1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những phát minh kỳ thú của loài người !

Chủ đề trong 'Lâm Đồng' bởi Alonetonight, 23/02/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Alonetonight

    Alonetonight Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/09/2002
    Bài viết:
    51
    Đã được thích:
    0
    Những phát minh kỳ thú của loài người !

    Hai năm sau khi King Gilette thực hiện một cuộc cách mạng về dao cạo râu, anh vẫn không có khách hàng nào. Anh đành phải đem tặng sản phẩm của mình cho bạn bè!


    Ý tưởng mới xuất hiện trong đầu Gillette hết sức rõ ràng vào buổi sáng năm 1895, trong khi anh đang cạo râu. Anh lập tức mua ngay vài miếng đồng, một cái tay cầm bằng gỗ, mấy cái giũa và vài mảnh thép vẫn dùng để làm dây cót đồng hồ. Từ những vật liệu đó, anh chế tạo ra một con dao cạo thô sơ với lưỡi dao có thể thay thế khi bị cùn.

    Ý tưởng rất xuất sắc, nhưng để tìm được chất liệu tốt làm một lưỡi dao mỏng và rẻ - nhưng chắc chắn - anh đã mất đứt sáu năm. Để hoàn thiện lưỡi dao, anh phải tìm thêm một nhà phát minh có tài nữa : William Nickerson. Nickerson không phải ai xa lạ với những phát minh khéo léo. Anh đã từng phát minh ra cái nút bấm ở thang máy và cái máy để cân và đóng hộp lúa mì.

    Năm 1901, Nickerson hoàn thành bản thiết kế một chiếc máy có thể sản xuất hàng loạt cả dao cạo lẫn lưỡi dao. Anh cùng Gillette mở một cửa hàng của công ty Dao cạo an toàn Gillette. Địa chỉ của công ty ở phía trên một cửa hàng cá ở Boston, không gây một ấn tượng nào. Lợi nhuận của hai năm đầu tiên cũng vậy. Đó là con số không! Không ai muốn phát minh mới này. Gillette đành phải tặng sản phẩm của mình cho bạn bè.

    Các thợ cạo nhanh chóng thất nghiệp vì kiểu cạo râu "tự túc" này, bèn cố gắng tẩy chay Gillette. Nhưng đã quá muộn! Gillette mở thêm nhà máy ở Pháp, Đức, Anh và Canada. Sau vài năm, ông bán toàn bộ cơ sở kinh doanh đồ sộ này và về nghỉ hưu ở California, nói rằng để nghỉ ngơi và trồng cây ăn quả. Nhưng khuôn mặt và bộ ria của ông vẫn xuất hiện trên dao cạo của Gillette cho đến năm 1963.

    Gillette đã giúp cho nam giới không phải kêu "Ối!" mỗi lần cạo râu, nhưng người ta còn muốn không bị ướt nữa. Họ mày mò tìm cách chế tạo một con dao cạo không ướt. Một người Anh là G.P. Appleyard đã tạo ra bản đầu tiên của loại dao cạo khô trước Thế chiến thứ nhất. Chiếc máy gồm một lưỡi dao xoay quanh trục miết vào một lưỡi dao cố định. Râu bị cạo lọt qua khe lưỡi dao này sẽ bị lưỡi dao xoay tròn gạt đi. Tuy vậy, dao cạo khô chỉ thực sự thành công khi đại tá Jacob Schick tạo ra con dao cạo khô đầu tiên có một động cơ điện vào năm 1923.

    Với dao cạo điện, không có cơ may nào để lưỡi dao cạo cắt vào mặt, dù chỉ là trầy nhẹ. Những tiếng kếu "ối" đã vĩnh viễn chấm dứt!
  2. Alonetonight

    Alonetonight Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/09/2002
    Bài viết:
    51
    Đã được thích:
    0
    Alfred Nobel là một người kín đáo, rụt rè và chuộng hòa bình. Khó ai nghĩ rằng ông đã phát minh ra thứ thuốc nổ có sức công phá mạnh nhất kể từ khi thuốc súng ra đời.

    Người chế tạo ra thuốc nổ đã phải chịu rất nhiều phiền toái vì phát minh của mình, nhưng rốt cuộc những gì ông chế tạo ra rất đáng giá. Tên ông là Alfred Nobel và ông là một nhà hóa học người Thụy Điển sống vào thế kỷ 19.
    Khi Nobel còn là một cậu bé con, một nhà hóa học người Ý tên là Ascanio Sobrero đã khám phá được một chất làm đảo lộn cả thế giới về vũ khí và trang bị chiến tranh. Sobrero đã cho một ít chất glycerine vào hỗn hợp acid nitric và sulphuric trong một chậu nước và nhận thấy rằng có một lớp dầu màu vàng chìm xuống đáy chậu. Chất dầu ấy có khả năng gây nổ rất lớn và dễ dàng phát nổ nếu bị va lắc mạnh. Thuốc súng - một chất nổ cơ bản khác , chỉ phát nổ nếu được mồi lửa. Sobrero gọi hợp chất mới phát minh này là nitroglycerine. Nitroglycerine là một loại thuốc nổ hữu hiệu nhưng khả năng gây họa rất lớn và khó chế ngự.
    Đến năm 1863, chàng thanh niên Alfred Nobel đã phát minh ra cách kiểm soát được nitroglycerine. Đó là dùng một ngòi nổ, có thể gây nổ chất nitroglycerine bằng cách đốt cháy một ít thuốc súng.
    Nobel và gia đình bắt đầu cho sản xuất ngay loại "Dầu nổ Nobel". Nhưng tai họa đã mau chóng ập đến. Một vụ nổ trong xưởng làm việc của Nobel đã giết chết đứa em trai và làm bị thương ông bố của anh. Tuy vậy, công việc vẫn được tiến triển. Trong vòng 5 năm, xí nghiệp tại Đức của nhà phát minh đã phát nổ hai lần. Khi các nhà khoa học trên thế giới tìm cách sử dụng chất nitro-glycerine nguy hiểm chết người này, lượng tử vong ngày càng gia tăng.
    Nobel nhận ra rằng, ngòi nổ chưa đủ an toàn để kiểm soát khối thuốc nổ. Ông cần một loại tốt hơn. Cuối cùng, Nobel cũng tìm được câu trả lời - kieselguhr, một loại đất đặc biệt xốp có rất nhiều ở miền Bắc nước Đức. Nobel khám phá ra rằng, nếu trộn nitro-glycerine với đất kieselguhr, nó sẽ ngấm vào đất mà vẫn không mất đi đặc tính gây nổ của mình. Nobel sấy khô loại đất đó thành từng thanh một và gọi nó là "dynamite" (thuốc nổ) - một từ mới lấy từ chữ Hy Lạp dynamis - có nghĩa là sức mạnh.
    Nhà hóa học đã xuất khẩu thuốc nổ dynamite ra khắp châu Âu vào năm 1867 một cách trót lọt, nhưng khi ông đem phát minh mới này sang Anh và Mỹ, ông đã đụng phải nhiều phiền toái.
    Công chúng sợ nó, còn các nhà sản xuất thuốc súng e rằng nó có thể làm hỏng việc làm ăn buôn bán của họ, và các công ty hỏa xa vì sợ nổ đã từ chối chuyên chở loại thuốc nổ này.
    Nhưng Alfred Nobel là một người đầy nghị lực. Nếu tàu lửa không chịu chở chất dynamite, ông sẽ chuyển nó bằng ngựa thồ và xe kéo. Và ông làm như vậy thật! Tuy nhiên, những rắc rối đến đây mới chỉ là bắt đầu. Các nhà kinh doanh Hoa Kỳ đã sao chép công thức thuốc nổ dynamite của Nobel rồi tạo ra những loại thuốc nổ mới với những tên gọi mới như là vigorite hay hercules.
    Trong thời kỳ này, Nobel vẫn tiếp tục các thí nghiệm của mình. Năm 1875, ông sáng chế ra một loại thuốc nổ có thể nổ được dưới nước. Nó gồm một hỗn hợp để mồi thuốc súng trông như thạch và nitroglycerine. Phát minh này nhanh chóng kéo theo những vụ nổ mới.
    Suốt cuộc đời, Alfred Nobel chưa bao giờ có ý định áp dụng phát minh của mình vào mục đích giết người. Ông gọi chiến tranh là "nỗi khủng khiếp nhất của những điều khủng khiếp, tội lỗi ghê tởm nhất trong mọi tội lỗi". Ông chỉ muốn sử dụng dynamite trong việc phá đá, khai thác mỏ, làm đường xe lửa và xa lộ. Và loại thuốc nổ này đã được dùng trong những mục đích hòa bình như thế. Nhưng khốn thay, các quốc gia trên thế giới cũng không ngại tiêu phí thời gian để tìm cách sử dụng thuốc nổ phục vụ những mục đích hủy diệt.
    Thuốc nổ dynamite khiến Nobel trở thành một người giàu sang. Đến năm ông chết - 1896 - ông đã làm chủ 93 xí nghiệp trên khắp thế giới, sản xuất 66.000 tấn dynamite mỗi năm. Ngày nay, con số ấy đã lên đến 400.000 tấn chỉ riêng ở Hoa Kỳ.
    Nhà phát minh ra thuốc nổ dynamite cảm thấy có tội vì phát minh của mình, ông đã cố tìm mọi cách để làm nhẹ tội lỗi ấy. Trong bản di chúc, Nobel yêu cầu sử dụng tài sản của ông để làm giải thưởng hàng năm trao cho những người có cống hiến lớn đối với nhân loại trong những lĩnh vực khác nhau. Ngày 10 tháng 12 năm 1901, giải Nobel đầu tiên được trao cho 5 lĩnh vực: vật lý, hóa học, y học, văn học - và quan trọng nhất đối với Alfred Nobel: giải thưởng hòa bình!
  3. Alonetonight

    Alonetonight Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/09/2002
    Bài viết:
    51
    Đã được thích:
    0
    Ngày nay, chúng ta có bút chì, bút mực, nhưng cách đây một ngàn năm, người ta viết bằng chiếc lông vũ lớn bứt từ một con chim sống

    Ngày nay, khi viết lách, bạn chỉ cần cầm một cây bút mực hay bút chì lên là xong. Nhưng trước khi có những thứ đó, người ta viết bằng gì? Khi người tiền sử muốn diễn đạt điều gì đó, anh ta nhặt một viên đá lửa và miết nó vào vách hang. Sau đó, anh ta phát hiện ra : nhúng ngón tay vào nước quả hay máu động vật mà vẽ dễ dàng hơn nhiều. Các nắm đất hay mẩu phấn cũng có công dụng tương tự đối với các bậc tiền bối của chúng ta.
    Dụng cụ để viết đầu tiên là cây bút lông, ban đầu do người Trung Hoa sử dụng. Cây chổi lông mà làm bút viết? Có lẽ một số người sẽ kinh ngạc, nhưng người Trung Hoa xưa kia đã viết cả lịch sử đất nước họ bằng cây viết đó.
    Người Ai Cập làm bút bằng thanh sậy vót nhọn một đầu, còn người Hy Lạp và La Mã cạo lên lớp sáp bọc ngoài một tấm bảng bằng một dụng cụ nhọn hoắt gọi là stylus (cây trâm). Bút trâm có một đầu tù để sửa lỗi bằng cách làm mướt phẳng lại mặt sáp.
    Đến đầu thời Trung Cổ, người châu Âu tìm đến những con chim, như loài ngỗng chẳng hạn, để lấy bút. Cái lông ống lớn được bứt ra từ con chim còn sống, hơ nóng rồi gọt bằng dao gọt bút. Cây lông ngỗng chấm mực đã phục vụ nền văn minh ngót một ngàn năm. Nhưng đến thế kỷ 19, người ta lại bắt đầu tìm một dụng cụ viết mới. Họ đã chán ngấy việc phải gọt bút liên tục để viết cho chuẩn.
    Năm 1822, hai nhà phát minh hợp tác với nhau chế ra chiếc quản bút bằng sừng động vật và mai rùa. Ngòi bút được chế từ những mảnh đá hồng ngọc hay kim cương nhỏ xíu, hai loại vật liệu cứng nhất mà họ tìm được. Loại ngòi bút bằng thép ít xa xỉ hơn, sau đó đã được sản xuất hàng loạt ở Anh từ 1828 và nhanh chóng đẩy bút lông ngỗng ra khỏi địa vị trước đây.
    Có một vấn đề đối với loại ngòi bút thép là phải chấm liên tục vào lọ mực. Có cách nào trữ mực ngay trong thân bút không? Có. Đó chính là cây bút máy, do người Mỹ Lewis Waterman chế tạo năm 1884 và được W.A Sheaffer cải tiến năm 1913.
    Làm sao giữ được than chì khỏi rơi lả tả ra khỏi bút? Năm 1795, một người Pháp tên là Nicholas Jaques Conte tìm ra giải pháp bằng cách lấy đất sét trộn với graphite để làm chất kết dính. Sau đó, ông ép hỗn hợp thành một thanh nhỏ xíu và nung ở nhiệt độ cao. Kết quả là cây bút chì hiện đại đầu tiên ra đời.
    Những ai sử dụng cây bút chì xa xưa đó phải hết sức cẩn thận vì không có tẩy để tẩy xóa những chữ viết sai. Cục tẩy đầu tiên được sử dụng từ hàng trăm năm trước, khi người ta viết bằng thứ bút chì cứng làm bằng chì và thiếc - chính là ruột bánh mì! Sau đó, một loại cao su được dùng thay thế để tẩy các chữ viết sai. Từ đó, thành ngữ "tẩy xóa một lỗi lầm" ra đời.
    Ý tưởng gắn liền bút chì và tẩy là của Hyman L. Lipman ở Philadelphia. Ý tưởng đó đã mang lại cho ông sự giàu có khi ông bán bản quyền phát minh vào năm 1858 với giá 100.000 đô la.
    Ngày nay, những cục tẩy hiện đại làm bằng hỗn hợp dầu ăn, đá bọt và sulfur - tất cả được kết dính nhờ cao su. Hãy nghĩ đến những thành phần trên khi bạn gặm cục tẩy ở đuôi bút chì !!!

Chia sẻ trang này