1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Paul Carell - Hitler mặt trận miền Đông

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi huytop, 30/10/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Một lần nữa, trận chiến lại rơi vào tình trạng ổn định. Vào phút chót, đúng thời khắc cuối cùng, đòn đột kích nguy hiểm của người Nga đã được ngăn chặn kịp thời, và một hành lang nhỏ giữa sông và thị trấn Apostolovo đã được mở ra và bảo vệ vững chắc. Giờ đây, Tướng Schörner đã thực hiện kế hoạch thoát khỏi tình trạng hợp vây một cách tài tình nhưng ông ta chống lại trước mọi cố gắng can thiệp từ Hitler. "Không được phép run sợ !" – đó là khẩu hiệu của ông, ngược lại với sự do dự kéo dài của Hitler. Như vậy Tướng Schörner cùng người Tham mưu trưởng của ông đã tạo ra một chiến dịch phá vây dũng cảm và không kém phần táo bạo. Schörner, luôn luôn có mặt trên phòng tuyến với lực lượng của ông, biết chính xác rằng mình có thể mong đợi những thành quả đến từ đạo quân yếu kém dưới quyền như thế nào. Chính sự phán đoán này cho phép ông vào phút cuối cùng đưa ra những quyết định để ngăn chặn một kẻ thù đang cố gắng hoàn thành những nỗ lực cuối cùng của họ đang lao tới con sông.

    Sư đoàn Sơn cước 3, đơn vị đầu tiên được triệt thoái ra khỏi đầu cầu đổ bộ Nikopol trong vùng trách nhiệm của Cụm Schörner, được ném ngay vào mặt trận nhằm củng cố sườn phía tây Grushevka. Tiếp theo là Sư đoàn Bộ binh 17 đã tiếp quản khu vực này đến tận Maryinskoye. Tại đó, trong ngày 8 tháng Hai, nhóm tác chiến Zimmer và Lorch đã đồng loạt phản kích nhằm lấy lại thị trấn Apostolovo với các phần còn lại của 2 Sư đoàn trên dưới sự chỉ huy chung của Quân đoàn IV Đức (Apostolovo là ngã tư đường sắt quan trọng nhất trong vùng, đồng thời là cứ điểm then chốt nối Nikopol với Krivoy Rog, đã rơi vào tay Hồng quân trong buổi sáng ngày 5 tháng Hai.ND). Mục tiêu của vụ tấn công là tuyến đường sắt và ga Tok-Apostolovo. Cuộc tấn công của Nhóm Mieth đã đạt được thành công cục bộ nhưng nó đã đặt ra những yêu cầu lớn hơn đối với những Vệ binh và khinh binh Sơn cước - đặc biệt là Sư đoàn Bộ binh 17 phải thâm nhập sâu vào khu vực đột kích của người Nga. Các người lính Đức phải buộc dải vải bạt xung quanh đôi giày của họ để không để mất chúng trong lớp bùn sâu đến tận đầu gối. Lớp bùn Ucraina ở vùng này có độ nhớt không thể tưởng tượng. Ngay cả mười con ngựa cũng không thể kéo nổi một khẩu pháo chống tăng nhỏ khi nó bị chìm xuống lớp bùn. Với một nỗ lực rất lớn, trận địa phía mặt trước của khu vực hành lang hẹp đã được củng cố và kiện toàn.

    Có sự yểm trợ đắc lực, các lực lượng thuộc Quân đoàn XVII tiếp tục di chuyển về hướng tây nhằm đối đầu với Tập đoàn quân Cận vệ VIII của Tướng Chuykov đang tiếp tục mở rộng về phía tây thị trấn Apostolovo.

    Kể từ ngày 10 tháng Hai , Nhóm Đặc nhiệm Lindenberg thuộc Sư đoàn Panzer 24 đã ngăn cản không cho người Nga sử dụng thị trấn Apostolovo làm bàn đạp để mở rộng địa bàn tiến công , và thậm chí có địa điểm đã đánh bật họ trở lại thị trấn. Điều này đã tạo ra điều kiện kiên quyết trong việc giữ vững khu vực hành lang hẹp.

    Với các đội chiến đấu nhỏ rút ra từ các Trung đoàn yếu kém thuộc Sư đoàn 3 Sơn cước, Sư đoàn 97 Khinh binh, Sư đoàn Bộ binh 17, và Sư đoàn Bộ binh 258 của Tướng Bleyer, Schörner đã thành công trong việc từng bước đẩy lùi mọi hành vi xâm nhập của quân Nga vào sườn thuộc khu vực hành lang hẹp. Tập đoàn quân Cận vệ VIII của Trung tướng Chuykov đang cố gắng trong việc phá tan các chiến lũy của người Đức để đóng cái bẫy Nikopol. Nhưng vô ích.... Đây chính là người anh hùng của Stalingrad cùng đội quân được đánh giá rất cao dưới quyền chỉ huy của Chuykov – khởi thủy là Tập đoàn quân LXII(62) nhưng kể từ sau Chiến thắng Stalingrad được tặng cờ và đổi tên thành Tập đoàn quân Cận vệ VIII.

    Giờ đây, các Sư đoàn thuộc Cụm Schörner bắt đầu tách ra từ khu vực Dnieper. Trong khi Sư đoàn Bộ binh 125 được chuyển sang tăng cường Quân đoàn IV, các lực lượng của họ phải vượt qua con suối trên những cây cầu tại Grushevka và Perevizskiye. Người Nga gây áp lực rất lớn. Nhất là tại Grushevka, chỉ có một cây cầu nhỏ bé và đơn độc. Nếu ở đây xảy ra thảm họa thì nó có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ kế hoạch. Ngay tức thì, Tướng Schörner lái xe đến điểm vượt suối. Kết hợp với lực lượng cảnh sát quân sự, ông đứng bên lối vào cầu trong ngày 8 tháng Hai. Mọi thứ trên đường đang hết sức hỗn loạn. Ông liền ra lệnh cho pháo phòng không hạng nhẹ bắn qua đầu các đơn vị vận tải Đức đang di chuyển hướng về chiếc cầu – đó là một biện pháp cảnh cáo tàn bạo nhưng hiệu quả để buộc "những cái đầu nóng" phải triệt để giữ gìn kỷ luật.
    .........................
    caonam_vOz, tonkin2007, tatpcit8 người khác thích bài này.
  2. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Sư đoàn Khinh binh 97 và các lực lượng tiền phương thuộc Sư đoàn Panzer 24 trong lúc này đã giữ vững được góc phía tây của lối thoát hiểm – đó là Bolshaya Kostromka. Những trận giao tranh khốc liệt, đẫm máu đã tràn xuống đem theo băng giá, các trận giáp lá cà và những âm thanh sắc lạnh của vũ khí. Ở phía xa đang chờ họ thoát ra là Sư đoàn Sơn cước số 3 đến từ Carinthian và Styrian cũng như Sư đoàn Bộ binh 17 Franconian. Mặc dù phải chiến đấu trên một vùng đất khó khăn dưới thời tiết khắc nghiệt, nhưng họ vẫn đào được các con hào chiến đấu giữa Maryinskoye bên sông Dnieper và điểm dân cư Verkhne-Mikhaylovka. Thêm nữa, Sư đoàn Panzer 9 từ Hạ Áo dưới sự chỉ huy của Tướng Jolasse đã hành quân từ hướng bắc xuống để cố gắng bắt liên lạc với các lực lượng thuộc Cụm Schörner đang cố sống cố chết thoát ra khỏi vòng vây.

    Hạ sĩ Bergmann thuộc Trung đoàn Khinh binh Sơn cước 138 nằm sau khẩu súng máy của mình tại một vị trí chặn hậu dưới cơn bão tuyết đang đổ xuống trong buổi sáng ngày 15 tháng Hai năm 1944. Anh ta hoàn toàn không biết gì về tình trạng trận địa đã bị quân Nga tràn ngập. Tất cả những gì anh ta biết là các ổ đề kháng tại Maryinskoye phải được bảo vệ cho tới khi toàn bộ Cụm Schörner vượt qua được thảm họa.

    Quân Nga lại liên tục tấn công. Họ quyết tâm vượt qua chốt chặn này kỳ được. Tuyết rơi dầy đã làm cho tầm nhìn xa không quá 10 mét Anh. Bergmann bắn hết băng đạn này đến băng đạn khác. Bất thình lình, anh ta gục xuống ngay sau khẩu súng máy. Máu túa ra từ vết thương trên đầu anh.

    Xạ thủ số 2 của anh vội nắm quyền sử dụng khẩu súng máy. Anh ta bắn liên tục sang bên trái, nơi mà những tiếng nổ đinh tai nhức óc của trận chiến đang xảy ra tại khu vực đồng đội anh ta bảo vệ. Và đến lúc này, khẩu súng máy bên đó cũng đã câm bặt. “Nếu trận địa bị tràn ngập thì bọn Đỏ sẽ lọt qua khu vực đó” – Bergmann tuy đang bị thương nặng vẫn lẩm bẩm :” Mình phải đi xem những gì đang xảy ra “. Anh ta đã trườn đi. Nhưng mới được nửa đường thì Bergmann nằm bất động. Mặt úp xuống đường. Cái chết đã đến với Bergmann ….


    Nhưng điểm dân cư Maryinskoye, góc phía tây của hành lang thoát hiểm, đã được giữ vững. Nó được bảo vệ bới những người lính Đức có sự cố gắng phi thường như Hạ sĩ Bergmann hoặc Thiếu úy Holzinger, một người đàn ông 24 tuổi, đã loại khỏi vòng chiến 9 chiếc T-34 trên hai khẩu pháo tự hành thuộc Tiểu đoàn Sơn cước Panzerjäger ở gần Verkhne-Mikhaylovka và do đó ngăn cản bước tiến công của một Lữ đoàn xe tăng Sô-viết….

    Vào buổi tối, những người lính Khinh binh Sơn cước lại tiếp tục tiến lên. Sư đoàn Bộ binh 387 đã đến sau đó là Sư Đoàn Bộ Binh 125 bên trái, đã nắm quyền kiểm soát bảo vệ khu vực hành lang thoát hiểm.

    Một cơn bão tuyết cực lớn ập đến. Quấn mọi thứ ủ ấm vào người, những người lính Đức lê bước. Họ buộc phải di chuyển bằng la bàn, bởi vì tầm nhìn xa chỉ hơn một chiều dài cánh tay. Họ đã chiến đấu liên tục trong suốt hai tuần lễ. Họ bước đi loạng choạng, choáng váng. Một số người không chịu nổi vội thả mình xuống đất. Nhưng điều đó sẽ đồng nghĩa mang tới cho họ một cái chết trong tuyết. Và những người đồng đội ra sức thúc giục họ đứng lên tiếp tục di chuyển. Trong cơn bão tuyết, họ đã tới được Bolshaya Kostromka.

    Đúng lúc này, họ lại phải giao tranh với một nhóm xung kích Sô-viết vừa vượt qua những chốt chặn yếu kém thuộc Sư đoàn Panzer 24. Khóa an toàn các khẩu súng của quân lính hai bên đều bị đóng băng và không thể hoạt động được. Những người lính phải sử dụng đến lưỡi lê để đánh giáp lá cà cho tới khi một vài ngôi nhà đầu tiên xuất hiện ở hướng tây nam trong tầm mắt của họ. Kể cả vũ khí và tinh thần chiến đấu quyết liệt đến từ những lính Nga cũng bị đóng băng dưới hơi thở buốt giá của thảo nguyên.

    Trong khu vực thuộc Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn Khinh binh Sơn cước 47, nhiệt độ ngoài trời xuống tới 30 độ âm đã tạo lên một cuộc ngừng bắn hiếm có. Bạn bè và kẻ thù đều khám phá ra một đống rơm lớn. Cùng một lúc, họ tìm cách vào đống rơm đó để trú ẩn và tránh rét. Và họ cùng phát hiện ra nhau. Nhưng họ vẫy tay và nói bằng tiếng Đức :”Nix voynal – Không có gì lạ cả !" . Sau đó thì người Nga trườn vào các kiện rơm bên phía đông, còn phía tây dành cho người Đức. Một đụn rơm lớn 16 feet (5m) ngăn cách chiến tranh và hòa bình.

    16 feet rơm kết hợp với một cơn bão tuyết băng giá đã đảm bảo cho một đêm hòa bình trôi qua một cách an bình. Sáng hôm sau, cả hai nhóm đều rời đi trong sự im lặng, mỗi nhóm đi theo một hướng. Rồi họ tiếp tục quay trở lại, hòa mình trong những ngày tháng sôi động của chiến tranh…..




    ☆☆☆☆☆



    Trong đêm 15 rạng ngày 16 tháng Hai năm 1944, "Cuộc chơi sinh tử" đã kết thúc – phần lớn quân Đức đã thoát khỏi cái bẫy sập Nikopol. Đó là đêm mà các phi đội ném bom Anh thả tới 3.300 tấn bom xuống Tây Berlin. Nhưng hai ngày sau, vào ngày 18 tháng Hai, từ Nikopol lại xuất hiện trong bản Thông cáo tình hình chiến sự của Bộ Tổng Tư lệnh Tối cao Đức. "Trong cuộc chiến phòng thủ khốc liệt tại Nikopol" , bản tin viết....– rồi sau đó, bằng những ngôn từ phong phú, bóng bẩy về tình hình quân sự, đã chính thức đưa ra lời cuối cùng về sự thất thủ của người Đức tại đầu cầu Nikopol….

    Bản thông báo không tiết lộ những gì đã xảy ra. Tuy nhiên, cuốn nhật ký chiến tranh của Tập đoàn quân VI được Thiếu tá Dr Martin Franck ghi lại rất cẩn thận đã cho thấy rõ ràng một sự thực bi kịch. Đây là lời kết luận của Martin Franck: "Mười sáu Sư đoàn thuộc Tập đoàn quân VI đã mất hầu hết các phương tiện, xe vận tải của họ. Một phần lớn các thiết bị tiếp tế của quân đội, đặc biệt là mọi phân đội làm bánh mì, các lò giết mổ, hầu hết các bếp ăn dã chiến cũng như rất nhiều loại vũ khí hạng nặng khác đã buộc phải bỏ lại phía sau, nhưng quân số của các sư đoàn đã được giải cứu kịp thời. "

    Tuy nhiên, một ấn tượng quan trọng nhất trong cuộc rút lui này có được là Tướng Schörner không bỏ rơi bất cứ một người lính bị thương nào ở lại phía sau. Hơn 1.500 người bị thương đã được đưa trở lại hậu phương và cứu sống dưới những điều kiện khó khăn nhất trên những chiếc xe nông dân thô sơ được các phân đội Cossack thuộc Quân đoàn Panzer XL (40) bảo vệ. Người phụ trách tình báo, Thiếu tá Kandutsch, đã đưa ra một nhận xét cá nhân trong cuốn nhật ký của ông viết về hồi kết bi kịch tại đầu cầu Nikopol. Ông ta viết: "Túi vây đã bị xé toang, Schörner cũng nói lời tạm biệt, nhưng nếu không có ông ta và người Tham mưu trưởng đồng hành, chúng tôi có lẽ sẽ phải lê bước đi về Siberia trong lúc này. Bất cả những người lính Đức nào đã từng chiến đấu tại Nikopol sẽ không bao giờ có thể quên được những gì chúng tôi đã nợ Schörner một lời cảm ơn chân thành từ đáy lòng…”

    .................................

    MAI TỚ ĐI CÔNG TÁC MẤY NGÀY...THỨ BA VỀ SẼ POST TIẾP HẦU CÁC BÁC.....
    caonam_vOz, tonkin2007, ngthi967 người khác thích bài này.
  3. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927


    CHƯƠNG VI. BI KỊCH MÙA ĐÔNG TẠI



    TRUNG LƯU DNIEPER





    Khủng khoảng tại Kirovograd – Tướng Bayerlein đi thị sát tình hình - Bốn sư đoàn bị bao vây - "Tôi đang thoát ra - Một cái nêm rộng của xe tăng – Mưu mẹo mẫu mực tại Sư đoàn 3 Panzer – Gọng kìm vĩ đại - Sự hy sinh đến từ Nhà vô địch Olympic Hasse – Lữ đoàn Tăng 67 Konev cố gắng bắt liên lạc – Những cú đập tàn nhẫn của Rudel....





    Stalingrad nằm trên sông Volga. Sông Don đánh dấu sự khởi đầu dành cho những thất bại của người Đức. Tuy nhiên, mặt sông Dnieper đã trở thành một giòng sông đầy máu trong cuộc chiến cuối cùng. Gần như chính xác tới hàng giờ, Cụm chiến đấu cỡ Tập đoàn quân của Schorner đã phải tự cứu thoát bản thân thông qua các trận đánh nóng bỏng, sôi động bên hành lang thoát hiểm giữa Apostolovo và Maryinskoye, thì tại khu vực cách xa đó hai trăm dặm về phía bắc, thuộc vùng Trung lưu sông Dnieper, một tấn bi kịch mùa đông khác đã gần như là kết thúc.

    Đó là ngày 7 tháng Giêng năm 1944, tại Sở chỉ huy dã chiến thuộc Sư đoàn 3 Panzer Berlin ở Lelekovka. Đúng giữa trưa, nhưng bên trong túp lều nông dân nhỏ bé, trời tối đến nỗi buộc viên trưởng phòng tác chiến phải thắp ngọn đèn dầu. Trung tá Wilhelm Voss phải kéo cái ghế của mình sát ngay cạnh lò sưởi. Một cái bàn đầy bản đồ đặt trước mặt ông ta.

    Voss là một người đàn ông luôn bận bịu với công việc. Viên Tư lệnh mới của Sư đoàn 3 Panzer, Tướng Bayerlein, đã dành hầu hết thời gian của mình với quân đội của mình trên phòng tuyến. Ông ta lãnh đạo theo mọi phương pháp, kinh nghiệm đến từ các “giáo sư” Guderian và Rommel. Ông ta mới trở lại cùng với một đội trinh sát thiết giáp từ sáng sớm để muốn chính bản thân mình kiểm tra lại tình hình thực tại. Tướng Bayerlein đã quan sát thấy mọi thứ giờ đây đúng nghĩa là "Một tình huống chết tiệt”.

    Từ ngày 5 tháng Giêng, người Nga đã ném vào phía bắc Kirovograd, vượt qua sông Ingul tới hai quân đoàn cơ giới, Quân đoàn VII và VIII. Các báo cáo mới nhất gửi về cũng xác nhận một quả đấm bọc thép mạnh mẽ của kẻ thù đang ngấp nghé tại phía nam thành phố. Liệu người Nga có thể đạt được thành công trong một cuộc chiến khốc liệt nhằm bao vây Kirovograd đang dấy lên ở phía đông từ giữa tháng Mười năm 1943 được không? Trong vòng hai tháng, người Nga đã cố gắng tạo bước đột phá mới tại khu vực này - kể từ khi họ vượt qua phía Nam sông Dnieper tại vùng Kremenchug vào tháng Mười. Nhưng Konev đã không thể đạt được thành công trong bước đột phá quyết định. Lúc nào cũng vậy, vào thời khắc cuối cùng, một số lực lượng quân thuộc Sư đoàn Đức đã chiến đấu đặc biệt hiệu quả. Sư đoàn Panzer 23 là một tấm gương tiêu biểu. Trung đoàn Panzer 23 thuộc Sư đoàn "Grossdeutschland" đã gây ra một thất bại nặng nề cho những lữ đoàn thiết giáp của Konev. Chỉ riêng thứ hai ngày 18 tháng Mười, Hạ sĩ Sepp Rampel của Đại đội 11, đã trở thành ông chủ trong chiếc Tiger của mình khi loại khỏi vòng chiến đấu tới 18 xe tăng của người Nga. Rampel đã được ân thưởng Thập tự sắt, nhưng trước khi chiếc Huân chương đó được đeo vào cổ thì anh ta đã bị giết trong cuộc chiến tại Kirovograd.

    Sư đoàn Panzer 11 cũng phải chiến đấu với một lực lượng trội hơn gấp bội của người Nga với sự khôn ngoan và mọi thủ thuật mà họ đã từng trải qua. Tướng von Wietersheim kéo được một Lữ đoàn thiết giáp của Nga vào một vị trí phục kích mà ông ta đã sắp đặt sẵn trong một khe núi với tất cả các loại súng chống tăng cũng như mọi xe tăng bị hỏng. Tại lối ra vào khe núi có Trung đoàn Panzer 15 do Trung tá Lauchert chỉ huy đang sẵn sàng chờ đợi. Ngay khi Lữ đoàn Sô-viết lọt vào trong ổ phục kích, thì mọi hỏa lực súng chống tăng đều khai hỏa. Trên ba chục xe tăng Sô-viết đã phải nằm lại trên chiến trường.....
    --- Gộp bài viết: 27/02/2018, Bài cũ từ: 27/02/2018 ---
    [​IMG]
    BẢN ĐỒ SỐ 42 : ĐIỂM HẸN TẠI PERVOMAYSK …LỰC LƯỢNG THUỘC PHƯƠNG DIỆN QUÂN UCRAINA I (VATUTIN) HƯỚNG THẲNG VỀ PHÍA SÔNG BUG THUỘC VÙNG BESSARABIAN NẰM SÂU TRONG HẬU PHƯƠNG CỦA TẬP ĐOÀN QUÂN VIII ĐỨC. MỘT GỌNG KÌM KHÁC ĐẾN TỪ PHƯƠNG DIỆN QUÂN UCRAINA II (KONEV). NHƯNG KẾ HOẠCH LỚN LAO NÀY KHÔNG ĐẠT ĐƯỢC HIỆU QUẢ MONG MUỐN. CHỈ HÌNH THÀNH MỘT TÚI VÂY “NHỎ” - “CÁI CHẢO” KORSUN…
    madpriest, meo-u, DepTraiDeu5 người khác thích bài này.
  4. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Một đơn vị khác đang hoạt động tại Kirovograd là Sư đoàn Panzer 14 Saxon. Ngọn đồi 190 đã trở thành chiến trường thuộc Cụm tác chiến Domaschk.

    Những người lính nhảy dù Đức thuộc Sư đoàn Dù số 2 của Tướng Ramcke đã trải qua một tháng Chạp ác nghiệt, thảm khốc tại đây và chứng tỏ họ có giá trị như một "lữ đoàn chữa cháy". Trong những tuần lễ nóng bỏng tại Kirovograd – Tiến sĩ Schmieder, bác sĩ phẫu thuật và là Đại đội phó thuộc Đại đội y tế số 1 đã được coi là một ví dụ tiêu biểu trong đội ngũ bác sĩ trên chiến trường. Ông đã có một danh tiếng huyền thoại trong những người lính nhảy dù: "Schmieder sẽ luôn ưu tiên tuyệt đối cho các bạn !” đã trở thành câu châm ngôn tiêu biểu. Danh tiếng của ông dựa trên kiến thức hiểu biết cho rằng khi cần thiết, Schmieder sẽ tìm đủ mọi cánh đưa những người bị thương nghiêm trọng vào ngay bệnh viện - thậm chí nếu cần có lúc ông sẽ phải nhờ cả xe của các vị tướng đưa họ đi cứu chữa khẩn cấp.

    Kirovograd chứng kiến toàn bộ bi kịch và toàn bộ nỗi khốn khổ của một cuộc chiến tranh vĩ đại. Cứ một trong mười người lính Đức đã từng chiến đấu tại Mặt trận miền Đông đều biết đến Kirovograd. Đó là một trong những nơi mà chiến tranh bám chắc đến tận cùng. Người Đức đã quyết định không bỏ cuộc. Nhưng tướng Nga Konev cũng không buông xuôi.

    Những ý tưởng tuyệt vời của Đại bản doanh Sô-viết tối cao (STAVKA) đã khiến Konev phải hoạt động không ngừng nghỉ. Nhưng lý do quyết định không chỉ là vấn đề chiến lược. Kế hoạch của Konev là chinh phục vùng Trung tâm Công nghiệp Tây Ukraina tại Kirovograd. Và nếu làm được như vậy ông sẽ bao vây tới bốn Sư đoàn Đức tại khu vực quan trọng này. Chính là để xác định lại mối nguy cơ ập tới vị trí hiểm nghèo này mà Tướng Bayerlein đã phải tiến hành một cuộc thị sát tình hình thực tế chiến trường ngay giữa ban ngày.

    Lúc đó, thời gian là 12.00 giờ. Mặt đất rộng lớn phủ đầy tuyết dưới một ánh sáng trắng nhạt. Tiếng động cơ kèm theo tiếng xích xe tăng vọng lại càng ngày càng gần. Đoàn quân đi trinh sát tình hình của Bayerlein đã quay lại. Viên tướng trèo ra khỏi chiếc xe bọc thép. Bayerlein dùng cánh tay của mình đập đập vào cơ thể của chính ông ta một vài lần. 20 độ dưới không bên trong một chiếc xe chỉ huy toàn thép lạnh giá làm ông ta không lấy gì làm vui vẻ lắm. Rồi ông ta bước vào túp lều và nói chuyện với Trung tá Wilhelm Voss.

    “Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng", Bayerlein nói. Ông ta cúi xuống trên bản đồ và giải thích: "Người Nga đang lướt qua Kirovograd, hình như họ đã cắt tuyến đường liên lạc của chúng ta từ phía tây, mà tôi lại chưa bao giờ thấy một cái gì giống thế. Một đội xe ăn theo như một con sâu **** lớn, gồm các xe tải, chủ yếu là xe ngựa kéo đang cùng di chuyển với đội hình thiết giáp của chúng ta”.

    Trung tá Voss gật đầu. "Tôi cũng nghĩ như vậy, thưa tướng quân, điện thoại liên lạc với Quân đoàn đã bị cắt đứt. Chúng tôi lại không có liên lạc bằng radio".

    "Thế có tin tức gì mới từ các sư đoàn lân cận của chúng ta không?"

    "Cũng một hình ảnh mờ mịt như vậy, Thưa Tướng quân. Và họ cũng không có mối liên hệ gì với Quân đoàn. Không còn nghi ngờ gì nữa - chúng ta đã bị bao vây rồi. Cái bẫy đã sập. "


    Đúng ! Túi vây đã thực sự đóng lại, và trong đó có tới 4 Sư đoàn Đức - Sư đoàn Panzer số 3 và 14, Sư đoàn Vệ binh Panzer 10, và Sư đoàn Bộ binh 376. Bayerlein bước đến cạnh lò sưởi. Ông ta mới chỉ có mặt tại Mặt trận miền Đông trong mười tuần lễ. Trước trận chiến mùa đông đầu tiên, vào mùa thu năm 1941 đỉnh cao của các chiến thắng của Đức ở phương Đông, ông đã được chuyển từ xứ sở sương mù Nga sang ánh mặt trời thiêu đốt của sa mạc châu Phi. Ở đó, tại Quân đoàn Phi châu của người Đức, ông ta chính là vị tham mưu trưởng của Thống chế Rommel.

    Vì vậy, ông ta đã không phải trải qua cái mùa đông tai tiếng tại nước Nga vào năm 1941-42. Cũng không phải cuốn vào những đợt rút lui trong năm 1942-43. Bayerlein đã không bị tổn thương về tâm lý trước số lượng con người, vật chất cũng như mùa đông của nước Nga. Và ông đã học được từ Rommel một nguyên tắc sống còn - phán quyết của một chỉ huy trên chiến trường luôn quan trọng hơn mệnh lệnh được ghi trong một mảnh giấy có chữ ký đặt trên một cái bàn bọc vải tuyết sang trọng tại Tổng hành dinh Fuhrer.

    "Chúng ta phải tìm cách mà thoát ra thôi !” -
    vị tướng nói tiếp :

    "Đối với tôi, Kirovograd nghe có vẻ quá giống với Stalingrad đấy …”

    "Tôi cho rằng tất cả giống như vậy !”.
    Voss gật đầu. "Nhưng chúng tôi đã có những mệnh lệnh tối thượng đến từ Fuhrer buộc phải giữ vững thành phố bằng mọi giá…."

    ...........................

    huymaya, tonkin2007, meo-u6 người khác thích bài này.
  5. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Bayerlein khoát tay phản đối ngay tức thì: “Chúng ta không thể giữ Kirovograd bằng cách cứ ở đây mà không hoạt động gì cả. Trong một vài ngày tới, sức mạnh chiến đấu của ta sẽ bị kiệt quệ, bởi vì ta đã bị cắt đứt tuyến đường quân nhu. Tiếp theo chúng ta sẽ bị lâm vào tình trạng khủng khoảng. Nhưng nếu ta nắm bắt được thời cơ, tìm mọi cách để thoát ra khỏi cái bẫy chết tiệt này. Rồi sau đó, chúng ta sẽ tiến hành phản kích, chống lại Kirovograd từ bên ngoài, thì ít ra chúng ta vẫn có thể đạt được một điều gì đó. Hiện giờ, ta vẫn có điều kiện để làm được điều này. Đó là nhiệm vụ của chúng ta. Mục đích cao nhất của các Sư đoàn Panzer là tiến hành một cuộc chiến theo phương pháp cơ động, chứ không thể phòng thủ một cách thụ động..”

    Đó là cương lĩnh của các chỉ huy xe tăng Đức từng dưới trướng của Guderian. Bayerlein đã luôn luôn thực hành và quyết tâm tiếp tục làm như vậy. Nhưng một điều quan trọng khác là Bayerlein không phải thực hiện nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền, vì tại thời điểm đó ông không có bất cứ một mối liên hệ nào với Quân đoàn hoặc phải nhận bất kỳ một mệnh lệnh cấp cao nào khác. Hệ thống Teleprinter (liên lạc mã hóa bằng vô tuyến) cũng bị cắt đứt, không có phản hồi nào được nhận từ những người ở đầu dây bên kia trong vài giờ tới. Đây là một sự trở lại vị trí cổ xưa của những tư lệnh chiến trường…(Nói theo cách khác thì Bayerlein sử dụng mưu mẹo - có thể phớt lờ mệnh lệnh tử thủ đến từ Quốc trưởng với lý do bị bao vây mất liên lạc hoàn toàn. Tướng Bayerlein chỉ là Tư lệnh Sư đoàn Panzer số 3 – cấp dưới của Tướng Otto Wohler là người chỉ huy Tập đoàn quân VIII Đức..…ND).

    Điều này đặt ra một câu hỏi thú vị. Ngày nay, trong việc tiến hành cuộc chiến tranh, cuối cùng phần lớn được quyết định bởi sự phát triển công nghệ của các phương tiện thông tin liên lạc. Mọi quyết định vận hành to lớn có thể được thiết lập trên bàn làm việc và truyền đi ngay lập tức chỉ trong vòng vài phút. Chỉ cần trong một khoảng khắc, các lực lượng lớn về quân sự có thể phối hợp với nhau bằng tốc độ chớp nhoáng. Trước đây, những người giao thông hoặc các nhân viên truyền tin phải gò mình hết tốc lực trên các chú ngựa vượt qua mọi điều kiện thời tiết, rồi để thấy mọi thứ trở thành “xôi hỏng bỏng không” chỉ vì mình đến quá muộn. Bây giờ, tất cả những gì cần thiết là một tín hiệu vô tuyến được mã hóa, một cuộc hội thoại không thể theo dõi được trên sóng cao tần truyền xa hàng trăm dặm, hoặc một cuộc đối thoại trên máy Teleprinter.

    Nhưng những tiến bộ về mặt khoa học kỹ thuật của công nghệ thông tin truyền thông hiện đại thường bị bù đắp bởi lời nguyền của nó - giờ đây các cơ quan chỉ huy từ xa xôi đã có phạm vi can thiệp không hạn chế trong việc thực hiện các trận chiến trên chiến trường. Các câu hỏi có thể được đưa ra không ngừng nghỉ, các chỉ huy cao cấp xử lý công việc cũng như mệnh lệnh liên tục thay đổi mà không hề đếm xỉa đến điều kiện địa phương. Do đó, cả phía Đức và Liên Xô, sáng kiến của các sĩ quan và chỉ huy trưởng trên chiến trường trong cuộc chiến tranh cuối cùng luôn được giữ kín. Tình huống này có thể để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong các vấn đề nguy kịch. Stalingrad là minh hoạ ngoạn mục nhất, nhưng có rất nhiều trường hợp lại mang đến sự thành công thuyết phục khác. Vì vậy, sự im lặng đột ngột của máy điện thoại hoặc đài phát thanh có thể chứng minh đó là một vận may hoặc vận rủi dành cho một viên Tư lệnh chiến trường mà sau đó ông ta sẽ phải đối diện với bản án tại Tòa án quân sự hoặc làm theo lương tâm, bổn phận của người lính…





    ☆☆☆☆☆





    Như vậy, Tướng Bayerlein đã có một chặng dừng chân sau chuyến thị sát tình hình tại Kirovograd. Những viên Tư lệnh thuộc các Sư đoàn khác, họ là những người dày dạn kinh nghiệm chiến đấu tại Mặt trận miền Đông đều lưỡng lự trước chủ trương của Tướng Bayerlein. Nhưng ông ta vẫn không bị cản trở khi thực hiện ý định của mình bằng được…

    Ông thảo luận kỹ càng về kế hoạch của mình với Tướng August Schmidt, chỉ huy Sư đoàn Vệ binh Panzer 10 (người anh hùng trong chiến dịch rút lui tại đầu cầu Kanev) và bố trí các trung đoàn thuộc Sư đoàn 10 sẽ tiếp quản các vị trí phòng thủ do Sư đoàn Panzer 2 để lại….

    Ngay sau bữa ăn trưa, Bayerlein đã triệu tập các sĩ quan dưới quyền . "Bằng mọi giá, chúng ta phải phá vây trong tối nay, mục đích không phải để cứu chúng ta nhưng để giành lại quyền tự do hành động cho chúng ta", vị tướng nói. Các sĩ quan trong cuộc họp rất vui mừng. Các mệnh lệnh chiến đấu được đưa ra ngay lập tức - tất cả đều theo một cách hoàn toàn không theo chính thống (lệnh miệng) trực tiếp truyền xuống cho các chỉ huy đơn vị.

    ..................................
    DepTraiDeu, tatpcit, huymaya5 người khác thích bài này.
  6. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Năm Cụm chiến đấu được thành lập đặt tên là A, B, C, D, E. Cụm chiến đấu A mang tên “battering ram” – Đội công thành - với tất cả các xe tăng còn hoạt động được, Đại độ Thiết giáp vận tải Bộ binh , các kỹ sư, công binh và các khẩu pháo tự hành. Sau đó đến Cụm chiến đấu B, bao gồm các kỹ sư, pháo binh và Trung đoàn Vệ binh Panzer 3 dưới quyền chỉ huy của Đại tá Wellmann. Cụm chiến đấu C, bao gồm một đội hình vận tải cũng như một số phương tiện vận tải được kéo theo, trên đó chở càng nhiều người bị thương càng tốt với lực lượng y tế chăm sóc. Cụm chiến đấu D là Trung đoàn Vệ binh Panzer 394 được tăng cường dưới sự chỉ huy chung của Trung tá Beuermann. Cụm chiến đấu E bao gồm Tiểu đoàn Thám sát Thiết giáp của Thiếu tá Deichen. Đội bảo vệ sườn cho cuộc phá vây là những người “ Thợ săn tăng - Panzerjägers” , lực lượng pháo phòng không và pháo tự hành. Địa điểm dự kiến tập kết là Leiekovka, một vùng ngoại ô thuộc Kirovograd. Thời gian dự định phá vây : chập tối. Chưa bao giờ các bộ phận thuộc Sư đoàn lại hoạt động trùng khớp nhanh đến như thế. Các sĩ quan và binh lính đều có tinh thần chiến đấu rất cao. Lúc 17.30, Sư đoàn đã ở trong tình trạng sẵn sàng. Trưởng ban thông tin liên lạc gửi một bức điện cuối cùng tới Quân đoàn và Tập đoàn quân: ”Sư đoàn 3 Panzer đang thoát qua vòng vây theo hướng tây bắc để vượt qua lỗ thủng mặt trận và sẽ hoạt động ở hậu phương của kẻ thù nhằm chống lại thành phố đang bị bao vây." Sau đó, Bayerlein ra lệnh cho tất cả các đài thu phát im lặng. Không có mệnh lệnh nào được đưa thêm nữa...

    Đó là một đêm tối trăng rằm. Trời vẫn u ám. Nhiệt độ là 25 độ âm. Tuyết rơi dày đặc dưới những đôi ủng của họ. Vùng nông thôn Nga phẳng lì dưới lớp tuyết dày trắng xóa. Tất cả bắt đầu di chuyển. Xe tăng tạo thành một cái nêm rộng. Không bật đèn. Không có tiếng súng. Không pháo hiệu. Tướng Bayerlein ngồi trong chiếc xe jeep với nhóm chủ công. Đột nhiên có chớp lửa từ nòng súng phía bên trận địa quân thù. Đó là súng chống tăng! Chiếc xe tăng dẫn đầu bị trúng đạn và bốc cháy. Trên chiến trường, chiếc xe tăng bị nhấn chìm trong ngọn lửa soi rõ cảnh vật xung quanh. Nó chiếu rõ đội hình hành quân đang âm thầm tiến tới của người Đức. Nhưng bóng tối làm nền xung quanh đã tạo ra một ảo giác dường như có một đội quân rất mạnh đang ào ạt xông lên phía trước với số lượng rất lớn. Đối với người Nga, Sư đoàn 3 Panzer xuất hiện như một quân đội ma. Cho nên họ buộc phải bắn rất dữ dội và mạnh mẽ với tất cả các loại vũ khí. Chính vì thế, mọi vị trí hỏa lực của người Nga đã bị người Đức phát hiện được….Các nắp xe tăng được đóng lại. Giờ thì đến lượt người Đức tấn công !

    Các xe tăng Đức bắt đầu xông lên phía trước. Họ được hỏa lực pháo binh yểm trợ. Các lính công binh và lính tùng thiết theo sau. Chỉ trong vòng vài phút, những chiếc xe tăng đầu tiên đã đột nhập vào mọi vị trí của người Nga, mở đường cho các lính công binh và lính tùng thiết càn quét “làm cỏ” sạch các trận địa của họ. Mọi ổ đề kháng của quân Nga nhanh chóng bị sụp đổ. Các khẩu pháo chống tăng và phòng không bị phá hủy và vứt bỏ lại. Quân Nga ở các nơi buộc phải bỏ chạy tán loạn. Những người bị bắt làm tù binh sau đó có nói rằng : cuộc tấn công bất ngờ của người Đức trong thứ ánh sáng kỳ quái đó gây cho họ có ấn tượng là một cuộc đột kích khổng lồ với thành phần ít nhất Quân đoàn Panzer thiện chiến. Điều này đã gây ra cho họ một sự hoảng loạn tại những vị trí mà họ đã cảm thấy an toàn tuyệt đối. Sáng hôm sau, toàn bộ Sư đoàn đã thoát ra khỏi vòng vây với một tổn thất không đáng kể - họ mất có một xe tăng cũng như toàn bộ ê-kíp lái. Vladimirovka bị chiếm lại cũng như mọi sự xâm nhập của Hồng quân đều được phong tỏa kịp thời. Ngay lập tức, Tướng Bayerlein cùng Sư đoàn của mình quay đầu lại và buổi sáng hôm sau, ngày 8 tháng Giêng, ông ta đã tấn công vào Osikovata, một vị trí nằm sâu trong hậu phương thuộc vòng vây của người Nga đang bao quanh khu vực Kirovograd.

    Mức độ đầy đủ của mối đe dọa giữa sông Dnieper và Bug đã được tiết lộ rõ ràng trên bản đồ tác chiến thuộc Quân đoàn Panzer XLVII (47)…..




    ☆☆☆☆☆





    Vào ngày 7 tháng Giêng, Tướng Nikolau von Vormann đã buộc phải di tản Sở chỉ huy Tiền phương đang đặt tại rìa bắc Thành phố Kirovograd. Xe tăng Nga đột nhiên biến mất ở bên ngoài khu vực. Ông điều chuyển Sở chỉ huy của mình tới Malaya Viska, hai mươi tám dặm xa hơn về phía tây. Đó là một nhiệm vụ gần như bất khả thi dành cho vị Tư lệnh của một Quân đoàn hùng mạnh với thành phần bao gồm tới 7 Sư đoàn – tức là gần như biên chế của một Tập đoàn quân – xuất phát từ một sự nhầm lẫn trong việc bố trí các vị trí thuộc tuyến phòng thủ chính của người Đức.

    .............................
    caonam_vOz, huymaya, tatpcit2 người khác thích bài này.
  7. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Một khu vực rộng lớn như vậy buộc ông luôn ở trong tình trạng bị quá tải, với việc chuyển Sở chỉ huy về Malaya Viska có thể tiếp cận dễ dàng với tình hình thực tế tại chiến trường hơn nhiều. Tại đó, Sở chỉ huy Tiền phương của Quân đoàn Panzer XLVII (47) đặt sát tuyến đường sắt gần làng Pervomaysk, ngay bên cạnh sân bay dã chiến trực thuộc Tập đoàn quân Không quân IV. Đây chính là nơi những Không đoàn Stuka Immelmann nổi tiếng dưới quyền chỉ huy của Trung tá Rudel đã được triển khai, sẵn sàng can thiệp vào bất kỳ thời điểm khủng hoảng nào trong trận chiến.

    Tướng von Vormann và Đại tá Reinhard, Tham mưu trưởng Quân đoàn, đang nghiên cứu những tấm bản đồ trong ánh nến lung linh của buổi đêm mồng 8 rạng ngày 9 tháng Giêng năm 1944. Họ chỉ cần liếc qua là có thể thấy rõ những mục tiêu chính trong ý đồ của người Nga. Các Tập đoàn quân thuộc Phương diện quân Ucraina I của Tướng Nga Vatutin, đã giải phóng Kiev và xuyên qua khu vực Berdichev, giờ đây lại ngoặt theo hướng đông nam, tiến về phía Bessarabian Bug, thuộc hậu phương Tập đoàn quân VIII Đức.

    Đòn đột kích của Konev tại Kirovograd thể hiện trong một chiến lược hợp đồng tác chiến với cuộc tấn công của Vatutin, gọng kìm thứ hai lúc này cũng nhằm thẳng vào Bug. Gọng kìm này hướng theo phía tây nam. Điểm gặp gỡ được dự tính trước tại Uman-Pervomaysk. Đó là khu vực gần sát với biên giới Rumani.

    Nếu chiến dịch quy mô lớn này mà đạt được thành công, thì không chỉ Tập đoàn quân VIII(Đức) bị bao vây mà sự hủy diệt của nó sẽ thúc đẩy Đại tướng Malinovskiy tiến hành các động thái tấn công hướng vào Tập đoàn quân VI(Đức) đẩy người Đức vào tình hình đặc biệt nguy hiểm nghiêm trọng. Lúc đó thì cũng không có điều gì có thể cứu vãn được Tập đoàn quân XVII đang bị mắc kẹt tại bán đảo Crimea sẽ bị người Nga “xơi tái”. Và như vậy, trên thực tế, mục tiêu mà Stalin đã theo đuổi trong một thời gian dài - sự tiêu diệt toàn bộ cánh Nam của người Đức – sẽ là một chiến thắng vĩ đại dành cho Hồng quân.

    Trong ánh sáng lung linh của những ngọn nến, Vormann và viên tham mưu trưởng của ông nhận ra thảm họa đang đe doạ họ. Để ngăn chặn bước đột phá xuống Uman từ hướng tây bắc của Tướng Nga Vatutin – chính là nhiệm vụ của Tập đoàn quân Panzer I cũng như các lực lượng thuộc Tập đoàn quân của Thống chế von Manstein đã cấp tốc di chuyển đến khu vực đó. Liệu Tướng Đức Hube có đạt được thành công hay không ? Tướng Vormann hỏi lại một cách lo lắng. Nhưng bất cứ điều gì xảy ra ở đó, Quân đoàn Panzer XLVII (47) của ông đã phải phong tỏa được bước đột phá của người Nga tại Kirovograd. Trong sự nóng ruột và bồn chồn, Vormann và Reinhard cấp tốc phác thảo kế hoạch của mình. Điều gì đã được thực hiện?

    Tình hình phía Nam Kirovograd thì mọi việc càng ngày càng trở nên đen tối. Xe tăng Nga chỉ còn cách thành phố có 30 dặm theo hướng tây nam và không có gì ngăn cản giữa họ và biên giới Rumania. Chỉ còn lại một tia hy vọng – Sư đoàn "Grossdeutschland" đã cấp tốc hành quân tới, theo sau là các bộ phận trực thuộc Sư đoàn Panzer SS "Totenkopf” thếnhưng liệu họ có thể đạt được thành công trong việc ngăn chặn cơn lốc Đỏ của Hồng quân lại là một việc khác?

    Trong lúc này, tình hình tại Kirovograd thì sao? Ngày 8 tháng Giêng , ba sư đoàn Đức vẫn bị mắc kẹt trong vòng vây ; đó là Sư đoàn Vệ binh Panzer 10, Sư đoàn Panzer 14 và Sư đoàn Bộ binh 376. Nhưng một mệnh lệnh mới đến từ Hitler đã đóng đinh họ vào tình trạng khốn khổ của họ. Kirovograd đã được bảo vệ cho đến người cuối cùng, như một "pháo đài". Rất may, chính là sự thoát vây kỳ diệu của Sư đoàn Panzer số 3 do những chỉ đạo mạnh mẽ đến từ Bayerlein, nên giờ đây, Sư đoàn của ông mới có thể tránh được nguy cơ tồi tệ nhất ở phía bắc Kirovograd. Nhiệm vụ mới dành cho Bayerlein là phải đập tan hai Quân đoàn Cơ giới di động Sô- viết, phá vỡ vòng vây và giúp đỡ kịp thời cho các Sư đoàn Đức còn bị kẹt tại Kirovograd. Đó là cách ông ta phải thực hiện bằng được và cũng chỉ là sách lược duy nhất….

    Mọi thứ giờ đây đều quá tải. Từ mọi chỉ thị, mệnh lệnh đến các cuộc điện thoại cũng như mọi tín hiệu trên radio. Tất cả đều nghẹt cứng. Thời gian đã là 2.00 giờ sáng. Ngay lúc này, dường như đúng theo kế hoạch và tính toán về đêm của người Nga, cả một khu vực ầm vang hỏa lực các loại súng trường và tiếng pháo trên xe tăng. Hỏa lực phòng không đặt chung quanh sân bay dã chiến cũng liên tục khai hỏa. Báo động có xe tăng Nga. Tại Sở chỉ huy Dã chiến thuộc Quân đoàn Panzer XLVII (47) có một vận động viên Thể thao Đức làm Sĩ quan phụ tá – Anh ta là Thiếu tá Hasse – một vận động viên đua ngựa người Đức đã từng đạt Huy chương vàng trong môn đua ngựa cá nhân tại Thế vận hội Berlin năm 1936......

    .............................
  8. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Khi Thiếu tá Hasse mở cánh cửa phòng tác chiến, một luồng gió mạnh ập vào thổi tắt hết các ngọn nến. Trong bóng tối, Hasse nói một cách bình thản: "Thưa tướng quân, chúng ta phải đi thôi, xe tăng Nga đã đột nhập vào làng. Tôi sẽ chỉ huy lực lượng chặn hậu tại đây với các thành viên còn lại của Sở chỉ huy..”.

    Không hề tỏ ra sợ hãi và lạnh lùng, đúng như trong cuộc so tài thể thao, Thiếu tá Hasse đã tổ chức những nhân viên thư ký, liên lạc viên, những người lính mô-tô thông tin và những người lính của Tiểu đoàn Thông tin liên lạc trực thuộc Quân đoàn cầm vũ khí để bảo vệ Sở chỉ huy. Họ chiến đấu bằng mìn, chất nổ và vũ khí bộ binh….Chỉ có thế thôi…Không hề có vũ khí hạng nặng….

    Xe tăng Nga với bộ binh tùng thiết đang di chuyển xuyên qua làng, bắn vào các ngôi nhà, đốt các xe tải, còn bộ binh Nga xả đạn vào bất cứ cái gì trong tầm mắt của họ. Đó chính là toàn bộ một Lữ đoàn xe tăng 67 thuộc Quân đoàn Cơ giới VIII Sô-viết. Họ đã biến ngôi làng thành một đống đổ nát để rồi sau đó, chúng tiếp tục lao vào sân bay dã chiến….

    Tướng vốn Vormann cùng các nhân viên của mình đã mang được những giấy tờ bí mật quan trọng nhất cũng như tấm bản đồ tác chiến thoát ra khỏi khu làng. Thiếu tá Hasse đã hy sinh. Ông ta bị giết trong trận chiến. Cùng hy sinh với ông ta là viên sĩ quan trực nhật đầu tiên, Trung uý Becker, cũng như nhiều người lính Đức thuộc Tiểu đoàn Thông tin liên lạc của Quân đoàn.

    Ngoài ra, Sở chỉ huy Quân đoàn đã để thất lạc hai máy thu phát tín hiệu rất có giá trị và không thể thiếu trong các cuộc chiến tranh hiện đại. Tướng von Vormann và các nhân viên tham mưu của mình buộc phải di chuyển tới Tập đoàn quân VIII(Đức) tại Novomirgorod để dùng tạm điện thoại của họ cho đến khi những thiết bị truyền thông quan trọng nhất được thay thế, để đảm bảo rằng trong thời kỳ hoạt động quan trọng này, ông vẫn có thể trực tiếp chỉ huy Quân đoàn của mình liên tục, không bị đứt đoạn tùy thuộc vào diễn biến trên chiến trường.

    Lữ đoàn ma Soviet tiếp tục ám ảnh các khu vực hậu phương Đức trong một thời gian sau nữa. Mặc dù vậy, sự triển khai kế hoạch ảm đạm của Vormann đã đạt được một số thành công nhất định. Bằng những đòn tấn công đầu tiên táo bạo của Tướng Bayerlein vào Quân đoàn VII cũng như Quân đoàn Cơ giới VIII, ông ta đã buộc người Nga phải dừng lại trong những trận giao chiến cục bộ, ngăn chặn đà tiến quân tiếp theo của họ qua hướng tây. Chính điều này đã tạo ra sự cứu trợ cần thiết cho ba Sư đoàn Đức đang nằm trong vòng vây tại Kirovograd-Lelekovka.

    Hai mươi bốn giờ sau, khi Quốc trưởng trao cho quyền tự do hành động cho các nhóm tác chiến đang đóng tại Lelekovka vốn đã bị ông đóng đinh từ mấy ngày trước. Sau một đòn phản công táo bạo trong đêm mồng 9 rạng 10 tháng Giêng, ba sư đoàn đã thành công trong việc thoát ra khỏi vòng vây xuyên qua Ingul tại khu vực phía tây Gruzkoye mà không bị tổn thất gì thêm nữa. Ở đó họ thiết lập một hàng rào chắn mạnh mẽ, liên kết với Sư đoàn 3 Panzer ở bên trái và với Sư đoàn Vệ binh Panzer "Grossdeutschland" ở bên phải. Rõ ràng các Trung đoàn của tướng Hoernlein đã không làm thất vọng những mong đợi đến từ Vormann. Những lực lượng mạnh đầy kinh nghiệm này, cùng với Sư đoàn Panzer “Totenkopf” 3, đã ngăn chặn người Nga tiến về phía nam Kirovograd. Mối nguy hiểm tạm thời trôi qua….

    Và cuộc tấn công bất ngờ do Lữ đoàn tăng 67 của Konev phát động đã đạt được những gì ? Phải chăng là những nhóm chiến đấu thuộc Tập đoàn quân Xe-tăng Cận vệ nổi tiếng của Rotmistrov sẽ là những người mở đường tiên phong trong một cuộc hành quân táo bạo nhằm bắt liên lạc với nhau tại sông Bug ? Nó sẽ tiến sâu vào nội địa bằng cách truy đuổi các lực lượng thuộc Quân đoàn Panzer XLVII (47). Trong “Trò chơi sinh tử” này, nhiều chiếc T-34 của Hồng quân đã trở thành nạn nhân của các "Xạ thủ chống tăng Luftwaffe", do Trung tá Rudel cầm đầu. Với Không đoàn Staffel của mình, Rudel truy kích xe tăng Nga trên vùng đồng bằng được bao phủ đầy tuyết giữa Malaya Viska và Gruzkoye. Hết chiếc xe-tăng này đến xe-tăng khác bị săn đuổi tàn nhẫn. Công việc Rudel và Không đoàn Staffel dưới quyền anh ta thực hiện là họ bổ nhào thẳng xuống những mục tiêu trong tầm tác xạ của lực lượng Pháo binh thuộc Quân đoàn Panzer XLVII (47) để tiêu diệt. Không một xe-tăng nào của Nga có thể trốn thoát được….

    Trong những ngày nguy kịch của tháng Giêng năm 1944, tướng von Vormann được ghi nhận một thành công trong chiến dịch phòng thủ tại Kirovograd. Người Nga đã không thể hoàn thành mục tiêu bao vây Tập đoàn quân VIII (Đức) để tạo ra một điều kiện kiên quyết cho việc thanh toán toàn bộ cánh quân phía Nam của người Đức.

    ....................................
  9. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Các hoạt động dũng cảm, kiên quyết nhưng linh hoạt với các Sư đoàn đang ở tình trạng bị tiêu hao nhiều đã gây ra những tổn thất nặng nề cho người Nga bằng cách tiến hành phòng thủ chủ động, cản trở bước tiến công của họ, và làm nản lòng kế hoạch của Thủ lĩnh Đỏ Stalin . Hành động đúng đắn về mặt quân sự của một vị tướng, dựa trên sự đánh giá đúng đắn về tình hình thực tế và dám đi ngược lại một mệnh lệnh phi thực tế của Führer, đã trở thành “tiết mục mở màn” cho một “vở diễn” thành công. Khi bước đột phá thoát vây đến từ Sư đoàn 3 Panzer đạt được thành công rực rỡ, Bayerlein cùng với các trung đoàn dưới quyền ông đã được ca ngợi trong Thông cáo về tình hình chiến sự của Bộ Tư lệnh Tối cao Đức.

    Nhưng tại thời gian này, không hề có ân thưởng dành cho Tướng Bayerlein – Làm sao có thể ban thưởng cho sự “bất tuân thượng lệnh” kể cả khi nó đạt được thành công – điều này làm cho Quốc trưởng khó có thể nuốt trôi được. Tuy nhiên, bốn tháng sau, Tướng Bayerlein vẫn đưa vào tiếp quản vị trí chỉ huy một Sư đoàn Thiết giáp tinh nhuệ và hiện đại bậc nhất của người Đức vào thời điểm đó – Sư đoàn Panzer Lehr…

    Trong hai tuần vừa qua, bản Thông cáo của Bộ Tư lệnh Tối cao Đức đã luôn đề cập hàng ngày về tình hình chiến sự tại Kirovograd. Luôn luôn có những ngôn từ ....cuộc chiến khốc liệt, nặng nề…mối đe dọa nghiêm trọng….tình hình nguy cấp….Bây giờ, cái tên đó đã dần dà biến mất khỏi biên niên sử chính thức của cuộc chiến tranh. Một tên khác , địa danh mới, bắt đầu xuất hiện. Hầu như hàng ngày, bản Thông cáo của Bộ Tư lệnh tối cao Đức bắt đầu bằng những từ: "Phía Tây nam Cherkassy…". Quả đúng là xảo thuật dùng từ ngữ quân sự bởi vì : phía tây nam Cherkassy chính là khoảng ba mươi dặm về phía bắc tính từ Kirovograd…..

    Mặc cho cái tên đã thay đổi, địa danh nơi tình hình chiến sự cũng thay đổi nhưng Hồng quân vẫn theo đuổi đến cùng một mục tiêu duy nhất : Tiêu diệt Tập đoàn quân VIII (Đức)…..

    Đại bản doanh Sô-viết Tối cao không hề từ bỏ mục tiêu này sau khi chiến dịch bao vây không thành công tại Kirovograd. Họ vẫn tiếp tục theo đuổi, mặc dù không còn ở trong tình trạng của sự hợp vây mang tầm cỡ chiến lược lớn lao với điểm kết nối nằm tại khu vực Uman-Pervomaysk, nhưng bây giờ sẽ tiến hành ở quy mô nhỏ hơn.

    Người Nga đã cố gắng cắt đứt phần lớn lực lượng thuộc Tập đoàn quân VIII(Đức) trong một hình vòng cung (mấu lồi) vẫn còn đang ăn sâu về phía đông, tiếp cận với sông Dnieper , có đỉnh là Kanev và chạy về hướng đông nam của Korsun. Mấu lồi này chính là trở ngại lớn dành cho người Nga. Giống như một cái nêm nó đã chia cắt hai Phương diện quân Sô-viết của Vatutin và Konev và do đó tiêu biểu cho một mối đe dọa liên tục vào bên sườn của họ.

    Đây là lý do chính xác khiến cho Hitler giờ đây đã khăng khăng đòi phải giữ vững khu vực này, được ví như gót Asin của Quốc trưởng tại điểm cuối cùng trên đường ranh giới tự nhiên chính là con sông Dnieper. Quốc trưởng dự tính, nếu có cơ hội thích hợp, từ vị trí đắc địa này, ông ta sẽ tạo ra một đòn công kích hướng đến Kiev, chỉ cách đó có 40 dặm đường và sau đó sẽ khôi phục lại tuyến phòng thủ dọc theo sông Dnieper. Vòng cung này có chiều sâu khoảng 60 dặm, đường vòng theo hình cái cung này ước tính khoảng 80 dặm. Như vậy, tổng diện tích của khu vực vòng cung này lên tới gần 5.000 dặm vuông…

    Khu vực vòng cung nguy hiểm này được bảo vệ bởi 2 Quân đoàn Đức ; Quân đoàn XI dưới sự chỉ huy của Tướng Stemmermann và Quân đoàn XLII(42) với Tư lệnh là Trung tướng Lieb. Quân số tổng cộng bao gồm 6 Sư đoàn rưỡi với 56.000 người…

    Dĩ nhiên, mục tiêu của Hồng quân không phải là điều gì bí mật với Bộ Tư lệnh tối cao Đức. Cách đó không lâu, khoảng ngày 24 tháng Giêng năm 1944, nhóm Trinh sát của Sư đoàn Panzer số 3 đã phát hiện ra sự tập trung một số lượng lớn quân Nga tại khu vực Krasnoselka, khoảng ba mươi dặm về phía bắc của Kirovograd. Đương nhiên, cuộc thám sát đã không thể khám phá ra được toàn bộ những gì Konev đã tập trung vào thời điểm này – gồm tới 4 Tập đoàn quân và 1 Quân đoàn kỵ binh được triển khai trên cánh phía bắc thuộc Tập đoàn quân VIII (Đức) , đối diện với lực lượng hùng hậu của người Nga chính là Quân đoàn của Tướng Stemmermann……

    .............................

    --- Gộp bài viết: 06/03/2018, Bài cũ từ: 06/03/2018 ---
    [​IMG]

    PHẦN VII : THẢM HỌA TRÊN CÁNH NAM



    PART VII: DISASTERS ON THE SOUTHERN WING
  10. danngoc

    danngoc Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    24/08/2004
    Bài viết:
    3.760
    Đã được thích:
    1.327
    Dĩ nhiên, mục tiêu của Hồng quân không phải là điều gì bí mật với Bộ Tư lệnh tối cao Đức. --> Trong tình hình vào thời điểm này cả Đức (thầy) và Liên Xô (trò) đều đã thành bậc thầy của nghi binh mà tác giả dám nói vậy quả là quá cao tay!
    DepTraiDeu thích bài này.

Chia sẻ trang này