1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những ngày hạnh phúc, NGUYỄN THỊ CHÂU GIANG

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi julie06, 29/01/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Sư Phụ
    Tác giả: Nguyễn Thị Châu Giang
    Sư phụ của tôi là một anh chàng học giỏi, đẹp trai, con nhà giàu. Dĩ nhiên là sư phụ có đầy đủ những phẩm chất của một mẫu người lý tưởng. Ði chơi với sư phụ, tôi phải nín bụng cười vì những ánh mắt liếc vội vã của các cô gái phóng sang sư phụ, mà mặt sư phụ lại tỉnh queo. Tôi khoái nhất mỗi lần sư phụ dẫn tôi đi ăn chè. Quán chè ở ngõ ngách hẻm hóc nào tôi cũng lần mò tới. Con gái mà! Ðến nỗi sư phụ phải lắc đầu thán phục và... đau khổ.
    Hồi mới dọn về đây, tôi còn là con nhóc học lớp sáu. Tôi leo cây nhanh như khỉ. Mỗi lần bị mẹ đánh, tôi lại trốn tót lên cây, chừng mẹ nguôi giận mới lò dò xuống. Vườn nhà tôi cách vườn nhà bên một hàng giậu mỏng teo, muốn leo sang rất dễ. Mà tôi lại là đứa chúa nghịch ngợm, tò mò và tọc mạch, rất khoái ăn trộm và khoái nhâm nhi những quả mận chan chát. Như để trêu người, cây mận nhà bên um tùm, hoa rụng trắng gốc, trái rớt xuống không ai thèm lượm. Trưa nào tôi cũng trốn mẹ vạch rào chui vào vườn nhà người ta bứt trộm rồi lẻn vô lùm cây hưởng thụ. Một lần, vừa ních đầy hai túi, bàn tay của ai vỗ vai tôi cái độp và giọng ồm ồm vang lên:
    - Ha... bắt được ăn trộm rồi nha!
    Tôi giật mình đánh thót, lé mắt ra sau. Người vừa nắm tay tôi là ông con trai áo quần xốc xếch, tay huơ cuốn tập trắng bóc, mặc cười cười. Trông mặt anh ta thật dễ mến và quen thuộc. Tôi vội nở nụ cười nịnh nọt và reo to như bắt gặp đồng minh:
    - Hì... hì... sư phụ! Sư phụ cũng tới đây hả ?
    Ông con trai đang lom khom nhìn tôi bỗng phá ra cười tưởng như muốn lăn xuống đất. Thấy điệu anh ta cười, tôi chun mũi ngạc nhiên:
    - Chèn đét ơi, ngó bộ sư phụ quen thiệt à nghen!
    Anh ta cũng chun mũi, miệng rộng ngoác đến tận mang tai:
    - Chèn đét ơi, thiệt "dzậy" hả muội? Ngộ quá hen!
    - Có gì mà ngộ. Muội nhận ra sư phụ rồi nghen. Sư phụ ở đây phải không?
    Tôi vừa tính kiếm thêm một câu chọc quê anh ta, thì nghe tiếng mẹ gọi như quát bên nhà:
    - Con Xíu đâu, về ngay!
    Tôi nhăn mặt đau khổ:
    - Sư phụ thấy hông, muội bi lớn mà mẹ cứ kêu là Xíu miết! Thôi, bai nghe sư phụ!
    Trưa hôm sau, tôi lại lén mẹ chui qua hàng rào. Tiếng đàn ở trong vườn hàng xóm vang lên quen thuộc, khiến tôi nao nao cả người. Bài hát kể về một vầng mặt trời bé con yêu thương, về những ước mơ mênh mông của tuổi thơ mà anh tôi đã hát cho tôi nghe bao lần. Bây giờ anh ở xa lắm, chẳng bao giờ, chẳng bao giờ tôi còn gặp lại anh nữa. Tôi bước lại gần phía tiếng đàn, thốt lên:
    - Sư phụ!
    Sư phụ ngồi dựa lưng vào gốc ổi, tóc tai bù xù, tay dạo cung đàn như dân bụi đời chính cống. Vừa nhìn thấy tôi, anh cười híp mắt:
    - Ủa tiểu muội, qua hái trộm mận nữa hả ?
    Tôi không thèm đính chính, ngồi phệt xuống trước mặt anh:
    - Sư phụ hát lại bài lúc nãy đi.
    Nhìn sư phụ hát, tôi nhớ anh tôi quá! Hình dáng anh tôi rõ đến nổi tôi cố nín khóc mà nước mắt vẫn chảy ra giàn giụa. Sư phụ ngừng đàn nhìn tôi ngạc nhiên:
    - Sao vậy cô bé?
    Tôi vẫn mếu máo, nói tiếng được tiếng mất:
    - Anh giống, giống... giống anh Hai... Hai của em ghê! Anh làm... làm anh của em nghen!
    Sư phụ đưa tay lau nước mắt cho tôi rồi gật đầu nghiêm trang:
    - Ủa! Mà muội không có nhè nữa nghe!
    - Thiệt hen! Sư phụ nói thiệt hen!
    Tôi khoái quá, cười tít cả mắt. "Vừa khóc vừa cười ăn mười bát cháo" dù có bắt tôi ăn hai mươi bát cháo tôi cũng chịu liền.
    Từ trước tới nay ai cũng bảo tôi là đứa trẻ thông minh. Nhưng cái sự nghiệp học hành tôi cho ra rìa chỉ quan tâm đến những trò chơi tinh quái như con trai của mình. Bởi vậy từ khi có sư phụ, tôi khổ hết sức. Tới giờ học ở nhà, sư phụ nghiêm như cảnh sát. Sư phụ bắt tôi làm đủ thứ bài tập mà tôi lại cứ nhấp nhổm muốn nhóng ra ngoài vườn. Bài nào sư phụ đưa ra tôi cũng ngấc ngứ. Mấy bận sư phụ phải vò đầu bứt tai, đập bàn, đập ghế ầm ĩ, còn tôi lại nhe răng cười rất hiền lành. Từ hồi lên cấp ba, tôi có siêng học hơn, nhưng lại mắc phải một căn bệnh vớ vẩn là đôi lúc lại muốn làm thơ. Có lẽ lời trù ẻo của sư phụ hồi tôi mới đóng bộ áo dài đã ứng nghiệm: "Hê, hê, từ nay muội hết quậy rồi nghen" nghe mà phát tức.
    Tôi chăm chú nhìn sư phụ mà lời giảng bài của sư phụ cứ bay tọt ra ngoài tai. Ðợi lúc sư phụ nghỉ ngơi, tôi xen vô một câu lảng xẹt:
    - Sư phụ đẹp trai ghê!
    Sư phụ phát cáu, cốc một cái lên đầu tôi đau điếng:
    - Ðồ quỉ!
    Tức thì miệng tôi giống như loa chói lói:
    - Sư phụ đánh muội hả ? Mai mốt muội méc chị cho coi.
    - Méc, méc, muội méc cái gì? - Sư phụ hùng hổ.
    Mỗi lần nhắc đến "sư tỷ" là mặt sư phụ đỏ gay như gà chọi. Chả là hồi trước, tụi tôi giao ước với nhau: chừng nào sư phụ có bồ phải dẫn tới cho tôi xem mặt và với tôi, dĩ nhiên cũng vậy. Trái tim sư phụ đã mở toang cửa mà chắc ai thèm bước vô, còn trái tim tôi vẫn đóng kín mít. Ngây thơ mà!
    Ngó mặt sư phụ tội nghiệp quá, tôi bèn phán một câu hết sức chân lý:
    - Sư phụ mua chè cho muội ăn đi.
    Và kèm theo nụ cười tươi hơn hoa buổi sớm, khiến lòng sư phụ phải xuôi theo chiều gió.
    Năm tôi lên lớp mười hai, sư phụ cũng vừa rời đại học. Sư phụ phải theo đoàn địa chất đi thực tập tận miền núi. Trước khi lên đường, sư phụ chở tôi đi chơi vòng vòng, ghé vào mấy quán chè. Bữa đó, tôi không thể nào nuốt chè vô được, cổ họng cứ nghẹn nghẹn. Buổi chiều sư phụ dắt tôi ra ngoài gốc mận rồi hát cho tôi nghe bài hát quen thuộc. Bài hát về vầng mặt trời bé con yêu thương, về những ước mơ mêng mông của tuổi thơ. Mắt tôi rơm rớm lệ, không biết vì sắp phải xa sư phụ hay vì tiếng hát xa tôi gợi nhớ lại trong tôi những ngày ấu thơ nghịch ngợm đang sắp trôi về phía chân trời.
    Buổi sáng tôi đưa sư phụ đến chỗ tập trung. Dọc đường sư phụ chọc tôi miết, kêu con gái lớn mà hay khóc nhè. Nhưng nhìn mắt sư phụ tôi cũng biết sư phụ buồn xo.
    Sư phụ đưa tôi gói quà, buông thõng một câu "Ðừng quên nhé!" Rồi leo tót lên xe. Ánh mắt sư phụ nhìn tôi lạ quá. Tôi qua mặt đi.
    Tôi mở gói quà của sư phụ. Ðó là một cành cây khô khẳng khiu với những cái nụ cứng ngắc như những chiếc khuy.
    Tôi đặt cành khô lên bàn học rồi bỏ quên nó ở đó. Ðêm hôm sau, có một mùi hương rất lạ bay vào mênh mông, tràn ngập đến nổi làm tôi tỉnh giấc. Tôi bước lại gần bàn, mùi hương như ướp thơm cả da thịt. Từ cành cây khô khẳng khiu, những chiếc khuy bỗng nở bừng thành những bông hoa nhỏ bé, cánh trắng muốt tỏa hương khắp không gian. Tôi ấp cành hoa vào ngực rồi nhìn lên trời. Những ngôi sao xanh sáng lấp lánh như đôi mắt của sư phụ đang nhìn tôi mỉm cười tinh nghịch. "Ðàn anh hát câu gì mà sao cô bé cười ngộ ghê!".
  2. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Trăng Muộn
    Tác giả: Nguyễn Thị Châu Giang
    Bà tôi sinh tám người con, chết sáu còn hai. "Năm dì Duyên được mười chín tuổi, tôi đầy mười sáu thì bà mất. Bữa ấy trời mưa to, ảm đạm. Cây cối trong vườn xơ xác, lá rụng bời bời vào sân. Bác Nhiên bấm đốt ngón tay, lẩm nhẩm rồi kết luận "bà cụ chết giờ không tốt. Nhưng thiêng lắm. Cô đem miếng xô trắng, treo cao trên bàn thờ thì mọi chuyện sẽ qua".
    Cũng năm ấy, cha bỏ mẹ. Với một vài lý do nhập nhằng không giải thích được, Mẹ sống vật vờ, lãnh đạm. Một ngày ngủ dậy, tôi đã thấy trên bàn thờ treo một tấm vai xô trắng toát.
    Nhà từ đó u ám khói nhang. Những tờ giấy bìa xanh đỏ dán đầy trên tường như hiệu ăn của dân Ba Tàu. Không khí lúc nào cũng lẳng lặng. Ba người đàn bà như ba cái bóng. Sống và chạy vòng quanh trong những thế giới rất riêng của mình.
    Mùa mưa tàn. Trời trong nhưng lạnh lẽo. Cây mận bị sâu đục thân lụi dần, nằm còng queo một góc vườn đầy cỏ dại. Buổi sáng đi học, tôi dắt xe qua, thấy vướng víu khó chịu như bà đang ngồi xếp bằng trên tràng kỷ, nhìn tôi trách móc "Cái cây nó chết kìa cháu" Tôi cúi đầu, tự an ủi "Sống chết là quy luật mà". Bỗng nhiên lại giật mình nghĩ, một ngày nào đó, mình cũng sẽ chết mà chưa kịp làm được gì, như cái cây mận dài này.
    *
    * *
    Dì Duyên càng lớn càng đẹp. Mắt thanh mày ngài. Mặt trắng xanh lấp lửng giữa mớ tóc bụi đời hất ngược về phía sau. Dì đam mê nhiều thứ nhưng cũng gần như dửng dưng với tất cả. Trong cuộc sống của dì có vài vệt đen mờ chen chúc với những vệt đỏ ngang dọc chỉ đợi có dịp là bùng lên thành lửa thiêu rụi mọi thứ. Với dì, tôi là một con chíp hôi. Không hơn không kém. Siêng học, ngớ ngẩn đến buồn cười và tội nghiệp. Với tôi, dì không xa lạ cũng không gần gũi. Lối sống của dì như một người đồng bóng. Cái gì cũng cho quá lên một tí để rồi tự giễu cợt mình. Tôi thấy lạt nhạt. Chỉ có đôi khi bỗng nhiên thèm muốn được như dì. Vứt bỏ mọi thứ về sau. Sống bỏ đời để thanh thản hơn. Nhưng rốt cục, tôi vẫn là đứa con gái ngoan và yếu đuối. Tôi luôn sống trong những sự yêu ghét của tôi cũng nằm trong một quĩ đạo không thay đổi được.
    Một vài lần, tôi trèo lên căn gác xép của dì. Căn phòng nhỏ xíu với ô cửa hình vuông trông thẳng lên trời, treo đầy những bức tranh dang dở. Hoặc nếu xong, cũng mờ mịt khó hiểu. Trên kệ sách ám bụi, những cuốn kinh thánh, nghiên cứu đạo Phật nằm lẫn giữa mớ kiếm hiệp Kim Dung, truyện cổ điển đóng gáy dày cộm và vài cuốn coi bói tay. Dì ngồi vắt chân lên bàn, với tay bật cassette. Một thứ âm thành nặng trịch, cuống quýt thoát ra, đong đưa trên những miếng mạng nhện to tướng. Dì nhìn tôi thăm dò "Phê không?" "Cháu không thích lắm. Nghe nhạc êm dịu đỡ hơn" "Còn những bức tranh.
    Chúng đẹp phải không? - Dì tỏ vẻ lơ đãng - kỷ vật của vài người bạn " Tôi cười, không gật cũng không lắc. "Ðẹp. Nhưng khó hiểu quá dì ạ" Dì cũng cười, khoé miệng nhếch lên chua chát "Cần gì hiểu. Thấy đẹp đã đủ lắm rồi" Dì đưa mắt nhìn lên ô cửa. Chếch về phía bên trái, chỉ còn lại một ngôi sao le lói sáng. Dì khe khẽ thở dài "Sao nó cô đơn thế". Rồi dì lẩm nhẩm mấy lời nhạc lạc hết cả điệu, mắt vằn vện nước. Lát sau đã thấy dì ngoẹo đầu ngủ, mắt môi khép dài. hệt như tuổi trẻ của mẹ đang bình yên nằm đấy. *
    * *
    Dần dần tôi cũng hiểu. Mẹ là một người cô đơn. Mẹ bám vúi vào thần thánh, vào tất cả, trừ tôi với dì. Nhưng mẹ vẫn cô đơn. Nỗi hoài nhớ những ngày cha còn ở bên mẹ đã làm cho mẹ trở nên già nua. Người đàn ông ấy không quay lại. Còn mẹ vẫn chờ đợi và hy vọng "Chị đừng nên khổ sở vì một thằng đàn ông như thế" Dì trách mẹ không thương xót. "Lão có quay lại cũng không mang theo điều tốt lành gì". Mẹ phản đối yếu ớt "thì tao có dằn vặt gì đâu. Nhưng sống phải biết tha thứ". Dì bĩu môi, quay ngoắt mặt ra cửa. Khi ấy chúng tôi đang ngồi trên tràng kỷ. Ngoài kia chiều xuống dần. Như thường lệ, bà trở về, áo lụa trắng, tóc vấn hai vòng trên đầu, đi lang thang ngoài vườn. Bà về thăm kỷ niệm nhưng biết rằng không bao giờ bà đụng được đến chúng nữa. Dì lại hục hặc ho, thông báo "Ngày mai em đi thực tế với mấy thằng bạn. Sống mãi ở thành phố dễ bị stress lắm". Mẹ lắc đầu "Vớ vẩn. Con gái lớn không lo lấy chồng, chỉ ham bay nhảy. Mấy đứa trẻ chúng mày, nông nổi và bộp chộp". Mẹ cau có "Ðàn bà, phải dịu dàng, đảm đang. Chứ như mày...". Dì bướng bỉnh hất mái tóc xoã xượi ra sau "Chị không cho em cũng đi. Dịu dàng, đảm đang như chị, lão ấy có ở lại đâu". Mặt mẹ rũ ra tái ngắt. Tôi nhìn dì im lặng. Nếu là dì, chắc tôi cũng sẽ đi. ít ra cũng có một thay đổi mới mẻ nào đó trên cuộc sống đơn diệu của tôi. Ðể sau này, tôi còn có vài thứ đáng giá được liệt vào bộ kỷ niệm.
    *
    * *
    Hội đến, ngồi thẫn mặt ở phòng khách, giữa những bông thạch thảo loăn xoăn cánh héo. Tôi không thích Hội, cũng không muốn làm Hội buồn. Thấy anh chàng sống thật vô vị. Luẩn quẩn trong sách vở. Nhìn đời qua hai mảnh ve chai lọc bụi trong suốt. Hội lúc nào cũng như trôi lênh phênh trên bề mặt của cuộc sống. Nói như dì, nó là một thằng ngố đáng thương.
    Tôi lẩm bẩm "mẹ ra bảo con mệt, không tiếp chuyện được". "Ðừng làm thế. Mình là người lịch sự - mẹ thoăn thoắt xếp lại mớ vàng mã trên giường - ra nói vài câu cho phải phép. Mà tao thấy nó cũng được, chứ có gì đâu". Tôi uể oải nghe lời mẹ, cảm thấy rã rời. Cái mặt nạ trên trên mặt như được khoét bằng đá lạnh lẽo. Dì đứng ở cửa, níu tay tôi lại "Không thích thì đừng hành hạ vừa mình vừa người ta. từ chối cho xong chuyện". Tôi ngó Hội lom lom, nhủ thầm, sao Hội khốn khổ thế. Rồi không biết đến bao giờ tôi cũng sẽ khốn đốn như Hội đang nghệt mặt ngồi đằng kia, dù biết sẽ chẳng được gì. "thôi Hội về đi. Chuyện tình cảm chẳng ai thay đổi được. Tôi có bạn rồi Hội ạ". Tôi tiễn Hội ra cổng. Ðêm trăng, gió thổi tốc lá xuống vườn lạo xạo. Tôi đóng cửa, quay vào nhà, thấy lòng đã nhẹ nhõm hẳn.
    *
    * *
    Dì Duyên đi đã hơn một tháng, không tin tức gì về nhà. Mẹ càng ngày càng lặng lẽ giữa nhang khói, giữa khu vườn tiều tuỵ lá. Ngày ngày, tôi đạp xe đến lớp, giết thì giờ bằng cách chui vào những quán cà phê quen thuộc với dúm bạn quen thuộc hoặc ngồi nghiêm nghị ở thư viện, tay ôm sách mà không nghĩ ngợi gì.
    Một ngày, dì viết thư về thông báo nghỉ học. Dì đang thử đi buôn chuyến với một anh chàng người Hà Nội. Giàu có lắm, "sang" lắm. Thời buổi này có tiền nhiều là nhất. Mọi giá trị cuộc sống đều dễ dàng thay đổi. Dì bảo, ở đây hai ngày, năm ngày là vui. Còn tương lai thì chưa biết sao. Những vẫn hy vọng và chờ đợi. Hạnh phúc là khi có một điều gì đấy để chờ đợi, phải không? Mẹ đọc xong, thẫn thờ "Sao bây giờ chúng khác xưa nhiều thế? Ðến hư hỏng mất thôi". Tôi cãi "Chỉ là việc kiếm sống đơn thuần. Dì hạnh phúc là đủ rồi, mẹ ạ". Tôi trèo lên gác xép. Qua ô cửa, một ngôi sao bé tí như bị đóng đinh trên trời, cô quạnh và buồn da diết. Tôi nghĩ, giờ này ở nơi xa, chắc dì đã không phải buồn và cô đơn như vậy.
    *
    * *
    Dì về. Người đẫy ra, vẫn mắt thanh mày dài lấp liếm giữa mái tóc bụi đời. Dì sang trọng, giàu có hơn những ánh nhìn đã u uất hẳn. Ngay phút đầu nhìn dì, tôi nhận ra, dì không còn là ngày xưa nữa. Thời gian và cuộc sống đã mài nên một dì Duyên già dặn, đầy lo toan.
    Dì mân mê tay tôi "Dạo này sống thế nào?". "Cháu vẫn học Ngoại thương. Sắp ra trường". "à, có tương lai đấy. Nhưng đừng thực tế quá". Tôi nhấp nhổm trên ghế. "Dì buồn cười. Ai cũng khuyên đừng mơ mộng quá. Chỉ có dì là hay ngược đời. Nó không tốt thật à?". "Không. Nhưng giàu có chẳng phải là thứ hạnh phúc người ta kiếm được". Dì xia bụng, ngả lưng xuống tràng kỷ "Ðã yêu rồi phải không?". "Cháu không biết. Nhưng bây giờ cháu cảm thấy hạnh phúc".
    Buổi tối chúng tôi ngồi quây xung quanh chiếc bàn nhỏ kê ở góc bếp đầy mùi mỡ rán và mùi thức ăn sực nức. Lùa được vào miếng cơm, dì chống đũa mơ màng "Em sắp có con". Tôi và mẹ sững người. Trong thư, bao giơ dì cũng kể về một cuộc sống độc thân đầy đủ và vui sướng. Mẹ lấy khăn lau vội vệt mỡ vừa bắn lên mặt "Chúng mày đám cưới ra sao không báo cho chị. Bố nó đâu rồi?". "Có cưới hỏi gì đâu - Dì nhìn mẹ vừa thách thức vừa đau đớn - Nó biến mất rồi". Môi mẹ run bần bật, Mặt tái ngắt từng mảng như đổ chàm "Nó được bao nhiêu tháng?". "Gần ba tháng". Mẹ cau mày, giọng trở lại lạnh tanh "Thế còn kịp. Ngày mai chị đưa em đến Từ Dũ. ở đó người ta giải quyết nhẹ nhàng, gọn ghẽ lắm". Dì đứng dậy, cười nhạt "cám ơn chị. Việc em làm, em lo, em chịu. Chị không cho em ở đây thì thôi, chứ đừng ép". Mẹ thở dốc, oà ra nức nở. Bảo rằng dì đã làm ô uế gia đình. Chao ôi là nhục nhã. Tôi không biết nói gì, làm gì. CHỉ đứng vơ vẩn và thấy lòng nặng trĩu. Tự hỏi thầm, sao tuổi trẻ chẳng bao giờ hiểu được và tránh được những vết lầy mà tuổi già đã đi qua?
    Bữa cơm bỏ dở, thức ăn vương vãi trên bàn. mẹ rời bàn, loạng choạng bỏ vào phòng. Dì lại xoa bụng, mặt vẫn tái xanh. Bất lực và chua chát. Tôi lại gần dì, ấp úng "thôi dì đừng buồn. Mẹ cháu hay khắt khe trong mọi việc, rồi sẽ qua hết thôi. Ðứa bé đâu có tội tình gì". Dì nhìn tôi trân trối, lặng ngắt "Chẳng lẽ dì đã có lỗi". "Cháu không biết. Nhưng theo cháu, tự do không có nghĩa là phá bỏ đi tất cả, dì ạ".
    Tôi ôm dì trong tay, thấy mình người lớn hơn, già dặn hơn. Chưa bao giờ tôi thấy dì gần gụi với tôi như vậy. Và thân thương, tội nghiệp đối với tôi như vậy.
    Tôi bước ra vườn. Trăng lên, sáng như rọi đèn xuống góc vườn có cây mận héo, lộ rõ vài đám chồi non xanh oặt oẹo. Tôi thở dài khoan khoái. Ðau đớn, dằn vặt nhau thêm nữa làm gì. Cuối cùng thì mùa xuân cũng đã đến thật rồi. và tất cả mọi vật đều đang dần thay đổi đấy thôi?.
  3. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Uống Cà Phê Ở Mỹ
    Tác giả: Nguyễn Thị Châu Giang
    Cà phê Mỹ nhạt, cả màu lẫn vị. Một chất nước loãng nâu lờ nhờ, hơi có vị khét, thường pha trong một cái bình thủy tinh to và rót vào những chiếc ly giấy xốp.
    Cho thêm hai, thậm chí ba gói đường và nửa ly sữa cũng không làm chất nước ấy ngọt và thơm hơn. Sáng đầu tiên ở Mỹ, ngồi một mình trong vườn khách sạn mọc đầy những bụi cúc kim xanh ngắt, trong bầu khí mùa hè khô ráo với ánh nắng vàng như mật ong, tôi dùng bữa điểm tâm bằng một chiếc bánh sừng trâu quệt bơ nhỏ và một ly cà phê lớn. Tôi chỉ có cảm giác tôi đang uống một chất nước đắng hơi có vị chua khi nó trôi qua cuống họng. Cùng với mùi hương ngai ngái từ những bông dại cắm thành bình lớn trên bàn, chúng làm mũi tôi nghẹn lại và mắt cay cay. Một cảm giác gần như sự trống vắng lớn dần lên trong lòng .
    Thế nên khi bạn bảo, uống cà phê ngon ở một thành phố lạ không có bạn bè cũng trở thành nhạt nhẽo thì tôi tin bạn lắm. Vì chẳng phải chúng ta đã có những buổi sớm tinh sương hoặc trong chiều muộn, ngồi trên ban công với nhau, nhìn ra bầu trời mùa thu đầy mây gió, tay cầm ly cà phê phả nhè nhẹ những làn khói xám, tự nhiên chúng ta thấy lòng ấm áp và vị cà phêđậm đà lên hẳn đó sao. Chẳng phải cùng ngồi trên chuyến xe đêm xuyên qua những rừng thu lạnh giá, ngoảnh lại sau lưng chỉ thấy một màu sương xám rơi rắc vài chiếc lá óng như những vảy vàng và một quầng trăng thu xanh nhạt, ngheVanessa Williams hát bài tình ca "Đôi khi điều quý giá nhất em muốn tìm kiếm lại là điều em không thể thấy?Đôi khi tuyết rơi vào tháng Sáu. Đôi khi mặt trời quay quanh mặt trăng?Khi em nghĩ rằng cơ hội của chúng ta đã trôi qua?" , nhấp một ngụm nhỏ cà phê Mỹ đựng trong ly giấy tự nhiên lại thấy ngọt ngào hơn đó sao.
    Hôm nào ở Iowa, khi gió đã bắt đầu rét, những cây mọc bên sông đã bắt đầu nhuộm màu đỏ thắm, tôi trèo lên quán cà phê của tiệm sách Prairie Lights. Đó là một quán cà phê nhỏ thơm mùi bơ, sữa, bánh ngọt, chất đầy sách với những bộ bàn ghế gỗ vàng nhạt có tay cầm nhỏ nhắn. Aùnh sáng từ trên trần đổ xuống chỉ vừa đủ để đọc sách, phục vụ nhu cầu cao nhất của khách hàng, đọc sách và uống cà phê. Vì thế không khí trở nên yên tĩnh lạ lùng khi chỉ nghe thấy tiếng giở loạt soạt của những trang sách mỏng, tiếng ho khẽ và tiếng nói chuyện thì thào của đôi bạn trẻ ngồi ở góc phòng. Tôi kêu một ly cà phê Pháp sủi bọt. Những bọt nhỏ thơm phức màu nâu nhạt nổ lách tách quanh thành ly, báo hiệu trước một cảm giác ngọt ngào. Nhưng cuối cùng, nó lại quá ngọt so với khẩu vị của tôi và đương nhiên nó phá vỡ mất một phần vẻ đẹp trang nghiêm của bốn bức tường ?" sách và sự yên bình trong lòng tôi.
    Hôm quay trở lại Virginia, anh chị họ rủ tôi đi uống cà phê trong một quán cà phê " đặc Mỹ", như lời anh chị nói. Hơn bảy năm sống ở Mỹ nhưng đó là lần đầu tiên họ đặt chân vào môt quán như vậy, mặc dù chúng mọc khắp thành phố. Một gian phòng nhỏ lỏng chỏng bàn ghế. Trên bàn đặt một chiếc giỏ nan nhỏ đựng các loại snack trong bao ni lông, có thể ăn thoải mái mà không phải trả tiền. Cửa ra vào lắp kiếng luôn luôn có chữ pull và push, dán chằng chịt những tờ quảng cáo và những hình thú ngộ nghĩnh. Những cô phục vụ mặc váy ngắn dù trời nóng hay lạnh uyển chuyển qua lại giữa các bàn. Chúng tôi ngồi nhâm nhi cà phê sữa nóng giữa tiếng nhạc và tiếng cười nói ồn ào của đám thanh niên. Cứ mỗi ly cà phê vừa vơi đi một nửa là lại có một cô phục vụ tới rót một đợt cà phê mới. Khói từ chiếc bình không nắp đậy phả vào mặt nóng ran. Sau cùng, chúng tôi mua thêm một chiếc bánh kem nhân táo cho cả bốn người. Nhưng sau miếng đầu tiên không ai có ý định dùng tiếp vì vị ngọt khé họng của nó. Kem bắt đầu chảy nhẫn nại trên chiếc dĩa thủy tinh màu xanh, tràn qua lớp vỏ bột vàng óng. Ông anh tôi ngó quanh ,bảo, nó cũng bình dân thôi nhỉ. Mình cứ nghĩ quán cà phê Mỹ nó phải thế nào chứ. Tôi hỏi, thế anh lên cà phê Skydome chưa? Skydome nằm gần Costco, giữa Virginia và Washington DC, trên tầng thượng của một khách sạn cao tầng. Khách lên đó ngồi, ăn mặc như đi dạ hội hay vào công sở. Thể nào cũng có một cô quản lý to béo, tóc hoe vàng đến tận thắt lưng, dẫn anh đến một chiếc bàn có chân cao bằng sắt kê sát tường. Phía sau lưng anh, phía trước mặt anh, bên phải hay bên trái anh đều là những bức tường kiếng trong suốt.
    Đêm ấy sương chỉ bám một lớp mỏng màu lam nhạt lên thành kính nên nhìn ra rất rõ bầu trời thu đen thẳm với vầng trăng thu to tròn lẫn giữa mây. Những vì sao nhấp nhánh như những đầu đinh gút bằng kim cương ghim thẳng vào da trời. Những cuộn mây xám nhẹ như những cuộn khói trôi lững lờ ngang mặt. Bạn ngồi đối diện tôi và chúng ta như đang trôi đi trong mây, khi quán chậm chạp xoay tròn. Đầu tiên tôi chỉ nhìn thấy bức tường xanh của toà nhà đối diện và một góc bé của Washington DClấp lánh ánh đèn. Rồi đến toà nhà Quốc Hội, tháp Bút Chì, lầu Năm Góc dần hiện ra, nhờ ánh đèn mà sáng rực lên như những khối thủy tinh trong suốt. Chẳng mấy chốcWashington DC đã biến thành một dải sao dài vắt ngang trời. Lúc ấy đất trời lẫn lộn. Chẳng còn biết sao đã hạ xuống trần hay đèn đã bay lên trời nữa. Mải ngắm cảnh, mải ngắm nhau ( bởi vì trong ánh đèn vàng mờ ảo cho những cặp tình nhân ôm nhau nhảy giữa sàn, chúng ta đẹp lên hơn nhiều lắm), ly cà phê của chúng ta nguội dần. Vị chua của cà phê Mỹ cũng biến đi mất.
    Rời khỏi đó mới hơn chín giờ. Bạn tấp vào một siêu thị dọc đường mua cà phê đóng hộp mang nhãn hiệu " Mr Brown" và chạy thẳng ra sân bay Reagan. Trên bãi cỏ ngoài bờ sông đã có vài cặp tình nhân đến ngồi. Mưa thu phả vài giọt mát lạnh vào mặt, vào tóc. Chúng ta đến ngồi trên những cầu gỗ bắc ra sông. Gió thổi làm những thanh gỗ mục đong đưa và cà phê thỉnh thoảng lại trào ra ngoài miệng lon . Cà phê lon có vị thanh nhưng chỉ đơn thuần là nước giải khát. Dưới ánh sáng trăng, dòng sông ánh những gợn vàng, đẹp một cách kiêu kỳ và lộng lẫy. Bạn bảo, ngồi một lát sẽ thấy máy bay bay lên , cảm giác lạ lắm. Nhưng những ngày ấy họ lại đổi đường bay. Chúng ta đã ngồi hết giờ này sang giờ khác, đêm này sang đêm khác mà từng năm phút một chỉ có một chiếc máy bay hạ cánh. Tiếng ầm ì dội trên đầu. Cảm giác như chỉ một vài gang tay nữa, bụng máy bay sẽ chạm thẳng vào đầu. Và gió từ cánh quạt sẽ cuốn chúng ta đi. Bạn bảo, nhìn máy bay chúng ta đang nghĩ gì? Tôi bảo,chúng ta đang nhớ về Việt nam. Tôi thì nghĩ đến chuyến bay về lại nhà. Còn bạn, tôi biết điều bạn đang mơ ước. Phải chi trên một chiếc máy bay nào đó đang hạ cánh, có chở theo người yêu dấu của bạn về đây.
    Rồi để nỗi nhớ thêm đầy và đêm mau qua, bạn và tôi quay trở lại quán cà phê Phong Lan ở khu chợ Eden. Tối thứ bảy ở đó đông nghẹt thanh niên Việt và Mexico cũng tóc đen da vàng, thêm một vài cảnh sát Mỹ đứng gác sợ bạo động. Mà chuyện đó thì xảy ra như cơm bữa, bạn bảo sau khi dặn tôi, hễ có tiếng động lạ là phải nằm rạp xuống sàn ngay nhé.
    Vào quán Phong Lan không thích uống cà phê hát karaoke thì chạy vào phía sau uống cà phê chơi bi da. Bạn bè cả tuần, có khi cả tháng mới gặp mặt, rủ nhau chơi thâu đêm suốt sáng. Không khí đặc quánh trong khói thuốc và tiếng ồn. Ngồi nhìn những viên bi xanh đỏ chạy qua lại một chút thì chóng mặt. Nhưng cà phê ở đây mùi vị giống hệt cà phê Việt Nam. Trong chiếc ly thủy tinh trong suốt, cà phê nâu óng, hương bay ra ngào ngạt. Nhấp một ngụm, nhắm chặt hai mắt, nghe vị đắng tan dần trên lưỡi thành vị ngọt, lại có bạn vai kề vai, thấy hệt như ngày nào cả bọn kéo xuống Thanh Đa uống cà phê.
    Buổi tối ấy cũng đầy trăng sao và mây gió.
    Buổi tối ấy cũng đầy tiếng nhạc và tiếng cười.
    Buổi tối ấy cũng đầy hơi ấm bạn bè.
    Để giờ đây đêm ở Virginia mà lòng tôi nghe như có sóng và gió từ ngoài sông Sài Gòn thổi lại.
  4. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Đèn ***g Treo Cao
    Tác giả: Nguyễn Thị Châu Giang
    Khu vườn bé tẹo, đầy dây dại âm u. Chúng tôi dựa xe vào một gốc mận èo uột với những túm hoa trắng lèo tèo, đi ngang qua vuông sân nhà. Con Lô ốm nhóc nhách hục hặc trong cỏ, đưa mắt nhìn chúng tôi ai oán. Hân đá nhẹ vào hông con Lô lẩm bẩm "Mày lúc nào cũng thế, không khá lên nổi." Rồi tiếp tục ư ử một bài hát vui nhộn. Tôi quay lại cười "Sao hôm nay lạ thế". Hân mủm mỉm "Vừa kiếm được mối làm ăn" và chìa trước mặt tôi tấm giấy đỏ in đầy chữ Tây Tàu xanh đỏ. "Vẽ bảng quảng cáo một hiệu bánh của Tàu". "Rồi sao nữả". "Phải nghỉ học mấy ngày nhưng sống thêm được mấy tháng". Hân lại cười đưa tay cài cúc áo ngực. Tôi nhăn mặt. Tôi không thích Hân thế này. Bụi đời, bất cần. Như thế hợp với Hân nhiều hơn.
    Ông giáo đứng đợi ở cửa, áo quần là phẳng phiu, nhưng cũ mèm và tiều tụy. Chúng tôi chào "Thưa Thầy", kéo ghế ngồi lọc xọc. Mỗi lần đến đây học, vào tối thứ bảy, tôi như bị hút vào bàn thờ đặt ở góc nhà. Lúc nào cũng tối tăm, mờ mịt khói. Với tấm hình chụp chân dung người thiếu phụ trẻ nhìn thẳng, mắt to mày dài. Một vẻ đẹp dài dại và lạnh lẽo. Hân bảo "Bà ấy bị điên". Rồi lơ mơ nhìn qua cửa sổ "Như thế lại tốt. Chẳng phải lo gì, nghĩ gì". Tôi cười "Phải không?". Tự nghĩ thầm, chẳng thể nào là phải được. Người ta ít khi nào bằng lòng với bản thân, chỉ thích đứng núi này trông núi nọ và mơ ước những điều rất viễn vông.
    Ông giáo viết bài lên bảng, tiếng phấn cạ vào thớ gõ ken két. Hân quay sang hỏi: "Tối nay học xong đi đâu?" "Không, chỉ về nhà". "Vậy cà phê nhé. Có thằng bạn mới mở quán dưới Thanh Ða. Thời buổi này người ta làm ăn kinh lắm". Ông giáo gõ thước lạch cạch "Anh chị đọc đi". Chúng tôi ê a đọc những câu tiếng Pháp, cảm thấy thời gian như dài mãi ra. Và căn nhà này ngày càng trở nên nhỏ bé, thanh bình.
    Khoảng bảy giờ Lam vào lớp, mồ hôi nhỏ nhểu nhảo. Thầy hỏi, giọng ấm áp, chậm rãi "Trông anh có vẻ mệt. Bận nhiều công việc lắm à?" Lam mở túi lấy ra cuốn tập nhàu nát dính đầy vệt sơn dầu "Em có một cuộc hẹn Thầy ạ". Hân hấp háy mắt "Với em Ngần phải không?". Lam gật đầu, mặt rạng rỡ, đầy tự tin. Tôi cúi gầm mặt vào hàng chữ nghiêng ngả, tự nhiên thấy cay đắng. Một nỗi chua xót dâng dần trong lòng giống như mình vừa ráng hết sức chạy xong một cuộc marathon, mà khi về đến nơi, mọi người đã về đến đích tự lúc nào. Tôi lắc mạnh đầu. Chuyện tình cảm, yêu đơn phương là một điều thật vô lý và vô vọng. Vậy mà người ta vẫn cứ chạy theo và chờ đợi để làm gì?
    Ông giáo ra bài luận "Tả chân dung người bạn của anh (chị)". Hân hớn hở nhìn tôi "Tụi mình tả lẫn nhau nhá". "Không ?" Lam lắc đầu ?" tả người mình yêu nhất. Tao muốn tả Ngần". Tôi im lặng. Nếu thế, chắc tôi sẽ tả Lam. Lam tóc quăn, mặt trắng, dáng thư sinh, luôn tỏ ra nhạt nhẽo với mọi thứ. À, nhưng có lẽ bây giờ đã khác. Ngần đến thay đổi tất cả trong Lam. Kể cả ánh mắt thờ ơ đến một mục đích sống không rõ rệt. Tôi lén nhìn Lam, bỗng nhiên thấy chưa bao giờ tội nghiệp Hân thế này. Lúc nào Hân cũng muốn tôi vui. Cho dù niềm vui ấy không mang lại gì cho tình cảm của chúng tôi cả.
    Mất điện. Ông giáo mò mẫm đốt cây đèn dầu bé xíu trên bàn thờ, thở dài "Ðợi thêm vài phút, chắc có điện lại". Chúng tôi kéo nhau ra ngồi ngòai sân. Gió thổi như bão. Lá khô rụng cuốn vào sân lào xào. Tôi hỏi khẽ "Ngần đẹp không Lam?" Lam cười "Không đẹp nhưng dễ thương. Mình có vẽ Ngần mấy bức. Hôm nào lại xem". Tôi gượng gạo "Ờ, tất nhiên". Trong bụng lại nghĩ "Tôi ư, chắc chắn là không thể xem được rồi. Anh ngốc lắm, anh chẳng hiểu gì cả". Hân khịt mũi, kéo mạnh áo tôi "Xem kià". Tôi giương mắt nhìn theo hướng Hân chỉ. Ở góc vườn hiện lên một bóng trắng vật vờ. Nom cô đơn, lạc lõng. Nó đi lom khom dưới những tàn cây, tiến lại gần chúng tôi. Hệt như bức chân dung trên bàn thờ, mắt to mày dài lạnh lẽo và ngây dại, cô nhìn chúng tôi cười ngơ ngẩn. Dưới ánh trăng mới lờ mờ tôi mới tin đó là người thật. Cổ họng đắng nghét vì sợ hãi, tôi chụp vội tay Hân "Ai thế". Lam cười nhẹ "Con gái ruột của Thầy". Hân thêm, giọng không tỏ một thái độ Nào "Cô ấy bị điên, điên bẩm sinh, giống như bà mẹ". Cô gái lại cười. Lần này nụ cười có vẻ tỉnh táo hơn. Nó như được soi rọi bằng một thứ ánh sáng vô cùng ấm áp lên gương mặt tiều tụy, đờ đẫn của cô. Tôi quay lại. Ông giáo đứng sau lưng, tay cầm ngọn đèn ***g đỏ và cười "Con gái của tôi. Hai mươi lăm tuổi rồi. Vẫn thế", giọng không hề mệt mỏi, buồn bã. Ông giáo cầm tay con dẫn vào nhà. Cô gái đi, ngây thơ như trẻ con. Tôi nhìn theo ứa nước mắt, lờ mờ hiểu ra con người sống với nhau không phải chỉ vì những duyên nợ kiếp trước mà còn vì một chữ tình người ẩn sâu đâu đó tận tâm hồn. Mà đôi khi vì cuộc sống gạo tiền xô đẩy, bỗng trở nên nhạt nhẽo và thay đổi gần hết.
    Quán cà phê của người bạn Hân mới mở, sơ sài, lèo tèo khách. Chúng tôi ngồi sát bờ sông, nghe rõ tiếng nước vỗ vào bờ róc rách. Tôi yêu không khí tĩnh lặng như thế. Cảm giác như mình đang lần mò về thời thơ ấu, xa hẳn những ồn ào của thành phố.
    Hân nhìn tôi dè dặt "Hiên đi hai tháng rồi . Có thư từ gì không?". "Hiên than buồn - tôi ngọ ngoạy người - Biết sao được? ở nước ngòai đâu cũng thế cả". Chúng tôi im lặng. Trên mặt sông, một đàn dơi bay qua. Chúng mất hút vào đem và không để lại một cái gì.
    Lam bảo "Thứ bảy tuần sau mình nghỉ. Mà có lẽ cũng nghỉ luôn. Cả tuần chỉ còn ngày thứ bảy để chơi". "Ừ phải - Hân gật gù - Bây giờ tối thứ bảy cũng phải kiếm sống. Dù sao cũng nên nói với Thầy một tiếng". Tôi nhìn ra sông chán ngán. Phía bên trái, cầu Bình Triệu lô nhô những bóng đèn xe bé xíu. Kinh thật, cuộc sống thì vĩ đại đến thế, mà con người li ti như kiến, luẩn quẩn loanh quoanh không thể định hướng được cuộc đời của mình. Họ bám đuôi nhau, cắm cúi hòa mình vào những bon chen của cuộc sống. Chúng tôi ngồi đây, vẫn đau đớn nhận ra mình đang bị chìm dần trong dòng lũ đó.
    Tôi khẽ thở dài, những người như con gái của ông giáo, có lẽ Hân đã đúng phần nào, khi cho rằng họ đã thật hạnh phúc. Cô như một chiếc đèn ***g treo cao, sống trong cuộc sống đó mà tách rời tất cả. Vô tư, ngơ ngác. Cảm nhận về cuộc sống với cô, vẫn mãi chỉ là cái tình nơi người cha già của mình mà thôi.
    Mấy tuần sau tôi đến lớp học một mình. Ông giáo vẫn chỉnh tề trong bộ quần áo cũ, say mê giảng cho tôi những bài tập đọc vỡ lòng cảm động. Tôi ngồi nhìn qua khung cửa sổ bé tẹo, lâu lâu lại thấy con gái Thầy đi qua, tay cầm chiếc đèn ***g, mặt mày ngơ ngẩn và thanh thản. Tôi nghĩ, giờ này chắc Lam đang đèo Ngần lang thang qua các phố có nhiều cây và người. Còn Hân đang gò lưng hòan thành nốt bảng hiệu bánh Tàu xanh đỏ. Ðể ngày kia vào lớp, mặt võ vàng "Vừa nhận thêm mối mới. Ðành phải nghỉ thêm mấy ngày nữa để sống thêm được mấy tháng".
    Rồi cuộc sống những ngày sau nữa vẫn chỉ tiếp theo như vậy.
    Học thêm hai tuần, tôi xin nghỉ. Ngày xưa tôi đến lớp vì có Lam. Hoặc vì tôi luôn muốn giết thời giờ bằng những công việc khởi sự từ sự tò mò. Cuối cùng thì đã chẳng có gì níu chân tôi lại.
    Ngày giáp Tết, Hân chở tôi đến thăm Thầy. Cây mận èo uột đậu vài chùm trái teo quắt. Một người đàn ông ngồi tỉa lá mai, nhìn chúng tôi dò xét. Hân hỏi, nhã nhặn "Thưa ông, chủ nhà này đâu ạ?". Người đàn ông cau có cắm mặt vào những móng tay đen sì: "Tai nạn giao thông. Chết từ hồi Noel. À, con gái hả? Vào nhà thương điên lâu rồi".
    Tôi bủn rủn tay chân. Không khóc, không nói được. Chỉ thấy như mình đang bồng bềnh trôi trên một dòng nước không có bến đậu.
    Buổi tối, tôi tắt đèn, mở cửa trông xuống đường. Về khuya Sài Gòn yên tĩnh hẳn. Một vẻ bình yên rất thật lòng. Trong mơ màng, tôi lại nhìn thấy bóng trắng nhỏ bé của con gái thầy tôi, bơ vơ giữa những tòa nhà bệnh viện, đi tìm chiếc đèn ***g bằng giấy màu đỏ. Chiếc đèn ***g bằng giấy mà có lần tôi đã thấy thầy nâng niu treo lên đầu nhà vào đêm Trung Thu. Một ngôi nhà ẩm mốc và cũ kỹ. Từ nơi đó, tôi đã học được câu tiếng Pháp vỡ lòng đầu tiên trong đời đầy vui sướng. "Bonjour monsieur. Comment çavả" Chào thầy. Thầy khoẻ không ạ?
  5. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Đến Giữa Giờ Giao Thừa
    Tác giả: Nguyễn Thị Châu Giang
    Chiều rồi. Bóng tối ẩn nấp ở sau những xó xỉnh của căn phòng bắt đầu trườn ra ngoài. Chúng tham quan phòng bếp trước rồi mới từ từ đặt chân vào phòng khách, chỗ người đàn bà đang ngồi, trên một cái ghê bành bọc da mềm màu nâu đất, trước một bình hoa cắm sâu nhái và cúc kim nở trái mùa. Căn phòng thơm mùi cỏ dại. Mùi nến. Mùi thức ăn. Mùi da thuộc oi oi. Các con chị, một đứa gái và một đứa trai, luôn dị ứng với thứ mùi tổng hợp như vậy. Nhưng chị đã quen, thậm chí nó trở nên quá thân thuộc và đáng yêu. Chị đứa tay lên day day hai cánh mũi, nghĩ thầm, nếu không vì nó, chắc mình đã từ bỏ căn nhà này từ lâu rồi.
    Chị nhìn ra cửa sổ. Không có gió nhưng hai cánh rèm vải hoa vàng lay động. Ngoài cửa kính tuyết bay nhẹ từng đợt bông nhỏ trắng muốt. Trong tích tắc, chúng bám thành một lớp dày trên bậu cửa. Những nóc nhà bằng gỗ sơn nâu, những thân cây khẳng khiu trụi lá, con đường nhỏ dẫn đến bãi đậu xe với những hàng xe xếp thẳng tăm tắp cũng phủ đầy tuyết. Bầu trời xanh xám chuyển dần sang màu chì rồi đột ngột đen thẫm nhưng vẫn còn thấy rõ màu trắng nhạt của những đụn tuyết nhỏ ở gần. Không có cảm giác lạnh giá khi nhìn ra ngoài trời đầy tuyết mặc dù tuyết đã đóng thành những tảng băng lớn trên cây. Một con chim sẻ từ đâu bay lại, đậu trên bậu cửa. Nó mổ tóc tóc cái mỏ nhỏ xíu vào cửa kính, tò mò nhìn vào trong nhà. Người đàn bà đứng dậy, cũng chống tay vào nạnh tò mò nhìn lại nó, miệng mỉm nụ cười thân thiện. Nhưng khi chị tiến lại gần, con sẻ hốt hoảng bay đi mất, để lại những dấu chân mờ mờ như hình chiếc lá ba cánh.
    Người đàn bà quay vào bật đèn và nhìn lên chiếc đồng hồ gỗ treo trên cửa ra vào. Dưới ánh đèn vàng, mặt đồng hồ có vẻ cũ kĩ hơn với hai cây kim bạc. Cây ngắn và cây dài chỉ cùng vào con số năm. Chị bước vào phòng bếp. Việc đầu tiên là chị mở tủ lạnh, lấy đồ ăn bày lên bàn. Hơi từ tủ lạnh bốc ra làm tay chị lạnh cóng và mặt có cảm giác tê tê. Miếng sườn heo bị bọc một lớp tuyết dày, phả ra nhữhg đám khói mỏng. Chị lầm bầm, chẳng biết mình có may mắn không nữa. Chứ thử giờ này ở ngoài đường xem. Lại chẳng như miếng sườn kia ấy à. Chị cho tay vào găng. Trong khi chờ thịt rã đá, chị nhặt rau muống cho vào nồi luộc và bày bánh tráng cuốn chả giò. Chị làm cặm cụi nhưng không thấy hứng thú. Bởi vì chị biết rằng dù cố gắng thế nào chị cũng không thể tìm được hương vị thật sự của nó. Cũng giống như khi chị đi vào các tiệm ăn Việt Nam, ở đó họ bày bán không thiếu món ăn Việt Nam nào nhưng tất cả đều nhạt nhẽo. Vả lại chị đã lớn tuổi, chuyện ăn uống không còn quan trọng nữa. Chị làm mọi thứ chỉ để cho chồng và con.
    Chị vớt rau muống ra đĩa. Chả giò gói xong chị cho vào lò vi ba, nhấn nút rồi quay sang ướp sườn bỏ vào lò nướng. Pha xong nước mắm thì tất cả đã chín. Chị xếp chúng trong những chiếc đĩa tráng men xanh, bốn phía vẽ bốn con rồng nhỏ màu vàng và đặt lên bàn cùng với bốn cái chén sứ cũng tráng men xanh, bốn ly uống rượu vang bằng thủy tinh đỏ. Phía cuối bàn chị đặt thêm một lọ hoa cúc trắng, lá cỏ phủ lòa xòa xuống mặt bàn trải nylon trong suốt. Một bữa ăn đầm ấm và hoàn hảo, chị lùi lại ngắm nghía, mỉm miệng cười. Một thứ tình cảm gần như là niềm hạnh phúc tràn ngập trong trái tim chị. Chị nghĩ, chỉ nửa tiếng nữa thôi, chồng chị sẽ đầy cửa bước vào nhà, mang theo hơi giá lạnh của tuyết và gió. Vài phút sau, hai đứa con chị cũng về nhà. Hôm nay chúng biết chị ngày mai đi xa, hẳn chúng sẽ về sớm hơn thường lệ. Mọi người sẽ kéo ghế ngồi vào bàn và cụng ly chúc chị một chuyến đi bình an và may mắn.
    Chị quay lại phòng khách. Tiếng băng cassette chạy rọt rẹt. Một giọng nữ cất lên cao vút "...Gió rằng gió lạnh có đêm đông trường... Nửa chăn nửa chiếu nửa giường chờ ai... Ngắt rằng ngắt nhụy cánh bông huê nhài...". Chị lục hộc tủ lôi ra một điếu thuốc lá cán xanh và châm lửa. Khói bay ra thành những vòng tròn nhỏ màu xám khen khét mùi thuốc pháo. Mùi khói làm chị cảm thấy dễ chịu. Chị tắt đèn, ra đứng bên cửa sổ. Trăng lên một mảnh bé như vảy trấu, nhưng vẫn tỏa ra một thứ ánh sáng xanh mờ. Trời sâu thẳm. Những vì sao rạch vào trời những tia sáng nhọn và sắc như những mảnh thủy tinh vỡ. Tuyết đã ngừng rơi trên mặt đường, tuyết trông mịn màng hơn nhưng cũng lạnh lẽo hơn.
    Cuối cùng thì chồng chị cũng đã về. Nghe tiếng mở khóa lách cách, chị vội dụi mẩu thuốc vào gạt tàn, mở đèn. Chị vuốt lại những nếp áo bị nhăn, khum tay lên miệng, hà một hơi thật mạnh để làm nhạt bớt mùi khói thuốc. Chồng chị bước vào, đưa nhanh mắt nhìn chị từ đầu đến chân và hỏi, honey, hôm nay em ở nhà thế nào? Có vui không? Không đợi chị trả lời, anh cúi xuống hôn lên môi chị, như thói quen anh hay làm khi đi đâu về. Ngay lập tức anh lùi phắt lại, mắt mở to sau cặp kiếng trắng, hai nếp nhăn bên cánh mũi gồ lên, miệng hơi mở ra để lộ hàm răng nhỏ trắng đều, em lại hút thuốc phải không? Chị ngượng nghịu bảo, ở nhà một mình buồn quá. Mà em chỉ hút có một điếu thôi. Anh không trả lời, vẫn giữ nguyên vẻ mặt ấy, anh đi vào phòng ngủ. Chị cảm thấy trong người bức bối với ý nghĩ là mình có tội nặng. Giá như anh nói thêm một vài câu thì chị đã thấy nhẹ nhõm. Ðằng này... Chị đứng tựa vào cánh cửa nhìn anh thay đồ, bảo, em xin lỗi. Em sẽ không bao giờ làm như thế nữa. Nhưng quả thật hôm nay em thấy rất buồn. Anh đưa bộ quần áo cho chị, xát mạnh hai tay lên mắt, chỉ bảo, anh mệt quá. Anh muốn nghỉ một chút. Anh nằm xoay tấm lưng to bè ra ngoài, chân quặp chặt chiếc gối ôm, thở đều đặn vẻ như đã ngủ say. Chị đứng nhìn anh một lát rồi bỏ đi, trong bụng tự nhiên thắc mắc, sao dạo này anh phát tướng ghê thế. Lúc đi ngang qua bàn ăn chị sờ vào thấy thức ăn đã nguội ngắt. Mùi thức ăn cũng không còn sực nức lên nữa.
    Có tiếng chuông điện thoại reng, liu riu như tiếng dế. Chị luôn vặn nhỏ volume như thế để khỏi giật mình và để khỏi làm mất giấc ngủ của cả nhà. Chị nhấc ống nghe. Có tiếng ho, tiếng lào xào. Chị hỏi, Tommy à. Ðầu dây bên kia trả lời, Mom à? Là Tommy đây. Con đang ở đâu thế, chị hỏi, tối nay có về sớm được không? Con trai chị ấp úng, không đâu Mom à, tối nay công ty có việc phải giải quyết gấp, con không về được đâu. Ngày mai mẹ về Việt Nam rồi, chị nhắc lại, con có nhớ không. Con nhớ chứ, nhưng thực sự là không về được, con trai chị bảo, vả lại Mom chỉ đi có một tháng thôi mà. Chị buột miệng bảo, giờ này ở Việt Nam đang là hai mươi tám Tết. Ai còn làm việc vào giờ này. Con trai chị cười ngất, nhưng đây là ở Mỹ mà Mom. Không làm nó cho nghỉ việc chứ chẳng chơi. Thế Mom đã soạn đồ xong hết chưa? Có gì đâu, chị trả lời, giọng hơi nghẹn lại, đồ đạc của mẹ ít nên soạn nhanh lắm. Thế thôi nhé. Con nhớ giữ gìn sức khỏe.
    Chị kéo lê chiếc vali giữa nhà, đồ đạc, dồn thành một đống trên nền thảm. Chị bắt đầu hì hụi xếp đồ vào vali nhưng khi đóng lại nắp vali cứ chực bung ra vì quá đầy. Sau mấy lần cố gắng hết sức, chị phải lôi bớt đồ ra để sắp lại. Vừa làm nước mắt chị vừa chảy ra dàn dụa. Chị lầm bầm, chồng với con, ôi sao tệ hại thế này. Không kìm được, chị òa lên khóc. Tiếng khóc cứ nghẹn tắc lại. Chồng chị đã đến sau lưng chị lúc nào. Anh vuốt nhẹ tóc chị, hỏi, honey, chuyện gì thế em. Chị bảo, Tommy không về được tối nay. Anh cười, em làm sao thế. Từ trước đến giờ nó vẫn như vậy mà. Chị nói, nhưng mà ngày mai... Nhưng anh đã cắt ngang lời chị bằng một giọng hồ hởi như con nít, chúng mình đi ăn cơm thôi em. Trời ơi anh đói quá đi mất. Trong lúc chị hâm lại đồ ăn, anh bảo, đồ đạc của em đây à? Sao nhiều thế. Mặt chi lại xị ra muốn khóc. Anh bảo, thôi nào honey, để đó anh tính cho.
    Giữa bữa ăn con gái chị về. Nó ngồi vào bàn ăn, lều quều mấy hạt cơm rồi đứng dậy. Chị nghe tiếng nó hỉ mũi ở trong phòng tắm, tiếng cánh cửa phòng nó dập rất mạnh. Chị hỏi vọng vào, có chuyện gì xảy ra vậy con. Tiếng con bé lùng bùng như quấn ở trong chăn, không có chuyện gì đâu. Mom đừng lo. Chồng chị cũng bảo, em đừng lo. Con lớn rồi, nó biết nó sẽ phải làm gì. Câu nói làm chị thấy bối rối. Chị nhớ ngày xưa, thậm chí đến bây giờ, chị vẫn luôn có nhu cầu được tâm sự và được người khác quan tâm.
    Hai vợ chồng chị soạn đồ đạc cho đến tận bốn giờ rưỡi sáng. Sáu mươi lăm kí hành lý đối với chị là quá ít. Chị không biết nên bớt thứ nào để lại. Cái gì cũng làm chị tiếc rẻ. Anh bảo, em tham quá. Xách tay ít thôi, đi cho nó nhẹ nhõm. Chị cười, hơn mười năm rồi em chưa về. Bao nhiêu là bà con hàng xóm ở Việt Nam, chừng này cũng không đủ được. Cực một chút nhưng lại vui mà. Anh không nói gì, mắt lại trợn tròn sau cặp mắt kiếng, hai nếp nhăn bên cánh mũi gồ lên, miệng hơi há ra để lộ hàm răng nhỏ xíu đều đặn. Nhưng lần này chị giả như không thấy. Chị tìm mọi cách nhét hết những món đồ mà anh quẳng lại vào xách tay mới thôi.
  6. ISA

    ISA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2002
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    Năm giờ sáng, anh đã ngủ rất say. Còn chị không sao ngủ được. Chị nghĩ đến bữa tiệc giao thừa với mọi người ở nhà. Những đứa trẻ nít chạy lăng xăng trong xóm. Những ông bà già ngồi chĩnh chện trên những chiếc ghế gỗ chờ con cháu xúm xít đến chúc tết. Mọi người sẽ bổ dưa hấu, cắt bánh chưng trong mùi nhang khói ngào ngạt. Sau giao thừa, đám trẻ sẽ đi hái lộc ở chùa. Chị thì sao nhỉ, sẽ ở lại nhà ôn chuyện với các ông bà già hay theo chân mấy đứa trẻ ra đường? Nhưng chắc chắn là đêm giao thừa đầu tiên ở quê hương, chị sẽ không ngủ được, như đêm nay.
    Khi ngoài trời đã sáng rõ, chị mới thiếp đi được một lát.
    ***
    Anh đưa chị ra sân bay. Tuyết vẫn rơi và gió thổi lạnh buốt. Chị co ro trong chiếc áo khoác dạ, mỉm cười nghĩ, vừa xuống sân bay là mình sẽ lột áo ra từ từ, giống như lột một cái bắp cải. Chị Hai sẽ chạy tới bảo, hồi nãy mặc đồ tưởng em mập lắm. Hóa ra vẫn mi nhon như dạo NÀO. Ở MỸ MÀ GIỮ ĐƯỢC NHƯ VẦY LÀ giỏi lắm. Chị ấy lúc nào cũng nghĩ ở Mỹ mọi người đều to béo như trong film vậy.
    Người đàn bà tóc vàng đứng sau quầy check-in giương cặp mắt xanh màu trời chiều nhìn chị kinh ngạc, thông báo bằng giọng đều đều, chị đã đến muộn rồi. Chuyến bay của chị đã rời đường bay cách đây năm phút. Chị ngơ ngác. Anh sợ chị không hiểu nên dịch lại, em đã trễ chuyến bay rồi. Chị thẫn thờ hỏi, tại sao? Anh bảo, họ nói rằng cứ ba mươi ngày họ lại đổi giờ bay một lần. Ðáng nhẽ ngày hôm qua nên phải kiểm tra trước với họ. Họ bảo chỉ còn chuyến bay vào sáng mai. Chị tuyệt vọng nói với người đàn bà, tôi muốn được đón giao thừa ở Việt Nam. Tối mai là giao thừa của chúng tôi. Người đàn bà nhã nhặn đáp, chúng tôi rất tiếc... Chị nhìn chằm chằm cặp môi mỏng tô son đỏ cánh sen của người đàn bà liên tục khép mở nhưng không hiểu bà muốn nói gì. Tai chị lùng bùng. Một ý nghĩ duy nhất bay qua đầu chị, vô ích. Họ chẳng thể nào hiểu được đêm giao thừa thiêng liêng như thế nào đối với mình. Nên khi anh kéo tay chị đi, nửa đùa nửa thật, đằng nào thì cũng lỡ rồi. Hay em trả vé ở lại với anh và con. Một tháng coi bộ cũng dài lắm thì chị nhìn anh như nhìn người lạ. Như nhìn người đàn bà đứng đằng sau quầy check-in.
    ***
    Sáu giờ rưỡi chiều, chị tới Hồng Kông. Sân bay Chek Lap Kok mênh mông và lấp lánh ánh đèn. Những hột nước bám trên cửa kính máy bay chảy xuống ngoằn nghèo. Chị nghĩ, chúng giống hệt như nước mắt vậy và chậm chạp thu gom hành lý rời khỏi chỗ ngồi.
    Ðiểm dừng cuối cùng của hầu hết hành khách trên máy bay là Hồng Kông. Giờ này họ đang vội vã ra làm thủ tục nhập cảnh để trở về nhà. Chỉ còn chị và một vài người nữa trên sân bay vắng người. Gần mười lăm tiếng ngồi trên máy bay, thêm chiếc vali xách tay căng phồng đồ đạc làm chị mệt mỏi. Mong ước duy nhất lúc này của chị là được ngả lưng và nhắm mắt ngủ một lát. Chị ngồi xuống một chiếc ghế nhựa dài màu xanh, kê chiếc ba lô dưới đầu và nằm xuống, hai chân phải hơi co lại vì thiếu chỗ và vì lạnh. Chị ngủ được khoảng hơn hai tiếng thì thức dậy vì tiếng nói chuyện. Một ông già và một bà già. Họ nói với nhau bằng tiếng Việt nên lúc đầu chị nghĩ mình đang nằm ở nhà chị Hai. Nhưng khi mở mắt ra chị mới biết là mình nhầm. Chị ngồi dậy, vuốt lại tóc. Hai ông bà già quay sang nhìn chị. Chị hỏi, hai bác cũng về Việt Nam ạ? Trong mắt hai ông bà chị thấy ánh lên những tia sáng mừng rỡ. Họ bảo, vâng, chúng tôi về Việt Nam ăn Tết. Ông già bực bội gỡ chiếc nón két ra khỏi đầu, nhưng chẳng hiểu bọn chúng nó làm ăn ra sao, lại đặt vé cho chúng tôi đúng vào ngày này. Cô thấy đấy, chúng tôi già rồi có biết cái gì đâu, bà già bối rối vò chiếc khăn lụa trong tay, chúng nó thì bận tối tăm mặt mũi. Chúng nó cứ bảo cha mẹ chuẩn bị sẵn đồ đạc đi, đến ngày con lấy vé thì ra sân bay luôn. Nên chẳng kịp xoay trở gì cả. Bà liếc sang ông già, ông nhà tôi cứ cáu giận suốt. Năm mới mà cứ thế thì có xúi quẩy cả năm không. Bà chậm khăn lên mắt, thế cô sao lại ở đây giờ này? Cháu lỡ chuyến bay, chị trả lời, chứ đáng lẽ giờ này cháu đã ở Việt Nam rồi. Bà già đứng dậy bảo, ông ngồi đây nhé. Tôi đi vệ sinh một chút. Ði đi, đi đi. Ông già xua tay. Tôi chỉ có ngồi đây chứ biết đi đâu mà bà cứ dặn với dò.
    Bà già đi khuất vào phòng vệ sinh. Ông già nhìn theo, thì thào, bà nhà tôi nó vô tâm. Chứ tôi thì đau lắm, hai bàn tay ấp trên mũ của ông run run, cái cảnh này nó phản ánh đúng tình trạng của chúng ta cô ạ. Chúng ta là những kẻ tha hương. Chúng ta không phải là công dân Việt Nam nữa nhưng nước Mỹ cũng không bao giờ là quê hương của chúng ta được. Nếu cô vào quốc tịch Mỹ rồi cô sẽ hiểu điều tôi nói. Chị cúi đầu, nói khẽ, cách đây năm năm, cháu đã nhập quốc tịch. Mà nếu chưa nhập cháu cũng có thể hiểu điều bác nói. Ông già buồn bã bảo, chúng nó mất gốc rồi. Chúng nó không hiểu tôi. Vì thế tôi thấy mình lạc lõng. Im lặng một lát chị nói, dù sao cũng được an ủi chúng ta là những người khách đầu tiên xông đất Việt Nam. Ông già lắc đầu, cay đắng bảo, thì cũng chỉ là những người khách thôi, cô ạ.
    Bà già đã quay lại. Bà lục giỏ ra lấy khăn giấy hỷ mũi rọt rẹt. Ông già khuyên, lấy dầu mà bôi vào, coi chừng bệnh đấy. Chị cười, hai bác quan tâm đến nhau quá. Cháu nhìn mà thèm. Ông già nhăn nhó, chúng tôi không quan tâm đến nhau thì còn ai quan tâm cho nữa. Bà nhà tôi coi vậy mà ốm yếu lắm. Mùa đông ở Mỹ là cả một cực hình đối với bả.
    Họ nói chuyện với nhau một lúc thì chị nhìn đồng hồ, bảo, còn mười lăm phút nữa đến giao thừa ở nhà mình. Hai bác đợi cháu một chút nhé. Chị đứng dậy đi về phía các quầy hàng. Tất cả các cửa hàng đã đóng cửa. Chỉ còn duy nhất một quầy rượu còn mở. Nhưng khi chị vừa bước đến cánh cửa cũng sập xuống. Người đàn ông nhìn chị lưỡng lự rồi mở khóa, lấy cho chị một chai rượu vang nhỏ, ba chiếc ly giấy và một ít đồ nguội. Chị bảo, cảm ơn ông. Ông thật lịch sự. Người đàn ông nói bằng thứ tiếng Anh ngọng nghịu. Bởi vì tôi trông thấy cô mệt mỏi lắm rồi và cười.
    Chị và hai ông bà già ngồi hẳn xuống sàn trải thảm, bày đồ nguội trên miếng nylon. Bà già lôi trong giỏ ra hai ổ bánh mì ỉu xìu và hai cây nem chua, mua ở tiệm Ba Lẹ, theo như lời bà già giới thiệu. Chị mở nút chai, rót chất rược thơm phức vào ba chiếc ly. Chị tiếc rẻ, uổng quá, cháu không kiếm được ba chiếc ly bằng thủy tinh. Không thì sẽ có vẻ là tiệc tùng hơn. Bà già thẫn mặt ra một lúc rồi lầm bầm, chẳng hiểu bay giờ chúng nó đang làm gì ở nhà. Bà lại lấy khăn chậm mắt, sao mà tôi nhớ chúng nó quá.
    Ông già lườm bà một cái rồi nâng ly lên cao, rượu sánh vài giọt đỏ óng ra ngoài. Ông e hèm giọng, trịnh trọng "Chúng mừng năm mới hạnh phúc".
    Chị lập lại, chúc mừng năm mới hạnh phúc. Hạnh phúc. Lòng tự nhiên thấy thật dịu dàng và ấm áp.

Chia sẻ trang này