1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những ngư ông cảm tử ngày ấy - xã Cảnh Dương , huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Chủ đề trong 'Quảng Bình' bởi KienGiangriver, 13/04/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. KienGiangriver

    KienGiangriver Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/02/2005
    Bài viết:
    42
    Đã được thích:
    0
    Những ngư ông cảm tử ngày ấy - xã Cảnh Dương , huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

    Những ngư ông cảm tử ngày ấy

    --------------------------------------------------------------------------------
    Dưới chân núi Phượng, bên dòng sông Loan ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) có một làng chài cảnh sắc thơ mộng với những ngư ông dạn dày sóng gió, những người từng có thời dùng thuyền chèo tay, chở vũ khí vào chiến trường Trị Thiên.

    Tôi đã gặp những ngư ông từng cảm tử đương đầu với máy bay, tàu chiến, chèo thuyền chở vũ khí chi viện khẩn cấp cho chiến trường Trị Thiên...
    Ðoàn gồm 74 cảm tử quân, có người đã qua tuổi "cổ lai hy" như cụ Nguyễn Ðái, có chú thiếu niên mới 15 tuổi Nguyễn Văn Biểu. Phần lớn họ là anh em, chú bác với nhau, trong đó dòng họ Nguyễn có 19 người, họ Phạm 18 người, họ Ðồng chín người, lại có những cặp thông gia như cụ Nắp, cụ Tuất... Họ có nhiệm vụ đặc biệt là giả dạng ngư dân đánh cá để dùng thuyền chèo tay, chở vũ khí vào chiến trường Trị Thiên. Nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm nhưng đây là con đường ngắn nhất, bí mật, bất ngờ nhất để tiếp viện nhanh nhất cho miền nam. Bởi sau chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, địch tiến hành càn quét lớn hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng. Trên chiến trường Trị Thiên - Huế, bộ đội ta thiếu lương thực, vũ khí càng thiếu hơn mà đường tiếp tế từ Trường Sơn về đồng bằng rất khó khăn, bị đánh phá ác liệt, có khi hàng tháng trời.


    Toàn bộ 12 chiếc thuyền được cải tạo lại cho giống với thuyền ngư dân vùng Quảng Trị, Thừa Thiên, lại vừa như một công sự nổi có cả bệ bắn B40. Dưới đáy thuyền đục một lỗ "lù" rồi nút lại để phòng khi bị địch bao vây thì rút chốt cho nước tràn vào nhấn chìm thuyền, không để địch phát hiện vũ khí... Ðoàn phiên chế thành một đại đội, mỗi thuyền là một tiểu đội, ba thuyền làm một trung đội. Một đêm biển động, từ Cửa Ròn, họ bí mật đưa thuyền vào Quang Phú gần cửa Nhật Lệ, không bốc hàng xuống bến mà kéo hẳn thuyền lên bờ, chất đầy thuốc nổ TNT, súng, đạn B40, B41, cối 82... tất cả 24 tấn, rồi giấu kín thuyền trong rừng dương liễu.


    Ðúng ngày rằm tháng giêng năm Mậu Thân (1968), Ðài TNVN báo tin có đợt gió mùa đông bắc, biển động cấp sáu, cấp bảy. Thời cơ đã đến! Chập choạng tối, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình Trần Sự đến tận nơi phát lệnh tiễn đoàn. Lễ truy điệu sống các ngư dân cảm tử diễn ra đơn giản nhưng thật xúc động. Ông Nguyễn Văn Biểu, thành viên trẻ nhất đoàn nhớ lại buổi hoàng hôn trong rừng dương Quang Phú, ngoài kia gió bấc tràn về, sóng biển gầm gào tung bọt trắng xóa, màn trời đen kịt, tiếng vị chỉ huy lẫn trong tiếng gió: "Ðồng bào, đồng chí Trị Thiên đang mong chờ các đồng chí. Cấp trên và bà con quê ta tin tưởng và tự hào về các đồng chí. Hãy xứng đáng là những người con ưu tú của quê hương Quảng Bình". 74 cánh tay vung lên, 74 trái tim thề sẽ hiến đến giọt máu cuối cùng để đưa hàng đến tay bộ đội miền nam.


    Từng chiếc thuyền đầy ắp súng đạn được kéo ra, lao xuống nước. Ðoàn trưởng Ðậu Thanh Long, một trai làng, là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 45 của Tỉnh đội cử về phát tín hiệu bằng đèn pin, các thuyền giữ khoảng cách, giương buồm quay mũi về hướng nam. Nhiệm vụ của họ là vượt Vĩ tuyến 17 bằng mọi giá, đưa hàng vào vùng bãi ngang ven biển Quảng Trị, càng sâu càng tốt. Ở đó lực lượng của ta đã đón sẵn. Nếu gặp địch, không thể tránh được thì nhấn chìm thuyền, không để chúng phát hiện vũ khí. Có bị bắt thì khai là đi đánh cá bị gió mùa trôi dạt vào nam. Trên các thuyền đều có người già, người trẻ, có cả lưới, thoạt nhìn rất giống thuyền đánh cá của ngư dân.


    Biển động, trời đêm che mắt địch, rạng sáng đoàn vận tải đến bắc Vĩ tuyến 17. Thuyền được ngụy trang kỹ, giấu trong vũng Si để chờ đêm xuống, vậy mà gần trưa máy bay trinh sát của địch vẫn phát hiện ra. Chỉ chốc lát hai chiếc tàu chiến xuất hiện ngoài khơi đồng loạt nã pháo vào bờ. Một tốp máy bay lao đến giội bom mũi Si. Bốn thuyền bị trúng bom. Cũng may chỉ hỏng phần lái, thuyền chìm nhưng khoang vũ khí vẫn an toàn. Ðoàn trưởng quyết định để bốn tiểu đội ở lại cùng dân quân Vĩnh Linh trục vớt hàng lên bờ, còn tám chiếc tiếp tục vượt tuyến vào nam. Tám giờ tối, họ căng buồm vượt qua Cửa Tùng, trườn trên sóng nước miền nam. Vừa qua khỏi Cát Sơn, một bầy máy bay lao đến. Pháo sáng đầy trời, treo ngay đỉnh cột buồm, soi rõ từng khuôn mặt. Mấy chiếc tàu địch vây kín ngoài khơi, chúng muốn bắt sống cả đoàn. Ðoàn trưởng Long lệnh cho các thuyền hạ hết buồm, dùng chèo tay. Vốn là những ngư dân dạn dày kinh nghiệm đi biển, họ tản ra, lợi dụng từng con sóng lớn sát bờ làm tấm chắn để men theo mà đi. Tàu giặc chỉ áp ngoài xa chứ không dám vào gần bờ, sợ sóng lớn và mắc cạn. Nhờ những con sóng lớn, thuyền ta nhỏ, lại giữa đêm đen nên địch khó xác định mục tiêu. Ðạn đỏ rực mặt biển, thuyền ông Phạm Ðờn bị bao vây và trúng đạn. Những chiếc tàu địch cặp sát, chỉ cần một phát B40 là hạ gục. Nhưng nếu họ bắn, kẻ địch sẽ phát hiện cả đường dây và cắt đứt đường tiếp tế ven bờ của ta. Là cảm tử quân, họ đã sẵn sàng cho tình huống này. Ông Ðờn quyết định hô anh em rút chốt lỗ "lù" cho nước tràn vào, quyết tử. Chiếc thuyền chìm dần cùng cả tiểu đội. Bọn giặc ào đến cố dùng móc kéo thuyền ta lên. Nhưng sức nặng của mấy tấn súng đạn đã giật đứt dây kéo,chúng chỉ bắt được người. Họ bị tra tấn thật dã man, nhưng ai cũng khai là ngư dân đi đánh cá bị gió mùa dạt vào. Chẳng khai thác được gì, chúng bắt giam họ hết nhà tù này đến nhà lao khác. Cuối cùng đày ra đảo Phú Quốc, mãi đến năm 1973 mới được trở về trong đoàn tù binh chính trị được trao trả.


    Ba chiếc thuyền đi giữa bị nhiều tàu địch kéo đến vây ép. Biết không thể thoát, họ lao thuyền vào dọc bãi cát huyện Gio Linh. Ở đó, lực lượng du kích địa phương đã kịp thời bốc vũ khí chuyển vào giấu trong các hầm bí mật. Các thuyền viên được bộ đội, du kích Gio Linh đón đến nơi an toàn, mấy ngày sau họ vượt Vĩ tuyến 17 ra bắc. Riêng bốn thuyền đi đầu do đoàn trưởng Ðậu Thanh Long chỉ huy lợi dụng tàu địch đang vây ép phía cuối đoàn đã vượt qua được Cửa Việt vào vùng biển Triệu Phong. Rạng sáng, họ lao thuyền vào bờ, cách quân cảng Mỹ Thủy của giặc không xa. Họ bắt liên lạc được với du kích và trước khi trời sáng đã chuyển hết mười tấn vũ khí vào bờ giao cho đơn vị K.8 rồi hủy thuyền để xóa dấu vết.


    23 cảm tử quân Cảnh Dương được bà con xã Triệu Vân, Triệu Phong nuôi giấu trong hầm bí mật và tham gia hoạt động cùng du kích. Các cụ thì để thêm râu, tóc, học nói giọng Quảng Trị để công khai đi biển đánh cá với bà con. Còn lại, một tổ tham gia dân công vận chuyển lương thực, vũ khí từ đồng bằng lên chiến khu, một tổ chiến đấu cùng du kích diệt địch, chống càn. Anh Nguyễn Văn Nhượng, nguyên Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch, hiện là Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, hồi đó là Bí thư chi đoàn, là một trong những cảm tử quân dũng cảm nhất đưa thuyền vào gần quân cảng Mỹ Thủy của địch. Anh nhớ lại những tháng ngày chống giặc càn bên cạnh anh em du kích Triệu Phong, với khẩu B40 còn loang máu tươi và hơi ấm của một đồng chí đã hy sinh, với tình cảm ruột thịt của bà con ở thôn Năm Triệu Vân. Ðịch càn vào làng, mẹ con o Xuyến đưa anh xuống hầm, chúng rút, mẹ con o mở nắp hầm cho các anh lên. Có những lần địch càn cả ngày, bốn anh em về hoạt động phải xuống chung hầm. Khi chúng đi, người nào gân cốt cũng cứng đơ, mẹ con o Xuyến phải bế lên từng người một. Mẹ vừa nấu cháo cho mọi người ăn lấy lại sức, vừa luôn miệng xuýt xoa: "Ðể các con khổ như ri là lỗi của mẹ đào hầm chật quá." Có những trận càn, hầm bí mật chật cả, o Xuyến giúi anh nằm xuống đất, lấy lưới, bao lá phủ lên rồi ra nói chuyện đuổi khéo bọn lính... Không có những mẹ, những chị như mẹ con o Xuyến, nghèo mà thơm thảo, thương quý cán bộ cách mạng như con thì những người như anh đã chết hàng trăm lần rồi.


    BA tháng ở lại làng biển Triệu Vân chiến đấu cùng du kích, anh Nguyễn Văn Hướng bị địch bắt trong một trận chống càn, đoàn cảm tử còn lại 22 người. Họ lên chiến khu Tà Rụt tình nguyện tham gia đường vận tải lương thực từ đồng bằng lên chiến khu. Ðêm đêm giao liên dẫn họ bí mật vượt qua quốc lộ 1A, len lỏi giữa các đồn giặc về các xã của Triệu Phong, Hải Lăng. Ở đó, bà con đã chuẩn bị sẵn lương thực, thuốc men cho cách mạng. Sau bốn tháng tham gia "đường dây", các ngư dân Cảnh Dương quen dần với cuộc sống của những người lính mặt trận chẳng khác gì du kích địa phương. Rồi lệnh trên đưa xuống, họ chia tay đồng chí Quảng Trị để hành quân ra bắc. Từ chiến khu Tà Rụt họ sang đất bạn Lào dọc theo sườn tây Trường Sơn từ Tu Muôi của Sa-la-van, qua bản Ðông, Sê Pôn của Sa-vẳn-na-khệt đến Thà Khẹc của Khăm Muộn rồi từ đó vượt qua đèo Mụ Giạ về Quảng Bình.


    Ngày nay, từ Cảnh Dương (Quảng Bình) vào Triệu Vân (Quảng Trị) chỉ mất hai giờ đồng hồ đi ô-tô. Vậy mà 37 năm trước, những ngư ông làng chài Cảnh Dương đã mất tám tháng trời! Hôm đón họ, cả làng đã khóc vì mừng khi thấy 22 "liệt sĩ"... lù lù trở về. Bởi khi làm lễ truy điệu tiễn đoàn cảm tử xuống thuyền, người Cảnh Dương tin chắc họ sẽ hy sinh vì nước. Bàn thờ, bài vị của nhiều người đã được dựng lên, hương khói cho họ cũng đã hơn hai trăm ngày có lẻ!


    Tròn 37 năm rồi, 74 ngư ông cảm tử ngày ấy giờ chỉ còn lại 22 người, trừ anh Nhượng hiện là đại biểu Quốc hội công tác ở tỉnh, còn lại họ đều là những ngư ông nghèo ở Cảnh Dương. Tôi gặp "chú thiếu niên" 15 tuổi trẻ nhất đoàn cảm tử Nguyễn Văn Biểu và anh Nguyễn Văn Nuôi giờ đã là ông nội, ông ngoại nhà ở thôn Ðông Cảng, đến thăm đoàn trưởng Ðậu Ngọc Long ở thôn Cảnh Thượng. Bác Long bây giờ đã 77 tuổi, sức khỏe yếu lắm, nhưng họ vẫn thường gặp nhau trong ngôi nhà bé nhỏ của vị trưởng đoàn để ôn lại những kỷ niệm ngày ấy. Gia cảnh thật nghèo, nhưng không ai lấy đó làm buồn. Ông Nuôi, ông Biểu cười ha hả: "Chúng tôi đều là ?~liệt sĩ?T sống lại, so với các liệt sĩ thì chúng tôi may mắn hơn họ nhiều. Ngày đó, cảm tử trước bom đạn mà không chết, chừ mần răng chết vì đói nghèo được!" Vâng! đã gần 40 năm, phần lớn trong đoàn quân ngày ấy đã nằm xuống và người còn sống thì đang phải vật lộn với cơm áo đời thường, nhưng khí tiết cảm tử quân trong họ không bao giờ phai.


    Những cảm tử quân Cảnh Dương đã góp một phần công lao và xương máu để cùng dân tộc làm nên Ðại thắng lẫy lừng mùa xuân 1975. Nhưng cho đến tận bây giờ vẫn chưa có một danh hiệu nào để ghi nhận chiến công của đoàn cảm tử ngày ấy. Gần 40 năm rồi, chiến công ấy, những năm tháng hào hùng ấy vẫn ẩn giấu trong mỗi ký ức ngư ông, theo họ ra khơi vào lộng. Nhưng với thế hệ con cháu, ký ức hào hùng của cha ông chính là di sản quý nhất để làm điểm tựa, làm nguồn lực tinh thần trên hành trình đi tới. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành liên quan của tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Trạch và xã Cảnh Dương cần lập lại hồ sơ cho đoàn công tác đặc biệt này để Nhà nước ghi công cho họ. Bởi "uống nước nhớ nguồn" là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

    ĐINH NHƯ HOAN
    Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=50&article=29193

Chia sẻ trang này