1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Pelléas và Mélisande

Chủ đề trong 'Nhạc cổ điển' bởi phucphan, 31/07/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. phucphan

    phucphan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/09/2005
    Bài viết:
    311
    Đã được thích:
    0
    Pelléas và Mélisande

    [​IMG]

    Pelléas và Mélisande (Pelléas et Mélisande) là một vở opera 5 màn, 15 cảnh của nhạc sĩ Pháp Claude Debussy (1862-1918). Vở opera được dựa trên vở kịch cùng tên của nhà viết kịch người Bỉ Maurice Maeterlinck (1862-1949). Libretto của vở opera của Debussy gần như giữ nguyên tác vở kịch nói của Maeterlinck. Vở kịch của Maeterlinck là một vở kịch mang tính tượng trưng (Symbolist). Các lời thoại và hành động diễn ra trong vở kịch đều có ý nghĩa về cảm xúc, về không khí nhiều hơn là về hành động.
    Vở opera của Debussy được công diễn lần đầu tiên vào năm 1902 ở nhà hát Opera-Comique, Pháp. Nhiều người gọi nó là một vở opera "ấn tượng" theo tên của phong cách sáng tác của Debussy. Ngày nay, Pelléas và Mélisande được biểu diễn khá phổ biến và thường xuyên, nhưng nó không phải là 1 vở opera dễ cảm thụ với khán giả các nước không nói tiếng Pháp.
    Vai Pelleas là một vai dành cho loại giọng Baryton-Martin, một loại giọng baryton nhẹ có âm vực gần như tenor. Melisande là một vai mà cả soprano và mezzo-soprano đều có thể thể hiện.
  2. phucphan

    phucphan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/09/2005
    Bài viết:
    311
    Đã được thích:
    0
    [​IMG]
    Debussy đã ngay lập tức cảm thấy ấn tượng trước vở kịch của Maeterlinck trong lần công diễn của nó vào ngày 17-5-1893 và đã ngay lập tức quyết định viết vở opera của mình dựa trên vở kịch đó. Chính Maeterlinck cũng đã viết libretto của "Pelleas và Melisande" cho Debussy vào năm 1902 nhưng Debussy đã sáng tác một phần lớn của vở opera từ trước đó trong khoảng từ năm 1893 đến năm 1895 và giữa 2 người thực sự không có 1 sự hợp tác đáng kể. Pelleas và Melisande được sáng tác trong cùng giai đoạn với những tác phẩm khí nhạc nổi tiếng như bản tứ tấu dây và tác phẩm Prelude buổi chiều của thần đồng nội. Maeterlinck cũng đã bộc lộ ước muốn để soprano Georgette Leblanc, vợ ông, đóng vai Melisande trong lần công diễn ra mắt nhưng Debussy đã quyết định chọn giọng soprano Pháp gốc Scotland Mary Garden.
    Nhiều người nhắc đến ảnh hưởng của Wagner với vở opera của Debussy. Điểm giống nhau tương đồng nhất là trong cấu trúc (cấu trúc viết liền mỗi màn thành một chuỗi chứ không tách ra số nhạc, lối phối khí dày cũng gợi nhớ về Wagner và cũng có những đoạn nhạc mang dáng dấp của Tristan và Isolde hay Parsifal). Nhưng điểm khác nhau cơ bản là nếu như trong âm nhạc Wagner, những đỉnh điểm kịch tính được dùng để nhấn mạnh các sự kiện quan trọng trong cốt truyện thì với Pelleas và Melisande, mọi thứ dường như đều mờ ảo, huyền bí, nhiều khi những crescendo chỉ được dùng để tạo ra một cảm giác cần thiết cho cảnh đang được trình diễn nhưng không đóng vai trò gì về mặt hành động sân khấu. Chính Debussy đã nói: "Tôi muốn âm nhạc diễn tả được những thứ mà sân khấu hay các trường đoạn kịch tính không thể lột tả được". Thành công của Debussy là ông giữ nguyên được tính biểu tượng mơ hồ của vở kịch nguyên gốc khi viết vở opera của mình và kết hợp được nó với bút pháp sáng tác của ông.
    Cũng như mọi vở opera với bút pháp mới mẻ, lần ra mắt của Pelleas và Melisande vào ngày 30-4-1902 cũng gây ra một sự tranh cãi và sự tranh cãi đó vẫn đang tiếp tục cho đến tận ngày nay. Một vở opera không aria, không hợp xướng, không có các vũ khúc hay trường đoạn ballet, thậm chí cũng chẳng có một giai điệu nào mà khán giả có thể nhớ trong đầu sau khi ra khỏi nhà hát. Khán giả tại lần công diễn phân đều thành 2 phe. Trong giới chuyên môn, Rimsky-Korsakov, Fauré và Richard Strauss cho rằng Pelleas và Melisande đơn điệu, thiếu sự thanh thoát. Nguợc lại, Massenet tỏ ra rất xúc động, Stravinsky tỏ ra tán thưởng còn Ravel tuyên bố "sau Pelléas và Melisande còn có ai có thể sáng tác nữa". Đến ngày nay, nhà âm nhạc học Ernest Newman cho rằng vở opera của Debussy là "1 sự phá sản về khả năng sáng tạo nghệ thuật" còn tenor Pháp nổi tiếng Jacques Jansen thì cho rằng đó là vở opera Pháp duy nhất có khả năng ám ảnh ông từ lần nghe đầu tiên và "pelleas trở thành mục tiêu phấn đấu suốt sự nghiệp của tôi". Dù khen hay chê, Pelleas và Melisande là đỉnh cao của phương châm sáng tác của Debussy: "Âm nhạc có nhiệm vụ bộc lộ những thứ không thể diễn đạt được."
    Chính sự bí hiểm, mơ hồ là điều làm nên sự hấp dẫn của Pelleas và Melisande. Khi viết vở opera của mình Debussy đã bộc lộ uớc muốn tạo ra một sự liên hệ "giữa thiên nhiên và trí tưởng tượng" chứ không phải là một "sự ràng buộc cụ thể giữa thiên nhiên và con người". Người xem sau cả vở opera không biết gì về các nhân vật trong đó. Chỉ có nhân vật Golaud là nhân vật duy nhất có những suy nghĩ và hành động dễ hiểu. Ngay cả sự sắp đặt sân khấu mà Debussy nghĩ ra cũng có một hiệu quả đặc biệt: Cảm giác về thời trung cổ không được tạo ra bằng những toà lâu đài mà bằng những khu rừng rậm, biển khơi và những đài phun nước. Âm nhạc của dàn nhạc thay đổi liên tục về màu sắc và hầu như không có những đỉnh điểm, những khoảnh khắc lớn như trong nhạc Wagner. Melisande có lẽ là nhân vật nữ khó hiểu nhất của opera cổ điển. Melisande xuất hiện không rõ nguồn gốc, chẳng bao giờ trả lời trúng vào những câu hỏi được đặt ra cho nàng, đến 80% những lời nói của Melisande trong vở opera là nói dối...Mái tóc dài của Melisande thật phù hợp với không khí của vở opera: lờ mờ, kín đáo. Boulez, một nhạc trưởng đặc biệt gắn bó với vở opera của Debussy nhận xét: "Phần viết cho giọng hát lơ lửng giữa hát và nói, nhưng các tiết tấu và các quãng nhạc trong lời hát thì hoà nhập một cách hoàn chỉnh vào bút pháp dàn nhạc của Debussy." Có thể nói, nếu những vở opera lãng mạn của Ý hay Đức là thơ thì Pelleas và Melisande là văn xuôi.

Chia sẻ trang này