1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những Ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam - 2007

Chủ đề trong 'Nga (Russian Club)' bởi tieuboingoan, 13/04/2007.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. tieuboingoan

    tieuboingoan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/12/2004
    Bài viết:
    37
    Đã được thích:
    0
    Những Ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam - 2007

    Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam ​


    P.V. (NuocNga.net)

    Theo thỏa thuận đạt dược trong chuyến thăm chính thức CHXHCN Việt nam ngày 20/11/2006 của tổng thống LB Nga Vlađimir Putin, Những ngày văn hóa Nga tại Việt nam sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 4 năm 2007. Hoạt động quan trọng này được Cơ quan Liên bang về văn hóa và điện ảnh LB Nga, Bộ Văn hóa - Thông tin CHXHCNVN phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán hai nước tại Moskva và Hà Nội.



    Lễ khai mạc chính thức Những ngày văn hóa Nga tại Việt nam diễn ra vào 20:00 ngày 17/4/2007 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội.



    Trong chương trình Những ngày văn hóa Nga có phần biểu diễn nghệ thuật của Dàn đồng ca âm nhạc dân tộc hàn lâm quốc gia Nga mang tên Pyatnitski, là một đơn vị nghệ thuật hàng đầu của Nga với các tiết mục dân ca, dân vũ và âm nhạc dân gian của nhiều dân tộc trên đất nước Nga. Chương trình cũng sẽ giới thiệu những nghệ sĩ lĩnh xướng xuất sắc của Nga, biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh.



    Tại trung tâm triển lãm Vân Hồ (Hà Nội) sẽ trưng bày triển lãm ảnh "Sant-Peterburg qua ảnh" và triển lãm nghệ thuật sắp đặt "Solveig" của họa sĩ người Nga Leonid Tishkov. Những ngày phim Nga tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia Hà Nội và Nhà văn hóa thanh niên thành phố Hồ Chí Minh sẽ giới thiệu với khán giả một số phim hoạt hình và phim truyện Nga. Nghệ sĩ nhân dân Nga - nhạc trưởng Murad Annamamedov sẽ giới thiệu bài giảng âm nhạc chuyên sâu trước các giáo viên và sinh viên Nhạc viện Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các hoạt động trong khuôn khổ Những ngày văn hóa Nga dự kiến được thông tin rộng rãi trên truyền hình Việt Nam.

    Theo http://www.nuocnga.net/index.php?option=content&task=view&catid=324&id=3143&Itemid=450
  2. tieuboingoan

    tieuboingoan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/12/2004
    Bài viết:
    37
    Đã được thích:
    0
    Khai mạc Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam ​


    P.V. (Nước Nga.Net)​

    Lễ khai mạc chính thức Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam đã diễn ra vào 8 giờ tối nay, 17/4/2007 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau phần nghi thức là chương trình gala-concert của các nghệ sĩ Nga.

    Chương trình biểu diễn gồm 2 phần, phần 1 là nhạc giao hưởng và nhạc cổ điển, trong đó các nghệ sĩ Nga cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Murad Annamamedov, nghệ sĩ nhân dân Nga, sẽ biểu diễn các trích đoạn sáng tác của những nhà soạn nhạc danh tiếng Traikovsky, Shostakovits, Rakhmaninov, Rimski-Korrsakov, Borodin. Phần 2 là chương trình của Đoàn nghệ thuật âm nhạc dân tộc hàn lâm quốc gia Nga mang tên M.E. Pyatnitsky với các tiết mục ca múa và âm nhạc dân gian tiêu biểu của nhiều vùng miền nước Nga. Khán giả Việt Nam sẽ có dịp nghe lại những bài hát thân quen Calinca, Cachiusha, Chiều Moskva...
    Trong buổi họp báo ngày 16/4 bà giám đốc nghệ thuật của đoàn Aleksandra Permyanova đã nhấn mạnh: "Đoàn nghệ thuật chúng tôi tuy giữ tên gọi truyền thống từ khi thành lập cách đây 96 năm là "dàn đồng ca" (.о?), nhưng chương trình biểu diễn bao gồm cả ca, múa và biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Tất cả gần 100 diễn viên trong đoàn đều rất trẻ - trong độ tuổi 15-18. Chúng tôi đưa sang Việt Nam những đại diện xuất sắc của mình - trong số 45 nghệ sĩ sẽ biểu diễn trong Ngày văn hóa Nga có 22 người đã từng đoạt giải thưởng tại các cuộc thi toàn liên bang, khu vực và quốc tế. Thông thường các tiết mục trong chương trình biểu diễn sẽ đại diện cho từng vùng miền khác nhau của Nga, tuy nhiên, khi được biết nhiều bài hát Nga được yêu mến tại Việt Nam chúng tôi đã quyết định có một số thay đổi hy vọng sẽ tạo những bất ngờ thú vị cho khán giả".

    Đại sứ Nga tại Việt Nam Vađim Serafimov đánh giá Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam là sự kiện lớn trong quan hệ giữa hai nước về lĩnh vực nhân văn. Trưởng đoàn Nga - phó giám đốc Cơ quan Văn hóa và điện ảnh Liên bang Nga Vlađimir Malưshev nhấn mạnh: "Chúng tôi cố gắng hết sức để Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam thành công rực rỡ và để lại ấn tượng tốt đẹp cho khán giả". Bà Permyanova nhận xét: "Nghệ thuật dân tộc tự thân nó luôn luôn được đón nhận và đồng cảm ở mọi nơi. Giao lưu và hội nhập văn hóa có tác dụng rất lớn - không chỉ giới thiệu được nền văn hóa của các nước, các vùng miền, mà còn góp phần phát triển hòa bình và hữu nghị trong thế hệ trẻ".

    Chiều 17/4, ngay trước lễ khai mạc chính thức, triễn lãm ảnh về Sant-Peterburg và triễn lãm nghệ thuật sắp đặt "Solveig" của họa sĩ nổi tiếng Leonid Tishkov sẽ khai trương tại Triẻn lãm nghệ thuật Vân Hồ Hà Nội và kéo dài đến ngày 24/4. Với chất liệu chủ yếu là muối và kính, cùng sự trợ giúp của âm nhạc và hình ảnh, họa sĩ Tishkov sẽ tái hiện cảnh mùa đông bình dị của Nga và những kỷ niệm thời niên thiếu của mình.

    Những ngày phim Nga sẽ diễn ra ở trung tâm chiếu phim quốc gia (Láng Hạ, Hà Nội) từ 17-19/4 và Nhà văn hóa thanh niên TP Hồ Chí Minh từ 20-22/4. Khán giả Việt Nam có thể thưởng thức 7 bộ phim truyện và hoạt hình mới của Nga.

    Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam lần đầu tiên còn được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Lễ bế mạc diễn ra ngày 22/4 tại Nhà hát Hòa Bình TP HCM.

    Ngày 16/4 nhân dịp sự kiện này Bảo tàng cách mạng Việt nam đã mở cửa triễn lãm về quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nga với khoảng 300 hình ảnh, tư liệu và hiện vật gốc. Với 4 chuyên đề chính - nhân dân Việt Nam ủng hộ cách mạng tháng Mười Nga và chiến tranh bỏa vệ tổ quốc của nhân dân Liên Xô, nhân dân Liên Xô ủng họ nhân dân Việt nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và thốngn nhất, hợp tác hữu nghị Việt-Xô và những tặng phẩm của chính phủ và nhân dân Liên Xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Triển lãm mở cửa đến ngày 22/4

  3. tieuboingoan

    tieuboingoan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/12/2004
    Bài viết:
    37
    Đã được thích:
    0
    Những ngày văn hóa Nga tại Nhà hát Lớn Hà Nội ​

    P.V. (NuocNga.net)​

    Lễ khai mạc chính thức Những ngày văn hóa Nga tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối ngày 17/4 đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Mỗi tiết mục của các nghệ sĩ Nga đều kéo theo những tràng vỗ tay kéo dài không ngớt.

    Tài năng và sự nhiệt tình của các nghệ sĩ trẻ Đoàn nghệ thuật dân gian Pyatnitsky thể hiện qua từng điệu chào duyên dáng và kiêu hãnh đặc trưng cho nước Nga và khí chất con người Nga, qua mỗi bước nhảy hào hùng của các chàng trai, mỗi gương mặt dáng đi yêu kiều của các thiếu nữ, đã làm nhiều người trong khán phòng như sống lại thời trai trẻ của mình ở xứ sở bạch dương, và cũng làm nhiều khán giả trẻ Việt Nam chưa một lần đặt chân đến nước Nga ngỡ ngàng thán phục. Có thể nói hơn một chục tiết mục của đoàn, đặc trưng cho nhiều vùng miền khác nhau - Voronez, Penza, Zabaikalie, Kursk, Kuybushev, Riazan, Kuban, Irkusk, được sự góp sức tài tình của "dàn" balalaca lớn nhỏ và baian, đã chinh phục hoàn toàn trái tim khán giả Hà Nội.
    Phần nhạc cổ điển và opera biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cũng nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của cả nhà hát. Tham dự Ngày văn hóa Nga tại Việt Nam có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ xuất sắc như Nadejda Tokareva (violon), Evgheni Gurev (trompet), Vađim Ruđenko (piano), những giọng ca opera sáng giá - Dmitry Trapeznikov và Marina Anđreeva.

    Đặc biệt, nữ nghệ sĩ công huân Andreeva với giọng ca vàng của mình đã trình bày xuất sắc bài Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao và điệu dân ca Cò lả bằng tiếng Việt. Giọng ca của cô, âm sắc tiếng Việt chính xác, truyền cảm đã đem đến cho khán giả một cách cảm nhận mới mẻ về bài hát Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao, hết sức ấn tượng và tuyệt vời. Andreeva đã nâng niu từng từ, từng nốt, truyền đạt trọn vẹn giai điệu thiết tha của bài hát. Nhạc sĩ Văn Cao nếu được nghe tác phẩm của mình qua giọng hát của Andreeva chắc hẳn sẽ rất hài lòng. Trong thành công này có sự đóng góp đáng kể của nghệ sĩ công huân Nga người Việt Nam Nguyễn Lân Tuất là một trtong các thành viên chủ chốt của phái đoàn Nga sang tham dự Những ngày văn hóa Nga 2007.

    Ngày 18/4 các nghệ sĩ nhạc cổ điển sẽ biểu diễn tại Nhạc viện Hà Nội, còn đoàn Pyatnitsky biểu diễn trọn vẹn chương trình gồm hơn hai mươi tiết mục của mình tại Cung văn hóa Việt-Xô.

    Triển lãm ảnh Sant-Peterburg và nghệ thuật sắp đặt tại Vân Hồ cũng đã khai trương hôm qua 16/4. Trong ngày mở cửa đầu tiên họa sĩ Leonid Tishkov đã rất ấn tượng với sự nhiệt tình của khán giả trẻ Việt Nam. Anh cho biết triển lãm Solveig ở đất nước Việt Nam nhiệt đới gió mùa đã có được một sắc thái nghệ thuật đặc biệt. "Tôi vun muối trắng tinh thành những gò đồi tuyết, ở giữa là một hồ nước. Ở đây, khi muối tan thì ta bỗng có cảm giác mùa xuân Việt Nam đang đến. Đồng thời khi các tinh thể muối bốc hơi bám lên kính trước màn hình video thể hiện cảnh mùa đông nước Nga, ta lại thấy chúng giống như những bông tuyết ngày đông giá tạo hoa văn trên cửa sổ mỗi căn nhà, và trước ánh sáng màn hình chúng khiến người xem hình dung mình trông thấy ánh sáng mùa đông phương Bắc. Những điều đó chỉ có ở đây, ở Việt Nam", họa sĩ Tishkov khẳng định đầy cảm hứng.
    Triển lãm tại Vân Hồ mở cửa đến hết ngày 24/4 sẵn sàng đón chào khách tham quan

  4. hastalavista

    hastalavista Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/05/2001
    Bài viết:
    4.785
    Đã được thích:
    1
    Gặp lại người thân
    Đi xem những chương trình ca múa nhạc, những bộ phim, những cuộc triển lãm ảnh trong khuôn khổ Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam (đã diễn ra tại Hà Nội, và hôm nay 22-4 bắt đầu tại TP.HCM), không ít khán giả Việt Nam có cảm giác gặp lại những người thân...
    Với chương trình ca múa nhạc rất đặc sắc được thay đổi tùy theo đối tượng khán giả trong suốt năm buổi trình diễn tại Hà Nội, TP.HCM và TP Vũng Tàu từ 17 đến 22-4, bảy bộ phim truyện đậm đặc màu sắc Nga sản xuất trong những năm gần đây, hai triển lãm ảnh nghệ thuật về thành phố Saint Petersburg và triển lãm nghệ thuật sắp đặt của họa sĩ Tiskov, các nghệ sĩ đến từ LB Nga xa xôi đã chinh phục hoàn toàn tình cảm của khán giả VN đúng với tinh thần của ?onhững người bạn thân cũ?.
    Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Murad Annamamedov, các nghệ sĩ Nga như giọng nữ cao Maria Andreeva, cây vĩ cầm Nadezda Tokareva, tay piano Vadim Rudenko, giọng nam trung Dmitri Trapeznikov nổi tiếng thế giới đã khiến cho những ai được chứng kiến họ chơi đàn và cất giọng hát đều phải ngất ngây và hiểu vì sao sau bao nhiêu thăng trầm biến đổi của xã hội, nghệ thuật hàn lâm Nga vẫn giữ được vị trí đỉnh cao trên thế giới.
    Đỉnh cao của các buổi biểu diễn là khi giọng nữ cao Maria Andreeva, sau khi đã phô bày tuyệt kỹ trong Khúc ca của cô bé tuyết của Rimsky - Korsakov, đã rất uyển chuyển và dịu dàng trong ca khúc thân quen Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao với sự ngỡ ngàng và khâm phục của tất cả khán giả. Chưa hết, chị còn ngẫu hứng một khúc giai điệu Cò lả trong tiếng vỗ tay như sấm của toàn bộ khán phòng. Không chỉ là chất lượng nghệ thuật, chính sự trở lại gần gũi và thân thuộc của các nghệ sĩ Nga đã đem đến thành công cho Những ngày văn hóa Nga tại Hà Nội.
    Riêng tại TP.HCM, chương trình sẽ diễn ra vào tối nay 22-4 tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ lĩnh xướng xuất sắc của Nga cùng Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện TP.HCM. Nghệ sĩ nhân dân Nga - nhạc trưởng Murad Annamamedov - sẽ chỉ huy toàn bộ chương trình.
    Trước đó, tối 21-4 chương trình cũng đã diễn ra tại Nhạc viện TP với qui mô nhỏ hơn. Riêng nhạc trưởng Murad Annamamedov cũng đã có buổi giới thiệu bài giảng âm nhạc chuyên sâu với các giáo viên và sinh viên Nhạc viện TP trong buổi gặp gỡ vào ngày 20-4.
    (Tuoi Tre)
  5. hastalavista

    hastalavista Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/05/2001
    Bài viết:
    4.785
    Đã được thích:
    1
    Triển lãm ảnh về thành phố Xanh Pêtécbua
    Triển lãm ảnh về thành phố Xanh Pêtécbua và nghệ thuật sắp đặt "Solverg", khai trương tại Hà Nội sáng 17/4, đã mở màn cho "Những ngày văn hoá Nga tại Việt Nam".
    80 bức ảnh của các nghệ sỹ nhiếp ảnh hàng đầu nước Nga, được triển lãm đến hết ngày 24/4, giới thiệu những hình ảnh đặc sắc nhất của thành phố Xanh Pêtécbua - thành phố lớn thứ hai của Nga.
    Nhà hội hoạ nổi tiếng, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà điêu khắc và nhà soạn nhạc người Nga Leonid Alexandrovich Tishkov cũng có một tác phẩm sắp đặt "Phong cảnh của kí ức" tại triển lãm này.
    Ngoài tác phẩm sắp đặt, Leonid Alexandrovich Tishkov còn giới thiệu bộ phim tài liệu về nghệ thuật sáng tạo, tạo hình mang tên "Thiên sứ tuyết".
    Tối 17/4, "Những ngày văn hoá Nga tại Việt Nam" chính thức khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc của các nghệ sỹ nổi tiếng Liên bang Nga và của đoàn ca múa hàn lâm Quốc gia dân gian Nga M.E.Piatnitsky.
    Trước đó, "Những ngày phim Nga tại Việt Nam" với 7 bộ phim đặc sắc cũng được mở màn tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia./.

    (VNA)
  6. hastalavista

    hastalavista Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/05/2001
    Bài viết:
    4.785
    Đã được thích:
    1
    Hoạ mi Nga hát "Cò lả"

    Buổi tập cùng Dàn nhạc Giao hưởng VN ở Nhà hát Lớn Hà Nội cho đêm Gala khai mạc "Những ngày văn hoá Nga tại VN" kéo dài từ sáng đến 2 giờ chiều.
    Nhưng Marina Andreeva vẫn nán lại. Chị yêu cầu nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất hướng dẫn thêm cách phát âm tiếng Việt cho chuẩn, luyến láy bài "Cò lả" và lúng liếng theo giai điệu bài hát sao cho ra chất Việt nhất.
    Đó là thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc của nữ nghệ sĩ công huân Nga, người có thâm niên 15 năm là diễn viên solo của hai nhà hát opera hàng đầu của Nga là Nhà hát Nghệ thuật Hàn lâm quốc gia Nga Mátxcơva và Nhà hát Âm nhạc quốc gia Mátxcơva "Gelikon- Opera".
    Đêm đó, giọng nữ cao của chị đã chinh phục khán giả Hà Nội khi trình bày xuất sắc các tác phẩm: "Aria của cô gái Tuyết" (từ vở nhạc kịch "Cô gái Tuyết" của N. Rimsky-Korsakov; "Chim hoạ mi" của A. Alyabev và "Làng tôi" của Văn Cao.
    Sau làn sóng vỗ tay không ngớt của khán giả, chị đến sát mép sân khấu và hát không nhạc đệm bài dân ca Đồng bằng Bắc Bộ "Cò lả". Và khi chị hát hai câu mới do nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất đặt lời "Em về Hà Nội thăm anh/Và em mang tới mối tình Việt - Nga" thì khán phòng nhà hát như vỡ tung trước tràng pháo tay vang dội.
    Sẽ thật ngạc nhiên, nếu biết rằng Marina Andreeva đã không hề có ý định trở thành người hát Opera. Tốt nghiệp piano hệ 7 năm ở Nhạc viện Gnesinskaya danh tiếng, chị được khen là "có giọng tốt" và được khuyên nên chuyển sang làm ở dàn đồng ca (!). Marina nghe lời, vừa luyện thanh nhạc vừa theo học ở khoa hợp xướng - chỉ huy.
    Tuy nhiên, Marina lại cảm thấy nghiệp hát không được vững chắc lắm, vì phải duy trì một chế độ rất nghiêm ngặt để giữ giọng. May mắn thay, chị được học với nhà sư phạm nổi tiếng Galina Timofeeva, người đã đưa ra phương pháp riêng giúp Marina thành công.
    Ra trường đúng vào giai đoạn Liên Xô cải tổ, Marina Andreeva có cơ hội được cọ xát với thực tế biểu diễn rất phong phú. "Hồi đó có thể thoả thuận thẳng với các nhà máy hay các toà soạn: "Các anh có cần biểu diễn nghệ thuật nhân dịp 8.3 hay năm mới không? Khi chỉ có một mình trên sân khấu với những đối tượng khán giả khác nhau thì đó là những kỳ thi thực thụ. Phải làm sao để họ thấy thích thú. Tôi hát cả dân ca, những bản romance và những ca khúc thính phòng nổi tiếng" - Marina kể.
    Sau đó chị được Quỹ Italia "Chung tay vì hoà bình" trao học bổng thực tập tại Viện Hàn lâm Âm nhạc Hochschule ở Venice (Italia). Chị đã kết thúc khoá học xuất sắc với vai diễn Nữ hoàng bóng đêm trong vở "Cây sáo thần" của Mozart. "Vở Opera diễn ra ngoài trời, tại một pháo đài cổ kính.
    Đây quả là thử thách lớn đối với nghệ sĩ mới vào nghề như tôi. Nữ hoàng phải xuất hiện từ trên cao, dàn nhạc thì mãi tít bên dưới. Phải hiệu chỉnh để khi âm nhạc đến bạn, lời hát của bạn đến khán giả phải cùng lúc" - Marina nhớ lại. Vở diễn thành công và báo chí Venice đã hết lời ca ngợi vai diễn của Marina.
    Chuẩn bị cho chuyến đi VN, Marina dành trọn một tuần để tập hai bài hát "Làng tôi" và "Cò lả" với GSTS - Nghệ sĩ công huân Nga Nguyễn Lân Tuất, người đang giảng dạy tại Nhạc viện Novosimbirsk. "Tôi muốn thông qua hai bài hát này bày tỏ lòng biết ơn của tôi đến khán giả VN - một đất nước mà tôi nghe đến rất nhiều trong những năm tháng tuổi thơ.
    Mặc dù tiếng Việt được coi là một trong những thứ ngôn ngữ có nhạc điệu nhất thế giới, nhưng đối với tôi, một người hát nhạc cổ điển, vẫn rất khó khăn để học hát tốt được hai bài hát này" - Marina chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động sau đêm diễn.
    Marina cho rằng, chuyến đi VN rất đáng ghi nhớ trong cuộc đời nghệ thuật của chị: "Khán giả VN thật tuyệt diệu và có trình độ thưởng thức nghệ thuật cao. Ở đây tôi còn được hưởng tình cảm nồng ấm của những người bạn. Tôi rất muốn được quay lại biểu diễn ở VN".
    (Lao Động)

Chia sẻ trang này