1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Phê bình văn học cho Hợp tuyển

Chủ đề trong 'Văn học' bởi VNHL, 17/07/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. VNHL

    VNHL Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/07/2001
    Bài viết:
    1.764
    Đã được thích:
    0
    Bài của Pagoda về Hess
    Naziss và Goldmund , đó là cặp phản đề giữa lý tính và dục tính, là bài thơ bất tận về cuộc hành trình tìm kiếm của con người. Không hẳn là hành trình đi tìm cái đẹp. Nghệ thuật , tư tưởng tất cả đều chỉ là phương tiện để giải thoát, để khai phóng cái ngã.
    Mà mỗi nhân vật của Hermann Hess chẳng phải luôn là một kẻ tìm kiếm hay sao. Dù nhân vật đó có là chàng Demian hay Sinclair ( Demian), là Sirdatha khát khao giải thoát, đã gặp gỡ và chia tay với đức Phật để tìm con đường của riêng mình, hay chàng nhạc sĩ Kuhn với những bài u ca của mình, hay sói đồng hoang, kẻ xa lánh nhân quần. Hay chính người, Hermann Hess, cũng là một kẻ tìm kiếm. Tìm kiếm, đó cũng chính là một bài thơ của cả một đời người. Trong sự sáng tạo của người nghệ sĩ, nó vừa là nhân, vừa là quả.
    Cả cuộc đời mình, Hermann Hess đã chơi trò chơi của những chuỗi hạt thuỷ tinh mà ở đây mỗi hạt thuỷ tinh chính là những tác phẩm của ông. Càng về sau, những tác phẩm của ông càng đạt đến độ tĩnh lặng và điềm đạm của một nghệ sĩ vĩ đại ( hay bậc thầy của trò chơi hạt thuỷ tinh - kẻ phục vụ). Những con chữ trong tác phẩm của ông không bị quên lãng theo thời gian mà ngược lại, bất chấp thời gian nó vẫn ánh lên cái ánh hồi quang của một tư tưởng vĩ đại.
    Và phải chăng đó chính là vĩnh cửu?
  2. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Pagoda
    (Phạm Thị Hoài và...)
    Tôi xin phép không bàn về Phạm Thị Hoài, phải nói rõ trước như thế. Tôi sợ lại gây ra một VTL thứ hai. Bởi Phạm Thị Hoài mà tôi biết là một người kiến thức uyên bác, sắc sảo ,thông minh. Cũng như với DTH, VTL, tôi nhấn mạnh là chỉ nói về tác phẩm của người đó. Thực ra người ta hay bị chịu ảnh hưởng của câu "Văn tức là nguời" của Le Maitre, tôi không cho rằng như vậy. Nhà văn sẻ phải dùng rất nhiều thủ pháp, thậm chí nhiều khi nói ngược lại cả những điều anh ta nghĩ. Trong mọi trường hợp , chỉ có thể đánh giá anh ta thành công hay thất bại mà tuyệt đối đừng động chạm đến nhân cách. OK
    Về văn chương Phạm Thị Hoài, tôi đánh giá không cao. Những tác phẩm tiêu biểu của bà mà người ta khen nức nở, cũng phải nói thật là do nhiều độc giả nuớc ta chưa được tiếp xúc nhiều với văn chương thế giới, chứ nếu ai đã đọc Kafka, hay Marquet rồi thì không lạ gì nữa. Hầu hết các truyện ngắn của PTH, tôi thấy, đều na ná truyện nào đó của kafka. Chẳng hạn truyện về cái cửa hiệu may ở cạnh đường tàu và nhất là "Chín bỏ làm mười", hoàn toàn là nhái lại "10 người con trai" của Kafka. Còn chủ đề mê lộ ( cũng tên một tác phẩm của Phạm THị Hoài) không lạ gì trong văn học phi lí nữa, còn đặc biệt ỏ đây thì gần như nó sao chép lại "Hang ổ" - Kafka.
    Tất nhiên, với một vốn kiến văn khá rộng, trong văn PTH còn thấy dấu ấn của Samuel Becket, Marquet, Ionescu,... và nhiều nhà văn khác ngoài ảnh hưởng của kafka là rõ rệt nhất. Nhưng tôi cho rằng, mặc dù về thủ pháp nghệ thuật, lối sử dụng ngôn từ khá thành thục, thì vẫn thiếu một tài năng để làm cho tác phẩm có sức khái quát. Do vậy, các tác phẩm của PTH vẫn chỉ là sao chép, nhiều khi dẫn đến những tuyên bố đại ngôn, chung chung, mà những độc giả truyền thống rất nghịch lỗ tai. Và khi có ý định khái quát một cái gì đó cao hơn, thì lập tức độc giả tinh ý có thể thấy rằng PTH đuối sức, chẳng hạn như "thiên sứ"...
    Cũng dễ thấy, bởi thời gian rát công bằng. Sau khi gây sự kiện ầm ĩ bằng lỗi viết dường như là mới lạ với một không gian văn học vốn bị đóng kìn trong thời gian quá lâu của độc giả trong nước, PTH đã mất tăm không gây thêm được tiếng vang nào. Có chăng chỉ là chút lao xao thi thoảng được gợi lại bởi những người tìm sách cũ ( Hãy so sánh thử với sự bền vững của Nguyễn Huy Thiệp)
    V@

    V@
    [/size=4
    Màu thời gian không xanh
    Màu thời gian tím ngát
    Hương thời gian không nồng
    Hương thời gian thanh thanh
  3. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Chuotlang
    Các nhà văn nữ và sự khủng hoảng trong văn học Việt Nam hiện đại
    Nguyễn Thanh Sơn
    Có một câu nói đùa độc địa: "Nữ văn sĩ làm hai điều tội lỗi cùng một lúc: làm tăng số lượng giấy vụn và làm giảm số lượng phụ nữ trên trái đất". Nói như thế thật không công bằng, bởi vì không gì cao quí bằng và cũng không gì cực khổ bằng làm người phụ nữ. Hay như họ hay than thở: làm người phụ nữ đã khổ, làm người phụ nữ Việt Nam còn khổ hơn, còn làm nữ văn sĩ Việt Nam thì, than ôi...
    Ấy vậy mà, mấy năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của số lượng các nhà văn nữ Việt Nam. Bảo họ nhiều như nấm sau mưa thì có lẽ hơi quá đáng, nhưng quả thực ngó trước ngó sau chỉ thấy những "thị", những "chim cá lá hoa" chen vai thích cánh nhau trên giá của các hiệu sách, đến nỗi đôi lúc chúng ta phải tự hỏi: đàn ông nước Nam dạo này đi đâu cả?
    Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị ấm, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Trần Thị Trường, Nguyễn Thị Châu Giang... nếu chúng ta muốn, danh sách các nhà văn nữ còn có thể kéo dài sang cả trang sau. Đã qua rồi cái thời mà Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm hay Hồ Xuân Hương phải cố gắng lắm mới chen chân vào được với mười thế kỷ đàn ông thống trị văn đàn. Chẳng bao lâu nữa, ngoài cái Bộ phụ nữ mà người ta mới đề nghị cho thành lập, Hội nhà văn có lẽ cũng nên để cho phái đẹp lãnh đạo thì đúng hơn.
    Để lý giải hiện tượng này, có lẽ phải viện đến câu nói thời thượng đang chạy lem lém trên đầu lưỡi của tất cả mọi người dân nước Việt, từ bác đạp xích lô gầy gò đen đủi cho tới ông quan chức nhà nước bụng phệ xách cặp da ngoại: thời buổi kinh tế thị trường mà lại! Cái kinh tế thị trường chết tiệt ấy không chỉ đào sâu hố phân cách giàu nghèo, nó còn giúp cho một nửa hơn nửa kém của nhân loại ý thức được khả năng có được tự do và những gì mà tự do có thể mang đến cho họ.Và thế là họ quyết không nhường bước cho phái mạnh trên bất kỳ địa hạt nào nữa.
    Những nhà văn nữ đã mang lại gì cho công chúng? Các nhà phê bình đáng kính của chúng ta luôn luôn có sẵn câu trả lời muôn thủa cho câu hỏi ấy: họ đã mang đến một làn gió mới, một diện mạo mới, một phong cách mới cho văn học nước nhà. Rất nhiều cái mới. Họ đã lặp lại câu nói đó cả ngàn lần, thêm lần một ngàn lẻ một cũng không có gì khó khăn cả.
    Nhưng thật ra, những nhà văn nữ Việt Nam, theo tôi, có lẽ chẳng mang đến cái gì mới bởi còn lâu họ mới tự đổi mới được...
    Phụ nữ Việt Nam, cũng giống như phụ nữ trên toàn trái đất, không thể sống thiếu các thần tượng của mình (không phải ngẫu nhiên mà thành viên các fan - club chủ yếu là các cô gái). Họ luôn phải dựa dẫm vào hình ảnh một người đàn ông lý tưởng nào đó. Các cô gái thế hệ những năm sáu mươi luôn kè kè theo người "Ruồi Trâu" hay "Thép đã tôi thế đấy". Hành trang của những năm bảy mươi - tám mươi lại là Rochester. Còn ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự lên ngôi của Redd Buttler,"Người lữ hành kỳ dị" hay cha Ran của "Tiếng chim hót trong bụi mận gai."
    Tất nhiên, cánh đàn ông chúng ta cũng thấy tủi thân vì chẳng có ai trong số họ là người Việt. ở đây, tâm lý sùng ngoại chỉ là thứ yếu, cái chính là văn học Việt Nam chưa tạo ra được khuôn mặt đàn ông nào khả dĩ cho các thiếu nữ của ta thờ phụng. Bởi thế, khi bắt buộc phải miêu tả, họ đành tự khái quát lấy trong những từ rất chung để mô tả người đàn ông của cuộc đời họ: đẹp trai, trầm tĩnh, thông minh, có đôi mắt buồn, tâm hồn độ lượng...vv và vv...
    Thủa ban đầu, những nhà văn tương lai, những ngôi sao sáng của các cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh dành hết tâm lực cho việc giãi bày những giấc mơ ngọt ngào, những mối tình tưởng tượng lên trang giấy. Hãy nghe Phạm Thị Hoài mô tả một trong số họ: "Nó viết những bài thơ giống như của các thi sĩ nổi tiếng phương đông, những người chỉ ưu tiêu diêu du, thơ nó có nước sông Hoàng tuôn từng dòng lớn từ trời xuống, có núi Thiên Mụ, có bến Tầm Dương, có những tâm sự đột ngột xuống hàng. Ngoài ra, nó mãi hỏi đáp về tình yêu, rất là hoàn cảnh, loại tình yêu dẫn tất cả chúng ta đến chỗ tuyệt chủng, không sinh con đẻ cái gì được mà chỉ còn rặt những trái tim đầy thương tích khẽ chạm vào nhau một cái là rên dài, trọn đời đồng trinh và rất thánh" ("Những con búp bê của bà cụ"). Hình ảnh cải lương về những cô gái "nhón chân trên đôi giày giấy thiếu nữ đi vào Vườn Yêu" (Vườn Yêu - Võ Thị Hảo) rồi bàn tán dông dài "về tình yêu là cái nó chưa hề nhấp thử một giọt" là hình ảnh tiêu biểu nhất trong các sáng tác của họ.
    Những tác phẩm mãi mãi đầu tay ấy rất ưa làm đỏm và uốn éo. "Tôi nặng nhọc bay bằng đôi cánh của mình... cánh làm bằng tã của trẻ ăn mày sơ sinh. Bay lên. Và bay cao trong đêm Giáng sinh. Bởi vì Chúa tái sinh trong một đêm như đêm nay..." (Võ Thị Hảo - Giọt buồn Giáng sinh).Thê thảm chưa! Xứng đáng là một Cô bé bán diêm mới, một Oliver Twist mới! Hỡi ôi, nó mãi mãi là một truyện ngắn bịa rất dở, khiến người đọc cười phá lên vì sự ngớ ngẩn của nó thay vì bùi ngùi nhỏ lệ.
    Màu thời gian không xanh
    Màu thời gian tím ngát
    Hương thời gian không nồng
    Hương thời gian thanh thanh
  4. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0

    Nhu cầu tin vào những điều kỳ diệu của cuộc sống sẽ mãi mãi tồn tại trong tâm hồn con người, và lời kêu gọi tha thiết trong vở nhạc kịch về Peter Pan "các bạn có tin vào những chuyện thần tiên không, nếu có, hãy vỗ tay" sẽ luôn luôn đón nhận được sự hưởng ứng nồng hậu. Thế nhưng, những điều kỳ diệu vĩ đại đó bao giờ cũng nằm trong sự giản dị và chân thành của ngòi bút. Những cố gắng bóp chặt tâm hồn mong chảy ra những "giọt buồn" cải lương như vậy không bao giờ tìm được sự đồng cảm của bạn đọc.
    Đề tài quen thuộc, muôn thủa, và có lẽ gần như duy nhất của các nhà văn nữ là tình yêu. Mang một khối mơ ước khổng lồ như vậy trong lòng nên khi "vấp đời thường nhật", không chỉ con "thuyền tình" tan vỡ, mà nói chung, lòng hăng hái tạo dựng nên những thiên đường tình yêu loè loẹt của họ cũng nguội lạnh đi ít nhiều. Dù có "hướng nội" hay "hướng ngoại" thì họ cũng bắt gặp sự buồn chán tẻ ngắt của hiện thực. Chính vào lúc đó, họ tưởng rằng ******** sẽ trở thành cái phao cứu cánh cho cảm hứng sáng tạo của họ.
    Còn nhớ, mùa hè năm 1988, Dư Thị Hoàn đã làm cho cả giới văn học Việt Nam thẹn thùng sững sờ vì những vần thơ táo bạo của mình:
    "...Sau phút giây
    Êm đềm trên ghế đá
    Anh không cài lại khuy áo ngực cho em..."
    (Tan vỡ - Lối nhỏ)
    Bài thơ ấy đã dấy lên một cơn bão những lời xỉ vả của những nhà phê bình và những nhà thơ tên tuổi, những người vốn quen với hình ảnh các cô thiếu nữ Việt Nam e lệ, kín đáo, khép nép. Không thể có một hình ảnh khác! Họ la lối như bị lấy mất đi một cái gì quý báu lắm. Người phương Đông vốn quen che đậy những ý nghĩ của mình về "chuyện ấy", thà cứ lấp lửng như nữ sĩ họ Hồ, đằng này... Những khao khát thầm kín ấy, khi được người phụ nữ thốt ra, hay làm chạm nọc các vị tu mi nam tử, cứ như là họ có lỗi trong chuyện để cho phụ nữ có những ý nghĩ vơ vẩn như vậy trong đầu.
    Số phận những đứa con tinh thần của những nhà văn nữ ngày nay may mắn hơn nhiều. Những biến đổi của xã hội và thông tin đã làm cho họ tự tin hơn trong việc mô tả những dục vọng của con người. Và họ cũng nghiêm khắc với mình hơn. Thế nhưng, từ những cô bé tuổi hoa, chỉ sau có một đêm họ đã trở thành "những madame tiều tụy thế kỷ 18". Họ lại quanh đi quẩn lại trong những bi kịch gia đình cũ rích mà kẻ chịu đựng bao giờ cũng là một cô bé hay cậu bé nào đó ("Phù Thủy" của Nguyễn Thị Thu Huệ chẳng hạn); những mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu - con trai, những truyện ngắn thích hợp nhất cho trang hôn nhân gia đình của báo Phụ nữ hơn là một tác phẩm văn học. Họ mệt mỏi ngao ngán trong việc xử lý các xung đột tình cảm của những mối tình tay ba không âm sắc, những người đàn ông hóa ra chẳng bao giờ xứng đáng với họ. Họ níu kéo lại một cách vô vọng tuổi trẻ hình như không bao giờ chịu đến mà lại đã trôi qua bằng những lời khẳng định rỗng tuếch và lên gân lên cốt, tự đánh lừa mình bằng ảo tưởng "Phụ nữ của ta luôn luôn đẹp, họ đẹp ở mọi lứa tuổi ông ạ. Đàn ông chúng ta không cẩn thận họ cho ra rìa cả đấy", kiểu như Thủy chung - bài ca của đàn bà của Trần Thị Trường. Một cố gắng ảo não - phép thắng lợi tinh thần kiểu A Q của những người thua cuộc.
    ********, bởi vậy, không mang lại bao nhiêu sinh khí cho những sáng tác của họ. Bởi vì rốt cuộc họ không đủ trung thực đến mức mô tả những ước muốn thực sự của con người, không đủ nghiêm khắc với bản thân để dũng cảm chỉ là mình, và nhất là không có đủ tài năng để sáng tạo ra những tác phẩm mang đầy sức sống của bản năng, của tự nhiên, của tình cảm. Họ không thể sáng tạo ra cái đẹp, vì cái đẹp đòi hỏi sự giản dị, nó đẹp chỉ vì bản thân nó là cái đẹp chứ không bao giờ vì những nước sơn tô vẽ trên mình. Nói như Shopenhauer, họ - những nhà văn tầm thường "đều cố gắng che đậy bút pháp tự nhiên của chính mình... bị bắt buộc phải chấm dứt bất cứ toan tính muốn được thẳng thắn hay chân thật nào - một đặc ân chỉ dành cho những tâm hồn siêu đẳng, ý thức về giá trị của chính mình và do đó tự tin nơi mình" (Nói về bút pháp).
    Thực ra, tất cả những cái đó: sự thiển cận của tư tưởng, nông cạn về trí thức, hời hợt trong tình cảm đã trở thành căn bệnh kinh niên không chỉ của riêng các nhà văn nữ, nó chỉ là một phần trong cuộc khủng hoảng sâu sắc của văn học Việt Nam hiện nay. Có điều, bằng thái độ tự tin một cách khó hiểu, những nhà văn ấy cứ tiếp tục cho ra đời những tác phẩm không sức sống, những mẩu chuyện vụn vặt vô hồn. Họ đã đẩy sự tầm thường lên đến độ bất thường.
    Những nhà văn, nhà phê bình văn học, bạn đọc thường mong muốn văn học Việt Nam "cất cánh", hoà nhập và làm phong phú thêm kho tàng văn hoá của cả nhân loại. Ước mơ chân chính đó chỉ có thể thực hiện được nếu những nhà văn của ta ý thức được hiểm họa của sự tụt hậu về tri thức văn hoá, tri thức sống, sức ì của những thành kiến và ngộ nhận, và nhất là thói đạo đức giả đang bao trùm trong toàn bộ ý thức hệ sáng tạo của các nhà văn. Chỉ có sự trung thực, trước tiên là trung thực với bản thân mình, mới cứu rỗi được nền văn học đang lao xuống dốc như hiện nay.
    Nguyễn Thanh Sơn
    Màu thời gian không xanh
    Màu thời gian tím ngát
    Hương thời gian không nồng
    Hương thời gian thanh thanh
  5. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    No-fear
    (Đức mẹ mặc áo choàng lông.)
    Đầu tiên phải nói rằng đây là một câu truyện tình được thể hiện bằng cách hành văn đều đều tựa như một dòng chảy bình lặng,đều đều chảy thẳng tắp không một khúc ngoặt , không một gợn sóng trong một bầu không khí không ảm đạm cũng không tươi đẹp mà chỉ nhờ nhờ một màu, thứ màu làm người ta thấy không có gì đáng phải chú ý đến.( ngoài nút thắt cuối cùng của truyện nhưng cũng không khác lắm so với cách kết của những câu truyện bình thường nào cả),
    Cả câu chuyện chỉ có 2 nhân vật chính, không tính tới tác giả là người dẫn dắt câu chuyện, tất cả các nhân vật khác chỉ là những cái bóng nhờ nhờ suốt từ đầu đến cuối câu truyện.
    Mới nghe qua chắc hẳn những bạn chưa đọc sẽ cho rằng đây là một tuýp truyện tẻ nhạt và lãng xẹt.
    Nhưng thực tế, nếu theo dõi kỹ dòng nước bình lặng đó bạn sẽ thấy nhiều điều kỳ vĩ mà bạn không ngờ rằng nó có thể ẩn sâu mình trong một dòng nước tưởng chừng như nông choèn chẳng có gì ngoài bùn, cát và nước trộn lẫn với nhau thành một thứ nước có màu sắc hết sức tẻ nhạt và tóm lại là không có điều gì đáng để chú ý tới.
    Thế nhưng???.
    Sau khi đọc xong Đức mẹ, phản ứng trong ngày đầu tiên của bản thân tôi là đầu óc luôn quay cuồng, ám ảnh bởi một tình yêu tuyệt diệu trong "Đức mẹ mặc áo choàng lông"???tôi nhìn mọi thứ tình yêu trong cuộc sống thực tại bằng con mắt khinh rẻ của mình dù có thể rằng trước khi đọc Đức mẹ với tôi đó là những tình yêu thật cao quý và đẹp đẽ ...,tiếp theo là lôi quyển truyện ra đọc lại thêm lần nữa để có thể nhìn thấy rõ hơn những thứ mà tôi đã từng mơ hồ thấy trong dòng nước bình lặng màu nhờ nhờ ở lần đọc đầu tiên,sau đó phải kéo ngay tay Tequila ra ngồi trình bày, trao đổi và ca tụng với nó về những điều cảm nhận từ cuốn truyện tới tận 12h30 đêm ở 1 hàng chè chén toàn những kẻ trai tứ chiếng gái giang hồ đủ loại ngồi kiếm mồi đêm.
    Chúng tôi nói về dòng nước bình lặng của Đức mẹ mặc áo choàng lông, nói về tính logic trong cách suy nghĩ và hành xử của cả hai người, nói tới cái tài lột tả nhân vật của tác giả, nói tới cái mà tác giả miêu tả tưởng như vô lý nhưng ngẫm ra nó là cả một dòng chảy chân lý mạnh mẽ.Chúng tôi ngồi hết nói ,lại im lặng suy nghĩ, ao ước được sống trong một tình yêu như thế để rồi chết ngay lập tức cũng không tiếc nuối gì .... ở giữa một khung cảnh thật sô bồ của đủ mọi hạng người. Song???
    Có những điều thật phi thường trong những con người thật bình thường (Trích Tác giả)
    Thật là chân lý :
    Trong Đức mẹ mặc áo choàng lông: Họ (Maria và Raip-ephendi) dường như sinh ra là cho nhau, hai nhân vật chính, hai kẻ không ai hoàn hảo,có cá tính đặc biệt và trái ngược hẳn nhau.Chính cái khiếm khuyết của người này lại là điều cần có của người kia. Tình yêu của họ dường như xuất phát dựa trên mặt khiếm khuyết của chính người kia. Không ai trong họ dám vượt qua cái khiếm khuyết của mình để đến với nhau trọn vẹn. Họ đa nghi, đa nghi vào chính bản thân họ. Họ muốn vượt qua khỏi chính con người đa nghi khiếm khuyết của họ để đến với nhau. Nhưng lại sợ hãi trước sự đổ vỡ, trốn tránh sự đổ vỡ bằng sự nâng niu và níu kéo tình cảm mà họ đã dày công xây đắp của mình. Họ cố kìm nén không để tình cảm đó của họ thăng hoa chỉ vì sợ rằng đằng sau cái cảm giác thăng hoa đó là sự trống rỗng không gì lấp nổi, tình yêu của họ dành cho nhau sẽ không còn nguyên vẹn nữa.
    Dường như có một sợi dây thuỷ tinh trong suốt, và sắc lẹm căng ngang giữa hai người.Kẻ nào cũng nhận biết rõ sự hiện diện của nó. Họ muốn kéo người kia lại gần mình nhưng lại e sợ sợi dây thuỷ tinh kia không có mắt và vô tình sẽ cứa sâu vào da thịt người mà mình sống không thể thiếu . Họ nhận thức rõ ràng, lúc họ gần nhau, sự hiện diện của sợi dây kia là vô nghĩa, nhưng nó chỉ vô nghĩa khi tình yêu họ thăng hoa. Còn sau sự thăng hoa? Phải chăng chỉ là nước mắt, sự đau đớn và nuối tiếc?Khi mà vết cắt ngọt sâu của sợi dây ấy bắt đầu rỉ máu không ngơi nghỉ và chẳng khi nào lành lại như xưa.Chính cái logic đó khiến họ đắn đo, không dám mạo hiểm kéo kẻ kia lại gần mình, họ e sợ họ có thể làm tổn thương và vĩnh viễn làm mất đi sự sống, phần sống của họ vốn hiện hữu ở kẻ kia...họ không đủ can đảm để đến với nhau theo đúng nghĩa của nó vốn có.Họ sợ tình yêu sẽ phừng sáng rồi hoàn toàn phụt tắt trong chốc lát.
    Giữa 2 kẻ ấy phải chăng là cả một bức tường băng giá. Bằng sức nóng của ngọn lửa tình yêu họ cố gắng làm tan chảy bức tường băng ác nghiệt kia. Hai kẻ ở 2 bên cố gắng, cố gắng ??? đến khi bức tường băng tan chảy thành một lớp băng mỏng trong suốt khiến kẻ này có thể nhìn thấy chính mình trong mắt kẻ kia nhưng họ không dám cháy hết mình, họ sợ sau khi cháy hết mình, phá tan bức tường băng ác nghiệt họ sẽ chỉ là tro bụi, vĩnh viễn không bao giờ đến với nhau được nữa. hic
    Hic! Hỡi ôi cái ngôn từ nghèo nàn của tôi, chẳng thể nào diễn tả được tình yêu tuyệt diệu và cao cả đó bằng lời
    Chỉ biết rằng, phải chăng điều gì đem lại cho chúng ta sự nuối tiếc, điều gì không hoàn toàn trọn vẹn thì điều đó là cái đẹp vĩnh cửu?
    Ai rồi cũng sẽ tìm được 1 đức mẹ cho riêng mình.Còn tôi?
    Hỡi ôi đức mẹ mặc áo choàng lông của tôi ?Em ở đâu?
    Hôm nay No-fear này hơi hưng phấn nên trình bày dài dòng, nhân đà xúc động của mình
    Xin gửi bài hát này tới Đức mẹ tương lai của tôi
    Lanslide
    (fleet woodmac)
    I took my love and I took it down
    Climbed a mountain and turned around
    And I saw my reflection in the snow-covered hills
    'til the landslide brought it down
    Oh, mirror in the sky -What is love?
    Can the child within my heart rise above?
    Can I sail through the changin'...ocean tides
    Can I handle the seasons of my life?
    I don't know.....I don't know
    Well I've been afraid of changin'
    because I've built my life around you
    But time makes you bolder, even children get older
    And I'm getting older too....
    So, take my love...take it down
    Climb a mountain and turn around
    and if you see my reflection in the snow-covered hills...
    well the landslide will bring it down
    The landslide will bring it down
    Will you do me a favour?
  6. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Pagoda
    (Tới VNHL - một ít nữa về hiện sinh...)
    1. Triết học hiện sinh :
    Bắt đầu với hiện tượng luận của Hurssel.
    Heidegger , triết gia người Đức ( 1889 - 1976 ) đã áp dụng hiện tượng luận để nghiên cứu học thuyết về sự sinh tồn của Kierkegaard ( 1813 - 1915 ). Ông đã cho rằng cái tồn tại bất biến, cái thường tồn chính là sự sợ hãi, lo âu thường trực trong mỗi người. Bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi , mọi hành động của con người đều nhằm chống lại nó. Cuộc sống mang bản chất phi lý.
    2. Văn học hiện sinh:
    Về cơ bản, các nhà văn hiện sinh ( mà trên thực tế chỉ có 3 người như đã nói - Albert Camus, JPS và vợ ông là Simone de Beauvoir) mang thế giới quan của triết học hiện sinh.
    Cũng bởi vậy họ cho rằng cuộc đời này là phi lý , là một "đống nôn mửa" ( " Buồn nôn " - JPS ). Có lẽ đây là điểm chung duy nhất của các nhà văn hiện sinh. Cũng bởi vậy, các nhà hiện sinh tôn Kafka làm bậc thầy của mình - chính là do trạng thái phi lý mà ông đã tạo nên trong tác phẩm của mình. ( Về Kafka, một đề tài khá thú vị, có dịp tôi sẽ đề cập đến . OK )
    Có lẽ người được nhiều người yêu thích nhất trong ba nhà văn trên là Camus bởi chủ nghĩa nhân đạo cao quý của ông. Hai tác phẩm mà tôi cho rằng tiêu biểu cho quan niệm hiện sinh của ông là " Huyền thoại về Sysiphe " và " Kẻ xa lạ".
    Ông được trao giải Nobel năm 1957.
    Jean Paul Sartre: Tác phẩm đầu tiên của ông là " Buồn nôn". Sau cuộc chia tay vói Albert Camus, có vẻ như ông trở nên một triết gia và một nhà hoạt động xã hội hơn một nhà văn. Đã từng làm đến chức Bộ trưởng trong nội các của chính phủ Pháp. Từ chối giải Nobel được trao vào năm 1964. Cố gắng kết hợp hiện tượng luận vói chủ nghĩa Marx. Tuyên bố rằng " hiện sinh là nhân bản "
    Simone De Beauvoir : Có lẽ thành công lớn nhất của bà là tác phẩm " Giới nữ " bênh vực quyền bình đẳng của phụ nữ, mà cho đến nay vẫn còn là một đề tài để tranh luận.
    Cũng do bản thân phong trào đã không có sự thống nhất về quan điểm giữa các thành viên ( và cả do sự bế tắc của chủ nghĩa hiện sinh) nên thực ra, mặc dù trở thành một thứ mốt nhưng cũng không có ai tiếp nối con đường của họ. Tuy nhiên cũng có thể coi họ chính là người khơi mào cho một loạt cây bút của các trào lưu sau này như "Tiểu thuyết mói " ( Tôi thích nhất Nathalia Sarraute với "Hướng động" và " Tuổi thơ", Claude Simone vói "lâu đài" và "Con đưòng xứ Flandres"), " Cấu trúc luận " , "phản tiểu thuyết " ...
    Pagoda - V@!

    V@
    [/size=4
    Will you do me a favour?
  7. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Trinity
    (Tiểu thuyết Hồ Quý Ly)
    Thanh thủ điện tiền thiên thụ quế
    Quảng Hàn cung lý nhất chi mai
    Đôi câu đối tuyệt hay này, tương truyền là cuộc xướng tác bất ngờ giữa vua Trần Minh Tông và chàng trai trẻ Hồ Quý Ly, năm ấy còn là một chức quan nhỏ vô danh. Cành mai trong cung Quảng để đem đối lại ngàn cây quế, với Quý Ly không phải ai khác ngoài ái nữ của vua, công chúa Huy Ninh. Mối tình vô vọng, vì luật nội hôn Trần triều cấm ngặt con gái tôn thất thành thân với ngoại tộc. Sao đổi ngôi, đò sang sông, sự đời biến thái không ngừng, hoa muộn cuối cùng cũng kết nhụy khi mái đầu sắp bạc.
    Đường sự nghiệp của họ Hồ không quá gian truân như đường tình duyên, nhưng cả hai đều có kết cục buồn. Cành mai nhỏ sớm tàn để lại cho Quý Ly đứa con trai Hồ Hán Thương. Những biện pháp cải cách đảo lộn XH góp phần đưa Quý Ly lên ngôi cao nhưng chúng cũng góp phần làm ông mất nước. Ông kết thúc cuộc đời trong vai trò một người lính thú già miền viễn biên Trung Quốc, song có sách chép: ông và Hồ Hán Thương bị Minh Thành Tổ ra lệnh hành hình ngay trong tháng 10 năm 1407. Đoạn kết như thế có khi lại hay hơn.
    Có nhiều nhân vật lịch sử không dễ dàng bình công tội, họ như những khối đa giác góc cạnh mà sự đánh giá còn tùy thuộc vào phía nhìn của người đời. Hậu thế sẽ còn dai dẳng tranh luận về Hồ Quý Ly: đại gian thần hay bậc thức giả thời loạn không chịu câu thúc trong vòng ngu trung, thực tâm chấn hưng xã tắc hay không từ thủ đoạn nào để ngoi lên đỉnh quyền lực...
    Điều tai hại là những cải cách của họ Hồ có thể được đời sau diễn giải và hiểu theo nhiều nghĩa. Không sai, nếu bảo chúng thực chất có lợi cho một đất nước đang kiệt quệ cả vật chất lẫn niềm tin. Nhưng không phải không có lý nếu nói đó là phương thức để thâu tóm quyền lực cá nhân và triệt hạ đối thủ. Những biện pháp được tính toán khôn khéo để một mũi tên đi trúng nhiều đích.
    Lấy ví dụ về chính sách hạn điền (ban hành năm 1397) và liền sau đó là giải phóng gia nô. Một mặt, nó là cú đánh chí mạng vào thế lực và ảnh hưởng lâu đời của quý tộc họ Trần - lực lượng có quyền lợi gắn bó trực tiếp với sự tồn vong của vương triều. Ruộng đất bao la của tôn thất nay được khoanh lại ở con số 10 mẫu tối đa, trừ Đại vương và Trưởng Công chúa. Ruộng thừa biến thành ruộng công. Số gia nô nhiều không đếm xuể trước kia giờ phải giới hạn tùy theo phẩm trật. Việc này càng có ý nghĩa trong hoàn cảnh một phần đáng kể sức mạnh quân sự quý tộc họ Trần là các đội gia binh tuyển từ gia nô trong nhà. Mặt khác, số ruộng công chẩn cấp cho dân nghèo có giá trị như một phương thuốc hạ hỏa đúng lúc, khi cùng đinh lang thang, nạn dân lưu tán và nô lệ bỏ trốn tụ tập làm loạn trong xã hội đã vượt quá mức báo động. Cuộc khởi nghĩa của nhà sư Phạm Sư Ôn là sự bùng phát mạnh mẽ nhất. Trước khi bị dập tắt năm 1390, đạo quân ô hợp của vị ??oyêu tăng??? Sư Ôn từng chiếm cứ Thăng Long tới 3 ngày.
    Chính sách tiền giấy cũng có thể coi là một ví dụ minh họa cho tính hai mặt của cải cách. Khi cuộc chiến dai dẳng với Chiêm Thành kết thúc bằng cái chết bất ngờ của Chiêm vương Chế Bồng Nga năm 1390, nước Đại Việt đã loạng choạng như người lâm bạo bệnh. Hùng khí quân dân từ thuở đánh Nguyên đã suy sụp từ sau trận thua Chiêm đau đớn tại thành Đồ Bàn (1377), ngốn phần lớn 12 vạn binh tướng, vua Duệ Tôn tử trận. Mất mùa, nội loạn, giặc Chiêm liên tục cướp phá, sự phình to và kê biên nhập nhằng của ruộng đất tôn thất khiến kho đụn ************ng cạn kiệt. Sự ra đời của thuế thân thời kỳ này (đánh thuế 3 quan tiền mỗi suất đinh bất kể sống chết) là một sự bất đắc dĩ tuyệt vọng. Ban hành và cưỡng bức dùng tiền giấy trong những năm phục hồi sau chiến tranh, vì thế có thể xem là một giải pháp mang tính tình thế ngắn hạn hơn là một cải cách có ý nghĩa lâu dài của Hồ Quý Ly. Cùng một lúc, nó giải quyết nạn khan hiếm tiền tệ và đồng thời thu hút tài nguyên về quốc khố (thông qua việc cưỡng bức đổi tiền: một quan tiền đồng ăn một quan hai tiền giấy). Trớ trêu là do biện pháp thi hành cứng nhắc của chính quyền, chất lượng giấy của tiền, sự mai một niềm tin vào triều đình, nạn làm tiền giả hoành hành và tập quán tiêu tiền đồng bao đời của dân đã chất thêm vào ??otội trạng??? của Quý Ly nhiều lời ta oán. Một giải pháp thông minh nhưng không hợp thời.
    Bi kịch của Hồ Quý Ly là dạng bi kịch của nhà kỹ trị. Ông quá chú tâm mục đích mà thiếu đi sự ôn-nhu rất cần thiết trong thực hiện. Trước một đất nước tan hoang như con bệnh nặng, ông mạnh tay dùng phương thuốc đắng. Nhưng kỷ cương khắc nghiệt của Nho giáo đâu dễ ngày một ngày hai đem áp dụng với đám dân đã quen với sự khoan thai của nhà Phật. Những lợi ích cải cách, nếu có, không át nổi nhân tâm xao động vì Quý Ly bức hại vua tôi nhà Trần. Lòng người chưa nguôi lưu luyến những võ công hiển hách của vương triều này. Bài học dân vận xương máu từ các triều đại trước đã không được Quý Ly vận dụng triệt để.
    Chỉ tiếc một điều là thời gian! Năm xưa Trần Thủ Độ dấy nghiệp nhà Trần, đánh Đoàn Thương, Nguyễn Nộn, chôn sống một mẻ 370 tôn thất nhà Lý, giết vua Huệ Tông,... bắt họ Lý trong nước đổi hết ra họ Nguyễn để lòng dân tuyệt đường thương nhớ vua cũ, so về mức độ tàn ác và gây thất nhân tâm thì chưa chắc Quý Ly đã sánh bằng. Nhưng Trần triều có tới hơn 30 năm để củng cố sức mạnh và thu phục lòng dân - một thứ vốn dĩ rất tương đối - trước khi Mông Cổ kéo sang. Hồ Quý Ly sau khi chính thức dứt nghiệp nhà Trần suy vi thì chỉ còn 7 năm trước khi chống Minh, một khoảng thời gian đủ dài để xây thành trì mộ quân lương nhưng quá ngắn ngủi để đoàn kết nhân tâm. Rốt cục, vận đúng vào câu nói của Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng: ??oTôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo!???.
    ----------------------------
    Vài nét tiểu sử:
    - Như nhiều anh hùng nước Nam khác, Quý Ly có họ xa bên phương Bắc. Ông tổ của Quý Ly là Hồ Hưng Dật, người tỉnh Chiết Giang, sang đất Việt làm Thái thú Diễn Châu thời Trung Quốc có loạn Ngũ Quý (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu) đầu thế kỷ thứ 10. Họ Hồ bám rễ sinh sôi ở đất Diễn Châu (nay là Nghệ An) đến đời cháu thứ 12 của Hưng Dật là Hồ Liêm thì dời ra Thanh Hóa. Liêm làm con nuôi của quan tuyên úy Lê Huấn nên cải họ Lê. Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Huấn, là con quan Kinh lược sứ Lê Quốc Kỳ, sau này lên ngôi mới lấy lại họ cũ.
    - Quốc hiệu Đại Ngu gây nhiều thắc mắc và dị ứng cũng liên quan đến gốc gác của họ Hồ. Tương truyền, Ngu Yên có con là Vĩ Mãn được Chu Vũ Vương nhà Chu phong ở đất Trần, thường gọi là Hồ Công. Sau Mãn lấy luôn làm họ, đổi thành Hồ Công Mãn. Quý Ly cho mình thuộc dòng dõi Hồ Công Mãn, nên đặt quốc hiệu Đại Ngu, hàm ý tớ là con cháu dòng Ngu Thuấn.
    Will you do me a favour?
  8. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    He he, có một bài viết tập làm văn hồi xưa của cháu, post lên đây đọc thư giãn chơi:
    Pittypat
    (Mỵ Châu - Trọng Thủy đáng giận hay đáng thương?)
    Định ghé qua đây tạm biệt mạng, chui về xó nhà học bài, nhưng thấy mọi người bàn tán về Mỵ Châu - Trọng Thuỷ rôm rả quá, pittypat lại không cầm lòng được. Thôi đành cố gắng thức khuya hơn một chút để học bài ngày mai vậy! :)
    "Mỵ Châu - Trọng Thuỷ thực chất là mối tình như thế nào.". Câu hỏi của RBD cứ xoáy sâu vào tâm trí tôi suốt cả buổi tối hôm nay. "Mối tình như thế nào" ư? Phải chăng vì câu chuyện dân gian không đi sâu vào miêu tả diễn biến cuộc tình một cách bình thường như ta vẫn thấy trong các tiểu thuyết tình yêu nổi tiếng? Không có hoa, không có trăng, chẳng có sao, chẳng thấy lời thề thốt, chẳng ướt đẫm những nụ hôn... Nhưng Mỵ Châu - Trọng Thuỷ vẫn là một câu chuyện tình khiến người ta cảm động. Tôi chưa đủ khả năng để diễn tả hết những cảm xúc của mình khi nghĩ về mối tình này. Chỉ xin được phân tích nó một cách khô khan, lạnh lùng, để được hiểu nó một cách sâu sắc.
    "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", đó là nguyên tắc cơ bản trong gia phong, nề nếp một gia đình phong kiến. Mỵ Châu và Trọng Thuỷ cũng đến với nhau theo tiêu chuẩn đạo đức ấy. Không như Romeo và Juliet, những người yêu nhau, tự tìm đến với nhau theo tiếng gọi của trái tim, sẵn sàng phá bỏ mọi luật lệ, bất chấp tất cả, kể cả tình cảm gia đình để được ở gần nhau. Cả cuộc đời, số phận của Mỵ Châu và Trọng Thuỷ đều phụ thuộc vào cha mẹ. Triệu Đà và An Dương Vương tạo điều kiện cho đôi trẻ gặp gỡ nhau vì mục đích chính trị, gán ghép hai con người cạnh nhau để tạo nên một mối liên hệ tạm thời nhằm phục vụ cho những mưu đồ riêng. Có thể thấy, câu chuyện tình được bắt đầu trên hình thức một cuộc hôn nhân gượng ép, một cuộc chung sống không có tình yêu. Đó là điểm khác đầu tiên với những mối tình "vĩ đại" chúng ta vẫn quen thuộc qua sách vở.
    Lấy nhau một thời gian, để hoàn thành nhiệm vụ bí mật được cha giao phó, Trọng Thuỷ đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của Mỵ Châu, chiếm đoạt nỏ thần về cho cha mình. Câu chuyện tưởng chừng có thể kết thúc hoàn toàn khi Triệu Đà tiến quân sang và xâm lược Cổ Loa. Trọng Thuỷ đã có thể trở thành một "anh hùng", có thể trở lại sống cuộc đời một ông hoàng, có thể lấy hàng trăm cô gái khác làm vợ, làm thiếp. Nhưng sự thể lại hoàn toàn không phải như thế. Trọng Thuỷ đã chọn cho mình cái chết, như một cách giải thoát khỏi nỗi đau tinh thần. Nếu như Romeo của Shakespeare nghĩ đến cái chết vì chàng không thể chịu được nỗi đau sống thiếu người yêu dấu, thì ở Trọng Thuỷ, sự đau đớn còn kinh khủng hơn rất nhiều. Bởi đó là tất cả niềm ân hận, sự dằn vặt, tình yêu tha thiết với Mỵ Châu và cả sự căm ghét chính bản thân mình tích tụ lại. Yêu một người sâu sắc nhưng vẫn phản bội họ, gián tiếp đẩy họ đến cái chết, gián tiếp giết hại họ. Mâu thuẫn tình cảm ấy đã được đẩy đến cao độ. Trọng Thủy đã ở mức tột cùng của đớn đau, của sự giằng xé tâm can, đã ở trên bờ vực thẳm của sự thất vọng, kinh hãi vì chính bản thân mình. Và đáy vực đó, không gì khác, chính là cái chết. Chỉ có cái chết mới giải thoát được cho bi kịch của một con người như thế.
    An Dương Vương đèo Mỵ Châu chạy trốn. Mỵ Châu đã có thể căm hận chính mình, căm thù người chồng đã phản bội mình, phản bội cha và Tổ quốc của mình và biểu hiện điều đó qua hành động mạnh mẽ nào đó. Nhưng những chiếc lông ngỗng bay bay liệu có là những chiếc lông của lòng căm thù không? Vừa chạy trốn, Mỵ Châu vừa thả những chiếc lông trắng toát. Tay thì thả mà nước mắt tuôn rơi. Mỗi chiếc lông ngỗng bay đi mang theo trong nó tất cả tình yêu, lòng hy vọng, niềm tin tưởng không bao giờ mất của một cô gái về tình cảm của người chồng. Mỵ Châu chạy đi, nhưng trái tim nàng muốn quay trở lại, nàng muốn ở lại bên Trọng Thuỷ. Trong những chiếc lông trắng muốt rơi rơi ấy, có cả nỗi đau câm lặng. Nỗi đau của một người biết tình yêu của mình là có tội với cha, có tội với Tổ quốc, có tội với trời đất, nhưng trái tim vẫn thổn thức yêu thương. Liệu có một tình yêu nào lại đau đớn đến thế? Liệu có người phụ nữ nào lại bất hạnh như Mỵ Châu, khi mà tình yêu sâu nặng của mình lại đối lập hoàn toàn với quyền lợi của đất nước? Liệu có ai khổ sở như nàng, là con người mà không được quyền yêu?
    Mỵ Châu - Trọng Thuỷ: một câu chuyện tình tưởng chừng đơn giản vì chẳng có những chi tiết. Nhưng sao tôi vẫn thấy ở đó một tình yêu bị đè nén, bị gói thật chặt, thật kín trong bọc. Tôi thấy Mỵ Châu cũng như Trọng Thuỷ bị trói buộc bởi những sợi dây vô hình ở hai thế giới khác nhau. Và dù họ có giãy giụa đến bật máu, dù trái tim họ vẫn khao khát tiến về nhau thì cả cuộc đời này, mãi mãi giữa họ vẫn tồn tại một khoảng cách. Mỵ Châu cũng như Trọng Thuỷ, như hai người tù được bao bọc bởi vàng son nhung lụa của chế độ phong kiến. Romeo và Juliet, dù chết đi nhưng vẫn có thể mãn nguyện vì được ở bên nhau, được tự do đến với nhau theo tiếng gọi của tình yêu. Còn Mỵ Châu và Trọng Thuỷ, liệu chết đi họ có thể về bên nhau? Hay họ sẽ mãi mãi chỉ có thể tìm nhau trong vời vợi xa cách?
    ...Cuộc đời tuy dài thế
    Năm tháng vẫn đi qua
    Như biển kia dẫu rộng
    Mây vẫn bay về xa...
    Will you do me a favour?
  9. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Vẫn là của pittypat:
    Thật là vui vì ngay sau khi tôi viết bài này, bác Paladin đã gửi tin nhắn góp ý. Bác Paladin ơi, cháu rất cảm ơn bác vì lời phê bình, vì sự nhiệt tình giúp đỡ của bác. Vì cháu thấy vấn đề bác nêu ra hẳn cũng là suy nghĩ chung của mọi người nên cháu xin phép bác được trả lời mes của bác trên diễn đàn.
    Trong tin nhắn, bác Paladin có hỏi tôi tại sao không coi cái chết của MC - TT là con đường đưa họ đến với nhau. Thực ra, đó cũng là những điều tôi suy nghĩ ban đầu. MC và TT khi sống đã bị buộc phải xa nhau, khi chết họ có quyền tìm đến với nhau lắm chứ?
    Nhưng liệu họ có thể đến với nhau không? Hãy nghĩ về cái chết như một sự tiếp nối vô tận của cuộc sống. Trọng Thuỷ đã dằn vặt, đau khổ đến mức tìm đến cái chết như một lối thoát duy nhất, một cuộc trốn chạy với quá khứ, với tình yêu dành cho Mỵ Châu, và với chính bản thân mình. TT yêu MC tha thiết, nhưng tình yêu đó không thể giúp chàng thôi tự trách mình. Nó không giúp vì thậm chí nó còn cáo buộc chàng, còn hành hạ tâm trí chàng. Vậy nếu MC và TT về với nhau, tình yêu ấy có thể đẹp như ban đầu không?
    Thử nghĩ theo cách nghĩ của dân gian. Mỵ Châu chết, máu nàng hoà với nước biển tạo thành những viên ngọc trai long lanh. Trọng Thuỷ nhảy xuống giếng tìm sự gột rửa cho lương tâm mình. Và khi ta lấy ngọc trai từ biển sâu, rửa nó bằng nước giếng TT, ngọc sẽ trong và sáng vô cùng. Điều đó không nói lên được rằng ở một thế giới khác, Mỵ Châu và Trọng Thuỷ đã tìm đến được với nhau. Nó chỉ thể hiện được tình yêu của họ hoàn toàn trong sáng, và trước trời đất, mối tình ấy không có tội.
    Romeo và Juliet khi chết đi được nằm cạnh nhau trong nấm mồ của tình yêu. Còn MC - TT, dù chết đi rồi, dù được trời đất chứng giám cho lòng thành của mình, họ vẫn phải cách xa nhau: một người chìm sâu trong biển, một người hoà tan vào giếng nước...
    Nếu cái chết chỉ là chỗ trú ngụ của tình yêu vĩnh hằng, nếu sự chết là điều giúp cho những người yêu nhau tìm đưọc nhau, tôi cũng mong như bác Paladin, nghĩa là MC và TT sẽ có được hạnh phúc. Nhưng nếu cái chết chỉ là sự chuyển hoá thành vô tận của sự sống, mối tình MC - TT sẽ là niềm day dứt khôn nguôi...
    Will you do me a favour?
  10. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    cườihaymếu
    Người ta thường nói đến MCTT như một câu chuyện tình cảm động, nhân ái ..v..v.. của người Việt cổ nhưng mà lại quên mất rằng nội dung chính (trong gốc gác hình thành) của nó không nhằm thể hiện cái ấy, nó có "sứ mệnh" gánh vác những ký hiệu văn hoá học và LS hơn là những thông tin cảm xúc, thẩm mỹ. Không rõ văn nghệ dân gian hay chuyện huê tình thu hút sự quan tâm của độc giả hơn nhỉ, hì hì ...
    Là một truyện dân gian ra đời sớm và truyền miệng qua nhiều thế kỷ, MCTT có nhiều dị bản và tớ không dám chắc là cái truyện các bác đang bàn luận hôm nay nó có thật trung thành với "nguyên bản" không, hay những đoạn "hay" nhất, tình củ nhất, nhân văn nhất ... là sản phẩm của lòng nhân ái dân gian bồi đắp thêm lên câu chuyện qua nhiều thế hệ, và một trong những cái đó được các nhà sưu tầm lựa chọn, phổ biến - là cái được in trong SGK mà các bác đang trao đổi ... Hì hì, tớ hiện cũng có một số các dị bản của "câu chuyện tình" thơ mộng này.
    Tiếc là MCTT không phải là một "câu chuyện tình" (tạm coi thế nhá) độc đáo, đặc sắc của người Việt cổ như chúng trông đợi. Mà trái lại, MCTT là một mô típ phổ biến trong văn hoá dân gian của nhiều dân tộc người khu vực Đông Nam Á (tôi muốn nói đến ĐNA dưới góc độ địa lý, không phải khu vực ĐNA chính trị gồm 10 nước Asean hiện nay), thậm chí còn có cả ở Hy Lạp. (Mai kia tớ lục lọi tìm lại ít truyện kiểu này đã sưu tầm được, chắc chắn là có một truyện Tàu, một truyện Thái, một truyện Hy lạp và mấy cái dị bản cùng cái mô hình do mấy vị ngâm kíu VHDG xây dựng các bác đọc chơi).
    Mô típ đó không lấy diễm tình làm mục đích mô tả mà nó phản ánh một hiện thực về sự đấu tranh tranh giành quyền lực giữa các thị tộc, bộ lạc, phản ánh một trình độ tư duy và nhận thức về XH và tự nhiên của loài người trong một giai đoạn LS. Mô típ đó cụ thể như sau:
    Hai lực lượng đánh nhau, một bên có vật thiêng (/ thần linh ...) bảo trợ. Bên kia đánh mãi không được --> hoà hiếu bằng quan hệ hôn nhân --> ở rể ---> ăn cắp vật thiêng (/ làm mất sự thiêng ...) ---> tiêu diệt.
    Yếu tố trung tâm của mô típ truyện này là VẬT THIÊNG và HÔN NHÂN, nó thể hiện khá rõ nét tư duy thần thoại (lối tư duy phổ biến ) và quan hệ huyết thống (quan hệ cơ bản) của xã hội loài người giai đoạn thị tộc - bộ lạc.
    Trong đó nhiều truyện kiểu này có sự xuất hiện chi tiết xây thành trì không thành do một tà lực cản trở và thường được giải quyết bằng sự xuất hiện của SỰ THIÊNG nào đó. Ở MCTT là Thần Rùa (Kim Quy) và sau đó là Móng Rùa thần, ở một số dị bản khác là Gà thần và móng Gà, Ngựa và dấu chân ngựa, Rồng và móng rồng ... , không phải tất cả đều có chi tiết xây thành.
    Một sự kiện nữa hay xuất hiện là cái Chết của bên chiến bại, thường là Vua cha và Con gái và thường có diễn biến bỏ chạy xuống BIỂN hoặc chết tại biển ... (cũng không phải là yếu tố có trong tất cả các truyện).
    Nhưng vấn đề thú vị là tại sao lại chết ở Biển chứ không phải ở một nơi nào khác, tại sao lại Gà, Rùa, Rồng, Ngựa , Trâu ... chứ không phải những loại thánh thần có nhân dạng, tại sao Mỵ Châu lại rắc lông Ngỗng (hoặc lông một loại chim) chứ không phải cách đánh dấu gì khác... Tại sao lại tên Mỵ Châu mà không tên rì khác ... Đấy là những vấn không hoàn toàn ngẫu nhiên mà nó chính là những dấu vết, những ký hiệu của một đời sống xa xưa để lại đến ngày nay qua văn hoá dân gian. Nhờ vào việc giải mã chúng, người ta khám phá LS và văn hoá loài người.
    Những chi tiết mô tả sự tìm về của TT và Trai ngọc MC cứ rực sáng lên mỗi khi rửa bằng nước GIẾNG Trọng Thuỷ (lại một ký hiệu văn hoá) như một biểu tượng của tình yêu bất tử thì theo nhiều nhà nghiên cứu là chi tiết xuất hiện muộn, được thêm vào khá lêu sau này.
    Có lẽ về sau này, khi mà đời sống tinh thần của người Việt ta tiến bộ hơn và người ta cảm thấy cần thiết có sự quan tâm hơn đến những khía cạnh đẹp đẽ khác của tâm hồn thì một cách vô thức (hay ... rất có ý thức), văn học dân gian gánh thêm sứ mệnh bảo toàn cái tinh thần ấy trước LS, "ký hiệu hoá" nó lại, như đã từng ký hiệu và bảo toàn các dấu hiệu văn hoá cổ xưa khác chăng ? Nhờ thế mà bên cạnh những giá trị văn hoá học hết sức quý giá để lại cho ngày nay nó đang tiếp tục mang thêm nhưng thông điệp về sự cao quý, đẹp đẽ của tình người cho cả mai sau ?
    Hì hì, cái này ta đợi sự giải đáp của các chiên ra thì hợp lý hơn. Tớ viết mấy lời dài dòng góp vui là chính. Năm mới chúc sức khoẻ các bác nhá.
    Khóc như thiếu nữ vu quy
    Cười như anh khoá hỏng thi về làng ...
    Will you do me a favour?

Chia sẻ trang này