1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những trận đấu khó quên !

Chủ đề trong 'Võ thuật' bởi tinhyeuxanh, 22/05/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. tinhyeuxanh

    tinhyeuxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/12/2005
    Bài viết:
    216
    Đã được thích:
    0
    Những trận đấu khó quên !

    Bài được trích lại từ http://www.tathy.com/
    ---------------------------------------------------


    Quả đấm miền sơn cước - Killer
    (Truyện ngắn)

    Một buổi chiều cuối đông khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, trên dãy Hoàng Liên Sơn, trong ánh nắng chiều vàng nhạt, một gã thanh niên vóc người tầm thước, trạc 18, 19 tuổi, quần dõng, áo ga, chân đi giày vải, loay hoay chỉnh chỉnh, ngắm ngắm với một chiếc máy ảnh Praktica bên sườn đồi. Đối tượng trước ống kính của gã là một tốp khoảng chục người đàn ông đủ mọi lứa tuổi đang xoay trần cặm cụi đào bới trong một hố đất sâu cách đó vài ba chục mét, hì hục đổ từng xẻng đất vào một cái máng gỗ có nước chảy qua bên dòng suối. Họ là những kẻ đào vàng.

    Một thanh niên trong đám đào vàng ngừng tay, ngẩng đầu lên quệt mồ hôi trán. Bỗng hắn nhận thấy có kẻ đang chĩa ống kính máy ảnh về phía mình, liền hét lớn "Đ.m., có đứa chụp ảnh." Cả đám đào vàng ngừng phắt công việc, sững lại một giây nhìn kẻ quấy rối, rồi những tiếng hô hào, chửi bới đua nhau vang lên:"Thằng này khéo là nhà báo", "Có khi nó chụp về báo cớm cũng nên", "Đánh bỏ me nó đi anh em ơi", "Đánh", "Giết" ... Tiếp ngay sau những tiếng thét, đám đào vàng ào ào nhảy lên khỏi hố, cuốc xẻng lăm lăm, xông thẳng về phía gã thanh niên cầm máy ảnh.

    Gã thanh niên bừng tỉnh khỏi cơn mê nhiếp ảnh, đảo mắt nhìn quanh. Sườn đồi hoang vắng với mấy bụi cây lưa thưa, địa hình trống trải kéo dài hàng km, không biết khả năng chạy nhảy của đối phương ra sao, nếu bỏ chạy thì trước sau gì cũng bị chúng bắt kịp. Lúc đó đã mệt thì chắc chắn là ốm đòn, có khi bỏ mạng. Âu là hãy chiến đấu khi còn sung sức. Đút vội chiếc máy ảnh vào chiếc túi vải nhỏ đeo bên hông, gã thanh niên quay đầu rảo bước, tay xua xua vẻ sợ hãi "Em không làm gì. Các anh cho em xin".

    Đây là một chiến thuật mà người chiến binh lừng lẫy trong lịch sử Nhật bản Miyamoto Musashi đã áp dụng hơn 300 năm trước, trong một trận chiến một chọi tám mươi mốt kẻ thù. Trong tai gã thanh niên còn văng vẳng lời dặn dò của sư phụ, vốn là một giáo viên võ thuật của Cục Cảnh vệ đặc biệt(*) : "Trong một trận đấu với nhiều địch thủ, nếu không có địa hình địa vật để lợi dụng, thì phải giả vờ bỏ chạy. Đối phương đuổi theo sẽ có kẻ nhanh người chậm, như vậy ta có thể chia nhỏ lực lượng của chúng thành từng nhóm nhỏ để tiêu diệt. Những kẻ nhanh nhất thường là hung hăng nhất, đánh gục những đứa này là bọn còn lại rét hết. Phải ra đòn dứt khoát và tàn độc cho bọn kia sợ hãi".

    Bọn đào vàng thấy thái độ hoảng hốt của gã thanh niên càng hung hăng xông tới. Gã thanh niên rảo bước chạy loanh quanh khu đồi được một đoạn ngắn, liếc mắt nhìn lại phía sau thấy hai tên hung hăng nhất đã tới rất gần, cách bọn phía sau một khoảng cách kha khá, gã liền tạt sang phải một bước, bất ngờ dừng lại. Hai tên đuổi theo hơi bất ngờ vì con thú săn đã rời khỏi đường chạy và đột nhiên dừng bước. Chúng khựng lại một phần giây đồng hồ, rồi vung cuốc, xẻng lên ... Nhưng đã quá muộn. Ngay khi vừa tạt sang phải, dừng lại, vẫn quay lưng về phía địch thủ, chân trái của gã thanh niên đã giơ thẳng lên, người quay nửa vòng, vung chân thành một đường vòng cung, bổ một đòn Lôi phong cước sấm sét vào đầu tên đào vàng phía trái gã. Chỉ nghe một tiếng khục ghê rợn, xương hàm của tên đào vàng vỡ vụn bởi cạnh bàn chân đi giày vải và hắn gục xuống không kịp kêu một tiếng. Tay của tên bên phải chưa kịp vươn hết đà chuẩn bị cho một cú vụt cuốc, thì hắn đã lãnh trọn một đòn Kim tiêu cước vào hạ bộ, lăn ra giãy đành đạch. Cách ra đòn Kim tiêu cước của gã thanh niên gia dĩ cũng có chỗ độc đáo. Trong Thiếu lâm chính tông, khi ra đòn Kim tiêu cước, người đá co đầu gối lên, lợi dụng sức bật của hông, đùi, đầu gối và cổ chân để tung ức bàn chân hoặc mũi bàn chân hoặc mu bàn chân đá thẳng ra phía trước. Gã thanh niên không co đầu gối, mà ngay khi chân trái gã kết thúc đòn Lôi phong cước, bàn chân vừa chạm đất, gã đã bật chân lên tung thẳng đòn Kim tiêu cước vào đối thủ thứ hai. Tất nhiên, lối đá này có suy giảm chút ít về lực do không tận dụng được tối đa sức bật của đầu gối, nhưng gã đã có gần một chục năm rèn luyện ròng rã, mỗi ngày đá hàng trăm ngọn cước vào bao cát, gốc cây, cột đá và đủ các loại mục tiêu, nên sự suy giảm về lực là không đáng kể. Trong khi đó, tốc độ chớp nhoáng của lối đá này là điều cực kỳ quan trọng trong những trận đấu sinh tử với nhiều địch thủ, khi mà khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết chỉ là một phần giây đồng hồ.

    Hai tên bị hạ bằng hai ngọn cước không làm giảm sự hung hãn của bọn đào vàng say máu. Ba tên ở tốp tiếp theo đang đà chạy vẫn ào ào xông lại. Gã thanh niên lạng mình về phía trái, rút chân trái về phía sau, hơi nghiêng người chuẩn bị tung ra một đòn đá. Bỗng một thanh âm đơn điệu, buồn tẻ cách đó một đoạn cất lên: "Coi chừng Lưu vân cước". Gã thanh niên nhếch mép cười khẩy : "Quá muộn", chữ "muộn" chưa dứt, ức bàn chân phải của gã đi theo một đường vòng cầu đã giáng một đòn Lưu vân cước chí tử vào xương cạnh sườn của tên chạy đầu tiên. Chỉ nghe tiếng xương gãy rắc, rồi tên này gục xuống, miệng hộc ra một búng máu. Chân phải vừa chạm đất, gã thanh niên xoay người tung tiếp một đòn Hổ vĩ cước, gót chân trái tống thẳng vào giữa ức tên thứ hai, làm tên này văng ngược về sau mấy mét, xương ức gãy nát, nằm bẹp một đống. Tên thứ ba lúc này xông lại quá gần, thấy nguy hiểm nhưng chưa kịp phản ứng thì gã thanh niên đã dùng tay trái chạm nhẹ vào tay hắn làm cản đà vung của cán xẻng, tay phải tung một đòn Nanamé Shuto Uchi chém chéo cạnh bàn tay cứng như thép nguội vào hàm đối phương. Đòn Nanamé Shuto Uchi của gã thanh niên cũng không phải là một cú chém cạnh bàn tay thông thường của Karate, mà là một đòn sát thủ. Khi cạnh bàn tay phải của gã thanh niên chặt gãy hàm đối phương, thì ngón tay cái đang chĩa ra của gã cũng móc thẳng vào mi mắt hắn làm máu chảy ròng ròng. Lòng bàn tay trái của gã thanh niên vừa tì nhẹ vào cùi chỏ của tên đào vàng để chặn đà vung của cán xẻng, giờ vuốt ngược lên phía vai hắn, kết hợp bàn tay, cánh tay trước và khuỷu tay thành một đòn Atémi hiểm ác bẻ gãy tay phải tên đào vàng thành hai đoạn. Tay phải của gã thanh niên vừa rời khỏi hàm tên đào vàng liền tóm lấy tóc hắn kéo vào gần, tay trái của gã vẫn tiếp tục khóa cánh tay đã gãy của địch thủ, gã quay lưng đánh gót phải vào hạ bộ của kẻ xấu số, tiếp tục đà xoay kê hông vào ném hắn ra xa hai mét bằng một thế Uchi Mata của môn Nhu đạo.


    Đám còn lại là lũ a dua, theo đóm ăn tàn, thấy tình trạng thê thảm của bọn cầm đầu, bỏ chạy thì dở, đứng lại cũng không xong, ngần ngừ chưa quyết, thì gã thanh niên đã nhảy vọt mấy bước lùi lại phía sau thật xa, phẩy tay về phía năm thân thể đang lăn lộn, rên rỉ trên mặt đất, cất giọng khinh bỉ : "Khiêng chúng nó đi cho khỏi bẩn mắt ông!".
    Nhóm đào vàng xúm lại khiêng đồng bọn líu ríu chuồn mất.

    Gã thanh niên nghĩ thầm "Giờ mình cũng phải chuồn, không bọn nó về lôi thêm cha con họ hàng ra đây là bỏ cụ." Gã quay bước định đi về phía đường cái để vẫy xe bus về thị trấn, thì lại thanh âm đơn điệu, buồn tẻ khi nãy cất lên "Khá lắm." Gã thanh niên giờ đây mới nhận ra tiếng nói cảnh báo về đòn Lưu vân cước của gã không phải phát ra từ bọn đào vàng. Nhìn về phía phải cách đó vài chục thước, gã thấy một người dân tộc trạc gần 30 tuổi nằm khuất dưới tán một bụi cây dại ven đồi, chân tay duỗi thoải mái, có vẻ như đang ngái ngủ. Mặc dù đang tìm cách chuồn cho sớm, thói hài hước của gã thanh niên cũng buộc hắn phải buột ra một đoạn giễu gã vẫn quen dùng: "Cảm ơn bác đã có lời khen. Vừa nãy nhà em có làm điều gì không phải, bác làm ơn bác niệm tình bỏ quá cho, em cảm ơn. Giờ kính bác ở lại, em ngược."
    - Mày định đi đâu ?
    Gã thanh niên nhíu mày "việc quái gì đến nó?", nhưng rồi cũng đáp:
    - Em định đi bộ ra đường cái rồi vẫy xe bus về thị trấn.
    - Đây ra đường cái cũng phải 6, 7 cây số, mày đi chưa được nửa đường thì xe Minxk của bọn đào vàng đã vây kín đường ra rồi.
    Hùng tâm tráng chí của gã thanh niên bồng bột nổi lên:
    - Ở lại thì chắc chắn chết. Ra đi thì may ra không chết. Ai mà chả có một lần, để em đi cho sớm chợ. Nếu có làm sao, ít nhất là hai chục mạng nữa cũng sẽ theo em.
    - Đồ ngu. Bây giờ mày đi theo tao về nhà cho qua tối nay, rồi mai sớm tao dẫn mày theo đường mòn ra khỏi núi ở phía bên kia, khi đó mày tha hồ mà vẫy xe đi đâu tùy thích.
    Vẫn quen chửi bới người khác là đồ ngu, nhưng do tính tình hào sảng, nên khi bị chửi, gã thanh niên cũng không lấy đó làm điều. Ngẫm nghĩ mấy giây, gã gật đầu:
    - Em đi theo bác.

    Hai người lầm lũi đi xuyên qua mấy vạt đồi về phía dãy núi, đến một căn lều tranh cô độc nằm trên lưng chừng dốc của một vách đá. Người dân tộc lẳng lặng thổi lửa, nấu cơm, hâm nồi thịt lợn bắc sẵn trên bếp, luộc qua quít một ít rau trong vườn nhà rồi dọn tất cả ra một ván gỗ. Gã quơ tay vào góc cột lôi ra một vò rượu, rót ra hai chiếc bát sành, bảo gã thanh niên:
    - Ngồi vào đây ăn cơm với tao.
    Gã thanh niên vốn quen cảnh sống lang bạt kỳ hồ, nay đây mai đó nên cũng không khách sáo:
    - Vâng, em xin bác.
    Họ ăn uống trong im lặng.
    Được một lúc, sau một bát rượu xá nùng (**), gã thanh niên bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn, lân la bắt chuyện:
    - Sao hồi chiều bác nhận ra là em sắp tung ra đòn Lưu vân cước? Sự việc xảy ra chỉ trong chớp mắt, và từ trước đến nay, đối thủ của em chỉ nhận ra Lưu vân cước khi ngọn cước đã chạm vào người.
    Người dân tộc chỉ mỉm cười, lắc đầu, rót thêm rượu vào hai chiếc bát. Sau khi hai người nhấm nháp một lúc lâu, người dân tộc mới lên tiếng:
    - Mày khá lắm. Chỉ tiếc cái khí của mày còn hăng quá.
    Gã thanh niên giật mình, hỏi:
    - Sao bác nói thế ?
    Ánh mắt người dân tộc mơ màng:
    - Khi ra đòn, mày muốn nuốt sống người ta.
    - Trong chiến đấu, chúng nó không chết thì em chết.
    - Đành rằng là thế. Nhưng cái khí của mày có thể hăng thì cũng có thể nhụt. Mày để người khác nhìn thấy cái khí của mày, thì người ta cũng có thể dùng nó để làm hại mày.

    Gã thanh niên giật mình thêm lần nữa :"Vẫn biết rằng trên vùng núi phía bắc có nhiều cao thủ võ lâm, tưởng chỉ về quyền cước, không ngờ lại có người uyên bác đến bậc này.". Gã mon men gạ gẫm:
    - Thế bác có lời khuyên gì cho em không? Hay bác cho em xem vài đường quyền cước cho em học hỏi?
    Người dân tộc lại im lặng uống rượu. Đêm về khuya. Bỗng người dân tộc từ từ đứng dậy:
    - Tao mến mày, không muốn cái khí hăng của mày cản đường tiến bộ. Tao sẽ cho mày xem một quả đấm.

    Gã thanh niên vẫn còn cái bồng bột của thanh niên 18, nghĩ thầm :"Tưởng gì, một kẻ rèn luyện gần chục năm trời, qua toàn bộ bộ tay của Karate, Thiếu lâm Nam phái, 108 thế biến hóa của Vĩnh Xuân,các quả đấm của môn Quyền Anh và các thế tay của võ thuật công an thì còn lạ quái gì quả đấm." Tuy nghĩ thế, nhưng bề ngoài gã vẫn lạnh lùng, ung dung đứng dậy.

    Trong căn lều chật hẹp, hai người đứng cách nhau khoảng trên hai mét. Người dân tộc lên tiếng:
    - Bây giờ mày có thể dùng bất kỳ đòn thế gì tùy thích để đỡ, tao chỉ đấm mày một quả vào mặt.
    Gã thanh niên mỉm cười, nghĩ thầm "Mình đã biết trước cả mục tiêu thế này thì còn gì mà đánh nữa.". Tuy thế, gã vẫn cẩn thận:
    - Bác nhẹ tay cho.
    Đoạn gã rút chân phải về phía sau, hai chân hơi chùng xuống, hai tay thủ phía trước theo thế tấn Trắc thân kiềm dương mã của môn Vĩnh Xuân. Người dân tộc cũng vào một thế đứng hơi chùng người, mộc mạc, trông có vẻ không ra một tư thế gì cả. Gã thanh niên nhìn thẳng vào mắt đối thủ, nghĩ thầm :" Hiện giờ mình còn ở ngoài cả tầm đá. Hắn muốn đấm tất phải tiến lại gần. Dù phản xạ của hắn nhanh đến mấy, thì mình cũng thừa thời gian dùng đòn Nami Gaeshi chặn cạnh bàn chân vào đầu gối làm hắn không tiến sát vào được, hoặc dùng một ngọn cước đá thẳng vào hắn khi hắn chưa tới tầm đấm. Hắn nói chỉ đấm một lần, mình đẩy lui hắn một lần là ổn."

    Giác quan gã thanh niên cảnh giác cực độ, tinh thần tỉnh táo, thân thể thả lỏng, hơi thở điều hòa. Không gian vắng lặng,chỉ có tiếng côn trùng kêu rả rích trong đêm. Không rõ do trời đêm hay điều gì, gã thanh niên bỗng thấy nôn nao một phần giây đồng hồ, rồi gã nhận ra người dân tộc đang di chuyển vào trong tầm đấm. Một quả đấm tay phải từ từ tung ra bay thẳng vào mặt gã. Gã thanh niên nhìn thấy quả đấm từ từ tiến tới khuôn mặt mình, nhưng không kịp đỡ. Bộp một tiếng, quả đấm đập khẽ vào mặt gã. Gã thanh niên bàng hoàng sửng sốt. Đành rằng nếu quả đấm nhanh như chớp giật, gã không kịp đỡ thì ra một nhẽ. Đằng này gã thấy quả đấm bay lại từ từ, đến lúc muốn phản ứng thì lại không kịp.

    Người dân tộc lui ra, bật cười thành tiếng:
    - Tự nhiên như cây cỏ, như đá, như nước, như mây, thì đối thủ không thấy mày làm gì, không biết mày ở đâu, không có cách nào tránh được.

    Hai người uống thêm một vài bát rượu rồi mỗi người một góc ngủ say như chết. Sáng hôm sau, người dân tộc đưa gã thanh niên xuống núi.

    HẾT.

    -----------------------------------------------------------------
    Chú thích
    (*) Cục cảnh vệ K... là đơn vị bảo vệ đặc biệt của Việt nam. Các giáo viên võ thuật của đơn vị này hàng năm thường được gửi đi Trung quốc, Triều tiên, Nhật bản, Nga để tu nghiệp về võ thuật, chủ yếu là các đòn thế sát thủ, giết người trong nháy mắt và kỹ thuật chiến đấu cận chiến. Ngoài võ thuật và kỹ thuật sử dụng vũ khí, các giáo viên còn phải học tập về chiến thuật chiến đấu trong các địa hình khác nhau trong thành phố cũng như ở nông thôn, rừng núi ...
    (**) Rượu xá nùng, có nơi còn gọi là rượu sắn lùng, sá lùng ..., tác giả truyện ngắn này đã từng lang thang khắp vùng rừng núi Tây Bắc Việt nam, thấy nhiều nơi gọi tên khác nhau, nên không biết tên nào chính xác, là loại rượu của người dân tộc được nấu bằng gạo nếp hoa vàng.

    Các tình tiết khác có thể là bốc phét, nhưng riêng chi tiết về quả đấm chậm của người dân tộc, chính tác giả của truyện ngắn này đã chứng kiến vào khoảng hơn 13 năm về trước trong vùng núi rừng Hoàng Liên Sơn.

    HẾT
  2. tinhyeuxanh

    tinhyeuxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/12/2005
    Bài viết:
    216
    Đã được thích:
    0
    Chuyện thứ 2 ( Bài có nhiều quan điểm riêng của tác giả tôi không đồng ý nhưng để khách quan tôi không biên tập lại. Mong người đọc lượng thứ)
    (Honglinh)
    Dạo còn nhẹ dạ cả tin, tôi cũng võ vẽ đi học nghệ, tộng cộng độ 7 năm. Khoảng năm 1994 tôi cũng có thử tí ti Vĩnh Xuân ở Câu lạc bộ Vĩnh Xuân cột cờ. Giá không có một sự cố đáng tiếc với 1 người thầy thì chắc giờ này tôi vẫn miệt mài luyện tập đặng có ngày đạt tới linh giác.
    Số là trước đấy tôi có theo học với anh H., 1 tay cao thủ về Thiếu lâm, cũng là học trò của ông Tiển về môn Vĩnh Xuân. Người trần mắt thịt duy nhất mà tôi thấy hít đất được bằng 3 ngón tay. Bài học đầu tiên anh H. dậy cho bọn tôi thế này: "các cậu học võ cho khỏe người, cho nhanh chân nhanh tay là tốt. Còn đừng nghĩ rằng học võ thì đánh nhau được. Đến như tôi 1 đánh 2 thì còn may ra, 1 đánh 3-4 mà đối phương lại có vũ khí thì chỉ có tẩu vi thượng sách". Biết thì biết vậy nhưng tôi vẫn nghĩ là anh khiêm tốn. Học được 2 năm thì vì gia cảnh khó khăn anh sang Nga làm ăn. Bọn tôi đànhchuyển sang lớp Vĩnh Xuân cột cờ học tiếp. Về sau được biết anh sang mở lò võ, kiêm thêm làm vệ sĩ cho một số soái ở bên đó. Bẵng đi một thời gian tôi được tin trong một lần đi bảo vệ cho soái T., anh bị 2 gã Nga cao 2 m nặng 2 tạ ép vào thang máy, nhấc bổng lên, đấm một phát hộc máu quỵ tại chỗ, nằm viện mất 2 tháng.
    Sau vụ đó tôi bắt đầu xem xét lại võ Tầu nói chung và Vĩnh xuân nói riêng với một con mắt tỉnh táo hơn - ít sùng kính hơn - dần dần thấy ra nhiều yếu điểm trong lý thuyết và kỹ thuật của môn này. Thứ nhất là cách dậy của mấy bậc tôn sư Vĩnh Xuân Việt nam, trên từ ông Tế công, dưới đến các ông Phùng, ông Tiển và đệ tử - nói thẳng ra không thượng võ chút nào. Dậy võ nhưng gọi từng người vào phòng kín, dậy mỗi người một đường và không ai được nói với ai, thành ra cùng 1 thầy mà mỗi người hiểu một phách không có hệ thống gì cả. Con cái thì dậy cho 7-8 phần, học trò thì dậy cho 3-4 phần. Học trò không hiểu thì bảo cứ tập đi, nói bây giờ các cậu cũng chẳng ngộ được đâu. Môn Vĩnh Xuân vì thế mà có lịch sử gần 80 năm ở VN nhưng vẫn ở trong màn hư ảo không thể phát dương quang đại như những môn võ khác.
    Thứ 2 là môn nội công của phái Vĩnh Xuân, điều mà các phái khác nghe thấy đều coi là lắc đầu lè lưỡi. Đại để những huyền thoại về ông Tế công hút thuốc phiện người như con mắm để cho mấy tay võ sĩ trẻ đấm bốc vào người như không - đệ tử của ông cũng có vài người luyện được môn này thường đem ra để dọa học trò về khả năng vô cùng vô tận của Vĩnh Xuân. Đại để là nếu luyện đến mức cao thâm thì sẽ thành mình đồng da sắt, ngoại lực bất xâm. Về môn nội công này tôi đồ rằng cũng có 1-2 phần sự thực nhưng lúc đem ra thử nghiệm, các học trò mới đều kính sợ cái oai của thầy nên chẳng ai dám đấm mạnh. Chưa thấy cao thủ Vĩnh Xuân nào mời vận động viên đấm bốc đến ấn chứng kỹ thuật bao giờ. Vả lại, môn nội công này dù có luyện thành đi nữa thì cũng hoàn toàn vô dụng, chỉ có hại chứ không lợi gì, nếu lúc thực sự giao đấu mà cứ đứng phưỡn ra vận công chịu đòn thì đối thủ dù là thằng ngu đi nữa chẳng lẽ lại không biết đấm vào đầu, hay đá vào dái hay sao.
    Còn những linh giác, với niêm thủ gì gì, nếu có ai học Vịnh Xuân hay các thể loại võ Tầu khác, lúc nào thử tay một tẹo với bất kỳ tay đấm bốc hoặc Thai boxing hạng quèn nào mới biết những kỹ thuật "thân, phục, bàng, trầm" hoàn toàn vô dụng. Không hẳn là những kỹ thuật này dở, nhưng người tập Vĩnh Xuân khổ luyện linh giác với nhau đều tập ở mức điểm tới là dừng. Lúc tập đấu với nhau cũng không phát hết lực. Lâu ngày thói quen này nhiễm vào máu, một đòn trầm cổ tay sao có thể cản được một cú đấm toàn lực của Box, mà Box đâu phải đấm một quả mà toàn đi theo series, boxer dẫu có bị dính đòn cũng chẳng bao giờ dừng lại, chỉ quại máu hơn thôi. Đấy là nói đến đánh nhau tay không, còn ngoài xã hội, nhỡ đụng phải bọn giang hồ thì thế nào cũng có đồ. Lúc ấy thì võ vẽ lại càng không có chỗ dùng. Cách đây mấy năm có một tay vô địch Karate ở Nga gây gổ ở quán rượu bị một thằng giang hồ vặt đâm chết sau khi đá nó 2 cái.
    ---------------the END-----------
    Chuyện thứ 3
    (Tác giả:5xu)
    ...Lúc em học lớp 10, tương đương K32 của trường tổng hợp, lúc đó mới biết Nhất Nam là thế nào. Bọn bác biết Nhất Nam từ k22 chắc là tương đương lứa đầu của ông Bính. Em thì không có khiếu nhưng bạn bè em học Nhất Nam nhiều. Chúng nó đều là đệ của đám đệ tử lứa đầu của ông Bính. Lâu quá em quên rồi nhưng lứa này đi tù nhiều lắm. Không phải chỉ là do va chạm xã hội đánh nhau đâu mà là cầm súng đi cướp ở quốc lộ. Nhất Nam nặng về chiến đấu, ít tính thể thao, đệ tử của thầy Bính hư nhiều nên môn này không phát triển. Mà ở thời kỳ đó học võ chỉ có: Hoặc con nhà giàu, hoặc dân giang hồ. Cũng giống như boxing, lúc bị cấm, các vận động viên được giải lạc vào giới giang hồ nhiều lắm. Karate không bị cấm nhưng cũng nhiều người qua đông âu làm nghề vệ sĩ. Em có thằng bạn thân, mỗi lần qua Đức làm thuốc, phải vác theo hai đồng chí có huy chương karate ít nhất là giải thành phố.
    Học võ ở VN ngày trước hay bị méo qua xã hội đen. Nhưng có một trường hợp em nể lắm. Anh này tên là D, con nhà giàu ở Cửa Bắc. Lúc đó con nhà giàu không phổ cập đại học như bây giờ, vậy mà anh D này học đai học, mà ngành khoa học tự nhiên đàng hoàng. Học hết năm nhất (học khá là giỏi), anh D xin nghỉ để đi làm ... cướp. Lý do là một trong những thầy dạy võ của anh D là ông Khanh bay, đi lên Lạng Sơn làm cướp. Sau khi nổi đình đám, anh D quay lại Hanoi đi học tiếp. Nhưng máu giang hồ vẫn còn. Anh suốt ngày đi thách đấu ăn tiền (1 chỉ vàng 1 trận, hồi đó 1 chỉ to lắm). Hoặc là đi phá lò võ. Cứ vào lò võ thách đấu với thầy, thắng, mà chủ yếu là thắng, thì hỉ hả ra về. Sau này sa cơ lỡ vận, anh D có đi dạy võ một thời gian, lúc đấy anh lại bị thằng khác đến phá lò, mới thấy buồn. Bẵng đi một vài năm, thỉnh thoảng nghe bạn bè nói anh D gặp chuyện này chuyện kia, hầu hết là va chạm xã hội. Tất nhiên là không sao vì giới xã hội đen cứng nhất hồi đấy (cả ngoài bắc lẫn trong nam) đều rất nể anh D. Em có đi chơi với anh D mấy lần, gặp cả Trà Hinh, Dương Tử Anh, ... Nhiều lắm, chỉ nhớ tên mấy người này vì đọc trên báo. Cách đây mấy năm, gặp lại, anh D đã lấy thêm một bằng đại học, mở công ty kinh doanh thép. Lấy vợ, sinh con. Như một người bình thường. Chỉ khác người bình thường ở chỗ rất bình thản với cuộc đời. Chỉ có gia đình là đáng quan tâm hơn cả.
    Chuyện thách đấu ăn tiền là có thật. Lúc em học lớp 11 thì thấy bọn bạn gọi ầm ầm bảo có một người đấu thắng anh D. Hóa ra ông kia nhận lời đấu, ký giấy, đặt vàng rồi, nhưng bảo anh D đứng để ông ấy đá một phát. Đá xong, anh D biết là cao thủ nên nhận thua, ông kia xé giấy thách đấu. Hôm sau ông này vào ký túc xá giao lưu. Hóa ra ông ấy là cựu thiếu sinh quân, học võ ở Thiếu Lâm đàng hoàng, trên đầu có mấy nốt y như phim chưởng. Bị điếc một tai vì đấu võ ăn tiền ở Thailand. Anh em gạ gẫm mãi ông ấy không biểu diễn. Cuối cùng nể quá, ông ấy đốt tờ báo cháy đùng đùng rồi đấm một phát tắt ngấm. Hôm đó có cả thằng cu N., con thầy K. trường MC. Thằng cu N. đang học lớp 5 lớp 6 gì đó, được các anh gọi ra biểu diễn một bài quyền karate cho ông này xem. Ông này xem xong chả nói gì, chỉ nói là tốn sức và sẽ bị sẹo đầu gối nhiều nếu tiếp tục học võ kiểu như vậy.
    ----------------------------------the END...............................................

  3. tinhyeuxanh

    tinhyeuxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/12/2005
    Bài viết:
    216
    Đã được thích:
    0
    Hữu lôi cước.
    ( Tác giả: Scrotum)
    Thời tớ ở lính, mỗi lần về HN là lại lang thang với một nhóm SV. Tớ không học cùng họ, nhưng không hiểu vì sao lại gắn bó với họ. Tính ra đến nay, cũng được ngót nghét 20 chục năm.
    Như thường lệ, anh em hay tụ tập ở quán nước để tròng ghẹo chị em và cà khịa với ai dễ bắt nạt. Một cậu hớt hải chạy đến báo tin, có vài thanh niên thổ dân càn quấy trong trường, yêu cầu anh em ra dẹp loạn. Tớ làm hớp rượu sắn cho khí thế, hỏi han tình hình mấy câu, bàn bạc với anh em đôi điều, rồi lên kế hoạch hành động.
    Bình thường, nếu đối tượng là mấy cậu sinh viên trường khác thì đơn giản. Đá đít bạt tai mấy cái, đuổi về nhà là xong. Đằng này đối tượng là lưu manh côn đồ hung hãn loại xịn. Vớ vẩn là nó vác dao chém thật, anh em chạy như vịt thì xấu mặt anh hùng. Đang không biết đánh hay rút thì anh xuất hiện.
    Anh là bộ đội xuất ngũ, mới nhập trường. Anh có đôi mày rậm, ánh mắt cương nghị, nói năng đĩnh đạc. Sau khi hỏi han tình hình anh bảo:" Mấy thằng tép riu ấy, các cậu quan tâm làm gì. Nếu chúng nó thích đánh nhau, cầm hẳn lê đâm nhau một trận. Thằng nào sống thì sống, thằng nào chết thì chết. Đấm đá không giải quyết được gì đâu". Anh nói chậm rãi từng từ, từng chữ. Cách thể hiện đầy chất phong trần sương gió. Chỉ ngần ấy câu chữ, anh đã cho chúng tớ biết anh như thế nào!. Chất "bộ đội cứng", giang hồ như thế, kể từ khi trường ta thành lập đến giờ, dễ có mấy ai? Tớ tê cứng cả người, không ngờ trong số nam nhi k22, lại có một bậc đại trượng phu như thế. Đúng là mình có mắt mà như mù, thấy núi mà không thấy Thái Sơn.
    Tớ không có vinh dự được học cùng giảng đường với anh em nên phải tìm cách làm thân với anh. Tớ thích nghe chuyện quân ngũ, nhưng không được nghe trực tiếp từ anh. Tin tức toàn lấy từ thông tấn xã vỉa hè, nào là anh đã từng chiến đấu ở biên giới, nào là lính đặc công, võ nghệ cao cường, chém đinh chặt sắt bằng tay. Thi thoảng anh cũng để lộ vài ba kỷ vật chiến binh, những thứ này, chỉ có lính đặc công hoặc trinh sát luồn sâu mới được trang bị. Anh ân cần hỏi tớ chuyện tập tành võ vẽ. Thầy của tớ, anh đều biết cả. Có lần, anh còn bảo tớ là anh nói chuyện với thầy, hỏi xem tớ tập tành ra sao. Tớ phục và sợ anh sát đất.
    Tớ cũng hay về trường chơi. Bẵng một thời gian, thấy anh em thông báo anh mở lớp dạy võ. Mượn Hạ pháo đùng một buồng học dưới công trình khoa Pháp làm võ đường. Võ sinh của anh có 3 người: Lâm *****, San già, Bình xì ke. Tớ vội xuống thăm anh, đúng lúc anh đang thăng đường. Đám võ sinh đang được anh rèn bài thể lực. San già đội Bình xì ke lên vai, đi tấn trung bình quanh lớp học. Anh đứng khoanh tay, khoan thai chỉ bảo ra dáng võ sư lắm. Thấy tớ, anh gọi vào, hỏi han thật kỹ càng sở trường sở đoản của tớ. Anh bảo:" Anh em nó nhiệt tình quá khiến tớ không nỡ từ chối, tớ đang dạy căn bản cho anh em". Tớ cảm động rơi nước mắt, tiếc là mình đang tại ngũ, nếu không cũng xin được làm võ sinh của võ đường này.
    Lâu lâu tớ mới lại về trường. Lần này, chân ướt chân ráo tớ xuống ngay khoa Pháp xem thầy trò tập tành ra sao. May quá, lại đúng giờ anh đang thăng đường. Sau màn chào hỏi qua quít, tớ xin phép anh được ngồi trong góc lớp dự thính. Anh đồng ý. Võ sinh của anh đã học xong bộ tay, bộ chân, bộ tấn, và bây giờ đang đối luyện. Đám võ sinh mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt đằng đằng khí thế, khắp phòng chỉ nghe thấy tiếng thét hự...hạ và tiếng tay chân va vào nhau côm cốp. Anh tiến đến bên tớ, mỉm cười nhìn lũ học trò đầy tự hào. Anh đề nghị tớ:" Em đi một vài đòn thế anh xem!". Tớ nhận lời ngay và thể hiện bài xà quyền không chút đắn đo. Anh khen tớ đi quyền có hồn, nhưng thiếu lực. Anh hướng dẫn thêm cách tập để có lực bằng cách cầm tạ đi quyền. Từ lúc biết anh đến giờ, được nghe anh nói nhiều về võ thuật, được anh cho biết quen nhiều võ sư danh tiếng, được cảm nhận khẩu khí của bậc đại trượng phu, nhưng chưa bao giờ sở thị anh múa đao đi quyền. Có lẽ lần này, trong không khí hừng hực của võ thuật, anh sẽ cho tớ thưỏng thức tinh hoa của nghệ thuật chiến đấu. Tớ khấp khởi mừng. Anh cho đám võ sinh tạm ngừng đối luyện. Anh bảo:" Nhân tiện có ? ở đây, hôm nay tôi sẽ dậy cho mọi người một đòn mới." Tiếng vỗ tay rào rào nổi lên. Anh tiếp:" Đòn này rất lợi hại, nhưng không phải của Thiếu lâm, mà của Nhất nam". Tớ rụng rời chân tay, anh không những cao thủ Thiếu lâm, mà cả những đòn độc của môn phái khác cũng biết. Anh giải thích:" Đòn đá này tên gọi kinh điển là Hữu Lôi cứơc, dân gian vẫn gọi là đòn Trẩm, được sử dụng trong những lúc bị đối phương tấn công bất ngờ rất có hiệu quả". Anh quay sang tớ bảo:" Anh với em làm một đôi thị phạm nhé". Tớ như cái máy hỏi:" Anh công em thủ hay như thế nào?" Anh cười:" Em bé thế kia, anh công thì em chết à, thôi để anh thủ" Tớ dường như không tin vào tai mình nữa, hỏi lại:" Đá thật hay biểu diễn hả anh?" Anh cười đầy sự thông cảm với môn sinh: " Thật chứ!". Chưa dứt lời, anh nhào vào tớ với sức mạnh của một con hổ vồ mồi trong thế ẩn nhị hạ thiết trảo. Tay phải vươn ra định chụp vào yết hầu, tay trái hạ thấp che kín hạ bộ mình. Vừa để thủ cú đá của tớ vừa đợi sơ hở để luồn vào háng tóm lấy ngọc hành tớ . Theo phản xạ tự nhiên, tớ lui về một nhịp để tránh đòn hiểm và tung một cú Hữu Lôi cước căng như kẻ chỉ về phía anh. Nói thì lâu nhưng làm thì nhanh, chỉ trong một tích tắc, đám San già còn chưa kịp dõi theo, một tiếng thét kinh hoàng vang lên, anh đổ ập xuống sàn như cây chuối bị đốn. San già, Lâm ***** vỗ tay khen anh đóng phim như thật. Sau khi thu chân về, tớ biết được điểm chạm của cú đá vừa rồi nên vội nhào đến chỗ anh. Anh đang quằn quại trên sàn nhà, mắt trợn ngược, miệng đớp đớp không khí. Đám võ sinh mặt tái mét vội vàng cùng tớ sơ cứu cho anh. Độ năm phút sau anh hồi tỉnh, anh thì thào bảo lũ học trò:" Tập làm sao bộ chân ít ra phải được như thế".
    Sau vụ biểu diễn trên, không biết vì lý do gì, võ đường giải tán. Học trò tản mát mỗi người mỗi nơi. Bình xì ke xin làm đệ tử của Hạ pháo đùng sau khi thẩm tra lý lich kỹ càng. Hạ là trung uý Công an Vũ trang chuyển nghành, được tôi luyện trong môi trường chiến đấu thật sự. Lâm *****, San già nhờ tớ dẫn đến thầy Vinh xin học Nhất nam. Ngay trong buổi học đầu tiên, Lâm ***** khoe khoang bí kíp võ lâm đã học nên bị dị môn đá giập mồm, về nhà 7 ngày chỉ húp được cháo. Sau vụ đấy cũng bỏ luôn nghịêp võ, sáng sáng thấy đánh cầu lông và bơi lội ở hồ khoa Pháp. San già vẫn lặn lội tập thêm một vài năm nữa. Nhờ có tập tành, gân cốt khác người nên thoát chết trong vụ tai nạn năm nào.
  4. NhatNamTu

    NhatNamTu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/04/2006
    Bài viết:
    258
    Đã được thích:
    0
    Truyện hay quá!
    Được NhatNamTu sửa chữa / chuyển vào 13:48 ngày 22/05/2006
  5. tuyhiep

    tuyhiep Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/12/2005
    Bài viết:
    271
    Đã được thích:
    112
    Cám ơn anh Tinhyeuxanh đã bỏ công sưu tầm cho anh em những mẩu chuyện hay như vậy !
    Những mẩu chuyện trên như làm ta sực tỉnh , trở về đúng bản chất nguyên thủy của võ , đó là để chiến đấu . Đồng ý là bây giờ có nhiều cách để nói về việc tập võ như tập cho khỏe , để rèn tính cách , để tự thắng bản thân v..v. . . nhưng rốt cuộc là anh có "xài" được không khi đụng chuyện bất ngờ nếu không còn đường lui ! Vẫn phải thực tế 1 chút !
  6. thieulam_vietnam

    thieulam_vietnam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/08/2005
    Bài viết:
    2.121
    Đã được thích:
    1
    .............
    Được thieulam_vietnam sửa chữa / chuyển vào 16:30 ngày 22/05/2006
  7. thieulam_vietnam

    thieulam_vietnam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/08/2005
    Bài viết:
    2.121
    Đã được thích:
    1

    Những câu chuyện sưu tầm của Tinhyeuxanh hay lắm.
    Tập võ không cốt NHIỀU mà cốt ở TINH.
    Lỡ bước 2 xe đành bỏ phí
    Gặp thời 1 tốt cũng thành công.

  8. vienanh

    vienanh Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    11/09/2005
    Bài viết:
    2.289
    Đã được thích:
    0
    Đa phần không có tính chính xác , kể cả ở đòn thế lẫn ngoại cảnh .
  9. 25LTK

    25LTK Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/10/2005
    Bài viết:
    245
    Đã được thích:
    2
    vienanh cùng trạc tuổi với tác giả truyện này đấy (khoảng 1970, 1971). Tên này là một chuyên gia về IT hiện đang ở Mỹ, hắn viết bài về võ thuật khá hay , bài viết trên cũng có nhiều phần đúng đấy chứ. Hắn còn chuyện này viết cũng hay đây này:
    Người Vĩnh Xuân đương thời
    (Tác giả: Châu Hồng Lĩnh - Killer)
    Nguồn: www.hanoicorner.com
    - A lô ! Bác đang ở đâu đấy ?
    - Anh mới xuống sân bay, vừa về tới Hà nội.
    - Bác chuẩn bị đi, 30 phút nữa em tới chỗ bác.
    Đúng 30 phút sau, tôi mở cửa bước xuống đường và gặp một thanh niên dong dỏng cao vừa phi xe máy tới. Tôi đã gặp Bạch Hạc như thế. Chúng tôi quen nhau khá lâu trước đó, và thường uống cờ, đánh rượu, bàn luận võ công trên ... YIM.
    Là một người yêu thích võ thuật, rời khỏi gia đình để dấn thân vào giang hồ gió bụi từ năm 17 tuổi, tôi có một niềm đam mê mãnh liệt là la cà nơi các trà đình tửu quán, hang cùng ngõ hẻm, rừng sâu núi cao, các võ đường và ... Câu lạc bộ để quan sát, trao đổi, trò chuyện về võ công. Được nghe và thấy môn Vĩnh Xuân từ năm 14 tuổi, nhưng hồi đó tôi đang luyện Judo và Karate mỗi ngày 4 tiếng, do đó hoàn toàn không có thời gian tập luyện môn Vĩnh Xuân một cách chuyên cần. Một phần cũng vì tính tình hiếu thắng, hung hăng của tuổi thiếu niên, đã luyện tập những môn võ cương mãnh một thời gian, nên tôi không nhận thức được cái hay cái đẹp trong sự mềm mại hoa mỹ của Vĩnh Xuân. Lớn lên, khi lang thang phiêu bạt, tôi cũng ít có dịp tiếp xúc với các nhân vật Vĩnh Xuân.
    Lần tiếp xúc với Vĩnh Xuân cuối cùng trước khi tôi rời Việt nam diễn ra gần 10 năm về trước, tại cổng Omni Hotel trên đường Nam Kỳ Khởi nghĩa, Sài gòn. Đối diện Omni Hotel là trường đào tạo Tiếp viên hàng không, nơi các em tiếp viên được tập trung đào tạo tại đó. Một lần tôi có hẹn đi chơi xa, đến sớm, cổng trường chưa mở, tôi leo cổng vào. Một anh chàng bảo vệ Omni Hotel chạy ra, tay xách một cặp côn nhị khúc, gọi tôi xuống, không cho leo rào. Tôi bảo việc tôi đi leo rào tìm gái là một phạm trù triết học không có liên quan gì với côn nhị khúc, và hỏi anh ta có biết đánh côn không. Hóa ra anh ta là một đệ tử của môn Vĩnh Xuân trong số người Hoa ở Chợ Lớn, nhưng nói ngắn gọn là côn pháp anh ta chưa ăn thua. Lần đó tôi truyền cho anh ta thêm dăm đường trong bài Bạch nữ lưỡng tiết côn của Thiếu lâm, và lại tiếp tục sự nghiệp leo cổng.
    Tại Mỹ, tôi tình cờ chơi với một sinh viên Việt nam, đệ tử môn Vĩnh Xuân đang làm Ph.D. tại một trường Đại học khá danh tiếng của Mỹ. Với kỹ thuật Judo và Karate rèn luyện gần hai chục năm trời, tôi áp đảo cậu bạn này một cách không khó khăn mấy, nhưng cũng nhận ra nhiều cái hay, cái đẹp và những hiệu quả mạnh mẽ mà tôi biết rằng chắc một người tập Vĩnh Xuân cao thủ hơn bạn tôi sẽ phải có. Vì ít có dịp về nước, trong nhiều lần nghỉ phép, tôi thường la cà tại các võ đường tại các khu vực San Francisco, Los Angeles ... là nơi Lý Tiểu Long đã dựng nên các võ đường truyền bá võ thuật lúc sinh thời. Cũng có lần tôi mò đến Hiệp hội Vĩnh Xuân Sacramento, là nơi được tạp chí Inside Kungfu đánh giá khá cao. Nhưng không nơi nào mang lại cho tôi sự hứng thú đặc biệt.
    Vì thế, về nước lần này, được Bạch Hạc giới thiệu trước về phong trào Vĩnh Xuân Hà nội, tôi rất háo hức. Vừa gặp, anh em đã lôi nhau ra quán cà phê ngồi chuyện trò rất là tâm đắc. Bạch Hạc hứa sẽ giới thiệu tôi với những nhân vật đương thời.
    Một buổi sáng, Hạc nói : "Bác đi với em lại nhà H., bạn em, một trong những người cực kỳ am hiểu Vĩnh Xuân trong thế hệ trẻ hiện nay". Chúng tôi đi xe máy vòng vèo về phía Chợ Mơ. Khi tới nơi, chúng tôi gặp H mới đi đá cầu về, chuẩn bị ăn sáng. Chúng tôi cũng ngồi ăn luôn, sau đó kéo nhau lên nhà đàm đạo. Qua phần giới thiệu, chúng tôi trò chuyện một hồi. H là một thanh niên vạm vỡ, trẻ hơn tôi một vài tuổi, nhưng chắc chắn không cao và nặng bằng tôi. Được một lúc, H đứng lên, chìa tay ra bảo :" Bác cứ tấn công em thoải mái".
    Được lời như cởi tấm lòng, tôi tóm tay H tung ngay ra một đòn Ippon Seoi Nage của môn Judo.Đột nhiên tôi thấy lưng mình bị chặn lại khi chưa kịp nhập nội tới một nửa. Tất nhiên đây chỉ là ấn chứng võ công chứ không phải sát phạt, hơn nữa, do bỏ lâu không luyện tập, đòn thế của tôi không còn sắc nét, nhưng tôi cảm giác chắc chắn được rằng nếu tôi tấn công nhanh hơn, mạnh hơn, thì đòn đánh rồi cũng sẽ bị chặn như thế. Lập tức, tôi gạt cánh tay H ra, dùng cánh tay phải ôm sát vào hông, kéo H vào sát người mình để tay H không chặn được đà tiến nữa, tung tiếp đòn Uki Goshi. Một bước mã ngang của H đã làm tôi mất thăng bằng và tiếp theo là một cái đẩy làm thân hình nặng 80 kg của tôi đập huỵch vào tường.
    Khi lấy lại thăng bằng, tôi bảo H. :"Lần này anh tấn công từ xa", rồi vung tay phải theo một hình vòng cung nhằm vào phía hàm bên trái của H, tay trái tôi đưa ra chặn tay phải của H, đồng thời xoay người đá thốc gót chân lên hạ bộ H theo cách đánh atémi của thế Uchi Mata. Uchi Mata trong Judo thể thao là một tay nắm cổ áo, một tay nắm tay áo đối phương, xoay người đá chân vào giữa hai chân đối phương và ném hắn bay qua hông. Nhưng đánh theo lối atémi, một tay chặt vào hàm rồi khóa cổ, một tay khóa tay kia bẻ xuống và đá thốc gót chân thẳng vào hạ bộ, hạ gục đối phương trước khi quật ngã, là một đòn cực kỳ tàn khốc. Nhưng cánh tay phải của tôi đã bị thế tay xà của Vĩnh Xuân chặn lại, cánh tay của H bị tôi đè quay theo một hình vòng cung, dùng Niêm thủ chặn tay tôi lại, chân H bước theo bộ mã vòng của môn Vĩnh Xuân, thế là toàn bộ lực tôi vừa tung ra rơi vào khoảng không, biến mất.
    Lập tức tôi chuyển sang dùng Karate, tung ra một loạt bốn quả đấm thẳng, vòng, móc và bổ. Sinh thời dọc ngang trên giang hồ, một giây tôi có thể tung ra ít nhất là 6 cú đấm, và ít có người tránh khỏi. Nhưng cả 4 quả đấm của tôi lần này đều bị khuôn tay ngũ hình của Vĩnh Xuân bắt dính trước khi tôi kịp phát lực ra đến nửa tầm, vả cả hai cánh tay tôi có cảm giác như bị một vật gì rất mềm, rất nhu đẩy ngược về phía cơ thể, không sao vươn ra được nửa chiều dài. Tôi rút hai tay lại, định xô H ra để đánh tiếp, nhưng hai tay H đã dính sát hai tay tôi, và chạm ngay vào những điểm yếu trên người tôi ngay khi tay tôi vừa co lại. Như vậy là thua nữa. Tôi co hai tay lại, dùng sức hất H bật ra và tung theo một cú đá Mae Kekomi Geri của Karate, nhưng cú đá vừa tung lên nửa chừng thì đã bị bộ chân Vĩnh Xuân chặn lại. Kể thêm nữa thì dài, nói ngắn lại, trong hơn nửa tiếng đồng hồ, tôi đã thử gần hết các kỹ thuật Judo và tung ra đủ các cú đòn Karate ưa thích nhất mà không chạm được vào người H. Nhưng điều kỳ lạ nhất mà tôi cảm nhận được là mình có lực mà không dùng được, đòn nào cũng tung ra nửa vời là đã bị chặn nhẹ nhàng như bị chặn bởi một bức tường bông. Đấy là chưa tính đến chuyện đối phương đánh trả, vì riêng chuyện mình không đánh được là đã phiền phức lắm rồi. Bắt tay H ra về, tôi thấy mình đã thu thập thêm được một kinh nghiệm và những cảm giác rất kỳ lạ.
    Một buổi tối đang ngồi uống cà phê, lại Bạch Hạc:
    - A lô, bác có làm gì không ?
    - Không, có việc gì thế ?
    - Em dẫn bác đi đằng này một tí.
    Lúc sau, Bạch Hạc dẫn xác đến, ướt lướt thướt vì chạy bộ dưới trời mưa. Hai anh em kéo nhau đi bộ vòng vèo qua một vài con phố, bước vào một căn nhà nằm trong một ngõ ngỏ, có một con mộc nhân to tướng dựng giữa sân. Chủ nhà, anh D là một người tầm tuổi trung niên, nhẹ nhàng, vui vẻ. Chúng tôi đàm đạo với nhau rất lâu về võ thuật, cương và nhu, các nguyên lý của Vĩnh Xuân. Đây là một cuộc trò chuyện rất thú vị và đem lại nhiều điều bổ ích, mặc dù tôi không hề có cơ hội động thủ động cước. Những gì rút ra từ cuộc nói chuyện này, nếu viết ra đây thì sẽ quá dài.
    Lại một hôm khác, Bạch Hạc bảo "Bác đi với em đến nhà ông S, bác sẽ được nhìn Vĩnh Xuân từ một khía cạnh khác". Phóng xe lên khu vực Bờ hồ, sau khi gửi xe, chúng tôi len lỏi trong một cái chợ mà tôi cũng không biết là chợ gì, leo lên gác ba của một căn nhà cổ trong khu vực 36 phố phường. Ông S đang có lớp, nhưng vẫn vui vẻ tiếp chúng tôi. Nghe nói tôi là người ham mê võ thuật và muốn tìm hiểu môn Vĩnh Xuân, ông không khách sáo gì, vui vẻ đứng lên "Nào, ta vào tay một tí". Tôi cũng không khách sáo, lại bổn cũ soạn lại, tung ra đòn Ippon Seoi Nage. Lần này, tôi cũng bị chặn, nhưng không phải bởi một tấm mền bông, mà như một bức tường. Lập tức tôi chuyển qua đòn chân Ouchi Gari, cũng bị chặn, tôi quay sang quét tiếp một thế Kouchi Gari, lại cũng bị chặn. Ông S. là một người đã cao tuổi, gầy gò, quắc thước, còn tôi mới ngoài 30, khá to lớn, nặng trên 80 kg, và tính sức khỏe đơn thuần thì chắc cũng không đến nỗi tệ. Ấy vậy mà tôi bị ông S dùng lực chọi lực, chặn tất cả các đòn tung ra một cách không thương tiếc.
    Tôi hỏi:
    - Thưa ông, cháu tưởng Vĩnh Xuân chỉ có nhu ?
    - Không, có cả cương chứ. Bộ tay Hổ chẳng hạn.
    Tôi khởi ngay bộ quyền pháp Karate, một tay đánh, một tay khóa, nhưng gặp kình lực cuồn cuộn từ bộ tay Hổ của ông S chặn lại, và thoáng một cái, bộ tay của ông đã chạm vào những điểm yếu trên cơ thể tôi. Tôi hỏi ông:
    - Làm thế nào mà ông có thể dùng lực chọi lực như thế, vì chắc chắn cháu khỏe hơn ông ?
    - Dùng lực vào chỗ đối phương không có lực.
    - Làm thế nào ông biết chỗ nào đối phương không có lực ?
    - Hãy tập thư giãn và thả lỏng.
    Chúng tôi trò chuyện thêm một lúc nữa. Ông S giải thích thêm một số điều về các nguyên lý của Vĩnh Xuân. Dần dần rồi nói sang chuyện nội công và khí công. Khí công của Vĩnh Xuân có điểm đặc sắc hơn các môn phái khác là không cần phải nén khí mà vẫn chịu đòn được. Ông S đứng lên bảo "Cậu cứ thoải mái đánh vào bất kỳ chỗ nào trên người tôi."
    Trong khi ông S vẫn chuyện trò bình thường, tôi dùng độ bảy thành công lực tung một đòn Mae Tsuki giữa ngực ông. Thấy ông vẫn tươi cười như không, tôi tung ra một đòn đấm thẳng vào ngực và một cú đấm vòng vào mạng sườn. Ông vẫn đứng thản nhiên nói chuyện. Tôi không dùng hết lực, nhưng quá đủ để biết là nếu dùng hết lực thì cũng không ăn thua gì. Cảm giác như hai bàn tay chạm vào một cái bị đầy bông. Vì ông đang bận lớp, chúng tôi đành từ biệt ra về. Tôi lại được chứng kiến một khía cạnh mới của môn Vĩnh Xuân.
    Vẫn biết vẫn còn nhiều cao nhân Vĩnh Xuân ngay tại Hà nội, nhưng thời gian ở Hà nội của tôi đã hết, tôi lại phải ra đi, mang theo trong mình bao nhiêu cảm xúc mới mẻ và những điều bổ ích. Tôi vẫn luôn mong một ngày trở lại, sống, làm việc và luyện tập ở Hà nội.
  10. uic

    uic Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/03/2004
    Bài viết:
    406
    Đã được thích:
    1
    Bài này em xem cả trên trang diễn đàn thanh niên xa mẹ từ lâu lắm. Bác S ở đây là bác Sinh con cụ Trần Thúc Tiển

Chia sẻ trang này