1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những vụ án nghiêm trọng gần đây: Nguyên nhân và biện pháp hạn chế bằng cách giáo dục trẻ trong gia

Chủ đề trong 'Khoa học Pháp lý' bởi Vananh13, 03/01/2016.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Vananh13

    Vananh13 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/01/2016
    Bài viết:
    18
    Đã được thích:
    0
    Như chúng ta đã thấy, gần đây có rất nhiều những vụ án nghiêm trọng xảy ra, mà những kẻ gây án có tuổi đời còn rất trẻ. Đã có nhiều phân tích chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng phạm tội ở lứa tuổi này, có thể tổng kết lại các nguyên nhân chính sau:

    - Do tiêm nhiễm từ các trò chơi bạo lực;

    - Do tác động của lối sống tranh đoạt, hưởng thụ vật chất, thói quen tiêu xài, hưởng thụ ở giới trẻ;

    - Do văn hóa xuống cấp, lối sống lệch lạc, đạo đức suy đồi

    - Do tâm lý không ổn định, không làm chủ được mình khi gặp những cú sốc tình cảm, cái ác trỗi dậy chế ngự cảm xúc, hành động của bản thân.

    Mới nghe, chúng ta cảm thấy đây là những nguyên nhân khách quan nằm ngoài khả năng của mỗi cá nhân, muốn loại bỏ được thì cần phải có sự chung tay của cả xã hội. Thế nhưng, thực ra những nguyên nhân này lại có mối liên hệ với những gì chúng ta giáo dục trẻ từ khi còn nhỏ, thông qua những điều chúng ta cho trẻ tiếp xúc, nghe thấy, nhìn thấy hằng ngày. Nếu những bậc làm bố, làm mẹ dành thời gian cho con, xem xét lại cách giáo dục trẻ, rất nhiều vấn đề có thể được giải quyết ngay trong gia đình và sẽ ít nhiều hạn chế được những vụ việc tiêu cực tương tự có thể xảy ra trong xã hội. Hãy cùng đi sâu hơn vào từng vấn đề để thấy được bằng cách giáo dục chúng ta có thể hạn chế được những nguyên nhân này như thế nào.

    Thứ nhất: Do tiêm nhiễm từ các trò chơi bạo lực

    Điều này đã quá rõ ràng. Nhìn vào bất cứ cửa hàng đồ chơi nào hiện nay, chúng ta cũng thấy bày bán tràn lan những đồ chơi bạo lực như dao, kiếm, xe tăng, tên lửa, máy bay, súng, đạn … Cứ đến những dịp tết cho trẻ như 1/6 hay tết Trung Thu thì càng có nhiều phiên bản mới của các loại đồ chơi kiểu này xuất hiện.

    [​IMG]

    Thêm vào đấy, những trò chơi điện tử, các chương trình giải trí, phim ảnh cũng có rất nhiều nội dung mang tính bạo lực. Những người làm ra các trò chơi, chương trình này chỉ quan tâm đến việc thu hút nhiều người chơi, nhiều người theo dõi từ đấy đem lại doanh thu quảng cáo lớn chứ giáo dục trẻ không phải là mục đích của họ.

    Tuy nhiên, bằng cách quan tâm nhiều hơn đến con, bố mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ tránh xa những thứ giải trí có hại này. Thay vì mua các loại đồ chơi bạo lực ở trên, bố mẹ nên cho con chơi các đồ chơi có tính giáo dục. Nếu bỏ thời gian tìm hiểu, bố mẹ sẽ thấy rằng hiện nay có không ít các loại đồ chơi giáo dục trên thị trường.

    Với trò chơi điện tử, đây là vấn đề đau đầu với không ít các bậc làm cha mẹ. Những trò chơi điện tử không chỉ có tính bạo lực mà còn có tính gây nghiện rất cao. Do đó, cách tốt nhất để trẻ không ham những trò gây nghiện này là không cho trẻ chơi ngay từ đầu. Thay vào đấy hãy tìm những chương trình vi tính vừa có tác dụng giải trí, vừa là bài học trí tuệ cho trẻ. Nếu ai còn băn khoăn về lựa chọn này thì cũng nên biết là cho đến nay, chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào khẳng định các trò chơi điện tử tốt cho trí não con người ngoài mục đích giải trí, trong khi những tác hại của nó thì đã thấy rất rõ.

    Về các chương trình giải trí khác như phim ảnh, ti vi, bố mẹ nên lựa chọn những chương trình và thời gian xem phù hợp cho trẻ. Không nên cho trẻ xem quá 1 tiếng mỗi lần, và hơn 2 lần mỗi ngày. Nên tránh trường hợp cả gia đình từ ông bà, bố mẹ, con cháu đều xem một chương trình, trừ trường hợp đấy là chương trình dành cho trẻ em. Bố mẹ phải chắc chắn rằng những chương trình con xem phù hợp với lứa tuổi của trẻ cho dù đấy là phim hoạt hình, ca nhạc hay hay bất kỳ chương trình giải trí nào.

    [​IMG]

    Thứ hai: Do tác động của lối sống tranh đoạt, hưởng thụ vật chất, thói quen tiêu xài, hưởng thụ ở giới trẻ

    Đúng là hiện nay giới trẻ có lối sống phô trương, nặng về vật chất, nhưng lối sống, lối suy nghĩ này từ đâu mà có? Chính là từ trong môi trường sống hằng ngày mà trẻ tiếp xúc. Có rất nhiều sự việc quanh ta vô tình tạo cho trẻ lối suy nghĩ vật chất này.

    Đầu tiên phải nói đến là “Văn hóa phong bì” ngày càng lan tràn trong cuộc sống. Tất cả mọi lễ nghĩa ngày nay gần như đều gắn với cái phong bì. Đám cưới cũng phong bì, đám ma cũng phong bì, rồi phong bì mừng nhà mới, phong bì thăm người ốm, phong bì thăm thầy cô giáo, ngay cả sinh nhật đứa trẻ 1 tuổi thì quà tặng cũng là phong bì…

    [​IMG]



    Tiếp đến là việc lì xì cho trẻ đầu xuân. Chưa biết tập tục lâu đời này có những điểm hay gì nhưng chắc chắn là nó đã tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với tiền bạc.

    Ngoài ra, hằng ngày trẻ thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều với các câu chuyện tiền nong đang vô cùng phổ biến như thể là mốt hiện nay, kể cả ở nhà hay ngoài xã hội. Ở nhà thì bố mẹ ông bà bàn chuyện công việc, làm ăn; Ngoài xã hội thì toàn những câu chuyện phiếm liên quan đến mua bán đất đai, đầu tư, lãi lỗ… dù cho những người tham gia là thanh niên trẻ măng hay ông bà già bảy, tám mươi tuổi.

    Rồi đến các phương tiện thông tin đại chúng cũng không nằm ngoài trào lưu trên. Mở trang báo nào ra, chúng ta cũng thấy không ít các bài báo giật tít kiểu như: “Đại gia bí ẩn giàu nhất Việt Nam”, “Thiếu gia điển trai nhà siêu giàu”, “Gia thế giàu có của diễn viên A”, “Dàn siêu xe của thiếu gia B”… Với nội dung chủ yếu là đề cập đến mức độ giàu có, chịu chơi của những nhân vật này chứ không phải là tôn vinh những nỗ lực làm giàu của họ.

    Tất cả những hiện tượng trên chỉ có thể rút ra kết luận là cả xã hội hiện nay đang tôn vinh giá trị của tiền bạc, tôn vinh sự giàu có. Một khi người lớn chúng ta còn đang vật chất hóa đời sống của mình thì chúng ta không thể trách trẻ nhỏ được. Không có tấm gương nào phản chiếu tốt bằng những tấm gương quanh mình. Vì vậy, để thay đổi lối sống của trẻ thì chính chúng ta phải thay đổi lối sống, lối nghĩ của mình trước. Mỗi người thay đổi thì xã hội mới thay đổi được.

    Với những phong tục, tập quán chưa đẹp, chưa đúng, chúng ta phải dũng cảm thay đổi. Trong trường hợp chưa thay đổi được ngay thì hãy cố gắng để những tập tục này không ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm lý của trẻ.

    Người lớn cũng nên tôn trọng sự có mặt của trẻ. Không phải chuyện gì cũng nói trước mặt trẻ được, đặc biệt là chuyện tiền nong. Đừng nghĩ rằng trẻ còn nhỏ nên không biết gì, mà ngược lại, trẻ càng nhỏ thì người lớn xung quanh lại càng phải giữ gìn lời ăn tiếng nói.

    Ngoài ra, cũng đã đến lúc xã hội cần xem xét xem giá trị vật chất có đáng được tôn vinh như thế hay không. Mặc dù cuộc sống không thể thiếu vật chất, nhưng con người ta không cần quá giàu để sống. Thực tế đã chứng minh rằng không phải cứ giàu có là hạnh phúc, thậm chí khi quá giàu có, cái bất hạnh lại đến nhiều hơn. Thay vào đấy xã hội cần tôn vinh các giá trị khác trong cuộc sống. Hiện nay, trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam đang phát sóng chương trình “Việc tử tế”. Thiết nghĩ, những chương trình như thế nên được nhân rộng hơn nữa.

    Thứ 3: Do văn hóa xuống cấp, lối sống lệch lạc, suy đồi, đạo đức suy thoái

    Không thể phủ nhận xã hội ngày nay có nhiều vấn đề tiêu cực bủa vây cuộc sống của mỗi người. Ví dụ như tệ nạn xã hội; lối làm ăn chụp giật, gian dối, cạnh tranh không lành mạnh; hay những mẫu thuẫn trong gia đình, hàng xóm, láng giềng…

    [​IMG]

    Ngay như trong sinh hoạt hàng ngày, nhiều người còn cho rằng nói tục chửi bậy không có nghĩa là nghĩ bậy, làm bậy. Thực tế là lời nói luôn đi kèm theo hình ảnh. Lời nói hay, lời nói đẹp sẽ đi kèm theo hình ảnh đẹp và ngược lại. Nếu trẻ em hằng ngày tiếp xúc với môi trường nói tục, chửi bậy thì chắc chắn cũng sẽ có lối nghĩ tiêu cực, và dần dần những suy nghĩ này sẽ thấm vào trong tính cách của chúng.

    Như vậy, văn hóa xuống cấp không ở đâu xa mà ở chính trong lời ăn tiếng nói, trong cách ứng xử hàng ngày của mọi người xung quanh trẻ. Nếu những bậc bố mẹ, ông bà biết giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh cho con trẻ; không nói tục, chửi bậy; không kể những câu chuyện tội ác như giết người, cướp của… trước mặt trẻ, thì đã hạn chế đáng kể ảnh hưởng của những mặt tiêu cực trong xã hội đến việc hình thành nhân cách của trẻ rồi.

    Thứ 4: Do tâm lý không ổn định, không làm chủ được mình khi gặp những cú sốc tình cảm, cái ác trỗi dậy chế ngự cảm xúc, hành động của bản thân.

    Bất ổn tâm lý không chỉ là vấn đề của tuổi trẻ, mà của bất kỳ lứa tuổi nào. Quan trọng là khả năng làm chủ cảm xúc và thoát ra khỏi trạng thái đấy tiêu cực đấy như thế nào.

    [​IMG]

    Có rất nhiều vụ án mà kẻ tội phạm biết trước những rủi ro, hậu quả có thể gặp phải, nhưng vẫn thực hiện bằng được tội ác của mình. Điều đấy chỉ có thể lý giải rằng, chúng không biết yêu thương bản thân mình, sẵn sàng đánh đổi bản thân để thực hiện bằng được hành động đã vạch ra.

    Do đó, để khắc phục hiện tượng này, mỗi người cần được giáo dục để biết yêu thương bản thân mình ngay từ khi còn nhỏ. Có thể khẳng định là với mỗi con người thì bản thân bao giờ cũng quan trọng nhất, không gì có thể so sánh được. Cho dù làm bất kỳ việc gì thì mục đích cao nhất vẫn là vì mình mà thôi. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu được điều này.

    Vậy, làm sao để mỗi người chúng ta thấu hiểu được điều hiển nhiên này? Đấy chính là tình yêu thương mà bố mẹ dành cho con ngay từ khi còn nhỏ. Tình yêu của bố mẹ sẽ cho trẻ thấy mình quan trọng như thế nào trong thế giới này, từ đấy trẻ sẽ yêu bản thân và không chấp nhận đánh đổi bản thân mình với bất cứ ai, bất cứ thứ gì. Đến khi trưởng thành, hiểu biết hơn, với những người biết yêu thương bản thân thì dù có xảy ra bất trắc gì đi nữa, họ cũng sẽ đặt lên bàn cân những hơn thiệt và chắc chắn sẽ không làm gì phạm pháp để tự gây hại cho mình.

    Tóm lại, ở thời kỳ nào thì trách nhiệm đầu tiên trong việc dạy dỗ con trẻ đều thuộc về cha mẹ sau đấy mới đến xã hội. Xã hội càng văn minh thì trách nhiệm của cha mẹ càng được san sẻ nhưng xã hội sẽ không bao giờ thay thế được vai trò của cha mẹ. Nếu phó mặc hoàn toàn con trẻ cho xã hội thì không thể mong chờ chúng trở thành con người có nhân cách tốt được.

    Nếu dành đủ tình yêu thương cho con, dành thời gian chăm sóc, giáo dục con đúng cách, bố mẹ hoàn toàn có thể xây dựng cho con một nhân cách tốt, dù cho hoàn cảnh xã hội khắc nghiệt như thế nào đi chăng nữa. Từ đấy, không chỉ con trẻ lớn lên biết sống có ích cho mình, cho gia đình mà xã hội cũng bớt đi những hiện tượng tiêu cực.

    Theo Hải Minh (Congioilam.com)
    http://congioilam.com/cuocsongdoday...hạn-chế-bằng-cách-giáo-dục-trẻ-trong-gia-đình

Chia sẻ trang này