1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những người bạn Nga của tôi ở California

Chủ đề trong 'Nga (Russian Club)' bởi HollyWack, 08/04/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. HollyWack

    HollyWack Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/03/2003
    Bài viết:
    9
    Đã được thích:
    0
    Những người bạn Nga của tôi ở California

    Zenia.
    -----------------------
    Zenia qua Mỹ chỉ mới được vài ba năm. Hồi đầu năm ngoái tôi nảy ra ý tưởng về một chuyến phiêu lưu sang Nga vào mùa hè, nên quyết định đăng ký học một lớp tiếng Nga để ít ra cũng có thể đọc được bảng hiệu đi đường hoặc xã giao những câu thông dụng khi cần thiết. Tôi quen Zenia trong lớp học đó. Thực ra đây là lớp tiếng Nga trong một trường đại học cộng đồng của thành phố, dành cho những người chưa biết gì về tiếng Nga. Nhưng có đến gần một nửa số học sinh trong lớp xuất thân từ khối Soviet. Phần lớn trong số họ là những người mới nhập cư vào Mỹ, tiếng Anh rất hạn chế, nên họ vào lớp học này chủ yếu là để có cơ hội giao tiếp với học sinh nói tiếng Anh. Điều này ngẩu nhiên thật có lợi cho những học sinh muốn học tiếng Nga từ chính người Nga. Và thế là lớp học vô tình trở thành hội Nga-Mỹ.
    Tôi sẽ dành một bài về lớp học này vào lúc khác. Bây giờ trở lại Zenia. Trong lớp tôi và Zenia thường xuyên được xếp chung một nhóm để tập đọc và phát âm tiếng Nga. Cô ta rất tận tình, tuy nhiều lúc thiếu kiên nhẩn. Còn tôi thì mỗi khi có điều kiện thì giúp đở Zenia nói và viết tiếng Anh cho chuẩn xác. Là người gốc Ukraina, sinh ra và lớn lên ở cố đô Zhytomyr, Zenia đã tốt nghiệp bác sỹ trước khi nhập cư vào Mỹ. Nhưng khi đến đây cô phải bắt đầu từ con số không - bằng bác sỹ của cô không được chấp nhận, tiếng Anh thì quá khiêm tốn, bà con bạn bè thân thiết thật quá xa xôi ở quê nhà. Thế là cũng như bao người mới đến, Zenia cảm thấy hụt hẩng khi đặt chân đến miền đất hứa.
    (Còn tiếp)
    -------------------------------------------
    Những bài sau, tôi sẽ viết về: Zenia học tiếng Anh và văn hóa Mỹ. Tôi dẫn gia đình Zenia đi ăn cơm phần Việt Nam. Zenia nói chuyện về ***. Nga du ký hè năm ngoái. vân vân và vân vân.
  2. HollyWack

    HollyWack Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/03/2003
    Bài viết:
    9
    Đã được thích:
    0
    Zenia - Phần II
    -----------------------
    Lớp tiếng Nga một tuần hai buổi tối sau giờ làm việc nên tôi không vắng buổi nào. Hơn nửa nền văn hoá, lịch sử, và con người ở đất nước một thời siêu cường này luôn là sự thán phục và tò mò của nhiều người. Đa số người Mỹ hiểu biết rất hạn chế về nước Nga. Một phần là do ảnh hưởng của những thông tin nhân hoá từ báo chí, điện ảnh, tuyên truyền từ thời chiến tranh lạnh. Còn cộng đồng người Nga ở Bắc Mỹ tuy nhiều nhưng không mạnh dạn quảng bá văn hoá nước mình cho mọi người như nhiều cộng đồng khác. Có lẽ vì đa số họ là người Nga gốc Do Thái nên cũng không mặn mà cho lắm trong công tác tư tưởng này. Nhưng có lẽ kiến thức thực tế về nước Nga không có nhiều trong người dân Hoa Kỳ vì có rất ít trong số họ đã có dịp đặt chân đến Quảng trường Đỏ. Người Mỹ chưa cảm thấy quyến rủ về một chuyến tàu xuyên Siberia, hay những kiến trúc lịch sử ở Saint Petersburg cổ kính. Visa và thủ tục nhập cảnh vào Matcơva khá là rườm rà và lạc hậu. Tổ chức và tiếp thị du lịch chưa hiện đại để cạnh tranh với các nước Tây Âu. Hơn nửa ai mà biết được - cảnh sát Nga lúc nào cũng lăm lăm AK47 trên đường phố thì du khách cũng ngại lắm chứ.
    Thầy giáo người Mỹ trong lớp chúng tôi là một cựu tù binh thời Đệ Nhị Thế Chiến. Ông tham chiến ở Đức, bị quân Đức bắt giử và nhốt chung trong trại với tù binh Nga. Thế là mối quan hệ của ông với nước Nga bắt đầu từ đó. Thỉnh thoảng ông mời đến lớp một vị khách đã từng có ít nhiều kinh nghiệm với Nga để kể chuyện và trả lời nhiều câu hỏi tò mò của học sinh. Tôi nhớ một người trong số đó đã từng làm việc cho Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Matcơva. Cô ta chỉ cho chúng tôi cách hối lộ khi gặp cảnh sát, cách giả bộ làm người không hề biết tiếng Nga để khỏi dài dòng với cảnh sát, và khuyên đừng bao giờ lái xe khi qua đến đó. Khi du lịch qua Nga mấy tháng sau đó, hai lời khuyên đầu tôi áp dụng rất triệt để. Còn cái khoảng lái xe ? Thật ra chuyến đi đó sẽ không thật ấn tượng cho lắm nếu tôi không lạn xe vòng vèo trên đường phố Matcơva, hoặc không ôm vôlăng một mạch từ Matcơva đi Leninngrad và gặp không biết bao nhiêu rắc rối với mấy ngài cảnh sát xa lộ. Và chuyện đó sẽ kể sau.
    Được HollyWack sửa chữa / chuyển vào 01:34 ngày 10/04/2003
  3. Gangster__

    Gangster__ Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    22/10/2002
    Bài viết:
    897
    Đã được thích:
    1
    Bác kể tiếp đi bác ơi..mọi người đang thích nghe đó ....
  4. HollyWack

    HollyWack Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/03/2003
    Bài viết:
    9
    Đã được thích:
    0
    Zenia - Phần III (Viết gấp cho Gangster !)
    -----------------------
    Nhắc tới Zenia thì không thể bỏ qua người bạn đời của cô - Yuri. Zenia qua Mỹ là vì Yuri cưới cô ta rồi bảo lãnh qua, tuy Yuri cũng chỉ mới qua đây không lâu trước đó. Yuri là công tử bột chính tông từ Matcơva. Anh chàng này dáng dấp trông rất là Nga, cao to, nhưng rất hiền và tử tế. Tôi nghĩ hồi trước chắc là Yuri bị Zenia tán và đưa vào vòng hôn nhân lẩn quẩn. Nhưng nghĩ cho cùng anh ta cũng là người may mắn vì Zenia thật thông minh, giỏi ngoại giao, và nấu ăn ngon hết chổ nói. Tuy cũng thuộc vào lớp người Nga hiện đại, nhưng quan niệm về hôn nhân và nghĩa vụ vợ chồng của Zenia và Yuri cũng còn dáng vẽ cổ điển, khác hẳn với chế độ bình đẳng vợ chồng ở Mỹ . Zenia luôn là người lo mọi chuyện trong bếp, Yuri không nhúng tay vào dù chỉ là giúp vợ rửa chén hoặc lau chùi nhà cửa. Yuri ngược lại phải lo hết mọi chuyện bên ngoài, kể cả việc chùi rửa thật láng chiếc Toyota 4Runner họ mới mua. Yura thích đi câu cá, cắm trại trong rừng, và đi săn thú. Nhưng có lẽ sở thích lớn nhất của anh ta là súng đạn. Hồi tôi mới tới nhà chơi lần đầu, Yuri khoe liền với tôi khẩu súng ngắn piston bán tự động Made In Russia, rồi dẩn tôi xuống gara cho tôi coi bộ sưu tập các loại súng trường của anh ta. Luật California cho phép mổi người mổi tháng được mua một súng bán tự động. Yuri từ nhỏ chắc đã có nhiều say mê với súng ống, nên khi đến Cali là anh ta dành phần lớn những khoản tiền riêng để mua vũ khí. Yuri còn thích sưu tầm đồ đạt quân sự thời Đức Quốc Xã. Anh chàng còn khoe với tôi cái mũ sắt của lính Đức cùng với những huy chương, huy hiệu thời Hitler, rồi cả những dụng cụ chén dĩa thời Nazi, những viên đạn, dao găm lính Đức dùng. Tất cả những thứ này Yuri đào được trong rừng khi còn ở Nga và mang theo khi qua đến đây. Anh ta còn rủ tôi khi nào đó qua Nga với anh ta vào rừng đào xới tìm thêm khí cụ Đức quốc xã. Tôi vốn không hâm mộ lắm với mấy phi vụ này nên đưa ra lý do là "lở mình đào trúng một quả đạn phát nổ thì chết tan nát". Yuri cười tôi nhác gan. Tôi sau đó có dịp đến Matcơva với Yuri cùng Zenia, nhưng chúng tôi dành thời gian khám phá thành phố thay vì trốn vào rừng đào vũ khí như đã dự tính. Sau này tình cờ đọc được một tạp chí sưu tập vũ khí rất phổ biến ở Hoa Kỳ tôi mới khám phá ra rằng những khí cụ và đồ dùng quân sự thời Đức Quốc Xã rất được ưa chuộng và có giá trong giới chơi súng đạn. Yuri còn rất am hiểu về kỹ thuật quân sự. Khi chúng tôi tới thăm khu trưng bày vũ khí ngoài trời gần Quảng trường Chiến thắng ở Matcơva, Yuri có thể giải thích tỉ mỉ về kích thước và chức năng của một khẩu pháo phòng không của Nga, hoặc huyên huyên về một chiếc xe tăng Mỹ. Tôi hơi bất ngờ vì bình thường Yuri rất lười nói tiếng Anh và chưa được thông thạo lắm trong từ ngữ, nhưng khi giảng giải về vũ khí thì anh chàng nói rất thạo và dùng rất nhiều ngôn ngữ kỹ thuật quân sự nhà nghề. Tất cả những vũ khí thu thập được không hoàn toàn để làm kiểu. Yuri thỉnh thoảng ôm súng ra trường bắn xả đạn, hoặc thử bắn một loại súng mới của đám bạn. Rồi sau đó có lý do để ngồi một mình ở gara tháo lắp lau chùi vô dầu cẩn thận từng bộ phận một trước khi đóng hộp treo lên gara ngắm chơi, mặc cho Zenia kêu réo trong bếp. Yuri cũng thường xuyên tham dự những cuộc triển lãm mua bán vũ khí của CrossRoad of the West (www.crossroadsgunshows.com) chủ yếu là đi sưu tập thêm khí cụ và mua thêm đạn để dành tập bắn. Người mua kẻ bán có vẽ dành cho Yuri cảm tình đặc biệt vì anh thuộc hạng khách quen. Nhưng có lẽ họ để ý nhiều hơn đến Yuri một anh chàng người Nga hiền lành nói tiếng Anh từ tốn nhưng rất am hiểu về chi tiết những món đồ chơi chết người này.
  5. Gangster__

    Gangster__ Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    22/10/2002
    Bài viết:
    897
    Đã được thích:
    1
    Chào Bác !
    cái vụ súng đạn này em cũng choáng lắm...chả thích ngắm nghía chi hết. Có điều nhiều người Nga nhìn Ngố ngố , hiền hiền như vậy nhưng mà họ cũng ghê lắm đấy.... ở trong lớp em thì em xếp 1/2 dân số thuộc vào loại " ngố ",...hì hì ..thế mà khi nói về tính " professional " của một vấn đề gì thí nó lại Chê em ngược lại đấy....và mỗi lần em mở miệng ra là nó bảo em " ngây thơ " có chết không chứ ...!
    Bác kể về chuyến du lịch qua Nga đi , và về ngưòi Nga bên Mỹ nữa.. em cũng muốn biết người Nga ra XH bên ngoài thế nào... chứ ở đây em đôi khi thấy khó chịu vì tính " Dân tộc " của nó cao quá là cao.. chứ không như bọn Mỹ: đa sắc tộc , không lịch sử ... nó lại thoáng và dễ chịu hơn trong cách nói chuyện .
  6. Masan_1

    Masan_1 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    2.330
    Đã được thích:
    14
    Anh bạn này liều, lái xe một mạch từ Moscow đi Saint Peterburg ... cái đường đó lắm tai nạn lắm đó ... đúng ra nên đi tàu hoả xuống đó rồi dưới đó thuê xe lái đi chơi
    Được Masan_1 sửa chữa / chuyển vào 23:19 ngày 14/04/2003
  7. HollyWack

    HollyWack Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/03/2003
    Bài viết:
    9
    Đã được thích:
    0
    Zenia - Phần 4 Làm sao nhận ra một người Nga ở California ?
    --------------------------
    Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, từ trước đến giờ tôi có dịp làm quen với nhiều người Nga hơn là những người bạn các chủng tộc khác. Để coi, hồi còn là sinh viên bôn ba đủ loại công việc để kiếm thêm tiền, tôi có thời làm việc cho một cửa hiệu mở cửa 24/24, và tôi gặp anh chàng Nga tên Marat. Marat thích uống Coca Cola suông, không bỏ đá, không ướp lạnh. Điều này thật là lạ. Nhưng sau nhiều lần quan sát tôi mới nghiệm ra rằng nhiều người Nga có thói quen như vậy. Yuri một lần đến chơi nhà tôi cũng chọn một chai bia không ướp lạnh để uống. Chỉ có là lần này tôi không thấy đó là điều khác thường như trước nửa. Ngoài chuyện đó ra, Marat tuy vậy là một người không được bình thường cho lắm. Anh ta là hiện thân của chủ nghĩa "đứng núi này trông núi nọ". Lái một chiếc xe cũ rít đi làm, nhưng anh ta lúc nào cũng làm ra vẽ là dân biết nhiều về xe cộ. Lại còn lâu lâu ra vào để mắt ngắm nghía chiếc xế. Chúng tôi biết ý nên thỉnh thoảng lúc rảnh thì khen một chút về chổ này hay chổ nọ chiếc xe, anh chàng được trớn cao hứng và thế là bất đắc dĩ mọi người phải nghe anh ta thuyết về những chức năng lợi hại của một bộ phận nào đó. Công việc lúc đó chỉ là với đồng lương tối thiểu, nhưng Marat thì luôn loa loa về những kế hoạch tác chiến lớn và lâu dài của mình. Và anh ta là nhân viên có kỷ lục về số vụ cải cọ với khách hàng. Marat còn có thói quen xài đồ trong cửa hiệu mà hay "quên" trả tiền. Tiếc là tôi không có liên lạc với Marat sau khi anh ta thôi việc ở đó để có thể biết được hình ảnh của Marat sau này ra sao.
    Andrei thì lại là một người bạn rất ấn tượng. Một năm sau khi ra trường, tôi chuyển đến làm việc cho một công ty khác trong ngành phát triển phần mềm ứng dụng. Andrei đã làm việc cho công ty này được vài năm trước khi tôi đến và chúng tôi được bố trí văn phòng sát vách nhau. Tốt nghiệp kỹ sư điện từ University of Maryland, nhưng Andrei lại là một tay viết phần mềm thật cự phách. Thông minh và hoàn toàn độc lập trong cách giải quyết vấn đề, Andrei luôn có thể tìm ra lời giải cho mọi ẩn số trong công việc, dù bằng con đường dài nhất nếu cần thiết. Chúng tôi đôi lúc không hoàn toàn hài lòng với cách giải quyết vấn đề thiếu hương vị khoa học phần mềm của Andrei, nhưng ai cũng phải công nhận là anh ta đưa ra nhiều ý tưởng có lý. Trốn cùng với cha qua Mỹ lúc còn học trung học, Andrei hoàn toàn Mỹ hoá, ngoại trừ giọng tiếng Anh mang đầy màu sắc cổ điển tiếng Nga. Andrei nói tiếng Anh y hệt một diễn viên Hollywood vào vai một người Nga chính cống. Có lẽ vì vậy mà anh ta thu hút được nhiều sự chú ý của con gái Mỹ. Tác phong công nghiệp của Andrei thì quá bụi đời. Anh ta ngủ đến 10 - 11 giờ trưa mới đến chổ làm và tối mịt mới về. Chạy xe máy hai bánh đi làm, và khi vào đến văn phòng là cởi giày ra đi vớ cho đến khi chuẩn bị ra về. Andrei còn hay sưu tầm những hình ảnh quái dị trên mạng. Lâu lâu anh ta gọi tôi vào để khoe một tác phẩm tìm được và thế là chúng tôi cùng nhau phá lên cười. Trong thời gian làm việc ở đó, Andrei còn học và lấy bằng lái máy bay dân dụng. Khi tôi rời công ty để theo đuổi giấc mơ internet dotcom ở một công ty khác, Andrei cũng đổi nghề và trở thành một phi công chuyên nghiệp. Anh chuyển lên Nevada lái máy bay luân chuyển tù nhân từ trại này qua trại khác. Sau đó là phi công cho một tổ hợp du lịch đưa khách đi tham quan Las Vegas và Arizona. Chỉ mới tháng trước đây thôi tôi có điện thoại cho Andrei khi đi nghĩ cuối tuần ở Vegas. Anh ta rủ tôi đi Grand Canyon, Arizona trên máy bay do anh lái, miễn phí. Tiếc là đó là ngày cuối cùng ở Las Vegas nên tôi không kịp chuẩn bị. Nhưng tôi hứa là khi nào đến Vegas lại là sẽ ngồi trên ghế phi công phụ với anh ta.
  8. HollyWack

    HollyWack Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/03/2003
    Bài viết:
    9
    Đã được thích:
    0
    Zenia - Phần 5 Matcơva
    --------------------------
    Cuối cùng rồi tôi cũng quyết đi Nga một chuyến. Điều này khiến nhiều bạn bè và đồng nghiệp hơi ngạc nhiên. Nhiều người biết tôi có máu phiêu lưu, nhưng một anh chàng không phải là người gốc da trắng qua Nga du lịch thì họ cảm thấy không được ổn cho lắm. Đa số người Mỹ điều nhận biết một sự thật phũ phàng rằng, người Nga đa số tại Nga thiếu sự tôn trọng cần thiết đối với văn hoá và con người của những sắc dân thiểu số khác bên cạnh họ. Đã bao nhiêu lần bạn gặp một du khách người da đen trên Ulitsa Arbat ở Matxcơva hay trên Nevsky Prospekt ở Leningrad ? Thủ tục visa đến Nga có thể nói là dài dòng nhất trong số mười mấy quốc gia mà tôi đã có dịp đến thăm. Khó ai có thể tự mình làm thủ tục xin visa đến Nga như họ có thể làm đối với các nước khác, mà phải qua một dịch vụ du lịch đa số do người Nga điều hành. Visa và vé máy bay của tôi và người bạn cùng đi do một dịch vụ ở gần Hollywood đảm trách. Và ngay phút đầu tiên bước chân vào văn phòng sặc mùi thuốc lá với những nhân viên phong cách bao cấp thời tiền Soviet, chúng tôi nhận ra rằng chuyến đi sắp tới sẽ rất lịch sử.
    Cảm giác đầu tiên lúc đến Matxcơva, khi tiếp cận với những quan chức hải quan và cảnh sát mặt mày lạnh lùng, và khi hít thở không khí ngập mùi khói xe cộ ngoài đường, là tôi liên tưởng ngay đến Việt Nam. Chỉ mới đến Nga lần đầu mà tôi cảm thấy như mình gần như ở quê nhà, hơn là ở miền đất khách. Nga và Việt Nam thực chất có nhiều điểm tương đồng về quan điểm và ý thức hệ, hơn là khi so sánh cả hai quốc gia với Mỹ. Người Nga cũng như người Việt đều rất tự hào về lịch sử kiêu hãnh của đất nước mình. Còn nước Mỹ trẻ trung thì niềm tự hào không hẳn trong lịch sử, mà là ở chế độ dân chủ tự do tiên phong và lâu đời của thế giới hiện đại. Phong cách tổ chức hành chính và tác phong xã hội ở Nga và Việt nam có điều gì na ná - ảnh hưởng nặng nề bởi chế độ quản lý trì trệ thiếu khoa học vẩn còn ngự trị trong bộ máy chính quyền cho đến ngày bây giờ. Người Việt, giống với người Mỹ, tuy vậy tế nhị hơn nhiều so với người Nga. Một phần vì nền văn hóa Khổng Tử đông Á từ lâu đã ở trong xương thịt người Việt; một phần là sự cởi mở của thế giới quan trong cách tiếp cận với cái mới, cái hay bên ngoài của chúng ta. Nếu bạn để ý thì sẽ thấy rằng con số người Nga biết tiếng Anh ít hơn rất nhiều so với người Việt biết. Đầu óc bảo thủ và nhân sinh quan ích kỷ là điều đáng tiếc mà người Nga đang sở hữu. Tất nhiên là thế lực thực dân mới, đang âm thầm vươn vòi đến mọi hang cùng ngỏ hẻm của địa cầu, đều hiểu đến những nhược điểm cố hữu này. Và họ dùng nó như một công cụ để biến Nga thành một nạn nhân mới cho công cuộc toàn cầu hoá, một thành ngữ hoa mỹ cho chế độ thực dân hóa kiểu mới, của họ.
    Matxcơva như đưa tôi về với tuổi thơ lịch sử. Lúc đó, vào thập niên 80 ảnh hưởng của văn hoá và chính trị Nga vào Việt nam thật là lớn. Người ta nhắc đến "Thép đã tôi thế đấy" hoặc "Chiến tranh và hoà bình" như những kiệt tác văn học đáng chú ý bình luận hơn nhiều so với "Truyện Kiều", hay "Số đỏ". TV và các rạp chiếu phim thì tràn ngập những cuốn phim "truyện màu chiến đấu Liên Xô". Và trẻ em Việt nam lúc đó quen thuộc với những gì liên quan đến Lê-nin hoặc Stalin hơn là Nguyễn Huệ hay Lê Lợi. Quảng trường đỏ lúc đó thật gần gủi, và ngay khi bước chân đến đó, tôi chỉ cần nhắm mắt lại là có thể tự đưa mình vào quá khứ. Và chỉ duy nhất ở Matxcơva tôi mới cảm thấy như vậy.

Chia sẻ trang này