1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nuôi con gì? Trồng cây gì?

Chủ đề trong 'Quảng Bình' bởi rec, 03/07/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    Nuôi con gì? Trồng cây gì?

    Hi all,

    Mấy lâu ni dân miềng toàn nói chuyện "Khoa học- Kỹ thuật" mà chưa thấy áp dụng được gì cho bọ mạ làm roọng ở nhà. Hôm ni mở thêm cái Topic để kiểm tra kiến thức nông dân của 6CBE [1] xem thế nào nhé.

    Chủ đề rất bình dân và thiết thực: Nuôi con gì? Trồng cây gì? Ở đây chưa kỳ vọng 6CBE đưa ra được giải pháp tổng thể cho một xã một huyện hay cả tỉnh Quảng Bình mà chỉ cần 6CBE nêu vài ý kiến áp dụng cho một vùng đất, vùng đồi, vùng biển mà 6CBE biết. Thậm chí chỉ là 1 mảnh đất trong vườn của 6CBE. Mọi người đừng bảo "Tớ đi lâu ngày rồi nên giờ chẳng nhớ ở QB còn làm ruộng không hay công nghiệp hoá cả rồi" đấy nhé.

    Mỗi ý kiến được mọi người welcome sẽ được cộng thêm 100 đơn vị vào tài khoản. Tài khoản này sẽ được qui đổi bằng hiện vật và Tỉnh QB sẽ trả cho 6CBE vào ngày 26 tháng chạp hàng năm

    --------------
    Reference [1]: 6CBE = Các Cô Các CCác Bác Các Em (không nhớ thuật ngữ này là do Kts_ hay Aibolit_ đề nghị???)
  2. xola

    xola Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    26/03/2004
    Bài viết:
    183
    Đã được thích:
    0
    Hưởng ứng chú REC 1 tin sưu tầm được:
    QUẢNG BÌNH : Mô hình lúa lai vùng khó đạt năng suất cao
    Trung tâm KN-KL Quảng Bình đã thực hiện mô hình ?olúa lai vùng khó? với diện tích 43 ha giống lúa lai Nhị ưu 838 ở 751 hộ nông dân của xã Thanh Hóa (huyện miền núi Tuyên Hóa). Kết quả từ mô hình cho thấy : Mặc dù trên đất lúa vùng cao nhưng lúa lai Nhị ưu 838 có khả năng chịu hạn và chua phèn tốt, khả năng chống đổ cao thích ứng trên nhiều chân đất. Đặc biệt trên chân ruộng thấp, lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt và cho năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh. Lúa lai Nhị ưu 838 trên đất vùng cao Thanh Hóa cho năng suất 64 tạ/ha, cá biệt có nơi đạt 75 ?" 80 tạ/ha.
    Lê Lựu ?" NNVN (số 118)
  3. robedan

    robedan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/05/2002
    Bài viết:
    1.057
    Đã được thích:
    0
    Mình nghĩ dân Quảng Bình nên nuôi Gấu để hút mật định kỳ mà bán và trồng rừng vì rừng QB bị khai thác nhiều lắm rồi, thấy các chỉ tiêu của tỉnh đưa ra về giới hạn kích thước cây được khai thác ngày càng nhỏ dần.
    Đất rộng, thời tiết khắc nghiệt, thôi, chỉ biết hy vọng cái cơ quan nào chuyên nghiên cứu các loại hạt giống mới cho cây trồng ở QB hạ bệ bớt mấy ông tra xuống mà cho lớp trẻ lên mần việc, lại hy vọng cho lớp trẻ nghiên cứu ra đa dạng loại giống cây trồng có thể sinh sống được ở cái đất QB.
    Mà trồng lên rồi thì cũng tuyên truyền ánh sáng văn hóa cho người dân chơ thấy cùn nít ăn trộm dữ quá, lại ngá tay hay bẻ ngang cành cây quẹt...
  4. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    Cây ớt - Bao giờ trở lại ngày xưa!?
    Giữa những năm của thập niên 80, cây ớt bỗng nhiên "nở rộ" trên các vùng miền của Quảng Bình. Cái đất nắng cháy gió Lào không hề thuận lợi cho bất kỳ loại cây nông nghiệp nào và ớt cũng không ngoại lệ, nhưng chính nhờ cái khắc nghiệt của gió của nắng đấy mà ớt ở Quảng Bình cay kinh khủng. Ớt cay là lẽ thường nhưng ớt ở Quảng Bình thì cay có tiếng, không những cay mà còn thơm, một mùi thơm lạ. Chất cay của ớt có thể nói là sự kết tinh từ những điều kiện khắc nghiệt của khí hậu miền Trung và trong đó còn có công sức của người nông dân một nắng hai sương.
    Hơn ai hết tôi hiểu được sự nhọc nhằn của những mùa trồng ớt vì chính tôi sinh ra ở miền đất ấy, lớn lên trong những năm tháng ấy. Cũng như bao gia đình nông dân khác, bố mẹ tôi làm nông là chính. Đến tháng 10 âm lịch thì bắt đầu ươm cây ớt giống, khâu làm giống khá công phu từ khi ngâm hạt 2 sôi ba nguội đến khi cho ra trưa (luống), nếu như cây lúa khi bắc mạ chỉ cần trãi hạt giống đã nảy mầm lên trưa là xong thì cây ớt còn thêm công đoạn phủ lá cây xanh lên luống. Lá cây dùng phủ lên luống ớt phải là lá tự hoại nhanh, yêu cầu khi ớt bắt đầu lên được 2 lá chồi thì lá cây che phủ phải tự hoại thành phân và thân cây thì được nhấc khỏi luống mà không ảnh hưởng đến ớt non. Vùng đất ươm giống ớt thường ngay trong vườn của mỗi gia đình nên khu phục đó phải được bao kính và phủ lưới để tránh gà, bồ câu và chim vào mổ hạt khi nó mới nảy chồi. Ngoài ra để an tâm, người lớn còn bắt trẻ con suốt ngày ngồi kênh chừng từ khi gà nhảy chuồng lúc tờ mờ sáng cho đến khi chúng kéo nhau lên chuồng buổi chập choạng đêm. Nhưng trẻ con thì có đưa nào chịu ngồi 1 chỗ mà trông đâu, thế nên không ít lần bị đánh đòn (hình như tôi cũng là 1 trong số đó, hic).
    Đến tháng chạp, khi có gió heo may chớm lạnh và trời đã chuyển sang mưa lâm thâm thì cũng là khi cây ớt cao gần chừng gang tay thì bà con nông dân chuẩn bị cho nó ra đồng. Lúc này đất trồng ớt đã được làm tơi xốp với 2 lần cày trở và không dưới 4 lần bừa bộng bừa trăng. Để chuẩn bị cho ớt ra đồng, ngoài phân hoai của lợn của bò thì phải kèm theo phân hoá học mà thông dụng là đạm Urê và lân Lâm Thao. Sau khi cày luống hàng cách hàng 50-60cm, phân được bón theo từng cây gốc cách gốc 40 cm thì bắt đầu rải cây ra để trồng. Trồng ớt đòi hỏi kỹ thuật và khoé léo, lúc này rễ ớt còn non và rất yếu nên phải cẩn thận để đạm và lân không được tiếp xúc trong 1-2 ngày đầu nhưng sang ngày thứ 3 thì nó phải bén phân hoá học trước vì phân này cung cấp dinh dưỡng nhanh, đến ngày thì 10-15 sau khi trồng thì rể ớt mới đủ khoẻ để ăn phân chuồng. Vì thế nếu không cẩn thận thì ớt giống sẽ chết vì đụng đạm khi mới trồng. Trồng ớt phải đợi hôm nào có mưa lâm thâm, không mưa thì nó chết mà mưa lớn quá thì nó cũng không trụ được và đạm chảy ra lại càng mau chết hơn. Vậy nên những ngày hôm đó trong nhà ai cũng lấm be lấm bét vì ướt vì đất, người tái me tái mét vì cóng vì lạnh. Nghĩ lại những ngày đó, chao ôi là khổ, Hic.
    Trãi qua 2-3 làm cỏ, bỏ phân, vun gốc thì sang tháng 3 cũng là lúc ớt ra hoa kết trái. Không phụ lòng người, nương ớt nào cũng trĩu đầy của quả, quả nào quả nấy to như ngón tay cái, có quả bằng ngón chân lớn, dài từ 13cm đến gần 2 tấc (không ngoa, nói láo chết liền ). Khoảng đầu tháng 4 khi nắng bắt đầu vào mùa cũng là lúc ớt chín. Những lúc chín rộ, ớt đỏ cả đồng, nhìn thành quả lúc này là quên đi bao mệt nhọc của những ngày lam lũ, ai ai cũng rạng ngời nét mặt, từ làng trên đến xóm dưới người người hân hoan. Nhưng thu hoạch ớt cũng không ít gian truân, lúc đầu phải ra đồng hái ớt rồi đêm xuống bãi cát ven sông phơi, nếu ớt bị dính đất thì phải rửa xong mới đem phơi thì sau này nó mới sạch và đẹp màu (đỏ tươi). Trước khi trãi ra cát phải dùng kéo cắt cuống thì trái ớt mới chỉnh chu, cứ tưởng tượng mỗi gia đình 5-6 người mà phải ngồi cắt đến hàng tấn ớt tươi như thế thì sao không còm ưng được (bài hát Chị tôi ưng ong của ông Trần Tiến chắc cũng ra đời từ đấy!?). Ớt được nắng vào lúc những ngày có mưa giông vì chính những hôm đó nắng mới gắt, ớt mới teo hơn nhưng chính những hôm đó lại vất vã nhất vì phải canh chừng để hốt ớt vào bao trước khi trời đỏ mưa. Mấy hôm làm ớt từ cắt cuống đến khi đóng vào bì mắt lúc nào cũng cay xè, đỏ heo vì bớt bắn vào. Hay tay đỏ rần, bỏng rôm đến thảm hại, con trai như miềng chịu đã đành nhưng nhìn tay chị tay mẹ bấn nát mà chạch lòng, nuốt nước mắt vào trong. Trung bình ớt phải phơi đến 4-5 nắng thì nó mới khô giòn, lúc đó mới đóng bao để chuyển sang khâu tiêu thụ. Vì thế mà hàng đêm phải ra bãi sông ngủ để kênh trộm. Việc ăn đồng ngủ bãi cát đối với tôi là thường tình nhưng khổ nhất là phải đối phó với mấy trò nghịch tặc của tụi con nít. Chẳng đêm nào ngủ yên vì mình chợp mắt là tụi nó cởi quần bôi ớt vào chỗ hiểm. Mỗi hôm đi kênh ớt phải mang 3-4 cái quần, cái trở phóc-ba-tuya ra trước cái trở phóc-ba-tuya ra sau vậy mà lỡ ngủ thì sáng dậy ôi thôi rồi (đó là nói tụi nó thôi chứ tui thì chưa bị bao giờ, thề )
    Những năm đó cây ớt là cây có giá trị nhất, ớt được xuất khẩu sang Liên Xô (vẫn còn là Liên Xô). Giờ thì không còn nhớ mỗi tấn ớt khô bán được bao nhiêu tiền nhưng mang máng thì sau mỗi vụ ớt trong nhà cũng mua thêm được 2-3 năm con bò cày. Vậy là nhiều lắm rồi các bác ạ. Khổ thì không có cây gì khổ bằng cây ớt nhưng tính ra giá trị làm nông thì nó được đặt lên hàng đầu của những năm đấy.
    Thế tại sao cây ớt không đựơc duy trì và phát triển? Câu hỏi này đến giờ tôi cũng không trả lời được vì lúc ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu rõ căn nguyên nhưng tôi nhớ được hai nguyên nhân chính là: thứ nhất là những năm Liên Xô tan rả, VN không còn đối tác thu mua (cái này chỉ vì cơ chế thương mại chứ khi Liên Xô ngày trước và Nga bây giờ vẫn lạnh đến âm 40 độ vào mùa đông nên họ vẫn cần ớt dù ở xã hội nào). Đó là nghe nói phong phanh còn thực chất cái tôi được nhìn tận mắt là do sản phẩm của mình không đúng chất lượng nên Nga đã từ chối thu mua mấy năm sau đó. Kể ra chuyện này xót xa và đau lòng lắm các bác ạ, nhưng tôi muốn các bác không được chính kiến thì hiểu và sẽ chia với người làm đông. Đó là khi nông dân quê tôi trồng ớt, thu hoạch, phơi khô, phân loại ớt (chỉ ớt loại 1 mới được xuất khẩu) .Ớt bán ra mười quả như 1 chục, đều tăm tắm và khô giòn nhưng dân buôn mua ớt về lại tẩm thêm tí nước để nặng cân (các bác biết ớt khô rang mà rưới nước vào thì tăng cân kinh khủng), Vì số lượng lớn và ớt khắc nghiệt nên ở bộ phận thu mua chỉ kiểm tra được ở bề mặt và một số lượng ít. Khi đó ớt ẩm, ớt ướt cũng được đưa vào máy nghiền rồi chuyển sang Liên Xô. Sau gần cả tháng trời long đông trên biển, khi ớt đến LX thì mốc đen mốc xì. Khi đấy không những bị trả lui mà còn không biết chở đi đâu để huỷ thì sau đó người ta cũng cắt hợp đồng thu mua vì hàng kém chất lượng và không đảm bảo vệ sinh. Thế là thân phận cây ớt cũng ra đi từ đó và người nông dân lại lận đạn với loại cây trồng mới với câu hỏi dật dờ bao giờ cho đến ngày xưa!?
  5. arch

    arch Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    23/05/2002
    Bài viết:
    767
    Đã được thích:
    0
    Nếu có ông anh haftfreeze ở đây thì hay biết mấy. Hắn ta là cưu sv nông lâm mà. Cả nhà chơg cao thủ tái xuất giang hồ nhé.
  6. no_cry

    no_cry Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    11/10/2002
    Bài viết:
    1.306
    Đã được thích:
    0
    Bác Rec e làm bài luận tốt nghiệp trường nông lâm luôn cho rồi . Bác viết hay quá đi mất. Ngày xưa em cũng có tham gia vào cái vụ trồng ớt ni, nhưng mà lại làm cái khâu dễ nhứt, là hái quả ớt, nên cứ tưởng trồng ớt cũng đơn giản. Bác làm em mở to mắt ra 1 tí rồi đó . Mà em nhớ cái lúc hái ớt, mấy cây ớt cao quá đầu, lấp ló mấy quả đỏ tươi, đỏ xen xanh và xanh lẫn với cả lá, đẹp ghê á. Đó là 1 buổi chiều, em chăm chỉ hái giúp cho dì đó, ngoan thiệt
  7. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    Khoai lang - Đặc (nông) sản Quảng Bình
    Có một lần nói chuyện với người bạn mới quen tôi hân hoan giới thiệu "quê tớ ở Quảng Bình, khúc ruột miền Trung", rồi như vô tình người ta buột miệng "Quảng Bình khoai khoai toàn khoai" chứ gì. Ừ, thì gật đầu xác nhận chứ nói gì nữa lúc ấy nữa. Biết là toàn khoai đấy nhưng nó đã quá tràn ngập để người ta biết đến Quảng Bình như một địa danh lăn lốc bởi khoai và khoai?
    Sau câu nói lỡ lời, người bạn ấy cố thanh minh vì sợ tôi mặc cảm khi được sinh ra trên mảnh đất toàn là khoai. Nhưng họ nhầm, vì tôi chẳng thấy buồn chút nào mà ngược lại rất tự hào vì mình đã lớn lên nhờ khoai từ củ ở gốc đến chóp non của lá.
    Người thành phố biết đến khoai qua các bát canh rau và ở đấy người ta trồng khoai để lấy lá trong khi Quảng Bình quê tôi người trồng khoai chủ yếu là để lấy củ. Việc trồng khoai không mấy khó khăn như các loại cây trồng khác nhưng diện tích trồng khoai thường tương đối lớn nên mỗi vụ khoai cũng chiếm của bà con nông dân không ít công làm. Bắt đầu từ việc chuẩn bị đất 2 nắng 3 sương để đất đủ độ tơi mà không quá xốp. Thì sau đó lên luống để trồng, luống khoai có độ rộng và độ cao tuỳ theo mùa và tuỳ vào loại khoai bột (còn gọi khoai rèng rèng) hay khoai ngọt (khoai lá hình trái tim, không xứa). Khoai ở Quảng Bình chủ yếu dâm bằng cành (gọi là ngọn khoai) chứ ít khi dâm bằng củ (khoai giống). Ngọn khoai chỉ được cắt trước khi dâm 2-3h đồng hồ để đảm bảo thân khoai không bị mất nước. Khoai được tròng vào lúc trời ít nắng để ngọn không bị khô nhưng không bao giờ trồng hôm mưa, như vậy sẽ bị bết và mất sức, ảnh hưởng đến việc sinh sản (củ) sau này.
    Khoai phát triển khá nhanh, chỉ cần bén rể khaỏng 3-4 ngày thì nó bắt đầu bò ra luống, nảy ra các cành mới. Sau 2 lần làm cỏ và vun gốc, dây khoai bắt đầu bò phủ ra tràn cả luống, lá khoai mơn mởn, đọt khoai chia chỉa xanh mướt cả một vùng. Lúc này phải bấm đọt để nó nảy cành và hạn chế sự tăng trưởng của lá vì mục đích chính là lấy củ nên càng hảm được sự phát triển ở thân bao nhiêu thì nó sẽ dồn chất dinh dưỡng để nảy củ bấy nhiêu.
    Tôi còn nhớ như in những tháng ngày trẻ con khoảng năm 82-86, khoai được chia làm 2 vụ Thu-Đông và Đông -Xuân nhưng vụ đông xuân thường là vụ chính vì sang tháng 3 cũng là lúc giáp hạt, người nông gọi là tháng 3 ngày 8, lúc đấy lúa ngoài đồng chưa thu hoạch mà thóc trong nhà đã cạn bồ. Nhiều gia đình phải ăn khoai lay lắt qua ngày. Buổi sáng trẻ con ra đồng từ tờ mờ sáng để hái đọt khi nó còn đọng hạt sương mai. Nhấp nhô trên những cánh đồng là tụi con nít nhỏ bằng hạt mít nhưng đội trên đầu là những rổ đọt khoai lang to tướng đủ cho cả nhà 5-6 miệng ăn. Sau chừng 1-2h đồng hồ lom khom trên các nương khoai, cả tụi kéo nhau mang xuống sông để rửa và làm tươi đọt khoai đến mức có thể. Khâu chế biến đọt khoai cũng quá đơn giản, đến tụi trẻ con mới tập vào bếp cũng tự làm được mà không cần đợi người lớn đi làm đồng về. Đun nước cho đến khi sôi rồi hạ lửa và cho đọt khoai vào, đợi cho nó sôi lại thì rụt lửa ngay và vớt ra rá để tránh hơi khói tảo vào rau. Đọt khoai luộc ăn đúng bài phải là chấm mắm nêm nhưng thời đấy để có mắm nêm cũng là vấn đề nan giải nên nhiều lúc cả nhà bỏ muối trắng vào bát, đánh thật tan rồi gợn qua lớp cặn, cứ thế mà chấm vào để ăn lẫn với cơm độn. Đến giờ cũng không tưởng được vì vào lúc đó các bữa ăn như thế vẫn diễn ra hàng ngày. Nhưng có lẽ những năm 85-86 là giai đoạn khó khăn chung của cả nước chứ không riêng gì ở các làng quê.
    Khi lá khoai bắt đầu vàng ở gốc thì cũng lúc khoai đến mùa thu hoạch. Đơn vị để tính là tấn khoai, nhưng vì thu hoạch cùng lúc mà không có nhà máy chế biến nên khoai chủ yếu là được dắt lát và phơi khô. Khoai khô sau này một phần nhỏ làm thức ăn cho người (bột khoai để làm bánh, khoai vằm để trộn và nấu chung với gạo, thành cơm độn) nhưng phần lớn thì nó được nghiền để làm lương thực cho cá, cho lợn, ... Một số khoai dẻo được luộc, cắt lát và phơi khô gọi là khoai deo. Khoai deo có thể được nấu chung với nếp thành nếp xéo mà cũng có thể bảo quản sạch sẽ để nhai sống, bùi bùi béo béo ngọt ngọt dai dai.
    Trên đây là chuyện của mấy năm về trước còn những năm gần đây, cây khoai không được kinh tế nữa nên nông dân đã thay thế dần vào các loại cây trồng khác năng suất hơn. Nhưng dù có vật đổi sao dời thì Quảng Bình vẫn là đất khoai, ít nhất là trong tâm trí của những đứat trẻ con lớn lên bằng khoai như bạn như tôi.
  8. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    Hôm qua bài viết "Khoai Lang - Nông sản Quảng Bình" được giới thiệu trên trang nhất của diễn đàn sinh viên VN tại Hàn, được mọi người welcome và bàn tán sôi nổi xung quanh Chuyện nhà nông. Sắp tớ khi viết về con/cây gì, tớ cũng sẽ mang sang đấy tiếp thị. Đó là một diễn đàn của lưu học sinh có khá đông thành viên và quản lý rất tốt. Miềng phải quảng bá Quảng Bình đi xa mới được.
  9. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    Mọi người ai cũng biết câu "Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện" đúng không? Nhưng có ai biết chính xác 2 huyện được nhắc đến ở câu trên là huyện nào không? Có thể là Quảng Ninh Lệ Thuỷ của Quảng Bình không? Tớ có nghe một lần về điều này, nhưng chỉ là nói miệng chứ không có tài liệu gì cả, ai biết thì cung cấp cho mọi người được rõ. Nếu thông tin trên là chính xác thì phải có bài viết về sống động về cây lúa QB, nhưng 2 huyện là nói đến hồi trước còn nay thì phải đề cập thêm về vấn đề phá Hạc Hải. Chú Minh đâu rồi, có ý kiến ý cò gì không???
  10. math0

    math0 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/09/2003
    Bài viết:
    1.078
    Đã được thích:
    0
    Nuôi trồng thuỷ sản trên cát: Sẽ trả giá nếu...không quy hoạch!

    Nuôi tôm trên cát - một tiềm năng mới trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tuy nhiên, để NTTS trên vùng cát phát triển theo hướng bền vững, cần sớm quy hoạch các vùng nuôi tôm... Nếu không, thảm hoạ sẽ khôn lường...
    Theo khảo sát sơ bộ và số liệu thu thập được của Bộ Thuỷ sản, các tỉnh ven biển miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận) có chiều dài bờ biển 930 km, hầu hết khu vực bãi ngang thuộc cao triều và trên triều đều có các dải cát, cồn cát với chiều dài chạy dọc theo bờ biển hàng trăm km, chỗ rộng nhất hàng cây số, diện tích toàn vùng ước tính hiện có khoảng 100.000 ha. Trong đó tập trung nhiều ở Quảng Bình 39.000 ha, Phú Yên 14.000 ha, Quảng Trị 13.000 ha, Quảng Ngãi 10.000 ha. Tiềm năng này đến năm 1999, mới được đánh thức. Lần đầu tiên người NTTS biết đến một mô hình nuôi tôm trên cát tại tỉnh Ninh Thuận. Một năm sau đó, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản vào cuộc và đánh dấu sự thành công bằng thí nghiệm nuôi tôm sú trên cát bằng các vật liệu chống thấm. Phong trào nuôi tôm sú trên cát khởi động trên toàn vùng từ đó... Tuy nhiên, cho đến đầu năm 2003, số liệu thống kê cho thấy cũng chỉ mới có khoảng gần 6.000 ha đã và đang đưa vào NTTS. Trong đó chủ yếu là nuôi tôm sú. Nuôi công nghiệp tập trung xuất hiện nổi bật có dự án tại Cẩm Xuyên, Thạch Hà (Hà Tĩnh), quy mô 2.000 ha; và ở huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình), quy mô 2.800 ha của tập đoàn American Technologies Inc (ATI), đang còn trong giai đoạn đầu tư. Nuôi quy mô ở hộ gia đình cho đến nay hầu như địa phương nào cũng có, nhưng tập trung nhiều ở các tỉnh Phú Yên 250 ha, Ninh Thuận 200 ha, Quảng Ngãi 60 ha. Năng suất nuôi bình quân dao động từ 3 tấn ?" 6 tấn/ha/vụ (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), Ninh Thuận là tỉnh có NS nuôi bình quân đạt cao nhất, có nơi đạt đến 10 tấn/ha/vụ.. Các bãi cát và cồn cát ven biển trong khu vực đã chứng tỏ ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên có thể nuôi được quanh năm (bắt đầu thả vụ 1 từ tháng 2 ?" 4 đến tháng 6 ?" 8; vụ 2 từ tháng 6 ?" 8 đến tháng 10 ?" 12. Riêng tại tỉnh Ninh Thuận còn được thả thêm vụ 3 từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau). Phần lớn các địa phương chỉ mới hướng tới một đối tượng nuôi chính là tôm sú. Ngoài ra cũng đã có một số tỉnh như Thừa Thiên Huế đưa vào nuôi thử nghiệm thêm ốc hương đang phát triển rất tốt; tỉnh Quảng Bình trên các vùng đất cát nằm xa nước biển, gần khu vực có nước ngọt nuôi thử nghiệm các đối tượng nước ngọt cũng cho năng suất đạt từ 0,5 ?" 1 tấn/ha/vụ. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn đơn điệu, đối tượng nuôi còn nghèo nàn. Về quy mô đầu tư xây dựng cơ bản, tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng, khả năng huy động vốn của mỗi địa phương mà mức độ đầu tư xây dựng từng hồ có khác nhau: Bình quân từ 200 ?" 250 triệu đồng/ha, cao nhất như Ninh Thuận 390 triệu đồng/ha; trong khi đó tại Bình Định khoảng 188 triệu đồng/ha, thậm chí tại Quảng Ngãi chỉ 28 triệu đồng/ha. Lợi thế của nuôi trồng thuỷ sản trên cát còn là các bãi cát, cồn cát đều nằm sát hoặc cách biển không xa, có nguồn nước biển sạch, xa khu dân cư, khu công nghiệp và các vùng sản xuất nông nghiệp, ít chịu ảnh hưởng của các chất thải nên môi trường nuôi rất ổn định. Tuy mới đưa vào nuôi, nhưng năng suất nuôi đạt khá cao, không thua kém gì nuôi ao đất, thậm chí có nơi còn vượt xa. Lãi ròng từ nuôi tôm công nghiệp trên cát đã đạt tới 200 triệu đồng/ha, nuôi tôm bán thâm canh trên cát đạt 96,63 triệu đồng/ha.
    Trở ngại của việc NTTS trên cát ở các tỉnh ven biển miền Trung hiện nay là hạ tầng cơ sở gần như con số không. Đa phần các vùng cát đều nằm xa nguồn nước ngọt nhưng chưa có hệ thống thuỷ lợi dẫn nước. Việc khoan giếng ngầm trong thời gian qua của một số hộ để lấy nước nuôi là không bền vững, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầng nước ngầm và nước sinh hoạt của nhân dân trên vùng bãi ngang. Trước mắt số người nuôi còn ít, việc xả trực tiếp nước thải ra cống thoát (như các hộ gia đình đang làm) chưa đến mức phải quan tâm nhưng về lâu dài khi diện tích phát triển nhiều, thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi... Mặc dù vậy, có thể nói hiệu quả của NTTS trên đất cát đã được khẳng định. Những hạn chế nói trên là do phát triển tự phát, nghề nuôi trồng còn mới mẻ, thiếu kinh nghiệm. Vì vậy hơn lúc nào hết, theo Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản (Bộ Thuỷ sản), NTTS trên đất cát ở các tỉnh ven biển miền Trung cần phải quy hoạch ngay từ đầu, theo hướng tận dụng các loại đất bỏ hoang với tỷ lệ cho phép (30 ?" 40%), hoặc đất cát chuyển đổi từ các ngành SX khác kém hiệu quả, các đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng mặn lợ ngọt, đảm bảo cân bằng sinh thái. Trước mắt cần khẩn trương tiến hành quy hoạch tổng thể đến năm 2010 và lựa chọn các đối tượng nuôi thích hợp. Xây dựng một số mô hình cho từng vùng sinh thái khác nhau, để qua đó rút ra các quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp trước khi nhân ra diện rộng. NTTS trên đất cát là một lĩnh vực có tiềm năng khá lớn nhưng cũng chứa đựng một số nguy cơ rủi ro, thách thức, đòi hỏi có sự quan tâm nghiên cứu và đầu tư đúng mức của địa phương, của ngành thuỷ sản. Ngay từ lúc này, từng địa phương tiến hành đánh giá tiềm năng, khả năng diện tích có thể phát triển NNTS, đồng thời thực hiện quy hoạch chi tiết, bố trí các tiểu vùng sản xuất, xác định đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình. Nếu chậm trễ để nhân dân tự phát mở rộng diện tích, sẽ dễ dẫn tới nguy cơ phải trả giá vì môi trường bị ô nhiễm, tôm chết hàng loạt như trong các ao nuôi như hiện nay.
    (Theo Việt Linh.com

Chia sẻ trang này