1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những truyện ngắn hay ( Mục lục : trang 4 )

Chủ đề trong '7X - Chi hội Sài Gòn' bởi lolita04, 30/06/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. lonesome

    lonesome LSVH, 7xSG Moderator

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    7.018
    Đã được thích:
    11
    Một trận cười
    Lăng Khả Tân (Trung Quốc)
    Tôi là chủ một công ty . Một hôm, tôi bỗng bốc lên quyết định làm một thực nghiệm do mình nghĩ ra . Thế là tôi liền triệu tập ngay mười mấy nhân viên của mình lại, rồi ra lệnh: "Bây giờ, các anh mỗi người hãy tự chửi rủa, hoặc nói xấu bản thân mình một câu. Tóm lại, các anh được chọn một trong hai cách đó".
    Một hồi lâu, không có một tiếng động nào, tất cả đều nhìn tôi họ cho rằng tôi đang đùa.
    Tôi tỏ ra nghiêm chỉnh: "Đây không phải là chuyện đùa mà là một nhân tố để khảo nghiệm tính chất nghiệp vụ, chủ yếu là để kiểm nghiệm xem thái độ của các anh như thế nào với ông chủ. Đối với một công ty mà có tiền đồ phát triển mạnh mẽ như vậy, thì việc này là hết sức quan trọng".
    Không có một ai lên tiếng, tất cả mọi ánh mắt đều đang soi rọi vào nét mặt tôi, để xem có nhận ra được một nét gì sơ hở trên khuôn mặt không.
    Tôi không cười, rút từ trong túi ngực ra một tờ giấy bạc: Ai nói trước tôi sẽ thưởng người đó 100 đồng. Nếu mọi người nói lần lượt tôi sẽ thưởng đồng loạt mỗi người 100 đồng. Còn không, tiền thưởng tháng này của tất cả sẽ bị trừ hết.
    Có người mắt sáng lên, Triệu Nhất tranh nói trước: "Tôi Triệu Nhất không phải là người". Kết quả là anh ta đã nhận được tờ giấy bạc có giá trị.
    Tiếp theo là Kiềm Nhị: "Tôi Kiềm Nhị là một con chó". Và đương nhiên anh ta cũng nhận được một tờ giấy bạc có giá trị như vậy.
    Thế là tất cả đều tranh nhau, mỗi người chửi bản thân một câu, và sau khi tờ giấy bạc được đưa đến tay, thì đều thở phào nhẹ nhõm.
    Trong số mười mấy người đó thì chỉ có duy nhất một người không nói gì. Anh ta vẫn đứng đó, lặng im nhìn tôi. Tôi biết anh ta tên là Vương Thập Lục, mới đến làm ở công ty chưa được bao lâu.
    Tôi cảm thấy có hứng thú, liền nói với anh ta: "Bây giờ, thì chỉ còn lại mình anh thôi. Nếu như anh cũng chửi bản thân một câu, thì tôi sẽ thưởng anh 300 đồng. Còn không thì tiền hoa hồng của mọi người tháng này sẽ bị liên lụy bởi anh."
    Tôi biết gia cảnh nhà Vương Thập Lục rất nghèo, bố không có việc mẹ lại bị bệnh, nên anh ta rất cần tiền. Tôi nghĩ bụng, một câu nói mà kiếm được 300 đồng anh ta sẽ không thể cưỡng được lòng mình.
    Vương Thập Lục đưa mắt lướt nhìn đồng nghiệp, dường như đang để đánh giá, ước lượng một cái gì đó. Sau đó, anh ta lại quay lại nhìn tôi, lắc đầu: "Tôi không thể chửi mình được, càng không thể nói xâú bản thân được."
    Tôi vẫn tiếp: "Nếu như anh làm như tôi nói, tôi sẽ thưởng cho anh 500 đồng. Nếu anh vẫn cố chấp không chịu, thì tất cả nhân viên tháng này một người sẽ bị trừ vào lương 200 đồng".
    Lúc này, Triệu Nhất, Kiềm Nhị tranh nhau khuyên giải Vương Thập Lục, rằng anh ta đừng nên chịu thiệt, hoặc chí ít cũng đừng để liên lụy đến người khác. Nói đi, chửi hay mắng mình một câu thôi mà, dễ ợt đến đứa trẻ 3 tuổi cũng nói được. Nhanh lên đừng để ông chủ tức giận.
    Vương Thập Lục cắn chặt răng, nhất quyết lắc đầu. Tôi không ngờ rằng anh ta lại cố chấp đến như vậy. Tôi nhìn thẳng vào anh ta, dằn giọng từng câu từng chữ một: "Anh... không... hối... hận chứ?"
    Vương Thập Lục cười nhẹ: "Tôi có làm điều gì sai đâu, tôi chỉ không thể nói xâù bản thân được thôi. Tôi là một con người, tôi càng không thể vì tiền mà bán rẻ bản thân được".
    Không đợi tôi có phản ứng gì, đám nhân viên của tôi đã ầm ầm lên nói. Vương Thập Lục không biết đùa vui là gì, đồ hấp! Vương Thập Lục là cái quái gì chứ, đồ khùng! Vương Thập Lục là con chó, đồ chết dẫm! Họ vừa chửi, vừa vây xúm lại Vương Thập Lục.
    - Dừng tay!
    Tôi quát lên, đẩy đám đông ra, bước đến trước mặt Vương Thập Lục, vỗ vào vai anh ta, cười: "Anh là người dũng cảm, từ hôm nay trở đi, anh là phụ tá cho tôi."
    Vương Thập Lục đã mím chặt môi đến rớm máu, nói:
    "Cảm ơn ý tốt của ông chủ, nhưng tôi đã quyết định xin nghỉ việc rồi".
    Nói xong anh ta liền bước đi ngay, dáng đi buồn lặng, không ngoái lại.
    Rất lâu sau này, tôi cũng không gặp lại anh ta nữa, chỉ nghe nói anh ta đã đi về Phương Nam rồi.
  2. sn75

    sn75 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/03/2006
    Bài viết:
    4.178
    Đã được thích:
    1
    MỤC LỤC TÊN CÁC TRUYỆN NGẮN !
    ( Các bạn xem trước khi post bài để tránh bị trùng lắp )
    A
    _ Áo bông chần đỏ ( Phan Hồn Nhiên )
    B
    _ Bầu trời của cha ( Nguyễn Quang Thiều )
    _Bệnh lao chữa bằng mồm...hay là thầy lang bất hủ ( Thiên Hư_Vũ Trọng Phụng )
    C
    _ Chiếc lá Phong ( Vương Mông )
    _ Câu chuyện bát mỳ ( Khuyết tác giả )
    D
    _ Dòng sông tật nguyền ( Phạm Thanh Khương )
    Đ
    _ Đêm Hà Nội ( Magic Morse )
    _ Đường qua thị trấn ( Anhhungxalo )
    _ Đồng xu vĩnh cửu ( Sông Biếc )
    E
    _ Em, anh và.... ( Nhã Anh )
    G
    _
    H
    _
    I
    _
    K
    _
    L
    _ Lấy chồng giàu ( Huỳnh Tài )
    _ Lỡ Duyên ( Linh Bảo )
    M
    _ Một trận cười ( Lăng Khả Tân )
    _ Một tách trà ( Katherine Mansfield )
    _Mưa ( Lê Thanh Hải )
    N
    _ Nghệ thuật khỏa thân ( Mi Guo-xian )
    _ Những bức tường màu sáng ( Đoàn Tú Anh )
    _ Nếu muốn ly hôn, hãy bế em ra khỏi cuộc đời anh ( Khuyết tác giả )
    _ Níu giữ mây trời ( Bích Ngân )
    O
    _
    P
    _ Phục Thù ( Hồ Thủy Giang )
    _ Phố Lá ( Quyen-My )
    Q
    _
    R
    _ Rừng Mắm ( Bình Nguyên Lộc )
    S
    _
    T
    _ Thương nhớ Hoàng Lan ( Trần Thùy Mai )
    _ Tình yêu mong manh ( Cấn Vân Khánh )
    _ Tình qua tin nhắn ( Trung Cường )
    U
    _
    V
    _
    X
    _
    Y
    u?c sn75 s?a vo 08:25 ngy 23/10/2006
  3. sn75

    sn75 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/03/2006
    Bài viết:
    4.178
    Đã được thích:
    1
    Níu giữ mây trời.​
    ( Bích Ngân )​
    1 Anh muốn nói chuyện với em. Thì mình đang nói đây. Anh muốn mời em đến quán cà phê Mây. Điện thoại ngưng một giây. Hết giờ làm về nhà, anh đưa em đi!
    Không đợi hết giờ làm, chị về trước. Anh cũng vậy. Khi bước vào nhà, chị thấy anh đã tắm, đã chải tóc, đã cho áo vào quần, chiếc quần chị đã chọn cho anh tuần trước, lúc hai người cùng đi mua sắm, chị còn chọn cho anh một lô xì-líp màu nhã mà anh thích, chị thích và thích hơn là cái cảm giác của một người được sở hữu sự chăm sóc, chiều chuộng người đàn ông duy nhất của mình.
    Chị tắm, mặc bộ quần áo nền nã và ngồi trang điểm trước mặt gương đặt cạnh bức ảnh phóng to với nụ cười rạng rỡ của cả hai trong ngày cưới trước ruột thịt, bạn bè. Có vẻ sốt ruột, anh đi tới đi lui. Có vẻ sốt ruột, anh cho xe chạy nhanh. Trời vần vũ rồi nổi giông. Gió quất ràn rạt. Mùi anh xộc vào mũi, len vào da thịt. Chị vòng tay ôm chặt vòng eo anh.
    Mây là nhà hàng cà phê sân vườn. Quán mới nên ít khách. Và vì mới nên chiều khách. Mấy bông hồng rưng rưng trên bàn. Lối đi giữa các bàn là hoa, kiểng; thoang thoảng hương. Nhạc có lời, những tình khúc quen thuộc. Phục vụ đông hơn khách, mặc sơmi trắng quần tây màu sậm. Anh gọi thức ăn và chai rượu vang. Anh mời cà phê mà? Thì ăn trước đã.
    Anh gắp cho chị, rót cho chị, ân cần. Uống hết ly thứ hai, chị thấy mặt rân rân nóng. Anh định nói gì, em nghe! Im lặng. Sơmi quần sẫm đứng gần đó, chốc chốc lại thay khăn, lau bàn, châm trà. Anh uống thêm hai ly. Mặt anh ưng ửng. Anh thuộc nhóm máu O nên rượu vào là dồn lên mặt. Người máu O thường chịu thiệt vì cho dễ nhận khó, anh từng nói. Cho là người được nhiều nhất, chị nghĩ vậy và muốn được sống như vậy.
    Anh nhìn chị. Chị nhìn anh. Chờ đợi. Lẽ ra, anh phải nói chuyện này với em từ lâu. Lâu là bao lâu? Là hơn một năm nay. Anh... anh không còn là của riêng em nữa! Gió ào qua sân vườn. Lá rời cành lảo đảo. Một chiếc lá còn xanh lăn vài vòng trên mặt bàn trước khi sấp mặt lên sỏi đá lạo xạo dưới chân hai người. Khác với dự đoán, anh hình dung chị sẽ nhảy lên như bị điện giật, rồi ú ớ tức tưởi, rồi rên rỉ khóc lóc, xỉ vả...
    Chị khoát tay bảo phục vụ dọn hết thức ăn dang dở vào và tự rót rượu cho mình. Uống cạn, chị xoay xoay cái ly trong tay. Cô ấy trẻ chớ? Nhỏ hơn em đúng một con giáp. Chắc rất xinh? Cô ấy nhỏ nhắn mảnh mai giống em hồi cưới. Anh còn nhớ vóc dáng em? Chị thấy tim mình bóp chặt.
    Lạ là chị vẫn ngoan cố ngồi dính vào ghế, vẫn muốn nghe dù từng lời từ anh là một mũi tên mà chị là mục tiêu. Cô ấy lên giường chắc thú lắm? Thôi, em đừng giăng bẫy. Cô ấy đã dính bầu? Anh đã đưa cô ấy đi bác sĩ...
    Hỏi mà không chờ lời đáp. Hỏi mà lòng quặn đau, đau hơn lúc trở dạ đẻ đứa con đầu lòng. Và anh, anh cũng đã đau chẳng kém gì vợ. Mồ hôi tuôn đầm đìa, răng môi anh lập bập. Bấu chặt vào anh. Ráng lên em, ráng lên...
    Thằng bé suýt ngộp khi chào đời giờ đã là chàng trai mười chín. Nó thừa hưởng điểm nổi trội của cha mẹ. Thông minh, cá tính. Vóc dáng nó cũng cao ráo thanh tú như cậu phục vụ kia. Hình như thấy ánh mắt của chị, cậu phục vụ chạy lại. Anh liền chỉ tay vào cái gạt tàn. Cậu ta lật đật bưng đi. Thằng con email về bảo ngoài giờ học nó cũng làm bồi. Chị ngăn.
    Nó thuyết phục. Mỗi thực khách là cả một thế giới. Vừa bé mọn vừa rộng lớn. Con học được không chỉ ngôn ngữ giao tiếp. Nó học điều gì từ thực khách như cha mẹ nó ? Một thế giới ẩn chứa quá nhiều bóng tối. Một thế giới bất định như mưa gió, như mây trời. Một thế giới âm thầm tích tụ những nguy cơ bùng vỡ.
    Cậu ta mang gạt tàn sạch bóng trả về chỗ cũ, rồi khéo léo cầm góc khăn lau đi tàn thuốc vương trên mặt bàn. Anh hất hàm. Đem một bao Con mèo. Chị bật đứng lên, vội móc bóp nhét vào tay cậu bồi một tờ giấy bạc. Trời đổ mưa. Anh chạy theo. Em về ướt hết. Ngồi lại chút nữa. Chị ngoắc một chiếc xe ôm.
    2. Đi vòng vèo lướt thướt trong mưa rồi chị cũng trở về mái nhà của mình. Mái nhà, nơi cất giữ một phần đời hạnh phúc của chị và cũng là nơi duy nhất có thể che giấu nỗi bất hạnh cơ hồ quật ngã chị.
    Che giấu ngay cả đối với thằng con vẫn tối tối chờ thư mẹ. Chị tắm nước nóng, xoa dầu cho ấm người rồi ngồi gõ liên tục lên phím chữ. Trời mưa nhiều lắm con à. Mẹ hơi lạnh nhưng đã có chai dầu nóng con gởi về. Con mèo nhà mình chắc cũng lạnh. Nó đang nằm lim dim, đầu gối lên chân mẹ.
    Tự dưng cái cảm giác ấm mềm từ bộ lông mèo khiến chị co chân lại rồi ẩy nó ra. Con mèo giương mắt nhìn chị rồi kêu lên mấy tiếng. Cơn lạnh rờn rợn sống lưng. Chị ngồi thẳng lên, gõ tiếp. Mẹ cũng vừa được ba con đưa đi uống cà phê.
    Quán Mây rất đẹp... Giọt nước mắt rơi xuống phím chữ, rồi một giọt nữa. Nét chữ nhòe mờ. Chị lấy cùi tay quệt lên mắt, lên má. Thôi, mẹ phải chuẩn bị cái gì đó cho bữa tối. Ba con sắp về rồi. Mẹ nhớ con lắm. Mẹ muốn ôm con vào lòng! Chị nhấp chuột vào chữ send, vội vã tắt máy, vội vã bật bếp gas, cắm bếp điện...
    u?c sn75 s?a vo 13:51 ngy 04/09/2006
  4. khongtenso0

    khongtenso0 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2004
    Bài viết:
    3.758
    Đã được thích:
    0
    Mưa
    1. Warszawa
    Một ngày tháng sáu. Trời mưa rả rích suốt từ sáng sớm. Trong căn phòng nhỏ có một gã trai nằm vắt chéo giữa đống gối chăn bề bộn. Điếu thuốc thơm cháy ngoằn ngoèo cố thoát ra khỏi căn phòng chật chội bằng cách biến thành những dải khói mỏng len qua khe cửa sổ đang mở hé. Đường phố cứ ồn lên một lúc rồi lại vắng lặng đi vì đèn đỏ đã chặn bớt chúng lại.
    "Đừng quên em ơi, những ngày bên nhau. Đừng quên em ơi, những ngày xa nhau..."
    Giọng hát tha thiết của Ngọc Tân từ hệ thống loa đặt quanh phòng làm cho gã đờ người ra, vô hại.
    Quên cái gì ? Nhớ cái gì ? Gã, một kẻ tha phương, trong đầu chỉ toàn những con số và những từ ngữ Ba Lan rời rạc vô nghĩa, còn chỗ đâu mà suy nghĩ cơ chứ. Vừa đi học, vừa lên sân kiếm tiền, có lúc, gã cảm thấy cuộc đời mình thật vô vị. Nhưng biết làm sao được.
    Hôm nay trời mưa. Chán đời. Gã chẳng thèm lên sân nữa. Gã nằm nhà suốt từ sáng sớm, châm thuốc liên tục, ra sức tàn phá hai cái lá phổi khốn khổ vốn đã phải chịu quá nhiều khói thuốc.
    2. Hà Nội
    Cái mưa phùn ở Hà Nội thật là quái ác. Cứ rả rích, rả rích đục khoét trong lòng người ta.
    Gã nhớ một lần gã phải đi bộ từ sân bay quân sự Gia Lâm ra đường cái lớn để đón xe về Hà Nội. Để cho gần, gã nhắm hướng, cắt chéo đường băng, sang phía bên kia. Mặt đường trơn trượt dưới cơn mưa. Một chiếc máy bay vận tải chòng chành bám đất rồi lướt qua mặt gã. Bụi mưa từ trên trời hay từ dưới đất không hiểu hắt hết vào cái thân gầy gò nhỏ bé ướt sũng.
    Lần này cũng vậy, ngồi ở Hồ Gươm Xanh nhìn xuống mặt hồ lăn tăn với những hạt mưa phùn, gã co người lại vì lạnh trong tiếng hát của cô ca sĩ:
    "Tháng Sáu trời mưa, mưa ướt đẫm vai em"
    3. Paris
    Gã đã từng vác ba lô đi du lịch khắp châu Âu, và Paris là nơi mà gã thường hay đến nhất. Từ Warszawa, mua một chiếc vé Wasteel, loại vé tháng tầu hỏa dành cho thanh niên, gã nằm một mạch sang tận Paris. Nơi đây đối với gã quá quen thuộc, nhất là cái quán Karaoke này. Cô chủ quán còn tưởng gã là dân Paris.
    Em ơi. Chỉ có hè anh mới gom góp được đủ tiền để sang đây "ăn chơi" vài ngày thôi. Gã nhớ cái quán này, nhớ những người hâm mộ hắn mà chốc lát nữa thôi sẽ xuất hiện. Cô chủ quán đang tíu tít gọi điện cho họ kìa, không quên vẫy tay gọi anh bồi đem ra cho gã một li cà phê đá không đường, đúng như gã thích. Nếu là buổi sáng thì cô ấy sẽ bưng ra cho gã một cốc bạc sỉu nóng, một phần ba cái bánh mì ba gét và hai quả trứng gà ốp la cháy dưới sống trên, cũng đúng như gã thích. Còn nếu là buổi chiều như giờ này thì ...
    - Trờì ơi, cưng của chị sao ốm dữ dzậy nè ? Ăn đi cho nóng cưng. - Bà chủ quán Huế bên cạnh, cũng là một trong số những người hâm mộ gã, bưng sang một tô bún bò Huế với một đĩa rau to tổ chảng. Cũng đúng kiểu gã thích, như thường lệ.
    Cái quán karaoke này, có khoảng 70 chỗ, là nơi để gã trốn những cơn mưa chiều buồn tủi, cô đơn của Paris. Ai muốn bị tra tấn bằng nhạc thì cứ việc đến đây. Thỉnh thoảng chủ quán lại mời ca sĩ chuyên nghiệp đến hát để bán cà phê. Với những ca sĩ hạng hai như gã thì họ bao ăn uống thoải mái cùng với phòng ngủ ngay trên lầu. Gã hát những bài nhạc sến mùi lắm. Cứ cất giọng lần nào là các bà các chị sụt sịt lần ấy:
    "Đời tôi, vẫn nốt nhạc cung đàn
    Đời tôi, vẫn nghệ sĩ lang thang..."
    4. Huế
    Tiếng mưa rơi trên sông Hương nghe buồn lắm. Gã nằm trong lòng thuyền lắng nghe cái tiếng đồm độp của giọt nước mưa đập vào mặt nước, vào chiếc mái lá của con thuyền nằm lờ đờ trên sông. Cô gái Huế ngồi trên lưng gã xoa xoa, bóp bóp. Gần đấy là vài chiếc thuyền tương tự chở mấy thằng bạn gã. Tiếng cười rúc rích, tiếng tẩm quất, tiếng rên rỉ trộn lẫn với tiếng mưa làm thành một thứ âm thanh hỗn tạp giống như là đống vỏ trứng vịt lộn mà gã vừa ăn xong vứt đằng kia. Tự nhiên gã thấy thèm tiếp một đĩa bánh bột lọc bọc tôm và một tô cháo hến. Và cũng thật bất ngờ, gã bỗng thấy bài hát của Bảo Yến mà gã thường ghét cay đắng bây giờ lại hay thế:
    "Trời mưa, mưa trên phố Huế..."
    5. Barcelona
    Cung vua nằm trên một ngọn đồi cao, nhìn xuống thành phố phía dưới. Dưới cơn mưa, cả Barcelona mịt mờ trong làn sương mỏng. Đứng suốt mấy tiếng đồng hồ trong cái chòi canh, gã nhìn không rời mắt xuống cái thành phố trong mưa. Trong đầu gã bất chợt lóe lên một tia tham vọng muốn làm giàu, muốn kiếm tiền bất kể thủ đoạn để xây cho mình một toà lâu đài còn to hơn cái này. Bất ngờ, gã gạt chống chiếc mô tô thuê, rồ ga, phóng bạt mạng trên đường đồi trơn trượt dưới cơn mưa to. Nước bắn tung tóe sang hai bên bánh xe. Kim đồng hồ tốc độ có đoạn chỉ 160. Hai cái loa nhỏ trong tai gã gào lên:
    "Một người mãi đi tìm nơi chân mây cuối trời. Trói con tim khờ dại..."
    Hai chiếc mô tô cảnh sát bật đèn đuổi phía sau cắt đứt dòng suy nghĩ của gã. Việt Nam. Sống ở Ba Lan. Sinh viên. Nghèo. Chán đời. Mấy chữ La Tinh ú ớ cùng với nụ cười ma quái hướng sang cô cảnh sát xinh đẹp đã cứu gã thoát khỏi cái giấy phạt hai trăm đô, lại còn hẹn được cô ta tối nay đi đua xe Formula 5 nữa chứ.
    6. Đà Lạt
    Người cho ta sức khoẻ, ta sẽ cho người niềm hạnh phúc. Đấy là nghĩa của câu tiếng La Tinh mà những người trí thức Sài Gòn cũ đặt từ những chữ cái từ cái tên này lấy làm chữ cái đầu tiên cho những từ La Tinh. Một số ngươi sính ngoại cứ tưởng đấy là xuất xứ của chữ này. Thật ra theo tiếng địa phương thì Đa nghĩa là hồ, còn Lát là tên của bộ tộc miền núi xưa sống tại đây. Đa Lát là cái hồ của dân tộc Lát, mà người Sài Gòn vốn hay biến chế đã đọc thành Đà Lạt cho thuận miệng.
    Những người chưa yêu phải lên Đà Lạt để biết yêu. Còn người đã yêu rồi thì lên Đà Lạt để nhớ lại tình yêu. Vì cái truyền thuyết này mà người ta thường đi Đà Lạt có đôi. Kẻ chưa yêu lên đây để tỏ tình, người đã yêu lên đây để hâm nóng tinh yêu. Vì vậy mà cái nỗi buồn của một kẻ cô đơn đi trong mưa sẽ rất là vô tận, cũng như nước của các hồ tại đây vậy.
    7. Budapest
    Gã đã đến đây nhiều lần nhưng chưa bao giờ được chứng kiến một trận mưa nào trên phố, trừ lần đi hồ Balaton chơi wind surfing. Trời đang lặng yên bỗng mây đen từ đâu kéo đến ầm ầm. Sóng gió nổi lên ở giữa cái hồ mà chu vi có đến trăm cây số, đánh tạt hắn vào một góc. Buông tay thả chiếc buồm nằm sóng soài trên mặt nước, gã nhẩy xuống vừa bơi vừa kéo chiếc ván trượt vào bờ. Bộ quần áo bằng vải nilon xốp nâng gã lên giúp đỡ mất sức, trong khi đám vải buồm chập chờn trên sóng lại cứ cố kéo ghì gã lại. Cũng may, một chiếc thuyền cứu hộ xuất hiện. Buộc chiếc ván lướt vào đuôi thuyền, gã vào trong khoang ngồi uống một hớp rượu mạnh cho ấm người. Thật bất ngờ, người trên thuyền là một ông Việt Nam bỏ vợ lưu lạc sang đây. Họ bắt thân với nhau rất nhanh vì đều là hai kẻ lang bạt. Bạn bè cùng lớp ngày xưa đã từng đặt tên cho gã là kẻ "cù bất cù bơ".
    Con gái lớn của ông kia cũng bằng tuổi hắn. Biết hai tuần nữa gã sẽ về Việt Nam, ông ta cuống quít đưa hắn vào thành phố chọn quà gửi về cho con. Đứng trên sân ga, ông cứ tần ngần không muốn xa gã cứ như gã là con gái của ông vậy. Nhà ga thông báo tầu chạy. Ông già buột miệng:
    - Con đi nhé.
    Thò đầu ra cửa sổ, gã lặng lẽ dán mắt vào hình bóng của ông đang bé dần đi đến mất hẳn. Trời không mưa nhưng sao hình ảnh ông già tần ngần đứng trên sân ga ngóng mãi theo con tầu cứ nhòa đi trong mắt. Cô bé Diễm Liên đã vậy lại cứ thì thầm vào tai gã:
    "Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ. Hàng cây dạt đổ rụng hoa tàn úa..."
    8. Sài Gòn
    Mưa Sài Gòn thật lạ. Lúc ẩn, lúc hiện. Gã ngồi trú mưa trên yên chiếc Viva dưới hiên nhà, nhớ lại những ngày còn đi học. Lúc ấy Sài Gòn còn chưa có nhiều xe máy như bây giờ. Gã và Nàng, hai người đạp hai chiếc xe bên nhau đi dưới mưa. Tình yêu tuổi học trò thật đẹp. Có lúc gã đặt tay lên tay Nàng. Có lúc Nàng lại đặt tay lên tay gã. Hai chiếc xe đạp chầm chậm chạy dọc Nguyễn Du, thả dốc Đồng Khởi, quay lại Bến Thành, rồi thẳng đường Trần Hưng Đạo, xong lại ngược về Nguyễn Trãi. Đi từ lúc mưa lắc rắc cho đến khi quần áo khô hết mới chịu về. Có lẽ gã bắt đầu biết lãng mạn cũng là từ lúc ấy, cái thuở còn dại khờ ấy.
    Lần nào về Sài Gòn gã cũng tìm một cái quán cà phê nào còn bầy ghế gỗ để ngồi nhìn từng giọt cà phê rơi chầm chậm xuống chiếc cốc thủy tinh, lắng nghe cái chất giọng mộc mạc của Ngọc Lễ:
    "Sáng nay cà phê một mình
    Sài Gòn chợt mưa chợt mưa"
    9. Helsinki
    Trời mưa ướt đẫm. Con tầu rùng mình tăng ga tránh xa mấy cái lốp xe cũ kĩ treo dọc bức tường bê tông. Hai anh thủy thủ Ba Lan nhịp nhàng tháo dây buộc neo vào cầu cảng. Họ nói với nhau:
    "Helsinki khóc tiễn chúng ta"
    Không biết là Helsinki khóc hay gã đang khóc. Hoặc giả có khi là nước mưa bết tóc tràn vào mặt, đổ xuống lưỡi mặn chát. Bất chấp những dòng nước mưa lạnh buốt chảy ròng ròng xuống cổ, gã vẫn cứ cứng đầu đứng lặng yên trên bong tầu.
    Một đôi tình nhân chia tay nhau. Anh thanh niên đứng cạnh đấy, người sũng nước, gào lên mất câu tiễn biệt. Cô bạn trên bờ cũng đáp lại, run rẩy giữ chiếc dù gẫy gập vì gió che bớt những hạt mưa buốt giá hát vào mặt đau rát. Tầu đã đi ra đến cửa biển, họ vẫn gọi nhau, hai chiếc khăn trắng vẫn vẫy vẫy. Tiếng cô gái cứ bé dần, bé dần đi như tiếng kêu của những cặp hải âu đang bay chập chờn trong mưa.
    Tạm biệt em. Tạm biệt Helsinki, đứa con gái cưng của thần biển Bal-tích. Bài hát từ cái headphone ru gã ngủ ngon lành trong lớp đệm êm trên chiếc tầu chòng chành ngày càng mạnh vì đã bắt đầu ra đến biển lớn:
    "Thành phố này thành phố mưa bay như mãi mãi..."
    10. Mưa lòng
    Tiếng chuông điện thoại kéo giật gã về với thực tại. Gã ngơ ngác như người mất hồn trả lời bâng quơ những câu hỏi của đầu kia.
    Ở bên này cuộc sống vật chất quá, người ta ít có thời gian để nghĩ cho bản thân. Người ta không có thời gian để mơ mộng. Người ta không có thời gian để nhớ. Người ta không có thời gian để tiếc về cái đã mất. Gã sống như một chiếc bóng không quá khứ, không tương lai. Trận mưa ngoài trời đã dứt, nhưng cơn mưa lòng trong gã vẫn cứ dai dẳng:
    "Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều. Nhất là, những buổi chiều mưa rơi..."
    (Lê Thanh Hải)
  5. bunnie

    bunnie Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/08/2005
    Bài viết:
    1.068
    Đã được thích:
    0
    Một buổi chiều tháng sáu
    [​IMG]
    Truyện ngắn này là một cách diễn giải sinh động và thấu đáo về cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên trong sự vận động vô cùng của cuộc sống. Về bản chất, cuộc sống là một chuỗi tương quan giữa những cái ngẫu nhiên, và bởi vì thế nó là tất nhiên. Và vì nó là bất định và không thể đoán trước nên không thay đổi được.
    Nói cho giản dị thì là "đời thường bắt đầu từ những hoàn cảnh không ngờ đến".
    ~~***~~​
    Một buổi chiều tháng sáu
    ~ Cao Huy Thuần ~ ​
    Tháng sáu, ngày dài ra như không muốn dứt. Mười giờ đêm, trời vẫn đủ sáng cho ai muốn đọc sách không đèn.
    Tháng sáu, đời sống như dài thêm, bởi vì buổi chiều dài thêm. Ôi, những buổi chiều bất tận của tháng sáu phù du !
    Năm nào anh Tuân cũng "ôi" một câu như thế để ca tụng tháng sáu và để tiếc nó chóng qua.
    Tháng sáu làm anh vui hơn, trẻ hơn, thấy cuộc đời đẹp hơn, yêu mọi người hơn, máu chảy mạnh hơn. Khi anh đi làm về, chị Tuân đã dọn sẵn bàn ngoài vườn: rượu khai vị, đồ nhắm.
    Anh tắm nhanh, thay quần áo nhẹ, chải tóc mượt mà, người thơm phức, mát như trẻ thơ. Ngả dài trên ghế, anh nhắm mắt hít hơi nắng nồng nàn còn vương trên lá, nghe buổi chiều êm ả ru anh bay theo dải mây trên trời.
    Con cái đã ăn xong trong bếp, hai vợ chồng ăn riêng với nhau ngoài vườn. Họ ngồi với nhau cho đến khi chị Tuân thấy bóng đêm lành lạnh trên vai, phải mượn hai cánh tay của anh Tuân để sưởi. Ôi, những buổi chiều bất tận của tháng sáu thần tiên !
    ***
    Anh Tuân là người có hoa đầu lưỡi. Anh ăn nói dễ dàng, tự nhiên, làm đẹp lòng người. Cách sống của anh cũng vậy, giản dị, hồn nhiên, thư thái, đem dễ chịu cho người chung quanh. Ai cũng mến anh, vậy mà anh lại rất ít bạn thân, tuy rất nhiều bạn. Trong số bạn thân hiếm hoi đó, anh lại gần như thân nhất với một cặp vợ chồng già đáng tuổi bố mẹ anh.
    Ông bà này qua Pháp hơn hai mươi năm rồi, nhưng lúc đầu đi làm ăn xa với một người bạn ở Tân Đảo. Mãi đến khi về hưu ông bà mới mua nhà định cư ở Pháp. Ở Tân Đảo, ông bà không ưa. ở Pháp, ông bà không hợp. Hai vợ chồng già sống ru rú với nhau cả ngày trong nhà, cửa ngõ đóng kỹ, sợ tiếng bấm chuông, sợ bước chân trong hành lang, sợ tiếng cãi cọ ngoài cửa sổ, sợ cả im lặng.
    Mua nhà là chuyện cực kỳ gian truân của hai bác, là tính toán chiến thuật chiến lược ở cả hai tầm vi mô và vĩ mô. Nhà phải ở trong khu vực an toàn nhất. Phải nằm trong một chung cư không có bóng người da màu. Không ở tầng sát đất, cũng không ở tầng trên cao : sát đất kẻ lạ dễ lẻn vào ; trên cao lỡ nhà cháy chạy không kịp. Hai ông bà đã quen tính toán suốt đời, và tính toán thành công. Vậy thì mua nhà cũng phải thành công thôi.
    Quả nhiên, nhà hai bác nằm đúng tầng thứ nhất, khỏi cần đi thang máy, khỏi sợ kẻ gian lẻn theo chân. Cửa sổ của nhà mở ra ngay bên trên cửa sổ của người gác dan : có chuyện gì bất an ngoài hành lang, mình có thể kêu vọng qua cửa sổ. Trên đầu, ngay tầng thứ hai, phòng mạch của ba bác sĩ nằm kế phòng chữa răng của hai nha sĩ. Một ông bác sĩ là người Việt, một cô nha sĩ cũng là người Việt, bác gái khỏi lo cắt nghĩa bệnh tình không được cặn kẽ. Ở cuối đường, một trạm xe chữa lửa sẵn sàng ò e hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ.
    Cuối cùng, như một chiếc nhẫn đã đẹp vẹn toàn lại còn nạm thêm một hạt kim cương óng ánh, ngay trước mặt nhà, chênh chếch một tý thôi, vừa đủ để khỏi bị một cửa hàng tạp hoá che khuất, tấm bản sơn cờ ba màu của bót cảnh sát hào hùng phô mình dưới lá cờ tuy đã cũ vẫn phất phơ khí phách.
    Nhà cửa an toàn chu tất như thế, cần phải đi đâu nữa! Tháng tám, con cái mời đi nghỉ hè, ông bà lắc đầu, người chết trên xa lộ đông hơn nạn nhân chiến tranh. Phải nài nỉ khan cổ, ông bà mới chịu nhận lời đi ăn tối với một người quen: đường phố đêm khuya càng ngày càng nhiều du thủ du thực. Thảng hoặc phải đành lòng nhận lời ăn cưới, đúng mười giờ đêm là ông bà bật lò xo đứng dậy dứt khoát cáo từ.
    Tất nhiên cưới hỏi cũng là lĩnh vực mà ông bà đã chiến thuật chiến lược gian khổ. Hai bác có tám người con, toàn là gái. Quà trời cho, đâu có tính toán được. Nhưng rể con thì phải tính toán chứ ! Tín đồ trung kiên của địa phương chủ nghĩa, nhỏ lớn chỉ rời quận Hóc Môn để ra đi biền biệt, ông bà sợ nhất là có rể Bắc.
    Chiến thuật chiến lược, ông bà vạch đường chỉ lối thế nào mà bốn cô con gái đầu đều lấy chồng người Nam. Hay thế ! Nhưng ma quỷ cũng biết chỉ lối đưa đường, bốn cái má hồng sau cứ chọn toàn dân Bắc kỳ xông vào.
    Mà quái lạ, bốn anh rể Nam lâu lâu buồn chân mới đến nhà cha mẹ vợ một lần, bốn anh rể Bắc thì luân phiên hầu hạ như con ruột. Bạn thân nhất của ông cũng là Bắc: anh Tuân gốc Hà nội chính cống, cuốn rốn chôn giữa phố Hàng Đào.
    Cái gì xui khiến cặp vợ chồng già Hóc Môn trở thành tri kỷ của tay hào hoa Hà nội? Có gì đâu, anh Tuân là người rất sành ăn và cặp vợ chồng già không có thú vui nào khác trong đời ngoài việc nâng niu những món ăn ngon như người khác vuốt ve cây cảnh. Một người có hoa tay khi nấu, một người có hoa lưỡi khi ăn, hai người nghệ sĩ tìm đến nhau như cá đến với nước mắm.
    Anh Tuân có lần nói đùa với vợ: "nếu phải lựa chọn giữa em với món tiết vịt của bác Năm, anh dứt khoát lựa...". Hai vợ chồng cái gì cũng tâm đầu ý hợp trừ khi chị Tuân nghe anh đê mê tả vị ngon của miếng thịt dê tái hoặc cái ngọt của lát dao khi bác Năm lấy huyết vịt.
    Ngày mười lăm tháng sáu, anh Tuân đang làm việc thì được điện thoại của bác Năm. "ông Tuân ơi, đổi chương trình rồi, chiều nay chứ không phải chiều mai. Đáng lẽ chiều mai chúng nó mới mang vịt đến, thế mà không hiểu làm sao chúng nó vừa mới bấm chuông giao vịt đây này. Vậy chiều nay ông đến nhé. Nhớ đấy, chiều nay chứ không phải chiều mai như đã hẹn". Anh Tuân suy nghĩ: chiều nay anh đã lỡ hẹn với vợ đi mua quà sinh nhật cho đứa con đầu, thế này thì rắc rối thật rồi, thì phải lựa chọn giữa em với tiết vịt rồi!
    Khi hai phe đánh nhau mà bất phân thắng bại, kỹ thuật thương thuyết là kéo dài để chờ xem. Buổi chiều, lúc ba giờ, anh có hẹn tại sứ quán để làm hộ chiếu. Anh tính toán : nếu phải chờ lâu quá để làm giấy tờ, mình sẽ điện thoại cho vợ nói là mắc kẹt tại sứ quán, không về sớm được để đi mua quà.
    Không ngờ lần này anh Tuân làm xong hộ chiếu nhanh quá, vào là ký ngay. Thế là anh vui quá, vui như lúc vừa bước qua bên kia cửa khẩu, trước mặt là gia đình đến đón. Hai tuần làm việc ở trong nước, bao nhiêu hào hứng ! Bạn bè lại sắp nói đùa với chị Tuân : " Chị ơi, Tuân nó bảnh trai thế kia, không khéo các cô ấy lại cầm nhầm mất thôi ! ". Vợ anh lại sắp mỉm cười lấy lòng, chị thừa biết hai cánh tay của anh thì chỉ dành cho một vai chị mà thôi, hạnh phúc của hai người cứ như buổi chiều tháng sáu, kéo dài bất tận.
    Anh Tuân không về thẳng nhà mà ghé vào sở. Anh vẫn có thể điện thoại cho chị, nói rằng tháng sáu người ta làm đuôi đông quá tại sứ quán như mọi tháng sáu. Nhưng nói thế hèn quá. Anh trình bày sự thật như là sự thật, nghĩa là có món tiết vịt khiến anh cầm lòng không đậu. Lúc đó chưa tới sáu giờ, trời nắng như vừa mới nắng, như vẫn ban mai. Quái, sao lòng vui thế này ! Tại mùi tiết canh hay tại tấm hộ chiếu trong túi áo ?
    Anh lật lật hồ sơ, nhưng trong đầu chỉ lao xao tiếng sóng vỗ đâu từ vịnh Hạ long. Cùng lúc đó, chị Tuân nhấc điện thoại định gọi cho anh. Chị thương chồng quá, định nói anh tạt qua nhà đón chị để cùng đi đến nhà bác Năm luôn thể, nhưng chưa kịp nói thì đứa con đi xe đạp ngoài vườn vấp phải trái banh anh nó vừa đá đến, ngã xuống sân, khóc ré. Chị gác điện thoại, chạy ra vườn, không gọi anh Tuân nữa.
    Anh Tuân nhìn đồng hồ khi đến nhà bác Năm : chín giờ tối. Không, chín giờ chiều. Gớm, chiều tháng sáu có khác, xe đông nghẹt trên xa lộ, hai xe nào đấy lại tông nhau nát bét, kẹt cứng cả giờ.
    Anh bấm chuông. Biết là tri kỷ đến, nhưng hai ông bà, quen lệ, vẫn quan sát kỹ qua kính mắt cáo, bà trước ông sau, để kết luận rằng đó đích thực là thằng Tuân, không phải ai khác. Trong bếp, mùi hành tỏi thơm phức. Bác gái đang cầm cây dao to tướng trong tay. Bác nói: "Tôi chờ anh Tuân đến để chặt thịt vịt, chặt trước không ngon. Các ông nhắm tiết canh trước đi". Anh Tuân xin lỗi: "Kẹt xe cả giờ, đói quá! Cháu vào rửa tay rồi ra ngay". Kỳ thực, anh vào nhà cầu, anh đau bụng quá, Tào Tháo đuổi anh suốt trên xa lộ, tưởng đã đầu hàng nó.
    Trên bếp, nồi cháo vừa sôi, khói bốc um. Bác gái chặt thịt vịt trên thớt, lát nào lát nấy đốp đốp. Nước reo, khói bốc, dao chặt, hành tỏi thơm, cái bếp của bác Năm là giang sơn của no ấm, phồn vinh, an cư, hạnh phúc. Ở trong pháo đài hạnh phúc đó, đâu cần biết gì sự việc bên ngoài.
    Bên ngoài, thì vẫn thế thôi, vẫn chừng ấy tiếng ồn, vẫn thỉnh thoảng tiếng phanh xe buýt. Vẫn rất nhiều thanh niên đang đi ngoài đường. Một thanh niên nhiều râu dừng lại trước một cửa nhà, gõ cửa. Có gì lạ đâu? Anh gõ ba lần, năm lần, mười lần. Anh đập cửa thình thình. Gọi tên chủ nhà. La lối. Rồi van nài. Chửi. Cửa vẫn đóng im ỉm. Anh đá vào cửa. Vẫn đóng. Đá cái nữa, bỏ đi. Người qua lại trên đường, ai có chuyện nấy, liếc nhìn, rồi thôi, chuyện đó bình thường. Chỉ có đương sự biết là không bình thường. Biết là phải chấm dứt. Bởi vì anh ý thức anh sắp lên cơn điên. Anh gõ cửa nhà bạn để giúp anh chận đứng cơn điên như anh đã nhiều lần gõ cửa như thế và nhiều lần qua khỏi cuồng loạn. Nhưng bạn anh chiều nay đã đóng cửa. Chắc hẳn người kia có bao nhiêu chuyện khác phải làm.
    Chiều tháng sáu trời không chịu tối. Trời sáng như thế, làm sao anh thanh niên ở một mình trong nhà được? Làm gì cho hết buổi chiều? Trời sáng, làm sao ngủ? Lửa cháy trong đầu, làm sao tắt? Làm sao tắt mặt trời đang cháy? Anh bỏ đi, đi về phía nhà thờ. Anh nghĩ đến ông mục sư với quyển kinh. Hai ba lần, anh đã đọc kinh như thế với ông. Và thấy đầu dịu lại. Anh đến trước cửa, gõ. Ba lần, năm lần, mười lần. Đấm thình thình. Kêu tên. Van nài. Chửi. Cửa đóng im ỉm. Bên cạnh nhà thờ là hiệu sách nhỏ. Anh thanh niên đập đầu vào cửa kính, máu chảy đầy mặt, đầy tóc.
    Anh vuốt máu, nhìn quanh. Đàng xa, lá cờ ba màu phơ phất. Đó là lá cờ trước bót cảnh sát. Đó là bót cảnh sát nằm chênh chếch trước mặt nhà bác Năm. Anh thanh niên đi về phía lá cờ. Có chuông điện nơi bót cảnh sát, nhưng anh cứ gõ cửa. Ba lần, năm lần, mười lần. Đấm thình thình. Chửi. Đấm nữa. Kêu to: "Nhà thương! Cho tôi đi nhà thương!". Bên trong, nhân viên trực thấy người thanh niên máu me loang lổ, đấm đá cuồng loạn, vội gọi điện thoại cho xe đi tuần vừa mới ra ngõ, bảo tức tốc quay đầu về.
    (còn nữa)
    u?c bunnie s?a vo 16:44 ngy 05/11/2006
  6. bunnie

    bunnie Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/08/2005
    Bài viết:
    1.068
    Đã được thích:
    0
    Một buổi chiều tháng sáu
    ~ Cao Huy Thuần ~

    (tiếp theo)
    Chiều tháng sáu, bao nhiêu nhà đãi khách ngoài vườn. Người gác dan ở dưới nhà bác Năm cũng đãi khách như thế, trong khoảnh vườn con, cạnh cửa sổ. Khách đông. Phải một chiếc bàn lớn, ba chiếc bàn con, nhiều ghế. Đâu phải ăn tối. Ăn trưa! Ăn từ một giờ trưa đến năm giờ chiều. Một số ra về, vài người ở lại lai rai đến chín giờ tối. Chín giờ, chủ tiễn khách ra đường, trời vẫn còn nắng, lại lai rai nói chuyện, lai rai đưa người này, chào người khác tận xe.
    Không ai để ý đến anh thanh niên đang đá vào cửa bót cảnh sát rầm một cái, rồi càu nhàu bỏ đi. Đi vài bước, chợt anh thấy trước mắt một cánh cửa sổ mở. Một cánh cửa mở ! Ôi thiên đường ! Đó là cửa sổ nơi bếp nhà bác Năm, trong đó khói đang bốc, nối cháo đang sôi, hành tỏi đang dậy mùi, con dao to tướng đang đốp đốp. Trời tháng sáu nóng, bếp lửa nóng, khói um, dù đứng về mặt chiến lược cửa sổ phải đóng, nhưng nguyên tắc nào cũng có ngoại lệ.
    Vả chăng dưới cửa sổ là cửa sổ người gác dan, và bên ngoài cửa sổ đó khách khứa đang nói cười từ một giờ trưa. Anh thanh niên nhảy gọn vào vườn, bàn ghế sẵn sàng cả, như chờ đợi anh. Anh đặt chiếc bàn nhỏ trên chiếc bàn lớn, chiếc ghế ba chân trên chiếc ghế bốn chân, đu người một cái là vào thiên đường của anh.
    Chuyện gì xảy ra sau đó, chẳng cần đọc biên bản của cảnh sát, khai báo của nhân chứng, cũng rành rành trước mắt. Cứ tưởng tượng bà già đang chăm chú chặt thịt bỗng thấy hiện ra một người máu me nơi cửa sổ. Cứ tưởng tượng con dao to tướng bà cầm trong tay. Cứ tưởng tượng ông bà vừa kinh hoàng kêu cứu vừa loạng choạng hươi con dao trước mặt người điên. Và tưởng tượng anh Tuân từ trong nhà cầu ôm quần lúng túng chạy ra. Chỉ có thể như thế thôi : anh thanh niên giật cây dao trong tay bà già, say máu chém loạn xạ, chém luôn anh Tuân vừa chạy vào bếp, chân tay luýnh quýnh, rồi tiện tay thọc dao vào cổ mình. Bốn xác chết. Một biển máu. Một đĩa huyết vịt.
    Xe cảnh sát xộc đến ngay lập tức, chưa đầy một phút sau. Nhân viên trực đã nhận được báo động của ông mục sư và của người bạn. Ông ta nhìn theo anh thanh niên và thấy anh đu vào cửa sổ căn nhà trước mặt. Rất có thể anh thọc dao vào cổ khi nghe tiếng ò e của xe cảnh sát bên dưới.
    * * *
    Đất chôn anh Tuân rồi, nhưng không chôn nổi hai chữ " giá như " trong đầu bạn bè anh. Giá như người gác dan không mời khách hôm đó, hoặc mời khách nhưng đừng lai rai đến chín giờ chiều, hoặc lai rai đến chín giờ nhưng đừng lai rai tiễn khách như thế. Giá như xe cảnh sát đi tuần trễ hơn một phút, hoặc đến sớm hơn một phút. Giá như ông mục sư mở cửa thêm một lần nữa, một lần nữa thôi. Giá như con vịt được giao đúng hẹn, nghĩa là chiều hôm sau đó . Giá như anh Tuân đừng về lại sở. Giá như anh tạt qua nhà đón chị cùng đi...
    Tất nhiên chị Tuân là người khổ nhất với hai chữ " giá như " đó. Trong những " giá như " dày vò chị như vậy, có một " giá như " vô duyên mà chỉ một mình chị biết thôi : giá như lúc chín giờ tối ngày mười lăm tháng sáu anh Tuân không bị đau bụng đi cầu. Như thế, anh đã có thể ngồi vào bàn bên cạnh cửa sổ, thoải mái nếm tiết canh, và đã có thể đối phó với mọi tình huống trong một tư thế tay chân thuận lợi hơn. Suốt mấy tháng trời, uất khí chặn đứng cổ chị Tuân mỗi lần chị nghĩ đến nguyên nhân của cơn đau trong bụng anh Tuân.
    Chị thấy rành rành nguyên nhân chỉ có một. Chị đâu biết rằng nguyên nhân có cả trăm nghìn trong bất kỳ chuyện tầm phào nào vớ vẩn nhất trong mọi chuyện tầm phào làm nên cuộc sống thường tình hàng ngày của mỗi người. Anh Tuân của chị đã sống một buổi chiều tầm phào như thế, một buổi chiều như mọi buổi chiều, trừ chữ "ôi" làm máu anh chảy mạnh hơn thường lệ.
    Chiều hôm đó, khi về lại văn phòng làm việc với tấm hộ chiếu trong túi, anh Tuân thấy buổi chiều tháng sáu trong sở cứ nhấp nhô sóng Hạ long. Hứng chí, anh gọi điện thoại qua hiệu cà phê bên cạnh, bảo mang đến cho anh một cốc kem. Anh chợt nhớ kem Hà nội lúc nhỏ. Cô hàng kem quen biết hỏi anh muốn ăn kem gì. Anh vui miệng nói : " Cô bảo tôi muốn cái gì thì tôi muốn cái nấy ". Cô hàng kem đang túi bụi với khách khứa, sẵn cốc kem đang cầm trong tay, bảo chú hầu bàn mang qua cho ông khách thân bên kia đường.
    Đó là một cốc kem to tướng với chất béo của sữa tươi đánh lên trắng xoá, cao nghều nghệu như núi tuyết Phú sĩ bên Nhật. Anh Tuân có dạ dày cực tốt, món gì cũng nạp được, kể cả cơm hến ở Huế, trừ sữa. Một giọt sữa tươi lọt vào bụng là ruột già râm ran báo động. Anh cầm cốc kem : nào có giọt sữa nào đâu, chỉ thấy tuyết trắng thơm phức. Anh ăn ngon như trẻ con, ưỡn người dài ra trên ghế, một chân duỗi thẳng lên bàn, chân kia gõ nhịp theo điệu nhạc gì đó trong đầu.
    Lúc đó đã gần bảy giờ chiều, đồng nghiệp lần lượt rời sở gần hết, về trễ để tránh kẹt xe. Cô thư ký của anh ghé chào anh để về, xắc tay lủng lẳng trên vai. Cô mở tròn mắt, ngạc nhiên nhìn sếp của mình ăm kem trong tư thế của một người nằm trên bãi biển, dưới dù che nắng. Anh Tuân reo lên : " Cô vào đây tí đã, mặt trời chưa cho phép cô về đâu ". Cô thư ký nhìn kem dính trắng nơi khoé môi anh Tuân, nơi cả râu nữa, ngập ngừng nói : " Ông Tuân, ông có biết là ông cần một cái khăn tay không ? Tôi cho ông mượn nhé ! ". Cô đặt xắc trên bàn làm việc, mở ra, lấy khăn tay, dụ dự một lát, rồi cúi xuống lau nhẹ vết kem nơi râu anh Tuân, nơi miệng anh Tuân. Mùi thơm thoang thoảng từ khăn tay toả ra, từ áo toả ra.
    Ít nhất là có ba cô thư ký trong sở quyến luyến anh Tuân. Chị Tuân biết thế, nhưng không biết làm gì khác hơn là tin chồng. Đâu có phải cứ hào hoa là không chung thủy. Mà cánh tay của anh Tuân... Lúc đó, anh chỉ cần đưa cánh tay ra là một trong ba cô thư ký ca khúc khải hoàn trên những ao ước của các cô kia. Nhưng anh Tuân không nghĩ gì khác trong đầu ngoài tiếng sóng vỗ ngây ngây nơi nắng buổi chiều tháng sáu.
    Anh thấy như vậy là hạnh phúc quá rồi, cái gì cũng nhẹ nhàng như mùi thơm nơi chiếc khăn tay. Anh vui vẻ nói : " Cô biết không, tôi chưa bao giờ ăn một ly kem ngon như thế này trong đời trừ ly kem của tôi lúc nhỏ. Tuyệt ! Tất cả hương vị của tháng sáu! Tôi gọi cho cô một ly nhé!". Không đợi trả lời, anh nhấc điện thoại: "Cô Lise nhỏ bé của tôi đấy phải không? Chưa bao giờ tôi ăn một ly kem ngon thế trong đời. Cô có biết cô ban hạnh phúc cho tôi như thế nào không? Cho thêm hai ly nữa nhé! Hai ly!". Cô thư ký nhanh nhẩu ghé miệng vào ống điện thoại, nói sát vào miệng anh Tuân: "Nhiều kem trắng vào nhé! Thật nhiều nhé!"
    Lần này, đích thân cô hàng kem xinh đẹp mang hai ly kem ngất ngưởng tuyết Phú sĩ đến trước mặt anh Tuân. Anh nhận hai ly kem nơi tay cô hàng, thân mật đọc một câu thơ: "Em mang hạnh phúc chứa đầy tay". Không ngờ cô hàng kem cảm động quá. Sau đó, khi khai với cảnh sát, cô còn đọc thuộc lòng câu thơ. Cô chỉ không biết hậu quả của hạnh phúc mà cô ban.
    Trong nhà cầu, anh Tuân rút điện thoại cầm tay gọi cho vợ. Vợ chồng vốn tâm sự với nhau những chuyện sâu kín của lòng, thi phú là chuyện màu mè với thiên hạ.
    _ Em ơi, anh đau bụng dữ dội. Đau thắt, đau quặn. Đang ở trong cầu tiêu.
    Chị Tuân lo quýnh:
    _ Coi chừng kẻo ruột thừa...
    _ Không phải đâu. Tại uống sữa. Giá như có em ở bên cạnh để cầm tay anh lại...
    _ Uống mấy ly?
    Anh Tuân định trình bày sự thật như là sự thật, nhưng tự nhiên lại nói chệch ra:
    _ Đâu có mấy ly! Buồn ngủ quá, kêu một ly cà phê, nó nhầm, mang qua một ly cà phê sữa, chả nhẽ lại bảo nó mang về, lôi thôi quá.
    Nói thế đâu có phải dối vợ! Ý của anh là muốn nói với vợ anh đau bụng. Chả nhẽ đang ngồi trong nhà cầu mà tâm sự với vợ về hạnh phúc thơm mát của buổi chiều tháng sáu? Của chiếc khăn tay? Chả nhẽ kể chuyện ăn kem với cô thư ký? Vớ vẩn với cô về hạnh phúc đơn sơ của một buổi chiều dài? Chắc cô cũng chẳng hiểu anh đâu. Chẳng biết ly kem bờ hồ trong đầu anh là gì Chỉ thấy cô ăn kem với ánh vui trong mắt. Cô không ăn bằng thìa mà lấy lưỡi liếm quanh tuyết trắng, rồi duyên dáng lấy chút đầu lưỡi quét nhẹ khoé môi, môi cô chúm chím, răng cô trắng đều.
    Anh Tuân nhìn cô ăn, thấy vị mát nơi lưỡi cô thấm từ từ vào ruột mình. Anh nói thật thà: "Trông cô ăn, thích quá!" . Cô thư ký ngước mắt nhìn anh Tuân. Rồi cô chớp hàng mi cong, múc một thìa kem đưa vào miệng anh. Anh Tuân ăn thìa kem, chẳng động tĩnh gì cả, chỉ khen ngon. Chả nhẽ múc thêm thìa nữa? Cô khuấy khuấy ly kem. Một lát cô hỏi:" Ông đang nghĩ gì?". Anh Tuân cứ thật thà: "Tôi nghĩ cuộc đời thật đẹp ".
    Ngang đó thì chuông điện thoại reo, ông giám đốc nghe nói cô thư ký còn đấy, mừng quá, bảo lên gấp. Một buổi chiều như mọi buổi chiều trong sở.
    Nghe tin anh Tuân chết, cô thư ký khóc sưng mắt. Cô thú thực buổi chiều hôm đó cô chỉ ao ước được anh Tuân chiếu cố tình cảm thầm thì của cô. Không ngờ anh Tuân khó hiểu quá, máu Âu châu nơi cô không hiểu nỗi kiểu lãng mạn Á châu cổ điển, tiền hiện đại. Nhưng cô thú nhận bị thu hút đến rùng mình trước nỗi vui ngây thơ nơi anh Tuân khi mắt anh diễn tả cái ngà ngà say của buổi chiều tháng sáu. Cô nghẹn ngào : " Giá như hôm ấy ông Tuân phấn khởi hơn chút nữa... Chắc chắn tôi sẽ giữ ông lại thêm nửa giờ, một giờ, hay năm phút cũng được. Chỉ cần ông ấy về nhà trễ hơn năm phút thôi...". Cô khóc thút thít : " Giá như lúc đó không có cú điện thoại đao phủ của ông giám đốc...".
    Ông giám đốc nghe thế, tái mặt, phân trần: " Bên Nhật gọi tôi, đòi tức tốc gửi ngay hợp đồng, không thì mất phần, tôi hỏi họ cho tôi ngày mai được không, anh chàng Nhật bên kia nói không được, đã có hẹn đi chơi với cô bạn gái. Thế thì tại cô Nhật nào đó, đâu phải tại tôi ".
    Ở bên kia thế giới, biết đâu anh Tuân có đủ thì giờ và kiên nhẫn để tìm tác giả cái chết của mình. Anh sẽ tìm chiều dọc, rồi anh tìm chiều ngang. Chiều dọc sâu thăm thẳm, hun hút, anh giật mình thấy một kiếp trước, hai kiếp trước. Chiều ngang trải dài vô tận, mênh mông, từ Nhật qua Mỹ, vươn tới trăng sao. Chị Tuân bao nhiêu lần mộng thấy anh giương mắt hỏi, chị cứ ngỡ là anh uất ức. Chị tưởng như còn nghe anh nói: " giá có em bên cạnh cầm tay anh lại...". Có bao giờ chị cho anh uống cà phê sữa đâu !
    _ Có bao giờ em cho anh uống cà phê sữa đâu ? Khổ quá, trong tủ thuốc trên cầu tiêu còn hộp ganidan má vừa mở, anh uống ngay hai viên rồi về nhà liền. Lái xe nổi không, em đến đón nhé !
    Anh Tuân vừa được giải phóng, thoa dịu chị :
    _ Thôi, đi được rồi, toàn cả nước, nhẹ hẳn bụng, em đừng lo. Gớm, có hai giọt sữa mà như động đất.
    Chị Tuân rời ống điện thoại, sục sạo tủ thuốc. Năm phút sau, điện thoại lại reo, chị cuống lên, khổ quá, lại một cơn đau bụng nữa rồi, bao giờ cũng thế, phải đi mấy lần. Nhưng không phải giọng anh Tuân.
    _ Alô... có phải bà Tuân đấy không ạ, đây là cảnh sát. Mời bà đến ngay tại địa chỉ...Vâng, vâng ông ấy bị tai nạn.
    Khi cảnh sát ập vào nhà, thói quen nghề nghiệp đầu tiên là moi vào túi. Họ rút tấm hộ chiếu của anh Tuân trong đó có ghi địa chỉ.
    Chị Tuân mộng thấy anh Tuân giương mắt hỏi, chị nức nở : " Năm phút trước, em còn nghe giọng anh, năm phút sau...". Trong tay chị khi bước vào bếp, chị còn cầm theo hộp thuốc đau bụng.
    Suốt một năm chị Tuân phải uống thuốc ngủ. Chị nhờ thuốc ngủ đuổi những " giá như " dày vò chị. Đuổi hình ảnh đứa con đá trái banh, trái banh lăn đúng vào bánh xe đạp, em nó ngã xuống, khóc thét, đúng vào lúc chị sắp nói anh tạt qua nhà đón em cùng đi. Sao lại đúng cái phút ấy, giây ấy ? Thế thì phút nào, giây nào lại chẳng quyết định mạng sống của mọi người! Chẳng lẽ khi mình vô ý làm tắt máy xe hơi nơi ngã tư, lúc đèn xanh vừa bật, mình đang vô tình cứu mạng anh chàng lái xe inh ỏi bấm còi đàng sau ? Như vậy có người nào lại chẳng đang cứu người nào, có người nào lại chẳng đang hại người nào từng giây, từng phút? Ai cứu tôi để tôi đang sống thế này? Ai khiến tôi đã đi bên lề tay mặt, lúc đó, mà không đi bên lề tay trái, lúc kia? Chẳng lẽ tôi phải cảm ơn cả cơn mưa giông ban nãy đã cầm chân tôi lại dưới một mái hiên không quen?
    Chị Tuân là người bất hạnh nhất thế gian buổi chiều tháng sáu năm ngoái. Chị mất một hạnh phúc tưởng như bất tận. Nhưng chị còn hai đứa con, và chị phải sống để thương con. Những câu hỏi chị đặt ra khi anh Tuân chết, bây giờ chị lại đặt ra khi phải sống nuôi con. Ai đang cứu chị, cứu con chị giây phút này đây? Chị và con chị đang cứu ai? Bất cứ người vô danh nào trên trái đất lại chẳng đang tương quan với chị? Chị cảm ơn tất cả mọi người đang sống. Cả nhân loại đang cảm ơn chị. Chị cảm ơn giây phút này. ở giây phút này, chị đang hưởng phước. ở giây phút này, chị đang tạo phước.
    Chẳng lẽ phải có buổi chiều tháng sáu kia để chị hiểu điều hiển nhiên này?
    C.H.T
    * Source: http://blog.360.yahoo.com/blog-GpUNLrkyc69_qor6PweImg--?cq=1&p=411
  7. khongtenso0

    khongtenso0 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2004
    Bài viết:
    3.758
    Đã được thích:
    0
    Lê Ngọc Mai
    Luận án tiến sĩ
    Bốn chục tuổi anh mới bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở trong nước. Đề tài khoa học thì ấp ủ lâu rồi, nhưng còn phải kiếm sống gian truân lắm. Hết nuôi gà rồi nuôi lợn trên ban công, cố gắng lắm anh mới làm xong cái ?ocanđiđát?. Chưa tính thời gian và công sức, chỉ riêng chi phí cho việc bảo vệ đã làm anh phải bán đứt đi một con lợn cữ xuất chuồng (do vậy mà những kẻ độc mồm đã gọi anh là ?ophó tiến sĩ ỉn? ?" về sau tôi được biết thêm). Anh hi vọng đi Nga lần này về, có chút vốn, anh sẽ chuyển lên ?olàm ăn lớn?: có tủ lạnh để làm đá bán, sắm cái máy dệt len cho vợ làm hàng. Thế là có thể yên tâm ngồi làm khoa học được rồi. Nếu kịp bảo vệ ở Nga cái bằng tiến sĩ nữa thì thuận đủ đàng, sự nghiệp khoa học vậy là đã đến lúc ?ocam lai?.
    Anh tâm sự với tôi chân tình như thế vào một tối đầu năm 1986. Trước đó ít phút, tình cờ tôi gặp anh ở gần trường. Trời tối, tuyết mờ mịt, anh đi cắm cúi, vai vác một cái túi to đùng, tay cầm cái cặp ?ođíplômát?. Ái ngại khi nhìn cái túi trĩu nặng trên thân hình còm cõi của anh, lại về cùng đường, tôi ngỏ ý khuân giúp anh gánh nặng này một đoạn.
    - Có gì đâu ?" anh cười bẽn lẽn ?" mấy thứ lặt vặt thôi mà. Sáng nay tớ lên thư viện, chiều về sớm đảo qua mấy cửa hang, mua mỗi nơi một ít.
    Miệng túi căng nứt để lộ ra vài xấp vở 3 xu; mấy chồng cốc 7 xu, một mớ thìa nhôm, dăm chục con ?ochút chit?... Đó cũng là những mặt hang chính mà tôi thấy khi bước vào phòng anh mấy phút sau. Nóc tủ, gầm giường, sàn nhà ngổn ngang những thùng các tong lèn đầy hàng xén. Ở góc phòng, cái bàn nhỏ bề bộn sách vở trông thật lạc long. ?oCái ?ohạ tầng cơ sở? này là để nuôi cái ?othượng tầng kiến trúc? này đây? ?" anh chỉ đống hàng xén rồi vỗ vào luận án tiến sĩ đang viết dở.
    Thực tập ở Nga một năm rồi, ngày nào anh cũng chia thời gian thành hai nửa: một nửa dành cho luận án tiến sĩ, nửa kia lăn lóc ở các cửa hàng để mua vở 3 xu, cốc 7 xu... mang về nước ?onuôi? sự nghiệp khoa học. ?oBây giờ mà cứ ?otủ lạnh, nồi hầm, bàn là?... thì kiếm đâu ra ?" anh giải thích ?" mua giá cao chỉ nuôi béo bọn đầu cơ. Cho nên mình năng động chuyển sang những thứ lặt vặt này. Tuy mất thời giờ, nhưng về nước cũng thành một khoản to tiền. Con nhà nghèo, phải có cái cách của nhà nghèo chứ!?... Rồi anh nói rộng ra chuyện làm khoa học trong nước: ?oMình phải có cái kiểu riêng. Phải năng động lấy cái này nuôi cái kia. Đòi hỏi sống bằng làm khoa học như ở phương Tây là ảo tưởng?.
    Sau cuộc nói chuyện với anh ít lâu, tôi về nước. Loay hoay mất vài năm chưa biết ?onăng động? kiểu gì để ?olấy cái này nuôi cái kia? thì vận may đến; tôi được đi hội thảo khoa học ở một nước tư bản. ?oSếp? của tôi, đã từng đi tư bản mòn cả gót giày, hào phóng chia sẻ những kinh nghiệm của mình. ?oQuần áo mang đi ít thôi, để chỗ mà mang mì ăn liền. Bảo mẹ cậu làm cho cân ruốc, có prôtít mới có sức làm việc. Mang vài hộp vitamin đi nữa, rau quả bên đó đắt kinh người, ăn vào bằng ăn thịt vợ con...?. Giọng ông bỗng trầm lại: ?oKể ra đi góp mặt với đồng nghiệp quốc tế mà thế này thì cũng nhếch nhác thật. Nhưng cái nghèo đâu có đi với cái sang?.
    Nghe cái thuyết ?onhà nghèo? quen quen, bất giác tôi nhớ tới anh ?" người ?onuôi khoa học? bằng những thùng hàng xén.
    Không ngờ khi dừng chân ở Matxcơva trên đường đi hội nghị tôi gặp lại anh. Hóa ra anh có một cửa hàng bán áo gió ở đây. Hàng trong nước gửi sang mỗi lần hàng chục kiện. Tiền bán được đổi ra ?oxanh? ngay. ?oHơi đâu mà đi mua đồ lặt vặt ?" anh cười khi nhớ lại cái thời ?ovở 3 xu, cốc 7 xu? ?" Kinh tế nhà nước bung ra rồi, mình cũng phải theo kịp thời đại?.
    Tôi hỏi thăm anh đã bảo vệ luận án tiến sĩ chưa. ?oChưa, hồi đó có hai năm mà nhiều việc quá. Cố thì cũng xong được đấy, nhưng được cái bằng mà về nước trắng tay thì cũng chẳng làm khoa học nổi?. Anh mới quay lại Nga nửa năm trước để dự hội nghị, sau tìm cách ở lại làm ăn vài vụ (chuyến hàng lần trước chẳng ăn thua gì!). Cũng muốn lấy thêm tài liệu cho luận án tiến sĩ. ?oMục đích chính của mình vẫn là khoa học. Làm kinh tế chỉ để có phương tiện thôi? ?" anh tâm sự.
    Từ đó tôi không gặp anh nữa. Mới đây, nghe nói ?omùa áo gió? ở Nga đã tàn, tôi lại nghĩ tới anh. Không biết anh đã bảo vệ luận án tiến sĩ chưa?
  8. arien

    arien Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    22/01/2002
    Bài viết:
    763
    Đã được thích:
    0
    Nhân chuyến đi biển lần này của 7X Saigon.Tôi xin post truyện ngắn này
    Những câu chuyện biển
    Em bảo: Anh mua hộ em quyển sách gì đó nhẹ nhàng để em đọc khi đi biển.
    Tôi lười ra hiệu sách, tôi ở nhà viết cho em một quyển sách như vậy.
    ?oNhững câu chuyện biển?.
    Thật ra là tôi thích viết. Tôi thích tự tạo ra một thế giới, thích tạo ra những nhân vật nam có những nét giống tôi, thích tạo ra những nhân vật nữ có những nét giống em. Tại sao không?
    Tháng Ba đã hết và Mùa Hè bắt đầu.
    Bữa ăn tối kéo dài một tuần
    1. Cô ra Hà Nội. Anh ra đón cô. Anh từng hứa: Nếu cô ra Hà Nội sẽ đón cô. Bằng chiếc xe to nhất có thể có. Để có thể chở thoải mái tất cả hành lý của cô, dù cô có mang theo 50 cái vali. Chỉ mỗi tội cái xe to nhất có thể có đó thỉnh thoảng sẽ lại dừng để trả khách và đón khách.
    Cô chuyển cho anh phong bì tiền.
    Anh mở phong bì ra và cười: Đủ để mời em đi ăn tối.
    Cô bảo: Em nhận chuyển cho anh phong bì tiền với dụng ý là để anh sẽ mời em đi ăn tối.
    Anh bảo: Em thích ăn tối ở đâu.
    Cô cười: Anh đừng hỏi đàn bà như thế. Đàn ông phải quyết định tất cả. Nhở em bảo em muốn ăn tối ở Biển thì sao?
    Anh bảo: Hà nội có quán nào tên là Biển không?
    Cô bảo: Không có.
    Anh bảo: Muốn ăn tối ở biển thật không? Hay em chỉ đùa thế. Em cứ hay đùa, đến khi chuyện xảy ra thật lại chạy mất dép. Anh lẳng lặng không nói gì đâu nhưng anh nói là làm thật đấy.
    Anh nhấc máy điện thoại. Nói chuyện một lúc. Rồi anh bảo: Tất cả đồ đạc của em chỉ có thế thôi à?
    Cô bảo: Em đi quen rồi. Mang ít đồ lắm. Nhưng đủ dùng.
    Anh bảo: Đi ăn tối độ một tuần có được không?
    Cô ngạc nhiên: Ăn tối mà cần cả một tuần hả anh? Em đang nghỉ để chuyển sang công việc khác nên ăn tối cả tuần cũng chẳng sao.
    Anh bảo: Tuần sau nữa anh mới phải đi công tác. Vậy là mình sẽ ăn tối ở biển.
    Chiếc xe đỗ ở cửa. Như chiếc xe làm từ quả bí trong chuyện cổ tích. Cô thích đóng vai Cô bé lọ lem.
    Anh bảo: Đi Cát Bà?
    Cô bảo: Vâng.
    Hai người xuống đến Hải Phòng vừa kịp chuyến tàu cao tốc cuối cùng ra đảo. Lấy phòng ở Khách sạn Hướng Dương. Cậu phục vụ đưa đồ của hai người lên chung một phòng. Phòng có hai cái giường. Cô không nói gì.
    8 giờ tối anh và cô đã ngồi ăn trong quán Mango và ngắm biển.
    Cô huyên thuyên như một cô bé con mới học nói: Anh có tin không. Em bay ra Hà Nội, ngồi cạnh hai người đàn ông cực kỳ đẹp trai. Mõi tội một người đi khập khiễng và một người bị hỏng mắt. Em chợt chua chát nghĩ có lẽ người đàn ông của đời em cũng phải đi khập khiễng một chút để ít đi đi và phải hỏng mắt một chút để đỡ nhìn thấy những tật xấu của em.
    Anh bảo: Anh thì chỉ nghĩ xem nếu anh bị khập khiễng hay bị hỏng mắt ai sẽ ở bên cạnh anh.
    Cô bảo: Đàn bà khi yêu bỏ qua tất cả khuyết tật của người mình yêu. Kể cả những khuyết tật kinh khủng nhất. Anh có tin không, em đã ở bên cạnh người đàn ông mà em yêu cả tháng mà không hề có ***.
    Anh bảo: Anh tin.
    Cô bảo: Anh không biết chứ đàn bà khi yêu thực sự có nhu cầu *** cao lắm. Lúc nào cũng muốn gần gũi người mình yêu.
    Anh bảo: Anh tin.
    Cô bảo: Anh có tin không. Đàn bà khi yêu cực kỳ dại khờ.
    Anh bảo: Đàn ông cũng thế.
    Ăn xong hai người đi lang thang trên đảo. Cô mua những chiếc vòng ngọc trai đeo đầy tay, đầy cổ. Anh cười nhìn cô. Cô háo hức trước cuộc sống như một đứa trẻ con.
    Về phòng. Mỗi người một giường. Quấn chăn kín mít. Nói chuyện. Nói mà như nói với chính mình.
    Anh bảo: Anh không nghĩ là mình lại đi ăn tối như thế này. Anh nghĩ em chỉ đùa thế, đến khi chuyện xảy ra thật lại chạy mất dép. Anh lẳng lặng không nói gì đâu nhưng anh nói là làm thật đấy.
    Anh cười thú vị. Cô cười thú vị. Hai người đi ăn bữa tối kéo dài một tuần như thể để thử xem có chịu đựng được nhau không. Như một đôi vợ chồng không có tình yêu. Như thể một cuộc đấu tranh, hạnh phúc là đấu tranh. Như thể để anh dần dần chinh phục cô. Như thể để thử xem anh có ham muốn cô không và cô có ham muốn anh không. Người ta bảo đàn ông thích của lạ. Người ta bảo đàn bà không có tình cảm thì không thể có ***.
    Vấn đề không phải đi là để thức với nhau. Đã từ lâu rồi việc một người con gái muốn thức với anh qua đêm không phải là một phép mầu nhiệm nữa. Một tuần hai người ở bên nhau sẽ là một quá trình. Để nhận biết nhau. Để nhận biết chính mình.
    Anh không quờ tay sang phía cô. Cô không quờ tay sang phía anh. Anh biết cô có người đàn ông mà cô yêu.
    Cô nhớ có lần anh viết là một người bạn thực sự còn quý hơn một người tình. Không biết người tình của anh có đọc được những dòng đó không.
    Hai người ngủ thiếp đi.
    2. Nếu có cơ hội đi ăn bữa tối kéo dài một tuần với một người con gái thú vị, bạn có đi không? Một tuần rực rỡ trong cuộc đời vốn rất ngắn ngủi của mình.
    (St)
  9. arien

    arien Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    22/01/2002
    Bài viết:
    763
    Đã được thích:
    0
    Nhân chuyến đi biển lần này của 7X Saigon.Tôi xin post truyện ngắn này
    Những câu chuyện biển
    Em bảo: Anh mua hộ em quyển sách gì đó nhẹ nhàng để em đọc khi đi biển.
    Tôi lười ra hiệu sách, tôi ở nhà viết cho em một quyển sách như vậy.
    ?oNhững câu chuyện biển?.
    Thật ra là tôi thích viết. Tôi thích tự tạo ra một thế giới, thích tạo ra những nhân vật nam có những nét giống tôi, thích tạo ra những nhân vật nữ có những nét giống em. Tại sao không?
    Tháng Ba đã hết và Mùa Hè bắt đầu.
    Bữa ăn tối kéo dài một tuần
    1. Cô ra Hà Nội. Anh ra đón cô. Anh từng hứa: Nếu cô ra Hà Nội sẽ đón cô. Bằng chiếc xe to nhất có thể có. Để có thể chở thoải mái tất cả hành lý của cô, dù cô có mang theo 50 cái vali. Chỉ mỗi tội cái xe to nhất có thể có đó thỉnh thoảng sẽ lại dừng để trả khách và đón khách.
    Cô chuyển cho anh phong bì tiền.
    Anh mở phong bì ra và cười: Đủ để mời em đi ăn tối.
    Cô bảo: Em nhận chuyển cho anh phong bì tiền với dụng ý là để anh sẽ mời em đi ăn tối.
    Anh bảo: Em thích ăn tối ở đâu.
    Cô cười: Anh đừng hỏi đàn bà như thế. Đàn ông phải quyết định tất cả. Nhở em bảo em muốn ăn tối ở Biển thì sao?
    Anh bảo: Hà nội có quán nào tên là Biển không?
    Cô bảo: Không có.
    Anh bảo: Muốn ăn tối ở biển thật không? Hay em chỉ đùa thế. Em cứ hay đùa, đến khi chuyện xảy ra thật lại chạy mất dép. Anh lẳng lặng không nói gì đâu nhưng anh nói là làm thật đấy.
    Anh nhấc máy điện thoại. Nói chuyện một lúc. Rồi anh bảo: Tất cả đồ đạc của em chỉ có thế thôi à?
    Cô bảo: Em đi quen rồi. Mang ít đồ lắm. Nhưng đủ dùng.
    Anh bảo: Đi ăn tối độ một tuần có được không?
    Cô ngạc nhiên: Ăn tối mà cần cả một tuần hả anh? Em đang nghỉ để chuyển sang công việc khác nên ăn tối cả tuần cũng chẳng sao.
    Anh bảo: Tuần sau nữa anh mới phải đi công tác. Vậy là mình sẽ ăn tối ở biển.
    Chiếc xe đỗ ở cửa. Như chiếc xe làm từ quả bí trong chuyện cổ tích. Cô thích đóng vai Cô bé lọ lem.
    Anh bảo: Đi Cát Bà?
    Cô bảo: Vâng.
    Hai người xuống đến Hải Phòng vừa kịp chuyến tàu cao tốc cuối cùng ra đảo. Lấy phòng ở Khách sạn Hướng Dương. Cậu phục vụ đưa đồ của hai người lên chung một phòng. Phòng có hai cái giường. Cô không nói gì.
    8 giờ tối anh và cô đã ngồi ăn trong quán Mango và ngắm biển.
    Cô huyên thuyên như một cô bé con mới học nói: Anh có tin không. Em bay ra Hà Nội, ngồi cạnh hai người đàn ông cực kỳ đẹp trai. Mõi tội một người đi khập khiễng và một người bị hỏng mắt. Em chợt chua chát nghĩ có lẽ người đàn ông của đời em cũng phải đi khập khiễng một chút để ít đi đi và phải hỏng mắt một chút để đỡ nhìn thấy những tật xấu của em.
    Anh bảo: Anh thì chỉ nghĩ xem nếu anh bị khập khiễng hay bị hỏng mắt ai sẽ ở bên cạnh anh.
    Cô bảo: Đàn bà khi yêu bỏ qua tất cả khuyết tật của người mình yêu. Kể cả những khuyết tật kinh khủng nhất. Anh có tin không, em đã ở bên cạnh người đàn ông mà em yêu cả tháng mà không hề có ***.
    Anh bảo: Anh tin.
    Cô bảo: Anh không biết chứ đàn bà khi yêu thực sự có nhu cầu *** cao lắm. Lúc nào cũng muốn gần gũi người mình yêu.
    Anh bảo: Anh tin.
    Cô bảo: Anh có tin không. Đàn bà khi yêu cực kỳ dại khờ.
    Anh bảo: Đàn ông cũng thế.
    Ăn xong hai người đi lang thang trên đảo. Cô mua những chiếc vòng ngọc trai đeo đầy tay, đầy cổ. Anh cười nhìn cô. Cô háo hức trước cuộc sống như một đứa trẻ con.
    Về phòng. Mỗi người một giường. Quấn chăn kín mít. Nói chuyện. Nói mà như nói với chính mình.
    Anh bảo: Anh không nghĩ là mình lại đi ăn tối như thế này. Anh nghĩ em chỉ đùa thế, đến khi chuyện xảy ra thật lại chạy mất dép. Anh lẳng lặng không nói gì đâu nhưng anh nói là làm thật đấy.
    Anh cười thú vị. Cô cười thú vị. Hai người đi ăn bữa tối kéo dài một tuần như thể để thử xem có chịu đựng được nhau không. Như một đôi vợ chồng không có tình yêu. Như thể một cuộc đấu tranh, hạnh phúc là đấu tranh. Như thể để anh dần dần chinh phục cô. Như thể để thử xem anh có ham muốn cô không và cô có ham muốn anh không. Người ta bảo đàn ông thích của lạ. Người ta bảo đàn bà không có tình cảm thì không thể có ***.
    Vấn đề không phải đi là để thức với nhau. Đã từ lâu rồi việc một người con gái muốn thức với anh qua đêm không phải là một phép mầu nhiệm nữa. Một tuần hai người ở bên nhau sẽ là một quá trình. Để nhận biết nhau. Để nhận biết chính mình.
    Anh không quờ tay sang phía cô. Cô không quờ tay sang phía anh. Anh biết cô có người đàn ông mà cô yêu.
    Cô nhớ có lần anh viết là một người bạn thực sự còn quý hơn một người tình. Không biết người tình của anh có đọc được những dòng đó không.
    Hai người ngủ thiếp đi.
    2. Nếu có cơ hội đi ăn bữa tối kéo dài một tuần với một người con gái thú vị, bạn có đi không? Một tuần rực rỡ trong cuộc đời vốn rất ngắn ngủi của mình.
    (St)
  10. arien

    arien Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    22/01/2002
    Bài viết:
    763
    Đã được thích:
    0
    Trăng Tam Thanh
    1. Bãi biển Tam Thanh, Quảng Nam. Cát mấp mô. Sóng mạnh. Biển sâu. Nước trong. Lúc mới xuống nước, anh thấy lạnh run. Rồi anh thấy ấm dần, ấm đến mức không muốn lên bờ nữa.
    Rồi anh cũng phải lên bờ, ngồi ăn nhưng con ghẹ be bé như thể vẫn đang đi học mẫu giáo, lòng thầm nhớ những con ghẹ cụ anh đã từng ăn. Vừa ăn anh nhìn ra xung quanh.
    Ở bàn bên cạnh có một cô gái đi biển một mình. Thằng bạn anh đã tổng kết: Trên đời có hai loại gái. Một có ngoại hình. Một có tâm hồn. Cô thuộc loại thứ hai. Trông cô dễ nhìn. Cô đeo kính cận và đeo máy ảnh. Loại máy ảnh của dân chuyên nghiệp.
    Cô cũng để ý đến anh. Ở đây người ta thường đi biển thành hội. Chắc anh là người từ nơi khác đến. Trông anh dễ nhìn. Tay không xăm. Bụng không phệ. Anh mặc quần bơi chứ không mặc quần đùi. Anh có vẻ lạnh lùng, xa lạ nhưng nụ cười của anh ấm áp khi anh mua giúp cô bé bé xíu mấy phong kẹo cao su.
    Chiếc mũ của cô bị gió thổi bay về phía anh. Anh nhanh nhẹn bắt lấy, mang lại cho cô và cười: Em không xuống bơi à?
    Cô bảo: Em không biết bơi.
    Cô nói với vẻ thành thật, không làm điệu bộ. Thành thật như thể cô nói em chưa có chồng và chưa có người yêu. Tay cô không đeo nhẫn, không đeo vòng. Thành thật như thể cô nói sự việc nó là như thế đấy, và em chấp nhận nó.
    Anh bảo: Cứ xuống bơi đi em ạ. Ở biển không cần biết bơi. Cứ thả mình xuống nước.
    Giọng anh dỗ dành. Như thể dỗ cô cứ yêu đi em ạ. Ở biển không cần biết yêu. Cứ thả mình xuống nước.
    Anh bảo: Để anh đi mượn cho em cái phao.
    Anh có vẻ không quen nghe người khác phản đối hay có thể cô phản đối quá yếu ớt. Cô nhớ mình đã từng buồn cười thế nào khi thấy một em xinh đẹp nằm lên phao để một anh trịnh trọng đẩy ra xa. Tại sao không? Thỉnh thoảng mình cũng phải giả vờ giao phó đời mình vào tay một gã trai. Giả vờ không biết bơi.
    Anh đẩy cô ra xa. Cô thử nghĩ xem anh sẽ còn giở trò gì. Cô thầm nghĩ: ?oEm mà giở trò gì chị sẽ dìm cho em sặc nước. Quê chị ở vùng biển. Phong cảnh đẹp vô cùng. Nước biển xanh mênh mông. Sóng xô tràn bãi cát?.
    Thật ra nhìn cách cô mạnh bạo bước xuống nước, nhìn đôi chân rắn chắc của cô, anh đã biết cô là một con cá ở dưới nước. Anh mỉm cười vì trò chơi này. Anh giả vờ là một gã Don Juan. Cô giả vờ không biết bơi.
    Anh chẳng giở trò gì cả. Cô hơi tự ái. Cô tự an ủi rằng có khi là gã này già rồi. Hôm nay cô bao dung. Cô có thể tha thứ nếu như anh nói câu gì ngớ ngẩn kiểu như ?oThưa hầu tước phu nhân xinh đẹp, đôi mắt của phu nhân làm tôi chết mệt vì tình??.
    Anh vẫn cứ bơi bên cạnh cô với vẻ mãn nguyện với cuộc sống. Cô nói từ trên phao: Sao anh im lặng thế.
    Anh nói: Anh muốn để sóng và gió nói?
    Cô bảo: Anh là nhà thơ chắc?
    Chúa ơi, chắc anh là dân xã hội. Cô không thích dân xã hội, dân đấy chúa là ba lăng nhăng. Cô thích những anh học tự nhiên nhưng biết làm thơ. Cô thích những anh chơi chứng khoán nhưng biết làm thơ. Nhưng ghét của nào trời trao của ấy. Bên cạnh cô là một anh dân xã hội.
    Nếu bây giờ bọn con gái cùng phòng cô trông thấy cảnh này chúng nó sẽ cười rũ ra.
    (St)

Chia sẻ trang này