1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những tác phẩm điện ảnh kinh điển - Những người khốn khổ

Chủ đề trong 'Điện ảnh (MFC)' bởi ATC, 01/06/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. ATC

    ATC Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/03/2001
    Bài viết:
    6.452
    Đã được thích:
    0
    Những tác phẩm điện ảnh kinh điển - Những người khốn khổ

    Phim "Những người khốn khổ" - Qua các góc nhìn của điện ảnh

    Đã từ hơn 100 năm nay, kể từ khi nghệ thuật điện ảnh ra đời, mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh dường như đã trở thành một mối duyên nợ khá khăng khít. Không ít tác phẩm văn học lớn đã trở thành chất liệu chính để các nhà điện ảnh khai thác và cũng không ít nhà văn và tác phẩm văn học nhờ điện ảnh mà được lưu truyền rộng rãi. Những bộ phim của thế giới dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng "Những người khốn khổ" của Víchto Huygô là một trường hợp điển hình như thế. Cho đến nay, chỉ tính riêng ở Pháp - nơi khai sinh ra nghệ thuật điện ảnh - đã có đến 17 bản phim khác nhau dựa trên tác phẩm "Những người khốn khổ". Ngay từ năm 1909, khi nghệ thuật điện ảnh còn mới đang ở giai đoạn trứng nước, điện ảnh Pháp đã có ngay "Những người khốn khổ" ở dạng phim câm. Và sau đó gần như là vài ba năm một lần người ta lại thực hiện một bộ phim "Những người khốn khổ" với những góc độ khác nhau gắn liền với sự phát triển và hoàn thiện dần dần của ngôn ngữ điện ảnh. Thậm chí trong 2 năm liền, 1934 và 1935, điện ảnh đã liên tục công chiếu 2 bản phim "Những người khốn khổ" hoàn toàn khác nhau và trong đó, bản phim năm 1934 được coi là tác phẩm điện ảnh chuyển thể thành công nhất từ tiểu thuyết vĩ đại cùng tên. Ngoài Pháp ra, các cường quốc về điện ảnh khác như Nga, Mỹ cũng thực hiện phim "Những người khốn khổ" với những đặc thù điện ảnh riêng của đất nước mình.
    Cùng với "Những người khốn khổ", Víchto Huygô còn đóng góp cho nghệ thuật điện ảnh ít nhất là 2 tiểu thuyết khác của mình là "Nhà thờ Đức bà Paris" và "Người cười". trong tổng số hơn 5 tiểu thuyết đồ sộ của ông. Có thể nói Víchto Huygô là một trong những nhà văn lớn có khá nhiều tác phẩm văn học được chuyển thể sang điện ảnh. Đây cũng là một nét rất đặc biệt của ông vì không phải bất cứ một nhà văn nào được đánh giá cao về phương diện văn học cũng được chuyển thể nhiều sang điện ảnh. Điều đó có lẽ bắt nguồn từ những tư tưởng nhân văn lớn và một chất liệu văn học dồi dào ẩn chứa trong các tiểu thuyết của Víchto Huygô.
    Ra đời cách đây vừa đúng 2 thế kỷ, Víchto Huygô đã khẳng định vị trí của mình trên văn đàn thế giới với những danh hiệu không ai lặp lại được "Huygô khổng lồ", "Huygô trái núi", "Huygô cây sồi", "Huygô chim đại bàng"... Trong sự nghiệp sáng tác gần 80 năm của mình, Víchto Huygô đã để lại cho di sản văn học nhân loại một khối lượng đồ sộ các tác phẩm văn học ở nhiều thể loại: tiểu thuyết, kịch, thơ ca. ở tất cả những lĩnh vực mà Huygô đặt chân đến, ông đều để lại dấu ấn của một thiên tài, nhưng độc giả khắp nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam lại yêu thích và biết nhiều đến Huygô qua những trang tiểu thuyết lãng mạn, đầy nhân ái và các nhân vật nổi tiếng của ông như Giăng Van Giăng, Giave, Côdét, Phangtin, Quadimôdo...
    Trong sự nghiệp sáng tác của Víchto Huygô, "Những người khốn khổ" là tác phẩm được nhân dân Pháp và nhân dân thế giới ưa chuộng nhất. Khi viết tác phẩm này, ông đã hình dung nó như một bản anh hùng ca về một con người khốn khổ vật lộn với xã hội chuyên chế lúc ấy để vươn lên đỉnh cao của cái thiện, tạo nên bài thơ về lương tâm con người. Trong các tiểu thuyết của Huygô thì "Những người khốn khổ" là tiểu thuyết đến Việt Nam sớm nhất, ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20. Các nhân vật của Huygo thân thuộc và gần gũi hết sức đối với độc giả Việt Nam. Nhất là với những người đọc trẻ tuổi, họ đều hiểu biết và yêu thương gương mặt của Gavơrốt và Côdét, các thanh niên nam nữ đều đã xúc cảm trước mối tình trong trẻo cảu Codét và Mariúyt. Còn những độc giả lớn tuổi, họ theo dõi và thăng trầm cùng Giăng Van Giăng trong cuộc sống đầy cạm bẫy với ánh mắt rình mò của Giave. Điều kỳ diệu nào đã tạo nên được mối dây liên hệ vững chắc của Víchto Huygô với đông đảo độc giả Việt Nam đến vậy ?
    * Vấn đề xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết "Những người khốn khổ":
    "Những người khốn khổ" là một tác phẩm được ấp ủ trong nhiều năm và chỉ được viết ra khi tài năng của Víchto Huygô đã chín. Trong tiểu thuyết này, Huygô đã xây dựng nhân vật Giăng Van Giăng là hình tượng trung tâm của tác phẩm. Giăng Van Giăng là kết tinh hình tượng của cả hệ thống nhân vật người cùng khổ đã xuất hiện trước đây trong các tác phẩm văn xuôi của đại văn hào. Cùng với nhân vật này là cả một số lượng nhân vật đồ sộ khác đan xen trong toàn bộ chiều dài của tiểu thuyết mà trong đó nổi lên những gương mặt như Giave, Tênacđiê, Phăngtin, Côdét, Mariúyt, Gavơrốt, Giám mục Mirien.
    "Những người khốn khổ" còn là tác phẩm kết tinh những đặc trưng và thủ pháp nghệ thuật ưa thích nhất của Huygô. Về phương diện kết cấu, tiểu thuyết này mang dáng dấp một anh hùng ca do quy mô đồ sộ, gồm nhiều chương hồi, nhiều tuyến hành động, có tốc độ phát triển chậm và khoẻ như trong các sử thi. Từ bi kịch của một con người và của "một con người nhỏ nhoi nhất" đến anh hùng ca của một chiến luỹ, "Những ngưòi khốn khổ" xứng đáng mệnh danh là "tiểu thuyết của những cuốn tiểu thuyết".
    *Các bản phim dựa theo tiểu thuyết "Những người khốn khổ" :
    Chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa nhân văn ra đời trong thế kỷ ánh sáng trước đó, các tác phẩm của Vichto Huygo luôn thấm đẫm những giá trị nhân bản. Có lẽ chính vị vậy mà vào những năm đầu thế kỷ 20, cùng với sự phát triẻn của nghệ thuật điện ảnh non trẻ, những nhà điện ảnh Pháp đã tập trung đưa "Những người khốn khổ" lên màn ảnh. ít nhất có 3 bản phim khác nhau đã được làm trong thời kỳ này và bản phim "Những người khốn khổ" năm 1933 của đạo diễn Raymông Becna được coi là thành công. Bộ phim được dàn dựng lần thứ 7 vào năm 1933 và công chiếu năm 1934, "Những người khốn khổ" của đạo diễn Raymông Becna được coi là thành công nhất so với 6 bộ phim cùng tên trước đó. Nhân vật GiăngVanGiang đã được một diễn viên tên tuổi nhất của điện ảnh Pháp trước những năm 1940 là Halibô thể hiện. Cho đến khi vào vai nhân vật đặc biệt này, Halibô đã từng đóng hơn 40 phim và ông cũng là diễn viên Pháp đã từng được nhận những giải thưởng đầu tiên về diễn viên hài kịch cũng như bi kịch. Bản phim "Những người khốn khổ" sản xuất năm 1933 được đánh giá là phim chuyển thể thành công nhất từ tác phẩm của Víchto Huygô và đã chiếu ở Việt Nam vài năm trước đây. Dù lược bỏ đi rất nhiều phần trong tiểu thuyết và nhất là ít đề cập đến chủ đề cách mạng nhưng nhìn chung các nhà làm phim đã bám sát thể hiện tư tưởng chính trong tác phẩm là lòng từ thiện và bác ái. Những nhân vật như Giăng Van Giăng, Giave, Côdét được khắc họa khá thành công trong phim. Cảnh kết thúc phim với hình ảnh Giăng Van Giăng hấp hối trên giường bệnh là một trường đoạn khá ấn tượng.
    Tiếp nối 16 bộ phim "Những người khốn khổ" trước đây, năm 1995, đạo diễn Pháp Claude Lelouch đã dựng một bộ phim "Những người khốn khổ của thế kỷ 20" với một Giăng Van Giăng hoàn toàn mới. Phần lớn câu chuyện phim là cuộc đời của võ sĩ quyền anh hạng trung Henri Fortin trong suốt thời kỳ nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Fortin quyết định giúp gia đình luật sư người Do Thái Andre' Ziman trốn khỏi bàn tay bọn Đức chỉ để được nghe câu chuyện về Giăng Van Giăng trong "Những người khốn khổ". Bộ phim được xây dựng theo lối kết cấu phim trong phim, nó đưa ra một thông điệp về những triết lý của cuộc đời, về cái thiện, cái ác và mong muốn con người hãy hướng tới những tư tưởng nhân ái của Huygo. Diễn viên Pháp nổi tiếng Giăng Pôn Benmondo của Pháp vào vai chính đã nhận được giải thưởng cho diễn viên xuất sắc ở bộ phim này.
    Được khởi chiếu từ đầu năm 1999, bộ phim "Những người khốn khổ" do đạo diễn Đan Mạch nổi tiếng Bille August thực hiện là một tác phẩm điện ảnh gần đây nhất dựa trên tiểu thuyết vĩ đại cùng tên của Víchto Huygô. Diễn viên người Anh Liam Neeson từng được giải thưởng Oscar trong phim "Bản danh sách Shinder" đã tham gia thể hiện vai Giăng Van Giăng. Tuy nhiên đây là phim do điện ảnh Mỹ sản xuất nên chú ý nhiều hơn đến tính hấp dẫn của phim, vì vậy phim thiên về miêu tả hành động mà ít khắc hoạ tính cách và tâm trạng nhân vật. Do đó qua phim này để nhận thức một cách đầy đủ và chính xác những vấn đề mà Víchto Huygô đã viết trong tiểu thuyết thì chưa đạt.
    * "Những người khốn khổ" qua bản phim truyền hình:
    Nước Pháp đã lấy năm 2002 gọi là năm Víchto Huygo để kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại văn hào vĩ đại, nhiều hoạt động văn hoá nhân dịp này đã diễn ra tại Hà Nội. Đặc biệt hơn, tại Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp những khán giả say mê văn học Pháp và Víchto Huygô cũng như những người hâm mộ điện ảnh lại có dịp ôn lại "Những người khốn khổ" qua một bộ phim truyền hình khá hoàn chỉnh dựa trên tác phẩm này. Vừa mới hoàn thành năm 2000, bộ phim truyền hình "Những người khốn khổ" của Đài Truyền hình TF1 của Pháp dài 6 tiếng có nhiều sáng tạo mới mẻ về ngôn ngữ thể hiện. Với kinh phí đầu tư lên đến 22 triệu đôla Mỹ cho bộ phim truyền hình khá đồ sộ này, "Những người khốn khổ" đã đạt được sự thành công lớn với sự góp mặt của diễn viên nổi tiếng Gerard Depardieu trong vai chính Giăng Van Giăng và ngôi sao trẻ Virginie Ledoyen trong vai Côdét. Với sự phát huy thế mạnh của phim truyền hình với những cận cảnh và lời thoại nhiều, phim đã tạo ra những khám phá mới khác với điện ảnh. Chúng ta thử so sánh đoạn kết phim với cái chết của Giăng Van Giăng để hiểu rõ hơn sự so sánh này. (Trong phim nhựa năm 1933, những nhà làm phim chỉ để dành hơn 2 phút để miêu tả cái chết của Giăng Van Giăng, còn trong phim truyền hình thì trường đoạn cái chết này kéo dài hơn 8 phút với nhiều lời đối thoại của Giăng Van Giăng với Côdét).
    * "Những người khốn khổ" qua bản phim hoạt hình:
    Với sự nghiệp văn học đồ sộ bao gồm nhiều tiểu thuyết nổi tiếng như "Những người khốn khổ", "Nhà thờ Đức bà Paris", Víchto Huygô tuy không chuyên viết về trẻ thơ nhưng ông đã dành tất cả những tình cảm ưu ái của mình cho em nhỏ qua các nhân vật như Côdét, Gavơrôt. Bộ phim hoạt hình "Những người khốn khổ" được chuyển thể từ nguyên tác văn học đã khai thác một góc không nhỏ mà Huygô dành cho trẻ thơ trong tác phẩm của mình.
    Trong phim hoạt hình, một điểm mới các nhà làm phim đã để cho nhân vật Giăng Van Giăng kể lại cuộc đời của mình với Côdét sau khi cứu cô bé ra khỏi nhà Tênacđiê. Trong tiểu thuyết của Víchto Huygô, những trang tiểu thuyết miêu tả cảnh chiến đấu của những người Cộng hoà với quân lính nhà vua tại chiến luỹ rất ấn tượng và sâu sắc. Tuy nhiên trong phim này, những nhà làm phim đã không đi sâu khai thác. Có lẽ vì phim đã xác định đối tượng khán giả riêng cho mình là các em nhỏ. Hiểu được sự yêu mến với trẻ thơ của Víchto Huygo, các nhà điện ảnh đã xây dựng một cốt truyện mới mà ở đó các tác giả đã cho nhà văn sống lại để đối thoại với các nhân vật của mình . Đây là một sáng tạo đáng kể của phim hoạt hình "Những người khốn khổ".
    Mặc dù chỉ là một bộ phim hoạt hình dành cho trẻ thơ nhưng với ngôn ngữ đặc trưng của mình, phim "Những người khốn khổ" cũng đã thể hiện được những tư tưởng nhân ái, hướng thiện cao cả của Víchto Huygô. Huygô đã cách xa chúng ta gần 2 thế kỷ nhưng những tác phẩm mà ông để lại vẫn sẽ mãi được người đời yêu mến và trân trọng.

    (Vũ Anh Phong)
  2. Sean

    Sean Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/03/2002
    Bài viết:
    2.899
    Đã được thích:
    0
    Les Misérables của Pháp có Gerard Depardieu đóng là phim truyền hình thì phải (dạng phim mini) , nhưng cũng không ấn tượng lãm với phim này.Nhưng nghe tiếng Pháp thì tuyệt cú mèo.
    Còn phim của Mỹ thì hay lãm , Claire Danes đóng vai Codét khá,nhưng mà lại ghét nhân vật do cô đóng.Nhân vật Codét trong phim này ngang buớng quá , nên ghét luôn.Uma Thurman cũng xuất hiện trong phim với vai bà mẹ của Cosette , đóng tốt , thể hiện được tính thống khổ đau đớn của nhân vật .... nhưng chỉ có riêng vai này là làm tròn vai diễn,còn đâu cả bộ phim không sát và chuyển thể hết được cái hay trong tác phẩm của Victo Hugo lên.
    Cinema Paradiso
  3. xixo

    xixo Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    10/04/2002
    Bài viết:
    571
    Đã được thích:
    0
    Phim này Mỹ làm thì hay , một phim cũ của Pháp do Jăng Pôn Belmondo đóng cũng hay chứ còn cái phim truyền hình có bố Gerard Depardieu đóng thì quá dở ( được mỗi em Codét xinh còn cái thằng giác ngộ cách mạng người yêu em Codét ý, quên xừ mất tên thì trông xấu quá, nghi ngờ mắt em Codét quá, mất cả cảm tình ) mà cái bố Gerard Depardieu hình như bỏ bùa mấy hãng phim Pháp hay sao ý, đóng cũng thường mà có phim nào cũng phải mời bố này đóng, làm như Pháp hết diễn viên. Dăng van dăng gì mà lúc trong tù ngục cứ béo ú ù ụ, như con heo, trông phốp pháp lắm. Dở ẹc, chấm phim truyện truyền hình đấy 3điểm /10. Phim nhựa Pháp 8 điểm và phim Mỹ 8,5điểm
    Phim trường hơn tình trường

Chia sẻ trang này