1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những ngày tháng qua

Chủ đề trong 'Mỹ (United States)' bởi TungSon1, 08/12/2007.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. redtear

    redtear Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/09/2005
    Bài viết:
    30
    Đã được thích:
    0
    các pác viết hay quá.
  2. BuiLeNgoc

    BuiLeNgoc Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/09/2005
    Bài viết:
    118
    Đã được thích:
    0
    5 năm qua như một giấc mơ đẹp và kết thúc như một cơn ác mộng
  3. TungSon1

    TungSon1 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/08/2005
    Bài viết:
    225
    Đã được thích:
    0
    Có công mài sắt có ngày nên kim

    Ông bà mình có câu Có công mài sắt có ngày nên kim . Lúc còn bé từ thuở mài đũng quần ở nhà trường , tôi thường nghe các thầy cô nói đi nói lại câu tục ngữ này nhiều lần nhưng tôi cũng chẳng chú tâm đến nó nhiều . Bởi vì chẳng ai bỏ công bỏ sức để mài dũa cục sắt thành cây kim bé xíu . Kim may kim khâu nhìn chúng nhan nhản đâu cũng có , nhất là mấy cây kim cúc ghim sẵn trong cái áo may sẵn ở các cửa hàng , cần chi phải đi mài dũa tạo thành cây kim như vậy .

    Tôi vào hãng ADI này làm cũng gần được cả năm , công việc chính là "modify " mấy cái dụng cụ điện hay đồng đồ điện tử của các loại máy bay trực thăng . Trong số này thường chế tạo tại Mỹ nhưng có một loại đồng hồ đo xăng dầu lại sản xuất của Pháp . Trên mặt đồng hồ này có một cái nút bấm Reset được vặn chặt bằng một con tán bằng sắt hình lục giác có bề ngang chừng sáu ly , đường kính trong bốn ly . Đôi khi các loại đồng hồ gởi vào trong hãng tôi làm lại thiếu mất con tán ốc này , có thể là do chuyên viên tháo ráp của máy hãng máy bay khi tháo mở đã làm rớt ra ngoài , rớt xuống một cái khe máy nào chăng . Mấy cái nút này , linh kiện phụ tùng ở Mỹ không phải là không có , nhưng con tán ốc lại theo kích thước đo đạc bằng đơn vị đo lường theo nước Anh . Nó lôi thôi vô cùng , này nhé một dặm Anh bằng một ngàn mấy trăm Yard , thước Anh . Một yard bằng ba "Foot " (bộ) , một foot bằng 12 inches (đốt ) , một đốt lại chia ra làm 8 vạch nhỏ . Tôi nhớ là khi dắt bà nhà tôi nạp đơn xin việc vào vài hãng may hay hãng giấy lúc làm bài toán đổi qua đổi lại mấy đơn vị đo lường kiểu Anh Mỹ này , bà nhà tôi bực mình lắm la toáng lên . Bởi thế các con ốc con tán Mỹ không thể nào xiết vào vừa vặn vào con tán của Pháp . Con người còn có thể gượng ép kết hợp hôn nhân của hai màu da khác nhau , Mỹ trắng lấy Mỹ đen hoặc Mỹ vàng hoặc ngược lại , nhưng sắt thép chúng cứng lắm , ép chúng xiết vào là chúng nó gãy ngay .

    Không thử được đồ Mỹ thì đành phải đặt hàng mua hàng của chính hãng Intertechnique của Pháp . Người bạn đồng nghiệp sau khi hỏi giá , cho tôi biết một cái nút reset be bé như vậy là gần một ngàn đô Mỹ , trong khi giá cả của một cái nút tương tự như vậy trong sách Mouser chỉ có chừng mười Mỹ kim mà thôi , nhưng con này lại không chui vào cái lổ nhỏ hẹp của đồng hồ đo xăng dầu . Trong hãng ADI này tôi có dư thì giờ , nhàn nhã không biết làm gì bèn lấy một con tán ốc khác , cũng thuộc đơn vị đo lường của Pháp , cùng đường kính trong , nhưng bề dày lại là chín mi li mét . Thế là tôi dùng hai ngón tay kẹp lấy con tán mài trên giấy nhám để chà cho nó mòn đi để cho nó còn đúng sáu ly như mẫu chuẩn ban đầu . Nhưng con tán thì bé , ngón tay tôi to như như chuối sứ , mài tới mài lui mãi cả giờ đồng hồ vẫn chưa suy suyển được bao nhiêu . Lúc này lòng tôi chợt nghĩ đến câu tục ngữ ông bà mình đã dạy : "Có công mài sắt có ngày nên kim ." nên tôi quyết tâm thực hiện bằng được . Theo nghĩa bóng ông bà mình dạy bảo là chịi khó ráng học hành , mai mốt lớn thành công trên đường đời mà . Bạn bè tôi đa số đã thành công , có đứa bác sĩ tiến sĩ , có đứa kỹ sư kỹ siếc riêng tôi vẫn là ông thợ không ra thợ thầy lại không ra thầy , dở dở ương ương bây giờ ngồi đây mài sắt . Được một cái là bây giờ hiện đại lắm , ở nhà tôi thu âm mp3 vào cái USB , truyện hồi ký Thép Đen của nhà văn Đặng Chí Bình vào trong hãng , cho vào máy computer của hãng vừa làm vừa nghe . Nghe đến đoạn ông ta ở trong xà lim ngục tối , tả cảnh đêm tối muỗi mòng bay tới chích ông ta tơi bời . Ông ta lại không có thân nhân vào thăm nuôi bèn đánh cắp hay nhặt được một cây đinh dài năm phân và mài trên nền xi măng suốt bao ngày tháng , cuối cùng thành được một cây kim để có thể tạo thành một cái mùng bằng các mảnh vải vụn mà ông ta lén lượm lặt được trong nhà xí .

    Giọng đọc của ông Trần Bỉnh Nam thật ấm , trầm buồn , qua những đoạn trên không khỏi làm tôi xót xa bồi hồi thương cảm cho người tù xấu số .

    Quả thật sau vài giờ vất vả mài trên mấy tờ giấy nhám , con tán thép đã nhỏ đi khá nhiều , nhưng mấy đầu ngón tay đã trầy trụa rướm máu hồng . Nhưng không sao tôi đã thực hiện được lời cổ nhận dạy : Có công mài sắt có ngày nên kim .

    Bỗng bên tai tôi chợt nghe tiếng cãi vả lớn tiếng của hai người . Họ cãi nhau bằng tiếng Mỹ và nhất là trong lúc hăng say to miệng nên tôi không hiểu họ đang nói gì . Bỏ cái headphone ra khỏi đầu tôi trông thấy ông xếp da đen người Kenya đang múa tay , giọng to hẵn ra :
    "Tao không thích mày , mày vô đây nói vậy là làm sao . Tao năm nay ba mươi mấy tuổi đầu mà mày nói tao hey you guy babies , tao như vậy là bế bi của mày à ? "

    Tôi không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra làm sao , bỗng thấy ông Mỹ trắng , David cứ sấn tới , giọng to lớn tiếng không kém gì ông Mỹ đen xếp tôi . Thấy vậy đám tech tụi tôi bèn đi tới , kẻ nắm tay người nắm vai lôi hai người ra . Một anh đồng nghiệp tên là Javier sau khi đẩy anh Mỹ trắng ra cái phòng làm việc tech shop của chúng tôi quay sang hỏi tôi :
    - Andy , you có nghe được câu chuyện đầu đuôi ra sao không , có nghe được thằng David biểu thằng Philip là bế bi không ?

    Ông bà mình có dạy rằng trâu bò húc nhau , ruồi muỗi chết lây . Tụi Mỹ mà có đấm đá nhau , mình người Á Đông nhỏ con chớ có dại gì mà chạy vào can chúng nó . Một quả đấm của chúng nó tuy không bằng Mike Tyson hay Holyfield võ sĩ vô địch quyền Anh hạng nặng , nhưng cũng không thua kém chúng nó là bao nhiêu nên chớ dại gì đâm đầu vào .

    Biết thân biết phận tôi cười mỉm :
    - You không thấy tao đang nghe nhạc hay sao ?

    Hắn thắc mắc hỏi thêm :
    - You nghe cái gì vậy ?

    Tôi bình thản đáp lại :
    - Ồ ! Là bản The Winner take it all của ban nhạc ABBA đó .

    5/12/2009

    Lễ Tạ Ơn

    Sau thánh lễ Tạ Ơn vào ngày thứ Năm , Trân đứa cháu gái con cô em thứ năm của tôi gặp chúng tôi ở cuối nhà thờ hớn hở nói :
    - Năm nay ăn Lễ Tạ Ơn ở nhà bác hả ?

    Tôi chưa kịp trả lời thì bà nhà tôi vội đáp ngay :
    - Ở nhà bác có sao đâu , năm nào chẳng vậy . Nhưng mà ...
    - Mà cái gì hả bác ?
    - Bà nội cháu từ bên Cali qua Texas thăm cháu cả tuần rồi , mà gia đình cháu không làm cơm đãi khách bữa nào . Cháu biết không , người Bắc xét nét từng chút một . Thế nào bà nội cháu cũng trách móc cho mà coi , mẹ chồng qua thăm mà chúng nó không đãi tao một bữa . Cháu với em trai cháu thì không sao , nhưng với má cháu thi` ...

    Cháu Trân vừa tốt nghiệp đại học bên Cali , học về ngành truyền thông và nghệ thuật . Nếu như ở Cali cháu có thể dễ dàng kiếm được việc làm theo đúng khả năng và nghề nghiệp , nhưng bên Texas ngành này lại không nhiều . Cuối cùng cháu tìm được một công việc chụp hình đám cưới cho một tiệm chụp hình nho nhỏ với đồng lương tối thiểu khiêm nhường .

    Lan cô em tôi góp ý :
    - Hay là em làm món mì xào và hoành thánh nhé . Còn món gà tây nhờ anh An đầu bếp chính nấu dùm .

    Thông thường nếu bạn đi làm trong các hãng xưởng Mỹ vào mùa Lễ Tạ Ơn công nhân viên thường được thưởng một trong ba thứ , gà tây sống đã làm sạch , bỏ đông đá , ham thịt nguội hoặc gà tây nguyên con đã ướp khói nướng sẵn . Những lần đầu tiên tôi hay chọn loại thịt heo ham . Nó nặng chừng hai kí , mang về ăn vài miếng là ngán . Có người chỉ cách biến chế thịt nguội này thành nem chua nhưng ăn cũng chẳng ngon lành gì . Những lần sau bà nhà tôi biểu tôi chọn gà tây nguyên con chưa pha chế . Lần này tôi có sẵn trong tay cuốn cẩm nang nấu nướng của bà Triệu thị Chơi nên tôi làm món Gà Tây Hấp Gừng , và cứ thế mỗi năm thay đổi một chút cho mới mẻ , Gà Tây Hấp Cải Bẹ Xanh , Gà Tây Xối Mỡ .

    Tôi đang suy nghĩ không biết năm nay làm món Gà Tây hấp giống chi cho ngon thì bà nhà tôi đưa ra ý kiến :
    - Thôi ông ơi ! Năm nào cũng xơi món Gà Hấp của ông , ngán tới cổ . Năm nay tui đã đưa cho thằng con trai lớn của mình đó rồi . Nó biểu là gà tây phải đem chiên mới ngon .

    Đúng 5 giờ chiều như đã hẹn nhau trước , mọi người tụ tập đầy đủ chỉ trừ cậu con trai tôi và cô bạn gái của nó . Các món ăn đã sẵn sàng bày biện trên cái bàn gỗ hình bầu dục . Mì Canada xào tôm trộn với nấm vua (King mushroom) , . Đĩa khoai tây nghiền nhuyễn bên cạnh là xốt gravy nâu vàng thơm ngát . Nhìn thấy mọi người đang nôn nóng nhập tiệc mà đợi mãi vẫn không thấy thằng con trai tôi tới .

    Bà nhà tôi vội gọi điện thoại di động cho nó . Hai mẹ con chuyện trò môt chốc , bỗng thấy bà nhà tôi quay mặt sang nói với mọi người : " Nó biểu ăn trước đi, chừng tiếng nữa nó tới .

    Bữa tiệc Tạ Ơn chỉ trông mong vào món Gà Tây là món ăn chính , mà nó biểu cả nhà ăn tiệc trước đi . Thôi đành chờ chúng nó đến .

    Mãi hơn sáu giờ nghe tiếng bấm chuông , các em nó vội vàng mở cửa , giúp anh chúng nó khệ nệ khiêng con gà tây vào nhà và đặt ngay ngắn trên bàn ăn .

    Thịt gà tây chiên mềm ngọt dịu không nhạt nhách như món gà tây tôi hay làm .
    - Gà tây này con ướp gia vị ra sao chỉ cho bố cách làm ?

    Huy vội chỉ sang cô bạn nó :
    - Bố hỏi nó đó , nị làm cách nào ?

    Với giọng nói Việt lơ lớ , Phượng hớn hở nói :
    - Bác cho vị ướp con gà , "dồi" thêm hành tỏi , cho hết vào cái kim chích dưới da con gà "lày " . Chừng đâu một tiếng bác cho hết con gà vào nồi thiệt to . Trước đó bác dùng dầu đậu phọng chiên thiệt sôi há . Chừng đâu nửa tiếng là được . Dọn ra ăn ngon lắm .

    Chừng nửa giờ chúng tôi đã ăn xong , thức ăn vẫn còn ê chề đầy trên bàn . Mỗi món ăn chúng tôi chỉ nhấm nháp vài miếng cũng đủ no và thấy ngán . Ăn xong chúng nó bảy tám đứa quây quần ngồi ngay xuống nền nhà mở ra những trang báo quảng cáo của các cửa tiệm on sale , đại hạ giá vào ngày mai , một ngày thứ Sáu Đen mà người Mỹ gọi là the Black Friday .

    Ngày Lễ Tạ Ơn chính thức được ấn định vào ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 . Sau ngày này các cửa hàng cửa tiệm như Fry 's Electronics , Best Buy , Sear , Wal-mart thi nhau đại hạ giá nhiều mặt hàng . Giờ mở cửa tuỳ chỗ có nơi mở từ 6 giờ sáng và chấm dứt vào 11 hay 12 giờ trưa . Số hàng được mua với giá hời như vậy nên dân Mỹ đã phải xếp hàng trước các cửa tiệm vào lúc nửa đêm . Vào những ngày này trời thành phố Fort Worth rất lạnh , nhiệt độ ban đêm thường là vài độ C hay chừng trên dưới 40 độ F .

    Hai vợ chồng từ giã mọi người để về nhà và không quên mang theo một mớ thịt gà tây cho hai con chó cưng của con chúng tôi . Trước khi đi ngủ bà nhà tôi dặn đi dặn lại :
    - Nhớ nhá , ông có đi đâu thì đi , đừng có gọi tui vào năm sáu giờ sáng .
    - Chớ bà không đi mua hàng hạ giá à ?
    - Không , giờ đó tui đang ngủ say . Seo siếc gì !

    Gần năm giờ rưỡi sáng tôi xách xe chạy qua chợ Walmart , tôi tưởng giờ này chỉ có mấy người . Ai dè nguyên cả cái sân đậu xe rộng thênh thang không còn chỗ để đưa xe vào . Tôi nghĩ thầm : " Cả ngàn người vào mua hàng on sale , những thứ mình cần chắc chả còn chi . " Nghĩ như vậy tôi bèn chạy qua bên tiệm Pepboy . Đó là một cửa hàng bán vài vật dụng cho ô tô . Tôi trông thấy chỉ có vài người Mỹ đứng chờ giờ mở cửa . Họ chỉ mặc chiếc áo thun dầy , quần jean trong khi tôi khoác hai ba cái áo len thật dầy .

    Đúng sáu giờ cửa hàng mở cửa , chúng tôi thủng thẳng bước vào tìm những món hàng mình cần . Theo như lời yêu cầu của bà nhà tôi là nhà đang cần một cái lều để che cho mấy cây cam quýt khỏi bị băng giá bao phủ vào những ngày mùa đông băng tuyết .
    Trước đó một tuần cái lều bốn chân chúng tôi mua ở chợ trời Mayfield bị gió bão thổi sập gãy cả mấy cái cẳng , dù rằng chân cẳng lều bằng sắt . Tôi cam đoan với các bạn là lều này Made in "Nước Lạ " . Bạn muốn biết "nước lạ" này là ai là nước nào , bạn cứ vào các trang mạng lưới , tìm vào các chữ tàu nước lạ hay vào biển nước ta thì sẽ rõ .

    Giá một cái lều để che xe là 180 đô , on sale 150 đô . Khi mang ra xe tôi phải nhờ đến một nhân viên người Mỹ khiêng ra phụ . Cái thùng chứa cái lều đo tôi ước đoán nặng đến 70 kí lô . Đến trưa trời có nắng nên khá ấm áp . Tôi bèn gọi hai cô con gái tôi ra sân sau để dựng ráp cái lều . Lúc mở cái thùng ra , tôi thấy cả trăm cái cọc thép dài ngắn đủ cả . Nào là đinh ốc bù lon , tán , long đền được gói trong những cái bịch ni lông to nhỏ . Ngày xưa còn có cậu con trai lớn nên hay nhờ vả nó . Bây giờ nó có nhà riêng và ở chung với cô bạn nó . Người ta thường hay nói : Không có chó thì bắt mèo xơi, không có trâu cày thì bắt bò thế cũng được . Hai cô gái con tôi cũng khéo lắm , chúng giở tờ giấy chỉ dẫn bằng tiếng Anh , trong đó các loại cọc sắt nào nằm đâu , ở vị trí nào đều có in mực sẵn . Tôi cứ việc dùng mỏ lết xiết mấy con bù long vào . Theo lời hướng dẫn , chúng tôi ráp cái khung sắt nóc lều trước , xong rồi nối thêm mấy cái chân . Cuối cùng tôi phải nhờ cả nhà năm người ra dựng lều . Sau khi dùng cọc neo sắt giữ chặt mấy cái chân xuống nền đất , bà nhà tôi dùng tay lắc lắc vào sườn lều , rồi khen :
    - Chắc thật , đúng là tiền nào của nấy . Nhưng bây giờ trời sắp tối rồi , mọi người vô nhà nghỉ ngơi rồi mai hãy làm tiếp .

    Sáng sớm hôm sau tôi ra ngoài sân , đứng nhìn cái sườn lều . Trông nó có vẻ chắc chắn lắm . Loại này dùng để che cả chiếc xe hơi , sao lại không vững chải . Công việc còn lại chỉ là dùng bạt che phủ chung quanh là xong . Cái lều có kích thước 10 X 20 feet , nghĩa là chừng 3,3 X 6,6 mét . Cao hơn hai thước . Tôi vất vả khi trùm tấm vải căng cho toàn thể cái lều . Trời bắt đầu trở gió với những cơn lốc tăng tốc từ từ . Lều bắt đầu kêu lên những tiếng vỗ phành phạch của tấm bạt va chạm vào nhau .

    Bà nhà tôi từ trong nhà bước ra ngoài vườn xem xét , nghe thấy tiếng va chạm soàn soạt , lắc đầu :
    - Tưởng ông xây cái lều chắc chắn vững vàng làm sao , chớ cái điệu này nó phành phạch cả đêm chẳng những tui không ngủ được mà hàng xóm láng giếng cũng không thể nào chịu được .

    A! Thì ra cái lều có vấn đề , không hiểu tại vì nó chế biến khéo hay là tay thợ nhà nghề căng lều quá giỏi của tôi . Tôi đưa ra một sáng kiến :
    - Hay là có sẵn cái khung sắt mình chỉ việc mua thêm ván ép đóng chung quanh . Đảm bảo với bà cái lều này không bao giờ khua vang nữa .

    Bà nhà tôi đi xung quanh cái lều chứa xe , xem xét hồi lâu rồi nói :
    - Cái khung này bằng thép , nó lại tròn . Hổng biết ông có khoan nổi nó hay không , bắt gỗ vào sắt . Tui nghĩ là ông mà sờ vô lợn lành hóa lợn què thôi . Thôi tui đề nghị như thế vầy .
    - Thế vầy là thế nào ?
    - Thì tháo chúng nó xuống rồi mang đi trả .

    Nhìn cái lều vất vả công lao hai ngày trời lắp ráp của mấy cha con chúng tôi . Tôi không nỡ đành lòng , nhưng biết sao . Bây giờ mình tháo nó xuống , hình hài còn nguyên vẹn , hi vọng còn ra lấy lại tiền . Còn như mình hò khoan hò đục thì có lẽ chỉ nhận lấy sự từ chối của cửa hàng mà thôi .

    Bạn nào có làm công tác xây dựng mới hiểu được điều này . Xây một cái nhà phải mất nhiều ngày , nhưng khi phá nó đi không tốn thời gian là bao nhiêu . Bởi vậy chỉ hơn hai giờ tôi đã hạ cái lều xuống mặt đất . Lúc xếp những cái thứ linh tinh vào trong cái thùng , tôi nhận ra một điều là cái thùng trở nên quá nhỏ , nhét vô nhét lại vẫn thấy dư vẫn thấy phồng lên một khúc . May thay cô Lan em tôi chạy xe tới nhà tôi chơi , thấy tôi loay hoay với cái thùng chứa lều , bèn góp ý :
    - Anh cứ để em , anh vô nhà nghỉ ngơi đi . Chuyện này là chuyện nhỏ .

    Chừng đâu một giờ sau , tôi trở ra xem công việc đóng thùng đến đâu rồi và nhận thấy cái bạt lều cọc to cọc bé đã nằm gọn trong cái thùng giấy ca tông .
    Tôi ngạc nhiên hỏi :
    - Làm cách nào mà cô xếp chúng nó vào hết vậy ?

    Cô em tôi cười ngọt ngào :
    - Bí mật nghề nghiệp , hổng nói được .

    Ngay lúc ấy bà nhà tôi nói xen vào :
    - Cô em ông lúc trước chuyên đi lãnh quà ở phi trường Tân Sơn Nhất . Hải quan mở ra kiểm hàng xong mình phải sắp xếp vô cho gọn gàng .
    - Chi vậy ?

    Cô em tôi cười :
    - Để mang đi bán chớ sao .

    24/12/09

    Năm Bính Cọp

    Con bé Linda nhà tôi đang học lớp 6 Việt Ngữ tại nhà thờ giáo xứ tôi . Những ngày thường tôi thường hay bảo cháu Chủ Nhật này có bài tập tiếng Việt không . Nó nhe răng ra cười :
    - Không có bố .

    Nhưng đến sáng chủ Nhật lúc 10 sáng tôi đang nằm nướng trên giường , cháu Linda từ ngoài bàn ăn gọi vọng vào :
    - Bố !bố ! Bố thức hay ngủ vậy ? Con cần bố giúp .

    Lười biếng tôi nói với giọng ngái ngủ :
    - Bố đang còn ngủ , cần gì gọi má nè , bà bà ra giúp nó làm bài tập tiếng Việt .

    Tiếng con Linda thúc bách hơn :
    - Không , con cần bố vẽ con cọp .

    Tôi quay sang bà nhà tôi vẫn còn đang rúc vào cái mền mỏng :
    - Tối qua nó nhờ tôi dịch bài luận văn của nó tả về cái Tết Việt Nam . Tôi nhớ là " Năm hết Tết đến pháo nổ đì đùng , em nghe tiếng chuyện trò râm ran ngoài nhà , làm em không ngủ được . Khi em tỉnh giấc hỏi mẹ mới biết là năm nay là The Year of Tiger . Tui biết tiger dịch ra là năm con cọp nhưng mà tiếng Việt họ gọi theo lịch Tàu là ... Tỉ dụ tuổi bà Kỷ Hợi hay như tui tuổi mèo là Tân Mão . Bà ngẫm nghĩ một lát biểu là năm Bính Cọp . Tui vào mạng lưới tìm mãi mà chả thấy năm Bính Cọp . Vậy bà ra ngoài vẽ cho con bé Linda con Bính Cọp đó đi .

    Bà nhà tôi ngái ngủ miệng lẩm bẩm :
    - Thôi kệ bố con nhà ông . Cọp với bính cọp .

    Tôi vén mền bò ra ngoài phòng . Con bé Linda đang hí hoáy chép lại bài chuyển ngữ từ bài luận văn nó viết bằng tiếng Anh sang lời Việt .

    - Bố biểu con hoài . Thời buổi này học hành vô cùng dễ hơn thời bố đi học . Ngày xưa bố học thầy giáo biểu vẽ con voi . Thế là bạn bè với bố chui lỗ chó vào Sở Thú Sài Gòn để tìm gặp con voi rồi vẽ hình nộp bài cho cô giáo . Báo hại hôm sau mấy đứa học sinh như bố bị thầy tổng giám thị Tuân gọi lên văn phòng phạt đánh đòn .

    Con bé Linda nhà tôi xoe tròn đôi mắt :
    - Sao thầy giáo gì mà dữ vậy . Thế thầy đó đánh vào tay bố có đau không ?

    - Đau chớ , để bố dùng thước kẻ đánh vào tay con xem có đau không ?

    Nó lè lưỡi rồi chỉ vào bài làm :
    - Bây giờ con bận lắm , bố vẽ giúp con hình con cọp , nhất là hình con cọp nào đang nằm .

    Tôi bèn dùng cái laptop vào ngay trang Yahoo đánh vài chữ " tiger image pictures " . Lập tức trang màn hình hiện ra đủ loại hình chụp , đủ thứ hổ cọp , từ giống cọp Bengal đến cọp Mông cổ thấp cổ bé mồm đến cọp Khánh Hòa Phú Yên .
    - Sao con chọn hình nào , có cái chỉ có cái mặt con cọp , có cái nó đang nhảy đang vồ .

    Linda suy nghĩ một chốc rồi chỉ ngay vào tấm hình hai con hổ con sinh đôi đang đứng ngơ ngáo . Chắc chúng đang nhớ mẹ nên ngơ ngác đứng nhìn .
    - Đây bố vẽ giúp con vẽ con cọp này .

    Tôi dùng bút chì phác họa theo hình chụp trong màn hình . Đầu tiên vẽ mặt con cọp con . Nó có dạng hình tròn , thêm đôi tai , đôi mắt cái miệng rồi tô thêm vài cái vằn đen trên khuôn mặt lông trắng .

    Bỗng nhiên bà nhà tôi không biết từ lúc nào đã đứng xem tôi vẽ , rồi lên tiếng :

    - Tui coi ông vẽ mặt con cọp sao giống hình mặt người ta quá . Giá như mà có thằng Huy con trai lớn có mặt ở đây nhờ nó vẽ bảo đảm là giống y trang . Thôi hay là gọi con Kim thức dậy . Kim à , Kim dậy nhanh lên rồi ra vẽ giùm con Linda con cọp đi con .

    Không đầy năm phút con Kim nhà tôi ngoặc ngoặc vài cái đã thành hình đầu cọp .

    Bà nhà tôi gật gù :
    - Thế mới giống hình con cọp , ai như cha con nhà ông vẽ cọp ra hình người . Ông xem đứa nào thuận tay trái giống tui đều khéo tay .

    Con bé Linda xen vào :
    - Vậy má thuận cả hai tay hả má ? Con thấy má viết bằng tay phải mà .

    - Đúng vậy . Má viết bằng cả hai tay , nhưng tay trái má viết không đẹp . Ở Việt Nam thời đó thầy giáo cô giáo không cho học trò viết bằng tay trái .

    Con bé thắc mắc không chịu thôi :
    - Sao vậy má ?

    Trông thấy nhà tôi ấp úng không biết trả lời sao , tôi giải thích thế :
    - Bởi vì bên Việt Nam lớp học thường kê những cái bàn dài như vầy nè . Mỗi cái bàn có thể có năm sáu hoặc có đến mười học trò ngồi . Con cứ nghĩ xem ngồi sát sàn sạt như thế tay phải đứa này đụng tay trái đứa kia , nếu mà viết tay trái sẽ đụng nhằm tay phải đứa kia . Con cũng biết mà ngồi mà đụng chạm như vậy tụi học sinh thế nào cũng hục hặc với nhau ngay . Thế là cô giáo thầy giáo ra lệnh tất cả đều phải dùng tay phải để viết .

    Buổi chiều đó trong cữa cơm chiều bà nhà tôi hỏi con bé Linda :
    - Sao cô giáo có chấm điểm bài làm với cái đầu cọp đó không ?

    Linda dửng dưng đáp :
    - Có má , hình đó sẽ dán vào tờ bích báo của lớp con .

    Hôm đó lại có hai mẹ con cô em tôi tới chơi . Ăn xong chúng tôi quây quần trong phòng khách gia đình . Huy con trai lớn tui đang chỉ cho các em nó cách chơi một loại game mới . Nhìn vào trong màn chiếu ti vi tôi nhìn chúng nhảy nhảy giống như game Mario từ thuở những năm 80 . Nhưng loại này khá mới mẻ hơn tân tiến hơn , chúng nó chơi bằng một loại control vô tuyến không dây . khác với cái loại có dây Nintendo , lâu lâu cứ phải ghé miệng thổi phì phì vào cái hộp game .

    Cậu con trai tôi năm nay gần 30 tuổi , trông to lớn đẫy đà hơn tôi . Nhớ lại những ngày nó cùng với bà nhà tôi những ngày đầu năm 1989 mới sang Mỹ nó bé tí xíu .

    Tôi bùi ngùi và tươi cười nói với bọn chúng con tôi :
    - Hồi đó lúc anh Huy các con mới sang , lại vào ngay Tết đầu năm , bố chở má và Huy về thành phố Oklahoma ăn Tết chung với các bác con . Trên đường về Texas Huy cứ nằng nặc đòi mua : " Bố bố ,về dưới nhớ mua gum cho con . " Lúc ấy bố đang lái xe bèn ậm ừ :" Tí nữa khi nào gần tới nhà bố ghé vô cây xăng mua cho ." Khi từ cây xăng trở ra với nắm kẹo xinh gum đủ loại , đưa cho anh Huy , nó dẫy nẫy vùng vằng không chịu : " Không phải gum này , cái gum mà có thằng người nhảy nhảy như vầy . Lúc đó mới biết là nó đòi game thằng người Mario . Dạo đó bố đi làm lương có vài đô một giờ , mướn phòng apartment tiền này tiền kia đâu có dư dả để mua game cho nó . Mãi đến một hai năm sau nhân ngày sinh nhật nó , má nó mua cho nó .

    Nhìn sang cháu Trân ngồi chăm chú trên màn hình , tôi hỏi han :
    - Nghe nói cháu đi dạy kèm cho bọn học sinh trường Northside , rồi hôm qua bỏ tiền mua kẹo bánh cho tụi nó . Tiền đó của cháu hay của nhà trường .

    Trân nhoẻn miệng cười :
    - Tiền lương của cháu đó bác . Mình muốn thưởng tụi nó nên thỉnh thoảng mua kẹo bánh mang vào lớp . Hễ đứa nào có tiến bộ thì thưởng có cục kẹo , đứa nào khá hơn thưởng cho bịch chíp .
    - Thế ban giám hiệu nhà trường có nói gì không , họ có cấm ăn kẹo bánh trong lớp không ?
    - Họ cũng cấm nhưng cháu dặn dò tụi nó ăn xong rác rến phải bỏ vào thùng rác . Nếu có gì cháu phải chịu trách nhiệm . À bác An ơi ! Hôm kia cháu có nói chuyện điện thoại với bác Thân bên Việt Nam , bác Thân hỏi cháu đi dạy học hả rồi dặn dò là đừng bao giờ nói tụi học sinh của mình là học ngu học khờ . Xong một lát bác hỏi cháu đang dạy toán lớp mấy , cháu bảo lớp sáu , dậy cho bọn mười một mười hai tuổi , rồi cháu bảo đang chỉ cách tụi nó cách làm toán cộng trừ sao cho đúng . Bác Thân mới hỏi gặng lại :" Lớp sáu mà chưa biết làm toán cộng trừ à . Ngu thật . "

    Tôi mới thuật lại câu lại câu chuyện hồi lúc về Việt Nam có chuyện trò với chú Thân , em thứ tư của tôi . Chú ấy dạy về lập trình cho sinh viên đại học . Chấm điểm thi cho 125 đứa và đánh rớt đủ cả 125 mạng .
    Lúc đó chú Thân cũng biểu bác là chúng nó ngu lắm mà .

    Thế là những lần sau bạn đồng nghiệp của chú ấy không dám mời chú chấm thi nữa .

    12/1/2010

    Chuỗi hạt xoàn giáp cúc

    Chiều thứ sáu bầu trời thành phố Fort Worth mây đen kéo đến che phủ mọi nơi . Vài giọt nước mưa vội vàng bắn tung tóe trên mặt kiếng xe . Tôi bước nhanh vào văn phòng bảo hiểm gần khu chợ Việt Nam tôi ở . Chị Thu Trúc ngồi thơ thẩn trên cái bàn gỗ , chợt nhìn thấy tôi , cười tươi và chào hỏi :
    - Chào chú , hôm nay Thu Truc' giúp gì cho chú đây ?

    Tôi mỉm cười chào lại , mở xấp giấy báo lôi ra một tập hồ sơ bảo hiểm nhà đặt lên bàn làm việc của cô ta .

    - Chị Trúc ơi ! Cách đây hơn tháng , tui có " claim " với hãng bảo hiểm của chị là mái nhà tui bị gió lớn , wind damage . Hãng bảo hiểm cho người xuống định giá rồi đền tui có ba ngàn . Chị coi xem , ba ngàn đâu có đủ tiền để lợp lại mái nhà . Này nhá , theo bản định giá thì mái nhà phải đền là 9000 đô , trừ tiền Less Non Recover Depreciation 4000 , còn năm ngàn , trừ tiền " deductable một phần trăm 2000 . Rốt cuộc đền tui có ba ngàn thôi . Tui đưa cái hồ sơ bảo hiểm này cho thằng con trai tui đọc suốt tuần nay , rồi hai cha con tui mò mày mãi mà vẫn không thấy cái khúc nào đoạn nào nói về cái khoản trừ " Depreciation " , chị chỉ cho tui xem .

    Chị Trúc đang nở nụ cười bỗng tắt lịm , nói trơ ra :
    - Ảnh đọc có hiểu không ?
    - Chắc hiểu chút chút , nó mới học xong .
    - Học xong lớp ESL à ?
    - Không phải , tốt nghiệp Master về " Computer Network "

    Nghe tôi nói , cô ta không cười nữa , mở hồ sơ nhà xem xét . Lớp ESL có nghĩa là English as a second language . Môn Anh văn để dạy cho những người vô Mỹ mà khả năng nói viết Anh Ngữ còn hạn hẹp . Master là bằng Cao học , bây giờ ở Việt Nam gọi nôm na là Phó Tiến Sĩ .

    Tôi biết chị ta ngang cỡ tuổi con tôi , mới qua Mỹ chừng hơn chục năm , ngày xưa cũng học lớp ESL và có thời đi làm chung hãng phôn Nokia đứng dây chuyền cùng với bà nhà tôi . Sau vài đợt sóng gió biển dâu , hãng xưởng ở Mỹ thi đua nhau cho công nhân nghỉ việc laiđoff , chị ta khéo léo xin vào thư ký cho một hãng bảo hiểm .

    Trong hãng điện tôi làm bây giờ , ông xếp bày đặt ra cái lệ mới . Mỗi chiều thứ Năm , téch ni sơn tụi tôi thay phiên nhau để " Cross training " , có nghĩa là huấn luyện lẫn nhau . Anh Smith giỏi về cái mạch điện "transmit " để chỉ cho người khác biết , ông Brown biết về máy chỉ cao độ cũng vậy . Đầu tiên một anh Mỹ , tên là Paul chỉ cách cho chúng tôi biết cách cột bó dây ... điện , làm sao để bó lại những sợi điện , mà anh ta nói rằng rất có ích trong việc gọn gàng trong hệ thống điện máy bay . Một anh khác chỉ dạy lại cách đọc trị số các điện trở resistor trong mạch điện . Chuyện này làm chúng tôi bực mình lắm . Cách đây mấy chục năm đi học lớp điện tử căn bản , anh nào mà chẳng học cách đọc này , black là zero , brown là một . Bây giờ lại lôi ra mấy thứ cũ xì cũ xiếc ra làm trò . Đến một tuần đến phiên tôi , tôi đề nghị với họ là dạy về ESL , dù sao hồi bên đảo Galang thời còn tị nạn tôi cũng là thầy dạy ESL cho đồng bào tị nạn . Tụi Mỹ nghe ESL hỏi nghĩa là gì , biết được họ phá lên cười ầm ĩ cả phòng . Một anh đầu đen nói tiếng Anh cà ngọng cà ngọng dạy tiếng mẹ đẻ cho họ .

    Sau một lúc lật qua lật lại hồ sơ bảo hiểm , những trang giấy tiếng Anh mờ mịt những chữ là chữ , cô Thu Trúc sờ càm nói :
    - Cháu coi mãi cũng chẳng thấy , nhưng như cháu đã nói . Nếu như chú mua bảo hiểm nhà với giá cao thì bảo hiểm đền cho chú 100 phần trăm . Còn như bây giờ chú muốn mua thấp , giá nhà bảo hiểm cho là 250 ngàn , chú mua có 170 ngàn , bảo hiểm đâu có đền đủ đâu .
    - Cô nói sao vậy ? Năm ngoái đi mua nhà , nhà băng gọi xuống hãng bảo hiểm cô , bảo tôi mua . Căn nhà được bảo hiểm đến 220 ngàn cơ mà .

    Cô Thu Trúc nghiêm giọng :
    - Theo như cháu biết , trên tờ giấy kê khai "Itemize" thì nó không có chữ " Replacement Cost " . Không có những chữ này thì bảo hiểm sẽ khấu trừ tiền hư hao . Mái nhà chú cũ , xây chục năm rồi , nên giá trị chỉ còn phân nửa thôi .

    Nghe cô ta nói luyên thuyên một hồi , tôi bèn bảo :
    - Vậy thì bây giờ cô coi một số hồ sơ , xem xem có anh nào đề chữ " Replacement Cost " cót cót gì đó không ?

    Tôi đứng bên cạnh nhìn thoáng qua bàn tay cô Thu Trúc , bấm tới bấm lui trên màn hình computer .
    - Hổng có chú . Thôi bây giờ chú về nhà , chú gọi cho văn phòng chính hãng bảo hiểm , trình bày sự việc với họ . Hôm nay là chiều thứ Sáu giờ này họ chắc đóng cửa rồi , thứ Hai chú gọi cho họ .

    Ra ngoài đường , lòng tôi cảm thấy buồn tưng tức làm sao . Kỳ này chắc phải đi kiếm hãng bảo hiểm khác mà mua . Nhưng mà , các hãng bảo hiểm khác khi giở hồ sơ nhà của tôi ra , trên computer sẽ hiện ra dữ kiện , biết mái nhà hư hỏng không biết họ có bán cho hay không .


    Trên bàn ăn nhà bếp , bà nhà tôi bày biện vài đĩa thức ăn . Một đĩa rau cải ngọt luộc , một đĩa dưa leo , một khúc cá yellow bass kho còn sót lại , một đĩa gà ram , một đĩa thịt paté chiên , một đĩa đậu hũ chiên và một tô nước rau .

    Con Linda nhà tôi ngắm nghía mấy cái đĩa trên bàn , nói :
    - Má má ! Hôm nay hổng có thức ăn mới hả má ?

    Nhà tôi thức ăn ăn không hết , cất vào trong tủ lạnh . Từ thứ Hai hai món cho đến thứ Sáu thì đã năm sáu món . Tôi chỉ ăn rau với cá thôi , mấy món kia để dành cho họ .

    Thy , đứa con thứ hai tôi cầm đũa khuấy khuấy mấy cọng rau luộc , cười tươi nói :
    - Má , má ! Điểm thi MCAT về rồi .

    Hai tháng qua tôi thấy con bé Thy lúc nào cũng ôm cuốn sách luyện thi MCAT . MCAT là chữ viết tắt của Medical College Admissions Test , bài thi vào trường y khoa cho Mỹ và Canada . Cuốn sách dày cộm , dày hơn bảy tám cuốn Đại Đường Song Long tôi đang luyện , tôi có coi thử . Mở ra tôi tá hỏa tam tinh , nào là các phương trình đại số x y , công thức hóa học C cộng H cộng N gì quá xá , các mạch điện r , i chạy loạn xạ . Thấy mặt mày nó lúc nào cũng đăm chiêu . Hôm nó đi thi về , nhăn nhó : " Bài thi gì mà dài quá , thi đến năm tiếng đồng hồ . " Tôi an ủi : "Hông được lần này thì lần sau ." Lúc đó nó thở dài : " Lần này là lần thứ hai bố , lần thứ nhất kết quả chưa về . "


    Khi trước tôi nhắc đến cậu Vinh Xằng (Vincent) con ông anh vợ tôi , nó thi MCAT được 35 điểm và được mấy trường y chấp nhận , mặt nó không nói nhưng tôi biết nó có nhiều nỗi lo lắng , ưu tư .
    - Điểm được bao nhiều hả con ?

    - Hai mươi bảy bố .

    Tôi không rành lắm về bảng điểm này . Nhưng tôi cũng biết là điểm trung bình . Cô Thu con ông anh vợ tôi , bác sĩ chuyên khoa ung thư lần đầu tiên thi MCAT cũng chỉ có 25 . Lần sau thì tôi không biết , chắc hơn ba mươi .

    Bà nhà tôi xen vô :
    - Thế con có pass không ?

    Con bé Thy nhà tôi nói :
    - Bây giờ con phải học cho xong năm chót , đồng thời nộp điểm GPA và điểm MCAT cho các trường y .

    Bà nhà tôi nói :
    - Khi nào con biết con pass .

    Tôi bèn cắt nghĩa chữ PASS cho bà nhà tôi , đây không phải là đậu hay đỗ , mà là do các trường y họ sẽ tuyển sinh . Anh nào hay chị nào giỏi , điểm nào cao thì họ sẽ lựa chọn .

    Bà nhà tôi gắt lên :
    - Ông làm như tui không biết . Tui nói con Thy nó hiểu , giải thích rồi . Đâu cần ông phải nói lôi thôi .


    Như thằng lớn hồi xưa bảo đi học mắt học răng , ai khuyên cũng hổng chịu . Đó bây giờ vô hãng làm , mai thấy người này bị laid off , mốt thấy người kia nghỉ việc . Ai nấy đều có mười mấy năm thâm niên mà còn bi. huống gì nó .

    Con Thy cười :
    - Thì ảnh năm nay ghi tên đi học thêm về Biology , nhưng ảnh tính học về mấy con cho' con mèo gì đó , nhưng chị Phụng vợ sắp cưới của ảnh hổng chịu , bảo là nhà mới mua cả hai trăm ngàn , chỉ sao trả nổi .

    Tôi cười lái câu chuyện qua ngả khác :
    - Bây giờ mà bà nuôi tui thì ....thì tui cũng đi học bác sĩ mắt . Đừng nói mắt chứ mũi răng tóc tiếc học hết . Chứ vô mấy trường chuyên khoa chắc hông nổi .

    Cả nhà đều cười ầm lên .

    Khi cơm tối xong , chợt nghe tiếng điện thoại vang lên :
    - Anh An đó hả ! Em là Chu đây , anh có rảnh qua nhà em tối nay hát karaoke . Hôm nay có thêm vài người bạn cỡ tuổi em . Chị Ba hớt tóc đầu ngõ , anh Tư làm nail cuối xóm .

    Tôi nói lời cám ơn :
    - Mấy giờ mới hát dzây anh ?
    - Chín giờ .
    - Trời đất , giờ đó tui sửa soạn đi ngủ rồi .
    - Ngủ chi mà sớm dzậy ?
    - Quen rồi , cứ giờ đó mắt cứ đờ ra . Ngủ chỉ đến hai ba giờ sáng là thức giấc . Vậy xem đến lúc đó mà tui thấy khoẻ qua anh chơi nhé . Thôi chào anh Chu nhé .

    Lu'c ddo' bà nhà tôi đang lôi mấy cái hộp nữ trang ra .
    - Ông xem , cái nhẫn hột xoàn hơn ca ra này bóng không .

    Tôi liếc nhìn xem , hạt kim cương sáng loáng , lấp lánh màu tim tím .
    - Hình như là giáp cúc . Bà mua chắc cũng vài ngàn .

    - Vài ngàn con khỉ khô , nếu mà thiệt cũng cả chục ngàn . Cái này tui mua ở Việt Nam hơn trăm đô , cái chuỗi kia có nhận sáu hạt hồng bảo thạch tui mua bên Thái cũng trăm đô . Ông coi nước hột xoàn bên Thái nó cũng sáng hơn hạt đá Việt Nam nhiều . Cái này mà đeo lên bữa đám cưới thằng con mình hợp với cái áo dài tui may bên Việt Nam .
    - Tui thấy bà ít khi đeo mấy cái hạt này lắm .
    - Ông thiệt là hổng hiểu gì hạt xoàn hết , thứ này lâu lâu mới đeo thôi . Đeo mãi nó tróc nó trầy hết . Ông bảo ông học giỏi gì cũng biết , mà sao chuyện này ông dốt thế .

    Thật ra đôi khi tôi kể cho bà nhà tôi ngày xưa có thử qua mấy cái máy đo độ cứng hardness , độ co kéo tensile strenght . Kim cương có độ cứng nhất , còn mấy cái hạt đá thủy tinh thì không biết độ cứng là bao nhiêu . Nếu có cũng chẳng dám thử . Tôi quay mặt đi dấu đi nỗi buồn vô cớ , nghĩ đến cái chuỗi hạt kim cương của bà vợ của một công chức người Pháp . Đánh đổi cả cuộc đời mình vì chuỗi hạt kim cương giả .

    Ngày 10 tháng bảy năm 2010

    Lễ các Thánh

    Nói thật ngày xưa nói chuyện đi lễ lậy tôi rất lười . Bây giờ vào các ngày lễ buộc lễ trọng , tôi phải đi xem lễ cùng với bà nhà tôi . Lễ Các Thánh năm nay trời Texas thật đẹp , gió nhè nhẹ man mát như vào thu .

    Như thường lệ sau ba bài đọc Kinh Thánh , cha xứ ra ngoài khỏi bục giảng để giảng kinh cho cộng đồng dân Chúa .
    - Kính thưa quí vị , nhân ngày lễ Các Thánh tối qua tôi nghiền ngẫm cả đêm để đọc sách tiểu sử các Thánh . Các vị biết không ? Mỗi người chúng ta bất cứ ai làm nghề nghiệp gì cũng đều có một vị Thánh bảo hộ chúng ta ...

    Chợt trong đầu óc tôi nghĩ ngay đến ông Thánh An tôn , thánh bản mệnh của tôi . Tôi đoán già đoán non ông Thánh đó chắc là người Âu châu , vì có lần tôi nhìn thấy ổng mặc chiếc áo dòng nâu sẫm , tay cầm cây thánh giá thật to ôm trước ngực . Nhìn ổng , tôi có những cảm quan xa lạ , không thân thiết mấy .

    Tiếng nói đều đều của cha xứ vẫn êm dịu :
    - Các vị không tin à , để tôi đơn cử ra một ví dụ nhé ... À xem ! Ai mà bị nhức đầu thì cầu xin ông Thánh Anthony Baldinucci , vị
    thánh này ngày xưa bị chứng nhức đầu kinh niên . Ai mà bị nhức đầu thì cứ cầu xin sẽ hết bịnh ngay . Còn ai mà hút thuốc lá thuốc lào bị ho húng hắng thì cầu xin Thánh Joseph Javier . Này các vị à , các bà các cô làm nghề tóc thì biết cầu nguyện cho ai không ? Đó là Thánh Ma ri Madeglena , Thánh này ngày xưa lấy tóc mình mà lau chân cho Chúa ...

    Chợt cha xứ dừng lại , không giảng tiếp vì có tiềng cười ầm lên .
    - Các bà các cô cười gì thế ... à , chị kia nói lớn lên một chút . Chị nói là Thánh bảo hộ cho quí vị làm " neo " à .

    Cha xứ đưa tay gãi đầu một chút , rồi tiếp tục nói :
    - Tôi cũng có ý định đó nhưng đọc mãi vẫn chưa thấy , quí vị ai mà biết thì cho tôi xin . Còn ai làm nghề khai thuế mà thì xin ông Thánh Mat thiêu .

    Trong lòng tôi nghĩ ngay đến Thánh Giu se , Thánh này từng là thợ mộc , làm nghề sửa nhà sửa cửa cho bà con láng giềng người Do Thái . Nhưng theo các nhà thần học , cho rằng Thánh Giu se làm một nghề lao động đủ mọi việc , mộc , làm vườn , trồng nho . Trong các ngụ ngôn của các sách Phúc Âm đầy rẫy những hình ảnh đó qua lời giảng dạy của Chúa Giê su .

    Một ông trạc tuổi tôi ngồi cạnh tôi khều tay tôi nói nhỏ :
    - Tui đi câu cá , cá không chịu cắn mồi , vậy cầu xin ông Thánh nào .

    Tôi quay người nghiêng qua , nhận biết đó là ông Thức bạn già hay đi câu cá mà tôi thỉnh thoảng gặp ngoài hồ nước .
    - Bác Thức hả ! Hình như có mấy vị Thánh Tông Đồ đầu tiên họ đang đánh cá rồi được Chúa gọi đi theo , ông Thánh Phê rô đó . Bác cứ cầu xin vừa được cá vừa về sau lại lên Thiên Đàng .

    Trên đường đi về nhà , bà nhà tôi ngồi cạnh tôi hớn hở reo lên :
    - Tui nhớ ra rồi , tại cha xứ không nhớ . Các Thánh làm nghề neo có đến 12 vị , ông Thánh Phê Rô , ông Thánh Gioan , Thánh Gia cô bê . Mấy ổng lúc trước theo chân Chúa qua cái làng nho nhỏ rồi múc nước rửa chân cho Chúa . Rửa chân thì đúng là nghề làm "neo " của mấy bà mấy cô .

    Mới đầu nghe tôi chưa phân biệt đúng hay sai , tôi phá lên cười . Bỗng tôi chợt nhớ một điều gì :
    - Bà à ! Hình như đâu phải mười hai vị Tông đồ rửa chân cho Chúa Giê su đâu , chính là Ngài phải hạ thấp người xuống , trước buổi tiệc ly , Chúa Giê su cởi áo ngoài rồi cúi xuống rửa chân cho 12 vị tông đồ . Thánh Phê rô còn biểu Chúa tắm cho ổng nữa . Bà quên rồi sao ! Chính là Chúa mới là vị bảo hộ đó .

    Ngoài trời dần tối , vài vì sao le lói hiện ra trên trời . Trong cái ra dô trên xe , văng vẳng tiếng hát của ca sĩ Ý Lan ngọt ngào :
    - Con quỳ lạy Chúa trên trời,
    sao cho con lấy được người con yêu.
    Đời con đau khổ đã nhiều,
    từ khi thơ dại đủ điều đắng cay.
    Số nghèo hai chục năm nay,
    xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo.

    Chúa ơi! Chúa ơi!

    Tung Son ngày 2 tháng 11 năm 2010

    Tiệm giặt

    Một buổi chiều sau khi đi làm về , tôi nghe tiếng bà nhà tôi đứng ở góc bếp vang vang lên :
    - Chủ Nhật này tui đi làm ở tiệm giặt . Ông ở nhà lo cơm nước cho tụi nhỏ .

    Tôi nghĩ thầm mấy cái tiệm quần áo chung quanh khu nhà tôi ở , họ đâu cần mướn người để trông coi tiệm . Tôi lửng lơ hỏi lại :
    - Tiệm giặt nào vậy ?
    - Thì chị Mỹ giới thiệu tui với ông Ðặng chủ tiệm của chị đó .
    - Làm ở đâu bà biết không ?
    - Ở tận chợ trời Arlington .

    Từ nhà tôi chạy xe tới đó cũng ngót nghét 45 phút . Những con đường ngắn hơn như xa lộ 360 hay 30 đều hay bị kẹt xe . Cả năm nay bà nhà tôi bị cho nghỉ việc từ một hãng may nón . Thất nghiệp cho ăn được chín tháng rồi cúp . Công việc lương thấp bảy tám đô không phải là không khó kiếm , nhưng vì tiếng Anh tiếng u của bà nhà tôi cao quá , nói Mỹ , Mỹ cứ phải "what what " hoài nên họ không muốn mướn .

    Giá như bà nhà tôi đọc được chút tiếng Anh , tôi có thể nói với bà Mỹ làm ở phòng modified hàn vớ vẩn mấy cái đèn LED bé xíu , nhận vô làm thử . Biểu bả học thêm nghề neo , bả nhăn mặt kêu lên : " Giời ơi ! Ông biết tui bị dị ứng , nghẹt mũi quanh năm , làm cái nghề đó hơi hóa chất bốc lên ngùn ngụt , tui chịu sao thấu . Có người giới thiệu vô làm vệ sinh nhà thương , bà than van :
    - Ông hông biết gì hết trơn . Có nguời vô đó làm , họ sai vô làm quét dọn ở nhà xác . Tui thì tui sợ ma lắm , ông thích làm thì vô đó mà làm .

    Ông bà ta có câu nhất nghệ tinh nhất thân vinh , nhưng có thể chỉ đúng ở Việt Nam thôi . Qua xứ Mỹ phải biết nhiều nghề mới có thể xoay sở tìm việc làm . Nhất là phải biết nói và viết tiếng Anh để đi xin việc .
    - Bà làm mỗi ngày mấy giờ ?
    - Bảy giờ sáng đến hai giờ chiều . Thứ Bảy nghỉ , Chủ Nhật từ 7 giờ đến 10 giờ đêm .
    - Vậy là bà làm 15 tiếng ngày Chủ Nhật , sáng thứ Hai lại đi làm 7 giờ sáng . Thôi thì chiều Chủ Nhật tui lên thế cho bà mấy tiếng để bà nghỉ ngơi , và nấu cơm cho mấy đứa nhỏ ăn . Nhưng mà công việc có khó nhọc gì không bà ?

    Bà nhà tôi mỉm cười , nói nhẹ nhàng để an ủi tôi :
    - Không , chỉ đứng dòm chừng khách , khi nào họ tới đổi tiền lẻ 25 xen ở máy đổi tiền thì ông ra giúp họ thôi . Ở đó có hai máy , một cái thì nó không nhận tiền đô mới , còn máy kia tiền nào cũ quá nhăn quá nó cũng không nhận . Khách hàng toàn tụi đen hay Mễ , có người không đút tiền vào máy , giả bộ kêu lên máy không " work " thì ông phải ra xử lý .

    - Xử lý làm sao ? Tụi nó to con thấy bà .
    - Ðâu phải xử lý cái kiểu Việt Nam đâu . Ông chỉ cho tụi nó cái bảng đề trên cái máy , chữ này viết bằng tiếng Anh . Ông chủ ổng nói là : " Phải kêu người coi tiệm trước khi đút tiền vào máy . Tiền mất sẽ không chịu trách nhiệm .

    - Chỉ có vậy thôi à ?
    - Còn nữa , thỉnh thoảng ông lấy chổi quét rác hay phẩy phẩy xà bông bột dính trên máy giặt .
    - Vậy thôi sao ?
    - Chưa hết , thùng rác nào đầy thì mang đi đổ .

    Tôi gật đầu :
    - Công việc nhàn quá .

    Qua đến Chủ Nhật tôi xách xe chạy lên chỗ tiệm giặt . Tiệm nằm ngay ở một ngả tư nên tìm nó không khó khăn chi lắm . Tôi mở cửa kiếng bước vô . Trong tiệm giặt loe hoe vài người khách Mễ . Bà nhà tôi đang cầm chổi phây phẩy vài cọng rác . Vừa trông thấy tôi bà nhà tôi mừng ra mặt . Trong phòng hơi nóng hừng hực , mặt bà nhà tôi nhễ nhại mồ hôi . Ngoài trời Texas nóng đến 105 độ . Tiệm giặt xung quanh toàn cửa kính nên sức nóng xuyên qua tạo nên hấp nhiệt như là hiệu ứng nhà kiếng .

    Tôi hỏi khẽ :
    - Trong này hổng có máy lanh à ?

    Bà nhà tôi chỉ vào một góc tường:
    - Có một cái , nhưng đâu có đủ . Ở đây cả mấy chục máy giặt máy xấy lại thêm trời bên ngoài nóng quá . Bây giờ tui chỉ ông cách mở alarm khi đóng cửa đi về .

    Nói xong bà nhà tôi đi vô một căn phòng rất bé nhỏ vừa vặn kê một chiếc máy may Juki và một cái ghế nhỏ .

    - Ðây nhá , số alarm ông đừng cho ai biết . Ông bấm xong , tắt đèn tắt quạt rồi đi nhanh ra ngoài cửa , khóa cửa chính lại . Nhưng ông chủ tiệm dặn là đừng có giựt giựt cái chìa khóa . Nếu bị kẹt thì cứ xoay qua xoay lại .

    Tôi cầm lấy cái chìa khóa rồi vặn thử , khóa lại cửa chính . Cũng đâu khó gì , bây giờ xoay lại là mở ra . Nhưng không hiểu tại sao ổ khóa lại cứng ngắc , không di chuyển lên xuống . Tôi nghe tiếng bà nhà tôi cằn nhằn :
    - Ðã biểu ông rồi , ông chỉ cần xoay nhè nhẹ thôi . Bây giờ khóa cửa nhốt tui với tụi đen tụi Mễ trong này .

    May mà lúc này chưa có chuyện gì xảy ra . Nếu có thì chắc họ cũng đập cửa kiếng chun ra ngoài thôi . Mồ hôi tôi đổ từng giọt , định dùng sức vặn chìa khóa thì bỗng nghe một giọng nói đàn ông :
    - Ông đừng mở như vậy , kẻo nó gãy . Mở như vầy nè .

    Ông ta cầm chìa khóa , xoay nhè nhẹ qua bên phải . Cách một tiếng , cửa đã mở .

    Ðó là một người ông Việt Nam vóc dáng tầm thước , mặt vuông với đôi mắt khá sắc bén . Tôi chào ông ta .
    - Anh chắc là ông Ðặng chủ tiệm giặt ?
    - Dạ , đúng . Còn anh là chồng bà kia ?
    - Dạ .
    - Tôi nhìn thấy anh mở cửa , tôi nghĩ chắc anh hổng làm nghề ăn trộm được quá .

    Qua dăm câu chuyện làm quen tôi được biết ông ta quê ở Ðà Nẵng , qua Mỹ được hơn hai mươi năm . Mới đầu làm lắp ráp dây chuyền ở hãng máy bay LTV thuộc thành phố Grand Prairie và sau đó làm thương mại .

    - Bây giờ tôi có vài cái bin đinh cho mướn , vài cái convenience store . Tiệm giặt này có vài cái . Thế anh sao không làm business .

    Tôi cười giả lả .
    - Tui đâu biết làm business , biểu tui hồ nào ở đâu , cá loại nào , câu một ngày được mấy con thì tui biết . Mở tiệm giặt này có ăn không anh ?

    Ông Ðặng cười nhẹ , lắc đầu .
    - Thì ông xem đấy , máy giặt thường 75 cent , xấy 50 cent . Khách hàng cũng lai rai thôi .
    - Tiệm này máy móc chắc hơn trăm ngàn ?

    Ông ta cười thành tiếng .
    - Vậy là anh hổng biết gì rồi . Mỗi cái máy Speed Queen loại commercial cũng vài ngàn . Ông đếm quanh đây xem có bao nhiêu cái máy . Tiệm này hơn ba trăm ngàn đô đấy .
    - Bỏ bao nhiêu thứ tiền chỉ thu lại tiền cắc thôi sao .
    - Thu lại cũng chẳng bao nhiêu . Anh xem đấy , tiệm giặt phải mướn hai người . Tiền đó chỉ đủ trả nhân công và tiền điện tiền nước . Anh lên làm thế bà xã , thôi anh ở lại làm nhé . Tôi phải đi qua coi mấy tiệm khác .

    Khách vô giặt quần áo lai rai vài người . Nhàn quá không biết làm gì , tôi vô phòng vệ sinh xách ra một cái chổi và đi quét nhà . Sàn nhà lát gạch men màu trắng đục , đường chỉ viền màu đen . Khi quét vào trong cái đựng rác , tôi để ý thấy là khi quét mấy cọng rác đen đen nhỏ vô trong , lại thấy rác từ từ chạy ra . Tôi quét nó vô, nó lại chạy ra . Lần này tôi rướn mắt nhìn kỹ , thì ra đó những con gián đen đen bé xíu . Ðã từ lâu tôi không thấy chúng . Ai qua Mỹ trong những thời gian đầu lập nghiệp mà lại không sống chung với chúng .

    Sau khi hướng dẫn nghề nghiệp , cách vận tác trông coi tiệm giặt ra sao , bà nhà tôi lái xe ra về .

    Khách Mỹ Mễ ra vô đâu chừng vài người , người thì đem bỏ quần áo chăn mền vào giặt , kẻ thì đem bỏ vào máy xấy . Chừng đâu một lát sau , một gã Mỹ đen cao to lớn dềnh dàng bước vào chỗ tôi ngồi . Tôi đang ngồi gật gà, nhác nghe tiếng nói ông ổng của gã đen nọ :
    - Hây you , sao cái máy giặt kia không quay ?

    Tôi ấm ớ hỏi lại :
    - Thế ông có bỏ tiền vô không ?

    Hắn trợn mắt nhìn tôi , hậm hực nói :
    - Chắc you mới đi làm à , tao là thằng trung trực nhứt trên đời .

    Tôi nghĩ bụng , máy giặt đặt trong mấy cái tiệm giặt này, có bỏ tiền cắc vô thì nó mới chạy , không tiền lấy cái gì mà nó chạy nó quay . Nghĩ như thế nhưng tôi không dám nói ra ngoài miệng .
    - Ðâu máy nào ? Số 20 hả ? Ông đợi một chút nhé , để tui gọi điện thoại cho con vợ tui .

    Vừa nói tôi vừa rút cái điện thoại di động ra , bấm số gọi :
    - Bà hả ? Có một ông Mỹ đen nói là ổng bỏ tiền vô mà máy hổng chạy .

    Có tiếng oang oang từ đầu dây bên kia :
    - Tui không biết , ông thử lấy tay đập đập vào thân máy xem nó có chạy không . Máy giặt nhà mình cũng hay giở chứng như vậy .
    - Ừ !

    Tôi không đấm mà dùng chân đá nhè nhẹ vào cái máy giặt . Cánh cửa của máy giặt bật tung ra . Tôi thở ra khoan khoái , rồi nói với gã da đen :
    - Nó không chạy là bởi vì you không đóng cửa cho chặt . Nó có cái khoen khóa như vậy .
    Bên kia một bà Mễ to béo vẫy tay gọi tôi lại . Tôi lững thững bước tới .
    - Chuyện gì vậy amiga ?
    Bà ta xổ một tràng tiếng Mễ , nghe điếc cả tai . Tôi không hiểu . Bà ta chỉ xuống mặt nền gạch . Nước xà bông rỉ trào ra từ miệng nắp máy giặt ngang . Chả cần giỏi tiếng Mễ tôi hiểu ngay là máy giặt có vấn đề . Tôi vội vàng đi nhanh vô phòng chứa vật dụng lau nhà và xách theo một cái cây lau bếp . Cứ lau , vắt đến đâu , nước trong máy cứ trào ào ào ra . Tôi gọi phôn di động cho bà nhà tôi , trình bày chi tiết sự cố sự kiếc . Tôi nghe tiếng bà nhà tôi cằn nhằn :
    - Chả hiểu sao , ông đi làm có chút xíu mà nhiều lộn xộn quá . Thế này , ông tới mấy cái cầu chì , rồi xem cái máy đó số mấy , cúp nó đi rồi chừng đâu năm phút bật trở lại xem sao .

    Nghe lời vợ dạy , tôi tắt máy rồi chờ chừng năm phút . Mà thật đúng như vậy , quá mấy phút máy trở lại reset như vị trí chờ khởi động . Tôi mở cái nắp miệng ra và thấy một cái vớ nhỏ bị kẹt ở nắp máy giặt .
    - Amiga , cái này là lỗi ở bà , bà đóng cửa lại mà để cái này thò ra , nên nước trong máy cứ chảy ra . Bà không hiểu à ! Thôi được rồi , để tui vô trong phòng lấy bạc cắc , cho máy chạy cho bà .

    Bà nhà tôi gọi điện lại cho tôi . Tôi trình bày sự kiện . Bà nhà tôi cằn nhằn :
    - Ðó là lỗi của con mẹ đó . Nó phải trả tiền chớ .

    Tôi cười trừ không cãi lại . Tiền đâu phải của mình , bạc cắc nằm trong máy đó là tiền của ông bà chủ tiệm . Máy trục trặc dù cho lỗi của ai thì việc làm vui lòng khách hàng là ưu tiên hàng đầu .

    Và tới ngày Chủ Nhật kế tiếp , tôi đang mải mê coi trận đấu bóng chày football giữa Dallas Cowboy và Tennessee . Vài người khách da màu hững hờ đi ngang cái ti vi , không thèm để mắt tới , mặc dù tôi biết họ là fan , người mộ điệu của đội banh Cowboy . Họ bĩu môi : " Chơi dở ẹt ! " Đúng thế , qua sáu trận tỉ đấu đội Cowboy thua năm thắng một .

    Cửa mở ra một thiếu phụ Mỹ đen cao lớn dềnh dàng , hai tay ôm một giỏ quần áo dơ bước vô . Theo sau là một cậu bé chừng đâu hai ba tuổi , quần áo tươm tất lon ton chạy theo mẹ . Bà ta loanh quanh mấy cái máy giặt , gọi tôi :
    - Cái máy này được bao nhiêu " load " ?

    Tôi ngẩn người ra , học tiếng Anh từ thuở lên mười ba tuổi , đi lính học trường Sinh Ngữ Quân Đội , tị nạn làm thông dzật viên , qua Mỹ hơn hai chục năm . Vậy mà nghe xong không biết trả lời làm sao . Tôi nhớ mang máng là bà nhà tôi có lần hỏi tôi chữ LOAD một lần . Tra trong từ điển Webster , hay trang mạng Wikipedia đều cắt nghĩa là một vật nặng , chất hàng vào xe , nạp đạn vô súng .

    Tôi ỡm ờ trả lời nước đôi :
    - Thì chắc nó có nghĩa là chất quần áo vào trong máy giặt .

    Nhưng hôm nay , khách hàng hỏi thẳng là bao nhiêu " LOAD " . Tôi ngẩn người nhưng nghĩ ngay đến câu khác :
    - Bà là người khách mới ?

    Bà ta mĩm cười , gật đầu .

    May quá cạnh đó có một cậu thiếu niên da màu đang loay hoay cho quần áo vào giặt . Tôi dùng câu hỏi đó hỏi cậu ta . Hắn tươi nét mặt , rồi lấy ngón tay chỉ vô một dấu hiệu sơn trắng cạnh nhãn hiệu Speed Queen . Hình vẽ hai cái giỏ (basket ) trống . Tôi hiểu ngay vấn đề nan giải này và xoay sang bà thiếu phụ giơ hai ngón tay :
    - Hai .

    Nhiều việc khó khăn ta cứ tưởng phải đi tìm nơi xa xăm nào đó , nhưng thật ra nó có thể nằm trong tầm mắt ta . Nó có thể bị một vật nào che khuất , dời nó sang một bên thì chính lúc đó ta có thể tìm chính cái bản ngã ego của mình .

    Chú bé con da màu tung tăng trong tiệm giặt , chân mang đôi giày đen còn mới tinh bóng loáng . Trong tiệm lúc nào cũng để một lọ kẹo , tôi cầm lấy lọ kẹo hỏi cậu bé có muốn ăn kẹo không và làm bộ hỏi nó :
    - You có muốn đổi đôi giày mới của you lấy viên kẹo này không ? Lại thêm đôi giày cũ của tui nữa .

    Cậu bé tuy bước đi còn chập chững , giọng nói còn be be , gật đầu nói Yes . Tôi trao cho nó viên kẹo và bước ra ngoài cửa để còn tiếp tục coi trận đấu thư hùng của đội banh bóng chày Dallas Cowboy . Nắng bên ngoài vẫn còn hanh vàng , gió mùa thu thổi về se lạnh .

    TS 19/11/2010

Chia sẻ trang này