1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Paul Carell - Hitler mặt trận miền Đông

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi huytop, 30/10/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.417
    Đã được thích:
    5.939
    Đêm hôm đó cũng là một đêm kinh hoàng tại làng Wugarten. Một sĩ quan liên lạc của Nga, Trung tá Theodocius Irshko, đã đến ngôi làng này vào buổi trưa hôm trước, tặng rất nhiều thực phẩm và rượu ngon cho người của Fuller. Ngôi làng Wugarten – như lời ông nói - sẽ trở thành một điểm chuyên tập hợp các quân nhân Đồng minh bị lạc, hoặc trốn thoát từ các trại tập trung, và ông gọi đùa Sở chỉ huy của Fuller là Thị trấn Texas . Sau khi khuyên viên Đại tá nên duy trì an ninh, trật tự trong thị trấn thì Irshko rời đi – nhưng lại cầm theo tất cả những vũ khí mà Fuller đã thu giữ. Đêm đó những nhóm người Nga say xỉn đã lang thang tìm đường vào thị trấn. Họ hãm hiếp phụ nữ ở mọi lứa tuổi và sát hại 16 người. Không còn vũ khí trong tay, những người cựu tù binh Mỹ không thể đáp lại những tiếng kêu cứu thảm thiết của dân làng.

    Đội quân Thiết giáp của Zhukov đã vượt qua ngôi làng Wugarten và đang xả hết tốc lực hướng đến Berlin mà hầu như không gặp phải sự chống cự nào đáng kể. Khi họ áp sát tới Landsberg, một thành phố nhỏ quan trọng cách xa hơn 10 dặm tây, có xảy ra một cuộc đụng độ ngắn, nhưng chỉ đến giữa buổi sáng ngày cuối cùng trong tháng Giêng, mọi nỗ lực chống cự của quân Đức đã kết thúc.

    Katherina Textor, một nữ giáo viên trung niên, đã nhìn thấy những người lính Nga đầu tiên - trong bộ đồ ngụy trang trắng toát - trèo qua hàng rào đi về phía chung cư cô đang sinh sống gồm có tới 10 căn hộ. Một phút sau họ đập cửa rầm rầm. Như thường lệ, họ yêu cầu, "Uri, Uri!"(phiên âm tiếng Đức có nghĩa là "đồng hồ", Uhren. ND) –nhưng lúc này, họ lịch sự viết lên một tờ giấy bằng tiếng Nga giải thích rằng họ sẽ lấy hết đồng hồ trong nhà. Họ chỉ trở nên tức giận khi tìm thấy một khẩu súng săn cũ và một bức ảnh của Hitler. Họ hét lên một cách chế nhạo, "Hitler, Hitler, ở đâu hả đồng chí?" nhưng họ vẫn không quấy rối lấy một ai. Katherina và những người hàng xóm bắt đầu nghĩ rằng những câu chuyện về sự tàn bạo của Nga chỉ là lời tuyên truyền của Goebbels, cho đến khi hai người lính Hồng quân trẻ tuổi xông vào tìm kiếm phụ nữ. Một người xô Katherina và hai phụ nữ lớn tuổi khác vào bếp và mời họ hút thuốc lá trong khi bạn của anh ta lôi một cô gái trẻ tên là Lenchen sang một phòng khác và cưỡng hiếp cô ta. Khi Katherina lên tiếng phàn nàn với một sĩ quan Liên Xô, anh ta chỉ cười một cách châm biếm và nói, "Là một người mẹ, bà không thể kiểm soát được tình yêu của con cái đâu .."

    Mũi nêm thiết giáp của Zhukov tiếp tục lao về phía tây và tiếp cận Küstrin, một thành phố bên bờ sông Oder, chỉ còn cách Văn phòng Thủ tướng Đế chế 52 dặm lái xe qua một xa lộ cao tốc được trải nhựa đẹp tuyệt vời. Ngay trước buổi trưa, những người tù binh Mỹ xuất phát từ Stalag IIIC đã vội vã hành quân ra khỏi trại tù, có nhiều người đi theo; đạn pháo 75mm bắt đầu rơi ngay trước mặt họ và đạn súng máy quét qua quét lại hàng ngũ của họ. Người Mỹ nhìn thấy ba chiếc xe tăng Sherman đang tiến về phía họ và đoán chắc đó là một đội hình quân Nga đang hành quân.Trung sĩ Kỹ thuật Charles Straughn, Trung sĩ Tham mưu Herman Kerley và T / 5 Lemoyne Moore vội vàng phất cờ trắng và cùng tiến về phía xe tăng. Nhưng vì lý do nào đó, người Nga nghĩ rằng họ là người Hungary và nổ súng, giết chết Moore và làm bị thương Kerley. Vào thời điểm người Nga phát hiện ra rằng họ đang xả súng nhầm vào những người bạn Đồng minh, thì đã có 5 người Mỹ bị thương, 5 người khác chết. (T / 5 - Kỹ thuật viên quân sự hạng 5 của Mỹ trong những năm 1942-1948)






    o O o





    Ở cửa sông Oder, 95 dặm đường chim bay về phía bắc, Tiến sĩ Wernher von Braun, giám đốc kỹ thuật của Cơ sở nghiên cứu và chế tạo tên lửa tại Peenemünde, đang có một cuộc họp bí mật với các viên trợ lý, phụ tá thân tín nhất. Họ đã cùng nhau nghiên cứu và phát triển tên lửa A-4, (Aggregat-4)-một loại tên lửa mà họ đánh giá là bước đầu tiên để tiến hành các chuyến bay chinh phục vũ trụ. Nhưng Hitler chỉ coi nó như một thứ vũ khí tầm xa và Goebbels đã đổi tên thành V-2, Vengeance Weapon-2 (Vũ khí báo thù -2).

    Đầu tiên,von Braun giải thích với các trợ lý của mình rằng vì sao ông ta phải triệu tập cuộc họp vì nhận được 2 mệnh lệnh mâu thuẫn với nhau trong ngày hôm đó — cả hai đều đến từ các quan chức SS. SS-Obergruppen-führer (Trung tướng) Tiến sĩ Hans Kammler, người được Himmler chỉ định là Ủy viên đặc biệt của dự án, đã gửi một tin điện báo chỉ đạo rằng các quả tên lửa còn lại phải được sơ tán đến miền trung nước Đức, trong khi chính Himmler, với tư cách là Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân Vistula, đã gửi một thông điệp ra lệnh cho tất cả các kỹ sư của von Braun phải tham gia Volkssturm (lực lượng dân quân Quốc gia), để họ có thể cầm súng bảo vệ khu vực mà Hồng quân đang tìm cách tiếp cận.

    “Nước Đức sẽ thua trận,” Tiến sĩ von Braun tiếp tục, “nhưng chúng ta đừng quên rằng chính nhóm của chúng ta là những con người đầu tiên thành công trong việc vươn ra ngoài không gian ...Chúng ta đã phải chịu nhiều khó khăn vì có niềm tin tuyệt đối về tên lửa trong thời đại hòa bình vĩ đại sắp tới. Bây giờ chúng ta có một nghĩa vụ. Các cường quốc chinh phục, ai cũng muốn sở hữu những kiến thức của chúng ta. Câu hỏi mà chúng ta cần phải trả lời là: Sẽ giao phó di sản của mình cho quốc gia nào? ”

    Có đề nghị cho rằng họ nên ở lại và giao nộp tất cả mọi thứ cho người Nga đã bị từ chối một cách thẳng thừng ; cuối cùng họ bỏ phiếu nhất trí sẽ đầu hàng Quân đội Hoa kỳ. Bước đầu tiên là sẽ phải tuân theo lệnh của Kammler và di tản về phía tây nước Đức. Thời gian không thể chậm trễ được nữa. Công việc chuẩn bị cho chuyến đi sẽ mất hơn hai tuần và ngay tại lúc này, ai trong số họ cũng có thể nghe thấy tiếng ầm ầm yếu ớt của pháo binh Zhukov ở phía nam vọng tới.....
    caonam_vOz, viagraless, tatpcit2 người khác thích bài này.
  2. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.417
    Đã được thích:
    5.939
    Bất chấp những tin dữ từ mặt trận phía đông dội về, Hitler vẫn không hề tỏ ra chán nản. Sau cuộc họp buổi tối, một số người vẫn ở lại để nghe Hitler đàm đạo thân mật về tình hình chính trị. Quốc trưởng thỉnh thoảng tổ chức các buổi nói chuyện không được ghi âm này nhằm tạo ra mọi nỗ lực để thuyết phục các nhà lãnh đạo quân sự của mình - đặc biệt là những con người như Guderian, người chỉ nghĩ đơn thuần về mặt quân sự - Hitler cho rằng cuộc chiến tranh hiện đại ngày nay là một trong nhiều vấn đề liên quan với nhau về kinh tế, địa lý chính trị và hệ tư tưởng.

    Rất ít người biết rằng Hitler có trí nhớ như một cái máy ảnh, và họ luôn bị ấn tượng bởi khả năng nắm bắt và kiến thức có vẻ sâu sắc của Fuhrer về những vấn đề phức tạp khi ông ta xen kẽ bài nói của mình với các sự kiện và số liệu mà ông ta chỉ đọc lướt qua một cách đơn giản. Trong bầu không khí thoải mái và Hitler trò chuyện như một giáo sư với một nhóm sinh viên mà ông ta yêu thích, đầu tiên ông ta giải thích lý do tại sao lại phát động Trận chiến Bulge. Quốc trưởng tâm tình : ông ta đã nhận ra rằng cuộc chiến không còn có thể giành được chiến thắng nếu chỉ dựa vào các biện pháp quân sự. Giải pháp là cố gắng đạt được một nền hòa bình trong danh dự với phương Tây để người Anh có thể cộng hưởng tất cả mọi sức mạnh của Đức nhằm chống lại phương Đông. Nhưng để có được một nền hòa bình như vậy, ta phải có một vị thế thương lượng tốt. Do đó, ông ta đã ra lệnh tấn công vào khu vực Ardennes với mọi Sư đoàn mà ông có thể tìm cách xoay xở được, cùng nỗ lực thọc sâu đến vùng Antwerp và tạo ra một cái nêm chèn vào giữa Anh và Mỹ. Chính bản thân Quốc trưởng lo ngại sự bành trướng của Chủ nghĩa Bolshevism như thế nào thì Churchill cũng như vậy, nên sự thất bại quân sự này sẽ là cái cớ để Thủ tướng Anh xem xét một số thỏa thuận sẽ được thực hiện với Đức. Hitler thừa nhận rằng canh bạc này đã thất bại về mặt quân sự nhưng một chiến thắng bất ngờ về mặt tâm lý đã giành được. Người Mỹ và người Anh đã công khai mâu thuẫn gay gắt về cách thức tiến hành trận chiến, và sự chia rẽ giữa các nước Đồng minh có thể sắp xảy ra.

    Như thường lệ, Guderian tiếp tục sốt ruột nhìn đồng hồ, nhưng các sĩ quan trẻ tuổi - điển hình như Otto Gunsche cao 6 foot rưỡi (gần 1,96 m), phụ tá SS riêng (đảm trách việc bảo vệ an ninh) cho Fuhrer - dường như bị thôi miên khi Hitler giải thích lý do tại sao ông ta lại điều Tập đoàn quân xe tăng số 6 do SS-Oberstgruppenfuhrer (Đại tướng SS) Josef “Sepp” Dietrich's chỉ huy từ Ardennes đến Hungary bất chấp Guderian cứ khăng khăng yêu cầu lực lượng hùng hậu này phải được ném ra để ngăn chặn đội quân của Zhukov hoặc Konev. Có những điều – như Hitler đề cập – vượt ra ngoài khuôn khổ mọi lý do thuần túy về mặt quân sự. Đầu tiên, cuộc tấn công bất ngờ mà Dietrich chuẩn bị phát động không chỉ cứu nguồn cung cấp dầu mỏ cuối cùng của nước Đức ở Hungary mà còn lấy lại nguồn dầu từ Rumania. Điều thứ hai còn quan trọng hơn, là Dietrich đang tìm cách “câu giờ”. Tại bất kỳ thời điểm nào, phương Tây nhất định phải nhận ra rằng bọn Bolshevism mới là kẻ thù thực sự của họ và sẽ phải cùng với người Đức tham gia cuộc thập tự chinh chống lại Chủ nghĩa Cộng sản. Churchill cũng như ông ta đều biết rằng nếu Hồng quân chiếm được Berlin, một nửa châu Âu ngay lập tức sẽ trở thành quốc gia Cộng sản và trong vài năm nữa, nửa còn lại sẽ bị Stalin thôn tính nốt.

    “Tôi không bao giờ muốn chống lại phương Tây,”. Đột ngột, Fuhrer nói với vẻ cay đắng "Họ đã ép buộc tôi phải làm như thế."…. Nhưng cứ mỗi ngày trôi qua, tham vọng của người Nga càng trở nên rõ ràng hơn – Hitler nói tiếp - và ngay cả Roosevelt cũng phải mở to mắt khi gần đây Stalin công nhận sự ủng hộ cho Chính phủ bù nhìn Lublin được Cộng sản hậu thuẫn tại Ba Lan. “Thời gian là đồng minh của chúng ta,” – Quốc trưởng nói thêm. Đó là lý do tại sao ông quyết định để Cụm Tập đoàn quân Kurland cố sức phòng thủ tại Latvia. Một điều hiển nhiên nếu mà cuối cùng người Anh và Mỹ và Đức cùng bắt tay nhau, thì vùng đất này sẽ là một bàn đạp vô giá dành cho một cuộc Tổng tấn công hướng vào Thành phố Leningrat, chỉ cách đó có 350 dặm ? Chẳng phải rõ ràng rằng các Festung (Pháo đài) cuối cùng mà họ vẫn đang bám trụ ở phía đông sẽ là những đầu cầu đổ bộ trong cuộc thập tự chinh của Đức - Mỹ - Anh nhằm quét sạch chủ nghĩa Bolshevism của người Do Thái hay sao?

    Cuộc tấn công này, Hitler càng cao giọng trong sự phấn khích tột độ, đã gần kề. Với một cây bút chì màu đỏ trong tay, Fuhrer đã đánh dấu một cách mạnh mẽ vào một bản báo cáo của Bộ Ngoại giao về những rắc rối ở trong các nước Mỹ và Anh. "Hãy nhìn đây, chỗ này, đây này !" Quốc trưởng thốt lên. Người dân nước họ ngày càng phản đối các chính sách hiện tại của Roosevelt và Churchill, và họ sẽ sớm đòi hòa bình với nước Đức và cùng tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù chung là nước Nga Cộng sản. Giọng ông cất lên đầy mê hoặc khi kể lại cho mọi người trong phòng nghe về những sự kiện xảy ra trong năm 1918, khi mà Tổ quốc đã bị những kẻ trong Bộ Tổng tham mưu đâm lén sau lưng. Nếu như đừng đầu hàng quá sớm như thế – Hitler quả quyết – nước Đức của chúng ta sẽ có được một nền hòa bình trong danh dự và sẽ không có những cảnh hỗn loạn sau cuộc chiến, không có âm mưu của bọn Cộng sản để thôn tính nước Đức, không có Đại suy thoái.

    “Lần này,” Fuhrer cầu xin, “chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc vào năm phút trước nửa đêm!”
    caonam_vOz, viagralesstatpcit thích bài này.
  3. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.417
    Đã được thích:
    5.939




    “Đó là một Hội nghị Định mệnh”







    1.





    Dự đoán của Hitler rằng sẽ có vết rạn nứt ngày càng sâu giữa người Anh và người Mỹ không hề dựa trên một sự mơ tưởng hão huyền. Vào nửa sau năm 1944, người Anh muốn có một cuộc tấn công từ phía bắc vào sâu nội địa nước Đức trong khi người Mỹ vẫn kêu gọi một cuộc tấn công trên một phạm vi rộng. Lần đó, Eisenhower đã phải thỏa hiệp: hướng tấn công của Montgomery có vai trò chủ công, dẫn đầu một đòn tấn kích vu hồi vào nước Đức trong khi Bradley tiến hành một cuộc tấn công hỗ trợ về phía nam. Và như mọi lần, thỏa hiệp này chỉ khiến cả hai bên bằng mặt mà không bằng lòng.

    Tại cuộc họp thứ hai của các yếu nhân trong Hội đồng Tham mưu Tối cao Liên hợp (CCS)tại Malta, vào ngày 31 tháng Giêng, phía người Mỹ - Tướng Bedell Smith đọc một bức điện từ Eisenhower gửi đến , đảm bảo với mọi người rằng ông ta vẫn duy trì kế hoạch để Montgomery vượt sông Rhine ở phía bắc "với một sức mạnh tối đa và quyết tâm cao nhất" trước khi chờ Bradley và Devers để kiểm soát hoàn toàn tình hình hai bên bờ con sông, nhưng lại gài thêm rằng điều này chỉ có thể được thực hiện khi "tình hình ở phía nam cho phép tôi thu thập các lực lượng cần thiết mà không phải chịu rủi ro không đáng có."

    Đại diện cho người Anh, Thống chế Alan Brooke hoàn toàn thất vọng. Đối với ông, bức điện từ Eisenhower chỉ là một nỗ lực khác nhằm làm vừa lòng cả hai bên, chỉ làm xáo trộn thêm một tình huống vốn đã bị rối loạn, và hơn bao giờ hết, càng tăng thêm sự đánh giá của cá nhân Brooke về con người Eisenhower, cho rằng ông ta chỉ xứng danh như là một "cầu thủ hạng hai." Đêm hôm đó, Brooke đã viết trong nhật ký của mình, "Thế là chúng ta lại càng gặp khó khăn!"

    Sẽ rất thú vị nếu chúng ta biết được quan điểm của tướng Marshall về tiến trình công việc diễn ra trong ngày hôm đó nhưng ông ta không ghi lại nhật ký; thậm chí, trên thực tế, ông ta hiếm khi thảo luận những vấn đề như vậy với nhân viên thuộc quyền. Một lần ông trao đổi với Thiếu tướng John E. Hull, một con người tương đối trẻ tuổi, đang lãnh đạo Phòng tác chiến thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân Hoa kỳ và là một trong những người thân cận nhất với Tham mưu trưởng, rằng ông sẽ không bao giờ viết sách, chỉ vì ông không thể nói thẳng thắn về một số nhân vật trong đó.

    Một sự thất vọng lớn của Marshall là ông ta không được chọn làm Tư lệnh tối cao Lực lượng Đồng minh ở Châu Âu. Churchill rất muốn ông, nhưng Roosevelt - theo lời khuyên từ Leahy, King và Arnold - quyết định rằng vị trí của Marshall sẽ phải cần nhiều hơn tại Lầu Năm Góc. Đến lượt Marshall tiến cử một cựu phi công xuất sắc, cựu sĩ quan tác chiến dưới quyền ông, đó là Trung tướng Frank M. Andrews. Nhưng ông ta đã chết trong một tai nạn máy bay ở Iceland, và sự lựa chọn thứ hai của Marshall là Dwight D. Eisenhower, một viên tướng cấp Lữ đoàn còn tương đối vô danh vào thời điểm chiến sự Trân Châu Cảng bùng nổ. Một số người ác khẩu nói Eisenhower như là một cái loa của tướng Marshall. Tuy nhiên, những cộng sự thân cận như Hull tuyên bố rằng nếu như hai người có quan hệ cha con, thì Marshall chắc chắn sẽ không bao giờ hành động độc đoán, và bất kỳ ai biết về những tin điện thường xuyên trao đổi giữa bọn họ đều có thể xác nhận điều này. Hầu như mọi lúc, Eisenhower và các nhân viên của ông ta đã đưa ra quyết định thì Marshall đều chấp thuận; và ngay cả khi không đồng ý, lời lẽ của vị Tham mưu trưởng dường như chất vấn hơn là nghiêng về phần chỉ trích.

    Trong các cuộc họp tại Malta, mặc dù trông Marshall có vẻ bất cần hơn bao giờ hết, nhưng ông ta chỉ che giấu sự bực tức ngày càng tăng với việc người Anh thiếu tin tưởng vào Eisenhower. Ông lo sợ, điều này có thể là một sơ hở cho yêu cầu được nhắc đi nhắc lại của người Anh là giao cho Eisenhower một phó tướng sẽ chỉ huy tất cả các hoạt động trên đất liền. Đã từ lâu, phía Anh quốc đã cho rằng việc bổ nhiệm như vậy sẽ giúp cho Eisenhower có thêm thời gian để thực hiện vai trò chính của mình với tư cách là Tổng Tư lệnh tối cao. Marshall luôn phản đối ý tưởng này và chỉ vài ngày trước đó đã nói với Eisenhower, "Chừng nào tôi còn làm Tham mưu trưởng, tôi sẽ không bao giờ để người Anh khiến Ngài phải gánh vác thêm gánh nặng của một người Tổng chỉ huy trên đất liền."

    Thống chế Adam Brooke đã chuẩn bị lên giường đi ngủ vào đêm hôm đó thì Bedell Smith ghé qua trò chuyện. Sau một vài phút trò chuyện bình thường, Brooke nói rằng ông ta luôn tự hỏi liệu Eisenhower có “đủ mạnh” để trở thành Tổng Tư lệnh tối cao hay không. Điều này khiến Smith đề nghị họ nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn – như những người đàn ông với nhau, và không được ghi âm lại. Tất nhiên, Brooke đã mở màn ngay cuộc trao đổi giữa hai người và ông ta thẳng thừng bày tỏ những sự nghi ngờ của mình đối với Eisenhower vì đã quá chú ý đến ý định của các vị chỉ huy chiến trường thuộc quyền. Smith trả lời rằng Eisenhower đang chủ trì một nhóm các tướng lĩnh có chủ nghĩa cá nhân cao và rằng những người đàn ông như Monty, Patton và Bradley chỉ có thể được quản lý bằng sự kết hợp của nghệ thuật ngoại giao và sự nghiêm khắc của vị Tổng Tư lệnh tối cao.

    Ít ra, trong lúc này, những lời giải thích của Smithvẫn không gây được ấn tượng với Brooke và ông ta nói Eisenhower đã quá thường xuyên bị chệch hướng khỏi những mục tiêu của mình bởi ý kiến của những người mà ông ta đã gặp trước đó. Cho rằng Eisenhower có trình độ đặc biệt như một người điều phối mọi sự khác biệt của Đồng minh, sự đồng cảm với mọi quan điểm khiến ông ta luôn bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người cuối cùng mà ông ta vừa nói chuyện. Smith phản pháo lại một cách gay gắt rằng tốt hơn hết những ai lên tiếng phản đối thì hãy đặt toàn bộ vấn đề về năng lực Eisenhower lên bàn hội nghị của Hội đồng Tham mưu Tối cao Liên hợp (CCS). Brooke nhanh chóng lùi lại và thừa nhận rằng Eisenhower có nhiều phẩm chất tuyệt vời. Chả lẽ lúc ban đầu, Brookekhông chấp thuận việc bổ nhiệm Eisenhower vào vị trí Tổng Tư lệnh tối cao hay sao ? Tuy nhiên, ông ta nói,điều mà ông hy vọng là Smith nhận ra rằng cần thiết phải tập trung lực lượng chủ lực ở phía bắc và không cho phép Bradley biến một cuộc tấn công “thứ yếu” về phía Frankfurt thành một chiến dịch trọng điểm.

    Thế rồi, cả hai người đều yên tâm chia tay. Brooke thì tin tưởng rằng Smith, người đã soạn thảo và thực hiện các kế hoạch của Eisenhower, đồng ý với các yêu cầu của Brooke. Còn Smith thì tin chắc là Brooke cảm nhận Eisen-hower đủ tư cách hơn bất kỳ một người nào khác để trở thành Tổng Tư lệnh tối cao. Nhưng cả hai đều nhầm lẫn….
  4. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.417
    Đã được thích:
    5.939


    2.






    Trong bữa tiệc chiêu đãi trọng thể tại Tòa nhà Chính phủ vào buổi tối hôm đó, Edward Stettinius Jr. - người thay thế gần đây cho Bộ trưởng Ngoại giao Cordell Hull ốm yếu và ở độ tuổi 44 – ông là Ngoại trưởng trẻ thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ - đã nói chuyện với Churchill. Chính xác hơn, ông ta đã phải chịu đựng một đòn tấn công đầy bạo lực bằng ngôn ngữ. Với những lời nói gay gắt mà vị Thủ tướng Anh quốc thường hay sử dụng – đó là những lời nói mà các thư ký riêng khi ghi âm lại sẽ bị kiểm duyệt, lược bỏ gắt gao ra khỏi dòng chảy lịch sử - Churchill muốn biết Stettinius nghĩ ông ta đang làm cái quái gì bằng cách công khai phản đối quan điểm gần đây của vị Thủ tướng về nước Ý. Harry Hopkins, cố vấn trưởng của Tổng thống Roosevelt, đã từng cảnh báo Stettinius rằng Churchill “sẽ đánh bại chúng ta” về vấn đề này. Mặc dù vậy, Ngoại trưởng mới của Mỹ hầu như không hề chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công bằng lời nói của Churchill. Stettinius với dáng vẻ bề ngoài oai vệ, mái tóc trắng như tuyết, đôi lông mày đen rậm, và ông ta từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn thép Hoa kỳ, với mức lương lên tới 100.000 USD một năm vào thời điểm đó. Trong thời gian theo học tại Đại học Virginia, ông đã dạy trường Chúa nhật (tên gọi của loại hình giáo dục tôn giáo thường được tổ chức vào các buổi sáng Chủ nhật bởi các giáo phái thuộc Cộng đồng Cơ đốc giáo) và khi rảnh rỗi thì đọc Kinh thánh cho các hội thánh thuộc khu vực miền núi. Stettinius không hút thuốc, không uống rượu hay tham gia điền kinh — nhưng vẫn đủ uy tín để được bầu làm lớp trưởng. Là một người chân thành, nghiêm túc trong công việc và không có tham vọng chính trị, chỉ mong muốn được phục vụ cho quê hương, đất nước của mình - điều mà ông ta đã làm với mức lương 1 đô la một năm. Nhưng điều này hầu như không đủ điều kiện cho áp lực công việc của Stettinius trên tư cách là Bộ trưởng Bộ ngoại giao. Dấn thân vào các vấn đề quốc tế chính trị quá phức tạp với ít sự chuẩn bị, ông được trang bị kém hơn nhiều so với các chuyên gia ngoại giao lão luyện đương thời như Churchill, Eden, Stalin và Molotov.

    Tại Bộ Ngoại giao, Stettinius hầu như luôn trì hoãn mọi ý kiến của các cố vấn. Khi một tài liệu gửi đi được trình lên bàn của ông để phê duyệt và ký tên, những nhận xét duy nhất của ông phải liên quan đến chiều rộng bên lề tờ giấy. Nhưng nếu một số chuyên gia được trả lương để chế giễu Stettinius, coi ông chỉ là một người tẻ ngắt, làm việc chăm chỉ và không có nhiều hiểu biết, thì ông lại được nhiều người yêu thích vì bản chất khiêm tốn và tốt bụng của mình. Có lẽ chính những phẩm chất này đã khiến ông ta được Roosevelt lựa chọn. Vì bệnh tật của Hull, Tổng thống đã từng phải làm Quốc vụ khanh của chính bản thân ông trong một thời gian ngắn, và thay vì chọn một người có cá tính mạnh mẽ như James Byrnes, có lẽ Roosevelt đã chấm một con người có thể thực hiện các mong muốn của mình mà không hề tranh cãi. Điều này có thể giải thích tại sao Roosevelt đã hướng dẫn cánh tay phải trung thành và sắc sảo của mình - Cố vấn trưởng Harry Hopkins - đi cùng với Stettinius đến Malta và giám sát chặt chẽ hành động của ông ta. Những kẻ thuộc phe đối lập thường ví von Stettinius chỉ đơn thuần là một bức “bình phong” của Hopkins và gọi ông ta một cách khinh thị là “Cậu bé tóc trắng”.

    Churchill cũng tấn công Stettinius như thể chính bản thân Ngoại trưởng phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc hàng loạt chỉ trích của người Mỹ dồn lên đầu ông ta, vì chính Thủ tướng Churchill đã ra lệnh cho quân đội Anh ở Athens có hành động ngăn cản các nhóm Du kích Cộng sản, những người gần đây đang phải chiến đấu với bọn Đức Quốc xã. Churchill nói, nếu như mà người Anh không có mặt ở Hy Lạp, thì những người Cộng sản Hy Lạp sẽ chỉ làm một việc đơn giản là giành lấy chính quyền.

    Sáng hôm sau, 1 tháng Hai, bắt đầu một ngày làm việc yên bình hơn dành cho Stettinius. Ông và Anthony Eden, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, rời con tàu tuần dương hạm hạng nhẹ của Anh H.M.S. Orion đi dạo trên bến tàu và thảo luận thân thiện về những vấn đề sẽ được đề cập trong hội nghị Yalta. Không giống như người chú của mình khi kết hôn (với người vợ đầu tiên.ND), Eden là một người chủ điềm tĩnh, hòa nhã và dễ chịu. Không phải ông ta không có những khoảnh khắc xúc động. Mặc dù công chúng luôn tưởng tượng rằng Anthony Eden là một quý ông thụ động, ôn hòa, thậm chí có vẻ khéo léo, nhưng thực sự ông ta thỉnh thoảng có những lúc bộc phát tính nóng nảy của mình. Có lúc, bạn sẽ cảm thấy bối rối khi nghe thấy một chú cừu non đột nhiên gầm lên như giọng của một con sư tử….

    Cuối buổi sáng hôm đó, Eden, Stettinius cùng đội ngũ trợ lý của họ gặp nhau tại Sirius, nơi Phái đoàn Mỹ đang cư ngụ, để xem xét vị trí mà họ sẽ đảm nhận tại hội nghị Yalta. Eden cảm thấy rằng người Mỹ đã dành quá nhiều thời gian cho việc thành lập một tổ chức thế giới mới được đề xuất và quá ít cho đất nước Ba Lan, và cho rằng sẽ không có một Liên hợp quốc nào “đáng giá” trừ phi Liên Xô có thể “bị thuyết phục hoặc buộc phải đối xử với Ba Lan theo một cách lịch sự ….”.






    o O o






    Mặc dù vấn đề Ba Lan có nguồn gốc từ quá khứ xa xôi, nhưng cuộc khủng hoảng hiện tại có thể bắt nguồn từ ngày 23 tháng Tám năm 1939, khi Nga và Đức ký kết Hiệp ước Bất tương xâm tại Matxcơva trước sự ngạc nhiên sững sờ của hầu hết các quốc gia hàng đầu trên thế giới. Ribbentrop và Molotov đồng ý chia cắt Ba Lan để đổi lấy sự không can thiệp của Nga, và vào ngày 1 tháng Chín, xe tăng Đức bắt đầu lăn bánh về phía thủ đô Warsaw. Hai ngày sau, Anh và Pháp tuyên chiến với nước Đức của Hitler, và Thế chiến II bắt đầu bùng nổ.

    Đối với Ba Lan, việc các đồng minh của họ tham gia cuộc chiến không có ý nghĩa gì hơn là sự ủng hộ về mặt tinh thần. Chỉ trong vòng có ba tuần, toàn bộ đất nước họ bị Đức và Nga chiếm đóng, hàng trăm nghìn người Ba Lan bị tống giam vào các trại tập trung của Đức Quốc xã hoặc Liên Xô. Tuy nhiên, chính phủ Ba Lan sau khi chạy trốn sang Anh bằng con đường Rumania và Pháp, đã được các nền dân chủ phương Tây công nhận là chính phủ hợp pháp.

    Ngày 22/6/1941, Hitler lại khiến cả thế giới giật mình hơn khi lật kèo với ông bạn Đồng minh bất đắc dĩ và tiến hành cuộc viễn chinh xâm lược đất Nga. Cũng chỉ vài tuần sau, Roosevelt và Churchill tiết lộ với thế giới các điều khoản trong Hiến chương Đại Tây Dương của họ. Nó mang lại hy vọng mới cho người Ba Lan về mọi thuyết phục chính trị— đây cuối cùng là cơ sở cho một đất nước Ba Lan thực sự tự do. Sau đó, khi người Nga đồng ý với các nguyên tắc của Hiến chương, hứa sẽ “không tìm kiếm sự gia tăng, lãnh thổ hay một điều gì khác”, sự lạc quan của Ba Lan dường như có cơ sở thực tế. Nhưng một khi cục diện chiến tranh thay đổi và Hồng quân bắt đầu chiến đấu ngang hàng với nước Đức quốc xã, lập trường của Nga thay đổi rất nhanh, Stalin khăng khăng yêu cầu biên giới Nga-Ba Lan được đẩy về phía đông đến đường phân giới, theo đề xuất tại Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919 của Nam tước Curzon (Bộ trưởng Bộ ngoại giao Anh thời điểm đó). Điều này có nghĩa là Nga sẽ giữ lại gần như toàn bộ lãnh thổ mà Hồng quân đã chiếm được trong năm 1939. Người Ba Lan rất tức giận, nhưng lập luận của họ không gây được ấn tượng với Churchill. Ông, cũng như Stalin, tin rằng sự thay đổi mạnh mẽ của tình hình quân sự sẽ tạo đà cho sự thay đổi về chính trị. Ngay cả Roosevelt cũng vậy, và tại Hội nghị Teheran 1943, hai người này đã bí mật hứa với Stalin rằng họ sẽ chấp nhận Đường biên giới Curzon…
    caonam_vOz, tatpcit, viagraless1 người khác thích bài này.
  5. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    9.272
    làm việc chăm chỉ và không có nhiều hiểu biết = cần cù bù thông minh chăng?:-D
  6. viagraless

    viagraless Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    23/07/2004
    Bài viết:
    743
    Đã được thích:
    407
    bài dịch của ông đâu mà đọc ké bên đây nhỉ ? 2 ngày rồi đấy :-D
    MuahoaLekimangthi96 thích bài này.
  7. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.417
    Đã được thích:
    5.939
    --- Gộp bài viết: 22/08/2021, Bài cũ từ: 22/08/2021 ---
  8. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.417
    Đã được thích:
    5.939
    …Thủ tướng của Chính phủ Ba Lan lưu vong - Stanislaw Mikolajczyk - tất nhiên không biết gì về sự thỏa thuận này và đã đến Mỹ để nhận được sự đảm bảo cá nhân của Roosevelt rằng ông sẽ bảo vệ quyền lợi của một đất nước Ba Lan tự do. Khi hai người gặp nhau vào ngày 6 tháng Sáu năm 1944, ngày D-Day, Roosevelt không nói gì về Đường Curzon, chỉ hứa rằng cố gắng giúp đỡ đất nước Ba Lan được tự do và giành được độc lập.

    - "Thưa Ngài ! Còn về Stalin thì sao?" - Mikolajczyk hỏi.

    - “Stalin là một người theo chủ nghĩa hiện thực,” – Roosevelt điềm tĩnh châm thuốc và nói . “Chúng ta đừng quên khi đánh giá các hành động của Nga cho rằng chế độ Xô Viết mới chỉ có được vài năm kinh nghiệm trong quan hệ với các đối tác quốc tế. Nhưng tôi chắc chắn một điều: Stalin không phải là một người theo chủ nghĩa đế quốc ”. Tổng thống tiếp tục nói rằng người Ba Lan phải hiểu rõ vấn đề với Stalin. "Riêng Ngài, sẽ không có cơ hội để đánh bại nước Nga, và hãy để tôi nói với Ngài ngay lúc này, người Anh và người Mỹ không có ý định chống lại Nga." Nhận thấy mối quan tâm rõ ràng của Mikolajczyk về vấn đề này, Roosevelt nói thêm, “Nhưng đừng lo, Stalin không có ý định lấy đi nền tự do ra khỏi Ba Lan. Ông ta sẽ không dám làm điều đó vì biết rằng chính phủ Hoa Kỳ luôn đứng sau lưng Ngài. Tôi sẽ chỉ thấy rằng đất nước Ba Lan không thể thoát ra khỏi cuộc chiến tranh này mà không bị tổn thương." Sau đó, Tổng thống thúc giục Mikolajczyk nên cố gắng tìm cách gặp và tìm hiểu thái độ của Stalin ngay lập tức. “Khi có một điều gì xảy ra mà ta không thể tránh khỏi “ – ông nói tiếp – “tốt hơn hết là Ngài nên tự tìm cách thích nghi với nó…”.

    Mikolajczyk, người lãnh đạo của Đảng Nông dân Ba lan (Polskie Stronnictwo Ludowe “Piast” – PSL Piast) hùng mạnh, đã không quá tỏ ra kiên quyết - khác với rất nhiều người Ba lan cho rằng không được phép nhân nhượng trước người Nga – đã đồng ý bay đến Moscow. Tuy nhiên, trên đường đi, ông gần như quay lại một cách tức giận khi biết rằng Stalin đã tự ý trao phần lãnh thổ Ba Lan mới được Hồng quân giải phóng cho Ủy ban Giải phóng Quốc gia Ba Lan Lublin mới thành lập, mà các nhà lãnh đạo là những người có thiện cảm hoặc các Thủ lĩnh Cộng sản Ba lan.

    Việc Mikolajczyk đến Nga vào ngày 30 tháng Bảy hiếm có thể đến vào một thời điểm nào ấn tượng hơn. Đài phát thanh Kosciusko (Radiostacja Kosciuszko – Đài phát thanh tuyên truyền Ba-lan trực thuộc Quốc tế Cộng sản) ở Mos-cow vừa phát đi lời kêu gọi người dân Warsaw giúp đỡ Hồng quân đang nhanh chóng áp sát Thủ đô “bằng cách trực tiếp chiến đấu trên đường phố”. Khi các Thủ lĩnh các Tổ chức bí mật Ba Lan nghe thấy lời hô hào cuối cùng của buổi phát thanh này, “Hỡi người dân Warsaw , tự do đang nằm trong tay các bạn. Hỡi người dân Ba lan! Hãy cầm vũ khí. Đừng nên phí hoài một giây phút nào cả !”, thì họ phát động ngay tức thì chiến dịch “Tempest”, tạo nên một cuộc khởi nghĩa chống lại sự thống trị của bọn Đức Quốc xã trên toàn thủ đô Warsaw. Đến lúc này, Tổng tư lệnh Tadeusz Komorow-ski (Bor) của phong trào kháng chiến Ba-lan thân với chính phủ lưu vong tại London (AK - Armia Krajowa) đã ra lệnh bắt đầu chiến sự trên các đường phố thủ đô. Vào ngày hôm đó, gần 35.000 người Ba Lan xấu số thuộc mọi lứa tuổi đã tấn công vào các đơn vị đồn trú của Đức ở Warsaw. Những ngày sau đó, các đơn vị SS và Cảnh sát - bao gồm cả những người bị kết án quản chế và những tù nhân Nga phản bội, những người ghét người Ba Lan - đã được đưa đến thành phố và đặt dưới sự chỉ huy của SS-Gruppen-fuhrer (Thiếu tướng) Erich von dem Bach-Zelewski, khai mào một chiến dịch tàn bạo chưa từng thấy được tổ chức nhằm đè bẹp cuộc nổi dậy cũng như san bằng hoàn toàn thủ đô Warsaw.

    Những người dân Ba Lan tội nghiệp tiếp tục lao vào chiến đấu, tin tưởng rằng quân Hồng quân chỉ cần vượt sông Vistula sẽ sớm giải phóng Warsaw. Nhưng đã vài ngày trôi qua mà những người Nga thậm chí không thèm bắn vào các máy bay Đức đang bổ nhào xuống các vị trí của Những người Khởi nghĩa Ba-lan và không hề có ý định hỗ trợ họ.

    Thế rồi, Mikolajczyk cũng phải tìm cách đi Moscow, vào 4 ngày sau khi đến, cuối cùng ông ta cũng nói chuyện đượcvới Stalin, người đã miễn cưỡng đồng ý một vài nhượng bộ nếu người Ba Lan lưu vong ở London có thể đạt được một sự hòa giải chung với người Ba Lan ở Lublin. Do đó, Mikolajczyk đã tiến hành một vài cuộc nói chuyện với người Ba Lan Lublin, họ đề nghị mong muốn ông lên làm Thủ tướng của một chính phủ liên minh mới nhưng nhấn mạnh rằng Boleslaw Bierut, một người Cộng sản được Moscow ủng hộ triệt sẽ lên làm Tổng thống và 14/17 vị trí quan trọng ở nội các sẽ thuộc về những người cộng sản khác hoặc ít ra là những người có cảm tình với Chủ nghĩa Cộng sản. Trong suốt thời gian này, Mikolajczyk đã cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt quân sự một cách tuyệt vọng cho những người kháng chiến AK tại thủ đô Warsaw. Có một lần, Stalin nói thẳng với ông rằng, lúc này Hồng quân không thể vượt qua Vistula vì bị 4 Sư đoàn xe tăng mới của Đức tấn công, và sau đó nhận xét rằng dù sao ông cũng nghe nói rằng không có bất kỳ cuộc giao tranh nào đang diễn ra bên trong Warsaw.

    Ở Anh và Mỹ, dư luận đã bị kích động bởi hoàn cảnh hiểm nghèo của những người kháng chiến Ba Lan đến nỗi Roosevelt buộc phải chấp thuận đề nghị gửi máy bay Mỹ tiếp tế đến Warsaw; sau khi thả đồ cứu trợ cho Quân đội kháng chiến AK, họ sẽ phải tiếp tục hạ cánh trên lãnh thổ Nga kiểm soát để tiếp tế thêm nhiên liệu. Nhưng những người Nga thậm chí đã từ chối kế hoạch này và tuyên bố rằng cuộc khởi nghĩa Warsaw là một “cuộc phiêu lưu quân sự hoàn toàn thuần túy mà chính phủ Liên Xô không thể đứng ra giúp đỡ một tay được”.

    “Nếu lập trường của chính phủ Liên Xô được phản ánh như vậy...” Đại sứ W. Averell Harriman điện về cho Washington, “sự từ chối của họ dựa trên những sự cân nhắc về chính trị tàn nhẫn — chứ không phải họ không biết là phong trào kháng chiến vẫn tồn tại mặc dù đang phải chiến đấu trong tình thế tuyệt vọng..”Bất chấp những lời phản đối, Roosevelt và Churchill vẫn tiếp tục cầu xin sự giúp đỡ dành cho Warsaw. Nhưng Stalin vẫn kiên quyết, gửi điện cho cả hai người: “…SỚM HAY MUỘN THÌ SỰ THẬT VỀ MỘT SỐ ÍT NGƯỜI CÓ THAM VỌNG QUYỀN LỰC ĐÃ TIẾN HÀNH PHÁT ĐỘNG CUỘC PHIÊU LƯU TẠI WARSAW SẼ BỊ LỘ DIỆN. BỌN HỌ, LỢI DỤNG SỰ CẢ TIN CỦA MỌI CƯ DÂN THÀNH PHỐ ĐÃ ĐƯA NHỮNG NGƯỜI DÂN KHÔNG HỀ CÓ VŨ KHÍ TRONG TAY ĐỨNG RA ĐỐI ĐẦU VỚI QUÂN ĐỘI, ĐẠI BÁC, MÁY BAY ĐỨC. VÀO THỜI ĐIỂM NÀY - QUÂN ĐỘI SÔ-VIẾT – ĐANG PHẢI ĐỐI MẶT VỚI CÁC CUỘC PHẢN KÍCH MỚI ĐƯỢC TRỖI DẬY CỦA QUÂN ĐỨC…HỌ PHẢI LÀM TẤT CẢ NHẰM ĐẨY LÙI BÈ LŨ HITLER VÀ CHUẨN BỊ MỘT CUỘC TẤN CÔNG CHỦ LỰC CÓ QUI MÔ LỚN VÀO WARSAW. TÔI CÓ THỂ ĐẢM BẢO VỚI CÁC NGÀI RẰNG, HỒNG QUÂN KHÔNG BAO GIỜ TIẾC CÔNG SỨC NHẰM NỖ LỰC NGHIỀN NÁT QUÂN ĐỨC TẠI WARSAW VÀ GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ, ĐƯA TRẢ VỀ TAY NGƯỜI DÂN BALAN…ĐÓ SẼ LÀ HÀNH ĐỘNG TỐT NHẤT, THỰC SỰ HIỆU QUẢ NHẰM GIÚP ĐỠ MỌI NGƯỜI DÂN BA-LAN TRONG QUÁ TRÌNH CHỐNG CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT…”...
    caonam_vOz, tatpcit, gaume13 người khác thích bài này.
  9. ChuyenGiaNemDa

    ChuyenGiaNemDa Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    05/10/2015
    Bài viết:
    11.831
    Đã được thích:
    23.153
    Cái này dành cho những bác chưa biết âm thanh gốc của MG34, MG42, MP40 là như thế nào :D

    MuahoaLekima thích bài này.
  10. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.417
    Đã được thích:
    5.939
    Nếu như mà Hồng quân thực sự không thể giải phóng Warsaw —điều này rất đáng nghi ngờ — thì những chiêu trò vụng về của Stalin nhằm biến cuộc nổi dậy thành một “cuộc phiêu lưu quân sự mạo hiểm” đã cho chúng ta thấy rằng ông muốn người Đức tiêu diệt hoàn toàn Quân đội kháng chiến Ba-lan. Với việc loại bỏ những người Ba Lan liên quan với Chính phủ lưu vong như vậy, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho chính phủ Lublin được Cộng sản ủng hộ trong việc tiếp quản nhà nước Ba Lan thời kỳ hậu chiến.

    Cuối cùng khi tướng Bor đầu hàng vào ngày 2 tháng Mười năm 1944, sau 63 ngày kháng cự dũng cảm, khoảng 15.000 quân cùng với 200.000 người Ba Lan khác đã chết, còn thủ đô Warsaw thì bị san bằng. Một tuần sau, Churchill đến Matxcơva nhằm cố gắng tìm ra những giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề mới đang nảy sinh do sự bành trướng của Liên Xô ở khu vực Đông và Đông Nam Âu. Vì người Ba Lan vẫn cay đắng tố cáo sự phản bội của Stalin đối với Warsaw, Churchill sợ rằng họ có thể làm đảo lộn mối quan hệ làm việc của Bộ ba lớn (Big Three). Ông ta liền điện cho Mikolajczyk, người đã bay trở lại London trong sự ghê tởm, và nhấn mạnh rằng Mikolajczyk phải bay trở lại ngay với một phái đoàn để tiếp tục thảo luận công việc với những người Ba Lan Cộng sản tại Lublin.

    Dù miễn cưỡng, Mikolajczyk và một nhóm người Ba Lan lưu vong ở London vẫn phải đến Moscow vài ngày sau đó, và chỉ để nhận thêm một cú sốc. Tại một cuộc họp vào ngày 14 tháng Mười, Molotov tiết lộ rằng Roosevelt đã đồng ý ở Teheran về đường ranh giới Curzon. Mikolajczyk tỏ ra không tin vào Churchill và Harriman vì họ đã từng phủ nhận. Sự im lặng đáng xấu hổ của họ thật hùng hồn và những người Ba Lan ở London đã làm điều mà họ hay thể hiện rất giỏi – họ phản đối dữ dội. Churchill đã trả lời một cách thô bạo rằng sự bướng bỉnh của họ sẽ dẫn tới việc “phá hủy một nền hòa bình của châu Âu,” và châm ngòi cho một cuộc chiến tranh với Nga đã từng bị cướp đi sinh mạng của 25 triệu người. "Ngài đang đấu tranh để làm gì?" và Churchill đã hét lên. "Rồi mọi thứ sẽ bị nghiền nát…?"

    Trong sự phẫn nộ tuân trào,Mikolajczyk xin phép nhảy dù xuống Ba Lan để có thể tham gia các hoạt động kháng chiến. "Tôi thích chết trong chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc tôi còn hơn là bị người Nga treo cổ sau đó trước sự chứng kiến của Ngài Đại sứ nước Anh!"

    Bất chấp có một hành động bộc phát như vậy, Mikolajczyk sớm nhận ra rằng cần phải có một thỏa hiệp với Lublin và khi trở về London, ông đã thúc giục chính phủ lưu vong lập ra một thỏa thuận mới với Moscow. Có thể đoán ngay được, họ sẽ từ chối rời khỏi Hiến chương Đại Tây Dương, và cũng có thể đoán trước là sau đó Churchill sẽ đổ lỗi cho Mikolajczyk như thế nào, "Nếu các Ngài mà làm theo lời khuyên của chúng tôi vào tháng Giêng và chấp nhận ngay Đường ranh giới Curzon, thì các Ngài sẽ không phải chứng kiến những kẻ Ba lan đáng ghét đó ngự ở Lublin trong những ngày này!" Sau khi cắn răng nghe Churchill đe dọa sẽ "phủi trách nhiệm" với những người Ba Lan lưu vong ở London vì sự cứng đầu của họ, Mikolajczyk đã đặt câu hỏi: "Tại sao đất nước Ba Lan của tôi, một mình giữa Liên Hợp Quốc, lại phải chịu mất mát về lãnh thổ sớm như vậy?".

    “Vậy thì được,” Churchill trả lời một cách mỉa mai, và tiếp tục đe nẹt :“Hãy để cho bọn Cộng sản Lublin tiếp tục nắm quyền lãnh đạo về các vấn đề Ba Lan đang nằm trong tay chúng, vì Ngài đã không muốn tước đoạt ra khỏi tay bọn họ. Những tên cộng sản Ba Lan ngu ngốc, khốn nạn, những kẻ dã man bẩn thỉu rồi đây sẽ cai quản đất nước của các ngài! ” Churchill nói, cách duy nhất mà những người Ba Lan đang sống tại Luân Đôn có thể kiểm soát đất nước Ba Lan thời hậu chiến là thỏa hiệp ngay lập tức về đường ranh giới Curzon. Nếu vậy, sẽ có được sự hậu thuẫn của chính quyền Anh và Mỹ… “Trừ khi Ngài cho tôi câu trả lời dứt điểm vào ngày hôm nay hoặc ngày mai, thì tôi sẽ coi như mọi thứ đã xong xuôi. Thực sự giờ đây, nếu không có một chính phủ Ba Lan hợp pháp thì chúng tôi sẽ không thể đưa ra quyết định về bất cứ một vấn đề gì cả..”

    “Tôi không thể thuyết phục được các đồng nghiệp của tôi về sự cần thiết phải chấp nhận mọi điều kiện nặng nề được đưa ra mà không có sự đảm bảo thích hợp.” –Miko-lajczyk trả lời.

    "Tôi thấy như vậy là quá đủ!" Churchill gầm lên. "Tất cả công việc các Ngài làm trong lúc này chỉ vì một mục đích - đó là đường ranh giới Curzon ..."

    Mikolajczyk chỉ ra nguyên nhân: “Chúng tôi cần phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ và cực kỳ khó khăn – Như Ngài thấy đấy, việc này liên quan đến vấn đề di chuyển từ năm đến sáu triệu người Ba Lan vào lãnh thổ của các vùng đất mới của Ba Lan, cũng như việc di dời bảy triệu người Đức theo chiều ngược lại….”

    "Ngài trở lại London để làm gì?" Churchill giậm chân như một cậu bé đang nổi giận, và đe dọa thêm vài câu nữa, rồi đột nhiên hỏi: “Tối mai, Ngài đã chuẩn bị lên đường tới Moscow chưa?”

    - "Không, tôi không thể đi ngay được !."

    - "Thế ngày kia thì sao?" – Churchill tiếp tục gầm gừ.

    Mikolajczyk nghĩ rằng có thể phải mất thêm nhiều thời gian hơn để thuyết phục được chính phủ lưu vong chấp thuận cho một thỏa hiệp mới.

    Thế là mọi sự kiềm chế biến mất, Churchill điên cuồng vung tay và hét lên, “Nếu Ngài cự tuyệt, thì hãy can đảm nói ra ! Tôi sẽ không ngần ngại đứng lên chống lại tất cả. Ngài đã lãng phí hai tuần một cách vô ích trong các cuộc tranh luận liên tục mà không đi đến một kết quả nào cả ! Mọi thứ rồi sẽ đưa chúng ta đến đâu? Hôm nay tôi nói với Ngài lần cuối cùng. Sau đêm nay, tôi sẽ không bàn luận gì thêm nữa! ”

    Khi Mikolajczyk báo cáo tất cả những nội dung trong cuộc gặp Churchill với Nội các của mình – như ông ta thừa biết - họ sẽ phẫn nộ từ chối vội vàng. Không chịu nổi áp lực đến từ cả hai bên như vậy, Mikolajczyk đã từ chức…..
    caonam_vOz, tatpcit, gaume12 người khác thích bài này.

Chia sẻ trang này