1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những trận không chiến trên bầu trời Bắc Việt, 1965-1972 (Phần 1)

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi kqndvn, 08/04/2005.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. kqndvn

    kqndvn Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    24/12/2004
    Bài viết:
    1.117
    Đã được thích:
    0
    Những người quật ngã B-52
    Ðúng 30 năm trước vào những ngày đông không thể quên này, người Hà Nội cùng quân dân cả nước làm nên chiến công lẫy lừng: Ðánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng pháo đài bay B-52 mang tên "Linebacker II" của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ trở lại bàn đàm phán với Chính phủ VNDCCH và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam VN để phải chấp nhận rút quân "trong danh dự", tạo ra bước ngoặt quyết định cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
    Mùa rơi của B-52 trên trời cũng là mùa hoa cúc vàng rực rỡ nhất dưới mặt đất thủ đô: Người Hà Nội an nhiên sống, làm việc dưới mưa bom. Tư thế ấy của người Hà Nội - Việt Nam là vũ khí bí ẩn để chiến thắng kẻ thù mạnh gấp ngàn lần về sức huỷ diệt.
    Cũng đúng ngày này 58 năm trước, ra đời đội Vũ trang Tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân chân đất, tiền thân của QÐNDVN, nguời làm nên những "Ðiện Biên Phủ", "Ðiện Biên Phủ trên không", "Chiến dịch Hồ Chí Minh" chấn động địa cầu.
    Chuyên đề kỳ này của LÐCT xin tôn vinh những con người, còn sống hay đã khuất, trên trời và dưới đất, đã góp xương máu mồ hôi và trí tuệ cho chiến thắng tháng 12.1972. Cùng với đó là một chùm thơ của các liệt sĩ quân đội trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
    Cuộc trường chinh đánh Pháo đài bay Mỹ
    Phải "chín năm" mới "làm (nên) một Điện Biên"; để có được chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", quân đội ***** cũng trải qua bảy năm đi tìm cách đánh B-52.
    Ngày 18.6.1965 lần đầu tiên ở VN (cũng là lần đầu tiên trên thế giới) máy bay B-52 của Mỹ xuất hiện. 30 chiếc B-52 trên đảo Guam (Thái Bình Dương) bay vào ném bom rải thảm khu vực Bến Cát - Tây Bắc Sài Gòn. Ngày 12.4.1966 chúng leo thang ra tây Quảng Bình và Vĩnh Linh. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân đã chỉ đạo đưa đoàn tên lửa Hạ Long vào Vĩnh Linh đánh B-52. Quân chủng Phòng không - Không quân và Binh chủng Tên lửa đã cử một "đoàn công tác B" do Phó Tư lệnh Binh chủng Tên lửa Hoàng Văn Khánh dẫn đầu trực tiếp giúp đỡ Đoàn tên lửa Hạ Long nghiên cứu và tổ chức đánh B-52.
    Hồi 17h05'' ngày 17.9.1967, Tiểu đoàn 84 Đoàn tên lửa Hạ Long phóng hai quả đạn đã bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên.
    Từ năm 1968 đến đầu năm 1972, các đoàn tên lửa H37, H75, H37, H74 lần lượt được đưa vào đánh B-52 ở các cửa khẩu hành lang đường mòn Hồ Chí Minh, trên đỉnh Trường Sơn, chiến trường Quảng Trị cũng đã lập công xuất sắc, bắn rơi thêm nhiều chiếc B-52.
    Kể từ những năm 1967 - 1968, Binh chủng Rađa đã tổ chức đoàn cán bộ do Tư lệnh Binh chủng Lương Hữu Sắt dẫn đầu vào các trạm rađa ở phía nam Quân khu IV, nghiên cứu một quy trình bắt mục tiêu B-52 để phổ biến kinh nghiệm cho toàn binh chủng. Các dạng nhiễu B-52 trên màn hiện sóng rađa được chụp lại, phóng thành những tấm ảnh to làm tài liệu huấn luyện cụ thể, sinh động cho các đơn vị rađa ở tuyến ngoài.
    Đầu năm 1971, Binh chủng Không quân đã tổ chức "Đoàn nghiên cứu đánh B-52" gồm các sĩ quan tác chiến, quân báo, dẫn đường và một số phi công có kinh nghiệm, do Phó Tư lệnh Binh chủng Trần Mạnh chỉ huy, vào Quảng Bình nghiên cứu đánh B-52. Một phương án MIG-21 đánh B-52 được quân chủng phê chuẩn. Máy bay ta bí mật cất cánh từ sân bay dã chiến, bay thật thấp để tránh rađa trên các hạm tàu của địch phát hiện, tiếp cận khu vực có B-52.
    Đêm 20.11.1971, phi công Vũ Đình Rạng được giao nhiệm vụ tìm đánh B-52. Được sự dẫn đường khéo léo của rađa và sở chỉ huy mặt đất, máy bay của Rạng bay thấp dọc dãy Trường Sơn vào khu vực B-52 đang hoạt động. Còn cách địch 50km, cánh én MIG-21 vút lên cao tiếp cận mục tiêu. Rạng nhìn thấy ba chiếc B-52 với những hàng đèn trên lưng, bên cánh, ở đuôi. Vào đến khoảng cách 2.000m, Rạng chọn chiếc đi đầu và phóng tên lửa. Chiếc B-52 bốc cháy, bị hỏng nặng không thể bay về căn cứ, phải hạ cánh bắt buộc xuống sân bay chiến thuật Nakhon Phanom của Thái Lan.
    Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm phát hiện và đánh B-52 của các đơn vị, Bộ Tham mưu Quân chủng sớm biên soạn được tài liệu "Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B-52". Qua kinh nghiệm đánh B-52 ngày 16.4.1972 ở Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng cho thấy rõ kẻ thù đã có nhiều thủ đoạn kỹ thuật mới, quỷ quỵệt hơn. Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Quân chủng giao cho Phó Tư lệnh Quân chủng Hoàng Văn Khánh chỉ đạo biên soạn tài liệu "Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa".
    Đầu tháng 10.1972, tài liệu "Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa" được mệnh danh là cuốn "cẩm nang bìa đỏ", được thông qua lần cuối và phổ biến cho các đơn vị. Các đội huấn luyện lưu động mà thành viên phần lớn là các sĩ quan đã biên soạn cuốn "Cẩm nang bìa đỏ" lần lượt đến các tiểu đoàn tên lửa ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An... trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn cách đánh B-52 cho các kíp chiến đấu. Anh em đặt tên vui cho đội huấn luyện lưu động là "Gánh hát rong".
    Ngày 22.11.1972, Đoàn tên lửa H63 thực hành chiến đấu ở Nghệ An theo đúng hướng dẫn của "cẩm nang bìa đỏ" đã bắn rơi một B-52 buộc kíp bay phải nhảy dù ở biên giới Thái - Lào.
    Ngày 24.11.1972, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các Phó Tổng tham mưu trưởng Trần Quý Hai, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài, Vương Thừa Vũ đã thông qua và phê chuẩn "Kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng" của Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau khi ký duyệt, Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp ra lệnh: "Quân chủng phải hoàn thành mọi công tác chuẩn bị trước ngày 3.12.1972". Tổng Tham mưu trưởng chỉ thị cụ thể: Trước ngày Nixon nhận chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Các đồng chí nắm địch thật chắc. Tuyệt đối không để bị bất ngờ. Phải tập trung mọi khả năng nhằm đúng đối tượng B-52 mà tiêu diệt".
    Ngày 3.12.1972, các chiến sĩ bảo vệ bầu trời tổ quốc đã sẵn sàng xung trận.
  2. kqndvn

    kqndvn Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    24/12/2004
    Bài viết:
    1.117
    Đã được thích:
    0
    Những người bắn rơi chiếc B52 ở Ngọc Hà
    Ðêm 27-12-1972, hai ngày sau khi cơ động từ Hải Phòng lên tăng cường cho Hà Nội, kíp chiến đấu của tiểu đoàn 72 đã bắn hạ chiếc B52 Mỹ rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà khi còn chưa kịp cắt bom. Giờ đây mỗi người mỗi việc nhưng họ vẫn luôn nhớ về những ngày chiến đấu ác liệt, đau thương mà hào hùng của dân tộc.
    Trong những ngày "Ðiện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 có một đơn vị tên lửa được lệnh cơ động từ Hải Phòng lên "chia lửa" cùng Hà Nội và đã lập công xuất sắc bắn rơi B52 ngay trên bầu trời thủ đô buộc "pháo đài bay" - con "ngoáo ộp" của không lực Hoa Kỳ phải bỏ xác trên hồ Hữu Tiệp, giữa làng hoa Ngọc Hà góp phần vào chiến thắng lẫy lừng của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử. Ðó là tiểu đoàn 72 thuộc Trung đoàn 285 - Quân chủng Phòng không - không quân. Những chiến sĩ tiểu đoàn ngày ấy còn rất trẻ, đa số là sinh viên đại học năm thứ nhất, thứ hai. Giờ đây tuy mỗi người mỗi công việc ở mỗi vị trí khác nhau nhưng họ vẫn luôn nhớ về những ngày chiến đấu ác liệt, đau thương mà hào hùng của dân tộc.
    Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 72 ngày ấy là đồng chí Phạm Văn Chắt, năm nay đã ở vào tuổi ngoài 60. Nói về tiểu đoàn 72 và trận đánh tiêu diệt B52, ông cho biết: "Ngày 23 tháng 12 tiểu đoàn 72 đang chiến đấu tại Hải Phòng thì nhận được lệnh cơ động lên tăng cường cho Hà Nội. Cả tiểu đoàn bắt tay ngay vào thu hồi khí tài chuẩn bị hành quân. Ðến 11 giờ đêm tất cả đã sẵn sàng với hơn 100 xe các loại từ xe đạn, bệ phóng, pháo cao xạ đến đồ hậu cần. Toàn đơn vị rời trận địa Trung Hà - Thủy Nguyên - Hải Phòng chia làm hai hướng tiến về phía Hà Nội. Chiều 25, toàn bộ người và khí tài đã tập kết đầy đủ ở cánh đồng thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Mặc dù vừa vượt qua chặng đường hơn 100 cây số thâu đêm không ngủ nhưng cả đơn vị bắt tay ngay vào triển khai trận địa. Ðúng 6 giờ sáng ngày 26 toàn đơn vị đã sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ hướng đông bắc Hà Nội.
    Lúc 13 giờ ngày đầu tiên đơn vị đã tiêu diệt một máy bay F4. Nhưng khát khao được vít đầu B52 vẫn bừng lên trên từng gương mặt cán bộ, chiến sĩ. Ðêm 27, toàn đơn vị bước vào chiến đấu với một khí thế sôi sục căm thù lũ giặc trời đã sát hại hàng trăm đồng bào Khâm Thiên. Lúc 23 giờ 2 phút, nhận được lệnh của trung đoàn phó Nguyễn Ðình Lâm giao cho tiểu đoàn 71 và tiểu đoàn 72 tiêu diệt tốp B52 từ hướng tây đang lao vào đánh Hà Nội. Tôi lệnh cho sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng và kíp trắc thủ tìm kiếm phát hiện mục tiêu...".
    Kể đến đây đôi mắt của người cựu chiến binh già bỗng sáng lên, ông như trẻ lại hàng chục tuổi. Dùng những chiếc chén uống trà trên bàn để minh họa và cả những cử chỉ bằng tay, ông tóm tắt lại trận đánh: Khi phát hiện chính xác dải nhiễu B52, lúc đầu kíp chiến đấu xác định sẽ đánh theo cách đánh ba điểm, nhưng sau được trên giao quản lý hướng chính, theo kinh nghiệm nếu bắn ở phương vị xa theo cách đánh ba điểm sẽ không chắc, nên ông quyết định để mục tiêu vào gần mới cho đài 2 bám sát dải nhiễu, nâng cao thế và phát sóng. Lúc này đã phát hiện mục tiêu ở cự ly 45. Trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Tuyền và trắc thủ phương vị Trương Ðăng Khoa hô: "Mục tiêu". Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng lệnh cho các trắc thủ: "Bám sát mục tiêu". Khi đài ra-đa thông báo mục tiêu vào đến cự ly 33, tôi phát lệnh: "Ba điểm bỏ (bỏ cách đánh ba điểm). Ðánh bằng phương pháp vượt trước nửa góc. Ngòi nổ RV hai quả. Giãn cách sáu giây. Cự ly 32 phóng hai quả đạn rời bệ phóng bay lên, gặp mục tiêu nổ tốt. Ngay sau đó trắc thủ góc tà Nguyễn Văn Chiêu hô: "Mục tiêu hạ thấp độ cao nhanh", rồi "Mất mục tiêu". Vọng quan sát mắt báo về: "Mục tiêu bốc cháy lao xuống đất bùng lên một khối lửa to". 23 giờ 3 phút, Trung đoàn phó Nguyễn Ðình Lâm gọi điện thông báo: Thủ trưởng Sư đoàn 361 biểu dương Tiểu đoàn 72 bắn rơi B52 tại chỗ. 7 giờ sáng hôm sau, quân chủng Phòng không - không quân chính thức gọi điện xuống tiểu đoàn biểu dương trận đánh của đơn vị đã bắn B52 rơi tại làng Ngọc Hà, máy bay chưa kịp cắt bom. Quân chủng thông báo thưởng cho tiểu đoàn một con bò. Chiều 28, đơn vị mổ bò khao quân và nhân dân địa phương cùng ăn mừng chiến thắng...
    Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét trận đánh của Tiểu đoàn 72 là trận đánh xuất sắc và đặc biệt. Xuất sắc vì đã đánh đúng đối tượng B52 và đánh rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái. Ðặc biệt vì đã bắn rơi B52 trong lòng Hà Nội và đánh trúng địch trước khi địch cắt bom.
    Với những người tham gia trận đánh thì đây là kết quả của cả quá trình học tập, nghiên cứu tìm cách đánh B52 đầy khó khăn phức tạp và kinh nghiệm của thời gian dài chiến đấu trước đó. Kíp chiến đấu năm xưa giờ đây kẻ mất người còn. Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt sau năm 1972 lại tiếp tục với những nhiệm vụ mới. Tháng 2 năm 1973, trước khi vào Nam chiến đấu, ông đã đến hồ Hữu Tiệp để nhìn lại xác chiếc "pháo đài bay" do đơn vị mình tiêu diệt. Cả cuộc đời gắn bó với quân đội; đến năm 1989 ông đã nghỉ hưu với quân hàm trung tá, hiện đang sinh sống tại thành phố Hải Dương. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng thì đã mất năm 1976. Còn lại ba trắc thủ Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Văn Tuyền, Trương Ðăng Khoa nay đã ở tuổi ngũ tuần và đều có cuộc sống thành đạt, hạnh phúc.
    Trắc thủ góc tà Nguyễn Văn Chiêu hiện là chủ một gia đình tương đối đông đúc và đầm ấm tại ngõ 43, phố Trung Kính ven con đường Trần Duy Hưng rộng rãi cửa ngõ thủ đô. Sau khi rời quân ngũ, Nguyễn Văn Chiêu học tiếp đại học, sau đó trở lại với môi trường quân đội khi về công tác tại Tổng cục Kỹ thuật năm 1979. Năm 1986 anh chuyển về Bộ Công nghiệp nhẹ và làm việc tại Nhà máy Cơ khí Quang Trung. Nhớ lại cuộc hành quân "chia lửa" với thủ đô, anh xúc động như thể sự việc diễn ra vừa mới hôm qua: "Khi đó đơn vị tôi có nhiệm vụ bảo vệ Hải Phòng. Hải Phòng cũng bị đánh phá dữ dội nhưng mức độ không ác liệt bằng Hà Nội. Nghe những tin tức từ Hà Nội, lòng tôi như lửa đốt. Là một người Hà Nội, lại được về chiến đấu bảo vệ chính quê hương mình thì còn gì bằng...".
    Còn trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Tuyền thì trở thành giáo viên giảng dạy tại trường đại học Thương mại. Năm 2002 anh chuyển về dạy tại trường đại học Bách khoa - ngôi trường mà cách đây 30 năm anh đã tạm biệt giảng đường lên đường nhập ngũ. Trắc thủ phương vị Trương Ðăng Khoa giờ là Phó ban tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình. Mỗi người đều có một cuộc sống riêng với những bận rộn của công việc gia đình và xã hội, song họ vẫn dành một khoảng thời gian nhất định để gặp gỡ, thăm hỏi và cùng nhau ôn lại kỷ niệm của 12 ngày đêm oanh liệt, hào hùng đã đi vào lịch sử thủ đô và đất nước.
  3. kqndvn

    kqndvn Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    24/12/2004
    Bài viết:
    1.117
    Đã được thích:
    0
    Xác định máy bay B.52
    Ðêm 18-12-1972, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59 đã bắn rơi chiếc B52 Mỹ đầu tiên bay vào đánh bom Hà Nội. Ông Võ Công Lạng, nguyên Trung đoàn tên lửa H61 kể lại câu chuyện đầy thú vị trong trận đầu ra quân mở màn cho chiến thắng "Ðiện Biên Phủ trên không".
    Ðêm 18 tháng 12 năm 1972 - đêm mở màn trận "Ðiện Biên Phủ trên không", chung quanh việc xác định "có phải B.52 không?", đã diễn ra nhiều cuộc đối thoại thú vị.
    Khi ra-đa phát hiện B.52 bay vào hướng Hà Nội, chúng tôi cứ trở đi, trở lại câu hỏi: "Có phải B.52 không?". Khi Hà Nội đã nổ súng và suốt đêm 18, câu hỏi này còn lặp lại. Chiến thắng này lớn quá! Niềm vui này ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Khi được tin B.52 bị bắn rơi tại chỗ ở Hà Nội, biết bao đồng bào, đồng chí của chúng ta sung sướng đến trào nước mắt.
    Ông Võ Công Lạng, nguyên Trung đoàn phó tên lửa H.61 kể: Sau những quả đạn kịp thời "phủ đầu" những tốp B.52 đầu tiên vào đánh Hà Nội, trên mạng "B1" vẫn thông báo B.52 bay vào. Tôi nhìn về phía chiến sĩ tiêu đồ Nguyễn Thị Vân, thoáng nghĩ: Hiệp hai sắp bắt đầu rồi. Vân đang nghĩ gì mà điềm tĩnh vậy? Một gương mặt con gái, trắng trẻo nhìn chăm chắm xuống những đường chì do tay mình thể hiện, B.52 đó!
    Sĩ quan trinh sát vừa hô: "B.52 vào đến Việt Trì" thì sĩ quan Lâm Chuế đã báo cáo:
    - 59 có mục tiêu!
    Trung đoàn trưởng hỏi ngay:
    - Dải nhiễu hay tín hiệu?
    - Dải nhiễu. Ðúng B.52 rồi! Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 59 Nguyễn Thăng báo cáo.
    - Ðộ cao bao nhiêu? Trung đoàn trưởng hỏi lại.
    - Mười nghìn.
    Lúc này trên vùng trời tây-bắc có rất nhiều máy bay địch. Ðúng 20 giờ 13 phút, từ trận địa CL, kíp chiến đấu của tiểu đoàn 59 gồm có sĩ quan điều khiển Thuận cùng các trắc thủ Linh, Tứ, Ðộ dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng đã phóng liền hai quả đạn vào tốp B.52 mang ký hiệu 671 (do ta đặt). Mặc dù trận địa của tiểu đoàn vừa bị rung chuyển, đất đá tung khắp nơi do bom B.52 nổ kề bên. Ðây là những quả đạn đánh B.52 đầu tiên của tiểu đoàn 59.
    Khi chúng tôi đang chăm chú dõi theo các mệnh lệnh, thì từ trên chòi trinh sát của sở chỉ huy bỗng vang lên những tiếng hô đầy phấn chấn:
    - Cháy rồi ! Máy bay địch cháy rồi!
    Tin tức đến với chúng tôi khá nhanh và thống nhất: Có máy bay rơi ở Phủ Lỗ. Chưa biết là máy bay gì? Thường vụ đảng ủy và ban chỉ huy trung đoàn hội ý chớp nhoáng. Chúng tôi khẳng định: Ðánh thắng ngay từ quả đạn đầu là một thành công lớn. Ngay lập tức phải cổ vũ toàn trung đoàn học tập tiểu đoàn 59 đánh các trận sau, đợt sau tốt hơn. Tiểu đoàn 59 báo cáo đã khẳng định bắn rơi B.52. Nếu quả thật như vậy thì vinh dự này đến với trung đoàn chúng tôi thật to lớn, bất ngờ!
    Chúng tôi vẫn chưa dám báo cáo lên trên. Ngay lúc đó tiểu đoàn 57 của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt báo cáo: "Qua kính TZK nhìn thấy chiếc máy bay bị bắn rơi cháy rất to!".
    - Rất to thì đúng B.52 rồi!
    Trung đoàn trưởng vui vẻ khẳng định. Mặc dầu vậy trong sở chỉ huy vẫn có hai luồng ý kiến. Một số thì bảo B.52 rơi một trăm phần trăm rồi. Một số khác thì vặn lại: Máy bay to, chắc gì đã là B.52! Trong không khí sôi động đó, chính ủy trung đoàn gọi điện báo cáo lên chính ủy sư đoàn. Chính ủy sư đoàn hỏi:
    - Có chắc chắn là B.52 không?
    - Báo cáo anh, tiểu đoàn 59 và tiểu đoàn 57 đều khẳng định như vậy.
    Chính ủy sư đoàn chỉ thị:
    - Cần phải đến tận nơi xem sao.
    Xưa nay sư đoàn chúng tôi vẫn giữ nguyên tắc: "Phải sờ được đuôi máy bay địch mới công nhận bắn trúng, bắn rơi tại chỗ". Ðêm ấy trời tuy không lạnh, nhưng ngồi trên chiếc xe con mui bạt tuềnh toàng, gió đánh phần phật rét run người. Xe chạy chừng ba ki-lô-mét mới đến đường số 3. Chúng tôi sẽ phải chạy qua trọng điểm Ðông Anh - Uy Nỗ, nơi vừa bị bom B.52, sau đó qua cầu Phủ Lỗ. Phía trước mặt ga Ðông Anh đang cháy. Có lẽ B.52 đánh đúng một bãi xăng ngầm. Thỉnh thoảng lại có một tiếng nổ lớn, những quả cầu lửa văng lên cao, những lưới lửa xanh biếc thia lia lên trời...
    Ðến gần khu vực biến thế, chợt chiếc xe con phanh khự lại. Cách đầu xe vài thước là một đồng chí công an.
    - Có bom nổ chậm hả đồng chí? - tôi hỏi.
    - Không. Cây đổ đầy đường không đi được.
    Tôi nhảy xuống xe.
    - Các đồng chí định đi đâu ?
    - Chúng tôi lên chỗ máy bay rơi ở Phủ Lỗ.
    - Thế thì quay lại đi đường Chèm, lên Phúc Yên rồi vòng xuống. Ði đường vòng thúng xa gấp ba, bốn lần, nhưng chẳng còn cách nào hơn đâu.
    Ðồng chí công an cho chúng tôi một giải pháp, rồi quay đi ngay. Bóng áo vàng chập chờn trong ánh chớp của những đám cháy.
    - Quay lại, đi đường Chèm!
    Tôi ra lệnh. Anh em chúng tôi đến Phủ Lỗ khá nhanh. Tôi rời khỏi xe, chạy vào một ngôi nhà nhỏ còn sáng đèn ở bên đường. Trong nhà có một chị phụ nữ đang đặt con vào đôi quang thúng. Có lẽ người mẹ sắp gánh con đi sơ tán. Tôi đánh tiếng và hỏi:
    - Chị ơi, chị có biết máy bay rơi ở đâu không?
    - Các anh đi một đoạn nữa. Ngoài cánh đồng kia. Nó còn đang cháy đấy.
    Chúng tôi lại lên xe, đi thêm một đoạn ngắn, thấy một đám người túm tụm ven quốc lộ số 3. Tôi hỏi :
    - Cái gì đấy các đồng chí?
    - Máy bay rơi đúng cái tàu lu. Bẹp mất chiếc xe rồi.
    - Có ai việc gì không?
    - Không.
    Tôi bật đèn pin, một cái động cơ rất lớn. Trần trụi một cục. Ðồng chí trợ lý chính trị hỏi một cô dân quân:
    - Có phải B.52 không, đồng chí?
    - Các anh thử xem nó là "bê" gì.
    Mấy cô cười rúc rích.
    Quả thật đống sắt này chẳng nói được điều gì. Chúng tôi nhằm một đám cháy lớn, sáng rực giữa cánh đồng mà chạy tới. Lại gặp một tốp dân quân khác đi tới.
    - Các anh đừng vào, nhỡ còn bom đạn nó nổ. Lửa cháy lâu lắm rồi mà chưa tắt.
    - Có ai ở trong đó chưa ?
    - Chưa ạ.
    Chúng tôi vào xem. Nhiều mảnh xác máy bay rơi tản mát. Ðó là những mảnh xác không có chữ nghĩa, dấu ấn gì. Chỗ lửa cháy lớn kia là khoang lái... Bước hụt, vấp ngã. Vòng vèo theo những bờ ruộng ướt đẫm sương đêm, chúng tôi đến nơi lửa đã tàn dần. Một đống xác lù lù như một tòa nhà đập vào mắt mọi người.
    - B.52 đây rồi!
    Thực ra lúc ấy, chúng tôi đã khẳng định B.52 trăm phần trăm. Nhưng trí tò mò cứ thúc giục mọi người tìm kiếm dấu tích của B.52 là lấy bằng được một tấm nhãn hiệu mang về.
    - Chú ý xem nó có ghi B.52 không?
    Tôi nhắc anh em. Mấy cái đèn pin lia quét lên từng mảnh xác. Có một đồng chí trợ lý reo lên:
    - Anh Lạng ơi, có cái này hay lắm...
    Tôi chạy lại. Dưới ánh đèn pin, tấm huy hiệu của Bộ chỉ huy Không quân chiến lược SAC. Tôi cũng bập bõm được chút tiếng Anh nên khẳng định ngay:
    - Ðúng B.52 rồi các cậu ạ!
    Anh em xúm cả lại. Tôi giải thích :
    - Strategic là chiến lược. Air là không quân. Command là chỉ huy. Strategic air command là chỉ huy không quân chiến lược. Chúng ta nắm chắc trong tay B.52 rồi.
    Sau khi khẳng định đích xác đây là B.52, chúng tôi bắt gặp khá nhiều chữ B.52-G viết lẫn trong những dòng tiếng Anh. Tôi có ý định mang một mảnh xác có chữ B.52-G về nhà để làm bằng chứng. Khó quá, không có mảnh xác nào có mấy chữ ấy lại có thể mang đi được. Tôi hy vọng tìm thấy miếng nhãn tôi đang cần ở buồng lái.
    Lách qua những cánh cửa bẹp dúm, vỡ toác, vừa chui vào khoang lái, tôi nhận ngay ra mùi thơm của một thứ nước hoa hảo hạng. Mặc dù bị pha trộn đủ thứ mùi khét lẹt của đám cháy, mùi nước hoa sực nức vẫn gây một ấn tượng lạ lùng. Tôi đá phải một lọ kem cạo râu. Một thứ nước mầu sữa chảy ra, thơm lựng:
    - B.52-G đây rồi !
    Tôi lấy dao găm cạy bằng được tấm nhãn hiệu gắn trên hộp khống chế độ cao. Trên tấm nhãn hiệu có ghi rõ : B.52-G...
    Cho đến nay, tôi vẫn không quên cái cảm giác xúc động, náo nức thật khó tả khi ở trong buồng lái B.52 bước ra. Chỉ tiếc lúc đó đứng giữa cánh đồng lộng gió ấy không có thứ máy móc gì để tôi gào to để ở sở chỉ huy trung đoàn và cấp trên nghe thấy. "Ðúng là B.52 bị bắn rơi tại chỗ rồi các đồng chí ơi!".
    Lúc chạy đi lấy xác B.52 nhanh, vội như thế nào, thì lúc về chúng tôi cũng tất tả, sốt nóng như thế. Ngồi trên xe bàn nhau cứ cất biến mọi thứ chiến lợi phẩm đi, dọa ở nhà một mẻ mà không sao thực hiện được màn kịch ấy. Chưa chạy đến hầm chỉ huy chân tôi đã ríu lại. Ngực đập thình thịch. Sao lúc ấy tự dưng tôi xúc động mạnh đến thế. Nghe trong hầm lao xao: "Ông Lạng về rồi!". Tôi vội chạy ào vào:
    - Báo cáo hai "cụ" và cả nhà, xác thằng "bê" đây rồi!
    Tôi đặt tất cả những thứ lấy được từ chiếc máy bay rơi lên bàn. Trung đoàn trưởng Tạo ôm lấy tôi, rồi cầm mảnh kim loại có chữ B.52-G soi lên trước đèn cười hể hả.
    - Bê-năm-hai-giê! ...
    Rồi trung đoàn trưởng vội quờ tay cầm máy điện thoại. Cứ tưởng anh Tạo báo cáo sư đoàn, không ngờ anh nhắc tất cả các tiểu đoàn trưởng cầm máy. Mắt trung đoàn trưởng lóng lánh, tiếng anh nhỏ, nghẹn ngào:
    - Thông báo tới từng cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn: Trung đoàn ta đã bắn rơi tại chỗ chiếc B.52-G đầu tiên của giặc Mỹ. Chúng ta nhất định sẽ bắn rơi nhiều chiếc khác...
    Cả sở chỉ huy bỗng lặng đi vì xúc động. Tôi hiểu vì sao trung đoàn trưởng đã dành những phút sung sướng nhất này cho mọi cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn H.61.
  4. kqndvn

    kqndvn Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    24/12/2004
    Bài viết:
    1.117
    Đã được thích:
    0
    Người tìm ra cách "nhìn thấy" B-52 trong đêm
    Đến ngày 25.12.1972 không quân ta chưa bắn rơi được chiếc B-52 nào. Đêm đêm, trên bầu trời, B-52 xếp hàng vào thả bom xuống Hà Nội. Chúng tôi cho Mig xuất kích nhưng không sao lọt vào đội hình của B-52. Bọn tiêm kích Mỹ đối phó có hiệu quả, buộc chúng tôi phải quay về hạ cánh. Lòng chúng tôi quặn đau và căm giận.
    Làm sao nhìn thấy được B-52?", đó là câu hỏi của sĩ quan dẫn đường và phi công. Ban ngày liên tục chiến đấu. Ban đêm, không đêm nào được ngủ, đầu nặng trĩu, mắt cứng lại, chúng tôi chịu đựng một sự căng thẳng đến tột độ... chúng ta đều biết, ban đêm nhìn bằng mắt thường xa nhất chỉ vài trăm mét đến vài kilômét nếu có ánh đèn. Phương tiện của không quân ở nước nào cũng vậy, muốn nhìn xa và ngắm bắn đều phải dựa vào radar trên máy bay, mà radar Mig đã bị vô hiệu hoá hoàn toàn bằng nhiễu sóng điện tử. Trên mỗi chiếc B-52 có tới 8 máy gây nhiễu ở mọi tần số, Mig hoàn toàn bị tê liệt. Cách gì để thấy B-52?
    Tư lệnh Không quân Đào Đình Luyện bất ngờ gợi ý cho chúng tôi "phát hiện B-52 bằng mắt thường" và chính anh giải thích điều đó trong tình hình nghiêm trọng, gieo cho chúng tôi một tia hy vọng lơ lửng...
    - Nếu chúng ta không mở radar trên máy bay, thì chúng ta loại bỏ hoàn toàn máy gây nhiễu trên B-52 và EB-66 (EB-66 là loại máy bay gây nhiễu và chỉ huy của Không quân Mỹ) - Anh động viên - Chúng ta sẽ coi như dẫn đường chiến đấu ban ngày. Vấn đề là làm sao radar dẫn đường ở mặt đất nhìn thấy B-52, chúng ta thử bàn". Vốn nhạy bén về tư duy chiến thuật, anh chỉ đạo ngay cho chúng tôi tính toán, còn các sĩ quan quân báo, tìm ngay tin tức về đèn trên B-52. Thú thật, lúc đầu chính tôi là người hoài nghi, cho rằng không thể làm được, bởi ngay trên radar ở mặt đất, ban ngày, chúng tôi dẫn cho phi công đến cách mục tiêu chỉ có sáu kilômét, có phi công còn không nhìn thấy huống hồ là ban đêm. Suốt từ đầu chiến dịch tập kích bằng B-52, bọn Mỹ đã vô hiệu hoá hoàn toàn radar trên máy bay, còn radar dẫn đường ở mặt đất bị nhiễu rất nặng, không nhìn thấy B-52, làm sao dẫn đường cho phi công nhìn thấy trong điều kiện ban đêm? Dẫn bằng cách nào?
    Dường như biết sự do dự của chúng tôi, đại tá Tư lệnh Không quân đã đến cùng chúng tôi. Anh thuyết phục, không phải bằng tình cảm thông thường, mà cảm hoá chúng tôi bằng chính sự chứng minh một cách khoa học. Anh đã làm cho tôi và đồng nghiệp của tôi nhìn thẳng vào sự thật, đi tìm cái cốt lõi ở ý chí của người chỉ huy. Chúng tôi lại lao vào công việc một cách say sưa và không phải mất công lâu, đã tìm ra đáp số cho bài toán tưởng rằng nan giải đó...
    Thế là chỉ sau đó một ngày, chúng ta liên tục hạ một chiếc B-52, ba chiếc F-4, một chiếc RA-5C, ngày hôm sau lại đánh gục một chiếc B-52 nữa cũng bằng mắt thường. Lại một lần nữa, bằng cái thô sơ, chúng ta đã đánh thắng. Đó chính là nghệ thuật quân sự, trong cái khó tưởng chừng như không vượt qua nổi, anh Đào Đình Luyện đã giúp và cùng chúng tôi tìm ra tư duy chiến thuật mới để làm nên chiến công cho không quân nhân dân VN.
  5. kqndvn

    kqndvn Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    24/12/2004
    Bài viết:
    1.117
    Đã được thích:
    0
    Phố Khâm Thiên - Ký ức và những cuộc đời
    Người dân phố Khâm Thiên, Hà Nội khó có thể quên đêm 26-12-1972 kinh hoàng đã cướp đi 287 sinh mạng trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Vệt bom rải thảm dài hàng km biến cả khu vực đông dân cư thành bãi hoang tàn. 30 năm sau, trên đống đổ nát xưa đã là cảnh phố sá sầm uất, tấp nập. Dấu tích những hố bom không còn nữa nhưng mọi người vẫn không thể quên được những ngày tháng vượt qua mất mát để vươn lên.
    Chỉ một mảnh áo bông còn lại
    Chen chúc giữa đông đúc và ồn ào của ngõ Chợ Khâm Thiên, tôi tìm đến nhà người phụ nữ tên Tâm có bố là tự vệ hy sinh trong đêm 26-12 và được công nhận là liệt sĩ. Ngày ấy, mẹ chị và bà con tìm xác ông ròng rã nhiều ngày nhưng không thấy. Cuối cùng, bà chỉ nhận ra được mảnh áo bông rách nát - một phần trên chiếc áo mà ông đã mặc, cũng là chiếc áo bà mới may cho ông. Từ đó, hai mẹ con luôn đặt mảnh áo bông trên bàn thờ, giữ gìn như một kỷ vật thiêng liêng.
    Bức ảnh chụp ngôi nhà số 20 ngõ Chợ Khâm Thiên của chị Tâm sau trận bom cách đây 30 năm đã ố vàng song nó cho thấy cảnh vật nay đã đổi thay quá nhiều. Trên đống đổ nát xưa là ngôi nhà ba tầng khang trang. Hiện tại, chị Tâm đang ở nhà trông nom một quầy hàng tạp hóa, cũng để tiện việc chăm sóc con cái. Tiếp xúc với chị, tôi cảm nhận rằng không có nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Giờ đây, tâm nguyện của chị là đem mảnh áo bông của cha đặt dưới một mộ phần tượng trưng bên cạnh mộ mẹ, để người mẹ kính yêu đã khuất được yên lòng. Hiện nay, nhiều người đang cất công đến những chiến trường ác liệt năm xưa để tìm cho được di cốt những đồng đội đã mất tích. Nhưng mấy ai biết rằng giữa lòng Hà Nội có những người đã hy sinh và mãi mãi không bao giờ tìm thấy dù chỉ là một phần thi thể.
    Ký ức những người đang sống
    Nhiều chứng nhân vừa là nạn nhân của trận bom Mỹ hiện sống ở Khâm Thiên nay đã đến tuổi cổ lai hy. Nhiều người đôi khi trí nhớ đã lẫn lộn, song trong họ dường như vẫn tồn tại một vùng ký ức về những ngày ấy.
    Nhà ông Nguyễn Văn Cầu nằm tận cùng trong con ngõ số 57 sâu hun hút ở phố Khâm Thiên. Trong trận máy bay Mỹ rải bom năm 1972, ông mất 5 người thân: vợ, con trai, em trai và vợ chồng người cháu ruột khi cô cháu dâu đang có mang tháng thứ 8. Bản thân ông thoát chết do đi trực ở cơ quan là Nhà in báo Hà Nội mới. Ðêm đó, đứng trước đống đổ nát, ông không thể xác định được đâu là nhà mình. Mất mấy ngày đào xới, ông và đội cứu sập mới tìm được xác của năm người thân bị chôn vùi dưới một bể nước cạn: "Mất mát như thế nhưng vẫn phải sống vì ba đứa con dại còn đang ở nơi sơ tán, biết trông cậy vào ai đây!", ông Cầu rưng lệ.
    Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông đón các con về phố, dựng tạm túp lều tranh để ở. Cảnh gà trống nuôi con vất vả lại lo các con không được chăm sóc chu đáo, ông quyết định đi bước nữa. Người vợ thứ hai của ông đã chịu thương, chịu khó nuôi dạy các con khôn lớn. 30 năm sau, túp lều ở tạm ngày nào không còn mà thay bằng một cơ ngơi khang trang. Ông Cầu đã nghỉ hưu được mấy năm. Xen trong câu chuyện với tôi, ông luôn nhắc tới những đứa cháu trai, cháu gái xinh xắn của mình. Chúng ngoan và chăm học.
    Rời nhà ông Cầu, tôi hỏi thăm đường đến nhà những người đã tham gia đội cứu sập hiện sống ở Khâm Thiên. Ðó là ông Ðinh Văn Bách (nguyên đội trưởng, bà Phùng Thị Tiệm, bà Nguyễn Thị Tuyết (đội viên duy nhất được tặng Huy hiệu Bác Hồ cho thành tích cứu sống hàng chục người bị mắc kẹt trong gạch vỡ, ngói đổ). Tất cả những thành viên của đội giờ đang sống cuộc đời bình thường như bao người dân khác của khu phố Khâm Thiên. Bà Tuyết nay đã ngoài 80 tuổi bị bệnh cao huyết áp hành hạ. Theo lời kể của ông Bách, bà Tiệm, sau trận bom năm ấy, cả đội cứu sập mới thành lập đã lăn xả vào trận địa với nhiệm vụ tìm kiếm người bị nạn và dọn dẹp hiện trường. Họ không thể quên được cảnh những mảnh thi thể vướng khắp nơi, trên cành cây, dưới gạch nát. Sự tàn phá của bom B52 thật khốc liệt. Cho đến giờ, hai ông bà vẫn không hiểu vì sao bà Tuyết một phụ nữ chân yếu tay mềm đã ở tuổi trung niên lại có thể làm việc liên tục trong nhiều ngày đêm và lập được thành tích đáng khâm phục như vậy!
    Từ "Bia căm thù" đến "Tượng đài Khâm Thiên"
    Trở lại quãng thời gian đầu năm 1973, trong khi còn những người chưa dựng được nhà ở tạm, được sự đồng ý của các gia đình ở số nhà 47, 49 và 51, người dân Khâm Thiên đã dựng lên trên nền đổ nát của những ngôi nhà này một tấm bia bằng bìa xốp và đặt tên là "Bia căm thù". Ðến đầu những năm 1990, Nhà nước công nhận đây là di tích lịch sử-văn hóa, đồng thời công nhận tên gọi "Ðài tưởng niệm Khâm thiên". Mới đây, bức tượng đất nung "Mẹ bồng con" đặt ở Ðài tưởng niệm hàng chục năm đã được thay bằng tượng đồng đen. Ngày Rằm, mùng Một, người dân quanh phố lại đến đây để thắp nhang tưởng nhớ hương hồn những người đã chết trong trận bom.
    Người Khâm Thiên trước kia phần lớn là dân lao động, làm việc trong các HTX tiểu thủ công nghiệp. Những người ở mặt phố thì mở hàng buôn bán, làm nghề thêu, đan, quay sợi, gò hàn... Sau trận bom năm 1972, tất cả phải làm lại từ đầu. Nhà tranh, nhà ngói, rồi những ngôi nhà cao tầng lần lượt mọc lên. Những ngõ vắng trở nên đông đúc và mang dáng dấp "ngõ Hà Nội": hẹp bề ngang, nhưng sâu thì hun hút. Chỉ có điều, ở ngõ nào cũng có một vài gia đình bị mất người thân trong trận bom cách đây 30 năm. Họ đã từng đồng cảnh ngộ nên đều quen thuộc nhau cả. Tôi nghe anh Tính ở ngõ Hồ Cây Sữa kể, trong thời kỳ "thóc cao, gạo đắt", gia đình anh cùng góp với gia đình anh Dư, chị Thủy gần nhà làm chung giỗ cho những người thân của mình. Khi cuộc sống thời mở cửa ào về, người dân ở đây cũng khó có cơ hội gần gũi nhau như ngày nào. Nhưng cứ đến dịp 26-12, người ta vẫn tụ lại để cùng nhau "ôn cố tri tân".
    Được kqndvn sửa chữa / chuyển vào 13:21 ngày 30/01/2006
  6. kqndvn

    kqndvn Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    24/12/2004
    Bài viết:
    1.117
    Đã được thích:
    0
    Phố Khâm Thiên ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ
    Trong cuộc chiến đấu chống máy bay B52 của đế quốc Mỹ xâm lược Hà Nội, nhiều khu phố đã bị máy bay Mỹ thả bom gây thiệt hại nặng nề về người và của. Trong đó, phố Khâm Thiên là nơi bị máy bay Mỹ đánh phá nhiều và ác liệt nhất, gây những tội ác dã man với người dân thường. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc về địa danh lịch sử: Phố Khâm Thiên.
    Phố Khâm Thiên dài hơn 1.200m, là đường trục phía tây nam Thủ đô, một đầu giáp Ô Chợ Dừa, đầu kia gần đến hồ Thiền Quang. Tên nôm na của phố dịch ra là "Ðài trời" hoặc "Quan sát trời" bởi từ thế kỷ 11, các triều đại Lý-Trần-Lê đã lập "Ðài Khâm Thiên giám", là cơ quan thiên văn, lịch phát trông coi về thời tiết lúc bấy giờ. Di tích đài này không còn, vị trí ở vào khoảng phía Ðông chùa Liên Hoa đến ngõ Sơn Nam ngày nay. Nhiều nhà thiên văn học và lịch pháo học nổi tiếng của Việt Nam như Ðặng Lộ - người chế tạo ra một loại kính viễn vọng đặt tên là "lung linh nghi"; như Trần Nguyên Ðán - tác giả cuốn "Bách thế thông kỷ sư", một cuốn lịch dùng cho nhiều thế kỷ, đã sống va hoạt động khoa học ở đài Khâm Thiên giám này. Phố Khâm Thiên ngày xưa vốn là khu lao động nghèo nàn, nhếch nhác. Lúc bấy giờ, chính quyền thành phố Hà Nội đã cải tạo, xây dựng Khâm Thiên thành một phố sầm uất, sạch sẽ, đường mở rộng thêm, nhà cửa hai bên đường và trong các ngõ được sửa sang lại. Thành phố Hà Nội đã mở hàng chục cống thoát nước để chống nạn ứ đọng thường diễn ra trong khu vực phố này. Hàng trăm vòi nước được xây dựng, hệ thống ống dẫn nước kéo về tận các xóm lao động. Chợ Khâm Thiên được mở rộng và tu bổ đẹp thêm nhiều. Trên đường Khâm Thiên dài hơn 1 km, mọc lên nhiều cửa hàng bách hóa, rau quả ăn uống, dược phẩm, rạp chiếu bóng để phục vụ hàng vạn dân lao động. Tuy nhiên, vào đêm 26-12-1972, khu phố sầm uất này chỉ trong mấy chục phút đồng hồ, đã bị hàng trăm quả bom của đế quốc Mỹ rải thảm xuống, san phẳng hầu hết các công trình công cộng và nhà ở của nhân dân. Một cuộc hủy diệt lớn chưa từng có trong lịch sử khu phố đã diễn ra.
    Cuộc không kích của Mỹ tháng 12-1972 vào Hà Nội, Hải Phòng mang tên "Cuộc hành binh Linebecker", Ðế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng lớn vào cuộc đánh phá miền Bắc, gồm 193 máy bay chiến lược B 52 (chiếm 46% lực lượng B 52 của toàn nước Mỹ); 1.077 máy bay chiến thuật đủ các loại hiện đại, tức là bằng lực lượng không quân của cả hai cường quốc Anh và Ðức cộng lại. Bầu trời Hà Nội vốn thanh bình đã phải chịu sự tấn công liên tục với áp lực lửa đạn hết sức tàn khốc. Rất nhiều đường phố của Thủ đô thời kỳ ấy đã bị bom Mỹ cày xới. Ðêm thứ chín trong chiến dịch 12 ngày đêm oanh tạc. Ngay sau đêm Noel, cho đến 22 giờ ngày 26-12, Hà Nội vẫn yên tĩnh. Phố Khâm Thiên đông đúc đã dần chìm vào giấc ngủ sau một ngày căng thẳng trực chiến máy bay Mỹ bay vào bắn phá. Nhưng, đến 22 giờ 30, các màn hình radar của bộ đội phòng không không quân bỗng thấp thoáng xuất hiện mục tiêu. Còi báo động toàn thành phố rung lên. Ngay sau đó, tiếng máy bay Mỹ gầm gào phá vỡ bầu trời đêm vốn rất căng thẳng. Pháo cao xạ, tên lửa của ta bắt đầu lên tiếng. Một tấm màn sắt được chăng lên bảo vệ Thủ đô thân yêu. 22 giờ 45, nhiều loạt bom Mỹ dội xuống. Các khu vực bị bom nhiều nhất trong buổi tối bi thương ấy là An Dương, Bạch Mai, Ô Chợ Dừa, ga Hàng Cỏ. Ðặc biệt, cả một dãy phố dài Khâm Thiên lập tức bị bom Mỹ tàn phá. Bom Mỹ rải thảm từ đầu Ô Chợ Dừa đến ga Hàng Cỏ. Không ai ngờ, một khu vực đông dân thường như thế, một khu vực không hề có một cơ sở quân sự, chính trị quan trọng lại là điểm tập kích dữ dội của bom đạn. Sáu khối phố của Khâm Thiên bị hủy diệt hoàn toàn. Ðó là các khối phố: 40, 42, 44, 45, 46 và 47 còn lại 11 khối phố khác cũng bị tàn phá nặng nề. Bom đạn Mỹ đã làm sập 611 ngôi nhà (trong đó có nhiều ngôi nhà có nhiều kiến trúc đẹp và vững chãi xây dựng từ thời thuộc Pháp), 1.624 ngôi nhà khác với tổng diện tích 71.402 m2 bị hư hỏng làm cho 2.601 gia đình và 14.562 người dân không còn chỗ ở. Tài sản cá nhân của hàng ngàn gia đình theo đó mà cũng biến thành tro bụi. Chợ Khâm Thiên chỉ còn là một đống gạch vụn đổ nát. Trường Mẫu Giáo Mầm Non đổ sập hoàn toàn.
    Bom đạn Mỹ đã cướp đi 287 sinh mạng, trong đó có 43 cụ già, 37 trẻ em, 88 phụ nữ và làm bị thương 290 người (phần lớn là phụ nữ và trẻ em). Nhiều gia đình có 4 hoặc 5 người bị chết. Gia đình cụ Nguyễn Ðức Thành có 4 người chết, 4 người bị thương. Gia đình bác Nguyễn Văn Cân có vợ, con, em ruột và cháu đều bị chết. Gia đình ông Ngô Huy Chí có đến 6 người chết trong ngôi nhà số 46, chỉ còn một người con đang chiến đấu ở chiến trường xa. Một quả bom rơi đúng hầm nhà ông Ðào Văn Lượng. Vợ chồng ông và cô con gái lớn chết ngạt dưới đống gạch tường đổ xuống. Cụ ông Nguyễn Tài Thú mới về hưu được ít ngày cũng bị bom Mỹ giết hại. Hai người con dâu và hai người con đẻ của cụ cũng bị bom vùi sâu. Gia đình bà Thịnh có ba người xưa nay chỉ biết phục vụ trong chợ Khâm Thiên và chăm lo công việc gia đình, khối phố đều bị bom Mỹ giết hại. Chị Nhâm trước lúc mất còn kêu bà con cứu giúp các con cho chị. Ba đứa con của chị lớn nhất chưa đầy 10 tuổi, bé nhất mới 12 tháng tuổi. Gia đình chị Hậu bị bom Mỹ giết hại cả gia đình...
    Cùng với việc phá huỷ nhà cửa, giết chết dân thường, các công trình văn hóa, lịch sử của khu phố cũng bị thiêu hủy. Ngôi nhà số 312, nơi những người cộng sản thành lập tổ chức Ðông Dương Công sản Ðảng hồi đầu thế kỷ cũng bị bom Mỹ san phẳng. Ðình Tương Thuận không còn một mảng ngói lành. Nhà hộ sinh Thổ Quan lửa cháy ngày đêm. Sau trận bom khủng khiếp ấy, Khâm Thiên còn lại là một bãi hoang tàn đổ nát, gạch đá chổng chơ. Phóng viên hãng AFP từ Bắc Kinh đến Hà Nội vào ngày 28-12-1972 đã viết: "Phố Khâm Thiên là một trong những phố đông vui náo nhiệt đã thành một đống gạch vụn đổ nát. Sau trận bom là một thảm cảnh hoang tàn tang tóc. Người Mỹ nói máy bay của họ không tấn công các khu dân sự như họ đã ném bom xuống Khâm Thiên, một khu phố chỉ có người dân lương thiện ở".
    Hơn 30 năm sau, tàn tích của chiến tranh, bom đạn không còn nữa. Các thế hệ nối tiếp lớn lên mà không ai có thể quên được sự hủy diệt ấy. Ngày nay đi qua ngôi nhà của cụ Thành, số 45 Khâm Thiên, người ta vẫn còn bùi ngùi khi nhìn một khu tưởng niệm trận bom huỷ diệt. ở đó một bức tượng người phụ nữ bồng con trong đạn lửa. Những cây đại chung quanh như siêu thoát cho linh hồn người đã mất và nhắc nhở người đang sống hôm nay. Phố Khâm Thiên ngày nay, là một khu đông dân cư bậc nhất Hà Nội. Phố gồm hai phường là Thổ Quan và Khâm Thiên có hơn 600 hộ với trên 30.000 người. Từ hai bên đường phố chính dài và thẳng, có bao nhiêu là ngõ rẽ, từ những ngõ ấy lại rẽ thêm bao nhiêu là ngách nữa. Những tên gọi cổ kính, gợi một lịch sử lâu đời gắn liền với sự hình thành Thủ đô: Khâm Ðức, Ðình Trung Thuận, Vạn ứng, chùa Liên Hoa, ngõ Thổ Quan, Sơn Nam, Trung Tả, Thiên Hùng, Trung Phụng... Riêng ngõ Trung Phụng còn rẽ ra hơn chục ngõ nhỏ. Phố Khâm Thiên còn có tới vài trăm cửa hàng chuyên may mặc quần áo bình dân, một dãy phố rất đông và nhộn nhịp suốt từ mờ sáng cho đến nửa đêm.
  7. kqndvn

    kqndvn Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    24/12/2004
    Bài viết:
    1.117
    Đã được thích:
    0
    Ðiện Biên Phủ trên không: Vượt quá sức chịu đựng của Mỹ
    Sau khi thua đau tại các chiến trường ven biển khu V và đồng bằng Nam Bộ, tháng 5-1972, Nixon cay cú quyết định dùng B52 để đánh phá thủ đô Hà Nội. Song một lần nữa, không lực Mỹ lại nếm mùi thất bại khi gặp phải một lưới lửa phòng không thông minh và kiên cường của Hà Nội. 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B52 bị bắn rơi, vượt quá sức chịu đựng chiến lược của Mỹ. Chiến thắng trong 12 ngày đêm đó xứng tầm một trận "Ðiện Biên Phủ trên không".
    Năm 1972, nước Mỹ qua các nhiệm kỳ chính phủ trước đã phần nào nhận ra những sai lầm về sự sa lầy chiến tranh ở Việt Nam. Khi lên làm tổng thống, Nixon đề ra học thuyết mới với chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", nhưng Mỹ vẫn ngoan cố: "Chưa đánh thắng thì chưa chịu rút quân".
    Ðể tạo điều kiện kết hợp chặt chẽ hơn nữa đấu tranh quân sự với chính trị, ngoại giao, ta đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược 1972 trên toàn miền nam nhằm tiêu diệt lớn quân địch, mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng, thay đổi cục diện cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
    Trong cuộc tiến công chiến lược này, ta chủ trương kết hợp ba đòn chiến dịch có ý nghĩa chiến lược: Tiêu diệt địch trên chiến trường lựa chọn; Tiến công và nổi dậy ở các vùng nông thôn chống phá bình định; Ðấu tranh chính trị ở thành thị, kết hợp đấu tranh quân sự - chính trị - ngoại giao, giành thắng lợi chiến lược ở miền nam.
    Về quân sự, ta tiến hành đồng thời các chiến dịch tiến công của bộ đội chủ lực trên ba hướng: đường số 9 - Trị Thiên, bắc Tây Nguyên và đông Nam Bộ. Hướng chủ yếu là đường số 9 - Trị Thiên, cùng các chiến dịch tiến công tổng hợp ở đồng bằng Nam Bộ và đồng bằng ven biển khu V, hình thành một cuộc tổng tiến công toàn miền để tiêu diệt lớn quân địch và mở rộng vùng giải phóng.
    Ðối với miền bắc, Mỹ trắng trợn vi phạm điều cam kết ngừng ném bom bắn phá và các hành động chiến tranh khác, đánh phá đường vận chuyển chiến lược của ta. Hơn nữa chúng còn đẩy mạnh "chiến tranh đặc biệt" ở Lào và mở rộng chiến tranh sang Cam-pu-chia. Ðến lúc này, diễn biến trên chiến trường có hình thái như một cuộc chiến tranh "không - bộ", mà lực lượng không quân chủ yếu vẫn là do quân Mỹ đảm nhiệm. Còn chiến đấu trên "bộ" là lực lượng quân ngụy, đối tượng tác chiến chủ yếu của ta trên chiến trường.
    Về phía ta, tuy thắng lợi lớn trên các chiến trường ba nước Ðông Dương trong năm 1971, nhưng chưa có chuyển biến gì lớn trên chiến trường chính miền nam. Mặc dù còn gặp một số khó khăn về bố trí lực lượng và tổ chức chiến trường, nhưng ta đã có những cố gắng vượt bậc, quyết tâm giành thắng lợi. Bởi vậy, cuộc chạy đua giữa ta và địch trong năm 1972 là một cuộc đọ sức có ý nghĩa quan trọng để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến một bước ngoặt quan trọng.
    Trên chiến trường miền nam, địch phán đoán và chờ ta tiến công vào dịp tết Nhâm Tý (1972). Nhưng ta lại tỏ ra không có hoạt động gì lớn.
    Ðột nhiên, ngày 30-3-1972, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công dồn dập vào các tuyến phòng thủ của địch ở đường số 9 - bắc Quảng Trị, bắc Tây Nguyên, đông Nam Bộ, tiếp đó là đồng bằng ven biển khu V và đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc tiến công chiến lược này bắt đầu với ba chiến dịch tiến công binh chủng hợp thành quy mô tương đương cấp quân đoàn, cùng một lúc đột phá mãnh liệt vào phòng tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch trên ba hướng chiến lược.
    Ðịch hoàn toàn bị bất ngờ về thời điểm, hướng chủ yếu và cả quy mô, cường độ cuộc tiến công của ta.
    Trên hướng chủ yếu, chiến dịch tiến công Trị Thiên, ngay sau ba ngày mở đầu chiến dịch, ta đã đập vỡ hoàn toàn vỏ cứng của tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Bằng cường độ tiến công mãnh liệt, liên tục nhiều đợt, với sự phối hợp của các hướng khác, sau gần ba tháng, quân ta đã làm chủ một vùng rộng lớn từ Đông Hà - Ái Tử, La Vang, nam sông Thạch Hãn đến bắc sông Mỹ Chánh, uy hiếp Huế - Ðà Nẵng.
    Trên hướng phối hợp, chiến dịch bắc Tây Nguyên, đây là khu vực mà địch phán đoán sẽ là hướng tiến công chính của ta trong năm 1972. Quyết tâm chiến dịch của ta là chưa đột phá ngay vào tuyến phòng thủ mà kéo địch ra ngoài để tiêu diệt chúng trong vận động. Trước đó ta giả làm một con đường cách bắc thị xã Kon Tum khoảng 30km để nghi binh thu hút địch. Sau đó ta bí mật mở một con đường vòng về phía đông Ðắc Tô. Vào thời điểm phối hợp với hướng chính Trị Thiên, ta bất ngờ tiến đánh Ðắc Tô - Tân Cảnh từ phía đông là nơi địch sơ hở, ít phòng bị nên chỉ trong vòng một ngày ta đã chiếm được Ðắc Tô - Tân Cảnh. Lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, ta tiêu diệt được một căn cứ trung đoàn tăng cường trên tuyến phòng thủ vững chắc của địch. Phát huy thắng lợi, tiếp đó ta giải phóng được một vùng rộng lớn bắc Kon Tum, tạo thế đứng cho chủ lực của ta trên cao nguyên.
    Gần như đồng thời với bắc Tây Nguyên, ta mở chiến dịch Nguyễn Huệ ở miền đông Nam Bộ. Ðây là một hướng phối hợp quan trọng. Lần đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ ta tiến hành một chiến dịch tiến công hợp đồng binh chủng quy mô lớn cấp quân đoàn tăng cường với một không gian rộng gồm bốn tỉnh: Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và Bình Dương thuộc hướng phòng ngự chủ yếu của địch ở miền đông Nam Bộ. Với cách đánh linh hoạt, nghi binh tạo thế trên đường số 22 để hướng chủ yếu đột phá chi khu Lộc Ninh, đánh điểm, diệt viện trên đường số 13, chốt chặn kết hợp với vận động tiến công... Nên ta đã đập tan tuyến phòng thủ phía trước trên vòng cung bắc Sài Gòn dọc biên giới, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng khu vực có ý nghĩa chiến lược, tạo thế đứng chân cho chủ lực Miền, uy hiếp hướng phòng thủ của địch ở phía bắc Sài Gòn.
    Cùng với ba đòn chiến dịch lớn là các chiến dịch tiến công tổng hợp ở đồng bằng ven biển khu V và đồng bằng Nam Bộ, khiến Mỹ - ngụy hoàn toàn bị bất ngờ, sụp đổ từng mảng, suy yếu nghiêm trọng.
    Bị thua đau, từ tháng 5-1972, Nixon đã ra lệnh mở chiến dịch không quân Linebacker I (tiền vệ) dùng B52 trút hàng ngàn tấn bom đạn hòng ngăn chặn sự chi viện mạnh mẽ của miền bắc cho miền nam. Ta có chỉ thị nghiên cứu cách đánh loại máy bay này. Ðến tháng 9-1972, tài liệu "Cách đánh B52" sau nhiều lần bổ sung, hoàn chỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu của bộ đội. Ðặc biệt ngày 22-11-1972, ta hạ một B52 ở tây Nghệ An, máy bay rơi gần căn cứ Utapao (Thái-lan). Tuy không bắn rơi máy bay tại chỗ, nhưng lý thuyết sáng tạo bước đầu đã được thực tiễn kiểm nghiệm.
    Thực hiện âm mưu đen tối, Mỹ ráo riết chuẩn bị thành lập bộ chỉ huy hợp nhất không quân chiến lược bao gồm căn cứ Utapao (Thái-lan), căn cứ Anderson (Guam) tập trung quá nửa số B52 của không quân Mỹ và căn cứ Subic (Philippines) bố trí máy bay tiếp dầu, trinh sát gây nhiễu điện tử...
    Cuối cùng, với hy vọng của một kẻ hiếu chiến, tàn bạo, nhiều tiền của, Mỹ liều lĩnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội và Hải Phòng, hòng hạn chế thắng lợi của ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện của Mỹ trong đàm phán, kết thúc chiến tranh có lợi cho Mỹ.
    Ngày 18-12-1972, Nixon ra lệnh bắt đầu chiến dịch Linebacker II, dùng máy bay chiến lược B52 và máy bay cường kích F111 tiến công Hà Nội. Trên vịnh Bắc Bộ có năm tàu sân bay đang hoạt động.
    Từ đó cho đến suốt 12 ngày đêm, Mỹ huy động gần 200 máy bay chiến lược B52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật các loại đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Hơn 10 vạn tấn bom đạn trút xuống các trường học, bệnh viện, các khu phố đông dân... đã gây nên tội ác chồng chất.
    Quyết đánh và quyết thắng, với những cách đánh mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của hệ thống lưới lửa gồm tên lửa phòng không, súng pháo phòng không các loại, có sự phối hợp của không quân và dân quân tự vệ với một mạng lưới trinh sát của radar được bố trí bất ngờ, hiểm hóc, kết hợp giữa hiện đại và thô sơ, vừa tối ưu, vừa rất Việt Nam.
    Nhờ đó, chỉ trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay hiện đại thuộc không quân chiến lược và không quân chiến thuật Mỹ, phần lớn rơi tại chỗ, trong đó có 34 máy bay chiến lược B52, chiếm tỷ lệ tổn thất tới gần 18%, vượt quá sức chịu đựng về chiến lược của Mỹ.
    Chiến công hiển hách này xứng đáng với tầm vóc được gọi là một trận "Ðiện Biên Phủ trên không", do chính báo chí phương Tây thừa nhận.
    Uy thế của không lực Hoa Kỳ bị sụp đổ. Chiến thắng "Ðiện Biên Phủ trên không" cùng với những thắng lợi to lớn của ba đòn tiến công có ý nghĩa chiến lược trong năm 1972 đã buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ ra khỏi Việt Nam. Sau 18 năm kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: "Ðánh cho Mỹ cút". Còn quân chủ lực ta vẫn ở nguyên tại chỗ tạo so sánh lực lượng mới có lợi cho ta, để rồi đến cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, quân và dân ta hoàn thành trọn vẹn lời dạy của Người là: "Ðánh cho ngụy nhào", giành lại được độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
  8. kqndvn

    kqndvn Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    24/12/2004
    Bài viết:
    1.117
    Đã được thích:
    0
    Hai anh hùng năm nhất trong đánh B.52
    Trong trận chiến Ðiện Biên Phủ trên không 1972, lực lượng Phòng không, Không quân thủ đô có hai gương mặt khá tiêu biểu. Với những thành tích độc đáo, họ trở thành hai anh hùng "năm nhất" trong chiến thắng lịch sử này.
    Tại cuộc hội thảo khoa học 30 năm chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không" do Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức vào đầu tháng 12 vừa rồi, chúng tôi đã gặp Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng LLVTND, nguyên là Thượng úy, Tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn 57, Ðoàn tên lửa Thành Loa và Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng LLVTND, nguyên là Thượng úy, Trung đội trưởng, phi công máy bay MIG-21, Ðoàn không quân Sao Ðỏ.
    Sau cuộc trò chuyện, một điều được rút ra: Trong chiến thắng đánh B.52 ấy, ở cả hai người anh hùng đều có những nét khá tiêu biểu và độc đáo, tạm gọi là "năm nhất".
    Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt :
    * Sử dụng bộ khí tài tên lửa "già nua" nhất để đánh B.52. Với hơn 14 nghìn giờ sử dụng, bộ khí tài của tiểu đoàn 57 đánh B.52 trong suốt chiến dịch thuộc diện "cũ" nhất so với các tiểu đoàn tên lửa đánh B.52.
    * Là tiểu đoàn "thu quân" nhanh nhất so với toàn trung đoàn, bảo đảm kịp thời theo yêu cầu của nhiệm vụ, vào trực ban chiến đấu trước 16 giờ ngày 18-12-1972. Mặc dù được cấp trên cho phép cán bộ, chiến sĩ đoàn Thành Loa thay nhau nghỉ phép từ đầu tháng 12 để chuẩn bị đi nhận nhiệm vụ mới, nhưng với tiểu đoàn 57 do chưa yên tâm với tình trạng bảo đảm kỹ thuật của bộ khí tài "già nua" như trên đã nói, cộng với bộ khí tài mới được trang bị để phục vụ cho nhiệm vụ mới cũng chưa hoàn tất về kỹ thuật, nên toàn bộ kíp chiến đấu số 1 của tiểu đoàn vẫn chưa một ai nghĩ đến chuyện nghỉ phép. Do vậy khi có lệnh "thu quân" gấp để chiến đấu, tiểu đoàn 57 bảo đảm các thành phần của kíp 1 vào trực ban chiến đấu sớm nhất trung đoàn.
    * Là tiểu đoàn tên lửa bắn rơi nhiều B.52 nhất toàn chiến dịch (bốn chiếc B.52, trong đó có hai chiếc rơi tại chỗ).
    * Từ 5 giờ 9 phút đến 5 giờ 19 phút đêm 20 rạng sáng ngày 21 tháng 12 năm 1972, chỉ bằng hai quả đạn cuối cùng tại trận địa, tiểu đoàn 57 đã bắn rơi hai chiếc B.52 (có một chiếc rơi tại chỗ) đơn vị đã đạt kỷ lục về hiệu suất diệt B.52 trong toàn chiến dịch (trong chiến dịch bình quân 9,27 quả đạn bắn rơi một B.52).
    * Liên tục bám trụ chiến đấu tại một trận địa trong suốt chiến dịch, nhiều lần bị máy bay địch đánh phá tuy có bị thiệt hại, nhưng tiểu đoàn 57 được cấp trên đánh giá là một trong những đơn vị bảo đảm an toàn nhất so với các tiểu đoàn tên lửa chiến đấu bảo vệ Hà Nội.
    * Là phi công trẻ nhất của Không quân nhân dân Việt Nam, bắn rơi tại chỗ "siêu pháo đài bay" B.52 Mỹ. (Năm 1972, Phạm Tuân 25 tuổi).
    * Cộng cả 26 đêm liên tục trước đó và 12 đêm trong suốt chiến dịch thì Phạm Tuân là một trong số những phi công được tham gia trực ban đánh đêm, đợi lệnh cất cánh đánh B.52 nhiều nhất của bộ đội không quân.
    * Với cách đánh đầy dũng mãnh: bay cao, tốc độ lớn, gặp B.52 là công kích ngay, Phạm Tuân là một trong hai người lập công xuất sắc nhất, bắn rơi tại chỗ B.52 Mỹ (Phạm Tuân hạ gục một B.52 đêm 27-12; liệt sĩ Vũ Xuân Thiều hạ một B.52 đêm 28-12).
    * Là phi công đánh đêm, luôn hạ cánh một cách dũng cảm, sáng tạo, bảo đảm an toàn trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Ðêm 18-12-1972, Phạm Tuân hạ cánh tại sân bay Nội Bài trong điều kiện sân bay bị địch đánh phá ác liệt, đường băng cũng bị trúng bom, sân bay mất đèn tín hiệu, thông tin liên tục bị gián đoạn, lợi dụng ánh sáng do lửa đạn phòng không của ta bắn lên và ánh lửa từ xác B.52 địch bốc cháy, cùng đèn pha của máy bay, anh đã hạ cánh an toàn, sau khi máy bay đã phải chồm qua một hố bom giữa đường băng.
    * Là phi công duy nhất của Không quân nhân dân Việt Nam gặp và đối thoại với giặc lái B.52 bị ta bắt sống. Ngày 23-1-1973, theo đề nghị tha thiết của viên phi công lái B.52 Mỹ John Harry Yuin (tức Jake), ta cho phép anh ta gặp đồng chí Phạm Tuân. Trong cuộc gặp gỡ này, khi trả lời câu hỏi "về sự tò mò, thiếu tế nhị nhưng thành thật" của Jake muốn so sánh một số loại máy bay xem thứ nào tốt hơn, Phạm Tuân đã có câu trả lời rất thông minh nhưng cũng rất thực tế, khiến Jake phải thán phục, thừa nhận "Cái chính vẫn là con người".
    Được kqndvn sửa chữa / chuyển vào 13:21 ngày 30/01/2006
  9. kqndvn

    kqndvn Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    24/12/2004
    Bài viết:
    1.117
    Đã được thích:
    0
    Cuộc đụng đầu lịch sử và những lời thú nhận
    Sau thất bại của 12 ngày đêm đánh bom Hà Nội, Hải Phòng, phi công Mỹ và báo chí phương Tây đã phải vạch rõ tội ác của đế quốc Mỹ, thừa nhận sức mạnh của lực lượng phòng không, không quân Việt Nam. Những người yêu chuộng hòa bình thì coi thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của lương tri thời đại.
    Chiến thắng "Ðiện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 ở Hà Nội, Hải Phòng đã đi vào lịch sử, nối tiếp những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng này đã dẫn tới thắng lợi trọn vẹn giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975, ghi tiếp một mốc son chói lọi mang ý nghĩa lịch sử và thời đại trong thế kỷ 20.
    Ðó còn là cuộc đụng đầu lịch sử của quân và dân miền Bắc đối mặt với không lực Hoa Kỳ, và là cuộc đọ sức giữa cuộc chiến tranh đất đối không của nhân dân ta do lực lượng Phòng không - Không quân làm nòng cốt, đánh bại hoàn toàn chiến dịch Linebecker II của lực lượng không quân chiến lược Mỹ, buộc tổng thống Nixon phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch tập kích đường không chiến lược chưa từng có này nối lại cuộc hòa đàm để ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973.
    Bài viết này chỉ ghi lại những lời thú nhận của kẻ đã liều lĩnh tiến hành chiến dịch Linebecker II năm 1972:
    Trước hết, là lời của Tổng thống Mỹ R.Nixon đã thừa nhận ý đồ dùng sức mạnh để buộc chúng ta phải chấp nhận điều kiện thương lượng của Mỹ, Nixon nói: Ngày 13-12-1972 Mỹ đã hoãn cuộc thương lượng. Tôi đã quyết định như vậy vì Hà Nội buộc chúng ta phải có một bước đi làm thay đổi suy nghĩ của họ. Bằng hành động để chúng ta thuyết phục Bắc Việt Nam rằng tốt hơn hết họ nên ký một Hiệp định theo các điều kiện của chúng ta hơn là tiếp tục chiến đấu. Ngày 14-12-1972 tôi ra lệnh rải thủy lôi cảng Hải Phòng và cho máy bay trinh sát toàn miền Bắc Việt Nam, và chuẩn bị ném bom Hà Nội, Hải Phòng bằng B52. Ðó là một quyết định khó khăn nhất mà tôi thực hiện trong thời gian làm tổng thống. Ngày 17-12-1972 tôi ra lệnh bắt đầu chiến dịch thả thủy lôi trên biển, và 24 giờ sau, 129 máy bay B52 ném bom miền Bắc Việt Nam. Trong 12 ngày đêm, chúng tôi ra lệnh cho không quân xuất kích 729 lần chiếc B52 và khoảng gần 4.000 lần chiếc tiêm kích ném bom tất cả 20.000 tấn vào mục tiêu định sẵn". Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Việt Nam, trong đó riêng thủ đô Hà Nội đã phải đương đầu với hơn 400 lần chiếc B52, hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật với gần 10.000 lần bom đánh vào các khu dân cư nội ngoại thành.
    Vậy chiến dịch Linebecker II của Mỹ đã diễn ra như thế nào? Ðây là lời kể của những phi công Mỹ trực tiếp lao vào canh bạc máu này trên bầu trời Hà Nội:
    Ðại úy phi công Robert lái B52 từ căn cứ Guam - Thái Bình Dương đến Hà Nội, kể lại: "Chúng tôi bay trên đường bay quen thuộc của các phi công tiêm kích bom và luôn bị pháo phòng không Bắc Việt Nam theo dõi, 67 chiếc B52 bay dọc theo sông Hồng lên phía Bắc rồi xuống Hà Nội thành một đội hình dài 70 dặm. Tên lửa SAM của Bắc Việt Nam phóng dữ dội vào dòng thác B52. Từ lúc bắt đầu cắt bom đến khi vội thoát khỏi mục tiêu, tôi đếm được 36 quả tên lửa SAM phóng vào đường bay của chúng tôi. Bằng cách khéo léo nào đấy, những người điều khiển SAM đã làm các máy bay gây nhiễu điện tử của chúng tôi che mục tiêu B52 đã bị thất bại.
    Còn đại úy R.Xcot bay trong tốp B52 sau trong đội hình này kể lại: "Tên lửa SAM bay từng đôi một, đôi sau cách đôi trước chỉ vài giây và đã nổ khá gần khi tôi bay qua. Tôi thấy rõ một quả cầu lửa bùng lên ở phía trước máy bay tôi rồi lao nhanh xuống như một ngọn đuốc khổng lồ. Tôi đoán đó là một chiếc B52 bị trúng tên lửa SAM trực tiếp. Về sau tôi mới biết đó là chiếc B52G với mật danh là "Quyn3" bị bốc cháy. Thật đáng kinh hãi, bốn phi công nhảy dù ra và đều bị bắt.
    Vậy là trong đêm đầu của chiến dịch ném bom chiến lược đã có bảy chiếc máy bay tan xác, trong đó có hai B52, một số phi công bị thiệt mạng, một số bị bắt, có tên bị tan xác theo máy bay. Ngay chiều hôm sau 19-12-1972, tại câu lạc bộ quốc tế trên đường Lê Hồng Phong (nay là Trung tâm Hội nghị quốc tế), Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có cuộc họp báo tố cáo tội ác của Mỹ dùng B52 đánh vào thủ đô Hà Nội - với sự trình diện của nhiều phi công Mỹ vừa bị ta bắt làm tù binh đêm 18-12. Tham dự cuộc họp báo này, tôi đã nghe những câu hỏi trực tiếp của các ký giả: - Mỗi lần ấn nút trút xuống 20 đến 30 tấn bom với hàng trăm quả dội lên vùng dân cư Hà Nội, các ông có thấy đây là một tội ác dã man của nhà cầm quyền Mỹ, và các ông là kẻ trực tiếp thực hiện sự hủy diệt dân thường không? - Các ông đã gặp phải sự chống trả như thế nào khi lái B52 vào Hà Nội? Nay chúng ta cùng nghe lại những câu trả lời của các "người hùng" lái B52. Theo điều lệnh của quân đội Mỹ, khi bị đối phương bắt làm tù binh chỉ được trả lời bốn điểm: tên tuổi, cấp chức, đơn vị, số hiệu quân nhân, thế nhưng họ đã phải nói nhiều điều không thể không nói. Gần một chục tù binh Mỹ hầu như đều có một câu trả lời đồng nhất, đó là: "Thật khủng khiếp - Thật bất ngờ - Sợ lắm - Vâng rất sợ tên lửa Bắc Việt. Chúng tôi không ngờ hỏa lực phòng không của Hà Nội hoàn chỉnh, mạnh mẽ và chính xác đến thế!". Còn thiếu tá Fernander, sĩ quan điều khiển điện tử thì nói rằng: "Mọi sự tính toán của chúng tôi đều bị đảo lộn hết và hậu quả như các ông thấy, hiện nay tôi đang là tù binh ở đây". Ðại úy phi công H.Baraux cũng phải bộc lộ: "Trước khi ấn nút nhảy dù rời khỏi máy bay, tôi chỉ biết chiếc B52G của tôi đã bị lọt vào một khu vực tên lửa SAM đang phóng lên dày đặc, cùng với từng chùm đạn pháo cao xạ tầm cao vây quanh. Chiếc B52G rung lên mất thăng bằng và khói bốc bùng lên đầy khoang. Khi tôi vừa chạm chân xuống đất, thì đã thấy chung quanh nhiều người dân Việt Nam đang xông tới, nên dù có súng ngắn tôi cũng không dám dùng". Về tội ác rải thảm bom B52 để hủy diệt dân cư, thì tù binh nào cũng trả lời như đã thuộc lòng: "Chúng tôi là người lính, chỉ biết tuân hành theo lệnh cấp trên. Nhưng về tội ác, chúng tôi không dám chối cãi".
    Ðó chỉ mới là một, hai ngày đầu, càng về sau cường suất B52 càng tăng và chúng càng lao sâu vào như con bạc khát nước, thì càng bị thảm bại. Số máy bay B52 cũng như tiêm kích bom còn rơi rụng ngày càng tăng và dẫn tới chiến dịch Linebecker II hoàn toàn sụp đổ sau 12 ngày đêm. Sau đây là lời của nhiều nhân vật khác nhau đã nói, viết, bình luận, nhận xét về tội ác và sự thảm bại chưa từng có của chiến dịch này đối với Mỹ, đồng thời ca ngợi Việt Nam đã lập nên một Ðiện Biên Phủ thứ hai trên không ở thủ đô Hà Nội. Mãi đến 5 năm sau khi may mắn sống sót trong chiến dịch Linebecker II, đại úy phi công lái B52 D.Caoski đã viết lại trên Tạp chí quân lực Mỹ số tháng 7-1977 "Ôi! Thật hãi hùng, tôi cứ nơm nớp lo sợ mỗi lần lên máy bay để bay đến Hà Nội. Cứ nghĩ đến hình ảnh đồng đội tôi ngồi gục đầu trước cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 19-12-1972 là rất kinh ngạc. Tôi thì may mắn sống sót, nhưng nhiều bạn đã tan xác cùng với máy bay trúng tên lửa Bắc Việt".
    Với thất bại nặng nề sau 6 ngày khởi sự chiến dịch "rải thảm" B52, ngày 25-12-1972 hãng AP - Mỹ đã phát tin và cảnh báo". Ðây là ngày thứ sáu liên tiếp của cuộc tấn công chớp nhoáng lớn nhất trong cuộc chiến tranh chống Việt Nam. Nó đã phải trả giá đắt nhất đối với Mỹ kể từ khi Mỹ bắt đầu tấn công bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam tháng 9-1964. Thiệt hại của Mỹ là nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh này". Với thất bại nối tiếp sau lễ giáng sinh của không quân, Mỹ buộc phải kết thúc chiến dịch này không kèn, không trống. Ngày 29-12 Tổng thống Nixon đã phải hạ lệnh dừng hẳn cuộc ném bom này. Ngày 30-12-1972, hãng AFP - Pháp đã bình luận: "Lực lượng không quân chiến lược của Mỹ đã vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực đến như thế. Mỹ đã bị thiệt hại nhiều máy bay đến như thế, trong một thời gian ngắn như thế ở thành phố Hà Nội".
    Sau này, trong tác phẩm "Mỹ ở Việt Nam", giáo sư Mỹ Guenter Levy đã khẳng định: "Chiến dịch Linebecker II là sự thất bại cả về chính trị, quân sự của Mỹ, vì nó không buộc được đối phương đầu hàng. Bắc Việt Nam thực tế đã kết thúc cuộc chiến tranh với một Hiệp định có lợi cho họ. Sự có mặt của lực lượng vũ trang Bắc Việt Nam ở miền Nam Việt Nam được hợp pháp hóa. Chỉ hơn hai năm sau, Bắc Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu của họ là giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước". Tiến sĩ Grabrien Conco viết trong quyển "Giải phẫu cuộc chiến tranh" đã vạch rõ sự tuyệt vọng của Tổng thống Nixon: "Mọi người - kể cả không quân Mỹ đều thừa nhận rằng sử dụng B52 là rất sai lầm. Không quân gây thương vong đáng sợ cho các mục tiêu dân sự, nhưng đồng thời Mỹ phải trả giá chưa từng có".
    Ca ngợi chiến thắng 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 của quân và dân ta, ngài Romesh Chandra, nguyên Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới đã nói: "Việt Nam đồng nghĩa với sự vinh quang, lòng dũng cảm và tinh thần quyết thắng. Mỗi lần đứng bên hố bom do đế quốc Mỹ rải xuống Việt Nam, chúng tôi nhận ra rằng nhân dân Việt Nam không phải hy sinh chỉ vì Việt Nam, mà vì cả chúng tôi. Những người anh hùng ngã xuống trên mảnh đất Việt Nam là những liệt sĩ của thế giới, vì họ đấu tranh cho cả thế giới, cho cả nhân dân Mỹ. Chúng tôi thấy ở Việt Nam tương lai của cả loài người". Nhà báo Pháp Jack-Moda khi biết Mỹ ném bom B52 vào Hà Nội, đã viết: "Nếu dân tộc Việt Nam vĩ đại mà đầu hàng thì cả loài người sẽ suy sụp. Loài người coi Việt Nam là lương tri của thời đại".
    Sau 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, ý chí và mưu đồ của các thế lực hiếu chiến Mỹ đối với Việt Nam đã bị đập tan bởi một Ðiện Biên Phủ trên không ở Hà Nội với cuộc đụng đầu lịch sử. Ðúng như lời tiên đoán của Bác Hồ từ đầu năm 1968 "Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi đã thua trên bầu trời Hà Nội".
  10. kqndvn

    kqndvn Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    24/12/2004
    Bài viết:
    1.117
    Đã được thích:
    0
    Trả lời phỏng vấn của Đại tá Bùi Tín
    kqndvn:
    Bùi Tín nguyên là sỹ quan chính trị, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, sang Phương Tây từ đầu những năm 1990 do bất đồng chính kiến.
    Lê Thành Chơn có hồi ký cho biết đúng ngày 30/04/75, trong đoàn quân tiến vào Sài gòn, có một tổ xe Zip đại diện của Quân Chủng Không quân đi theo đoàn quân thần tốc, trên xe có Lê Thành Chơn. Tổ có nhiệm vụ thu gom tiếp nhận máy bay của VNCH để lại của Chơn.
    Ngày 30/04/75, xe đã đến DInh Độc Lập và định vào trong, nhưng bị đơn vị bộ binh đã chiếm lĩnh sẵn ở đó không cho vào, nên tổ của Chơn phải vòng xe ra đợi ở bên đường góp củi thổi lửa nấu cơm.
    Chính lúc đó, Chơn đã gặp và nói chuyện với Bùi Tín. Trong tác phẩm của mình, Lê Thành Chơn gọi Bùi Tín của 20 năm sau là kẻ phản bội.
    Theo ông, đâu là nét đặc sắc nhất của Quân đội Nhân dân Việt nam trong khi chiến đấu với Mỹ?
    Có nhiều nét đặc sắc: sức bền bỉ chịu đựng gian khổ vượt qua rất nhiều khó khăn, khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, khôn ngoan, nhiều mưu mẹo. Theo tôi, nét đặc sắc nhất là thực hiện chiến thuật du kích với vũ khí hiện đại. Nói đến du kích, người ta thường nói đến vũ khí thô sơ: gậy, dao, kiếm, lựu đạn, chông, mìn, súng trường... Các đơn vị chúng tôi ở miền Nam luôn được cải tiến trang bị, khi chiến đấu với quân đội Mỹ đã có súng AK-47, trung kiên RPD, đại liên, súng chống tăng B-40, cối 60 mm và 82 mm, súng DKZ-75 mm, hỏa lực hơn hẳn thời chống Pháp. Về sau có cả pháo lớn, xe tăng, xe bọc thép... Các đơn vị tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn biên chế thống nhất, chính quy, vũ khí hiện đại, nhưng đóng quân, hành quân lại theo kiểu du kích, phân tán, không có doanh trại cố định, phân tán trong rừng, nằm võng.
    Chiến đấu theo kế hoạch rất tỉ mỷ kiểu chính quy, hợp đồng giữa các đơn vị chặt chẽ nhưng vẫn theo tư tưởng ''''du kích chiến'''', lúc ẩn lúc hiện, tránh đối phương, chỉ chấp nhận đọ sức khi chắc thắng, đánh gần, đánh nhanh, táo bạo, bất ngờ, kết thúc thật lẹ để phân tán ''''nhập vào thiên nhiên''''. Cách đánh như thế mang bản chất Việt nam. Các trường quân sự Liên xô không dạy, các trường quân sự Trung Quốc cũng không? Liên xô chỉ dạy chiến đấu chính quy, theo trận địa, hợp đồng binh chủng quân chủng hải, lục, không quân, đọ sức bằng hỏa lực, xe tăng, tên lửa đủ loại... Còn các chuyên gia quân sự Trung Quốc thì luôn khuyên chúng tôi là ở miền Nam Việt nam chỉ nên đánh kiểu du kích thôi, chỉ dùng đơn vị cỡ đại đội là cao nhất. Đánh bằng đơn vị lớn hơn sẽ bị hỏa lực Mỹ (pháo binh, máy bay ném bom, trực thăng...) nghiền nát! Họ gọi kiểu đánh ấy là ''''du kích chiến'''' nhằm trường kỳ mai phục, có thời cơ chính trị thì nổi dậy khởi nghĩa bằng sức của đông đảo của quần chúng?
    ở miền Bắc, khi chống cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ, nét đặc sắc trong chiến đấu của Quân đội nhân dân là gì?
    Chúng tôi vừa chiến đấu, vừa phòng tránh. Phân tán, sơ tán, di chuyển về nông thôn, vùng rừng núi. Các thành phố, thị trấn trở nên vắng vẻ. Phần lớn người ở thành phố đều có gốc gác, bà con họ hàng ở nông thôn. Nhà máy, trường học cũng di chuyển về nông thôn.
    Còn chiến đấu thì phối hợp cả súng trường, súng máy, súng cao xạ với tên lửa, máy bay, phối hợp các tầng hỏa lực thấp, vừa và cao. Riêng tôi, tôi cho nét đặc sắc nhất của miền Bắc trong cuộc chiến đấu chống máy bay Mỹ là máy bay MIG-2 1 của không quân miền Bắc đã nghênh chiến và bắn hạ những chiếc Thần sấm F-105 (Thunderchief), Con ma F-4 (Fantom) và cả Siêu pháo đài bay B-52 của Mỹ. Tôi đã ở trong hầm chỉ huy của các sư đoàn không quân tại các sân bay Gia Lâm, Nội Bài, Hòa Lạc gần Hà Nội, để theo dõi hơn mười cuộc chiến đấu của MIG-21. Thường chỉ có hai MIG hoặc bốn MIG tham chiến trong một trận đánh. Phía Mỹ là trên dưới mười máy bay, vòng trong, vòng ngoài, trên tầng cao, ở tầng trung, có khi vài chục chiếc. Kiểu chiến đấu của không quân miền Bắc vẫn là kiểu dùng vũ khí kĩ thuật hiện đại trong cách đánh mang tính chất du kích.
    Ra-đa theo dõi máy bay Mỹ từ khi những máy bay đó bay vào bầu trời Việt nam. Các nữ chiến sĩ tiêu đồ theo thông báo của ra-đa, vẽ đường bay của các máy bay Mỹ bằng bút chì xanh trên bản đồ lớn bàng mi-ca. Người chỉ huy trận đánh (thường là sư trưởng hoặc tham mưu trưởng sư đoàn không quân) theo dõi chặt đường bay của máy bay Mỹ. Khi thuận lợi, ông ra lệnh cho MIG xuất kích. Các nữ chiến sĩ tiêu đồ theo thông báo của rađa vẽ đường bay của MIG bằng màu đỏ. MIG bay theo lệnh của người chỉ huy từ mặt đất, dẫn theo tốc độ và góc bay để tiếp cận phía sau máy bay Mỹ nào đó đã được chọn để công kích cho đến khi người lái MIG báo về: đã thấy mục tiêu. Khi đến gần mục tiêu, lệnh phóng tên lửa tìm nhiệt được phát đi (thường là trong khoảng cách từ hai trăm đến ba trăm mét, có khi gần hơn), máy bay tiến công (được gọi qua điện đài liên lạc là số 1) phóng một hoặc liên tiếp hai tên lửa về phía mục tiêu. Máy bay mang số 2 có nhiệm vụ yểm trợ cho số 1, khi thuận lợi cũng tham gia tiến công vào máy bay Mỹ, có khi cùng một mục tiêu với số 1, có khi một mục tiêu khác ở gần đấy. Ngay sau khi phóng tên lửa, MIG lập tức đâm bổ đầu xuống gần mặt đất rồi lao về hạ ở sân bay gần nhất, chui vào các công sự, có khi là hang lớn khoét trong sườn núi.
    Các trận đánh diễn ra chớp nhoáng, từ khi xuất kích đến khi hạ cánh chỉ chừng sáu, bảy phút, có khi ngắn hơn. Trận đánh thật sự khi giáp trận chỉ mươi giây đồng hồ. Tôi đã một số lần nghe rõ người lái MIG-21 kêu lên trong ống nói truyền về sở chỉ huy: Trúng rồi!'''', ''''Cháy rồi?'''', ''''Báo cáo mục tiêu đã trúng!'''' và ''''Tôi thấy một tên đã nhảy dù ''''Báo cáo hai dù đã mở!''''. Có người lái là Nguyễn Văn Năm sau khi bắn rơi một F-105 đã la lên liên tiếp hàng chục lần: ''''Cháy rồi? Rơi rồi! Alô, Alô, cháy rồi, cháy rồi! Rõ quá! Rõ quá? ''''.
    Tháng 12.1972, đại úy Phạm Tuân hạ một B-52 trong đêm tối cũng theo cách đánh như thế: bất ngờ xuất kích, bay lên cao khi ngang tầm B-52, phóng tên lửa vào chiếc đi cuối cùng rồi lao xuống thấp hạ xuống sân bay Kép. Trận xuất kích kéo dài không đến tám phút.
    http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nnn3nmn31n343tq83a3q3m3237n1n&cochu=
    Được kqndvn sửa chữa / chuyển vào 13:30 ngày 30/01/2006
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này