1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Phải thấm nỗi nhục nghèo hèn để có chí vươn lên

Chủ đề trong 'Báo chí - Truyền thông' bởi Thiet_Khau_Nhi, 15/05/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Thiet_Khau_Nhi

    Thiet_Khau_Nhi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/01/2004
    Bài viết:
    55
    Đã được thích:
    0
    Phải thấm nỗi nhục nghèo hèn để có chí vươn lên

    Báo cáo các bác.
    Họ nhà em ba đời là bần cố nông, mãi đến đời em, tức là F4 mới nảy nòi ra em là trí thức nửa mùa. Ấy mà nhờ hồng phúc mà em được đi theo dõi Quốc hội kỳ này.
    Thấy bài phát biểu của đồng chí Dương Trung Quốc em pót lên cho các quan bác xem chơi lúc trà dư tửu hậu. Em đố các bác biết bài này thuộc thể loại nào.... hì hì
    ------------
    Kính thưa Quốc hội,


    Thời gian phát biểu tại hội trường hạn chế, không cho phép tôi tiếp tục bày tỏ sự đồng tình nhất trí với báo cáo của Chính phủ như nhiều vị đại biểu Quốc hội khác đã phát biểu trước tôi. Tôi chỉ muốn nêu lên một số nội dung mà theo tôi chưa được đề cập tới trong báo cáo của Chính phủ.


    Như có lần tại diễn đàn này tôi đã nói: Nếu sau này các nhà sử học tập hợp những bản báo cáo Chính phủ liên tục qua các kỳ họp Quốc hội như những nguồn sử liệu để nghiên cứu về một thời đã qua, họ sẽ dễ dàng nhận ra một sự tăng tiến không ngừng, với những con số rất cụ thể, nhất là về GDP. Nhưng họ cũng sẽ thấy được sự lặp lại như một chứng bệnh kinh niên những vấn đề được liệt kê trong phần kiểm điểm về hạn chế, yếu kém. Phần này luôn được trình bày một cách rất thành khẩn, kèm theo nhiều giải pháp khắc phục rất cụ thể nhưng không mấy khi xác định được tính hiệu quả về thời gian và rất không nhiều vấn đề được dứt điểm.


    Trong bản báo cáo nào cũng thấy một loại thành tích, đã tạo thành bản lĩnh của chúng ta là khả năng vượt khó hay thoát hiểm. Nói cách khác là chúng ta rất thiện nghệ trong thực hiện những giải pháp tình thế... Đó là quán tính của một dân tộc đã từng trải trong chiến tranh. Nhưng điều đó không thể trở thành một lề lối thích hợp với công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá và hội nhập.


    Điều đáng tiếc là bản báo cáo của Chính phủ đã không định vị được toạ độ của chúng ta đang ở đâu trên một lộ trình phấn đấu gắn sự phát triển của đất nước với trình độ thế giới, đặc biệt là trong mối tương quan với quốc gia khác, trong quá trình hội nhập. Nói cách khác, chúng ta đang ở đâu trên thế giới này?


    Từ khi mới lập chế độ Dân chủ cộng hoà, Bác Hồ đã luôn luôn động viên dân tộc ta phải vươn lên trong mục tiêu sánh vai với các cường quốc năm châu. Tôi tin rằng nếu chúng ta không buộc phải cầm súng đánh giặc liên tục 30 năm, chúng ta đã có thể làm được điều đó. Một phong trào xoá nạn mù chữ và giáo dục toàn dân, một cuộc bầu cử với nguyên tắc nam nữ bình quyền vào thời điểm cuộc chiến tranh thế giới vừa kết thúc là những thành tựu có tầm sánh với các cường quốc năm châu. Và dân tộc chúng ta còn đạt tới tầm cao thời đại trong sự nghiệp chiến tranh giải phóng, với Điện Biên 1954 và Đại thắng Mùa xuân 1975.


    Giờ đây, trong xây dựng hoà bình, chúng ta thực tế và khiêm tốn hơn nên đã lấy những quốc gia trong khu vực làm mục tiêu để vươn tới, và tự trong thâm tâm của chúng ta đã cảm nhận được những khó khăn như thế nào trong cuộc phấn đấu ấy. Bởi lẽ các quốc gia ấy không phải là những mục tiêu tĩnh, họ cũng đang phát triển, thậm chí có những phát triển vượt bậc. Thu hẹp khoảng cách đã là khó, bằng và vượt được họ càng khó khăn bội phần. Trong khi đó, đặc điểm của công cuộc hội nhập là một cuộc cạnh tranh trong cùng một môi trường, một sân chơi, một luật lệ kinh tế thị trường vô cùng khắc nghiệt. Trong cuộc cạnh tranh ấy, chúng ta lại phải chứng minh được tính ưu việt, tính hơn hẳn của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.


    Trở lại với bản báo cáo của Chính phủ, tôi thấy nó không cho người đọc hôm nay cũng như những nhà sử học trong tương lai thấy được toạ độ và mục tiêu cải thiện vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế vào thời điểm này. Ai cũng biết rằng năm 2004 này có một vị trí quan trọng như thế nào khi chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của năm 2005, năm mà chúng ta mong muốn sẽ hội nhập mạnh mẽ với mục tiêu sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ai cũng biết đằng sau cánh cửa của WTO là muôn vàn cơ hội nhưng cũng là muôn vàn thử thách. Cơ hội chỉ đến với ai đã được chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng vào cuộc, còn thách đố thì nó lôi tuột chúng ta vào cuộc với tất cả sự khôn lường đối với những ai chưa từng đi.


    Buổi chiều sau phiên họp trù bị của Quốc hội hôm 10/5, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, chỗ chị Tôn Nữ Thị Ninh, đã bố trí chúng tôi gặp một nhà báo Hà Lan. Điều mà họ quan tâm đặt thành câu hỏi là Việt Nam đã sẵn sàng cho sự hội nhập lớn vào WTO chưa? Một nền kinh tế thị trường có sự định hướng xã hội chủ nghĩa, một Nhà nước do một Đảng lãnh đạo sẽ vào cuộc chơi đầy thử thách này như thế nào?


    Tôi biết Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này, có nhiều nỗ lực cho mục tiêu này, các doanh nghiệp càng lo sốt vó khi tiếng cồng vào cuộc sắp vang lên. Nhưng trong bản báo cáo của Chính phủ, dấu ấn của thời điểm có ý nghĩa này dường như rất mờ nhạt. Trang 6 của bản báo cáo có nói đến việc "Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Luật Khuyến khích và bảo hộ đầu tư áp dụng thống nhất cho đầu tư trong và ngoài nước, nhờ đó quyền kinh doanh và đầu tư nước ngoài sẽ được mở rộng phù hợp với cam kết mở cửa thị trường gia nhập WTO". Đang có nghĩa là chưa, và sẽ có nghĩa là chưa biết đến bao giờ mới có luật (?)


    Và trang 9 có một đoạn nữa: "Cần chủ động đối phó với các rào cản do các nước phát triển đã và sẽ tiếp tục đặt ra, cũng như việc bỏ hạn ngạch hàng dệt may của các nước thành viên WTO vào 2005. Tình hình khách quan đòi hỏi chúng ta phải tích cực hơn nữa trong việc chuẩn bị gia nhập WTO, khẩn trương xúc tiến đàm phán đồng thời chủ động xắp xếp lại sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả của năng lực cạnh tranh". Hết. Tất cả chỉ có vậy, những dự kiến và những khẩu hiệu, trong một bản báo cáo vào thời điểm chỉ hơn nửa năm nữa là ta bóc tờ lịch đầu tiên của năm 2005.


    Sau những kinh nghiệm của thị trường nước ngoài về con cá, con tôm, nay ở ngay trong nước, chỉ một hãng dược phẩm đa quốc gia lộng hành nhờ thế độc quyền và sự tiếp tay của một số ít người trong ngành y tế đã làm cả xã hội bức xúc, làm khốn khổ không chỉ dân nghèo...


    Kính thưa Quốc hội, bản báo cáo của Chính phủ khiến tôi có cảm giác rằng chúng ta chưa sẵn sàng để hội nhập lớn. Chúng ta mới yên tâm trên một tiến trình tiệm tiến, "ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay". Đó là điều rất đáng mừng nếu chúng ta ngồi trong nhà và đóng mọi cánh cửa lại. Tôi nhớ đến những lần đi về địa phương viết lịch sử xã. Các vị lão thành kể rằng, trước cách mạng chỉ có ông lý trưởng là có cái xe đạp cà tàng, nay nhà nào trong làng chí ít cũng có một cái xe đạp, nhiều thanh niên lại sắm được cả xe máy. Đó là bằng chứng của sự phát triển. Những vị ấy không khi nào để mắt ra khỏi ngôi làng của mình và yên tâm về sự phát triển không dừng. Đôi khi thuốc an thần sẽ rất có hại nếu chúng ta dùng quá liều, quá lâu! Đã đến lúc chúng ta phải luôn đặt mình sánh với thiên hạ, dù chưa sánh nổi đến vai của họ nhưng chúng ta dám đứng cạnh họ, phấn đấu thì mới có cơ hết tụt hậu!


    Khả năng định vị và dự báo về mình đối với thế giới cũng chưa được phản ánh trong báo cáo của Chính phủ. Việc mới đây, chỉ vì thiếu thông tin và không phản ứng kịp thời đối với giá gạo đã gây thiệt thòi không chỉ với các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân là một bằng chứng. Chúng ta sung sướng khi nghe bạn bè khen ta xóa đói giảm nghèo giỏi. Nhưng chúng ta cũng phải lấy làm thẹn vì còn phải nhận những lời khen như vậy.


    Chúng ta phải giải mã được những mâu thuẫn trong sự đánh giá. Ví như, như trong thuyết trình của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa trình bày tại kỳ họp này. Trong khi chúng ta tự hào là "chưa có quốc gia nào có hệ thống cơ sở y tế từ Trung ương đến thôn bản như nước ta" thì cũng bản thuyết trình này cho biết "nước ta đứng thứ 189/191 về mức công bằng tài chính, nhà nước mới chỉ đáp ứng chưa đầy 1/4 nhu cầu của người dân theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới" (5 USD/22 USD), trong khi đó chúng ta lại phải chứng minh được tính ưu việt của nhân tố định hướng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân.


    Nguy cơ tụt hậu và phấn đấu chống tụt hậu mà chúng ta thường nói đến chưa được phản ánh trong báo cáo của Chính phủ. Quốc hội cần có cơ hội bàn tới những vấn đề vĩ mô, không chỉ khuôn hẹp trong vấn đề ổn định giá tiêu dùng trong đó có giá thuốc, giá thép... hay vấn đề thu ngân sách và nợ đọng trong xây dựng còn quá lớn như trình bày trong báo cáo, mặc dù đó là những vấn đề rất bức xúc của toàn xã hội. Nhưng tầm vĩ mô còn phải là tìm ra con đường ngắn nhất để bứt tới. Bên cạnh những giải pháp kịp thời, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh, tạo những bước đột biến để "đi tắt đón đầu", mới mong từng bước cải thiện căn bản vị thế tụt hậu của chúng ta.


    Chúng ta nói nhiều những thắng lợi của SEA Games trên phương diện tổ chức và thành tích thi đấu. Đó là điều đáng được ghi nhận. Nhưng theo tôi, tôi thấy một chỗ yếu trong bản lĩnh của chúng ta, bộc lộ sự hiếu thắng nhiều hơn là sự kiên cường. Chỉ một trận thua sát nút đội bóng Thái Lan trong trận Chung kết, chúng ta như quả bóng xì hơi. Được Huy chương bạc lẽ ra là quá xứng đáng và vinh dự, nhưng chúng ta hãy nhớ đến hình ảnh mọi người, kể cả một số quan chức đã bỏ về không thực hiện một số thủ tục của nước chủ nhà. Hình ảnh rã đám trên sân bãi và hình ảnh đáng hổ thẹn trên sân bãi mà nhiều người đã được chứng kiến và không tiện nói ra là điều đáng suy nghĩ. Chúng ta không biến thất bại thành lòng khát khao chiến đấu mà thành sự chán chường. Và bóng đá của chúng ta giờ đây đang có dấu hiệu sa sút, sợ rằng không xứng đáng với tấm huy chương bạc nữa. Trong khi đó, chúng ta chứng kiến Thủ tướng Thái Lan quyết tâm mua 30% cổ phần của đội bóng lừng danh Liverpool, đại diện cho nền bóng đá tiên tiến của thế giới để đánh bóng cho thương hiệu Thái Lan và tăng tốc cho bóng đá của vương quốc này phát triển vượt ra ngoài khu vực. Điều đó không thể không gợi cho chúng ta phải suy nghĩ về những bước đi mạnh mẽ của thiên hạ trong hội nhập để suy ngẫm về mình hay sao?


    Trong mục tiêu phấn đấu ấy, điều đáng mừng là đã xuất hiện những nhân tố mới, trong đó có tầng lớp doanh nhân, đặc biệt là lực lượng dân doanh. Tính năng động của họ gặp môi trường chính sách hỗ trợ tốt của Nhà nước chắc chắn sẽ là nguồn lực lớn, cùng với việc chỉnh đốn những doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phẩn hoá không chừng sẽ tạo ra những bước đột biến. Sự thu hút có định hướng nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng là một nhân tố tiềm ẩn nếu được phát huy. Đó là những nhân tố và lực lượng duy nhất mà chúng ta đạt niềm hy vọng vào thời điểm này.


    Nhân đây, tôi cũng xin đề cập đến nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề tư tưởng văn hoá. Đó là chúng ta phải chủ động có kế hoạch sớm cho những hoạt động vào những ngày lễ lớn trong năm 2005, điều mà trong báo cáo Chính phủ không hề có một chữ, ngay cả trong phần liên quan đến văn hoá và thông tin. Chúng ta đã có quá nhiều bài học, do luôn triển khai công việc theo lề lối nước đến chân mới nhảy, khiến cho nhiều hạng mục có liên quan, nhiều chương trình văn hoá nghệ thuật được tổ chức không đủ thời gian vật chất chuẩn bị để đảm bảo chất lượng. SEA Games 22 và ngay cả kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy phần nào điều đó. Một bộ phim mà được đầu tư ngót 1 triệu USD buộc phải thực hiện trong thời gian quá ngắn, không tới nửa năm, một tượng đài để đời lớn nhất nước được triển khai không đầy một năm. Tôn tạo cả một di tích như Điện Biên phủ mà gần sát đến ngày kỷ niệm mà vẫn bộn bề như một công trường lớn. Để chuẩn bị cho dịp 50 năm Điện Biên Phủ, ở Pháp người ta tổ chức hội thảo từ cuối năm 2003, còn sách thì in trước đó vài năm. Tuy các hoạt động này không phải những dự án lớn về tiền bạc, nhưng tầm quan trọng về tính toàn quốc đòi hỏi phải có một cách nhìn và chỉ đạo dài hạn cho ngành văn hoá và các ngành có liên quan.


    Tóm lại, tôi mong rằng bản báo cáo sắp tới của Chính phủ, bên cạnh những nội dung như thông lệ, Chính phủ có thể nêu ra một vài vấn đề có tầm vóc lớn hơn, một vài sáng kiến có tính chất đột phá. Để Quốc hội có thể thảo luận, đóng góp với Chính phủ, vạch ra những chính sách, giải pháp lớn đúng với chức năng của Quốc hội là quyết định những vấn đề quan trọng, chứ không phải chỉ thực hiện chức năng giám sát đối với một nội dung văn bản do Chính phủ đệ trình.


    Cuối cùng, tôi muốn nói thêm một suy nghĩ. Thế hệ làm nên chiến thắng trong cuộc chiến tranh cứu nước kể rằng lúc trai trẻ, hàng ngày họ đi qua Thành Cửa Bắc, nhìn hai lỗ đạn đại bác của thực dân mà thấy thấm nỗi nhục mất nước để nuôi chí giải phóng đất nước. Liệu từ nay, nếu trên các phương tiện thông tin đại chúng, hàng ngày chúng ta thông báo bên cạnh giá vàng, giá USD, nhiệt độ thời tiết, có thêm thông số về thứ hạng nước ta trong nền kinh tế thế giới, số tiền chúng ta đang vay nợ... thì chắc chắn rằng thấm nỗi nhục nghèo hèn mà chúng ta nuôi chí vươn lên. Không có động lực ấy, chỉ thoả mãn với bước đi chậm rãi thì chúng ta sẽ mãi mãi tụt hậu!?.
  2. Quan_Di_Ngo

    Quan_Di_Ngo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/09/2003
    Bài viết:
    1.528
    Đã được thích:
    4
    Bác @Thiet_Khau_Nhi kính,
    Tôi cứ tạm xem cái thể loại mà Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu trước Quốc Hội là bài Phát Biểu thôi. Vì không quan tâm lắm. Cái mà tôi quan tâm chính là nội dung của bài phát biểu này.
    "Thế hệ làm nên chiến thắng trong cuộc chiến tranh cứu nước kể rằng lúc trai trẻ, hàng ngày họ đi qua Thành Cửa Bắc, nhìn hai lỗ đạn đại bác của thực dân mà thấy thấm nỗi nhục mất nước để nuôi chí giải phóng đất nước. Liệu từ nay, nếu trên các phương tiện thông tin đại chúng, hàng ngày chúng ta thông báo bên cạnh giá vàng, giá USD, nhiệt độ thời tiết, có thêm thông số về thứ hạng nước ta trong nền kinh tế thế giới, số tiền chúng ta đang vay nợ... thì chắc chắn rằng thấm nỗi nhục nghèo hèn mà chúng ta nuôi chí vươn lên. Không có động lực ấy, chỉ thoả mãn với bước đi chậm rãi thì chúng ta sẽ mãi mãi tụt hậu!?.
    Rất nhiều người khi tôi chuyển link này cho họ, họ đều bôi đậm đoạn văn trên. Thiết nghĩ, vấn đề ông Dương Trung Quốc đưa ra như thế chưa chắc đã thực hiện được, có chăng thì cũng tồn tại dưới một hình thức khác, hoặc gói gọn trong nội dung các bài học Giáo Dục Công Dân ở phổ thông thôi. Tuy nhiên cái sức mạnh của nỗi nhục nghèo hèn có dẫn chúng ta đi đến sự vươn lên hay tự ti mà lụi bại cũng còn cần suy nghĩ. Tôi không dám lạm bàn thêm, tuy nhiên cũng rất vui khi bác @Thiet_Khau_Nhi post bài này lên. Cảm ơn bác!
  3. Ica

    Ica Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    30/03/2001
    Bài viết:
    1.783
    Đã được thích:
    0
    Nhất trí nhất trí, nhưng trước hết tên chủ đề cần được viết đúng chính tả!

Chia sẻ trang này