1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

"Những tấm lòng cao cả" - văn học Italia

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Rocketqueen, 12/03/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Rocketqueen

    Rocketqueen Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/02/2002
    Bài viết:
    351
    Đã được thích:
    0
    "Những tấm lòng cao cả" - văn học Italia

    Bác nào am hiểu về văn học Italia thì giới thiệu giúp cho tôi với, tôi yêu mến đất nước, con người và nền văn hoá Italia nhưng chưa có nhiều dịp để tìm hiểu nền văn học của nước này. Tôi xin post một đoạn trích trong tác phẩm " những tấm lòng cao cả" của tác giả Eđomono De Amicis để tặng mọi người.

    Cậu bé đánh trống người Sacdenha Cậu bé đánh trống người Sacdenha
    (truyện đọc hàng tháng)

    Ngày đầu tiên của trận Cutstotza nghĩa là ngày 21 tháng 7 năm 1848, có khoảng 60 người lính thuộc một trung đoàn bộ binh được điều đến gò cao để chiếm một ngôi nhà trơ trọi trên ấy. Bất ngờ họ bị hai đại đội quân Áo bao vây. Quân Áo bắn rát đến nỗi những người bộ binh chỉ còn vừa đủ thì giờ rút vào nấp trong ngôi nhà, và vội vàng dựng chướng ngại vật chắn các cửa ra vào để lại mấy người chết và bị thương ngoài đồng.
    Các cánh cửa đã được đóng chặt, quân lính từ các cửa sổ ở trên gác và ở tầng dưới bắt đầu bắn vào đám quân đang bao vây, bọn này tiến dần theo hình bán nguyệt, bắn trả dữ dội.
    Sáu mươi bộ binh Ý do hai sĩ quan sơ cấp và một đại uý chỉ huy; ông đại uý đã già, cao lớn , khô khan, tóc râu bạc hết. Cùng chiến đấu với họ có một lính đánh trống người Sacdenha, một cậu bé mười bốn tuổi là cùng, nhưng trông chỉ khoảng mười hai tuổi, nhỏ nhắn, nước da xanh, đôi mắt đen và sâu. Viên đại uý chỉ huy cuộc chống giữ từ một căn phòng trên gác, ra những lệnh cương quyết như những phát súng và trên khuôn mặt sắc không hề thấy một chút xúc động nào. Cậu bé đánh trống người hơi xanh, nhưng đôi chân khoẻ, đã leo lên một cái bàn, nhìn qua cửa sổ, thấy sau làn khói những hàng lính Áo mặc áo trắng đang tiến lên từ trên cánh đồng.
    Ngôi nhà ở trên đỉnh một cái dốc thẳng đứng, bên phía này chẳng có cửa sổ nào ngoài một cửa sổ trên mái nhà. Vì vậy mà quân Áo chỉ nhằm bắn vào mặt trước và hai đầu nhà.
    Nhưng chúng bắn dữ dội ghê gớm, một trận mưa đạn làm thủng lỗ chỗ các bức tường và nát vụn ngói trên mái; bên trong nhà, đạn bắn vỡ đồ đạc, các mái hiên, trần nhà, cửa ra vào, làm tung toé lên những mảnh gỗ, những làn bụi thạch cao, những mảnh bát đĩa và những mảnh cửa kính.
    Chốc chốc lại một người lính đang bắn qua cửa sổ ngã quỵ xuống sàn người ta phải kéo vào góc nhà. Vài người lính đi lảo đảo từ buồng này sang buồng khác bàn tay co quắp ấn chặt vào các vết thương của mình. Trong nhà bếp đã có một người đã chết, trán bị thủng toang hoác.
    Vòng vây của quân địch xiết chặt một cách trông thấy.
    Viên đại uý từ trước vẫn không chút nao núng, thì bấy giờ cũng có một cử chỉ lo ngại, vội vã ra khỏi buồng, có một viên trung sĩ đi theo. Ba phút sau, viên trung sĩ chạy đi gọi cậu bé đánh trống. Cậu theo viên trung sĩ chạy lên thang gác và cùng vào một cái gác xép trống không; viên đại uý ở đó, đang viết bằng bút chì lên một tờ giấy để áp vào kính của cái cửa sổ nhỏ. Dưới chân ông, có một sợi dây gàu múc nước.
    Viên đại uý gấp tờ giấy lại và nói, vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt cậu bé với cái nhìn của ông đã từng làm cho tất cả quân lính đều phải run sợ:
    "Lính đánh trống!"
    Người lính đánh trống đứng nghiêm, đặt tay lên mũ.
    "Cậu có can đảm không?"
    Đôi mắt cậu bé sáng lên như một tia chớp:
    - Có thưa đại uý- cậu bé trả lời.
    - Nhìn ra phía kia kìa- viên đại uý vừa nói vừa đẩy cậu ra phía cửa sổ mái nhà - phía đồng bằng ấy, bên cạnh những ngôi nhà ở Vilafranca, nơi có những lưỡi lê sáng lấp lánh, có trung đoàn của chúng ta đóng ở đấy. Cầm giấy này, lấy giây thừng mà tụt xuỗng qua cửa sổ, lăn xuống dốc, băng qua các cánh đồng, chạy nhanh đến trung đoàn và trao giấy này cho viên sĩ quan đầu tiên mà cậu gặp. Bỏ thắt lưng và túi đạn ra.
    Cậu bé đánh trống cởi thắt lưng và túi đạn, luồn mảnh giấy vào túi áo; viên trung sĩ ném sợi thừng qua cửa sổ và hai tay nắm lấy một đầu dây, trong khi viên đại uý giúp cậu bé chui ra cửa sổ, lưng quay về phía cánh đồng.
    - Nghe đây lính đánh trống - viên đại uý dặn,- vận mệnh phân đội chúng ta đều nhờ vào lòng can đảm và đôi chân của cậu đấy!
    - Xin đại uý tin tôi - cậu bé vừa trả lời vừa đánh đu và sợi thừng dòng ra ngoài cửa sổ.
    - Gập người lại mà tụt xuống - viên đại uý lại dặn thêm, vừa nói vừa giúp viên trung sĩ giữ đầu dây dòng cậu bé xuống.
    - Đừng sợ gì hết.
    Chỉ mấy giây sau cậu bé đánh trống đã chạm đất. Viên trung sĩ thu sợi dây lại và đi nơi khác. Viên đại uý cúi mình nhìn qua cửa sổ và thấy cậu bé đang chạy xuống dốc. Ông hy vọng cậu bé đi thoát không ai thấy, thì năm sáu đám bụi mù từ đất tung lên trước mặt và sau lưng cậu cho ông biết là cậu đã bị quân Áo trông thấy. Từ trên đỉnh đồi chúng bắn vào cậu, những đám mù ấy do đạn bắn tung đất lên. Cậu bé đánh trống cứ tiếp tục chạy nhanh như một con thỏ rừng. Thình lình cậu quỵ xuống. "Chết rồi!" viên đại uý gầm lên và cắn vào tay mình. Nhưng vừa dứt lời thì đã thấy cậu bé đứng dậy.
    "À, chỉ ngã thôi" ông lại nói một mình và thở phào. Cậu bé đánh trống lại tiếp tục chạy, nhưng chạy khập khiễng.
    "Nó bị sái chân" viên đại uý nghĩ vậy. Vài đám bụi nhỏ tung lên đây đó, quanh cậu bé, nhưng mỗi lúc một cách xa. "Cậu thoát rồi đấy" viên đại uý reo lên một tiếng thắng lợi, nhưng vẫn tiếp tục nhìn theo cậu, lòng hồi hộp vì thời gian chỉ còn tính từng phút một. Nếu cậu bé đánh trống không tới trung đoàn trong thời hạn ngắn nhất với mảnh giấy xin viện binh đến ngay, thì tất cả phân đội sẽ bị tiêu diệt, hoặc là ông sẽ phải cùng với họ để cho địch bắt làm tù binh. Cậu bé chạy nhanh như một mũi tên, rồi chậm lại và khập khiễng, rồi lại chạy nữa nhưng mỗi lúc một khó nhọc hơn, và chốc chốc lại loạng choạng mất thăng bằng và dừng lại.
    "Có thể một mảnh đạn đã bắn trúng nó chăng?" viên đại uý tự hỏi như vậy, rồi lại theo dõi từng cử chỉ của cậu, ông ta hổn hển vừa khích lệ cậu, vừa nói như thể cậu có thể nghe được lời ông, đôi mắt nẩy lửa cứ chằm chằm đo mãi khoảng cách giữa cậu bé liên lạc của ông với ánh lưỡi lê trông thấy giữa những cánh đồng hương mạch vàng óng dưới ánh mặt trời. Cũng trong lúc ấy viên đại uý nghe tiếng đạn rít và đập rào rào trong các buồng ở những tầng dưới, những mệnh lệnh dõng dạc, những tiếng thét điên dại của các sĩ quan và trung sĩ, những tiếng rên rỉ của người bị thương, tiếng đồ đạc bị vỡ và màn trướng bị xé rách. "Cố lên can đảm lên - viên đại uý vừa nói vừa nhìn theo cậu bé đánh trống - chạy dấn lên con!... ồ nó đứng lại rồi! bỏ mẹ!... không nó lại chạy".
    Một sĩ quan chạy đến, vẻ mặt lo âu, nói với viên đại uý rằng quân địch vẫn không ngừng bắn, nhưng lại giương lên một cờ trắng, lệnh cho chúng ta phải ra hàng.
    "Đừng trả lời chúng nó" viên đại uý nói, mắt không rời khỏi cậu bé khi đó đã ra tới ngoài cánh đồng; nhưng giờ cậu không chạy nữa mà chỉ cố sức lê mình đi thôi.
    "Kìa, đi đi chứ, chạy đi chứ! - viên đại uý nói, đôi bàn tay nắm chặt - chết cũng được, nếu cần nhưng phải đến nơi, phải đến nơi".
    Đúng lúc ấy viên đại uý thét lên một lời nguyền rủa dữ dội: "À thằng hèn nhát! Nó ngồi xuống rồi!".
    Quả thật cậu bé mà ông ta vẫn thấy cái đầu nhấp nhô trên các ngọn lúa, bỗng biến đâu mất, như bị ngã xuống. Một lát sau cái đầu cậu bé lại hiện ra, rồi lại mất hút sau những hàng dậu. Viên đại uý không nhìn thấy cậu bé đánh trống nữa.
    Ông ta lao xuống thang gác, đạn bắn như điên, các buồng đều ngổn ngang những người bị thương; vài người lăn mình vật vã trên sàn nhà, quằn quại trong cơn đau đớn, bám vào đồ đạc một cách tuyệt vọng. Màn thảm, sàn nhà đẫm những máu, những xác chết nằm sóng sượt giữa các ngưỡng cửa; viên trung uý bị một viên đạn bắn gẫy cánh tay phải; bụi và khói bao trùm cả cái cảnh buồn thảm này.
    "Can đảm lên! - viên đại uý hô to - giữ vững vị trí! Viện binh sẽ đến, can đảm thêm chút nữa!"
    Quân Áo lại đến gần thêm; qua làn khói người ta trông thấy những bộ mặt biến dạng của chúng giữa những loạt súng, người ta nghe thấy những tiếng thét man rợ của chúng, tiếng chúng chửi rủa những người bị vây, ra lênh cho họ đầu hàng, đe doạ giết chết họ.
    Vài người lính khiếp sợ, rút khỏi các cửa sổ; các viên trung sĩ đẩy họ lại đằng trước. Nhưng hoả lực của quân Áo càng tăng lên gấp bội, vẻ thất vọng hiện lên trên tất cả các khuôn mặt, chẳng còn cách nào chống cự được nữa. Một lúc nào đấy tiếng súng của quân Áo thưa đi, và một giọng chói tai thét lên, lúc đầu bằng tiếng Đức, sau bằng tiếng Ý: "Hàng đi!".
    -Không! - Viên đại uý thét lên từ một cửa sổ. Thế là tiếng súng lại nổi dậy dữ dội, từ cả hai phía. Lại những người lính nữa ngã xuống. Giờ phút bị tiêu diệt đang tới gần trước mắt. Viên đại uý giọng rít lên, gầm trong kẽ răng:" Họ không đến, không đến!" và đi đi lại lại, bàn tay nắm chặt chuôi kiếm quyết chết không đầu hàng, thì bỗng một viên trung sĩ từ trên gác xép chạy xuống, hét ầm lên:
    "Họ đến, họ đến!".
    - Họ đến! - viên đại uý đáp lại trong một tiếng kêu vui mừng.
    Tức thì, tất cả mọi người: quân lính, thương binh, trung sĩ, sĩ quan lao ùa đến các cửa sổ và cuộc chiến đấu lại tiếp tục kịch liệt hơn.
    Một lát sau, người ta thấy quân địch như có ngập ngừng, rồi bắt đầu rối loạn. Tức khắc viên đại uý tập hợp vài người trong một phòng ở tầng dưới để tung ra đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê.
    Rồi ông ta chạy lên gác, vừa đến nơi đã nghe tiêng súng nổ gấp, kèm theo những tiếng hô xung phong dữ dội, và từ các cửa sổ, người ta trông thấy qua khói mù những chóp mũ hai sừng của lính pháo kỵ Ý; một đại đội lao tới như bay và những lưỡi gươm sáng loáng bổ xuống đầu, xuống vai, xuống lưng quân địch như chớp giật, sấm đổ. Thế là đội xung kích lao ra cửa, lưỡi lê chĩa thẳng ra phía trước.
    Quân địch lao đao, tan tác và chạy trôn: trận địa bị quét ngang, ngôi nhà được giải phóng. Lát sau hai tiểu đoàn bộ binh Ý với hai khẩu đại bác đến chiếm đóng quả đồi.
    Viên đại uý và những người lính không bị thương còn lại nhập vào trung đoàn của họ và tiếp tục chiến đấu. Ông bị thương nhẹ ở bàn tay trái do một viên đạn lạc trong đợt xung kích cuối cùng. Ngày hôm ấy kết thúc bằng chiến thắng của quân Ý.
    Nhưng hôm sau, trận đánh lại tiếp tục, quân ta bị đánh tan dù kháng cự rất anh dũng, vì quân Áo đông hơn nhiều, và sáng 23 phải buồn rầu lên đường rút về sông Minsio.
    Viên đại uý tuy bị thương, vẫn đi bộ với những người lính của mình, phờ phạc và im lặng; đến xế chiều thì tới Goitos trên bờ sông Minsio; đến đây ông liền tìm viên trung uý của mình bị gẫy một cánh tay và đã được đưa về trạm quân y.
    Viên trung uý phải đến Goitos trước ông đại uý và người ta chỉ cho ông thấy một ngôi nhà thờ. Một bệnh viện đã được lập vội ở đấy, chứa đầy thương binh, nằm trên những giường và đệm xếp thành hai dãy. Hai y sĩ và mấy y tá chạy đi chạy lại, mệt hết hơi. Những tiếng kêu cố nén lại, những tiếng rên buột ra từ miệng những người đau đớn. Vừa vào, ông đại uý dừng lại đưa mắt tìm viên trung uý của mình, thì nghe một tiếng yếu ớt gọi mình ngay bên cạnh.
    "Đại uý!"
    Ông ta quay lại, đó là cậu bé đánh trống. Cậu nằm trên một chiếc giường dã chiến, một bức màn cũ kẻ ô đỏ và trắng đắp đến ngực, hai cánh tay ruỗi ra ngoài, mặt tái xanh, dài hẳn ra, nhưng đôi mắt thì vẫn sáng như hai viên kim cương đen nhánh.
    - Cậu ở đây à? - viên đại uý ngạc nhiên hỏi - Hoan hô! Cậu đã làm tròn nhiệm vụ!
    - Cháu đã cố gắng hết sức- cậu bé trả lời. "Cậu bị thương à?" - ông đại uý hỏi tiếp, vừa đưa mắt tìm kiếm viên trung uý của mình ở các giường gần đấy.
    Cậu bé đánh trống, tự hào vì bị thương lần đầu, đã có can đảm nói chuyện với ông đại uý, một việc mà không bị thương thì không bao giờ cậu dám làm, cậu nói:
    "Làm thế nào được? cháu đã cố gắng chạy nhanh hết sức, nhưng quân Áo vẫn trông thấy. Cháu có thể tới sớm hơn hai mươi phút nếu không bị trúng đạn, may mà cháu tìm được một sĩ quan tham mưu và trao giấy cho ông ấy. Nhưng vất vả lắm, vì phải cố chạy sau khi đã nhận được sự "vuốt ve" của quân Áo! Cháu khát nước muốn chết, cháu sợ cháu không đến nơi được, cháu khóc như điên vì nghĩ rằng cứ chậm một phút là một người nào đó của chúng ta ở trên đồi sẽ phải chết. Nhưng thế là đủ, cháu đã cố gắng làm hết sức mình. Cháu rất vui lòng. Xin phép đại uý, kìa, đại uý đang chảy máu kìa".
    Thật vậy, từ lòng bàn tay ông đại uý băng không kỹ, những giọt máu đỏ tươi chảy xuống theo các ngón tay.
    "Đại uý có muốn cháu băng lại cho không?" Ông đại uý chìa bàn tay trái ra và dang tay phải giúp cậu bé cởi cái nút băng; nhưng cậu vừa mới cất đầu dậy khỏi gối thì đã tái mét và phải nằm vật xuống.
    "Thôi được, thôi được" - ông đại uý vừa nhìn cậu vừa rụt bàn tay mà cậu muốn giữ lại - "hãy nghĩ đến việc của cậu hơn là việc của người khác, vì những vết thương nhỏ có thể thành ra nặng đấy".
    Cậu bé lắc đầu.
    - Còn cậu - ông đại uý vừa nói vừa nhìn chăm chú - chắc cậu cũng mất nhiều máu nên mới đến nỗi yếu như vậy?
    - Vâng mất nhiều máu - cậu vừa trả lời vừa mỉm cười - và không những mất máu mà còn mất cái khác nữa, đại uý xem đây!
    Và cậu lấy tay giở cái chăn ra.
    Ông đại uý kinh hoàng, lùi lại một bước. Cậu bé đánh trống chỉ còn một chân, chân trái đã bị cắt cụt quá đầu gối; khúc chân còn lại băng bằng những mảnh vải đẫm máu.
    Vừa lúc ấy một y sĩ quân y đi qua, mặc sơmi, người thấp và béo.
    "Ồ đại uý ạ - viên quân y nói nhanh và chỉ cậu bé bị thương - đây là một trường hợp thương tâm: một cái chân có thể chữa khỏi như bỡn, nếu không bắt buộc phải cố sức một cách điên cuồng; vì cố chạy mà chân viêm tấy lên do nhiễm trùng, nên phải cắt ngay lập tức. Ồ! Nhưng thật là một cậu bé dũng cảm, xin bảo đảm như vậy. Cậu không hề khóc, không hề kêu một tiếng.. Trong khi giải phẩu cho cậu, tôi rất tự hào vì cậu là một đứa con của nước Ý... Lạy Chúa, thật là dòng giống anh hùng".
    Rồi viên quân y chạy đi nơi khác, lúc nào cũng vội vàng. Ông đại uý nhíu đôi lông mày râm và bạc lại, nhìn cậu bé đánh trống không chớp mắt, và đắp chăn cho cậu. Rồi bất giác, mắt vẫn nhìn cậu chằm chằm, ông từ từ đưa tay lên chiếc mũ kêpi và bỏ mũ ra chào cậu bé thương binh.
    "Đại uý! - cậu bé ngạc nhiên kêu lên - đại uý làm gì vậy? Đại uý chào cháu sao?..."
    Thế là người chiến sĩ già chưa từng bao giờ nói một lời nhẹ nhàng với một ai dưới quyền mình, trả lời cậu bé giọng đầy thương yêu và dịu dàng.
    "Tổi chỉ là một đại uý, còn cậu, cậu là một anh hùng!"
    Rồi đại uý dang rộng tay, ôm chầm lấy cậu bé đánh trống, siết chặt cậu vào lòng và hôn cậu ba lần.
  2. Rocketqueen

    Rocketqueen Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/02/2002
    Bài viết:
    351
    Đã được thích:
    0
    Tình yêu nước
    Truyện cậu bé đánh trống người Sacdena đã làm cho con cảm động sâu sắc, thế thì sáng hôm nay chắc là con phải làm dễ dàng bài văn đầu đề:
    "Tại sao tôi yêu đất nước của tôi?"
    Tại sao tôi yêu đất nước của tôi?". Câu hỏi ấy chẳng đã gợi lên ngay trong ý nghĩ của con vô số câu trả lời hay sao? Tôi yêu đất nước của tôi là vì mẹ tôi sinh ra ở đó; vì dòng máu chảy trong người tôi hoàn toàn thuộc về đất nước tôi; vì dưới mảnh đất thiêng liêng ấy đã chôn những người mà mẹ tôi thương xót và cha tôi tôn kính; vì thành phố nơi tôi đã sinh ra, cái tiếng tôi nói, những quyển sách dạy tôi học; vì em trai tôi, em gái tôi, bạn bè tôi và cả dân tộc vĩ đại mà tôi đang sống trong đó, thiên nhiên tươi đẹp bao quanh tôi; tóm lại, tất cả những gì tôi thấy, tất cả những gì tôi yêu mến, tôi kính phục, tất cả những bộ phận hợp thành đất nước tôi. Ồ! Giờ thì con chưa thể hiểu được hết tình yêu nước ấy. Sau này, khi khôn lớn, con sẽ cảm thấy rõ hơn; sau một lần đi xa trở về, một buổi sáng nọ tựa vào bao lơn của con tàu, con bỗng trông thấy ở chân trời những dãy núi xanh biếc của đất nước con; bấy giờ con sẽ không tài nào cầm nổi những giọt lệ cảm kích và một tiếng kêu vui mừng.
    Con sẽ cảm thấy tình yêu nước, khi ở nơi xa lạ, giữa đám đông người dửng dưng với con, con chợt nghe tâm hồn con đẩy con lại phía một người công nhân không quen biết, khi đi qua đã nói một vài tiếng bằng thứ ngôn ngữ của con. Con sẽ cảm thấy qua cơn phẫn nộ đau đớn làm con đỏ mặt tía tai, khi con nghe một người nước ngoài thoá mạ đất nước của con. Con sẽ cảm thấy lòng yêu nước mãnh liệt hơn và tự hào hơn, khi sự đe doạ của một nước thù địch làm nổi lên một cơn bão lửa trên tổ quốc, và con thấy khắp nơi những thanh niên giương cao vũ khí, những người cha ôm hôn con và nói:" Dũng cảm lên" và những bà mẹ vui vẻ tiễn đưa quân đội lên đường với lời chúc:" Hãy chiến thắng". Con sẽ cảm thấy lòng yêu nước như một niềm vui thiêng liêng nếu con được hạnh phúc trông thấy những trung đoàn trở về thành phố, quân số tiêu hao, sức lực suy kiệt, nhưng khoé mắt chói lọi vẻ rực rỡ chiến thắng; con sẽ cảm thấy lòng yêu nước khi trông thấy lá cờ ba màu lỗ chỗ vết đạn; theo sau là một đoàn quân dài những dũng sĩ ngẩng cao đầu quấn băng, cánh tay buộc chéo vì thương tật; họ đi giữa một rừng người nhiệt liệt tung hoa như mưa vào họ, gửi đến họ nào lời cầu chúc, nào những cái hôn, Enrico ạ, lúc đó con sẽ hiểu thế nào là tình yêu đất nước. Đó là một tình cảm vĩ đại và thiêng liêng đến mức như thế này con ạ. Giá một ngày nào đó, bố thấy con từ một trận chiến đấu vì tổ quốc mà trở về, bình yên vô sự, nhưng lại biết rằng con, dòng máu và là đứa con thân yêu của bố, để bảo toàn tính mạng, đã trốn tránh nguy hiểm ... thì bố của con ngày nay mỗi lần con đi học về bố đón con với một tiếng reo vui, lúc ấy bố sẽ đón con với một tiếng nấc đau đớn; bố sẽ không còn có thể yêu con được nữa, và bố sẽ chết với nhát dao găm ấy đâm vào tim.
    Bố của con".
  3. honganh

    honganh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/03/2002
    Bài viết:
    11
    Đã được thích:
    0
    tôi đọc Những tấm lòng cao cả" 1 lần từ hồi con "trẻ". Mới đây tự nhiên nổi hứng đọc lại. Đó là truyện cho thiếu nhi đọc, nhưng khi lớn hơn 1 chút người ta lại có những cảm nhận theo kiểu ko giống khi còn nhỏ. Chẳng hiểu la do cảm xúc quá "rạt rao`" hay là do câu chuyện gợi nên 1 số kỷ niệm nào đó mà tôi đã move to tears.
    [blue]
    honganh
  4. devil_gunner

    devil_gunner Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/02/2002
    Bài viết:
    1
    Đã được thích:
    0
    đây là 1 truyện của trẻ con , nhưng tôi nghĩ lưa tuổi nào đọc nó cũng đều thích hợp cả m đọc tác phẩm này tôi đã suy nghĩ rất nhiều và thấy mình thật là tệ , cần phải xem lại bản thân mình , dĩ nhiên ko ai có thể hoàn hảo nhưng , tác phẩm giúp mình biết sống làm sao cho tốt nhất và cố gắng mà theo đươch chút nào hay chút ấy , hay nhận thức được cũng là tốt rồi
    gad_fly

Chia sẻ trang này