1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những truyện ngắn hay ( Mục lục : trang 4 )

Chủ đề trong '7X - Chi hội Sài Gòn' bởi lolita04, 30/06/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. lonesome

    lonesome LSVH, 7xSG Moderator

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    7.018
    Đã được thích:
    11
    Thương nhớ Hoàng Lan
    Trần Thùy Mai
    Tôi sinh ra dưới một mái chùa. Nghe kể rằng sư phụ tôi khi ấy còn trẻ, một hôm đi ngang bỗng động tâm hỏi: "Mô Phật, sao sau chùa lại phơi tã lót?". Nghe chuyện đời cha tôi, thầy bảo: "Hãy nhớ ngày này. Nếu có cơ duyên, mười năm sau ta sẽ trở lại". Trở về thầy bỏ tăng viện, lên một ngọn núi hẻo lánh trong rú xa, dựng mấy nếp nhà cổ. Từ ấy, thầy ẩn tu, hiếm khi xuống núi.
    Lớn lên, tôi giống cha như đúc và rất được mẹ yêu chiều. Cha tôi mắt sáng, mũi cao, tiếng nói trầm ấm, tính tình hiền hòa trung thực. Khi còn là một chú tiểu đầu để chỏm, người đã nổi tiếng thông minh, mười lăm tuổi chép rành kinh chữ Hán. Rồi vì học giỏi, được cử làm giáo sư ở trường Trung học Bồ Ðề, một trường phổ thông tư thục của Giáo hội. Lúc người sắp được phong Ðại Ðức thì gặp cô bé nữ sinh tinh nghịch, có đôi mắt hút hồn, đôi môi đầy đam mê và cái tính thích gì thì làm cho bằng được. Ban đầu, cô bé chỉ định quấy phá chơi để thử bản lĩnh của thầy. Nhưng rồi tình yêu là lửa, chính người muốn đốt lại cháy. Cả chùa ngẩn ngơ khi người thanh niên đạo hạnh vòng tay thưa trước sư cụ trụ trì: "Yến bệnh nặng đã bốn tháng rồi, sợ rằng cô ấy chết. Thầy dạy con tu hành để cứu chúng sinh. Nay con có thể cứu một sinh linh, sao lại khước từ". Cha tôi rời chùa, cô Yến khỏi bệnh rồi hai người thành vợ thành chồng. Ông bà tôi để lại một ngôi nhà, cha tôi cho dỡ đi, xây vào chỗ đó một ngôi chùa tư. Ðã không bỏ đời theo đạo được, thì ông đem đạo về giữa đời. Sau khi đã có con, ông vẫn ăn chay, mặc áo nâu và tụng kinh sớm chiều. Có lần mẹ tôi đi chợ mua một xâu ếch, những con ếch theo phản xạ cứ chắp hai chân trước vái lia lịa. Một bà đi ngang bảo mẹ tôi: "Mấy con ếch lạy khéo không thua thầy M. H". Rồi bà cười hả hả: "Ði tu mà chẳng chót đời, làm thân con ếch cho người lột da". Tính mẹ tôi mau nước mắt, cứ vừa đi vừa khóc thút thít cho đến lúc tới nhà. Tối đó bà kèo nhèo mãi, năn nỉ mãi cha tôi tội gì không để tóc, ngả mặn, làm người trần cho sướng cái thân. Tu kiểu này, người ta nói không chịu nổi. Cha tôi chỉ cười, dường như chẳng để tâm. Cả đời người không tranh giành với ai mà như có phép thần thông, chạm vào đâu thì phất lên đến đó. Cơ sở làm hương trầm của người càng phát triển, mẹ tôi càng béo đẹp ra thì lời đàm tiếu của thiên hạ càng rần rần. Cuối cùng, chẳng hiểu vì sao, mẹ bỗng đột ngột bỏ đi mất tăm ...
    Cô ruột tôi giận lắm bảo: "Mẹ mi là con yêu tinh, khi trước đã phá đời tu của cha mi, chừ lại phá luôn đời tục của ổng". Ai cũng khuyên đăng báo tìm nhưng cha tôi chỉ nói: "Ðừng". Ông không trách móc gì, nhưng có lẽ ông buồn, tiếng tụng kinh đêm khuya nghe chừng khắc khoải. Chao ôi, với những con thuyền khắc khoải ấy, kiếp nào cha mới đến Tây Phương?
    Cơ sở làm hương từ đó phó mặc cho cô tôi. Cô tôi cho chặt cây, nhổ cỏ, sửa sang lại cho khu vườn sáng sủa: "Thiệt là hư sự, ai đời lập chùa mà lại trồng hoàng lan trong sân. Mùi hoàng lan là mùi ma, hèn chi ma chướng nó phá cho như thế ni".
    Tôi dân dấn nước mắt nhìn người ta chặt cây hoàng lan, cành lá vứt bừa bãi trên mặt đất. Ngày xưa, gội đầu xong mẹ tôi thường hái hoa giấu vào bối tóc cho thơm. Bây giờ người đã đi, hoa cũng không còn ...
    Năm tôi mười tuổi, có vị Ðại Ðức trên núi về thuyết pháp ở chùa Diệu Dế. Tôi đi theo cô tôi đến nghe. Khi trở về tôi xin xuất gia. Cha tôi bảo: "Kinh sách ở đây, chuông mõ ở đây, con còn đi đâu?". Tôi chỉ lắc đầu ...
    Nơi thầy tôi ẩn tu là Bích Vân am - am Mây Biếc. Mười năm khai sơn, thầy đã cùng đồ đệ trồng hơn hai chục mẫu bạch đàn và ba ngàn giò phong lan đủ loại. Các sư huynh dạy tôi chăm hoa, tưới cây mỗi sáng. Buổi chiều đi học ở trường Nam Giao. Năm mười lăm tuổi, tôi bắt đầu chướng tính. Sư huynh hạch tôi: "Bạch thầy, Ðăng Ninh trốn học, la cà ở quán cà - phê Tím. Người quanh đó ai cũng chê cười, họ nói cô ruột Ninh làm hương giàu có, cúng dường nhiều tiền nên thầy thả cho Ninh tha hồ tự tung tự tác". Tôi ức, lầm lì không nói, thầy cũng không quở. Tính thầy rất nghiêm, không mấy khi la rầy mà đồ đệ ai nấy tuân lời răm rắp. Chỉ riêng với tôi, không hiểu sao thầy đặc biệt khoan thứ. Sợ thầy phạt, đợi lúc sắp vào tụng kinh, tôi biện bạch: "Bạch thầy, ngày xưa cha con thường bảo: tu trên núi dễ, tu giữa chợ mới là khó. Không ở giữa đời làm sao hiểu đời đục mà tránh?". Thầy hỏi: "Ai bảo con là đời đục? Ðời không đục, không trong". Tôi hụt hẫng, không hiểu ý thầy định nói gì?
    Tu trên non bây giờ thật ra cũng không phải dễ. Thầy tôi tránh đời vào núi sâu, nhưng rồi vườn lan Mây Biếc nổi tiếng quá nên người trần lại kéo lên thưởng ngoạn. Thứ bảy, chủ nhật, học trò đạp xe lác đác trắng trên con đường mòn tới thảo am. Mấy cô nữ sinh nhỏ tuổi mê hoa ngẩn ngơ ngắm bông súng tím trong hồ, chạy vào đến tận hiên, chỗ thầy ngồi viết sách. Thầy không quở, cũng không ngẩng lên nhìn. Một cô bé chạy đến gần tôi, nhìn làn sương li ti mà tôi đang xịt lên những chồi đang đơm nụ. Cô hỏi tôi tên hoa, tôi giảng: "Ðây là giống Tiểu Hồ điệp, nghĩa là bươm **** nhỏ. Em thấy không, trông xa chấp chới như đàn **** cải mầu vàng". Cô chìa hai bàn tay với những ngón búp măng, hứng sương. Tôi cau mày: "Này, đừng nghịch". Cô bé cứ đùa với những bụi nước, chẳng để ý lời tôi. "Anh cứ tưới đi, em cũng là Lan". Tôi cáu, xịt cho nước rơi ướt cả tóc, cả áo cô bé. Mấy cô bạn cười rúc rích, khi về có cô còn nói vọng lại: "Con Lan hên quá, gặp chú tiểu vừa đẹp trai, vừa quậy". Tôi tủm tỉm cười. Sư huynh tôi cáu kỉnh: "Mấy con Thị Mầu đời nay quá quắt lắm. Bay không biết quyến rũ sư tăng là tội đọa địa ngục hử?". Tôi cự: "Người ta chỉ đùa thế, có gì mà gọi là quyến rũ".
  2. lonesome

    lonesome LSVH, 7xSG Moderator

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    7.018
    Đã được thích:
    11
    Từ đó, vài ba hôm một lần, Lan lại đến giúp tôi tưới hoa. Tôi dạy cho cô biết về phong lan, đấy là cả một thế giới còn đa dạng hơn thế giới người. Phượng Vĩ đỏ rực, Tuyết Ðiểm thì trắng, Vũ Nữ thì như đang múa trước gió. Lan phụng phịu: "Hoa nào cũng có tên riêng, chỉ em không có". Tôi nhìn khuôn mặt cô, đôi mắt trong trẻo với cái miệng cười hồn nhiên như trẻ thơ. "Vậy tôi đặt cho cô một cái tên. Tên cô là Tinh Khôi".
    Thầy biết tình thân giữa tôi và Lan. Sư huynh không vui lòng, thầy chỉ bảo: "Không can gì". "Bạch thầy, người này có bạn thì người kia có bạn, rồi con gái kéo đến đầy thảo am, còn cái thể thống gì nữa?". Thầy gật đầu. Chiều lại, tôi mài mực hầu thầy, thầy đem cho tôi xem bộ tranh mười bức vẽ mục đồng chăn trâu: "Ðây là thập mục ngưu đồ, cũng là quá trình tu học của một con người. Trâu không là trâu, mà chính là cái tâm ta đó". Tôi động lòng, hỏi: "Bạch thầy, con xem bức vẽ cuối cùng, không còn trâu chẳng còn người, chỉ còn trăng soi. Vậy cớ gì phải sống trong dây trói. Ngày xưa Tuệ Trung Thượng Sĩ là bậc ngộ đạo mà không kiêng rượu thịt, vì chay mặn chỉ là hình tướng bên ngoài, không can hệ đến sự giác ngộ bên trong". Thầy cười: "Ðúng, con ạ, với bậc đắc đạo là thế. Nhưng khi ta còn là một người phàm, thì cũng như con trâu kia, phải có sợi dây buộc, có người chăn dắt. Ðến khi cái tâm vững rồi, sáng rồi mới có thể như trâu đen thành trâu trắng, không ràng không buộc, chẳng những nhởn nhơ trên cỏ xanh mà còn bay lên đến chín tầng mây". Tôi vái thầy mà thưa: "Con hiểu rồi, nhưng nhà chùa chẳng thể xua đuổi ai. Từ mai con xin thôi không giữ vườn lan nữa".
    Mấy hôm sau, Lan thấy sư huynh ra tưới vườn, còn tôi thì chẻ củi. "Anh không thích phong lan nữa sao?". "Không. Muôn hồng nghìn tía, chẳng qua cũng chỉ để nhìn trong chốc lát. Một đời tôi chỉ riêng nhớ hoa hoàng lan". Tôi giảng cho cô bé biết hoa hoàng lan cánh mảnh mai, vàng như mầu chim hoàng yến. Thuở trước, cứ sắp rằm, mồng một, các bà hàng hoa lại đến mua, họ gói hoa trong lá chuối, từng gói nhỏ xinh xinh tỏa thơm ngây ngất. Lan bảo: "Thích ghê, em chưa thấy bao giờ". Ừ, loài cây ấy có lẽ giờ đây đã tiệt giống rồi hay sao, nhiều lần theo sư huynh đi chợ mua bông chuối, tôi để ý tìm mà không thấy nữa. Tôi lớn lên lòng bâng khuâng như thiếu vắng một thứ gì, cứ mơ hồ nhớ nhớ, thương thương ...
    Cuối năm, anh em tôi kẻ kéo, người đẩy, chở phong lan xuống phố đổi gạo. Ông chủ tịch hội hoa cảnh hài lòng lắm khi thấy những giò mũm mĩm với chồi xanh đầy nụ. Ba bao gạo lớn được bưng ra. "Cha ơi, con có làm một ít bánh trái cây để cúng dường". Tôi nghe tiếng quay lại, sững người vì thấy Lan. Ông chủ tịch âu yếm bảo: "Cúng dường thì phải cung kính. Con phải tự lên chùa lạy Phật mà dâng". Tôi hãi hồn, vội nói: "Thôi thôi, khỏi phiền nữ thí chủ. Nhận ngay ở đây". Lan bật cười, lại cái cười tinh khôi. Rồi Lan nhìn tôi buồn thiu: "Sao lâu nay anh không ra vườn? Em lên chùa, biết anh trong bếp mà mấy chú không cho vào. Riết rồi em buồn không muốn đến nữa".
    Mấy buổi sau, tôi theo các bạn cùng lớp vào quán. Lan ngồi ở đó, sau chiếc bàn con bên cửa sổ. Các bạn tôi ai cũng nhìn về phía Lan còn cô bé chẳng nhìn ai, cứ lặng lẽ một mình. Ngồi ở một bàn xa mà tôi như thấy cả bầu trời hoàng hôn tím, tím ngát ngoài kia đang in trong đôi mắt Lan. Mãi đến khi chúng tôi ra về, Lan mới ngoái nhìn, ánh mắt thơ ngây mà não nùng. Bỗng dưng đỏ mặt, rồi tôi thấy hoảng sợ vì mình đã đỏ mặt ...
    Một người con gái chiều nào cũng ngồi ở quán Tím, chẳng bao lâu đã thành đề tài để bọn con trai bàn tán.
    "Con Lan sữa tươi trông xinh vậy chứ nó mắc bệnh, bệnh sợ đàn ông. Ðếch thằng nào đến gần được, nó tránh như tránh tà". "Không phải đâu, nó giữ giá để chờ lấy Việt kiều, thằng Hùng ở Cali về ngày nào cũng trực ở nhà nó". "Giữ giá cái gì, nó ưa thằng Quắn chạy bàn ở cà - phê Tím. Tao thấy nó ngồi một bàn với thằng Quắn, khóc rưng rức". Tôi im lặng, một lát sau mới bảo: "Khó tin". "Ở đời chuyện gì mà chẳng có thể xảy ra" Bạn tôi nói, vẻ ông cụ non - Chiều qua chính mắt tao thấy nó chạy ra sau quầy đưa bức thư cho thằng Quắn".
    Ðạp xe về đã đến quá lăng Tự Ðức, tự nhiên tôi bứt rứt không chịu được. Tôi quay xe, đạp về nhà Lan. Mưa phùn lướt thướt trên con đường về Bao Vinh xa tắp. Mẹ Lan hỏi: "Nhà chùa có việc gì mà nhắn cháu lên? Thấy Quắn về nhắn, tôi cho cháu đi ngay rồi". Tôi tái mặt, không kịp chào, đạp xe đi như tên bắn. Tim tôi dội thình thịch vì âm vang những lời của sư huynh khi Lan mới lên thảo am lần đầu: "Cô gái này đẹp đẽ thanh tú nhưng đuôi mắt dài quá, môi mỏng, cổ cao, tai nhỏ. Ðấy là tướng hồng nhan mệnh yểu ... " Trời nhập nhoạng tối, tới Nam Giao. Nhìn dáo dác hai bên đường, tình cờ thấy Quắn và Lan cùng ngồi trong quán ốc. Quắn gọi rượu, đang ép Lan uống. Lan lắc đầu. Quắn cố nài. Tôi đi vào, đấm mạnh vào mũi Quắn. "Ðồ lừa đảo. Từ nay chừa cái thói dỗ gái đi". Quay sang Lan, tôi nạt "Ði về!". Không biết Lan có bị một thứ thuốc mê gì không, mặt ngây ngây như bị bỏ bùa. Tôi chở Lan đi. Quắn biết tôi có võ Thiếu lâm nên đành chịu phép, hậm hực, chùi máu mũi nhìn theo, cái nhìn của con thú mất mồi ...
    Trên đường về, Lan tỉnh lại, gục mặt vào lưng tôi khóc: "Em nhờ Quắn chuyển đến anh nhiều thư, anh có nhận được không?". Tôi cau mặt: "Em khờ lắm, sao lại đi với thằng Quắn?". "Quắn bảo em uống vài chén cho ấm rồi lên đàn Nam Giao chờ Ninh đến". "Em đừng quên, tên em là Tinh Khôi. Ðừng dại dột để bọn lưu manh làm nhơ bẩn". Nước mắt Lan chảy thấm qua chiếc áo lam của tôi, thấm vào đến da thịt. Dừng xe, tôi ngồi xuống vệ cỏ bên đường. Lan ngồi bên tôi. "Ðêm nào cũng nằm mơ thấy anh dắt em đi thăm vườn phong lan. Mình về trồng lan trong sân nhà em đi, có thích hơn không?". Tôi không trả lời, ngắt những cọng cỏ, vò nát trong đôi tay run run. Trên kia, trăng sáng quá, tròn và rực rỡ như chiếc mâm vàng giữa trời. Bỗng nhiên lòng tôi miên man nhớ những câu chuyện cha tôi vẫn kể ngày xưa ... "Em có thích nghe chuyện cổ tích không?". "Thích". Tôi kể cho Lan nghe chuyện người tử tù đội chiếc mâm vàng đầy nước đi từ cổng hoàng cung vào trước ngai vua mà không sánh ra ngoài một giọt, Lan nghi ngờ: "Sao có người làm được như thế?". Tôi gật đầu: "Ngày ấy, nhà vua cũng đã hỏi như vậy. Vị thiền sư trả lời: "Bệ hạ đã hứa nếu y làm được thì sẽ tha tội chết. Vì lẽ sống chết của y, nên dù việc khó vô cùng mà y vẫn chăm chăm làm bằng được. Nay nếu bệ hạ cầu giải thoát cũng như người này cầu sống, thì việc tu hành dù khó mấy cũng có thể vượt qua". Lan ngước nhìn tôi, lần đầu tiên tôi nhận ra trong hai cái giếng êm như nhung của mắt cô bé những tia sáng ương ngạnh lạnh lùng. "Em hiểu rồi. Anh xem tu hành là chuyện sinh tử của anh. Vậy nếu em lại xem anh là chuyện sinh tử của em thì sao? Anh và em, ai đi trọn đường, ai bỏ cuộc?". Tôi bảo: "Em nói gì thế? Chuyện sống chết mà nghe cứ như là trò chơi sấp ngửa của trẻ con". Lan cười ... Bàn tay nhỏ nắm lấy tay tôi, ngón thon vuôn vuốt như cánh hoa ngậm sữa. Vẻ đẹp này có phải phù du? Vẻ đẹp này là sắc hay là không? Chỉ thấy ngợp vì trăng. Trăng sáng quá. "Thôi, về đi em". Tôi đạp xe, trước mặt tôi chập chờn lấp lóa những con đường. Những mê lộ giữa đạo và đời, giữa ma và Phật ...
    Việc lộn xộn ở quán ốc chẳng mấy ngày đã đồn đến chùa. Cô tôi biết, tốc lên ngay. Tôi bảo: "Cô đừng lo. Chẳng có chuyện gì đâu". "Không có lửa, sao có khói, ăn ốc, đánh lộn, giành gái. Thế còn gì là tu hành? Tau mà gặp con ma nữ đó, tau tước từ dưới tước lên". Tôi ngẩn người một lúc rồi hiểu ra, không nín được cười. Cô bực tức: "Cháu tưởng chuyện gì cũng cười là xong sao?"
  3. lonesome

    lonesome LSVH, 7xSG Moderator

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    7.018
    Đã được thích:
    11
    Quả là chuyện không thể cười mà xong. Mấy hôm sau, gia đình Lan mời tôi về.
    "Con ma nữ" đã uống hai mươi viên thuốc ngủ, may sao nhà biết được chở đi cấp cứu. Mẹ Lan chắp tay lạy tôi như lạy Bồ Tát: "Bác biết tính con Lan lắm, từ nhỏ nó đã nói là làm, đã làm là làm tới cùng. Sợ e cứu thoát lần này, nó lại tự sát lần nữa. Con cứu nó cho bác đi con". Tôi cuống quýt: "Bác bảo con làm sao được?". Con cứ giả vờ ừ đi, bây giờ nó mới lớn, tính còn ngông cuồng, vài ba năm nữa chững chạc rồi tự nhiên nó hiểu ra". Ông chủ tịch hội hoa cảnh mắt đỏ au, nhìn tôi chờ đợi một lúc rồi bảo vợ. "Nói như bà cũng khó. Chú Ninh đây tướng mạo khôi ngô, trước sau rồi sẽ có phước được che lọng vàng. Lẽ nào vì con mình mà để người ta mang tai mang tiếng". Tôi thở dài: "Cháu đi tu không phải là mong lọng vàng che đầu. Chỉ vì nguyện giữ thân trong sạch để tụng cho mẹ cháu một nghìn lần kinh Thủy Sám". Nhớ tới mẹ, tôi bất giác đau đớn trong lòng, đứng dậy đi ...
    Tôi về chùa, từ ấy không đi đâu. Thầy bảo: "Sao con bỏ học?". Tôi nói: "Suối ở xa, con muốn ra triền núi đào giếng". Tôi tự đày mình trong những nhát cuốc trên sỏi đá, đêm về tụng kinh, vẫn đôi khi chợt nghe tiếng mình khắc khoải. Có lúc nửa đêm chợt tỉnh, thấy thầy ngồi bên giường, lâm râm niệm chú. Tôi hốt hoảng vùng dậy: "Bạch thầy". Thầy tôi bảo: "Con giật mình, nói mê luôn, hất tung cả chăn". Tôi nói: "Con tỉnh rồi. Rước thầy đi nghỉ, con xin ra bệ Phật niệm Cầu An". Thầy lặng lẽ một lúc, rồi bảo tôi: "Tâm không an, có cầu cũng vô ích". Tôi gật đầu thú nhận. Bao nhiêu đêm, cứ chợp mắt là thấy Lan hiện ra, mảnh dẻ, thanh thoát, đầu đội chiếc mâm vàng sóng sánh nước đi thẳng đến bờ vực. Tôi nghe tiếng thét của nàng vang động cả giấc mơ, nàng nhào xuống rơi thẳng vào không gian mênh mông như chiếc lá lìa cành trước gió. "Thầy ơi, nếu vào Niết bàn mà phải đạp lên một chiếc lá, Phật có làm không? Xin thầy cho con hay, trời đất nặng hơn hay chiếc lá nặng hơn?". Thầy nhìn vào mắt tôi: "Chỉ có con tự trả lời được thôi. Ngày mai con hãy về, cứ nhìn thẳng vào nghiệp duyên mà tự quyết định lòng mình". Tôi lắc đầu: "Thầy quên sao? Con đã thề khi nào đào xong giếng mới xuống núi".
    Ra xuân, đường lên núi khô ráo. Hai tay tôi ướt bùn đỏ, những giọt nước đầu tiên đã ứa ra từ lòng đất sâu. Tôi chạy về chùa, định vào trình thầy nhưng người đang làm lễ. Có người thí chủ dâng hương trong bệ Phật, mùi trầm mới thơm thơm trong không gian.
    Ðang dội nước rửa tay, tôi nghe có người bước đến. "Chú Ninh!".
    Tôi ngẩng lên. Mẹ của Lan. "Bác lên chùa cầu cho em đi bình an. Có cái này, em nó gửi lại ... ". Bà đưa cho tôi một cái túi nhỏ, rồi vừa quay đi vừa đưa khăn lau mắt.
    Những dòng chữ trong thư, mảnh mai và run run như những cánh lan.
    "Bốn trăm ngày chờ anh ở quán Tím, cuối cùng em cũng hiểu ra là mình thua cuộc. Ðã đi mà chẳng tới, lẽ ra thì phải chết. Nhưng em chết thì anh làm sao yên lòng đi trọn con đường tu. Vì vậy, em đã quyết định lấy chồng xa xứ. Trong cái túi này là cây hoàng lan con, em nguyện tìm cho anh bằng được rồi mới ra đi. Em vẫn nhớ lời anh nói, một đời anh chỉ thích hoàng lan ...
    Người ta cứ bảo là em khôn, lấy ông Việt kiều đi Tây đi Mỹ cho sướng chứ theo chi chú tiểu trọc đầu. Nhưng đi Tây đi Mỹ không phải là chí nguyện của em. Lấy một người mình không thương, đến một nơi xa lạ với em còn khổ hơn là chết. Xin anh hãy tụng cho em một lần kinh cầu siêu thoát, một lần thôi ... ".
    Bất giác, tôi òa khóc. Nước mắt theo nhau lăn trên má tôi như ép cho hết những dòng tục lụy cuối cùng. "Cứ khóc đi con" - Thầy vỗ về khi thấy tôi luống cuống che mặt - Thầy chưa nghe nói gỗ đá thành Phật bao giờ". Tôi nức nở: "Bạch thầy, thầy có cho con trồng cây hoàng lan không?"
    Thầy bảo: "Cỏ cây vô tội, sao mình không thể bao dung?". Rồi một tay dắt tôi, một tay cầm túi cây đến bên góc vườn, thầy tự mình trồng xuống.
    Tôi tưới cây bằng nước giếng chùa. Hoàng lan lớn lên, năm này qua năm khác, nở hoa vàng mong manh. Mong manh như tất cả những gì đẹp trên thế gian.
    Tôi cầm lòng thôi thương, thôi nhớ.
  4. sn75

    sn75 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/03/2006
    Bài viết:
    4.178
    Đã được thích:
    1





    Một Tách Trà​
    Tác Giả : Katherine Mansfield
    Đỗ Hải dịch
    Nếu chịu khó làm một "ca phẫu thuật" tỉ mỉ, có thể bạn sẽ có cái nhìn tổng quát để đánh giá Rosemary Fell là một phụ nữ hấp dẫn, tỏa sáng như một vầng hào quang, ăn mặc sang trọng hợp thời. Hơn thế nữa, bên trong cái diện mạo ấy còn tiềm ẩn một tâm hồn có văn hóa luôn tiếp nhận những tri thức hiện đại được chắt lọc từ những pho sách mới nhất.
    Rosemary lập gia đình đã hai năm, sinh được một bé trai kháu khỉnh ngoan ngoãn. Chồng nàng cưng chiều nàng hết mức. Xem ra, thì họ thật sự là một gia đình giàu có sung túc. Khi cần mua sắm, Rosemary chỉ việc cho xe chạy thẳng vào Paris; và nếu nàng định mua hoa, xe sẽ dừng lại trước một cửa hàng trên đại lộ Regent. Tại đây, nàng tha hồ ngắm nghía lựa chọn những giỏ hoa tươi rực rỡ đủ loại khác nhau rồi bảo người bán hàng: "Cho tôi giỏ hoa hồng kia! Vâng! Hoa trong giỏ ấy. ồ, Không! Tôi không thích Tử - Đinh - Hương đâu! Lấy mấy chậu Tulip nữa kìa! Màu trắng và đỏ ấy nhé! "Thế là cô bán hàng có dáng người mỏng mảnh mang những giỏ hoa xinh, tươi tắn thận trọng xếp gọn vào xe của nàng. Một buổi chiều mùa dông, Rosemary đang chọn mua một món hàng tại một cửa hiệu nhỏ nằm trên đại lộ Curzon. Đây là cửa hiệu mà nàng rất ưa thích và thường xuyên lui tới. Người quản lý cửa hàng luôn tươi cười và đón tiếp niềm nở mỗi khi nàng diện. ông có vẻ như rất vui thích mỗi khi phục vụ nàng. Sự ngưỡng mộ và thái độ trân trọng quá mức khiến cho ông nói năng rụ rè lúng túng mỗi lần đối diện với người phụ nữ sang trọng này. Dĩ nhiên, cái lối tâng bốc khéo léo ấy bao giờ cũng khiến cho Rosemary cảm thấy hài lòng thích thú.
    "Bà biết đấy, thưa bà?" - Cái giọng nhỏ nhẻ thường ngày của ông nghe ngọt như mía lùi - "Tôi rất yêu quý những báu vật của tôi. Tôi không muốn bán nó cho những người không am hiểu giá trị của chúng, thưa bà".
    Món hàng mà ông dành để giới thiệu với Rosemary hôm nay là một chiếc hộp đựng nữ trang nhỏ nhắn xinh đẹp mà trước đó ông chưa hề "tiếp thị" với vị khách nào. Như lệ thường, Rosemary thận trọng tháo bỏ đôi găng tay ra rồi nâng chiếc hộp lên ngắm nghía khá kỹ lưỡng. Vâng đúng là một báu vật quý hiếm. Chiếc hộp xinh xắn tuyệt vời khiến nàng đâm ra mê mẩn. Nàng thích nó quá! phải mua nó cho kỳ được. Rosemary mân mê xoay nhẹ chiếc hộp trên tay. Nàng mở nắp hộp ra rồi đóng lại: "Nhưng giá cả thế nào đây?".
    Một thoáng ngập ngừng, rồi người quản lý đáp: "Hai mươi tám đồng ghinê, thưa bà".
    "Hai mươi tám đồng ghinê! " Rosemary trả chiếc hộp về chỗ cũ và đeo găng tay vào. Nàng không dám ký nhận lên món hàng. Hai mươi tám đồng ghinê! Thậm chí nếu bạn là người giàu có thì...
    Rosemary không biết phải xoay sở ra sao. Có cái gì đó như không rõ ràng, không chắc lắm trong giọng nói mơ hồ của nàng: "Được rồi! Làm ơn giữ nó cho tôi nhé! Tôi sẽ...".
    Nhưng người quản lý đã cung kính gật đầu. Ông ta sẵn lòng giữ nó lại cho Rosemary.
    Đến giờ đóng cửa; Rosemary lững thững bước ra hè phố. Gió lạnh thổi tràn về kèm theo những cơn mưa nặng hạt. Bóng đêm đổ ập xuống rất nhanh. ánh đèn đường hiu hắt, vàng vọt, nhoè lẫn vào những chùm sáng đục mờ từ dãy nhà đối diện trông ảm đạm đến lạ lùng. Trời rét ngọt, khách bộ hành qua lại lếch thếch dưới những chiếc dù che mưa trên tay.
    Bỗng nhiên, Roscmary nghe từ trong tiềm thức vùng dậy mãnh liệt sự ham muốn được sở hữu chiếc hộp xinh đẹp quý giá kia. Bên lề đường, chiếc xe sang trọng của nàng đã chờ sẵn, và dĩ nhiên là tốt hơn nhiều nếu về nhà ngồi nhâm nhi một tách trà ngon trong căn phòng ấm áp. Nhưng không hiểu sao Rosemary vẫn chần chừ đứng đợi. Ngay lúc ấy, một thiếu nữ dáng đẹp mảnh khảnh, làn da nâu sẫm mặn mòi, không rõ từ đâu đến đã dừng sát bên nàng. Cô ta thủ thỉ rót vào tai Roscmary bằng một âm điệu ngập ngừng thổn thức: "Bà cho phép tôi hầu chuyện một lát... được chứ, thưa bà!" - "Nói chuyện vôi tôi ư?"
    Rosemary ngạc nhiên quay nhìn cô gái. Cô gái xa lạ này còn khá trẻ có lẽ bằng tuổi với Rosemary, vóc người mỏng manh, đôi mắt to mở tròn thao thức. Hai bàn tay cô ta níu chặt lấy cổ áo khoác trong tư thế co ro lạnh lẽo: "Vâng, thưa bà! Xin bà giúp tôi một tí tiền lẻ đủ uống một tách trà thôi, bà ạ!".
    Có cái gì đó trong lời thỏ thẻ của cô gái như một mũi kim châm nhẹ vào cõi lòng trắc ẩn của Rosemary: "Một tách trà thôi ư! Cô không đủ tiền thật sao?" - "Dĩ nhiên là không, thưa bà" - "ồ lạ nhỉ!".
    Trong bóng đêm, ánh mắt của hai người đàn bà xa lạ xoắn chặt lấy nhau như cố dò tìm và khám phá điều gì đó bất thường từ một mục tiêu bí ẩn. Càng dị thường hơn nữa là cuộc chạm trán bất ngờ giữa đêm hôm tăm tối giống như một pha hư cấu trong tiểu thuyết của Dostoevsky khiến cho Roscmary có cảm giác như mình đang đối diện với một tình huống phiêu lưu mạo hiểm. Nàng tự hỏi: "Việc gì sẽ xảy ra nếu mình đưa cô ta về nhà?". Những tình tiết tương tự thế này nàng luôn bắt gặp trong những quyển sách ly kỳ lãng mạn; và nàng biết bạn bè sẽ rất ngạc nhiên thích thú khi nghe câu chuyện ngớ ngẩn này. Nàng liền bảo cô gái: "Cô đi với lôi! Về nhà tôi uống trà!".
    Cô gái sửng sốt đến mức gần như bước giật lùi. Rosemary vừa nắm lấy bàn tay giá lạnh của cô gái vừa mỉm cười độ lượng: "Tôi mời cô mà, đừng ngại. Lên xe tôi đi! Chúng ta cùng về uống trà" - "Bà... bà định đùa cho vui đấy chứ, thưa bà?".
    Trong giọng nói của cô gái, Rosemary nghe có cả sự nghi ngờ, hy vọng lẫn đau khổ. Nàng liền đáp: "Tôi nói thật mà. Hãy đi với tôi! ".
    Cô gái căng tròn đôi mắt nhìn sững vào Rosemary: "Bà... Bà không giao nộp tôi cho cảnh sát chứ, thưa bà?" - "Cảnh sát ư! " - Rosemary cười nắc nẻ - "Tại sao cơ chứ! Tôi không độc ác đến thế đâu! Tôi chỉ muốn cô được sưởi ấm và nghe cô tâm sự điều gì đó thôi. Nào, hãy đi!".
    Người tài xế mở rộng cửa xe. Chỉ một lát sau, bóng đêm đã xóa sạch cái bối cảnh lý thú của màn đầu vở kịch.
    Trong tâm tưởng, Rosemary muốn chứng minh cho cô gái bất hạnh không chốn nương thân này thấy rằng những điều màu nhiệm tuyệt vời đang thật sự xảy ra trong cuộc đời tối tăm khốn khổ của cô ta; rằng những người giàu có chính là những người tốt bụng; và rằng đã cùng là "Phận đàn bà" thì sang hèn, cao, thấp đều là chị em như nhau.
    Rosemary quay nhìn cô gái: "Cô đừng ngại. Tôi và cô cùng là phụ nữ. Nếu tôi được may mắn thế này thì cô nên nghĩ rằng..."
    Nàng không biết phải kết thúc như thế nào để gói gắm trọn vẹn ý tưởng của mình trong một câu ngắn ngủi.
    Xe dừng lại trước cổng chính; Rosemary bấm chuông cửa mở. Nàng đưa thẳng cô gái vào trong tiền sảnh. Rosemary chăm chú quan sát và hơi ngạc nhiên trước phản ứng của cô gái khi tiếp cận với gian phòng ấm áp, với ánh đèn chói chang rực rỡ, với tất cả cái vẻ sang trọng huy hoàng mà đối với Rosemary, nó đã quá quen thuộc đến nỗi gần như nàng chưa bao giờ quan tâm đến.
    "Nào, chúng ta lên lầu đi! Tôi sẽ đưa cô lên phòng".
    Rosemary dẫn cô gái đến trước một phòng ngủ rộng rãi, tiện nghi và ấm cúng. Cô gái ngần ngừ dừng lại ở bậc cửa. Dường như cô ta đang lạc vào một thế giới thần tiên trong truyện cổ tích; nhưng Rosemary không còn để tâm đến thái độ rụt rè ngơ ngác của cô. Nàng đẩy chiếc ghế nệm êm ái về phía lò sưởi và bảo "Cô ngồi xuống đây và sưởi ấm đi! Trông cô lạnh lắm rồi đấy".
    Cô gái bước thụt lùi: "ấy chết! Tôi... không dám đâu, thưa bà" - "ô hay! Cô cứ tự nhiên" - Rosemary bước sấn lại bên cô gái - "Cô chớ có e ngại. Cô khách sáo quá đấy! Ngồi xuống đây. Chờ tôi cất áo khoác rồi chúng ta cùng qua phòng bên uống trà, nhé! ".
    Cô gái im lặng khép nép ngồi xuống ghế, đôi bàn tay e ấp đặt hai bên đùi, đôi môi xinh xắn vẫn còn hé mở. Rosemary vội bảo: "Cô bỏ mũ xuống cho thoải mái chứ. Mái tóc xinh đẹp của cô ướt hết rồi kìa" - "ồ, vâng, thưa bà" - " Kìa, cởi luôn áo khoác ra đi!".
    Cô gái đứng lên. Rosemary giúp cô bỏ áo khoác rồi vứt luôn cùng với chiếc mũ xuống sân nhà. Nàng định châm điếu thuốc nhưng cô gái dã vội nói: "Tôi xin lỗi, thưa bà, chắc tôi xỉu mất. Xin bà làm ơn cho tôi uống một chút gì đã! " - "ôi, rõ thật ngớ ngẩn! " Rosemary bấm chuông rồi bảo người giúp việc: "Mang trà và rượu ra đây. Nhanh lên!".
    Cô gái giúp việc quay đi nhưng cô gái vội kêu lên: "ồ! Tôi không uống rượu đâu. Chỉ xin một tách trà thôi, thưa bà".
    Rồi thật không ngờ từ trong khóe mắt sâu thẳm của cô gái, những giọt lệ long lanh lắng đọng lại ướt đẫm cả đôi bờ mi. Rosemary bước lại gần cô gái: "Đừng khóc? Cô bạn bé nhỏ tội nghiệp ạ. Đừng khóc nữa!". Nàng trao cho cô gái chiếc khăn tay, và ngay cái khoảnh khắc đáng thương ấy, những giọt nước mắt nóng hổi của cô gái đã thật sự dấy lên trong tim nàng niềm cảm thông sâu sắc.
    Rốt cuộc rồi cô gái cũng không ngại ngùng sợ sệt nữa. Cô hoàn toàn quên hết những điều bất hạnh dang bủa vây lấy thân phận của mình, và chỉ biết hiện tại cô đang đối diện với một thiếu phụ giàu sang tốt bụng. Cô mạnh dạn tâm sự: "Tôi không thể sống mãi như thế này được, thưa bà. Tôi không chịu nổi cuộc sống tồi tệ này thêm nữa. Tôi sẽ tự kết liễu cuộc đời mình thôi, bà ạ" - "ồ! Cô không phải làm thế đâu, cô bạn: Tôi sẽ giúp cô mà. Đừng khóc nữa. Cô không nhận thấy điều gì tốt đẹp khi chúng ta gặp nhau sao? Hãy uống trà và kể cho tôi nghe mọi chuyện. Tôi hứa chắc là chúng ta sẽ tìm ra một giải pháp nào đó cho cô. Đừng khóc, cô bạn ạ!".
    Người giúp việc mang trà đến. Rosemary cho kê bàn ngay giữa hai người. Nàng ân cần ngồi tiếp thức ăn cho cô bạn trẻ. Nào bánh Sandwich, bơ, bánh mì; nàng liên lục cho đường và châm thêm trà vào tách của cô gái. Nàng không động đến một thứ gì cả, chỉ ngồi hút thuốc và nhìn cô ta ăn uống một cách ngon lành.
    Kết quả buổi "trà đàm" thật tuyệt vời! Trên chiếc ghế bành êm ái sang trọng, cô gái như hoàn toàn lột xác, sáng bừng lên như một thiên thần, hướng đôi mắt đăm chiêu mơ màng về phía ánh lửa bập bùng trong lò sưởi. Rosemary châm một điếu thuốc. Nàng bắt đầu gợi chuyện: "Lần cuối cùng cô được ăn là khi nào vậy?".
    Nhưng ngay khi ấy cánh cửa phòng bật mở. Philip lấp ló bên ngoài: "Anh vào được chứ, Rosemary?" - "ồ được, anh cứ vào! ".
    Philip bước vào phòng. Anh dừng lại một lát và liếc nhanh về phía hai người: "ôi! Tôi thật không phải!" - "Tốt đấy chứ. Có sao đâu" - Rosemary vừa nói vừa mỉm cười với Philip: "Đây là bạn em, cô..." - "Là Simth, thưa bà".
    Cô gái tiếp lời. Cái vóc dáng mảnh mai yểu điệu của cô bây giờ không còn rụt rè khép nép nữa.
    Rosemary giới thiệu tiếp: "Vâng, đây là cô Simth. Chúng em định bàn chút chuyện ấy mà" - "ô, vâng!".
    Philip vừa đáp vừa liếc nhìn đống mũ áo của cô gái dưới sàn nhà, đoạn anh đến ngồi bên lò sưởi. Đôi mắt hấp háy của anh như đôi cánh **** lượn lờ lên cái hình hài, rồi đến đôi tay, đôi giày của cô gái và cuối cùng đậu lại trên khuôn mặt của Rosemary: "Thời tiết xấu quá, em ạ!" - "Vâng, rất xấu".
    Chợt Philip mỉm cười nói: "Anh muốn nói chuyện với em một lát. Cô Simth cho phép chúng tôi chứ?".
    Simth mở tròn đôi mắt đẹp nhìn thẳng vào Philip, nhưng Rosemary đã đỡ lời: "Dĩ nhiên là cô ấy đồng ý. Nào, chúng ta đi!". Họ cùng bước vào phòng đọc sách.
    Khi chỉ có hai người, philip hỏi: "Nói cho anh biết cô ta là ai? Tất cả chuyện này là thế nào?" Rosemarv vụt cười ngặt nghẽo: "Em nhặt được cô ấy trên đại lộ Curzon. Cô ấy không đủ tiền mua một tách trà nên em đưa cô ấy về đây đấy" - "Nhưng em định làm gì với cô ta?" - "Một điều gì đó tốt lành cho cô ấy, Philip ạ!'''''''''''''''' - Rosemary vội đáp - "Chẳng hạn như... bảo dưỡng cô ấy... Em cũng chưa biết phải làm thế nào. Chúng em chưa bàn chuyện ấy. Nhưng hãy cho cô ấy thấy rằng... " - "Cô vợ thân mến của tôi ơi!" - Philip vội kêu lên - "Em điên mất rồi? Em biết dấy, không thể làm như thế được!" - "Em biết là anh sẽ nói thế. Nhưng tại sao cơ? Chẳng phải chúng ta luôn gặp những cảnh tình tương tự trong sách vở đó sao? Em muốn làm như thế và em đã quyết định..." - "Nhưng..." - Philip vừa dụi mạnh tàn thuốc vừa từ tốn nói: "Nhưng cô ta đẹp quá, em ạ? " - "Đẹp ư?", - Rosemary ngẩn người trong giây lát: "Anh nghĩ như vậy sao? Ôi! Em không hề nghĩ đến chuyện ấy!".
    Philip lại châm điếu thuốc mới: "Trời ạ! Cô ta đẹp lắm. Cưng thử nhìn lại xem. Vừa rồi anh rất ngạc nhiên khi bước vào phòng. Anh nghĩ em đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Anh xin lỗi nếu như anh có sỗ sàng thất lễ. Nhưng hãy cho anh biết, nếu Simth định ăn tối với chúng ta thì anh cần một ít thời giờ để hướng dẫn cho cô ẩy cách thức hòa nhập vào cái tầng lớp thượng lưu chứ" - "Ôi, anh đúng là chàng trai ngớ ngẩn! ".
    Rosemary vụt chạy ra khỏi phòng đọc sách; nhưng thay vì trở lại phòng ngủ, nàng đi thẳng vào văn phòng riêng lặng lẽ ngồi bên bàn viết: "Cô ta xinh đẹp! Cô ta quyến rũ ư''''''''''''''''". Rosemary nghe trái tim mình buông từng nhịp nặng nề như một hồi chuông ngân rung cảnh tỉnh: "Xinh đẹp ư! Quyến rũ ư!".
    Đột nhiên, nàng đưa tay chộp lấy năm tờ ngân phiếu trên bàn. Nàng cầm lên xem xét một lúc rồi đặt hai tờ về chỗ cũ và chạy ra khỏi văn phòng với ba tờ còn lại trên tay.
    Khi nàng ghé vào phòng đọc sách, Philip vẫn còn ở đó. Roscmary đứng lại ở ngưỡng cửa. Đôi mắt xinh dẹp quyến rũ của nàng long lanh những tia sáng như muốn xuyên thấu vào những ngóc ngách bí ẩn trong tâm hồn Philip: "Philip! Em muốn nói với anh một điều. Đêm nay, Simth sẽ không ăn tối với chúng ta đâu".
    Philip buông tờ tạp chí xuống: "Ơ! Có chuyện gì vậy? Cô ấy bận sao?".
    Rosemary bước lại gần Philip rồi nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh anh. Nàng thủ thỉ: "Cô ấy muốn được ra đi, anh ạ. Chúng ta không thể phản đối yêu cầu của cô ấy. Đành phải giúp cho cô gái đáng thương ấy một ít tiền thôi, anh yêu".
    Rosemary vừa trang điểm xong, mùi hương tóc vẫn thoang thoảng. Nàng đưa đôi lay lấp lóa đồ trang sức dịu dàng nâng lấy khuôn mặt của Philip: "Anh có thích em không, Philip?".
    Có cái gì đó trong câu hỏi khá bất ngờ của nàng khiến Philip hơi bối rối: "ồ! Anh thích em muốn điên lên ấy chứ. Nào, hôn anh đi!".
    Một khoảng yên lặng kéo dài...
    Chợt Rosemary cất giọng mơ màng: "Em vừa tìm thấy ở cửa hàng một chiếc hộp đựng nữ trang đẹp quá. Giá của nó đến hai mươi tám đồng ghinê. Không biết em có mua nổi không?" - "Em sẽ có, em yêu ạ! ".
    Nhưng đấy không phải là điều cốt lõi mà Rosemary muốn nói: Vì... "Philip!" - Rosemary rót vào tai Philip những tiếng thì thào: - "Nói cho em biết. Em có đẹp không?".


    u?c sn75 s?a vo 13:31 ngy 07/07/2006
  5. lolita04

    lolita04 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/08/2004
    Bài viết:
    218
    Đã được thích:
    0
    Bầu trời của người cha
    Nguyễn Quang Thiều
    ***
    Bữa cơm tối của người cha tàn tật thường kéo dài đến hai tiếng đồng hồ. My vừa cho cha ăn vừa dỗ dành ông như dỗ một đứa trẻ ốm yếu. Trong chiếc ghế mây rách có lót một cái ruột gối cũ, ông run rẩy như một con chim non mới mọc lông măng. Người cha trệu trạo nhai từng thìa cơm. Trán, cổ và hai thái dương trắng xanh của ông túa mồ hôi. Đôi môi ông vất vả ngậm thìa cơm như con chim non phải giữ con mồi khỏe bằng cặp mỏ mềm của mình. Thời gian đầu, cứ mỗi khi bón cơm cho cha My lại khóc. Người cha cũng khóc không thành tiếng. Hai năm trở lại đây cô không khóc nữa. Thay vào đó, cô nhí nhảnh kể cho cha cô nghe những chuyện đại loại như cây hoa trà ông trồng giờ đang trổ nụ, những chậu xương rồng nhiều loại của ông mọc thêm rất nhiều nhánh, hay buổi sáng nào đó trong vườn nhà xuất hiện một con chim lạ, giọng con chim rất trong và mảnh như tơ nhện. Cô cứ kể những chuyện như thế cho tới khi người cha ăn xong thìa cơm cuối cùng. Đặt cái bát sang một bên, và lúc nào ngay sau đó cô cũng nói với người cha: "Ba đã hoàn thành nhiệm vụ. Con quyết định tặng huân chương cho ba". Người cha cố ngước mắt nhìn con và cười. Và chỉ có cô mới biết là ông đang cười.
    Ngày nào cũng vậy, bữa ăn thường kết thúc vào lúc những tia nắng cuối cùng trong ngày tan biến trong vòm lá bên cửa sổ. Và mảnh trời nhỏ nhìn qua ô cửa sổ ngả sang mầu dâu chín. Hai cha con My ngồi im lặng bên nhau. Cô đặt những ngón tay gầy và hơi lành lạnh của người cha trong bàn tay nhỏ nhắn của cô. Cả hai cha con cô ngồi như bất động nhìn về phía mảnh trời nơi có những ngôi sao bé bỏng và ướt át thường hiện lên rất sớm vào những đêm không mây.
    Bóng tối của đêm thường bắt đầu ùa kín những góc nhà, rồi sau đó lan vào gầm giường và gầm bàn ghế. Khi bóng tối đã ùa kín căn phòng thì là lúc hình như hai cha con nghe rõ hơn tiếng gió đi qua những tán cây ngoài vườn. Trong bóng đêm rộng lớn và bí ẩn trùm xuống, những tiếng xào xạc quen thuộc bỗng trở lên huyền bí như từ những ngôi sao xa xăm vọng về. Cũng lúc ấy, My thấy những ngón tay của người cha ấm dần lên. My khẽ ngước mắt nhìn cha. Trên gương mặt bệnh tật của ông hắt mờ mờ một thứ ánh sáng từ đâu đó. My nhận thấy đôi mắt cha cô như tối hơn và cũng như rạng rỡ hơn. Những giây phút như thế cô không dám thở mạnh. Cô biết cha cô đang bước từng bước mê dại trong ý nghĩ lạ lùng về phía vòm trời kia. Rồi ông khóc. Và chỉ có My mới biết được cha mình đang khóc.
    "Ba đi nghỉ đi ba. Ba ngồi lâu quá rồi". Cô nói và đứng dậy bật đèn. ánh sáng tràn ngập căn phòng. Đâu đó trên tường có bóng một con gián thấy ánh sáng vội chạy vào một khoảng tối gần đó. My đỡ người cha lên giường và bắt đầu bài xoa bóp chân tay cho cha theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Khoảng chín giờ tối cô buông màn cho cha. "Con chúc ba ngủ ngon", cô nói và hôn lên trán người cha lúc nào cũng như lấp dấp mồ hôi. Sau đó cô tắt đèn và đứng một hồi lâu trong bóng tối bên giường cha. Khi cô quay ra cửa thì giật mình nhận ra có người đang đứng tựa vào một bên cánh cửa.
    "Mẹ đây", bóng người nói.
    "Mời mẹ sang phòng bên", My nói sau một lát im lặng.
    "Mẹ vội. Mẹ muốn nói chuyện với con một chút", người đàn bà nói.
    "Có chuyện gì không mẹ?", My hỏi, giọng cô như quá mệt mỏi.
    "Mẹ đến chỉ để nói với con chuyện công việc của con thôi. Mẹ đã xin cho con làm họa sĩ trình bày ở một tờ báo đang thịnh hành, lương khởi điểm khoảng dăm trăm ngàn. Như thế... sẽ đỡ cho con. ý con thế nào?".
    "Con vẫn dạy vẽ và tiếng Anh cho bọn trẻ con cùng phố. Tiền thu nhập cũng đủ chi tiêu. Vả lại... ba con con cũng không đòi hỏi gì nhiều lắm".
    "Nhưng còn công việc của con, còn tương lai của con", bà mẹ ngập ngừng.
    "Tương lai của con ư? - My khẽ bật cười - Cái đó thì mẹ khỏi lo. Còn công việc... con cũng đang làm việc đấy chứ".
    "Không, con phải đi làm. Mẹ đã tốn khá nhiều tiền để xin chỗ làm cho con".
    "Mẹ làm thế để làm gì - My chau mày - Nếu con đi làm thì ai trông coi ba".
    "Đấy cũng là điều mẹ muốn nói với con - Giọng bà mẹ chợt hồ hởi - mẹ sẽ bỏ tiền ra thuê người chăm sóc cho ông ấy, con đừng lo".
    "Chẳng ai có thể chăm sóc ba con bằng con cả - My nói và thở dài - không ai có thể hiểu được ba, ngay cả...".
    Cô định nói: "Ngay cả chính mẹ", nhưng cô lại thôi.
    "Sao lại không có ai chăm sóc được ông ấy. Chỉ cần trả công khá một tí là khối kẻ tranh việc, mà có phức tạp gì đâu. Mỗi ngày cho ăn hai bữa, đổ bô vài lần và giặt một bộ quần áo mỏng".
    Trong bóng tối hiên nhà, My nhìn mẹ cô im lặng, mãi lâu sau cô mới nói: "Mẹ về đi, hôm nay con mệt lắm". Nói xong, cô bước xuống chiếc sân nhỏ. Bà mẹ lặng lẽ bước theo. My mở cổng và có ý để bà mẹ đi về.
    Bước đến cổng, mẹ cô dừng lại trước mặt cô và nói: "Con phải suy nghĩ cho kỹ đi. Mẹ lo cho con".
    "Cảm ơn mẹ", My nói và lại bật cười khe khẽ. Cô đóng cửa và vội vã đi vào trong nhà.
    Hơn một tháng trở lại đây, mẹ cô thường đến thăm cô vào buổi tối. Bà thường đứng ngoài cửa buồng cha cô và lặng lẽ nhìn vào. Bà đứng đó đợi My cho đến khi My đã buông màn cho người cha đi ngủ. Lần nào bà cũng nói đến chuyện công việc của cô. Và lần nào My cũng chỉ đứng trong hiên nhà trong bóng tối mệt mỏi nói chuyện với mẹ cô. Cuối cùng lúc nào cô cũng nói với mẹ cô câu: "Con mệt lắm, mẹ về đi", rồi bước ra mở cổng.
    Có tiếng xe máy nổ và xa dần. My chậm rãi bước vào nhà. Căn phòng nhỏ của cô chưa bật đèn và đầy mùi thuốc vẽ. ở góc phòng cạnh cửa sổ mở ra vườn, tấm toan trắng hắt sáng mờ mờ. My lần từng bước trong bóng tối đến trước giá vẽ và ngồi xuống. Cô đưa những ngón tay nhỏ chạm khẽ lên mặt toan. Hơn một năm nay cô đã đợi chờ những mảnh mầu kỳ diệu từ đâu đó sau tấm toan hiện về. Nhưng mỗi lần vẽ xong cô lại càng thấy thất vọng hơn. Cô đã điên khùng rạch nát không biết bao nhiêu tấm toan. Và cũng đã bao nhiêu lần cô gục khóc trên giá vẽ. Cô khóc không phải vì sự thất bại trong nghệ thuật. Nói đúng hơn, chưa bao giờ cô đeo đuổi một thành công nào đó trong nghệ thuật. Cô chỉ vẽ như cô cần phải vẽ. Cô khóc về sự bất lực trong tình yêu của cô đối với người cha bệnh tật.
    Cha cô vốn là một phi công lái máy bay quân sự trong chiến tranh. Sau giải phóng ông chuyển sang lái máy bay dân sự. Sau mỗi chuyến bay trở về, ông say đắm kể cho mẹ con cô nghe về những vùng trời ông đã đi qua. Ông quen thuộc những vùng trời tưởng như vô định ấy như mảnh vườn nhỏ của gia đình ông, hoặc như làng quê ông bên bờ sông Hàn. Nhiều đêm, những câu chuyện của người cha đã đưa cô đến những vùng trời ấy trong giấc mơ.
    Cô gặp những đứa bé trong suốt vừa bay vừa hát bên những bông hoa lạ.
    "Hoa này là hoa gì, bạn nhỉ?", cô hỏi.
    "Hoa Anh My", những đứa bé đồng thanh nói như hát.
    "Ôi! Cùng tên với mình đấy - Cô thích thú kêu lên - Thế những con chim vàng óng kia là chim gì?".
    "Chim Tao Linh đấy".
    "Tao Linh à, mình chưa bao giờ nghe nói đến loài chim này - Cô hơi nghiêng đầu và nhíu mày. Rồi cô nhoẻn miệng cười và nói - Ba mình cũng hay bay qua đây, các bạn có biết không?".
    "Ba của bạn à? - Những đứa bé hỏi và nhìn nhau - à, chúng mình nhớ rồi. Ba của bạn cười giống bạn lắm. Ông đến đây và thường quỳ trước những bông Anh My. Mặt ông hơi ngửa lên, đôi mắt khép nhẹ và say đắm trong tiếng hót của bầy Tao Linh. Nhưng ông đã...".
    Lũ trẻ nói đến đó chợt im lặng và nhìn nhau khác thường.
    "Ba bạn đã... đã mang hương hoa Anh My và tiếng hót Tao Linh về mặt đất. Lẽ ra lúc này thì chưa nên, nhưng không sao đâu, bạn đừng lo", lũ trẻ an ủi My.
    "Thế ba mình...", My định hỏi tiếp một câu thì chợt nghe một tiếng nổ. Những đứa bé vụt biến mất. My tỉnh giấc.
    Ngọn đèn ngủ vẫn tỏa ánh xanh nhạt trong nhà. Qua màn, My nhìn thấy ba mẹ cô đang ngồi quay ra cửa. Trên nền nhà có những mảnh cốc vỡ.
    "Tôi không chịu nổi cuộc sống như thế này nữa rồi", mẹ cô tức tưởi nói.
    "Anh chưa làm một điều gì xúc phạm đến em cả. Anh không hiểu vì sao lâu nay em luôn luôn cảm thấy khó chịu khi anh về".
    "Anh không hề nghĩ đến cái gia đình này. Anh cần những vùng trời của anh. Anh mang về cho mẹ con tôi những gì từ đấy. Những mây, sao, gió máy của anh không thể bán lấy tiền được".
    "Anh nghĩ gia đình mình rất hạnh phúc. Sinh hoạt cũng không thiếu thốn lắm".
    "Hạnh phúc - Mẹ cô bĩu môi - Anh đến nhà đồng nghiệp anh mà anh không thấy ngượng à. Họ cũng bay như anh. Sau những chuyến bay họ mang về cho vợ con họ những thứ cụ thể. Còn anh chỉ thấy mang về cho vợ con anh những thứ ngớ ngẩn, hão huyền, hết sức vô dụng".
    "Em im đi. Em khác xưa quá nhiều rồi đấy".
    "Tôi không khác gì xưa cả. Chẳng qua anh không nhận ra sự thật của cuộc đời này mà thôi".
    Mẹ cô nói và đứng phắt dậy đi sang phòng bên. Ba cô lắc đầu và đốt thuốc hút.
    Sau lần ấy, sau mỗi chuyến bay trở về, ba cô lặng lẽ và hay thở dài. Ông không còn háo hức kể về những chuyến bay của ông như trước nữa. Một hôm cô hỏi người cha.
    "Sao ba không kể cho con nghe về chuyến bay của ba?".
  6. lolita04

    lolita04 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/08/2004
    Bài viết:
    218
    Đã được thích:
    0
    Tiếp theo
    Người cha cúi xuống nhìn cô. Rồi như quên hết mọi phiền muộn, ông lại say sưa kể cho cô nghe về một vùng trời nào đó của ông. Phòng bên cạnh, mẹ cô vứt mạnh những vật gì đó và mắng chửi cay nghiệt con mèo hoa tội nghiệp. Người cha ngừng câu chuyện đang kể cho cô con gái của ông. Ông bước sang phòng mẹ cô. Và cô nghe thấy tiếng ba cô rất nhỏ.
    "Em làm gì thế? Em có biết anh đang nói chuyện với con không?".
    "Con My lớn rồi. Nó sắp ra trường và phải đi làm. Cần phải giáo dục cho nó biết những điều cụ thể của cuộc đời mà nó sẽ đón nhận, chứ không phải những điều lảm nhảm vô bổ".
    "Chính cô đang phá hoại tâm hồn của con, cô biết không. Trước hết con người phải có một tâm hồn đẹp, rộng lượng và biết tha thứ, chứ không phải là một con người tham lam ích kỷ hay thù vặt".
    "Vâng, tôi tham lam, tôi ích kỷ và hay thù vặt. Nhưng thưa anh, tôi còn biết lo toan trước mỗi bữa ăn của con, còn anh, anh viển vông và điên rồ quá rồi".
    "Như vậy - Cha tôi chợt im lặng rất lâu - như vậy chẳng còn gì cho chúng ta có thể nói chuyện với nhau được nữa".
    Nói xong ba cô bỏ đi ra khỏi nhà, mãi khuya ông mới trở về.
    Một buổi sáng ít ngày sau đó, người cha phờ phạc nói với cô: "Ba và mẹ đã quyết định chia tay nhau. Chắc con cũng tự biết trước điều này". My nấc lên khi nghe người cha nói vậy. Cô bỗng thấy hoảng sợ và cô đơn khủng khiếp. Buổi tối đó, cô đến trước mẹ cô. Cô ngồi xuống trước mẹ rất lâu và nói.
    "Mẹ nghĩ lại đi, mẹ ạ".
    "Con ranh con - Mẹ cô trừng mắt giận dữ - Mày cũng nhiễm cái thói mơ mộng vô bổ của ba mày rồi đấy. Cuộc đời sẽ dạy cho mày biết".
    Rồi ba mẹ cô ra tòa và lặng lẽ chia tay nhau. Mẹ cô về ở với bà ngoại cô và lấy một người đàn ông khác sau đó năm tháng.
    My ở lại với người cha và gấp rút chuẩn bị cho năm học cuối cùng ở trường Mỹ thuật. Người cha vẫn thỉnh thoảng xa nhà với những chuyến bay. Ông ít kể về những chuyến bay của ông. Nhưng vào những buổi hoàng hôn, ông thường ngồi im lặng trên chiếc ghế bành bọc vải nhung nhìn qua cửa sổ.
    Khi My vừa kết thúc năm học cuối cùng thì cha cô bị tai nạn giao thông và bị liệt nửa người. Biết bệnh tình của người cha khó có thể hồi phục. My quyết định ngừng xin việc làm. Cô mở lớp dạy vẽ và tiếng Anh cho bọn trẻ con cùng phố để kiếm tiền sinh sống và tiện có thời gian chăm sóc cha. Đêm đêm cô thường phải thức giấc nhiều lần để trở mình cho cha và giúp ông tiểu tiện, và ngày ngày, khi hoàng hôn từ từ buông xuống, ông lại yêu cầu cô đỡ ông ngồi vào chiếc ghế bành bọc vải nhung để nhìn về phía vòm trời nho nhỏ qua ô cửa sổ. Khi bóng tối đã trùm kín căn phòng thì người cha thì thầm: "Vùng trời... vùng trời, cha muốn trở lại... vùng trời". Những lúc ấy, giọng người cha lạ lùng và xa xăm. Cô cảm thấy rùng mình và thương cha vô hạn.
    Một đêm trong căn phòng của cô đầy mùi thuốc vẽ, trong đầu cô lóe lên ý nghĩ mang lại cho người cha vùng trời của ông về trên toan. Sau ý nghĩ ấy, cô lao vào giá vẽ. Cô vẽ trong sự hoảng sợ mộng mị và mơ hồ về người cha. Và suốt hơn một năm qua cô đã vẽ, đã thất vọng và đã khóc.
    Đêm đêm, cô đứng lặng hàng tiếng đồng hồ bên cửa sổ nhìn mãi vào vùng trời có những ngôi sao bé bỏng, ướt át và đầy bí ẩn kia. Cô như thoáng nghe thấy tiếng nói thì thầm của những ngôi sao và những vầng mây bạc trong những đêm sáng trăng. Cô nghe thấy cả tiếng bầy kiến gọi nhau trên những song cửa sổ trong cuộc hành trình muôn đời không ngủ của bầy kiến. Cô nghe thấy cả tiếng con chuột lơ đễnh rơi từ giàn gấc xuống vườn. Một cảm giác lãng đãng và bạc trắng lan tỏa khắp cơ thể cô. Cô lao vào giá vẽ và vẽ cho đến khi tưởng chừng như kiệt sức. Để rồi sáng sau tỉnh giấc, cô lại khóc cho những mảng mầu lạnh lẽo và bất động.
    Mấy ngày trước, vào một buổi sáng có nắng, cô mang chiếc va-li đựng những đồ lặt vặt của người cha ra phơi. Trong va-li cô thấy cuốn nhật ký của người cha. Cô cầm cuốn nhật ký bước vào hiên nhà ngồi xuống và đọc.
    "Đêm qua mình tỉnh giấc mà Lan (tên mẹ cô) không hay biết gì. Hình như chưa bao giờ Lan mất ngủ. Lan vẫn đẹp và đầy sức sống như ngày mới cưới. Và... Lan chưa bao giờ hiểu mình. Sao những đêm tỉnh giấc mình hay nghe thấy những tiếng gì đó mơ hồ gọi mình. Mình thấy cô đơn".
    "Mình đã sống một tuổi thơ đầy cô đơn và ốm yếu. Không quên nổi những chiều mưa mờ mịt bên bờ sông Hàn. Ba đi thuyền chưa về. Má cũng đi chợ xa bán cá. Ngôi nhà lá nhỏ bên sông lúc nào cũng tối và đầy mùi ẩm ướt của mùa mưa. Mình ngồi thu lu trong góc nhà. Đói và tủi. Rồi ba má mất sớm, mình theo một người bác đi thuyền. Đã bao nhiêu buổi chiều mình ngồi khóc nức nở trong mưa trên mui thuyền".
    "Cái mình cần là hơi ấm của con người. Nhưng đời sống càng đầy đủ thì con người càng xa nhau. Cái mà những người đang sống quanh mình tìm kiếm là đồng tiền. Đồng tiền hết sức cần thiết. Nhưng vì nó mà con người lao vào như rồ dại, cắn xé lẫn nhau, nghi ngờ nhau và căm thù nhau".
    "Sao từ ngày cưới nhau đến giờ, Lan chưa một lần thức dậy trong đêm và thì thầm những điều gì đấy với mình. Lan giày vò mình vì những chuyện gia đình như sắm sửa, xây cất. Lan bực tức với những người giàu hơn và tỏ vẻ khinh bỉ những người đói kém. Mình đã từng đói khát và tủi nhục. Nhưng mình không thể sống được khi chỉ nghĩ đến cái dạ dày căng tròn và lầy nhầy".
    "Những lần bay qua những vùng trời vô tận, sao mình cứ ước được bước ra khỏi khoang lái. Tất cả những gì trong khoảng mênh mông của vũ trụ mà mình cảm nhận được lại làm cho mình yên tâm tin mình khi đi trên mặt đất. Những cơn mê làm mình hạnh phúc và muốn khóc. Mình thèm khát được ngồi im lặng trong hoàng hôn và vùi bàn tay trong mái tóc đẹp lạ lùng của Lan. Lan không bao giờ ý thức được trong bóng tối. Lan quá rành rọt với những thứ mà có thể đếm được dưới ánh sáng đơn giản".
    Đêm nay hình như trời trong hơn. Có lẽ cũng đã khuya. My áp mặt vào những song gỗ cửa sổ. Bỗng cô nghe thấy tiếng cha gọi. Cô vội vã đẩy cửa bước sang phòng người cha.
    "Có con rắn... đang quấn... chân ba".
    Nghe người cha nói, My hốt hoảng lật chiếc chăn dạ mỏng và sờ soạng đôi ống chân người cha. "Không có gì đâu ba ạ. Chắc ba mê ngủ đấy", My nói và ngồi xuống mép giường bóp chân cho cha.
    "Nó bò đi rồi hả con?" - người cha thì thào.
    My không nói được. Cô gật đầu, khi người cha trở lại giấc ngủ, cô đứng dậy tắt đèn và trở lại phòng mình. Cô bước trang nghiêm và quyết liệt đến bên giá vẽ. Cô nhìn xuống và nhìn ra cửa sổ. Những ngôi sao như đang bay về. Hình như đêm nay có trăng non. Những song gỗ cửa sổ ánh lên. Cô ngửi thấy hương Anh My, tiếng hót của bầy Tao Linh, tiếng ríu rít của bầy trẻ trong suốt như pha lê. Cô thấy đôi mắt người cha căng lên như hai tấm toan chờ đợi.
    "Con, My đâu... con... " - người cha gọi.
    My lảo đảo bước sang phòng cha. Cô bật đèn.
    "Ba gọi con ư?".
    "Ba thấy người nóng quá. Hôm nay mẹ con có đến không?"
    "Có ba ạ" - Cô trả lời sau một thoáng lưỡng lự.
    "Mẹ bảo gì con không?".
    "Mẹ đến thăm ba" - Cô cố gắng nói.
    "Có bao giờ con thấy mẹ khóc không?".
    "Dạ...".
    "Ba thấy... nóng quá, mà, mà lạ lắm. Mẹ có khóc hả con? Mẹ đến thăm ba sao không nói cho ba hay. Lan... có khóc...".
    "Ba ngủ đi ba. Mai con sẽ mượn cái xe đẩy để đưa ba ra Hồ Tây".
    My kéo tấm chăn dạ mỏng đắp ngực người cha. Rồi cô trở về phòng mình và ngồi xuống trước giá vẽ. Cô thấy người nóng lên ghê gớm. Cô cầm lấy bút vẽ. Cô bật hai ngọn đèn dùng để vẽ đêm mà ba cô đã mua cho cô.
    Đến gần trưa hôm sau My mới tỉnh dậy. Khi vẽ xong cô kiệt sức và gục xuống sàn nhà. Cô mở mắt ngơ ngác. Nắng tràn ngập ô cửa sổ phòng cô. Cô nhìn vào bức tranh và kinh ngạc. Cô nhận thấy có bóng cha cô trong suốt đang bay trong đó. Cô nhớ đến cha. Cô vội chạy sang phòng cha. Người cha nằm yên lặng. Gương mặt ông như đang trôi trong vô tận.
    Người cha đã trút hơi thở cuối cùng khi My vẽ xong nét vẽ cuối cùng.
    My quỵ xuống bên mép giường. Hình như cô nghe thấy người cha hổn hển hỏi: "Có bao giờ con nghe thấy mẹ khóc không?". Đôi môi cô mấp máy như trả lời: "Mẹ sẽ khóc, ba ạ".
  7. lonesome

    lonesome LSVH, 7xSG Moderator

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    7.018
    Đã được thích:
    11
    Nghệ thuật khỏa thân
    [​IMG]Người Trung Quốc gọi loại truyện này là truyện cực ngắn. Đó cũng là một cách gọi, cách phân loại của họ. Đây là một truyện ngắn đậm chất Trung Quốc và cũng gần gũi với người đọc Việt Nam. Một truyện ngắn vui vẻ...
    Mới đến giờ lên đèn mà Thổ Khôi đã rửa xong chân tay mặt mũi. Vợ hắn đang ngồi trước ti vi xem phim. ?oTách? - Thổ Khôi tắt cái tivi. Hôm nay hắn vào thành phố làm ăn, gặp may kiếm được khá nhiều tiền, nhưng mệt bã người, bây giờ buồn ngủ lắm rồi, muốn đi nằm sớm. Thúy Hoa chiều ý chồng, lặng lẽ chui vào màn như một con chuột. Đợi khi Thổ Khôi đã lên giường, cô bèn tắt đèn. ?oTắt đèn làm  gì!? - Thổ Khôi lầu bầu, lại bật đèn lên, rồi hai tay hắn quờ quạng ôm lấy vợ. ?oCái lão quỷ này, không biết xấu hổ à... Bị ma ám hay sao thế hả??. Thổ Khôi chẳng nói chẳng rằng, loáng một cái đã lột hết quần áo lót của vợ. Cưới nhau đã ba năm, làm cái chuyện kia bao nhiêu lần rồi, thế mà hôm nay lần đầu tiên hắn mới nhìn thấy thân thể người đàn bà. Mắt hắn đờ ra, đầu óc như mụ đi. Cặp vú có hai núm nhỏ màu sẫm trông như hai cái sừng dê mới nhú, trông đẹp bằng mấy thứ vú làm bằng cao su bày trong cửa hàng trên phố và mê ly hơn nhiều. Cái lưng thon thon, đôi chân dài dài, làn da trắng trẻo mịn màng như cây cải bắp mới lớn. Mình phải ?olàm? thôi, Thổ Khôi mút mút đầu lưỡi. Thúy Hoa của mình còn ?onghệ thuật? hơn nhiều so với những bức tranh vẽ các cô gái trần truồng hắn vừa nhìn thấy trên thành phố sáng nay. ... ?oAi mua vé không, ai mua vé không? Phim Giọt máu trinh nữ, phim Mỹ loại độc đây. Cơ hội hiếm có!?. Lũ phe vé mất dạy, vé giá 5 hào mà chúng bán đắt gấp 10 lần. Thổ Khôi đắn đo mãi mới dám mua một chiếc. Khi vào rạp chiếu bóng, nhân viên soát vé bảo: ?oĐây là vé xem triển lãm hội họa ở gian bên chứ không phải vé xem phim, bác mắc lừa chúng nó rồi?. Thổ Khôi giận điên người định xé béng chiếc vé ấy, nhưng nghĩ lại, vé đã trót mua rồi, triển lãm lại ở ngay bên cạnh, tội gì chẳng đảo qua một tí, xem thiên hạ vẽ thế nào cũng hay chán. Vào triển lãm rồi, Thổ Khôi mới cảm thấy kỳ lạ làm sao. Ôi mẹ ơi, trên tường treo bao nhiêu là tranh vẽ đàn bà không mặc tí tẹo quần áo nào mới kinh chứ! Hắn len lét liếc nhìn xung quanh, sau khi không thấy có người quen nào mới thở một hơi dài khoan khoái. Người trong xóm mà biết mình vào đây thì ?odư luận? gay lắm! ?oNày cậu gì ơi, tranh vẽ người trần truồng thế này mà sao bên công an người ta lại không có ý kiến gì nhỉ? Thằng cha Vương Tiểu Nhị xóm tớ chỉ bán có mấy bộ tú lơ khơ vẽ đàn bà ở truồng thôi mà đã bị công an tóm cổ đưa lên đồn đấy!?. ?oĐồng chí ơi, đấy là những thứ văn hóa phẩm khiêu dâm. Còn đây người ta gọi là nghệ thuật. Khác nhau đấy!?. Đầu óc Thổ Khôi bỗng sáng ra như căn phòng tối được thắp đèn. Trên đường về nhà trọ, hắn mê mẩn người, trong óc hiện lên toàn là hình đàn bà trần truồng các kiểu. Nghĩ mãi, rồi hắn cũng nghĩ tới cô vợ Thúy Hoa của hắn. Vợ mình xinh nhất xóm đấy chứ, mặt xinh này, thân hình cũng gọn gàng này, chỉ có điều suốt ngày mặc bộ quần áo rộng thùng thình, mọi đêm mình có làm cái chuyện kia thì cũng tắt đèn tối như hũ nút, chẳng được ngắm nghía gì, thật phí của. Lần này về nhà quyết phải bắt cô ấy ?onghệ thuật nghệ thuật? một tí chứ. Thế là Thổ Khôi tạt vào chợ đêm mua cho vợ một bộ váy loại lụa mỏng tang nhìn thấy cả da thịt. ... Dưới ánh đèn sáng, Thúy Hoa trần như nhộng ra sức giãy giụa. Mọi khi cô ấy vẫn ngoan ngoãn theo hắn kia mà! Lần chống trả này chỉ khiến cho Thổ Khôi càng thêm xúc động hăng tiết. Hắn thở phì phò ráng sức đè vợ xuống... Xong việc, Thổ Khôi cảm thấy hôm nay mình mới được làm người đàn ông thật sự. Hắn ngồi dậy, tợp một ngụm trà rồi định làm tiếp lần nữa. Ai ngờ cô vợ bỗng bật khóc hu hu. Mới đầu Thổ Khôi còn có chút khoái chí vì đắc ý, nhưng rồi hắn lập tức cảm thấy tình hình có chiều hướng nguy hiểm. Người đàn bà càng khóc càng to, càng thương tâm. Cuối cùng, tiếng gào khóc ấy khiến ông bố Thổ Khôi chạy đến đập cửa vào phòng. Mẹ Thổ Khôi mất từ khi hắn còn ẵm ngửa. Ông bố một mình gà trống nuôi con nên người, cho nên Thổ Khôi rất kính nể, sợ bố một phép. Cái nhà ba người này, Thổ Khôi vâng lời bố, bố hắn nghe lời con dâu, Thúy Hoa là cao nhất, cái trật tự ấy chẳng ai dám đảo lộn. ?oNói cho tao xem nào, có việc gì thế hả? Đang yên ổn không đâu lại bắt nạt con Thúy Hoa, mày có muốn để tao xé xác ra không hả, thằng kia??. ?oThưa bố, không có chuyện gì đâu ạ?. ?oKhông có chuyện, lại còn không có chuyện gì hả, đồ vô lương tâm, hu hu!? - thấy được bố chồng bênh, Thúy Hoa khóc càng to. Đang khóc, bỗng nghĩ đến cái túi xách chồng mang về chiều nay, cô bèn chạy đến lục túi. Quả nhiên Thúy Hoa lấy ngay ra được cái váy kia. Bây giờ thì càng rắc rối to rồi! ?oBố xem, cái thứ váy này chẳng hiểu anh ấy mua cho con đĩ nào đây... Đổ đốn ra thành phố chơi bời với lũ đàn bà ngoài ấy, về nhà lại định học đòi bắt nạt con... Trời ơi! Hu hu! Con không muốn sống nữa!?. Thổ Khôi chớp chớp mắt, tròng mắt trắng dã, mồ hôi toát ra như tắm. Bị ông bố truy hỏi mãi, cuối cùng hắn đành ấp úng kể lại đầu đuôi mọi chuyện. Ông bố giận tái mặt, những đường gân xanh trên trán ông run bần bật. Ông cầm chiếc ống điếu phang một cái vào đầu Thổ Khôi: ?oĐồ con mất dạy, mất dạy! Tám đời nhà ta thế là bị mày làm tan tành sụp đổ cả rồi, Lại còn nghĩ ra chuyện đi xem đàn bà ở truồng nữa cơ, mày không thấy thằng Nhị Tiểu vừa bị người bên công an tóm cổ lôi đi hả??. ?oThưa bố, chuyện này khác ạ. Người ta làm chuyện khiêu... khiêu gì gì ấy cơ ạ. Còn con chỉ xem nghệ thuật thôi ạ?. ?oĐồ súc sinh, lại còn già mồm hả!?. Cái ống điếu lại phang một cái nữa vào đầu Thổ Khôi, lần này phang mạnh hơn. ?oLần sau mà mày còn vào thành phố thì ông chặt chân, nghe chưa!?. Cũng chẳng hiểu tại sao, hôm sau người trong xóm trông thấy Thổ Khôi ai nấy đều chỉ chỉ trỏ trỏ, ghé tai nhau thì thầm cứ như chỉ sau một đêm mà trên đầu hắn bỗng mọc sừng hay sao ấy. Biết là chuyện lan ra ngoài xóm rồi, cho nên trông thấy ai là Thổ Khôi lẩn ngay. Thế nhưng cũng có lúc chẳng trốn đi đâu được. Mụ Hai, cái mụ gái góa trong xóm ngày thường vẫn bám riết tán tỉnh Thổ Khôi ấy, hôm nay mặt mày hớn hở tươi roi rói hẳn lên. Mụ õng ẹo chặn đường Thổ Khôi: ?oThế nào, muốn xem mụ già này cởi truồng hả? Nhà tớ không có ai đâu, vào đây tớ cho xem này?. Thổ Khôi ngượng chín người chỉ muốn độn thổ. Tối hôm ấy trước khi lên giường, hắn chủ động tắt đèn chứ không để vợ tắt như mọi khi.
    Truyện ngắn của Mi Guo-xian (Trung Quốc) - NLD
  8. lonesome

    lonesome LSVH, 7xSG Moderator

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    7.018
    Đã được thích:
    11


    Tình yêu mong manh
    Cấn Vân Khánh
     


    Đã bao lần Quân cố gắng kiếm tìm một thời điểm, một không gian thích hợp nhất để nói với Như rằng anh không muốn tiếp tục nữa, nhưng càng ngày anh càng hiểu ra rằng sự kiếm tìm đó là rất khó. Nên anh trở nên trì hoãn ghê gớm. Ví dụ như lúc này.
    Như đang ngồi trước anh. Mặt nghiêng nghiêng vì ánh nắng xéo qua ô cửa kính quán cà phê. Cô mặc một chiếc áo len mỏng khoác ngoài chưa cài hết khuy. Mái tóc dài đen nhánh phủ xuống bờ vai gầy guộc, gương mặt ngơ ngác xanh xao. Tất cả dấy lên trong anh cảm giác tội nghiệp, hơn là một niềm yêu thương. Tại sao thế nhỉ? Mình đã từng rất yêu cô ấy kia mà.
    ?oEm này, anh quyết định rồi...?. Quân hắng giọng. Anh kìm mình khi thấy dáng Như xoay qua anh hốt hoảng. ?oGì thế anh??. Giá như giọng nói của cô ấy đừng trong trẻo thế. ?oAnh quyết định không đầu tư vốn vào công ty nữa. Đã có những mâu thuẫn xảy ra...?. ?oVâng, tùy anh?. ?oAnh muốn nghỉ ngơi, anh định đi Nha Trang?. ?oVâng?. Cô ấy không hỏi mình đi với ai, cũng không có quyền được đòi hỏi là sẽ đi cùng anh. Trong anh phút chốc dấy lên một cảm giác ngán ngẩm tột cùng. ?oMình về đi?. Anh gọi người phục vụ tính tiền rồi ra bãi giữ xe. Như líu ríu sau anh. Anh chở cô ngang qua con đường hoa phượng nở hiếm hoi của Sài Gòn mà trước đây cô vẫn thích thú đòi anh chở qua. Nhưng anh đã đọc thấy sự mỏi mệt, thậm chí cả cam chịu trên gương mặt ấy.

    Toàn, đứa bạn thân của anh, hiện là giảng viên Trường Đại học Thủy sản Nha Trang ra ga đón anh. Vừa thấy anh đã toét miệng cười hỏi: ?oNhư đâu??. Anh khoát tay: ?oĐi một mình tự do hơn?. ?oTao đã dặn mày rồi, đi đâu chứ đi biển mà đi một mình là buồn muốn khóc đó?. ?oVậy chứ mày thì sao? Sống ở biển một mình tưởng chết từ đời nào rồi chứ??. Toàn cười ha hả: ?oThế không biết là cuối năm nay tao cưới vợ à??. Anh gật gù: ?oThật là một tin tốt lành?. ?oThế còn mày thì sao? Bao giờ cưới??. Anh im lặng. Thật ra, anh đã có lúc mơ đến một gia đình yên ổn, để khỏi phải ngày ngày ra tiệm ăn cơm, khỏi mặc một chiếc sơ mi đến công ty còn mùi mồ hôi của ngày hôm trước, khỏi phải chật vật một mình với những viên thuốc mỗi lúc bệnh hoạn, ốm đau. Nhưng rồi, có một cái gì đó lại ngáng trở anh, khi công việc ngập đầu và anh phải giải quyết đến khuya rồi ngủ gục luôn bên tách cà phê uống dở, để sáng sớm hôm sau hoan hỉ với những ấp ủ mới, thành công mới. Những chầu nhậu, những cuộc vui ngẫu hứng, bất kể sáng trưa chiều tối của mấy nhân viên dưới quyền khiến anh vui vẻ xua đi căng thẳng dù đôi khi làm cho anh nôn thốc nôn tháo và thức trắng đêm với căn bệnh đau dạ dày. Chốt lại một điều sự tự do hấp dẫn anh hơn thảy và anh chưa sẵn sàng thay đổi cuộc sống mà anh đang sống. Hơn thế, liệu Như có thực sự là người mà anh muốn gắn bó cả cuộc đời?
    ?oNha Trang có gì thay đổi không??. Anh ngồi sau xe Toàn, hỏi bâng quơ. ?oNhư mày thấy đấy, vẫn xinh đẹp như ba năm về trước?. Anh nhìn những rặng dừa xanh thẫm nằm trải dài bên bờ cát trắng mịn trong hoàng hôn thành phố qua cặp kính đen, thấy lòng không khỏi xốn xang: ?oCho tao về khách sạn nào mà ba bước có thể về với vua Thủy Tề?. Toàn quay đầu lại: ?oSao? Mày chê căn hộ chật chội của tao à? Căn hộ ở Sài Gòn của mày chắc gì đã rộng rãi tiện nghi bằng??. ?oKhông. Lần này về, tao muốn được tĩnh tâm một chút, với lại còn bồ của mày nữa. Phiền lắm?. ?oOK, tùy mày đó. Nhưng không phải vì thế mà khi tao lên Sài Gòn mày tống tao ra vỉa hè đâu nhá. Tao không phải là sếp như mày nên không chơi sang được?. Anh vỗ vai thằng bạn lắm lời: ?oTao hiểu mà. Mày hợp với nghề bán cháo phổi lắm đấy, thật không hổ danh giảng viên đại học?. Toàn xách va li cho anh lên tận phòng ở khách sạn rồi vẫy tay: ?oCó gì thì ới một câu, tao tới liền?. Anh ngả xuống giường, đệm êm ru khiến anh khoan khoái, anh mở máy điện thoại. Có ba tin nhắn đang đợi anh. Tin của Như. Những dòng chữ dài lê thê nội dung cái nào cũng như cái nào, rằng anh đã về đến Nha Trang chưa, anh có khỏe không, anh đang làm gì, em nhớ anh... Anh buông máy chạy vào buồng tắm xối nước lên tóc với cảm giác đã đời sau một ngày lắc lư trên tàu. Anh muốn quên...

    Nha Trang về đêm vô chừng quyến rũ, anh đi dạo một mình trên phố rộng đèn điện giăng mắc sáng choang. Những quán cà phê hoa trổ đầy cổng mở nhạc êm ru, những gương mặt khách du lịch tươi vui, hớn hở. Và tiếng sóng, khi anh đứng trên bờ biển lắng nghe âm vang đại dương, thấy cuộc đời quả là kỳ diệu. Khoảnh khắc này, anh mới nhận ra, mình thật cô đơn. Mình có sai lầm không khi đi biển một mình thế này. Anh bắt đầu nghĩ đến Như, khi mà đi lướt qua anh là một đôi trai gái. Cô gái mặc một chiếc áo len có gam màu giống như chiếc áo len Như hay mặc. Một gam màu xanh trời nhạt điểm những nụ hoa tím ở cổ và tay áo. Anh đã từng chê là quá đơn điệu và tẻ nhạt. Nhưng hiện tại, Nha Trang đã làm cho anh nghĩ về cô. Anh điện thoại gọi cho Như. Chỉ một tiếng chuông reo cô đã nhấc máy. ?oAnh đây. Em khỏe chứ?. ?oVâng, em khỏe?. Anh áp chặt điện thoại vào tai, dường như anh nghe thấy cả tiếng thở dồn của Như bên kia đầu dây. ?oAnh đã đi chơi nhiều chưa? Anh ăn tối chưa??. ?oRồi em?. ?oAnh nhớ mặc áo khoác nhé...?. Quân ừ hử. Vẫn những điệp khúc đó, mà cái anh cần, trong lúc này, không phải những lời quen thuộc ấy. Giá như, một lần thôi, cô nói rằng: ?oEm về Nha Trang với anh nhé?. Anh sẽ hoan hỉ biết bao. Thế có tàn nhẫn không nhỉ, để cô lặn lội một mình xuống đây. Khi mà trước đó anh có thể thừa khả năng kéo cô đi bất cứ nơi nào. Anh đang mâu thuẫn hay sao? Không. Anh cần Như mãnh liệt hơn. Nhưng Như vẫn là Như, không thay đổi. Anh đã từng yêu cô tha thiết ở cái tính nết nhu mì giản dị. Cô từng đến với anh sau những cơn say. Không quản ngại, cô pha nước ấm lau mặt cho anh, cởi tất, cởi giày cho anh, rồi ngồi ngay ngắn bên cạnh. Lần đầu anh xúc động, nhưng những lần kế tiếp, sự chu đáo lặng lẽ không một lời phàn nàn oán trách của cô làm cho anh bực bội, vì một điều gì mà chính anh không thể nào lý giải được. Tình yêu hai người phẳng lặng như một dòng sông không gợn sóng, như một đĩa hát tua đi tua lại phát nhàm. Quân không phải là người đa tình hay thích phiêu lưu vì xung quanh anh không thiếu những cô gái trẻ hấp dẫn. Nhưng nếu anh chia tay, Như sẽ nghĩ gì. Rằng anh là kẻ phản bội. Mà với Quân, sự phản bội là điều anh ghê tởm nhất. Nhưng cố gắng duy trì, thì anh lại mệt mỏi nhàm chán, lại trốn tránh, lại cảm thấy sợ hãi khi phải đối diện với chính mình. Hay chăng, anh sẽ nói thật với Như... Rằng hai người cần phải có một thời gian để xem xét lại...

    Quân tắt máy điện thoại. Anh ghé vào một quán bar gần khách sạn, cô gái phục vụ tiến đến rót rượu cho Quân. Khi cô ta cố ý ngồi sát Quân thì anh khoát tay tỏ vẻ từ chối. Anh gọi cho Toàn, thông báo vắn tắt rằng ngày mai anh quyết định trở về Sài Gòn, nếu rảnh thì qua gặp anh gấp khiến thằng bạn vàng cáu nhặng xị kêu anh là đồ khùng. Quân uống sạch ly whisky, thở dài: ?oCó lẽ nó nói đúng, mình khùng thật rồi?.

    Tàu vừa đến ga Sài Gòn thì mưa đổ ập xuống. Quân kéo va li, đi như chạy trên con phố đông đúc rồi ghé vào một quán cà phê. Anh ngồi co ro đốt thuốc, lơ đãng nhìn lá vàng bay tơi tả qua ô cửa kính. Đúng lúc đó cửa mở, đứng sững trước anh là Như. Cô ướt lướt thướt trong chiếc váy trắng mỏng manh: ?oSao em lại ở đây??. Như bíu tay lên mặt bàn, nói bằng một giọng yếu ớt: ?oEm ra ga đón anh?. ?oSao em biết anh về??. Em gọi cho anh nhưng anh tắt máy, em gọi cho anh Toàn, anh ấy nói anh về... Em đã đợi anh ở ga suốt cả chiều nay... Khi nãy em nhìn thấy anh và gọi anh, nhưng không kịp...?. ?oThế à??. Quân nói bằng một giọng hờ hững, đến mức anh phải kêu trời, sao mình lại tệ thế, nhưng rồi anh đã lấy lại bình tĩnh. Anh gọi cho Như một ly sữa nóng. Hai người ngồi đối diện nhau. Quân không biết phải bắt đầu thế nào thì Như đã cất lời trước: ?oAnh Quân, em muốn nói với anh một chuyện...?. ?oAnh nghe đây?, ?oEm sắp đi xa...?. ?oHả??. Trong một giây Quân tưởng mình nghe lầm. ?oEm đi đâu??. ?oEm đi Pháp. Mẹ của em đã lo xong giấy tờ cho em. Mẹ cần em. Em không nghĩ rằng tất cả lại chóng vánh thế. Em xin lỗi vì đã giấu anh...?.

    Quân im lặng. Thế là xong. Khỏi phải nhức đầu nhức óc cho một cuộc chia tay vì chính Như chứ không phải là ai khác đã nói ra điều đó. Anh chợt nhận ra trong quãng thời gian hai năm yêu nhau chưa bao giờ anh để tâm đến gia đình của Như. Thậm chí, chưa bao giờ anh quan tâm cuộc sống của Như. Anh chỉ láng máng biết rằng ba mẹ Như chia tay nhau khi Như còn nhỏ và cô phải sống với bà ngoại. Thi thoảng anh đưa cô về và hai người chia tay nhau ở cầu thang khu chung cư cao tầng buồn bã. Quân nhìn sâu vào đáy mắt Như, anh thấy những giọt nước mắt long lanh trào ra. Anh nắm tay cô: ?oEm, đừng khóc?.

    Như đưa Quân về khi mưa gần tạnh. Đến cửa, Quân nói khẽ: ?oEm về đi không muộn?. Như ngẩn ngơ một lúc rồi cô lên xe, nhưng vì tay không vững nên cô suýt ngã. Quân giữ lấy cô thật chặt: ?oEm có sao không??. Như lắc lắc đầu: ?oKhông...?. Rồi cô lên xe, phóng thẳng về con đường phía trước.

    Quân nhìn theo. Anh không hiểu tâm trạng của mình. Như đang nghĩ gì? Phải chăng sự im lặng của anh càng làm cho Như vò xé vì cô đã đột ngột thông báo cho anh về chuyến đi của mình, đến mức anh không thốt được nên lời? Tội nghiệp cho Như, cô như bình pha lê trong trẻo đến tinh khiết đã đặt nhầm tình yêu cho một kẻ hời hợt như anh. Quân tra chìa vào ổ khóa và đổ vật xuống giường, một lúc sau không tài nào chợp mắt, Quân với lấy điện thoại bấm số máy Như , nhưng cô tắt máy. Lẽ nào Như đã ngủ? Hoặc cô đã chọn ngày hôm nay để chấm dứt tình yêu. Dường như cô hiểu, sự ra đi của cô sẽ rất khó để tiếp tục đắp xây tình cảm với Quân. Vì ngay cả khi cô sống gần anh, chưa bao giờ anh thực sự thuộc về cô. Và với Quân, anh cũng chưa bao giờ hình dung ra được, có một đêm thế này anh gần như thức trắng chỉ để gọi về một số máy mà chính anh cũng không biết, mình sẽ nói gì với chủ nhân của nó...
     
    Cấn Vân Khánh
  9. khongtenso0

    khongtenso0 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2004
    Bài viết:
    3.758
    Đã được thích:
    0
    Có lẽ bác Mod phải làm thêm cái mục lục ở trang đầu (bằng cách chuyển một bài nào cũ cũ mà có thể xóa được từ topic khác vào đây, sau đó update các truyện mới post vào đó). Vì theo cái đà này sẽ có nhiều trang, nhiều truyện. Có mục lục thì sau này những người đến sau tiện theo dõi và post bài không trùng lập.
  10. toctem7x

    toctem7x Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/01/2006
    Bài viết:
    769
    Đã được thích:
    0
    Truyện này đang gây tranh cãi vì giống với Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư
    DÒNG SÔNG TẬT NGUYỀN​
    Phạm Thanh Khương
    l - Bây giờ đang là cuối đông, những trận gió mùa tràn về dứt từng chiếc lá cuối cùng trên cây bàng già nua bao năm đứng trân trân chịu trận bên bờ sông. Cây bàng có từ bao giờ tôi cũng không biết, nhưng quanh năm suốt tháng, mỗi khi từ đồng về, người ta lại đem bầy trâu buộc vào mấy cái rễ trót mọc lồi lên trên mặt đất.
    Chỗ đất buộc trâu lúc nào cũng nham nhở, nhầy nhụa, lở loét, khai và khăn khẳn mùi phân. Những ngày nắng ráo còn đỡ chứ phải ngày mưa không một ai dám đặt chân vào, đất ở đấy sủi bọt lục bục như lỗ trạch lòng mương nước. Từ những vũng trâu đằm, mùi khắm, khai, thối, bốc lên theo gió loang xa cả một vùng sông nước. Rồi nước từ những vũng trâu đằm ấy chảy xuống sông, hòa vào nước mặc người đôi bờ hì hụi gánh về đổ bể lấy nước ăn. Những ngày như thế, cha thường bắt tôi chèo thuyền ngược lên hướng thượng nguồn mới cho nổi lửa nấu cơm.
    Mùa hè, từ mờ sáng cho đến nửa đêm, lũ trẻ trâu tóc cháy đỏ hoe râu ngô, người ngập ngụa mùi bùn tanh nồng trèo đầu cưỡi cổ, vặt lá bẻ hoa, lần theo mấy cái cành đua ra mặt nước, hò nhau nhảy xuống. Đôi khi lũ trẻ nhoai người hái bàng chín, gặp phải cành yếu, rơi từ trên cao xuống, máu mũi, máu miệng chảy đỏ ngoe đỏ ngoét theo nước lẫn vào màu da đen cháy. Đối diện phía bên kia bờ là bến nhà tôi, nơi cha tôi thường neo thuyền lại nghỉ ngơi sau mỗi lần đi xa về.
    Nói là bến nhà tôi cho oai chứ thực ra chả của ai cả, chẳng qua là thuyền nhà tôi thường về đậu ở khúc sông này, lâu ngày thành quen rồi tiện mồm cứ gọi thế cho dễ nhớ, dễ hình dung. Tôi không thể nào nhớ nổi tôi đã đi bao nhiêu con sông trong vùng đồng đất mà người ta cứ cho đó là vựa thóc của đồng bằng sông Hồng. Ai muốn gọi thế nào cũng được vì nó chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống nhà tôi.
    Bản thân tôi cũng không có nơi sinh chứ nói gì chỗ cắm sào là của mình. Biết mình không có nhưng ai hỏi vẫn phải nói có. Nhiều khi tôi nghĩ, khổ nhất ở đời này rõ ràng không nhưng cứ tự nhận mình có, nếu không nó thèn thẹn, xâu xấu thế nào ấy. Những chuyện như thế, cha tôi nghe thấy, nếu ông đang ngồi thường nhấc đít lấy tay phủi phủi mông kiểu người ta phủi bụi, còn đang đứng, thế nào ông cũng chạy ra mui thuyền vạch quần đái rồi khạc nhổ quá bằng có cục đờm to đút nút lấy cổ.
    Năm nay trời lạnh cá cũng không chịu đi ăn đêm, và khi người khôn của lại hiếm. Cứ như hiện nay, các loại cá sông có đẻ hằng đêm thì cũng khó mà duy trì được giống. Để đánh bắt con người không từ bỏ một thủ đoạn hay phương pháp nào. Trước kia, những gia đình sống bằng nghề sông nước tuy không ai quy định nhưng mọi người đều ngầm thống nhất các loại vó lưới dày mau không dùng vì còn để cá lớn. Nhưng nay thì khác, vó lưới dùng loại dày, rồi kích điện, đánh mìn, hóa chất. Cộng thêm vào tệ đánh bắt không cần biết hậu quả về sau, thuốc sâu từ đồng ruộng chảy xuống, nước thải từ các nhà máy công nghiệp chảy vào, từ các khu dân cư vô tư đổ đến. Một thời sông trong trẻo, thơ mộng cho những ai yêu văn thơ tha hồ sáng tác, còn nay sông một màu đùng đục xam xám đen tang tóc. Hầm cá trong lòng thuyền nhà tôi ngày xưa lúc nào cũng nhung nhúc, chiếc sạp lát sàn đêm đêm cá quẫy nước bắn ướt đầm phải lên mui mới ngủ được, còn bay giờ hôm nào nhiều chục con, ngày ít hai ba con.
    Ngày ấy, khi cá còn dễ đánh bắt, kho nấu cá bao giờ cha tôi cũng chặt vứt bỏ khúc đầu, đuôi chỉ lấy khúc giữa. Ông thường bảo tôi rằng, ở đời ăn uống từ đầu chí cuối mất cả phần con cháu, đồ phàm phu tục tử, không đáng sống. Mặc ông nói thế nào tôi cũng kệ, thực ra tôi nghĩ chẳng qua là do ông làm nghề chài lưới, kiếm con cá con tôm không vất vả khó khăn như những người khác nên thế thôi. Mà lạ lắm, tất cả các món ăn chế biến từ cá ông thích nhất là món kho mể. Món kho mể chẳng có gì cầu kỳ phức tạp, người làm cá chỉ mỗi việc mổ cá, để nguyên cả máu rồi cho vào nồi đất, đổ nước xăm xắp cho lên bếp đun, bao giờ cá chín nhừ là bắc ra ăn, múc cả khúc cá với nước cá kho còn nóng nghi ngút khói. Nước kho cá chan cơm ăn còn ngon gấp mấy lần nước mắm đầu nong đầu nia, nước mắm cất. Thích thế nhưng dẫu có ngon đến mấy, ông chỉ ăn một bữa còn lại đem đổ hết xuống sông, không bao giờ để lại ăn bữa thứ hai. Có một lần tôi thấy cá ngon, tiếc của giời đem cất đi tối lấy ra. Vừa nhìn thấy, ông chẳng nói chẳng rằng quăng luôn cả nồi cá xuống sông, xong chửi, bảo tôi là đồ khốn, giống hệt tính cái con mẹ đẻ ra tôi. Những gì ông không thích, những khi ông bực, ông lại chửi tôi như thế. Lúc ấy tôi rất sợ, nghe giọng ông chửi, tiếng rít qua kẽ răng, người tôi cứ co rúm lại, chân tay tự nhiên run bần bật, không thể nhúc nhắc, chẳng khác gì người ta đem dây trói chân trói tay tôi lại.
    Tối qua trước khi đi ngủ cha tôi nói như giao hẹn:
    - Sáng mai nhổ neo, liều liệu tính toán cơm nước mà đi sớm - Ông lầm bầm - Cứ thế này rồi không có cả *** mà đổ vào miệng.
    Chả cần biết mọi người có nghe thủng việc không, ông lấy vò rượu, đổ đầy bát tô, uống cạn một hơi rồi chui vào khoang thuyền trải chiếu nằm ngủ.
    Nghe ông nói, tôi hãi im thin thít làm theo, không đám ho he gì. Cô Hến cũng thế, cun cút dọn dẹp các thứ cho vào cái hòm đựng đồ bằng sắt tây đã hoen gỉ. Biết tính ông chỉ nói một lần, không nhắc lại, sáng nay mọi người dậy sớm để chuyển thuyền lên khúc sông trên.
    Tôi quên không nói, nhà tôi hiện tại có ba người. Tôi, cha tôi và người đàn bà cha nhặt ở bến Trầm, còn người đàn bà sinh ra tôi đã bỏ dòng sông cùng những chuyến phiêu bạt gió sương đi đâu không rõ. Việc bà bỏ tôi và cha ra đi có một phần lỗi thuộc về tôi, còn cha tôi, từ ngày bà bỏ đi, cứ uống rượu là ông chửi mặc dù không hề nhắc đến tên ai nhưng tôi biết, người ông nguyền rủa, thâm thù, cay đắng không ai khác chính là bà, người được ông nhặt lên từ mó bỏ mồi cá ngày nào. Cũng sau ngày bà bỏ đi, đến bến nào, nghỉ ở khúc nào, miễn là nơi chiếc thuyền có thể cắm sào, gặp người đàn bà nào có thể nhặt được là ông nhặt. Rồi như con thuyền, cắm sào một chốc một lát nhổ neo đi, người đàn bà ông nhặt ấy sau một vài ngày cũng bị ông vứt trả lại bờ không thương tiếc.
    Mờ sáng tôi dậy thu xếp chài đem buộc lên cái cọc cắm ở đầu thuyền như cây nêu để phơi, công việc này trước đây là của mẹ tôi, còn bây giờ, tất cả những người đàn bà kia, những người ông nhặt sau bà đều không được làm. Khi tôi lụi cụi phơi chài, cô Hến hì hụi nhóm lửa phía cuối thuyền thổi cơm. Tôi đang đứng trên mui giũ chài thì thấy loảng xoảng rồi tùm tũm xoong nồi, rổ rá và cả chiếc kiềng gang ba chân theo nhau rơi xuống sông. Đuổi theo tiếng đồ vật rơi là tiếng chửi của cha tôi, tiếng chửi nhằm nào cô Hến chứ không vô chủ như mọi lần, lời chửi gay gắt và độc địa.
    - Đồ ngu, nhóm bếp thế thằng ****** ngủ được à. Không biết làm sao gì hơn việc cong tưỡn cái mông lên hay sao?
    Khốn nạn. Sự khốn nạn đến tận cùng, nhưng người đàn bà cha tôi nhặt trên bến sông Trầm vẫn không hé răng nói lấy một lời, cô nhẫn nhịn chịu đựng, nem nép chui qua khoang nhà thuyền ra phía đầu mũi ngồi lặng lẽ lấy vạt áo chấm chấm mắt. Khổ quá, ở thuyền sáng mai ra đàn bà con gái không bao giờ được ra mũi thuyền ngồi, vừa ăn chửi xong lại ra đấy không chừng vớ cái đạp lộn xuống sông bây giờ. Nghĩ thế tôi bỏ dở công việc len lén tụt xuống kéo cô lên mui ẩy về cuối thuyền trong khi cha tôi chui lại khoang trùm chăn ngủ tiếp. Cô Hến không biết rằng, khi ngủ, bao giờ bố tôi cũng cắm hai sào, một phía mũi, một ở cuối để phòng khi đêm trở gió thuyền không xoay ngang xoay dọc làm mất giấc. Sáng ra, khi nấu cơm phải nhổ sào tháo dây phía cuối thuyền để cho thuyền ngược hướng gió thì khói mới không vào khoang.
    Vì không biết nên cô Hến đã để khói bay vào khoang, mà khoang nhỏ thì có khác gì hun chuột. Bài học vỡ lòng đời thuyền không xong chắc không sớm thì chày cô Hến lại được cha tôi vứt lên bờ như những người đàn bà khác.
    2 - Những người đàn bà đi qua cuộc đời cha tôi đều là những người ông nhặt được trên sông và trên bờ từ nhữmg chuyến đi kiếm ăn lênh đênh sông nước. Người đàn bà đầu tiên và cũng là người sinh ra tôi là người ông nhặt được từ một mó bỏ mồi cá.
    Người làm nghề chài lưới trên sông không phải ai cũng có nghề như nhau mà thực ra mỗi người, mỗi vạn chài có một nghề riêng. Có người cả đời sông nước chỉ sống độc một nghề thả câu, có người buông lưới, có người quăng chài, có người đi te hay đóng đăng, đóng túi. Cũng như cha tôi, cả đời chỉ có một nghề đánh chài mò. Trong các nghề sông nước, nghề chài mò là nghề vất vả nhất.
    Người làm nghề chài mò phải có sức khỏe, khả năng lặn sâu, lâu, chịu được sức ép của nước, ai không có sức khỏe làm nghề này rất nguy hiểm đến tính mạng. Đã có một vài người tưởng nghề chài mò dễ kiếm ăn lao vào, hôm trước hôm sau phải bỏ vì không chịu được. Độ sâu để đánh chài mò thường phải từ hai mét trở lên. Mỗi khi quăng chài, người đánh phải lặn xuống, dùng chân dận cho bốn xung quanh mép chân giềng chài ngập sâu vào bùn mà phải làm nhanh nếu không cá sẽ theo mép chân giềng chui ra ngoài. Người chịu được không sao, người nào yếu, khi làm xong việc đó, lúc nổi lên mặt nước ộc máu mồm máu mũi, nếu ai chảy máu tai coi như cầm chắc cái chết.
    Trước đó, người đánh phải lặn xuống sông lấy tay hoặc chân gạt lớp bùn non, đào một cái hố sâu (gọi là mó) khoảng hai mươi đến ba mươi phân, rộng bằng cái thúng lồi bỏ mồi vào. Mồi để đánh thường làm bằng cám rang, trộn với thóc, phân người tươi, phân trâu bò và các loại xác giun, cào cào châu chấu. Sau khi đã trộn các loại đó với nhau, người la lại đem trộn với bùn rắn hoặc đất thật cho thịt nhuyễn rồi chia ra thành nhiều phần, mồi phần to bằng cái ấm chuyên pha trà bỏ xuống một mó. Ngày còn bé, mỗi khi cha tôi làm mồi thường bắt tôi phải ị vào cái vại sành để lấy phân trộn mồi. Hôm nào không muốn đi phải rặn đến đỏ cả mặt nổi gân nổi guốc. Những lần như thế ông thường chửi tôi là đồ toi cơm, vô tích sự rồi đuổi tôi ra và kéo quần ngồi luôn vào đấy làm công việc cung cấp nguồn nguyên liệu làm mồi. Mà cũng lạ, cái giống cá chép sông sao thích loại mồi có phân người tươi thế không biết. Mồi gì thì mồi, có làm thơm đến đâu mà không trộn phân tươi là không hấp dẫn được nó.
    Năm ấy mùa đông như kéo dài hơn, rét nhiều hơn, cá mú dường như cũng ít hơn và con người sống cũng ít tốt hơn. Ấy là theo cha tôi nói thế chứ tôi lúc đó còn đang ở bờ tre gốc dứa nào chưa biết. Sau khi đã uống cạn bát nước mắm trước khi xuống nước, ông quăng chài, nhưng chả hiểu sao, đáng lý phải quăng chài bẩy, nghĩa là chài dài sải ba (bẩy thước bắc bộ, mỗi thước bốn mươi phân, chài bẩy chiều dài bằng hai mét tám) ông lại quăng chài chín. Vì chài chín quá dài, cá dễ lặn xuống bùn chui qua giềng ra ngoài nên ông quăng chài xong sực nhớ ra vội vàng xuống sông ngay. Sau khi lặn dận chân giềng ông có cảm giác không có cá, vì như mỗi lần, khi lặn dận chân giềng là thế nào cũng chạm cá sao ra. Giống cá chép, khi bị động thường tìm một chỗ bùn lõm để ép mình vào đó tránh. Đánh chài mò, quăng chài xong phải xuống dận chân giềng để cá khỏi ra ngoài và cũng là để cho cá rúc xuống chỗ chân vừa đi, chính chỗ đó đã có các túi lưới, cá vào đó rồi thì không thể nào ra được. Đấy cũng chính là thói quen chết người của bầy cá chép sông, cứ tưởng tránh được cái chết ai ngờ tự chui đầu vào chỗ cho người làm thịt.
    Linh tính mách bảo thế nào, nếu như mọi lần, sau khi lặn dận chân giềng xong thường phải lên thuyền ngồi chờ mươi mười lăm phút, đợi cho cá rúc chân giềng mới xuống mò thì ông lại xuống mò ngay. Lặn mò hết cả một vòng chân giềng không thấy cá lao ra động chân giềng ông bèn lặn vào kiểm tra mó mồi. Và ông đã thấy người đàn bà sau này sinh ra tôi nằm cuộn tròn trong mó. Chẳng nghĩ ngợi gì, ông để chài đấy đưa bà lên bờ, dốc ngược hai chân vào vai, đầu chúc xuống đó chạy huỳnh huỵch mấy vòng.
    Tuổi thơ của tôi là những ngày lênh đênh sông nước, nay đây mai đó, không có điểm dừng. Nơi cha tôi thả mồi và nhặt được bà từ mó cá không bao giờ ông cho thuyền về đó đậu. Đêm đêm ngày ngày tiếng cá quẫy lòng thuyền là niềm vui của gia đình, nhiều khi cái âm thanh tù túng, vây hãm của bầy cá trong khoang làm tôi toét miệng cười. Tiếng cười, nét mặt tôi khi đó như thế nào không rõ nhưng mỗi khi như thế cha tôi thường nhăn mặt có vẻ khó chịu. Năm tôi lên bảy tuổi, có một lần mẹ rắng với cha.
    - Con nó năm nay đến tuổi đi học rồi đấy, ông xem gửi con vào đâu cho nó học kiếm cái chữ kẻo rồi lại vất vả cả đời như cha mẹ, nó lại oán trách sau này.
    Vẫn giữ nguyên nét mặt đầy khó chịu, cha bảo, giọng rít qua kẽ răng.
    - Thằng bố nó không học có chết đâu, vẫn sống nhăn răng ra đấy thôi. Học vào rồi mà nứt mắt tý tởn. Không ăn mới chết chứ không có chữ chưa thấy ai chết bao giờ.
    Nghe ông nói, nét mặt mẹ đang tươi như hoa bỗng xịu xuống chẳng khác gì gặp trận gió quét, rũ xuống, bã bời, tơ tướp. Không phải đi học tôi càng thích. Tôi nhảy cẫng lên, để nguyên cả quần áo tôi lao rầm xuống nước, lặn một hơi bơi ra rõ xa mới ngoi đầu lên. Túm tóc đuôi gà bết nước cuốn chặt lấy cổ. Mẹ tôi thấy thế giấu mặt vào sau tay áo.
    Cuộc sống nhà tôi cứ thế, đều đặn diễn ra. Sáng mẹ lấy vợt xúc cá dưới khoang thuyền mang đi chợ bán đong gạo, mua rau dưa, dầu đèn và các thứ linh tinh khác. Chiều cha làm mồi rồi chờ chập choạng mang ra bỏ mó, đợi khi trăng lên hay gió nổi hây hẩy, mẹ chèo thuyền cha đứng đầu mũi nhẹ nhàng lướt đến chỗ chiều cha bỏ mồi. Bao giờ mũi thuyền cách mó bỏ mồi chừng sải tay, mẹ dựng mái chèo cho thuyền đứng lại. Cha trên đầu mũi, hơi xoay, vặn người về sau rồi cũng rất điệu nghệ, ông tung chiếc chài lên nở bồng trên mặt sóng, đường chân giềng đã được kẹp chì bung đều vòng tròn, chụp xuống chỗ đã bỏ mồi. Tiếng chân giềng chạm mặt nước chỉ nghe cái rụp. Chỉ bằng một cú quăng ấy lũ cá trót dại vào ăn trong mó khó lòng thoát khỏi bàn tay của cha. Trong khi chân giềng chìm dần từ mặt nước xuống chạm lớp bùn dưới đáy, nếu là mùa đông, cha bưng bát nước mắm đặc sánh uống một hơi rồi nhẹ nhàng như con rái cá ông lao xuống sông. Bao giờ đường chân giềng chắc chắn đã được giấu sâu trong bùn khi đó mới thấy ông ngoi lên mặt nước.
    Mỗi lần quăng như thế cha thường phải lặn lên lặn xuống từ năm đến sáu lần. Một đêm, cha thường bỏ ít mười mó, hôm nào thấy có nhiều tăm ông làm mười bốn mười lăm mó. Những hôm như thế, tiếng cá tranh phần nước lấp sấp trong lòng khoang thuyền lục cục cả đêm. Và tôi phải lên trên mui ngủ, còn cha tôi sẽ lên trên mũi, mẹ tôi, bà phải xuống ngủ phía đuôi, nơi cạnh bếp để sáng mai cơm nước sớm cho cha và chuẩn bị đi chợ. Chẳng biết có phải vì làm nghề chài mò lặn nhiều hay không mà ngực cha tôi vồng lên, những thớ thịt căng đầy cuồn cuộn những cơ là cơ. Vồng ngực căng đầy của cha tôi theo năm tháng làm nghề chài mò lép dần, lép dần không gì níu giữ được.
    Được toctem7x sửa chữa / chuyển vào 09:09 ngày 15/07/2006

Chia sẻ trang này