1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Paul Carell - Hitler mặt trận miền Đông

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi huytop, 30/10/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    thực ra theo mình là không nên đổi, sẽ phá đi văn phong thời VNCH, đọc sách dịch kiểu cổ cũng có cái hay :)
    danngoc thích bài này.
  2. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Nhưng cuốn này chỉ sản xuất có tâp. 1 - Đến hết trang 170 so với bản gốc
  3. danngoc

    danngoc Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    24/08/2004
    Bài viết:
    3.760
    Đã được thích:
    1.327
    Các bác đã xem Thuyết Đường diễn nghĩa thời Tín Đức Thư Xã chưa? Xem Cô gái Mộc chưa? Mỗi cái có hay riêng. Ủng hộ ông hủytóp post tiếp
  4. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Thôi - vì do có phần sau nên tôi sẽ thay vậy. Xin lỗi người dịch bản gốc để còn đồng bộ với các tập tiếp theo.

    Tôi sẽ Post lại hoàn toàn....






    CHƯƠNG 1




    ĐÁNH ÚP BẤT NGỜ







    Trong rừng Pratulin– Cụm tập đoàn quân xe tăng «G» trắng - Giờ quyết định : 3 giờ 15 phút sáng - Cuộc tiến quân qua Bug, San, Memel, Raseiniai và Liepaja - Cuộc đánh úp Daugavpils - Tướng Manstein bị buộc dừng quân - Thống Chế Rundstedt gặp khó khăn– Pháo đài Brest.




    Suốt hai ngày qua, họ đã nằm im trong khu rừng thông âm u nầy. Họ đã lặng lẽ đến đây trên các đoàn chiến xa và cơ giới che kín đèn trước, vào đêm 19 rạng 20 tháng 6. Ban ngày họ nằm im lặng chờ đợi, và tuyệt đối tránh gây tiếng động. Chỉ cần một tiếng két nhỏ của nắp chiến xa cũng đủ để họ bị cấp chỉ huy chỉnh ngay. Họ chỉ được phép đi từng người một ra ngoài dòng suối ở chỗ trống trải để tắm rửa khi đêm xuống mà thôi.


    Thiếu úy Trung đội trưởng Weidner đang đứng trước lều chỉ huy, khi Trung sĩ Sarge dẫn các binh sĩ trong Trung đội 2 Thiết giáp rảo bước qua. Viên Thiếu úy cười khẽ : «Chỗ nầy dành cho lễ lạc thì tốt quá, hả Trung sĩ?». Trung sĩ Sarge đứng lại nhăn mặt trả lời : «Thưa Thiếu úy, tôi không dám nghĩ đến các ngày lễ lạc». Rồi với giọng ôn tồn hơn, anh ta tiếp lời : «Cái gì sắp xảy ra vậy thưa Thiếu úy ? Có phải chúng ta đang chuẩn bị làm thịt bọn Nga không ? Hay là chúng ta đang chờ Stalin cho phép tiến quân ngang đất Nga, để đánh úp bọn Anh qua ngõ hậu Ba Tư, và lôi cuốn bọn chúng đến đây chăng ?».


    Thiếu úy Weidner không ngạc nhiên khi nghe Trung sĩ Sarge hỏi. Bởi vì cũng như Trung sĩ Sarge, anh cũng nghe được những lời đồn đãi nhỏ to ngay từ khi Thiết đoàn huấn luyện chiến xa của anh được biến cải thành Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 39 thiết giáp và đặt trực thuộc Sư đoàn tăng 17. Sau đó họ được di chuyển đến miền Trung Ba Lan, đế rồi bây giờ họ đang nằm trong khu rừng miền Pratulin nầy. Hiện tại họ chỉ cách con sông Bug, biên giới thiên nhiên Đức-Nga, chưa đầy ba dậm, và gần như đối diện với Pháo đài khổng lồ Brest- Litovsk do Nga chiếm giữ kể từ khi có cuộc qua phân Ba Lan vào mùa Thu năm 1939.


    Trung đoàn tăng 39 hiện đang dừng chân trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Hơn thế nữa, mỗi chiến xa còn phải cột thêm 10 can xăng quanh pháo tháp và kéo theo một chiếc xe thồ chất đầy ba phuy nữa. Như vẫy rõ ràng là họ đang chuẩn bị cho một cuộc trường chinh hơn là vài trận đánh ngắn ngủi. Các tay lính chiến xa đầy kinh nghiệm đang rỉ tai nhau: «Bồ đâu có đi đánh trận với mấy can xăng cột quanh xe phải không ? ». Đây cũng là lời biện hộ hùng hồn nhứt để cải lại những tay cứng đầu vẫn khư khư tin là sẽ không bao giờ có chuyện đánh nhau với Nga hết: «Đánh Nga hả ? Vô lý, làm quái gì có chuyện đó! Mình đang bận trối chết với những trận chiến hiện giờ rồi. Sao lại còn mở thêm một mặt trận mới làm gì? Vả lại bọn Nga có làm gì mình đâu, họ là đồng minh mà, chớ bồ không thấy họ đang cung cấp lúa gạo cho mình đó hay sao? Chính bọn Anh mới là địch thủ của họ». Đây cũng là lý luận mà hầu hết các binh sĩ Đức đều đồng ý. Vậy nên không phải để đánh Nga, hay để mượn đường tiến chiếm Ba Tư, thì chắc đây là một cuộc chuyển quân trá hình qui mô để đánh lạc hướng địch.

    Mà «địch» là ai đây ? Thì chắc là quân Anh chớ còn ai nữa ! Vậy thì cuộc động binh ở miền Đông nầy có thểchỉ là một màn hỏa mù, để che đậy cuộc tiến quân đánh chiếm Anh Quốc ở phía bên kia phần đất Âu Châu mà thôi. Luận điệu nầy được âm thầm loan truyền khắp hàng quân với những cái nháy mắt biểu lộ đồng tình. Những người loan truyền và tin tưởng vào nó chắc không hề biết được lời ghi chú sau đây trong cuốn nhựt biên của Bộ Tư lịnh Tối Cao Hải Quân Đức đề ngày 18 tháng 2: «Cuộc động binh ở biên giới Nga hiện tại chỉ là một cuộc hành quân trá hình vĩ đại nhứt trong quân sử. Cuộc động binh ngụy tạo trên nhằm mục đích đánh lạc hướng mọi sự chú ý vào công cuộc chuẩn bị tiến chiếm Anh Quốc đang ở vào giai đoạn chót».


    Tuy nhiên cũng có một luận điệu khác hấp dẫn và giản dị hơn, xuất phát từ các «cụ hạ sĩ già», những người thường được coi là biết hết những bí mật trong các văn phòng đại đội, là linh hồn lẫn tai mắt của đơn vi, tung ra trong lúc vui câu chuyện, rằng thì là Stalin đang ve vãn Hitler bằng cách nhượng đất Ukraine, và hiện mình đang trên đường đến đó như là một quân đội chiếm đóng.


    Trong chiến tranh thì cái gì cũng làm con người ta tin được hết, vì vậy chính Trung sĩ Sarge cũng tin là không có chiến tranh với Nga Sô. Anh hết lòng tin tưởng bản hiệp ước mà Hitler đã ký với Stalin vào tháng 8 năm 1939. Toàn dân Đức, trong đó có anh, coi bản hiệp ước này là một công trình ngoại giao vĩ đại nhứt của Quốc Trưởng Hitler.


    Thiếu úy Weidner, tới gần Trung sĩ Sarge và hỏi :«Trung sĩ có tin chuyện thần thoại không?». Viên Trung sĩ có vẻ ngạc nhiên về câu hỏi nầy. Thiếu úy Weidner liếc nhìn đồng hồ tay rồi nói tiếp: «Ráng chờ thêm một tiếng nữa đi». Nói xong anh ta bước vô lều.


    .................................



    Cũng vào lúc nầy thì tại Công trường Wilhemstrasse ở Thủ đô Bá Linh, trong một ngôinhà trước kia được dùng làm dinh Tổng Thống, Ngoại Trưởng Ribbentrop đang tiết lộ cùng các cộng sự viên thân tín rằng : «Vào sáng sớm ngày mai, Quân lực Cộng Hòa Đức Quốc sẽ tiến đánh Nga Sô».

    Như vậy là sự việc đã rõ như ban ngày. Các cộng sự viên của Ngoại trưởng đã từng nghi ngờ về việc nầy, nhưng họ mong đây chỉ là một kế hoạch trên giấy tờ thôi. Giờ thì việc gì phải đến đã đến. Còn đâu thời đại vàng son của chánh trị và ngoại giao, lãnh vực vốn dĩ là phần vụ của họ. Giờ đây chỉ còn là tiếng nói của súng đạn.


    Vào lúc này thì các vị đại sứ, sứ thần và tất cả các viên chức trong Bộ đều tự hỏi : «Liệu Ngoại trưởng Ribbentrop còn tiếp tục con đường ngoại giao không ? Ông có thể được ở lại nhiệm sở không? Quy luật ngoại giao có đòi hỏi ông phải từ chức không?».

    Hai mươi mốt tháng trước đây, khi từ Mạc Tư Khoa về với bản Hiệp ước Hữu nghị Đức-Nga trong tay. Ngoại trưởng đã từng nói với họ rằng:«Hiệp ước này không những bảo vệ được hậu diện Đức Quốc, mà còn bảo đảm cho chúng ta không phải cùng lúc chiến đấu ở cả hai mặt trận, như đã từng xẩy ra một lần trước đây, và lần đó chúng ta đã bị thảm bại. Vì vậy, tôi coi bản Hiệp ước này là một công trình đáng ghi nhớ nhứt trong cuộc đời ngoại giao của tôi».
  5. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Nhưng giờ thì chiến tranh với Nga sắp sửa xảy ra, Công trình ngoại giao của ông sắp tan thành mây khói, Ribbentrop cảm nhận sự im lặng đang vây phủ quanh ông. Ông bước về phía cửa sổ nhìn ra công trường Wilhemstrasse, công trường mà trước đây một vị Thủ Tướng Chánh Phủ, Hoàng tử Bismarck, đã thường đi quanh dạo mát sau những giờ bận rộn với công việc. Và chính vị Thủ Tướng nầy đã từng coi sự Liên Minh Đức-Nga là điều tất yếu, là một công trình để đời. Phải chăng Ngoại trưởng Ribbentrop đang nghĩ đến vị tiền nhiệm của ông ? Ông xoay người lại, gằn mạnh từng tiếng một : «Quốc Trưởng đã nhận được những tin tức nói rằng Stalin đang củng cố lực lượng để tấn công chúng ta vào một dịp thuận tiện nào đó.Như quí vị biết, cho đến giờ phút này mọi việc Quốc Trưởng nói ra đều đúng. Quốc Trưởng đã bảo đảm với tôi là nội trong vòng tám tuần lễ, quân lực hùng mạnh của chúng ta sẽ đập quân Nga. Sau đó hậu diện của chúng ta sẽ được an toàn, mà không cần phải cầu cạnh đến thiện chí của Stalin nữa».


    Chỉ tám tuần lễ? Nhưng nếu trận chiến kéo dài hơn tám tuần thì sao ? Chắc không thể hơn tám tuần được. Từ trước đến nay có khi nào Quốc Trưởng nghĩ sai đâu! Như vậy thì chỉ trong vòng hai tháng, chúng ta có thể chiến đấu ở cả hai mặt trận dược.


    Đây là một nhận định chung tại nơi nầy. Và giờ thì có lẽ binh sĩ đã nhận được lịnh chiến đấu rồi. Trong các khu rừng thông rậm rạp vùng Pratulin, một ngày oi bức sắp sửa chấm dứt, nhường chỗ cho ánh đêm đen. Mùi nhựa thông thơm phức hòa lẫn với mùi xăng hăng hắc tản mạn trong không gian. Vào 21 giờ 10 phút thì có lịnh từ lều Chỉ huy đại đội gọi đến chiến xa số 924 : «Các đại đội sẽ tập hợp vào 22 giờ đúng. Đại đội 4 thuộc Trung đoàn tăng 5 Lehr tập hợp ngoài đồng trống». Hiệu thính viên Westphal lập tức chuyển lịnh đến chiến xa số 925, từ đó lịnh được truyền đi từ chiến xa nầy tới chiến xa khác.


    Khi Đại đội 4 Thiết giáp tập họp xong thì bóng đêm đã phủ trùm mọi nơi. Trung úy von Abendroth báo cáo với Đại úy Đại đội trưởng. Đại úy Viên đưa mắt nhìn suốt hàng quân đang đứng nghiêm, nón dã chiếnche khuất mặt mày, ẩn hiện dưới ánh sáng mập mờ trong đêm. Trông hàng quân như một bức tường xám xịt: một Đại đội tăng vô diện.

    Đại úy Streit nói lớn: «Đại đội 4 chú ý ! Tôi sẽ tuyên đọc Huấn Lịnh của Quốc Trưởng». Im lặng bao trùm khu rừng gần Brest-Litovsk nầy. Viên Đại úy lấy cây đèn pin treo tòn ten trên nút áo thứ hai ra. Mảnh giấytrong tay ông sáng hẳn lên. Với chất giọng khàn khàn xúc động,ông bắt đầu đọc lớn: «Các chiến sĩ Mặt Trận Miền Đông thân mến !»


    Mặt Trận Miền Đông ? Có phải Đại úy đã đọc Mặt Trận Miền Đông không ? Đây là lần đầu tiên danh từ Mặt Trận Miền Đông được xử dụng. «À ra vậy, cái gì phải đến đã đến!» Viên Đại úy đọc tiếp: «Sau bao tháng cân phân, với lòng lo lắng vô biên, với sự cố tâm im lặng, giờ đây tôi có thể nói thẳng với các bạn, các chiến hữu thân mến của tôi...». Mọi người đều náo nức chờ đợi để biết việc gì đã làm cho Quốc Trưởng của họ lo lắng suốt bao tháng dài:«Hiện thời có khoảng 160 Sư đoàn Nga đang rải quân dọc theo biên giới giữa ta và họ. Trong mấy tuần qua, biên giới chúng ta đã bị họ xâm phạm thường xuyên. Họ còn phá khuấy biên giới đồng minh Ru-ma-ni nữa...».


    Sau đó, các binh sĩ còn nghe nói đến những toán tuần thám Nga xâm nhập các vùng đất của Cộng Hòa Đức Quốc, và chỉ rút lui sau những cuộc chạm súng kéo dài. Sau cùng là phần kết luận của huấn lịnh: « Các chiến hữu Mặt Trận Miền Đông thân mến, cho đến giờ phút nầy thì cuộc động binh của Nga vẫn đang tiến hành một cách quy mô chưa từng thấy trong lịch sử thế giới, cả về mặt dàn quân và quân số. Trên Miền Bắc, trong vùng biển Arctic, các chiến hữu của ta đang sát cánh với quân bạn, các chiến sĩ của các Sư đoàn Phần Lan anh dũng đã từng chiến thắng trận Narvik….


    Các bạn đang chiến đấu ở Mặt Trận Miền Đông. Ở Ru-ma-ni, từ bờ sông Prut, sông Danube, đến tận bờ biển Hắc hải, chiến sĩ Đức và Ru cũng đang sát cánh bên nhau dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng Antonescu. Mặt trận vĩ đại nhứt trong Lịch sử thế giới đang sắp sửa bước vào giai đoạn tích cực, không những chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho chiến thắng cuối cùng của chúng ta trong trận đại chiến nầy, hoặc chỉ để bảo vệ những quốc gia bạn đang bị đe dọa, mà thật ra còn rấtcần thiết để bảo tồn nền văn minh và văn hóa Âu Châu nữa.


    Các chiến hữu thân mến! Các bạn đang sắp lăn mình vào trậnchiến, một trận chiến khổ nhọc và rất quan yếu. Vận mạng của Âu Châu, tương lai của Cộng Hòa Đức Quốc, sự sốngcòn của chúng ta, tất cả hiện đang nằm trong tay các bạn!». Viên Đại úy im lặng một lúc. Ánh đèn pin chập chờn trên mảnh giấy ông đang cầm. Ông đọc tiếp, nghe như chính là lời của ông thốt ra chớ không phải là dòng cuối cùng của bản Nhựt lịnh : « Xin ơn trên phù hộ chúng ta trong cuộc chiến nầy».


    ........................................


    Có tiếng binh sĩ xì xầm ngay khi vừa tản hàng. Vậy là họ sắp đánh nhau với quân Nga rồi. Đánh nhau ngay vào sáng sớm hôm nay. Tất cả đều vội vã chạy trở về chiến xa của họ. Trung sĩ Fritz Ebert đi qua mặt Trung sĩ Sarge và nói: «Phân phối đầy đủ thực phẩm cho từng xe một». Nói xong, anh hạ bửng sau xe tiếp tế xuống, mở nẳp chiếc thùng cây to tướng chứa đầy ắp rượu, thuốc lá và kẹo sô-cô-la. Ba mươi điếu thuốc cho mỗi đầu người, một chai rượu khai vị cho bốn người. Rượu và thuốc lá là những món cần có theo truyền thống của binh chủng.
    DepTraiDeu, maison2510, NoIdea2 người khác thích bài này.
  6. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Khắp nơi, ai ai cũng đang chuẩn bị ráo riết : hạ lều, thử chiến xa, để rồi sau khi hoàn tất mọi việc thì họ chỉ còn có nước ngồi yên chờ đợi, điếu thuốc lá phì phèo trên môi. Ít ai mó tới chai rượu. Nỗi ám ảnh vì vết thương lủng bụng vẫn còn làm cho họ kinh hãi hơn là mùi thuốc sát trùng. Đêm nay chỉ có những tay gan lì nhứt mới ngủ được.


    Đối với những người khác thì đêm nay là đêm chờ đợi, chờ đợi từng giờ từng phút đang chậm chạp trôi qua như vô tận. Tình trạng nầy bao trùm khắp mọi nơi dọc biên giới kéo dài từ biển Baltic đến tận Hắc hải, dài 930 dặm trường nầy. Họ đang ẩn mình trong rừng rậm, ngoài đồng trống, trên ruộng bắp bao la.


    ........................................


    Mặt trận tấn công của Đức được chia thành ba vùng: Cụm tập đoàn quân Bắc, Trung Tâm và Cụm tập đoàn quân Nam.


    Cụm tập đoàn quân Bắc gồm hai Tập đoàn quân bộ binh và một Tập đoàn quân thiết giáp thuộc quyền Thống Chế Ritter van Leeb. Cụm tập đoàn quân nầy sẽ tiến quân từ Đông Phổ xuyên qua Memel. Nhiệm vụ chánh yếu là đập tan lực lượng Nga Sô trong vùng biển Baltic và tiến chiếm Leningrad. Lực lượng thiết giáp xung kích của Thống Chế von Leeb là Tập đoàn quân Xe tăng IV của Tướng Erich Hoepner, gồm quân đoàn tăng lưu động của hai Tướng Von Manstein và Reinhardt. Tập đoàn quân Không quân I của Tướng Keller cũng được đặc phái vào Cụm tập đoàn quân nầy.


    Cụm tập đoàn quân Trung Tâm được đặt dưới quyền Thống Chế von Bock. Vùng trách nhiệm bao gồm từ Romintener Heide đến Nam Brest Litovsk, trên một trận tuyến dài 250 dậm. Đây là Cụm tập đoàn mạnh nhứt trong Cụm tập đoàn, và gồm hai tập đoàn quân hợp thành cùng Tập đoàn quân xe tăng số 2 của Tướng Heinz Guderian và Tập đoàn quân xe tăng số 3 của Tướng Hermann Hoth. Ngoài ra còn có Tập đoàn quân Không quân II của Thống Chế Kesselring, với nhiều Phi đoàn Stuka có nhiệm vụ oanh kích yểm trợ cho lực lượng thiết giáp hùng hậu kể trên. Nhiệm vụ chủ yếu của Cụm tập đoàn quân Trung Tâm là tiêu diệt lực lượng rất mạnh của Nga sô gồm nhiều đơn vị thiết giápvà cơ giới, nằm trong vùng tam giác Brest - Vilna (Vilnius) - Smolensk. Một khi Smolensk đã bị các lực lượng thiết giáp lưu động xung kích tiến chiếm rồi, thì sẽ có quyết định chánh thức hoặc sẽ đổi hướng tiến lên miền Bắc,hoặc sẽ tiến thẳng đến Mạc Tư Khoa.


    Ở miền Nam, ở giữa vùng đầm lầy Pripet và Carpathians là vùng trách nhiệm của Cụm tập đoàn quân Nam thuộc quyền của Thống Chế Gerd von Rundstedt chỉ huy, và gồm có ba tập đoàn quân bộ binh và một tập đoàn quân thiết giáp. Cụm tập đoàn quân nầy có nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt lực lượng của Thượng tướng Nga Kirponos trong vùng Galicia và Tây Ukraine, bên này sông Dnieper, để bảo toàn cuộc tiến quân qua sông Dnieper và cuối cùng đánh chiếm Kiev. Lực lượng không quân oanh kích yểm trợ do Tập đoàn quân không quân IV của Tướng Lohr đảm nhiệm. Dưới quyền Thống Chế Rundstedt còn có lực lượng quân Ru-ma-ni và Tập đoàn quânXI của Đức được xử dụng làm lực lượng dự bị. Trên Cụm tập đoàn quân Bắc thì có lực lượng đồng minh của Phần Lan đang chực sẵn để tấn công vào ngày 11 tháng 7, ngày tiến đánh Leningrad.


    Cách dàn quân của Đức cho thấy rõ nỗ lực tập trung hướng vào Cụm tập đoàn quân Trung Tâm. Vì mặc dầu đây là vùng đất đầy sông ngòi và đầm lầy, không thích hợp với chiến xa, nhưng lại có tới hai Tập đoàn quân thiết giáp được đưa đến với mục đích đạt lấy chiến thắng mau chóng và quyết định cho cuộc hành quân.


    Tình báo Nga đã không nhận định được điểm nầy nên họ đã đặt trọng tâm phòng thủ hướng về miền Nam,đối diện với Cụm tập đoàn quân Nam của Thống Chế Rundstedt. Tại đây quân Nga đã tập trung 64 sư đoàn bộ binh và 14 lữ đoàn Thiết giáp. Trong khi ở Trung tâm họ chỉ dàn ra có 45 sư đoàn bộ binh và 15 lữ đoàn Thiết giáp. Cũng như ở phía Bắc chỉ có 30 sư đoàn bộ binh và 8 lữ đoàn thiết giáp mà thôi.


    Như vậy, rõ ràng là Bộ Tư Lệnh Tối Cao Sô Viết đã nhận định sai lầm khi cho mục tiêu tấn công chính yếu của quân Đức là phía Nam. Họ nghĩ rằng Hitler muốn đánh chiếm vùng đất nôngnghiệp và kỹ nghệ quan trọng nầy cùa họ. Do đó , họ đã tập trung một lực lượng Thiết giáp thật hùng mạnh tại vùng đất phía Nam nầy. Tuy nhiên vì chiến xa là loại võ khí thế công, nên quân Nga sẽ có lợi điểm là cùng lúc họ có thể mở cuộc tấn công vào Ru-ma-ni, quốc gia chánh cung cấp nguồn dầu hỏa cho Đức.


    Thật ra kế hoạch tấn công Nga của Hitler cũng là một sự liều lĩnh có tính toán. Kế hoạch nầy căn cứ vào thành quả mà quân Đức đã thu lượm được ở miền Tây qua cuộc tấn công bất ngờ vào nước Pháp. Trong cuộc tấn công này, quân Đức cũng đã tiến quân thần tốc tràn qua vùng đất bất lợi Ardennes, xuyên thủng chiến lũy Maginot ở điểm yếu kém nhứt, và từ đó họ đã kết thúc trận chiến trong một thời gian ngắn kỷ lục. Bày giờ Hitler cũng dự định áp dụng kế hoạch trên để tiến đánh Nga sô tại một nơi bất ngờ nhứt, để phá vòng đai phòng thủ của Nga sô, lấy đường tiến quân đập tan lực lượng địch, tiến chiếm các trung tâm trọng yếu là Mạc Tư Khoa, Leningrad, Kiép và Rostov để hoàn tất giai đoạn đầu của trận chiến chống Nga. Sau đó là giai đoạn hai : tiến quân đến vùng đất kéo dài từ Astrakhan đến Archangel để lập một phòng tuyến tại vùng nầy.


    Kế hoạch trên của Hitler được đặt tên là Kế hoạch Hành Quân Barbarossa, hay Chiến Dịch Barbarossa.


    ......................


    Bây giờ là 3 giờ sáng. Trời vẫn còn tối mịt. Đêm hè vẫn còn đè nặng hai bên bờ con sông Bug. Im lặng bao trùm cảnh vật. Lâu lâu mới có tiếng chạm leng keng của những hộp đựng mặt nạ chống hơi ngạt. Ngoài ra chỉ có tiếng ếch nhái oang oang từ dưới bờ sông vọng lại. Không một ai trong toán quân xung kích hay tiền thám đang nằm ép mình dưới vùng cỏ rậm, lại có thể quên được tiếng ếch nhái rên rỉ gọi bạn bên bờ sông Bug vào đêm 21 rạng sáng ngày 22 tháng 6 nầy.


    Cách đó chín dậm, trên đồi 158 nằm bên ngoài làng Volka Dobrynska, có một tháp canh bằng cây, loại tháp đã mọc lên như nấm ở cả hai bên biên giới cách đây vài tháng. Trong một khu rừng nhỏ dưới chân đồi 158 là đại bản doanh tiền phương của Tập đoàn quân II Thiết giáp, đầu não là lực lượng xe tăng của Tướng Guderian, binh sĩ thường gọi Tập đoàn quân của họ là «Tập đoàn quân chữ G trắng», vì trên mỗi chiến xa đều có vẽ chữ «G» to lớn bằng sơn trắng để làm dấu hiệu chiến thuật của Tập đoàn quân. Chữ «G» là mẫu tự đầu tiên của Guderian. Do đó chỉ cần nhìn thoáng qua xe tăng là các binh sĩ trong đơn vị đã biết ngay «của ta đó». Chính Tướng Guderian đã có sáng kiến nầy khi tham dự chiến trường trên đất Pháp. Sau đó Thống chế Kleist cũng bắt chước theo, khi ông nhận thấy việc này có nhiều lợi điểm. Từ đó tất cả chiến xa trong đội hình của ông ta đều mang chữ «K» trắng.
  7. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    4 Panzer Group này ban đầu mới chỉ là Cụm xe tăng - dưới biên chế tập đoàn quân...Tới cuối năm 1941 (tháng 10-11) mới nâng cấp thành 4 tập đoàn quân xe tăng - panzer Army.
  8. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Trong đêm qua, đêm 20 rạng ngày 21 tháng 6, các sĩ quan trong ban tham mưu đã bí mật đến đây từ trước. Và giờ thì họ đang quây quần trong các lều, trên các văn phòng lưu động,cúi mình trên các bản đồ và huấn lịnh. Không một làn sóng truyền tin nào được đánh đi hết : liên lạc vô tuyến bị cấm tuyệt đối để tránh không cho các đài kiểm thính Nga có thể bắt được và chú tâm nghi ngờ. Liên lạc bằng điện thoại cũng tuyệt đối giới hạn, ngoại trừ trường hợp tối cần thiết. Thành phần chuyển vận thuộc Bộ Chỉ huy lưu động của Tướng Guderian, gồm hai xe truyền tin, vài chiếc díp và khá nhiều xe mô tô được ngụy trang cẩn thận, đang đậu phía sau. Chiếc thiết giáp chỉ huy chạy tới, Tướng Guderian từ trên xe nhẩy xuống nói : «Chào các bạn ».


    Lúc đó kim đồng hồ chỉ đúng 3 giờ 10 phút sáng. Tướng Guderian chỉ trao đổi vài lời ngắn ngủi với các sĩ quan trong ban tham mưu. Sau đó ông cùng toàn thể bộ phận chuyển vận chỉ huy tiến thẳng về tháp canh. Kim đồng hộ dạ quang trên tay họ vừa quét trọn một vòng : 3 giờ 11 phút sáng. Có tiếng điện thoại reng lên trong lều tham mưu hành quân. Trung tá Bayerlein, sĩ quan 1A, tức Trưởng phòng hành quân, chụp lấy ống liên hợp. Ở đầu dây bên kia có tiếng Trung Tá Brucker, Trưởng phòng hành quân quân đoàn XXIV Thiết giáp hay đứng hơn là Quân đoàn XXIV Cơ động Lục quân : «Ê, Bayerlein, cầu Koden xong rồi !». Trung Tá Bayerlein đưa mắt nhìn Tham mưu trưởng von Liebenstein gật đầu. Kế đó ông ta trả lời: «Khá lắm, Brucker. Tạm biệt. Chúc may mắn !».


    Cầu Koden là điểm trọng yếu trên đường tiến quân xuyên qua sông Bug để đến pháo đài Brest. Một thành phần thiết xa thuộc Sư đoàn 3 đã nhận được lịnh phải bất thần đánh chiếm địa điểm nầy vài phút trước khi cuộc hành quân thật sự bắt đầu. Mục đích chánh yếu là loại các binh sĩ Nga đang canh gác đầu cầu bên kia và tháo gỡ các mìn bẫy. Kế hoạch đánh úp cầu đã thành công hoàn toàn.


    Tại Bộ Tư Lịnh của Tướng Guderian mọi người đều thở khì nhẹ nhõm, dầu rằng họ cũng đã dự trù một kế hoạch khác để thay thế trong trường hợp thất bại. Tập đoàn quân IV cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để thiết lập các đầu cầu chuyển quân trên mạn Bắc và mạng Nam Brest. Mạn Bắc thì cách Brest khoảng 50 dậm, tại Drohiczyn. Tiểu đoàn 178 Công binh Chiến đấu đã im lặng di chuyển đến đó để thiết lập một cây cầu nổi, đủ sức cho chiến cụ và võ khí nặng của hai Sư đoàn292 và 78 Bộ binh qua sông.


    3 giờ 12 phút sáng. Mọi người đều chờ đợi giờ quyết định. Cổ họ như bị tức nghẹn, trông ngực đập liên hồi. Sự in lặng chờ đợi là cả một cực hình.


    3 giờ 13 phút sáng. Vẫn còn đủ thời giờ để thay đổi cục diện sắp diễn ra. Tuy nhiên đến giờ phút này, chưa có gì thay đổi cả. Cây kim chỉ phút vẫn quét đều trên mặt số, rút ngắn làn bóng đêm yên tĩnh.







    Phụ bản


    QUỐC TRƯỞNG, TƯ LỊNH TỐI CAO

    QUÂN LỰC CỘNG HÒA ĐỨC QUỐC


    Đại Bản doanh Quốc Trưởng ngày 18.12.1940

    OKW/ WFST/ Abt. L (I) số 33. 408/40

    Gởi Các Tư Lịnh

    Huấn Lệnh số 21

    Chiến Dịch Barbarossa


    Quân Lực Cộng Hòa Đức Quốc phải chuẩn bị, ngay trước khi kết thúc trận chiến chống Anh Quốc, để đánh bại Nga Sô Viết bằng một chiến dịch hành quân tốc chiến tốc thắng (Chiến dịch Barbarossa).


    Công cuộc chuẩn bị sẽ do Bộ Tư Lịnh Tối Cao đảm trách dựa trên các tiêu chuẩn sau đây :


    (I) Kế hoạch tống quát :

    Lực lượng hùng hậu Sô Viết ởmiền Tây Nga Sô phải bị đập tan với các cuộc hành quân xung kích dứt điểm bằng cách xử dụng các mũi dùi tăng thiết giáp để xuyên thủng.Tuyệt đối tránh những cuộc di tản chiến thuật các đơn vị tác chiến ra ngoài vùng trống trải của Nga Sô Viết.


    Sau các cuộc hành quân truy kích tốc chiến tốc thắng thì một phòng tuyến phải được thiết lập ngay tại nơi mà tầm oanh kích của Không lực Sô Viết vào lãnh thổ Cộng Hòa Đức Quốc không còn hiệu lực nữa. Mục tiêu cuối cùng củachiến dịch là dựng lên một tuyến phòng thủ trên đường ranh giới tổng quát kéo dài từ Volga đến Archangel để chống lại các lực lượng Sô Viết bên phần đất Á châu. Như vậy, vùng kỹ nghệ cuối cùng còn lại của Nga Sô Viết nằm trên miền núi Urals có thể bị hủy diệt bằng Không lực Cộng Hòa Đức Quốc nếu xét thấy cần.


    (II) Nhiệm vụ của các LựcLượng Đồng minh:

    …………………………………..
  9. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    (III) Phương thức hành quân :


    (A) Lục quân (chấp thuận theo các kế hoạch đã được chuyển đến tôi).


    Trong vùng hành quân ấn định, vùng Nam đầm lầy Pripet và phân nửa vùng Bắc, thì trọng tâm phải hướng về phía Bắc vùng nầy. Tại đây sẽ có hai Tập đoàn quân đảm trách phần vụ.


    Các thành phần cận Nam nhứt của hai Tập đoàn quân nầy, lấy Trung điểm mặt trận làm Tâm điểm, có nhiệm xung kích trực diện bằng các thành phần thiết giáp và cơ giới cực mạnh, xuất phát từ các vùng chung quanh, và Bắc Warsaw, để tiêu diệt các lực lượng địch trong vùng Belorussia. Từ đó các đầu cầu đổ bộ phải được thiết lập cho các đơn vị xung kích mạnh tiến mau về phía Bắc, phối hợp với Cụm Tập đoàn quân Bắc, xuất phát từ Đông Phổ, và đang tiến theo hướng tổng quát về Leningrad, để cùng đánh tan lực lượng địch tại vùng biển Baltic. Chỉ khi nào phần vụ chánh yếu nầy hoàn tất mỹ mãn, và chỉ sau khi chiếm xong Leningrad và Kronshtadt, thì các cuộc hành quân tấn công mới được tiếp tục để tiến chiếm các trung tâm truyền tin và võ khí quan trọng của Mạc Tư Khoa.


    Chỉ có sự sụp đổ mau chóng và bất ngờ của lực lượng phòng thủ Nga Sô Viết mới có thể chứng minh được thắng lợi cùng một lúc của hai mục tiêu trên.


    Cụm Tập đoàn quân trách nhiệm phía Nam đầm lầy Pripet phải đặt trọng tâm trong vùng Lublin, trên đường tiến về Kiev, để từ đó xử dụng các lực lượng thiết giáp tiến thật mau đánh vào cạnh sườn và hậu tuyến của lực lượng Sô viết. Sau đó tiếp tục tiến dọc theo sông Dnieper.


    Sau khi thanh toán xong các chiến trường ở cả hai vùng Nam và Bắc đầm lầy Pripet, thì các mục tiêu sau đây phải được lưu ý :

    Ở phía Nam phải chiếm ngay vùng đồng bằng Donets, vì đấy là vùng quan trọng cho nền kinh tế chiến tranh của ta.


    Ở phía Bắc phải tiến chiếm ngay Mạc Tư Khoa.


    Sự chiếm đóng Thủ đô của Nga Sô Viết sẽ là thành công có tính cách quyết định về cả hai mặt chánh trị lẫn kinh tế.Hơn nữa nó cũng có nghĩa là ta đã loại ra ngoài vòng chiến một trung tâm hỏa xa quan trọng.

    (Ký tên) Adolf Hitler


    ………………………….



    Trung Tá Bayerlein chợt nhớ lại tháng 9 năm 1939. Lúc đó, ông ta cũng đang ở đây, trong Binh đoàn Thiết giáp của Tướng Guderian. Cách ngày hôm nay đúng một năm chín tháng. Ngày 22 tháng 9 năm 1939, một lữ đoàn tăng Nga do Thượng Tướng Krivoshein chỉ huy, cũng đã đến đây với tư cách là một đồng minh. Một đường ranh giới cũng đã vạch ra để phân chia chiến lợi phẩm mà hai nước đồng minh có được sau khi đánh bại Ba Lan. Con sông Bug đã được lấy làm biên giới. Chiếu theo Hiệp ước đã ký kết giữa Hitler và Stalin thì Đức phải rút về bên này sông Bug,nhường Brest và ngôi thành cổcủa nó cho Nga.Công việc xếp đặt các cuộc lễ lạc đã được chuẩn bị tỉ mỉ. Có diễu hành phối hợp. Có trao đổi quốc kỳ.Cuối cùng là một tiệc liên hoan. Phải có tiệc liên hoan mới được vì đối với người Nga thì không có bản hiệp ước nào được coi làcó giá trị nếu không chấm dứt bằng một tiệc rượu mừng.


    Trong buổi liên hoan nầy, Thượng Tướng Krivoshem đã cố gắng thâu thập vốn tiếng Đức Ngữ nghèo nàn, mà ông ta đã học được từ ngày còn cắp sách đến trường, để nâng ly chúc mừng. Và cũng chính trong lời chúc mừng bằng Đức Ngữ đó mà ông ta đã xử dụng lầm lẫn danh từ một cách khó hiểu. Ông ta đã chúc :

    - Tôi xin chúc mừng cho «mối thù truyền kiếp...» - (eternal fiendship).

    Rồi như là nhận ra sự lầm lẫn của mình, ông ta mỉm cười : « Cho tình hữu nghị bất diệt giữa hai quốc gia chúng ta» (eternal friendship).


    Mọi người đều nâng cao ly rượu mừng trong niềm hân hoan tràn ngập. Đã hai mươi mốt tháng trôi qua. Giờ chỉ còn vài phút nữa thôi thì việc xử dụng sai lầm danh từ kia sẽ trở thành sự xử dụng đúng danh từ «Mối thù truyền kiếp» sẽ hiện hình khi tia sáng đầu tiên của buổi bình minh ngày 22 tháng 6 ló dạng.


    Bây giờ là đúng 3 giờ 14 phút sáng. Chiếc tháp canh bằng cây của miền Volka Dobrynska sừng sững in hình trên nền trời cao và trông như một bóng ma quái đản. Ánh sáng lợt lạt đang vươn mình ở cuối chân trời. Sự im lặng đày vẻ chết chóc vẫn còn ngự trị trên suốt một vùng chịu trách nhiệm của Cụm Tập đoàn quân Trung Tâm. Các khu rừng vẫn còn đang ngáy ngủ. Ngoài kia cánh đồng bao la vẫn yên tĩnh phơi mình. Phải chăng quân Nga không biết là trong các khu rừng và làng mạc ở bên kia biên giới của họ đang có vô số những cuộc tập trung quân lính Đức ? Sư đoàn nầy đến Sư đoàn khác đang trong tư thế sẵn sàng lao mình vào chiến trận,trên suốt một giải biên giới dài hầu như vô tận.


    Những chiếc đồng hồ tay, đã được cẩn thận điều chỉnh để cùng chỉ đúng một thời khắc, đang chỉ đúng 3 giờ 15 phút sáng : Giờ quyết định.
  10. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Rồi như chỉ do một bàn tay bấm nút điều khiển, cả một bầu trời đầy sấm chớp lóe lên cùng lúc, xé tan đêm đen. Tất cả các loại súng thi nhau nhả đạn. Chiến trường sông Bug bây giờ là một biển lửa và hòa lẫn với sấm chớp liên hồi. Chỉ một phút sau đó thì những dàn đại pháo gầm thét phun ra những trái đạn vun vút bay lên trên tháp canh Voika Dobrynska. Tiếng gầm gừ của súng cối hòa lẫn với tiếng ầm ầm của đại pháo nghe thật kinh hoàng. Bên kia bờ sông Bug là một biển lửa đang tung hoành. Bóng trăng lưỡi liềm bé nhỏ đã bị khói mây che khuất.


    Hòa bình đã tắt nghỉ. Chiến tranh đang ngự trị chốn nầy. Đối diện với ngôi thành cổ Brest bên kia sông là Sư đoàn 45 Bộ binh, nguyên là Sư đoàn 4 của Áo do Thiếu tướng Shlieper. Các trung đoàn 130 và 135 sẽ mở màn cuộc tấn công vào các cây cầu và ngôi thành cổ. Trước đó, lợi dụng đêm tối, các đơn vị xung kích đã thận trọng tiến đến bờ sông. Chiếc cầu xe lửa trông giống như một con quái vật khổng lồ đang dang chân đứng sững trên mặt sông. Vào lúc 2 giờ sáng nầy, vẫn còn có một chuyến xe lửa chất đầy hàng hóa sầm sập lướt qua cầu. Chiếc đầu máy phun khói đầy trời, chiếu ra hai tia sáng xuyên thủng đêm đen. Đó là chuyến xe lửa cuối cùng của Stalin chở ngũ cốc đến cho người bạn đồng minh thân thiết Hitler.


    Phải chăng đó là một cạm bẫy thần sầu hay chỉ là lòng tự tin quá trớn ? Đó là câu hỏi mà từ sĩ quan đến binh lính trong các tiểu đoàn xung kích và các đại đội cảm tử đã tự hỏi, trong lúc họ trầm mình chờ đợi trong các ruộng lúa và các bãi cỏ cao ngất đầu người, bên con đường sắt đối diện đảo Tây. Họ cũng tự hỏi không biết đã có bao nhiêu chuyến xe lửa chạy qua chiếc cầu nầy trong mấy tuần lễ gần đây. Họ cũng không biết Stalin đã lưu tâm đến thương ước Đức – Nga đến mức nào. Từ ngày 10 tháng 2 năm 1940 cho tới khi chuyến xe lửa cuối cùng, vừa mới chạy qua ban nãy, tức là ngày 22 tháng 6 năm 1941, Stalin đã cung cấp cho Hitler 1.500.000 tấn ngũ cốc. Như vậy nước Nga Sô viết đúng là nguồn tiếp tế thực phẩm chánh yếu của Đức. Nga không những chỉ cung cấp các loại ngũ cốc như lúa mạch, lúa kiều mạch và lúa mì, mà còn cung cấp những khoản loại khác như : 1.000.000 tấn dầu khoáng chất, 2.700 ký bạch kim, một số lượng khổng lồ quặng măng-gan, hợp kim cờ-rôm và cả bông vải nữa. Tóm lại, Stalin đã theo đúng những điều được ghi trong thương ước Đức –Nga.


    Trong khi đó, ngay lúc đầu nước Đức đã tỏ ra rất chậm chạp trong việc cung cấp nhu yếu phẩm cho Nga. Dầu vậy, vẫn có một số lượng hàng hóa trị giá khoảng 467 triệu Đức kim đã được chuyển đếnNga, kể cả chiếc tuần dương hạm mới hoàn tất được phân nửa.


    Khi chuyến xe lửa cuối cùng chở đầy ngũ cốc vượt sông Bug tiến sang lãnh thổ Đức lúc 2 giờ sáng ngày 22 tháng 6, thì Hitler còn thiếu Stalin gần 239 triệu Đức kim. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, không một ai trong các đoàn quân đang ép mình cạnh con đường sắt miền Brest biết được chuyện đó.


    Bên trên họ, gần chiếc chòi cây bé bỏng ở cuối cầu mọi việc vẫn diễn tiến bình thường. Hai nhân viên quan thuế Đức đang trèo lên xe lửa Nga. Anh lính gác cầu đang vẫy tay chào bác tài xế xe lửa. Thật ra, nếu có ai đứng bên kia cầu cố ý quan sát bên nầy thì chắc anh ta cũng không thể thấy được điều gì đáng nghi ngờ cả. Sau đó, chiếc xe lửa tiếp tục nhả khói từ từ về ga Terespol bên phần đất Đức.


    Và bây giờ thì cũng như ở các nơi khác dọc đường biên giới, cây kim chỉ phút đang chỉ đúng thời điểm quyết định : 3 giờà 15 phút sáng.


    Có tiếng hô lớn : « Khai hỏa!». Địa ngục xuất hiện. Đất trời rung chuyển.

    Trung doàn 4 súng cối đặc nhiệm,gồm chín dàn súng nặng, đang biến vùng này thành hỏa ngục. Chỉ trong 30 phút mà đã có tới 2.880 viên đạn súng cối được phóng đi với tiếng rít xé trời, sang bờ bên kia con sông Bug để tàn phá Brest và ngôi cổ thành của nó. Cối 60cm và pháo 210 của Trung doàn 98 Pháo binh cũng phụ họa theo, đang bắn như vãi đạn vào ngôi thành cổ và các vị trí pháo binh Sô Viết.


    Thiếu úy Zumpe của Đại đội 3, Trung đoàn 135 Bộ binh, đã đếm những giây cuối cùng của thời điểm quyết định : 3 giờ 15 sáng. Ngay khi loạt súng đầu tiên vang lên chát chúa, anh phóng mình ra khỏi hố nằm sát bên lề con đường xe lửa, lớn tiếng ra lịnh : «Tiến!» . Tất cả binh sĩ trong toán xung kích của anh, từ trong đám cỏ rậm, nhất loạt đứng lên, phóng mình chạy qua cầu theo viên Thiếu úy trưởng toán. Họ lướt qua khỏi chiếc chòi quan thuế đã bị bỏ hoang. Tiếng súng làm át tiếng giày nện mạnh trên sàn cầu. Họ khom mình chạy dọc theo hai bên thành cầu với ý nghĩ lo âu thoáng hiện : không biết cây cầu có bị nổ tung lên không ? Nhưng không ! Tất cả đều an toàn. Tên lính Nga gác đầu cầu chỉ kịp bấm cò cây tiểu liên một lần duy nhứt, rồi ngã sấp về phía trước nằm im.


    Vừa lúc đó, một loạt súng nổ dòn từ ổ liên thanh của toán lính gác cầu. Cây trung liên nhẹ của Hạ sĩ Holzer vội nhả đạn về hướng đó. Như những bóng ma, toán thanh toán chướng ngại của Đại đội 1, Tiểu đoàn 81 Công binh chiến đấu, được biệt phái vào toán xung kích của Zumpe, đã phóng mình đến ngay ổ liên thanh. Một tiếng «thum» vang lên, khói bay mịt mù, công tác đã được hoàn tất.

    Toán xung kích băng qua khỏi ổ súng hoang tàn, chạy dạt qua hai bên thành cầu, gần đường rầy xe lửa, và đặt các ổ liên thanh vào vị trí.Viên thiếu úy và các toán viên phóng trở lại cầu. Cầu tàu đã bị họ giựt sập. Zumpe rọi đèn pin về phía chiếc cầu tàu để xem có ổ liên thanh địch nào còn sót lại không. Không còn gì hết ! Anh ta hạ miếng kiếng màu xanh lá cây bao quanh ánh sáng của cây đèn pin. Màu an toàn ! Anh giơ cao cây đèn pin ra hiệu, hướng về bên kia đầu cầu : An toàn! Cứ tiến lên ! Và chiếc thiết giáp thám sát đầu tiên rú ga vọt qua cầu.
    hk111333bloodheartvn thích bài này.

Chia sẻ trang này