1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Phim American Beauty

Chủ đề trong 'Sở thích' bởi Guest, 30/04/2001.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Guest

    Guest Guest

    Cảm nghĩ khi xem phim American Beauty



    Bài cuoa Hoàng Haoi Thuoy


    DREAMWORKS
    Kevin Spacey và Annette Bening trong American Beauty cuoa hãng Dream Works.



    Tuần lễ đầu Tháng Tư, khi tôi đến rạp xem American Beauty, phim đã chiếu được 29 tuần trên khoảng 2,000 màn ảnh khắp nước Mỹ; số tiền bán vé thâu được cho đến nay là 116 triệu đô; trong tuần thứ 29 này tiền bán vé trong ba ngày cuối tuần - từ Thứ Sáu đến hết Chủ Nhật - American Beauty thâu được 5 triệu 400 ngàn. Số tiền thâu được của American Beauty tuy khá lớn nhưng nếu so với phim Erin Brokovich đang chiếu trong Tháng Tư này - Julia Robert trong vai chính - thì thua xa: Erin Brokovich chỉ mới trình chiếu trong ba tuần lễ đã thâu được 76 triệu đô.

    American Beauty. Mỹ Đẹp? Đẹp Mỹ? Tôi không thấy trong American Beauty có cái gì đẹp cả, ngược lại tôi chỉ thấy trong đó toàn những chuyện xấu xa, những cái không đẹp. Và tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao một phim không có gì xuất sắc như American Beauty lại được tặng đến năm giải Oscar.

    Đây là truyện phim: Anh chàng Mỹ trung niên có vợ, một con gái, có công ăn, việc làm đàng hoàng. Vợ anh có nhan sắc, làm môi giới bán nhà, con gái anh chưa hết trung học, cô mới mười lăm, mười sáu tuổi. Cô con nữ sinh có cô bạn học đồng tuổi, anh Mỹ gặp cô bạn của con gái, anh "muốn" cô này nhưng anh chỉ muốn ngầm và chỉ mơ dâm bậy bạ thôi, anh không tìm cách làm thỏa mãn lòng dâm của anh với cô bạn học của con gái anh. Không thấy có sự kiện gì làm tan vỡ cuộc sống gia đình yên ổn của anh Mỹ. Đột nhiên anh nói thẳng vào mặt vợ con anh là anh chán họ, họ làm anh thất vọng, anh tuyên bố từ nay ai sống theo ý người ấy, đừng ai để ý đến ai.

    Một gia đình mới dọn đến ở căn nhà bên cạnh. Gia đình này có anh con trai trạc tuổi với Jane, cô con anh Mỹ nhân vật chính của American Beauty. Ricky, tên anh con trai, yêu Jane, anh dùng máy quay phim rình thu hình Jane ban đêm qua khung cửa sổ. Ricky còn đi học nhưng đã là tay bán ma túy chuyên nghiệp. Vừa đi học, vừa bán ma túy Ricky còn đêm đêm đi làm bồi bưng rượu trong những dạ tiệc. Trong một party Ricky gặp anh Mỹ, hai người làm quen. Ricky rủ anh Mỹ ra sau nhà hút cần sa.

    Trong party chị vợ anh Mỹ gặp một anh đồng nghiệp môi giới bán nhà. Với tâm trạng bị chồng chán và cũng chán chồng, chị ngoại tình với anh bạn đồng nghiệp. Anh Mỹ trở thành nghiện cần sa, người cung cấp cần sa cho anh tất nhiên là Ricky. Cùng một lúc với việc nghiện hút cần sa anh Mỹ hì hục đẩy tạ cho thân thể anh đẹp, anh chạy bộ ngoài trời cho anh khỏe hơn. Rồi anh bỏ việc, anh dọa sẽ tố cáo những việc làm phạm pháp của người chủ anh nếu ông này không chịu chi cho anh số tiền anh đòi.

    Anh Mỹ đi làm người bán hàng của Nhà McDonald. Một hôm chị vợ anh đi chơi với nhân tình, loạng quạng lái xe vào đúng Nhà McDonald trong có anh chồng chị đứng bán hàng. Khi chị order bánh, anh Mỹ nghe tiếng nhận ra đó là tiếng vợ anh, khi giao bánh anh bắt được đúng lúc anh tình nhân của vợ anh đang hôn vợ anh trong chiếc xe hơi do vợ anh lái.

    Bắt được bằng chứng chị vợ ngoại tình, anh Mỹ tỉnh queo. Tối về nhà anh vào gara ở trần, đẩy tạ như mọi ngày, vừa đẩy tạ anh vừa hút cần sa, như không có chuyện gì xẩy ra cả. Hết cần sa anh phôn cho Ricky. Ricky mang thuốc sang cho anh. Ông bố của Ricky - không biết anh con hành nghề bán lẻ ma túy - lâu rồi đã nghi anh con làm chuyện gì bậy bạ, rình xem và thấy anh con vào gara với anh Mỹ nhà bên. Ông nghi anh con là "gay, bê đê". Ricky về, bị ông bố đánh và đuổi đi ngay lập tức.

    Ricky từ biệt bà mẹ để ra đi, tội nghiệp bà này, trong toàn bộ phim American Beauty tôi chỉ thấy có mỗi một nhân vật nữ này làm cho tôi thương hại; Ricky sang nhà nói với Jane: "Anh về New York sống. Em đi với anh không?" Jane chịu đi theo. Cô bạn của Jane can đừng đi nhưng Jane cứ đi. Đêm ấy cô bạn của Jane đến nhà ngủ với Jane, nhưng nay Jane đi với Ricky, bỏ cô ở đó một mình, cô không về nhà cô mà cứ ở lại trong nhà anh Mỹ.

    Anh Mỹ thấy cô ngồi trong phòng ăn, vợ anh chưa về, con gái anh đi đâu mất anh chẳng cần biết. Cô nữ sinh chịu anh và cho anh làm. Cô nói với anh:

    - This is my first time.. Đây là lần đầu tiên của em..

    Nghe cô nói thế anh Mỹ không làm tới nữa, anh mặc đồ cho cô, anh an ủi cô mấy câu rồi anh ra nhà ngoài ngồi một mình. Khi anh đang nhìn ngắm tấm ảnh anh chụp với vợ con anh mười mấy năm xưa, khi vợ chồng anh mới lấy nhau, con gái anh mới hai, ba tuổi, chị vợ anh về nhà. Chị kê súng vào đầu anh, chị nổ súng và anh Mỹ American Beauty ngã ra chết, máu tươi từ đầu anh chẩy ra đầy mặt bàn.

    Khi định viết những cảm nghĩ của tôi về phim này tôi nghĩ: "Mình dùng những tiêu chuẩn đạo đức Á đông Khổng Mạnh để phê phán một phim xi-nê Mỹ được thực hiện vào năm 2000 liệu có nên chăng?" Rồi tôi lại nghĩ: "Đạo đức là đạo đức chung. Không có đạo đức Á đông và đạo đức Tây phương. Con ngườii sống ở nơi nào, mầu da nào cũng tuân thủ những quy tắc đạo đức giống nhau: không trộm cắp, không tà dâm, không ham muốn vợ chồng người, không giết người, vợ chồng phải yêu thương nhau. Khi kết hôn người Á đông không công khai nói lên lời hứa vợ chồng sẽ yêu thương nhau mãi mãi, trọn đời, sẽ sống với nhau trong yên vui cũng như trong hoạn nạn, trong mạnh khỏe, trong đau yếu như người Tây phương. Người Tây phương nói lên những lời tự nguyện ấy khi họ kết hôn. Họ hứa mà họ không giữ lời hứa, ta chỉ trích họ được chứ? Ta đứng trên căn bản đạo đức phê phán phim American Beauty được chứ, sao lại không nên?"

    Tôi vẫn quan niệm một tác phẩm nghệ thuật giá trị phải làm cho người thưởng ngoạn thấy yêu quí cuộc sống, thấy quý trọng cõi đời hơn, kính trọng loài người hơn, tin tưởng hơn ở việc con người có những cái tốt và ở đời này cái tốt nhiều hơn cái xấu.. American Beauty làm cho tôi chán nản. Tôi thắc mắc: "Sao một phim như thế lại được đặt tên là American Beauty? Là American Ugly mới phải chứ?" Và tại sao một phim như thế lại được đến những năm Tượng Vàng Oscar? Phim hay nhất, đạo diễn giỏi nhất, thu hình đẹp nhất, có tính chất điện ảnh nhất và diễn viên nam xuất sắc nhất.

    Chuyện phim dở ẹt. Việc nhân vật chính tự dưng dở chứng, phá thối, hành động không giống con giáp nào là chuyện không được tự nhiên, không thuyết phục được khán giả, chị vợ anh Mỹ xinh đẹp, có duyên, biết điều, chịu làm việc và kiếm được tiền, khán giả thấy không có lý do gì để anh chán chị. Chuyện diễn ra quanh quẩn trong mấy căn nhà. Annette Benign, trong vai chị vợ, diễn khá nhất, Kevin Spacey, nam diễn viên được Oscar về diễn xuất, và ba diễn viên trẻ không có gì đáng kể.

    Tôi kể vài nhận xét mà tôi cho là khuyết điểm của tác giả kịch bản và của đạo diễn phim American Beauty, những chuyện nhỏ thôi nhưng những chi tiết nhỏ làm thành tác phẩm lớn. Người viết truyện phim hay, nhà đạo diễn tài ba không mắc những khuyết điểm nhỏ, không để những chuyện, những cảnh không đúng sự thực trong tác phẩm của mình.

    Chị vợ hành nghề môi giới bán nhà, đạo diễn cho chị làm đẹp căn nhà chị sắp bán bằng cách leo lên thang quét bụi quạt trần, lau chùi cửa kính, đánh bóng nhà bếp, hút bụi. Một mình chị không làm được việc dọn dẹp, sửa sang, làm đẹp cả một căn nhà. Nhà Mỹ nhỏ nhất cũng là năm phòng, trong có hai phòng ngủ, không phải nhà chỉ có một cái quạt trần, một phòng, một bếp để một người đàn bà không quen làm công việc chân tay có thể xoay trần ra mà làm. Tòa nhà chị bán là nhà lớn vì có hồ bơi, một mình chị có nai lưng dọn bẩy ngày tòa nhà cũng không sạch. Lao động rẻ tiền công một giờ 5 đô thiếu gì. Chị Mỹ không thể một mình làm được việc dọn dẹp, làm đẹp đó, không phải chị cứ muốn làm là được.

    Anh Mỹ đẩy tạ trong nhà gara, cửa gara là cửa kéo lên, hạ xuống bằng máy điện tử điều khiển từ xa; cửa đó là cửa sắt, cửa đó không thể có ô kính như cửa gara trong phim American Beauty. Dù cho cửa gara có ô kính đi nữa người bên ngoài cũng không thể nhìn qua ô kính ở trên cao vào trong gara, như chị vợ anh Mỹ và ông láng giềng đứng ngoài nhìn vào.

    Thành phố Mỹ dù nhỏ cũng có ít nhất năm, bẩy nhà MắcĐôNô, chị vợ đi với tình nhân ghé vào nhà MắcĐôNô nào không ghé, ghé ngay vào nhà MắcĐôNô anh chồng chị đứng lấy order và giao bánh. Thôi thì nói rằng vì ma dẫn lối, quỷ đưa đường cũng tạm được đi, nhưng tình cờ, ngẫu nhiên cũng chỉ một lần thôi, tình cờ, ngẫu nhiên đến hai lần liền một lúc thì người xem có quyền nghi là rởm. Chị vợ đi với tình nhân đến nhà MắcĐôNô có anh chồng đã khó xẩy ra rồi, anh tình nhân lại nhào người sang ôm hôn chị đúng lúc xe kề đến chỗ lấy bánh để anh chồng trông thấy làm cho người dễ tin nhất cõi đời này cũng phải khó tin. Nếu chị vợ không bị tình nhân hôn đúng lúc chị dừng xe trước mặt anh chồng thì việc chị đi chung xe với anh đàn ông cùng nghề không phải là một bằng chứng để anh chồng có thể kết chị vào tội ngoại tình.

    Chị vợ ngoại tình thấy anh tình nhân thích chơi súng, thích bắn súng, chị trở thành người thích chơi súng, thích bắn súng. Chị đi học bắn súng, chị mua súng, không phải khẩu súng nhỏ của đàn bà mà là khẩu súng to tổ bố, trông như khẩu Côn Đui, để rồi khi bị chồng bắt gặp chị ngoại tình, oan uổng nỗi gì mà chị nghiến răng, nghiến lợi nói đi, nói lại câu:

    - I refuse to be a victim..! Tôi không chịu là nạn nhân.

    Chị lái xe về nha, kê súng sát đầu anh chồng và chị bóp cò.

    Người bị đạn bắn vào đầu vết thương cũng chẩy máu nhưng tương đối ít. Đạo diễn cho anh chồng bị súng bắn sát ngay đầu mà mặt mũi còn nguyên, đầu không bể, nhưng máu ra nhiều quá, lênh láng trên mặt bàn, chẩy xuống sàn, phải ba, bốn lít máu chứ không ít.

    Vô luân nhất là cảnh em nữ sinh nói với anh đàn ông ông bố của bạn em, anh đàn ông sắp làm thịt em: "This is my first time.." như em có lỗi, như em khổ sở nói: ".. Xin lỗi... Em hãy còn trinh.." Cảnh này, lời này đúng là phi-ní lô đia: hết nước nói.

    Phim Indecent Proposal, một phim chiếu trước đây ba, bốn năm, là một phim ăn khách và cũng là một phim vô luân cao độ. Vợ chồng anh Mỹ cần tiền làm nhà, xoay ít vốn đưa nhau đến sòng bạc đánh ru-lét với hy vọng có đủ 50,000 đô làm nhà. Đến sòng bạc đánh bạc với hy vọng ôm tiền về nhà..? Đời xưa, đời này, đời sau, đời nào cũng vậy con nít lên ba nó cũng không ngu đến cái nước ấy. Trong sòng bạc chị vợ gặp anh tỉ phú đẹp trai, hào hoa, phong nhã. Tỉ phú thiếu gì đàn bà đẹp nhưng tỉ phú lại khoái chị vợ anh Mỹ hơi đần có vợ đẹp mà lại thiếu tiền, đang cần tiền, tỉ phú đề nghị:

    - Đi với tôi một đêm, tôi chi một triệu đô.

    Anh chồng bằng lòng cho chị vợ đi, anh còn ghen tuông, còn đau khổ gì nữa? Chị vợ cũng nỉ non trên gối với chồng:

    - Mình cần tiền, mình để em đi. Em muốn giúp mình...

    Còn gì để nói nữa? Sợ tỉ phú hứa rồi phe lờ, không chi, mất cả chì lẫn chài, lỗ lớn - chơi với nhà giầu là phải cẩn thận - anh chồng nhờ anh bạn luật sư bắt tỉ phú phải ký hợp đồng. Tỉ phú ký, anh chồng giao vợ rồi cùng anh bạn luật sư ngồi uống bia trong bar của khách sạn. Bỗng dưng anh nổi cơn đạo đức, anh thấy anh không thể để vợ anh đi như thế được, anh vùng lên anh chạy trở lại phòng tỉ phú để đòi vợ về. Khán giả kém thông minh nhất cũng biết anh có ba chân, bốn cẳng chạy vắt giò lên cổ cũng không còn kịp nữa, tỉ phú nó đã đưa vợ anh đi khỏi khách sạn rồi. Đúng vậy. Tỉ phú đưa chị vợ đi bằng trực thăng bốc từ nóc khách sạn, anh chồng đứng ngẩn ngơ trông theo. Mất vợ - tất nhiên là anh mất rồi, anh mất là chuyện đúng thôi, bán vợ lấy tiền anh không mất vợ mới là chuyện lạ - anh bán vợ anh cho thằng khác, anh còn cay đắng, than vãn, thiệt thòi, ghen tuông gì nữa?

    Một phim vô luân nữa là phim The Bridges of Madison County. Chuyện như vầy: chị đàn bà kia ở tỉnh nhỏ, có chồng, có con đàng hoàng. Ông chồng làm ăn lương thiện, thuộc loại không phong tình, phong nguyệt gì. Chồng đi dự cuộc hội thảo xa, cả tháng vắng nhà, con trai đi học xa, chị Mỹ ở nhà một mình. Hôm ấy buồn tình chị đang đứng cửa thì có anh Phó Nhòm - tức Thợ Chụp Ảnh, lại một tên nữa là Phó Nháy - lái cái xe pick-up đi ngang. Phó Nháy dừng xe hỏi thăm đường đến một cây cầu trong vùng để chụp ảnh đăng báo - đăng Tạp chí The National Geographic đàng hoàng - chị vợ không những chỉ sốt sắng chỉ đường bằng miệng, chị còn tong tong xách cái chỗ để ngồi của chị lên xe với anh đàn ông lạ hoắc, để đích thân chỉ đường cho Phó Nháy đến cây cầu. Việc lên xe với đàn ông lạ là việc đến bà già Mỹ chín mươi cũng không làm, bởi vì làm như thế là mời nó hiếp dâm, nó không muốn hiếp nó cũng phải hiếp, nó hiếp rồi nó bóp cổ chết nó vùi xác ở đầu bờ, góc bụi nào đó. Chị Mỹ trong phim The Bridges of Madison County đã làm cái việc không người đàn bà Mỹ nào làm, kể cả những người kém thông minh nhất.

    Và thế là chỉ hai, ba ngày sau chị Mỹ đưa Phó Nháy vào nằm với chị trong chiếc giường của vợ chồng chị. Chẳng biết mô tê gì cả về đời tư, lý lịch, hạnh kiểm của Phó Nháy giang hồ, chị phăng phăng yêu Phó Nháy. Phó Nháy muốn cùng chị tay nắm tay dắt nhau đi đến những nơi cuối bãi, đầu ghềnh, sơn cùng, thủy tận để sống và yêu nhau, nhưng chị Mỹ không đi; chị ở lại với chồng chị. Hôm Phó Nháy hẹn chị ra đi, trời mưa, chị ngồi trong xe bên ông chồng cầm lái, đi ngang chỗ hẹn chị nhìn thấy Phó Nháy đứng chờ chị dưới mưa. Tội nghiệp chị khóc quá, chị khóc nước mắt còn nhiều hơn nước mưa trong cả thành phố. Cũng tội nghiệp ông chồng chị, vợ ông ngồi ngay trong xe bên ông, vợ ông đau khổ, vợ ông khóc thế mà ông cứ lái xe tỉnh queo, ông chẳng thấy gì lạ, dường như ông không biết là vợ ông khóc.

    Cuộc tình Cầu Cống Quận Madison dở dang. Ngày tháng qua - những ngày như lá, tháng như mây - ông chồng đau bệnh già, nằm liệt - ông sắp về quê - chị Mỹ có tuổi, tóc chị chưa bạc, chỉ mới ngả mầu tiêu sám, đêm khuya chị ngồi bên giường ông chồng, chị nghe tiếng gió rên rỉ bên ngoài, tiếng lá khô xiết trên mặt xi-măng. Đến đoạn này nhiều bà già khán giả cảm động, sụt sịt khóc và hỉ mũi soèn xoẹt. Nghe tiếng sụt sịt và tiếng hỉ mũi của mấy bà Mỹ già tôi muốn nói với mấy bà:

    - Mấy bà khóc ký gì? Mấy bà thương chị Mỹ vì chị Mỹ ở lại với chồng, chị Mỹ không đi theo Phó Nháy ư? Mèn ơi.. Chị Mỹ có không đi theo Phó Nháy thì chị mới còn sống để viết chuyện tình của chị để lại cho con cháu, thì chị mới còn được ngồi bên giường ông chồng lúc ông sắp ra đi, chị mà đi theo Phó Nháy sang Miami hay San Francisco thì giờ này thân xác chị đã nát từ lâu ở gậm cầu, ống cống nào rồi. Đi theo Phó Nháy chị chỉ từ chết đến chết. Ở đấy mà khóc...

    Phim The Bridges of Madison County thực hiện theo tác phẩm tiểu thuyết cùng tên của - hình như - một nhà văn nữ. Tiểu thuyết được khen là một truyện tình đẹp, phim - do bà Đào Già Merryl Streep miệng méo méo và Kép Lão Clint Eastwood mặt xếp pli trong hai vai chánh - được kể là phim hay. Tôi thấy lạ là không một ai để ý đến chuyện vô luân lý, vô đạo đức không thể ca tụng và chấp nhận được của những bộ phim tôi vừa kể. Nhưng đâu có phải người dân Mỹ nào cũng sống vô luân như những nhân vật trong những phim American Beauty, Indecent Proposal, The Bridges of Madison County..! Phim Mỹ cũng có nhiều phim đề cao đạo đức, tình người lắm chứ.




    ON AND ON AND ON
  2. batistava

    batistava Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/02/2001
    Bài viết:
    1.149
    Đã được thích:
    0
    Phim này mà chiếu ở VTV3 thì chắc là bị cắt chi chít , phải ko bác ?
    DTP

Chia sẻ trang này