1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

NỖI ĐAU (đặc biệt đối với người PT và Lâm Thao)

Chủ đề trong 'Phú Thọ' bởi canhrausan, 02/11/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. ac/dc

    ac/dc Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    06/04/2002
    Bài viết:
    122
    Đã được thích:
    0
    Nhà mình cũng mất một người họ hàng vì ung thư. Không chỉ Thạch Sơn mà xung quanh nhà máy và nhiều người làm trong đó cũng bị mắc chứng bệnh này. Bố mình làm trong nhà mày vài ba năm rồi cũng phải xin chuyển lên trường Cao đẳng Hóa Chất để dạy vì môi trường quá độc hại mà ông cụ lại yếu. Nhưng không thể phủ nhận những gì mà nhà máy mang lại, nó tạo ra một thị xã và một khu công nhân khá trú phú, bao nhiêu người có công ăn việc làm, chỉ buồn là trình độ kĩ thuật của nước mình còn thấp, quan niệm về bảo vệ môi trường lại quá kém cộng thêm cách làm ăn quan liêu nên thành ra dân mình khổ. Đọc mà buồn đến phát khóc nhưng thấy bất lực quá, chẳng biết làm thế nào.
  2. whynotmoney

    whynotmoney Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/10/2004
    Bài viết:
    706
    Đã được thích:
    1
    Lâu ngày k đăng nhập, nhưng đọc bài báo này tự nhiên thấy buồn và thương cảm nhiều quá. Chắc bạn nào ở đất Lâm Thao cũng đều biết đến nhà máy phân lân SPPP. Những ngày còn là sv năm 3 được thực tập tại nhà máy nên cũng hiểu qua một fần về quá trình vận hành. Với công nghệ đốt quặng pirit sắt (công nghệ cũ) hay đốt lưu huỳnh mới thì đều có nguồn phát thải là SO2 và SO3, nói vui vui là mỗi lần nhà máy thải hai chất độc hạng nặng theo định kì thì ăn cơm cũng phải đeo khẩu trang. Một loại hoá chất độc hại đến chuối cũng k thể sống được. Sau khi sản xuất được acid sunfuric thì chuyển sang làm fân lân. Ủ phân lân khoảng 19-20 ngày thì có thể đóng bao. Phải nói rằng nhìn cảnh nhưng người công nhân trong bộ phận đóng bao thì ít ai có thể quá 50 kg và dáng dấp chung của công nhân nhà máy là tương đối "yếu ớt". Ai cũng biết là độc hại nhưng sao vẫn phải làm. Vì cơ chế? vì đồng tiền? nói chung là vì tất cả. Nhưng coi thường tính mạng con nguời là k thể chấp nhận được. Như bạn canh rau sắn đã nói là quyết tâm kiện. Thực ra cơ chế ở VN mình chúng ta k thể bàn nhiều, nhưng vấn đề làm sao để đòi lại công bằng và fương hướng khả thi nhất trong điều kiện hiện nay?. Việc trước mắt mình nghĩ có thể làm ngay k fải là kiện để ai fải chịu án fạt mà là đòi quyền lợi cho người dân trong fạm vi bị ảnh hưởng phải được di dời và đảm bảo tương lai cho họ. Sau đó mới đòi hỏi nhà máy nâng cấp công nghệ và xử lý ô nhiễm tốt hơn. Nhưng quả thật sau khi tạo fân lân mà xử lý được chất thải là hợp chất của Flo thì quá khó. Mà đây là tiêu biểu cho loại chất độc mang tính "giết người" rất cao. Lợi ích của nhà máy ai cũng biết, đòi bỏ nó đi k thể được nhưng yêu cầu nó phải chịu trách nhiệm trước những nỗi đau thương tâm là hoàn toàn có thể. Kêu gọi ủng hộ bằng việc lập các trang web xin chữ kí điện tử gửi tới *************. Mấy bác thạo về tin học có thể làm giúp việc này. Khi tập hợp được lượng lớn chữ kí ủng hộ thì khả năng đòi quyền lợi cho những số fận thương tâm sẽ cao hơn rất nhiều. Có thể đây chỉ là một ý tưởng cá nhân, nên mong các bác cho thêm ý kiến.
  3. JohnSteve

    JohnSteve Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/03/2002
    Bài viết:
    1.261
    Đã được thích:
    0
    Tớ cũng quê ở Lâm Thao, cũng biết cái mùi của khí thải của nhà máy SPPT LM. Cũng biết nhiều người làm trong các dây truyền đóng gói bị ung thư. Nhưng quả thật cái xóm kinh hoàng kia thì không hề biết. Đến bây giờ đọc báo, xem truyền hình mới biết. Vì nhà tớ cách chỗ đó mười mấy cây số. Chất thải của nhà máy ra sông hồng chảy về đến làng tớ chắc không dưới 15 Km, cộng với dòng nước của sông đà nhập vào sông hồng cách nhà tớ khoảng 3-4 Km gì đó nên không có những thứ đột biến như thế xảy ra.
    Muốn đóng góp à? Nếu muốn sao những người sống cạnh khu đấy làng đấy không lên tiếng sớm hơn? Đến bây giờ, báo chí trung ương đã làm rùm beng. Đích thân bộ trưởng bộ tài nguyên & môi trường đã về làng đó (cách đây mấy ngày) để xem xét tình hình. Thì vấn đề dư luận, vấn đề nêu vấn đề lên cấp trên đã được giải quyết rồi. Chúng ta đem sang box báo chí tuyên truyền nữa đề làm trò cười cho thiên hạ hay sao?
    Rút kinh nghiệm lần sau, nếu bạn nào biết những hiện tượng như thế thì lên mấy tờ báo điện tử như Tuổi Trẻ, Nhân Dân ... viết ngay rồi phóng viên của người ta sẽ về điều tra, rồi ở trên sẽ nóng đít mà giải quyết. Còn trường hợp này, trên đã nóng quá rồi, đã về rồi. mình là người ở LM mà bây giờ mới nói thì nói làm gì nữa!
  4. hatxxihoi

    hatxxihoi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2004
    Bài viết:
    1.269
    Đã được thích:
    0
    Có lẽ biết thì đã biết, nhưng do chưa được biết trên diện rộng, hơn nữa muốn gây sức ép từ phía dư luận để các chóp bu có thể đề ra được biện pháp giải quyết nào đấy thật hợp lý nên các anh chị em box mình đang bức xúc tìm kiếm, bác John cứ bình tĩnh, biết đâu đấy? Tuy nhiên đây cũng chỉ là vấn đề mang tính chất địa phương, cho dù nó có nóng đến mấy thì cũng không thể so sánh với vụ kiện Dioxin được. Hiện tượng này cũng phổ biến ở các làng nghề (ví dụ như nghề làm sơn mài chẳng hạn), dù rằng mức độ độc hại của nó có nhẹ hơn.
  5. fool_girl

    fool_girl Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/09/2003
    Bài viết:
    225
    Đã được thích:
    0
    Nào,bạn canhrausan,liên lạc với bạn khó quá nhỉ.Bạn có muốn kiện tụng ko?
    Muốn đưa lên truyền hình ko ? Có ng` có thể giúp bạn đấy.
    Hãy đưa tớ bất cứ cái gì có thể liên lạc với bạn nhé.
    p/s:Ko cần nhắc,chắc bạn cũng thừa hiểu khi dính tới pháp luật,phức tạp thế nào rồi chứ.ko chơi thì thôi,nhưng khi đã chơi,phải chơi tới cùng...
  6. canhrausan

    canhrausan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/08/2005
    Bài viết:
    128
    Đã được thích:
    0
    Hix, truyền hình thì vừa mới đưa tin rồi còn gì. Vấn đề kiện tụng cần phải có trong tay nhiều chứng cứ, số liệu, và phải do gia đình nạn nhân trực tiếp kiện hoặc uỷ nhiệm cho một đơn vị, tổ chức đại diện như kiểu vụ dioxin ấy. Vấn đề là mình muốn các gia đình nạn nhân tập hợp lại và có một công ty luật nào dám làm.
  7. _anh_yeu

    _anh_yeu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/04/2004
    Bài viết:
    6.781
    Đã được thích:
    0
    Tớ đảm nhận việc liên lạc với Truyền hình. Theo thông tin tớ biết thì có PV của VTV đang thu thập tư liệu về chuyện này (Về chuyện đưa tin, vì khuôn khổ thời gian có hạn nên VTV chỉ đưa đến thế thôi, không nên trách cứ họ làm gì). Nếu các bạn tập hợp được đông người thì PM ngay theo nick này của tớ. Tớ cũng rất muốn làm được cái gì đó cho quê hương (quê Hạ Hòa, ngày trước cùng huyện Lâm Thao). Với lại, ông già tớ cũng mất vì bệnh ung thư cách đây 10 năm.
    Chờ tin của các bạn.
  8. canhrausan

    canhrausan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/08/2005
    Bài viết:
    128
    Đã được thích:
    0
    Lại thêm một bài báo nữa về Thạch Sơn, về ung thư
    http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2005/11/510055/

    --------------------------------------------------------------------------------


    Ai sẽ cứu "làng ung thư" Thạch Sơn?
    14:10 10/11/2005
    (VietNamNet) - ''''Ngoài đoàn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường và ngay sau đó là đoàn thầy thuốc của GS.Lê Thế Trung - Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, chưa có đoàn nào đến hỏi thăm và tặng thuốc cho những người đã khánh kiệt cả gia tài lẫn sức khỏe, đang chờ chết...''''- Bà Chủ tịch xã Thạch Sơn Trần Thị Thắng rưng rưng.

    GS.TSKH Lê Thế Trung thăm khám cho bệnh nhân ung thư vòm họng
    Nguyễn Văn Tam.

    Những tấm lòng làm vợi khốn khó bệnh tật...
    Chúng tôi quay trở lại Thạch Sơn (ngay sau hôm Bộ trưởng Mai Ái Trực đến thăm) cùng với GS.TSKH Lê Thế Trung - Chủ tịch Hội ung thư Hà Nội và lương y Đinh Thị Phiển (nổi tiếng với bài thuốc về cây xạ đen có tác dụng tiêu u hạch) với mục đích nhân đạo: khám bệnh, tìm cách điều trị phù hợp và tặng thuốc nhằm giúp đỡ bệnh nhân ung thư ở đây.
    Lương y Phiển cho biết, GS.Lê Thế Trung và bà đến thăm và tặng thuốc bệnh nhân với mong muốn góp phần giúp bệnh nhân hỗ trợ điều trị ung thư, giảm đau đớn, kéo dài sự sống.
    Vợ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối Nguyễn Văn Tam - bà Quản Thị Vệ khóc nức lên, bởi đã mấy tháng nay gia đình không biết chạy đâu ra tiền cứu chữa, phải đưa ông về nhà. Những liều thuốc gia truyền của lương y Phiển tặng chính là nguồn hy vọng mong manh để ông Tam tiếp tục sống thêm với người thân, dù ai cũng biết bệnh ông đã vào giai đoạn cuối...
    Bà chủ tịch xã Trần Thị Thắng cho biết, trước khi Bộ trưởng Bộ TN&MT đến thăm bệnh nhân ung thư ở Thạch Sơn, chưa hề có một ai tới thăm hỏi dân trong xã.
    Ngay cả ông Quản Văn Thạch, người bệnh đầu tiên trong làng được Bộ trưởng thăm và tặng quà cũng không giấu nổi cảm động vì suốt 4 năm nay, chỉ có ông và gia đình chống chọi với căn bệnh nan y này.
    Với những người bệnh ở Thạch Sơn, chuyến thăm hỏi hiếm hoi của vị Bộ trưởng và vị bác sĩ đầu ngành ung bướu của Hà Nội là một ''''sự kiện'''', một niềm an ủi rất lớn, khi họ và gia đình gia đình đã ''''bó tay'''' bởi gánh nặng của cả bệnh tật và kinh tế!
    Trước khi rời khỏi trụ sở UBND xã để tiếp tục ''''tận mục sở thị'''' làng ung thư Thạch Sơn, chúng tôi còn kịp nghe cuộc điện thoại của Sở Y tế Phú Thọ điện cho bà Chủ tịch xã: Lát nữa sẽ có một đoàn đến thăm và tặng quà cho... 1 gia đình bệnh nhân ung thư!
    Sống trên đất độc...

    Đồi Mon Dền, từng là nơi ở của 30 hộ dân, nay là nghĩa địa của chính họ.

    PV VietNamNet đến đồi Mon Dền, nằm ngay bên cạnh nhà máy Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao. Đồi này trước kia là một xóm dân cư thanh bình nhưng đã bị di dời sau khi nguồn nước bắt đầu ô nhiễm làm luá cháy, mất trắng hoa màu... và hiện tượng ốm, viêm họng, ho, vàng da, đau mắt... ở người. Lúc ấy người dân vẫn chưa biết tai hoạ sẽ đến với mình.
    6 nguyện vọng của nhân dân Thạch Sơn

    1. Nhà nước, các cấp ngành và nhà máy Supe cung cấp nước sạch để phục vụ đời sống hiện tại.
    2. Kiểm tra sức khoẻ để biết tình hình sức khoẻ hiện tại.
    3. Bộ Y tế giúp cho dân Thạch Sơn có thẻ bảo hiểm y tế để được khám bệnh miễn phí.
    4. Những trường hợp ung thư được miễn tiền truyền dịch.
    5. Những trường hợp đang mắc bệnh ung thư được giúp đỡ, hỗ trợ để hkéo dài sự sống bởi tất cả đều rất khó khăn.
    6. Xử lý ngay môi trường ô nhiễm ở Thạch Sơn, không chỉ khí thải chất thải của nhà máy Supe mà cả của nhà máy pin và nhà máy giấy Bãi Bằng.
    Chỉ mãi những năm 1976-1977, một người thương binh trong làng - anh Đào Văn Thách - không chịu nổi sự hoành hành của ''''làn khói độc'''', sau khi mất 3 người thân (mẹ, em gái và bố đẻ; và sau này chính anh cũng không thoát chết), đã dời nhà khỏi đồi. Từ đó, nhiều người dân Mon Dền mới lần lượt dời xa khu ''''đồi chết''''...
    Bây giờ, đồi Mon Dền đã trở thành nghĩa trang chôn chính những người đã từng sống ở đây. Đứng trên đỉnh đồi nhìn hàng bia mộ trải dài, không ai có thể ngờ đây từng là một khu dân cư với hơn 30 hộ sinh sống. Và cũng không ai ngờ có đến 22 hộ có người cùng chết vì bệnh ung thư.
    Cũng từ trên đỉnh đồi nhìn về phía nhà máy Supe, ống khói đang cuồn cuộn toả khói đen ngòm lên bầu trời (dân Thạch Sơn giờ gọi ống khói này là ''''lưỡi hái tử thần''''). Ống khói có từ ngày ra đời nhà máy (1959), tồn tại và xả khói vô tư lên trời từ bấy đến nay. Trước đây ống khói này rất thấp, khói tràn ra khu dân cư 24/24h hàng ngày. Nhưng ngay cả khi nó đã được nâng cao hơn chục năm gần đây, thì lượng khói toả ra vẫn là mối nguy cơ trực tiếp đổ xuống đầu dân cư khu vực này.
    Dân ở đây cho biết, họ đã quen với những ngày mưa, khói tạt xuống, mùi hoá chất nồng nặc, toàn bộ dân cư ''''hứng'''' nguồn chất thải này đều nôn nao, ho và chảy nước mắt, nước mũi... Mỗi lần như vậy, số trẻ em đến trạm y tế xã để chữa khó thở, viêm họng là chuyện bình thường.
    Nhìn rộng tầm mắt suốt cánh đồng Thạch Sơn trải rộng, đã nhiều chục năm không còn sự màu mỡ của đất đai, không hề có dấu hiệu sinh sôi của hoa màu dù đang mùa thu hoạch lúa của nhà nông. Cội nguồn của cảnh chết chóc này chính là mương nước thải của nhà máy đổ thẳng ra cánh đồng Thạch Sơn. Mương nước này dù đã được bê tông hoá nhưng nông và hẹp, quanh năm ngày tháng chảy ròng thứ nước vàng quánh.

    Mương nước thải của Nhà máy Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao dài 200m, trong khi chiều dài dự định là...1.800m

    Điểm đến cuối cùng của dòng nước thải ấy là... khu ruộng hoang cuối làng.
    Bao năm qua, chất thải của nhà máy hoá chất ấy ngấm xuống đồng ruộng Thạch Sơn, hoa màu không sống được đã đành. Nhiều người dân vẫn còn ''''kinh hoàng'''' kể lại đợt bão số 7 vừa qua, mương nước thải dâng cao tràn ngập cả vùng đồng ruộng, cá chết nổi trắng mặt ao, hồ. Người dân tiếc của lại vớt cá về ăn...
    Nhưng ăn cá chết do nước thải tràn vào ao hồ đâu có ''''nhằm nhò'''' gì so với việc bao nhiêu năm nay, người dân Thạch Sơn vẫn ăn uống và sinh hoạt bằng nguồn nước ngầm. Thời gian gần đây, nguồn nước ngầm này bỗng dưng vàng ệch và bốc mùi khó chịu. Càng ngày, các giếng nước trong vùng càng ''''lộ'''' ra sự ô nhiễm nặng đến mức bà con không ăn được, nhiều gia đình phải lấy nước ở xã khác về ăn.
    Trong chuyến thị sát của Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực mới đây, khi tới thăm một bệnh nhân ung thư, ông này đã kể cho Bộ trưởng nghe gia đình ông vừa đào 1 cái ao trước nhà mà lội xuống ao nước lên ai cũng thấy trong người rất mệt mỏi, khó thở...
    Bao năm sống chung với khói và chất thải hóa chất, thậm chí khi người làng lần lượt "ra đi", người dân Thạch Sơn không nghĩ đến chuyện tìm hiẻu nguyên nhân, tác hại của căn bệnh khủng khiếp họ mắc phải.
    Đến khi mất quá nhiều người, khánh kiệt tiền bạc vì bệnh tật, họ mới bắt đầu thấy được hiểm hoạ của việc ''''sống chung'''' với chất thải và khí độc mấy chục năm nay...

    Cá chết sau cơn mưa, sau khi nước thải từ mương nhà máy tràn vào ao hồ
    Thạch Sơn.

    Chờ... lời đáp trong khi chờ... chết
    Bà chủ tịch xã Trần Thị Thắng buồn rầu cho phóng viên VietNamNet biết, theo số liệu điều tra của xã, cho đến thời điểm này của năm 2005, đã có 8 người chết vì ung thư. Mở rộng hơn, trong vòng chục năm trở lại đây xã có tổng số 280 người chết thì 87 người chết vì bệnh ung thư. Tỷ lệ người chết vì ung thư ở Thạch Sơnếo với Hà Nội được GS Lê Thế Trung cho là cao.
    Trong danh sách thống kê mới nhất về số người chết từ năm 1991-2005 tại xã Thạch Sơn, có cả thảy 304 người chết, 106 người trong đó qua đời vì bệnh ung thư (chiếm 34,86%). Có những con số vô tri nhưng thật ai oán: có 9 gia đình chết cả vợ chồng; 7 gia đình chết cả bố mẹ và con; 3 gia đình có từ 3 người chết trở lên... Các bệnh ung thư thường gặp là: ung thư gan, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư hạch, ung thư tử cung và ung thư phổi. Những bệnh nhân này đều đã được Bệnh viện K trung ương chẩn đoán và điều trị.
    ''''Kể về những người mắc ung thư thì đau lòng lắm, có những gia đình chết cả bố mẹ và con, giờ nhà bỏ hoang không ai ở; có dòng họ trong xã vừa thêm 1 người chết ở tuổi 40 vì bệnh ung thư, nâng số người chết vì bệnh này của dòng họ này lên tới... 25 người; có em bé vừa 15 tháng tuổi cũng bị căn bệnh nan y này ập đến...'''' - bà chủ tịch xã buồn rầu cho biết.
    Bà Thắng cũng cho biết, xã lần lại danh sách người chết vì ung thư thì chủ yếu là những người dân sống ở khu Mon Dền trước đây. Thêm nữa, những hộ nào sống gần mương nước thải của nhà máy Supe cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao. Đây là một mối lo lớn vì người dân thì vẫn sống- mà mương nước thải vẫn ngày ngày thải ra cánh đồng.
    Hiện nay số người đang mắc bệnh đã lên đến 14 người, xã vẫn đang tiếp tục điều tra. Đó là chưa kể đến số người nghi mắc và số người không có điều kiện đi xét nghiệm. ''''Nghĩa là, số người mắc ung thư có thể còn cao hơn'''' - bà Chủ tịch xã cho biết.

    Bị ung thư vì đâu? Còn bao nhiêu ngườiỉơ Thạch Sơn sẽ mất mạng vì căn bệnh tử thần này? Câu hỏi chưa có lời đáp.

    Số người mắc ung thư ở Thạch Sơn thực tế là bao nhiêu, hiện trạng sức khoẻ và môi trường của dân trong xã thế nào, vẫn chưa cơ quan ban ngành nào trả lời. Sau khi kiểm tra tình hình môi trường khu vực xã Thạch Sơn, Sở TNMT và Sở Y tế Phú Thọ có kết luận, chưa đủ cơ sở khoa học để đánh giá, xác định nguyên nhân dẫn đến nhiều người ở Thạch Sơn chết vì ung thư là do ô nhiễm môi trường hay do nguyên nhân khác!
    Chỉ biết hiện tại, người dân không có điều kiện đi mua nước ở xa về dùng thì vẫn tiếp tục dùng nguồn nước ô nhiễm. Con mương dẫn chất thải dù được bê tông hóa nhưng chỉ dừng lại ở chiều dài 200m, vẫn tràn ra đồng ruộng Thạch Sơn.
    Ở "đất ung thư" này, danh sách những người mắc và khốn đốn vì căn bệnh "tử thần" vẫn tiếp tục tăng.
    Còn các giải pháp, mới đang dừng ở mức ''''chỉ đạo''''.
    Kết quả kiểm tra tình hình môi trường ở Thạch Sơn
    của Sở TN&MT, Sở Y tế Phú Thọ tháng 10/2005

    Chất lượng nước ngầm không màu, không mùi, tổng chất sắt hòa tan, hàm lượng muối dạng ion hòa tan, độ dẫn điện cao. Hàm lượng NH4 trong nước đều vượt tiêu chuẩn cho phép.
    Chất lượng nước thải: hàm lượng NH4 vượt 30 lần, pH bằng 2,51 chưa đạt tiêu chuẩn cho phép. Môi trường không khí có hàm lượng bụi lơ lửng vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,1-1,2 lần, hàm lượng SO2 vượt tiêu chuẩn cho phép 1,2 lần.
    Các chất thải của các đơn vị sản xuất trên địa bàn có ảnh hưởng đến môi trường sống của khu vực xã; môi trường nước sông, không khí cũng bị ảnh hưởng do nước thải của công ty giáy bãi Bằng từ thượng lưu sông Hồng chảy xuống...

    Kiều Minh

    --------------------------------------------------------------------------------
    [In trang] [Trở về]
  9. canhrausan

    canhrausan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/08/2005
    Bài viết:
    128
    Đã được thích:
    0
    Đây nữa,
    http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2005/11/508189/

    --------------------------------------------------------------------------------


    Giải nỗi lo án tử ở làng ung thư
    12:53 05/11/2005
    (VietNamNet) - Trước sự việc hơn 100 người dân xã Thạch Sơn chết vì ung thư, 14 người khác đang chống chọi với căn bệnh này, Bộ Tài nguyên & Môi trường về chuyện trò với dân và đối thoại với nhà máy Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao.

    Bộ trưởng Mai Ái Trực tới thăm và chia sẻ với ông Quản Văn Thực.

    100 + 14 + còn nữa...
    Trong chuyến ''''thị sát'''' mới đây tại khu vực tam giác ô nhiễm ở Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ- nơi có ''''làng ung thư'''' như báo chí đã nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường không khỏi buồn lòng...
    Gia đình ông Quản Văn Thực, một trong 10 bệnh nhân ung thư của làng là nơi Bộ trưởng Trực cùng đoàn cán bộ ghé thăm. Người đàn ông mới hơn 50 tuổi lặng lẽ kể cho Bộ trưởng và đoàn cán bộ nghe về nỗi bất hạnh ập xuống gia đình mình.
    Năm 2001, ông Thực phát hiện ra một cục hạch nhỏ, đi khám được chẩn bệnh là viêm hạch. Cái hạch to dần, cho đến lần khám bệnh năm 2003, đã trở thành u ác tính giai đoạn hai. Lúc đấy, ông Thực và gia đình mới hay cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu...
    Đau lòng hơn, có một gia đình họ Đào đã mất đến 25 người vì căn bệnh quái ác, Mới đây nhất, anh Đào Văn Hùng, 40 tuổi qua đời cũng vì ung thư.
    Cả xã Thạch Sơn, đã có hơn 100 người đã chết vì ung thư, trong đó có một em bé mới 15 tháng tuổi.
    Trong vòng chưa đầy tháng, con số báo chí nêu là 12 người dân Thạch Sơn đang sống và chiến đấu hàng ngày với bệnh ung thư đã thay đổi. Số liệu mới nhất được bà Chủ tịch xã Trần Thị Thắng vừa cho biết là 14 người. ''''Đấy là chưa kể những người già mắc bệnh nhưng không đi xét nghiệm được'''' - bà Chủ tịch xã lo lắng.
    Trong số 14 người này, người đã biết mình đang bị ung thư, người vẫn chưa hay do gia đình đang giấu chuyện, sợ người thân suy sụp tinh thần.
    Người sắp chịu án tử lo chuyện "hậu tử"...
    "Tôi có 4 đứa con, 2 đứa đã trưởng thành nhưng còn hai đứa đang đi học, bố mẹ tôi hơn 80 tuổi vẫn còn sống, tôi ra đi làm sao an lòng khi không nuôi được bố mẹ và lo cho hai đứa con còn lại cho đến khi chúng có gia đình''''- ông Quản Văn Thực rưng rưng.

    Ông Thực với cục hạch đã di căn.

    Mong muốn hiện nay của ông Thực và gia đình là được vay tiền chữa bệnh mà không phải trả lãi, bởi "khi tôi chết, vợ con tôi lo trả nợ nần cũng đã cực lắm rồi, nói chi đến khoản lãi''''. Hiện ông Thực và các con đã phải cầm cố "sổ đỏ" và vay nợ hơn 100 triệu đồng; không biết bao giờ mới trả nợ xong.
    Cùng chung cảnh ngộ với ông Thực, gia đình ông Nguyễn Văn Tam, 53 tuổi ( khu 1, xóm nhà Căng) cũng trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Ông Tam bị K vòm họng đã đi trị xạ và truyền dịch nhiều lần, nay phải dừng lại vì... hết tiền. Gia đình ông Tam sống trong một căn nhà tuyềnh toàng nằm chon von trên mỏm đất cao giữa làng. Vợ ông, bà Quản Thị Vệ ( 51 tuổi) khóc nức nở như trẻ con khi kể chồng mình chẳng còn sống được mấy chốc.
    ''''Mãi đến khi thấy có khoảng 30 cái to như quả trứng khắp người, cả ở đỉnh đầu thì mới biết là ông ấy đã dã bị di căn giai đoạn cuối''''- bà Vệ khóc nức. ''''Cứ nghĩ ông ấy bảo gắng cứu ông ấy, để ông ấy ở bên vợ con ngày nào hay ngày ấy, tôi thấy đứt từng khúc ruột. Muốn chữa bệnh cho chồng mà không có cách nào vì ''''sổ đỏ'''' của nhà tôi và của cả các con đã ''''cắm'''' cho ngân hàng hết rồi". 60 triệu đồng, gia đình đã dốc cả cho những lần ''''tia'''' trước của ông Tam.
    "Cắm" nhà cho ngân hàng xong, những người dân này không còn biết trông mong vào đâu nữa. Bà Vệ vợ ông Tam buồn rầu: "Bây giờ sống không phải trên đất của nhà mình nữa, chúng tôi phải về sống cùng vợ chồng thằng con trai, sống được ngày nào hay ngày ấy...''''
    Ông Tam và ông Thực là 2 trong số 14 bệnh nhân ung thư vừa được phát hiện ở Thạch Sơn. Bà Chủ tịch xã Trần Thị Thắng cho biết, trong số 14 người này, chỉ có 1 trường hợp duy nhất là cán bộ nhà nước, có bảo hiểm y tế và đủ lực về kinh tế để chiến đấu với căn bệnh. Những người bệnh còn lại đều là nông dân, không dư dả gì, nên đều đã cạn kiệt kinh tế vì căn bệnh ngốn tiền như cái thùng không đáy.
    Nhưng ngoài nỗi lo bệnh tật, tiền bạc, người thân của những người mắc bệnh ung thư cũng đang xót xa một nỗi lo mới: cứ tình hình này, chị em trong xã khó mà lấy được chồng vì mang tiếng là người ở " đất ung thư"...
    Đối thoại chuyện vì đâu dân bị ung thư?

    Khu dân cư trù phú trước đây (đã được di dời) nay thành cánh đồng ô nhiễm.

    Tại UBND xã Thạch Sơn, Bộ trưởng Trực đã hỏi lãnh đạo xã: Có đúng xã có 104 người chết vì ung thư trong chục năm qua như báo nêu không? Có đúng ô nhiễm môi trường (mưa nước đen, khói, bụi...) từ các nhà máy hoá chất xung quanh thải ra không? Xã đề xuất như thế nào về hướng giải quyết hiện trạng này?
    Chủ tịch xã, bà Trần Thị Thắng xác nhận thông tin báo nêu là đúng. Theo bà Thắng, số người chết vì ung thư trong xã là có thật, nhưng chính quyền cũng như người dân chưa có báo cáo nào về tỷ lệ ung thư của xã mình vì không biết tỷ lệ này là cao nhất!
    Về ô nhiễm, bà Thắng cũng nêu, từ năm 1959 đến nay, xã đã giao cho nhà máy Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao 50ha đất, 40 năm qua, toàn bộ xỉ và rác thải, nước thải, rác thải của nhà máy này thải trực tiếp ra gần khu dân cư sinh sống không hề qua xử lý.
    Các chất thải này không đường ống, không bờ bao, tự do chảy thẳng ra cánh đồng Thạch Sơn 24/24h... Bà chủ tịch xã cho biết, người dân thì bị bệnh phổi, mắt, da vàng... nhưng không ai nghĩ do ô nhiễm. Nhưng hoa màu thì thiệt hại nặng nề: hơn 80ha gần nhà máy không thu được bao nhiêu, có những vụ mất 50 - 80% thậm chí mất 100% sản lượng. Một số diện tích ảnh hưởng nặng nhất được chuyển sang nuôi trồng thủy sản nhưng vài lứa đầu cá chết, ''''quải'''' vôi vào thì sống được nhưng khi gặp mưa, nước thải của nhà máy tràn vào, cá lại chết trắng đồng...

    Nước thải từ nhà máy Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đổ thẳng ra cánh đồng Thạch Sơn.

    Trước những thông tin bà Thắng nêu, đại diện của nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao cho rằng, chưa có báo cáo cụ thể nào về chuyện người dân bị ung thư nhưng nhà máy sẽ nghiên cứu thật sâu nguyên nhân gây ung thư. Tuy nhiên, theo ông Phó Giám đốc nhà máy này thì việc chết lúa, cá và thiệt hại hoa màu của dân không hoàn toàn do nhà máy Supe vì xã còn có 130 lò gạch xả khí trực tiếp mà... không thấy báo chí nêu!
    Phản bác ý kiến của đại diện nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, bà Thắng khẳng định: 40 năm qua kể từ khi nhà máy hoạt động ở đây dân đã bị mất hoa màu trong khi lò gạch chỉ được xây vài ba năm trở lại đây. Cả xã cũng chỉ có khoảng 80 lò gạch. Vả lại, khói không thể giết được cá và lúa. Nhất là trong vòng 5 năm qua, năm nào nhà máy cũng có văn bản đền hoa màu cho dân, ''''không dưng nhà máy lại đi đền cho dân?''''- bà Thắng hỏi.
    Mặc dù khẳng định mình "không liên can" đến việc dân bị ung thư, nhà máy Supe và phốt phát Lâm Thao vẫn khẳng định sẽ tiến hành ngay việc xử lý bể chứa chất thải, khoanh bãi xỉ bãi rác không để lan tỏa ra các khu vực khác. Đồng thời, xây đoạn trung hòa trước khi chất thải ra mương; tiếp tục kiên cố hóa đoạn mương dẫn chất thải đang chảy thẳng ra cánh đồng Thạch Sơn (trước đó theo kế hoạch đoạn mương này sẽ được làm dài 800m nhưng không hiểu sao chỉ thực hiện được 200m thì dừng lại! - PV).
    Bộ trưởng Mai Ái Trực thẳng thắn: ''''Xã không biết có tỷ lệ ung thư cao thì không có lỗi, nhưng có trách nhiệm phải biết mà không biết nghĩa là có lỗi!''''. Bộ trưởng cho rằng, việc gióng lên một hồi chuông đánh động Thạch Sơn có nhiều người chết vì ung thư không phải là việc xã không làm được! Đồng thời cần tuyên truyền cho người dân Thạch Sơn chấm dứt ngay việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm và tự phòng ngừa bệnh tật.
    Đối với nhà máy Supe và hóa chất Lâm Thao, Bộ trưởng Mai Ái Trực nhấn mạnh, cần đánh giá ngay hiện trạng môi trường không chỉ bên trong mà cả khu vực xung quanh nhà máy để thể hiện sự quan tâm và chăm lo đến sức khỏe người dân.
    Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Sở Tài nguyên - Môi trường cũng như lãnh đạo Phú Thọ: Không chờ đợi nghiên cứu mà tiến hành ngay việc bảo vệ sức khỏe người dân bị ô nhiễm, bằng việc cấp ngay nước sinh hoạt sạch cho dân, chưa có hệ thống cấp nước thì phải mua nước cho dân. Đồng thời, tính ngay phương án di chuyển 200 hộ dân, đặc biệt là hơn 40 hộ dân sống sát nhà máy Supe và phốt phát Lâm Thao.
    ''''Xử lý môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân phải tính bằng ngày bằng tháng chứ không tính bằng năm''''- Bộ trưởng Trực nói.
    Kiều Minh

    --------------------------------------------------------------------------------
    [In trang] [Trở về]
  10. Amazonsky

    Amazonsky Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2003
    Bài viết:
    508
    Đã được thích:
    0
    mịe, tớ chỉ muốn chửi .... tớ ko phải Chí Phèo thích chửi đâu, nhưng các bạn cho tớ chửi tí nhé... tớ không thể kìm được sự xúc động và bức xúc trong lúc này.... Tớ mới đọc được thông tin trên Vietnamnet thôi (http://www.vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2005/11/510055/#).. mịe chúng nó, cái bọn làm ô nhiễm môi trường mà đek cần biết hậu quả và đe 0 có tí trách nhiệm nào.... ko ngờ là đủ các thể loại báo viết báo hình báo điện tử đưa tin như thế mà cái bọn giết người kia vẫn ung dung.... Có lẽ chỉ ở cái đất này mới thế....
    hic, ở các nước khác dân người ta kiện, nhẹ thì kẻ gây ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại với mức cao ngất ngưởng, nặng thì đóng cửa nhà máy hoặc cải thiện các quy trình xử lý chất thải xong mới được hoạt động....
    báo chí ko làm gì được thì người dân phải tự lên tiếng, đăc biệt là những người trẻ như chúng ta, chúng ta phải cùng nhau làm gì chứ nhỉ?

Chia sẻ trang này