cháu gái. Từng làn hơi phả vào gáy bà, ấm sực. Bà lồm cồm ngồi dậy, vạch cửa nhìn ra ngoài. Trăng rọi sáng lạnh, xanh như miếng thép bạc vào phòng. Không ngủ được, bà ngồi nghĩ ngợi lung tung. Thấy tội thân bà, thân con gái bà, bây giờ đến lượt đứa cháu gái. Cả đời khổ vì tình, lụy vì tình. Xa xôi cách trở thế, dần rồi cũng nhạt cả thôi. Xem cung cách của thằng Danh, chẳng có gì ràng buộc nó được.
    Hai ngày sau đám sinh viên trở về Hà Nộị Danh tặng lại cháu gái bức ký họa vẽ chân dung cô đầy vẻ đắm đuối bằng màu nước, ngồi bên con đường mòn phủ đầy cỏ dại, mắt môi rạng rỡ. Cháu gái lặng lẽ đóng khung, treo trang trọng trên đầu giường. Ngày ngày xuống chợ bán rau, cô ta ghé qua bưu điện, nhìn người nhân viên to béo soạn thư từ chiếc thùng màu vàng nhạt và chờ đợi ông ta gọi tên mình. Nhưng không có gì ngoài cái nhún vai thất vọng và nụ cười thương hại của người đàn ông đáng mến đó. Cháu gái lủi thủi về nhà, nhìn bức chân dung lại ngẩn ngơ khóc.
    Cháu gái biếng ăn biếng ngủ. Đêm lại giật mình thon thót, mồ hôi vã ra đầm đìa. Trong người cô có gì cứ cuồn cuộn lên, rồi sôi chảy đầy êm ả, ngọt ngào. Hệt như đêm nào cô nằm trong vòng tay Danh. Bà tội nghiệp: "Nó có hứa hẹn gì với cháu không?" Cháu gái trả lời: "Không, nhưng anh ấy bảo cháu là vợ của anh ấy". Bà sụp xuống, đầu óc quay cuồng. Linh tính nhắc nhở bà những chuyện đau lòng. Bà hỏi: "Tháng này cháu có kinh chưa?" Cháu gái lắc đầu: "Chưa, nhưng sao hả bà?". Bà rũ xuống, đau đớn nghĩ đấy là lỗi tại bà. Bà nuôi nó mà không dạy nó. Cũng chưa một lần kể về cha mẹ nó cho nó nghe. Những người lớn đã sinh ra nó rồi bỏ đi. Thật ra quá khứ dù tồi tệ đến mấy cũng là kinh nghiệm quý báu. Nhưng bà không nghĩ ra điều ấy. Bà đã muộn trong mọi việc. Bà nức nở: "Tội nghiệp cháu tôi". Rồi đùng đùng bỏ vào giường.
    Bà ốm nặng. Đến ngày thứ ba bà mới gượng dậy, húp được ít nước cháo. Cháu gái ngồi bên cạnh, bóp nhẹ tấm lưng gầy của bà: "Bà ạ, có lẽ con phải xuống xuôi tìm anh ấy". Bà thảng thốt: "Con biết đi đâu mà tìm. Mẹ con ngày xưa đã bỏ bà đi như thế". Bà kể lể sự thật bà đã giấu diếm suốt mười tám năm trời, mong giữ chân cháu gái lại. Nhưng mọi thứ trôi tuột qua. Cháu gái vẫn nhất định im lặng. Cô nghĩ đến Hà Nội, đến Danh, đến đứa bé và hạnh phúc. Con cô cần có bố. Cô không thể bỏ rơi nó được. Và cô cần có Danh. Cô đứng dậy: "Chừng nào bà khỏi bệnh, con sẽ đi tìm anh ấy". Mặt cô tái xanh và cương quyết.
    Hôm cô gái đi trời mưa tầm tã, trôi mất vài luống rau xà lách. Đường đi quệt thành bùn đặc quánh. Được một lúc mưa tạnh, mây mù kéo lên dày đặc. Mới một vài bước đã không còn thấy cháu gái đâu nữa. Tất cả trắng xóa, mịt mùng.
    Bà đứng tựa vào cánh cửa gỗ mốc xỉnh và lạnh giá. Hai tay thu vào chiếc áo bông trấn thủ lỗ chỗ vệt gián nhấm. Bà nghĩ mình không thể nào khóc được nữa nhưng nước mắt chảy ra nhòe nhoẹt. Bà bấm đốt ngón tay, lẩm bẩm: "Chừng hai năm nữa, chúng nó sẽ về".
    Một làn gió lạnh thổi qua. Trong mắt bà sương mù đang tan dần dưới chân đồi.
  2. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Người Đàn Ông Hát Trong Chiều
    Tác giả: Nguyễn Thị Châu Giang
    Có một người đàn ông thường đứng một mình giữa trời và hát, trên bãi cỏ xanh bốn mùa phủ đầy tuyết sương. Ông ta đến từ Thái lan xa xôi nhưng bài hát của ông ta không xa lạ. Một bài hát buồn, ngân dài như tiếng than giữa trời đầy mây gió. Người ta không nghe rõ lời nhưng vẫn thường cho là mình có thể hiểu được.
    Người ta không thể tới bắt tay ông cảm ơn vì ông quá cao lớn, cho dù ông đã làm trái tim họ run rẩy vì niềm xúc động vô hạn và lòng biết ơn sâu sắc.
    Họ nói rằng ông ấy là người của tự do nhưng cô đơn...
    * * *
    Bấy giờ đang là mùa hè. Nhưng hầu như ngày nào Seoul cũng có mưa và không khí ẩm mang theo những làn gió lạnh thổi quanh quất trên những tàn cây. Ngay cả vào những ngày nắng nóng nhất, Seoul vẫn có vẻ gì tĩnh lặng buồn buồn của một khí trời se lạnh.
    Hôm đó mưa kéo dai dẳng cả ngày. Cứ ri rỉ không dứt những giọt nước tròn nhỏ và lạnh buốt. Bầu trời đen mọng nặng nề đổ xuống những tòa nhà cao tầng trong thành phố một cái bóng xám dài thượt. Như mọi ngày, Kim Sang Don thức dậy vào chín giờ sáng. Anh nằm sấp người trên tấm nệm, mặt nghiêng sang một bên để con mắt bên phải vẫn còn mở to nhìn thấy rõ những hạt bụi nhỏ li ti màu sữa bay chen chúc trong luồng ánh sáng xanh nhợt nhạt. Và cũng như mọi ngày, ý nghĩ của anh lại bắt đầu từ cái câu " Không có điểm dừng. Mình cũng như chúng nó, không có nơi nào để đậu lại?. Tiếp theo đó anh loay hoay nghĩ, mình đã ba mươi tư tuổi. Là cả ba mươi tư khoảng trống sau lưng. Lang thang mãi không ích gì. Mình phải biết tìm một chỗ để dừng lại. Hôm nay mình sẽ phải đi tìm một chỗ để dừng lại. Bởi vì bây giờ ngoài việc là một hạt bụi, mình chỉ là con số không. Một nhiếp ảnh gia với những tấm hình không tên tuổi chỉ là một con số không.
    Oh hô...Nhưng mình lại đang được tự do. Không đi làm và được tự do tuyệt đối. Mặt anh úp sấp vào gối, tay chân bắt đầu vung loạn xạ như một người đang bơi cố sức để thoát ra khỏi dòng nước xiết. Đó cũng thường là cái cách để anh dàn xếp những ý nghĩ rối tinh như thế này vào mỗi buổi sáng. Sau đó anh lại yên tâm tiếp tục sống một cuộc sống anh đang có. Không đi làm, không có những ràng buộc nhất định. Tóm lại là được tự do như một hạt bụi.
    Hai cẳng chân dài và gầy gò của anh thò ra khỏi chăn. Những ngón chân có lớp da hồng nhăn nheo khẽ ngọ ngoạy theo bản nhạc Jazz " Am I blue" từ căn phòng phía tay trái của ông anh trai vọng qua hai cánh cửa lùa dán giấy bóng mờ.Thỉnh thoảng xen vào đó là tiếng chân bước rụt rè trong căn phòng hẹp phía tay phải của ba mẹ anh. Tiếng những chiếc đũa bằng sắt di chuyển chói tai vòng quanh các phòng. Tiếng chiếc đồng hồ cổ rên rỉ trên nóc tủ. Cuối cùng là tiếng đập thình thịch của ***g ngực anh bị ép chặt xuống đống gối bông.
    . Chín giờ rưỡi, ngôi nhà yên lặng trở lại. Ba anh đã đi làm. Mẹ anh sau khi đóng sập hết các cửa lớn nhỏ có thể đã ra sân giặt đồ. Anh trai có lẽ sau khi tiêm một liều thuốc ngủ đã chui trở lại vào giường. Nhạc êm dần rồi tắt hẳn, rơi lại một lúc tiếng rè rè của chiếc máy dĩa.
    Don với tay lấy thuốc. Bao thuốc trống rỗng. Vậy là chỉ trong vài tiếng tối qua anh đã hút sạch gói thuốc cùng vài điếu lẻ từ chiều để lại. Anh nhe răng soi vào tấm kiếng bé bằng ba ngón tay chặp lại. Hàm răng đều và nhỏ của anh bám một lớp khói xám vàng. Anh dùng ngón tay chà mạnh nhưng đám khói không suy suyển.
    Chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia Kim Sook bảo, có việc mới cho cậu đây. Đôi mắt một mí dài hơi ánh nâu của Don nheo lại như bị chói nắng. Một tiếng thở hắt ra rất mạnh làm mớ tóc nhuộm nâu lòa xòa bên má rung rung.
    *
    * *
    Cuối cùng Don cũng gặp được Chân loay hoay trong đám đông người đang thu xếp hành lý ngoài sân bay. Một cô gái nhỏ người, tóc cắt ngắn để hở cần cổ đeo sợi dây bạch kim có hình tượng Phật Di lạc, nước da trắng xanh và đôi mắt to quầng thâm vì thiếu ngủ. Hai người nhìn nhau, chưa kịp nói một lời nào thì không hiểu sao Don đã tin chắc đây là người anh cần đón. Anh nhận ra có cái gì rất lạ lùng đột ngột len vào lòng làm anh hơi choáng váng. Còn Chân, cô chỉ vừa kịp bối rối nghĩ anh chàng đang lom lom nhìn mình đẹp trai như diễn viên trong mấy bộ phim Hàn Quốc chiếu rầm rầm trên ti vi ở nhà đã thấy mình đang ở trong xe.
    Chân rồi tới cô gái tóc dài, da ngăm đen, hiền lành ít nói, tới Don ngồi ở băng sau. Bạn Don, một cô gái thô như con trai, rất mạnh mẽ trong dấu ngoặc kép như lời Don giới thiệu, lúc nào cũng ôm khư khư cái máy quay trong lòng. Trong suốt chuyến taxi đi vào trung tâm thành phố, cô gái tóc dài và bạn Don chỉ cười và đầu gật gật và im lặng. Don và Chân cố gắng nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng Anh không rành rẽ nên cứ phải chồm qua người cô bạn gái, nhìn chăm chăm vào mặt nhau để hiểu rõ nhau hơn. Họ tán gẫu về thời tiết, về những con đường, về sông Han, về những bộ phim... Như là phim Anh em nhà bác sỹ...À, hóa ra Jang Dong Gun đã không còn được hâm mộ nữa. Nhưng sau khi từ Việt Nam về anh chàng lại nổi lên như cồn. Anh thấy không, công nghệ quảng cáo thông tin kinh thật. Bơm người ta lên rồi hạ người ta xuống như chơi trò chơi, bất kể lúc nào, phải trái ra sao. Chân vuốt mấy sợi tóc ngắn sang hai bên tai, hỏi, thế người trẻ ở Hàn Quốc bây giờ quan tâm đến chuyện gì nhiều nhất? Don trả lời, nhiều nhất là về chuyện hợp nhất Nam Bắc Hàn. Thế còn ở Việt nam thì sao? Chân giả bộ không nghe câu hỏi. Chân quay mặt nhìn ra cửa ô tô. Xe đang đi đến đoạn cuối của dòng Han. Nước sông màu xám bạc, trôi lặng lẽ. Chưa bao giờ Chân thấy một màu nước buồn như vậy. Cô nghĩ bụng, mình đến là hời hợt. Cả đời mình chỉ là một người hời hợt. Giống như mình đang lướt đi chứ không phải bước bằng chân trên mặt đất. Mình chẳng biết rõ được người trẻ Việt nam đang nghĩ gì làm gì muốn gì. Mà đó lại là điều cần thiết cho công việc của mình. Nó chứng tỏ công việc của mình bấy nay cũng chẳng ra gì. Hay tại vì bây giờ mỗi người có một mục đích riêng của mình, còn cái chung cứ mờ mờ mịt mịt nên mình không biết là phải. Chân mấp máy môi, tôi thấy các bạn là những người may mắn. Nhưng cụ thể may mắn thế nào Chân không sao giải thích được. Chỉ lờ mờ thấy họ còn có một cái gì đó rất chung để cùng nhau vươn tới. Vì thế Chân lại tiếp tục giữ im lặng và nhìn ra ngoài trời.
    Ngồi từ phía bên này nhìn sang Don nhận ra ngoài chiếc mũi tẹt kết hợp hài hòa với môi trề và mặt tròn, Chân có một đôi mắt thật đẹp và sinh động. Nhưng không dấu được nét buồn. Nó lan xuống cả hai bàn tay trắng đặt hờ hững trên đùi. Don lo lắng nghĩ, không biết mình có nói gì sai không mà cô ấy trở nên trầm tư như vậy. Hay cô ấy lại đang nghĩ đến chuyện thảm sát của lính Đại Hàn ngày xưa. Trời ơi đó là một câu chuyện cũ nhưng chắc hẳn cô ấy chẳng hề có thiện cảm gì với mình vì chính mình cũng là một người Đại Hàn. Khi anh vừa lên tiếng bảo, xin cô tha lỗi cho lỗi lầm của ông cha chúng tôi, những người lính Đại Hàn... thì cô quay lại cười, nếu anh không nhắc tôi cũng chẳng kịp nhớ là tôi đang đi trên đất nước của những người đã đến tàn sát dân tộc tôi. Người Việt Nam hiền lành, dễ tha thứ. Quay sang bên cô gái da ngăm đen, Chân nói bằng tiếng Việt, nhưng dễ tha thứ quá thì cũng hỏng. Đôi khi nó đồng nghĩa với sự quên lãng chị a. Em dám cá với chị là chẳng có bao nhiêu người trẻ tuổi bây giờ còn nhớ đến vụ thảm sát. Cô gái da ngăm đen cũng bảo, nếu không có cuộc triển lãm này thì chị chẳng biết tý gì về vụ thảm sát Mỹ Khê. Không chừng chúng ta còn bỏ quên rất nhiều thứ phía sau.
    Buổi tối họ ngồi uống rượu So-ju trong cái lều căng bạt đỏ trên phố In- Sa- Dong. Bảy giờ rưỡi mà trời vẫn lờ nhờ sáng. Khói từ những chiếc lò nướng hải sản và thịt bay lên làm không khí ấm hẳn. Mùi thơm của Kim chi cũng theo khói xộc vào mũi. Chân ngồi đầu bàn với đám họa sỹ Hàn Quốc, nói nhiều, cười nhiều với tất cả mọi người. Don ngồi đầu này, lưng tựa vào cây cột, thỉnh thoảng tiếp chuyện với hai ông họa sỹ Việt Nam đứng tuổi, mắt vẫn không rời Chân bằng một cái nhìn e dè và kín đáo. Khói thuốc và hơi rượu làm Don thấy bần thần. Hình như vì thế Don lại thấy dễ chịu hơn khi lúc lúc Don thấy cô khựng lại không nói chuyện nữa. Hai mắt hơi cụp xuống và nét mặt trầm hẳn lại. Đợi lúc ra về, cuốc bộ trên đường phố tối và vắng tanh, trong tiếng hát rộn ràng của đám người ngà ngà say, Don tiến sát lại gần Chân, gần đến độ ngửi thấy cả mùi nước hoa thanh thanh từ người Chân phả ra, hỏi, có chuyện gì không mà tôi thấy cô không vui? Chân quay phắt lại, suýt nữa va mặt vào vai Don. Miệng Chân bảo, anh sai rồi, tôi có thế đâu nhưng trong bụng lại nói anh thấy được thế thật ư ? Làm sao tôi biết được tại sao. Tự nhiên nó cứ thế. Nhưng phải công nhận là anh hay thật. Chỉ một ngày mà anh nhìn được cái nhiều người chẳng thấy dù họ sống gần tôi bao nhiêu lâu. Không phải vậy sao, Don cười cười, thế thì tôi sai rồi. Tôi luôn sai khi đoán ý nghĩ của phụ nữ. Những người phụ nữ nói với anh thế à, Chân gục gặc đầu, vậy thì lần này coi như anh thành công đi. Tôi biết mà, Don nói khẽ lúc chia tay, bởi vì tôi nhìn thấy cô như tôi vậy. Nhưng điều đó tốt cho tôi và cô. Cho chuyện sáng tác của chúng ta. Người ta không biết buồn thì thấy vui sao được.
    Suốt đêm Don không ngủ được chỉ quanh quẩn với ý nghĩ không biết đêm đầu tiên Chân ngủ có ngon giấc không. Ba giờ sáng, Don gọi điện rủ Ahn đi uống rượu. Mỗi khi có tâm sự ngổn ngang, Don luôn có Ahn bên cạnh dù anh chẳng bao giờ chia xẻ gì với cô. Ahn thường coi đó như là bổn phận. Hạnh phúc trong bổn phận đó nên không đòi hỏi gì nhiều hơn. Ahn nhẫn nại ngồi, luôn tay kín đáo che miệng ngáp, cuối cùng cũng hỏi dù biết không có câu trả lời, ở nhà lại xảy ra chuyện gì nữa đây? Don không trả lời cũng không nói một tiếng nào, chỉ uống hết ly này đến ly khác. Như tất cả mọi lần, càng uống càng tỉnh. Càng thấy cuộc sống tự do như thế này thật vô nghĩa. Đến khi Ahn bảo, chẳng phải ngày mai anh còn phải đi chụp hình cho họ à Don mới đứng dậy, tính tiền rồi ra về. Mái tóc dài nhuộm nâu của Don xõa ra ngang vai, dưới ánh trăng tươi đẹp, trông nó lãng mạn và ngang tàng.
    Trở về nhà vào lúc bốn giờ rưỡi, Don nghe thấy tiếng càu nhàu của mẹ, tiếng cha thở khò khè và những tiếng động như tiếng cào xé trong phòng anh trai. Anh ghé mắt nhìn, anh Hoan đang lăn lộn trên sàn vì đau, bọt sùi trắng cả mép, những ngón tay gầy và khô quều quào trên cổ để lại những vết xước ứa máu. Cha ngồi ở một phòng khác. Bất động với những hơi thở khò khè vì bệnh phổi. Thờ ơ như không có chuyện gì xảy ra với cuộc sống của ông, như từ xưa nay vẫn vậy. Don phụ mẹ đổ thuốc vào miệng anh trai. Hai hàm răng của Hoan cắn vào tay Don đau điếng. Một lúc sau Hoan ngủ lại, mặt hiền lành như trẻ thơ. Mẹ anh ngồi sụp xuống sàn, nước mắt nhòe nhoẹt, tay đấm thùm thụp vào ngực, quàng quặc bằng cái giọng khê nồng mùi thuốc lá, trời ơi chẳng biết khi nào mới hết khổ. Mới được nhờ cậy con cái. Đứa thì bệnh tật, đứa thì lang thang lêu lổng cả ngày. Sao nó có thể sung sướng lêu lổng cả ngày như thế chứ. Còn hơn là đi ăn trộm ăn cướp , Don nói trống lốc mặc dù câu nói của mẹ khiến Don còn đau hơn cả vết cắn của anh trai.
    Trời đã bắt đầu chiếu những tia sáng xanh nhạt vào trong phòng. Đầu óc Don trống rỗng. Úp mặt vào gối, anh nghe hơi rượu phả ấm sực hai má.
    *
    * *
  3. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Cảnh này đã lặp đi lặp lại như một cuốn phim nặng nề từ những năm thơ dại. Don tập tành sống một mình, độc lập, tự định hướng cho cuộc sống thiếu thốn tình cảm của mình bằng cách chơi nhạc rock, hút thuốc đến cháy cả họng và lang thang ngoài đường cho đến khi nhận ra mình đã chẳng định hướng được cái gì có ích cho mình thì tuổi xuân đã gần trôi qua hết.Anh thường rơi vào trạng thái chán nản, rầu rĩ. Một căn bệnh của xã hội hiện đại, như Ahn vẫn bảo. Nhưng chưa bao giờ Don tìm cách chữa trị nó. Thậm chí đôi khi anh còn thấy khoái trá được chìm đắm mình trong đó để gặm nhấm nó. Như một sự trả thù vào chính tuổi thơ và cuộc sống của anh. Những ý nghĩ đó đã không làm Don sống tốt hơn, ngoài việc đẩy hẳn anh ra ngoài đường và trở nên lầm lì, cô độc hơn trong đám bạn. Don không bao giờ muốn về nhà.
    Anh luôn luôn giữ im lặng, cô gái da ngăm đen và bạn bè của cô nhận xét. Don hóm hỉnh đáp, im lặng là vàng. Tôi là người đàn ông nghèo nên biết giá trị của vàng. Tôi phải đi tìm vàng. Cả bọn cười. Chân bảo, anh ghê thật. Không nói thì thôi. Nói câu nào cũng đáng nể. Don bối rối cột lại túm tóc sau gáy, mặt hơi ửng lên vì một niềm hạnh phúc ào đến bất chợt. Don tự nhiên nghĩ là Chân có thể chia xẻ với anh được nhiều điều rất quan trọng trong cuộc sống.
    Gặp Chân trong đám đông, anh hút thuốc nhiều hơn, im lặng nhiều hơn. Khi còn lại hai người, anh thấy thích nói chuyện với Chân. Lúc nào cũng kè kè cuốn Tự điển bên người để nói chuyện với Chân. Mặc dù nhiều khi câu chuyện đã qua một quãng xa, Don mới tìm ra được từ muốn nói.Mới đầu Chân chỉ thấy anh chàng này hay hay, lại đẹp trai, tóc dài. Chân thích con trai đẹp trai, tóc dài, tính hơi lầm lì ngang bướng. Ở một nơi xa nhà, có chút tình cảm thân thiết hơn với ai đó bao giờ cũng làm chuyến đi thi vị hơn. Nên hai người thường tách riêng đi chơi. Anh có bạn gái chưa, một hôm Chân buột miệng hỏi. Don bảo, đã có nhiều nhưng đều chia tay hết. Họ không hiểu tôi. Chân hỏi, tại sao. Tại tôi nghèo, Don cười, tính tôi lại cứ im im rất chán. Các cô gái thường thích những người giàu có. Nên tôi thường chủ động chia tay. Thật ra tôi không quan tâm đến chuyện lập gia đình. Hôn nhân giống như chui vào một cái rọ. Trong cái rọ đó người ta phải kiếm được nhiều tiền và làm nhiều điều mình không thích. Tôi không nghĩ thế, Chân nói, phải có nơi để về và có một ai để yêu thương chứ. Tôi, thì tôi chẳng quan trọng nhiều đến tiền. Tiền chỉ là phương tiện thôi. Nhưng vẫn cần, giọng Don hơi châm biếm. Tất cả các cô gái đều cần tiền. Tôi có những kinh nghiệm khá quí báu về điều đó. Hoặc chắc là số tôi chỉ toàn gặp những cô như vậy. Họ rất quan trọng đồng tiền.
    Nhưng thật ra nếu không có tiền thì hạnh phúc cũng giảm nhiều, Don nói khẽ. Câu này Chân không nghe được. Cô đang cắm cúi gỡ cái dây máy chụp hình bị xoắn vào nhau.
    Họ đang đi lên một con dốc cao đến bảo tàng Mỹ thuật Hàn Quốc. Trời dầy đặïc mây xám. Không khí mọng nước. Trong gió có tiếng hát của một người đàn ông. Cứ một bài hát lặp đi lặp lại bằng giọng khàn đục, buồn nhưng ấm áp.
    Mặc cho tất cả mọi người lăng xăng chọn chỗ chụp hình lưu niệm, Chân không thể rời bước khỏi người đàn ông bằng i nốc, đứng một mình sừng sững giữa trời, trên một bãi cỏ xanh ướt đẫm nước. Phía sau lưng là một cây cầu nhỏ có một đôi tình nhân đang đứng ôm nhau. Xa hơn nữa là những ngọn núi màu lam, mây bay lên cuồn cuộn như khói. Người đàn ông đứng buông thõng tay, ngửa cổ hát. Không ai hiểu lời bài hát. Chúng chỉ như một tiếng than dài giữa trời đầy mây gió. Tiếng than làm cả một khối i nốc thô kệch rùng rùng chuyển động. Từng mảng sắt thép biến thành xương thịt. Linh hồn của một người nào đó đã nhập vào làm người đàn ông hát sống động như một người thật. Nước mắt Chân tự nhiên ứa ra. Chân ngồi xuống bậc đá, gần như nín thở. Don nhìn Chân, rất lâu, cảm thấy tiếng hát đang kéo cô gần lại với mình. Don bảo, mỗi khi có chuyện gì, tôi hay lên đây đứng nghe người đàn ông này hát. Nghe xong thì thấy mình hạnh phúc hơn chán vạn lần người khác. Tự tin mà sống tiếp. Chân mở mắt, thấy những vòng tròn đầy màu sắc bay vèo qua trước mặt, nói khẽ, nó nói lên được thân phận của con người. Don cười, thân phận con người làm sao? Chân bảo, là mâu thuẫn.
    Chiều xuống dần. Trời lạnh. Mưa rắc trên tóc Chân một lớp bạc vụn. Don cởi áo sơ mi khoác lên vai Chân, lo lắng hỏi Chân có lạnh không. Tự nghĩ mà Don buồn cười lại hơi ngượng. Thấy mình cứ xun xoe bên cô ấy thế nào ấy. Đấy không phải là tính cách của Don. Anh chỉ là nhiếp ảnh gia thôi à, Chân lại hỏi, ý tôi là anh có làm nghề gì khác không? Don lắc đầu, tôi tốt nghiệp Kiến trúc, nhưng thích làm người tự do. Chụp ảnh nghệ thuật là một nghề nghèo nhưng tôi được tự do. Don mím mím môi, thật ra trước đây tôi có làm cho một công ty Kiến trúc. Nhưng được ba năm thì nghỉ. Tôi thật sự là người kém may mắn trong công việc.
    Thỉnh thoảng tôi muốn dừng hẳn lại để nhìn lại cuộc sống của mình. Nhưng thời gian cứ trôi vùn vụt. Cuộc sống của tôi phải có cách gì đấy để xếp đặt lại cho đàng hoàng hơn. Chân, không hiểu sao tôi thấy cô thật gần gũi với tôi. Cô khác hẳn với những người con gái khác. Tôi chưa bao giờ gặp một ai như cô. Chưa bao giờ trong lòng có những tình cảm như vầy. Nhìn về cô, tôi thật lòng muốn thay đổi tôi. Tôi...Đừng giận tôi. Cô hiểu tôi phải không?
    Thật lạ là tôi có thể hiểu anh rất rõ dù tiếng Anh của anh thì tồi không chịu được. Tôi cũng thấy anh thân thiết với tôi như những người bạn quen nhau từ lâu lắm. Không phải vì anh đẹp trai, hẳn thế rồi. Mà vì, tôi nghĩ là chúng ta có thể hiểu nhau.
    Ở đời sống hiểu nhau mới thật khó.
    Oh pa. Hãy gọi tôi là Oh pa. Cô sinh vào mùa thu phải không. Tôi sẽ gọi cô là Ga- eul. Ga-eul là mùa đẹp nhất, đa cảm nhất. Lòng người dễ thay đổi nhất trong mùa này.
    Đó là đêm cuối cùng Chân ở Seoul. Đêm cuối tuần. Seoul như sống trong rượu So-Ju, ánh đèn màu và nhạc. Trên khắp con phố chính ở In- Sa- Dong , những cô gái, những chàng trai còn mặc đồng phục đi làm bước loạng choạng hoặc ngã dúi dụi vào nhau hoặc đứng gục vào tường, nôn thốc nôn tháo. Ahn bảo, từ sau khủng hoảng kinh tế, sự canh tranh trong sở làm ngày càng gay gắt. Họ luôn rơi vào trạng thái căng thẳng và mệt mỏi. Họ tìm rượu để trấn an. Ồ, nhưng chỉ vào cuối tuần thôi. Cuối tuần tự do, làm gì cũng được. Hey, bây giờ chúng mình cũng đi uống rượu nhé. Bên bàn rượu, mọi chuyện dễ dàng được giải quyết. Nhất là chuyện tình cảm. Mắt Ahn nháy nháy sau cặp kiếng cận rất buồn cười.
    Ahn hiểu Don, hiểu rất rõ. Ahn chưa từng bao giờ thấy Don như vậy. Có những điều tốt đẹp đang diễn ra trong tâm trí Don, xóa đi những nặng nề trong lòng Don. Vậy cũng tốt, mặc dầu cô vẫn buồn rầu nghĩ, chỉ tiếc người làm được điều đó không phải là mình.
    Tối đó Chân và những người bạn thức trắng đêm đón ánh mặt trời đầu tiên mọc trên nóc nhà gỗ cũ kỹ của ?o Nawawoori?. Tất cả mọi người đều hát. Chỉ riêng Don im lặng. Young bảo, chúng tôi sẽ lập nhóm ?o Tình yêu Việt nam vĩnh cửu? và sẽ đến thăm Việt nam vào mùa thu này. Mặc kệ những chuyện quá khứ ngày xưa. Chúng ta đang sống ở bây giờ và chúng ta là bạn thân mãi mãi của nhau.
    Cuối buổi, Don nhìn Chân, bảo với mọi người, tôi chỉ hát một câu thôi. Tặng chỉ một người. Mọi người cười ồ lên thì Don hát ?oYou?Tre so beautiful to me?. Hai cánh tay Don giang rộng như sắp cất cánh bay. Giọng Don phát ra từ ngực, ngân một hơi dài. Nó làm Chân nhớ đến người đàn ông hát ở bảo tàng.
    *
    * *
    Người đàn ông vẫn đứng hát mãi ở bảo tàng. Còn Chân phải đi rồi. Nước mắt Chân ướt đầm trên vai chiếc sơ mi sọc ca rô của Don. Chân chỉ kịp bảo, Oh pa vui lên nhé là đã bị cuốn vào dòng người.
    Sau khi Chân đi rồi, Don kéo Ahn vào quán rượu có tấm bạt che màu đỏ, chỗ Chân và Don đã từng ngồi uống rượu bên nhau. Những ly đầu tiên, Don hát ?o You?Tre so beautiful to me? . Những ly sau người Don bồng bềnh. Không giữ được lòng mình Don khóc ngon lành.
    Ahn nhìn Don và nghĩ về Chân. Chân đang ở một nơi nào xa xôi lắm. Chân không biết lần đầu tiên trong đời Don say rượu và khóc và hát vì nhớ thương một người con gái.
    Lần đầu tiên trong đời Don muốn đi về nhà sớm. Về nhà để viết và nhận thư điện tử của Chân.
  4. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Người Đàn Bà Ngồi Nhìn Tuyết RơiTác giả: Nguyễn Thị Châu Giang
    Nỗi buồn như tuyết trắng phủ kín tâm hồn tôi "
    ( Gleb Shulpyakov)
    Người đàn bà thức dậy. Chị quờ tay sang bên cạnh. Chỉ còn một chút hơi ấm lưu lại trên tấm nệm bị lõm xuống. Chị co người, xoay xỏa kiểu nào cũng thấy lạnh. Chị nhìn đồng hồ. Trong bóng tối của căn phòng, sáng lên mờ mờ hai cây kim dạ quang màu xanh. Đã chín giờ rưỡi. Bằng giờ này mọi ngày chị đang ngồi trước mặt khách hàng và làm móng tay cho họ. Nhưng hôm nay, người chị ngây ngấy sốt. Chị muốn nghỉ ngơi ở nhà. Lâu rồi, chị không nghỉ được ngày nào. Để dọn dep nhà cửa. Để lo toan vài việc riêng và chăm sóc lại gia đình của mình.
    Chị ngồi dậy, đưa tay xoa mặt bằng những ngón tay nhỏ trắng xanh với những móng tay màu chì. Da ở đầu mút những ngón tay nhăn nheo, xước ra thành những móng rô. Chị với tay kéo tấm rèm cửa. Ánh sáng ùa vào làm chị phải nheo mắt.
    Tuyết đang rơi. Những cụm bông nhỏ trắng muốt bay xiên xiên trong không khí, bám đầy trên những bụi cúc kim ngoài ô cửa xốp như những miếng bông gòn. Trời đầy mây xám. Ở giữa đường chân trời, những đám mây tự nhiên nứt ra thành một dải xanh biếc vắt ngang như một dòng sông. Không có mặt trời. Nhưng vẫn sáng, thứ ánh sáng trắng và giá lạnh hắt lên từ tuyết.
    Chị đứng co ro trong chiếc áo khoác mỏng, trông qua cửa kiếng phủ một lớp nước mờ đục. Những nóc nhà phủ tuyết trắng xóa. Những cành cây đen khẳng khiu với những con quạ đen đứng câm lặng như những sợi dây với những nút buộc chăng giữa mặt đất và bầu trời cũng đã bắt đầu chuyển sang màu trắng. Trên đường, tuyết phủ dầy, mờ mờ những vết giày. Có lẽ đó là vết giày của Lem. Lem bao giờ cũng bước mạnh chân và để lại trên tuyết những dấu giày như vậy. Chị nghĩ thế và ngồi xuống chiếc ghế bành kê sát cửa sổ. Chị ngồi co chân, thu hai tay vào lòng, cần cổ nổi lờ mờ những vết gân xanh. Lò sưởi chạy hết công suất làm chị cảm thấy người bắt đầu nóng lên và khó thở.
    Tuyết rơi nhiều hơn. Có lẽ gió thổi mạnh nên tuyết gần như bị ném lên cửa kính. Ngay lập tức chúng trôi tuột xuống và đóng thành lớp trên bệ cửa. Chị nói thành tiếng, mình không thể nào quên được ngày mới đến. Lem nhận xét đúng. Mình là người thích sống với quá khứ hơn hiện tại.
    **
    Chị ngồi oặt ẹo trên ghế, hai mắt nhắm nghiền. Đôi bàn tay mịn màng với những ngón trắng ngần ấp lên ngực. Có những lúc chị cảm thấy rõ ràng tim mình đã ngừng đập. Hoặc giả chị muốn nó ngừng đập luôn để không phải chịu đựng sự khủng khiếp này. Từng năm phút một chị lại cong gập người, nôn khan vào cái túi giấy nửa xanh nửa trắng. Mùi chua và tiếng nôn ọe làm người đàn bà tóc vàng ngồi bên cạnh cau mặt. Chị e dè mỉm cười xin lỗi, nước mắt ứa ra vì tủi thân.
    Bây giờ chị đang theo chân Lem ra taxi. Lem nói gì đó với người lái taxi da đen có mái tóc rơm ốp như một cái bắp cải vào đầu và họ ngồi lên xe. Đường từ sân bay Washington DC về đến Fall Church khá xa. Cái lạnh vẫn tiếp tục làm chị chóng mặt và nổi gai ốc. Lem bảo, rồi em sẽ quen thôi. Chị gật đầu nhưng không nhìn Lem. Khi quay nhìn ra ngoài cửa sổ, tim chị tự nhiên thắt lại. Ở Việt Nam không có tuyết. Nên khi nhìn thấy tuyết rơi trắng mọi nơi và dòng sông Potomac đóng thành băng, chị hiểu rằng mình đã vĩnh viễn xa quê hương.
    Hai người thuê một căn hộ trên tầng hai của khu Monticello Gardens. Phòng khách có một cửa lớn trông ra bãi đậu xe. Cuối bãi có một cây phong lớn tuyết đóng thành băng như một cây pha lê khổng lồ. Ban ngày khi Lem đi làm thì chị ra ngồi ở cửa nhìn tuyết rơi. Đó là công việc duy nhất để giết thì giờ vì chị không biết lái xe, tiếng Anh lại vài ba chữ bập bõm. Mình giống như một người tàn phế, chị buồn rầu nghĩ khi đang ngồi đan một chiếc khăn len xám cho Lem. Chiếc khăn len ngày càng dài ra vì chị không biết nên kết thúc nó vào lúc nào khi Lem cười và bảo rằng anh không thể quàng một chiếc khăn như thế ra đường. Những người ở tiệm hớt tóc ăn mặc rất sành điệu. Khói thuốc mờ mịt làm anh không nhìn thấy mặt chị hơi tái đi và trên gò má tái xanh đọng một giọt nước to tướng. Từ đó chị thôi không nghĩ đến chuyện đan khăn cho Lem nữa. Mà cho một người đã cách xa chị nửa vòng trái đất. Một người có đôi mắt đen biết nói. Có một nụ hôn ấm áp và một đôi tay dịu dàng. Nếu không phải vì chiều lòng ba mẹ, giờ đây chị đang ở bên người ấy và người ấy sẵn sàng quàng chiếc khăn xấu xí này, mặc dù trời nóng đi nữa. Ý nghĩ ấy làm lòng chị dịu lại và thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn. Lem không nói gì khi thấy chị vẫn miệt mài đan chiếc khăn. Nhưng chị đọc thấy trong mắt Lem những tia sáng chế giễu.
    Chiếc khăn chưa đan xong thì mùa xuân đã đến. Tuyết bắt đầu tan và trời ấm lên dần. Đôi chỗ, tuyết chảy thành những dòng nước nhỏ cuốn theo những chiếc lá thu mục ruỗng. Mùi hương ẩm ướt của không khí làm chị thấy dễ chịu. Lưỡi chị lúc nào cũng có vị ngọt ngào của khí xuân. Lem không thích những ngày này. Anh luôn cằn nhằn đường phố bẩn thỉu và mùi mục ruỗng làm mũi anh bị dị ứng. Mũi anh đỏ mẩn và nổi lên những hột mụn trăng trắng. Nhìn Lem khổ sở chị thấy thật tội nghiệp.
    Giữa mùa xuân chị rời bỏ chỗ ngồi quen thuộc của mình bên cửa sổ.
    **
    Người đàn bà đứng dậy vặn vẹo người. Những khớp xương kêu răng rắc. Chị bước vào bếp, lôi trong tủ ra một bình sữa lớn và một chiếc bánh quy nhỏ quệt pho mát, đặt trên chiếc đĩa kiểu màu xanh vẽ đôi phụng. Hơi từ tủ lạnh bay ra làm chị hắt xì hơi liền hai cái. Ở gần lò nướng có một bịch lớn bánh mì đã bị mốc. Một lọ mứt mơ khô queo quắt và vài trái táo đã sậm màu. Đã từ lâu lắm rồi chị và Lem không có bữa ăn sáng nào ở nhà. Khi chị tỉnh dậy Lem đã đi làm. Chị cũng chỉ kịp trang điểm qua loa là trèo lên xe phóng một mạch tới tiệm. Tối muộn về nhà, một mình chị, đôi khi có Lem nữa. ăn cơm phần đặt của bà Huê ở lầu dưới, đựng trong những hộp giấy xốp. Một món xào, một món canh, một món mặn. Cơm thì hôm khô hôm nhão. Lúc đầu Lem còn chịu ăn. Về sau anh bảo làm về muộn, kéo luôn mấy đứa bạn ra ngoài quán, uống bậy vài ly là xong. Có hôm về nhà chị đã vùi đầu ngủ. Căn bếp nhỏ lạnh và thiếu mùi thức ăn xào nấu, giống như một cái bếp hoang.
    Chị kéo tất cả các rèm cửa cho ánh sáng ùa vào nhà. Căn phòng bừa bộn làm chị phát hoảng cả lên. Mùi khói thuốc ủ lâu ngày trong những góc tối của căn phòng làm chị lợm giọng. Chị đập đập hai bàn tay vào nhau, nói to thành tiếng, sao lại tệ thế này . Bao nhiêu lâu rồi, đến cả thì giờ để dọn dẹp mà mình cũng chẳng có nữa. Hình như Lem là một người ngăn nắp. Nhưng chưa bao giờ Lem nói vời mình một tiếng nào về chuyện này. Còn mình, mình có những chuyện gì để nói với Lem?
    Không gì cả. Lem không phải là người ấy. Chị đã cố mấy lần nhưng không sao nói chuyện lâu được với Lem. Ý thích và suy nghĩ của Lem khác chị nhiều. Lem sống ở Mỹ từ nhỏ. Mọi thứ đối với Lem đều đơn giản và nỗi nhớ quê chỉ là một khái niệm mơ hồ trong đầu. Lem bảo, sống mãi với quá khứ thì không thể tồn tại được trên đất này. Còn chị luôn cho rằng, con người vốn lớn lên và trưởng thành từ quá khứ của mình. Nên rảnh ra phút nào, chị cũng chỉ nghĩ về quá khứ. Trong khối lộn xộn và đứt đoạn ấy, chị luôn nhìn thấy đối mắt đen biết nói của người ấy.
    Chị bật nhạc. Nu Flavor hát bài " Thiên đường". Trong đó có một đoạn chị rất thích. " Mỗi một ngày khi chúng ta xa cách. Em ôm ấp tình yêu này trong trái tim em. Mỗi một đêm trước khi say giấc nồng. Em cầu nguyện anh sẽ sớm về đây bên em. Ở mãi bên em?" . Tiếng hát làm căn phòng hẹp lại và ấm cúng hơn. Chị dừng tay lại gần ô cửa lớn trông ra bãi đậu xe. Tuyết vẫn rơi thành những bông lớn, cắm thẳng xuống đất. Dưới bãi có vài đứa trẻ con đang chơi trò ném tuyết. Tiếng cười của chúng vang đến tận tai chị trong veo. Cuối cùng trong đám xe đông đúc và chật chội, chị cũng nhận ra chiếc xe màu lông chuột của mình.
    **
    Chị tập lái xe. Một tháng sau lấy bằng. Cũng là xa rời cuộc sống cũ với việc cả buổi ngồi ngắm tuyết rơi và đan chiếc khăn len xám. Ngoài việc học ở trường dạy làm móng tay, chị xin được một chân chiên khoai tây ở tiệm Mc Donald''s. Năm đô cho một giờ làm việc với cái chảo to sôi mỡ và một lượng khoai tây khổng lồ. Có những lúc tay chị rã ra như tay của người khác. Ngoài trời giá lạnh mà mồ hôi chảy trên trán chị đầm đìa. Mùi mỡ bám vào quần áo, vào tóc không sao tẩy sạch đi được. Lem nói nửa đùa nửa thật, nằm bên em như nằm bên một miếng khoai tây chiên của Mc Donald''s vậy. Câu nói đùa vô tình của Lem làm chị đau ở ngực. Chị muốn trả lời Lem bằng một câu gì đấy nhưng không tìm ra được lời nào. Chị quay mặt vào tường. Chị biết là có nói Lem cũng sẽ chẳng hiểu gì. Mệt mỏi và sự cô đơn làm chị không sao cầm được nước mắt. Chị tự hỏi, đôi mắt đen biết nói bây giờ đang ở đâu. Những lúc này chị cần vòng tay âu yếm và nụ hôn dịu dàng của người ấy biết bao nhiêu.
    Nguyệt bảo, chị phải loại bỏ ý nghĩ ấy ra khỏi đầu. Kiểu ngoại tình tư tưởng như thế rất dễ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Chị hứa với Nguyệt nhưng càng cố quên lại càng nhớ. Ở đâu cũng thấy đôi mắt đen biết nói và vòng tay âu yếm , dịu dàng của người ấy. Chị ngấm ngầm cảm thấy mối quan hệ vợ chồng giữa chị và Lem đang rạn dần như lớp băng vào đầu xuân, dưới ánh nắng ấm.
    Khi chị chuyển sang làm móng tay cho một tiệm Việt Nam ở Maryland, thời gian ở bên cạnh nhau của hai vợ chồng đã ít còn ít hơn. Chị làm việc trọn bảy ngày. Một ngày có khi hơn mười tiếng. Những hôm chóng mặt nhức đầu cũng không dám nghỉ vì sợ mất khách. Hai mắt chị bắt đầu có quầng thâm và những nếp nhăn nhỏ hiện dần hai bên cánh mũi. Chị cắt cụt những móng tay thon thon màu hồng. Da ở đầu ngón tay răn rúm lại, trắng nhợt. Lúc vắng khách, xòe hai bàn tay ra trước mặt, nước mắt tự nhiên lại ứa ra.
    Mỗi lần gặp nhau, Nguyệt lại bảo, tiền bao nhiêu cho đủ. Chị không ráng nhín bớt thời gian để chăm sóc anh. Đàn ông, xảy chân một cái?Nguyệt bỏ lửng câu nói nhưng chị cũng hiểu. Nhưng lạ lùng thấy lòng thật bình thản. Chị bảo Nguyệt, còn trẻ làm được bao nhiêu cứ làm. Vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau chứ công việc có bao giờ ở lại với mình đâu. Lem thì chỉ bảo, em bây giờ khác ngày xưa nhiều quá. Câu nói đó bình thường, không có ý khen hay chê. Như con người của Lem vậy.
    **
    Người đàn bà đứng trước gương, cổ quàng chiếc khăn xám đan dở dang. Chị nghĩ là mình quả thật đã khác xưa nhiều. Da trắng xanh. Gò má nhô cao. Đôi mắt to hơn bình thường vì khuôn mặt tóp lại . Từ trên xuống dưới lủng củng những xương là xương. Nhìn chị nhỏ thó như một cô bé mười lăm tuổi với khuôn mặt đứng tuổi mệt mỏi. Chị đưa những ngón tay nhăn nheo lên xoa những nếp nhăn bên hai cánh mũi, khe khẽ thở dài.
    Chuông điện thoại reo inh ỏi. Tiếng Nguyệt đầu dây bên kia lào xào như chen với tiếng gió rít, hôm nay chị nghỉ ở nhà à? Ra chợ Eden đi, uống càphê với em đi.
    Chị thay quần áo, đi xuống bãi đậu xe. Việc đầu tiên là chị phải cạo tuyết bám dầy đặc trên kính xe. Rồi chui vào xe, khởi động máy. Máy hít vẫn chưa hoạt động hết công suất, lại thêm hơi lạnh ủ suốt một đêm dài làm chị run lên cầm cập. Ánh nắng sáng lấp lánh nhưng không sao xua tan được băng giá. Nó chỉ làm óng ánh thêm những tảng băng bám trên cành cây làm chúng lấp la lấp lánh. Mùi vị nhàn nhạt của tuyết làm cơn sốt trong người chị như giảm xuống.
    Nguyệt đợi chị ở đầu chợ. Hai chị em chọn một cái bàn kê sát cửa kiếng trông ra ngoài trời. Để ngó tuyết rơi, chị giải thích. Nguyệt cười, có gì đâu mà coi. Em thấy cũng vậy. Không ngờ bà chị mình lãng mạn dữ vậy. Chị thầm nghĩ nhưng không nói ra, sao lại không thấy gì. Ít nhất là ở màu trắng tinh khiết của tuyết cũng đã làm lòng mình bình yên lắm.
    Uống xong cà phê, nói xong vài câu chuyện phiếm, Nguyệt về nhà còn chị tấp vào cửa hàng Việt mua thức ăn cho buổi tối. Lâu lắm rồi chị mới đi chợ. Cô bán hàng nhìn chị cười khoe hai chiếc răng khểnh duyên dáng. Chị cũng gật đầu cười lại, thấy thân thiết như bạn quen lâu ngày gặp lại.
    Trong cửa hàng chỉ có mình chị và một cặp vợ chồng. Anh chồng đi sau, tay xách làn. Chị vợ đi trước, tay đánh đàng xa vì cái bụng bầu quá to. Khi người chồng quay lại phía chị để kiếm cái gì đó, tay chân chị rụng rời. Đó chính là người ấy. Đó chính là đôi mắt đen biết nói, nụ hôn dịu dàng và vòng tay ấm áp. Đó chính là người ấy. Tay chân chị lạnh toát nhưng máu chạy lên đầu nóng rực. Tim đập thình thịch. Chị chóng mặt đến nỗi chiếc giỏ nhựa rơi xuống đất. Những củ khoai tây lăn tròn dưới đất. Tiếng động làm người đàn ông giật mình ngẩng lên. Anh ta vội dùng chân chặn lại những củ khoai, lo lắng hỏi, chị không sao chứ? Ánh mắt bình thản và thái độ của người đàn ông làm chị trẫn tĩnh lại. Chị hiểu là mình đã nhầm. Người đàn ông đứng trước mặt chị chỉ bằng tuổi của chị khoảng bảy tám năm về trước. Người vợ đã quay lại, đến cạnh chị hỏi ân cần, chị có bị trúng gió không? Chị lắc đầu, mặt vẫn trắng nhợt. Chị nhìn vào mắt người đàn ông một thoáng, cố tìm một ánh nhìn biểu lộ sự quen biết nhưng vô vọng. Chị lắp bắp bảo, cảm ơn, tôi không sao.
    Về nhà, chị cho hết tất cả thức ăn vào tủ lạnh rồi ngồi thừ người bên bàn bếp. Ly sữa buổi sáng vẫn còn hơn một nửa, đóng một lớp váng màu ngà trên bề mặt. Chị nghĩ, mà nếu như đó đúng là người ấy thì sao? Có khi bây giờ gặp lại người ấy, cũng sẽ lạnh nhạt như người dưng vậy thôi. Bây giờ mỗi người đã có một cuộc sống khác. Còn thời gian đủ sức để xóa đi mọi chuyện. Ý nghĩ đó làm chị cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
    Chị nhấc điện thoại, gọi cho Lem. Lem hỏi, chuyện gì vậy em? Chị bảo, tối nay anh về sớm được không? Em sẽ nấu một vài món gì đấy. Có tiếng Lem cười, hay quá. Lâu lắm rồi anh không được ăn những món em nấu. Mấy lần định đề nghị nhưng sợ em bận. Chị dịu dàng bảo, lần sau muốn yêu cầu gì anh cứ nói với em nhé.
    Chị lại ra ngồi bên cửa lớn trông xuống bãi đậu xe. Tuyết rơi nhẹ và mịn như rây bạc. Kẽ xanh nứt giữa bầu trời đã loang rộng ra, xanh rực rỡ. Những thân cây câm lặng in những cái bóng xám mờ mờ trên mặt tuyết mịn màng. Phong cảnh thật yên bình.
    Chị xỏ que đan để tiếp tục đan chiếc khăn len xám, giữa chừng chợt dừng lại, mơ màng nghĩ, giá như mình và Lem có được một đứa con thì hay?
  5. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Nhà Trọ
    Tác giả: Nguyễn Thị Châu Giang
    Không khí đặc quánh. Trời phồng rộp lên rồi vỡ ra vài giọt nước bám bụi đen sì chảy chậm chạp trên thành lan can bằng gỗ mốc xỉn. Mọi người đâm bổ ra đường, cố hít vào ngực một thứ khí sền sệt để giảm bớt sự ngột ngạt. Nhưng vô hiệu. Trời vẫn bỏng rộp và cây cối héo rũ.
    Ba tôi từ công sở về, mặt mày hốc hác. Ông ngồi dựa lưng vào cánh cửa, đầu gục xuống. Mẹ mon men lại gần, giọng sợ hãi: "Có chuyện gì thế?". "Giảm biên chế". Mẹ ngơ ngác: "Sao bảo chỉ còn vài năm nữa ông nghỉ hưu". Ba ngẩng lên, thiểu não: "Thế nó mới đểu. Thằng Hiền bảo công ty làm ăn thua lỗ vì cơ cấu tổ chức nhân sự. Phải thay đổi" - Ba ứa nước mắt: "Mình tung hê nó lên. Bây giờ rõ thằng ăn cháo đái bát". Tôi giật mình. Chỉ mới một ngày, mặt bố già sọm. Những nếp nhăn chảy ngoằn ngoèo không phương hướng trên mặt, ba đã già rồi, và đôi khi lầm lẫn nữa. Tôi bảo: "Con thấy ba nghỉ được rồi. Thời buổi này bọn trẻ nhanh chân lẹ mắt lên nắm quyền mới được". "Nhưng tao nhiều kinh nghiệm". Ba nhấm nhẳn. Tôi cười: "Kinh nghiệm nhưng vi tính, tiếng Anh, giao thiệp không có, ba cạnh tranh nổi với ai". Ba nổi cáu: "Mày thì biết gì", những mạch máu chạy trên trán ông căng ra như sắp đứt. Mẹ suỵt khẽ: "Thì con nó cũng chỉ muốn ông nghỉ ngơi". "Nghỉ ngơi gì" - Ba thở dài: "Biết lấy gì sống đây? Đang đi đường bằng tự nhiên bước hụt xuống hố. Bà bảo không đau sao được" và ông nặng nề đứng dậy, bỏ vào nhà.
    Chị Nhân bày cơm ra bàn, hỏi khẽ: "Cãi nhau à?". "Không. Ba nghỉ làm rồi". Chị Nhân để nghiêng tô canh, nước trào ra bàn. Tôi cười: "Bình tĩnh. Chứ kiểu này về làm dâu là tiêu rồi". Chị ngỏn nghẻn cười: "Em thấy anh Hiền thế nàỏ". "Aỉ" - Tôi trố mắt - "Lão Hiền vừa cho ba nghỉ việc đấy". Mặt chị Nhân tái xanh. Hai mắt thất thần nhìn ra ngoài cửa sổ vần vụ mây mà không sao mưa nổi. "Làm sao bây giờ". "Thì cứ yêu đi đã - Tôi nháy mắt - Đợi ba nguôi tính saụ" và tôi cố sửa lại vẻ mặt nghiêm túc, ảm đạm.
    Bữa cơm trôi qua nhạt thếch. Chị Nhân không nuốt nổi cơm, cứ len lét nhìn ba mẹ. Tôi đá chân chị: "Chị Nhân ơi, ăn nhanh đi chơi". Ba ra lệnh: "Mai hai chị em lên gác. Tầng dưới cho thuê bớt mới đủ sống". Tôi nhăn nhó:
    "Nhưng chật lắm" và hì hụi dắt xe chạy ra đường. Những cơn gió hiếm hoi thổi tốc vào mặt làm tôi quên hết mọi chuyện.
    * * *
    Hai chị em chuyển lên gác. Căn phòng bé xíu, ẩm mốc, và ngột ngạt. Phía bên trái có cánh cửa sổ phủ mây và trông sang một mái tôn đầy phân mèo. Buổi tối gió hiu hiu thổi, một thứ mùi lờm lợm bốc lên không sao chịu được. Lâu lắm nó mới được mở ra, sau khi xịt nước hoa đầy phòng.
    Nhà dưới ba mẹ ngăn ra làm đôi. Đằng trước vừa làm phòng khách vừa làm phòng ngủ của ông bà và một cái bếp bé tý hin. Phía sau còn hai phòng nhỏ kê một cái giường và một cái bàn cũ kỹ bằng gỗ, một cánh cửa cũng bằng gỗ thông ra con hẻm khác. Tất cả cùng sử dụng chung công trình phụ đặt dưới chân cầu thang. Ban đầu mẹ định lắp máy lạnh cho nước ngoài thuê nhưng tính đi tính lại thế nào mẹ bảo ba để thế cũng hời. Ba ừ hữ, bỏ mặc mọi chuyện cho mẹ. Ba lãnh đạm và lẩn thẩn với tất cả.
    Người đầu tiên đến thuê là một phụ nữ còn trẻ dẫn theo hai đứa bé giống nhau như đúc. Cô không đẹp nhưng có duyên. Cái duyên ngầm càng nhìn lâu càng đắm đuối, hợp vai trò của một cô thư ký phải luôn cặp với những ông chủ cỡ bự. Cô xách theo linh tinh đồ đạc, bày đầy góc nhà và nhìn tôi cười: "Cháu xem cô còn trẻ thế này mà bận bịu quá". Tôi lớ láo nhìn lên trần nhà bám muội than đen sì: "Thế chú ấy đâủ". Cô ngẩn ngơ không trả lời. Tôi lí nhí:
    "Cháu không biết nên mới hỏi", chỉ muốn chui tọt xuống kẽ đất! Vừa may chị Nhân chạy sang dặn: "Ba mẹ đi chơi. Sáu giờ rồi, chị cũng phải đi đây".
    Hôm nay chị Nhân rất đẹp. Chị diện váy trắng, tóc xõa loăn xoăn kiểu cách trên khuôn mặt buồn dịu. Tôi ghẹo: "Đi chơi với Hiền à? Không sợ ba mẹ biết à". Chị im lặng cắm cúi bước đi. Cô Diệu lắc đầu bảo: "Chị cháu khổ vì tình, lụy vì tình. Đàn bà như thế không sướng được. Nhất là tâm". "Thế còn cháủ". Cô nắm chặt tay tôi, mắt ánh lên những tia ma quái: "Cháu thì khác. Cháu mạnh mẽ hơn chị Nhân nhiều". Cô thở dài "Mà con gái thế nào thì cũng khổ".
    Hai đứa bé con đã lăn ra ngủ vùi. Tôi khen: "Hai đứa chắc giống bố". Cô bỏ nốt túi xách vào gậm bàn: "ừ, mỗi người một nét", giọng lạnh tanh. Tôi đi về nhà thấy nhà vắng vẻ và buồn như nhà trọ không người thuê. Tôi mở cửa. Lại một mùi chua lòm bốc lên hầm hập.
    Mẹ đẩy cửa vào, hai bàn tay nổi đầy gân xanh miết chặt vào nhau. Mẹ nhìn tấm ảnh của cô gái treo đầu giường vẻ khó chịu nhưng rút cục không phê phán như mọi hôm mà chỉ hỏi giọng lo lắng: "Con có hay nói chuyện với chị không? Ba con giờ giở tính, mẹ không lo lắng gì cho hai con cả... lại còn chuyện buôn bán". Tôi cười: "Tụi con lớn rồi mẹ à", trong bụng nghĩ thầm, mẹ lúc nào cũng thế, có lo lắng gì đâu ngoài chuyện phiền trách chúng con. "Dạo này chị mày hay về muộn thế". Mẹ mơ màng - "Hồi xưa đi chơi chín giờ về mẹ đã bị bà ngoại rầy. Bây giờ tự do quá dễ hư". "Cũng còn tùy - Tôi dúi đầu vào ngực mẹ. Mẹ đâu phải là bà ngoại. Mà tụi con là con gái ngoan". Mẹ gật đầu: "ừ mẹ mong thế. Con gái sảy chân ra đường bao nhiêu là cạm bẫy". Mẹ xuống nhà. Căn phòng yên trở lại. Chiếc quạt máy chạy lè xè như đuổi ruồi. Một con mèo đi lang thang trên mái tôn kêu gào thảm thiết.
    Chị Nhân về, mồ hôi ướt đẫm. Chị bảo: "Mệt quá" và đổ vật xuống giường. Mặt mũi khép lờ đờ. Tự nhiên tôi thấy chị giống như một con mèo hoang. Con mèo hoang trắng muốt. Chị hé mắt: "Em ngủ khuya thế?". "Em chờ chị". "Lần sau cứ ngủ trước đi. Chị đi cổng nhà chị Diệu, ba mẹ không biết đâu". "Mẹ vừa ở đây. Mẹ đang lo". Tôi cười. Thế nào nhỉ? "Con gái ra đường sảy chân bao nhiêu cạm bẫy". Chị nghiêm nét mặt vẻ bồn chồn dữ. Rồi quay mặt vào tường: "Ngủ đi", vẻ đầy bí ẩn. Đôi vai gầy nảy lên một cái. Tôi hỏi: "Có chuyện gì thế?". "Yêu đương. Mày con nít không biết đâu". "Chị lầm rồi. Con nít bây giờ tinh lắm. Chuyện gì cũng giỏi cả". "Vậy à. Chị vật vã... Chữ trinh có đáng ngàn vàng không?". "Có chứ". Tôi quả quyết quay sang đã thấy chị ngủ mất, hơi thở thật bình yên.
    * * *
    Bạn trai của cô Diệu rất nhiều. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bố của hai đứa bé. Gặng hỏi cô cũng chỉ bảo đang làm ăn xa. Cô với hai đứa bé sống phần nhiều là nhờ vào những người bạn tốt bụng. Nhiều hôm cô đi đến khuya mới về, tôi lại sang trông con cho cô. Hai đứa bé như hai con búp bê nhưng ngớ ngẩn. Chúng không biết nói, biết cười. Cô bảo: "Cô sống đến giờ là vì hai đứa. Chứ đời cô bầm giập, chẳng còn tương lai". Tôi vuốt mái tóc óng mượt của cô: "Sao lại không? Cháu thấy cô như thế này bao nhiêu bạn bè là hạnh phúc". Cô cười lúc lắc mình không nói, mặt bỗng dưng hóp lại như mặt bà già.
    Khoảng tháng sau, cô Diệu bàn với mẹ tôi để nhà cho thêm một người khách thuê. Cô ở ngoài, người đó ở trong. Đó là một người đàn ông cứng tuổi - một họa sĩ nghiệp dư. Ông ta đến mang theo các loại khung và giá vẽ, những bức tranh ngoằng nguỵt khó hiểu, bốn chiếc lọ gốm xanh đậy kín nắp và một con mèo mun ăn nhiều nhưng gầy gò giơ xương.
    Tôi dẫn hai đứa bé vào phòng ông, lặng yên xem ông vẽ. Ông hỏi: "Mẹ chúng nó đâu". "Đi làm rồi ạ". Ông gật gù: "Một người đàn bà tốt". "Cháu cũng nghĩ thế". Tôi ru hai đứa ngủ. Ngồi hết giờ này đến giờ khác xem ông phết lên toile những mảng mầu đỏ ối hoặc tăm tối mà sau cùng được chú thích bằng một dòng chữ nhỏ. "Ký ức chiến tranh" nghiêng ngả như những bóng người lội dưới bom. Cho đến khi chị Nhân về, mẹ của bọn trẻ về tôi mới lồm cồm bỏ lên lầu.
    Chị Nhân vẫn chơi với anh Hiền, dù đôi khi lương tâm cắn rứt, hạnh phúc lung lay khổ sở. Tôi nhắc khéo: "Coi chừng ba mẹ biết". Chị bĩu môi: "Ba mẹ vô tư lắm, không biết đâu". Chị treo áo vào tủ: "Sau này có con chị sẽ quan tâm đến nó, nhưng theo cách khác". "Là saỏ". Chị nhún vai bất cần và lơ mơ ngủ mất. Tôi nằm mãi mà không ngủ được. Không hiểu giờ này mẹ con cô Diệu đã ngủ chưa. Ông họa sĩ đáng mến đang làm gì bên bốn chiếc lọ mầu ngọc bích đậy kín bưng. Họ đang làm gì khi đêm chậm rãi trôi qua.
  6. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Cơm dọn ra mà không ai ăn nổi. Hôm nay ba mẹ từ nhà dì về, mặt mày hớt hải. Vừa bước vào nhà ba đã hỏi chị Nhân về chưa. Tôi lắc đầu: "Chị Nhân chiều nay đi ăn cơm với bạn bè". Ông nghiến răng: "Với thằng Hiền phải không?". Tôi hốt hoảng: "Con không biết". "Thế mà tao biết. Hai đứa chúng nó đi trước mắt tao tình tứ lắm". Mẹ rụt rè: "Thì khoan đã. Ông cứ nhặng xị cả lên con nó sợ". Ba vò đầu bứt tóc: "Lửa cháy đến nơi mà còn bảo khoan. Làm sao tôi khoan được".
    Khoảng mười giờ chị Nhân về, hát nho nhỏ từ cổng. Mẹ nhắc khéo: "Vui vẻ nhỉ. Sao không đi hết đêm đi". Chị ngơ ngác. Tôi thò tay kéo áo chị: "Lộ rồi!". Ba gầm gừ: "Mày bỏ nó đi. Cái thằng đấy không đáng xách dép cho mày. Nó hại ******* chưa đủ, định để hại cả mày luôn à?". Chị nức nở: "Nhưng anh ấy đàng hoàng, yêu con thật lòng. Chuyện của ba anh ấy bảo vì công ty không cần công việc đó nữa. Mà ba cũng đã già". "Nó nói láo. Nó bị tao cản trở việc làm ăn phi pháp của nó - Ba xuống giọng - Thôi con ạ, nghe ba còn bao nhiêu đám khác". Tôi can: "Ba ơi, chuyện tình yêu khó nói, khó dứt ra lắm". Trong bụng hoang mang không biết có nên bênh chị Nhân không. Anh chị cũng tội nhưng đứng về phía ba có thằng con rể từng hất cẳng như thế cũng kỳ. Mà trong sách báo không có trường hợp nào như vậy cả. Tôi dáo dác. Chị Nhân nhìn tôi biết ơn. Ba hầm hè: "Nhưng tao cấm. Mày đừng có mang voi về giầy xéo nhà này". Chị Nhân òa khóc, gào to: "Nhưng con và anh ấy yêu nhau. Ba không có quyền". "Tao có quyền là ba mày". Ba ôm ngực ho sù sụ, mặt tái nhợt. Mẹ hốt hoảng: "Đưa ba vào giường mau". Ba uống mấy viên thuốc an thần, vật vã một lúc mới ngủ được. Tôi nghe mẹ thì thầm và giọng chị Nhân nghẹt cứng: "Ba mẹ cứ yên tâm" và tiếng hít mũi đánh roẹt.
    Tôi bỏ sang nhà ông họa sĩ, nằm lên chiếc divan bọc nhung đỏ, nước mắt chảy ướt đẫm gỗi. Ông hỏi: "Sao thế cháủ". "Chuyện tình yêu. Người ta hay khổ vì chuyện tình yêu". Tôi cảm thấy khó thở khi kể mọi chuyện cho ông nghe. Ông sẽ vuốt tóc tôi: "Ngốc quá. Chưa có gì là nghiêm trọng cả cô bé ạ". Tôi nhổm dậy: "Thế khi nào mới là nghiêm trọng?". "Khi không còn ai ở bên mình nữa. Lo lắng cho mình nữa". Mặt ông cau lại. Một giọt nước to tướng chạy xuống má ông. Tôi rụt rè: "Chú khóc à?" "Lại đây tôi cho xem". Ông chỉ chiếc bình gốm đặt trên cao: "Gia đình của tôi đấy. Họ chết vì bom Mỹ. Từ lâu rồi, một người vợ và ba đứa con. Tôi tưởng là không sống nổi nhưng cô thấy đấy, tôi vẫn đang ngồi cạnh cô đây, đang cầm tay cô đây. Cái gì rồi cũng qua hết. Cô Nhân cô ấy vẫn còn hạnh phúc". Ngừng một lát, ông thì thầm: "Tôi yêu họ", "Sao chú không thờ?" "ở đây - Ông đưa tay lên ngực - Lúc nào cũng ở đây thì cần gì phải thờ". Tôi bối rối: "Cháu xin lỗi vì đã nhắc đến chuyện buồn của chú". "Không, đã thành sẹo rồi. Mà tôi cũng muốn cô biết. Cô thật đáng mến". Ông đưa tay kéo con mèo gầy lại gần và dịu dàng vuốt cổ nó. Tôi thấy khung cảnh này thật quen thuộc, đáng yêu. Bên cạnh ông tôi thấy mình hạnh phúc và yên lành. Tôi khoan khoái duỗi người, đoán chắc chị Nhân sẽ không bỏ anh Hiền được. Tôi mỉm cười với ông: "Nếu chú cô đơn chú cứ nói chuyện với cháu. Nhé!" Ông gật đầu và cũng cười. Nụ cười làm mặt ông sáng lên rạng rỡ.
    Vân tới chơi mang theo mưa đầu mùa ướt rượi. Từ ngày vào Đại học, hai đứa ít gặp nhau hẳn. Bạn bè, bài vở. Kỷ niệm cũng ít khi giở ra ngắm nghía.
    Chúng tôi leo lên gác. Căn phòng tối mù, thoảng mùi mưa vọng qua ô cửa.
    Vân hỏi: "Đã yêu chưả" Tôi ngập ngừng: "Chắc là đã". Vân rú lên: "Người thế nàỏ". "Tuyệt lắm". "Già hay trẻ". "Già". "Làm gì" "Hưu rồi". "Có giầu không?". "Không. Nếu không nói là rất nghèo". Vân ngạc nhiên: "Con điên". Vậy mà cũng yêu. "Thì sao? Tao thấy hợp". Tôi ngồi thần mặt, phân vân không biết có hợp thật không. Hay chỉ ảo tưởng. Mà như thế buồn lắm. Bỗng nhiên chỉ muốn chạy xuống căn phòng có cái chụp đèn mầu hồng, con mèo mun gầy gò và bên giá vẽ, một người đàn ông ngồi hiền lành. Mái tóc thưa và mỏng ép sát vào da đầu. Hai túi thịt ở mắt kéo xuống làm mặt ông đầy vẻ đau khổ và từng trải. Tôi yêu vẻ từng trải ấy, sự dịu dàng ấy từ những ngón tay thô của ông. Những thứ mà tụi con trai bây giờ không có, chỉ hời hợt và nhạt phèo. Mà ông thì có tất cả. Tôi yêu ông ấy vì tất cả.
    Váy áo của chị Nhân ướt sũng, dính vào da thịt. Tôi bảo: "Đi chơi với bồ mà tênh hênh thế kia. Mỗi lần thế chị nên mặc váy đen thì hơn". "Không. Chị rơm rớm nước mắt. Chữ trinh đáng giá nghìn vàng". Tôi sững người, cổ họng đau buốt: "Sao chị vội vàng thế?"
    Đêm ấy hai chị em không ngủ. Mưa tạnh từ lâu. Những con mèo lại đi tuần hành trên mái nhà gọi nhau thắm thiết. Cả hai cùng thức nhưng không thể nói với nhau một tiếng nào. Mắt tôi bỏng rát. Tôi đi xuống nhà. Căn phòng của ông vẫn còn sáng đèn. Tôi đến vừa lúc ông đang nấu mì. Tôi nhìn ông rồi nói: "Để cháu nấu cho". Ông ngượng nghịu: "Tôi vừa lên cơn sốt. Cảm xoàng thôi nhưng mệt". Ông nằm xuống, hơi thở khò khè: "Chiến tranh không chấm dứt được". "Thôi đừng nghĩ nữa. Chú ngủ một chút đi". Tôi cầm tay ông cho đến khi ông thiếp đi. Một cái gì nhồn nhột sau gáy. Tôi quay lại. Những hình đàn bà và trẻ con lơ đãng nhìn tôi. Nhưng miệng cười và ánh mắt lạnh buốt. Họ đang đến từ quá khứ đầy sẹo của ông và ở căn phòng này vĩnh viễn. Họ muốn tôi đi. Họ không muốn có tôi ở đây. Cái con bé của hiện tại và tương lai nhộn nhịp, bon chen.
    Cô Diệu gửi hai đứa về quê. Cô cũng đi đâu đó. Hai ba ngày mới về một lần. Căn phòng vắng hơn, bụi mờ trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Tôi cảm thấy đang rơi xuống vực thẳm tình cảm không lối thoát. Tôi tìm cách bỏ ra khỏi nhà vào bất cứ lúc nào để quên ông nhưng không được. Vân đèo tôi lang thang: "Đừng ủ rũ nữa. Đã lỡ yêu thì tiến tới. Nhưng tao thấy mày dở quá. Lão ấy không có gì chấm được". Tôi cau mày: "Tao chẳng chấm gì cả". "Nhưng mày học hành tụt dốc rồi". "Mặc kệ". Một chiếc Dream chạy qua văng bùn tung tóe: Vân chửi: "Mẹ kiếp. Vênh thế". Tôi thoáng thấy bóng cô Diệu ngồi đằng sau, đầy tình tứ. Tôi giục: "Chạy mau lên! Người quen". Vân cho xe rà sát chiếc Dream. Tôi gọi: "Cô Diệu". Cô quay lại. Người đàn ông quay lại. Cả hai đều tràn trề hạnh phúc. Tôi há hốc mồm. Anh ta không hề biết tôi. Cái anh chàng chị Nhân yêu đắm đuối. Cái anh chàng Hiền tôi đã đủ mọi lý lẽ để bảo vệ cho tình yêu trong sáng của họ. Anh ta vẫn nhăn nhở cười, vòng tay qua eo lưng cô Diệu siết chặt. Tôi kéo áo Vân: "Quẹo phải". "Saỏ". Vân ngơ ngác: "Thằng bồ của chị tao". Tôi cúi gầm mặt cố không nghe tiếng cô Diệu gọi: "Nó không biết tao". "Sao mày không chửi nó?" Vân hậm hực: "Thôi kệ, mình là người có học". Nước mắt chảy xuống má tôi bỏng rát.
    Tôi ngồi trước mặt cô Diệu. Tôi bảo: "Cô ạ, anh Hiền là bạn trai của chị Nhân". Cô Diệu tái mặt, lắp bắp: "Cô không biết, cô xin lỗi". Tôi khóc:
    "Cô biết nhưng vẫn thích thế". "Không. Cô gặp anh ấy ở một bar rượu. Anh Hiền có kể về người yêu của anh ấy cho cô nghe. Nhưng cô không biết là Nhân. Cô chỉ là bạn". Tôi nhìn cô căm thù: "Cô nói dối". "Không - cô bật khóc, cô đến đó đón khách". Hai bàn tay cô run bắn, giọng lạc hẳn: "Cô đón khách. Và gặp anh Hiền cùng mấy người bạn. Như là những khách qua đường. Còn cô Nhân ăn đời ở kiếp. Tôi sợ hãi cắt ngang: "Cô làm thế lâu chưả" "Lâu rồi. Trước khi đến đây giờ thành quen". Tôi bỏ về. Tôi gặp chị Nhân ở cầu thang, người sực nước hoa. Chị ôm chặt tôi vui vẻ thông báo: "Chị hạnh phúc quá. Hôm nay anh Hiền cầu hôn chị". Tôi lách người ra gắt: "Chị có biết anh Hiền hôm nay đi chơi gái không?". "Anh ấy có xin phép chị". Chị tỏ vẻ ngạc nhiên: "Công việc làm ăn cần phải thế nhiều lúc cũng buồn nhưng chị hiểu anh ấy chỉ yêu chị". "Thế lại khác". Một cái gì vỡ ra tê buốt ở ngực. Thất vọng và mệt mỏi. Nỗi trống trải giăng kín làm tôi không sao cử động nổi.
    Sáng sớm mẹ vào phòng. Mẹ đưa cho tôi một phong bì và bảo: "Của chị Diệu. Chị ấy vừa dọn nhà đi". Bức thư vỏn vẹn vài chữ: "Cháu đã biết cô là ai nên cô phải đi. Cô biết cháu sẽ khinh cô lắm. Nhưng cuộc sống không phải là cái bánh để sẵn trên đĩa. Ai đói thì lấy xuống mà ăn. Cháu đừng cho Nhân biết gì hết. Ngàn lần xin lỗi cháu vì cháu là cô bé đáng yêu". Diệu. Chị Nhân chồm người qua: "Chị viết gì thế?" "À, chào hỏi lung tung ấy mà". Tôi xếp tập vở vào cặp, bỗng nhớ da diết hai con bé xinh như hai con búp bê nhưng không biết nói, biết cười. Vẫn ăn uống và lớn lên như thổi.
    * * *
    Tôi chậm chạp bước xuống thang, miệng lẩm nhẩm theo nhịp chân bước: "Yêu, không yêu. Nói, không nóị..". Bậc cuối cùng không nói. Nhưng tôi đã quyết định tự thoát khỏi mình. Tôi đẩy cửa. Ông đang ở trần, mặc quần đùi giải rút mầu trắng nom rất trẻ trung. Trên giá chiếc bình gốm hôm nay được ủ một tấm vải hoa mầu xám nhạt. Ông khẽ giật mình: "A, bé". Tôi ngồi xuống chiếc divan. Đã hai ngày con mèo đen gầy guộc bỏ nhà đi mất. Vài hạt cơm khô còn vương vãi chỗ đĩa ăn cùng một bầy kiến lổm nhổm. Tôi kết luận: "Căn phòng thiếu bàn tay phụ nữ". Ông đề nghị lần đầu tiên sau nhiều ngày quen biết: "Cô ngồi mẫu cho tôi nhé". Ông lấy toile đặt lên giá. Tôi im lặng. Một lúc, tôi lí nhí: "Sao chú không lấy vợ. Không ai sống mãi với quá khứ được". Ông nhìn tôi không nói. Tôi nhắc lại cầu khẩn: "Chú lấy vợ đi". Ông cười: "Ai thèm yêu tôi". "Có". Tôi tiến lại gần ông tay chân lạnh buốt. Ngực đánh trống liên hồi. Tôi đưa tay vuốt nhẹ bờ vai vẫn còn săn chắc của ông, cảm nhận cái rùng mình rất khẽ. "Có người yêu chú lắm". Trong đầu thoáng qua một ý nghĩ: "Anh ấy chưa già. Chưa già như mọi người tưởng". Tôi quỳ xuống, úp mặt vào hai bàn tay đầy mùi sơn dầu của ông. Ông nâng tôi dậy ghì chặt vào lòng. Khi nút áo cuối cùng bung ra, ngực tôi đau buốt. Tôi nhắm chặt mắt. Chữ trinh đáng giá nghìn vàng. Mẹ ơi, khi yêu trên đời chẳng còn gì là có lý cả. Mọi giáo huấn của mẹ chui lọt qua tai mất rồi.
    Ông chợt lùi phắt lại, cái hôn bay lơ lửng trong gió và lọt thỏm xuống sàn nhà. Ông run rẩy: "Em còn trẻ quá. Tôi thì già rồi". "Có sao đâu". "Dư luận. Tương lai. Còn phải học hành và lấy tấm chồng cho ra nhẽ. Còn ba mẹ em nữa". "Em yêu anh". Người nào đó trong tôi thét lên "Dư luận không cho phép" - Ông tuyệt vọng: "Em phải giữ cho em". Tôi cắn chặt môi: "Anh hèn lắm". Tôi cẩn thận gài lại từng nút áo: "Chú hèn lắm". Đầu tôi vỡ tung. Thất vọng và đau đớn. Tôi muốn chết quách đi cùng những ảo tưởng tình yêu xinh đẹp mà tôi dành cho ông. Nhưng sau cùng tôi đã không chết. Tôi lặng lẽ rời khỏi căn phòng có chiếc bình gốm xanh mầu ngọc bích và lỉnh kỉnh các loại mặt đàn bà, trẻ con lạnh buốt. Tôi nghĩ chắc mẹ hài lòng tôi. Một con bé trinh trắng ít đi chơi và về nhà đúng giờ vào bất cứ lúc nào.
    * * *
    Mẹ cằn nhằn: "Căn nhà này không hợp hướng. Không cho thuê được. Ai đến rồi cũng đi". Tôi bỏ chạy xuống nhà sau. Cánh cửa mở toang hoác. Đồ đạc dọn đi, chỏng chơ chiếc giường và chiếc bàn gỗ cũ mèm. Một bức tranh lật úp vào tường. Tôi giở ra. Bức tranh vẽ tôi của đêm trước, ngây thơ và đau đớn. Bên dưới đề: "Em còn trẻ con lắm" với chữ ký loằng ngoằng như người đang lội bom. Tôi nặng nề mang nó lên lầu, treo ở đầu giường như để thờ phụng một mối tình đầu rất đẹp của mình.
    Tôi lao vào học để quên. Chiều tối lại cùng vài đứa bạn kéo nhau vào quán cà-phê. Tôi thấy nhẹ nhõm và trẻ trung, cái bầu không khí này tôi đã bỏ quên một thời gian rất lâu. Tôi ngắm anh chàng có chiếc răng khểnh non tơ đang ba hoa chích chòe ở góc kia, thấy cũng dễ thương và đáng yêu hơn trước đây tôi nghĩ. Tự nhiên thầm cảm ơn ông. Vì ông đã giữ lại cho tôi những giây phút bình yên và trong sáng thế này.
    Hai chị em vẫn ở trên gác. Ba mẹ tiếp tục sống bên lề của hai đứa con. Chị Nhân mất dạng, khuya mới lao về, hạnh phúc chấp chới trên mắt. Ngôi nhà trở thành cái nhà trọ, cho chính mỗi người chủ của nó. Một cái nhà trọ khi mọi mối quan hệ gần với nhau lỏng lẻo.
    Đêm đêm những con mèo lại tuần hành trên mái tôn gọi nhau da diết. Trong đám đó chắc đã có thêm chú mèo mun gầy guộc bỏ nhà đi từ lúc nào đó; lâu lắm rồi. Như những kỷ niệm buồn cũng đã bỏ đi xa...
  7. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Những Người Đàn Bà Cuối Năm
    Tác giả: Nguyễn Thị Châu Giang
    Phòng bếp nhỏ, sực nức mùi bơ rán, mùi cá chiên và thức ăn lạnh ủ lâu ngày. Trong những căn hộ nhỏ cho thuê, không khí không có lối thoát, nhất là vào mùa đông, các cửa đều đóng kín, nên mùi thức ăn cứ bay luẩn quẩn, chui rúc trong những góc tối của căn phòng. Cửa ra vào treo một vòng hoa nhỏ bằng vỏ bào. Tủ kính kê sát tường xếp đủ loại chai lọ lỉnh kỉnh bằng thủy tinh. Bốn người đàn bà quây quanh chiếc bàn gỗ đánh bài. Tiền lẻ quăng vung vãi trên bàn nhưng vẫn chia ra thành bốn tụ. Người đàn bà thứ năm ngồi đan áo hoặc là một chiếc khăn choàng mầu lông chuột bên cạnh cửa sổ trông ra đường. Bên ngoài tuyết phủ trắng xóa và bầu trời xanh xám với những cụm mây nhỏ mầu chì. ánh mặt trời chiếu xuyên qua những tảng băng bám dầy trên cây làm chúng trở nên trong suốt như pha lê. Không một bóng người. Động vật sống duy nhất lúc đó là bầy quạ đen gục đầu ủ rũ như những chiếc lá khô khổng lồ còn níu lại được trên những cành cây khẳng khiu đâm ngang qua ô cửa.
    Trong phòng chỉ nghe thấy tiếng máy sưởi chạy o o và tiếng rên của chiếc tủ lạnh khi khởi động lại máy. Thỉnh thoảng nghe tiếng đập bài đánh xoạch xuống mặt bàn. Tiếng ho khan, tiếng xuýt xoa và tiếng cười vang sung sướng. Người đàn bà mặc chiếc áo len cổ lọ mầu vàng đề nghị, bật nhạc lên nhé. Nhạc gì cũng được. Nhưng phải là nhạc Việt Nam. Người đàn bà đeo chiếc băng đô đỏ với tay bật catssette. Tiếng hát Tuấn Ngọc vang lên, giống như vẳng ra từ trần nhà dán giấy hoa tím nhạt. Em còn nhớ hay em đã quên... Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng... Tao không thể chịu được giọng của Tuấn Ngọc. Vì nó đàn ông quá. Những người có tính cách quá đàn ông thường làm phụ nữ khổ. Người đàn bà có đôi mắt cắt mí kẻ chì đen đậm theo phong cách những năm sáu mươi, bảy mươi bảo. Khi hát bài này, nó làm tim tao đau nhói. Cuộc sống ở đây cuốn mình đi. Tao có cảm giác mình đã quên dần Sài Gòn. Người đàn bà mặc chiếc áo lót đen để trễ nải qua cổ áo hình trái tim xẻ rộng đưa tay kéo lại dây áo lót vào phía khuất trong áo, khóe miệng trễ xuống hình dấu ớ. Chị lặng lẽ xốc lại bài và chia đều ra thành bốn tụ. Có ai uống cà phê không? Người đàn bà đeo băng đô đỏ đứng lên. Chị có thân hình to cao. Bộ ngực vồng lên làm chật căng chiếc áo thun hoa đen trắng. Giờ này trong công sở tao phải uống một ly cho tỉnh ngủ. Không biết bao giờ mới hết tình trạng thiếu ngủ như thế này. Đấy là một đòi hỏi quá cao ở nước Mỹ, người đàn bà đeo vòng cẩm thạch ở cần cổ trắng, cao nhưng đã có những nếp da bắt đầu xếp lên nhau ngồi bên cửa sổ vừa đan vừa góp chuyện, nhà chỉ có cà-phê Mỹ thôi. ở trong tủ gỗ đó. Người đàn bà đeo băng đô đỏ nói, vậy cũng được. Tao đã quen với vị cà-phê Mỹ rồi. Hai mươi mấy năm đủ làm tao quen với tất cả mọi thứ. Chị lui hui pha cà-phê rồi bưng chiếc bình nghi ngút khói lại. Miệng bình chạm vào thành ly sứ lanh canh. Một chất nước nâu lờ nhờ chảy ra. Loãng và gần như không mùi thơm ngoài vị đắng, hăng hắc. Chị uống không đường, không sữa. Không ai uống cà-phê với chị. Người đàn bà mặc áo lót đen uống sữa tươi. Những người khác uống nước cam đóng hộp lấy từ tủ lạnh ra. Hơi lạnh làm thành ly mờ đục như phủ khói. Người đàn bà đan áo hỏi, có muốn ăn gì không? Người đàn bà có đôi mắt cắt mí trả lời, thôi. Để bụng đón giao thừa. Chỉ còn có vài giờ đồng hồ nữa.
    Con chim gỗ gõ vào khúc cây chín tiếng. Bão tuyết ***g lộn ngoài ô cửa, tạo thành những cuộn lốc mầu trắng với những đám bụi mờ mịt. Mặt trời khuất đâu đó sau những rừng cây trụi lá. Trời vẫn sáng. Một thứ ánh sáng lạnh lẽo mầu xám buồn. Những con quạ đen cuối cùng đã bay đi. Khắp nơi phủ mầu trắng xóa. Cả đến bầu trời xám cũng đã chuyển dần sang mầu trắng đục. Có bóng một chiếc áo khoác da nâu di chuyển dần về hướng ô cửa người đàn bà đan áo đang ngồi. Chị hơi nhỏm người lên. Cánh tay tì lên bậu cửa nổi rõ những sợi gân xanh. Bóng áo khoác nâu khuất dần.
    Có tiếng gõ cửa. Lúc đầu nhỏ sau to lên dần. Chùm chuông trên cửa kêu những tiếng trong veo. "Có khách". Những người đàn bà bỏ bài xuống chờ đợi. Người đàn bà đan áo lẩm bẩm, có thể là con bé Vi. Nó luôn luôn quên chìa khóa ở đâu đó. Chị đứng dậy nhưng không để ý cuộn len đang nằm trong lòng. Nó lăn xuống, chạy dài dưới đất. Con mèo con như một cuộn lông tơ vàng từ góc nhà xồ ra, hất tung cuộn len lên trời. Người đàn bà cẩn thận nhìn qua lỗ nhỏ trên cánh cửa rồi mở cửa. Giá lạnh ùa vào cùng với người lạ, mang theo hơi ẩm ướt và mùi vị nhàn nhạt của tuyết và gió. Người đàn bà khẽ kêu lên một tiếng nhỏ nhưng vẫn đứng yên. Bốn người đàn bà ngồi ở bàn quay lại, nhìn người lạ dò xét. Người lạ gật đầu chào, lúng túng không biết nên cởi giày hay không. Sàn trải thảm nhung nâu đất viền hoa vàng rất đẹp và sạch sẽ. Cũng không biết đặt áo măng tô ở đâu vì không có móc ở trên tường. Người lạ nhìn quanh, rụt rè bảo, ở ngoài lạnh quá. Cháu muốn gặp mẹ của Vivian. Có cổ ở đây không ạ?
    Là tôi đây, người đàn bà đan áo trả lời. Lúc này chị mới nhìn rõ người lạ. Một cậu thanh niên chừng hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi. Da trắng, mũi thẳng. Tóc cắt bàn đinh, phía trước hơi nhuộm vàng để lộ vầng trán cao rộng và đôi mắt một mí xếch dài. Đôi môi mỏng khi cười kéo thành hai sợi chỉ nhưng trở nên duyên dáng nhờ lúm đồng tiền ở bên má trái. Trông cậu giống một người Triều Tiên hơn là một người Việt Nam. Và giống hệt một người. Nghĩ đến đấy tim chị nhói đau. Chị trấn tĩnh lại hỏi, xin lỗi, cậu là ai? Cháu là bạn của Vivian. Cháu tên Tường. Chị đưa tay lên xoa mặt. Chị hỏi, họ của cháu là gì? Thế con bé không về à? Họ của cháu là Nguyễn. Nguyễn Xuân Tường. Vivian không báo gì cho cô biết sao? Người đàn bà đan áo kín đáo thở một hơi dài. Người ấy họ Kim kia. Một cái họ đặc biệt chẳng thể lẫn được với ai. Mà mình sao lạ. Nhớ nhung chuyện đó để làm gì. Hai mươi mấy năm rồi. Trong khi đó người lạ vẫn tiếp tục nói, bằng một thứ tiếng Việt không sõi. Vivian không về được vì không xin phép nghỉ được ở công ty. Cô ấy nhờ cháu mang cái này, à mang món quà này tới cho cô. Người đàn bà đan áo kéo cậu vào phòng khách, đặt cậu ngồi trên chiếc sô pha ấm áp, rót cho cậu một ly cà-phê và bảo, Vi có nói với tôi là nó sẽ cố gắng về. Bảy năm rồi nó không đón Tết ở nhà. Vậy mà...
    Những tháng đầu năm này công ty có nhiều việc lắm, người lạ đổi tư thế ngồi cho thoải mải hơn, chúng cháu không thể nghỉ được. Không thì bị mất việc thôi. Cậu quay mặt đi, đưa tay che miệng ngáp. Rồi cười ngượng nghịu, năm hôm nay cháu thức trắng đêm. Lại phải lái xe từ New York về đây nên mệt quá. Người đàn bà hỏi, thế cháu ở chơi với cô được lâu không? Cậu gãi đầu, tí nữa cháu có hẹn làm việc với khách hàng và lại che miệng ngáp. Người đàn bà đan áo đứng dậy bảo, thôi được rồi, để cô đi làm chút gì nóng cho cháu ăn đã. Chị quay trở lại bếp. Khi đến cửa, chị ngoái nhìn lại. Tường đã ngủ. Đầu ngoẹo sang một bên. Cái cà vạt lụa in hoa sặc sỡ buông thõng thượt trên ngực áo. Tim chị lại nhói đau. Chị bảo, sao mà có người giống người làm vậy.
    Trong bếp những người đàn bà vẫn đang chơi bài. Người đàn bà mặc áo cổ lọ hỏi, ai thế? Người đàn bà đan áo trả lời, bạn của con bé Vi. Vậy là cả cái Tết này nữa, nó cũng không về. Tội nghiệp thằng bé, đi cả một đoạn đường dài, chưa kịp ăn uống gì đã ngủ mất. Chà, con bé Vi dạo này thế nào rồi nhỉ? Người đàn bà có đôi mắt cắt mí nói, quay qua quay lại đã gần chục năm không gặp nó. Cô nàng chắc bây giờ khác lắm. Nó ngày càng xinh đẹp, người đàn bà đan áo bảo, và giờ thì quên tiếng Việt nhiều lắm rồi. Gọi điện về cho mẹ chỉ toàn nói tiếng Anh. Mình cũng dở, hồi đó cứ sợ nó không hòa nhập được với xã hội Mỹ nên không chú tâm vào việc cho nó học tiếng Việt. Chuyện bình thường thôi, người đàn bà đeo băng đô đỏ nói, lũ trẻ bây giờ là vậy. Mà nó phải là vậy. Sống ở Mỹ, làm việc với Mỹ, cái gì cũng dính Mỹ hết. Hỏi làm sao nó không quên dần tiếng Việt được. Thì biết là thế, người đàn bà đan áo miết những ngón tay thon dài lên cạnh bàn, nhưng vẫn cứ buồn. Tất cả những ngày lễ Tết dân tộc chúng nó chẳng còn quan tâm để ý nữa. Chúng nó cứ lấy công việc bận rộn ra mà bào chữa. Thật ra chỉ vì chúng mình già rồi chúng mình mới nghĩ thế, người đàn bà mặc áo cổ lọ nói, khi già người ta mới thấy cái gốc quan trọng thế nào. Người ta mới thấy cần quê hương đến mức nào. Bọn trẻ bây giờ, việc sống để tồn tại trên đất Mỹ này cũng đã đủ để choán hết thời gian và suy nghĩ của chúng rồi. Ôi, quan trọng là cái lòng mình thôi, chứ thái độ bên ngoài đâu có chắc là thật đâu, người đàn bà mặc áo lót đen lại đưa tay sửa lại sợi dây áo lót cứ chực trồi ra ngoài, hôm vừa rồi bà chị tao ở Việt Nam về mang theo mấy tờ báo trong đó viết về giới trẻ với việc bảo tồn bảo tàng văn hóa dân tộc. Cứ gì nước Mỹ mà ngay cả ở quê mình, không thiếu những đám thanh niên vọng ngoại. Chúng vẫn chơi suốt những ngày lễ, nhưng ý nghĩa của mấy ngày lễ đó thì chúng hoàn toàn mờ tịt. Thế thì có được gì đâu, chị lại khẳng định lại một lần nữa, cho nên tao nghĩ cái chính là ở lòng mình. Chị đứng dậy xoa tay vào bụng, vặn người. Những khớp xương kêu răng rắc. Mười giờ rồi, chuẩn bị là vừa thôi. Người đàn bà đeo băng đô đỏ cũng đứng dậy, mở tủ lạnh. Trong tủ lạnh, đồ ăn chất đầy ngất. Người đàn bà mặc áo lót đen tiếp tục, nếu tụi mình không gặp mặt ngày hôm nay, thì cũng chẳng có ngày Tết nào cả. Hai thằng con với ông xã đều phải đi làm, thậm chí đến khuya chúng nó mới về. Ăn vài thứ rồi lăn quay ra ngủ. Này cái con gà này định làm món gì? Xé phay nhé. Tao nhớ hồi ở nhà, Tết mình hay mua con gà trống bẻ chân bẻ cánh, gắn hoa huệ ở trên mỏ nó để cúng ông bà. Cái dáng của con gà sao đẹp quá thế. Rồi lúc cúng xong thì đem xuống chặt miếng chấm muối tiêu chanh ăn với lá chanh cắt sợi. Thịt nó ngọt và dai. Chứ không bở như gà Mỹ thế này. Ở ngoài phòng khách có tiếng động. Người đàn bà đan áo rời khỏi chỗ, có lẽ thằng bé đã dậy. Các cậu muốn làm món gì thì làm. Mọi thứ có sẵn hết rồi. Người đàn bà có đôi mắt cắt mí giở gương chải lại tóc, bảo, nhớ nói cậu ấy ở lại chơi nhé.
  8. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Tường đã dậy, loay hoay sửa lại chiếc cà vạt. Người đàn bà đan áo bước vào bảo, cháu thôi không ngủ nữa à? Tưởng trả lời, mắt sốt ruột nhìn vào đồng hồ. Cháu ngủ quên mất. Cháu phải đi bây giờ đây, không lại muộn hết việc. Thế cháu không ở chơi với các cô được sao? Đôi mắt chị thoáng vẻ thất vọng. Các dì ấy đang chuẩn bị một vài món đón năm mới. Năm mới? Tường trợn mắt. Chẳng phải năm mới đã qua hơn một tháng nay rồi? Chị đưa tay lên xoa mặt, mỗi khi xúc động chị lại có thói quen đưa tay lên xoa mặt, không, là năm mới theo Tết âm lịch kia. Bây giờ đang chuẩn bị là giao thừa bên nhà mình. Oh really? Tường đập tay vào trán, cháu tệ thật. Hóa ra hôm nay là năm mới của Việt Nam. Cháu tiếc quá. Nhưng cháu phải đi thôi. Cậu chỉ gói quà đặt trên bàn, là của Vivian gửi cho cô. Cháu cũng chẳng biết đấy là cái gì nữa. Nhưng cô ấy dặn phải cẩn thận ghê lắm. Thôi cháu đi cô nhé. Cháu rất vui khi được gặp cô. Cô đẹp hơn cháu tưởng nhiều. Tường bước tới, choàng tay ôm người đàn bà. Chị thấy xúc động.Vì sự có mặt của chàng trai trẻ này trong nhà vào một ngày cuối năm. Nó nhắc chị nhớ tới mối tình đầu và nhớ tới con bé Vi yêu thương. Nửa năm rồi chị không gặp Vi, chị hỏi, nó vẫn khỏe chứ cháu? Tường bảo, Vivian vẫn khỏe. Và nhắc đến cô luôn.
    Họ đi ra cửa. Đi ngang qua nhà bếp, chỗ những người đàn bà đang nhộn nhịp nấu ăn. Người đàn bà đan áo bảo, Tường bận việc phải đi. Tường cười, gật đầu chào từ biệt. Người đàn bà mặc áo lót đen bảo, nửa đùa nửa thật, không thể ở lại được à? Chúng tôi nấu để thết đãi cậu đây. Bây giờ cậu đi thì ai ăn hết chỗ thức ăn này chứ? Tường cười bối rối. Sao con trai mà hiền thế, người đàn bà có đôi mắt cắt mí cũng cười, hiền thế thì sao đủ tiêu chuẩn làm bodyguard cho cháu gái tôi được. Mọi người bật cười làm Tường đỏ mặt. Người đàn bà đan áo bảo, thôi đi các bà. Để cháu nó đi không muộn việc. Hai người ra đến cửa còn nghe tiếng cười và giọng nói cố đuổi theo họ, chưa gì mà đã bênh chằm chặp con rể tương lai rồi. Người đàn bà mở cửa, lại hỏi, cháu họ gì nhỉ. Tường trả lời, vẻ hơi ngạc nhiên, cháu họ Nguyễn. Nguyễn Xuân Tường cô ạ. Người đàn bà lầm bầm, thế mà nó chẳng nói gì trước với mình cả. Ôi, cái con bé Vi này.
    Cánh cửa gỗ khép lại. Tấm bảng mê ka khắc dòng chữ: Hãy đến và đi với nụ cười hạnh phúc mầu hồng rung lên nhè nhẹ rồi đứng yên trở lại. Người đàn bà đan áo quay trở lại ô cửa sổ, dõi mắt nhìn xuống đường. Tường đang đi xiên xẹo dưới sân vì tuyết rơi khá dầy. Một lúc thì khuất sau lưng tòa nhà. Từ đó một chiếc xe Civic màu đen, trần bám đầy tuyết lao vụt ra. Đôi mắt với những sợi lông mi dài của người đàn bà khép lại. Ngoài kia tuyết rơi đầy. Sao anh không đến bên em chiều nay. Ngoài kia tuyết rơi rơi. Trong buốt giá tim em lẻ loi... Giọng ca khàn của cô ca sĩ già văng vẳng trong lòng chị. Chị bảo, mọi người có thấy nó giống Hoàng không. Đấy là tại lòng mày thôi. Người đàn bà mặc áo lót đen nói, chứ nó có giống Hoàng chút nào đâu.
    Những người đàn bà bắt đầu dọn bàn ăn. Chỉ có năm người nhưng họ bày biện đủ các món. Tất cả đều là những món đông lạnh mua sẵn ngoài cửa tiệm Việt Nam. Về nhà, bỏ vào lò vi ba, năm phút sau là xong. Cũng khói bay nghi ngút. Nhưng hương vị nhạt hơn nhiều.
    Mọi người vào phòng thay đồ. Người đàn bà đan áo mặc áo dài nâu. Người đàn bà đeo băng đô đỏ mặc áo mầu thiên thanh hoa vàng. Người đàn bà mặc áo lót đen bận áo dài xám. Người đàn bà có đôi mắt cắt mí mặc áo gấm đỏ. Người đàn bà bận áo cổ lọ mặc áo nhung đen in mờ những chiếc lá hình trái tim. Trông họ nghiêm trang và trở về với đúng tuổi của mình. Người đàn bà đan áo bảo, kéo rèm lại nhé. Người đàn bà đeo băng đô đỏ mở tủ lấy sâm banh và người đàn bà mặc áo cổ lọ bày ly lên bàn. Đồng hồ chỉ mười một giờ kém năm.
    Căn phòng tối sầm lại, như trong đêm. Chỉ thấy lờ mờ những khuôn mặt trắng của những người đàn bà và bóng người đàn bà đan áo di chuyển đến gần chiếc tủ gỗ đặt điện thoại và một bình hoa cúc dại. Chị khom người đốt nến. ánh sáng tỏa ra mầu hồng nhạt, có mùi thơm của cỏ. Chị đi một vòng và đốt những cây đèn cầy còn lại. Những cây nến hình vuông, đủ mầu với những cánh hoa nhận chìm trong đó, làm chúng trở nên huyền ảo. Những giọt sáp chậm chạp chảy tràn xuống mặt bàn. Trên đường đi chúng đã kịp đông lại và xoắn xuýt với nhau thành những hình thù kỳ lạ. Mùi thức ăn loãng dần. Căn phòng tràn ngập mùi nến, ấm cúng và thơm tho. Đó là mùi hương quen thuộc của bất kỳ gia đình nào ở Mỹ. Nhưng giờ đây, trong không khí này, nó gợi nhớ đến một mùi hương xưa cũ với tuổi thanh xuân và những tà áo dài sột soạt trong ngày lễ hội. Tuổi thanh xuân của chúng ta... Ai đó cất tiếng khe khẽ. Người đàn bà mặc áo cổ lọ thở dài, nhưng thời đó đã qua rồi. Chúng ta đã già. Người đàn bà đan áo quay về lại chỗ cũ, bên cửa sổ kéo kín rèm. Chị ngồi thẳng lưng, hai tay chắp trên đầu gối. Con mèo con đã bỏ đi đâu mất. Cuộn len nằm lăn lóc trên sàn. Người đàn bà ngồi đầu hơi gục xuống, lưng tạo thành một đường cong duyên dáng. Người đàn bà có đôi mắt cắt mí nằm xoài ra bàn, ấp những ngón tay dài lên mặt. Người đàn bà mặc áo cổ lọ châm thuốc hút. Khói bay thành những vòng tròn nhỏ không hiểu sao lại thơm mùi bạc hà. Hai người đàn bà còn lại ngồi tựa lưng vào thành ghế, người như sắp trôi tuột xuống đất. Người đeo băng đô đỏ ư ư trong cổ họng một bài hát tiếng Anh. Lời bài hát thế này: Hãy nhắm mắt lại và đưa bàn tay của anh cho em. Anh có nghe thấy chăng trái tim em đang đập. Và anh có hiểu, anh có cảm thấy như em... Những người đàn bà khác hòa giọng theo. Người đàn bà mặc áo lót đen dùng chiếc muỗng bạc gõ vào thành ly kêu leng keng. Con chim gỗ nhỏ lại thò đầu mổ vào khúc cây treo trên tường mười một tiếng. Đến tiếng thứ chín thì người đàn bà mặc áo lót đen nổ sâm banh. Bọt rượu tràn ra ngoài, chảy xuống tay chị ướt đẫm.
    Mọi người chạm ly. Và gắp bánh chưng vào chén. Nhưng chẳng ai muốn đụng đũa. Người đàn bà mặc áo cổ lọ thì thầm, giờ này ở nhà mọi người đang đón giao thừa. Cũng uống sâm banh và bổ dưa hấu. Rồi đi hái lộc trong chùa. Mình ngồi đây nhớ mọi người ở nhà nhưng chắc mọi người chả ai nhớ đến mình. Người đàn bà đeo băng đô bảo, hai mươi lăm năm rồi. Năm nào cũng chỉ có duy nhất ngày này là thấy giống những ngày ở Việt Nam nhất.
    Người đàn bà đan áo đi vào phòng khách. Khi quay trở lại, trong tay chị ôm món quà của cô con gái. Chị đặt nó lên bàn, bảo, quà năm mới của con bé Vi đấy. Nó chắc chẳng nhớ đến giao thừa này đâu. Chị gỡ lớp giấy bọc xung quanh. Khi lớp giấy vừa được bóc ra, mọi người ồ lên. Đó là một gốc mai nhỏ trồng trong chậu đất bằng sứ. Trên cành chỉ có duy nhất một chiếc nụ đang èo uột nở và một bông mai đã rụng hết ba cánh. Bị động, chiếc cánh thứ tư rơi xuống, chạm khẽ khàng vào mặt bàn. Trong ánh nến, nó càng trở nên mỏng mảnh và ánh lên như một vảy vàng.
    Người đàn bà đan áo mỉm miệng cười. Khi đưa tay lên xoa mặt, chị mới nhận ra nước mắt chị đã chảy dàn dụa trên má từ lúc nào
  9. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Những Đêm Dài Qua Mau
    Tác giả: Nguyễn Thị Châu Giang
    Không thể ngờ là gặp được Lee ở đây. Khách sạn Phu Com có những chóp nhọn như những mái chùa giăng đầy biểu ngữ, cờ quạt. Len trong những đám người đang đứng chật trong hành lang chờ mưa ngớt để đổ về con đường chính trước mặt, Lee đứng hơi gục đầu xuống đất. Nếu không để ý rất có thể Chân đã bỏ qua. (Trời ơi, Chân không thể bỏ qua cái thói cứ nhìn chòng chọc vào mặt người khác, khen người ấy xấu, đẹp và bắt đầu phân tích tâm lý tình cảm của người ấy dựa trên nét mặt). Ngay lúc Chân định kêu tên Lee hoặc là rẽ đám đông chạy đến chỗ Lee thì Ðăng đã kéo tay Chân giới thiệu với một cặp vợ chồng người Ðức mắt xanh, tóc đen. Họ nói tiếng Anh bằng thứ âm khục khặc của tiếng Ðức nên Chân phải tập trung nhìn vào mắt họ, miệng họ để đoán ý họ muốn nói. Ðến khi Chân quay lại thì Lee đã biến mất. Chắc chắn Lee không nhìn thấy Chân vì như mọi khi, Lee chẳng bao giờ để ý đến người khác. Lúc nào cũng chỉ như nghĩ và sống với với một thế giới riêng trong đầu Lee. Nếu ai không hiểu, sẽ bảo Lee là người hời hợt.
    Mưa đã tạnh, những đám mây hồng và xanh bắt đầu chạy xô về hướng thành phố, để lại phía Tây những khoảng trống sáng trắng như dát bạc. Mọi người đổ túa ra đường, leo lên xe hơi hoặc những chiếc túc - túc màu đỏ ướt sũng nước. Vẫn không tìm thấy Lee đâu cả.
    Chân cuốc bộ ra cái chợ nhỏ gần khách sạn chừng ba bốn năm trăm mét. Mùi thức ăn đầy dầu mỡ và ớt cay làm dạ dày Chân nao nao khó chịu. Ở GÓC CHỢ CÓ NGƯỜI đàn bà đứng tuổi đang so ghi ta chuẩn bị hát. Da bà bóng đỏ, không trang điểm ngoài việc vẽ thật đậm đôi lông mày và sơn đỏ chót những móng tay, giống hệt như một người da đỏ. Khi vòng người quanh bà đã kín, bà ta bắt đầu hát, giọng khàn khàn. Cứ đến mỗi cuối câu thì ngẹn tắt lại.
    Ngay cả chỗ này, Chân đi tìm mấy vòng cũng không thấy Lee.
    Lee giống Chân, thích đi dạo trong chợ. Không phải đi mua sắm, khảo giá mà đi tìm hiểu đời sống của dân bản địa. Không gì hơn là ra chợ, Lee thường BẢO. Ở ĐÓ có đủ hạng người sang hèn. Ðủ cuộc đời, đủ vốn sống. Ðụng đến tiền bạc, quyền lợi người ta mới thể hiện rõ bản chất của người ta nhất.
    Dạo đấy cả một tuần ròng rã, Chân bám theo Lee đi ra chợ đêm. Ði nhiều đến nỗi tất cả mọi người trong đoàn nghĩ rằng giữa Lê và Chân có cái gì đó với nhau. Cái gì đó khiến ông trưởng đoàn gọi Lee ra một góc làm việc riêng. Có lẽ ông không tin vào những cơ sở lập luận của mình nhiều lắm nên giọng nói hơi run run và luôn lau đôi tay ướt nhớp mồ hôi. Chân không gật, không lắc, không hứa hẹn gì. Nhưng hai hôm cuối cùng, Chân tránh mặt Lee.
    Tất nhiên Lee chẳng hiểu lý do tại sao. Nhưng Lee không hỏi han gì. Chân tự an ủi có lẽ tại tính Lee ít nói nên chẳng hỏi. Lee cứ lờ đờ xem như hai người chỉ có mối quan hệ nhạt nhẽo. Chẳng may nhìn thấy nhau thì "Hi" một tiếng rồi có vẻ vội vã mạnh ai nấy đi. Chân thấy hơi tự ái, giá Lee hỏi vài câu, vẻ quan tâm thì chắc Chân đã thay đổi suy nghĩ của mình. Thành ra hai người không đi chơi với nhau, không nói với nhau tiếng nào đến tận khi hội thảo kết thúc. Lee bay về nước sớm hơn Chân một ngày, vào sáng sớm, khi Chân đang vùi đầu ngủ. Từ đó mất liên lạc với nhau.
    Một bàn tay đặt lên vai Chân nằng nặng. Chân vụt nghĩ bây giờ quay lại mà là Lee thì sao nhỉ. Mình sẽ đứng đực mặt ra hay là nói câu đầu tiên, bắt đầu bằng hai từ xin lỗi. Nhưng hóa ra là Ðăng, áo phun, quần soóc như dân du lịch, nheo mắt cười với Chân, làm gì mà ngơ ngẩn thế. Rồi xoa xoa cái bụng đã bắt đầu xệ xuống dù tuổi còn rất trẻ, anh xuýt xoa, đói quá. Cô đi ăn cái gì không. Anh biết một chỗ này rất hay, rất rẻ.
    Hai ngườì bắt túc - túc đỏ ra chợ đêm. Ðăng hướng dẫn, ăn gần khách sạn mắc lại không ngon Chỗ này, mình ăn xong, anh với cô đi dạo chợ đêm luôn. Tối ở Chiềng Mai chẳng có gì ngoài việc đi chợ đêm. Chân hỏi, anh đến Chiềng Mai nhiều lần rồi à? Không lần này là một. Nhưng chợ đêm là chỗ mình tìm hiểu cuộc sống dân bản địa rõ nhất. Ðủ hạng ngời, đủ cuộc đời được phô diễn ở đó. Chân nhìn lom lom vào mặt Ðăng, không tin tai mình. Ðây cũng là lần đầu tiên Chân gặp Ðăng, như gặp Lee hồi đó. Mà sao lại có sự trùng hợp thế này.
    Hai người kêu món tôm - ỵăm cung và cơm gà chiên. Một tô nước nhỏ, tôm mực tung tăng bơi lội trong đám váng ớt đỏ quạch, ăn một người thì dư nhưng hai người lại thiếu. Vị lại ngọt như chè. Ðăng gãi gãi mái tóc bờm xờm như rơm, càu nhàu, thật đúng là đồ quảng cáo, làm mình mất mặt quá. Chân nhìn cách Ðăng loay hoay như thế, thấy nhớ Lee quá. Mới đó đã hơn một năm. Nếu hồi đó mình đừng vì nhát, đừng vì sợ dư luận, đừng vì tự ái, quan hệ giữa hai tụi mình đã khác. Lee đã không ra đi lặng lẽ và Chân không bị áy náy thế này. Lee chưa bao giờ biết Chân hay nhớ Lee lắm. Vừa ăn, Chân vừa hỏi Ðăng, có bao giờ anh thấy tiếc những việc phải làm nhưng lại không làm trong tình cảm không? Chuyện thường, Ðăng trả lời ngắn gọn. Ðâu phải lúc nào mình cũng làm được điều mình muốn đâu.
    Biết thế mà em cứ day dứt mãi. Chân đập ống hút vào thành ly rồi bỏ ra ngoài. Cô rất ghét uống nước bằng ống hút. Khi đó họ đang ngồi ở quán giải khát, dưới những cây dù Coca Cola màu đỏ, trên khoảng sân xi măng vuông vức. Nhạc và tiếng người lao xao. Ðăng nhìn Chân chăm chăm, ngón tay dài vuốt trên miệng ly, không nói gì nhưng có ý chờ đợi.
    Tối đó, trước hôm gặp ông trưởng đoàn một ngày, Lee và Chân cũng ngồi uống nước như Ðăng và Chân bây giờ, sau khi dạo chơi hai vòng rã cả chân. Lee mua được cái cái dây chuyền hình măng ga bằng bạc, chạm trổ như một con ếch bám trái dưa leo. Lee thích lắm mân mê nó suốt trên tay. Chân lúc đầu còn đỏ mặt, bảo, ơ sao không cất đi. Người ta nhìn thấy, người ta cười cho. Lee cười, ai để ý. Mà nó cũng chỉ là đồ trang sức. Rất tinh xảo và rất đẹp. Chân phải công nhận là nó đẹp. Cũng như công nhận luôn rằng, NGƯỜI CHÂU Á sống e dè, kín đáo. Nhiều khi cách cư xử bên ngoài không đúng với suy nghĩ trong đầu họ.
    Nhưng mà cũng có hai trường hợp. Một vì bản tính. Hai vì sợ. Cái sợ sau mới nguy hiểm. Nó làm người hèn đi. Chân phân tích, đưa ra nhiều dẫn chứng nhưng không biết chính mình cũng là một thứ dẫn chứng rất xác thực cho điều đó, sau hai ngày nữa. Trong khi Chân nói, Lee uống luôn phần nước trong ly của Chân. Hàng ria mép lún phún màu nâu nhạt lấm tấm những giọt nước mát lạnh. Ðôi mắt nâu mở to nhìn như xuyên qua Chân, với một nụ cười mỉm lặng lẽ.
    Bạn em là người Malaysia, gốc Tàu. Chân nheo nheo mắt, nhớ lại như in gương mặt của Lee, nhưng trông cậu ta rất giống người Việt. Cậu ta sống ở Pháp mười năm, Mỹ gần ba năm và một thời gian nhắn ở Tây Ban Nha nên cách nghĩ KHÁC DÂN CHÂU Á mình nhiều. Mạnh mẽ. Muốn gì là nói thẳng ra và thực hiện cho bằng được. Hậu quả của nó tính sau, nhưng không bao giờ để phải hối hận vì tiếc những gì mình đã không làm. Em thì khác. Ngay cả việc nói thẳng ra một điều gì đó em cũng thấy khó khăn. Vậy mà một thời gian ngắn, hai đứa đã chơi hợp với nhau lắm.
    Hai người kêu thêm hai ly nước cam. Lee hút roẹt một cái, tự nhiên hỏi, mấy người bạn của Chân đùa gì tôi đó. Hồi nào, Chân giật mình hỏi. Hôm đầu tiên, Lee nói bằng tiếng Việt. Chân bối rối, tìm cách đánh trống lảng.Nhưng Lee nhất định không đổi đề tài làm mặt Chân cứ đỏ lên thành từng mảng. Chân bảo, được rồi tôi sẽ kể anh nghe nhưng bằng tiếng Việt. Anh không nghe được thì thôi.
    Vậy mà bạn em cũng hiểu được hết. Là hôm đó, em với vài người trong đoàn ra ngồi bar. Bạn em cũng đến, vô tình gặp thôi, vừa nói, vừa than đói bụng rủ mọi người đi kiếm gì ăn. Nhưng tất cả mọi người, kể cả em, đều muốn về khách sạn. Chẳng hiểu loay hoay thế nào bạn em cũng ngồi lên túc - túc, ngồi cạnh em, về khách sạn. Một chị đùa, coi kìa, hắn chắc là mết em. Bảo đi ăn cuối cùng lại leo lên xe. Em đùa lại, hắn chỉ muốn đi cùng để chia bớt tiền xe thôi. Khôn lắm chứ tưởng à. Thay vì phải trả gần trăm bạt, giờ chỉ còn chưa đến mười bạt, chẳng hơn sao. Xuống xe, anh chàng đòi trả hết tiền xe rồi rủ mọi người qua quán bên kia đường, đối diện khách sạn, uống bia. Trong khi em đang tán phét với anh bạn cùng đoàn thì nghe một anh khác kêu lên, ơ thằng cha này biết nói tiếng Việt chúng mày ạ. Hóa ra bạn em sinh ra ở Việt Nam. Năm mười hai tuổi mới sang Malaysia. Trời ơi, anh không tưởng được em lúc đó thế nào đâu. Như người chết đứng, cứ băn khoăn chẳng biết anh chàng có nghe em nói gì lúc ở trên xe không. Nếu có chẳng biết sẽ nghĩ em là người thế nào. Có thể vì lịch sự cậu ta lờ di, nhưng trong bụng thì căm em lắm. Và nghĩ là cái con bé này thật là tính toán và hời hợt. Cậu có làm sao mà biết em chỉ nói đùa thôi.
    Thật tình là tôi không nghe được gì hết mà, Lee vỗ vỗ vai Chân. Tiếng Việt tôi dở lắm. Ðột nhiên Lee ngẩng đầu lên, chuyển sang tiếng Anh, thế ra họ bảo tôi yêu Chân à? Chân lầm bầm, họ đùa thôi. Anh để ý làm gì. Lee ngước nhìn Chân, ánh đèn làm mắt Lee long lanh, thế Chân nghĩ sao? Có nghĩ là tôi yêu Chân không? Chân cười phá lê. tại sao Chân không nghĩ thế, Lê HỎI, TẠI NHANH QUÁ À? Ừ, có lẽ chưa phải là tình yêu, nhưng Chân quyến rũ lắm. Tôi nhìn Chân, tự nhiên mà muốn được ôm Chân, vuốt tóc và nắm tay Chân. Lee chồm qua, nắm lấy tay Chân, mân mê nhè nhẹ. Chỉ thế này thôi. Không được hả Chân.
    Chân muốn nhưng không thể bắt mình rút tay lại được. Chân như bị hút vào Lee, vào cái giọng đều đều ấm áp của Lee. Cái chuyện đó không phải là chuyện ********. Mà hoàn toàn từ tình cảm. Tôi chỉ muốn làm thế, làm như thế, với những người tôi yêu thương. Ngoài ra, không có gì hết. Chân nghĩ sao.
    Tôi có những quy tắc riêng của mình trong chuyện tình cảm, Chân trả lời, cố gắng làm vẻ bình thản. Luôn luôn có những giới hạn trong những quyết định của tôi.
    Hai người về phòng, Lee bảo, tôi vào thăm phòng Chân nhé. Chân gật đầu, bước đi líu ríu. Trong phòng sáng mờ mờ nhờ ánh trăng rọi qua cửa sổ. Chân định bật đèn nhưng Lee ngăn lại. Họ ngồi im lặng bên nhau. Ngồi đến khi chuông đồng hồ điện tử của Lee tít tít hai tiếng. Bỗng nhiên Chân thấy mình đã ngã vào lòng Lee. Những nút áo bung ra. Bàn tay của Lee trượt dài một cách êm ái và dịu dàng trên ngực Chân. Cô nhắm mắt, đáp lại đôi môi nồng nhiệt của Lee một cái hôn dài.
    Tụi em chỉ thế thôi, chẳng có gì cả. Em lúc nào cũng có giới hạn của mình. Trong tất cả mọi chuyện. Nhiều lúc cũng thấy chán lắm, mệt mỏi lắm. Muốn bứt phá cho rồi. Nhưng cuối cùng vẫn không đủ sức. Em yếu đuối quá phải không. Không, Ðăng bảo, không phải thế. Em thế là đúng. Sống phải có giới hạn, không thì thiên hạ đại loạn mất.
    Nhưng đôi khi thành ra hèn, ông trưởng đoàn chỉ mới nhắc nhở thôi, em đã sợ. Hay là em sợ giữa bạn em và em sẽ có chuyện gì. Thế nên em đã cư xử như thế. Nếu anh là bạn em, anh sẽ nghĩ về em thế nào. Tồi tệ chứ? Không có gì đâu, em đừng tự dằn vặt mình. Ðừng tự làm mọi chuyện rắc rối. Ðăng bảo, trong khi em dằn vặt như thế có khi cậu ta đã quen sạch mọi chuyện rồi.
    Nhưng sao hôm nay em lại nói chuyện đó với anh.
    Là vì em vừa nhìn thấy bạn em hồi chiều, ở khách sạn Phu Com. Và vì em thấy thật tin cậy anh mà không hiểu vì sao. Em nghĩ, chia sẻ được điều này với ai đó, hẳn sẽ nhẹ nhõm hơn.
    Nghỉ giải lao, Chân kiếm một cái ghế dài ngồi nghỉ. Ðăng đang đứng nói CHUYỆN VỚI MỘT ĐÁM NGƯỜI CẢ Á lẫn Âu, bước vội lại chỗ Chân, hỏi tối qua ngủ ngon không. Sao thấy mặt em xanh quá. Em ngủ được, nếu không kìm được Chân suýt nữa đã há miệng ngáp. Nhưng ngủ dậy nhức đầu quá. Chắc tại tối qua uống bia, thời tiết sáng nay lại độc. Ðăng nháy mắt cười, gì thì gì cũng phải vui lên tí. Anh thấy có một cậu, đằng kia kìa. Ðăng khẽ ra dấu, đấy cậu ta cứ quay lại nhìn em miết. Chân nhìn lại hướng Ðăng chỉ. Tim Chân thót lại một giây. Lee đứng tựa cây cột xi măng, cười và nói chuyện với một cô gái châu á có mái tóc dài nhuộm đỏ trước mái. Thỉnh thoảng cô gái lại phá ra cười. Cười đến nỗi phải gục hẳn đầu vào vai Lee. Vừa lúc ấy, Lee quay lại. Lee nhìn sững vào mặt Chân. Ðôi lông mày thanh tú hơi cau lại, đôi mắt nâu mở to nửa như ngạc nhiên nửa như nghi ngờ. Chân cố bình tĩnh để cười và gật đầu chào Lee. Lee nói gì đó với cô gái rồi tiến về phía Chân. Chân nghĩ là chúng mình sẽ ôm nhau đây. Sẽ lắc qua lắc lại trong khi Chân nói, xin lỗi. Còn Lee sẽ chỉ nói, tôi nhớ Chân quá. Tại sao một năm qua chúng ta không liên lạc gì với nhau nhỉ. Chà... chà... Tôi nhớ Chân quá. Người Chân căng ra chờ đợi. Lee đến trước mặt Chân, ngờ ngợ, tôi thấy bạn quen quen. Chúng ta đã gặp nhau ở đâu rồi... Chân thấy mắt mình hơi tối lại, không phải vì xúc động mà vì nỗi thất vọng vừa đổ ụp xuống đầu. Không nhận ra à. Là Chân đây. Chân ư, Lee nhăn trán rồi kêu lên, ừ phải. Tôi nhớ ra rồi. Quả là trái đất tròn. Rồi như những người dưng gặp lại, Lee hỏi, How are you? Fine. Chân nói vậy, rồi đứng im, cắm mặt xuống đất. Cô gái tóc đỏ gọi Lee. Lee vội viết vài dòng vào tờ danh thiếp , chìa cho Chân, số phòng của tôi đây. Chân cũng ở Phu Com nhỉ? Lúc nào rảnh, gọi điện cho tôi. Tụi mình đi uống chút gì. Còn bây giờ, tôi lại bận mất rồi. Trước khi quay đi, Lee bảo đúng là Chân rồi. Tôi cứ ngờ ngợ mãi. Thế nhé, nhớ gọi cho tôi nhé. Rất vui được gặp lại Chân.
    Chân thấy hơi chóng mặt nên ngồi thụp xuống ghế. Ðăng lo lắng hỏi, em không sao chứ. Anh ta là người quen của em à?
    Là người quen. Chân cười gượng gạo. Anh nói đúng. Trong khi em cứ lo lắng dằn vặt những chuyện không đâu thì anh ta đã quên sạch mọi chuyện rồi.
    Chân lại cười. Nghe bàn tay lạnh ngắt đang cầm tấm danh thiếp của mình nóng dần lên.
  10. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Quà Mùa Đông
    Tác giả: Nguyễn Thị Châu Giang
    Khu nhà ấy có thể xếp vào hàng di tích lịch sử ở Hà nội, vì nó cổ và khá đẹp. Ði qua cánh đồng màu đỏ sét, châu chung quanh mảnh sân lổn nhổn xi măng vỡ với những chậu cây kiểng lăn lóc là ba dãy nhà xây theo kiểu Pháp, có một giếng nước và vài sợi dây phơi quần áo dùng chung cho mọi nhà. Liến dẫn tôi đi một vòng, hai tay đút túi quần rất có vẻ con nhà , liếng thoắng giảng giải :" Ở đây có năm căn hộ , ban ngày người lớn đi làm , trẻ con đi học. Ông chủ cho tao thuê nhà mỗi sáng ba, bảy lại mở lớp học thêm tiếng Pháp. Tao sống cũng khá." Tôi cười "Với học bổng lọai A ấy à?". "Không. Chạy vòng ngòai là chính, vẽ pano quảng cáo, áo dài, cà vạt- Liến toe tóet- Ðủ mọi dịch vụ". Tôi sẽ so vai vì lạnh "Trong đó tụi này cũng thế. Rồi tự an ủi với nhau, lấy nghề nuôi nghề là hạnh phúc".
    Liến mở cửa, nghiêng người lịch sự "Mời vào". Tôi nhìn quanh quất. Căn nhà nhỏ rải đầy sơn dầu và đất sét. Những bức tranh vẽ dở dang treo đầy trên tường, có cái bị khuất sau những bức tượng méo mó tạc theo trường phái ấn tượng. Liến nhìn tôi dò dẫm: "Tao đang thử nghiệm. Không chắc là có được gì không. Nhưng vẫn làm. Theo lối mòn, mình cũng mòn đi mất". Tôi loay hoay bỏ đồ đạc dưới kệ sách dùng đặt các loại chai lọ lỉnh kỉnh, thông báo: "Tao phải quấy rầy mày vài tháng, Liến ạ". Liến nhăn nhở cười: "Thoải mái. Có dịp tao còn vào trong ấy, mày khỏi phải áy náy". Tôi ngẩn người. Cho thì khó chứ trả thật dễ dàng. Vậy mà tôi cứ băn khoăn mãi suốt từ lúc lên tàu ra đây.
    Tôi với tay nở cửa sổ. Trời xám mọng nước. Mưa vẫn phủ bụi không ngừng. Những cành bàng còng queo đâm ngang dọc sau những mái ngói đen kịt, tỏa một thứ hơi lạnh vào không khí, khiến tôi rùng mình. Liến chỉ căn nhà quét vôi xám, phía đằng trước trồng một dãy hoa hồng đang hé nụ, mặt tự nhiên đỏ lên. Tôi hỏi "Sao?". Liến rụt tay về, giọng ngượng nghiụ, khác hẳn thằng Liến là bạn của tôi "Con gái ông chủ ra kìa". Tôi dáo dác nhìn, chỉ nghe tiếng mở khóa xe đạp lách cách. Lát sau, cô gái dắt xe ra. Một cô gái xinh, theo kiểu Hà Nội. Da trắng, môi tươi, tóc tém cao lém lỉnh. Cô mặc chiếc áo len cổ lọ lụ xụ, màu sắc chạy đến hoa cả mắt. Lúc đi ngang qua chổ tôi và Liến, cô bình thản liếc mắt nhìn, trán hơi nhăn lại và cũng bình thản đạp xe chạy thẳng. Liến ngơ ngẩn "Dân nhạc viện kiêu lắm". "Tao thích con gái để tóc dài, dịu dàng hơn. Tôi thẩn mặt. Nhàn ngày xưa của tôi tóc cũng để dài. Mỗi lần chạy vòng quanh thành phố, ghé vào quán nước, tôi lại ngồi tỷ mẩn gỡ những chổ tóc rối cho Nhàn. Nhàn đến chỗ hẹn muộn, tóc uốn cao, rất tây. "Bọn con gái bây giờ tóc đều thế. Ai cũng thích thế. Anh thấy được không?" Tôi nhăn nhó "Sang lắm!". Nhưng thế là tôi không gần gũi được Nhàn. Tôi đã đánh mất Nhàn.
    Liến hỏi "Sao thế?". "Nhàn". Tôi trả lời cộc lốc. Liến cười hềnh hệch "Như nó nhớ làm gì. Mày đẹp trai, nhà giàu, học giỏi, nhớ làm gì". Tôi lắc đầu, nằm vật ra giường. Càng lúc càng quay quắt nhớ Nhàn. Lớp học thêm ướt sũng nước mưa, những ngọn đèn cao áp sau tàn cây dầu và những nụ hôn nóng bỏng trong quán cà phê. Tôi dằn vặt "Mày là thằng yếu đuối", lại thấy ngực nhói len một cái. Liến thương hại "Hy vọng Hà nội sẽ làm mày quên đi tất cả".

Chia sẻ trang này