1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những người Tuyên Quang đang xa quê, bạn nhớ điều gì nhất???

Chủ đề trong 'Tuyên Quang' bởi cho_xu_beo_mum_mim, 02/08/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. congchien

    congchien Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/07/2006
    Bài viết:
    3
    Đã được thích:
    0
    Bãi đá bạn gọi thì dân Tam Cờ mình gọi là "ghềnh"! Bên kia là bãi "soi".
    Ngày nhỏ bơi theo mấy anh cùng phố sang đấy ăn trộm nhãn, ngô bị bảo vệ rút AK 47 bắn đạn giấy "tưng bừng"!
    Cạnh những hòn ghềnh đó có một roi cát nhô lên khá đẹp. Tiếc là về lần nào cũng ko thấy nó nổi lên vì không đúng mùa nước nữa.
    Hồi trước ở đằng sau đền Hạ có hai bụi tre rất to. Muốn xuống con dốc nhỏ đó phải đi qua hai bụi tre này. Vào giờ trưa thường ít người qua lại khu vực này. Các cụ rặn: "Giờ các quan đi tuần!" Tớ chẳng biết! Nhưng cứ nghe tiếng tre tựa vào nhau trong buổi trưa hè vắng vẻ thì có cho kẹo cũng không dám ra sông tắm.
    (cho mình hỏi chút xíu: Khu hồ công viên mà bạn lôi 1đôi cô dâu chú rể ra chụp có phải là chỗ Đài tưởng niệm không nhỉ? chứ khu hồ công viên thì mình nghe hơi lạ" hihihi
    bb!
  2. Grass84

    Grass84 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/06/2004
    Bài viết:
    777
    Đã được thích:
    0
    Tuyên Quang là nơi tôi đã sinh ra ở đó... tuổi thơ của tôi luôn gắn với TQ... TÔi vẫn nhớ hồi còn bé, tôi có bị lạc đến dốc số 2... giờ ko biết nó như thế nào nhỉ... ai đó có thể tả cho tôi được ko nhỉ... hay chỉ cần một tấm anh cũng được.... nhớ quá cơ. Mỗi lần mà về Hà Giang chỉ được qua Tuyên Quang chứ chua có cơ hội dừng chân lại cả.
  3. cho_xu_beo_mum_mim

    cho_xu_beo_mum_mim Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    778
    Đã được thích:
    0
    Bạn quay về trang 1, 2 đầu topic này nhé, có 1 bài viết về các con dốc ở TQ, trong đó có dốc số 2.
    ------------------------------------
    Ngày ấy, những buổi trưa cuối hạ đầu thu thế này thường mang lại cho nó rất rất nhiều câu chuyện thú vị. Căn nhà kiểu những năm 70, năm gian, trình tường bằng đất nện và nền nhà bằng xỉ đầm mát lạnh. Nằm vuông góc với căn nhà là một gian nhà ngang liền nhà bếp, nối giữa hai căn là một chái hiên lộng gió có mắc cái võng tết bằng dây dù xanh xanh, nơi mà mỗi khi mít trong vườn chín, nó thường hiên ngang vác về, lót lá mướp ra nia và nhờ bà nội bổ. Nó ăn mít nhiều đến nỗi cứ mùa hè là cả người rôm sảy nổi như gai mít, và cả mùi mồ hôi trên cái vai tròn tròn của nó cũng thơm thơm, ngòn ngọt...
    Gian bếp nhỏ bé, có khung cửa sổ tí tẹo nhìn ra vườn, nơi nó chơi đồ hàng dưới gốc khế và khi nào ngửi thấy mùi dứa chín thì trốn bà lần mò ra vườn dứa. Cái màn chui vào một bao tải, hai tai xách hai mép bao, nhảy chồm chồm tránh gai dứa chỉ để hái được một hai quả con con, đối với nó là cả một kỳ công đầy sáng tạo. Cây mít, cây khế, cây hồng bì... cây nào cũng ngang dọc sẹo vì hai chị em nó rất thích chơi dao. Đi ngủ cũng dao cất đầu giường, nửa đêm bị gọi dậy đi tè cũng phải quờ quạng ôm lấy con dao cùn mới chịu đi.
    Cái giàn bếp đen bồ hóng, không biết có tự bao giờ. nó có những ba tầng, và với chiều cao chưa đầy một mét ngày ấy, nó chỉ có thể biết được những thứ được treo bên dưới cái tầng cuối cùng. Một cái rổ con con buộc dây móc lên giàn, đựng dăm ba quả đỗ già làm giống, với vài củ lạc. Một túm hành tỏi các loại. Một túm ớt khô. Một túi nilon đen nhẻm đựng thảo quả, hoa hồi - là vì cái hồi nghèo nàn ấy, bác nó vẫn là người rất cầu kỳ và sành sỏi trong ăn uống, những món bác làm dẫu đơn sơ nhưng gia vị và bài trí thì không thể xuề xoà được.
    Nó từng viết rất nhiều về khu vườn, về ngôi nhà cũ, về cái bếp cứ trưa đứng bóng là nồng nàn, ấm áp mùi cá trê kho riềng và vị mằn mặn của khói, nhưng chưa bao giờ viết được hết những gì còn lại trong nó - màu sắc, hương vị, và cả những thổn thức.
  4. Tony_Teo_ban_ca_keo

    Tony_Teo_ban_ca_keo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/07/2006
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Cầu Nông Tiến khởi công, cũng là lúc trường Bình Thuận có thêm nhiều học sinh mới. Họ là con của những người thợ Cầu 12.
    Lớp 4B do cô giáo Bình chủ nhiệm có thêm 1 thành viên mới. Hùng xuất hiện trong bộ đồ kiểu con nhà binh. Ngoài nước da ngăm đen, người ta còn có thể nhận ra sự khác biệt ở thành viên mới này qua giọng nói của người miền xuôi.
    Hai tuần sau khi nhập học, chẳng ai gọi tên cậu ta cộc lốc là Hùng. "Hùng Văn" cái tên gọi mới có lẽ là sự khó chịu với cậu ta. Nhưng xem ra cách mà các thành viên trong lớp nhắc về nhau không thể không đưa tên phụ huynh ở phía sau.
    Nhập học khá lâu xong "Hùng V" không bao giờ nhập cuộc vào những trò chơi có tính vận động của lũ con trai. Sự tò mò của những đứa hiếu động trong lớp đã tới đỉnh điểm, khi mà chi tiết xung quanh cái mũ trên đầu Hùng là tâm điểm của mọi sự chú ý.
    Hùng được "đặc cách" đội mũ trong lớp, ngay cả giờ chào cờ cậu ta thường được phân công trông lớp học.
    Tò mò là vậy. Nhưng trong lớp 4B chẳng có thằng con trai dám tháo nó ra khỏi đầu của Hùng cả bởi dẫu sao cậu to con hơn bất kỳ đứa nào.
    Cho đến một ngày chiếc mũ của Hùng rơi ra khỏi đầu với một cú giật mạnh. Hùng không còn vẻ cứng cỏi sau những lời chế nhạo, cậu ta đã tức tưởi, khóc như chưa bao giờ được khóc khi một cái đầu không hề có tóc hiện ra.....
    Bí mật bị hoá giải và nó cũng chẳng còn là câu chuyện được bàn tán sôi nổi trong lớp nữa. Hùng có thêm cái tên mới: Hùng trọc!
    Có vẻ như sau cú sốc Hùng đã bị mất cân bằng. Tác giả của cú giật đó thì cũng bị một trận đòn, làm vài ba cái bản kiểm điểm. Rồi phụ huynh của "hai cháu" gặp nhau bàn biện pháp nhắc nhở không nên bắt nạt một thành viên mới như Hùng.
    Mười tám năm đã trôi qua, những lỗi lầm thời con trẻ cũng đã qua đi cùng năm tháng.
    Bến phà Nông Tiến và chiếc cầu phao chỉ còn lại trong kí ức khi cầu Nông Tiến thông xe. Rồi những người thợ của công ty cầu 12 lại đi xây dựng những cây cầu mới. Một số khác đã chọn Tuyên Quang để lập nghiệp.
    Tôi cũng chẳng còn biết những thông tin về gia đình Hùng. Cậu ta ở lại TQ hay theo những người thợ Cầu 12 đi đến nối những bờ vui khác.
    Trên đường thiên lý Bắc Nam, tôi đã đi và gặp rất nhiều những người thợ của Công ty cầu 12. Và tôi đã hiểu sự hy sinh, vất vả của những người vợ, người con khi họ theo chồng, theo cha tới tận chân những công trình cầu đường.
    Có thể tôi sẽ chẳng gặp được bố Hùng để nói với ông một lời xin lỗi. Nhưng ánh mắt của người kỹ sư này hôm tới nhà để gặp phụ huynh tôi thì tôi không thể quên. Trong ánh mắt của sự giận dữ tôi đọc được nỗi đau trong ông nhiều hơn!
    Hùng ơi tôi nợ cậu một lời xin lỗi!
  5. quangsdtq79

    quangsdtq79 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/07/2006
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    0
    Chị Hà béo à, đọc cứ như đọc hồi ký ấy
  6. cho_xu_beo_mum_mim

    cho_xu_beo_mum_mim Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    778
    Đã được thích:
    0
    Chị sắp lên VIP nên tập 2 thứ, 1 là viết hồi ký, 2 là tập ký
  7. ThuLam

    ThuLam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/05/2004
    Bài viết:
    2.308
    Đã được thích:
    0
    Đôi khi ở đây lại nói được rất nhiều .
  8. cho_xu_beo_mum_mim

    cho_xu_beo_mum_mim Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    778
    Đã được thích:
    0
    Hình như 2 ngày nữa là lập Thu. Thu này TQ có gì nhỉ?
  9. Tony_Teo_ban_ca_keo

    Tony_Teo_ban_ca_keo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/07/2006
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Có 3 bà cụ bán quà vặt thường ngồi dưới chân cổng thành nhà Mạc. Bà Thành, bà Nhân và bà Đống không còn xa lạ gì với nhiều thế hệ học trò trường cấp I, II Bình Thuận.
    Trên mỗi chiếc mẹt, quà bán ra chỉ là những thanh kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo bột, dăm ba khúc sắn dây đã luộc chín. Đôi lúc là lọ bánh dán, bánh dày Tàu, vài chục quả trám xanh ỏm qua nước sôi đem chấm với muối ớt. Xa xỉ hơn là những chiếc kẹo cao su, bên ngoài giấy gói in hình những xe tăng, lính Mỹ.
    Cấm ăn quà vặt! Điều này thường được nhắc nhở vào mỗi buổi sáng thứ hai. Thậm chí có hẳn một đội gọi là "cờ đỏ" để ngăn chặn thói xấu này.
    Những bờ rào làm bằng nứa được dựng lên xung quanh trường, tô điểm trên nó là những bụi dây leo chằng chịt. Có vẻ như mọi lối dẫn đến các hàng quà đều bị bịt kín. Nhưng tất cả đều không ngăn nổi bước chân của học trò BT khi tìm cách đến với những hàng quà.
    Quán bà Thành thường đông khách hơn hai bà cụ còn lại. Chẳng phải quán bà nhiều mặt hàng hơn, điều cốt lõi là dễ ghi nợ.
    Sẽ khó có thể biết được bà Thành có bao nhiêu quyển sổ ghi nợ như thế, nhưng những cái tên in đậm từ lớp 4 đến lớp 9 vẫn là những "nợ xấu khó đòi".
    Danh sách những con nợ cứ dày lên theo năm tháng. Thậm chí chuyển sang học cấp III Tân Trào, những cái tên như B.K, H.B, C.C, C.T vẫn còn lưu trong sổ của bà Thành. Nhưng tuyệt nhiên không bao giờ bà Thành làm các "con nợ" của mình mất mặt thậm chí ngay cả khi giáp mặt. Cụ thường nhắn tin qua người này, người kia để nhắc khéo.
    Vào những mùa đông giá rét, khi bạn, tôi hay chúng ta là những học trò trường BT, và với một lý do nào đấy trong túi bạn chẳng có tiền. Chúng ta vẫn có thể ngồi quây quần bên nhau bên cái mẹt nho nhỏ của bà Thành để cùng xua đi cái đói, cái lạnh trong những giờ ra chơi!
  10. Grass84

    Grass84 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/06/2004
    Bài viết:
    777
    Đã được thích:
    0
    Hi Hi ở box em đang có cuộc thi VIẾT VỀ HÀ GIANG THÂN YÊU đó ... anh vào đó tham gia nhé!!! Chắc anh cũng khá nhiều cảm xúc về HG đúng ko? http://www5.ttvnol.com/hagiang/808576/trang-1.ttvn

Chia sẻ trang này