1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những truyện tình lãng mạn Ví dụ ta yêu nhau

Chủ đề trong 'Văn học' bởi cavang, 13/01/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. CaChep

    CaChep Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    1.010
    Đã được thích:
    0
    Tim tôi, một cù lao
    Cù lao là gì ? Chắc các bạn quen ở thành phố và ở miền núi không biết. Vậy tôi xin được phép giải thích ngắn gọn như sau : Ðó là một dải đất dài nằm ở giữa lòng một con sông rộng. Trên cù lao có làng mạc và ruộng rẫy phì nhiêu vì thường xuyên được phù sa bồi đắp.
    Chắc các bạn kêu lên : Vậy biết rồi. Cù lao giống cái lẩu lươn, lẩu cá hú ở nhà hàng chứ gì ? Xin thưa : Ðúng vậy. Nhưng nếu nói "Tim tôi - một cái lẩu", bạn sẽ tưởng tôi bàn chuyện ăn nhậu, trong khi thật lòng tôi muốn kể một (mà hai) chuyện tình của tôi, dĩ nhiên của cả bạn nữa, nếu bạn muốn "ăn theo".
    Tôi sinh ra và lớn lên ở cù lao Tân Phong nằm giữa dòng sông Tiền. Hàng ngày tôi phải đi ghe máy qua học trường trung học huyện Cái Bè gần bên. Còn khi nào cần làm giấy tờ hành chánh, tôi phải đi tàu máy đến Ủy ban nhân dân huyện Cai Lậy xa lắc. Do đó cả hai huyện đối với tôi đều quan trọng.
    Chỗ tôi ở đã vậy, chỗ tôi học cũng vậy. Tôi học lớp 12B. Người ngồi ngay trước mặt tôi, tôi không chú ý vì chỉ thấy mái tóc đen dài của cô ta. Còn người ngồi kế bên cô ta là Liễu thì tôi bắt buộc phải chú ý, vì mỗi khi nhìn lên bảng đen, tôi đều thấy một nửa khuôn mặt bên trái của Liễu. Người ngồi ngay sau lưng tôi, tôi không thấy vì tôi không thể quay đầu 360 độ. Nhưng người ngồi kế bên tôi thì tôi thấy rất rõ, vì mỗi lần quay mặt xuống cuối lớp, tôi đều thấy một nửa khuôn mặt bên phải của Ðào.
    Con gái nếu bạn biết toàn bộ khuôn mặt (hay con người) thì không sao. Nhưng nếu bạn chỉ biết một nửa thì khó chịu lắm. Nó sẽ làm bạn ray rứt ăn học không vô. Vì bạn cứ phải thắc mắc "nửa kia" ra sao ? Nó có giống y chang "nửa này" hay đẹp hơn, hay xấu hơn hay... hay hay ?
    Tánh tôi vốn không thích ăn thịt nửa nạc nửa mỡ, không thích nói nửa úp nửa mở, không thích đọc Nửa chừng xuân. Do đó tôi phải làm quen cùng một lúc với Liễu và Ðào, để tìm hiểu cái "nửa kia" cho được trọn vẹn.
    Bạn trai trong lớp thấy vậy khuyên tôi đừng nên "bắt cá hai tay". Tôi chỉ cười ruồi. Tụi nó sinh sống ở phố huyện, chuyên ăn cá mua ở chợ biết chi chuyện bắt cá mà bàn. Còn tôi mỗi chiều đi học về đều phải đi bắt cá ở bãi sình, các đìa đem về cải thiện bữa ăn. Nên chuyện bắt cá tôi quá rành. Bắt cá hai tay (đôi khi cả hai chân nữa) mà còn bị sẩy hoài, huống hồ bắt cá một tay.
    Liễu cao 1 mét 555, nặng 43 ký 8, Ðào cao 1 mét 554, nặng 43 ký 9. Nếu hai nàng đứng lên bàn cân tạ thì đều nặng ngang nhau. Vì cân Việt Nam xê xích khoảng 100gr là kể như không. Còn nếu hai nàng cùng dự thi "Hoa hậu áo dài nữ sinh huyện Cái Bè", chắc ban giám khảo cũng chịu thua, không biết chấm ai nhất. Trọng lượng hai nàng ngang nhau, sắc đẹp cũng ngang nhau. Vậy tôi biết chọn ai, nếu không chọn cả hai ?
    May cho tôi là nhà Liễu ở đầu huyện, nhà Ðào ở cuối huyện, nên tôi đến thăm nhà nàng này thì không có cách chi mà nàng kia thấy được. Nhưng chẳng may cho tôi khi tôi có tánh... lười biếng. (Bây giờ tôi mới biết trong tình yêu cũng như trong học tập, lười biếng đều đáng bị số không). Tôi thường viết thư cho hai nàng cùng một mẫu thư. Chỉ khác ở trên tôi để trống.
    Thương gửi... và ở dưới Hẹn gặp ở...
    Tối đó tôi hẹn gặp Liễu ở quán cà phê Thy. Quán cà phê có nhạc "xi-té-ri-ô" và bàn ghế bày dưới tàn những cây trứng cá, cây dừa, cây xoài. Tôi chọn ngồi ở bàn dưới cây trứng cá, để lỡ trái có rụng trúng đầu cũng không sao. Ðúng 7 giờ 15 phút. Liễu bước vào. Và lạ lùng chưa, cũng đúng 7 giờ 15 phút 01 giây. Ðào bước vào. Bạn đã bao giờ có hai người yêu cùng đến thăm bạn một lúc chưa ? Nếu có, bạn sẽ dễ dàng đồng ý với tôi thà chẳng có người yêu nào, lại thấy sung sướng hơn !
    Tôi ấp úng mời hai nàng cùng ngồi nhưng cả hai đều đứng im. Rồi đặt hai lá thư xuống bàn. Rồi quay lưng đi về. Chèng đéc quỷ thần ơi ! Trong khi mọi người lo "tự cứu mình", thì riêng tôi lại tự hại mình. Thư gửi cho Liễu, tôi lại để tên Ðào. Hẹn gặp Ðào tối mai, tôi lại để lầm ngay tối nay.
    Nếu ba má tôi không la rầy chắc ngày mai tôi sẽ xin nghỉ học. Nếu thủ tục hành chánh dễ dàng, ngày mai tôi sẽ xin chuyển trường. Nếu còn can đảm yêu lại, ngày mai tôi sẽ không yêu hai cô cùng một lớp. Nếu... nhưng đó là chuyện của ngày mai. Còn đêm nay tôi lững thững đi một mình trên phố huyện...
    Mọi so sánh đều khập khiễng, tôi cũng đồng ý vậy. Nhưng nếu tôi không so sánh "tim tôi là một cù lao" thì biết đến bao giờ các cô gái mới thông cảm cho tôi, một người có tật "bắt cá hai tay".
    [​IMG]
    Cùng nhau vươn lên trong Buồn đau và Hạnh phúc
  2. CaChep

    CaChep Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    1.010
    Đã được thích:
    0
    Trái tim hạt tiêu
    Ðoàn Thạch Biền
    Một buổi chiều cuối năm. Tôi phóng xe đến nhà Sơn, định rủ anh đến khu đường rầy xe lửa số 6 nhậu lai rai món dê tay cầm. Vừa dựng xe trong sân ngôi nhà có cánh cửa sơn màu nâu đậm nổi bật trên tường vôi vàng mới quét, tôi thấy Sơn đã mặc quần áo chỉnh tề chuẩn bị đi đâu. Tôi chưa kịp chào hỏi, Sơn đã vồn vã nói :
    - May quá. Ông đến thật đúng lúc.
    - Có người mời nhậu tất niên à ?
    - Không. Tôi muốn nhờ ông một chuyện.
    Sơn ngó vào trong nhà rồi nắm tay tôi kéo ra ngoài cửa lớn.
    - Sáng nay vợ chồng ông anh tôi phải về Mỹ Tho dự đám cưới cô em gái vợ của anh ấy. Hai người có nhờ tôi trông coi giùm cháu Uyên. Chắc ông đã biết cháu Uyên ?
    - Tôi đã thoáng thấy cháu một lần ở nhà anh ông.
    - Chiều nay tôi kẹt phải đi dự sinh nhật một cô bạn, tôi không muốn để Uyên ở nhà một mình. Vậy nhờ ông dắt nó đi chơi được không ?
    Tôi thở dài.
    - Nó có nhậu được không ?
    - Thôi mà. Lâu lâu mới nhờ vả ông một bữa.
    Sơn quàng vai tôi kéo vào trong nhà rồi gọi lớn.
    - Uyên ơi, chú Thạch đến rủ cháu đi chơi nè.
    Có tiếng đáp từ phòng trong ra.
    - Dạ thôi, cháu ở nhà nằm nghe nhạc được rồi.
    Sơn đi vào phòng, một lúc sau anh dắt bé Uyên bước ra. Cô bé nói :
    - Chào ông.
    Sơn vỗ vai em nói nhỏ.
    - Chào chú cho thân mật.
    - Ông ấy và cháu đã có gì thân mật đâu.
    Tôi ngạc nhiên thấy Uyên lớn như thổi. Mới mấy tháng không gặp, trông em đã như một thiếu nữ. Có thể tại lần trước tôi gặp em mặc đồ bộ ở trong nhà, còn hôm nay trông em lớn hơn vì mặc quần jean rộng thùng thình, áo thun trắng sát nách và đeo kính đen rất mốt. Ði chơi với một cô bé mặt mũi sáng sủa như em, tôi cũng dễ dàng quên đi món dê tay cầm.
    Tôi chở Uyên vào khu giải trí Ðầm Sen. Gửi xe xong tôi dắt em đi bộ trên con đường trải đá đến tận bờ hồ. Không phải ngày chủ nhật nên cũng ít người đi dạo chơi. Một gia đình chắc có thân nhân là Việt kiều, đang đứng quay vidéo trên chiếc cầu treo bằng gỗ. Ðợi họ quay phim xong, tôi dắt Uyên bước lên cầu gỗ ra ngoài đảo nhỏ.
    Tôi thuê hai cần câu, mua mồi câu rồi chúng tôi ngồi xuống vạt cỏ xanh ven hồ, câu cá. Uyên có vẻ thích thú trò chơi này. Em cứ rung rung cần câu và miệng luôn mỉm cười. Tôi nói :
    - Em phải giữ im cần câu, cá mới cắn câu.
    - Giữ im cần câu làm sao cá biết có con mồi. Em đang nhử cá vào bẫy.
    Tôi lắc đầu nhìn cái phao đang nổi lền bềnh trên mặt nước. Ðột nhiên Uyên giật mạnh cần câu. Một con cá bằng hai ngón tay đang giãy ở đầu lưỡi câu. Uyên cười nói :
    - Ông thấy không, em đã "bẫy" được một con cá.
    Tôi giúp em gỡ con cá ra khỏi lưỡi câu rồi móc mồi khác vào. Uyên nói :
    - Ông cho em xem con cá.
    Tôi đặt con cá vào lòng bàn tay em. Uyên vuốt vuốt thân con cá như vuốt bộ lông một chú mèo con.
    - Sao nó lạnh quá ông à ?
    - Thì nó mới ở dưới nước lên.
    - Không. Chắc nó lạnh run vì sợ.
    Và trước khi tôi phản đối ý kiến của em, cô bé quăng con cá xuống hồ nước.
    - Thôi em không câu cá nữa đâu. Chẳng thích thú gì khi lừa những con cá nhỏ bé vào bẫy.
    Chiều theo ý muốn của em, tôi đi trả lại hai cần câu rồi chúng tôi rời khỏi đảo.
    Nghĩ cô bé đã khát nước, tôi đến kiốt bán nước giải khát mua hai hộp kem. Em mở hộp kem, xúc một muỗng lớn đưa vào miệng rồi ngậm chặt đôi môi cho kem tan đi. Tôi nói :
    - Ăn kem kiểu đó coi chừng lạnh rụng răng.
    Cô bé nhếch môi cười.
    - Em muốn thử xem nó có làm em lạnh cóng không. A ! Có tiếng trẻ nô đùa. Chúng ta đến đó đi.
    Tôi dắt Uyên đi đến chỗ có chiếc đu quay khổng lồ chạy bằng điện. Trẻ em cùng cha mẹ đang ngồi trong những chiếc ***g sắt từ từ được đưa lên cao theo hình vòng tròng. Khi đu quay tạm ngừng, tôi mua hai vé, dắt cô bé vào ngồi trong ***g và gài chốt cửa lại. Chiếc đu từ từ quay lên cao...
    Lên đến đỉnh cao. Toàn cảnh mặt hồ phủ một màu hồng cánh sen vì mặt trời tròn đỏ sắp lặn sau những hàng cây xanh um. Tôi vỗ vai cô bé định chỉ cho em thấy cảnh đẹp đó nhưng may thay tôi đã kịp ngưng lại. Cô bé hỏi :
    - Ông muốn nói chuyện gì vậy ?
    - À... tôi muốn hỏi lên trên cao em có cảm thấy sợ không ?
    - Không. Lên trên cao em cảm thấy thoải mái vì không cần phải mang kính đen như ở dưới thấp.
    Cô bé gỡ chiếc kính đen đang đeo ở mắt gài lên đầu. Em nhìn thẳng phía trước và mỉm cười. Dưới hàng mi dài đen mượt, tôi thấy đôi mắt em tròn xoe chỉ một màu trắng đục. Tự dưng tôi ứa nước mắt và rủa thầm : Bố khỉ ông trời, một tên thợ vụng, ông đã nặn ra được một tác phẩm đẹp như vậy lại làm hư đôi mắt. Thật uổng cho óc sáng tạo của một đấng tối cao !
    - Ông có nhìn thấy mùa xuân không ?
    Tôi vội chùi nước mắt và trả lời câu cô bé hỏi :
    - Còn một tuần nữa mới đến Tết mà.
    - Ông không nhận ra mùa xuân đã đến rồi à. Trời xanh hơn. Không khí trong lành hơn. Những lá cây cũng tỏa hương thơm như những đóa hoa. Và trái tim chúng ta cũng đập nhanh hơn.
    Tôi cười nói :
    - Bây giờ tôi mới biết mình như con cá nhỏ đã bị em lừa vào "bẫy".
    - Bẫy nào đâu ?
    - Tôi cứ tưởng em không trông thấy gì, không ngờ em đã thấy tất cả.
    - Mắt em có trông thấy gì đâu ?
    - Em không nhìn bằng mắt mà nhìn bằng trái tim.
    Cô bé thở dài.
    - Sống cô đơn không bạn bè như em, trái tim bị teo lại chỉ bé bằng hạt tiêu.
    - Chính vì vậy nó đã làm tôi "cay" chảy nước mắt.
    Chiếc đu quay từ từ ngừng lại. Cô bé lấy kính đen đeo lên mắt. Tôi mở cửa ***g sắt dắt em ra.
    Trời tối dần. Ðèn trong khu giải trí đã bật sáng. Gió thổi mạnh từ mặt hồ lên mát rượi. Chúng tôi im lặng đi bộ bên nhau trên con đường trải đá lổn nhổn. Cô bé bị trượt chân suýt ngã. Tôi vội cầm lấy tay em dắt đi và em dựa sát đầu vào cánh tay tôi. Mái tóc em ấm như một nụ hôn. Một vài người di dạo nhìn chúng tôi chắc nghĩ chúng tôi là một đôi tình nhân đang hạnh phúc. Bố khỉ thiên hạ, quí vị luôn luôn nghĩ không đúng về những người khác.
    Nhưng có thật họ nghĩ không đúng về chúng tôi không?
    [​IMG]
    Cùng nhau vươn lên trong Buồn đau và Hạnh phúc
  3. CaChep

    CaChep Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    1.010
    Đã được thích:
    0
    Gặp nhau giữa đám đông
    Sống trên đời, nếu bạn làm được nghề bạn ưa thích thì thật hạnh phúc, giống như bạn lấy được người mà bạn thương yêu. Nhưng sống trên trái đất ở giữa thì tròn hai đầu hơi méo, bạn cũng đừng đòi hỏi mọi chuyện phải tròn vo. Nếu bạn phải làm nghề bạn chưa ưa thích, bạn cứ yêu nghề đi, nghề sẽ "yêu" lại bạn. Ðối với người bạn chưa yêu cũng vậy.
    Bạn không tin ư ? Tôi xin đưa ra một ví dụ để chứng minh.
    Cách đây mười bốn năm, khi còn dạy học ở một tỉnh miền Trung, tôi đã ra cho học sinh một đề tài luận văn : "Em hãy chọn một nghề em mong ước và cho biết lý do". Tôi đã xúc động khi đọc bài làm của Mai. Em là học sinh duy nhất trong lớp mong ước nghề dạy học. Em đã đưa ra những lý do thật cao quí khiến tôi lần đầu tiên cảm thấy nghề mình đang theo đuổi cao quí thật !
    Ðến giữa năm học lớp 12, Mai đột nhiên bỏ học. Em đã nhất quyết lấy người mình yêu, mặc cho gia đình ngăn cấm. Sau đó, em theo chồng về miền Nam sinh sống và tôi bặt tin em.
    Tôi biết trái tim có lý lẽ riêng của nó, nhưng tôi vẫn tiếc cho Mai. Em là một học sinh thông minh, luôn luôn đứng hạng nhất, nhì trong lớp. Nếu em không bỏ học và sau này làm nghề dạy học như em mong ước, chắc em sẽ giúp ích cho nhiều người.
    Cũng có thể chính tôi đã sai lầm. Em đã biết nắm bắt ngay tình yêu khi nó đến. Còn tôi cứ để nó trôi qua rồi nuối tiếc, ích gì ? Trong một đời người đã chắc gì tình yêu (như thần tài) gõ cửa lần thứ hai.
    Vào ngày ngăn sông Ðồng Nai tạo dòng thủy điện, tôi đã theo đoàn báo chí lên Trị An để viết bài tường thuật. Tôi không ngồi ở khán đài mà lẫn trong đám đông công nhân để hỏi chuyện. Nghe những chuyện họ kể, bài viết của tôi sẽ có nhiều chi tiết lý thú hơn là nghe những bài diễn văn.
    - Chào thầy.
    Tôi giật mình quay qua nhìn cô gái đứng kế bên. Tôi đã bỏ dạy học và chuyển hộ khẩu về thành phối hơn mười năm. Chẳng mấy người biết nghề cũ của tôi. Có lẽ tại cái kính cận bốn độ tôi đang mang khiến cô gái này nhận lầm tôi với một ông giáo làng.
    - Thầy quên em rồi sao ? Em là Mai.
    Trời đất ! Cô học trò cũ của tôi đây ư ? Tôi thật sự không nhận ra em. Khuôn mặt học trò với đôi mắt liếng láu ngày xưa đã biến mất, thay vào đó là một khuôn mặt rám nắng với đôi mắt cương nghị. Tôi lúng túng nói :
    - Tôi xin lỗi. Em thay đổi nhiều quá.
    - Em đâu có sửa mắt, sửa mũi mà thầy nhận không ra. Còn thầy chẳng có gì thay đổi. Em đã nhận ra thầy ngay từ xa.
    - Tôi cũng thay đổi nhiều chứ. Em không nhìn thấy tóc tôi bạc rồi à.
    Mai che miệng cười.
    - Nhưng tướng thầy trông vẫn lù khù như xưa. Thầy chuyển về dạy học ở gần đây ?
    - Không. Tôi đã chuyển qua làm báo. Còn em làm gì ở đây ?
    - Công nhân lái máy ủi đất.
    Tôi trợn mắt nói :
    - Em lại đùa rồi.
    Mai cười :
    - Em đã nói thầy không thay đổi mà, kể cả đầu óc.
    Vừa lúc đó tiếng pháp lệnh nổ vang làm chúng tôi giật mình. Mai nói vội vã :
    - Thầy đợi em ở đây. Em còn nhiều chuyện muốn nói với thầy.
    Mai cùng một số công nhân nữa chạy đến bãi đậu xe cơ giới ở bên bờ sông. Em leo lên một chiếc xe có cắm lá cờ đuôi nheo màu đỏ. Cả đoàn xe rồ máy tiến lên giữa tiếng hoan hô vang dậy. Những khối đất, đá, bê tông được đổ ào ạt xuống cửa khẩu. Nước sông bắn lên trắng xóa lẫn trong đám bụi đỏ bay mờ mờ. Không khí náo nhiệt như một ngày hội lớn. Tiếng động cơ rầm rú, tiếng còi xe hòa với tiếng vỗ tay reo hò. Tôi không còn nhận ra chiếc xe nào Mai đang lái giữa đoàn xe đang tiếng lên nhịp nhàng.
    Hai giờ sau, con đê ngăn sông đã xong. Các xe cơ giới trở về bãi đậu ở hai bên bờ. Ðoàn xe con chở đại biểu từ từ đi qua con đê vững chắc. Theo sau là đoàn người đi bộ nhảy múa vui mừng.
    Tôi đứng lại một mình trên đồi lởm chởm những tảng đá, không một bóng cây. Nắng chói lòa làm mắt tôi hấp háy. Mai từ dưới đồi đi lên. Áo em dính đầy bụi đỏ. Em cầm chiếc mũ nhựa màu vàng quạt quạt khuôn mặt đẫm mồ hôi. Chúng tôi đi đến ngồi ở một tảng đá gần bờ sông. Mặt nước còn ngầu đục vì đất, cát vừa đổ xuống. Mai ném một hòn đá xuống sông, chăm chú nhìn những vòng tròn đang lan ra.
    - Lúc nãy em nghĩ có nhiều chuyện cần phải bày tỏ với thầy. Bây giờ lại chẳng thấy cần thiết, như con sông kia giờ đã đổi dòng.
    Không phải lúc nào người ta cũng dễ dàng giải bày tâm sự. Tôi tránh hỏi Mai về chuyện cũ mà hỏi về đội máy ủi của em đã thi công xây dựng đập thủy điện Trị An.
    - Thầy định đưa em lên báo à. Thôi em sợ lắm.
    - Em có yêu thích nghề hiện nay hay chỉ vì hoàn cảnh bó buộc ?
    - Thầy biết tánh em rồi, nếu không yêu thích, em bỏ ngay.
    - Thế sao ngày xưa em lại mong ước làm cô giáo ?
    Mai thở dài, đưa hai tay vuốt mái tóc ngắn về sau gáy :
    - Em đã định không nói, nhưng thôi, để em kể cho thầy rõ. Ngày ấy, em ước mơ làm cô giáo vì đi học về em tập tành dạy học. Gia đình em có nhiều ruộng đất nên ba em thuê thợ làm rất đông. Ða số họ đều đọc viết chưa rành, mỗi tối em bỏ chút thì giờ dạy họ học. Thấy mỗi khi hiểu biết được một điều mới lạ, mắt họ sáng lên em rất sung sướng.
    Trong số người học đó có anh Ðịnh, thợ lái máy cày thuê cho ba em. Anh học rất chăm chỉ và thường nhờ em chỉ vẽ thêm. Bù lại, anh Ðịnh đã dạy em học lái máy cày. Trong một buổi tập, em ngồi ở buồng lái, còn anh Ðịnh đứng ở dưới hướng dẫn xe quẹo phải quẹo trái. Ðể xe tránh ủi vào bờ ruộng của người khác, em đã quẹo xe quá gắt, không làm chủ được tay lái, chiếc xe đã chồm lên tông vào anh Ðịnh.
    Gia đình em đã hết lòng lo thầy thuốc cho anh Ðịnh, nhưng bàn chân phải của anh vẫn bị cưa. Ba em đã bồi thường một số tiền lớn để anh có vốn sinh sống. Riêng em vẫn áy náy. Em muốn được săn sóc anh để chuộc lại lỗi lầm. Vì vậy em đã theo anh Ðịnh về quê của anh, mặc cho gia đình em ngăn cấm.
    Tụi em làm ruộng được một năm thì đến ngày giải phóng. Em xin vào hợp tác xã làm công việc lái xe máy cày. Lúc đầu anh Ðịnh không cho, viện lý do em sẽ lại tông vào người khác. Em nói đâu phải mỗi lần tông một người là người đó sẽ thành chồng em. Anh Ðịnh cười nhưng chắc bụng không vui.
    Khi xí nghiệp xây dựng thủy điện tuyển người, em xin vào lái xe ủi đất. Anh Ðịnh không cho, nhưng em cứ nhất quyết đi làm và tụi em đã cãi nhau. Em hiểu vì cái chân, anh Ðịnh chỉ muốn quanh quẩn ở nhà, nhưng em lại muốn đi xa. Em rất buồn khi biết anh Ðịnh làm đơn ly dị. Cũng may, tụi em chưa có con nên mọi chuyện cũng dễ dàng thôi.
    Mai ngừng nói, lượm một hòn đá quăng xuống nước. Tôi châm một điếu thuốc rồi hỏi :
    - Vì chiếc xe máy cày em lấy chồng, rồi vì chiếc xe máy ủi em xa chồng. Em có hấp tấp quá không ?
    - Lần đầu thì có. Em đã sai lầm khi nghĩ tình yêu là một sự trả ơn hay chuộc lại lỗi lầm.
    - Còn bây giờ, em phải nghĩ đến đôi chân của Ðịnh chứ.
    - Anh ấy cũng phải nghĩ đến đôi chân của em.
    Tôi biết, cãi tay đôi với cô học trò này, tôi luôn luôn thua. Tôi còn nhớ có lần giảng một bài thơ trong lớp, tôi nói hoa hồng thường được ví với người đẹp. Mai đã đứng dậy hỏi :
    - Thầy có thích hoa hồng không ?
    - Thích chứ, vì ngoài vẻ đẹp, hoa hồng còn có gai.
    - Thầy không sợ bị gai chích à ?
    Cả lớp cười ồ lên. Tôi cố giữ bình tĩnh trả lời :
    - Những cái gai làm bông hồng đẹp hơn. Như người đàn bà đẹp có thêm óc thông minh.
    - Thầy ví von thật lạ. Óc thông minh mà là những cái gai ?
    - Phải. Vì nó tự bảo vệ được mình và đôi khi làm người khác đau nhói.
    Mai đứng im một lúc, rồi nói :
    - Thật may. Tên em là loài hoa không gai.
    Bây giờ nghe Mai kể chuyện, tôi nghĩ em là một bông hồng có rất nhiều gai.
    - Thầy có điều gì khuyên bảo người học trò cũ không ?
    Tôi ngồi im lặng. Người học trò biết ơn thầy là người phải vượt qua ông thầy của mình. Theo câu danh ngôn đó, Mai đã vượt qua tôi. Không phải vì em to đầu hơn tôi mà là em có trái tim lớn hơn tôi. Vậy làm sao tôi có thể khuyên bảo em ?
    Nếu bạn biết điều gì khuyên bảo, xin bạn hãy viết thư cho Mai. Tôi tin cô ấy sẽ rất nhớ ơn.
    [​IMG]
    Cùng nhau vươn lên trong Buồn đau và Hạnh phúc
  4. CaChep

    CaChep Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    1.010
    Đã được thích:
    0
    Mai 15
    Năm ấy chúng tôi cùng học chung lớp 9. Mai giỏi văn, còn tôi giỏi đá banh bàn. Mai đã đứng nhất trường trong một kỳ thi văn có cả anh chị lớp 10, 11, 12 tham dự. Còn tôi, cũng đứng nhất trường trong các cuộc thi đá banh bàn với các anh lớp trên. Chúng tôi thân nhau không phải vì hai người đều "nhất". (Hai người nhất như hai đường tàu chạy song song biết đến bao giờ mới gặp nhau). Chúng tôi thân nhau vì gặp gỡ thường xuyên.
    Mỗi ngày ngoài 4 giờ học chung trong lớp, tôi thường gặp Mai ở nhà của bạn ấy. Nhà Mai có cho thuê những bàn đá banh "ngon" nhất phố. Ðấy là lý do khiến tôi thường đến nhà Mai.
    Một buổi chiều, không có đồng xu dính túi, tôi vẫn đến nhà Mai. Một phần vì "ghiền" xem đá banh bàn, một phần nghĩ sẽ "câu độ" em nào dại dột mời tôi thi đấu.
    Mai ngồi ở trước chiếc bàn có để hộp đựng giơ tông ở trước mặt. Tóc Mai kết thành hai bím, cột nơ màu tím nhạt. Mai đang cúi đầu lẩm bẩm học bài. Trong phòng vắng người. Bốn bàn đá banh chưa có khách đến chơi. Tôi đến nắm một cây sắt có gắn hình những cầu thủ bằng gỗ, giựt manh. Mai ngẩng đầu nhìn :
    - Trịnh không ở nhà ôn bài ? Sáng mai thi rồi !
    Tôi giật một cây sắt cho cầu thủ đá một trái banh tưởng tượng rồi trả lời.
    - Sáng mai thi, tối học cũng kịp.
    - Trịnh học kiểu đó coi chừng ở lại lớp.
    - Không lên lớp năm này sang năm lên, học cũng từng ấy bài. Có thiếu bài nào đâu mà lo !
    - Trịnh đừng nói bướng. Ở lại một năm rồi sẽ ân hận.
    Vừa lúc đó có một anh học lớp 12 cùng trường với tôi bước vào. Anh đến bên Mai nói nhỏ gì đó và Mai hét lên :
    - Tôi không quen anh. Anh đi đi cho tôi học.
    Anh học sinh đỏ mặt nói :
    - Cô bé chăm chỉ quá nhỉ. Nhưng anh đến đá banh bàn được chứ ?
    Rồi anh lấy tay ngoắc ngoắc tôi.
    - Em đá với anh một bàn cho vui.
    - Không anh em gì cả. Ðá đồng chịu không ?
    - Cậu khá lắm. Ðá một chầu cà phê đá, chịu không ?
    - Không. Ai thua người đó ra khỏi quán.
    Anh học sinh cười :
    - Anh cũng đang mong vậy.
    Tôi đến lấy một đồng giơ tông thảy vào hộp đựng banh, giựt mạnh. Chín trái banh gỗ lăn ra. Tôi đặt một trái ở vòng tròn đỏ giữa mặt bàn màu xanh và bắt đầu giao bóng. Chúng tôi thi đấu rất căng thẳng. Không ai còn để ý đến Mai. Kết quả 3-6. Dĩ nhiên phần thắng nghiêng về tôi. Anh học sinh lững thững bước ra khỏi quán. Tôi đến chỗ Mai ngồi khẽ nói :
    - Cho tôi thiếu một đồng giơ tông.
    - Mai tặng Trịnh đó. Mai chỉ sợ Trịnh thua và hắn sẽ ở lại đây. Ðợi Mai pha đá chanh uống nghe.
    - Thôi cám ơn. Tôi về để Mai học thi.
    - Nhớ thứ năm đến dự sinh nhật Mai.
    Buổi tối tôi đang ngồi ôn bài, bác tôi đến chơi. Ông vỗ đầu tôi khen chăm học và hỏi :
    - Lớn lên cháu muốn làm gì ?
    Tôi phân vân vì câu hỏi đột ngột. Ba tôi nhắc khéo :
    - Con muốn làm bác sĩ hay kỹ sư ?
    Rồi mẹ tôi nhắc khéo :
    - Hay con muốn làm giáo sư ?
    Tôi buột miệng đáp :
    - Con muốn làm chủ tiệm cho thuê đá banh bàn và có bạn Mai ngồi bán giơ tông.
    Ba tôi thở dài, má tôi thở dài và bác tôi cũng thở dài :
    - Hoài bão của cháu bé nhỏ và tầm thường quá. Ðời cháu rồi sẽ khổ.
    Ðến ngày sinh nhật Mai, mấy đứa bạn trong lớp đều lo mua quà tặng. Ðứa mua cây viết máy, đứa mua hộp bánh bích qui, đứa mua tấm ván thông có khắc hình cây nến... Tôi chẳng biết mua tặng Mai quà gì đặc biệt. Tôi nhớ đã học lén một quyển tiểu thuyết của chị Hai trong đó tả đôi trai gái đã tặng nhau trái trim của họ (chứ không phải của người khác). Tôi cũng muốn tặng Mai trái tim của tôi. Nhưng nếu tặng Mái trái tim của tôi thì làm sao tôi còn sống được ? Tôi đem thắc mắc ấy hỏi chị Hai. Chị cú đầu tôi đau điếng và nói :
    - Mày ngu lắm. Ðấy là người ta nói theo nghĩa bóng. Chứ ai ngu gì tặng người khác trái tim thật của mình.
    Tôi không đủ thông minh để hiểu nghĩa bóng. Tôi chỉ hiểu nghĩa đen. Vì vậy tôi đã giết con gà mái tơ của tôi, lấy trái tim gà luộc chín bỏ vào hộp gói giấy bóng đỏ, đem đến tặng Mai.
    Trong buổi tiệc sinh nhật vui vẻ đó, khi mở hộp quà của tôi. Mai đã hét to lên. Không biết bạn ấy quá sung sướng hay sợ hãi. Riêng tôi phải chạy ra khỏi nhà vì hai lỗ tai bị lùng bùng nhức buốt.
    Cuối năm học, Mai thi đậu lên lớp 10. Tôi thi rớt vì hai lỗ tai lùng bùng đã nghe sai những lời thầy dạy. Con gái 15 đúng là khôn hơn con trai cùng tuổi. Ở lại lớp một năm, tôi đã phải ân hận. Tôi không đuổi kịp Mai trên đường học vấn cũng như trên đường đời. Bạn ấy luôn luôn đi trước tôi một năm.
    Bây giờ tôi đã hai lần tuổi 15. Bác tôi đã chết. Tôi không thể gặp ông để cùng góp tiếng thở dài.
    - Hoài bão cháu nhỏ bé vậy mà cháu chỉ thực hiện được một nửa. Nếu ngày xưa cháu nuôi hoài bão lớn và chỉ thực hiện được một phần trăm thì đỡ khổ vô cùng.
    Vâng hiện nay tôi đã là chủ tiệm cho thuê một bàn đá banh để cải thiện đời sống. Nhưng người ngồi bàn giơ tông không phải là Mai mà là chính tôi sau những giờ làm việc ở xí nghiệp.
    Nếu bạn có thắc mắc hỏi : "Mai 15, bây giờ ở đâu?". Tôi xin thưa : Mai mãi mãi sống trong trái tim (gà) của tôi.
    [​IMG]
    Cùng nhau vươn lên trong Buồn đau và Hạnh phúc
  5. Gorillaz

    Gorillaz Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    11/09/2001
    Bài viết:
    2.219
    Đã được thích:
    0
    Cá chép và cá vàng là 1 hay 2 thế kia? Toàn là cá gửi những bài này thế nhỉ! Các bác là các bác ko sợ sao? Ví dụ tình iêu toàn là over 18.. với under 18.... hì hì.... ko wen là fải rùi... fai học hành chứ! Thế nó mới đẹp hơn! Những câu chuyện đầu của bác Cá vàng đọc... buồn cuời thệit á! hihi! Chuyện của đồng chí Quynhnguyễn.... em ko có comment gì cả!
    N
    Anh hoà ta tức.
    I'm not like them, but I can pretend.
    The sun is gone, but I have a light.
    The day is done, but I'm having fun.
    I think I'm dumb or maybe just happy...think I'm just happy.

Chia sẻ trang này