1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nước Mỹ có là mảnh đất của cơ hội? Về những người đi tìm cơ hội ở Mỹ (xem từ trang 2). Nên ở lại Mỹ

Chủ đề trong 'Mỹ (United States)' bởi mydream87, 20/03/2007.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. bluemiracle

    bluemiracle Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/08/2003
    Bài viết:
    104
    Đã được thích:
    0
    (Tiếp theo)
    Công việc thứ ba mà Út tìm được là làm waitress cho một nhà hàng chuyên nhận tổ chức tiệc cưới. Do tiệc cưới ở đây hầu hết rơi vào ngày thứ bảy, nên Út chỉ làm việc một ngày trong tuần mà thôi. Công việc có thể bắt đầu từ 1-2 giờ chiều là lúc phụ nhà bếp, sau đó 7 giờ bắt đầu chạy bàn, rồi kết thúc lúc 2-3 giờ sáng khi dọn dẹp xong. Chủ trả 6 đồng 1 giờ cộng với 20 USD tiền tip cố định. Một ngày Út làm chừng 14-15 tiếng là có thể kiếm được 100 USD rồi. Công việc này có rất nhiều du học sinh muốn làm vì thuận tiện giờ giấc học hành. Tuy nhiên, không phải cuối tuần nào cũng được đi làm, mà phụ thuộc vào việc mình có được H "hamburger"-manager- kêu đi làm không. Thường thì H "Hamburger" ưu tiên kêu con trai đi làm trước vì con trai chạy được nhiều bàn hơn con gái. Phải tiệc lớn chừng 30-40 bàn thì đám con gái mới được kêu đi làm.
    Khi giới thiệu Út vào làm ở đây, người bạn của Út dặn dò " Em coi chừng thằng H nhé. Thằng ấy "bốc hốt" lắm".
    Khi mới vào làm, Út cũng nghe hóng mấy cô nhà bếp nói chuyện về H "quấy rối" đám nhân viên con gái. Và chính những người bạn của Út cũng kể họ bị H đụng chạm hay choàng vai bá cổ ...Nhưng đối với Út thì H lúc nào cũng nghiêm túc . Có lẽ vì Út nghiêm chăng? Phải nói là H đối xử Út với thái độ đúng mực và có phần ưu ái hơn những người khác. Tiệc nhỏ Út là người con gái duy nhất được kêu chạy bàn. Có những lần Út đứng làm trong bếp, H đến kế bên nói chuyện cà kê. Rằng Út ráng lên, đừng buồn, ở xứ này ai mới qua cũng khó khăn, ngày xưa anh đi du học cũng vậy, lúc anh làm tiệm phở, anh cắt hành bị đứt tay hoài. Rồi H đưa tay cho Út xem vết sẹo.
    Luật của nhà hàng là đồ ăn dư chỉ được ăn tại chỗ, không được đem về. Có một lần nhà hàng tổ chức tiệc buffet chay, khi tiệc tàn, biết Út ăn chay, mấy cô trong nhà bếp gói đồ ăn bảo Út đem về. Út định đem đồ về thì thấy ánh mắt xoi mói của cô Ba-em gái ông chủ-nhìn mình nên thôi. Mấy cô nhà bếp cho mình nhưng biết cô Ba có ưng trong bụng không. Hơn nữa "miếng ăn là miếng tồi tàn" mà. Út để bịch đồ ăn lại rồi đi về. Buổi tối hôm đó, không ngờ H tìm đến nhà và đưa bọc đồ ăn. H nói " Mấy cô gửi em đó, anh cầm đến cho em. Đừng tự ái nữa".
    Sau này không còn làm nhà hàng nữa, Út không biết cuộc sống của H giờ ra sao, nhưng lúc nào Út cũng nghĩ đến H với một tình cảm dịu dàng.
    Đi làm ở nhà hàng cũng có nhiều cái vui. Út sợ nhất là lúc dàn tiếp viên đi từ nhà bếp mang đồ ăn ra chào quan khách. Ống kính quay phim cứ chĩa vào mặt mình và bao nhieu người nhìn lên hướng sân khấu.Trong khi các bạn cười tươi, thì Út cúi gằm mặt xuống. Út sợ rủi có ai trong đám quan khách đó là bạn học của mình. Do Út học MBA, nên những bạn học của Út là những người đã tương đối thành công với sự nghiệp. Những lúc như vậy Út lại thấy nhớ lúc mình đứng trước lớp làm presentation. Và hơn lúc nào hết, Út nhận ra cái áo "quý-xờ-tộc" mà Út khoác lên mình khi đến lớp có được là nhờ sự hy sinh của ba mẹ, hay nói cách khác là nhờ tiền của ba mẹ. Chứ như lúc này đây, khi nguồn cung cấp ấy không còn nữa, và Út đứng trước mọi người trong cái áo phục vụ bàn, thì đó mới chính là giá trị thực của Út : Một Út "vô sản"giữa đất Mỹ phồn hoa.
    Giới nhà bếp trong nhà hàng cũng là một xã hội thu nhỏ, có người này người khác. Cô Vân bếp chính thiệt là khó tính. Có lần trên đường đi học, Út ghé vào gặp cô chủ để lãnh lương. Khi Út đi ngang qua nhà bếp để đến văn phòng cô chủ, cô Vân đứng trước cửa nhà bếp ngoắc Út lại và nói :" Cô nói con nghe cái này. Đã đi làm nhà hàng thì ăn bận cho giống nhân viên nhà hàng nha con. Chứ con diện váy như vầy thì không thích hợp, người ta cười cho". Út chỉ dạ mà không đáp trả lời nào, dù rằng hôm nay con đi học nên con ăn mặc đẹp. Chẳng biết tự bao giờ Út đã biết nhẫn nhịn lời nói. Ngẫm hay:
    "Lời rằng giả tạm cõi trần ai
    Oán tránh nhau thêm khổ luỵ đời
    Phải trái chẳng qua trò thế sự
    Chi bằng hơn thiệt bỏ ngoài tai"
    Nhưng trong nhà hàng cũng có vợ chồng cô chú Chín thật dễ thương. Biết Út là du học sinh, cô chú bàn nhau "kiếm chồng" giùm Út để Út được ở lại. Chú Chín hỏi Út " Lớn hơn 20 tuổi con Út có chịu không?". Cô Chín cãi lại " Ông đó già như vậy mà ông đòi gả cho con Út. Không được đâu". Chú Chín bèn nói "Nhưng ổng giàu lắm. Ổng là chủ chợ thuỷ sản chứ bộ. Hôm bữa ổng tới đây giao cá, tui thấy ổng nhìn con nhỏ, coi bộ thằng chả "chịu đèn" con Út dữ". Ngẫm nghĩ một hồi, chú Chín lại nói " Thôi, làm mai cho con Út cho thằng bỏ mối hoa coi bộ được hơn. Thằng này nghèo hơn nhưng mà trẻ hơn". Bẵng đi mấy bữa, chú Chín hỏi dò Út " Con thấy cái thằng hôm bữa đi với chú được không?". Út cười mắc cỡ " Con còn lo học chú ơi!". Chú liền đe Út "Kén quá là ế nha con!"
    "Đi đêm có ngày gặp ma". Trong một buổi tiệc Út được giao phục vụ ngay chính bàn mà một người quen tham dự. Khi Út bưng đồ ăn ra, anh ngẩng lên nhìn ngạc nhiên" Ủa, T làm ở đây sao?". Hôm đó, khi rót champagne,cô dâu chú rể sơ ý làm bể dàn ly. Một cô phụ trách nhà hàng vội chạy lại, và quăng cái khăn xuống đất, rồi dẫm lên khăn vài cái. Thấy Út đứng gần đó, cô chỉ tay vào Út :" Em mau lau sàn lẹ lên, để khách nhảy đầm". Út vội cúi xuống lau giữa tiếng nhạc và những vị khách đang dìu nhau nhảy. Cảnh tượng đó xảy ra trước mắt anh. Anh về kể lại mẹ anh, rồi chuyện đến tai mẹ Út ở Việt Nam. Sót con gái, mẹ Út nói " Con đừng đi làm nữa, chỉ lo đi học thôi. Mẹ bán bớt bất động sản cũng lo được cho con mà". Thật ra lúc đó nếu bán bớt một bất động sản của gia đình thì Út cũng có thể cầm trong tay 150 K. Nhưng Út nghĩ, nếu thấy sóng cả mà ngả tay chèo thì biết bao giờ mình mới lớn được. Hơn nữa, miệng ăn núi lở. Nếu cứ trong cậy vào nguồn tài nguyên sẵn có mà không chịu làm thì nguồn ấy sẽ có lúc cạn.Út nhìn cuộc đời như những đợt sóng...Cuộc đời chuẩn bị cho mình những đợt sóng nhỏ để có sức đề kháng hơn cho những cơn sóng lớn sau này. Mẹ ơi, hãy để con đi bằng chính đôi chân của mình. Con muốn thử xem sức mình chịu đựng đến đâu. Và con sẽ cầu cứu gia đình khi con vấp ngã. Con biết con là người may mắn vì con luôn có chốn quay về ở gia đình mình...
  2. khanghydaide

    khanghydaide Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/08/2005
    Bài viết:
    11
    Đã được thích:
    0
    Bài viết của bạn bluemiracle hay lắm!!!
    Khanghydaide
  3. tuleo

    tuleo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/04/2005
    Bài viết:
    216
    Đã được thích:
    0
    Đọc bài của Bluemiracle tuleo cũng thấy xót xa lắm và lúc nào cũng mong chờ bài của Bluemiracle; tuleo chỉ có muốn nói một điều là những gì Bluemicle đả trải qua sẻ giúp cho Bluemicle rất nhiều trong tương lai....
  4. analyst

    analyst Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/04/2004
    Bài viết:
    1.550
    Đã được thích:
    0
    Cám ơn Cutie đã lâu lắm rồi không post bài trong room, anh đọc qua bài viết và tiếp tặng em năm sao nhưng mà một cử chỉ khen tặng bài viết của em trong một giây phúc nào đó muốn viết ra. Chuyện em lấy chồng như vậy tất nhiên là gặp nhiều thành kiến. Bản thân anh cũng vậy nhưng anh không phải lấy vợ để có quốc tịch mà ngành học của anh là ngành bị ghét ngay từ đầu mới nói ra cho nên anh hiểu. Anh nghĩ rằng em nên cố gắng đi học ra một bằng đại học, đừng học double. Khi em plan em phải nên plan cái nào khả dĩ nhất mà có thể làm được đừng hào quang của một dự định (như plan học hai bằng hay từ đầu) mà plan cái mình không thể làm được. Việc em học ra đi làm kiếm tiền sau này sẽ giúp em rất nhiều khi chứng minh cho những người thành kiến biết rằng em xứng đáng được nhìn khác đi. Bản thân anh cũng vậy, mỗi lần gặp thành kiến anh cũng buồn nhưng anh tự nói với mình thôi để mình đi giúp người khác chắc cũng sẽ nguôi dần. Em hãy cố gắng lên nghe Cutie. Đi học không thôi chỉ cần một chút siêng năng học ngành của em cũng rất là dễ dàng. Khả năng thông minh của một con người là do cha mẹ sinh ra từ nhỏ không thể thay đổi được nhưng sự siêng năng cần cù là cái mình có thể control được.
    Bài viết của BM càng lúc càng đọc hay và để khuyến khích thêm anh sẽ pin topic này lên một thời gian sau này xong anh sẽ bỏ xuống.
    Mọi người vui lòng không nên spam vào topic này (ví dụ như như nhiên đang viết chen nganh vô hỏi về ngành học). Tuy nhiên, mong mọi người đọc vote hoặc viết một vài dòng ủng hộ như ở trên mọi người sẽ làm người viết sẽ viết thêm và chia sẻ những đoạn đường gian nan của từng người khi settle down ở vùng đất mới. Mình đã nhắc rồi mong các bạn thông cảm, giúp cho, và đừng spam. Nếu mình thấy spam mình treo nick và cấm không cho vào room Mỹ đó.
    Được analyst sửa chữa / chuyển vào 07:15 ngày 13/05/2007
  5. bluemiracle

    bluemiracle Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/08/2003
    Bài viết:
    104
    Đã được thích:
    0
    Anh analyst pin topic này lên làm BM "run tay" quá! Thôi thì lan man viết tiếp, hay dở tuỳ nhận xét của người đọc vậy
    (Tiếp theo)...Trong sóng gió Út trưởng thành hơn. Từ một cô bé con hay cười hồn nhiên Út phải lớn như một quy luật đấu tranh sinh tồn của cuộc sống. Lúc mới sang, do thiếu tình cảm gia đình, Út đặt niềm tin và tình cảm vào những người bạn gái cùng phòng. Lần thứ nhất khi bạn bè không minh bạch về chuyện tiền bạc, Út buồn mà không dám nói, vì nói ra sợ mất đi tình bạn, chẳng thà Út mất ít tiền. Lần đó Út ra trước hiên ngồi khóc. Anh cả đi ngang qua, thấy Út khóc nên mang Út về nhà anh, múc cho Út tô cháo. "Út ăn cháo đi rồi nói cho anh nghe vì sao Út khóc". Ăn xong tô cháo của "ông Bụt" anh cả, Út đã quên sạch chuyện buồn và cười khì rồi. Lần thứ hai cũng người bạn đó ăn chặn tiền, Út lại ngồi khóc. Một người anh khác dạy Út " Nếu em không đủ dũng cảm để bảo vệ mình thì nên chấp nhận thiệt thòi đi. Xem như số tiền ấy là cái giá phải trả cho một bài học". Lần đó Út vừa mất tiền và mất luôn tình bạn. Khi dọn nhà đi chỗ khác ở, Út học thêm bài học " Tiền bạc không mua được tình cảm, có chăng chỉ mua được "tình vờ" mà thôi".
    Cuộc sống xa nhà buồn lắm chứ. Vì người dưng thì đâu thể đối xử với mình tử tế như người thân. Sức chịu đựng của Út tăng dần qua những đêm ngủ sleeping bag (vì trùm sò không mua nệm) mà chủ nhà lại tiết kiệm gas, không mở máy sưởi. Út hay bị viêm amidan nên bệnh suốt cả mùa đông năm ấy. Có những buổi tối, một mình trong căn phòng vắng, Út thèm có ai đó nói chuyện với mình. Hay những lúc bưng chén cơm lên mà nước mắt cứ rơi, buồn chỉ vì thấy mình cô đơn quá. Út vượt qua những phút yếu lòng bằng cách cố học. Út biết Út phải xứng đáng với đồng tiền của ba mẹ đã "đầu tư" vào Út. Đó là cảm xúc của năm đầu tiên. Sau này Út chai sạn đi với những cảm xúc đó. Nỗi lo cơm áo gạo tiền và những dự định cho tương lai đã kín hết thời gian rồi, còn đâu thời gian để vơ vẩn buồn vì "cô đơn" nữa.
    Năm thứ hai, Út vẫn còn bị "dính" với trường và sống lay lất bằng công việc part-time còn anh cả đã tốt nghiệp ra trường rồi. Anh cả đối mặt với bài toán khó :"Làm sao ở lại Mỹ đây?". Việc hồ sơ xin H1B bị từ chối càng làm anh cả tuyệt vọng hơn nữa. Nhưng anh cả là type người mà "Nếu mình gõ cửa mà cánh cửa cuộc đời vẫn đóng thì tốt nhất là nên kiếm khoan để khoan cánh cửa đó". Anh một mặt duy trì việc ở lại hợp pháp bằng I 20 của lớp học ...anh văn, mặt khác anh làm hồ sơ xin di trú ở...Canada. Có trời mới biết tại sao anh cả nhất quyết "một đi không trở lại" đến vậy. Thời gian đó anh cả tìm được việc làm full-time trả tiền cash tại một công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển. Anh làm data entry và những công việc giấy tờ khác. Công ty gia đình nên cách tổ chức cũng nhếch nhác. Ngài giám đốc là ông Mỹ già đến mức "cổ nhăn", còn bà phó giám đốc là Mrs Me Mỹ "núi lửa"-vợ của ông chủ. Những lúc bà chủ nổi hứng quát tháo ông chồng hay đá bàn đập ghế cũng là lúc anh cả thấy cuộc đời mình "rớt xuống đáy của xã hội". Hành trang quý giá nhất của mấy anh em trong những tháng ngày lay lất xứ người có lẽ là Niềm Tin và Sự Hy Vọng. Tin rằng mình có thể thay đổi được số phận và Hy Vọng ngày mai sẽ là một bước tiến hơn so với ngày hôm nay
    Được bluemiracle sửa chữa / chuyển vào 13:01 ngày 13/05/2007
  6. RoseQueen

    RoseQueen Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/06/2006
    Bài viết:
    345
    Đã được thích:
    0
    Đọc những bài của BM viết mà RQ thấy hâm mộ quá . Mấy hôm nay dù bận đến đâu, dù buồn ngủ đến đâu RQ cũng phải tìm đọc bài của BM đó; khi nào không có lại buồn nữa chứ! Ráng sắp xếp thời gian viết tiếp nha BM; cách viết của bạn rất chân thật và dễ đi vào lòng người đọc lắm đó. Dù RQ sắp sang bên kia sống không phải bằng con đường du học như BM nhưng cũng thấy học hỏi được nhiều điều ghê.
    Mà tự nhiên RQ nghĩ BM học MBA hơi uổng đó. Giá mà BM học viết văn thì chắc là không thua gì Nguyễn Ngọc Tư nhỉ? (RQ vốn mê lối viết của NNT lắm)
    => Cảm ơn CBS đã có lời cảnh báo, RQ cũng sắp bước vào hoàn cảnh như CBS và cũng đang sợ mình sung sướng quá đâm hư, không còn ý chí phấn đấu gì hết, cứ ... từ từ hoài Giờ phải xem xét lại các kế hoạch tương lai của RQ và hạ quyết tâm hơn mới được. Đúng là hồi trước cực ơi là cực mà cứ học đều đều hết cái này đến cái kia, không xuất sắc nhưng cũng vào hàng ''top ten'' còn bây giờ sướng hơn nhiều lại sinh bệnh lười, chết thật!
  7. quynhnle

    quynhnle Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/01/2006
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    " ...nước mắt rơi xuống chén cơm.... " !!! !!!
    em thì nc mắt ko rơi xuống bát cơm ...nhưng cũng rơi ở một số chỗ khác !hichic !
    Cho nên có lần em đã nói với một người bạn là phải học hỏi bác Aigu đấy , bí quyết gì mà lúc nào bác ấy cũng vui như Tết ấy ạ ?
    Chị bluemiracle , em tặng chị 5 sao
  8. bluemiracle

    bluemiracle Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/08/2003
    Bài viết:
    104
    Đã được thích:
    0
    Bluemiracle xin cảm ơn những bạn đã đọc và ủng hộ BM. Thiệt là bất ngờ khi có một ngày dân ban Toán lại được khen là viết văn hay Cảm động và "nở mũi" ghê.Thú thật, nhiều lúc BM nghĩ đến chuyện không biết có nên viết tiếp không, vì càng viết thì càng thấy mình "nói dài nói dai nói dở". Biết có ai đủ kiên nhẫn để theo mình đến hết câu chuyện không? Thế nhưng, mỗi khi đọc những lời động viên của các bạn, hay nhìn vào năm sao lấp lánh của mod Analyst, BM biết rằng ở nơi nào đó vẫn có người quan tâm đến cuộc phiêu lưu của 3 anh em. Thế là BM lại ngồi vào bàn gõ laptop lộc cộc. Những lúc ấy lại thấy mình có nét giông giống cô Carrie Bradshaw trong show "*** and the City"
    Một lần nữa xin cảm ơn tấm lòng của các bạn. Chúc mọi người một tuần làm việc vui vẻ
  9. bluemiracle

    bluemiracle Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/08/2003
    Bài viết:
    104
    Đã được thích:
    0
    (Tiếp theo)...Sau này anh cả ví von chuyện anh nộp đơn xin di trú ở Canada theo diện người có trình độ rằng: Anh đem lòng yêu "cô" Mỹ, tuy có đẹp nhưng cô ấy chảnh, hành hạ anh đủ điều. Thế nên anh phải đành lòng theo "nàng" Canada, tuy rằng nàng không ***y bằng nàng Mỹ, nhưng nàng bình dân và có khả năng chấp nhận lời cầu hôn của anh cao hơn.
    Anh cả làm ở công ty vận chuyển được vài tháng thì anh kiếm được việc làm khác tại một cửa hàng người Việt chuyên nhận thiết kế và remodel nhà. Sau đó ít lâu thì lời cầu hôn của anh được cả hai "nàng" Mỹ và "nàng" Canada chấp nhận. Và dĩ nhiên là anh cả đi theo tiếng gọi con tim với "nàng" Mỹ rồi.
    Anh cả có khiếu về nghệ thuật và trang trí nội thất. Thế nên việc vào làm ở cửa hàng đó quả là "nghề của chàng". Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp nhỏ người Việt khác, người ta bóc lột người làm công triệt để. Mức lương họ thỏa thuận ban đầu là 35 K một năm, hàng tháng họ trả anh cả bằng tiền mặt nhưng giữ lại một phần "để đóng thuế". Trời ạ, lương không trả qua W2 thì làm gì có thuế hay Social Security để mà đóng. Anh cả biết nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Một ngày anh đi làm từ 10-12 tiếng. Có những lúc lúi húi đo cái nhà bếp người ta giữa lúc vợ chồng con cái chủ nhà ăn cơm mà bụng mình thì đói meo. Nhưng có lẽ điều làm anh cả bất mãn nhất là sự "treo đầu dê bán thịt chó" ở nơi mình làm. Để tăng lợi nhuận, họ không giữ chữ tín với khách. Họ dùng vật liệu dỏm khi thi công thay vì hàng chất lượng như lúc hứa hẹn. Làm gần một năm, thì có một ngày anh cả tự hỏi mình " Tương lai sẽ trôi về đâu nếu cứ gắn bó với cửa hàng này". Và anh cả nghĩ việc.
    Suốt hai tháng trời anh cả đi kiếm việc. Ngày nào anh cả cũng ở thư viện để search job và gửi resume. Tiền trong túi anh cả cạn dần. Út bàn với anh cả " Hay là bán cái nhà của anh ở Phú Mỹ Hưng đi!". Anh cả nói " Không được Út ạ, nhà ấy anh để bố mẹ anh ở. Bố mẹ anh già rồi , phải được sống sung sướng. Anh sống xa bố mẹ, chỉ báo hiếu được bố mẹ chừng đó thôi. Thà khổ anh chịu chứ không bao giờ anh bán đi cái nhà ấy".
    Rồi chuyện xảy ra như trong phim "The pursuit of happiness", khi tiền trong tài khoản của anh cả chỉ còn 260 USD thì anh nhận được job offer của một công ty tư vấn về cách giải nợ. Anh cả làm về sales, cái ngành dễ bị đuổi việc nhất. Lúc đó là mùa ThankGiving, anh cả vào làm việc và nghe đồng nghiệp của mình tán dóc qua điện thoại với khách hàng về cách nhồi con gà tây. Anh cả vừa nghe vừa run lập cập"Chắc mình sắp tiêu rồi. Chẳng thể nào mình có khả năng về ngôn ngữ như người bản xứ được". Ít lâu sau đó anh cả được giao phụ trách mảng thị trường người Việt. Do nhiều người tiêu xài "vung tay quá trán" nên anh cả cũng kiếm được nhiều mối khách hàng để tư vấn và kiếm commission. Khi BM đang ngồi type những dòng này thì anh cả đang tính chuyện mua nhà và chuyển job. Lý do anh muốn đổi nghề là anh không thấy công việc hiện tại như một career và anh cũng không thích sản phẩm mà anh bán...
    Quả là "hết cơn bỉ cực đến hồi thái lai". Nếu ai đó bảo anh cả vẽ đồ thị về cuộc sống thì có lẽ anh sẽ vẽ hình sin, xuống đến cực độ rồi lại lên, chứ không phải là hình parabol, đã "chổng ngược" là úp luôn
    Được bluemiracle sửa chữa / chuyển vào 11:34 ngày 14/05/2007
  10. analyst

    analyst Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/04/2004
    Bài viết:
    1.550
    Đã được thích:
    0
    Blue thân mến
    (1) Anh có thấy câu truyện của em viết từng hồi một cũng có rất nhiều bạn đọc và ủng hộ. Sometimes bài viết của em even tạo cảm hứng cho một số bạn lâu năm khác ở trong room này viết vào truyện của bản thân làm cho topic càng đa dạng hơn. Việc em có viết tiếp truyện hay không phần lớn tuỳ thuộc vào cảm hứng của em lúc viết cho nên hy vọng rằng em sẽ vẫn còn motivation để tiếp tục viết.
    (2) Anh chỉ xin ý kiến nhỏ thôi về format của bài viết. Khi em viết rất dài, em nên suy nghĩ trước mình định nói gì, phân chia chúng ra thành từng đoạn ngắn và, nếu có thể, hãy đặt headings cho nó. Headings là một dòng ngắn cho viewers biết em đang định nói gì. Anh ví dụ, em muốn nói về công việc đi làm phục vụ nhà hàng. Em bỏ tất cả truyện vào một đoạn hay nhiều đoạn và cho một heading là (anh lấy ví dụ thôi) "Đi làm phục vụ nhà hàng". Rồi tiếp đến em muốn nói về anh bạn đi kiếm H1B em phân tất cả chúng ra làm một nhóm khác và cho nó một headings.
    (3) Khi em viết dài, phân chi ra rõ ràng từng đoạn một có space rõ ràng và headings thì người đọc sẽ đọc dễ dàng hơn và sẽ chịu khó đọc cả bài dài của em. Anh đã từng nói đó, clear in communications rất là quan trọng trong văn viết.
    (4) Về RQ thì sự khác biệt giữ em với CBS là em là người đã qua tuổi trung bình của người học đại học cho nên nỗ lực của em đòi hỏi sẽ cao hơn. Nếu mình không muốn gia đình chồng (vợ) coi thường mình phải cố gắng học và làm việc as a professional. Sau này mình có con, con cái nó sẽ nhìn vào học lực của mình để làm tấm gương cho nó đó.

Chia sẻ trang này