1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những Tấm Gương Xưa - Quách Tấn

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi lyenson, 02/07/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. lyenson

    lyenson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/03/2006
    Bài viết:
    3.005
    Đã được thích:
    0
    Những Tấm Gương Xưa - Quách Tấn



    Miếng Ăn


    Con Người có ăn mới sống. Cho nên miếng ăn quý nhất đời. Thầy Mạnh Kha nói " Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi thiên" . Nghĩa là " Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm trời" . Lấy ăn làm trời tức là quý lắm vậy. Miếng ăn rất quý vì nuôi sống người, nhưng cũng rất tồi vì thường con người vì nó mà chém giết lẫn nhau, vì nói mà xem thường nhân phẩm của mình. Như mang tiếng là " ham ăn", là "háu ăn " , là " chực ăn ", là " đồ ăn vụng " , là " phường ăn tạp " ..vân vân ..., nghe thật không sướng tai tí nào cả . Nhiều khi chỉ vì một miếng ăn, mà người đời quên cả đại nghĩa. Như Cự Đà nước ta , chẳng hạn. Cự Đà làm quan triều vua Trần Thái Tông (1225-1258). Một hôm nhà vua ban xoài đầu mùa cho các quan trong triều. Cự Đà không được phần, đem lòng oán giận. Năm Đinh Tị (1257), giặc Mông Cổ sang đánh nước ta. Quân ta chống không nổi. Vua và triều thần phải bỏ kinh đô, chạy về đóng ở bên sông Thiên Mục tỉnh Hưng Yên. Cự Đà xuôi dòng chay trốn, xảy gặp Thái Tử Trần Khoán đi thuyền ngược lên . Thái Tử gọi Cự Đà, nói : - Quân giặc hiện ở đâu ? Cự Đà lạnh lùng đáp : - Hãy tìm bọn được ăn xoài mà hỏi . Vừa đáp vừa bơi thuyền đi thẳng. Được ít lâu quân ta đánh đuổi được quân Mông Cổ ra khỏi nước. Trở về kinh đô, Thái Tử tâu vua cha theo phép nước trị tội Cự Đà . Thái Tông đáp: - Lỗi tại ta. Rồi bỏ qua không hỏi đến . Chao ôi ! Chỉ vì một miếng xoài không đáng giá bao lăm, mà đến nỗi bỏ nghĩa tôi chúa ! Nếu gặp phải ông vua hẹp lượng, ít ra cũng rụng một chiếc đầ ! Ca dao có câu :
     
    Miếng ăn là miếng tồi tàn Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu
     
    Đó là trường hợp Cự Đà vậy .
     
    Nghe câu chuyện Cự Đà chắc có bạn tưởng là một chuyện độc nhất xưa nay . Thưa không. Xưa nay hiếm gì chuyện tương tợ . Tôi xin kể thêm một chuyện nữa làm tin : chuyện người đánh xe của Hoa Nguyên, đời Xuân Thu ở Trung Quốc : Hoa Nguyên là tướng nước Tống. Quân Sở sang đánh Tống. Vua Tống sai Hoa Nguyên đem quân chống cự . Trước khi xuất chinh, Hoa Nguyên làm thịt dê đãi sĩ tốt . Người đánh xe cho Hoa Nguyên là Dương Châm không được dự tiệc. Khi ra trận Dương Châm bảo : Tiệc dê hôm qua đặt dưới quyền ngài . Công việc hôm nay ở trong tay tôi . Nói xong đánh xe chạy thẳng vào giữa địch. Hoa Nguyên bị giặc bắt, quân Tống thua to . Binh Sở lấy được hơn bốn trăm chiến xa với chiến mã bọc thiết giáp, bắt sống được trên 250 tù binh, và cắt tai hơn trăm quân tử trận . Còn Dương Châm thoát được nạn . Vua Tống định dâng vua Sở một trăm chíên xa và một trăm cỗ xe tứ mã để chuộc Hoa Nguyên . Nhưng lễ vật chưa đưa sang thì Hoa Nguyên đã trốn khỏi tay địch. Về Tống gặp Dương Châm trước thành, sợ Châm lo ngại, Hoa Nguyên ngỏ lời an ủi: - Tại con ngựa của nhà ngươi nên mới xảy ra cớ sự . Dương Châm đáp: - Đâu phải tại ngựa, chính tại người . Rồi bỏ trốn sang nước Lỗ . Sách xưa bàn rằng : - Dương Châm không đáng làm người . Vì hờn riêng mà làm cho nước bị thua, dân bị hại . Trước pháp luật, không tội nào nặng hơn . Kinh Thi có câu " Nhân chi vô lượng " dùng để chỉ Dương Châm thật xứng đáng . Đó là vì một miếng ăn mà sanh thù .
     
    Miếng ăn đã sanh được thù, thì lẽ rất nhiên cũng sanh được ân vậy . Như bát cơm Phiến Mẫu của Hàn Tín. Hàn Tín là một trong tam kiệt đời Hán . Lúc còn hàn vi, Tín thường mang gươm đi lang thang hết nơi này đến nơi nọ . Một hôm bị đói cắt ruột, xảy gặp một bà lào giặt vải bên sông, Biết Tín đói, bà lão nhân có mang theo bát cơm, bèn lấy cho ăn. Hàn Tín ghi ơn. Sau mang ấn soái giàu có muôn xe, tìm đến bên sông, thì bà lão đã mất . Để tỏ tấc lòng thành cùng người đã khuất, Hàn Tín lấy ngàn thoi vàng bỏ xuống sông . Không ai biết tên bà lão là gì, nên gọi là bà Phiếu Mẫu, nghĩa là bà mẹ phiếu vải . Và để nói đến ơn người có hảo tâm nhịn miệng cứu người, khách văn thơ thường dùng thành ngữ " bát cơm Phiếu Mẫu ?o:. Xin kẻ thêm một chuyện nữa : Chuyện này cũng như chuyện Hàn Tín, đã xảy ra bên Tàu, bởi vì nước Tàu đất rộng người đông nên mới lắm chuyện để cho những người hay ngứa mồm ngứa mép như tôi có chuyện mà nói cho đỡ buồn . Chuyện xảy ra thời nào và nước nào tôi quên mất, chỉ nhớ mà mại rằng : Một hôm nhà vua mở tiệc đã quần thần. Trong bữa tiệc có món chả cá mùi thơm ngon không thể tả . Một người lính hầu thèm nhiểu nước dãi . Một quan hàn lâm trông thấy thương tình. Khi món chả đưa đến, quan hàm lâm lấy phần mình trao cho người lính hầu và nói : - Ta no quá không ăn được nữa, nhà ngươi ăn hộ ta . Người lính hầu rất lấy làm ơn . Sau một thời gian, trong nước có loạn. Giặc đánh vào kinh đô, vua quan mạnh ai nấy chạy . Giặc đuổi theo giết hại rất nhiều . Quan hàm lâm sắp bị khốn thì một tên lính liều thân cứu nạn. Không biết là người nào mà lại hết lòng với mình đến thế , quan mới ân cần hỏi thăm. Người lính cung kính đáp : - Ngài không nhớ tên lính hầu đã được ngày nhịn món chả ngon cho ăn đó ư ? Miếng ăn có tác dụng thế ấy, thì người có được miếng ăn ngon tưởng nên quên những người ở quanh mình, nhất là những người chia sớt công lao khổ, hoặc nhiều hoặc ít, nghĩa là chớ nên dành hưởng trọn miếng ngon một mình . Và người quí món ăn hơn nhân nghĩa, cũng nên dẹp bớt lòng oán giận, những khi miếng ăn không vào miệng được, vì mối thù do miếng ăn sanh ra thường kéo theo những hậu quả không được tốt, như trong chuyện Cự Đà, Dương Châm .
     
    Mà nghĩ cũng nực cười : Người phàm chúng ta thì bám vào miếng ăn, khiến miếng ăn gây được ân được oán . Còn các bậc thánh lại bỏ ăn để cho thiên hạ sợ . Như thánh Cam Địa (Gandhi) Ấn Độ . Thánh Cam Địa cứ mỗi khi phản đối một chính sách gì của người Anh, mà người Anh không chịu sửa đổi, thì thánh nhịn ăn cho đến khi có kết quả mới thôi, có khi nhịn đói hàng tháng . Một trường hợp khác là câu chuyện về hai hoàng tử nước Cô Trúc là Bá Di và Thúc Tề . Bá Di, Thúc Tề là hai anh em ruột . Bá Di là anh , Thúc Tề là em. Vua Cô Trúc băng hà di chiếu truyền ngôi cho Thúc Tề . Thúc Tề bảo ngôi ấy của anh nên nhường lại cho Bá Di . Bá Di nhất định không nhận vì không dám trái lệnh vua cha . Hai anh em người thì lấy phụ mệnh làm tôn, người thì lấy thiên luân làm trọng, cứ nhường qua nhường lại cho nhau mãi . Rốt cuộc không ai nhượng cho ai được, cả hai bèn bỏ ngôi, đi tìm nơi ẩn dật . Cuối đời nhà Thương, vua Trụ dâm dật tàn bạo, nhân dân đồ thán . Vũ Vương đương còn trong tang chế, vì dân phải cử binh đi đánh Trụ . Bá Di, Thúc Tề nghe biết, ra nắm dây cương ngựa, cản lại và nói rằng : - Cha chết chưa chôn, mà đã lo việc chinh chiến, thế có gọi là hiếu được không ? Bầy tôi đánh vua để cướp nước , thế có gọi là nhân được không? Những người thân cận Vũ Vương, tức giận toan giết. Thái Công (tức Lã Vọng ) can: - Không nên, hai ông là người Nghĩa, phải kính trọng. Rồi bảo quân lính ôm hai ông lại để ngựa vua Vũ đi . Khi vua Vũ diệt được Trụ, dựng nên nhà Chu, thiên hạ ai cũng tôn phù . Bá Di, Thúc Tề chê là bất nghĩa, không thèm ăn thóc nhà Chu, đêm nhau lên núi Thú Dương, hái rau Vi mà độ nhật, và có bài Thái Vi (Hái rau Vi ) rằng :
     
    Đăng bỉ Tây Sơn hè, thái kỳ Vi hĩ. Dĩ bạo dịch bạo hề, bất tri kỳ phi hĩ ! Thần Nông, Ngu, Hạ hốt yên một hề, Ngã an thích quy hĩ ? Vu ta tồ hề, mệnh chi suy hĩ ! Nghĩa là : Lên núi Tây hề, hái nắm rau Vi Lấy bạo thay bạo hề, còn phải trái gì ? Thần Nông, Ngu , Hạ đã mai một hề, Ta biết đâu mà qui y Nghĩ thảm thương hề, thời mạng đã suy !
     
    Sau có người đến bảo rằng : - Nhà Chu nối ngôi trời trị thiên hạ, thì nơi nào lại chẳng phải của nhà Chu, mà lại ăn rau núi này thì chẳng phải ăn rau nhà Chu thì là rau ai ? - Hai ông nghe nói, bèn nhịn đói cho đến chết. Cổ nhân gọi hai ông là Thánh Chi Thanh, nghĩa là hai vị thánh trong sạch . Và cụ Nguyễn Công Trú có bài thơ vịnh hai ông rằng :
     
    Danh chẳng màng mà lợi chẳng mê, Ấy gan hay sắt hỡi Di, Tề ? Gặp xe vua Vũ tay dừng lại, Thấy thóc nhà Chu mặt ngoảnh đi . Cô Trúc hồn về mây ngụt ngụt, Thú Dương danh để đá tri tri . Cầu NHÂN đã được NHÂN thời chớ, Cũng chẳng hờn chi chẳng trách chi .
     
    Nếu người đời ai cũng như Bá Di, Thúc Tề thì câu " dĩ thực vi thiên " của thầy Mạnh không đứng vững . Nhưng rất tiếc từ xưa đến nay, từ Đông chí Tây chỉ có một Bá Di, một Thúc Tề . Cho nên trong thế gian thường sanh gió mưa sấm sét vì mếng ăn . Để tránh những cảnh tượng không nên thơ vì miếng ăn gây ra, chúng ta nên nhớ câu cách ngôn " Manger pour vivre et non vivre pour manger", nghĩa là " Ăn để sống chớ không phải sống để ăn ?o.
     
  2. lyenson

    lyenson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/03/2006
    Bài viết:
    3.005
    Đã được thích:
    0
    Lời Nói
    Trời sanh hai lỗ tai để nghe, hai con mắt để nhìn, hai lỗ mũi để thở, thế mà chỉ sanh có một lỗ miệng, lại bắt kiêm nhiệm đến hai chức vụ là ăn và nói . Do đó, Xưa kia có một anh chàng thường chê hoá công không công bằng , mà cũng không tuyệt xảo . Một hôm anh chàng mua được một xâu nem chua đem về nhà, rồi xách chai đi mua rượu, định sẽ rủ vài ba ông bạn để đánh chén mua vui. Nhưng khi mua rượu về thì không thấy xâu nem bèn hỏi chị vợ. Vợ Đáp: - Nem mới chua, ngon quá, nên vui miệng em ăn hết rồi. Nói đoạn kéo chồng ra chỉ đống lá. Anh chàng tức mình nện vợ một tát. Chị vợ liền nổi tam bành lên .... Mà người đàn bà khi nổi tam bành lên thì, chao ôi, tất cả những giông tố ở trong lòng đều tuôn ra nơi cửa miệng. Anh chàng hãi hùng trốn mất, Sau đó anh ta giác ngộ rằng: - Đấng tạo hoá thật là chí công chí minh. Chỉ có một lỗ miệng mà ăn đến thế ấy, nói như thế ấy, huống hồ cơ quan ăn, cơ quan nói mà cũng sanh cả cặp như cơ quan thấy, nghe, ngửi thì ai chịu nổi, ai sống nổi với chúng. Lời nói của anh chàng kia thật chí lý thay ! Cho nên từ xưa đến nay ai cũng sợ lỗ miệng. Nói sợ lỗ miệng thì không đúng lắm. Phải nói là ai cũng sợ "khả năng chuyên môn " của cơ quan ấy, nghĩa là sợ việc ăn và việc nói, tức là sự đưa vô, đưa ra của lỗ miệng.
     
    Hai việc đều đáng sợ, nhưng sự đưa vô, tức là ăn không dễ sợ bằng sự đưa ra, tức là nói. Bởi vì có đói mới ăn được và có thức ăn mới có thể ăn. Không đói, không thức ăn, thì dù có tham ăn cho mấy cũng không ăn được. Đến việc nói, thì không nói có, có nói không, muốn hại ai thì đặt đủ điều để vu cáo, muốn bưng bợ ai thì hòn chì cũng chuốt ngót cho thành bạc trắng đồng đen. Cụ Nguyễn Công Trứ có câu:
     
    Lúc ghét dệt thêu ngay hoá vẹo, Khi thương tô điểm méo nên tròn.
     
    Thật là dễ sợ ! Vì sợ lời nói làm hại cho bản thân, làm hại cho kẻ khác, nên cố nhân rất thận trọng lời nói. Để giới ngôn, người nước Lỗ đúc một pho tượng bằng đồng cao gần một trượng, lỗ miệng khoá ba ống khóa. Người nước Tề sang thấy, không hiểu ý nghĩa ra sao mới tìm người mà hỏi, nhưng không ai chịu nói rõ . Sau cùng gặp một ông lão bảo cho biết rằng: - Bức tượng ấy cụ thể hóa câu cách ngôn " tam giam kỳ khẩu " nghĩa là " lỗ miệng khoá ba khóa ". Người nước Tề lại hỏi : - Tại sao lại khoá đến ba khóa ? Ông lão đáp : - Nếu chỉ khoá một thì khóa ở nơi nào ? Khóa ở nơi mép bên hữu ư ? Thì giữa miệng và mép bên tả hở . Khóa ở mép bên tả ư ? Thì giữa miệng và mép bên hữa hở . Khoá ở giữa miệng ư ? Thì hai bên mép hở . Khóa một thì hở hai nơi . Khóa hai thì còn hở một. Mà miệng đã hở ít hay hở nhiều gì cũng đều có hại. Muốn thật kín thì phải khóa ba khóa vậy . Giữ mồm giữ mép đến thế thật là triệt để .
     
    Xem những sự tích xưa còn để lại thì chúng ta thấy rằng người đời xưa cũng như đời nay đều thích nói , và thích nói nhiều. Nói, mục đích để truyền sang người ý muốn của mình. Như vậy cần chi phải nói nhiều cho hao hơi, mà chỉ tìm cách nói làm sao cho lời nói của mình lọt vào tai người nghe là đạt được mục đích. Như cách nói của Trần Tử Ngang sau đây là một
     
    Trần Tử Ngang là một thi nhân đời Đường. Thơ của Trần làm rất nhiều và rất hay, nhưng ít người biết đến. Năm Vĩnh Thuần (682) đời Vua Đường Cao Tôn, Trần đem thi phẩm của mình ra Kinh Đô, nhưng tìm mãi không được người giới thiệu. Một hôm ra chợ thấy một người bán một cây Hồ Cầm mà giá đòi đến một vạn quan tiền. Ai nấy đều ngơ ngác hỏi nhau ; " Đàn này quý ở chỗ nào mà giá đắt đến thế ? " . Một người giàu nhất kinh đô nghe đồn đến xem, nhưng không dám mua. Trần không mặc cả, dốc túi bỏ ngay vạn quan, mua cây đàn. Thiên hạ xúm lại hỏi duyên cớ. Trần đáp : - Đó là một vật quý nhất đời . Nhưng nay tôi có việc gấp phải đi. Nếu ai muốn biết thì ngày mai đến nơi tôi trú ngụ ở xóm Tuyên Dương, tôi sẽ giải thích rõ . Sáng hôm sau, thiên hạ kéo đến nhà trọ của Trần đông như hội. Rượu thịt đãi khách đã bày sẵn. Khi chén đã cạn, Trần nâng cây đàn lên nói rằng: - Tôi là Trần Tử Ngang, quê ở Tứ Xuyên, có hơn một trăm bài thơ đưa đến Kinh đô mà chẳng ai biết cho. Còn cây đàn Hồ Cầm này là một vật nhỏ mọn thì xúm nhau lại xem ! Than ôi ! Chốn văn vật này, ngờ đâu không một ai biết người biết của ! Nói xong đập cây đàn vỡ tan, rồi lấy thơ mình ra phân phát cho mọi người. Chỉ trong một ngày, những bài thơ của Trần Tử Ngang phát ra đã truyền tụng khắp đây đó . Quan Tư Không Vương Thích nức nở khen rằng văn chương đáng đứng đầu thiên hạ . Năm ấy, Trần đi thi đỗ tiến sĩ, làm chức Tả Thập di.
     
    Được ít lâu, vua Cao Tôn băng hà, Vũ Hậu chấp chính. Trần được thăng Lân Đài Chính sự. Vũ Hậu giết hại Tôn thất, làm nhiều điều dâm loạn, không ai dám hé môi, chỉ có Trần dâng sớ can gián, lời lẽ chính đáng, được Vũ Hậu nghe theo. Nói cho nghe theo, chẳng những lời nói phải khéo léo, cách nói phải hoà nhã, mà còn phải nhắm đối tượng. Đức Khổng Tử dạy rằng : - Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã. Trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ ngữ thượng dã . Nghĩa là: từ bậc trung trở lên thì có thể dùng lời cao mà nói. Từ bậc trung trở xuống thì không thể dùng lời nói cao mà nói được. Các nhà du thuyết mà thành công là nhờ biết rõ đối tượng. Lôi cuốn được nhiều người theo, từ xưa đến nay cũng phải chịu Trương Nghi và Tô Tần thời Chiến Quốc. Nhưng đó là hai nhà du thuyết chuyên nghiệp, nói giỏi là lẽ tất nhiên. Có nhiều người, thỉnh thoảng mới nói, mà nói rất ít, mà lời nói có hiệu quả hơn trăm nghìn lời đại hải tràng giang. Như Dĩnh Khảo Thúc.
     
    Dĩnh Khảo Thúc là người nước Trịnh thời Chiến Quốc. Vua nước Trịnh là Trang Công vì mẹ làm chuyện phạm pháp quá đáng, bắt đày đi xa và ông thề rằng: - Bất cập hoàng tuyền vô tương kiến dã . Nghĩa là " Không xuống suối vàng thì không cùng thấy mặt ". Đình thần nhiều người khuyên can, nhưng nhà vua nhất định không đổi ý, lại ra lệnh rằng hễ ai còn đề cập đến việc ấy nữa thì sẽ bị tử hình. Ai nấy đều sợ . Dĩnh Khảo Thúc nghe tin, bắt một con chim vào dâng cho Trang Công. Nhà vua hỏi chim gì. Tâu rằng: - Đó là giống chim bất hiếu. Lúc nhỏ mẹ tha mồi nuôi cho đến lớn. Lớn lên bắt mẹ ăn thịt. Vì vậy người đời rất ghét, hễ bắt được nhất thiết không tha . Kịp người đầu bếp dâng thịt dê. Nhà vua lấy một miếng ban cho Dĩnh Thúc. Dĩnh Thúc bái lĩnh, nhưng không ăn, lấy lá gói kỹ cất vào tay áo. Nhà vua lấy làm lạ hỏi. Tâu rằng: - Tôi còn mẹ già, từ bé chưa bao giờ được ăn món ngon, nên tôi nhịn để về dâng cho mẹ . Nhà vua cảm động nói: - Ngươi thật có phước còn mẹ để nuôi. Ta đây không có mẹ ! Dĩnh Thúc giả bộ thất kinh: - Đại Vương nói gì lạ thế ? Thái hậu vẫn còn sức khoẻ kia mà ? Trang Công ứa nước mắt, thuật lại chuyện mẹ con bất hòa và lời thề đã lỡ thốt. Dĩnh Thúc tâu: - Nếu Đại Vương còn thương tưỏng đến Thái Hậu thì phá lời thề ấy có khó gì. Đại Vương cho đào một hầm thật sâu ở dưới đất, rước Thái hậu xuống trước, rồi Đại Vương sẽ xuống hội kiến và rước Thái Hậu về. Nhà vua cả mừng, làm theo lời Dĩnh Thúc. Mẹ con gặp gỡ ôm nhau mà khóc, bao nhiêu buồn giận đều theo nước mắt mà tan. Rước Thái Hậu về cung, Trang Công nói cùng Dĩnh Khảo Thúc: - Nếu không có nhà người chỉ bảo thì ta có khác gì giống chim. Liền phong tước lộc cho Dĩnh Thúc và cho làm quan tại triều. Dĩnh Thúc thành công là nhờ biết rõ tâm lý của Trang Công: Giận mẹ nhưng vẫn thương mẹ. Cho nên trước lấy sự bất hiếu của loài chim làm cho nhà vua nhột ý, sau mới đem lòng hiếu thảo của chính mình ra để làm cho nhà vua động lòng, rồi mới đi vào sự việc một cách êm nhẹ . Đó là cách dùng mây để tả trăng vậy.
     
    Chắc có bạn hỏi: - Ở nước ta xưa nay có người biết nói , nghĩa là nói ít mà gây ảnh hưởng nhiều, như Trần Tử Ngang, Dĩnh Khảo Thúc, chăng? Thưa không hiếm. Tôi xin chứng minh bằng một câu chuyện xảy ra thời Pháp thuộc, mà nhân vật trong câu chuyện là cụ Phan Sào Nam. Cụ Phan bị thực dân Pháp bắt về an trí tại Huế. Cụ có một chiếc thuyền thường neo dưới gốc cây sung nơi bến Ngự . Một hôm người đi đường thấy thuyền của cụ treo ở trên cây, ai nấy đều lấy làm lạ. Có người làm dạn vào hỏi nguyên nhân. Cụ đáp: - Nước mất thì thuyền phải treo. Câu chuyện không mấy chốc mà truyền khắp Thần kinh và rồi lan dần vào Nam ra Bắc. Hai tiếng " nước mất " lập đi lập lại trên đầu môi người này sang người khác và gây ảnh hưởng không ít trong lòng người dân còn biết đến cái nhục bị mất nước, phải chịu làm nô lệ cho ngoại bang.
     
    Thật là lời ít mà ý nhiều, có hiệu quả gấp trăm nghìn lời tuyên truyền dài từng xâu chữ. Nói nhiều, không phải lúc nào cũng đều không tốt. Nói mà lợi dân lợi nước như cụ Sào Nam, nói mà nên nghĩa nên nhân như Dĩnh Khảo Thúc ..., thì nói mấy lại không được. Ngặt lời nói " té vàng té bạc " thì ít, còn những lời nói " sạt xương mông " thì lại nhiều. Cho nên Thánh Hiền luôn luôn khuyên người đời phải cẩn ngôn, tức là thận trọng lời nói. Cổ nhân ít nói là vì hổ rằng mình không kịp người, hoặc sợ nói ra rủi làm không được thì xấu hổ.
     
    Tây phương có câu : " Lời nói là bạc, sự im lặng là vàng ". Lại có câu : " Nếu xét lời nói có ích lợi hơn sự im lặng thì hãy nói ". Thật là những lời quý hơn vàng. Nhưng im lặng là im lặng nhầm lúc, chớ đừng im lặng như kiểu cậu bé trong Rừng Cười của ta: Cậu bé thường nghe cha mẹ dạy : - Không ai hỏi thì không nên nói. Cậu vâng lời. Một hôm đứa em bé té xuống giếng, cậu trông thấy nhưng cứ im lặng. Bà mẹ không thấy con chạy kiếm. Kiếm không ra mới hỏi cậu bé. Cậu bé đáp: - Em rớt xuống giếng rồi . Bà mẹ giận quá đánh cho mấy tát tai. Cậu bé vừa khóc vừa nói: - Đã dặn người ta hễ không ai hỏi thì không nên nói. Người ta nghe lời, không nói, lại đánh người ta!
     
    Đó, trong những trường hợp như thế đó, sự im lặng đâu có phải là vàng ? Cho nên sự im lặng cũng như lời nói, có giá trị hay không là do sự biết nói, biết im lặng. Nên nói hay nên im lặng là tùy theo chuyện, tùy theo lúc, tùy theo nơi. Nhưng dù phải nơi, đúng lúc, nhằm chuyện đi nữa, nói ít vẫn hơn. Mà ít đây là lời nói, chớ ý thì không nên ít vậy.
     
    Chuyện Vui:
     
    Một người đọc bài Lời Nói trên đây, đến hỏi Q.T.: - Ông khuyên người ta nên nói ít, mà sao ông lại nói nhiều thế ? Q.T. thưa: - Tôi có nói đâu. Tôi viết đó chứ.
  3. lyenson

    lyenson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/03/2006
    Bài viết:
    3.005
    Đã được thích:
    0
    Lưỡi Không Xương


    Tục ngữ có câu: - Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo. Vì nhiều đường lắc léo, nên rất lợi hại. Để diễn tả sự lợi hại của vật không xương kia, người Tây Phương thường nói : - Lưỡi của Esope (Langues d'' Esope) - Esope là ai mà có lưỡi lợi hại đến nỗi thành tục ngữ ? - Là một danh nhân Hy Lạp sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII đầu thế kỷ thứ VI trước kỷ nguyên Thiên Chúa. Esope là một nô lệ được giải phóng. Chủ là Xanthos sai Esope đi chợ và dặn : - Hãy mua món gì ngon nhất . Esope mua toàn lưỡi. Hỏi vì sao. Đáp: - Ở trên đời không có gì tốt hơn lưỡi. Đó là mối dây đoàn kết của xã hội, chìa hoá của khoa học, cơ quan của lý luận, của luân lý, của thành tín .. Để bắt bí Esope, hôm sau Xanthos sai đi chợ nữa và dặn: - Hãy mua món gì dở nhất. Esope cũng mua toàn lưỡi . Hỏi vì sao. Đáp: - Ở đời không còn có gì xấu hơn lưỡi. Đó là mẹ đẻ của kiện cáo, nguồn gốc của chia rẽ, của giặc giã, quê hương của ngụy biện, của vu cáo, của hành vi bất tín bất thành ... Do câu chuyện đó mà có thành ngữ " Lưỡi của Esope" kia. Esope đã chia ra hai thứ lưỡi là lưỡi tốt và lưỡi xấu. Lưỡi tốt mọc nơi miệng người quân tử, vị tha. Lưỡi xấu mọc nơi miệng kẻ tiểu nhân, ích kỷ.
     
    Gươm Trạm Lư, gươm Bàn Dĩnh, gươm Ngư Trưòng có tiếng là chặt sắt như chặt bùn, nhưng vẫn chưa bén bằng lưỡi bọn tiểu nhân ích kỷ, bình sanh chỉ biết có lợi và danh. Và gươm dù bén đến đâu cũng không nguy hiểm, không tai hại bằng lưỡi những phường danh lợi, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình. Bởi vì gươm chỉ chém thẳng một đường, còn lưỡi kẻ tiểu nhân uốn bên này cũng được, uốn bên kia cũng được. Trong sách Hàn Phi Tử có câu chuyện rằng: Có một người ở nước Sở vừa bán thuẫn vừa bán mâu. Ai hỏi mua thuẫn thì anh ta khoe: - Thuẫn này rất chắc, không gì đâm thủng. Ai hỏi mua mâu thì anh lại khoe: - Mâu này thật sắc đâm gì cũng thủng. Một người nghe khoe, bèn hỏi : - Thế bây giờ lấy mâu của bác đâm vào thuẫn của bác thì sao ? Đố bà con biết anh ấy trả lời thế nào ? Sách không thấy nói. Nhưng tôi đoán chắc rằng anh ấy xoa tay cười hì hì và đáp : - Thì bác phải mua thử cả hai thứ, đem về nhà thí nghiệm tất thấy rõ . Lưỡi của anh chàng nước Sở đó kể cũng đã lắc léo. Song kể cũng không có hại bao nhiêu và cũng không có gì là ác . Tấc lưỡi Đặng Tích sau đây mới thật là thâm độc không lường.
     
    Đặng Tích là một nhà luật pháp có tiếng thời Xuân Thu, làm quan đại phu nước Trịnh. Một năm nước sông Vỹ lên to. Một người nhà giàu ở gần sông không may bị chết đuối. Có kẻ vớt được xác. Thân nhân nhà giàu đến xin chuộc. Kẻ kia đòi quá nhiều tiền. Thân nhân người giàu không chịu, đem chuyện thưa cùng Đặng Tích, Đặng Tích bảo: - Cứ để yên. Hắn còn bán xác ấy cho ai được mà sợ . Thân nhân người bị nạn theo lời. Kẻ vớt được xác không thấy thân nhân người bị nạn đến nữa, lấy làm lo cũng đem chuyện thưa cùng Đặng Tích, Đặng Tích cũng đáp: - Cứ để yên. Hắn còn mua xác ấy được của ai mà sợ. Kẻ vớt xác cũng theo lời. Thành ra xác chết bị thúi! Lưỡi của Đặng Tích làm hại đến cả người chết !
     
    Lưỡi xấu mà mọc vào miệng những kẻ ít tài ít trí, thì cái hại cho đời có ít. Nếu rủi mọc vào miệng những người có nhiều khả năng thì đời sẽ sanh nhiều tai nạn, khả năng của người có lưỡi xấu nhiều bao nhiêu, tai nạn lưỡi gây cho đời cũng nhiều bấy nhiêu. Như lưỡi của Trương Nghi là một. Trương Nghi là một tay du thuyết đại tài thời Chiến Quốc. Thời Chiến Quốc là một thời tao loạn. Chánh lệnh của nhà Châu không còn được tuân phụng. Các nước chư hầu luôn luôn gây sự. để thôn tính lẫn nhau. Lần lần bị diệt hết chỉ còn bảy nước là Tần, Sở, Tề, Yên, Triệu, Nguỵ, Hàn gọi là Thất Hùng. Mỗi nước hùng thị một phương. Nhưng địa thế nước Tần thắng lợi hơn cả cho nên các nước thường bị Tần uy hiếp. Để chống lại nước Tần, Tướng quốc Triệu là Tô Tần xướng lên thuyết Hợp Tung, liên kết sáu nước lại thành một khối, giúp đỡ lẫn nhau, che chở lẫn nhau. Khi mới bắt đầu, Tô Tần sợ Tần đem binh đánh thì kế hoạch liên hiệp phải thất bại, bèn sai người tâm phúc là Giả Xá Nhân đi tìm Trương Nghị Trương Nghi vốn cùng Tô Tần là bạn đồng môn, học trò Quỉ Cốc. Sau khi giã thầy giã bạn, Trương Nghi về nước Ngụy, đến cầu thân cùng Ngụy Huệ Vuơng, nhưng Huệ Vương không dùng. Trương Nghi phải dắt vợ con sang Sở. Tướng quốc nước Sở là Chiêu Dương thấy Trương Nghi nói năng hoạt bác liền thu dùng làm môn hạ. Kế đó Chiêu Dương đem quân đánh Ngụy lấy được bảy thành Tương Lăng, Sở Uy Vương thưởng cho viên Ngọc Bích họ Hoà. Chiêu Dương rất quí, đi đâu cũng đem ngọc theo bên mình . Một hôm Chiêu Dương cùng tân khách và môn đệ hơn trăm người ra chơi ở Xích Sơn, bày tiệc rượu mua vui. Rượu ngà ngà say, tân khách xin Chiêu Dương cho xem viên Ngọc Bích. Chiêu Dương lấy ngọc để lên bàn, năm sắc óng ánh. Mọi người đều vui mừng rồi thay nhau cầm xem. Chợt viên ngọc biến mất, tìm mãi không thấy. Trong đám tân khách và môn đệ theo hầu Chiêu Dương, Trương Nghi là người nghèo khó nhất, nên bị tình nghi là kẻ lấy trộm ngọc. Chiêu Dương truyền đem tra vấn. Trương Nghi vốn không phải kẻ lấy ngọc, nên nhất định không chịu nhận lời buộc tội. Bọn môn hạ đánh Trương Nghi đến chết ngất rồi kéo bỏ ngoài gò. Có người thương Nghi bị đánh oan, mới vực đem về nhà. Người vợ trông thấy đau lòng, nói: - Bởi chàng theo đuổi việc đọc sách và du thuyết nên mới bị nhục. Nếu ở nhà lo cày cuốc làm ăn thì đâu đến nỗi này. Trương Nghi há mồm hỏi vợ : - Cái lưỡi ta có còn chăng ? Người vợ tức cười đáp: - Còn. Trương Nghi nói: - Lưỡi còn tức là tiền của đó. Nàng chớ lo rằng mãi khốn cùng. Đoạn nghỉ dưỡng sức ít lâu, rồi dắt vợ cơn sang nước khác. Giữa đường nghe tin Tô Tần đã được vua Triệu phong là Tướng quốc, Trương Nghi toan sang Triệu thì gặp Giã Xá Nhân. hai bên làm quen rồi cùng nhau sang Triệu.
     
    Đến Triệu, Trương Nghi đưa danh thiếp vào xin yết kiến Tô Tần, nhưng không được Tô Tần tiếp. Trương Nghi vừa giận vừa buồn, muốn bỏ đi nơi khác, nhưng vì tiền lưng đã cạn, cực chẳng đã phải ở nán lại. Sau Tô Tần cho gọi vào, đưa mắt lạnh nhạt hỏi: - Quí huynh vẫn được bình yên đấy chứ ? Trương Nghi, khí tức đầy ruột, lặng thinh không đáp. Chợt lính hầu vào bẩm dâng cơm trưa. Tô Tần bảo Trương Nghi: - Việc quan bận rộn, phiền quí huynh đợi ít lâu. Bây giờ xin mời bửa cơm đạm bạc. Nói rồi truyền dọn cơm dưới công đường đãi Trương Nghi, còn Tô Tần thì ngồi ăn trên cao. Mâm cơm trên lại ê hề cao lương mỹ vị, còn mâm cơm dưới thì chỉ có rau cùng tương. Trương Nghi tức giận bỏ về. Đương khi bực tức thì gặp lại Giã Xá Nhân, Trương Nghi liền đem nỗi nhục nhã của mình kể lại. Giã Xá Nhân liền rủ Trương Nghi sang Tần. Trương Nghi mừng rỡ, nói: - Trong bảy nước chỉ có Tần là mạnh hơn cả. Sức Tần đánh thắng Triệu dễ như chơi. Nếu tôi sang Tần mà được đắc dụng, thì quyết đem quân đánh Triệu để báo thù Tô Tần. Giả Xá Nhân nói : - Tôi có người bạn quen làm quan lớn ở Tần. Tôi sẽ tìm cách cho tiên sinh tiến thủ. Trương Nghi liền cùng Giã Xá Nhân kết làm anh em, rồi cùng nhau lên đường. Đến Tần, Giã Xá Nhân bỏ tiền đút lót cho những kẻ thân cận vua Tần, xin tiến cử Trương Nghi. Vua Tần là Huệ Văn Vương nghe kẻ tả hữu bàn về Trương Nghi, liền cho đòi vào yết kiến. Trương Nghi vào cùng nhà vua bàn việc chư hầu, miệng lưỡi như suối. Vua Tần đắc ý, phong Trương Nghi là Khách Khanh. Sau Trương Nghi được hiển đạt, Giã Xá Nhân từ biệt xin đi. Trương Nghi ứa nước mắt, nói: - Trước đây tôi bị cùng khốn, nhờ ngài trợ giúp mới có ngày nay. Tôi chưa kịp báo ơn sâu, sao ngày lại vội bỏ tôi như thế ? Giã Xá Nhân đáp: - Ơn ấy đâu phải của tôi. Tôi chỉ là kẻ thừa hành của Tô Tướng Quốc. Trương Nghi ngạc nhiên, hỏi: - Ngài bỏ vàng bạc ra giúp tôi nên sự nghiệp, cớ sao lại nói đến Tô Tần? Xá Nhân nói; - Tô Tướng Quốc chủ trương thuyết liên hiệp chư hầu. Trong lúc chưa thành hình, sợ Tần đem quân sang đánh Triệu, làm hỏng kế hoạch, nên phải tìm người tâm phúc, đến cầm quyền hành chính nước Tần. Việc ấy ngoài Tiên Sinh ra , còn ai làm nổi. Vì vậy mới sai tôi đi tìm Tiên Sinh, lại sợ Tiên Sinh lấy địa vị nhỏ nhặt làm thỏa mãn, nên cố ý ngược đãi để Tiên Sinh quyết chí sang Tần. Tướng Quốc lại đưa cho tôi nhiều vàng bạc để cung ứng cho Tiên Sinh đắc dụng ở Tần. Nay Tiên Sinh đã được đắc dụng, nhiệm vụ tôi đã hết, nên tôi phải về bẩm cho Tướng Quốc hay. Trương Nghi thở dài : - Lâu nay ta nằm trong chiến thuật địch vận của Tô Tần mà không biết. Tài năng ta thật không sách kịp Tô Tần ! Xin phiền Ngài trở về chuyển lời tôi cám ơn Tô Tần. Và để báo ân Tô Tần đã giúp tôi nên sự nghiệp, tôi sẽ không bàn đến chuyện đánh Triệu. Nhờ vậy mà thuyết Hiệp Tung của Tô Tần thực hiện được, khiến thiên hạ được yên ổn trong một thời gian. Nhưng rồi Trương Nghi xướng ra thuyết Liên Hoành, đi du thuyết các nước, làm tan rã khối liên minh. Các nước trở lại đánh nhau không ngớt. Vì binh đao mãi, nước nào cũng trở nên nghèo đói . Nước Tần thừa cơ thôn tính dần dần hết. Tai hại thay ba tấc lưỡi của Trương Nghi.
     
    Những người dùng miệng lưỡi mình, trí óc mình để làm hại kẻ khác, làm lợi cho mình, nhiều khi hại người chưa thấy đâu, mà cái hại lại quay ngay vào mình trước. Như trường hợp anh thầy kiện trong sách Duyệt Vi. Rằng: Ngày xưa có một thầy kiện rất giỏi. Mỗi khi thảo đơn kiện cho ai, định buộc tội, gạt lỗi, mà ý nghĩ chưa được sâu sắc, lời nói chưa được chặt chẽ, thì cứ muốn ngồi yên một chỗ để cấu tứ. Những lúc ấy thường dặn nguời nhà không được làm ồn, khách đến không tiếp, cả vợ cũng phải tránh đi nơi khác. Người vợ thầy kiện vốn có tình cùng người láng giềng, mới nghĩ ra được một diệu kế : những khi thầy kiện cấu tứ, chị ta cứ lại chuyện trò quấy rối. Thầy kiện tức mình đến phải mắng và đuổi sang nhà khác. Thế là những khi thầy kiện cấu tứ thì người vợ đi sang láng giềng ân ái cùng tình nhân. Kể hàng bao nhiêu năm mà thầy kiện không hay biết. Sau thầy kiện vì cấu tứ mãi mà chết. Người vợ chửa hoang, bị nhà chồng kiện. Quan tra xét căn do. Vợ thầy kiện thú thật. Quan vỗ bàn, thở dài: - Ngòi bút, chót lưỡi của thầy kiện đã khéo, ai ngờ cơ trời còn khéo hơn.
     
  4. lyenson

    lyenson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/03/2006
    Bài viết:
    3.005
    Đã được thích:
    0
    Nói Tỷ Dụ


    Tục ngữ có câu: - Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Muốn cho người có bệnh không sợ đắng, các nhà bào chế thuốc tìm cách nào cho thuốc có vị mùi ngon, mà vẫn giữ được nguyên chất. Đối với lời nói cũng thế. Để cho sở thuyết của mình đem lại kết quả mong muốn, kẻ năng thuyết thường dùng những phương thuật để tránh sự làm mích lòng, làm mất lòng người nghe. Vì lời nói dù phải đến đâu mà làm mất lòng hay mích lòng người nghe, thì chẳng những không có ích cho người nghe mà còn có hại cho người nói, không nhiều thì ít. Bởi vậy, ông già bà cả thường khuyên con cháu phải " học ăn học nói ". Nhưng muốn học, chúng ta không biết học ở đâu bây giờ ? Không có trường, âu chúng ta tạm học người xưa trong sách vở.
     
    Nói lọt tai người nghe, xưa nay ai cũng phục Tô Tần thời Chiến Quốc. Tài ăn nói của họ Tô thật tuyệt vời. Dù người sắt đá đến đâu nghe Tô Tần nói cũng phải mềm dạ. Như Mạnh Thường Quần là một: Mạnh Thường Quân là một người nghĩa hiệp nước Tề. Gia khách có từng đoàn từng toán, phần nhiều đều là kẻ có tài trí. Mạnh Thường Quân muốn sang Tần du thuyết. Trong nhà ngoài nước, có hàng nghìn người đến can ngăn, nhưng Mạnh Thường Quần không nghe. Tô Tần bèn đến yết kiến. Mạnh Thường Quần bảo : - Việc người thì ta không còn sót gì nữa. Chỉ có việc quỉ thần thì ta chưa rõ mà thôi. Tô Tần đáp: - Ấy! Tôi đến đây không phải để nói việc người, mà chính để nói chuyện quỉ thần cùng Các hạ. Mạnh Thường Quần bảo: - Ừ, thì nói nghe thử. Tô Tần nói: - Vừa rồi, đi qua sông tôi nghe một pho tượng đất cùng pho tượng gỗ nói chuyện với nhau. Tượng gỗ bảo tượng đất : " Ngươi là đất nặn thành hình, đến mùa mưa nướt lụt tràn ngập, thì thân ngươi sẽ bị rã tan " . Tượng đất đáp : " Ta vốn là đất, nếu bị tan rã thì đất lại hoàn đất thôi. Cứ như nhà ngươi là gỗ tạc thành hình, khi nước tràn lên, thì chưa biết tấm thân sẽ trôi dạt về đâu, và rồi cũng không biết sẽ ra thế nào nữa " . Nay nước Tần là nước hiểm trở, vua nước Tần là vua bạo ngược, nếu các hạ vào đó thì có ra được không ? Mạnh Thường Quân nghe thấm ý liền dẹp chuyện sang Tần Chao! Hàng nghìn người can không ngã, mà chỉ một câu nói của Tô Tần thay đổi hẳn ý định của Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân thấy Tô Tần đến, đột ngột đem chuyện quỉ thần ra hỏi, cố ý làm cho Tô Tần khó trả lời. Không ngờ Tô Tần ứng biến nhanh, mượn ngay con đường Mạnh Thường Quân hé mở mà tấn công vào tận gan phổi. Cho nên toàn thắng.
     
    Lại một khi, nước Triệu toan đánh nước Yên. Tô Tần vì nước Yên, sang nói với vua nước Triệu là Huệ Vương, rằng: - Vừa rồi qua sông Dịch Thuỷ, tôi thấy trên bờ một con trai đang há miệng phơi mình trên cát. Chợt một con cò bay đến, mổ vào thịt con trai. Trai liền ngậm miệng kẹp lấy mỏ cò. Cò giãy không ra, liền nghĩ bụng : " Hôm nay nắng, ngày mai nắng, thế nào trai cũng chết khô" . Trai cũng nghĩ : " Hôm nay không rút mỏ được, ngày mai không rút mỏ được, thế nào rồi cò cũng chết đói " . Hai bên găng nhau, không bên nào chịu nhịn. Bỗng đâu có người đánh cá đi qua, trông thấy, bắt được cả đôi , thích chí cười ha hả ...Nay nước Triệu đem quân sang đánh nước Yên, nước Yên tất phải chống lại. Hai bên tranh đấu với nhau lâu ngày, người tất bị hại, của tất bị tốn. Cả hai đều phải nghèo yếu. Tôi e nước Tần thừa cơ, đem quân chụp cả hai nước như người đánh cá chụp cả trai cò, thì lúc bấy giờ có hối cũng không kịp. Dám xin nhà vua thử nghĩ lại xem. Vua Huệ Vương cho là nói phải, bèn đình việc đánh Yên. Những chuyện chứng minh tài nói giỏi của Tô Tần, Chiến Quốc Sách, Đông Châu Liệt Quốc ...có chép nhiều. Và ngoài Tô Tần ra, xưa nay cũng còn nhiều người nói giỏi, nói nghe rất lý thú
     
    Đây chuyện một viên quan nói cùng Vua nước Ngô. Vua nước Ngô muốn đem quân đi đánh nước Kinh. Nhiều người can gián. Nhà vua không nghe và ra lệnh: - Hễ ai còn can ta đánh nước Kinh thì phải tội xử tử. Không còn ai dám can nữa. Một viên quan trẻ tuổi nghe lệnh, sáng nào cũng cầm cung tên đến chực nhà vua nơi vườn ngự, sương xuống ướt đầm cả áo bào. Chực đến ba hôm, nhà vua mới trông thấy, bèn phán hỏi: - Ngươi đến đây làm gì mà để sương xuống ướt sũng cả áo như thế ? Viên quan tâu: - Trong vườn có cây cổ thụ cao chót vót. Trên ngọn cây có con ve sầu hút gió uống sương, cả ngày kêu rả rích, tưởng đã được sống yên thân. Chẳng ngờ đằng sau có con bọ ngựa đang giơ hai càng chực bắt. Con bọ ngựa muốn bắt con ve sầu, lại chẳng biết sau lưng mình có con chim chích vươn cổ chực mổ. Con chim chích muốn mổ con bọ ngựa có hay đâu dưới gốc cây có kẻ hạ thần đang giương cung toan bắn. Mà chính hạ thần đây vì ham bắn cho được con chim chích kia, cũng không biết rằng sương xuống ướt đầm áo. Như thế là vì đều ham mối lợi trước mắt mà quên hẳn cái hại ở ngay sau lưng. Nhà vua nghe nói ngẫm nghĩ: - Biết đâu các nước láng giềng lại có nước đương rình rập nước ta. Trong khi ta kéo quân đi đánh nước Kinh, nếu nước kia đem binh đánh úp ta thì lấy ai chống cự. Nhận thức rõ chỗ lợi hại, nhà vua bèn thôi không đi đánh nước Kinh.
     
    Còn một chuyện nữa cũng ý vị như thế. Đó là chuyện vua Tấn. Vua Tấn là Văn Công đem quân đi đánh nước Vệ. Giữa đường gặp một ông lão cày ruộng cứ ngẩn mặt lên trời cười khanh khách. Văn Công cho đòi lại hỏi : - Nhà ngươi cười gì thế ? Ông lão tâu: - Tôi cười người láng giềng của tôi. Anh ta đưa vợ đến nhà bà con thăm. Giữa đường gặp một con gái hái dâu, anh ta thích quá, lén vợ rẽ xuống ruộng nói chuyện cùng người con gái. Hồi lâu ngước lên xem người vợ đã đi đến đâu, thì thấy một chàng trai đang vẫy vợ anh ta ...Ấy câu chuyện chỉ có thế, mà nghĩ đến tôi không thể nhịn cười được. Văn Công nghe nói, tự nhiên tỉnh ngộ : - Không khéo nước láng giềng cũng đang vẩy nước ta. Vội kéo quân trở về. Chưa đến kinh đô thì đã thấy báo có giặc ngoài xâm phạm biên giới. Thật là những lời nói thật là hay ! Những lời nói thật mà không làm mất lòng hoặc mích lòng người nghe, như những lời trong những chuyện kể trên, phần nhiều đều là những lời tỷ dụ .
     
    Huệ Tử nước Lương xưa nói gì cũng hay tỷ dụ. Có người bảo vua Lương đừng cho Huệ Tử tỷ dụ xem có nói được gì hay. Vua nghe lời, đến chơi nhà Huệ Tử và phán : - Tiên sinh có muốn nói gì cùng Quả Nhân thì xin nói thẳng, chớ đừng tỷ dụ nữa. Huệ Tử tâu: - Nay có một người ở đây không biết cái nỏ là cái gì, mới hỏi hình dạng. Nếu tôi đáp : " Hình dạng cái nỏ giống cái nỏ ", thì liệu người ấy có hiểu được không ? Vua đáp: - Hiểu thế nào được . Huệ Tử tâu tiếp : - Khi nói với ai mà đem " cái " người ta đã biết ví sang "cái" người ta chưa biết, như thế là khiến cho người ta biết được dễ dàng. Nay nhà vua bảo tôi đừng tỷ dụ nữa thì tôi không sao nói được .
     
    Bảo đừng tỷ dụ mà vẫn tỷ dụ dưới một hình thức dường như không tỷ dụ! Tài thật ! Lời nói thẳng là một cây gậy cứng. Lời tỷ dụ là một cây que mềm mại và dài. Lòng người có lắm khúc quanh co. Gậy cứng thọc vào, bị những góc cạnh cản lại, không thể đến tận đáy lòng, nên phải dùng que mềm để uốn theo đường quanh, khúc quẹo, thì mới đẩy đến chốn đến nơi. Cho nên những lời có hiệu quả nhất xưa nay, phần nhiều là lời tỷ dụ. Để dạy người đời Đức Phật cũng thường tỷ dụ . Nhưng trước khi bắt chước chúng ta nên nhớ chuyện nàng Đông Thi.
     
  5. lyenson

    lyenson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/03/2006
    Bài viết:
    3.005
    Đã được thích:
    0
    Chữ Trung
    Sách Trung Dung giảng rằng: - Lấy điều mong ở con mà thờ cha, lấy điều mong ở tôi mà thờ vua, lấy điều mong ở em mà thờ anh ( Sở cầu hồ tử dĩ sự phụ, sở cầu hồ thần dĩ sự quân, sở cầu hồ ấu dĩ sự trưởng). Sách Luận Ngữ nói rằng: - Mình muốn đứng vững thì làm cho người đứng vững như mình, mình muốn thông suốt thì làm cho người thông suốt như mình (Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạc nhi đạt nhân). Như thế là Trung. Nói tóm lại: Lấy điều mình muốn kẻ khác làm cho mình, đem làm cho người, đó là Trung. Nói một cách vắn tắc hơn, thì Trung là hết lòng mình đối với người (Tận kỷ chi vị Trung). Ý nghĩa của chữ Trung rộng rãi như thế. Nhưng sau khi chế độ phong kiến có qui định chặt chẽ rồi thì chữ Trung bị thu hẹp trong vòng vua tôi. Và vì vua tượng trưng cho Nước, nên trung với vua tức là Yêu nước vậy. (Trung quân ái Quốc). Vì có quan niệm như thế, nên đã nhiều người vì vua mà hy sinh quyền lợi riêng, hy sinh tánh mạng, không chút tiếc. Tận trung để báo quốc. Như Thạch Thác đã giết con vì trung với chúa.
     
    Thạch Thác làm tôi nước Vệ. Vệ Hoàn Công tánh nhu nhược. Thạch Thác liệu không thể giúp nên việc lớn được, bèn từ chức lui về vườn. Vệ Hoàn Công có một người em khác mẹ tên là Chu Hu, tánh rất hung bạo. Thạch Thác cũng có đứa con tên là Thạch Hậu tinh thông võ nghệ và thường giao du với Chu Hu. Khi Thạch Thác còn tại triều, Chu Hu và Thạch Hậu sợ uy, không dám nghĩ chuyện quấy. Sau khi Thạch Thác cáo quan, chúng không còn kiêng nể ai nữa, bèn mưu việc soán ngôi. Kế đó vua Bình Vương nhà Châu băng hà, Vệ Hoàn Công sắm sửa đi điếu tang. Thạch Hậu bàn cùng Chu Hu: - Ngày mai công tử bày tiệc tiễn hành. Tôi cho quân sĩ phục ở phòng tiệc. Lúc đương ăn uống, công tử hạ sát nhà vua. Triều thần có ai kháng cự, tôi sẽ ra tay. Chu Hu theo lời và giết được Hoàn Công. Cung quán đã bị Thạch Hậu bao vây, triều thần không ai dám trái lệnh. Chu Hu lên ngôi nước Vệ, phong Thạch Hậu làm Thượng Đại Phu. Em ruột Hoàn Công là công tử Tấn trốn sang nước Hình. Chu Hu cướp ngôi anh, lòng nhân không phục. Để ra oai, Chu Hu cử binh đánh Trịnh. Tuy thắng trận, vẫn không chinh phục được lòng dân. Thạch Hậu bè nói cùng Chu Hu: - Muốn cho dân phục mình phải bắt những kẻ dân phục về làm phò tá. Trước kia cha tôi làm thượng khanh, ai cũng mến đức. Nay xin Chúa Công triệu cha tôi vào dự quốc chánh, thì ngôi báo ắt vững.
     
    Chu Hu nghe lời, cho người mang vàng bạc đến rước. Thạch Thác giả đau, từ chối. Thạch Hậu vâng lệnh Chu Hu về triệu một lần nữa. Thạch Thách hỏi: - Triệu ta làm gì ? Thạch Hậu tỏ nỗi lòng kính trọng của Chu Hu rồi nói: - Vì lòng dân trong nước chưa phục, Chúa Công sợ ngôi báu không vững nên muốn nhờ phụ thân chỉ giáo. Thạch Thác đáp: - Mỗi chư hầu lên ngôi phải có mạng vua nhà Châu mới chánh đáng. Nay Tân quân muốn mọi người tùng phục thì phải vào chầu vua nhà Châu, Khi nhà Châu chấp thuận, ban áo mão, thì ai còn dám không vâng mạng. Thạch Hậu nói: - Lời phụ thân nói rất phải. Song vô cớ vào chầu có bị nghi ngờ chăng? - Việc đó không khó. Trần Hầu là người được vua nhà Châu yêu chuộng. Vừa rồi lại đem quân giúp Vệ đánh Trịnh. Tân quân cứ sang Trần, nhờ Trần Hầu vào tâu trước với vua Châu, rồi Tân quân sẽ đến triều kiến sau, thì việc ắt thành tựu. Thạch Hầu về thưa lại cùng Chu Hu. Chu Hu cả mừng, vội sắm sửa lễ vật cùng Thạch Hầu sang Trần. Thạch Thác với quan Đại Phu nước Trần là Tử Hàm vốn là bạn thân. Để trừ bọn loạn tặc, Thạch Thác cắt máu viết bức huyết thư kể tội Chu Hu và Thạch Hậu, sai người tâm phúc đem sang nhờ Tử Hàm dân lên Trần Hầu, xin bắt trị tội để làm gương. Trần Hầu xem thư, hỏi Tử Hàm. Tử Hàm thưa: - Kẻ phản loạn của nước Vệ chẳng khác kẻ phản loạn của nước Trần, không thể dung được
    Được lyenson sửa chữa / chuyển vào 15:44 ngày 02/07/2006
  6. lyenson

    lyenson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/03/2006
    Bài viết:
    3.005
    Đã được thích:
    0


     
    Chu Hu và Thạch Hậu đến. Trần Hầu lập kế bắt đem giam Chu Hu nơi Bộc Ấp, Thạch Hầu nơi Trần Đô, rồi sai người sang Vệ báo tin cùng Thạch Thác. Thạch Thác từ ngày cáo lão không hề đi đâu nửa bước. Khi được tin nước Trần, vội vã vào triều thương nghị. Các quan đề nói: - Đó là việc lớn của quốc gia, chúng tôi một lòng trông cậy vào ý kiến của Ngài vậy. Thạch Thác nói: - Hai đứa phản loạn này không thể dung thứ được. Tội đáng chém đầu. Vậy có ai vì nước cáng đáng việc ấy? Quan Thái Tể Xủ bước ra thưa: - Loạn thần tặc tử, nhân nhân đắc nhi tru chi. Xin giao việc ấy cho tôi. Các quan đồng thanh nói: - Việc ấy mà giao cho Thái Tể là phải lắm. Nhưng xét ra Chu Hu mới là chánh phạm, còn Thạch Hậu chỉ là kẻ a tòng, tưởng nên châm chế. Thạch Thách nghe nói nổi giận hét: - Chu Hu làm loạn chính là nơi con tôi mà ra. Nay các quan nghị như thế là nghi tôi có tình riêng với nó hay sao ? Thôi, tôi phải thân hành đến chém đứa loạn thần ấy thì mới dám nhìn đến Lăng miếu của tiền nhân tôi. Nhụ Dương Kiên liền bước ra thưa: - Xin lão quan bớt giận. Để tôi đi thay lão quan.
     
    Thạch Thác bèn sai Thái Tể Xú sang Bộc Ấp chém Chu Hu và Nhụ Dương Kiên qua Trần Đô chém Thạch Hậu, rồi sai người sắm xa giá đến nước Hình rước công tử Tấn về nối ngôi. Thái Tể Xú đến Bộc Ấp. Chu Hu trông thấy kêu lớn: - Có phải ngươi đến để cứu ta chăng ? Đáp: - Không phải để cứu mà để giết. Chu Hu trợn mắt mắng: - Ngươi làm tôi ta, sao lại dám phạm đến ta? Thái Tể Xú mỉm cười, đáp: - Trước đây ở nước Vệ có kẻ bề tôi mà dám giết vua, nên nay ta bắt chước. Đoạn truyền quân chém đầu.
     
    Còn Nhu Dương Kiên đến Trần Đô sai đem Thạch Hậu ra chém. Thạch Hậu nói: - Chém giết chi ta cũng chả sợ, song cho ta về nước để thấy mặc phụ thân ta đã. Nhụ Dương Kiên đáp: - Ta vâng lệnh phụ thân ngươi đến đây để giám sát. Nếu ngươi muốn thấy mặt, thì ta sẽ xách thủ cấp ngươi về nước Vệ nạp cho phụ thân ngươi. Thạch Hậu la lớn: - Sao phụ thân nỡ nhẫn tâm hại con thế này? Nhụ Dương Kiên nói: - Lòng thương con ai lại không có. Nhưng người quân tử không bao giờ coi nặng tình nhà hơn nợ nước. Ngươi hiểu chưa? Nói đoạn vung gươm chém đầu. Đem đại nghĩa đặt lên trên tình phụ tử không phải là việc mà ai ai cũng có thể làm được. Bởi vậy cổ nhân đều khen Thạch Thách là Trung. Nhưng cũng có người bàn rằng: - Để đợi đến lúc nước hư nát rồi mới giết con, đó là lòng trung của kẻ bất trí. Không bằng lòng trung sáng suốt và sâu sắt của Dục Quyền.
     
    Dục Quyền làm quan nước Sở. Vua nước Tức giận vua nước Sái trêu ghẹo vợ mình, bèn nghĩ cách trả thù. Nhà vua sai người vào triều cống nước Sở và mật cáo cùng Sở Văn Vương rằng: - Sái Hầu cậy thế có Tề che chở nên không phục Sở. Vậy xin Đại Vương cất binh giả sang đánh nước tôi. Nước tôi sẽ sang cầu cứu nước Sái. Sái Hầu là người nông nổi, thế tất đêm quân đến cứu. Bây giờ quí quốc hiệp binh cùng nước tôi mà bắt Sái Hầu trị tội. Sở Văn Vương được kế mừng lắm, cất quân sang vây thành nước Tức. Tức Hầu viết mật thư cầu cứu nước Sái. Sái hầu không suy nghĩ, cử binh đến nước Tức để giải vây. Nhưng vừa đến nơi, bị quân Sở phục nơi yếu lộ, đánh úp thình lình. Quân Sái tan rã. Sái Hầu thất kinh, chạy vào thành nước Tức. Nhưng Tức Hầu sai đóng chặt của thành không cho vào. Biết mình đã mắc kế, Sái Hầu đành bó mình nộp cho Vua Sở. Sở Văn Vương dẫn Sái Hầu về nước, truyền quân đem xử trảm. Dục Quyên bước ra can rằng: - Đại vương đang muốn mở mang thế lực khắp thiên hạ, đáng gì một Sái Hầu mà không thể tha thứ, để thiên hạ chê nước Sở ta không phải là nước đại độ ? Sở Văn Vương nói: - Sái Hầu là một đứa ngạo nghễ, lâu nay không đầu phục. Hận ấy chưa nguôi. Nay bắt được, lẽ nào lại tha ? Nói đoạn giục quân đem chém. Dục Quyên cản lại, nói: - Khoan, khoan. Xin Đại Vương nghĩ lại, lẽ nào vì một oán nhỏ mà quên đại sự. Nếu đại vương tha cho Sái Hầu về nước, ắt từ nay không dám ngạo mạn nữa. Đã vậy, các chư hầu trông thấy gương này phải mến đức Đại Vương. - Sở Văn Vưong nhất định không nghe. Dục Quyên nổi giận, một tay nắm áo Sở Vương, một tay rút gươm, nói lớn: - Thà tôi cùng chết với Đại Vương, còn hơn để Đại Vương làm mất nghiệp cả. Sở Vương hoảng sợ, vội nói: - Thôi, thôi .... Ta chịu nghe lời khanh. Liền truyền tha cho Sái Hầu. Mục đích đã đạt, Dục Quyên vội vã quăng gươm quì tâu: - Đại Vương đã nghe lời can gián của tôi, thật may mắn cho nước Sở. Nhưng tôi phạm tội hiếp vua, thực đáng chết. Vậy xin cúi đầu nhận tội. Sở Vương nói: - Lòng trung thành của khanh đã vượt quá tội lỗi. Ta không thể vì lỗi nhỏ mà làm lu mờ tấm gương trung nghĩa nghìn thu. Dục Quyên tâu: - Đại Vương tưởng tình tha cho tôi, nhưng tự tôi không thể tha cho tôi được. Nói đoạn rúi lươm thanh gươm, chặt đứt một chân, vừa chặt vừa hét lớn: - Kẻ nào làm tôi mà vô lễ với vua thì hãy xem gương đây. Sở Văn Vương cảm động, truyền đem chân của Dục Quyen cất vào kho, để ghi lỗi không nghe lời can gián. Đoạn sai Ngự Y chuyên chữa, và sao khi Dục Quyên lành bệnh, nhà vua phong chức Đại Hôn giữ cửa thành.
     
    Người quân tử bàn rằng: - Phải nhận Dục Quyên làm thế là thật bụng yêu vua. Can gián cho đến tự dấn thân vào khổ. Dẫu thấy rõ hình phạt, vẫn không quên đưa vua vào đều lành. Tức là Dục Quyên muôn đời khen là Trung. Nhưng Lữ Đông Lai bàn rằng: - May thay vua Sở không cho hành động của Dục Quyên là trái nên theo. Nếu nhà vua không chịu thì không biết Dục Quyên còn đưa thuật gì ra để tiếp tục can gián cho có kết quả ? Và nếu rủi vua Sở hô binh tướng giết đi, rồi bị hãm về tội phản, thì tâm tích còn được ai thấy rõ giùm cho? Cũng vì biết không thể tiếp tục được mãi, Dục Quyên mới dùng sự cắt chân để tỏ tâm tích của mình. Lời nói và việc làm của Dục Quyên bảo cho người đời sau : Muốn bắt chước dùng binh khí can vua thì phải bắt chước sự chặt chân. Không theo được gương chặt chân thì chớ noi theo gương can vua bằng binh khí. Nghĩa là Lữ Đông Lai không cho việc Dục Quyên làm là một gương sáng đáng theo. Tuy vậy vẫn công nhận là Trung .
     
    Văn Quân đất Lỗ Dương bảo Mặc Tử: - Có kẻ nói với ta rằng: Trung thần là người bắt cúi thì cúi, bắt ngửng thì ngửng, để im thì im, gọi thì thưa. Như thế có cho là Trung thần được không? - Mặc Tử đáp: - Bắt cúi thì cúi, bắt ngửng thì ngửng, như thế có khác gì cái bóng ? Để thì im, gọi thì thưa, như thế có khác gì tiếng vang ? Quan lại mà dùng đến kẻ như bóng như vang thì còn được ích gì? Theo ý tôi, gọi là trung thần, thì khi vua có lầm lỗi, phải liệu cách can ngăn để đưa vào đều thiện; khi mình có điều hay, phải tìm đường bày tỏ mà không lộ ra ngoài; trên thì thành thật một lòng, một dạ với vua; dưới thì không a dua vào bè kết đảng với ai; những việc tốt lành, an vui , thì để vua hưởng, những điều oán thù, lo lắng, thì mình hứng đựng. Có được như thế thì tôi mới cho là Trung thần. Đó là ý nghĩa chữ Trung đối với kẻ sáng suốt. Và trong lời nói của họ Mặc chúng ta vẫn nhận thấy nhấn mạnh đến sự hy sinh quyền lợi của kẻ làm tôi để phụng sự nhà vua. Thế mà nhà vua vẫn chưa cho là đủ, còn muốn nhiều hơn thế nữa. Bởi vậy mới có câu: " Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung " và " Trung thần bất sự nhị quân " ...Thành ra chữ Trung mỗi ngày một bị the hẹp vào phạm vi thờ vua cho trọn đạo, mặc dù ông vua ấy là những hôn quân bạo chúa. Ngán nỗi, từ xưa đến nay, những ông vua hôn ám, tàn bạo thì nhiều, còn những bậc minh mẫn nhân hậu thì lại ít. Cho nên xem sử sách thấy biết bao nhiêu người vì chữ Trung mà phải hy sinh một cách quá đáng. Như cái chết của Văn Chủng, cái chết của Nhạc Phi ...v.v Nhưng cũng may, chế độ quân chủ đã chấm dứt. Lòng trung nghĩa khỏi sợ bị đem phụng sự những bạo chúa hôn quân. Được hưởng tự do, chúng ta nên thực hiện chữ Trung theo ý nghĩa rộng lớn. Chúng ta nên " Trải tấm lòng ngay ở với đời "
     
    và chúng ta " tận trung " để " báo quốc " . Đó là Trung đúng ý nghĩa của thánh hiền xưa và hợp với nhân sinh quan mới.
     
  7. lyenson

    lyenson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/03/2006
    Bài viết:
    3.005
    Đã được thích:
    0


    Chữ Hiếu
    Hiếu là trọn đạo thờ cha mẹ. Thầy Tử Lộ tên là Do, học trò đức Khổng Tử. Một hôm vào hầu, thưa: - Đội nặng đường xa thì tiện đâu nghỉ đó, không đợi chọn chỗ rồi mới nghỉ. Nhà nghèo, cha mẹ già, thì con làm nên thế nào, hay thế ấy, không đợi có chức trọng quyền cao mới làm. Ngày trước Do này, lúc song thân còn, cơm thường dưa muối, đường xa trăm dặm, phải đội gạo về nuôi song thân. Sau khi song thân mất rồi, làm quan ở Sở, xe ngựa hàng trăm, bổng lộc hàng vạn, ăn những miếng ngon, mặc những đồ tốt, mỗi khi nhớ đến song thân, lại muốn dưa muối, đội gạo để nuôi người như trước, thì không sao được nữa! Cha mẹ tuổi già như bóng qua cửa sổ. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn nuôi , mà cha mẹ không đợi! Đức Khổng Tử nói: - Do, trò phụng sự song thân như thế rất phải. Lúc người còn thì hết lòng phụng dưỡng, lúc người mất thì hết lòng thương tiếc. Hết lòng phụng dưỡng lúc cha mẹ còn sống và hết lòng tiếc thương khi cha mẹ đã qua đời, đó là hiếu. Thầy Tử Lộ đã nổi tiếng là người chí hiếu.
     
    Trong hàng đệ tử đức Khổng, ngoài thầy Tử Lộ, còn nhiều vị cũng nổi tiếng hiếu thảo, như thầy Mẫn Tử Khiên. Thầy Mẫn Tử Khiên mồ côi mẹ từ thuở nhỏ. Cha lấy vợ kế sanh được hai trai. Người mẹ kế tánh ác, chỉ thương con đẻ mà ghét con chồng. Mùa đông giá lạnh, hai em thì áo bông ***g áo kép, còn Tử Khiên thì chỉ được mặc một chiếc áo hoa lao mỏng mảnh. Một hôm Tử Khiên đánh xe hầu cha, co ro run rẩy. Cha quở mắng, Tử Khiên không đành nói sự thật, nín lặng giục xe đi. Nhưng lạnh quá tay sút dây cương. Cha giận đánh, chẳng ngờ áo Tử Khiên rách, bật hoa lao ra! Cha thấy thế mới hay con mình bị vợ kế bạc đãi, giận lắm, toan đuổi người vợ kế đi. Tử Khiên liền quì xuống khóc mà thưa rằng: - Dì con còn ở lại thì chỉ một mình con chịu rét. Dì con mà bị đuổi đi, thì cả ba anh em chúng con đều không có người may áo. Cha nghe nói cảm động ôm con mà khóc. Người vợ kế hay biết liền ăn năn. Từ ấy đem lòng thương yêu Mẫn Tử Khiên như con đẻ vậy. Mẫn Tử Khiên và thầy Tử Lộ là hai nhân vật trong Nhị Thập Tứ Hiếu mà xưa nay đều lấy làm gương. Ngoài ra còn nhiều tấm gương sáng đáng soi, như Hàn Bá Du là một.
     
    Hàn Bá Du, người đất Lương ở đời nhà Hán. Bá Du mồ côi cha, thờ mẹ rất có hiếu. Những khi có lỗi bị mẹ đánh, ông vẫn tươi cười. Một hôm phải đòn, ôm mặt khóc. Mẹ hỏi: - Mọi khi mẹ đánh, con biết lỗi, nhận ngay. Lần này sao con lại khóc dai thế ? Bá Du quì thưa: - Mọi khi mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn mạnh khoẻ, con mừng. Lần này mẹ đánh con, con thấy không đau mấy, con biết sức mẹ đã yếu, nên con nghĩ thương mẹ mà khóc. Chao ôi! Câu nói đơn sơ mà thắm thía làm sao! Ai nghe mà không cảm động? Người xưa nói ; " Lòng hiếu thảo cảm động quỉ thần " thật đúng vậy.
     
     
  8. lyenson

    lyenson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/03/2006
    Bài viết:
    3.005
    Đã được thích:
    0


    Chuyện ông Khấu Chuẩn sau đây cũng rất cảm động. Khấu Chuẩn là một nhân vật trứ danh đời Tống. Ông nổi tiếng là công minh chính trực. Buổi nhỏ tính du đãng, không giữ lễ phép, lại thích chơi chim, chơi chó. Bà mẹ quở phạt mà ông vẫn không chừa. Một hôm, ông bỏ học đi chơi, bà mẹ giận quá, cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa, phải chữa lâu ngày mới khỏi. Từ ấy ông hồi tâm, chuyên lo học tập. Về sau, thi đỗ, làm quan đến Tể Tướng. Lúc vinh hiển thì mẹ ông đã mất. Mỗi khi ông sờ đến chiếc sẹo ở chân, thì ông nức nở khóc và nói rằng: - Chính vết thương này làm ta nên người. Mà khi nên người, mẹ lại không còn nữa!
     
    Lúc bần hàn thì có cha mẹ, mà lúc phú quí lại không có cha mẹ, ấy là một điều đau khổ của kẻ làm con. Cho nên người còn cha mẹ mà không hết lòng phụng sự, đến khi cha mẹ trăm năm rồi thì không khỏi ăn năn. Nhưng phụng sự cha mẹ, không phải cha mẹ muốn gì theo nấy là có hiếu. Thầy Tăng Sâm bừa cỏ ruộng dưa, lỡ tay làm đứt mất ít rễ. Cha là Tăng Tích giận, cầm gậy đáng vào lưng. Tăng Sâm đau quá, nhưng sợ cha giận thêm, không dám bỏ chạy. Đương cơn tức giận, cha đánh đến ngất đi, ngã gục hồi lâu mới tỉnh lại. Khi về nhà đến thưa với cha rằng: - Lúc nãy con có tội đến nỗi cha phải đánh, thật con lỗi đạo. Xin cha tha thứ. Nói xong lui xuống vừa gảy đàn vừa hát, có ý để cho cha nghe tiếng biết rằng mình không còn đau đớn gì nữa. Đức Khổng Tử nghe chuyện, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào. Tăng Sâm nghĩ mình vô tội, mượn bạn lại hỏi vì cớ gì mà ngài giận. Đức Khổng Tử nói: Ngày trước ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, luôn ở bên cạnh, cha sai khiến gì cũng không dám trái. Cha đánh bằng roi vọt thì cham chịu, đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn, lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng bất từ. Nay Sâm thờ cha, liều mình để chịu cơn giận đến nỗi ngất đi. Giá lỡ cha đánh quá tay mà chết mất, thì có phải làm cho cha mắc tội chăng? Tội bất hiếu còn to hơn nữa ? Tăng Sâm nghe dạy, biết mình lầm lỗi, đến tạ tội cùng đức Khổng Tử.
     
    Liều mình để chiều cơn giận của cha mẹ như Tăng Sâm còn bị đức Khổng cho là đại bất hiếu, huống hồ chiều lòng cha mẹ làm những điều bất nghĩa. Cổ nhân có nêu lên ba điều bất hiếu là: - Gia bần thân lão, bất vị lộc sĩ. ( Cha mẹ già, nhà nghèo mà không chịu ra làm quan để lấy lộc nuôi dưỡng). - A ý khúc tùng, hãm thân bất nghĩa. (Dựa theo ý muốn của cha mẹ để làm điều bậy, tức là hãm cho mẹ vào điều bất nghĩa.) - Bất thú, vô tử, tuyệt tiên tổ tự. (Không cưới vợ, không có con, làm dứt nồi giống tổ tiên.)
     
    Điều thứ ba, theo thầy Mạnh Kha thì là điều bất hiếu lớn nhất. (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại) . Nhưng ngày nay không còn thích hợp nữa. Vậy xin miễn bàn. Còn hai điều trên thì việc " Hãm thân bất nghĩa " là tội bất hiếu " Bất di bất dịch" , và việc "Bấc vị lộc sĩ " có bất hiếu hay không còn tùy trường hợp, xưa cũng như nay. Ông Doãn Thuần đời Tống, lúc nhỏ học Trình Di, thường chỉ cốt theo nghề khoa cử. Có một khoa tiến sĩ, ông đã vào đến kỳ Văn sách, đầu bài ra có câu " Tru Nguyên Hựu chư thần " nghĩa là " giết các bề tôi đời Nguyên Hựu " , ông bỏ đề tài không làm, đi ra. Khi về thưa cùng thầy: - Từ nay con không đi thi Tiến sĩ nữa. Ông không đi thi nữa là vì đầu bài ra trái ngược với lẽ phải. Bởi bầy tôi đời Nguyên Hựu vốn là người tài đức, mà lại bảo đem giết, như thế ý muốn cho kẻ thi đỗ sau này ra làm quan phải bác đời vua trước để nâng cao đời bấy giờ là đời Tĩnh Khang lên.
     
    Ông Trình Di vẫn biết như thế, nhưng lại bảo : - Nhà ngươi còn mẹ già kia mà ? Doãn Thuần về trình cùng mẹ việc thi cử và lời thầy dạy. Bà mẹ nói : - Ta muốn con lấy điều phải mà nuôi ta, hơn là lấy bổng lộc không ra gì mà nuôi. Ông Trình Di nghe được, khen rằng: - Hiền thay ! Bà mẹ như thế ! Như thế là ông Doãn Thuần tuy " gia bần thân lão " mà " bất vị lộc sĩ ", vẫn được khen là người có hiếu. Cho nên chỉ xét ở bề ngoài mà bảo là Hiếu hay Bất Hiếu tưởng không khỏi bị sai lầm.
     
    Xưa nay có lắm người ăn ở với cha mẹ rất có hiếu, nhưng rồi không trọn đạo hiếu suốt đời, như Dĩnh Thúc Khảo. Dĩnh Thúc Khảo làm quan phong nhân ở ấp Dĩnh rất có hiếu. Trịnh Bá, vì mẹ làm việc phạm pháp, rối loạn triều chính, bắt đem an trí tại ấp Dĩnh và thề : " Không xuống suối vàng, không gặp nhau". Sau hối hận nhờ Dình Thúc Khảo bày mưu gặp lại mẹ. Để tỏ lòng biết ơn, Trịnh Trang Công phong Dình Thúc Khảo làm quan Đại Phu cùng Công Tôn Yết chưởng quản việc binh quyền. Mười một năm sau, vua Trịnh hợp với Tề, Lỗ ở đất Thới Lai để mưu việt đánh nước Hứa. Để biểu dương lực lượng Trịnh Trang Công bày cuộc duyệt binh trước tôn miếu. Nhà vua lại chế ra một lá cờ bằng gấm, mỗi bề dài một trượng hai, cán dài hơn ba trượng, gọi là cờ "Mâu Hồ", cắm trên một cỗ xe rất lớn. Trang Công truyền rằng: - Nếu ai cầm cờ Mâu Hồ đi lại hai vòng thì được lãnh chức tiên phong, và được thưởng chiếc lộ xa.
     
    Một viên đại tướng là Hà Thúc Doanh bước ra, cầm cờ đi lại ba vòng, rồi cắm vào xe như trước. Ai nấy điều khen. Hà Thúc Doanh vừa tiến đến tạ ơn Trịnh Bá để lãnh thưởng thì Dĩnh Thúc Khảo nhảy ra nói lớn: - Cầm cờ mà đi có chi là lạ. Tôi có thể vừa đi vừa múa nữa kìa. Dứt lời, xăn tay áo, nhổ cán cờ lên múa tít như một cây trường thương. Lá cờ lúc mở lúc cuốn, khi dọc khi ngang, trông rất đẹp mắt. Mọi người đều kinh phục. Trịnh Bá mừng rỡ phán: - Khanh quả là một hổ tướng, đáng lãnh ấn tiên phong và được thưởng chiếc lộ xa. Trang Công dứt lời thì một thiếu tướng mặt như dồi phấn, bước ra chỉ Khảo Thúc và nói: - Hãy khoang lấy xe. Ta đây lại không múa nổi cây đại kỳ ấy sao? Nói rồi nhảy đến giật cây cờ. Nhưng Khảo Thúc lanh lẹ, một tay cầm cờ, một tay lôi chiếc xa lộ, chạy như gió. Thiếu tướng cầm kích đuổi theo, nhưng đến đại lộ theo không kịp, hầm hầm tức giận trở lui
     
    Thiếu tướng ấy là Công tử Ất tức là Tử Đô, một thanh niêm đẹp trai nhất thời Đông Châu. Trang Công rất yêu quí. Để hoà giải đôi bên, Trang Công bèn tặng cho Tử Đô một chiếc xe khác. Nhưng Tử Đô căm thù Khảo Thúc và quyết tâm trả thù. Mùa thu năm ấy, binh ba nước kéo nhau đi đánh nước Hứa. Quân Hứa không dám ra đánh, đóng cửa thành cố thủ. Binh Trịnh công thành rất gắt. Muốn tranh công cùng Tử Đô, Khảo Thúc nổ lực xông vào vòng vây, tay cầm cờ Mâu Hồ, tay cầm trường thương, nhảy phóng lên mặt thành. Vừa đeo thù riêng, vừa sợ Khảo Thúc đoạt mất công lao, Tử Đô bèn lắp tên lén một phát. Khảo Thúc bị tên, té nhào xuống thành bỏ mạng.
     
    Hà Thúc Doanh ngỡ Khảo Thúc bị giặc bắng, bèn lướt đến giật cây cờ, nhảy lên mặt thành, gọi to: - Chúa công đã lên rồi. Quân Trịnh hăng hái đua nhau nhảy theo lên, mở tung cửa thành chiếm được nước Hứa. Lữ Đông Lai bàn rằng: " Nhờ lòng hiếu thảo Dĩnh Khảo Thúc nổi danh ở nước Trịnh. Dùng một lời nói làm cho Trang Công hồi tâm, khiến Trang Công nhớ đến mẹ. Điều ấy khá khen. Nếu biết suy xét lòng hiếu thảo đến cùng tột thì sẽ thấy tỏa ra khắp trời đất, đầy ngập cả bốn biển. Phàm về lý ở trong thiên hạ, không có gì ra ngoài đạo hiếu được. Như vậy tại sao khi sắp đánh Hứa, lại đi tranh giành một chiếc lộ xa để tự giết mình? Đáng tiếc thay ! Lúc vấn đáp với Trang Công thì ôn tồn hiền hậu, sao biết nhã nhặn như thế? Còn lúc tranh giành với Tử Đô thì giận dữ rồi cướp giật, sao lại hung tợn thế kia? Cũng trong thân một con người, tại đâu mà trước với sau khác hẳn nhau dường ấy? Đương khi dùng cơm với Trang Công thì tưởng nhớ đến mẹ, còn lúc diễn binh đánh Hứa thì không nghĩ đến mẹ cha? Như vậy trước thì nhớ, sau thì quên thì ra ngó thấy hình cha mẹ trong tô canh, mà không ngó thấy hình cha mẹ trong lộ xa! Nếu Dĩnh Khảo Thúc đem lòng thờ kính cha mẹ để thờ kính tôn miếu thì có đâu dám tranh giành xe ở trước đại cung. Nếu Dĩnh Khảo Thúc biết suy lòng thờ kính cha mẹ ra cách nghiêm trị ba quân, thì khi nào dám tranh giành xe nơi đại lộ. Vì không biết xét suy, nên lúc đầu lãnh được tiếng khen là thuần hiếu, mà sau không tránh khỏi tiếng chê là " đấu ngận nguy phụ mẫu" (đánh lộn để lụy đến cha mẹ .)
     
    Hoặc có người hỏi: - Lúc đánh cùng nước Hứa, Dĩnh Khảo Thúc, quên mình nhảy trước lên thành, như vậy không phải suy rộng đạo hiếu sao? Xin đáp: - Tranh xe là việc riêng, tức là bất hiếu. Trèo trước lên thành là việc công, tức là hiếu. Tiếc mình là hiếu thờ cha mẹ. Quên mình là trung thờ vua chúa. Nhưng trung với hiếu nào phải hai đường ? Tăng Tử nói : " Lúc chiến đấu, thiếu dũng cảm là bất hiếu". Đó là can đảm của Khảo Thúc khi nhảy trước lên thành. Chính Tăng Tử gọi đó là hiếu. Nhưng Khảo Thúc chết vì thù riêng, chớ nào do việc công. Bởi đó mới tiếc dùm cho Khảo Thúc không biết suy lòng hiếu thảo ra cho đến chốn. Xưa Tả Khâu Minh khen Dĩnh Khảo Thúc bằng mấy câu Kinh Thi: - Lòng hiếu khôn cùng. Chia cho đồng loại. Nay lại đem chuyện trên, thấy bỏ cất miếng thịt thì làm được, còn lìa bỏ trục xe lại không làm được! Coi vậy thì đạo hiếu của Dĩnh Khảo Thúc cũng có lúc cùng! Cảm hóa được lòng của Trang Công mà không cảm hóa được lòng của Tử Đô, coi vậy thì đối với đồng loại có khi cũng không chia sớt được! Nếu Dình Khảo Thúc ngâm đi ngâm lại đôi ba lượt hai câu khen tặng, chẳng biết có hổ thầm hay chăng? Lời bàn thật là thâm thúy! Và xem đó thì đạo hiếu rộng biết bao nhiêu! Lo cho tròn đâu phải dễ.
     
  9. lyenson

    lyenson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/03/2006
    Bài viết:
    3.005
    Đã được thích:
    0
    Chữ Trí


    Trí là gì? Là phân biệt được lẽ thị phi, thấy rõ được cơ đắc thất. Kẻ nhân mà có trí thì thiên hạ được nhờ. Kẻ gian ác mà có trí thì thiên hạ bị nguy, không nhiều thì ít. Lã Bất Vi đời Chiến Quốc là một tên buôn vàng ngọc, sang nước Triệu gặp công tử nước Tần là Dị Nhân sang Triệu làm con tin. Vua Triệu đày Dị Nhân ra ở Đông Thành. Bất Vi về hỏi cha:
     
    - Trong nghề buôn, thứ gì lợi nhất? - Buôn vàng ngọc lợi nhất. Bất Vi lại hỏi: - Còn buôn vua có lợi chăng? Người cha cười: - Làm sao buôn được thứ ấy? Bất Vi thưa: - Giúp cho một người lên làm vua cai trị nước, rồi ta hưởng lợi. Như thế là buôn vua. Người cha cười lớn: - Được thế thì lợi gấp nghìn lần buôn các món hàng khác. Nhưng tìm đâu cho ra con người ấy?
     
    Bất Vi liền kể lại việc Dị Nhân bị an trí, rồi đem trăm nén vàng đến kết thân cùng Công Tôn Kiến là người vua Triệu sai canh giữ Dị Nhân. Qua một thời gian đi lại, Bất Vi được tiếp kiến Dị Nhân. Hai bên đãi nhau như chỗ quen biết cũ. Một hôm Bất Vi nói nhỏ cùng Dị Nhân: - Vua Tần nay đã già. Người yêu nhất của vua là Hoa Dương phu nhân. Hoa Dương vốn không con, sao Điện Hạ không nhân lúc này trở về Tần, xin thờ phu nhân làm mẹ, để mai sau nối nghiệp nhà Tần? Dị Nhân ứa nước mắt nói: - Tôi chẳng dám mong điều đó, song mỗi khi nhắc đến quê hương, lòng tôi như lửa đốt. Chỉ hiềm nỗi không biết làm cách nào để thoát thân mà thôi. Bất Vi nói: - Tôi dẫu nghèo, nhưng nguyện đem nghìn vàng sang Tần bàn với Hoa Dương phu nhân để lập kế đưa Điện Hạ về nước. Ý Điện Hạ nghĩ sao? Dị Nhân đáp: - Nếu được như ý muốn của ngày thì sau này xin nguyện chung hưởng phú quí.
     
    Bất Vi đưa cho Dị Nhân năm trăm nén vàng, dặn phải mua chuộc kẻ tả hữu. Đoạn mang vàng ngọc sang Tần, lập kế vào yết kiến Hoa Dương phu nhân. Được nhiều châu báu lại nghe được nhiều lời phải trái của Bất Vi, Hoa Dương phu nhân bằng lòng nhận Dị Nhân làm con rồi tìm cách tâu cùng vua Tần phong làm Đích Tử. Bất Vi trở về nước, mang lễ vật đến yết kiến Công Tôn Kiên để mượn cớ báo tin cho Dị Nhân biết. Dị Nhân cảm tạ không hết lời. Lúc bấy giờ Bất Vi có lấy một người thiếp rất đẹp, tên là Triệu Cơ, đã có mang hai tháng. Bất Vi tự nghĩ: - Dị Nhân về nước tất được làm vua, nếu ta đem ả này dâng cho hắn, may sinh được trai, thì đứa bé sau này sẽ nối ngôi. Như thế giang san họ Doanh sẽ về nhà họ Lã.
     
    Bèn bày tiệc mời Công Tôn Kiên và Dị Nhân đến nhà thiết đãi. Lại cho Triệu Cơ ra dâng rượu. Phần bị an trí lâu ngày thiếu thốn, phần nhan sắc của Triệu Cơ làm say lòng, Dị Nhân bèn xin Bất Vi cho xin nàng làm vợ. Bất Vi làm bộ giận, để cho Dị Nhân phải xin lỗi, rồi mới nhận lời. Dị Nhân thương yêu Triệu Cơ hết mực. Được hơn một tháng Triệu Cơ nói với Dị Nhân rằng mình đã có thai. Nào biết đó là hòn máu của Bất Vi, Dị Nhân hết sức mừng rỡ. Sau Triệu Cơ sanh đặng một trai đặt tên là Triệu Chính. Ba năm sau vua Tần đem quân sang đánh Triệu. Bất Vi nói cùng Dị Nhân: - Vua Triệu bị vua Tần đánh sẽ giận Điện Hạ thì sao? Chi bằng bỏ trốn về nước. Dị Nhân nói: - Việc này xin nhờ tiên sinh tính giúp cho.
     
    Bất Vi bèn lấy vàng bạc đút lót cho quân tướng giữ cửa thành và nói dối rằng: - Tôi từ Dương Địch sang đây buôn bán, đem cả gia đình theo, chẳng may gặp quân Tần kéo đến vây thành lâu quá, nay đem hết tiền vốn dâng cho ngài, chỉ xin ngày tha chúng tôi ra ngoài thành để được về Dương Địch, Viên tướng giữ thành chấp thuận. Lã Bất Di bảo Dị Nhân lo sắp xếp hành trang, rồi bày tiệc mời Công Tôn Kiên đến và nói: - Tôi trở về Dương Địch. Chút tình quen biết lâu nay, tôi xin dâng chén chia phôi. Đoạn ép Công Tôn Kiên uống đến say mèn. Đến nửa đêm, Dị Nhân đổi lốt, lẩn trong đám tôi tớ Bất Vi mà trốn đi. Bất Vi đưa Dị Nhân ra khỏi thành thì gặp tướng Tần. Quân Tần áp lại bắt. Bất Vi chỉ Dị Nhân nói rằng: - Đây là Vương Tôn nước Tần, bấy lâu làm con tin ở nước Triệu, nay thoát được. Các ngươi nên trình lại chủ tướng.
     
    Thế là cả đoàn được đưa đến chủ tướng rồi được đưa về bái yết vua Tần. Dị Nhân được phong làm thái tử . Bất Vi được cấp hai trăm mẫu ruộng và một toà nhà ở Đông cung để dạy dỗ Thái Tử. Được ít lâu Lã Bất Vi lập mưu đầu độc vua Tần. Dị Nhân đứng chủ tang rồi lên nối ngôi hiệu là Trang Tương Vương, tôn Hoa Dương phu nhân lên làm Hoàng Thái Hậu, lập Triệu Cơ làm Hoàng Hậu, Triệu Chính làm Thái Tử, và phong Lã Bất Vi làm thừa tướng, tước Văn Tín hầu, ăn lộc mười vạn nóc nhà ở Lạc Dương và Hà Nam.
     
    Bắt chước chánh sách của Mạnh Thường Quân, Tín Lăng Quân, Bình Nguyên Quân, Lã Bất Vi đặt ra tân quán để thu hút tân khách làm vai vế cho mình. Các anh hùng hiệp sĩ hơn vài ngàn người đến làm xá nhân. Sau Triệu Chính nối ngôi vua. Bất Vi vẫn giữ ngôi Thừa Tướng, lại được gọi là Thượng Phụ. Từ một tên lái buôn mà đem mưu trí buôn vua bán chúa, làm nên đến vạn hộ hầu, kể cũng đã hết sức giỏi. Đó là mưu trí của kẻ gian hùng. Thật là thâm độc. Nhưng dù thành tựu mỹ mãn, sự thành công vẫn không lâu dài: Rốt cuộc Lã Bất Vi bị vua Tần là con ruột, đày ra Hà Nam, buồn bã uống thuốc độc mà chết. Cổ nhân dạy rằng: - Độ lượng to lớn bao nhiêu thì phúc trạch cũng to lớn bấy nhiêu. Còn mưu trí sâu độc bao nhiêu thì tai vạ cũng sâu độc bấy nhiêu. Chuyện của Lã Bất Vi chứng minh lời dạy của cổ nhân vậy.
     
  10. lyenson

    lyenson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/03/2006
    Bài viết:
    3.005
    Đã được thích:
    0


    Đức Dũng
    Dũng là Mạnh. Nhưng những kẻ được gọi là DŨNG SĨ chẳng những chỉ mạnh về thể xác mà còn phải mạnh về tinh thần. Sức mạnh về tinh thần lại là yếu tố chính để trở thành kẻ dũng sĩ. Để chứng minh xin kể chuyện Tiêu Khâu Tố và Yêu Ly đời Chiến Quốc Tiêu Khâu Tố là người ở Đông Hải, sang nước Ngô để điếu tang. Khi đến sông Hoài, Khâu Tố toan cho ngựa xuống bến uống nước thì viên tân lại bảo: - Con sông này có vị thủy thần hay bắt ngựa. Ông đừng cho ngựa xuống sông. Khâu Tố cười, nói: - Có ta đứng đây thủy thần nào dám lên bắt ngựa. Nói đoạn dắt ngựa xuống bến cho uống nước. Con ngựa vừa lội xuống, bỗng ré lên một tiếng rồi chìm mất tăm. Khâu Tố nổi giận, tuốt gươm nhảy xuống sông tìm ngựa. Thủy thần hoá phép nổi sống gió. Khâu Tố không chút sợ hãy, cùng Thủy thần đánh nhau suốt ba ngày đêm. Ngày thứ ba, Khâu Tố nhảy lên bờ, toàn thân không dấu vết, chỉ bị chột hết một mắt mà thôi. Không lấy lại được ngựa, Khâu Tố phải sắm ngựa khác mà đi.
     
    Đến nước Ngô, trong đám tang đông người, Khâu Tố đem chuyện đánh cùng thủy thần ra khoe, thái độ kiêu hãnh, không coi ai ra gì, một kẻ sĩ nước Ngô là Yêu Ly thấy vậy bất bình, nói cùng Khâu Tố: - Nhà ngươi kiêu căng, tự xưng mình là dũng sĩ, ta rất lấy làm hổ thẹn. Ta nghe rằng dũng sĩ đã đánh với ai thì thà chịu chết chứ không chịu nhục. Ngươi đánh cùng thủy thần đã không lấy lại được ngựa, còn để cho thủy thần đánh chột mắt như thế, không biết xấu hổ, còn khoe khoang nổi gì ? Khâu Tố thẹn thùng bỏ ra về. Yên Ly cũng về, bảo vợ: - Ta đã làm nhục Khâu Tố trong đám tang, thế nào hắn cũng đến trả thù. Đêm nay ta nằm giữa nhà đợi hắn. Nàng chớ đóng cửa.
     
    Người vợ theo lời. Đêm ấy, canh tư, quả nhiên Khâu Tố đến. Thấy cửa bỏ trống vào nhà. Lại thấy Yêu Ly nằm yên bèn rút kiếm đến gần, kề vào cổ, nói: - Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Biết Chưa? Yêu Ly thản nhiên đáp: - Chưa. Vẫn kề gươm vào cổ Yêu Ly, Khâu Tố kể: - Một là làm nhục ta trong đám tang. Hai là về nhà không biết đề phòng, bỏ cửa trống. Ba là thấy ta đến mà không chạy trốn. Yêu Ly hỏi lại: - Còn nhà ngươi có ba điều hèn. Biết chưa? Khâu Tố chột dạ đáp: - Chưa.
     
    Yêu Ly ung dung kể : - Ta làm nhục ngươi trước số đông mà nhà ngươi không dám nói một lời. Đó là điều hèn thứ nhất. Nhà nguơi vào nhà ta mà không lên tiếng, có ý lén lút như kẻ trộm, đó là điều hèn thứ hai. Cầm gươm kề ta rồi mới dám nói khoác. Đó là điều hèn thứ ba. Nhà ngươi có ba điều hèn như thế thật đáng khinh bỉ. Nghe xong, Khâu Tố quăng gươm xuống đất than: - Vũ dũng như ta, trên đời thật ít kẻ bằng, song nhà ngươi thật hơn ta gấp bội. Giết nhà ngươi thì ta sẽ mang tiếng suốt đời, bằng không thì ta không còn tiếng là vũ dũng. Nói đoạn đập đầu vào cột mà chết.
     

Chia sẻ trang này