1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Phê bình văn học cho Hợp tuyển

Chủ đề trong 'Văn học' bởi VNHL, 17/07/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. VNHL

    VNHL Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/07/2001
    Bài viết:
    1.764
    Đã được thích:
    0
    Phê bình văn học cho Hợp tuyển

    Pagoda

    Theo một nghĩa nào đó, tôi "nghiện" Remarque, một Remarque với "Thời gian để sống và thời gian để chết ", "Chiến hữu" ( " Ba người bạn"), "Khải hoàn môn", "Bia mộ đen", "Đêm Lisbon", "Phía Tây không có gì lạ", "Tia lửa sống", "Bóng tối thiên đường", "Bản du ca cuối cùng", "Hãy yêu kẻ sống cạnh mình", "Bầu trời không biệt đãi ai", "Đế chế thứ ba"...
    Remarque, có lẽ không ai miêu tả nỗi cô đơn tuyệt vời như thế. Tôi chia tác phẩm của Remarque làm ba xu hướng. Loại thứ nhất có thể kể đến "Phía Tây...", "Thòi gian để sống và thời gian để chết ", mà ở đây chiến tranh đưọc miêu tả một cách trực diện. Xu hướng thứ hai có thể kể đến "Ba ngưòi bạn", "Bia mộ đen", là nỗi buồn ám ảnh đè trĩu lên một thế hệ sau chiến tranh, và xu hướng thứ ba có thể kể đến "Bản du ca cuối cùng", "Khải hoàn môn", "Tia lửa sống", "Đêm Lisbon", "Bóng tối thiên đường", "Đế chế thứ ba"... , nói về thân phận lưu lạc, không tổ quốc, bị xua đuổi và sợ hãi ở mọi nơi.
    Trong tác phẩm của Remarque, con người bị đẩy đến đối mặt với nỗi cô đơn đến tận cùng, Có thể đó chính là chất men cuốn hút trong tác phẩm của Remarque.
    Tôi tin rằng, nỗi cô đơn, đó chính là cội nguồn của lòng nhân ái. Mỗi nhân vật của Remarque đều cô đơn và trơ trọi quá. Họ cô đơn, không mục đích, không ý nghĩ. Họ sống một cuộc đời mà từng lúc, từng lúc họ luôn phải quay trở lại đối mặt với sự vô nghĩa của nó. Trong "Khải hoàn môn", bác sĩ Ravic chọn sự trả thù làm cứu cánh, nhưng, khi sự trả thù kết thúc, anh chợt nhận ra sự vô nghĩa của nó, sự vô nghĩa đến đáng sợ. Còn Steiner trong "Bản du ca cuối cùng"..., một con sói cô đơn cũng giống như thân phận của những ngưòi lưu vong, mà sự sinh tồn là mục đích duy nhất. Tôi còn nhớ khi Steiner chia tay một ngưòi tình của mình trên con đường lưu lạc, họ cũng không buồn phải tỏ ra buồn rầu nữa. Họ đã quá hiểu rõ cái giá trị của sự sinh tồn, của nỗi cô đơn đè nặng lên kiếp người đến mức thừa hiểu mà không phải giả vờ không hiểu rằng họ chỉ là hai cánh phù du tựa vào nhau, bấu víu vào nhau trên đường lưu lạc, rằng nếu có tình với nhau, thì đó không phải là tình yêu, mà đó chỉ là sự cảm thông của hai kẻ lang bạt cùng cảnh ngộ. Tôi không muốn dùng chữ cảm thông ở đây, vì tôi tin rằng ngay cả điều đó cũng thừa với họ.
    Tình yêu trong tác phẩm của Remarque cũng thật đặc biệt. Nó sáng rỡ lên, một nỗi buồn ánh lên trong suốt như pha lê. Tình yêu, đó là nơi mà các nhân vật của Remarque tìm đến để nương tựa. Có những lúc, họ lấy đó làm cứu cánh. Nhưng rồi, đó cũng chỉ là nơi để họ bấu víu vào. Đối mặt trưóc bi kịch, tình yêu trở nên quá mong manh và cuối cùng bị gãy gục trưóc sức nặng của cuộc sống. Từng lúc từng lúc con ngưòi luôn bị kéo lại đối mặt với nỗi cô đơn của mình.
    Chiến tranh đã ném những chàng thanh niên thế hệ Remarque và chính ông ra mặt trận, những " thanh niên học sinh mười chín tuổi vừa rời ghế nhà trường, tràn đầy mơ ước, chưa từng có một tội ác nào trong lương tâm, vậy mà tất cả họ bị cái thứ tuyên truyền vị chủng của chủ nghĩa đế quốc quân phiệt Vinhem đầu độc và bị lôi vào một cơn lốc chém giết tơi bời mà không mảy may căm thù kẻ bên kia chiến tuyến. Cuối cùng họ gục ngã thảm thê trên các hầm hố, hào luỹ Tây Âu. "
    Nhưng may mắn là trong số đó, Remarque còn sống và trở về. Trở về để cầm lấy cây bút. Trở về để tiếp tục viết, viết về chiến tranh, viết về thế hệ của ông, một thế hệ đã gục ngã dưói làn đạn, và ngay cả khi cuộc chiến kết thúc, thì chiến tranh vẫn tiếp tục găm những vết thương vào tâm hồn họ. Ông đã trở về , trỏ về để viết về nỗi cô đơn của loài người, trở về để tiếp tục sống, tiếp tục cùng thế hệ của mình chịu những phát pháo nghiệt ngã của một cuộc chiến tranh mới, để lại chấp nhận dấn thân vào cuộc sống lưu vong lang thang và bị xua đuổi khắp châu Âu. Để rồi ông lại viết, viết về một "thế hệ bị đánh mất" như lời ông nói.
    Có thể thấy rằng Remarque chịu ảnh hưởng rất nhiều của Hemingway, đặc biệt là cái cảm thức lạc lõng và vô nghĩa trước cuộc sống. Tác phẩm "Ba người bạn" có phần nào có dấu ấn của "Giã từ vũ khí ". Tuy nhiên nếu Hemingway có văn phong khô, gọn, cô đọng theo kiểu điện tín, thì giọng văn của Remarque mềm mại, hài hưóc,mang nhiều chất thơ.
    Nếu một nhà văn lớn là nhà văn tạo ra các tác phẩm mà sau khi đọc xong, con người cảm thấy phải sống nhân ái hơn, thì tôi tin Remarque đúng là một nhà văn lớn.
    pagoda - V@


    Được vnhl sửa chữa / chuyển vào 20/07/2002 ngày 21:08
  2. Egoist

    Egoist Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    1.345
    Đã được thích:
    1

    bài này của Pagoda rất hay!
    Một chút về văn học mĩ...(tiếp)
    1/William Faulkner, người đã tái sinh hiện thực nước Mĩ trong bản giao hưởng dữ dội của mớ âm thanh hỗn độn, những tiếng ầm ì, những câu văn dài hàng trang giấy không chấm câu, những câu chuyện lẫn lộn ngày tháng. Vốn dĩ, cuộc đời này , chắc ông nghĩ vậy, rất có thể sẽ chỉ được mô tả bằng câu thơ của W.Shakespeare : "Đó là một câu chuyện do một thằng khùng kể, huyên náo và cuồng nộ, chẳng có ý nghĩa gì cả" (It (life) is a tale told by an idiot, full of sound and fury, signifying nothing - Macbeth, cảnh 5 , hồi 5). Đây cũng là gợi ý cho nhan đề tác phẩm vĩ đại nhất của ông : "âm thanh và cuồng nộ " ( The Sound and the Fury). Và ông sẽ nói với độc giả rằng, không phải vậy, không phải là không có ý nghĩa gì. Bởi vì nếu như vậy thì cuộc đời này quả là một thất bại lớn. Rằng nếu chỉ có vậy thì con người sẽ diệt vọng. "Tôi khước từ chấp nhận sự diệt vong của loài người." (I decline to accept the end of man)- tên của bài diễn từ nhận giải Nobel cũng là tuyên ngôn của William Faulkner. Vượt lên trên tất cả những kĩ thuật cầu kì, những ma thuật đầy mãnh lực mà ông đã áp đặt lên các con chữ của mình và bắt chúng đẩy nghệ thuật tiểu thuyết của thế kỉ 20 vượt ra khỏi những bế tắc bằng những bước nhảy mà chỉ có những thiên tài mới có thể tạo ra, vượt lên trên những câu văn dài hàng trang giấy không có dấu chấm câu và cái lối khiến độc giả phát điên bằng những câu chuyện mà kết quả được kể trước nguyên nhân, tác phẩm của ông vẫn toả ra thứ ánh sáng đầy nghiêm khắc và nhẫn nại của lòng yêu thương, đức hi sinh, tinh thần xả kỉ... Đó là những bản tụng ca về lòng tốt của con người. Hãy xem cách ông nâng niu nhân vật Caddy của mình. Chính ông, trong lời chú thích cho bản dịch tiếng Pháp đã từng thú nhận rằng, đáng nhẽ ông cho nhân vật nữ này chết ngay từ đầu truyện. Thế nhưng cái cô gái (mà sự đôn hậu và dịu dàng từ cô toả thành mùi cây đối với gã khùng em mình) đã quyến rũ cha đẻ (Faulkner) của mình đến mức ông không thể chịu được nếu để cho cô chết ngay từ đầu truyện mà đã cho cô tiếp tục sống và truyền lại cái tên Caddy cho con gái của mình, đến nỗi trong bản chú thích, không kìm được lòng mình Faulkner đã viết thêm cả một đoạn văn dài nữa về số phận sau này của cô ( cũng là hi hữu trong lịch sử văn chương thế giới). Hãy xem cái cách ông xây dựng Dilsey, một nhân vật kì lạ, nhịp trống chắc khoẻ trong bản giao hưởng hỗn mang và gầm gào của "The Sound and the Fury". Bản chú thích (nt) về bà chỉ vỏn vẹn ba chữ "Họ nhẫn nại". Thế nhưng theo cái cách ông nói về nó ( sự nhẫn nại) thì ta phải tin rằng đó là tất cả, tất cả những gì trân trọng và kính phục nhất , ông đã đặt lên ngưòi phụ nữ da đen này. Ta có thể gặp lại motip này( nhân vật chính diện ẩn đi như tiếng trống giữ nhịp không thế thiếu trong giàn nhạc) trong "Nắng tháng Tám"( Light in August). Có một sự chơi chữ tinh tế trong cách đặt tên truyện mà nếu không đọc kĩ truyện ta không thể phát hiện ra - vẫn là Nắng tháng Tám nhưng tại sao lại là "Light in August" ít thông dụng hơn nhiều so với "August Light". Điều này dính dáng đến một nhân vật nữ : Lena Grove. Đứng cao lên hẳn bên trên cái cuộc tình man rợ và nhơ nhuốc Christmat-Burden cùng cái không khí u ám của chuyện là Lena Grove, người đàn bà bụng mang dạ chửa đi tìm tên sở khanh Burch. Và cái nắng tháng Tám chói chang nghiệt ngã kia không hẳn chỉ tập trung chiếu vào Joe Christmat mà ở đây còn hàm chứa một ý khác. "Light in August" còn có nghĩa nữa là "nhẹ trong tháng Tám" - hẳn là để chỉ Lena Grove vừa qua kì sinh nở. Nên câu chuyện kết thúc với Lena Grove , vẫn tiếp tục rong ruổi trên đưòng nhưng đã "nhẹ nhõm" với đứa con bồng trên tay và Byron Bunch đầy tin cậy. Một lần nữa khi xây dựng Lena Grove , Faulkner lại ca ngợi đức nhẫn nại và bình thản đón nhận. Ta sẽ rât thưòng xuyên gặp những hình tượng nhân vật nữ như vậy trong các tác phẩm của Faulkner ( Drucila trong The Unvanquished- Kẻ bất khả chiến bại hay Eular Varner trong Xóm nhỏ - The Hamlet) .

    V@
    [/size=4
  3. Egoist

    Egoist Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    1.345
    Đã được thích:
    1
    phê bình Narciss & Goldmund của Quang cô nương
    Narcisse&Goldmund là một truyện không " dễ đọc " tẹo nào , thế chẳng hoá cái giải Nobel của nó là đánh đồng hay sao ?
    Em thì còn nhỏ mà cũng lười đọc , gặp các bác mạn bàn đến truyện này nên cũng bi bô dăm ba câu góp chuyện .
    N&G em đọc lâu lắm rồi nhưng nói chung hình như em chưa gặp tác giả nào mà khiến mình để tâm và nhớ giai như Hesse .
    Bác Egoist bảo ai nói HH ********* là sao nhỉ ?
    "Chuyến đi sang Phương Đông " của HH em có đuợc nghe nói dưng chưa có thời gian đọc , xem nó có cái gì là ********* đây ?
    N&G đặc trưng cho phong cách của Hesse , sở dĩ H là một triết gia , là một nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia nên năng lực trí tuệ và văn hoá toat lên trong truyện rất mạnh mẽ . Những chương kể về cuộc sống lang thang phiêu luu tình ái và khao khát nắm bắt đuợc diện mạo lý tưởng người phụ nữ của Goldmund mới là những chương đắt giá nhất , nó không hề không thực chút nào bác Egoist ạ . Tuy nhiên truyện có tính phúng dụ rất cao , nhưng chính cái cách mà Hesse sử dụng tuởng như có thể gây cảm giác chán ghét và khó chịu như bác nói lại rất hấp dẫn . Em thì rất thích những sự tương phản , nó giống như cô gái biết cách mặc cùng lúc hai màu đỏ &đen để tăng sự hấp dẫn vậy . Narcisse và Goldmund kết thân với nhau không phải vì họ có nhiều điểm giống nhau như anh mọi nguời chúng ta thuờng làm , mà trái lại tình bạn của họ bền bỉ bởi một mục đích duy nhất chỉ ra rằng : họ hoàn toàn khác nhau
    Narcisse là một tu sĩ hiện thân cho mọi giá trị tôn nghiêm , quyết tâm tiến hành theo đuổi con đuờng phụng thờ Chúa nhưng cuối cùng vẫn đau khổ , vật vã nhận ra rằng con tim mình hẳn chỉ thuộc về Chúa , mà thiếu đi những ham muốn bản năng của con nguời , chính cái ham muốn bản năng mà Chúa tạo ra (!) Và băn khoăn có thật là con nguời đuợc sáng tạo ra là để tuân theo một cuộc sống đuợc đưa vào qui tắc bởi các hồi chuông và các cuộc cầu nguyện hoặc giả nghiên cứu về khoa học triết học để rồi giết chết chính các cảm quan của mình và lẩn tránh cuộc sống trần tục ? Để sống một cuộc sống ngăn nắp và trong sạch như Narcisse ?
    Còn Goldmund , sau khi đuợc Narcisse thức tỉnh rằng chàng có những nhân tố của một nghệ sĩ và cuộc sống của chàng phải là ở ngoài kia, thoát khỏi cái tu viện này . Chàng lang thang , phiêu đãng tứ phương , lăn lộn trên con đuờng quanh co chính mình tự tạo ra . Chàng cứ buông mình theo ngọn sóng và sự mất trật tự tàn bạo , quyến rũ đàn bà , chơi đùa với các lạc thú xác thịt rồi chấp nhận trả giá bằng đau khổ . Nhưng cho đến hơi thở cuối cùng Goldmund vãn không hề mất đi mảy may một chút những cảm nhận nhạy cảm của trái tim nguời nghệ sĩ . Không phải ngẫu nhiên mà chàng quyết định trở thành một điêu khắc gia . Nghệ thuật là phương sách để tìm ra cái đẹp , nhưng để có đuợc sự kết tinh của cái đẹp thì nguời nghệ sĩ phải trải nghiệm . Cuộc sống của chàng cho đến hơi thở cuối cùng cũng chỉ là một nỗi đau khổ , nhưng nỗi đau khổ lại kết tinh thành cái đẹp duới đôi bàn tay không sạch sẽ của chàng bởi lẽ nó tụ đọng và phôi thai từ mọi hình ảnh sống kì diệu thầm lặng , từ một con mắt , một khuôn miệng , một loài thảo mộc , hay một nếp gấp chiếc áp phẳng ...liệu rằng tất cả những cái sống động , những cái thiết thực trong đời sống của số đông loài nguời mà Chúa tạo ra lại không thiết thực bằng những gì mà một nhà trí thức như Narcisse sản sinh ra ?! Goldmund với những trực cảm tinh tế từ trái tim và tâm hồn nghệ sĩ của mình có những lúc đã khiến Narcisse cảm thấy nghèo nàn bao nhiêu khi đem cái vốn khoa học , nề nếp kỉ luật của tu viện , phép biện chứng ...đặt cạnh sự sống ở trạng thái thuần tuý , thăng hoa . Nhưng cuối cùng Goldmund chết trong nỗi đau quằn quại khi đã tiêu tán cả sức lực , cả tuổi trẻ ..
    Chính sự tuơng phản mà H tạo ra trong câu truyện lại là cách mô tả rõ nhất những giằng co trong mỗi ưu tư muôn thuở của loài nguời , giữa những đòi hỏi về tâm hồn-thể xác,giữa tính nguời-tính con .
    Và em nghĩ rằng " không thực " mà lại chân thực đến tột cùng , bác Egoist thân mến ơi !
    Ôi , em phải đi nấu cơm cái đã , liên miên quá , chả đọc lại đuợc , các bác xông cảm
    To Tequila : có duyên tao ngộ , bạn cũ đây , lâu quá lên mạng nay lại gặp bác ! Thật đúng là Tequila tài năng mọi mặt !
    GT@
    The fool
  4. Egoist

    Egoist Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    1.345
    Đã được thích:
    1

    có dịp đọc qua bộ ba tác phẩm này nên chọn luôn bài của cô cỏ.
    Tuy rằng có chỗ tớ chưa đồng ý lắm, khi nào đó sẽ quay lại:
    "Ta bắt đầu học lại cách sống chung với thế giới ..."
    ...
    Hì, có quyển sách cách đây 2 năm bạn dúi vào tay bắt đọc, không đọc không được, đọc vậy. Trong 2 năm sau đấy, tớ đã dúi vào tay bắt nhiều người khác đọc, hi hi. Bây giờ viết nhăng nhăng, coi như dúi vào tay mọi người, ai đọc thì đọc nhá. Mượn lại cái topic Remarque này nhá. Không phải Remarque, nhưng vẫn phảng phất cái hơi thở ấy.
    3 quyển sách mỏng mỏng. Nhìn bìa trông giống sách trẻ con. Tên cũng giống như sách thiếu nhi.
    Cuốn vở lớn
    Chứng cứ
    Lời nói dối thứ ba
    Và một tác giả trước đấy chưa từng nghe tên: Agota Kristof (nghe giống cái bà viết truyện trinh thám Agatha Christie quá!)
    Giở sách ra, bị thu hút bởi Cuốn vở lớn, hoang mang với Chứng cứ, và mọi thứ chấm dứt với Lời nói dối thứ 3. Gập sách lại, tất cả trở nên hỗn mang: Ai là ai đấy? Ai làm gì đấy? Và đâu là sự thật?
    Bộ ba kỳ lạ, xoay quanh 2 anh em sinh đôi. Hay đúng hơn, Agota sáng tạo ra 2 anh em, và đến lượt chúng, chúng sáng tạo ra 3 quyển sách. Cả 3 quyển đều viết dưới dạng bản thảo của 2 anh em Lucas và Claus. Người này viết về người kia, người kia viết cho người này, và cuối cùng, đâu là Claus, đâu là Lucas?
    Nó dễ khiến người ta nghĩ tới Remarque và Bảo Ninh, dù các nhân vật không hề tham gia chiến tranh. Giản dị vì chiến tranh không phải chỉ có ngoài mặt trận. Chiến tranh là ở mọi nơi, và sự tàn phá lớn nhất của nó, ấy là tàn phá những tâm hồn người.
    Quyển sách là những thử nghiệm các thái độ đối với cuộc sống trong chiến tranh và trong xã hội cực quyền. Và mọi thử nghiệm đều không có lối thoát. Dẫu bằng thái độ phản kháng lấy tàn bạo trả lại tàn bạo. Dẫu bằng tình yêu và lòng kiêu hãnh. Dẫu bằng buông xuôi và phó mặc. Tất cả đều thất bại.
    Cuốn vở lớn là bản thảo đầu tiên, viết về thời thơ ấu. Như thể một nhật ký, như thể những màn kịch ngắn, bình thản, không thái quá, không xúc cảm đến mức cay đắng, 2 đứa trẻ chép lại trong cuốn vở những thành tích và những trọng tội của chúng trong cuộc đấu tranh với cuộc sống. Không còn đạo đức hay tình yêu, chỉ có sự đoàn kết kiểu nguyên thuỷ, chúng đã học dối trá và tàn bạo để sinh tồn.
    Chứng cứ, là Lucas viết cho Claus, hay Claus viết về Lucas? Chứng cứ, ấy là chứng cứ về nỗi cô đơn, về cuộc đời tự tàn phá mình để sinh tồn, về tình yêu không lối thoát. Nó là chứng cứ rằng mọi cuộc đời trong chiến tranh, dưới chế độ cự quyền đều là yếu đuối, và nếu như ai đấy tưởng rằng những người yếu đuối có thể dựa vào nhau mà sống, thì người đó đã nhầm.
    Và Lời nói dối thứ 3:
    - Em đã luôn sống một mình.
    - Tại sao vậy?
    - Em không biết. Có lẽ bởi chưa có ai từng dạy em yêu.
    và với Lời nói dối thứ 3, người ta chợt nhận thấy Cuốn vở lớn là một lời nói dối. Chứng cứ cũng là một chứng cứ dối trá. Và Lời nói dối thứ 3, cũng lại là một lời nói dối. Tất cả đều là những lời nói dối đầy cay đắng. Tại sao? Bởi vì sự thật còn đắng cay hơn thế nữa. Và những lời nói dối kia dẫu cay đắng, vẫn muôn vàn lần tốt hơn sự thật. Sự thật của chiến tranh, của chuyên chế độc đoán. Và không phải chỉ chiến tranh.
    Những bóng dài thon nhỏ
    Đến tự chân trời nhoà...
  5. Egoist

    Egoist Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    1.345
    Đã được thích:
    1
    bài nào của grass cũng đáng suy nghĩ cả
    Về Bố già
    Hì hì, thấy các bác chê Puzio kinh quá, thôi em đành bênh mấy câu vậy. Chỉ bênh riêng Godfather thôi nhá, tất cả mớ còn lại của Puzio đều là S.Sheldon phẩy cả.
    Pitty hỏi thấy thế nào thì Cỏ thấy thế này.
    Về văn chương, hì, Bố già không có gì xuất sắc hay mới lạ. Nó sẽ là 1 kịch bản phim tốt (mặc dù cái phim quá tệ so với hy vọng), nhưng về văn chương thì bình thường (mặc dù về dịch thuật thì xuất sắc).
    Nhưng về nội dung, nếu nói nó chỉ có giết chóc, trả thù, thế giới tội ác... thì không hẳn, hì. Mặc dù pitty nói đúng, 1 phần sức hút của nó cũng giống như sức hút của CTCG. Nó chứa đựng cái khát vọng quyền lực của nam giới, có một đế chế, một vương quốc của riêng mình. Nhưng ngoài ra, hì, nó có những thứ khác nữa. Nó còn là sự hoài nghi đối với xã hội, khi mà pháp luật cũng không mang lại nổi công bằng. Là sự hoài nhớ và, một cách nào đó, mơ mộng, đến cái thời anh hùng hiệp sĩ tìm công lý bằng thanh gươm yên ngựa, với cái luật công bằng mắt trả mắt, tay trả tay, mạng trả mạng. Và Bố già, cũng một cách nào đó, là Đức Chúa trời (God, hì), rất quyền năng ban phát ơn huệ cho người yếu, cho dù là những ơn-huệ-có-điều-kiện. Lại là 1 ý tưởng hơi Faust, nhỉ.
    - Thế rốt cuộc, ngươi là ai?
    - Ta là một phần của cái sức mạnh muôn đời muốn điều ác nhưng muôn đời làm điều thiện.
    Con quỷ nó nói với Faust như thế, và rồi Faust đem bán linh hồn cho nó.
    Bố già cũng vậy, mua linh hồn của người ta bằng ơn huệ. Kết cục không hẳn là tốt, giống như đã bán linh hồn đi rồi thì khó có thể có một kết cục tốt, nhưng tốt với xấu vốn là những thứ khó phân biệt
    Và cũng không chỉ có thế. Trong 1 bộ phim của Tom Hanks, 1 cô gái hỏi anh bạn: Tại sao tất cả đàn ông phát rồ lên với Bố già như thế? Anh bạn trả lời: vì trong đấy, 1 thằng con trai có thể tìm thấy câu trả lời cho mọi câu hỏi. Nó là 1 thứ triết lý, một cách sống. Ví dụ: Nếu như sự việc đã đến đường cùng không có cách nào khác thì phải làm gì? ??oHãy đi rải ổ???, tức là fight, fight đến cùng, đừng nghĩ đến thắng thua vì cũng đâu còn cách nào khác.
    Và thực ra, giết chóc trong Bố già cũng (hầu như) không mang tính hằn thù, hì, ko phải như Tấm Cám. Giết người không phải vì khát máu hay để thỏa mãn bản thân, mà là một việc người ta đôi khi buộc phải làm, chính vì thế, người ta không hối hận. Người ta nghĩ kỹ trước khi làm, nhưng nếu buộc phải làm, nghĩa là điều đó không thể tránh khỏi. Hì, cho nên không phải mạng sống là không đáng quý.
    Có một cái Cỏ hơi nghĩ, giết chóc, mafia... trong truyện có ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là tả thực. Cái biểu tượng ấy có ý nghĩa thế giới ngầm không hẳn là xấu. Thế giới nổi không hẳn là tốt. Và giữa cái tốt-xấu mờ mờ ảo ảo ấy, người ta phải chọn lấy con đường tốt nhất cho mình.
    Vả lại, chính bản thân những người trong thế giới ngầm ấy, cũng cố sống cố chết để đi về phía sáng. Thế giới ngầm không phải là đáng ca ngợi. Chính cái thế giới ánh sáng kia, mới là điều ao ước. Nhưng trong cái thế-giới-sáng ấy, cũng có rất nhiều bóng tối. Cho nên để đứng vững, cần phải là 1 người mạnh. Giản đơn (và lạnh lùng) như thế
  6. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Một bài không thể không đưa vào của bác Chuotlang:
    Kỳ diệu làm nên văn học
    Nhiều người trong chúng ta còn nhớ câu chuyện về chú bé người gỗ Bu-ra-ti-no đã tìm ra bí ẩn của chiếc chìa khóa vàng như thế nào. Hẳn chúng ta còn nhớ, bếp lửa reo vui, nồi súp bốc khói trong ngôi nhà của bố Các-lô chỉ là bức vẽ treo trên tường an ủi ông trong những cơn đói triền miên. Và hẳn, chúng ta cũng biết, khi cái mũi dài nghịch ngợm của Bu-ra-ti-no xuyên thủng lớp vải mục của bức vẽ, chú đã tìm ra cánh cửa gỗ dẫn tới một điều kỳ diệu. Một điều kỳ diệu với ánh sáng xanh huyền ảo, âm nhạc diệu kỳ và một cuộc sống mới.
    Các bạn có nhận thấy bức tranh vẽ nồi súp đặt trên lò sưởi đó chính là văn học của chúng ta, và chúng ta, những độc giả, chính là vô vàn chú bé Bu-ra-ti-no ấy. Chúng ta trông đợi gì ở văn học? Hẳn không phải một bức tranh vải đã mục nát. Chúng ta đi tìm một cái gì quý giá hơn đằng sau những dòng chữ ngoằn nghèo trên những trang giấy trắng. Chúng ta đi tìm cánh cửa gỗ sồi mà một nghệ nhân đã làm ra từ lâu lắm rồi.
    Bất cứ một tác phẩm văn học nào - nếu không muốn chỉ trở thành bức tranh lừa mị lúc đói lòng - phải chứa trong nó cánh cửa dẫn tới một điều kỳ diệu.
    Cánh cửa gỗ trong một truyện cổ tích thông thường sẽ dẫn Bu-ra-ti-no và các bạn của chú tới một kho báu khổng lồ, và một kết thúc truyền thống sẽ là bác Các-lô sống sung sướng như một ông hoàng cho đến tận cuối đời. Nhưng trong Chiếc chìa khóa vàng, cánh cửa gỗ lại dẫn đến một sân khấu múa rối khác, nơi Bu-ra-ti-no diễn lại câu chuyện về chính bản thân chú, và trên sân khấu mới, chú bé người gỗ sẽ lại mở ra một cánh cửa kỳ diệu, cánh cửa đó sẽ lại mở vào một sân khấu mới... cứ như vậy cho tới vô tận. Không có cánh cửa đầu tiên cũng như không có cánh cửa cuối cùng.
    Nếu như chúng ta có thể làm một lát cắt xuyên qua các lớp thời gian ở thời điểm Bu-ra-ti-no đẩy cánh cửa, chú bé gỗ sẽ thấy một số lượng vô tận các chú Bu-ra-ti-no nhỏ dần đang gắng sức dẫn đầu đoàn người tiến vào những hành lang tối om dẫn đến cái sân khấu múa rối vĩ đại có tên là Cuộc đời. Câu hỏi sẽ là, tại sao Bu-ra-ti-no vẫn quyết định đẩy cánh cửa, vì sao chú quyết định trò múa rối diễn ra trên sân khấu đó vẫn chính là câu chuyện về cuộc đời chú?
    Phải chăng vì Bu-ra-ti-no biết rằng, không phải đâu đó đằng sau cánh cửa kia có một điều kỳ diệu - mà bản thân câu chuyện của chú, cuộc sống của chú chính là một điều kỳ diệu, và cho dù hành động của chú do chú quyết định hay một siêu Bu-ra-ti-no nào khác thì điều ấy cũng không quan trọng - quan trọng là niềm tin bản thân cuộc sống của chú là một điều bí ẩn.
    Cuộc sống của con người sẽ ra sao nếu thiếu niềm tin bản thân mình là điều kỳ diệu nhất trong các điều kỳ diệu, rằng cuộc sống của mình còn có những cánh cửa mở sâu vào đến vô tận, và những điều bí ẩn vẫn còn đó sâu thẳm trong tâm hồn mình, chờ mình khám phá? Cuộc sống của chúng ta là một tiểu vũ trụ nằm trong một đại vũ trụ vô tận của cuộc sống, vừa là một đại vũ trụ hàm chứa trong nó vô số những tiểu vũ trụ khác nhau, và càng đi sâu vào trong cuộc sống cá nhân của mình, chúng ta càng thấu hiểu cuộc sống ngoài mình. Chúng ta nhận ra ý nghĩa của cuộc sống khi chúng ta thấy những cố gắng của chúng ta hình thành một mắt xích vô cùng nhỏ nhoi trên con đường tiến hóa của Tự nhiên và Lịch sử. Đánh mất niềm tin ấy, chú bé người gỗ sẽ cho diễn một trò diễn khác, cuộc sống sẽ đi chệch khỏi vòng xoáy ốc vĩ đại của mình, và thế là bản thân chú bé người gỗ và câu chuyện tuyệt diệu về cuộc đời chú cũng sẽ không còn tồn tại.
    Màu thời gian không xanh
    Màu thời gian tím ngát
    Hương thời gian không nồng
    Hương thời gian thanh thanh
  7. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Cánh cửa gỗ trong căn nhà của bác Các-lô chính là điểm cắt của các lớp thời gian. Bu-ra-ti-no hẳn không ý thức được tại sao hình ảnh của chú lại được chạm ngay trên cánh cửa mà chú khám phá, chú chắc không ý thức được khi bước qua cánh cửa, chú đã bước vào chiều thứ ba của thời gian. Chiều thứ ba của thời gian chính là bề dày của các lớp thời gian đến trước, của những hồi ức, kỷ niệm của quá khứ, và có khi ngay cả những kinh nghiệm vô thức của những tiền kiếp. Sáng tạo văn học nghệ thuật, suy cho cùng, là sự thể nghiệm các cách kết hợp khác nhau của những lớp thời gian này hòng giải tỏa nỗi sợ hãi bản năng của con người đối với cái chết, là mong muốn kéo dài thêm cuộc sống của mình trên thế giới này bằng cách sống nhiều hơn với những giây phút hữu hạn của cuộc sống. Người ta đã tạo ra những đại lượng để đo đếm độ dài của thời gian, nhưng chưa có một đại lượng nào để đo chiều sâu của thời gian đó. Chiều thứ ba của thời gian là vô tận, và chính trong chiều sâu thăm thẳm chưa được khám phá của nó, các nhà văn sẽ không còn cảm thấy mình bị ràng buộc bởi cái hữu hạn của những số đếm. Những ngày tháng năm thế kỷ thiên niên kỷ sẽ thật nhỏ bé khi ta so sánh với sự phức tạp của các lớp thời gian. Nếu như độ dài của thời gian là thời gian của con người, thì độ sâu của nó là thời gian của Đấng Sáng tạo.
    Thế kỷ mà chúng ta đang sống là thế kỷ của sự khủng hoảng lòng tin vào tương lai, vào tất cả những điều kỳ diệu đã từng tồn tại trên trái đất này. Những nhà văn lớn như G.Steiner trăn trở ''ngày nay thi sĩ có thể tồn tại được hay không?'' hay ''sau Lò Thiêu mà còn làm thơ thì thật là vô nhân''... Người ta nói rất nhiều đến những cái chết: cái chết của lịch sử, cái chết của âm nhạc, cái chết của tiểu thuyết, cái chết của thơ... Đằng sau những tuyên ngôn khá ồn ào về những cái chết được báo trước ấy là nỗi âu lo của chủ nghĩa nhân văn sau hai cuộc đại chiến: Liệu tiến bộ về khoa học kỹ thuật có đi kèm với tiến bộ trong đạo đức hay không, liệu xã hội loài người có thực sự tiến bộ về mặt xã hội hay không? Tại sao trong thế giới hiện đại ngày nay vẫn còn những ''cánh đồng chết'' ở Campuchia, còn những Somalia, Rwanda...? Con người phải làm gì trong một thế kỷ như vậy, một thế kỷ mà dường như ngày tận thế đang đến gần?
    Con người phải chống lại những u ám đó bằng hy vọng ở những điều kỳ diệu, và vũ khí của họ là văn học nghệ thuật. Sự trở lại của những bản anh hùng ca, những Harry Potter, Chúa tể của những chiếc nhẫn chứng tỏ khao khát của con người đối với những điều kỳ diệu. Không phải ngẫu nhiên câu chuyện về cuộc chiến đấu của chú bé Harry Potter chống lại Chúa tể của Bóng tối lại làm say mê hàng trăm triệu người - đó là cuộc chiến của hy vọng chống lại tuyệt vọng, của điều kỳ diệu chống lại cái tầm thường.
    Sự tuyệt vọng của cái tầm thường đang giết chết văn học của chúng ta. Trong khi thế giới đang đầy những âu lo về một cuộc sống ngày mai, văn học Việt Nam phớt lờ ngày mai, bởi vì chúng ta thiếu cả niềm tin vào sự tồn tại của những điều kỳ diệu ở ngày hôm nay. Khác với quá khứ, cái tầm thường của thời hiện đại hoạt động với một tốc độ lớn, và trong khi quay cuồng theo những bước đi của khoa học, con người đứng trước nguy cơ đánh mất cảm quan về độ sâu của thời gian, thiếu đi những ''điệu nhảy chậm'' vốn dĩ có thể giúp chúng ta đi sâu vào bên trong tâm hồn, suy ngẫm và tìm ra ý nghĩa của cuộc sống chính bản thân chúng ta. Những từ ngữ đẹp đẽ như ''tình yêu'', ''cái đẹp'', ''sự trong sáng'', ''chân lý'' khiến cho các nhà văn Việt Nam cảm thấy bất an, cứ như những điều kỳ diệu như vậy không thuộc về thế giới văn chương tầm tầm quen thuộc của chúng ta. Văn học của chúng ta ngày nay không có sự say đắm những điều kỳ diệu.
    Rất giống với cái cảm giác lạ lùng của người Việt Nam lần đầu bước chân ra nước ngoài, biển quá xanh, trời quá cao, nắng quá trong, con người quá yên bình nhưng cũng không đem lại cho chúng ta cảm giác thanh thản, vì luôn luôn canh cánh trong lòng cảm giác nghi ngại, đề phòng: Tất cả vẻ đẹp đó không dành cho mình, vẻ đẹp này là giả tạo... Chẳng mấy ai cảm thấy an tâm ở nước ngoài, vì một môi trường trong sạch làm những nhỏ nhen, toan tính của chúng ta trông thật thảm hại. Chỉ khi nào chúng ta quay lại với những đường phố chật hẹp bụi bặm, những chiếc xe chen chúc nhau xả khói, chúng ta mới thở phào yên tâm: Thế giới của chúng ta đây rồi, môi trường của chúng ta đây rồi! Văn học Việt Nam, vì vậy, không sáng tạo thêm được những huyền thoại, những anh hùng ca. Chúng ta không viết được sách cho trẻ em - bởi vì bản thân chúng ta cũng không tin vào những câu chuyện kỳ diệu. Chúng ta không có những câu chuyện tình yêu mê đắm lòng người, vì tất cả những gì nói về sự kỳ diệu của tình yêu bị chúng ta thầm kết tội là ''sến''. Giống như câu hỏi trong một bài hát cũ ''How I can survive this romance?'' - dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi - chúng ta không chuẩn bị cho mình đối với sự tồn tại của những cái kỳ diệu.
    Bertolt Brecht nói: ''Không có nền nghệ thuật lớn nếu thiếu tư tưởng lớn''. Bước vào một thế kỷ chắc sẽ còn hắc ám hơn thế kỷ mà chúng ta vừa trải qua, tư tưởng lớn của chúng ta là gì? Nhà văn Nhật Bản Kenzaburo Oe cho rằng: ''Chủ nghĩa nhân văn hiện đại là không quá tin tưởng vào con người, và cũng không quá tuyệt vọng vào con người''. Văn chương của chúng ta có lẽ nên như vậy. Thời hiện đại đòi hỏi chúng ta một cái nhìn khe khắt hơn, thậm chí đôi khi cay đắng hơn đối với thực tại, nhưng trong cay đắng, trong sự khe khắt của trí tuệ, chúng ta vẫn gìn giữ được lòng tin vào những phép lạ của cuộc sống. Và đó chính là sự quay trở về của một chủ nghĩa lãng mạn hiện đại.
    Màu thời gian không xanh
    Màu thời gian tím ngát
    Hương thời gian không nồng
    Hương thời gian thanh thanh
  8. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Bài này cũng lại của Chuotlang nữa:
    CÂY VĨ CẦM BA DÂY
    Nhiều người trong chúng ta hẳn chưa biết câu chuyện về buổi hòa nhạc ngày 18 tháng 11 năm 1995 ở Lincoln Center của Itzhak Perlman, nghệ sĩ đàn violon. Nếu như bạn biết ông, bạn cũng sẽ biết ngay cả việc bước lên bục sân khấu đối với ông cũng là một cố gắng lớn. Itzhak Perlman bị bệnh bại liệt từ nhỏ. Với hai chân liệt hẳn, ông phải chống nạng dò từng bước một lên sân khấu. Nhìn ông bước lên sân khấu là cả một cảnh tượng: ông bước từng bước một, đau đớn một cách vương giả, cho đến khi ông lần tới được chiếc ghế của ông. Sau đó ông ngồi xuống, từ tốn, đặt đôi nạng xuống sàn, bỏ những chiếc kẹp khỏi ống quần, gập một chân lên trước và duỗi một chân ra phía sau. Rồi ông cúi xuống, cầm lấy chiếc đàn violon, hất đầu ra hiệu cho nhạc trưởng và bắt đầu chơi nhạc.
    Khán giả đã quen với cảnh tượng ấy. Họ ngồi chờ đợi một cách yên lặng khi ông lần bước qua sân khấu. Họ chờ ông tháo bỏ những chiếc cặp khỏi ống quần. Họ chờ tới khi ông sẵn sàng chơi nhạc.
    Nhưng lần này, có cái gì đó không hay đã xảy ra. Ngay sau khi ông vừa chơi được mấy nốt nhạc đầu, một dây đàn đứt phựt. Bạn có thể nghe âm thanh đó vang trong phòng hòa nhạc. Không thể nhầm lẫn về âm thanh ấy, không thể nhầm lẫn điều mà Itzhak Perlman sẽ phải làm.
    Mọi ngưòi thầm nghĩ "Tội nghiệp Itzhak Perlman. Ông ấy sẽ phải đứng dậy, cài lại ống quần, lấy đôi nạng, đi qua sân khấu để thay dây đàn hoặc lấy một cây violon mới"
    Nhưng Itzhak Perlman không làm vậy. Thay vào đó, ông chờ một giây, nhắm mắt lại và sau đó ra hiệu cho nhạc trưởng bắt đầu lại. Dàn nhạc chơi tiếp, và ông bắt đầu chơi lại từ đúng chỗ mà ông bỏ dở. Và ông chơi với một sức mạnh, một cảm xúc, một sự trong sáng tuyệt vời mà khán giả chưa bao giờ từng được nghe.
    Tất nhiên, ai cũng biết không thể chơi một bản nhạc chỉ với ba dây đàn. Tôi biết điều đó, bạn biết điều đó. Nhưng đêm ấy, Itzhak Perlman từ chối biết điều đó. Bạn có thể hình dung ông đang sửa, chỉnh với một tốc độ như thế nào trong đầu. Có những thời điểm, ông khiến cho những dây còn lại của cây đàn phát ra những âm thanh mà khán giả chưa biết đến bao giờ.
    Khi bản giao hưởng kết thúc, một sự im lặng kỳ diệu tràn ngập gian phòng. Sau đó tất cả đứng cả dậy và vỗ tay vang dội. Tiếng vỗ tay tràn ngập tất cả các góc của phòng hòa nhạc, mọi người vỗ tay, gào thét, làm tất cả những cử chỉ mà họ có thể làm để khiến Itzhak Perlman hiểu họ biết ơn ông thế nào về điều kỳ diệu ông đã làm tối hôm đó.
    Ông mỉm cười, gạt mồ hôi trên trán, sau đó ông nói khe khẽ, trầm ngâm và sùng kính: "Các bạn biết đấy, đôi khi nghĩa vụ của một nghệ sĩ là khám phá ra anh có thể làm gì cho âm nhạc chỉ với những thứ anh có."
    Và phải chăng điều kỳ diệu đó chính là cuộc sống, và nó đúng không chỉ với Itzhak Perlman và các khán giả trong cái đêm tháng 11 lạnh lẽo đó ở New York. Nó đúng với tất cả chúng ta, những người làm nghệ thuật. Cây đàn violon vốn có bốn dây, nhưng chỉ đến khi nó còn có ba dây, người nghệ sĩ thực thụ mới cảm thấy còn biết bao sức mạnh tiềm ẩn trong ba dây đàn mà anh chưa khám phá được. Chúng ta đang sống trong thời đại của Internet, của những phương thức biểu hiện mới. Các họa sĩ trẻ hăm hở với những cuộc biểu diễn sắp đặt, trình bày. Các nhà thơ trẻ đòi chôn cất "Thơ Mới". Tất cả những điều đó đều rất đáng mừng. Nhưng đã có mấy người trong số họ chịu suy nghĩ họ sẽ làm gì với một chiếc đàn violon có ba dây trong một đêm hòa nhạc?
    Trong một bài viết gần đây, nhà văn Nguyễn Quốc Trụ có nhắc tới "xưởng văn chương tiềm năng" Oulipo của hai nhà văn Pháp Raymond Queneau và Francois Le Lionnais. Xưởng văn chương thử nghiệm này đã sản sinh ra cho nước Pháp và văn học thế giới những tài năng lớn như Queneau, Le Lionnais, Roussel, Roublaud, Perec, Calvino. Những thử nghiệm của họ hướng tới những cải cách tân kỳ, đem áp dụng toán học, logic học, vật lý học vào để "nhào nặn và tái sắp xếp" hiện thực (như Calvino "xây dựng lớp lang một cuốn sách theo những hình vuông Greimas"). Nhưng cái quan trọng hơn, đó là ý thức "cưỡng ép hệ thống" của họ khi sáng tác một tác phẩm văn học. Georges Perec viết một cuốn tiểu thuyết không có nguyên âm "e"...hoàn toàn không phải là ý muốn chơi trội. Đó chính là cái cách ông "cưỡng ép hệ thống"-hay là tự dứt đứt đi một dây trên chiếc đàn violon của mình để bắt buộc mình tìm kiếm những cách diễn đạt hoàn toàn mới mẻ. Xưởng văn chương tiềm năng này là công xưởng của những lề luật mới, của sự gò bó. Các nhà văn muốn chính sự gò bó này là cú huých thúc đẩy cảm hứng sáng tạo của nhà văn. Một thành viên của nhóm nói "văn chương không có chỗ cho sự ngẫu nhiên". Nếu đợi cho tới lúc Nàng Thơ gõ cửa, chắc nhà văn đã kịp chết già. Khi đối diện với một sự gò bó, nhà văn có hai lựa chọn: hoặc tuân theo nó hoặc chống lại nó. Nhưng ngay thái độ tuân phục cũng là tuân phục một cách gò bó, bởi sự tuân phục này khiến anh phải chống lại các giá trị văn hoá tự thân mà anh đang có. Cả hai phản ứng này đều thúc đẩy người nghệ sĩ sáng tạo. Nhưng một sự "gò bó" chỉ có giá trị khi nó là một sự gò bó thực sự- giống như chiếc dằm cắm chặt vào kẽ chân của chú ngựa đua. Một khi sự gò bó đó đã biến thành khuôn mẫu, thành một thói quen, thì khi đó nó không còn giá trị nữa, và xưởng văn chương tiềm năng này lại phải "sản xuất" ra cho nhà văn một "bà cô nhức răng" khác. Thơ Mới thực sự khởi sắc khi nó tuyên chiến với những niêm luật khắt khe của thơ cũ, dù đã có lúc chính niêm luật khắt khe đó đã sản sinh ra những bài Đường thi bất hủ. Khi đạt được sự tự do mà nó muốn có, Thơ Mới mất đi cái "sức chống lại" đã từng là động lực cho sự phát triển của nó. Và khi đó, sau một giai đoạn thịnh trị, không có gì ngạc nhiên khi nó lâm vào ngũ cụt. Sức cản chính của văn học Việt nam hiện nay, lạ lùng thay, lại ở chỗ chúng ta không nhìn thấy sức cản ở đâu.
    Màu thời gian không xanh
    Màu thời gian tím ngát
    Hương thời gian không nồng
    Hương thời gian thanh thanh
  9. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Nhiều nhà phê bình hội họa sẽ còn tốn thời gian và giấy bút tán tụng cho "thời kỳ lam", "thời kỳ nâu" của Bùi Xuân Phái. Họ không biết rằng, những bức tranh phố cổ tuyệt đẹp dùng toàn nâu hay lam của ông có một lý do rất đơn giản: vào những năm khó khăn đó của thời kỳ bao cấp, có những lúc, cửa hàng của Hội Mỹ thuật tại 51 Trần Hưng Đạo chỉ có mầu lam hay mầu nâu để bán cho các hội viên. Còn rất nhiều những thách thức ngẫu nhiên khác đã khiến cho kho tàng văn học thế giới phong phú lên nhiều. Nếu Tào Thực không bị bắt buộc phải làm thơ trong bẩy bước, O'Henry không phải chứng minh ông có thể viết một truyện ngắn về tờ thực đơn ông cầm trên tay, Tchekhov không sẵn sàng viết về bao thuốc lá nếu được yêu cầu...hẳn chúng ta đã thiếu đi một bài thơ "que đậu nấu hạt đậu", một "Tờ thực đơn"...Những thách thức đó, tuy vậy, vẫn chỉ là những thách thức ngẫu nhiên. Một người viết nên luôn có ý thức có một "xưởng văn học tiềm năng" trong đầu, một loại công xưởng không ngừng tự sản xuất cho mình những thách thức mới-chống lại những công thức đã cũ, hoặc chống lại chính ý nghĩ rằng những công thức đó đã cũ. Giống như con bò tót ngang bướng, nhà văn lì lợm húc đầu vào bức màn đỏ chống lại ý nghĩ rằng trên đời có những thứ gọi là "không thể"!
    Thứ ??okhông thể??? thứ nhất chính là chiếc hộp bé xíu mà có người gọi là ??ocái thế giới-được-gọi-là-của-chúng-ta", cái thế giới thường nhật tẻ nhạt trong đó có anh có tôi. Hãy thứ trao cho mình một con mắt vượt ra ngoài thế giới ấy, thử thách thức những định luật vật lý về không gian và thời gian mà chúng ta hằng tin, bạn sẽ thấy thế giới đó sẽ thực sự biến đổi trong sáng tạo của chúng ta, để người đọc chúng còn có thể than tiếc cho "cuốn sách thì ngắn mà cuộc đời dài quá". Hoặc ngược lại, bạn hãy chứng minh rằng thế giới này không hề tẻ nhạt như vậy, rằng mỗi giây phút trôi qua đều chứa đựng trong nó bao nhiêu câu chuyện chưa từng được khám phá.
    Thứ ??okhông thể??? thứ hai, là ý nghĩ mọi hình thức có thể sáng tạo đã được sáng tạo. Toàn những chuyện ??othuần tuý hình thức???- ai đó có thể bĩu môi phán vậy! Đúng thế, nhà văn chúng ta đã quen chơi trò Đấng Sáng tạo với quyền sinh quyền sát trong tay, nay hãy tưởng tượng đến việc chính chúng ta bị ném vào một thế giới qui ước, trở thành những con rối trong tay những thế lực siêu phàm có tên gọi là hình thức đó. Người nghệ sĩ thực thụ là người không chấp nhận ý nghĩ có thể ??ocũ người??? nhưng vẫn ??omới ta???. Đập vỡ một thế giới không có gì là khó, nhưng để xây dựng nên một thế giới khác, anh không thể không tạo ra những lề luật, những mô hình mới, những cấu trúc mới. Một trí tưởng tượng phong phú của những năm năm mươi của thế kỷ trước sẽ hình dung ra một thế giới văn chương trong đó tiểu thuyết không có nhân vật, không có cốt truyện, truyện ngắn không có kết thúc, thơ không có vần, thời gian của truyện không có khởi đầu và không có kết thúc. Một trí tưởng tượng khác của cuối thế kỷ XX sẽ đưa nhà văn đến một thế giới văn chương ở đó tiểu thuyết có thể đọc từ hai phía, từ trang đầu tới trang cuối và từ trang cuối tới trang đầu, trở thành hai câu chuyện khác nhau; hay những cuốn tiểu thuyết được viết dưới dạng mục từ trong cuốn từ điển của một chủng tộc đã bị tiêu diệt, hoặc dưới hình dạng của những lá bài...vv và vv. Vậy đâu là thế giới văn chương của thế kỷ XXI? Liệu nhà văn Việt nam có dũng cảm đưa ra câu trả lời hay mãi mãi chỉ là kẻ theo đuôi?
    Thách thức thứ ba còn khó vượt qua hơn nhiều. Đó là làm nên những điều kỳ diệu từ cái mà anh đang có, chứ không phải là những cái mà anh ta tưởng là đang có. Con người có thể rất mạnh mẽ khi được trang bị những phương tiện hiện đại, nhưng hãy ném anh ta lên một hoang đảo với một bao diêm, ta sẽ xem anh ta có thực sự mạnh để dựng lên một mái ấm khiến anh ta có khả năng tồn tại. Hãy lấy đi thanh kiếm trên tay kiếm sĩ và hãy xem cái cách anh ta chiến đấu chống lại kẻ địch. Hãy thử bắt đầu việc sáng tác một bài thơ bằng việc nghĩ xem liệu ta có thể làm một bài thơ hay mà không có tất cả những kỹ thuật, những hình thức mà ta quen có. Hãy thử sống trong một thế giới với những cây vĩ cầm chỉ có ba dây.
    Những người ham đọc kiếm hiệp đều biết chuyện những "cao thủ võ lâm" thành danh cuối đời sợ nhất chuyện "lâm vào cảnh tịch mịch, phát phiền mà chết". Hình ảnh mới nghe qua có vẻ thơ mộng về những nhà văn "trăn trở trước trang giấy trắng" chính là cõi "tịch mịch" của một cuộc sống sáng tạo không tự tạo cho mình những thách thức, thiếu đi những lực cản thực sự để anh phải vượt qua. Cuộc sống "tịch mịch" trưởng giả ấy, chẳng mấy chốc sẽ biến thành ??opháp trường trắng??? xuống đao khai tử đời sống sáng tác của bất cứ "cao thủ" nào trong làng văn chương.
    Màu thời gian không xanh
    Màu thời gian tím ngát
    Hương thời gian không nồng
    Hương thời gian thanh thanh
  10. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Em nghĩ thế này, trong tranh luận có phê bình, trong phê bình có tranh luận. Hay là chúng ta hợp nhất 2 topic "phê bình" và tranh luận vào làm một, như thế sẽ tiện hơn. Có được không ạ?
    Màu thời gian không xanh
    Màu thời gian tím ngát
    Hương thời gian không nồng
    Hương thời gian thanh thanh

Chia sẻ trang này