1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những truyện ngắn hay ( Mục lục : trang 4 )

Chủ đề trong '7X - Chi hội Sài Gòn' bởi lolita04, 30/06/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. toctem7x

    toctem7x Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/01/2006
    Bài viết:
    769
    Đã được thích:
    0
    Tiếp theo
    3 - Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn ước giá không có cái buổi chiều khốn khó đó thì đã không mất mẹ, cuộc sống của cha con tôi cũng có khi vẫn chung niềm vui ăm ắp tiếng cá quẫy hằng đêm trong lòng khoang thuyền rộn rạng. Mẹ tôi sáng sáng vẫn te tái cơm cơm nước nước lo cho cha và tôi cùng lời nhắc nhở trước khi cắp chiếc rổ lên bờ đi chợ. Rằng hai cha con ở nhà chờ bà chợ về cơm nước, đừng sợ muộn mà tự nấu nướng lấy rồi cả nhà lại phải ăn cơm sống. Và tôi, từ lúc mẹ bước lên bờ sẽ leo lên mui ngồi ngóng bà chợ về mua cho bơ bò hạt dưa người ta nhuộm phẩm nhấm nhắt cho đỏ môi. Còn cha, bà sẽ mua cho lạng thuốc lào. Nhận gói thuốc từ tay bà, ông vân vê, vuốt vuốt từng sợi, viên viên hạt bi đặt nhẹ nhàng vào chiếc nõ đã được lấy mũi dao nhọn khoét, gọt, gạt những bớn khói thuốc bám đen xung quanh, tay gẩy gẩy chiếc đóm ruột tre ngâm phơi khô, hơ hơ trên miệng điếu rồi hút một hơi thật sâu, tiếng nõ nổ tanh tách. Đoạn, ông ngửa cổ, chụm môi nhẹ nhàng nhả từng sợi khói phơ phất bay mỏng mảnh như dây chỉ trắng lên trời. Cha quay ra khen: Hôm nay bà nó mua thuốc lào của ai mà hút có hậu thế. Nói có khi chưa xong câu, ông đã nằm quay ra sàn thuyền lơ mơ nghĩ những gỉ những gì không biết và bật cười. Mẹ nghe thế nguýt cha một cái rõ dài, tủm tỉm cười theo. Tôi thuộc lòng chẳng hiểu đầu đuôi thế nào cũng lăn xuống sàn, giơ hai chân lên trời giẫy giẫy cười hùa theo. Đêm ấy không có gió, thuyền nhà tôi cũng bồng bềnh, dập dềnh nô giỡn với sóng, trăng và nước.
    Ấy là ước giá thế thôi chứ cái cảnh đó bây giờ nó đã quá xa với tôi rồi. Tôi cũng không còn nhớ là đã phải xa nó năm năm hay sáu, bẩy năm gì nữa, xa như tiếng cá quẫy lòng khoang thuyền của cha con tôi bây giờ vậy. Nhiều hôm thấy tôi ngồi bần thần ông chửi.
    - Nhớ nhớ nhung nhung cái gì. Cái mặt mày rồi lại như con đẻ ******, quân ăn cháo đá bát. Loại người gì sống không bằng loài chó. Mà chó nó cũng không bao giờ bỏ con như cái con ****** đâu. Ngồi đấy mà thuỗn cái mặt rặn ỉa ra cho ngứa mắt.
    Ông chửi thế tôi phải chịu chứ thực lòng, không phải tôi không có lúc giận mẹ. Cái ngày đầu tiên tôi có tháng, thấy máu tự nhiên chảy ra tôi lo đến thắt gan thắt ruột. Tôi học cách người ta cầm máu, vơ không biết bao nhiêu là lá, nhai rồi đắp đến mỏi cả mồm, căng cả bụng nước mà nó vẫn cứ chảy. Bực mình, tôi phải lấy cả một vạt áo cuộn nút lại mới được. Tháng đầu tiên của người con gái tôi phải mất cả cái áo cánh trắng chĩ chụm chắt bóp mãi mới có được. Cũng may, sau đó hơn tuần cha tôi nhặt được một người đàn bà ở trên bến Sủi, bà đã bảo cho tôi biết. Người đàn bà này cũng chỉ kịp bảo cho tôi biết cách làm thì cha tôi đã lại vứt trả bà lại bờ. Giá tôi có mẹ thì làm sao tôi phải mất oan cái áo như thế, làm sao phải để một người đàn bà lạ hoắc dạy bảo tôi chuyện đó. Những lần như thế tôi giận mẹ lắm, chỉ có điều, tôi giấu cái giận vào trong lòng. Giận thì giận nhưng tôi vẫn nhớ bà nhiều lắm. Giận mẹ một tôi căm thằng chủ cai thầu thợ đấu gấp mười, thậm chí cả trăm lần. Chính nó đã làm tôi mất mẹ và cũng chẳng biết bây giờ mẹ tôi đang phiêu bạt nơi nào. Sau lần ấy nó đã giũ áo bỏ đi để mặc mẹ tôi gánh chịu. Cũng chính nó làm tôi bây giờ nhìn mặt bất cứ thằng đàn ông nào trên đời cũng thấy gian gian, đểu đểu, không thể tin được. Tôi luôn cảm thấy sự khốn nạn ẩn chứa sau vẻ mỹ miều, ngon ngọt, chả biết có đúng thế không.
    Năm ấy khúc sông Ghềnh sao nhiều cá đến thế, cha tôi đánh cả tháng mất tăm vẫn sủi lên như bong bóng mưa. Không mấy khi gặp được nơi như thế cha quyết định dừng thuyền ở đấy chứ không như những lần khác, chỗ nào nhiều nhất cha cũng chỉ cắm sào hai đến ba hôm là cùng rồi lại nhổ neo đưa thuyền sang khúc khác. Theo ông, đánh bắt mãi một chỗ cá chẳng kịp lớn rồi ra chẳng còn cửa mà làm ăn. Sống nhờ cá mà không biết cho con cá kịp lớn, kịp sinh đàn dài lũ thì cũng là quân vô ơn bạc nghĩa. Những chỗ đã đánh bao giờ cha tôi cũng phải đợi hai ba năm sau mới quay lại. Có nhiều khúc sông, khi thuyền nhà tôi quay lại tôi còn không nhận ra nơi ấy đã từng neo đậu vì cảnh vật thay đổi quá nhiều, mặc dù sự thay đổi thường là chán đi chứ chẳng mấy chỗ đẹp lên. Chỗ thì làng mạc tiêu điều xơ xác, cây cối chẳng còn xanh tốt như ngày đến. Chỗ thì bãi lở vào sâu nhôm nhoam, ghẻ lở. Nơi hàng chục chiếc tàu hút cát hùng hục đào bới, tiếng máy nổ rồi khói, váng dầu xả ra đen đặc cả khúc sông. Cái sự mưu sinh của con người cũng ghê gớm, tham lam vô cùng, chẳng biết thế nào cho đủ. Gặp những cảnh như thế, cha tôi thế nào cũng chửi đổng vài câu rồi mới cho chèo thuyền đi khúc sông khác.
    Cũng vì nhiều cá cha tôi cho thuyền neo lại lâu nên việc sáng sáng mẹ tôi đi chợ cũng thành thói quen của nhiều người gần bến. Có một lần mẹ cho tôi theo đi chợ. Từ bến đậu thuyền nhà tôi đến chợ cứ theo con đường nhựa chả biết làm từ bao giờ nhưng đến nay nó đã trốc mặt, những hố là hố, có nhiều cái to hơn cả mó bỏ mồi của cha tôi. Hai bên đường, dọc theo con ngòi, người ta thi nhau đẩy thuyền, những chiếc thuyền nan đầy đất quật thành từng ô vuông vức lấp mấy đoạn ngòi. Mẹ bảo tôi người trên bờ đất chật người đông nên không còn đất để ở phải lấy đất dưới lòng các con ngòi rồi quật cao làm nền nhà. Sống mỗi người mỗi nhà nhưng chết phải chung nghĩa địa, cái lý của người trên bờ là thế. Mẹ thở dài.
    - Bao giờ nhà ta mới có tấc đất cắm dùi. Sống không có đất ở, chết không có đất chôn.
    Nghe mẹ than thở nhưng thực lòng lúc ấy tôi chả hiểu gì chỉ nghĩ nhà tôi cần gì đất làm nhà. Cả nhà sống trên thuyền, ăn nước sông, uống nước sông, sống nhờ sông. Khúc sông này còn cá thì ở, hết cá thì đi, nhổ con sào đẩy một cái là đến chỗ khác. Ở nhà thuyền, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, con cá con tôm lúc nào cũng tươi, nhẩy tanh tách chả sướng gấp mấy lần trên bờ phải chen nhúc chật chội hay sao. Mẹ tôi ước làm gì cho khổ. Nhìn những người lặn ngụp, ngâm mình dưới nước vác từng tảng đất vất lên thuyền rồi lại phải quật cao thành gò thành ụ để làm nhà sung sướng nỗi gì. Mẹ bảo tôi những người ấy là thợ làm đấu. Những người này ăn khỏe lắm, vì thế mới có câu ăn đấu làm khoán. Cả ngày ngâm mình dưới nước nên lúc nào cũng đói. Chả trách cha tôi mỗi bữa ăn bẩy tám bát vẫn kêu đói. Tôi len lén nhìn những người thợ đấu, người nào người nấy vâm váp, bắp tay, cơ ngực cuồn cuộn như dây chão, dây lèo giằng chèo, kéo cột dựng buồm.
    Khi hai mẹ con tôi đi qua chiếc lều bạt dựng cạnh đường, nơi có chiếc xe máy mầu đỏ dựng bên cạnh thì có ai đó gọi:
    - Này cô chài, có cá tươi bán cho mấy mớ.
    Nghe tiếng gọi, mẹ tôi tong tả đến trước cửa lều, đặt rổ cá xuống đon đả:
    - Hôm nay em có mấy mớ cá còn tươi lắm. Mấy anh xem mua cả giúp em cho gọn.
    Từ trong lều đi ra là một người đàn ông cao ráo, khuôn mặt vuông vức, hàng râu mờ mờ xanh bao kín cả hai bên má xuống cằm. Đi sau anh ta là ba bốn người nữa. Một người trong đám nghe mẹ tôi nói thế cười, sán đến, ngồi xuống bên cạnh.
    - Cá của em thì tươi rồi nhưng có lạ không em?
    Mấy người đi theo cười hô hố, nhe cả hàm răng to như bàn cuốc, đen thui đít nồi. Mẹ tôi đỏ mặt xấu hổ. Người đàn ông cao ráo có khuôn mặt vuông vức lừ mắt, mấy người kia vội im bặt.
    - Cô đừng giận, họ hay đùa tếu táo thế thôi. Hôm nay tôi có nhiều thợ làm. Cô lấy bao nhiêu để tôi mua cả. Cá nhà cô là cá sông, mấy hôm trước tôi mua của cô, kho mặn mà ai ăn cũng khen ngon, thịt thơm lắm.
    Giọng người đàn ông nhẹ nhàng, thủ thỉ nghe ấm áp:
    - Người xinh thì cá cũng ngon phải không cô. Hôm nào có cá cứ mang đến đây tôi mua cả cho không phải đi chợ bán nữa, vất vả người bán mà cá cũng mất tươi.
    Mẹ tôi lại đỏ mặt, lấy tay kéo vành nón giấu khuôn mặt đang hồng lên sau lời khen. Hôm ấy hai mẹ con tôi đi chợ không phải lo bán cá nữa nên có thời gian cho tôi đi chơi, mua sắm các thứ. Mẹ mua cho cha và tôi mỗi người một bộ quần áo mới. Vui quá tí nữa thì hai mẹ con tôi quên đến giờ về nấu cơm trưa. Tôi vui ra mặt, nhảy chân sáo suốt đường về. Còn mẹ, tôi đoán, chắc mẹ cũng vui nên thỉnh thoảng cười tủm, hai má hồng hồng dưới vành nón. Một quãng mẹ lại gỡ nón nhìn nhanh vào chiếc gương nho nhỏ mà người ta khéo léo gài phía trong áp chóp.
    Thuyền nhà tôi cắm sào ở lại khúc sông này đã lâu mà nhìn xuống nước vẫn thấy tăm cá nổi lên. Sáng ra, cha bảo mẹ mang hết cá ở khoang chứa đi bán, không cần để dành làm gì, đánh tối nay nữa rồi đi. Mẹ tôi bảo ông đang đánh được tại sao lại đi vội thế. Ông lừ mắt nhìn mẹ giọng chì chiết:
    - Cá đánh lắm cũng hết, người ở lâu dễ hư. Ma quỷ yêu quái chẳng qua là ở mãi một chỗ mà thành. Mèo già hóa tinh thành cáo, chó dữ nuôi lâu phát rồ. Đi hay ở cô không phải nói nhiều, tôi khắc biết.
    Nói đoạn, ông chui vào khoang lấy bộ quần áo mẹ mua cho hôm có tôi đi cùng mặc vào. Sau khi đã lên bờ ông quay lại nói vọng xuống thông báo ông đi ăn cưới ở vạn chài khúc sông trên trưa nay không về. Ông còn dặn ở nhà hai mẹ con chuẩn bị sẵn mồi chờ ông về để bỏ mó. Mẹ bắt hết chỗ cá đi chợ, còn tôi, mấy đứa trẻ trâu xóm bãi rủ đánh trận giả rồi chơi trò trốn tìm. Tôi lật mấy tấm ván đầu mũi thuyền chui nấp vào trong đó, xong lắp lại như cũ. Tôi nấp ở đây tài thánh cũng không ai có thể tìm được. Nằm cuộn trong khoang mũi trốn, tụi trẻ xóm bãi rà đi rà lại tìm mấy lần không thấy chúng bỏ đi nhưng tôi nghĩ chúng nó giả vờ để lừa tôi ra bắt nên cứ yên trí nằm trong đó mặc cho chúng nó đi tìm. Đánh trận giả đã thấm mệt bây giờ nằm trốn trong khoang mũi nên tôi lúc đầu chỉ nghĩ lim dim một chút cho đỡ mệt ai ngờ ngủ béng đi mất. Khi tôi đang ngủ thì thuyền tròng thành làm đầu tôi đập vào khung xương gá ván tỉnh giấc. Tôi chưa kịp lật ván chui ra thì đã nghe thấy tiếng thở dốc của mẹ và giọng nói nhẹ, ấm rất quen thuộc, rằng mẹ làm ông ta mệt quá. Tôi hé mắt qua khe ván, chiếc xe máy mầu đỏ đang dựng bên vệ đê lối xuống bến. Tôi cứ nằm trong khoang mũi chờ cho mẹ mà người đàn ông bước đến chỗ xe máy tôi mới lật ván chui ra, ngồi bệt xuống mặt sàn. Khi mẹ trở lại thuyền thấy tôi ngồi sẵn đó, bà ngồi xuống cạnh hỏi có phải vừa ở trong khoang mũi không. Tôi không trả lời mà tự nhiên òa lên khóc, gạt bà ngồi ra xa.
    Câu chuyện vỡ lở, tôi tưởng cha sẽ đánh cho mẹ một trận hay phải gầm lên chửi mắng. Nhưng không, cha bắt mẹ đến xin người đàn ông ấy một đồng tiền mà không cần biết tiền to hay nhỏ. Sau khi mẹ mang về đưa cha, ông vuốt cho phẳng phiu rồi cất kỹ vào một chỗ. Cũng từ hôm ấy, ông giặt chài phơi phóng thật khô cho vào chiếc hòm sắt khoá lại, không làm nghề chài mò nữa. Đến bữa, trước khi cả nhà ăn cơm, ông lại lấy tờ tiền ấy ra, đặt lên mâm và bảo tôi, giọng rất nhẹ nhàng nhưng tôi vẫn nhận ra tiếng gió rít nhẹ trong kẽ chân răng:
    - Con cứ ăn đi. Từ nay nhà ta không ai phải làm gì nữa, đã có mẹ con đi làm kiếm tiền về nuôi bố con mình rồi.
    Một tuần ròng rã, tôi nghe mẹ van xin cha nhưng ông vẫn tịnh như không nghe thấy gì. Mỗi bữa ăn là nước mắt mẹ lưng tròng chan cơm. Rồi một sáng, mẹ cắp rổ đi chợ và không bao giờ trở lại nữa. Đến tối, cha không thấy mẹ quay về, ông chèo thuyền đúng ba ngày ba đêm đưa tôi sang khúc sông khác. Ông làm nghề chài mò trở lại nhưng cũng từ đấy ông đổi tính đổi nết, hay uống rượu và thường đưa những người đàn bà lên thuyền, rồi sau đó một hai hôm ông vứt trả lại bờ. Cá đánh được ông không cho mang lên chợ bán, ai muốn mua xuống bến nói cần con to hay nhỏ, nặng bao nhiêu là ông chui vào khoang, lật tấm ván lát thuyền bắt mang lên.
    Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn thấy căm thù mấy đứa trẻ trâu xóm bãi đã rủ tôi chơi trò trốn tìm. Tôi muốn đập nát cái khoang mũi để cho tôi nằm trốn trong đó. Tôi hận với chính tôi đang chơi lại lăn ra ngủ và tại sao lại tỉnh giấc vào lúc ấy. Liệu hôm đó tôi cứ lang thang chơi với lũ trẻ trâu xóm bãi bắt cào cào châu chấu hay trò ném pháo đất thì mẹ có phải bỏ tôi đi như thế không? Và nữa, nếu cha không căn vặn tôi vì sao lại khóc, bỏ cơm không chịu ăn để tôi phải nói cho cha biết? Nếu tôi biết nói dối? Nếu cha không ném đồng tiền năm nghìn xanh lét xuống mâm trước mỗi bữa ăn cùng câu nói mười lần như một thì mẹ có ở lại với cha và tôi không? Mẹ bỏ tôi mà đi có một phần do lỗi của tôi? Mẹ ơi, giờ này mẹ đang phiêu bạt nơi nào. Thương mẹ, nhớ nhẹ, tôi chỉ dám gọi thầm trong bụng.
  2. toctem7x

    toctem7x Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/01/2006
    Bài viết:
    769
    Đã được thích:
    0
    Tiếp theo
    4 - Có một chiều chỉ có hai cha con ngồi ăn cơm trước khi ông đi bỏ mồi, tôi hỏi.
    - Tại sao lại có sông hả bố?
    Vừa bưng bát cơn lên và, ông nói giọng còn lụng bụng trong miệng.
    - Vì đời sinh ra bố.
    Nghe ông nói thế tôi không dám hỏi thêm kẻo bát cơm ông đang bưng lên tay có cánh bay sang mặt tôi. Mấy năm trước, cha tôi cũng nhặt được một người đàn bà trên bờ đưa xuống thuyền. Cô này nói luôn mồm, thấy cái gì cũng hỏi mà hỏi đến cu ty tỉ muội. Một lần cũng trong bữa ăn, cô hỏi bố tôi về chuyện tại sao con sông này có tên gọi là Bo, con sông kia có tên là Mã, con sông nọ có tên là Sứ. Sau mấy câu trả lời ậm ừ, cô ấy cứ hỏi mãi. Chẳng nói chẳng rằng, ông ném luôn bát cơm đang bưng trên tay vào mặt, chửi.
    - Miệng thối như *** mà ăn cơm cứ nói lắm. Bọt phun phè phè ra hết mâm còn ai dám ăn. Cô về hỏi thằng bố cô ấy.
    Dứt lời, ông đứng lên bế thốc cô ném thẳng lên bờ, nhổ neo đẩy thuyền đi tịnh không thèm ngoái đầu nhìn lại. Tính ông là thế, không thích lằng nhằng, làm chài thì cứ việc giỏi bỏ mồi bắt cá, ông chúa ghét thói lính canh ngó chuyện triều đình, đầu không ra đầu mà cuối cũng chẳng ra cuối, vạ rách chuyện. Ăn cơm mốc nói chuyện tám thơm. Biết tính ông thế nên tôi thôi. Ừ, thì cứ coi ông là dòng sông đi. Sông cũng có khúc lở khúc bồi, khúc trong khúc đục, có tội lỗi, có tật nguyền như con người trên bờ kia, cũng có kẻ này người nọ, nếu không làm sao mẹ bỏ tôi khi mới hơn mười tuổi đầu mà ra đi cho được.
    Để giúp cô Hến nhóm lửa nấu cơm, tôi nhẩy xuống sông mò tìm lại mấy thứ cha lôi vừa quăng xuống nước. Với tôi, không nói khoác, là con gái thật đấy nhưng chuyện bơi, lặn khó có thằng trai trên bờ nào thắng nổi. Có một lần duy nhất trong đời cha nói vui với tôi. Ông bảo tôi sau này lấy chồng, nếu nó léng phéng con cứ lôi nó xuống sông mà dần.
    Ăn cơm nước xong cả nhà đang chuẩn bị nhổ sào chuyển đi khúc sông khác thì chả hiểu sao, cô Hến múc nước rửa bát ngã xuống sông. Tôi còn đang mải thu dọn các thứ, sắp xếp cho gọn, vì trong ngôi nhà thuyền rộng năm, sáu mét vuông nếu không biết cách sắp xếp thì đến chỗ đặt chân cũng chẳng có. Thực ra công việc này là của cô Hến vì dù muốn hay không cô cũng là người phụ nữ nhiều tuổi nhất trong nhà, thương cô nên tôi làm giúp. Mới lại, không biết cô có tồn tại bên cha tôi được lấy ba bẩy hai mốt ngày không hay lại như những người đàn bà trước đây, lâu thì một ngày, nhanh thì một đêm đã bị ông quẳng lại bờ cùng mấy tờ bạc nhàu nhĩ tanh mùi cá. Dẫu sao, tôi cũng là người biết tính biết nết của cha và đã quen với sự sắp đặt trong khoảng không gian chật chội này rồi. Mải làm nên khi cô ngã xuống sông tôi không để ý và với những người nhà chài như cha con tôi, ngã xuống sông là chuyện vặt. Rơi xuống rồi thì bám vào thành thuyền mà trèo lên. Người nhà chài có ai chết đuối bao giờ. Còn cha tôi, khi cô ngã ông biết nhưng mặc. Với ông, muốn ở nhà chài thì phải biết tất cả những gì của đời chài cần có, cho dù nó vất vả, khốn khó đến mấy, bằng không, quy luật cuộc sống sớm muộn nó cũng đào thải. Con người ăn, uống vào rồi cũng phải thải ra, không thải ra được sẽ chết. Nhìn thấy cô ngã song ông vẫn ngồi điềm nhiên hút thuốc.
    Đời chài động một tí là chạm nước, không những thế, tất tần tật những gì gọi là sự khắc nghiệt của thiên nhiên người chài phải chịu hết. Tắt nắng mưa đến bão gió, người làm chài phải hứng chịu nguy hiểm hơn người trên bờ vì không được nương tựa vào đâu. Rồi hơn thế, vào mùa lũ, người trên bờ làm ầm ĩ lên nhưng thực ra cũng chỉ nói cho to, đứng để xem chứ có làm được gì. Người làm chài thì khác, phải trực tiếp đối diện với nó. Lũ, năm nào chả thế. Lũ đến rồi đi, dăm bẩy lần cũng chả nhằm nhò, hề hấn gì. Lũ là việc của trời, còn chúng tôi, đánh chài bắt cá là việc của chúng tôi. Trời có lúc nắng lúc mưa thế thôi. Để tồn tại được những người sống trên sông nước phải tự thích nghi với cuộc sống.
    Ngày mới lên hai, để có thể tồn tại được với cuộc sống sông nước, cha ném tôi xuống sông mặc tôi chìm nổi tập bơi, giẫy giụa quẫy đạp trong nước chỉ đến khi nào sắp chìm mới lấy vợt xúc lên. Những ngày đầu tôi uống căng bụng nước, ông cầm hai chân dốc ngược rồi quay vòng tròn cho nước tháo ra ngoài. Mẹ tôi thắt gan thắt ruột nhưng không thể làm trái ý ông. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày, cứ chiều chiều là ông quẳng tôi xuống nước. Lúc đầu chân tay còn quềnh quàng như chó, lũm bũm đập nước để ngoi lên, sau rồi quen dần, tôi tự học được cách bơi như thế nào cho nhanh, cho đỡ tốn sức. Những đứa trẻ dân chài lên hai phải biết bơi, lên ba đã phải tập chèo thuyền, vá lưới, phân biệt chài năm, chài bẩy hay chài chín. Lên bốn tập nhìn sóng biết gió, nhìn nước biết độ nông sâu. Năm tuổi, nhìn tăm biết cá, biết mưa đi đàn tìm nơi sinh sản. Sáu tuổi, đêm nằm ngửa mặt lên trời biết mai nắng mưa hay bão gió, bấm đốt ngón tay tính được ngày con nước. Bảy tuổi đã trở thành dân chài thực thụ, một mình có thể xoay sở tự kiếm sống, xòe bàn tay chai dày như người làm rèn, đánh búa. Cha bảo tôi, chẳng có trường lớp nào bằng cuộc sống đang bày ra trước mắt, để sống con người phải tự biết làm gì. Kẻ ở rừng phải biết cưỡi ngựa bắn cung. Kẻ làm ruộng phải biết cày, bừa, cấy lúa. Kẻ sông nước phải biết bơi lặn, quăng chài.
    Khi chợt nhớ ra cô Hến là người trên bờ làm sao biết bơi như tôi thì cô đã chìm dưới nước không còn thấy cánh tay giơ lên quờ quạng cầu cứu. Từ trên mui thuyền tôi lao vội xuống sông, lúc này chắc cha tôi cũng nhận ra cô Hến không phải người chài, ông phóng mình từ trong khoang lao xuống không khác gì con nhái.
    Tôi không nghĩ sau sự việc xảy ra cô Hến lại là người chủ động ra đi mà không cần cha tôi quăng trả cô lại bờ như những người đàn bà khác. Trước lúc đi, cô nói với cha giọng thật nhẹ nhàng mà sao nghe tha thiết lạ:
    - Em biết rồi anh cũng ném trả em lại bờ như những người đàn bà khác. Để anh làm điều đó anh vừa mang tiếng mà em cũng chẳng sung sướng gì. Thôi thì, một ngày nên ngãi, em xin đi để giữ tròn điều tiếng cho anh. Trước khi xa anh và con, em chỉ xin nói với anh một điều, hận thù chỉ làm cho con người tăm tối. Rồi còn con nữa, nó sẽ sống ra sao khi cuộc đời chỉ một màu đen của lòng căm giận.
    Nghe cô nói cha không có phản ứng gì. Ông ngồi bất động, tay xoay xoay chén nước trà mà cô Hến vừa pha cho. Chén trà đặc, nóng khi uống còn đăng đắng trong cổ, uống xong mới thấy vị ngọt và hương thơm của trà, thói quen, ý thích của cha như hút thuốc lào ngon vậy.
    Nói xong, cô đưa tay kéo tôi vào lòng, vuốt nhẹ lên tóc. Vô tình, ngón tay cô vướng vào mấy sợi tóc rối. Cô lấy hai tay giẽ giẽ ra rồi khẽ khàng luồn vào như chải thêm một lần nữa. Tự nhiên tôi ép đầu vào ngực cô. Từ ngực cô, tôi nhận thấy có một mùi rất quen mà tôi đã ngửi thấy lâu lắm rồi, không thể nhớ nổi.
    5 - Cô Hến bỏ đi chả hiểu sao cha cũng từ bỏ ý định di chuyển sang khúc sông khác như dự kiến ban đầu. Ông cũng nghỉ làm chài mấy hôm, chỉ ngồi hút thuốc lào và uống nước chè mặc tôi làm gì thì làm. Lấy cớ nhà hết gạo, rau ăn tôi xin phép cha đi chợ mua sắm.
    Cắt đường tôi tìm về bến Trầm. Cô Hến đón tôi niềm nở trong ngôi nhà ba gian mái ngói nằm khuất sau rặng tre gai cuối xóm. Ngôi nhà quạnh vắng, âm ẩm, vôi trên các bức tường tróc loang lổ để lộ ra những đường mạch xây lở loét. Ngay chiếc bàn gỗ uống nước kê ở gian giữa khi chạm tay tôi có cảm giác lành lạnh. Tất cả các đồ đạc trong nhà được xếp đặt ngăn nắp chứng tỏ chủ nhân của nó là người chỉn chu và rất sạch sẽ.
    Ôm tôi trong lòng mà nước mắt cô rơi lã chã. Nép đầu vào ngực cô, tự nhiên tôi lại bắt gặp mùi quen quen mà tôi đã gặp ở đâu đó lâu lắm rồi còn lưu lại trong tiềm thức. Cô luồn tay vào trong tóc tôi, nhẹ nhàng gỡ những chỗ tóc gió làm rối khi tôi đi đường. Nói cái gì, bảo cái gì cô đều gọi tôi là con. Cô hỏi cha tôi mấy hôm nay như thế nào, sức khỏe ra sao rồi tất tần tật các chuyện ăn uống, sinh hoạt hàng ngày từ khi mẹ tôi bỏ đi đến nay. Mới có ba bốn hôm mà cô hỏi cứ như đã xa cả năm cả tháng. Và tôi không thể tin được những điều cô kể, sự thật đấy nhưng sao nó đến nhanh và bất ngờ quá, một sự thật đến phũ phàng, tàn nhẫn.
    Nhà cô có hai chị em. Mẹ cô sinh ra cô thì chết do băng huyết. Bố cô một mình làm lụng nuôi hai chị em đến khi cô lên năm thì ông đổ bệnh và cũng mất. Người chị lên bẩy, người em lên năm phải sống dựa vào sự đùm bọc cưu mang của bà con lối xóm. Thời gian cứ trôi đi, cuộc sống cũng dần dần ổn định khi cả hai chị em đã lớn. Để có thời gian lo toan cho người em ăn học mong sao có ngày ngẩng mặt nhìn đời, chị cô đã từ chối tất cả những chàng trai trong xóm đến cầu hôn. Rồi người em cũng học xong trung cấp sư phạm và lên dạy trên vùng cao. Người chị ở lại nhà, sau thời gian nuôi em ăn học lúc này tuổi cũng đã lớn. Nhà quê, con gái hai lăm hai sáu tuổi đã chẳng có người con trai nào để ý. Rồi một ngày có một người trai làng bên đến ngỏ lời yêu thương, người chị đã dồn tất cả tình cảm của mình cho người đó. Khi biết mình có mang, người chị nói cho chàng trai đó biết. Không ngờ, khi nghe chị cô thông báo, chàng trai đó đã từ chối và tìm cách lảng tránh. Lo lắng cùng quẫn, sợ điều tiếng, người chị đã bỏ nhà đi đến khúc sông làng bên rồi tự tử những mong rửa sạch nỗi nhục nhã mà đời đang lại. May mắn người chị được một người làm chài trên sông cứu sống. Nghĩ đấy là duyên phận trời định và cũng để trả nghĩa, người chị đã ở lại làm vợ người đó. Bao nhiêu năm người chị đã phải giấu giếm thân phận và sự thật để sống một cuộc sống không phải của mình. Nhưng rồi vì người đàn ông đó tính tình khô khan, cuộc sống sông nước không có hy vọng, gặp quá nhiều khó khăn lại vô tình gặp một người đàn ông khác, nói năng cư xử không như người chồng, kinh tế lại khá giả được người đó chiều chuộng nên đã sa ngã. Biết đó là nỗi nhục của cuộc đời, người chị đã cố gắng làm mọi việc mà ông yêu cầu để mong cứu vãn gia đình. Nhưng người chồng đã không tha thứ, mỗi khi đến bữa ăn, ông lại đem đồng tiền mà người vợ ông bắt xin của kẻ đối địch về bỏ xuống mâm. Nhục nhã ê chề, người vợ đã dứt ruột bỏ con ở lại để đi tìm cái chết. Trước khi chết, người đàn bà ấy đã viết thư nói toàn bộ sự việc cho người em đang làm giáo viên trên miền ngược và nhờ cậy cô trông nom con gái và người đàn ông đã cứu sống mình. Thương chị, người em đã bỏ dạy về để đi tìm. Một lần ra bến sông, cô vô tình nhìn thấy người con gái con ông thuyền chài đang tắm có cái bớt đỏ bên vai trái như lời người chị dặn lại. Và cô đã trở thành người đàn bà ông nhặt được ở bến Trầm này. Người ấy chính là cô Hến và người chị không ai khác là người đàn bà mà cha đã nhặt được ở mó bỏ mồi cá ngày nào, người đã sinh ra tôi.
    Kể xong cô Hến đưa tôi đến trước tấm gương tủ, kéo vai áo trái tôi xuống. Chiếc bớt đỏ tròn như đít bát nằm ngay đầu xương bả vai trái, chiếc bớt đã có bao năm rồi mà tôi không hề biết. Cô đưa tôi đến trước bàn thờ kéo tấm vải che. Trên bàn thờ có ba tấm ảnh, hai người đàn bà và một người đàn ông. Trong hai người đàn bà ấy có một người là mẹ tôi. Nhìn sâu vào tấm ảnh của bà, hình như bà đang khóc, một vệt trắng mờ chảy dài xuống má. Bất giác tôi gào lên: Mẹ ơi. Tôi ngã quỵ xuống.
    Tôi lao ra ngoài, theo cánh đồng trước mặt cắm đầu chạy. Tôi không biết chạy đi đâu, chỉ biết rằng chạy thật xa, xa thật nhanh sự thật mà cô Hến vừa cho biết. Trên cánh đồng đang chờ đổ ải, những thửa ruộng đất phơi nắng vỡ dưới chân, bàng bạc trắng, bước chân tôi trật truội, xiêu vẹo vô định giữa một khoảng không gian mênh mông... Một toán đánh dậm quây tròn, tru tréo như bầy sói săn vớ được mồi. Chúng dằn tôi xuống triền đê. Tiếng cúc áo đứt, tiếng xé vải áo, tiếng lột quần... Trong ánh sáng nhờ nhờ và tiếng thở đứt quãng, tôi nhận ra có một khuôn mặt đứa trẻ chăn trâu ngày trước chuyên rình, nhìn trộm tôi tắm dưới sông. Có cả mùi máu tanh tanh bọn con trai leo cành bàng ngã rơi xuống sông ngày nào bị gãy tay. Khi tất cả đã mệt nhoài vì no nê, thỏa mãn, chúng hè nhau đứa cầm tay, thằng túm chân ném tôi xuống sông...
    Theo dòng chảy tôi trôi xuôi, đôi tay quờ quạng, giật mình nhận ra đang nằm trong mó bỏ mồi cá mà lớp bùn chưa kịp lấp đầy và cứ nằm đó, rất muốn nằm đó thật lâu cho dòng nước xoa dịu nỗi cồn cào như sóng cắn dứt ở trong lòng.
    6 - Khi tôi tỉnh lại đã thấy nằm trong lòng thuyền, cô Hến đang hì hụi làm gì ở bếp cuối đuôi thuyền. Còn cha, ông ngồi cạnh bậu cửa phía khoang mũi, hai chân buông dưới sạp, tay vê vê điếu thuốc lào, như ngày nào mỗi khi mẹ tôi đi chợ về mua cho ông lạng thuốc, ông quay người lại khen mẹ mua thuốc ngon.
    Đêm qua, cha tôi ngồi im phắc, chong chong đèn, thức trắng đêm. Ông nhìn tôi xanh lướt, bấy dậy như cua lột gặp bão. Ngọn đèn chai lù mù hắt bóng ông lên vách cong mui thuyền, chập chờn. Tôi nằm gọn như con mèo vào lòng cô Hến, không còn nước mắt mà khóc nữa. Nhưng cha tôi thì lại khóc, khóc lúc gần sáng. Tôi thấy ông hai lần lén nâng tay áo chùi nước mắt. Những giọt nước mắt hiếm hoi, lần đầu tôi nhìn thấy trên mặt người cha.
    Sáng trắng. Cha tôi không đem mồi đi mó đánh chài. Ông rút sào, giọng nói chắc nịch không biết nói với tôi hay với cô Hến:
    - Từ nay, nhà ta chuyển thuyền về bến Trầm. Dứt khoát không về đây đậu thuyền nữa.
    Có tiếng ai đó gọi phía bờ bên kia, nơi cây bàng già nua có những cái rễ mọc trồi lên làm chỗ buộc trâu:
    - Bác chài ơi. Sáng mai có cá để lại cho tôi mấy con nhá.
    Tôi nhoài người ra nhìn về phía bên kia bờ, ngước lên cây bàng. Cây bàng đã trút sạch lá, phía đầu chót cành có những chiếc búp nhỏ mầu sâm sẫm nâu. Cây bàng đang vào mùa thay lá mới. Tôi nhìn xuống dòng sông. Trên mặt nước, một vài đám bèo tây trôi lững lờ, thỉnh thoảng lại có vài ba đám rều, rác trôi theo. Những dòng sông cha và tôi đã đi qua có con sông rộng, có đoạn sông hẹp, có lúc nước trong, có mùa nước đục, có nơi nhiều cá, có khúc ít cá. Con sông thưỡn thẹo nằm thườn thườn mệt mỏi, vô hồn. Nếu dòng sông là cuộc đời thì những người làm chài sẽ có hai cuộc đời, một cuộc đời của người và một cuộc đời của sông. Trong cuộc đời ấy, những căn nhà thuyền, những chiếc máy sùng sục ngày đêm hút bùn, đào bới, khoan khoét, những rều rác phải chăng là vết sẹo năm tháng còn hằn sâu đời sông. Dẫu trong hay đục, dẫu mùa mưa hay mùa khô, dẫu là gì đi chăng nữa thì sông vẫn cứ là sông. Nơi ấy tôi đã sinh ra. Tôi chỉ cần biết thế. Và sông ơi, còn những điều khác nữa, sông hãy giấu giùm tôi sông nhé, những khiếm khuyết tật nguyền của cuộc đời. Đời đã sinh ra cha để cho những dòng sông, còn tôi, sông đã sinh ra để cho những cuộc đời như cha, mẹ và cô Hến.
    HẾT
  3. Ionesome

    Ionesome Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/06/2003
    Bài viết:
    1.195
    Đã được thích:
    1
    Tình qua tin nhắn
    Truyện ngắn của Trung Cường

    Tôi nghĩ hắn là đàn ông. Còn hắn đoán tôi là phụ nữ. Mọi chuyện rất đơn giản, kể từ khi tôi quen hắn. Rất ngẫu nhiên bằng một tin nhắn. Dĩ nhiên là từ phía hắn, vì tôi không thích mấy cái trò nhăng nhít này. Ấy thế mà tôi lại quen hắn, đến nay là 3 tháng. Thế mới lạ! Và càng lạ hơn nữa khi tôi với hắn không hề biết mặt nhau.
    Hắn giới thiệu hắn là nhà báo nửa mùa (đơn giản là viết để kiếm sống, nhưng không được danh chính ngôn thuận cho lắm, vì không có tòa soạn nào nhận hắn). Hắn mới ra trường, làm việc được sáu tháng, gặp ông sếp ngụy quân tử, thế là hắn bỏ việc và trở thành ?oký giả tự do?, như tin hắn nhắn. Ừ! Tôi cũng gặp nhiều loại người như hắn. ?oThế lấy gì sống??- tôi hỏi - ?oSự cưu mang của bè bạn?. ?oĐời cũng hay nhỉ??. Hỏi cũng để mà hỏi, tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Đời vốn phức tạp, cái gì đơn giản được cứ để cho nó đơn giản. Tôi quan niệm thế.
    Tôi không cần biết hắn là ai (có lẽ hắn cũng vậy). Khi buồn, ngày hay đêm, tin nhắn của tôi đều được reply. Khi vui, hắn là người duy nhất nhận tin nhắn của tôi. Những lúc cô đơn, hắn nhắn hắn có thể giúp được tôi. Quả thật, có lần tôi khóc, dường như hắn biết được (tôi đoán thế), nhắn lại rằng: ?oPhụ nữ khóc ra nước mắt. Đàn ông nhỏ nước mắt gọi là khóc?. Nghe cũng triết lý nhưng khó lọt tai. ?oCó gì khác đâu??. ?oSao không? Nhìn đời qua khe mắt hẹp như you thì làm sao thấy được độ chênh của nó?. ?oThế đã bao giờ ?onhỏ nước mắt? chưa người đàn ông??. Sự im lặng hồi lâu của phương tiện liên lạc hiện đại. ?oTôi chỉ trả những gì đã từng được nhận?. ?oThế trả hết chưa??. ?oCó người không bao giờ muốn trả, có người muốn trả lại không được. Đời mà!?. Hắn kết thúc câu chuyện. Tôi biết thế.
    Một sáng nhận tin nhắn của hắn, có nội dung: Sếp cũ gọi hắn làm việc lại, ký hợp đồng dài hạn và nhiều hứa hẹn. Hắn đếch cần, lấy lại hồ sơ, nguẩy cái mông quần bạc phếch vào cặp kiếng cận đang nhướng lên như mắt ếch của sếp, rồi biến. Thề không bao giờ quay lại nhìn cái thói đạo đức giả của những thằng luôn tỏ ra mình có hành động giống quân tử. Dòng cuối hắn nhắn: ?oTưởng tượng thôi. Ngày Cá tháng tư mà!?. Bật cười. Nhưng đâu rồi lại đấy, như bao mẩu tin vặt vãnh tôi đọc hằng ngày. Nhàm chán. Đơn điệu. Không lưu nổi vào bộ nhớ của tôi.
    Ngày vẫn lại là ngày. Hắn nhắn (dường như hắn buồn), hắn đã từng yêu, người ấy đã lấy chồng. ?oSao vậy??. ?oKhông biết. Cô ấy bỏ tôi. Không. Đúng hơn tôi chia tay cô ấy?. Chuyện thường thôi. Tôi gặp đã nhiều ở ngoài đời, trong tiểu thuyết và có thể là chính tôi. ?oBận tâm làm quái gì? - tôi reply lại. Hắn không trả lời. Dường như hắn giận. Mặc kệ. Đời này lắm đứa dở hơi. Nghĩ vậy nhưng thấy chạnh lòng.
    Kỳ lạ. Hắn không bao giờ có ý định gặp tôi. Và tôi cũng không có ý nghĩ ấy. Lỡ ra... Rách việc. Có lần hắn giả sử: ?oNếu mình gặp nhau thì sao nhỉ??. ?oChẳng sao cả. Tôi chẳng muốn gặp anh?. Hắn nhắn: Hi... Hi.
    Trong những lúc buồn bực, stress, tôi vẫn thường xem hắn như một bao cát. Thình thịch nện vào đó bao bực dọc về công việc, bè bạn, tình cảm... Và tất cả những gì tôi nghĩ hắn có thể hứng chịu, như hắn đã và đang chịu sự bầm dập của thói đời. Hắn vẫn với giọng ôn hòa (có thể đang cố gắng) điềm đạm phản bác lại tôi. Quẩn quanh như đi vào ngõ cụt, tôi buông tay, mệt mỏi vớt vát: ?oĐể rồi xem?. Có lẽ vì câu nói ấy làm cầu nối giữa tôi và hắn, cho đến bây giờ.
    Hắn lại nhắn vào một sáng thứ bảy, khi tôi đang thinh lặng bên ly cà phê không đường như bao ngày cuối tuần: ?oCó bao giờ you nghĩ sẽ yêu một người nào đó theo đúng nghĩa đàn ông chưa??. ?oKhông cần biết. Cái gì đi rồi sẽ đến. Và ngược lại?. ?oThế là you đã từng yêu?. ?oAi mà chẳng từng yêu. Ai chẳng từng đổ vỡ. Hạnh phúc nào cũng bềnh bồng, diệu vợi?. Tôi nghĩ thế. Hắn cười (tôi luôn tin vào những phán đoán của mình): ?oYou có ý nghĩ lạ, không giống ai?. ?oTôi sợ giống một ai đó, phiền phức lắm, sống phải cho ra mình?. Hắn nhắn hắn có nhiều việc đáng lo nghĩ. Có thể. ?oNhưng nghĩ lắm mệt người? - tôi luôn đơn giản mọi vấn đề, không riêng với trường hợp của hắn. Tôi có một căn nhà để ở, một công việc để làm, không bận bịu với toan tính yêu đương. Thế thì cần gì phải nghĩ. ?oBiết đâu?-hắn luôn kết thúc mọi tranh cãi như thế. Biết đâu. Tôi mỉm cười lặp lại câu nói của hắn. Nghe cũng triết lý chứ nhỉ?
    Ngày lại ngày. Công việc vẫn cứ là công việc. Không có sự đổi thay. Tôi với hắn vẫn nhắn tin, và theo tôi, ai cũng hiểu rằng không nên phí thời gian để gọi điện làm phiền nhau. Thế đấy. Một quy luật bất thành văn. Nó ngớ ngẩn mà vẫn tuân thủ đúng quy trình của nó. Tôi nghĩ thế. Còn hắn? Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ tới, nhưng rồi cũng bật cười vì mình cũng dở hơi như hắn. Đã quy luật thì bất biến. Có quy luật nào bị phá vỡ không nhỉ? Biết đâu. Tôi mượn lời của hắn kết thúc ý nghĩ ngớ ngẩn của mình.
    Có lần tôi nhắn với giọng buồn bực, khi đứa bạn thân vừa rầu rầu với câu chuyện buồn tôi kể, thoáng chốc đã cười nói như chẳng có việc gì. Tôi ngẫm tưởng, người ta vừa trút khỏi khuôn mặt cái mặt nạ đồng cảm. Và biết đâu sau cái mặt nạ đồng cảm đó...? Tôi dằn dỗi kết luận: ?oMỗi người đều có những mặt nạ khác nhau. Tôi và anh cũng vậy?. Hắn không phủ nhận: ?oChính đời sống làm nên những mặt nạ ấy. Con người chỉ mượn mặt nạ đa sắc thái để duy trì sự tồn tại dễ thở hơn một chút?. ?oTất cả đều giả dối?- đó là chủ kiến của tôi. ?oKhông hẳn vậy! Tính tiêu cực hay tích cực tùy thuộc nhiều góc nhìn: người đeo mặt nạ, người nhận mặt nạ, hoàn cảnh đeo-nhận v.v...?. Tôi không trả lời. Hắn lại nhắn: ?o Sống ở đời cần loại suy nhiều. Đừng áp đặt những ý kiến, nghĩ suy của mình lên người khác. Khổ cho người, đau cho mình?.
    * * *
    Bẵng thời gian, tôi không nhận được tin nhắn của hắn-như một người ghiền cà phê thiếu đi dư vị đăng đắng hằng ngày. Người với người rồi cũng có lúc như dấu chấm than vô nghĩa. Tôi nghĩ thế. Đời sống vốn bắt đầu từ sự ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên đến. Ngẫu nhiên đi. Thế thôi. Nghĩ là vậy nhưng có một khoảng trống nào đó dìu dịu trong tôi. Rất nhẹ... Rất nhẹ...
    Một sáng như buổi sáng nhận được tin nhắn đầu tiên của hắn, chiếc điện thoại báo hiệu có kẻ quấy rối giấc ngủ cuối tuần. Bực dọc. Cầm điện thoại mở hộp thư đến: ?oMột ngày mới bắt đầu từ cái giường của mình. Chúc cuối tuần zui zẻ?. Bật cười. Vội reply. Vẫn vậy, tin nhắn của hắn vẫn sặc mùi triết lý, nhưng có vị ngô nghê. Tôi vẫn gọi đó là thứ triết lý rởm đời, triết lý của những kẻ nhìn đời bằng cách ngược xuôi giữa dòng đời hối hả, bên cạnh những bon chen, chụp giựt danh vọng, tiền tài, địa vị... mà vẫn giữ cái nhìn rất rởm. Rởm đến cho người đời chột dạ dừng lại nhìn. Nhìn người. Nhìn mình. Rồi cúi đầu bước.
    Cứ thế, tôi với hắn vẫn duy trì cái quy luật như đã từng thiết lập nhưng không từng có ý định phá vỡ. Cho đến...
    Một sáng như thường ngày, tin nhắn lại đến với tín hiệu thông thường: ?oHôm nay 49 ngày anh Hai mất. Chị đến nhé. Có lẽ anh mong chị lắm!?.
    Ngẫu nhiên. Nhưng không đơn giản.
    Chưa một lần tôi nghe giọng nói của anh.
    Không hiểu sao tôi òa khóc!
  4. ladolaxanh

    ladolaxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/05/2006
    Bài viết:
    1.370
    Đã được thích:
    0
    Em và anh và .....
    Không khó khăn lắm để lập một bảng so sánh giữa anh và em, vì có quá nhiều điểm tương phản. Chỉ ngớ ngẩn ở chỗ là so sánh để làm gì. So sánh làm gì cơ chứ? Chẳng có ai lập một bản so sánh để rồi kết luận có nên yêu nhau hay không cả.
    Nhưng em vẫn cứ thích ngớ ngẩn, vì em đã nói rồi, điều đấy dễ dàng quá mà. Thế là em lấy một tờ giấy và chia đôi nó ra. Một cột là anh, một cột là em.
    Anh: 27 tuổi. Em: 18 tuổi. Em cười, nhớ có lần nào em bảo, chênh nhau 9 tuổi là đẹp rồi. Anh nhíu mày, ồ, 10 thì đẹp hơn chứ!? Không, 9 có một chữ số, còn 10 thì tận hai chữ số. Thế là nhiều! Nên cảm thấy anh già lắm. Anh vục mặt vào tờ báo cười rinh rích. Em biết hai từ ?otủn mủn?, ?otrẻ con? đang ngọ nguậy trong đầu anh.
    Anh: nhà văn ?" nhà thơ ?" nhà báo trẻ có tiếng. Em: cũng viết văn ?" đang học báo. Làm sao mà em quen anh nhỉ? À, anh đã cố làm quen với em sau một truyện ngắn đăng báo chỉ để rồi sau đó nói với em rằng ôi, truyện của em dở tệ đi ấy. Con bé ngơ ngác là em nhìn tay bút trẻ danh tiếng như anh đầy e dè và ngưỡng mộ. Truyện em dở tệ đi ấy! Vâng. Run rẩy, khép nép, rụt rè. Nhưng mà em xinh! Vâng. Vẫn run rẩy, khép nép, rụt rè, giờ thì kèm theo ngớ ngẩn, em trả lời. Mà em con gái học báo làm chi vậy? Mai mốt nhỡ có lấy anh rồi hai đứa mình ?obáo? nhau thì sao? Vâng, em lại trả lời. Anh nhìn em ngộ nghĩnh rồi phá lên cười. Một phút nào đó cá tính đã đi vắng, giờ thì nó trở lại. Em nhăn mặt. Hắn ta là ai kia chứ?! Việc quái gì mà mình phải run rẩy ngớ ngẩn thế này? Thế là em đanh mặt, vậy rồi sao? Anh cười lớn hơn. Em bực mình. Vậy mà em cũng cười. Không dừng nổi! Cười và cười, quên cả lý do tại sao cười, chỉ biết cười lúc ấy là một nhu cầu bức thiết lắm rồi, vậy thôi.
    Truyện của anh: thực đến lạnh lùng. Truyện của em: lãng mạn đến không tưởng. Anh đọc đôi ba truyện ngắn của em trên báo, bảo chán, chả thèm đọc nữa. Cũng là lối văn con gái lơ mơ gà mờ chả lúc nào tỉnh được. Em vùi đầu vào mấy quyển truyện ngắn của anh, toàn nhà xuất bản danh tiếng, mấy đêm liền không ngủ chỉ để đọc từng câu từng chữ. Em kính trọng những gì anh viết ra, nó thể hiện tài hoa và một quá trình trải nghiệm, nhưng em không thích. Anh sống cay đắng quá! Anh lại cười. Luôn vậy, anh dùng nụ cười để khiến em cảm thấy mình thua kém và quá nhỏ bé so với anh. Rồi nhẫn nại, anh nói rằng anh không thích thứ văn chương salon diễm mị. Em biết anh nói về em, nhưng em không giận. Em từ tốn nói tiếp, truyện của anh truyền cho người ta sự đau khổ về những thứ vô hình. Anh nổi giận. Phải, chỉ duy nhất trong quan điểm viết lách, anh nổi giận với em. Nhưng thưa em, cuộc sống ngập ngụa những thứ như thế đấy: ***, tiền, tủi hờn, bất công, khánh kiệt niềm tin, sống ngơ ngác... Nhưng mọi thứ trong thực tế vẫn chấp nhận được, bằng chứng là người ta vẫn sống. Họa hoằn lắm mới có người tự tử. Anh nhếch môi, cười gằn, còn dạng ?ozombie? thì sao? Sống dở, chết dở ấy?! Hay là sống mà như đang chết ấy? Đừng tự làm khổ mình! Những người sống bằng trái tim không thể tránh điều đó được. Nhưng anh sai rồi, những người khôn ngoan họ biết cứu rỗi bản thân khỏi những cơn đau phung phí... Anh lại mỉm cười. Em im lặng.
    Em: hoang mang một cách hồn nhiên. Anh: hồn nhiên một cách hoang mang. Một ngày nào gặp nhau online, em rủ anh chơi trò vẽ tranh ?oDoodle? trong Yahoo! Messenger. Anh bỏ cả việc đấy, hí húi tô tô vẽ vẽ cùng em. Em vẽ ba vòng tròn ba màu, bên dưới là một hình tam giác.
    Do anh cai gi day?
    Hum... Khong biet! Em noi di
    Hehe, kem ba mau. Mum mum!
    Troi dat! Thoi duoc, den luot anh...
    Anh chọn màu nâu đất. Rồi màu vàng. Rồi màu đen.
    Do em cai gi day?
    Thap Cham. Anh trang. Con duong.
    Sao em gioi vay?
    Muoi diem di!
    U, muoi mot diem luon! Anh nguệch hai số một lên màn hình.
    Gio den luot em! Em lấy màu vàng quơ chuột thành một tảng xoắn quện. Rồi đến màu đỏ.
    Ah, anh biet roi, chien tranh va mau...
    Ui, nghe ghe qua! Spaghetti do ong!
    Troi dat!
    May diem?
    Muoi diem!
    ... Sao anh ve xau vay? Dung co hong, tai vi anh ve bang laptop. Chi gioi nguy bien! Ne, do em cai nay la cai gi? Thoi, em phai search tai lieu, khong choi nua dau. Khong, chi mot lan nay nua thoi. Anh lượn những sợi mỏng. Em biet roi, mua! Sao em gioi qua vay? Choi tiep nghe! Anh dụ khị. Khong la khong ma, anh ve tiep di, em hoc bai... Em chúi đầu vào mấy trang web, bỏ mặc anh với những ô màu. Bẵng hai tiếng sau, em mới nhớ đến anh, click vào window hai đứa đã chat chit. Anh offline tự bao giờ. Trên màn hình là một bức tranh. Con vật đang bay trên trời nói ?oTa là chim?. Con đang bơi dưới nước bảo ?oTa là cá?. Cái cây xéo xẹo nghênh nghênh mặt ?oTa là cây?. Một hình người vẽ dạng que kiểu hình nhân nhảy múa trong Sherlock Holmes, mà quả thật nó đang nhảy múa hân hoan ?oCòn ta là người! A ha!?. Những message của anh nằm dưới một nụ hôn dài trên cửa sổ chat. Em oi! Em oi! Em oi!
    Anh: từng trải. Em: ngô nghê. Điều này liệt kê ra cũng hơi vô lý, tưởng nó đã nói lên qua tuổi tác rồi. Nhưng vẫn cần nói. Chào em xinh đẹp! Anh nói dễ dàng. Đừng có nói như vậy, em không thích! Ôi, nói mòn môi rồi! Khen ai đó là em xinh đẹp dễ dàng quá ha! Anh cười hì. Đó là điểm khác giữa một ?oông già? hăm bảy với mấy thằng nhóc lau nhau mới vào đại học cùng lớp em đấy! Em thấy tụi nó dễ thương hơn! Nhưng em thích anh, đúng không em xinh đẹp? Anh buồn buồn nói về những người đã qua. Nhiều người quá! Em chun mũi. Ờ, cái kiểu đa mang nó vậy. Em đỏ mặt khi anh hỏi về mối tình đầu. Ờ, thằng đó nó học lớp mười chung với em đấy. Đêm trại em với nó nắm tay nhau... Anh bảo, dễ thương quá ha. Em nhìn anh hồ nghi, anh lại đang giễu cợt em phải không? Không anh nói thật. Người ta còn hạnh phúc là khi kể về một tình yêu vừa qua với một nụ cười và đôi má ửng. Còn chai sạn, lầm lì, buồn chán, nói về condom và phá thai, về mua nhà góp, rồi chia tay... Đấy là khi khả năng yêu chân thật đã băng hoại lắm rồi! Em vô thức vuốt mái đầu bù xù của anh, bảo là nghe ghê quá. Anh nắm tay em, ghê, rồi mai mốt biết, nhóc con. Em khéo léo gỡ tay lại, nói lảng. Hèn chi mới hăm bảy tuổi đã có nếp nhăn, coi nè, tóc bạc nữa chứ! Em gọi anh bằng bác cho rồi, nha?! Gọi bằng anh đi! Gọi chú chú bác bác nó nhảm nhí và vớ vẩn lắm. Vì dù sao rồi thì... Em lười hỏi thì sao, vì em biết nếu hỏi, anh sẽ nói.
    Vợ anh sẽ có đạo và biết ăn thịt chó! Anh tuyên bố. Em có cả hai điều ấy, em nói xong, trăm ngàn lần trách mình vô duyên. Anh cười tinh quái. Vậy làm vợ anh cho rồi. Làm vợ mà ?ocho rồi? hả? Anh sôi nổi nói tiếp, ờ, mà vợ anh sẽ sinh 9 đứa con. Em buồn cười, nhớ lại thằng nhóc ?omối tình đầu?. ?oTớ sẽ có 4 đứa con!?. Bọn con trai toàn đưa ra những con số không tưởng. Đủ tiền nuôi không đó? Đủ. Anh đang dành dụm tiền mua nhà, rồi sẽ lo hết chuyện gia đình. Cô ấy chỉ việc làm mẹ và làm những việc mà cô ấy thích. Mỗi chủ nhật, cả gia đình đi nhà thờ cùng nhau... Em lặng nhìn anh. Em ngạc nhiên. Anh đang chân thật hơn bao giờ. Gì mà em nhìn anh ghê vậy? Không, em chỉ thấy... Thấy sao mơ ước một một thằng cha ngông nghênh lang bạt chỉ bình dị đến vậy thôi, đúng không? Anh cười, thôi em ạ, lấy anh cho rồi!...
    Em vò tờ so sánh ném vào sọt rác.
    Tháng mùa đông, lễ hội hoa ở X. Em nhắn ?oAnh co len le hoi hoa khong??. ?oCo, em cung len ha??. ?oDa, em di voi lop?. ?oDuoc, cang tot, len do hai dua to chuc le cuoi luon the?. Em gập máy, thầm nghĩ chắc trong đầu anh cứ có một người nào đó khác phái thì lập tức hai từ ?ođám cưới? và ?ochín đứa con? sẽ hiện ra tức thì.
    X, ngày lễ hội. ?oAnh dang o dau??. ?oMinh se gap nhau, luc nao do?. Em tưởng tượng anh đang quan sát em từ phía đằng xa. Và anh đang cười khi thấy em ngoái cổ tìm anh dáo dác.
    Lúc nào đó. Anh đây nè em xinh đẹp! Cái giọng của anh không lẫn vào đâu được. Sau màn bất ngờ, hai đứa đi vòng vòng quanh hồ Xuân Hương. Anh nè, em thích đi xe đạp đôi. Một ý tưởng hết sức ?ongộ nghĩnh trẻ thơ!? - anh nhận xét. Nhưng rồi anh cũng thuê xe đạp. Em ngồi sau lưng anh, gió đọng đầy mặt. Có một đôi mười tám hai mươi lướt qua, tay cầm cái chong chóng. Hai đứa cười vang. Anh đạp xe lặng lẽ, suy nghĩ nhiều. Thôi trả xe đi anh! Thốt nhiên em nói. Quả thật, lúc ấy em chẳng muốn làm gì nữa. Em chỉ muốn một mình.
    Anh đưa em đến một quán cà phê. Quán thắp nến và trong góc anh có một vài người bạn đang chờ. Em nhìn lướt, thấy nhiều tên tuổi trẻ lẫy lừng trong làng văn thành phố. Có những cô gái xinh đẹp nhưng trông bất cần. Họ cùng nhau hút thuốc, khẽ gật đầu chào em, kiểu vô thưởng vô phạt, không quan tâm soi mói, nhưng em cảm thấy khó chịu. Em ngồi không ấm chỗ, nghe bàn gì đó về một tập thơ, một nhân vật, rồi những cảm giác. Em tìm cớ đứng lên. Họ lại gật đầu chào. Một cô dựa vào vai anh, nhả khói. Mùi chán chường nồng nực! Anh cứ ngồi, em gọi taxi được...
    Em chạy thật nhanh, chạy điên cuồng trên những con phố. Trung tâm! Mọi người vẫn đang nô nức lễ hội. Một cánh tay tóm lấy em. Nè, nãy giờ bồ đi đâu? Tụi này tìm bồ quá trời! Tối nay ?onhậu? overnight nhé! Một cậu bạn trong lớp đưa em que pháo bông, dịu dàng: Của bạn nè!
    Em sẽ không kể cho anh nghe những điều em đã nghĩ, dù em biết, anh luôn hiểu thông cảm anh và em khác nhau thế nào, tuổi tác, bạn bè, cách sống... Chỉ có chung một may mắn, đó là em đã gặp anh và anh đã gặp em, em xinh đẹp!
    Trên chuyến xe từ X về thành phố, em mượn cuốn sổ tay của cô bạn. Chi vậy? Làm thơ hả nhỏ? Em cười, ờ, viết chơi chơi! Ui, qua khỏi đèo rồi, cởi bớt áo lạnh ra thôi. Nóng gì mà nóng!
    Em viết tất cả những gì em đã so sánh, trong tờ giấy em từng quẳng vào sọt rác. Em viết thêm nhiều thứ nữa.
    Mơ ước của anh: gia đình hạnh phúc. Mơ ước của em: bay xa. Anh đi mãi rồi, anh đã sống vội vàng quá và bây giờ anh mệt. Anh chỉ muốn cùng ai đó ngồi yên lặng bên nhau, lắng nghe cuộc sống. Em, nhóc con mười tám tuổi. Em chưa đi bộ trên đèo Hải Vân, chưa đứng trên đỉnh Lang Biang, chưa ngắm hoa mơ hoa mận đầu năm hay uống bát rượu ngô Tây Bắc ấm nồng... Rồi chuyến du hành trên tuyến xe đi khắp châu Âu, những chợ phiên Đông Ấn...
    Em nhét tờ giấy vào ví. Ngày mai em sẽ gửi nó cho anh. Em biết, anh sẽ cười, lại cười. Và em biết có thể mình nhầm lẫn nữa. Cùng một mối quan hệ, nhưng một gã trai trải đời hăm bảy sẽ nhìn khác cô nhóc mười tám. Có thể anh cười vì em quá ngớ ngẩn. Vì anh nói với tất cả những cô gái anh gặp là em lấy anh đi, mình sẽ có 9 đứa con, cùng đi nhà thờ..., anh gọi họ đều bằng ?oem xinh đẹp? và mọi thứ, mọi thứ... Thì em cũng sẽ làm như thế!
    Lại một điều em khác anh rồi! Chỉ có những cô nhóc mười tám tuổi mới đủ can đảm làm những điều mà chính mình cũng thấy mình ngốc, anh nhỉ?!
    Truyện ngắn của Nhã Anh
  5. lonesome

    lonesome LSVH, 7xSG Moderator

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    7.018
    Đã được thích:
    11
    Bệnh Lao chữa bằng mồm ...hay là thầy lang bất hủ​
    ''Chữa khoán bệnh lao, 10 ngày khỏi hẳn'', cái dòng chữ đỏ trên vải trắng này trước cửa 1 hiệu thuốc mà các ngài đã biết, chắc hẳn cho đến chết, tôi cũng không quên.
    Là vì nhờ đó, tôi đã được đi 1 chầu hát che tàn ba chục bạc. Tiền chi là của thầy lang bất hủ ấy, mà người có công ... chơi sỏ thầy lang, là bạn tôi, anh chàng Cờ.
    Ở trọ trên gác nhà thầy lang ấy, Cờ đã vẫn phải chịu cái khổ hình hàng ngày nghe những lời khoác lác bịp khách bệnh của thầy lang. Một hôm Cò nói với anh em:
    - Tức quá, nhà nước sao lại không đánh thuế bằng cách bán vé chợ hay treo môn bài vào mồm những thằng nói phét! Bọn mình không nên bỏ qua mối lợi ấy. Ít ra, nó cũng phải nộp thuế cho anh em chúng mình.
    Chúng tôi nhất loạt vỗ tay khen. Cờ, đắc chí, thêm:
    - Hèn đến đâu nữa thì nó cũng phải nộp mình chầu hát mới được!
    Câu nói ba hoa trong 1 phủ hoá dại, ai dám ngờ Cờ làm thành bằng được ra sự thật mới nghe.
    Tối hôm ấy, Cờ lại tìm anh em chúng tôi, bảo:
    - Nào, bọn mình anh nào muốn được đi hát thì cứ việc nghe theo cẩm nang của tôi Sau, anh ta ghé tai tôi thì thào năm phút.
    Nửa giờ sau, khi anh Cờ về nhà rồi, hai chúng tôi từ một chiếc xe hơi (xe tắc xi đấy thôi ạ) bước xuống, mạnh bạo tiến thẳng vào hiệu thuốc. Tôi trỏ anh Quyền, giới thiệu với thầy lang:
    - Thưa ngài, vì vẫn đi lại với ông Cờ ở trên gác nên tôi rõ cái tài chữa bệnh của ngài. Đây xin giới thiệu với Ngài, ông Tế, thư kí riêng của quan chánh sở liêm phóng.
    Thày lang vừa kịp cúi đầu bắt tay kêu ''Hân hạnh'' thì Quyền đã hấp tấp:
    - Rõ phúc quá Ngài lại có nhà, xin mời ngài ra xe hơi ngay cho.
    - Bẩm để đi đâu có việc gì?
    - Cô đầm con gái nhà quan chánh tôi mắc bệnh lao, đốc tờ tây cũng chịu, thật là Thập tử nhất sinh rồi, mời Ngài đến thăm ngay.
    Thầy lang tái hẳn mặt, ấp úng:
    - Vâng vâng. Xin để chúng tôi dặn 1 việc với người nhà đã.
    Thế là thầy lang chạy vội lên gác, phòng anh Cờ. Ngồi chờ dưới, chúng tôi lắng nghe giọng anh Cờ với thầy lang thế này:
    - Thế kia à? Thôi thì nhà lang gặp vận tấy rồi! Mề đay kim khánh tới nơi rồi! Giầu to tới nơi rồi! Còn gì bằng được ông Chánh mật thám gọi đến chữa cho con gái nữa.
    - Nhưng mà ...
    - Đi đi thôi
    - Nhưng mà ...
    - Đi ngay đi chứ còn chờ gì!
    - Nhưng mà ...
    - Lại còn nhưng mà cái gì?
    - Nhưng mà ... Nói bác tha cho, chữa làm sao được mà dám đi!
    - Ô lạ! Thế cái quảng cáo to hơn cái mẹt treo ở cửa hiệu...
    - Thì bác cũng thừa biết, nhà buôn phải quảng cáo ... phải nói quá...
    - Đã đành. Cứ đi xem sao.
    - Chết! Đi thế nào được!
    - Ô! Thế thì tù rồi! Cạo đầu đến nơi rồi!
    - Lạy bác ...
    - Hỏng rồi!! Cơm vôi, sàn lim đến nơi rồi!
    - Bác làm ơn, lạy bác...
    - Ít nhất ba tháng rồi!
    - Lạy bác, bác làm ơn nghĩ có cách nào không ...
    Một lúc im lặng khá lâu, xong lại thấy tiếng anh Cờ:
    - Cũng không khó gì. Cái bọn ấy thì cứ tiền thì êm. Đành chịu thiệt vài chục vậy.
    Tiếng giầy xuống gác. Loảng soảng, thìa khoá va nhau trước cái két bạc rồi anh Cờ ra.
    - Thưa ngài, nói ngài tha thứ,quảng cáo vẫn phải thế chứ ...
    Anh Quyền đứng phắt lên:
    - Ấy chết!
    - Chính thế ạ. Ngài về thưa với quan trên cho là ông chủ chúng tôi đi chữa bệnh tỉnh xa ba hôm nữa mới về.
    - Ôi, ngài làm như là ...
    - Thôi, phiền ngài, chúng tôi xin có chút vi thiềng gọi là trả ngài tiền xe.
    Quyền, còn ngần ngừ mãi mới trông trước nhìn sau, rồi bỏ túi cuốn giấy bạc.
    Tôi không cần thuật lại bao nhiêu cái khoản khoái lạc chúng tôi đã hưởng ở xóm ả đào. Nhưng phải thuật lại 1 chuyện xảy ra ngay hôm sau tại nhà thầy lang thì các ngài mới biết thầy là bất hủ thật.
    Chúng tôi muốn ngắm nghía cái bộ mặt tán tài ấy xem nó có những ''biến chứng'' ra sao hay không.
    Hôm sau, tấm vải quảng cáo bệnh lao đã không thấy treo ra nữa. Nhưng khi vào hiệu, tôi thấy mấy ông già với 1 người trẻ tuổi mặt xanh nhợt xem ý là bọn trọc phú nhà quê.
    Cặp kính tắng nghiêm trang trên sống mũi, cái hình thù thì lùn tịt, lắt choắ, thầy lang đi lại trong hiệu, nện gót giầy lộp cộp mà thuyết khách 1 cách oai hùng. Các ngài có dám đóan thầy lang ấy nói những gì? Đây:
    - Các cụ phải biết. Số tiền ấy không to đâu. Mệnh người là trọng.Người làm ra của chứ chẳng phải của làm ra người. Kém 1 đồng cũng không được. Cứ xin các cụ đúng một trăm. Đó là giá đặc biệt cho đồng bào An Nam ta đấy thôi, chứ người Tây, dưới ba trăm tôi không nhận chữa. Không tin các cụ lại hỏi ngay quan chánh mật thám mà xem.! Hôm qua cho gọi tôi mà dưới ba trăm nên tôi không đến chữa cái bệnh lao cho con gái ngài đấy.
    Rõ thật khốn khổ thay cho anh Cờ. Bỗng không, được hưởng chầu hát ba chục bạc mà vẫn chưa được hả.
    Thiên Hư - Vũ Trọng Phụng
    Truyện này được đăng trên báo ''Loa'' số ngày 25-10-1934

  6. ladolaxanh

    ladolaxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/05/2006
    Bài viết:
    1.370
    Đã được thích:
    0
    LẤY CHỒNG GIÀU - Huỳnh Tài
    Hổng biết trên thành phố thì thế nào, chứ ở quê, cái ngày vu quy xem ra hệ trọng ghê gớm không những đối với cô dâu mà còn đối với bà con lối xóm nữa. Cô dâu nào lúc bái đường và từ biệt cha mẹ, khóc hết nước mắt, có khi phấn son còn bị trôi, lấy cái khăn chậm hoài không ráo. Không biết lấy chồng trúng bến đục hay trong nhưng xa cha mẹ sống chung từ đó đến giờ, coi bộ cũng đứt ruột chứ chẳng chơi.
    Vậy mà, hôm đám cưới con thêm, nó cười như được cho vàng, mắt ráo hoảnh, kiếm nữa gịot nước mắt cũng không ra. Trong khi, ông Thủ cứ tuôn rào rào như người ta tháo nước mạ. Người biết chuyện thì ngậm ngùi, người không biết chuyện cứ tròn vo con mắt, thấy ngộ hết biết. COn cười, Cha khóc. Lạ đời quá đi!
    Ba bữa đầu sau lễ cưới về lại nhà, Thêm cũng luôn miệng cười. Dọn dẹp soong nồi cho ông già xong. Thêm nói chuyện coi bộ cũng lăn xả và hạnh phúc dữ. Ông Thủ lẳng lặng nhìn con gái, vẻ canh chừng coi nó có lộ nét gì không. Ông phì thuốc phà phà, con nhỏ này coi bộ vui thiệt hả? Nhìn thằng chồng nó cụng ly với mấy người trong bàn, cũng hăng như ngựa trời. Thôi, nó không buồn, mình buồn làm gì? Coi như xong. Thằng Hiền cũng hiền, chắc phúc phận nó không đến nỗi nào.
    "... Sao hôm đám cưới tui hổng thấy về? Coi bộ làm ăn dữ quá hả? Sao lúc trước hổng làm như vậy để có tiền cưới tui, giờ tui có chồng rồi mới chịu kiếm tiền. Ác quá đi. Biết sao giờ?". Viết mấy cau Thêm vội xét cái rẹt. rồi lượm lên, gắn lại, đọc thầm, thấy sao mình viết hổng có cảm tình ướt át gì hết. Rủi Hiền đọc được thì làm sao? Có chồng còn viết thư cho trai sao? Mất nết ghê chưa! Rồi nước mắt ở đâu chảy ra từng giọt, từng giọt . Thêm đâu định khóc, đâu muốn khóc. Chắc tại mấy bữa nay lẽ ra phải khóc mà không khóc, nên bây giờ nó tràn ra nè. Thêm lấy tay áo quẹt quẹt mà cũng không hết. Thêm chạy ra ngoài hè, rồi bậc thành tiếng hu hu. Tủi cái thân quá đi, tía ơi.
    Hiền hơi ngà ngà say, chắc đã lai rai đâu đó. Anh đem ra hộp nữ trang mà hôm bữa Thêm cất dưới đáy tủ.
    - Em lấy cái này mà đeo đi. Người ta xì xầm con dâu nhà này không thấy miếng vàng nào trên người. Nhà tui đâu có tệ và bần tiện với con dâu dữ vậy?
    - Có phải của tui đâu mà đeo.
    - Thì của tui cũng như của em. Cưới em về đâu phải chỉ đi cấy, đi cắt lúa hay đẻ con.
    - Cái đó của ba tui, coi như tui trả, chứ có phải sính lễ đâu mà tui đeo. Đeo vô khác nào mang thêm cái nợ.
    - Em nói tui nghe đắng như trái khổ qua.
    Thêm không nói gì nữa. Thêm biết Hiền thương mình, thương cũng từ dạo Rô và Thêm biết e ấp chuyện con tim. Nhưng tréo ngoe quá đi, Thêm không thương Hiền được.
    Hôm nay, Thêm về thăm tía. Thấy trong nhà có bóng Rô, Thêm hổng muốn vô. Hổng lẽ giờ về. Ngô ghê! Muốn gặp người ta lắm, vậy mà bay giờ có một mình, cơ hội đến tay thì lại sợ. Thêm lại muốn có Hiền ở đây. Dù gì thì mình cũng an phận rồi, người ta cưới hỏi đàng hoàng, bà con chứng kiến. Thêm chào tía, hỏi:" Tía khoẻ hôn?Ăn uống sao rồi?". Ông Thủ nói:" Bây làm như ở xa mới về, hỏi tía lia như con nhồng, con sáo mới ăn ớt lột lưỡi. Nói cái gì với thằng Rô thì nói đi. Cái thân già này, sao cũng được". Thêm vờ như không nghe, lật nồi này, giở nồi kia xem, khua lẻng kẻng, rồi quơ lấy cây chổi, quét tháo quét để, ra vẻ bận bịu, vờ như không thấy Rô. Rô hỏi trỏng," Khoẻ hôn?". Thêm cũng ờ ờ cho qua chuyện. "Lấy chồng giàu mà, khoẻ thấy mồ chứ".
    Ông Thủ nghe con nói, chịu không nổi, tằng hắng một tiếng, định thốt ra câu gì đó, nhưng tự dưng cổ họng nghẹn cứng. Thấy sao mình ác, mình tệ hơn con thú. Chuyện mình làm mà bắt con mình chịu, bắt nó hy sinh hạnh phúc của nó. hỏi không ác vậy chứ là gì? Cái thân già này, chết cho rồi! Má con Thêm còn sống, chắc cũng chết ngất lầnnữa. " Bay coi mà về đi, bênnày có thằng Rô rồi, với lại, tao còn tay chân, hổng đến nỗi nào đâu. Bây vui thì cứ vui cho trọn...". Ông nói câu cuối mà ngập ngừng, mà sao thấy đắng cái cổ họng quá trời. Nó nói cho vui, ai biết vui thiệt hay không. Con gái của tui! Định than trời thêm một tiếng, nhưng kêu hoài hổng thấu, ông đành đánh một tiếng thở ra dài thườn thượt. Nghe mà rầu thúi tâm can!
    - Rô cưới vợ đi. Có gia đình cũng vui!
    - Không thương sao cưới?
    -Riết rồi quen hơi, thương từ từ. Mà cái đó mới thương đậm ác liệt à nha! Như tui nè, có thương đâu, mà cũng ...
    Thêm định nói, cũng sờ sờ ra đó, có chết cọng cỏ hay con cá gì đâu, nhưng thấy mình xạo quá. Thêm chữa "quê" bằng cách lấy tay đánh vào lưng Rô một cái. Tấm lưng Rô ngang như tấm ván nhà Thêm, cứng và chắc, Thêm đánh thùm thụp mấy cái cũng trơ trơ, không lung lay. Trời! Có chồng rồi, sao táy máy tay chân vậy? Đánh người ta một cái, tự dưng cái dạ lại đau, mà không biết tại sao. Rô vọt miệng hỏi:
    - Vui thiệt hả?
    - Thiệt! Láo bà bắn.
    - Ai biết! Có trời mới biết cái bụng nghĩ gì.
    Thêm thấy sao mà đúng quá! Lòng người sao khó lường, khó đoán. Thấy cười cười, nói nói mà đừng tưởng vui. Như tía Thêm, tưởng người ta tốt với mình, ai ngờ cũng toan tính. Thêm cũng trách tía chứ, già còn mê cờ bạc, thua còn muốn gỡ. Gỡ đến nỗi mà gửi luôn con cái của mình cho chủ nợ. Mà nghĩ là nghĩ thoáng qua thôi. Công tía nuôi dạy từ lúc còn đỏ lét như cục than đến giờ, không lẽ trách móc, rồi không đồng ý. Thêm mà như vậy chắc trời mưa hổng dám ra đường, sợ trời đánh tét đầu. Dù gì cũng là con, tía cũng là tía. Má chết rồi, không lẽ bỏ tía bơ vơ. Cho nên, hôm cưới, người ta nói có hai cha con, Thêm đi lấy chồng, ông già ai nuôi, vậy mà còn cười toe toét., con nhỏ này có chồng, chắc vui quá hoá khùng. Thêm thấy chuyện của mình sao giống vở tuồng quá trời. Cha mượn tiền chơi bài, bắt con trả. Tía mượn tiền, bắt con lấy tình để trả, trả bằng một đời, trong khi tía mượn và mất trắng trong mấy ván, mấy là cơ, rô, chuồn bích. Rô nói, tụi mình làm vài năm để dành tiền cho tía. Đâu đơn giản. Vài năm cực nhọc, biết có đủ số nợ đó. Hơn nữa, tía có bỏ được cái tật đó không? Nếu Thêm làm theo lời tía, nếu tía thấy Thêm buồn khổ, tía mới biết thế nào là hậu quả mình đã gây nên.
    Đang ngồi trên bờ sông với Thêm, Rô nhảy xuống cái ùm, lặn luôn ở dưới, hổng thèm lên. Thêm sốt ruột, định nhảy xuống, nhưng thấy Rô trồi lên lại. Rô ngồi trên cầu, câhn vắt lỏng, đánh đu xuống nước. Thêm không rõ Rô nghĩ gì nữa, cũng không biết mình đang nghĩ gì. Ngày mai, ai biết ngày mai.
    Nghe tin tía bện, Thêm bảo Hiền chở về thăm tía. Lại gặp Rô ở nhà. hiền chào một cái rồi lảng đi chổ khác. Tía nằm thiêm thiếp,không nói không rằng. Thêm hỏi" Tía muốn ăn gì không, hay là bắt con cá lóc, nấu cháo với rau đắng cho tía ăn. Con mua thêm chai rượu nữa, con với tía lai rai tía héng! Hay tía muốn nướng trui? Rau răm sau nhà, tía hổng ăn, nó mọc tùm lum kìa." Thêm nói không dứt, mà tía không trả lời tiếng nào. Lát sau mới thốt ra:" Bây để dành con cá mà làm đám cho tao", "tía nói sàm không hà!"" Thằng HIền đâu rồi, tao gởi con gái tao coi!"" Ảnh mới đi đâu đó, tía ơi". Rô chỉ mấy thang thuốc trên nóc tủ,bảo là đi hốt được mấy hôm rồi, dăn Thêm cho tía uống đều đặn, bệnh chắc không sao? Thêm hỏi" Bộ tình bỏ tía, bỏ tui hay saomà bàn gaio ghê vậy?","Ừ!"Thêm chưng hửng nhìn Rô. Đó giờ, Rô chưa từng nói xạo một câu." Tui đi mần chỗ khác, coi khá hơn không, về cưới vợ, để coi có vui không?".
    Nghe Rô nói, thêm chỉ muốn khóc. Lấy tay bứt ngọn cỏ, rồi ném lên trời, Thêm muốn hở Rô nhiều câu. Ừ, vui lắm. Thương một người và làm vợ người khác thì chắc phải vui? Thấy mặt muốn nói nhiều thứ nhưng cứ xởi lởi cho qua, cứ sợ người ta chê bai nênmột ánh mắt liếc xéo cũng không dám trao, vật chắc phải vui?. Về nhà chồng, người ta xem mình là vật trả nợ, vậy chắc phải vui lắm hả, Rô? Mà cũng vui thiệt, tía Thêmkhông còn bài bạc như trước, chỉ thấy hay rầu rĩ như con gà mắc dây thun ở cổ. Vậy thì đời Thêm cũng đáng!.
    Rô đi, tía buồn dữ. Thằng rễ hụt cuối cùng cũng ra đi rồi. Ai cũng xầm xì như vậy. Trách sao được. Con người ta trai tráng cũng phải cưới vợ chứ, chẳng lẽ phục dịch tía con họ hoài hả? Thêm về thăm tía cũng ít hơn, phần vì bận việc, phần vì cũng sợ về đó, thấy cảnh nhớ người. Về dọn dẹp, thăm tía, rối về ngay.
    Mấy lần bảo Hiền chở đi, nhưng anh ta không chịu, cứ nói Thêm đi một mình. Tía tiếc hùi hụi, nếu biết tệ hại như vầy, tía chết sớm hơn, để Thêm khỏi phải khổ. Thêm nghe, khóc quá trời. Có Rô ở đây, Thêm cũng không ngại mà cú khóc. Tía nói" Dữ hôn, giờ mới thấy bây khóc. Tao tưởng bây vui lắm" Thêm quẹt nước mắt " Hổng có, con vui thiệt mà. Tại tía nói, làm con tưởng ngày mai không được thấy tía nữa. Anh Rô đi rồi, hổng biết sau này vợ con thế nào? Ảnh tốt vậy, chắc ông trời cũng thương, được người đẹp người đẹp nết thôi tía ơi".
    Mấy ngày sau, tía Thêm chết thiệt. Thêm không khóc được thành tiếng, nước mắt cứ chảy xuống, cái cảnh như tía Thêm khóc hôm vu quy. Cáihôm đám ma tía, hai con mắt Thêm thâm đen, sưng tù vù, gò má bầm tím. Thêm mặc áo dài tay, không dám để hở thêm mấy vết bầm ở tay, sợ người ta thấy, gây tiếng xấu cho Hiền, cũng không tốt cho Thêm. Thành vợ chồng rồi, trói buộ cnhau ghê lắm. Thương thì cũng có lúc ghét. Một trận đón Hiền dành cho Thêm đêm trước khi tía chết cũng đau lắm. (Đau thấu trời đó chứ! Xưa giờ, có bao giờ bị đánh vậy đâu). Đúng là không 9doán được tính tình con người. Hiền âm thầm như vậy, mà đánh Thêm như nước vỡ bờ. Hiền đánh mà nói là đánh vì Rô, đánh vì ông tía già. Mà vậy là sao? Thêm cũng không hiểu nỗi nữa. Hay là từ bữa trước tới tgiờ, thêm chưa bao giờ nghĩ đến Hiền, cũng như quan tâm đến cảm giác của anh ta.
    Tía ơi, người ta xem con tía chỉ là vậy thôi, thương cái kiểu này, con của tía chịu sao nổi? Lúc bị đánh, Thêm chỉ nghĩ, chắc trốn tía vài ngày, sợ tía thấy mấy cái vết bầm chắc tía sống không nổi. Tía dằn vặt, lấy búa đập đầu thì khổ nữa. Ai dè từ giờ về sao, mãi mãi tía cũng không thấy được. Thêm không muốn tía thấy mình buồn, chứ không phải muốn mất tía luôn. Ông trời thiệt là ?
    Hai hôm sau khi tía mất, Thêm ra chợ bán lúa. Gặp mấy bạn hàng, Thêm cười tươi rói, mặc dù trên mắt vẫn còn tim tím sưng. Hiền lấy trứng gà lăn cho bớt bầm nhưng Thêm không chịu. Người ta hỏi, Thêm nói bị trúng cành cây, nhức chết mồ đó chứ. Rồi thắc mắc, sao con nhỏ đó ba nó mới chết hai ngày mà coi bộ vui dữ! Mà cũng vui cho nó, ổng chết sớm, nó đỡ công lo. Ổng bài bạc đến nỗi gã con trừ nợ thì không chết sớm cũng bị trời đánh cho coi. Mà biết đâu! Con nhỏ Thêm này, về nhà chồng giàu, chắc trong cái họa có cái may. Nó cười nói suốt ngày. Nhờ ông tía bài bạc, mới lọt vô cái hũ nếp này, coi như chuột tu mấy kiếp mới có phúc phận đó! Thêm chỉ lẳng lặng! Rô đang ở đâu đó, chắc chưa biết có chồng như thêm vui như thế nào đâu. Rồi thêm cười! Ừ, thì vui!
  7. lonesome

    lonesome LSVH, 7xSG Moderator

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    7.018
    Đã được thích:
    11
    Đồng xu vĩnh cửu
    [gray]Thật đấy! Trên ấy có đồng xu thật đấy! Cháu lên xem giúp bà đi![/gray]
    - Lâu thế rồi liệu nó còn không hả bà?
    - Nhất định có mà!
    - Thế thì bữa nào cháu sẽ lên!...?.
    ... Hoàng hôn dần buông xuống. Lèn đá bốc hơi ngùn ngụt. Con đường dẫn vào Tháp Định không nhìn rõ nữa. Chỉ nghe tiếng suối chảy róc rách phía trước mặt. Vài chú trâu về muộn, tiếng mõ khua lóc cóc xa dần.
    Bãi Hẹn là triền cỏ dài nằm men theo chân núi, nơi người dân quê tôi dừng bước sửa lại lễ vật trước lúc lên tháp. Nơi những đôi trai gái làng thường đến tình tự trong những đêm trăng.
    Mây chiều và khói núi lãng đãng. Cảnh vật trở nên huyễn hoặc trước lúc chìm vào đêm. Tôi ngửa lòng bàn tay ra hứng cái vị se lạnh rồi buột miệng ?ohèn gì...?.
    Giữa khoảng không mờ ảo, ánh mắt reo vui của bà tôi như thấp thoáng đâu đó và giọng nói ấm áp vọng lại: ?oTrên ấy có đồng xu thật đấy!?.
    * * *​
    ... ?oAnh không yêu em nữa chứ gì? Tại sao? Tại sao? Tại sao...?
    - Đừng khóc nữa em! Đêm nay trăng đẹp quá! Buổi tối thật tuyệt vời! Em có nhìn thấy Tháp Định không? Ngày mai lên đấy, trong đoạn cuối, lỗ đầu tiên của viên gạch thứ mười bốn, bậc tháp thứ hai ba, em nhớ nhón nhẹ ngón tay vào sâu. Nếu đồng xu sấp: Xin em đừng buồn! Nếu đồng xu ngửa: Anh đã lên đường!
    - Không có đồng xu nào cả! Sẽ không có đồng xu nào cả! Em cần có anh thôi!...?.
    - Hôm sau, bà có lên Tháp Định tìm đồng xu không?
    - Chiến tranh mà! Cả nhà đi tản cư ngay trong đêm ấy - Ánh mắt bà bỗng trở nên xa xăm.
    * * *​
    Bà đưa tay vào túi áo lấy ra những tờ tiền lẻ. Những tờ tiền mỗi lần cô tôi về thăm nhà dúi cho bà mua quà vặt. Bà chẳng tiêu gì nhưng vẫn cầm. Bà nhận để vui lòng cô tôi.
    - Cho mày mua kẹo! Tiện đường lên đó xem giúp bà nhé!
    - Bà ơi! Nếu có, bà cho cháu mang về chơi trò đánh đáo với thằng Tùng, thằng Chiến. Bọn chúng cũng được bà chúng cho vô số đồng xu đấy!
    - Cha tổ mày! Miệng bà vẫn bỏm bẻm nhai trầu. Tôi hăm hở lao vụt ra đường, chạy băng băng về hướng Tháp Định. Một, hai, ba, bốn,... hai ba, tôi cố vươn người lên. Nhưng bàn tay thằng bé mười tuổi không làm sao với tới viên gạch thứ mười bốn. Tiếc nuối quay về. Tôi tin đồng xu nằm ở trên ấy!
    * * *​
    - Trên ấy có đồng xu thật mà!
    - Làm sao bà biết? Lỡ ông ấy không bỏ vào thì sao?
    - Có thật mà! - Bà tôi phản ứng một cách yếu ớt rồi gắng gượng ngồi dậy. Đôi mắt đã mờ đục hướng ra con đường chạy vào núi. Sờ vào đôi chân từ lâu không còn cảm giác, bà quay sang tôi nài nỉ:
    - Cháu lên xem giúp bà đi!
    - Không có đâu bà ạ!
    Bà tôi thừ người ra như vừa đánh rơi thứ gì quan trọng lắm. Từ ngày bị bệnh, quanh đi quẩn lại trong bốn góc giường, bà hay kể về cái thuở xa xưa với hình bóng một ông cụ nào đó. Nhiều lần tôi bắt gặp bà thì thầm một mình như trò chuyện với ai. Bố tôi lắc đầu (ở nơi bà không nghe được) và bảo: Bà bị bệnh già!
    Tôi đã đi qua thời niên thiếu. Những đồng xu của trò chơi thuở bé để quên lăn lóc ngoài sân từ hồi nào. Những trận banh, những chuyến dã ngoại, những cuộc hội hè kéo tôi vào. Thành thử tôi cứ khất lần khất lữa bà mãi.
    Bà phập phồng chờ đợi mỗi tối chủ nhật tôi trở về nhà. Ánh mắt bà bừng lên những tia hy vọng sau câu hỏi quen thuộc ?oCháu có lên đấy không?? - rồi cụp xuống lặng lẽ.
    Lần đầu tiên phát hiện ra, tôi giật mình, tự nhủ: ?oĐồng xu trên Tháp Định quan trọng với bà thế sao??. Biết đâu nó là tia sáng lay lắt cuối cùng, là nỗi day dứt duy nhất còn sót lại trong cuộc đời bà tôi. Tám tư tuổi, mọi lo toan, vướng bận không còn! Mà khi đã thanh thản, người ta dễ dàng ra đi! Tôi chợt rùng mình trước ý nghĩ ấy. Phải níu bà lại bằng những lời hứa!
    - Cháu lên xem giúp bà đi!
    - Không có đâu bà ạ!
    - Nhất định có mà! - Giọng bà nghèn nghẹn như sắp khóc.
    - Sao bà biết có?
    * * *​
    ?o... Mẹ chỉ còn duy nhất một mình anh. Suốt chừng ấy năm trời, mẹ mỏi mòn chờ đợi. Chiến tranh, ôi chiến tranh!
    - Em!... Em!... Nàng ngước đôi mắt đẫm nước nhìn lên. Chàng bỏ dở câu nhưng nàng thừa biết chàng định nói gì. Chàng không muốn nàng giống mẹ! Biết bao trai làng ra đi đã không về. Cha rồi đến lượt các anh trai chàng cũng vậy!
    Nàng run rẩy tựa đầu vào lòng chàng. ***g ngực vững chãi, hối hả nhịp đập con tim. Nàng nghe rõ nỗi đau chia cắt cận kề!
    - Sương nhiều, ướt cả tóc em rồi! Giọng chàng thảng thốt. Nàng biết những giọt sương nước mắt của chàng đang thấm qua kẽ tóc mình...
    - Trăng đã xế, em về đi! Anh còn phải lên tháp. Gương mặt cương nghị nhìn sâu vào mắt nàng. Gương mặt loang loáng nước dưới ánh trăng khuya.
    Nàng gạt nước mắt, định nói những lời từ trong sâu thẳm tim mình, rằng ?oem sẽ đợi anh về!?. Nhưng bàn tay chàng đã chặn nàng lại. Hít một hơi thật sâu, chàng lạnh lùng đẩy nàng ra và bước vội vào con đường dẫn lên Tháp Định.
    Nàng đứng chôn chân như tượng đá. Những giọt sương trên thảm cỏ vương vào lạnh cóng. Lần đầu tiên từ ngày gặp nhau nơi Bãi Hẹn, một mình nàng thất thểu trở về!?.
    - Nhất định đồng xu trên tháp nằm ngửa cháu ạ! Ông ấy yêu bà lắm!
    - Hồi trẻ, bà có đi tìm đồng xu không?
    - Có chứ! Tìm người nữa chứ!
    * * *​
    Tôi đã lên bậc tháp thứ hai ba. Lỗ đầu tiên của viên gạch thứ mười bốn hiện rõ. Tôi đứng tần ngần nhưng không dám sờ tay vào - bàn tay của thằng đàn ông hai tám tuổi từng chao đảo trên con thuyền tình. Tôi chợt mỉm cười với ý nghĩ ?ogiá tôi được làm thằng bé lên mười năm xưa!?.
    Ngồi bệt xuống bậc tháp, tôi bắt đầu đếm những đôi trai gái dìu nhau đi lên. Mấy chục năm trôi qua, Tháp Định già theo thời gian. Những bậc tam cấp cũ kỹ đầy rêu. Những viên gạch đã ngả màu nâu đất. Tôi thầm hỏi: ?oTrong những dãy lỗ bé tí kia, liệu có thêm đồng xu của đôi lứa nào nữa hay không??.
    Thấp thoáng đằng xa phía chân tháp là cả làng quê trù phú. Những ngôi nhà cổ kính nằm ẩn mình dưới bóng cây cổ thụ. Bãi Hẹn dường như bị thu hẹp lại. Nhưng triền cỏ vẫn xanh um, uốn lượn, nằm khép mình lặng lẽ. Tôi ngồi như thế cho đến khi người cuối cùng rời tháp.
    * * *​
    - Đồng xu sấp hay ngửa thế? - Mới nghe tiếng cửa mở lách cách bà tôi đã cất lời. Vẫn ánh mắt tràn ngập tia hy vọng và cánh tay yếu ớt gắng gượng nhoài ra. Lòng tôi chùn xuống.
    - Có đồng xu bà ạ! Nhưng tay con to quá không thò vào được!
    - Đã bảo rồi mà! Có thật mà!
    - Ngày xưa lên tháp, bà cũng thấy đồng xu phải không?
    Bà cười và im lặng! Lần đầu tiên từ ngày ngã bệnh, tôi thấy bà cười. Nụ cười viên mãn! Tất cả những nếp nhăn ở khóe miệng đùa vào nhau như reo vui để lộ hàm lợi không còn chiếc răng nào.
    * * *​
    ... Cụ cố gả bà cho ông mày đấy! Phải rồi! Đời người đàn bà, ai có thể ở vậy một mình kia chứ! Bà nói với tôi mà như độc thoại.
    - Lấy chồng rồi sao bà vẫn nhớ người yêu cũ?
    - Cha tổ mày! Lại kết tội bà! Tình yêu và đạo nghĩa vợ chồng khó nói hết lắm cháu ạ! Ừ! Mà bà lo cho ông mày trước sau chu tất cả...
    Làng tôi ai cũng bảo bà ăn ở phúc đức nên sống thọ. Tôi không tin vào quy luật nhân quả. Nhưng tôi biết bà dành trọn vẹn cho chồng và cho các con.
    Ông tôi khỏe mạnh, sống với bà được bảy năm, có ba mặt con. Trong một chuyến lên rừng làm ăn, ông tôi lâm nạn rồi nằm liệt giường suốt hai mươi năm.
    - Người yêu của bà có trở về không? Tôi tò mò hỏi.
    - Bà không gặp lại ông ấy! Nhưng bà thường lên tháp mỗi khi cảm thấy đuối sức trước lo toan của cuộc sống gia đình. Sau mỗi lần trở về, bà như có thêm một sức mạnh vô hình nào đấy cháu ạ!
    - Thế bà có nhìn thấy đồng xu không?
    Bà tôi ngập ngừng:
    - Cháu thấy rồi còn gì! Kỷ vật đẹp nhất bà có trong cuộc đời này đấy!
    - Đồng xu sấp hay ngửa bà nhỉ? - Tôi buột miệng.
    - Có đồng xu trên ấy! Sấp ngửa cũng không sao! Đó là đồng xu của bà!
    * * *​
    Như linh cảm, đêm đó bà tôi đã ra đi trong giấc ngủ dài thanh thản!
    * * *​
    Vẫn bậc tháp thứ hai ba, vẫn cái lỗ be bé, vẫn điệu ngồi bệt như mọi hôm lên đây. Nhưng tôi biết, ngay chỗ tôi ngồi đã từng có một người con gái hàng trăm lần dừng lại. Nàng thủ thỉ và dốc hết những u uất trong lòng như một con chiên ngoan đạo.
    Nàng cũng như tôi, không ai dám sờ tay vào. ?oTrên ấy có đồng xu thật đấy!?.
    Sông Biếc
  8. khongtenso0

    khongtenso0 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2004
    Bài viết:
    3.758
    Đã được thích:
    0
    Chiếc lá phong
    Truyện ngắn của Vương Mông
    [​IMG]
    Anh và chị làm quen với nhau trong một buổi dã ngoại một ngày thu thời sinh viên. Từ bấy đến nay đã qua năm mươi năm. Lần đi chơi xa ấy, họ tới Bắc Sơn, một nơi nổi tiếng vì lá phong đỏ thắm. Họ không cùng khoa, nhưng họ đều thích hoạt động văn nghệ và đều là đội viên trong đội hợp xướng. Họ đều mong một lần nào đấy được thấy rừng rực cháy, sau ngọn lửa đó là sự tái sinh và tân sinh của mọi thứ, là ánh sáng thay thế đêm đen. Và nhất là họ đều thích thơ của nhà thơ lớn A Phong. A Phong viết:
    Đồng núi mùa thu sao cháy rực?
    Cơn giận tuổi trẻ sao nổ vang?
    Thơ tôi là pháo đạn rền vang,
    Thơ dũng cảm đánh vào tội ác!
    A, rền vang! A, chinh phạt!
    A, xạ kích! A, cháy lên!
    Họ đặc biệt thích ngâm chữ ?osao?, kéo dài giọng ra ngâm ?osao...?, thật khoái, thật đã!
    Đến khi pháo đạn thật sự rền vang trên ngọn đồi mà họ đi dã ngoại hồi nào, khi lửa rừng rực thiêu cháy tất cả thế giới cũ thì chị nhận được một bức điện báo, báo tin mẹ chị ở tận Giang Nam đang ốm rất nguy kịch. Chị ra đi và bảo đảm với anh hai tuần sau sẽ trở lại cùng anh đón ngọn lửa thần thánh.
    Khi chia tay, anh và chị trao cho nhau nụ hôn đầu khắc cốt ghi lòng, thật thuần khiết và thật nóng bỏng, như mộng và nhất là như thơ của A Phong. Thanh niên sau này đã không còn biết đến nụ hôn đầu. Dù bất kể cố gắng quét văn hóa phẩm đồi trụy như thế nào thì người ta cũng không còn có thể cảm nhận được vị dịu ngọt và ngượng ngập, sự hàm súc và ý thơ trong nụ hôn đầu. Hoa ngày nay không còn giữ ý gì nữa, nở tung ra trong phút chốc, chẳng cần chuẩn bị gì trước. Còn lá phong thì có hình trái tim, thay thế cho trái tim non trẻ của chị.
    Lá phong sinh miền bắc,
    Thu về nảy mấy cành.
    Thứ này tương tư lắm,
    Hãy hái lấy đi anh!
    Hôm ấy anh sửa lại thơ của Vương Duy. Người đời Đường làm thơ hay quá, anh không rời được thơ của họ nữa.
    Mấy chục năm sau không có tin tức gì của chị. Đương nhiên, chị đi sang bên ấy. Nghĩ đến lại đau lòng, hơn nữa còn tức giận. Đó là sự ngoảnh mặt cả về hai phía: lý tưởng và tình yêu.
    Chuyện ấy có thể tính là tình yêu đầu của anh, mà có lẽ cũng không gọi được là tình yêu đầu. Họ chưa từng nói lời nào liên quan đến tình yêu. Còn như hôn nhau, có lẽ người ngày nay hẳn không cho rằng hễ hôn thì nhất định là yêu nhau. Thậm chí ký ức về vị dịu ngọt của đôi môi cũng theo thời gian năm mươi năm mà phai nhạt, mong manh dần, cuối cùng nhòa hẳn.
    Nhưng anh vẫn giữ chiếc lá phong đó, thậm chí trong những năm cuồng bạo, Tập thơ A Phong hoàn toàn bị hủy nhưng chiếc lá phong vẫn bình yên, không hề bị sứt mẻ.
    Còn nhà thơ A Phong thì sao? Hết lần này đến lần khác trong thời đại mới, ông bị tuyên bố là kẻ xấu, kẻ lưu manh, trái bom nổ định giờ, con sói đội lốt cừu, quỷ dữ vẽ khuôn mặt của mỹ nữ. Báo đăng tranh biếm họa làm nhục ông, vẽ ông và một người đàn bà khó coi chạy quanh một tờ bạc có mệnh giá lớn. Lúc đầu anh không tin, sau rồi cũng quen dần. Đã nói thế thì cứ nói thế, những bom, sói, quỷ nào phải chỉ có một mình A Phong. Nhắc đến thì có hàng loạt ở khắp nơi.
    Chỉ có điều hễ nghĩ tới thơ cảm động được cả trời đất của ông là anh lại buồn, không phải cho A Phong mà là cho chính mình, cũng còn cho chị nữa, cho những năm tháng thanh xuân đã trôi qua.
    Những đồng nghiệp của anh xưa nay không hề đọc thơ, thích thú kể đến sùi bọt mép những tin xấu về A Phong. Một trưởng phòng sáng suốt thấy trước được vấn đề nói:
    - Xưa nay tôi không đọc thơ của A Phong. Ngọn đuốc a, lá phong a, tình yêu a, toàn một giọng điên cuồng của lũ tiểu tư sản! Như ***!
    Một vụ trưởng nói:
    - Thơ vốn không phải thứ do người thật thà sáng tác ra!
    Anh không hề do dự chộp luôn lấy chỗ sơ hở. Anh hỏi:
    - Thế các vị cũng không đọc thơ và từ của Mao Chủ tịch à?
    Trưởng phòng và vụ trưởng tái mặt đi, họ vốn định tỏ cho người khác biết lập trường giai cấp vô sản kiên định của mình.
    Thế là anh lại cảm thấy chán ngán, cảm thấy nhạt phèo.
    Nhiều năm nữa lại trôi qua. Năm này trôi qua nhanh hơn năm trước. Người đã về già.
    Anh nhận được thư của chị từ rất xa, rất xa gửi về. Chị nói chị sắp về thăm quê hương một chuyến. Chị nói bao nhiêu năm nay, chị đã mất nhiều công sức để tìm anh, viết cho anh rất nhiều thư nhưng vẫn không liên lạc được với anh. Chị còn nói chị vẫn nhớ những gì, những gì.
    Anh rõ rồi. Anh đã hiểu rõ vì sao trong bao nhiêu năm qua anh không được tín nhiệm, không được trọng dụng. Ngoài việc anh yêu thích thơ Đường ra, mối quan hệ với người ở nước ngoài đương nhiên cũng là nguyên do. Anh cười buồn, nói lại những chuyện đó cho vợ nghe. Anh vừa mới mua một tập thơ của A Phong - A Phong vốn là người xấu nay đã là người tốt rồi. Anh lại tìm chiếc lá phong ngả màu sẫm và đã ròn, kẹp lá phong vào trong tập thơ.
    A Phong xuất hiện liên tiếp trên màn hình, trên các báo và ra nước ngoài luôn, đến cả Canađa là nước lấy lá phong làm quốc kỳ, nhưng không làm được thơ nữa. Thơ thôi không sáng tác nhưng thi tập na ná giống nhau thì xuất bản với đủ khuôn khổ. Các đồng chí lãnh đạo đã tới dự lễ phát hành lần đầu những tập thơ của nhà thơ.
    Vợ anh nhìn chiếc lá phong kẹp trong tập thơ, bảo anh:
    - Khi nào cô ấy về, anh trả chiếc lá phong này cho cô ấy.
    Anh ừ rồi cất tập thơ và lá phong vào tủ sách.
    Lấy nhau đã bốn mươi năm, nhưng anh chưa lần nào thấy mất tự nhiên như lần này, tuy rằng chỉ có đôi chút.
    Một lúc sau, anh mới lấy lại được sự hưng phấn, bàn với vợ khi nào chị trở về thì mời chị đi ăn món rau đặc sản mang phong vị Thượng Hải. Anh nói chị rất thích ăn món đậu phù nhự khô rán và bánh bao nhỏ.
    Nhưng đến mùa hè như đã hẹn, chị không về, dù đã nói thế này thế nọ rất dễ nghe. Thư cũng chẳng gửi.
    Không về thì thôi. Có về lại chê nhà vệ sinh ở đây không sạch. Thôi thì để người ở đây sống ở đây vậy... Nghe nói có một bà già người Mỹ vì nhà vệ sinh không sạch mà cố nhịn, đến lúc xem xong người đá, xe ngựa đá trong cung điện dưới đất thì lăn ra chết!
    Không gặp được người tặng lá phong nhưng anh đã có dịp gặp được A Phong, tại một bữa nhậu không cần phải tự mình bỏ tiền. Ấn tượng mà A Phong để lại cho anh là một ông già tham ăn, ăn nói chua cay và khắc bạc, là một ?ocon nghiện?, nghiện thuốc lá rất nặng. ông ta chửi tất cả những nhà thơ trẻ, tỏ ý không thèm đọc thơ của các nhà thơ trẻ. Không đọc mà biết thơ không hay, thật là điều khiến người ta không sao hiểu nổi.
    A Phong dù lúc không hút thuốc lá nhưng hễ mở miệng là từ trong miệng lại tuôn ra hơi thuốc lá và mùi ẩm mốc nồng nặc. Bà vợ của nhà thơ cũng rất hay, trước khi ăn cơm, bà bỏ hai chai rượu từ trên mặt bàn xuống gầm bàn, nói:
    - A Phong thích uống rượu, các anh đã không uống thì tôi giữ lại cho anh ấy.
    Ai nói rằng không uống nào? Ai cho phép bà vợ nhà thơ có quyền làm thế? May mà chẳng ai truy cứu. Rượu cũng thế mà món cũng thế, không lấy về cũng uổng.
    Lại mấy năm trôi qua. Thời gian đi nhanh quá. Chị gửi thư nói rằng mùa thu này nhất định sẽ về. Anh lại mừng rỡ đi tìm tập thơ của A Phong và chiếc lá phong. Tập thơ thì còn nhưng chiếc lá phong không thấy đâu nữa.
    Anh nổi nóng, lật hòm lật tủ, anh chui xuống gầm giường và tìm ở các xó xỉnh. Vẫn không thấy.
    Vợ anh thề rằng tuyệt đối không động đến chiếc lá phong của anh. Lúc đầu anh nghi cho vợ, sau rồi tin. Đúng rồi, vợ anh không động đến. Cần gì phải động đến kia chứ?
    Anh nghi cho con gái. Con gái anh nổi giận còn hơn cả anh. Nó khóc, nói là cha làm nhục con. Cuối cùng, anh đành phải xin lỗi con, nói rằng mình già nên lú lẫn, mình đã là một ông già mắc chứng lú lẫn ở thời kỳ đầu. Nhận ở thời kỳ đầu, con gái vẫn chưa bằng lòng, cuối cùng cha con thỏa thuận, anh đã lú lẫn đến thời kỳ giữa và thời kỳ cuối, chẳng còn cách ngây ngô là bao xa. Nói như thế vợ con mới cười. Hai mẹ con vui lòng rồi, anh nghĩ hơi buồn.
    Anh lại ngờ cho hàng xóm luân phiên đi thu tiền nước, tiền điện. Anh nghĩ đến người hàng xóm rất có thể đã từng lấy trộm rau cải trắng của nhà anh. Trước đây, nhà anh thường để rau cải trắng ở lối lên cầu thang gác. Anh không có chứng cớ, nhưng vì nghi đã lâu rồi nên cho là chắc chắn. Anh lại nghi cho công nhân của phòng trông coi nhà vì người công nhân này chỉ còn có một vành tai. Anh còn nghi cho những người tích cực hay nhắc nhở treo quốc kỳ ở khu phố - họ được gọi bằng biệt hiệu ?ođội trinh sát bó chân?. Anh nghi tất cả những người đến nhà anh trong thời gian qua.
    Tính nết anh ngày càng trở nên khó chịu. Anh hỏi, Lômônôsốp từ lâu đã nêu ra định luật vật chất không mất đi, nếu ai cũng không động đến chiếc lá phong của anh thì tại sao chiếc lá ấy lại biến mất?
    Vợ anh bảo, đã không mất đi thì nhất định là không mất, cho nên không cần phải tức giận vì chiếc lá phong đó. Con gái anh cũng nói theo:
    - Đúng rồi. Ba như thế là ?ocấp hỏa công tâm?!
    Anh nghe mà thấy tim nhói đau, giận không được bỏ ngay về quê cho xong.

    Đường tiêu hóa của anh cũng luôn luôn có vấn đề, hôm đầu thì táo, hôm sau thì đi lỏng, có nhiều hiện tượng của bệnh ung thư dạ dày. Anh đến bệnh viện xin kiểm tra, uống rất nhiều baryum. Có nhiều chỉ tiêu đều là dương tính, nhưng kiểm tra cho đến cuối cùng anh mới khỏi cái nạn ngờ mắc chứng ung thư.
    Vì thế mà anh rất vui, vui xong anh bảo con gái: anh là người mắc bệnh ngây ngô của người già đã đến thời kỳ cuối, siêu cuối chứ không còn là thời trung kỳ hay hậu kỳ nữa. Anh nói như thế thì con gái lại không cười nữa. Cho đến khi anh phải thừa nhận mình chẳng có bệnh gì cả, thời gian qua chỉ là ?ocố ý làm cho hai mẹ con sợ, hai mẹ con giận? mới thôi.
    Anh hiểu ra một điều, chiếc lá phong tồi tàn đó (lời con gái anh) không cần tìm nữa. Nó có đáng tiền không? Không! Nó có giá trị văn vật không? Không! Nó có ý nghĩa kỉ niệm không? Không! Không tìm thì không xong chăng? Không! Không, không không, không không không!
    Vật chất không mất đi cũng vẫn là mất đi. Mất đi rồi lại hoàn hồn, thay đổi hình thức tồn tại, như thế cũng là diệt diệt, diệt diệt bất diệt diệt, bất diệt tức diệt diệt. diệt diệt cuối cùng bất diệt, thế thì có khác gì trường diệt diệt?
    Vẫn là mất. Thế nào gọi là mất? Không mất sao tìm không thấy? Chiếc lá không thuộc về anh nữa, nó đã bị lấy đi hoặc bị bỏ quên, ít nhất thì cũng là ?odiệt? đối với người nhất định nào đó. Những việc như thế này ngày nào chẳng xảy ra. Cái cũ không đi, cái mới không tới. Mất rồi thì chẳng cần tìm nữa, mà có thấy cũng bất tất phải bám riết lấy mà hoan nghênh.
    Đó là sự đốn ngộ thật sự. Không đọc Đạo đức kinh của Lão Tử, không đọc Tề vật luận của Trang Tử, cũng chẳng nói chuyện với một triết nhân hoặc một nhà tư tưởng sinh vào năm nào đó, không ngồi trên tòa sen hay ngồi dưới gốc cây bồ đề, hoặc tiêm côcain. Một hôm anh dậy rất sớm, ăn một cái bánh rán, uống một cốc nước sôi, rồi đi vệ sinh, thế là ngay lập tức bừng hiểu.
    Nhưng anh lại hỏng mất việc đời. Sau đó anh nghe nói vốn có một chỉ tiêu. Chỉ tiêu này lẽ ra có thể dành cho anh, khiến anh trước khi nghỉ hưu có thể lên nửa bậc lương. Vì chiếc lá phong, anh đã làm cho quan hệ giữa anh và hàng xóm xấu đi, làm trái với quy ước của thành phố, không còn giữ được danh hiệu ?ogia đình năm tốt? mà gia đình anh đã được tặng trong nhiều năm. Thế là việc lên nửa bậc lương cũng theo đó mà tiêu tan.
    Anh hơi bực mình. Một người đã thông đạo lớn như anh mà vẫn không thoát được thói tục. Điều này khiến anh khá kinh ngạc. Sau đó anh tha thứ cho người hàng xóm có thể đã lấy trộm rau cải trắng của anh, anh tìm người đó đánh một ván bài pôkơ. Thì ra không thoát khỏi thói tục cũng chẳng liên quan gì với đạo lớn. Từ sau khi anh biết không thể tìm lại chiếc lá phong nữa, càng ngày anh càng khỏe ra, ăn thấy ngon, rồi bổ âm bổ dương, các loại chỉ tiêu khôi phục và vượt cả mức bình thường. Anh ngày càng thấy thoải mái, khỏe mạnh, gia đình hòa thuận, xóm giềng đoàn kết, làm việc tốt cho người. Tóm lại, vật chất và tinh thần cả hai đều tốt lên.
    Gia đình anh lại được nhận danh hiệu ?ogia đình năm tốt?.
    Tới mùa thu trời cao khí thoáng, chị thon thả trở về. Anh và vợ mời chị đến Bắc Sơn ăn món rau đặc sản mang phong vị Thượng Hải. Không những có đậu phù nhự khô rán, bánh bao nhỏ mà còn có tôm nõn, lươn sào và cua bể..., đủ để cho thấy sự tốt đẹp ở nơi đây. Tuy từng có quá nhiều cái xấu xa nhưng cái tốt đẹp còn có nhiều hơn nữa. Cho nên trừ một số ít, hầu hết người ta đều sống rất vui vẻ, cả đến lời ca cũng hát mãi không ngán: ?oSướng vui thật sướng vui, quá vui sướng, ai mà không sướng vui!?.
    Họ nói đến thơ của A Phong, anh tặng chị tập thơ mới xuất bản của A Phong, chị không ngớt lời cảm ơn. Họ nhớ lại những bài thơ của A Phong, họ vẫn rất khen ngợi và khâm phục. Chị cho rằng thơ A Phong đáng được giải Nobel.
    Anh nhắc đến chiếc lá phong không biết đi đằng nào. Chị hỏi :
    - Thật sao?
    Chị quên rồi. Có lẽ là quên, hay không nói đến có phần còn hơn. Chị lại nói một chiếc lá khô mà có thể bảo tồn đến năm chục năm hay sao?
    Đúng thế, bảo tồn làm sao được nhỉ?
    Vợ anh nói:
    - Tình nghĩa cố nhân còn lâu bền hơn chiếc lá phong!
    Họ đều rất vui. Anh cũng cảm thấy tuy năm mươi năm trôi qua nhưng anh vẫn là anh, chị vẫn là chị. Trò chuyện và tưởng tượng về chiếc lá phong không tìm thấy có lẽ còn hơn là nhìn thấy và mân mê chiếc lá lâu năm, khô cong sắp mục.
    Chỉ khi chị cáo từ, anh mới nói khẽ:
    - Em, em bảo chỉ hai tuần là nhất định trở lại kia mà?
    Chị nhã nhặn cười, cười mà như mếu. Anh cũng vừa cười vừa mếu.
    Anh làm mấy bài thơ theo thể cổ và lấy bút danh Vô Diệp Cư Chủ Nhân gửi đăng trên tờ tập san chẳng có ma nào đặt mua.
    Nửa năm sau khi chị đi, A Phong qua đời. Sau khi chết ông càng vẻ vang. Báo chí văn học dành cả trang để đăng ảnh A Phong. ảnh hồi trẻ du học bên Anh, ảnh vừa ra tù hồi còn là Trung Quốc cũ, ảnh khi mới đến khu căn cứ cách mạng, ảnh chụp với lãnh tụ cách mạng... cho mãi tới khi học lý luận, đọc nghị quyết một tuần trước khi chết. Anh vô cùng cảm khái, tự mình cảm thấy ngượng một lúc lâu, cảm thấy lần anh coi nhà thơ thành một người lời lẽ chua cay, khắc bạc, ăn tham và ?ocon nghiện? thuốc lá là quá đáng và thật phiến diện. Mình mới là người mất tư cách chứ không phải nhà thơ. Còn vợ nhà thơ vốn dĩ cũng không thể không giữ lại mấy chai Mao đài, Ngũ Lương Dịch cho nhà thơ. Viết nhiều thơ hay đến như thế lại không được uống thêm chút rượu ngon hay sao? Đời Đường, Lý Bạch chẳng được cho phép uống thêm rượu ngon đó là gì? Lẽ nào chúng ta ngày nay lại không tôn trọng người tài giỏi bằng đời Đường hay sao? Những truyền thống tốt đẹp như thế bị bỏ mất không ít.
    Mùa thu năm sau anh lại ra ngoại ô. Lá phong đã thành hàng hóa. Lá được ngắt xuống ép phẳng, bọc giấy nilông, dán vào bưu thiếp làm quà tặng trong ngày Tình yêu, ngày sinh nhật, thiệp chúc tết..., viết mấy chữ Anh lên, bán chạy phải biết. Người đi chơi thật đông, chen nhau như chen hội, không còn thú yên tĩnh như ngày xưa.
    (Tập truyện được trao giải Bách hoa lần thứ 9)
    Vương Mông, bản dịch của Phạm Tú Châu

  9. Manual

    Manual Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/09/2004
    Bài viết:
    39
    Đã được thích:
    0
    Có người bạn gởi cho mình truyện ngắn này, đọc thấy hay quá nên gởi lên để mọi người đọc chơi.
    Rừng Mắm
    Tác giả: Bình Nguyên Lộc
    Chim đang bay lượn bỗng đứng khựng lại, khiến thằng Cộc thích chí hết sức. Nó theo dõi con chim thầy bói từ nãy đến giờ, chờ đợi cái phút này đây.Thật là huyền diệu, sự đứng yên được một chỗ trên không trung, trông như là chim ai treo phơi khô ngoài sân nhà.Chim thầy bói nghiêng đầu dòm xuống mặt rạch giây lát rồi như bị đứt dây treo, nó rơi xuống nước mau lẹ như một hòn đá nặng. Vừa đụng nước nó lại bị bắn tung trở lên như một cục cao su bị tưng, mỏ ngậm một con cá nhỏ.Cộc ngửa mặt lên trời để theo ông câu kỳ dị và tài tình ấy nữa, nhưng mắt nó bị ngọn dừa nước bên kia bờ rạch níu lại.- Trên một tàu dừa nước, một con chim thằng chài xanh như da trời trưa tháng giêng, đang yên lặng và bền chí rình cá.Trong thế giới bùn lầy mà thằng Cộc đang sống, ai cũng là ông câu cá, từ ông nội nó đến những con sinh vật nhỏ mọn quy tụ quanh các ngọn nước.Màu xanh của chim thằng chài đẹp không có màu xanh nào sánh kịp. Sự bền chí của nó cũng chỉ có sự bền chí của các lão có sầu não là ngang vai thôi, cái bền chí nhìn rất dễ mê, nhưng mê nhứt là mũi tên xanh bắn xuống nước nhanh như chớp, mỗi khi thằng chài trông thấy con mồi.Thặng Cộc là một đứa bé bạc tình. Một đàn cò lông bông bay qua đó, chỉ làm cho nó quên thằng chài ngay. Là vì đầu cò chơm chởm những cọng lông bông, nhắc nhở nó những kép vó hát bội gắn lông trĩ trên mão kim khôi mà nó đã mộ cách đây năm năm, hồi gia quyến nó còn ở trên làng.Hồi ấy nó sướng lắm. Quanh nhà nó, có hàng trăm nhà khác, có vườn cây trái, có nước ngọt quanh năm, có trẻ con để nó làm bạn, để nó đùa giỡn với.Nhưng không hiểu sao một hôm, tía má nó bán chiếc chòi lá đi, rồi ông nội nó, tía nó, má nó và nó, một đứa bé mười tuổi kéo nhau xuống một chiếc xuồng cui, một thứ xuồng to mà người ta gọi là xuồng mẹ, ghe con, rồi họ đi lang thang từ rạch hoang vắng này đến kinh hiu quạnh nọ, và rốt cuộc dừng bước nơi cái xó không người này mà ông nội nó đặt tên là xóm ổ Heo.Nghĩ đến những năm cũ, thằng Cộc bỗng nghe thèm người vô cùng, thèm còn hơn là thèm một trái xoài ngọt, một trái khế chua mà từ năm năm nay nó không được nếm.Những người di cư năm nọ trên chiếc xuồng cui, vẫn còn sống đủ cả. Những chiều nghi ngút sương từ đất lầy bốc lên, và những đêm mưa gào gió hú, những người ấy thường kể chuyện cho Cộc nghe, những chuyện ma, rợn óc như ăn phải trái bần chua. Nhưng dầu sao, Cộc cũng thích người khác hơn, cũng như nó thích vườn tược sầm uất hơn cảnh rừng tràm tối mịch hoặc cảnh đồng không bát ngát ở đây. ở đây, cho đến tiếng chó sủa, tiếng gà gáy nó cũng không nghe từ lâu. Con chó săn và mấy con gà giống mang theo đã ngã lăn dùng ra mà chết ngay trong tháng mới tới. Thặng Cộc ngạc nhiên mà thấy sao người vẫn không chết trong khí hậu tàn ác nầy: nóng, ẩm, còn muỗi mòng thì quơ tay một cái là nắm được cả một nắm đầy.Chưa bao giờ mong mỏi của Cộc được thỏa mãn mau lẹ như hôm nay. Nó vừa thèm người thì tiếng hò của ai bỗng vẳng lên trong rừng rậm, rồi tiếp theo đó là tiếng chèo khua nước:Hờ ơ... tháng ba cơm gói ra hòn.Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang mai.Mũi xuồng cui ló ra khỏi khúc quanh của con rạch, và trên xuồng chồng chèo lái, vợ ngồi không trước mũi mà hò. Cặp vợ chồng này Cộc quen mặt mấy năm nay, nhưng không biết họ từ đâu đến. Nó chỉ biết họ ra biển để bắt cua và ba khía, một năm mấy kỳ. Nghe tiếng người lạ nói, nhứt là nghe hát, Cộc sướng như có lần tía nó cho nó ăn một cục đường từ nơi xa mang về.Thà là không được ăn, chớ còn ăn một chút xíu thì cái vị của món ăn còn chọc thèm hơn bao giờ cả. Nên chi Cộc nhìn xuồng chèo khuất dạng thì xây lưng tức khắc để chạy lên ổ Heo.Trọn vùng này, ông nội nó đã đặt tên là ổ Heo nhưng riêng trong gia quyến nó thì ổ Heo chánh hiệu là một cái gò xa ở tận trên kia, cách mé rạch đến hai dặm hú.Số là hồi trước, ngày đầu tới đây, ông nội nó với tía nó đi kiếm đồ ăn trong rừng, đã gặp nơi đó một cái ổ heo rừng.Cả ổ heo đều bị sát hại hôm đó và canh tác của gia quyến nó về sau này đã đuổi thú dữ đi xa. Tuy nhiên, đề phòng chúng trở về, ông nội nó đã cấm nó lên ổ Heo một mình.Thằng Cộc lại thích lên đó, ban đầu chỉ vì ổ Heo có sức quyến rũ như một trái cấm. Nhưng về sau, nó đã gặp người ở nơi đó.Ðó là vài người đờn ông và đờn bà, nói là ở xa lắm, cách đó một ngày đường sông, đờn ông thì đến để gác cuốc, gác nhan sen, còn đờn bà thì để nhổ bồn bồn về làm dưa bán.Ðó là những người bạn bí mật của nó, nó giữ kín không cho nhà nó biết. Họ hay kể chuyện xóm làng, chuyện đám cưới, đám ma, đám hát, đám cúng đình, tóm lại tất cả sanh hoạt của làng mạc từ lâu Cộc không thấy và ngậm ngùi tưởng đến như nhớ những kỷ niệm xa xôi.Cộc chạy qua khỏi ruộng nhà, và đứng lại nghỉ mệt. Nó mệt lắm vì nó chạy dưới nước và dưới bùn mặc dầu lúa đã đến mùa gặt.Năm xưa, gia quyến nó đến đây vào cuối tháng giêng, sau khi cúng ông vải xong ở quê cũ.Ông nội nó với tía nó đốt rừng tràm từ ngoài bờ rạch. Gió thổi vô rừng và lửa như con vật khổng lồ, đã táp một cái vào khối thịt xanh um của biền rừng tràm này. Thành ra ruộng nhà nó mang một hình tròn kỳ dị, không tròn đều đặn vì không ai chỉ huy được sự cháy rất là rắn mắt của ngọn lửa.Cộc nhìn ruộng mình một hơi rồi cười khan lên. Ðám rừng bị khoét một lỗ để làm ruộng, trông như đầu tóc trẻ con được mẹ cạo, nhưng mới cạo có một mảng thì có chuyện gấp, bỏ dở công việc, đứa bé bị chúng bạn chế nhạo là đầu chó táp.Lúa ruộng chín, cây lúa cao quá, ngã rạp xuống để lòi trăm ngàn gốc tràm lên, trông như ai đóng cọc để cất nhà sàn; năm xưa đốt rừng nhưng không đủ sức đánh những gốc tràm tươi rói không cháy được nầy, tía thằng Cộc dành cấy lúa giữa những gốc ấy, mãi cho đến ngày nay mà gốc vẫn chưa mục. Tía nó nói mười năm nữa tràm chết cũng vẫn còn đưa cẳng lên như vậy.Sau lưng Cộc là những rặng tràm bị cháy sém dưới trận lửa khai hoang, không chết ngay, nhưng "Chết Nhát", cứ mỗi năm chết lần mòn thêm vài mươi cây. Mấy hàng tràm đầu nám đen và trụi nhánh như cột nhà cháy, căm hận nhìn chiếc chòi lá xa tít mù dưới mé rạch đang chứa chấp kẻ thù đã lấn đất của chúng, đã sát hại chúng.Sau đó, rừng chàm dày mịt, chằng chịt những dây bóng bong, dây choại bò từ thân cây nầy qua thân cây khác.Thằng Cộc lắng tai nhưng không nghe tiếng động nào cả. Nó đánh bạo chen qua những cây bình bát, cây rán, mọc xen với tràm, để đi tới đích.Một ổ chồn cộc bỗng chạy qua trước mặt nó khua lên một cái roạch, làm nó giựt mình, nhưng tiếng người trên ổ Heo cách đó chừng hai hàng cây giúp nó vững dạ.Tiếng đờn bà hỏi:- Anh hổng sợ thằng Mùi hay sao?Tiếng đờn ông đáp:- Thằng Mùi thì qua cho một loi là nhào hớt.Cộc vẹc cỏ, lá, đi mau đến đó và khi nó chun ra khỏi khối xanh thì hai người có mặt trên gò ổ Heo sợ hãi ngồi dang xa ra. Người đờn ông gác cuốc là người quen, người đờn bà nhỏ bên thì lạ hoắc. Chị này trẻ đẹp hơn tất cả những chị nó quen biết từ lâu.Người đàn ông trấn tĩnh lại ngay, ngoắc nó lại mà hỏi:- Muốn về trên hay không Cộc? Muốn thì đi theo chị Hai mầy đây, chị có một đứa em gái ngộ lắm.Trong khi thằng Cộc mắc cỡ đỏ tía tai thì chị đờn bà hỏi anh kia:- ở miệt này có người sao anh?- Chỉ có một nhà thôi. Mới tới đây chừng năm năm.- Quen hay lạ?- Lạ. Họ ở trên Sa Ðéc lận.Chị đờn bà an lòng, vui lại được và nói với Cộc để mua lòng kẻ đã bắt chợt việc thầm lén của chị:- Em của chị không bao giờ chịu về làm dâu một chỗ như vậy. Em có muốn thì phải ở rể thôi.Rồi hai người lớn cười ngặt nghẹo với nhau.Thằng Cộc mới mười lăm, nhưng cao lớn gần bằng người đàn ông kia. Mình trần của nó nổi u nổi nần những bắp thịt rắn như nắm bằng đất sét gắn vào đó rồi nung cho đen và cứng.Sự nẩy nở của thân thể nó đi song đôi với sự trưởng thành của đời sống sinh lý bên trong nó. Năm nay nó đã bắt đầu bâng khuâng mỗi khi chiều xuống, mặt trời đốt cháy đỏ đầu rừng tràm trầm thủy trước nhà. Nhưng sống cô đơn ở đây, nó không biết chuyện trai gái như vậy là xấu đến mức nào và phải có thái độ làm sao nên bối rối lắm.Chị đàn bà nắm tay nó, rị nó ngồi xuống bên cạnh chị, vỗ lên đầu nó rồi dỗ ngọt:- Chị không ăn thịt em rể chị đâu mà sợ. Mày mà về trển làm ruộng thì ai cũng ưa. Làm rể có công ba năm thì má chị gả con Thôi cho mầy liền. Nói thiệt đó mà.- Nó muốn trốn để theo qua dữ lắm, người đàn ông nói, nhưng nó còn ngại.- Ngại gì?- Thì lo sợ cái việc xa xôi, đất lạ đó mà.- Em nè, chị đàn bà lại hỏi, nhà có mấy người?- Bốn người.- Ai với ai?- Ông nội tôi, tía tôi, má tôi với tôi.- Làm mấy công đất?- Hồi đó bốn công, bây giờ mười công.- Gặt được mấy giạ mỗi mùa?- Tám giạ.Chị đàn bà cười ngất một hơi rồi day lại hỏi nhân tình:- Trời ơi, ruộng gì mà mười công đất chỉ gặt được có tám giạ thôi?Người đàn ông không cười, đáp:- Ðất nước mặn nào mới khai hoang cũng như vậy hết.- Rồi lấy gì mà ăn, em nhỏ?- Tía tôi đi đổi lúa thêm, ở đâu không biết, xa lắm.- Ðổi bằng gì?- Bằng cá khô. Với lại nhiều khi ăn rùa, ăn rắn trừ cơm. ở đây rùa nhiều như kiến. Ðốt rừng rồi đón trên đầu gio một cái là chúng nó lạch cạch chạy trốn, bắt không kịp lận.Chị đàn bà tỏ vẻ ái ngại một hơi rồi nói:- Nãy giờ chị nói chơi đó. Nhưng không biết tình cảnh của em, chị thật bụng thấy là em cần đi theo chị, hoặc theo anh đây cũng được.Chị ta với tay ra sau lưng lấy bầu nước ngọt, mở nút rồi ngước mặt lên trời, rót nước vào miệng. Chị nuốt ừng ực vài cái rồi nói:- Em có được ăn chè lần nào không?- Không, từ năm năm nay rồi. Cách đây một ngày đường không có nhà của ai cả, không có quán, tiệm gì hết. Với lại cũng không có tiền.- ở Sa Ðéc sao lại không vô Tháp Mười mà nhè xuống U Minh này?- Tui cũng không biết tại sao? ở Tháp Mười dễ chịu hơn hả.- Chị cũng không biết. Chỉ biết đất hoang ở Tháp Mười gần quê cũ của em hơn. Quê em ở Cao Lãnh hay không?- Gần.- Em có nhớ xoài Cao Lãnh hôn?- Tui lạy chị, đừng có nhắc chè, nhắc xoài nữa tui thèm muốn chết đi. Năm năm nay, tui không biết món ngọt là gì. Mấy cây chuối trồng sau nhà cũng chết queo vì đất còn mặn quá. Năm nay một cây trổ buồng, chắc tui sẽ được ăn ngọt đấy. úy chà! Trưa rồi chắc tới bữa cơm, thôi tui về nhà, anh chị?- ừ về, mai mốt lại lên đây nữa nhá?- Xuồng anh chị ở đâu?- Dưới kia. Nhổ bồn bồn ở dưới ấy, nhưng lên đây cho khô ráo để ăn cơm trưa è mà! Em Cộc nè, em của chị ngộ lắm, trắng lắm nghe không?Chuỗi cười của hai người nhơn tình ấy đuổi theo lưng Cộc khiến cho nó trong giây phút không muốn về nhà nữa.Ra khỏi rừng tràm râm mát, mắt Cộc bỗng dưng như đổ hào quang trước ánh nắng tháng mười. Không khí bị đốt cháy đang rung rinh như nước xao, và nó tưởng chừng như mái lá nhà nó, đen thui dưới kia, sắp cháy đến nơi. (Còn tiếp)
  10. Manual

    Manual Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/09/2004
    Bài viết:
    39
    Đã được thích:
    0
    Rừng Mắm (Tiếp theo)
    Tác giả: Bình Nguyên Lộc
    Thằng Cộc về tới nhà, thì cơm trưa đã dọn.- Mầy đi đâu mà tới đứng bóng mới về? Má Cộc hỏi.- Tôi đi lượm lông chim lông ô.- Lông đâu?- Mà kiếm hoài hổng có.- Mồ ****** mầy, nhiều chuyện. Chim lông ô đời xưa chớ đời nay đâu còn nữa. Mai gặt nghe không? ?n cơm khuya rồi xuống đồng chớ đừng đi đâu hết.Cả nhà lặng lẽ ngồi quanh mâm cơm, không ai nói với ai lời nào. Những người nầy, sống biệt tích ở đây lâu ngày rồi, đã gần biến thành á khẩu vì thói quen.Riêng thằng Cộc, sự cần nói của tuổi thơ đang lên mạnh lắm như cần chạy nhảy, cần ăn uống vậy. Câu chuyện hồi nãy trên gò ổ Heo khiến nó càng bắt mùi nói thêm, nên nín không được, nó hỏi ông nội nó.- Nội nè, hồi tôi mới tới, giữa mùa nắng, mình uống nước gì tui quên rồi?Nó hỏi như vậy vì nó vừa nhìn ra cái giếng bên hè và nhớ ra là giếng đã ngọt nước hôm mùa nắng trước, mặc dầu đã được đào năm năm rồi.- Uống nước đọng trên lung, trên rừng chớ nước gì.- Sao mình lại tới đây ông nội?- Ðã nói cho mầy biết rồi. Trên xứ, mình không có ruộng làm công khổ cả đời.- ở đây, mình có ruộng, nhưng cũng khổ cả đời. Ông nội thằng Cộc làm thinh. Nó nhìn ông nội nó rồi chợt nhận ra năm nay ông cụ già quá. Tóc râu ông cụ đã trắng bông. Nhớ ra ông cụ thường than mình chết ngày nào không biết chừng, thường than mình nhớ mồ mả ông bà quá, nó bùi ngùi thương ông, nên dòm ra sân để quên.Bấy giờ bóng bốn nồi rau đã tròn vành, chỉ rằng thật đúng ngọ. Bốn cái nồi bể ấy, hèn thế mà rất nhiều công dụng đối với gia đình nó.Ðể tránh nước mặn tràn bờ ngập sân, tía nó đã đóng mười hai cây cọc, làm thành bốn cái giá ba chơn tréo như giá trống của bọn đờn thổi đám ma. Trên mỗi giá đặt một cái nồi lủng đít, và trong nồi để đầy đất tía nó mang từ xa về. Ðất ở đây mặn chát dùng không được. Hành ớt, rau răm, rau òm om được trồng trong mấy vườn cao đẳng đó. Ðó là bốn thứ tối cần, đất mặn bao nhiêu cũng phải lập thế mà trồng cho được không thôi không có món gia vị nào để ăn cá nữa.Bốn miệng vườn cao đẳng và tí hon lại là chiếc đồng hồ của nhà này vào mùa khô. Cứ xem bề dài của bóng giá là tính giờ được ngay và khi bóng nồi tròn vụm che mất bóng giá là đúng ngọ ngay bon.Nhìn sân một hơi, nhai nuốt hết cơm, nó day vô hỏi tía nó:- Năm nay mình gặt cỡ bao nhiêu tía?- Nhờ ông bà, đất nước, được hăm lăm giạ là ít lắm.- Cũng chưa đủ ăn.- Ðủ gì mà đủ, má nó nói - nhà mình phải ăn trăm rưỡi là số chót.- Với lại, tía thằng Cộc trở vào câu chuyện tại lúa nàng Cụm thất gạo lắm. Năm tới tao gieo giống Tằm vuột chắc được gạo hơn nhiều. Năm nay hễ chuối trổ buồng thì năm tới tao trồng sả, trồng ổi được rồi đó.Cả nhà đều hớn hở trước dự định tương lai tốt đẹp kia. Nhưng thằng Cộc chưa thấy gì là sáng lạn cả. Trồng ổi cũng phải lâu mới có trái, trong khi đó, nó tiếp tục thèm chè, thèm xưng xa, nhớ đám cúng đình, nhớ hát bội và bị một hình ảnh mới quyến rũ, hình ảnh của con Thôi, chắc là giống hệt chị nhổ bồn bồn, tức là có duyên lắm.Con trai làng thấy con gái thường là thế, mà họ còn thầm lén rủ nhau đi một ngày đường nước để ra đây gặp nhau, huống hồ gì là nó chưa được nói chuyện với con gái lớn lần nào hết. Những đứa con gái bạn của nó cách đây năm năm, nó nhớ lại là không có gì quyến rũ cả. Ðứa nào cũng cạo trọc chừa bánh bèo phía sau và giữa chiếc bánh bèo mọc ra một chòm đuôi dài trông đến buồn cười.Nhưng mà con gái lớn phải khác. Cộc chưa thấy con gái lớn, nhưng tin chắc như vậy. Có một linh cảm gì, ở đâu từ kiếp tiền thân của nó bay lại và giúp cho nó biết như vậy.Những cô con gái lớn chưa thấy hình ấy, mà đã có tiếng kêu được, chúng âm thầm gọi Cộc, tiếng gọi như văng vẳng đâu trong không trung.Thẫn thờ, thằng Cộc nói lại câu hồi nãy, và giận dỗi thêm một đoạn khiến ông nội nó giựt mình, chống đũa mà nhìn nó trừng trừng:- ở đây mình có ruộng, nhưng cũng khổ cả đời. Tui muốn đi quá, đi đâu cũng được, miễn là ở đó có làng xóm, có người ta.** *Thằng Cộc thích mấy cây nọc nạng lắm. Bó lúa nào gác lên đó cũng nằm yên cả chớ không chực rớt xuống nước ruộng như những bó lúa gác lên đầu nọc thường.Ðó là những gốc tràm mà chảng hai chè ra rất thấp. Khi đốn tràm cháy, tía thằng Cộc đã trừ xa, đốn ở trên chảng hai ấy độ một gang rưỡi, nên bây giờ mới có nọc nạng rất tiện mà dùng gác lúa.Ông nội thằng Cộc chống xuồng trên ruộng, len lỏi qua mấy gốc tràm. Ông ghé từng gốc để cho lúa xuống xuồng.Ðủ thứ là cò, cò ma, cò lông bông, cò quắn, cò hương thân mật nhìn gia đình bốn người gặt lúa nhà. Ðây là bốn người độc nhứt mà chúng thấy mỗi ngày ở vùng hoang vắng này; ban đầu chúng sợ hãi họ, nhưng về sau thấy họ hiền từ quá, chúng làm quen với họ đã được ba bốn thế hệ cò rồi. Má thằng Cộc lội sình tới đầu gối, và lội nước gần tới háng, nhưng vui vẻ hơn ngày nào hết.Bà ta đằng hắng cất tiếng hò:Hờ ơ... Tiếng anh ăn học lầu thông Lại đây em hỏi khăn lông mấy đườngHò xong câu đó, bà lắng đợi chồng bà hò đáp. Nhưng tía thằng Cộc cứ làm thinh mà gặt, khiến bà đâm ngượng nên cười rồi cự chồng cho đỡ mắc cỡ:- Tía nó sao câm cái miệng, không bắt vậy!- Hứ, nhiều chuyện này mà rồi còn hò với hát, bắt với nghoẹo. Bộ còn trai gái đó sao?Vì vui kết quả của cần cù nên má thằng Cộc quên rằng bà ta đã quá mùa hò rồi. Tía nó nhắc lại bà ta mới chợt nhận ra. Tuy nhiên bà vẫn ngậm ngùi nhớ cái thú vui ấy thuở bà còn con gái và ngay bây giờ đây tóc đã nhuốm hoa râm rồi, bà cũng có thể hưởng được nếu còn ở làng, hưởng bằng cách khuyến khích bọn trai trẻ hò đối đáp với nhau.Thằng Cộc thì xôn xao trong lòng, nhớ lại lời chị nhổ bồn bồn bảo rằng nó mà về làng làm ruộng thì ai cũng ưa. ừ nó sẽ hò đối đáp với con Thôi. Chậc! mà nó phải nhờ má nó dạy hò mới được. Nó có nghe hò lần nào đâu để mà thuộc giọng và biết câu.Ðến chiều thì xong xuôi cả. Ông nội thằng Cộc chống xuồng lúa ra bờ rạch, còn tía, má nó và nó thì lội nước sình mà về bộ.Ðập lúa và phơi phong mất hết mười ngày. Trong những ngày buồn tẻ phẳng lì giữa cảnh bùn lầy nước đọng ấy, thằng Cộc càng nao nức muốn về làng.Lại đây em hỏi khăn lông mấy đường.Câu hò của má nó ám ảnh nó từ hôm gặt đến nay. Nếu con Thôi mà hỏi đố nó câu ấy chắc nó phải ngậm câm, chớ đâu được phép trả lời bằng văn xuôi.Khăn lông là vật dụng mà nó đã quên rồi thì còn biết là mấy đường để đáp cho thông. Từ lâu, nó chỉ có một chiếc quần xà lỏn trên người, mùa nắng cháy như mùa mưa lạnh. Ðêm khuya nhờ nó che thân cho đỡ bị muỗi đốt và gió cắt da.Những món đồ cần dùng của thế giới văn minh ấy cũng thuộc vào những thứ gợi thèm như là bánh trôi nước, bánh ít trần và mái tóc của con Thôi.Hôm ấy dừng bồ cho con cháu đổ lúa khô vào, ông nội thằng Cộc long trọng nói:- Ngày mai ra biển.Không ai hỏi ra biển để làm gì hết. Thằng Cộc cũng làm thinh, trái với mọi ngày mà nó hỏi không kịp đáp.Con rạch ổ Heo trước nhà, nếu có đi trên đó thì phải về ngọn, nó nghĩ như vậy, đi về ngọn để rẽ qua những kinh rạch khác mà tìm làng mạc sầm uất, chớ xuôi dòng ra biển, thì còn nghĩa lý gì nữa chớ?Nó chưa được ra biển lần nào cả và mấy năm trước đây nó muốn theo ghe của bọn bắt cua đi một chuyến lắm, mà không được phép đi.Chuyến đi đâu đến một chân trời lạ mà ông nội nó vừa cho biết, không làm cho nó phấn khởi chút nào cả.Ông nội nói tiếp, dặn mẹ nó:- Con mẹ Trùm, ngày mai phải dậy khuya nấu cơm. Tao đi với thằng Trùm và thằng Cộc, đi thật sớm để gặp con nước lớn ngay tại cửa mà về cho tiện.** *Rạch ổ Heo nhỏ xíu cho nên tràm ở hai bên bờ giao nhành với nhau được, và phủ kín cả mặt nước.Rạch tối om, đi như đi trong hang. Bây giờ thằng Cộc mới hiểu thấu nghĩa hai tiếng "hang mai" trong câu hát của bọn đi bắt ba khía.Những nơi ánh nắng lọt vào được thì hai bên bờ, ô rô và cóc kèn mọc đầy.Nước ròng chảy xiết xuồng trôi bon bon, tuy vậy ông nội và tía cũng chèo cẩn thận để mau tới, hầu về kịp nội buổi chiều ngày đó.Gần tới trưa, xuồng không đi mau nữa.- Nước đứng rồi, ông nội nói, tức là gần tới cửa rồi.Họ nghỉ chèo, để xuồng trôi linh đinh, không tiến cũng chẳng lùi, rồi lấy cơm dở trong mo ra ăn.Không đi thời thôi đã trót đi, và lúc gần đến đích thằng Cộc nghe thích thấy biển coi ra sao. Nó và cơm hối hả rồi hỏi:- Ra đó làm gì ông nội.- Rồi mầy sẽ biết.Họ ăn cơm xong thì nước bắt đầu lớn. Họ chèo nước ngược cho đến quá đứng bóng thì đến một nơi mà ông nội tuyên bố rằng đó là biển.
    Rừng Mắm (2) Thằng Cộc ngạc nhiên lắm mà không thấy biển đâu cả. Con rạch tiếp tục đi xa ra ngoài kia, ngoài một chỗ xa tít mù khơi, hai bên bờ rạch cây vẫn mọc xanh um, và ở ngoài đầu kia, hai hàng rào cây như đứt khúc, đâm vào một tấm vách tường xanh như da trời.- Biển ở đâu, ông nội? Cộc hỏi.- Ðằng xa kia, xanh xanh đó.- Sao không ra ngoài, ông nội?- Không cần.Tía thằng Cộc chèo mũi, rút sào cậm xuống bùn, theo lịnh của ông nội nó.Ông nội gọi Cộc lại gần rồi hỏi:- Con có thấy gì khác lạ không.- Không, ông nội à?- Không thấy? Cây ở đây không khác cây sau lưng mình à?- à... phải rồi.Cộc nhìn lại quả như lời ông nội nó nói. Nơi đây, đất đã hết, mà chỉ có bùn, tràm mọc tới mé đất cuối cùng thì dừng lại, như là dân ở biên giới một nước kia dừng lại nơi bia lãnh thổ mình.Hết tràm thì có một khoảng trống nửa bùn nửa đất, trên ấy cỏ ống mọc rậm rì và chim cao cẳng đủ loại đáp đầy trong cỏ.Tràm đứng trước bãi cỏ mà nhìn dân láng giềng mọc trên bùn đen. Ðó là những cây ốm nhom, chen nhau mà vượt lên cao, cây này cách cây kia không đầy bốn gang tay.Bờ biển thoai thoải dốc xuống, trông rừng cây lạ ấy như một đạo binh núi, tuôn tràn từ trên cao xuống mé biển ngoài xa.Xa, xa lắm, có những cây mọc lẻ tẻ như những tên lính xung phong mau bước tiến tới để hãm thành lập công.- Nhìn xuống gốc cây! Ông nội bảo.- Nước chưa lớn hẳn, để lộ bùn đen dưới gốc cây ra. Bùn đen từng nơi lại trắng xóa những đóa hoa năm cánh, hai màu đối chọi trông rất đẹp.- Cây gì mà lạ vậy ông nội? Trổ bông ngay dưới gốc.Bông trổ trên đầu những cái rễ ăn lên mà người ta gọi là rễ gió. Cây này là cây mắm, đây là rừng mắm đấy.- Cây mắm? Sao tui không nghe nói đến cây ấy bao giờ.- Con không nghe, vì cây ấy không dùng được để làm gì cả cho đến làm củi chụm cũng không được.- Vậy chớ trời sanh nó ra làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sanh hằng hà sa số như là cây cỏ ấy.- Bờ biển này mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lủng và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng, nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi nó. Rồi sau mấy đời tràm, đất thuần, cây ăn trái mới mọc được.Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, ông cụ vịn vai nó mà tiếp:- Ông với lại tía con là cây mắm, chơn giầm trong bùn. Ðời con là đời tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài mít, dừa cau.Ðời mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ đã ngã gục cho kẻ khác là con cháu họ hưởng.Con, con sắp được hưởng rồi, sao lại muốn bỏ mà đi. Vả lại con không thích hy sinh chút ít cho con cháu của con hưởng sao?Thằng Cộc nhìn lại ông nội nó và thương không biết bao nhiêu ông già đã bỏ mồ bỏ mả ông cha để hì hục năm năm trong đồng chua, nước mặn của ổ Heo.Phải, cứ theo dự đoán của gia đình thì nó sắp được hưởng tuy không nhiều, mà rồi sẽ nhiều.Nó nắm chặt tay ông nội nó và thấy nội nó giỏi quá. Ông có biết chữ nho kia mà.- Ông ơi, nó than, nhưng tràm buồn quá!- Tràm sẽ khỏi buồn nữa. Năm tới, đất thuần, ta làm ba mươi công, và sẽ gọi dân cấy ở xa để phụ lực. Rồi tía con sẽ cưới vợ cho con, rồi thiên hạ sẽ bắt chước tràn tới đây mà phá rừng, vùng ổ Heo sẽ sầm uất, vui biết bao nhiêu.Tràm hết buồn vì sẽ đẻ ra cau, dừa, xoài, quít đầy nhà, nước sẽ ngọt một khi đất thuần...- Và sẽ có chè ăn?Ông nội cười ha hả mà rằng:- Gì chớ chè thì sẽ có lu bù.- Mà ông nội nè, cưới vợ làm sao được, ai thèm về ổ Heo?- Hai năm nữa người ta sẽ đồn đất ổ Heo thuần... Những kẻ nghèo khó như ta chỉ mong được tới đây.Ông nói điều này, không biết con hiểu được hay không. Là tổ tiên ta ngày xưa từ miền trung tràn vào đây đều chịu số phận là cây mắm cả, từ xứ Ðồng Nai nước ngọt tới đây, ở đâu cũng hoang vu cả.Họ đã ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc này để lót đường cho con cháu họ đi tới, y như là đàn kiến xung phong, tốp đầu liều chết đuối lội qua lộ nước rộng đắp đường để làm cầu cho bạn đi sau vào nơi có chất ngọt.Tất cả mấy lớp tiên phong đầu đều ngã gục như rừng mắm rồi ông sơ ông cố con, ông nội đây là tràm mới kiếm được miếng ăn...- Tía!Thằng Cộc lo lắng không biết tía nó sẽ làm tràm như nó được hay không và kêu tía nó bằng một giọng thương yêu trìu mến hết sức.- Thôi nhổ sào đi về cho kịp con nước, ông nội ra lịnh.Ông nội vui vẻ quá, ông bỗng nhớ sực lại những câu hò của thế hệ người tiên phong đi khai thác đất hoang ở miền nam, mà ngày nay thế hệ tràm không hát nữa. Ông cất giọng khàn khàn lên:Hò... ơi! Rồng chầu ngoài Huế,Ngựa tế Ðồng NaiNước sông trong sao cứ chảy hoàiThương người xa xứ lạc loài đến đây.

    Chúc vui vẻ.

Chia sẻ trang này