1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những người thân của tôi.

Chủ đề trong 'Hạnh phúc gia đình' bởi MrVitdoi, 24/06/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. MrVitdoi

    MrVitdoi Thành viên quen thuộc Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    06/07/2001
    Bài viết:
    254
    Đã được thích:
    0
    Những người thân của tôi.

    Tôi đọc được 1 bài viết của người bạn về bà ngoại trên Blog yahoo 360 của cô ta và nảy ra 1 ý định là lập cái topic này để mọi gnười có thể vào để viết về tình cảm của mình với những người thân trong gia đình. Rất hy vọng các bạn sẽ hưởng ứng.___________

    Bà ngoại
    Bà ngoại có dáng cao dong dỏng. 4 lấn sinh đẻ không làm mất đi đáy lưng ong, gánh nặng cuộc sống qua năm tháng không làm vai bà trĩu xuống. Ngoài 60 tuổi lưng bà vẫn vươn thẳng quý phái. Bà vốn là con gái nhà dòng dõi, thời thiếu nữ có xe kéo riêng, ra đường chỉ mặc áo tân thời. Cảnh chạy loạn đã chia lìa bà và gia đình; mãi mãi về sau, cho đến cuối đời, bà vẫn không bao giờ biết được bố mẹ mình đi đâu về đâu, sống chết ra sao. Nỗi đau lớn nhất đời đó chỉ mình bà âm thầm chịu đựng,không chia sẻ với ai. Ngày chia cắt định mệnh đó đưa bà đến một cuộc sống hoàn toàn khác, vất vả nghèo khó và chịu đựng hy sinh cho đến cuối đời.

    "Đàn bà thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con". Câu này đến nay vẫn chỉ dành cho bà ngoại. Bà không có gương mặt đẹp nhưng dáng người của bà cho đến bây giờ vẫn là niềm mơ ước của các cô con gái và cháu gái trong nhà. Khi còn ngày ngày quanh quẩn bên chân bà, cháu gái chẳng bao giờ nhận ra điều đó, chẳng bao giờ nhận ra bà thật đẹp và nhận ra rẳng bà đã hy sinh thật nhiều, cho con và cho cháu. Đơn giản vì lúc đấy cháu còn quá nhỏ.

    Năm cháu gái 2 tuổi đi nhà trẻ, khóc khô cả nước mắt, chỉ còn tiếng gào khan. Bà đi làm về sớm rẽ qua thấy thương cháu qua, xin nghỉ làm để ở nhà trông cháu. Bà sinh 4 người con nhưng rồi lớn lên mỗi người một ngả, buổi tối cũng chỉ mình bà.

    Cuộc sống khó khăn từ ngày loạn lạc không chôn vùi được đời sống tâm hồn phong phú của bà. Sách gối đầu giường của bà là Tình sử Angelic, là Tiếng chim hót trong bụi mận gai, là Cuốn theo chiều gió, Amboro v.v... Bà chẳng chia sẻ được với ai, ông ngoại là một thế giới khác hẳn rồi. Ngày xưa đâu phải cứ yêu nhau là cưới. Sống với nhau vì nghĩa vợ chồng, nhưng tâm hồn mỗi người ở một thế giới. Ông đơn giản, xuề xoà, dễ quên, thích những thú vui đơn giản như tam cúc, tổ tôm. Bà sâu lắng, yêu hoa, phim ảnh, yêu văn học nghệ thuật. Bà thích hoa loa kèn, thược dược, violet. Tết trong nhà không thể thiếu hoa đào phai. Thói quen (hay tình yêu?) đó theo cháu gái đến ngày hôm nay.

    Bà suốt đời hy sinh nhường nhịn cho con. Sau này cháu gái cũng được hưởng trọn tình yêu như vậy của bà. Cháu già chỉ đòi ăn sườn que (sườn nạc chỉ có 1 cái xương - sườn que là tên 2 bà cháu đặt cho nó) mà chẳng biết rằng gắp hết sườn que cho cháu bà lại ăn nước canh không. Cháu gái sợ mắt của con tôm nên bà toàn nhường phần đuôi ngon lành cho nó. Bà nhất định phải mua phở bò ông Bốn thơm lừng ngã tư Quán Sứ để cháu ăn sáng, nhưng bà thì sáng sáng ăn cơm nguội. Bà bảo thích ăn cơm với nước mắm dấm tỏi cay xè và nhường hết thức ăn cho mọi người. Thói quen có lọ dấm ngâm ớt tỏi đến bây giờ các con bà vẫn giữ. Bữa cơm nhà nào cũng có mọt bát nước mắm dấm tỏi ớt cay xè, cậu út thậm chí món gì cũng nấu nhạt đi để được chấm nước mắm một tí. Đấy là bây giờ bao nhiêu đồ ăn thức uống, nước mắm chỉ là chấm mút thêm tí gia vị thì ngon. Còn quanh năm ăn cơm nước mắm thì ngon sao được. Vậy mà bà cứ khen ngon. Vậy mà cháu gái ngây thơ lại tưởng bà nói thật vì hồi đó thỉnh thoảng cháu cũng ăn và có thấy ngon, nhưng đấy chỉ là thỉnh thoảng.....

    Một tuần vài tối cháu gái ở nhà với bà khi mẹ đi làm ca. Cháu đòi bà kể chuyện Tiếng chim hót trong bụi mận gai, có lúc hiểu lúc không, nhưng biết là mình thích lắm dù lúc đó mẹ chỉ mua cho đọc truyện cổ tích có hoàng tử ếch, có công chúa Lidơ và 12 con thiên nga v.v... Cháu lớn lên mơ màng truyện cổ tích bé con, và thỉnh thoảng xen lẫn Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Mùa hè oi bức bà ngoại thường nấu cháo đỗ đen ăn với muối hoặc cà. Nhưng cháu nhất định chỉ ăn với đường vì không thích cà chua, muối mặn. Bà bảo con bé này hảo ngọt từ bé...

    7 tuổi cháu đem hết tất cả truyện cổ tích, truyện tranh bày ra ngoài hiên nhà hàng xóm cho trẻ con khu phố đến mua và thuê. Bà bắt được, thu dọn đem về nhà và đánh cho một trận thật đau. Cháu chẳng khóc, sau đó còn đưa cho bà mấy chục đồng tiền gom được do bán và cho thuê truyện trong một buổi sáng. Bà không hiểu sao cái thế giới thần tiên mơ màng mà hàng ngay cháu ôm khư khư, thế mà có lúc nó đem ra bán và cho thuê. Bà lẩm bẩm với con gái không biết sau này nó thành gì, vừa ôm ấp mơ mộng lại có máu phiêu lưu kinh doanh từ bé.

    Nhà nghèo đến nỗi cái giát giường gẫy nhiều thanh cũng chẳng có tiền thay cái mới. Chỗ nào có thanh gẫy thì bị hõm xuống. Bà mua cái mành tre trải lên trên. Vậy mà rồi cái mành tre đấy cũng chẳng được nguyên vẹn. Cháu gái bướng bỉnh hay trốn nhà đi chơi nắng buổi trưa, bà rút từng que mành tre ra đánh đít. Mỗi lần nằm im thin thít ăn đòn xong, cháu lại chạy đi tìm que mành bẻ đôi rồi vứt vào lò than nướng bánh của ông. Rồi ngày hôm sau lại phạm lỗi, hôm sau nữa cũng vây, cái mành tre của bà vì vậy mà vơi dần đi vì bà quyết tâm dạy dỗ đứa cháu bướng bỉnh... Vậy là để cho Nắm Cơm (bà gọi cháu như vậy) của bà được chắc nịch bà chẳng được ăn ngon. Và để Nắm Cơm sau này sẽ dẻo thơm mà bà cũng chằng được nằm ngủ cho yên, cái mành bị rút tung cho đến khi chỉ còn một nửa, chẳng che nổi những chỗ hõm của giát giường bị gãy. Bà lại bị đau lưng.

    Cháu gái quanh quẩn bên bà những tối nhà vắng vẻ, nghe tiếng dế kêu ri rỉ trong lò than ủ nóng, nghe tiếng loa phát thanh rè rè những bài ca kháng chiến mà bà nghe mãi không chán; theo bà đi đến rạp xem phim Hà Nội trong mắt ai, để rồi ngủ gật trên lưng bà trên đường về nhà. Cháu xem phim chẳng hiểu gì, chỉ nhớ mãi 2 câu thơ "Đầu đường Đại tá vá xe. Cuối đường tiến sĩ bán chè đỗ đen", hình như là nói về sự thay đổi của thời cuộc. Dù còn khó khăn nhưng khi đi làm buổi tối, me vẫn mua vé xem phim để bà đi cho đỡ buồn và dặn bà nhớ đi xích lô về nhưng bà lại tiết kiệm tiền. Cõng cháu trên lưng suốt đoạn đường về, tiền đó chắc sẽ lại để dành mua na cho cháu gái, nó thích ăn na bở...

    Còn bé lắm nhưng cháu gái biết xót xa khi thỉnh thoảng thấy bà âm thầm soi gương làm đẹp khi chuẩn bị đi đâu đó. Bà có búi tóc giả, bà ngượng ngùng bôi chút sáp vào môi, bà chọn những bộ cánh không đẹp (đep sao được khi nhà nghèo đến vậy) nhưng phẳng phi sạch sẽ thơm tho. Dấu ấn cuộc sống một thời vàng son vẫn còn ẩn sâu trong bà, nên nếp của một tiểu thư thành thị vẫn theo chân bà cho đến những năm tháng sau này. Nhà không đẹp nhưng phải gọn gàng sạch sẽ. Quần áo không đẹp nhưng phải thơm tho, phẳng phiu. Cháu gái biết bà thích có 1 cái áo trần bông khuy Tầu. Ước mơ đơn giản vậymà bao năm sau này mẹ cháu mới làm được cho bà. Tất cả cũng chỉ vì cuộc sống khó khăn quá. Bà lúc nào cũng chăm sóc và mong cháu lớn lên xinh tươi. Ngày bé cháu da trắng nõn nà nhưng tóc thì loà xoà hoe hoe như râu ngô. Bà vuốt ve mà than rằng rồi sau này cũng giống mẹ và bà, tóc chẳng bao giờ dài ra được, lúc nào cũng lơ lửng qua vai một chút mà thôi...

    Ngày đám cưới cậu út xong, bà thở phào vui sướng, vậy là cũng chu tất dựng vợ gả chồng cho 4 người con. Bả bào giờ chỉ chờ đến đám cưới của cháu gái mà thôi....Nhưng ngày ấy không kịp đến...Bà ra đi trong một ngày đầu xuân vì bệnh ung thư quái ác, khi đấy các con đều chưa thành đạt, vẫn khó khăn và chưa kịp báo hiếu cho bà. Bà vất vả cho đến ngày nằm xuống.

    ..............

    18 năm rồi cháu gái vẫn nhớ như in từng nét bà cười lấp lánh hàm răng đen nhánh, nhớ lúc bà tức giận lăm lăm cái roi tre. Cháu gái lớn lên tóc không lơ lửng bờ vai mà đổ dài sóng sánh sau lưng. Cháu đã đi học, đi làm và trưởng thành từng bước, bà ngoại hẳn sẽ vui lắm. Mỗi lần đi qua Lương Văn Can vẫn ao ước có bà ngoại để mua tặng áo trần bông khuy Tàu và áo dài lụa tơ tằm để bà mặc trong ngày cưới của cháu. Đáy lưng ong của bà chắc chắn sẽ rất đẹp trong áo dài tơ tằm, cháu gái tưởng tượng vậy thôi vì bà cũng chưa bao giờ có áo dài để mặc

    18 năm rồi khi ở tận xứ người cháu vẫn nấu cháo đỗ đen ăn với đường. Cháu vẫn hảo ngọt như ngày xưa dù cuộc đời mang đến không ít mặn và chua. Cháu vẫn mơ màng truyện cổ tích, mong có ngày con ếch sẽ biến thành hoàng tử, cho dù biết tình yêu trong cuộc sống sẽ còn chông gai hơn nhiều chuyện tình của cha Ran và Meggie; máu kinh doanh thì vẫn nằm ở nơi xa nào đó. 18 năm rồi tháng 4 nào trong nhà cũng đấy ắp hoa loa kèn. 18 năm rồi nhưng thỉnh thoảng buổi sáng ngủ dậy, cháu vẫn nằm tưởng tượng... vài chục năm nữa....vào một buổi sáng....cháu đến bên giường đứa cháu ngoại 7 tuổi của mình: - Này dậy đi, hôm nay 2 bà cháu mình đi nhổ răng. Cái răng của bà cũng giống răng của cháu, nó chẳng thích ở lại với bà nữa rồi.../.
    ( Wednesday June 21, 2006 - 03:14pm (PDT)-SweetAutumn)
  2. MrVitdoi

    MrVitdoi Thành viên quen thuộc Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    06/07/2001
    Bài viết:
    254
    Đã được thích:
    0

    Có con mẹ không còn cô đơn.
    Có con mẹ không còn nghĩ đến cái chết.
    Có con sự bình yên ngập tràn tâm hồn mẹ.
    Mẹ thích ngắm con khi con ngủ. Mẹ thích ngắm con khi con cố sức bê bàn chân bé xíu lên kề sát vào miệng. Mẹ thích đùa với con khi con tắm. Mẹ thích cả cái âm thanh rên nho nhỏ của con khi con rúc rúc tìm mẹ trong đêm.
    Trước đây chẳng có gì quan trọng tuyệt đối với mẹ. Mẹ sống không có mục đích, thiếu thốn niềm vui nhưng lại thừa thãi sự tuyệt vọng. Mẹ sợ hãi đủ thứ, yếu ớt với chính bản thân mình. Từng ngày qua đi, cảm xúc bị dồn nén chẳng thể nổ tung mà ngược lại, nín câm trong lòng.
    Giờ đây con là thân thể của mẹ.
    Là trái tim của mẹ.
    Là tất cả cuộc sống của mẹ.
    Không bao giờ có tình cảm vĩnh cửu giữa đàn ông với đàn bà không cùng huyết thống. Một ngày có thể bố sẽ không còn thấy vui bên mẹ, một ngày có thể bố sẽ thấy người phụ nữ khác cần cho bố hơn. Mẹ không ngăn được điều đó. Mẹ chỉ có thể gìn giữ được sợi dây bền chặt với con thôi. Sợi dây của những người ruột thịt, sợi dây của tình mẫu tử cho mẹ một cuộc sống đầy ắp những âm thanh dễ thương, đầy ắp những hình ảnh ngộ nghĩnh của con. Tâm trí mẹ nằm ở khuôn mặt non nớt của con, nằm ở đôi bàn tay bé bỏng của con, nằm ở món đồ chơi mà còn vẫn ôm khư khư mỗi khi đi ngủ. Có những thứ mẹ đã sợ mẹ không bao giờ vượt qua được, nhưng giờ đây nó lùi xa nhẹ đến mức mẹ cảm tưởng nó chỉ như hơi thở dìu dịu, thơm tho mùi sữa của con thôi...
    (botkenzo: www.namkenzo.blogspot.com)

Chia sẻ trang này